Chương 13
Tác giả: Hồ Biểu Chánh
Đi chơi bời thì ai nấy không vui lòng, nói đi chơi phải hư nhà hại thân. Muốn hòa hiệp với vợ, thì vợ không bằng lòng, nói không dám cãi lịnh cha mẹ. Tính ở phải với người nghèo khổ, thì vợ lại không chịu dự, nói làm như vậy là trái đời. Làm người có tiền sẵn mà không được xài đồng tiền, có vợ sẵn mà không được ở với vợ, muốn làm phải cũng không được làm, thế thì cái thân khốn nạn nầy trời sanh ra để giữ tiền bạc, phải chịu quạnh hiu, phải chìu phong tục cho đến mãn đời mãn kiếp hay sao?
Đám cúng tuần xong rồi, cô Ba Mạnh trở về cha mẹ, cô Ba Ngọc cũng trở về nhà chồng. Thượng Tứ ở một mình, cậu buồn bực chịu không nổi. Tuy mỗi ngày hoặc cậu xuống nhà thầy Ban biện, hoặc thầy Ban biện lên nhà cậu mà nói chuyện chơi, song thầy Ban biện là người làm quan, thầy chẳng nói chuyện chi khác hơn là thúc thuế, đi tuần, xét sổ công nho, bắt giải trộm cướp, là những chuyện không thích hiệp với trí ý của cậu, bởi vậy không giải buồn bực cho cậu được. Chớ chi cậu tuổi lớn, ngơ tai danh lợi, ưa thú thanh nhàn, trên đường đời ai dại khôn cực sướng mặc ai, cậu ẩn thân trong tòa nhà ngói, cậu an phận với thớt vườn dừa nầy, thì không đến nỗi gọi mình là vô phước. Ngặt vì cậu còn đương buổi thanh niên, tánh cường, huyết nhiệt, trí còn hăng hái, tình còn dồi dào, mà biểu cậu mỗi ngày nằm co trong nhà mà chờ hai bữa cơm, mỗi đêm phải chong đèn trong buồng mà ngồi nghe dế gáy, thì có thế nào cậu chịu cho kham. Thói nhà giàu là như vậy hay sao? Thú vợ chồng là vầy hay sao?
Thượng Tứ luôn buồn lòng trách phận, bỗng tiếp được một bức thơ của thầy Huỳnh văn Khả, là anh em bạn học ngày trước, gởi cho hay rằng thầy được cấp bằng làm ký lục tại Tòa bố Gia Ðịnh mấy tháng rồi, mà mời cậu ngày mùng 10 lên chung vui với thầy, vì ngày ấy là ngày thầy cưới vợ. Ấy là một dịp tốt cho Thượng Tứ đi thăm một người bạn thiết và giải buồn chút đỉnh nữa, bởi vậy đọc thơ rồi thì cậu liền nhứt định cậu sẽ đi.
Đến ngày mùng chín, cậu căn dặn thằng Ngộ với con Mang ở nhà coi nhà, và cậu mượn Hương hộ Huy với ông Ba Nở tối ngủ giùm, ngày xem xét, rồi cậu sắp áo quần vào hoa ly lên xe mà đi Gia Định. Vì trong thơ thầy Ký Khả không có nói nhà thầy ở chỗ nào, bởi vậy lên tới Gia Định, Thượng Tứ phải ghé Tòa bố mà hỏi thăm. Bếp hầu thấy cậu bận y phục tử tế, đi xe hơi rột rạt, nên lật đật chỉ nhà thầy Ký Khả ở dãy phố ngó qua lăng Ông, căn thứ ba.
Thượng Tứ vô nhà, thầy Ký Khả hết sức mừng rỡ. Cha mẹ bà con thầy Ký ở Gò Công đã lên đủ rồi, mà cuộc đám cưới cũng đã sắp đặt sẵn sàng rồi hết. Thượng Tứ hỏi thăm thầy Ký coi cưới con ai ở đâu, thầy Ký đáp rằng: “Tôi cưới con gái ông Phán Hương ở trong Xóm gà. Ông gia tôi biết tôi nghèo, nên không đòi vật gì hết. Tôi cũng không nhóm họ. Chiều nay 3 giờ, đàng trai vô làm lễ rồi ở luôn trỏng, đến tối ông gia tôi đãi tiệc. Tôi ở phố chật hẹp quá rước dâu không tiện, nên tôi ở luôn bên vợ 3 bữa, rồi vợ chồng mới dắt nhau về ngoài nầy”.
Thầy Ký Khả nói tự nhiên mà Thượng Tứ ngồi ngơ ngẩn, vì thuở nay cậu trầm trồ cô Thái Thị Thiên Kim, lúc mẹ tính đi nói vợ cho cậu, thì cậu có đòi cưới cô nọ, cậu không dè ngày nay anh em bạn của cậu lại được cái hạnh phước làm chồng người cậu đã mớ ước. Cậu thương thấy Ký Khả lắm, bởi vậy cậu mới nghe tin thì cậu ngơ ngẩn, nhưng mà cậu nghĩ lại, anh em của cậu được cái hạnh phước ấy còn tốt hơn là người khác được, nên cậu cười mà nói rằng: “Toa có phước lắm. Mỏa mừng cho toa vì mỏa nghe nói con gái của ông Phán Hương thiệt là đứng đán. Đời nầy cưới vợ chẳng cần lựa con nhà giàu, miễn là được người đồng tâm hiệp ý thì quí hơn. Mỏa có đi trước cái đường đó rồi mỏa thạo hơn toa, nên mỏa nói đây không phải là nói dóc đâu”.
Thầy Ký Khả là người chơn chất thiệt thà, nghe Thượng Tứ nói mấy lời ấy mà không hiểu cậu uất về việc vợ chồng, thầy lại nói rằng:
- Tôi mới lên làm việc trên nầy mấy tháng nay, tôi không biết con vợ tôi. Anh cũng hiểu phận tôi nghèo, tôi không đèo bồng chỗ giàu có sang trọng. Ông gia tôi ổng thấy tôi ổng thương, nên ổng kêu ổng gả. Còn anh có vợ chỗ nào rồi hay chưa?
- Mỏa cưới vợ hồi năm ngoái lận mà. Thôi học về ít tháng thì mỏa cưới.
- Sao anh không cho tôi hay? Anh cưới vợ ở đâu?
- Cưới bên chợ Ông Văn, cũng ở trong hạt Mỹ Tho. Mà cưới rồi cũng như chưa, bởi vì nhà ai nấy ở.
- Ủa! Sao vậy?
- Ông gia mỏa buộc mỏa phải về bển mà ở. Bà già mỏa mất rồi, mỏa biết bỏ nhà cho ai mà về bển được. Ổng nhứt định không cho vợ mỏa về bên nây, bởi vậy mỏa ở có một mình, buồn quá.
- Bác gái cũng mất rồi nữa sao?
- Phải, mất hơn một tháng nay.
Hai anh em nói chuyện mới tới đó, kế ông thân của thầy Ký xen vô mời Thượng Tứ đi họ giùm qua đàn gái, bởi vì bà con ở xa lên không được nên họ đàng trai coi thưa thớt lắm. Thượng Tứ lên đây đã sẵn lòng ở chung vui với thầy Ký cho đến cùng, mà nghe thầy Ký cưới con ông Phán Hương, thì cậu lại càng muốn ở đi họ hơn nữa, bởi vậy nghe mời thì cậu chịu lời liền.
Đến ba giờ chiều, Thượng Tứ mời chàng rể và ông sui bà sui lên xe của cậu mà đi qua đàng gái; còn sáu bảy người đi họ thì lên hai xe lô-ca-xông đã mướn sẵn cho đàn ông một cái, đàn bà một cái.
Qua tới đàng gái, Thượng Tứ ngồi chim bỉm, không muốn nói chuyện với ai hết, chỉ trông nàng dâu ra làm lễ đặng coi năm nay dung nhan có khác hơn năm trước hay không. Cách chẳng bao lâu nàng dâu bận áo rộng xanh trong buồng bước ra hiệp với chàng rể mà làm lễ ông bà rồi chào họ và ra mắt bà con bên chồng.
Thượng Tứ ngồi nhìn gương mặt rỡ như hoa vừa mới nở, tướng đi đứng yểu điệu mà có vẻ nghiêm trang, sánh với cô Hai hẩu thì nhan sắc cô Thiên Kim có phần hơn, mà lại có nét ôn hòa từ thiện nữa.
Làm lễ xong rồi, nàng dâu cởi áo rộng và mặc một mớ áo chẹt đi đãi khách. Cô sai trai dọn chế nước, cô mời họ đàn bà ăn trầu, cô đứng nói chuyện với chồng, cô đi coi chặt nước đá, cử chỉ nào cũng tự nhiên, câu nói nào cũng thanh nhã. Có lẽ thầy Ký Khả được vợ vừa thông thạo, vừa xinh đẹp thì thầy phỉ tình đắc ý, nên thầy đi vô đi ra miệng chúm chím cười hoài, mà một lát lại nói chuyện nhỏ nhỏ với vợ không ai nghe rọ nói chuyện gì, duy thấy chồng nói mà ngó vợ rất hữu tình, vợ gặt đầu mà cười rất hữu duyên.
Thượng Tứ liếc thấy anh em bạn của cậu say sưa với hạnh phước, thì cậu mừng thầm trong lòng mừng cho bạn có vợ được vui thú với chồng, mà cũng mừng cho ai có chồng khỏi tủi thầm duyên phận. Tuy mừng thì mừng, nhưng mà cậu thấy đám cưới nầy, rồi cậu nhớ đám cưới của cậu hồi năm ngoái, thì cậu khó chịu nhiều ít trong lòng. Thầy Ký Khả là con nhà nghèo mà vợ thầy cũng con nhà nghèo, sao bữa cưới, vợ chồng lại hân hoan như vầy? Còn mình là con nhà giàu mà vợ mình cũng là con nhà giàu, sao ngày mình cưới vợ mình không vui, mà coi bộ mình cũng không vui chút nào hết? Rõ ràng lời người ta nói “vợ chồng vui là bởi tâm đầu ý hiệp, chớ không phải tại ruộng rộng bạc nhiều” là lời nói trúng lắm mà.
Tiệc đám cưới mãn rồi, Thượng Tứ từ thầy Ký Khả mà về. Thầy Ký Khả đưa cậu ra xe; lúc bắt tay từ biệt nhau, cậu nói với bạn một lần nữa rằng: “Toa cưới vợ như vầy mỏa mừng cho toa lắm. Như vầy là hạnh phước, chớ không phải kiếm chỗ giàu có sang trọng mới gọi là hạnh phước được đâu”.
Khi ra đi, Thượng Tứ tính lên mừng bạn rồi ra Sài Gòn ở chơi ít bữa, mà chừng trở ra Sài Gòn cậu không muốn ở, nên tuy trời đã tối rồi, song cậu chạy thẳng về nhà.
Hồi ở nhà trường mới ra, Thượng Tứ liến xáo nóng nảy bao nhiêu, bây giờ cậu thấy thế cuộc, cậu hiểu nhơn tình, nên cậu trầm tĩnh ôn hòa cũng bấy nhiêu. Chuyện gì đáng nói cậu mới nói, chuyện gì đáng cười cậu mới cười. Từ ngày cậu đi đám cưới trên Gia Định rồi, thì cậu lại càng ít nói hơn nữa. Ở trong nhà nhiều khi đến hai ba giờ đồng hồ mà cậu không nghe cậu nói một tiếng chi với con Mang hoặc thằng Ngộ. Mỗi bữa cậu cứ nằm trên võng mà coi sách hoặc coi nhựt trình. Sớm mới cậu thường đi dạo một vòng trong vườn. Buổi chiều thì cậu đi vòng trong xóm, gặp con nít cậu thường cho xu hoặc bạc cắc, thấy người lớn cậu hay hỏi thăm công cuộc làm ăn. Vì cử chỉ cậu đổi khác xưa, nên ngày trước không ai được nói chuyện với cậu, mà bây giờ từ già chí trẻ ai cũng thân cậu, ai cũng kính yêu cậu hết thảy.
Cậu hết mong rước vợ về nữa được, nên cậu lo sắp đạt việc nhà. Cậu giao con Mang quản suất dưới nhà sau, coi cơm nước, coi gạo củi, giữ dầu hôi nước mắm, lo đi chợ mua ăn. Cậu giao cho thằng Ngộ xem xét cây trái trong vườn, coi mướn làm cỏ vét mương, coi bán dừa cau chuối mít. Cậu lại nói với Hương hộ Huy cho thằng con út, 12 tuổi, tên thằng Lạc, ở với cậu đặng cậu sai vặt như quét nhà, lau ghế, chế nước, đốt đèn, cậu hứa mỗi tháng cậu sẽ thưởng công cho nó ba đồng bạc.
Ngày 12 tháng 5 tới ngày làm tuần bá nhựt cho bà Kế hiền Lý Thị Nho. Cô Ba Mạnh gần ngày khai hoa, cô ột ệch quá, nên cô qua không đặng. Thượng Tứ cậy chị ruột với chị dâu lo lắng giùm cuộc cúng quảy.
Đêm vào đám, thầy chùa ngồi tụng kinh Kim cang Bác nhã trước bàn thờ, Hương chức trong xóm ngồi uống nước nói chuyện phía ngoài cửa. Thượng Tứ cúng rồi bước vô nhà trong thấy hai vợ chồng thầy Ban biện với cô Ba Ngọc đương ngồi trên bộ ván, cậu bèn ngồi lại đó mà chơi.
Cô Ban biện ngó thấy Thượng Tứ thì cô nói rằng: “Con Tư nằm chỗ nằm nơi rồi thế nào cũng phải rước nó về bên nây, chớ ở bển luôn hay sao? Vợ chồng mà ở một người một nơi vậy sao được”.
Thầy Ban biện đáp rằng: “Bác Hội đồng kỳ quá. Nói hết sức mà bác cũng không chịu, ai biết làm sao bây giờ”.
Thượng Tứ châu mày nói rằng: “Tại ông gia tôi mà cũng tại vợ tôi nữa. Nếu nó biết đạo vợ chồng, gái có chồng đi theo chồng, thì ai làm sao mà cản nó được. Tôi biết nó không có thương tôi. Nó cứ nói tại hồi trước có lời giao, bây giờ ông gia tôi không cho nó về bên nây, nên nó là con, nó không dám cãi. Anh chị cũng hiểu, hồi trước má tôi giao kết, thì có dè cuộc lỡ dở như vầy đâu. Bây giờ rủi má tôi mất, nhà cửa minh mông, ai cũng biết tôi không thế nào bỏ đi đâu được, mà nó làm ngặt không chịu về bên nây, tức thị là nó không thương tôi chớ gì. Thôi, tôi không cần nữa. Nó muốn ở bển nó ở. Tôi ở một mình tôi cũng được. Vậy chớ mấy tháng nay không có nó đó, tôi lại chết chóc gì”.
Cô Ba Ngọc cười mà nói rằng:
- Em giận em nói lẫy như vậy, chớ chị biết con Tư nó thương em lắm. Ngặt vì một bên thì chồng, một bên thì cha, có lẽ nào nó bỏ bụng cha mà theo ý chồng. Em nói em cũng phải xét lại cho nó chớ.
- Vậy mà chị còn binh nó nữa!
- Không phải chị binh. Nói phải quấy cho em nghe chớ binh giống gì. Em để đó em coi, không lẽ bác Hội đồng lột da mà sống đời. Để chừng bác trăm tuổi già rồi coi con Tư nó về bên nây hay không mà.
Cô Ban biện nghe nói như vậy bèn hớt mà đáp rằng:
- Dữ hôn! Vợ chồng còn nhỏ mà cách bức nhau, nói như cô vậy thì đợi biết mấy mươi năm nữa mới sum hiệp.
- Đây đó mà xa xắc gì! Qua lại với nhau cũng được mà. Mấy tháng nay không có cỏn, mà thằng Tư nó sắp đặt trong nhà coi cũng xong quá.
- Coi chớ nhà không có đàn bà, không ai xem xét trong ngoài, nghĩ cũng khó lắm chớ. Phần chú Tư nó còn nhỏ, chú ở một mình chú cũng buồn.
Thượng Tứ bèn nói rằng: “Chị Hai nói phải. Tôi buồn thiệt, mà dầu vợ tôi về bên nây đi nữa, sợ tôi cũng không hết buồn được, bởi vì vợ chồng tôi không giống ý nhau. Thà là nó ở bển, tôi ở bên nây một mình tôi muốn làm việc gì tự ý tôi”.
Cô Ban biện cười mà nói rằng: “Bộ chú nầy muốn cưới vợ bé hay sao, nên chú nói như vậy?”
Thượng Tứ chưng hửng, cậu ngó ngay chị dâu mà hỏi rằng: “Vợ bé đâu mà cưới? Không, tôi không có tính việc đó đâu. Cưới vợ bé làm chi? Một vợ đó đủ mà làm cho tôi ngán rồi, cưới thêm nữa chịu sao nổi. Cái đời của tôi hư rồi, bây giờ tôi không còn biết cái gì là vui nữa hết. Các sự mơ ước của tôi mấy năm trước đã tiêu tan, đã rời rã hết rồi. Bây giờ sở thích của tôi là sớm mới dạo vườn, buổi chiều dạo xóm, tối nằm coi sách mà thôi”.
Thầy Ban biện cười mà nói rằng: “Em còn nhỏ tuổi mà em nói chuyện nghe như ông già. Phải, mấy tháng nay qua thấy em không chơi bời nữa thì qua cũng mừng. Nhưng mà ở đời cái gì cũng vừa vừa vậy thôi, thái quá không nên, mà bất cập cũng không tốt. Em cũng phải đi chơi chút đỉnh mà giải khuây, miễn là mình đừng có chơi mấy việc hư thì thôi chớ”.
Thượng Tứ ngồi ngẫm nghĩ một hồi rồi nói rằng: “Ở đời nầy có việc nào là việc hư, còn việc nào là việc nên. Có nhiều người nhơ nhuốc mà thiên hạ áp xưng tụng, còn nhiều kẻ thanh cao mà thiên hạ lại khinh khi. Có nhiều việc mình cho là phải, mà họ cho là bậy, thế thì dầu làm việc gì, dầu chơi cách nào, hễ thích chí thì thôi, cần gì phải dò miệng thiên hạ. Như hôm trước tôi tính chuyện giúp đỡ nhà nghèo mà vợ tôi nó nói làm như vậy là trái đời. Anh nghĩ đó mà coi, giúp nhà nghèo mà gọi là trái đời, thì còn giống gì nữa mà nói”.
Hai vợ chồng thầy Ban biện với cô Ba Ngọc không rõ việc của Thượng Tứ đã tính, mà cũng không hiểu ý Thượng Tứ chán đời, nên nghe em nói như vậy thì cười với nhau rồi bỏ nói qua chuyện khác.
Có đám làm tuần, bà con chòm xóm tụ lại đông, thì Thượng Tứ giải khuây được chút đỉnh. Chừng mãn đám rồi, ai về nhà nấy thì cậu lại buồn hiu.
Một buổi chiều, vừa lúc mặt trời chen lặn, cậu đi xóm về, còn đứng ngoải cửa ngõ mà ngó mông. Mấy đám mạ ở giữa lộ đã gần đúng lứa rồi, nên phơi màu xanh lè, lại gió thổi đùa ngọn coi như sóng giợn. Xa xa, thấy có một người đầu đội nón lá, vai vác cái cày, lùa cặp trâu đi trong ruộng, người vác nặng đi cáng náng, trâu lội nước văng túa sua.
Người buồn mà thấy cảnh không vui thì trong lòng càng thêm buồn, bởi vậy Thượng Tứ đứng tiu hiu, dạ ngậm ngùi, trí viễn vọng. Cậu nhớ chuyện nầy qua chuyện nọ, rồi nhớ hôm trước chị dâu nói cậu muốn có vợ bé, thì cậu mỉm cười. Cưới vợ bé làm gì? Mình đã dại quá, hồi cưới vợ mình không kén chọn, chớ chi hồi đó mình lựa người như con ông Phán Hương hay là con ông Giáo Chuột mà cưới, thì bây giờ có đâu mà buồn như vầy.
Thiệt, từ khi vợ chồng phân rẽ, Thượng Tứ chẳng hề có tính kiếm vợ bé bao giờ, mà bây giờ cậu cũng không có tính tới việc đó. Lúc cậu mê mẩn cô Hai Hẩu thì cậu có tính để vợ rồi sẽ cưới cô. Ấy là cậu đương giận vợ, nên cậu muốn đổi vợ, chớ không phải muốn hai vợ. Bây giờ vợ cậu đã gần ngày khai hoa, mà cậu lại biết cái lỗi trước là lỗi của cậu, bởi vậy cậu không dám tính bỏ vợ nữa, thế thì cưới vợ bé sao được. Mà tuy là cậu không tính cưới vợ bé, song câu chuyện vợ bé đã chạm vào trí cậu rồi. Nếu lúc nầy mà có người như cô Thiên Kim hoặc cô Hai Hẩu vẩn vơ trước mắt cậu, thì cũng chưa ắt cậu giữ vẹn lòng son cùng vợ lớn cậu được.
Cậu đứng nghĩ quanh nghĩ quất rồi cậu vừa xây lưng sắp đi vô nhà, thì nghe có tiếng xe hơi ở trên phía Mỹ Tho chạy xuống. Cậu đứng nán lại mà ngó coi xe của ai. Cách chẳng bao lâu, cái xe hơi gần tới thì tốp máy chạy chậm chậm rồi ngừng ngay cửa ngõ.
Thượng Tứ dòm lại, té ra thầy thông Hàng ngồi trước với sớp-phơ, còn phía sau thì cô thông ngồi với hai cô nữa.
Thầy thông Hàng mở cửa xe nhảy xuống và hỏi Thượng Tứ rằng: “Ê! Toa làm gì đứng đó?” Thượng Tứ bước lại đưa tay mà bắt tay thầy thông, và cúi đầu chào mấy cô rồi hỏi rằng: “Thầy đi đâu đây?”
Thầy thông Hàng hân hoan đáp rằng:
- Chiều trời tốt quá, nên mướn xe chạy bậy một vòng hứng gió chơi. Toa làm giống gì xưa rày không thấy lên chơi vậy?
- Tôi mắc chuyện nhà.
Cô thông ngồi trên xe vọt miệng hỏi rằng:
- Bộ cậu giận vợ chồng tôi hay sao, cậu Tư? Chớ sao mấy tháng nay cậu không thèm tới nhà tôi nữa?
- Thưa, có chuyện chi đâu mà giận. Tại tôi bận việc nhà chớ.
- Thôi, chối làm chi. Tôi biết mà. Con Hai Hẩu nó phụ tình cậu, nó bỏ đi lấy chồng; cậu phiền nó rồi cậu phiền luôn tới vợ chồng tôi chớ gì.
- Bây giờ tôi không phiền cô Hai Hẩu mà tôi cũng không phiền ai hết. Tại tôi chớ có phải tại ai đâu mà tôi phiền.
- Có mợ Tư ở nhà hay không?
- Thưa không, vợ tôi ở bên Ông Văn chớ đâu có ở bên nây.
- Rủi dữ hôn! Phải có mợ ở bên nây, tôi ghé thăm một lần chơi cho biết. Thuở nay chớ tôi chưa biết nhà cậu. Tôi ghé chơi được hôn?
- Thưa, được chớ. Tôi mời thầy Thông với mấy cô ghé chơi.
- Mà cậu sẵn lòng tiếp rước hay không? Chớ ghé mà cậu không vui thì ghé làm chi.
- Tôi sẵn lòng lắm chớ.
Có một cô nhỏ hơn hết, ngồi giữa, mặc áo xanh dương, choàng khăn sạt(#1) màu trắng, cô cười và hỏi rằng: “Chúng tôi ghé thì cậu phải đãi trái cây, hoặc mận, hoặc ổi, hoặc cam, hoặc giống gì đó mới được. Cậu vui lòng mà đãi chị em tôi hay không?”
Thượng Tứ cũng cười lại mà đáp rằng: “Vật quí thì thiệt tôi ở nhà quê nên tôi không có, chớ trái cây thì vườn tôi có đủ thứ, mấy cô muốn dùng thứ nào tôi cũng có sẵn mà đãi luôn”.
Thầy thông Hàng bèn nói rằng: “Mấy người muốn ăn dừa khô thì vô đây leo lên bẻ mà ăn. Vườn cậu Tư thứ đó nhiều lắm. Ghe chở hoài mà cũng không hết”.
Mấy cô nghe nói giểu như vậy thì cười ngất rồi mở cửa leo xuống xe. Cô thông Hàng hỏi Thượng Tứ có biết hai cô kia hay không. Thượng Tứ ngó hai cô thì nhớ mạy mạy có gặp cô lớn bận áo trắng một lần, còn cô nhỏ bận áo xanh thì thiệt là không biết. Cô thông bèn nói rằng: “Con lớn đây là con Ba, con của dì tôi ở trong Vĩnh Tường. Cậu có gặp nó một lần ở trên nhà tôi, cậu quên hay sao?”
Thượng Tứ gặt đầu, tỏ ý cậu nhớ. Cô thông bèn chỉ cô mặc áo xanh mà nói luôn rằng: “Còn con nhỏ đây là con Tư, con ông cả trên Xoài Hột, nó thi đậu bằng cấp sơ học, có làm cô giáo vài năm, bây giờ nó xin nghỉ đặng đi kiếm chồng”.
Cô Tư mắc cở vỗ vai cô thông một cái bẹp mà nói: “Chị quỉ nầy, khéo nói kỳ cục”, rồi cô kéo tay cô Ba đi vô cửa ngõ. Thượng Tứ ngó theo miệng chúm chím cười và mời khách đi vô.
Dọc theo đường đi vô sân, hai bên trồng mận xen lộn với cam, lại có mấy cây đu đủ đứng bên sau lá bủa sum sê, trái đeo dày chật. Vì không nhằm mùa, nên mận mới trổ bông, cam chưa có trái. Cô Tư thấy đu đủ còn thấp mà trái sai, lại có trái chín đỏ rồi mà chưa ai hái, thì cô chạy riết lại, hai tay rờ rẩm, hỏi cậu Tư hái được hay không. Thượng Tứ bước lại lựa trái chín hơn hết mà hái rồi trao cho cô Tư, miệng mỉm cười. Cô đưa tay lấy trái đu đủ, mắt liếc, miệng cười rất hữu tình. Cô vừa cầm trái đu đủ thì cô liền để xuống đất rồi đưa hai tay ngay mặt Thượng Tứ mà nói chún chím rằng: “Cậu làm mủ đu đủ vấy tay tôi đây, cậu phải chùi cho tôi”. Thượng Tứ móc túi lấy khăn mu soa ra mà chùi tay cho cô Tư. Thầy thông Hàng với hai cô kia đương trầm trồ mấy cây mận, thầy day lại ngó thấy Thượng Tứ đương chùi tay cho cô Tư thì la lớn lên rằng: “Ê! Làm cái gì mới gặp nhau mà đã nắm tay nắm chưn nhau đó? Không có đặng vô phép như vậy đa!”
Thượng Tứ mắc cở, nên bỏ khăn vô túi mà đi. Cô Tư lượm trái đu đủ cầm đi theo và cười và nói rằng: “Thầy đó hay la quá! Cậu Tư chùi tay cho ta mà”.
Chủ khách kéo nhau vô nhà. Lúc ấy trời đã chạng vạng tối. Thượng Tứ mời khách ngồi, kêu thằng Ngộ đốt đèn, biểu thằng Lạc bưng nước lăng xăng. Cô Tư quen tánh vô ngại, tới nhà lạ mà cô không ké né chi hết, cô mượn một cái dao rồi xẻ trái đu đủ mời người nầy người kia ăn, còn mời luôn chủ nhà nữa. Không ai chịu ăn hết, cô giận cô ngồi ăn một mình và nói rằng: “Đu đủ của cậu Tư hái mà họ chê chớ. Thôi, tôi ăn một mình, vì cậu Tư thương nên cậu cho tôi, tôi dại gì mà chia cho người khác”. Cô Ba thiệt thà, nên cô nghe mấy lời lả lơi như vậy thì cô lấy khăn che miệng mà cười.
Cô Tư ăn ít miếng rồi cô đòi rửa tay. Lúc ấy thằng Ngộ với thằng Lạc đều không có tại đó. Cô thông Hàng bèn nói rằng: “Con làm rộn quá! Muốn rửa tay thì đi ra đàng sau mà rửa, chớ nước đây đâu có”. Cô Tư ngó Thượng Tứ và cười và hỏi rằng: “Đi ngã nào cậu Tư? Cậu dắt giùm tôi đi một chút chớ. Nhà lạ ai biết đường đâu mà rờ”.
Thượng Tứ đứng dậy đi trước dắt đường cho cô Tư đi theo. Cô vừa đi vừa cười và nói: “Ta đi rửa tay mà mấy người cười giống gì vậy không biết”. Thượng Tứ thấy khách xầm xì thì cậu ái ngại, nên cậu chỉ chỗ cho cô Tư rửa tay rồi thì cậu lật đật bỏ đi ra trước liền. Cách một hồi, cô Tư đi ra; lúc cô tới cửa song môn thì cô dừng lại cúi đầu chào khách và nói rằng: “Tôi chào thầy thông, cô thông. Ủa! Có cô Ba đây nữa mà. Thầy cô xưa rày mạnh giỏi há, mấy cháu chơi? Thầy cô dùng cơm chiều rồi chưa? Để tôi biểu bầy trẻ nấu cơm ăn nghe?”
Ai nấy nghe tiếng pha lửng mà có duyên thì cười rộ. Cô thông Hàng thừa dịp ấy cô cũng pha lửng mà đáp lại rằng: “Mợ Tư cũng mạnh giỏi há? Ờ, vợ chồng tôi chiều đi chơi, chưa ăn cơm. Như mợ có hảo tâm, thì biểu trẻ làm vịt làm gà nấu cơm cho ăn cũng tốt”. Cô Tư day vô trong kêu om sòm mà nói rằng: “Bầy trẻ, có đứa nào đó coi bắt một con vịt cho thiệt mập làm thịt dọn cơm ăn nghe không bây, cho mau, tối rồi khách đói bụng đa”.
Lúc ấy Hương hộ Huy với ông Ba Nở đi lại ngủ giùm, hai người bước vô tới cửa, thấy khách chộn rộn, mà lại nghe biểu dọn cơm om sòm thì chưng hửng nên đứng khựng lại đó.
Thượng Tứ nghe cô Tư với cô Thông nói chơi như vậy, nếu làm lơ thì mất lịch sự, bở vậy cậu kêu Hương hộ mà nói rằng: “Chú Hương, chú biểu con Mang coi gà vịt gì đó bắt làm thịt dọn cơm ăn chơi. Chú mượn đứa nào đó phụ làm giùm với nó cho mau”.
Cô Tư cười ngất mà nói rằng: “Mấy người thấy hôn? Tôi nói hễ tới nhà tôi thì ăn gà ăn vịt mà”.
Cô Ba nói rằng:
- Mầy nói bậy bạ mợ Tư mợ hay rồi mợ nổi ghen lên đây mà chết chớ.
- Đâu có. Mợ Tư có ghen hay không cậu Tư?
Thượng Tứ gặt đầu nói rằng: “Ở nhà tôi ghen lắm; bởi nó ghen nên tôi không dám đi đâu hết đó, không thấy hay sao”.
Cô Tư le lưỡi rồi ngồi im, làm tỉnh mà nói rằng: “Thôi, tôi không dám nói chơi nữa. Nói bậy rủi mợ Tư rình đâu ngoài hè, mợ Tư vô mợ rượt chạy không kịp”. Tuy cô mới nói cô không dám nói chơi nữa, song cô ngó quanh quất rồi cô lại hỏi Thượng Tứ rằng:
- Cậu là người tân học, mà nhà cậu ở sao dọn theo xưa quá vậy, cậu Tư? Ta mua ghế sa lông, ta mua bàn rửa mặt, ta sắm giường đồng đỏ, ta sắm ghế xích đu, cửa cái ta treo màn tụi cườm, cửa sổ ta treo màn ren hàng, ta dọn chỗ vợ chồng ngồi nói chuyện, ta sắm phòng trưa nằm đọc nhựt trình. Tôi mà ở được nhà như vầy, tôi dọn dẹp coi đúng lắm.
- Tôi cũng biết mua sắm dọn dẹp theo cô nói đó lắm chớ. Nhưng vì có hai lẽ làm cho tôi không muốn lo đến sự sung sướng tấm thân: một là vợ tôi không có ở chung với tôi, tôi phải qua lại bên Ông Văn, nên không cần phải dọn dẹp nhà cửa làm chi; hai là tôi nghĩ có nhiều người nghèo khổ, ăn không đủ cơm, ngủ không có chỗ, mình ăn ở cho thái quá mà chi.
- Té ra mợ Tư không có ở chung với cậu hay sao?
- Không.
Cô thông Hàng chen vô mà nói rằng: “Bộ khi con Tư nó muốn ở đây với cậu Tư hay sao, nên nó hỏi rút tới. Con nầy quá rồi! Hồi nãy nó nói nếu nó ở nhà cậu Tư thì nó dọn đúng lắm. Bây giờ nó hỏi tới gia đạo cậu Tư nữa. Thế con nầy nó muốn làm bé cậu Tư mà. Ủa! Mà phải đa. Hai người cũng thứ tư hết, trời khéo khiến cũng kỳ chớ”.
Thượng Tứ cười và day mặt chỗ khác. Còn cô Tư thì đáp với cô Thông rằng: “Chị nói bậy bạ mất duyên tôi còn gì. Con gái mới lớn lên mà làm bé cái gì. Chị nói xui xẻo quá!”.
Trong lúc chờ cơm thì mấy cô khách cứ nói pha lửng như vậy hoài; cô thông Hàng cứ kiếm lời mà cột cô Tư hết sức rồi cột cô Ba cho Thượng Tứ. Tuy Thượng Tứ cũng có lời qua tiếng lại với mấy cô, nhưng mà xét cho kỹ thì những lời cậu đối đáp, lời nào cũng ăn trợt, không có câu nào hữu tình hoặc có ý gắn vô chi hết.
Cô thông Hàng trọng tuổi, mà cô lại lịch duyệt về khoa ái tình, cô dòm thấy cử chỉ của Thượng Tứ như vậy thì cô thấy làm lạ, chẳng hiểu vì cớ nào Thượng Tứ là người ham chơi bời, có sự nghiệp, không hòa với vợ, tiu hiu một mình, mà thấy gái đẹp cậu không động tình, coi bộ bơ lơ bảng lảng.
Cơm dọn xong rồi, Thượng Tứ mời khách đi ăn. Cô Ba với cô Tư lãnh sắp chỗ ngồi, hai cô bắt Thương Tứ ngồi giữa, hai cô kềm hai bên, còn phía bên kia thì chừa cho hai vợ chồng thầy thông Hàng ngồi. Thượng Tứ liếc coi thì cô Tư ngồi bên tay mặt liến xáo, cô Ba ngồi bên tay trái nghiêm chỉnh, mà mỗi cô thiệt cũng có cái vẻ đẹp riêng. Tuy vậy mà cậu không có lộ một nét chi cho người ta hiểu ý cậu quyến luyến cô nào, cậu cứ giữ lễ, cậu nói chuyện với hai cô, cũng như cậu nói chuyện với cô thông hoặc thầy thông vậy.
Bữa cơm gần mãn thì Hương hộ Huy bước vào thưa với Thượng Tứ rằng có thầy Ban biện lên lại có một người trai ăn mặc tử tế đi theo nữa. Thượng Tứ ngó ra thì quả thiệt thấy anh ruột là thầy Ban biện Chí với người anh em bạn rể của cậu là chú Thôn Châu bước vô, thầy Ban thì mặc đồ mát, còn chú Thôn thì khăn đen áo dài.
Hai người mới tới ngó thấy cuộc tiệc như vậy thì chưng hửng. Thượng Tứ đứng dậy chào và hỏi rằng: “Hai anh ăn cơm rồi chưa? Anh Hai qua bên nây hồi nào? Qua có chuyện chi mà khuya dữ vậy?”.
Chú Thôn Châu đáp rằng: “Bữa nay hai vợ chồng tôi qua thăm thầy má. Hồi tối tôi sửa soạn về, kế dì Ba âm ỷ chuyển bụng, nên má biểu tôi chạy xe luôn qua bên nây mà cho dượng hay”.
Mấy lời huỡn đãi ấy gieo giữa cái tiệc vui chẳng khác nào như cục đá liện giữa bầy vịt đương lội tắm giỡn nhau dưới ao. Thượng Tứ ngẩn ngơ buông đũa, sắc mặt coi mất vẻ tự nhiên. Thầy thông Hàng với mấy cô thấy chủ nhà hữu sự, không còn lòng nào mà vui nữa được, nên và riết cho hết chém cơm rồi đứng dậy.
Thượng Tứ trình diện vợ chồng thầy thông với hai anh và mời hai anh ngồi. Cậu đi uống nước rồi chạy vô buồng mở tủ thay quần đổi áo lăng xăng. Cậu biểu anh rể cho xe ngựa về trước rồi đi xe hơi với cậu. Cậu kêu Hương hộ Huy dặn coi nhà. Cậu xin lỗi vợ chồng thầy thông Hàng và hai cô khách vì cậu có việc nên phải qua chợ Ông Văn.
Thầy thông Hàng nói rằng: “Toa có việc thì cứ sửa soạn riết cho rồi mà đi. Tụi mỏa đi chơi mà hại gì, chừng nào toa đi thì mỏa về”.
Mấy cô đã mất thú mà lại có sắc xẻn lẻn, hồi nãy liến xáo, bây giờ êm ru. Lại thêm thầy Ban với chú Thôn theo ngó hoài, nên mấy cô khó chịu hết sức.
Thượng Tứ sửa soạn xong rồi mới từ biệt khách và biểu Thôn Châu ra xe hơi mà đi.
Thầy Ban biện dặn Hương hộ Huy coi biểu trẻ ở đóng cửa, rồi thay mặt cho Thượng Tứ mà đưa thầy thông Hàng với mấy cô lên xe. Chừng xe chạy rồi, thầy thông cười ngất mà nói rằng: “Xui xẻo quá! Đẻ nghiệp gì mà nhè bữa nay nó đẻ không biết! Làm mình tốn mấy đồng bạc xe, ăn được có một bữa thịt vịt, mà ăn chưa no nữa chớ”.
Cô Tư nói rằng: “Thầy nói vợ chồng cậu Tư bỏ nhau rồi, bỏ giống gì mà cậu nghe nói vợ chuyển bụng cậu lính quýnh, coi bộ cậu lo quá mà kêu là bỏ. Không được đâu. Vợ chồng người ta còn thương nhau, thầy rù quến bậy bạ, phá gia cang người ta, thầy có tội chết đa”.
Thầy thông cười mà đáp rằng: “Con nầy nó nói điên quá. Thuở nay làm mai dong là làm phước chớ sao mà có tội. Ngày sau tao chết, bây đóng trang mà thờ tao mới phải”.
Chú thích:
(1-) (tiếng Pháp écharpe): khăn quàng vai hay băng choàng vai của quan chức lớn như băng choàng của vua chúa.