watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Đóa Hoa Tàn-Chương 3 - tác giả Hồ Biểu Chánh Hồ Biểu Chánh

Hồ Biểu Chánh

Chương 3

Tác giả: Hồ Biểu Chánh

Nguyễn Hải Đường sang Pháp quốc mà học, vì nhà nghèo không tiền, mỗi năm chỉ nhờ sáu ngàn quan học bổng của nhà nước cấp mà thôi, bởi vậy ăn đói mặc rách, chịu cực khổ, trong sáu năm mới thi đậu tốt nghiệp trường Chư Nghệ Đại học (34).
Tội nghiệp chú biện Yến, chú nghèo mà chú sốt sắng về sự cho con học, rủi năm trước chú đã qua đời không còn mà mừng cho con được thành danh.
Hải Đường thi đậu rồi thì liền được nhập tịch dân Pháp và được cấp bằng vào ngạch Tạo Tác Đông Pháp. Chàng bươn bả xuống tàu mà về xứ trước viếng mồ cha, sau lo nuôi mẹ.
Nhà của thím biện Yến cũng còn ở tại đầu cầu Mê Phốt. Từ ngày chồng thím khuất rồi thì thím mua gánh bán bưng, mỗi ngày té lời đôi ba cắc bạc, nên không đến nỗi đói khát, song nhà cửa không tu bổ nổi, bởi vậy mái dột, vách lủng, mưa nắng lọt vào nhà.
Hải Đường bước vô nhà. Thím biện Yến thấy con thì mừng quýnh, không nói được chi hết, chỉ đứng khóc mà thôi. Hải Đường ngó bàn thờ cha quạnh hiu ngó cái nhà rách xiu xó, ngó mẹ già tóc đã bạc hoa râm thì chàng động lòng, nên cũng rưng rưng nước mắt.
Mẹ con khóc một hồi rồi Hải Đường nói rằng: "Thôi, kể từ ngày nay má hết cực khổ nữa. Con sẽ làm cho mẹ sung sướng vui vẻ tới già, chẳng còn buồn rầu chi hết. Con còn tiếc có một điều là ba không còn sống mà chung hưởng phú quí với con“.
Những người lân cận nghe Hải Đường về thì áp lại thăm, người nói chuyện nầy, người hỏi việc nọ lăng xăng, người khen Hải Đường có chí, kẻ mừng thím biện có phước.
Đến xế Hải Đường xin mẹ dắt mình ra viếng mồ của cha. Chừng trở về thím biện Yến nói với con rằng:
- Để rồi con xuống thăm ông bà Tổng một chút. Từ ngày ông thôi làm Tổng, ba con không có làm biện nữa, nhưng mà ông bà cũng tử tế luôn luôn. Năm ngoái ba con mất, nhờ có ông bà nên chôn cất rỡ ràng hết sức, mà từ ấy đến nay việc gì má cũng nhờ hết thảy.
- Để chiều rồi con sẽ xuống thăm. Cách ba bốn năm trước ba có gởi thơ cho con, ba nói gia đạo của ông Bình nguy lắm. Bây giờ đã hết nguy hay chưa, má?
- Hết làm sao được! Để má nói cho con nghe: "Con đi Tây đâu được vài năm, ở nhà nợ nó lên kiện ông Tổng.
- Ông Tổng giàu có như vậy mà mắc nợ hay sao?
- Mắc nợ lớn lắm. Hồi trước ông lo làm Tổng tốn hao một lớp, sau được thăng chức tốn hao một lớp nữa, trong nhà không đủ tiền, tự nhiên phải đi vay nợ thì nó đẻ lời, phần thì lúa không có giá, ông trả không nổi, chủ nợ nó mới kiện mà thi hành phát mãi ruộng đất của ông hết. Đã nghèo rồi lại mắc cái eo, quan trên nhơn lúc ấy lại buộc ông phải từ chức Cai tổng. Rồi việc nhà lại thêm lộn xộn nữa: Người rể của ông nó hành hạ cô Ba, nó đánh đuổi cô về, rồi nó vào đơn tại toà kiện xin phá hôn thú.
Hải Đường nghe câu sau đó thì chàng biến sắc, đứng ngó mẹ trân trân, rồi hỏi rằng:
- Trời ơi! Chồng cô Ba nó để bỏ cô hay sao?
- Nó bỏ hồi đó. Có án toà cho phá hôn thú đã ba bốn năm nay lận.
- Việc ông Tổng bị thi hành phát mãi và xin từ chức thì con hay, còn việc của cô
Ba thiệt con không hay chút nào hết. Cô Ba có con hay không, mà chồng để bỏ cô như vậy má?
- Chưa có con, vậy cũng là may, chớ nếu cô có con lòng thòng thì còn khổ cho cô nữa.
- Chồng bỏ rồi cô nương dựa với ai?
- Thì từ hồi đó đến giờ cô về ở với ông Tổng bà Tổng.
- Bây giờ ông nghèo rồi, thế thì cô phải cực khổ lắm?
- Tuy nói nghèo, song nghèo hơn hồi trước vậy thôi, chớ phải như mình vậy sao. Cái nhà của ông Tổng là nhà thờ, chủ nợ thi hành phát mãi không được, nên cũng còn ở đó. Ông Tổng còn hai chục mẫu ruộng hương hỏa, cũng không thi hành được. Lại hồi đấu giá cậu Hai dành mua lại được hai mươi mẫu nữa để tên mợ Hai đứng bộ. Nhờ vậy đó nên bây giờ tuy nói nghèo, song cũng còn sung sướng lắm chớ.
Hải Đường ngồi chống tay lên trán mà suy nghĩ một hồi lâu rồi nói rằng:
- Việc vợ chồng của cô Ba ngày nay có chuyện lôi thôi, con có tội trong đó nhiều.
- Tại sao con có tội?
- Hồi đi học trên Sài Gòn, con biết tánh tình của người chồng cô Ba đó nhiều.
Khi người ấy nói mà cưới cô, thì cô có hỏi thăm con, song con dấu, con không dám nói thiệt, nên cô mới mang khổ đó.
- Ối! Sui gia hai đàng họ định cưới gả, con nói vô nói ra làm chi. Con dấu là phải, có tội gì đâu.
- Thế nào chiều nay con cũng phải xuống thăm.
- Ừ, chiều con xuống thăm một chút. Nghe nói bữa nay ở dưới có đám giỗ. Mà bây giờ giỗ quải thì không có mời ai hết, chớ không phải rần rộ như hồi trước. Ông Tổng lục đục ở nhà sửa kiểng ngâm thi, ông không đi đâu hết. Cậu Hai thì lo làm ruộng. Còn cô Ba thì cô không chịu lấy chồng khác, cô học đờn, học làm thi, cô kết bạn với con gái của ông giáo Lạc dưới Vũng Liêm, rồi chị em lâu lâu hiệp lại hòa đờn ngâm thi với nhau mà thôi, chớ không chơi với ai khác.
- Theo như lời má nói đó, thì ông Tổng tuy suy sụp, song ngài lại còn phong
lưu hơn hồi trước nữa sao? Má coi ý ông và bà có buồn hay không?
- Không. Vui vẻ hơn hồi trước nữa chớ. Bà bây giờ lại có da thịt. Con xuống đó con coi. Bà nhắc nhở con hoài, mà cô Ba cũng hay hỏi thăm con nữa.
- Để ăn cơm chiều rồi con sẽ xuống thăm. Mà má nghe nói tại sao vợ chồng cô
Ba phải rời rã vậy má?
- Có lạ gì đâu. Thằng chồng của cô Ba nó là con nhà giàu có sang trọng, mà nó
lất khất lỗ mãng quá. Nó cưới cô về nó hành hạ thân cô không biết chừng nào, nó cứ xúi cô về nhà xin tiền cho nó xài. Chừng vợ chồng ông Tổng nghèo rồi không có tiền bạc mà cho nữa, lại nó nghe ruộng đất bị chủ nợ thi hành phát mãi hết, thì nó đánh chưởi xô đuổi cô, rồi nó vô đơn tại toà xin phá hôn thú, chớ có gì đâu.
Hải Đường nghe rõ đầu đuôi thì chàng châu mày thở ra, mặt coi buồn thiu.
Đến chiều, ăn cơm rồi Hải Đường mới đi thăm ông Tổng Bình. Khi chàng bước vô cửa ngõ thì chàng thấy cái sân khác hẳn với hồi trước. Khi xưa sân cũng có trồng bông, cũng có để kiểng, nhưng mà bông trồng không thứ tự, cây trồng không ngay hàng, lại bông không ai chăm sóc, cây không ai uốn sửa, nên bông coi không tốt tươi, cây coi không thanh nhã. Bây giờ cái sân lại thành một cảnh hoa viên đẹp đẽ. Chánh giữa sân cũng còn cây huỳnh mai nhánh lá sum sê, mà trước cây ấy có xây một hồ nước, trong hồ có đấp một hòn non. Cái đường xe ngoài ngõ chạy vô bây giờ đổ cát sạch sẽ, mà vô gần tới hòn non thì tẽ ra làm hai đường, mỗi đường đi một bên rồi giáp lại với nhau tại trước thềm. Miếng đất trống từ phía sau cây huỳnh mai vô tới thềm thì lót gạch bằng thẳng, chánh giữa để trống đặng ban đêm ngồi hứng mát, còn chung quanh sấp đôn (35) để chậu kiểng là những sơn tùng kim quít, bùm sụm, càng thăng, cặp thì sửa xuy phong, cặp thì uốn chiếu thủy. Hai bên đường vô thì trồng bông hết thảy, song mỗi thứ trồng riêng một liếp vuông, liếp thì trồng hường, liếp thì trồng huệ, liếp thì trồng vạn thọ, cúc, liếp thì trồng cẩm nhung rằn, liếp thì trồng móng tay (36), liếp thì trồng thược dược, cùng nhiều thứ bông khác mua giống bên Pháp nên không biết tên mà kể cho hết.
Hải Đường đứng ngó vườn hoa thì trong lòng thơ thới, chẳng khác nào như lạc bước vào lối động tiên. Chàng đương bàng hoàng nhìn hoa ngắm cảnh, thình lình ở phía sau hòn non có hai cô mỹ nữ, một cô mặc áo đen, một cô mặc áo trắng, bước ra cúi đầu chào chàng, và cô mặc áo đen nói rằng: „Em nghe anh về từ hồi trưa đến giờ, nhưng vì nhà có khách nên em không lên mà mừng anh được. Mời anh vô nhà, thầy em mới nói chuyện anh với hai ông khách hồi nãy. Anh học thành danh, làm vẻ vang cho xứ sở, thiệt em nghe em mừng hết sức“.
Cô nói đó là cô Túy Nga, còn cô mặc áo trắng là bạn cầm thi của cô tên Lý Thị Trường Thoại, con của ông giáo Lý Trường Lạc hưu trí ở dưới chợ Vũng Liêm.
Hải Đường đáp lễ rồi trả lời rằng:
- Cám ơn cô Ba có lòng chiếu cố. Không biết có ông bà và cậu Hai ở nhà hay không?
- Có ở nhà đủ hết. Mời anh vô.
Hai cô đi trước, Hải Đường theo sau. Chàng coi cô Túy Nga chẳng khác gì hồi trước, duy vóc ốm hơn và mặt có vẻ nghiêm nghị hơn.
Hải Đường vừa bước lên thềm, thì ông Bình với cậu Thái Hòa dòm thấy nên chạy ra chào mừng. Ông Bình nắm tay và nói rằng: "Bác nghe cháu học trường Chư Nghệ Đại học mà cháu thi đậu được, thì bác mừng không biết chừng nào. Như cháu đó mới đáng gọi là trai Nam Việt. Cháu bước vô nhà...“.
Hải Đường ú ớ cảm ơn, day qua bắt tay chào mừng Thái Hòa, rồi theo ông Bình mà bước vô cửa. Chàng chấp tay xá bà Bình, chúc bà mạnh giỏi, thấy có hai ông khách ngồi tại bộ ghế giữa bèn cúi đầu thi lễ.
Ông Bình nói với hai người khách rằng: "Ông Bác vật (37) mà tôi khoe với hai ông hồi nãy đó là ông nầy đây“. Ông day lại nói với Hải Đường rằng: "Hai ông đây là bạn thiết của bác; ông nầy là ông Lý Trường Lạc, hồi trước làm giáo sư ở dưới Trà Vinh, hưu trí rồi nên mua nhà về ở tại chợ Vũng Liêm. Còn ông nầy là ông Trần Hạo Nhiên, làm thầy thuốc, nhà ở dưới Giồng Kê. Bây giờ bác chán đời, không còn muốn việc gì nữa hết, chỉ vui thú sửa kiểng, trồng cây, lâu lâu hiệp với vài ông bạn già ngâm thi, hoặc luận thế sự chơi vậy thôi. Cháu ngồi ghế đây, nói chuyện chơi“.
Vợ và con của Thái Hòa cũng ra chào mừng Hải Đường, rồi hiệp cùng cô Túy Nga và cô Trương Thoại ngồi trên bộ ván chỗ bà Bình ngồi ăn trầu.
Ông Bình với hai ông khách khen Hải Đường con nhà nghèo mà có chí, tiếc biện Yến không còn mà chung hưởng phú quí với con, hỏi thăm việc bên Pháp, nói chuyện cho tới tối, trong nhà đốt đèn, rồi ông mới hỏi Hải Đường rằng:
- Để bác biểu bày trẻ dọn cơm cho cháu ăn, rồi ở nói chuyện chơi nhé?
- Thưa ông, cháu ăn cơm trên nhà cháu rồi.
- Thiệt hôn?
- Thưa, thiệt chớ. Cháu ăn cơm rồi cháu mới xuống thăm ông bà đây.
- Chẳng dấu chi cháu, bữa nay nhà bác có kỵ cơm, nên hồi chiều cúng rồi dọn
ăn sớm. Bác hay cháu về hồi trưa, song bác nghĩ phải để cho cháu vui chơi với thím biện, nên bác không dám mời. Mà mấy năm nay đám giỗ, bác cũng không có mời khách khứa đông như hồi trước nữa, nên mời có hai ông bạn đồng chí đây mà thôi. Cháu ăn cơm rồi, thôi để lát nữa rồi sẽ dọn bánh ăn chơi. Bác thấy nhựt trình nói cháu thi đậu rồi lại được cấp bằng làm Bác vật sở tạo tác (38). Cháu về đây rồi quan trên bổ cháu làm tại đâu?
- Thưa, cháu đã lãnh giấy rồi, cháu sẽ tùng sự tại sở Tạo tác Sài Gòn.
- Cháu ăn lương một tháng chừng bao nhiêu?
- Thưa, trên ba trăm.
- Cháu sẽ đem thím Biện lên Sài Gòn ở với cháu, hay là để ở dưới nầy?
- Thưa, cháu muốn rước má cháu lên trển ở với cháu.
- Ô, có hai mẹ con, ở chung với nhau cho tiện.
- Cháu tính cưới vợ hay chưa?
- Thưa, việc ấy cháu chưa nghĩ tới.
- Theo ý cháu, thì chừng cưới vợ, nên cưới con gái tân học hay là nên cưới con gái cựu hóa.
- Thưa, việc vợ chồng cháu chưa để ý đến. Nhưng mà theo ý cháu, nếu cưới vợ
tự nhiên phải kể tình với nghĩa trước hết. Còn giàu hay nghèo, mới hay cũ, mấy điều ấy không quan hệ gì lắm.
Mặt trăng mọc lên khỏi ngọn cây, yến (39) dọi vô cửa sáng lòa. Ông Bình kêu Túy Nga biểu dọn bánh nước trà một bàn ở giữa sân đặng khách ra đó ngồi ăn uống chơi cho mát.
Thái Hòa lo dọn bàn ghế, còn Túy Nga với Trường Thoại thì lo sắp đặt bánh nước. Ông mời khách ra cái sân gạch dựa cây huỳnh mai mà ngồi.
Gió thổi hiu hiu, trăng soi vặc vặc, hoa đơm chờn chở, lá giũ lào xào. Trăng chào hoa trăm đóa hữu duyên, hoa mừng trăng một vừng tỏ rạng.
Khách ngồi uống nước, nhìn hoa ngắm nguyệt, rồi ai cũng cảm hứng động tình. Ông bèn biểu Túy Nga với Trương Thoại đem đờn ra hòa chơi mà thưởng hoa thưởng nguyệt. Cô Trường Thoại đờn cây tranh, cô Túy Nga đờn cây kìm, hai người hòa với nhau, tiếng to như mưa tuôn như nước đổ, tiếng nhỏ như dế gáy như ve ngâm, khi hùng hào như oán như hờn, khi rỉ rả như than như khóc.
Hải Đường ngồi ngó cảnh nghe đờn, mờ mệt tâm thần, nửa mê nửa tỉnh. Hai cô vừa dứt đờn, thì ông giáo Lạc nói với Túy Nga rằng: "Cô Ba, tôi nghe con nhỏ tôi nó nói cô có làm một bài thi "tự thán“ văn tao, tứ rộng. Đâu cô ngâm nghe thử coi“.
Túy Nga chúm chím cười và đáp rằng, "Bẩm thầy đêm rằm tháng trước, trăng trong gió mát cũng như bữa nay, cháu bước ra vườn hoa, một mình thơ thẩn, bỗng cháu thấy trong mặt đám hoa đương đua nở tốt tươi, lại có lộn một đóa hoa đã tàn nên khô héo; cháu nhìn đóa hoa tàn ấy rồi cháu động lòng, nên ngụ ý làm thử một bài thi. Bẩm, cháu mới tập làm, nên thi cháu non nớt lắm, có đâu cháu dám ngâm cho thầy nghe“.
Ông giáo Lạc nói "Thi hay dở là tại tứ, chớ không phải tại luyện. Có người làm đến già mà cũng không tao. Cô làm thế nào đâu, cô ngâm nghe thử coi, như có câu nào không được thì bác sẽ sửa cho“.
Túy Nga ôm cây đờn kim lên dây mà rao, rồi vừa đờn vừa ngâm một bài thi như vầy:
Hoa tàn một đóa giữa đêm đông,
Đêm vắng hoa khô dạ não nồng;
Hởi trước hẫng hờ trong lộn đục.
Nên giờ tỏ rõ sắc là không;
Cầm thi vui tạm qua ngày tháng,
Son phấn nghĩ càng thẹn núi sông;
Nầy bạn tri âm ai có biết,
Treo gương bạc mạng chốn lầu hồng.
Túy Nga ngâm dứt bài thi rồi, cô để cây đờn trên ghế, liếc mắt thấy Hải Đường ngó cô trân trân.
Ông giáo Lạc gục gặc đầu mà nói rằng , "Cháu mới tập làm thi mà cháu làm được như vậy thì khá lắm. Cháu tập riết chắc thi của cháu sẽ tao. Trong bài thi nầy cháu than phận của cháu thì phải; nhưng mà lấy tứ mà bình luận thì cháu đa sầu đa não, còn tức còn phiền, cháu chưa giải thoát nợ đời được. Cháu phải ráng tập luyện cho tâm an trí tịnh, đặng vui đạo vị, hưởng phong lưu. Cháu nghĩ lại mà coi, phú quí, căn duyên là nghĩa gì? Ấy là những mùi của Tạo hóa bày ra để mà thử lòng người, ấy là những bẫy để mà bắt những kẻ mê muội đặng quăng vào biển khổ. Cháu đừng thèm kể những đồ ấy, cháu phải thành tâm vui với cảnh hoa thơm trăng tỏ, vui với thú thi tối cầm trưa, cháu tập được như vậy rồi, tự nhiên trí cháu tiêu diêu, lòng cháu thơ thới, cháu làm thi văn mới thanh tao, tứ mới cao thượng“.
Ông Trần Hạo Nhiên cãi rằng: "Bài học của ông giáo đó là bài để dạy những người lớn tuổi như mình, chớ cô Ba mới hai mươi ngoài tuổi, cô còn đa tình đa cảm, cô mới uất về tóc tơ, chớ cô chưa nếm đủ mùi đời, có thế nào cô làm theo lời ông dạy đó được“.
Hải Đường tiếp mà nói rằng: "Lời của ông thầy thuốc nói phải lắm. Cô Ba còn trẻ tuổi nên cháu tưởng khó mà làm theo lời của ông giáo dạy. Đã vậy mà theo ý cháu, con người ở đời thiệt chẳng nên vọng cầu phú quí ấy không có giá trị chút nào hết. Còn như mình không cầu, song nhờ cái chí, nhờ cái tài, nhờ công phu của mình mà mình được phú quí thì cái phú quí ấy đáng cho mình hưởng lắm chớ. Xin lỗi ông giáo; để cho cháu tỏ hết ý của cháu. Đã biết phú quí thường là miếng mồi để câu mình vào biển khổ, song có khi nó cũng là cái vật để cho loài người cạnh tranh mà tấn hóa. Nếu loài người ai cũng lo hưởng thụ gió trăng, không thèm kể phú quí, thì hại cho đường tấn hóa lắm“.
Ông Bình gật đầu vừa cười vừa nói rằng: "Cái luận thuyết ấy là luận thuyết của bực thanh niên tân học bây giờ. Nghe hữu lý lắm, song ý trung, trọng vật chất hơn tinh thần. Cháu luận phú quí như vậy đó, còn theo ý cháu căn duyên thì sao?“
Hải Đường ngó Túy Nga rồi đáp rằng: "Thuở nay cháu chưa có vợ, nên luận về căn duyên chắc là cháu còn non nớt lắm. Căn duyên là gì? Ấy là cuộc tơ tóc trăm năm, cuộc vợ chồng. Theo Việt Nam, vợ chồng là đạo trọng, để vun trồng gia tộc, còn theo Pháp vợ chồng là cuộc để gây ra gia đình hạnh phúc. Mà dầu Việt Nam dầu Pháp cũng vậy, hai chữ vợ chồng có ẩn cái nghĩa ái tình luôn luôn. Nếu cặp vợ chồng nào mà không có ái tình, thì cái gia đình ấy là địa ngục. Ấy vậy ái tình là món rất quí báu, nếu mình biết nâng cao nó lên, thì nó có thể làm cho mình thơ thới mà bước trong đường đời, làm cho mình được phấn chấn mà lo tấn hóa. Cháu tưởng mình nên nuôi, chớ không nên bỏ nó. Nếu trong cái thú thanh nhàn hoa thơm trăng tỏ, thi dối cầm trưa, mà có lộn ái tình chan chứa nữa, thì cái thú thanh nhàn ấy càng thêm nồng nàn, chớ không hại chi hết“.
Ông giáo Lạc cười mà nói rằng: "Đa tình nên chưa thoát tục! Nợ đời còn nhiều!“ Ông Bình với ông thầy thuốc đồng cho mấy lời phê bình của ông giáo là đúng.
Trăng đã đứng đầu. Bà Bình với Thái Hòa đi nghỉ đã lâu rồi. Ông giáo Lạc với ông thầy thuốc Nhiên thấy canh đã khuya nên kêu người đánh xe biểu bắt kế ngựa mà về. Cô Trường Thoại cũng theo xe mà về với cha.
Hải Đường với Túy Nga đưa khách ra tới đường lộ, chừng xe chạy rồi, hai người ngó nhau, cả hai đều lộ sắc buồn. Hải Đường tính trở vô sân đặng từ giã ông Bình mà về nghỉ, chẳng dè vô tới đó thì không có ông, chỉ còn bàn ghế, đèn, nước mà thôi. Túy Nga nói rằng: "Chắc thầy em đi nghỉ rồi. Bữa nay có khách thầy em bỏ giấc ngủ trưa, nên coi bộ mệt“.
Hải Đường muốn mở miệng từ giã Túy Nga mà về, nhưng rồi chàng dụ dự, cúi mặt xuống đất suy nghĩ rồi mới nói rằng:
- Hồi nãy tôi nghe cô ngâm bài thi 'Hoa tàn“ sao tôi cảm quá. Tiếc vì tôi không nhớ câu nào hết. Cô cho phép tôi chép lại đặng về nhà tôi đọc chơi, được hay không, cô Ba?
- Được chớ; song thi không hay, anh chép làm chi?
- Với thiên hạ không biết thể nào, chớ với tôi thì có ý nghĩa nhiều lắm. Tôi muốn chép đặng về đọc lại cho kỹ.
- Chàng kéo ghế ngồi dựa cái đèn, móc trong túi lấy ra một tập giấy nhỏ với một cây viết chì, sửa soạn chép thi, Túy Nga ngồi đối diện với chàng mà đọc bài thi lại cho chàng viết.
Hải Đường chép thi rồi, chàng ngồi đọc lại, chàng đọc dứt, chàng mới ngó Túy Nga mà hỏi rằng: "Nếu vậy thì trong mấy năm nay cô buồn rầu ảo não lắm phải hôn cô Ba?“
Trong sáu năm nay cô Túy Nga chẳng hề lộ sắc buồn cho ai biết, mà nay cô nghe Hải Đường hỏi mấy lời thì cô ứa nước mắt, ngồi ngó trân đám bông huệ gần đó mà chậm rãi đáp rằng: "Buồn hay vui, anh xem bài thi đó thì đủ biết“.
Hải Đường lắc đầu nói rằng:"Tôi mang tội lớn lắm! Tôi ăn năn đến chừng nào cũng không chuộc tội nầy được!“.
Túy Nga ngó ngay chàng, miệng tuy chúm chím cười, song đáp rất buồn thảm rằng:
- Phải. Tội của anh nặng lắm. Chừng nào anh chết xuống âm phủ quỉ sứ xẻ miệng anh cho anh coi.
- Tôi muốn tránh tiếng xấu nhỏ nhỏ, mà tôi để cho cô phải mang cái họa lớn, thiệt tôi dại quá. Nhưng mà nếu cô biết được tâm sự của tôi trong lúc ấy, thì có lẽ cô cũng dung chế cho tôi.
- Tâm sự gì?
Hải Đường không trả lời. Chàng ngồi lặng thinh một hồi rồi châu mày thở ra mà nói nhỏ nhỏ rằng: "Tại hồi đó tôi lén thương cô, nên cô lấy chồng mà cô hỏi ý tôi, thì có thế nào tôi dám tỏ thiệt. Nếu tôi cản cô thì té ra...“. Chàng liếc mắt thấy Túy Nga biến sắc, thì chàng không nói nữa, trong lòng sùi sục, trăm mối ngổn ngang.
Hai người ngồi lặng thinh, chàng cầm tập giấy nhỏ mới chép thi hồi nãy đó chàng giở từ tờ, cô ngó liếp bông huệ mà đếm từ bông, tư bề vắng vẻ, im lìm, chỉ có mùi thơm của hoa viên bay ngọt ngào, với yến sáng của hằng nga soi vằng vặc.
Hải Đường vùng đứng dậy nói rằng: "Tôi phải rửa cái tội ấy mới được. Tôi phải cưới cô đặng làm cho cô hết sầu hết não, hưởng chút hạnh phúc, thì tôi mới hết ăn năn. Nếu cô bằng lòng, thì tôi về thưa lại với má tôi, rồi sáng mai tôi xuống tỏ thiệt với ông bà. Hiện bây giờ tôi được phép nghỉ một tuần lễ. Chừng mãn phép tôi trở lên Sài Gòn dọn nhà xong rồi sẽ định ngày cưới. Cô bằng lòng hay không cô Ba?“.
Túy Nga cũng đứng dậy; cô ngó Hải Đường mà ra tiếng đáp rằng:
- Anh tính việc gì kỳ vậy?
- Có chi đâu mà kỳ.
- Kỳ lắm chớ.
- Mà cô ưng hay không?
- Việc ấy em không có nghĩ tới, nên anh hỏi thình lình, em không biết sao mà trả lời.
- Vậy thì cô suy nghĩ rồi sẽ trả lời, không gấp gì đâu.
- Chừng nào anh mới trở lên Sài Gòn mà lãnh việc?
- Bảy bữa nữa.
- Vậy thì xin anh để cho em suy nghĩ rồi tối mai em sẽ trả lời.
- Cô tính cho tôi gặp cô chỗ nào đặng trả lời?
- Túy Nga trầm ngâm một lát rồi đáp rằng: "Tối mai, chừng trăng mọc, em sẽ chờ anh tại hoa viên đây. Anh xuống thì sẽ có em mở cửa cho“.
Hải Đường nói hai tiếng "cảm ơn“ mà giọng nghe rất dan díu, mắt ngó rất hữu tình. Chàng cúi đầu rồi xăng xớm trở ra lộ mà về. Túy Nga đứng ngó theo, chừng hết thấy dạng chàng nữa, thì cô té ngồi trên ghế, hai tay chống cái trán, nước mắt tuôn dầm dề.
yến trăng càng thêm tỏ, vườn hoa càng thêm thơm.
Lối nửa canh một. Mặt trăng mọc lên, làm cho phía trời đông có một vừng sáng lòa rọi khắp đầu cây ngọn cỏ.
Hải Đường mặc y phục đàng hoàng, thủng thẳng đi trên lộ mà xuống nhà ông Bình, vừa đi vừa ngó mặt trăng, trong lòng khấp khởi, bồi hồi, bởi vì cái việc mà chàng phải đi đây là việc quan hệ về cuộc trăm năm của chàng mà cũng quan hệ với cái đời của một vị phụ nữ mà chàng đã thương yêu kính trọng.
Chàng bước vô cửa ngõ, thì thấy cửa mở sẵn một cánh. Chàng qua khỏi cửa, liền thấy dạng cô Túy Nga đương ngồi cái băng trước hòn non, cô đứng dậy, rồi lần lần đi ra mà tiếp chàng. Tuy đi xuống đây thì trong trí chàng đã quả quyết cứu một vị phụ nữ cho khỏi ưu sầu, mà cũng làm cho mình được phỉ lòng ước nguyện, nhưng mà chừng thấy cô Túy Nga thì chàng lại hồi hộp, dường như người toan làm một việc quấy nào đó vậy, bởi thế cho nên chừng cô Túy Nga chào chàng thì chàng hỏi nhỏ nhỏ rằng:
- Ông bà còn thức, hay là ngủ rồi?
- Thầy và má em nghỉ rồi, vì đêm hôm qua thức khuya, nên bữa nay nghỉ sớm.
Còn anh Hai em còn thức ở phía sau. Mời anh bước lại cái băng đây mà ngồi nói chuyện chơi cho mát.
Hải Đường Đi theo Túy Nga lại cái băng trước hòn non, rồi chàng ngồi một đầu, cô ngồi một đầu. Yến trăng rọi cái băng sáng quắc, nên hai người thấy mặt nhau tỏ rõ. Ngọn gió hiu hiu mát mẻ, mùi bông phưởng phất thơm tho.
Hải Đường ngồi yên rồi chàng hỏi rằng: "Cô suy nghĩ rồi hay chưa, cô Ba?“ Túy Nga dụ dự một chút, rồi ngó chàng mà đáp chẫm rãi rằng:
- Thưa, em suy nghĩ rồi.
- Cám ơn cô. Cô nhứt định mau như vậy, thì lòng lo ngại của tôi khỏi dây dưa khó chịu.
Túy Nga day qua ngó chàng nữa, mà trong lòng cô ảo não không xiết kể. Cô lặng thinh một lát rồi mới nói rằng:
- Hôm qua em xin anh để cho em suy nghĩ rồi bữa nay em sẽ trả lời. Vì có lời
hứa như vậy, nên em ra đây. Em nói suy nghĩ rồi, chớ em có nói nhứt định rồi đâu mà anh vội cảm ơn.
- Vậy chớ cô chưa nhứt định hay sao?
- Thưa, em suy nghĩ rất kỹ lưỡng nên em cũng nhứt định rồi nữa.
- Cô nhứt định thế nào? Phải cô bằng lòng nhận lời tôi nói với cô hôm qua đó hay không?
Túy Nga lặng thinh nữa. Hải Đường hồi hộp, nên ngó cô mà đợi cô trả lời. Túy Nga vùng cười và đáp rằng: "Em nghĩ không nên tính như vậy. Em không lẽ làm vợ anh được“.
Hải Đường chưng hửng, nên đứng dậy hỏi rằng:
- Cô nói thiệt hay là nói chơi?
- Thưa, việc quan hệ như vậy, có lẽ nào em dám nói chơi.
- Cô muốn giết tôi!... Bây giờ tôi mới hay tôi lầm. Cô không có tình với tôi một chút nào hết. Té ra cái đời của tôi không có nghĩa gì.
- Xin anh đừng nóng giận. Anh ngồi xuống đặng em nói chuyện cho anh nghe. Hải Đường ngồi lại, chàng khoanh tay, cúi đầu, không ngó Túy Nga, mà cũng không nói một tiếng chi nữa hết.
Tuý Nga cười mơn mà nói rằng:
- Xin anh Đừng phiền em. Từ hôm qua cho tới bây giờ em thấy rõ bụng anh rồi.
Anh thương em, thì em kính anh, em trọng anh lung lắm. Đối với em, anh có cái tình u ám mà nồng nàn, cang cường, cao thượng dường ấy, em không phải là cây hay là đá, thì có lẽ nào em lại không có chút tình gì với anh.
- Nếu cô có một chút tình với tôi, sao tôi xin cưới cô, mà cô lại không ưng?
- Xin anh đừng có giận nữa, hãy bình tĩnh trí lại, rồi em sẽ phân phải quấy cho anh nghe.
- Cô Ba ôi! Tôi xin tỏ thiệt với cô: Nếu cô không nhậm lời tôi, thì tôi buồn lắm.
Tôi buồn là vì trong trí tôi sẽ nghĩ cô chê tôi là con của kẻ bộ hạ của ông, nên không xứng sánh đôi kết tóc với cô.
- Em vẫn trọng anh là bực cao thượng, xin anh đừng ngụ ý thấp thỏi như vậy chớ. Đó là thói của bọn thất phu, tục nữ, cái óc của mình có phải như vậy đâu.
- Vậy chớ tại cớ nào mà cô không ưng làm vợ tôi?
- Để em nói anh nghe. Lúc đôi ta còn nhỏ, một là vì gia phong, hai là vì thế thái, nên tuy đôi ta có tình với nhau, song không phối hiệp được, phải mỗi người một ngả. Ấy cũng tại đôi ta không có căn duyên, nên trời đất mới khiến như vậy. Em xin anh chẳng nên cưỡng cầu việc tóc tơ mà trái mạng trời.
- Tại một cớ đó mà cô không ưng làm vợ tôi phải hôn? Cô nghĩ như vậy thì sai
lắm. Theo tôi tưởng thì chắc là đôi ta có căn duyên với nhau, song trời định căn duyên ấy phải trắc trở lúc ban đầu, rồi sau mới sum vầy được. Có lẽ tại như vậy, nên ngày trước tôi đã thương cô, mà trời khiến cho tôi ái ngại không dám nói ra, để cho cô lấy chồng, rồi trời lại khiến vợ chồng cô rời rã cho tôi có thể phối hiệp với cô. Thuở nay có nhiều căn duyên như vậy, chớ nào phải một mình đôi ta đây mà thôi sao.
- Ấy là anh muốn cưỡng từ đoạt lý, chớ chánh đạo có phải như vậy đâu. Em không thể làm vợ anh được, còn một cớ nầy nữa: Em đã có chồng rồi, có lẽ nào em lại lấy chồng một lần nữa.
- Chồng cô đã để bỏ cô rồi, cô còn nói có chồng nữa sao được.
- Anh quên câu: "Liệt nữ vô nhị giá“ hay sao?
- Tôi nhớ chớ. Song câu ấy có can hệ gì đến phận của cô đâu. Nếu cô có chồng, mà vợ chồng thương yêu nhau, rủi chồng cô chết, cô vì đạo cang thường nên thủ tiết với chồng, không nỡ lấy chồng khác, cô làm như vậy thì phải lắm. Chớ chồng của cô hồi trước là đứa vô đạo, nó thấy ông bà suy sụp nó để bỏ cô, dường ấy thì có tình nghĩa gì mà cô phải thủ tiết với nó.
- Dầu chồng có quấy cho mấy đi nữa, vợ cũng cứ ở phải, được như vậy thì mới cao.
- Hôn thú đã phá rồi, còn gì nữa mà xưng hô vợ chồng.
- Hôn thú là luật của con người, tiết trinh là đạo của trời đất; luật con người sao
bằng luật trời đất.
- Cô Ba, tôi tính việc trăm năm với cô, một vì tình, hai vì nghĩa, chớ tôi không thèm kể việc gì khác nữa hết. Vậy tôi xin cô vui lòng xuôi thuận, để trước cho tôi phỉ tình hoài vọng, sau cho tôi chuộc cái tội tôi dấu cô ngày xưa. Xin cô đừng chấp từ nan, mà làm cho hỏng cái đời của tôi, tội nghiệp.
- Anh thương em nên anh gắn bó, thì em cảm tình anh lắm. Nhưng vì em nghĩ
kỹ rồi, không nên tính việc tóc tơ. Bây giờ anh học đã có danh lớn, anh lại làm quan địa vị cao sang, chẳng thiếu chi con nhà giàu sang cầu mà tề gia nội trợ cho anh. Em khuyên anh lựa người có sắc, có tài, có hạnh, có đức mà cưới. Còn phận em thì em xin để kiếp khác em sẽ làm vợ anh mà đền đáp cái tình của anh trong kiếp nầy.
Hải Đường lắc đầu thở ra. Chàng suy nghĩ một hồi rồi nói rằng:"Cô Ba, tôi chắc cô không biết cái tình của tôi sâu sắc là thế nào. Cái đêm cô ngồi thêu, cô luận đạo vợ chồng cho tôi nghe, thì mối tình nặng nề gây ra từ lúc ấy. Trót một tháng trường tôi như người không hồn, đau đớn là tại tình sâu mà vô hy vọng. Chừng tôi hay ông bà định ngày cho chồng cưới cô, thì tôi như dại như ngây, không còn kể việc gì ở thế gian nầy nữa hết. Tôi liền xin qua Pháp quốc mà học, ấy là tôi quyết lấy sự học mà vùi lấp khối tình. Trót sáu năm nay, cái tình của tôi đã chết rồi, tôi nhờ sự học hành làm vui mà ở đời. Thiệt tôi chẳng tính bao giờ tôi thèm cưới vợ. Chẳng dè đến đây, tôi nghe phận cô, tôi thấy mặt cô, thì ngọn lửa tình đã tắt thình lình nó ngùn lại. Đêm qua tôi nghe cô ngâm bài thi "Hoa tàn“ thì tôi cảm xúc trong lòng, chịu không được, nên tôi phát biểu cái ý muốn kết tóc trăm năm với cô. Tôi về nhà từ hồi hôm tới giờ, tôi suy nghĩ lại, thì cái ý tôi muốn đó phải lắm, chớ không có quấy chỗ nào hết. Trước phải chia lìa, rồi sau mới sum hiệp, tuy cái hạnh phúc của đôi ta trễ hết mấy năm, song đôi ta cũng hưởng đựơc lâu dài; chớ nếu cô cố chấp thì cái đời của chúng ta phải hỏng hết, cô thì ưu sầu, tôi thì phiền não đêm ngày, đường ấy có vui gì mà sống. Xin cô phải suy nghĩ lại."
Túy Nga cười mà đáp rằng:
- Những lời anh nói nghe phải lắm. Theo thế thường thì vậy đó, hễ có tình với nhau thì phối hiệp tóc tơ, chẳng kể đến việc chi khác. Đôi ta chẳng phải như thiên hạ, thì bắt chước thiên hạ mà làm chi. Em tưởng nếu mình có tình với nhau, thì phải trọng cái tình ấy, phải giữ cho nó trong sạch, đừng để nó lem luốc uổng lắm.
- Mình có tình mà mình phối hiệp cùng nhau thì cái tình ấy trong sạch lắm, có chi lem luốc đâu mà cô ái ngại.
- Theo phận anh thì phải, còn theo phận em thì em hổ lắm. Em xin anh đừng tính việc tóc tơ với em. Anh hãy lựa người khác có tài, có đức mà tính cuộc trăm năm, để cho em cầu trời khấn phật rồi kiếp sau đôi ta sẽ sum hiệp.
- Nếu cô không ưng tôi, thì chắc trọn đời tôi không thèm cưới vợ.
- Xin anh đừng có nói như vậy. Sá gì thân hèn hạ nhơ nhuốc nầy mà anh phải khổ tâm thất chí.
- Việc không gấp chi lắm. Cô phải định tâm suy nghĩ lại cho kỹ; trong năm
mươi ngày hoặc một hai tháng rồi sẽ trả lời cũng được. Tôi sẽ chờ cô.
- Em đã suy nghĩ kỹ rồi.
- Thiệt cô nhứt định như vậy hay sao?
- Thưa, phải. Em đã nhứt định rồi.
Hải Đường đứng dậy ngó Túy Nga trân trân, rồi chàng thở dài một cái và nói rằng: "Cô ác lắm!“ Vừa nói và xây lưng bỏ đi ra cửa ngõ.
Túy Nga ngồi ngó theo, hai hàng nước mắt tuôn không dứt. Cô khóc một hồi lâu, rồi cô đi thơ thẩn trong vườn hoa, nhìn trăng đau lòng, thấy hoa thẹn mặt, đi rồi ngồi, ngồi rồi đi, bi lụy một mình cho đến gà gáy sáng cô mới vô nhà.
Sáng bữa sau ,Túy Nga nghe nói Hải Đường bỏ hết nhà cửa đã dắt mẹ đi lên Sài Gòn từ hồi sớm mai rồi.

---------------

34 (Ecole Polytechniques), Đại học bách khoa
35 một loại ghế bằng đồ gốm, không dựa
36 bông đỏ lợt, có đuôi
37 kỹ sư
38 vở xây dựng
39 ánh sáng
Đóa Hoa Tàn
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4