Chương VII
Tác giả: Hồ Biểu Chánh
Thằng Tý với con Quyên được ở chung một nhà rồi, mà lại ở nhằm nhà nhơn đức, thì chẳng có việc chi lạ mà phải tả cho dài.
Bữa nào bà Hương quản cho con Quyên hoặc bánh, hoặc trái cây, thì nó ăn phân nửa mà thôi, còn phân nửa nó ca củm dấu để dành đặng tối nó lén cho anh nó ăn.
Trong một vài tháng Hương thị Tào xuống thăm hai cháu một lần, mà hễ lâu xuống thì sắp nhỏ xin phép bà Hương quản rồi dắt nhau về mà thăm ông.
Tuy hồi mới để cho con Quyên ở, Hương thị Tào không chịu lấy tiền, song cách ít tháng sau bà Hương quản đưa năm chục đồng bạc, bà nài nỉ ép quá, nên Hương thị Tào phải lấy.
Thằng Tý mỗi năm bà Hương quản trả thêm tiền công cho nó năm ba đồng hoài, mà trả bao nhiêu nó cũng giao hết cho ông ngoại nó, chớ nó không chịu lấy mà xài đồng nào.
Nó ở cho tới nó được hai mươi tuổi. Ông ngoại nó già yếu nên đau hoài. Nó thấy vậy mới xin bà Hương quản cho nó thôi, đặng nó về nhà nuôi dưỡng ông ngoại nó. Bà Hương quản mướn nó ở trong nhà trọn tám năm bà biết tánh nó thiệt thà siêng năng, không chơi bời, không gian giảo, nên bà cho nó thôi, mà bà còn cho nó mướn năm chục công đất và bà giúp cho nó mượn năm chục đồng bạc để làm vốn mà làm ruộng ấy.
Hương thị Tào nhờ cháu ở đợ mấy năm, ông lấy tiền nên ông hết túng rối, mà chừng thằng Tý trở về, ông lại có dư trong nhà được ba bốn chục đồng bạc. Ông đưa hết số bạc ấy cho cháu. Thằng Tý không lấy, ông không chịu, túng thế nó phải lấy mà nhập với năm chục đồng bạc của bà Hương quản cho mượn đó để mướn công phát công cấy.
Thằng Tý ở trong nhà làm ruộng được tám năm, nó thông thạo nghề ấy lắm. Năm đầu nhờ trúng mùa, nhờ chủ ruộng cho mướn rẻ, mà lại nhờ lúa phát giá nữa, nên nó có dư được vài trăm đồng bạc. Nó đem trả năm chục đồng bạc lại cho bà Hương quản. Bà muốn cho nó mượn nữa, mà vì nó nói nó có vốn đủ rồi, nó không chịu lấy, nên bà phải thâu mà cất.
Nó làm ruộng mới vài mùa, mà đã dư tiền, mua được một đôi trâu. Nó thấy ông ngoại nó đã già yếu, lại buôn bán nhỏ nhỏ không lời bao nhiêu, nên nó dẹp quán, rồi hỏi đất của bà Hương quản ở đầu dưới xóm Dồng Ké, dỡ nhà về đó cất rộng hơn mà ở, đặng có chỗ cầm trâu, đạp lúa.
Người ở trong làng trong xóm thấy thằng Tý nhỏ tuổi mà biết lo làm ăn, lại có bà Hương quản đỡ đầu, chắc trong ít năm nó sẽ làm giàu được, nên ai cũng muốn gả con, hoặc gả em cho nó. Chẳng hiểu vì cớ nào hễ nó nghe ai nói tới chuyện cưới vợ, thì nó xụ mặt chau mày rồi bỏ đi chỗ khác.
Có một bữa nó xuống thăm bà Hương quản với con Quyên, bà Hương quản thình lình hỏi nó rằng:
- Tý, tao nghe họ nói mầy kén vợ lắm, con ai mầy cũng chê hết thảy, thiệt có như vậy hay không?
- Thưa bà tôi có dám chê ai đâu.
- Không chê, sao mà đã hai mươi ba, hai mươi bốn tuổi rồi lại chưa chịu cưới vợ?
- Thưa, tại tôi không muốn vợ, để ở như vầy đặng nuôi ông ngoại tôi.
- Vậy chớ có vợ rồi mầy nuôi ông ngoại mầy không được hay sao?
- Thưa, cũng được. Mà đàn bà con gái đời nầy kỳ cục lắm, cưới họ về mà mang khốn chớ có ích gì.
- Sao vậy?
- Tôi thấy vợ của họ ăn no xách đít đi chơi hoài, rồi còn sanh sứa lấy trai nữa, hễ họ nói nó chửi tướp lên đầu, tôi ghê quá nên tôi không thèm cưới vợ.
- Thằng nầy nó nói kỳ quá! Đàn bà con gái có đứa nên đứa hư, chớ hư hết hay sao. Mầy lựa đứa thiệt thà mà cưới, ai biểu cưới đồ tầm bậy làm chi.
- Thưa, biết ai tử tế mà lựa.
- Thiếu gì. Để thủng thẳng tao kiếm cho.
- Thôi, đừng có kiếm, bà.
- Sao vậy?
- Tôi không muốn có vợ, khó lòng lắm.
- Mầy tu hay sao?
- Thưa, không phải tôi tu, tôi sợ có vợ rồi lộn xộn lắm, nên tôi không dám.
- Ế! Nói bậy nà! Lộn xộn cái gì? Để tao kiếm chỗ tử tế rồi tao nói dùm cho. Đừng có cãi. Phải cưới vợ đặng nó lo cơm nước cho mà ăn chớ.
Thằng Tý nó nghe bà Hương quản rầy, nó không dám cãi, nhưng mà bộ nó coi không vui.
Đó, trong khoảng mấy năm đã qua rồi, chuyện thằng Tý chỉ có bấy nhiêu đó mà thôi.
Bây giờ phải thuật tới chuyện con Quyên.
Con Quyên ở với bà Hương quản trong ba năm đầu chẳng có việc chi lạ, bà cứ thương yêu nó, nó lo phục sự bà.
Chừng nó được mười một tuổi, có một thầy giáo gốc ở Gò Ân, xuống Phú Tiên xin ở đậu nhà Hương thân Lái, rồi mở trường tư mà dạy con nít trong xóm học.
Bà Hương quản Tồn vốn là người ham cho con đi học, ngày trước bà ép cậu ba Giai không được, bà lấy làm tức giận vô cùng. Hôm nay bà nghe có thầy giáo khai trường mà dạy một bên nhà, thì bà mừng nên bà cho con Quyên đến đó mà học, mà bà lại dặn thầy giáo dạy cho cần, muốn ăn tiền thêm bà trả cho.
Con Quyên mới học một năm thì chữ quốc ngữ nó viết mau, mà nó đọc cũng lẹ. Bà Hương quản đắc ý lắm, bà đi Vĩnh Long mua các thứ thơ với truyện mà để trong nhà, rồi tối tối bà biểu con Quyên đọc cho bà nghe. Bà nghĩ cho con Quyên học, bà không thất công tốn của bao nhiêu, mà bây giờ nó giúp vui cho bà được, bởi vậy bà muốn cho nó học thêm nữa, học hoài chừng nào hết chữ của thầy giáo mới thôi. Tiếc thay! Thầy giáo mới dạy được một năm rưỡi rồi thầy mích lòng sao với thầy giáo trường làng Dồng Ké đó không biết, thầy sợ người ta kể thầy dạy lậu, thầy bị tội, nên thầy thôi dạy, từ giã cha mẹ học trò mà trở về xứ sở.
Bà Hương quản tức giận, ngày trước đứa đi học được lại không chịu học, bây giờ đứa ham học lại không có thầy, bà nhắm nghía muốn đem con Quyên mà gởi ở nhà quen trên Vũng Liêm cho nó học. Bà muốn như vậy, mà rồi bà nghĩ nếu con Quyên đi học xa, thì còn ai hôm sớm hủ hỉ với bà, bởi vậy bà muốn mà bà không làm được.
Mà bà Hương quản không cho con Quyên đi học chữ nữa được, chớ bà bắt nó ở nhà bà cũng không chịu để nó ở không.
Bà tính dạy cho nó có đủ nữ công nữ hạnh. Bà mới chịu khó chỉ cho nó tập may áo may quần, dạy cho nó biết làm bánh bò bánh men. Thường thường bà hay sửa bộ đi bộ đứng, cách nói cách cười cho nó, bà tỏ vẻ chỗ tốt, chỗ xấu, bà cắt nghĩa chỗ hư chỗ nên cho nó hiểu. Nhờ bà dày công dạy dỗ tập rèn, nên chừng con Quyên được mười sáu mười bảy tuổi thì công ngôn dung hạnh mọi bề đều vẹn vẻ. Đã vậy mà nó càng lớn thì nhan sắc càng thêm xinh đẹp, nước da trắng nõn, gò má ửng hồng, môi đỏ như thoa son, răng đều như hột bắp. Ở trong làng những người giàu có mà có con trai, ai thấy nó cũng ngắm ghé trầm trồ, hiềm vì nó không phải tôi tớ, mà cũng không phải con nuôi của bà Hương quản nên ai nấy đều dụ dự, không ai chịu bước tới.
Một bữa nọ, nhằm tiết tháng bảy, trời mưa lu ầm lu ì. Ngoài đồng nông phu làm lăng xăng, người thì lo phát cỏ, kẻ thì lo trục đất. Mấy đám mạ gió thổi dợn sóng vàng, trong hào ấu, trái già cuốn lá đỏ đỏ.
Hai vợ chồng cô hai Phiên về thăm bà Hương quản. Lối nửa chiều, bà Hương quản nằm ngửa trên ván và xổ đầu cho con Quyên nhổ tóc ngứa. Thầy thông Cam với cô Phiên đương ngồi bên bộ ghế trường kỷ mà ăn ổi. Thình lình cô hai Phiên nói với mẹ rằng:
- Thằng Ba bây giờ nó ở trên Sài Gòn, má à.
- Thằng Ba nào?
- Thằng Giai.
- Nó ở đâu thây kệ nó, nói với tao làm chi?
- Cô hai Phiên liếc mắt ngó thầy thông Cam rồi hai vợ chồng chúm chím cười. Cô nín thinh một lát rồi cô nói nữa rằng:
- Bây giờ nó có vợ rồi, coi bộ nó chí thú làm ăn quá.
- Cha chả! Có vợ nữa há!
- Nó kiếm con ai đó không biết, bộ cũng dễ coi.
- Đồ đĩ đâu đó, chớ người tử tế ai mà thèm nó.
- Tôi không hiểu. Hôm trước nó có xuống nhà tôi...
- Xuống làm gì? Tao đã có dặn hễ nó có tới thì lấy chổi cùn chổi quét mà quơ nó ra, đừng cho nó vô nhà. Mầy có đuổi nó hôn?
- Má giận nó, chớ vợ chồng tôi có cái gì giận nó đâu mà đuổi nó cho được.
- Mầy cho nó lân la tới nhà rồi đây nó lấy đồ mầy hết đa, nói cho mà biết.
- Má nói quá! Bây giờ nó lớn rồi, nó phải biết phải biết quấy, chớ phải như hồi nhỏ hay sao.
- Ừ, thứ đồ du côn, ăn cướp, nhắc tới nó tao ghét quá.
- Bây giờ coi bộ nó biết lỗi rồi. Bữa hổm nó xuống nó khóc, năn nỉ với vợ chồng tôi quá. Nó nói hồi nhỏ nó khờ dại ham chơi, không chịu học, cứ ăn cắp tiền của má mà xài bậy bạ, làm cho má nhọc lòng. Bây giờ nó khôn lớn rồi, nó biết nó làm như vậy thì là lỗi với má lắm. Nó mượn vợ chồng tôi về thưa với má cho phép nó về nó lạy má mà xin lỗi, rồi vợ chồng nó ở với má.
- Ối! Thôi thôi! Tao với nó không còn tình mẹ con gì nữa. Nó đừng có về đây mà chọc giận tao. Tao đã nhứt định từ nó rồi. Tao nói cho vợ chồng bây biết: Ngày nào tao chết, bây cũng đừng cho thằng quỉ đó hay; nếu bây cãi lời tao bây cho nó về đây, nè, tao bứt néo đa. Tao nghĩ lại cha bây thật là vô phước. Đầu đuôi có một thằng con trai, mà nó hoang đàng làm xấu hổ cho tông môn không biết chừng nào.
- Nó ham chơi, chớ nó làm giống gì đâu mà xấu hổ?
- Cho học không chịu học, ở nhà lại ăn cắp tiền của cha mẹ, làm như vậy là xấu hổ, chớ mầy muốn nó làm sao nữa, hử?
- Phải, hồi nhỏ nó dại, nó làm quấy như vậy, mấy năm nay má giận má bỏ nó cực khổ, thì phạt nó đã vừa rồi; bây giờ nó ăn năn nó xin má tha lỗi cho nó, thôi má hỷ xả đặng cho nó về ở hủ hỉ với má thì tốt hơn.
- Tao không cầu. Vợ chồng bây ở xa, tao có con Quyên nó lo bữa cơm bữa nước cho tao thì đủ rồi. Vậy chớ gần mười năm nay không có nó, tao lại chết mấy thây?
- Má làm như vậy họ nói chớ.
- Nói giống gì? Nói làm sao?
- Họ nói con má đẻ mà má không thương, má bỏ bù lăn, bù lóc, không đủ cơm mà ăn, không có áo lành mà bận...
- Họ nói thây kệ họ. Thuở nay tánh tao như vậy đó đa. Tao có của, thà là tao để cho người dưng ăn, chớ thứ con ngỗ nghịch cho ăn uổng lắm.
Cô hai Phiên nghe mẹ nói như vậy thì sắc mặt cô buồn xo, cô đứng dậy bỏ đi ra nhà sau. Thầy thông Cam đốt một điếu thuốc mà hút và nói rằng:
- Xin má xét lại, chớ má nói như vậy thì tội nghiệp cho thân thằng Ba.
- Nó làm quá bụng tao rồi, không còn gì nữa mà tội nghiệp.
- Thằng Ba nó là con trai, mà má không cho về đây, thì vợ chồng con về làm sao được.
- Sao bây về không được?
Thầy thông Cam nín khe, không trả lời.
Thầy đi lại đứng dựa cửa mà ngó mông ra sân. Nãy giờ con Quyên ngồi tằn mằn nhổ tóc ngứa cho bà Hương quản, nó nghe đủ mọi điều, song nó không chen vô mà nói một tiếng chi hết.
Vợ chồng cô hai Phiên ở chơi vài bữa rồi dắt nhau về Mỹ Tho. Chẳng hiểu cô nói lại với cậu ba Giai làm sao, mà cô về chừng một tuần lễ, thì cậu ba Giai gởi cho bà Hương quản một cái thơ.
Bà Hương quản biểu con Quyên mở thơ ra đọc cho bà nghe.
Trong thơ cậu ba Giai chỉ năn nỉ xin lỗi với mẹ mà thôi, chớ cậu chẳng dám phiền trách mẹ chút nào hết.
Song khúc sau chót cậu có viết mấy câu nầy:
“Phận làm con bất hiếu nên má giận má từ. Con cam chịu, chớ không dám phiền trách má.
Con tức một điều nầy, là cha mẹ giàu có mà con ruột không được nhờ, còn người dưng đặc sệt ở đâu không biết, họ lại chen vô họ hưởng. Thuở nay người ta thường nói: Tay cắt tay bao nỡ, ruột cắt ruột bao đành.
Đã biết con làm quấy, tự nhiên má giận, mà mẹ giận con bất quá giận đôi năm rồi thôi, chớ không lẽ bỏ đứt được.
Hôm nay má nhứt định đoạn tình mẫu tử mà cấm biệt không cho con về nhà, dầu đến ngày má nhắm mắt mà theo ông theo bà, con cũng không được léo tới mà cư tang báo hiếu nữa.
Má là một bà mẹ hiền đức, có lẽ nào con má đẻ mà má nỡ thù oán đến thế.
Con biết rồi: Ấy là tại có người thân cận với má, họ nhơn má thương yêu họ, họ kẻ ra kẻ vô, họ vì mối lợi mà họ làm cho mẹ con ta lìa nhau, nên mới ra cớ sự như vậy. Thôi, cái tuổi của con không được gần má, không được phụng sự má, không được hưởng nhờ của phụ ấm, thì con cam chịu con đâu dám buồn.
Con rất vui lòng mà nhượng phần ăn của con cho người dưng họ hưởng, theo như ý má muốn. Má sanh con ra rồi má nuôi cho con nên vai nên vóc, công ơn ấy đã nặng nhiều rồi, con đâu dám đèo bồng chi nữa. Tấm thân con trôi sông lạc chợ, ăn quán ngủ đình, con chẳng xá gì. Con buồn là buồn phận má già yếu rồi, mà con không được gần đặng hầu tô nước chén cơm đó mà thôi, chớ gia tài sự nghiệp dầu má có để cho ăn, hay là má định cho người dưng hưởng con cũng vui lòng luôn luôn, sự ấy con chẳng hế để ý đến. ”
Bà Hương quản nghe đọc mấy câu, tuy bề ngoài đủ lễ nghĩa, song bề trong có ý gay gắt như vậy, thì bà giận căm gan, còn con Quyên đọc tới đó thì nó ứa nước mắt. Con nọ đọc dứt rồi, bà bèn óng tiếng nói om sòm rằng: “Nó còn nói gay gắt để tao làm cho nó biết chừng. Thuở nay tao nuôi con Quyên tao thương thiệt; mà con nhỏ ở với tao, có lo miếng ăn miếng uống cho tao, có hầu hạ tao, nó có kẻ vạch nói ra nói vô tiếng gì đâu, sao nó ghét con nhỏ, rồi kiếm lời nói cay nói đắng như vậy. Nó có lỗi mà nó không ăn năn, lại trở oán người khác. Nó muốn như vậy để tao lên Tòa, tao làm tờ từ nó, rồi tao nhìn con Quyên là con của tao, tao chia gia tài cho con Quyên, thử coi nó làm sao tao cho biết mà”.
Con Quyên nghe bà nói như vậy thì nó khóc mướt. Bà hỏi tại sao nó khóc, thì nó thưa rằng:
- Bẩm bà, cậu Ba nói đó phải lắm, xin bà chớ nên giận cậu.
- Phải cái gì? Sao mà mầy nói phải? Tao banh da xẻ thịt mà sanh ra nó. Chừng nó trộng rồi, tao biểu nó đi học, đặng ngày sau nó hay chữ, khỏi bị người ta lường gạt hiếp đáp, chớ phải tao bắt nó làm việc gì ích lợi cho tao hay sao. Nó không chịu học, cứ lo xài tiền hoài. Tao giận tao bắt nó về. Tao tính nó không chịu học, thôi để nó ở nhà lo vợ cho nó, rồi tập cho nó làm ruộng. Nếu nó muốn nên người như người ta, thì nó lo làm ăn, làm cho có tiền có lúa cho nhiều, rồi sau nó làm làng làm tổng cũng tốt. Té ra về nhà nó không chịu coi sóc việc gì hết rồi lại ăn cắp mấy ngàn đồng bạc mà trốn nữa. Nó làm như vậy là phải lắm há?
- Bẩm bà, hồi nhỏ cậu Ba chưa đủ trí khôn, nên cậu Ba mới làm như vậy. Bây giờ cậu biết ăn năn, nếu bà không tha lỗi cho cậu, thì tội nghiệp cho thân cậu, mà phận con đây cũng mang tiếng nữa.
- Mang tiếng nỗi gì mà mầy sợ?
- Bẩm bà, bà thương con, bà biểu con ở với bà gần mười năm nay, bà dạy dỗ con, bà cho con ăn mặc tử tế. Cái ơn ấy dù ngàn năm, con cũng chẳng dám quên. Xin bà nhớ lại đó mà coi, mỗi lần bà nói việc nhà thì con lặng thinh mà nghe, bà nói sao con hay vậy, cớ con có dám nói chi đâu. Ngày nay cậu Ba nghi tại con mà bà không thương cậu, tuy là cậu lầm, song con nghĩ cậu nghi cũng có lý lắm. Theo thói thường ai mà được bà yêu như con đây, thì tự nhiên họ òn ĩ làm bà ghét cô Hai cậu Ba hết thảy, đặng bây giờ có nhờ nhỏi, rồi ngày sau không biết chừng bà cho bạc vàng, ruộng đất mà hưởng trọn đời. Con không có làm quấy, con không có bụng tham thì con biết, chớ người ngoài ai biết được cho con, bởi vậy nếu bà không tha lỗi cho cậu Ba, thì con xốn xang trong lòng; mà bà còn đi từ cậu Ba nữa, thì chắc là con chịu tiếng dị nghị của thiên hạ không nổi.
- Hứ! Con của tao, đứa nào phải tao nhìn, đứa nào quấy tao từ; ruộng đất của tao, tao muốn cho ai ăn tao cho, mắc mớ gì thiên hạ mà họ dị nghị. Ví dầu họ có nói tiếng gì đi nữa, bất quá là họ ganh ghét, họ nói bậy chớ chết ai mà sợ.
- Bẩm bà, không phải họ nói mà chết ai được, nhưng vì tánh con không muốn mang tiếng chi hết, nên xốn xang chịu không được đó mà thôi chớ.
- Tao giận thằng quỷ đó lắm, nếu tao để cho nó về đây nó ở, tao chịu sao được.
- Cậu ham chơi nên phá tiền, chớ có làm điều gì quấy lắm đâu mà bà giận dữ vậy. Xin bà xét lại, bà có một mình cậu là con trai, nếu bà bỏ biệt cậu thì cũng tủi bụng cho ông dưới cửu tuyền lắm chớ.
Bà Hương quản nghe con Quyên nhắc tới ông, thì bà ngồi suy nghĩ. Bà rót nước mà uống rồi bà thở dài mà nói rằng:
- Cha nó với tao thiệt là vô phước. Đầu đuôi sanh có một thằng con trai, mà mắc đồ ác nghiệt quá. Nếu tao dùng dằng, tao không từ nó, thì ngày sau tao phải chia ruộng đất cho nó. Mà chia ruộng đất cho nó có ích gì; chia sớm mơi thì chiều nó bán liền, chớ nó ăn uống gì được mà chia cho uổng.
- Theo thơ cậu nói đó thì cậu là người biết điều lắm. Không biết chừng mà cậu bỏ nhà mà đi mấy năm nay, cậu thấy nhơn tình thế thái, cậu đã đổi tánh nết. Bây giờ cậu lớn tuổi, cậu hiểu biết cha mẹ làm đổ mồ hôi xót con mắt mới có đồng tiền, có lẽ nào cậu nỡ lãng phí như hồi nhỏ nữa.
- Thiệt tao muốn từ nó lắm, ngặt vì làm như vậy thì tội nghiệp cho tông môn cha nó, nên tao không nỡ.
Bà Hương quản nói tới đó rồi bà chảy nước mắt, nói không được nữa.
Con Quyên thấy bà đã xiêu lòng, tính thủng thẳng rồi sẽ nói nữa, chớ không nên vội lắm, bởi vậy nó bỏ đi xuống nhà dưới mà coi con Ngói nấu ăn.
Ngày ấy bà Hương quản nằm dàu dàu hoài, không nói tới ai hết. Đến tối con Quyên thấy bà có sắc vui chút đỉnh, nên nó mới nói với bà rằng: “Bẩm bà, để con viết thơ cho cô Hai, đặng cậy cô nhắn cậu Ba về, nghe hôn bà?”.
Bà Hương quản chau mày ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói rằng: “Thôi, viết thơ viết từ mà làm gì. Để bữa nào tao rảnh tao lên trên con Hai, tao nói chuyện với vợ chồng nó, tao hỏi tánh nết thằng đó bây giờ thể nào rồi sẽ hay”.
Con Quyên cười, rồi đi lấy truyện ngồi đọc cho bà nghe.