watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Chúa tàu kim quy-I - tác giả Hồ Biểu Chánh Hồ Biểu Chánh

Hồ Biểu Chánh

I

Tác giả: Hồ Biểu Chánh

Xin cám ơn các bạn ở HoBieuChanh.com đã gửi tặng Vnthuquan cuốn truyện nầy

Ngày 14 tháng giêng, mặt trời vừa lặn về hướng Tây thì hướng Đông mặt trăng đã ló mọc. Ở chung quanh chợ Tân Châu, nhà nào cũng sửa soạn đốt đèn sập cửa, người lo ôm củi vào bếp, kẻ lo đuổi gà vào chuồng, đầu này inh ỏi giọng mẹ hát ru con, đầu nọ ngâm nga tiếng học trò đọc sách. Ngoài đường thì im lìm vắng vẻ, duy có tiếng cúc kêu với bóng trăng tỏ mà thôi.
Nhà Lê Thủ Thành thuở nay hễ tối thì sập cửa nhưng mà ngày ấy trong nhà đã đốt đèn rồi, song cửa cái chưa sập, mà cửa sau cũng chưa gài. Thủ Thành lại ngồi chồm hổm dựa cửa mà dòm ra ngoài đường một hồi rồi trở vào đi lại giường giở mùng mà hỏi vợ rằng: “Bớt mệt hay không má nó!”. Người vợ nhướng mắt ngó chồng rồi gật đầu mà đáp rằng: “Bớt. Con Xuân đi hốt thuốc đã về hay chưa?”. Thủ Thành bỏ mùng xuống rồi nói rằng: “Chưa về. Thứ đây vô xóm Cây Xoài mà con nó đi làm sao từ hồi nửa chiều đến bây giờ mà chưa thấy tăm dạng gì hết vậy không biết. Còn thằng Nghĩa, hồi mặt trời gần lặn tôi biểu đi ngừa em nó, mà sao nó cũng mất biệt. Chắc là ông Tú đi khỏi, con Xuân nó ở nó chờ rồi tối nó không dám về chớ gì. Hồi nãy tôi có dặn thằng Nghĩa vô lối cây “táo một” đó mà ngừa, không biết nó chờ không được, nó có đi thẳng vô nhà ông Tú hay không”.
Thủ Thành nói mấy lời rồi đi lại bộ ván giữa ngồi hút thuốc và ngó chừng mà xăn văn xéo véo, nên ngồi cũng không yên. Trông đợi hai đứa con đã mòn chí, túng thế ông ngồi khoanh tay trên ván mà chờ, không thèm dòm nữa.
Ngoài đường thì vắng teo, không thấy ai đi qua đi lại, còn trong nhà thì cũng lặng lẽ; vợ nằm không cục cựa, chắc đã ngủ rồi. Thủ Thành ngồi nghĩ đến việc nhà. Năm nay là năm Minh Mạng thập thất, nhằm năm Bính Thân, mình tuổi mới 63, còn vợ mới 61, mà mình không được mạnh giỏi cho lắm, còn vợ lại mang bịnh ho. Vợ chồng sanh có hai đứa con: thằng Lê Thủ Nghĩa năm nay nó đã được 21 tuổi rồi, nó là đứa ham học, mà ngặt nhà nghèo, còn cha mẹ thì bịnh hoạn, nên nó phải bỏ học nửa chừng để lo cày cuốc mà nuôi mẹ cha. Coi bộ nó phải lòng con Chuyên mà tính cậy mai đi nói thì nó không chịu, cứ nói nhà nghèo nếu đi cưới vợ lại càng thêm tốn hao. Còn đứa con gái là con Xuân, năm nay nó mới 19 tuổi, mà chồng đã đi nói rồi, tính để 20 tuổi sẽ cho cưới, mà bên chồng nó cứ theo nài hoài, xin cưới cho sớm.
Thủ Thành ngồi suy nghĩ tới đó, bỗng thấy ngoài đường có dạng người đi, liền chạy ra cửa mà ngó, thì thiệt quả hai đứa con về, Thị Xuân đi trước, đầu cổ chồm bồm, nước mắt nước mũi chàm ngoàm, còn Thủ Nghĩa đi sau, tay mặt cầm hèo, tay trái xách thang thuốc, mặt mày coi cũng khác sắc.
Thủ Thành thấy hai con về khuya mà khí sắc khác thường thì trong lòng lo sợ, liền hỏi rằng: “Có việc gì hay sao mà bây về khuya dữ vậy?”
Thị Xuân nghe cha hỏi, vừa muốn níu cha mà khóc, kế Thủ Nghĩa bước tới cản ngang, biểu em vô buồng mà nghỉ, rồi day lại hỏi cha vậy chớ mẹ có bớt chút nào không. Thủ Thành nói: “Từ hồi tối đến bây giờ không có ho nữa, nên mới nghỉ đặng một lát đó đa”. Thủ Nghĩa liếc cha rồi đi thẳng xuống nhà sau. Thủ Thành hội ý đi theo, còn Thị Xuân giở mùng thăm chừng mẹ rồi đi thẳng vô buồng.
Thủ Thành xuống nhà sau ngồi khoanh tay trên ván ngó chừng Thủ Nghĩa, còn Thủ Nghĩa súc siêu, bỏ thang thuốc vô, đặt lên bếp rồi ngồi gần cha mà tỏ rằng mình đi ngừa em vô khỏi hàng gáo, ngó ra thấy có dạng người đi tưởng là em về nên ngồi đó mà chờ. Ngồi chẳng bao lâu, lại nghe có tiếng la làng, lật đật xách hèo mà chạy. Ngó trước mặt không thấy ai đi hết, chạy tới cây “táo một” nghe trong giữa đám dâu của bà Liễu có tiếng người rên khóc nhỏ nhỏ mới xốc riếc vô, thì gặp Trần Tấn Thân đương hãm hiếp em mình, giận mới vác hèo đập nó, nó chạy ra tới đường té nhủi dựa gốc táo, mình đập hai ba hèo nữa, tưởng nó đã chết rồi nên bỏ đó trở vô đám dâu mà cứu em, nào ngờ khi dắt em về, ra tới cây táo thì không thấy thây Trần Tấn Thân nữa, không biết nó làm bộ chết đặng thoát thân, hay là nó đã chết thiệt mà họ khiêng thây nó họ giấu. Thủ Nghĩa lại nói mình có hỏi con Xuân thì nó nói hồi bận đi, vừa ra khỏi chợ nó có gặp Trần Tấn Thân với Lý Thiên Hùng, Tấn Thân theo chọc nó hoài mà nó không thèm nói đi nói lại. Lúc nó đi về, vừa tới cây “táo một” thình lình Tấn Thân trong bụi nhảy ra chụp nó kéo riết vào đám dâu. Nó la làng được ít tiếng, rồi bị Tấn thân bóp họng nên nó la không được nữa.
Thủ Thành nghe con thuật chuyện thì ngồi lắc đầu mà thở ra, chớ không nói chi hết. Thủ Nghĩa dọn cơm rồi vào buồng kêu Thị Xuân ra ăn. Thị Xuân nằm khóc hoài không chịu ra. Hai cha con ngồi ăn cơm, mạnh ai nấy ăn, không nói tiếng chi hết.
Chừng ăn gần rồi, Thủ Thành mới hỏi rằng: “Bây giờ con tính kiện thằng Trần Tấn Thân hay không?”. Thủ Nghĩa suy nghĩ một hồi rồi thưa rằng: “Dạ thưa cha, con tính để sáng con sẽ dắt em con lên Huyện mà kiện nó”.
Thủ Thành đi uống nước rồi lại ngồi một bên con mà nói rằng:
- Cha tưởng con không nên kiện đâu con.
- Thưa sao vậy?
- Con đánh nó dầu không chết thì cũng đã nặng quá rồi, nếu con còn đi kiện nó nữa, cha e nó tức trí nó vãi tiền ra nó lo rồi mình kiện đã thua mà còn bị hại nữa đa con.
- Cha nói vậy cũng phải, mà nó làm như vậy bây giờ mình lặng thinh hay sao? Con Xuân chồng gần cưới rồi, mà chuyện này sớm muộn gì rồi đây thiện hạ cũng hay, nếu mình lặng thinh thì chồng nó đương thèm đi cưới đa.
- Cưới hay không cưới tự ý nó, chớ biết sao bây giờ. Theo ý cha, đi kiện thì hại nhiều, còn lợi thì không có, đó con.
- Việc ấy tại cha định. Thôi để sáng con dọ thử coi, như nó kiện con đánh nó, thì con sẽ kiện nó hãm hiếp con Xuân. Còn như nó lặng thinh thì thôi.
Hai cha con bàn tính với nhau cho đến siêu thuốc tới. Thủ Nghĩa đem cho mẹ uống xong xả rồi mới đóng cửa mà đi ngủ.
Nhờ thang thuốc ấy, rạng ngày vợ Thủ Thành giảm bịnh đi ra đi vô được. Còn Thị Xuân tuy đã thức dậy nấu nước quét nhà như thường song trong lòng thì không yên, còn ngoài mặt thì buồn nghiến. Thủ Nghĩa thấy mẹ bịnh giảm thì mừng, mà thấy em ưu sầu thì xốn xang không chịu được, bèn tính ra chợ hỏi thăm coi Trần Tấn Thân động tịnh thế nào. Anh ta tưởng cha mẹ nó đã vào đơn mà kiện mình, nào dè vừa ra đến chợ thì nghe thiên hạ nói hồi chiều qua Trần Tấn Thân đi chơi trong đường hàng gáo, leo cây táo hái trái mà ăn, rủi té gãy tay, nhờ Lý Thiên Hùng cõng về, rồi từ hồi hôm đến giờ thầy thuốc đến nhà nườm nượp. Thủ Nghĩa nghe nói, trong trí đã biết rằng Trần Tấn Thân không tính kiện thưa chi, nên mới kiếm chuyện mà nói dối như vậy, bèn trở về nói lại cho cha hay.
Về tới nhà thấy em rể là Phạm Kỉnh Chi lên thăm thì càng thêm đau đớn nữa. Vả Phạm Kỉnh Chi với Lê Thủ Nghĩa là anh em bạn học với nhau hồi nhỏ, hai người đồng một tuổi, bấy lâu nay thương yêu nhau như anh em ruột. Kỉnh Chi nhà ở Cái Vừng, mồ côi cha, từ khi đi nói Thị Xuân rồi, mỗi lần đến làm rể thì anh vợ em rể dan díu chuyện vãn với nhau tối ngày mà chưa muốn dứt.
Nay Kỉnh Chi nghe mẹ vợ nhuốm bịnh, lật đật lên nhà trước hỏi thăm coi bịnh nặng nhẹ thể nào, sau nữa dọ thử coi Thủ Thành định tháng nào cho làm lễ cưới. Mấy lần trước hễ Kỉnh Chi lên thì Thủ Nghĩa mừng rỡ một phút không rời, chuyến này Thủ Nghĩa đi chợ về chào hỏi sơ sài rồi bỏ đi xuống nhà sau mà lại có sắc mặt buồn. Kỉnh Chi thấy vậy không hiểu có ý gì, nên đứng ngồi không yên chỗ.
Trong lúc ăn cơm Thủ Nghĩa cũng ít nói chuyện, chớ không phải như mấy lần trước. Chừng ăn cơm rồi, Thủ Nghĩa dòm thấy Kỉnh Chi bước ra sau vườn cau, liền đi theo rồi hai anh em dắt nhau và đi và nói chuyện dông dài, lần lần tới cái ao sen ở chính giữa vườn, mới ngồi dựa miệng ao mà trò chuyện. Kỉnh Chi thấy Thủ Nghĩa có sắc buồn, hỏi đâu thì nói đó chớ không phải bô lô bô la như khi trước, tưởng Thủ Nghĩa vì mẹ đau nên không vui, bèn kiếm chuyện mà nói rằng:
- Trên này anh trồng sen trổ bông coi tốt quá em muốn xin ít bụi đem về trồng trong ao trước nhà em chơi.
- Dượng muốn nhổ mấy bụi thì nhổ.
- Để khi khác, chuyến này mẹ ể mình, em không muốn làm rộn cho anh.
- Hệ gì.
- Mẹ uống thuốc ông thầy nào đó anh.
- Ông Tú Đoài ở trong xóm Cây Xoài.
- Dưới em có một ông thầy hốt thuốc cũng khá quá. Mắc cha nói mẹ nhờ có ông thầy này nên bịnh đã bớt nhiều rồi, chớ không em về rước ông thầy dưới em lên coi mạch mà hốt thuốc cho mẹ.
- Ông Tú Đoài cũng giỏi mà.
- Bà thân em có dặn nếu lên thăm coi như mẹ bớt thì hỏi thăm cha coi cha có định tháng nào cho cưới đặng em có sắm lễ vật cho sẵn. Em lên thấy mẹ bớt song thấy cha không được vui, nên em không dám hỏi. Anh có nghe cha tính tháng nào cho cưới hay không?
- Không.
- Em cũng không muốn cưới gấp làm chi; ngặt trong nhà em có hai mẹ con, mẹ thì già còn em thì mắc ở ngoài ruộng hoài, trong nhà không ai coi sóc nên khó lòng quá.
Thủ Nghĩa nghe Kỉnh Chi nói chuyện lễ cưới chừng nào thì trong lòng buồn chứng nấy, cứ ngồi ngó sững xuống ao sen chớ không trả lời chi hết. Kỉnh Chi thấy anh vợ không vui nên không dám nói nữa, cứ ngồi ngó Thủ Nghĩa rồi ngó xuống ao sen. Hai người ngồi lặng thinh một hồi Thủ Nghĩa mới day lại mà nói với Kỉnh Chi rằng: “Dượng nó ôi! Hai anh em mình tuy là anh vợ em rể song trước vẫn là anh em bạn thiết với nhau, vậy tôi tưởng nếu có việc gì thì phải tỏ thiệt cho nhau biết, chớ không nên giấu giếm. Lúc này mẹ tôi đã đau, mà trong nhà tôi lại còn xảy ra một cái họa lớn lắm, bởi vậy cho nên tôi không vui chút nào hết”.
Kỉnh Chi nghe nói mấy lời trong lòng rất lo sợ nên lật đật hỏi rằng: “Có việc chi đó, sao từ hồi sớm mai đến bây giờ anh không cho em hay?”.
- Sớm mai tôi đi chợ về thấy dượng nó lên thì tôi suy nghĩ hoài không biết có nên nói cho dượng nó hay hay không, bởi vậy cho nên tôi dụ dự không muốn nói ra.
- Nếu ý anh ở với em như vậy thì chúng ta có phải bạn tri kỉ với nhau đâu.
- Dượng nó trách cũng phải, ngặt cũng vì tôi thương dượng nó quá nên tôi không nỡ nói.
- Em không hiểu ý anh muốn nói cái gì rồi! Thương em sao lại không nỡ nói.
- Số là hôm qua con em tôi nó đi vô xóm Cây Xoài mà hốt thuốc cho mẹ tôi; nó đi về nửa đường trời lỡ tối, đi một mình trên đường vắng, thằng Trần Tấn Thân là con ông Bình nó cố ý muốn em tôi nên nó đón đường níu lại rồi bụm miệng kéo riết vô giữa đám dâu mà hãm hiếp. Tuy tôi thấy trời tối, tôi có đi ngừa nhưng chừng tôi nghe la làng tôi chạy tới thì sự đã dĩ lỡ ra rồi, tôi nổi giận tôi vác hèo tôi đập thằng khốn kiếp ấy gãy hết một cánh tay, song tôi nghĩ dầu tôi đánh chết nó cũng không đủ đền bồi cái danh tiết của con em tôi được. Từ hồi hôm đến bây giờ tôi cứ suy nghĩ hoài không biết phải đi kiện nó hay không. Cha tôi nói nó thì giàu còn mình thì nghèo, sợ kiện không lại nó rồi con em tôi càng mang xấu nhiều hơn nữa. Cái tai họa nhà tôi lớn như vậy đó, tôi với dượng là anh em, nên tôi phải tỏ thiệt cho dượng nghe, đặng dượng liệu coi có nên cưới con em tôi hay không, chớ việc vợ chồng là việc trăm năm, nếu bây giờ tôi không tỏ thiệt, để dượng cưới nó về rồi ngày sau lậu tiếng ra thì không tốt chi đó.
Kỉnh Chi nghe Thủ Nghĩa nói chừng nào mồ hôi càng nhỏ giọt chừng nấy; tuy ngồi lặng thinh mà nghe không nói đi nói lại, song trong lòng giận thằng Trần Tấn Thân rồi thương cô Lê Thị Xuân không biết ngần nào. Thủ Nghĩa nói dứt lời thì Kỉnh Chi ngồi suy nghĩ một hồi rồi đáp rằng:
- Những lời anh nói với em nãy giờ là lời tâm phúc; anh thương em nên anh tỏ hết như vậy thì em đội ơn anh vô cùng. Hồi nãy anh nói cha cản không muốn cho anh đi kiện, em nghĩ cản cũng phải, bởi vì đi kiện ra mình đã không chắc ăn nó mà lại sợ mẹ hay rồi mẹ càng thêm rầu rĩ uống thuốc sao cho mạnh, còn vợ em lại càng mang tiếng, thiên hạ chê cười chớ không ích gì. Thôi, việc đó em khuyên anh hãy bỏ qua cho rồi, em tưởng anh đánh nó gãy tay đó cũng đủ. Còn anh hỏi em vậy chớ việc đã lỡ như vậy, bây giờ em còn tính cưới hay không, thì em xin thưa với anh rằng: vợ em nó bị cưỡng bức ấy là điều tai bay họa gởi, chớ không phải nó muốn như vậy hay sao mà em chê, em không cưới.
- Việc vợ chồng là việc trăm năm, dượng nó phải suy nghĩ cho kỹ, chớ nên vội lắm.
- Có chi đâu mà phải suy nghĩ, trong ý anh sợ em vị lòng em cưới rồi ngày sau em ăn năn hay sao?
- Không có phải ý tôi tưởng như vậy đâu. Dượng nó cũng biết việc của em tôi sớm muộn gì rồi đây thiên hạ cũng hay. Tôi sợ là sợ nếu dượng cưới rồi sau dượng cũng mang tiếng lây nữa chớ.
- Anh thương em nên anh nói cạn lời như vậy cũng phải; song em đã nghĩ kỹ rồi, xin anh đừng nghi ngại chi hết. Chẳng giấu chi anh, bụng em chẳng phải như thường tình vậy đâu. Em biết vợ em nó bị thằng Trần Tấn Thân hãm hiếp nên nó đã mất chữ trinh rồi, nhưng mà nó không có tình chi với thằng ấy, nếu nó giữ một lòng thương em thì em cưới nó có hại chi đâu. Chớ nếu em đi nói nó mà nó đã có tình với người khác, em nói thiệt dầu gương trinh nó còn làu làu em cũng không dám cưới.
- Dượng nó thiệt là người đại độ. Nếu dượng mà có lòng thương em tôi, dượng chẳng kể miệng thế gian thì ơn ấy ngàn ngày tôi với em tôi cũng còn ghi tạc.
Hai anh em to nhỏ bàn tính với nhau xong rồi, Kỉnh Chi mới cậy Thủ Nghĩa lựa bữa nào cha mẹ vui thì hỏi dọ giùm coi ý cha mẹ muốn tháng nào cho cưới. Chuyện vãn vừa xong liền thấy Thủ Thành đi dạo vườn, hai anh em lật đật đứng dậy theo cha một hồi rồi dắt nhau trở vô nhà. Chiều lại Kỉnh Chi xin kiếu mà về. Thủ Nghĩa đưa em rể xuống tới bến, anh em dặn dò với nhau một hồi nữa rồi mới phân rẽ.
Bà Lê Thủ Thành nhờ ông Tú Đoài hốt thuốc nên bịnh ngày càng giảm lần lần, quá nửa tháng thì ăn biết ngon và đi chợ đi xóm đều được hết. Còn Lê Thị Xuân tuy hằng ngày cũng đều lo dọn dẹp trong nhà, cũng nấu cơm đi chợ như thường, song nếu ai ngó kỹ thì thấy sắc mặt chao vao, còn thân thể thì cũng ốm hơn trước.
Thủ Nghĩa tuy đã đánh Trần Tấn Thân gãy tay, nhưng mà lòng giận cũng chưa nguôi, đến chừng nghe nói Trần Tấn Thân đã mạnh rồi, song cánh tay mặt oam oam như cán vá thì tức cười trong bụng nói thầm rằng: “Vậy cho nó nhớ sau nó không dám đón gái giữa đường mà làm ngang nữa”.
Chúa tàu kim quy
I
II
III
IV
V
VI
VII
VIII
IX
I
II
III
IV
V
VI
VII
VIII