Chương 2
Tác giả: Hồ Biểu Chánh
Cách mười ngày sau. Một buổi chiều,ông Huyện Hàm Tân thay đổi y phục, sửa soạn ra ngoài quận đặng đi dự đám cúng thần Cầu an dưới làng Tân Thới với quan Chủ quận.
Bà Huyện mở tủ lấy cái khăn đem đưa cho ông và nói :
- Người mua nhà của Xã Nhẫn đã về ở mấy bữa rày.
- Phải,tôi ngó thấy... Bà cứ nói cái nhà đó hoài. Tiếc làm chi không biết.
- Uổng lắm chứ, tôi tiếc hoài. Để họ ở ít ngày rồi coi như họ muốn bán thì tôi mua lại, dầu mắc hơn đôi ba trăm tôi cũng mua.
- Mua làm chi không biết.
-T ôi mua rồi tôi dỡ cái nhà đặng mở rộng vườn của mình qua phía đó.
- Chớ chi tôi dè bà muốn quá như vậy thì hôm trước tôi đấu giá mà mua cho.
- Tôi có nói, tại ông làm lơ, nên tôi không dám đốc nữa.
- Có lẽ người mua đó ở không lâu đâu.
- Sao ông biết họ ở không lâu?
- Nhà văn sĩ mà về vườn thì buồn quá, ở lâu sao được.
- Văn sĩ hay sao?
- Ừ,nghe Hương quản nói người đó viết tiểu thuyết hay lắm.
- Hừ !... Viết tiểu thuyết hay?... Ông nào vậy kìa?... Con Túy nó biết tên mấy tiểu thuyết gia hết thảy, hễ nói tên thì nó biết liền.
- Nghe nói tên Chí Cao, Chí Thấp gì đó không biết.
Cô Túy ở trong buồng lật đật bước ra nói :
- Té ra người mua nhà của Xã nhẫn đó là ông Chí Cao hay sao? Ông Chí Cao là tiểu thuyết gia trứ danh đa ba. Ông viết được gần mười bộ tiểu thuyết, bộ nào cũng thâm thúy đặc sắc. Con xem những tác phẩm Một đóa hoa hường, Dưới bóng trăng thanh, Nhắn bạn Hằng Nga của ông con phục tài ông lắm. Được ông về đây ở gần thì qúi hóa biết chừng nào.
Ông Huyện đứng ngó con trân trân, đợi con nói dứt rồi ông mới nói:
- Con thích tiểu thuyết dữ ! Tính ham đọc sách là tính tốt. Nhưng mà phải lựa sách mà đọc, chẳng nên đọc những dâm thơ. Ba muốn con mua sách luân lý mà đọc, chớ đừng có đọc tiểu thuyết nữa.
Bà Huyện tiếp mà đáp thế cho con :
- Sách luân lý đọc buồn quá, con nít có chịu đọc đâu.
- Buồn mà có ích, vui mà hư tánh nết, thì vui làm chi.
Bà Huyện với cô Túy không dám cãi. Ông Huyện từ vợ con mà đi ra dinh quận. Bà Huyện chúm chím cười mà nói với cô Túy:
- Té ra người mới dọn về ở là Chí Cao.
- Quyển Nhắn bạn Hằng Nga con mới đọc cho má nghe bữa hôm đó,má nhớ hay không má?
- Nhớ.
- Hay lắm phải hôn?
- Ừ,hay.
- Tác giả tả cảnh tả tình, dùng điệu văn réo rắt, khiến cho người đọc có khi phải bàng hoàng rồi mơ mộng, có khi phải suy nghĩ rồi bồi hồi. Tiểu thuyết nhu vậy mà ba chê chớ.
- Ba con theo xưa tự nhiên không ưa sách đời nay. Con đừng có khen tiểu thuyết trước mặt ba con nữa.
- Để con lựa những tác phẩm của ông Chí Cao con để riêng đặng con đọc lại. Các tiểu thuyết bây giờ con thích văn của Chí Cao hơn hết...
Cô Túy ngó ra ngoài trước mà kêu bà Huyện mà nói :
- Má, ai đi vô kìa... Phải ông Chí Cao đó hay không?
Bà Huyện ngó ra, thấy một người trai tráng ngoài cửa ngõ chẫm hẫm đi vô sân, đầu chải láng muốt, mình mặc một bộ đồ túc so may thiệt khéo, nút gài thẳng băng, túi trên giắt một cái khăn lụa màu khói nhang để ló ra ngoài một góc. Người ấy vừa đi vừa ngó hoa kiểng hai bên, bộ hân hoan, mặt sáng sủa. Khoan thai bước lên thềm, bộ không bợ ngợ chút nào hết, người ấy đi ngay vô cửa giữa, thâý bà Huyện với cô Túy ở trong nhà đương chong mắt ngó mình, thì đứng lại cúi chào rất có duyên mà trúng lễ, rồi chúm chím cười và nói :
- Tôi là văn sĩ Chí Cao, mới dọn vể ở một bên đây, vì sợ thất lễ xã giao, nên lật đật đến xin ra mắt quan Huyện bà Huyện đặng trước dâng câu phước, sau kết niềm lân cận.
Nghe xưng Chí Cao thì bà Huyện cô Túy đều mừng, bà mừng vì có dịp hỏi thăm miếng đất, cô mừng vì biết mặt tiểu thuyết gia mình ưa, bởi vậy hai mẹ con đều vui vẻ cúi đầu đáp lễ. Bà Huyện liền mời Chí Cao vô nhà và nói :
- Ông mới đến thăm lần thứ nhất mà rủi quá, ông Huyện tôi không có ở nhà, mới đi ra ngoài dinh đặng đi làm cúng đình với quan lớn.
Chí Cao cười mà đáp:
-Rủi thiệt, nhưng mà quan Huyện đi khỏi, song có bà ở nhà, thì sự rủi của tôi chỉ mới nửa phần mà thôi, chớ chưa đến nổi rủi hoàn toàn.
Vì theo đời nay cái lễ nam nữ giao tiếp đã nới rộng ra nhiều, lại cũng vì bà Huyện muốn làm quen đặng hỏi thăm miếng đất, bởi vậy bà mời Chí Cao ngồi tại phòng khách phía ngoài rồi dạy cô Túy biểu gia dịch đem nước và thuốc mà đãi khách . Bà Huyện bước qua ngồi tại bộ ván ngang đó và hỏi:
- Ông mua cái nhà Xã nhẫn đó hay là ông mướn ?
- Thưa tôi mua, đấu giá mua giữa Toà .
- Ông là văn sĩ mà ông mua vườn ông ở sao được .
- Thưa, tôi chán cái thú thành thị rồi, chộn rộn quá không thể suy nghĩ đặng nảy nở ra một tư tưởng gì hết . Tôi mua vườn về ở đây, chủ tâm của tôi và tìm chốn thanh tịnh để nằm đọc sách, để ngồi suy tưởng, rồi viết tiểu thuyết mà cống hiến cho đồng bào.
- Tôi chắc ở đây buồn rồi ông không ở lâu đặng .
- Xin lỗi với bà, tôi đã quyết chí lánh chỗ vui, tìm chỗ buồn, nếu chỗ này buồn, theo như lời bà nói, thì tôi thích ở lắm chớ .
- Ông mua vừa nhà vừa đất hết thảy bao nhiêu ?
- Thưa, kể luôn về sở phí hết thảy hơn sáu trăm, mà tôi còn phải tốn tiền sửa nhà nữa . Ngưòi ta nói tôi mua mắc. Thưa bà, theo ý bà thì mắc hay rẻ ?
- Mắc một chút, bởi vì đất ít, mà cái nhà lại cũ.
- Dầu mắc thì tôi cũng vui bởi vì trước nhà có rạch, chung quanh có vườn, cái cảnh êm đềm trù mật đó nó có thể trau dồi tâm hồn, nắn đúc tư tưởng cho tôi viết tiểu thuyết được thì thôi . Đã vậy mà tôi còn được ở gần một bên bà với quan Huyện thì chỗ ở của tôi càng quí lắm vậy.
- Ông ở đây đặng viết tiểu thuyết mà thôi chớ không tính làm việc chi khác nữa hay sao ?
- Thưa bà, nhà văn sĩ thì chỉ biết viết văn, viết có mệt mỏi thì nằm lim dim mà mơ mộng chớ có biết việc chi khác đâu mà làm.
Cô Túy nãy giờ ngồi phía sau bà Huyện mà nghe nói chuyện,bây giờ cô mới xen vô mà hỏi Chí Cao.
-Thưa ông,những tác phẩm của ông đã xuất bản rồi đó, ông xuất vốn in mà bán,hay là ông nhượng bản quyền cho họ xuất bản .
-Tôi có một mình,ngày như đêm cứ cặm cụi ngồi viết hoài, không có giờ mà lo việc chi khác. Mình viết tiểu thuyết nhất là tên của mình được công chúng yêu mến, nếu mình ra tiền xuất bản mà bán thì có lời nhiều. Ngặt vì văn sĩ không có cái óc thương gia, nên bán sách bất tiện nhiều bề lắm. Tại như vậy nên tôi phải buộc lòng nhượng bản quyền cho ấn quán họ xuất bản.
- Thưa, tiểu thuyết của ông, quyển nào cũng được công chúng hoan nghinh nhiệt liệt. Ông nhượng quyền cho người xuất bản, thì họ lời nhiều lắm.
- Thưa cô, tôi dư biết việc đó, nhưng mà biết làm sao bây giờ?
- Ông nhượng quyền cho họ xuất bản như vậy, mỗi tác phẩm họ trả cho ông bao nhiêu tiền?
- Không có giá nhất định, hoặc 500 trăm, hoặc 300, tùy theo tác phẩm dài hay ngắn. Theo lời cô hỏi tôi đó, thì tôi chắc cô có đọc tiểu thuyết của tôi.
- Thưa, phải . Các tác phẩm của ông, em có mua mà đọc đủ hết.
- Mua nhà về ở đây, tôi không dè đã có sẵn một độc giả rất xinh đẹp ở một bên tôi chớ. Tôi cưới người giống như trí mình tưởng tượng vậy thì mới được. Tại như vậy đó nên khó kiếm vợ một chút.
- Ông kén lựa quá như vậy thì làm sao mà có vợ cho được. Đời này sợ không có người như cô Thanh Xuân trong tiểu thuyết Nhắn bạn Hằng Nga đó đâu.
- Xin bà cho phép tôi cãi lời bà mới nói đó. Trong chốn thâm sơn thì có đá với cây mà thôi. Tuy vậy mà nếu người ta gay công tìm kiếm, thì người ta cũng lượm được nhiều cục ngọc quí vô giá. Ấy vậy ở chốn dương gian này có lẽ nào lại không có người đẹp để mà cao thượng như cô Thanh Xuân. Tôi vẫn tin chắc phải có, bởi vậy tôi cứ bền lòng mà tìm hoài, tìm cho được cô Thanh Xuân tôi mới phỉ dạ.
- Tôi sợ ông tìm thất công mà không gặp đâu.
- Dầu mình không có duyên mà gặp được, mà mình có chí tìm kiếm, thì lúc mình tìm đó mình nuôi cái hy vọng sẽ tìm được, tự nhiên sự sống của mình cũng được vui vẻ trong cảnh mơ mộng.
Bà Huyện không muốn kéo câu chuyện ra dài thêm nữa, nên bà không đáp lời. Chí Cao lại không muốn về, nên chàng hỏi bà:
- Té ra bà cũng có đọc tiểu thuyết của tôi nên bà mới biết cô Thanh Xuân?
- Con nhỏ nó có mua, nên khi nào rảnh thì tôi xem chơi, chớ tôi không có giờ mà đọc hết.
- Xin bà chịu khó đọc cho đủ các tác phẩm của tôi, thì bà mới chịu thấu hiểu tâm hồn của tác giả được.
Bà Huyện quyết dứt câu chuyện nên bà day lại phía sau mà nói nhỏ với cô Túy, khuyên cô đi vô trong biểu gia dịch lo dọn cơm. Cô Túy đi rồi, bà Huyện liền đứng dậy mà nói với Chí Cao:
- Ông qua thăm vợ chồng tôi, tôi rất cám ơn. Để ông Huyện tôi về rồi tôi sẽ thưa lại cho ông Huyện tôi hay, đặng bữa nào rảnh ông Huyện ông Huyện tôi sẽ trả lễ.
Chí Cao muốn ngồi lâu nữa, song thấy cử chỉ rồi nghe câu nói của chủ nhà như vậy, thì hiểu người ta tỏ ý muốn mình đi về, bởi vậy chàng thủng thẳng đứng dậy và nói:
- Thôi để bửa nào có quan Huyện ở nhà rồi tôi sẽ qua đặng làm quen với ngài. Tôi ở gần, hai nhà qua lại đàm luận chơi, chắc là vui lắm.
Chí Cao vừa nói vừa đi lần ra cửa. Bà Huyện cũng đi theo, ý muốn đưa khách, song bà đi xa xa. Chí Cao ngó bà vừa cười vừa nói nho nhỏ:
- Có lẽ bà quên tôi, chớ tôi biết bà từ hồi bà còn xuân xanh chưa có chồng.
Bà Huyện chưng hửng. Chí Cao nói tiếp:
- Tôi là con của ông thầy giáo Sum, hồi còn nhỏ chúng ta ở một dãy phố với nhau dưới Cần Thơ, bà nhớ hôn?
Bà Huyện tỉnh táo đáp:
- Tôi biết thầy giáo. Còn ông thì tôi quên.
Chí Cao nói:
- Lúc bà lấy chồng thì tôi mới mười hai mười ba tuổi. Tuy lúc ấy tôi còn con nít nhưng mà tôi đã biết mến nết na đằm thắm của bà... Đã hơn hai mươi năm rồi, mà cái vẻ đẹp ấy vẫn còn y nguyên, chưa phai lợt chút nào hết.
Nghe mấy lời ấy, bà Huyện vừa mắc cở, vừa tức giận, bà muốn mắng đứa vô lễ đặng răn dạy nó về sau, nhưng vì sợ làm vỡ lỡ mang tiếng mà gây buồn cho chồng, nên bà dằn lòng mà nói:
- Ông đi về đi.
Chí Cao cứ cười chúm chím mà nói tiếp:
- Bà là cô Thanh Xuân của tôi tả trong quyển tiểu thuyết Nhắn bạn Hằng Nga đó.
Bà Huyện xây lưng vô, phiền giận cành hông, đỏ au sắc mặt.