Chương 9
Tác giả: Hồ Biểu Chánh
Trời rạng đông. Mặt trăng đã ngã về Rạch Băng dọi cây cỏ sáng lòa giữa quang cảnh im lìm an tịnh.
Chú Hợi thức dậy ngồi gãi đầu một hồi, rồi lấy con cúi thổi ra lửa mà đốt đèn, làm lộp cộp ở trong bếp.
Đêm nay cô Chức nghĩ đến việc sắp lìa chồng lìa con mà về xứ, cô thắt thẻo trong lòng, nên cô nằm mơ hoài, cô ngủ không an giấc. Nghe chú Hợi làm rột rẹt ở phía sau, rồi lại nghe tiếng gà cồ gáy vang trong xóm, cô biết đã gần sáng nên cô ngồi dậy bới đầu. Nhìn con trong bóng tối, thấy con nằm ngủ thảnh thơi, cô cảm xúc đưa tay vuốt ve rồi cúi xuống ôm mặt con mà hun, nước mắt tuôn dầm dề. Cô ngó qua bộ ván ngang đó, cô thấy Hào nằm thim thiếp, cô càng cảm động hơn nữa.
Cô Chức sợ bận bịu với chồng con cô sẽ nãn chí cương quyết, bởi vậy cô lau nước mắt rồi bước chân xuống đất mà đi vô trong.
Chú Hợi thấy cô thì hỏi:
- Mợ dậy làm chi sớm dữ vậy?
- Tôi sửa soạn đặng đi về.
- Vậy à?
- Chú nấu cơm hay là làm gì đó?
- Ừ, nấu ba hột cơm ăn rồi đi vô ruộng cho sớm.
- Chú làm ơn nấu nhiều nhiều một chút đặng cho tôi ăn với.
- Được, được.
Cô Chức đi ra sau múc nước rửa mặt. Cô thấy chú Hợi vút gạo đặt nồi cơm lên bếp rồi bắt cá bống làm đặng kho. Cô trở ra trước, nhờ vách thưa nên ánh trăng gọi sáng trong nhà cô mới mở gói áo quần lấy đồ của cô mà để riêng ra ngoài. Cô lấy hai nén bạc để một bên đó rồi cô gói đồ của chồng con mà để lại.
Hào ngồi dậy thấy trời gần sáng và thấy Chức đang soạn áo quần thì bước lại gần. Chức lấy hai nén bạc chia cho Hào một nén, còn một nén cô bỏ vào túi cô.
Hào đi vô trong thấy chú Hợi đương kho cá thì hỏi:
- Thường bữa cha tôi ăn cơm sớm hay là trễ.
- Sớm mơi ông ăn cơm trễ lắm. Ông nói ăn sớm ông ăn không được, bởi vậy bữa nào khuya tôi cũng nấu đủ tôi ăn đặng tôi đi vô ruộng. Đến nửa buổi cô Quyên ở nhà mới nấu cơm nóng mà dọn cho ông ăn.
- Cám ơn chú. Tôi hỏi cho biết đặng tôi làm đừng trái ý cha tôi.
- Cá lóc kho với tép rang còn nhiều. Tôi mới kho thêm cá bống dừa nữa đây. Ở nhà chừng ông ăn cơm, thì hâm mà dọn cho ông ăn.
Hào đi ra sau mà rửa mặt, chừng vô thì thấy cô Chức đương phụ với chú Hợi dọn cơm ăn. Chú Hợi hỏi Hào ăn cơm hay không. Hào lắc đầu nói để rồi sẽ nấu cơm ăn với cha.
Trong lúc cô Chức đương ngồi trong nhà bếp ăn cơm với chú Hợi. Hùng thức dậy không thấy cha mẹ thì bệu bạo kêu má. Hào lật đật ra bồng con rửa mặt cho con rồi biểu nó ngồi ăn cơm với mẹ, sợ đợi trưa mới cho nó ăn thì nó đói bụng.
Cô Chức kêu con lại ngồi một bên, cô xúc một chén cơm và gắp cá để sẵn cho con ăn. Cô nghĩ bữa cơm nầy là bữa cơm chót cô ăn với con, bởi vậy cô cứ ngó con trong lòng héo hon buồn thảm. Hào liếc mắt thấy tình cảnh mẹ con dan díu chàng khó chịu nên bỏ đi ra ngoài trước.
Trời đã sáng. Chú Hợi dọn dẹp rồi chú xách cái mác đi vô ruộng.
Cô Chức dắt con đi ra trước, thấy cha chồng vẫn còn yên giấc cô đi thẳng ra sân đứng nói chuyện với chồng, chẳng nói chuyện chi khác hơn là dặn dò nhau đặng có chia rẽ.
Mặt trời mọc. Ông Thuận thức dậy, Hào với Chức không hay. Chừng day vô nhà thấy ông đương mò vách ra ngoài đi tiểu tiện, thì Chức lật đật đi vô múc một tô nước bưng ra. Hào rước lấy đem lại cho cha rửa mặt.
Ông Thuận rửa rồi trả tô cho Hào và lần cửa trở vô ngồi tại bộ ván giữa nhà.
Chức nói nhỏ với Hào để cô vô từ biệt cha mà đi cho sớm. Hào gật đầu, đưa cái tô cho vợ đem vô cất. Chàng nắm tay con đứng ngoài sân mà chờ.
Cô Chức vô để cái tô lên bàn, lấy gói áo của cô mà cầm trong tay rồi bước lại đứng trước mặt ông Thuận mà nói:
- Thưa cha con về. Con cầu chúc cho cha ở dưới này mạnh giỏi.
Ông Thuận ngạc nhiên hỏi.
- Về Đâu?
- Thưa, con về xứ con.
- Hứ, gấp dữ vậy?
- Thưa sẵn có ghe, nên con quá giang đi cho tiện.
Cô Chức thấy cha chồng không nói gì nữa, cô mới chấp tay xá ông rồi đi ra sân. Hào thấy Chức ra, mới cúi xuống bồng con, rồi vợ chồng nối gót nhau mà đi ra đường cái.
Ông Thuận ngồi trơ trơ trên bộ ván, không nói, cũng không cựa quậy, mà mặt mày buồn xo. Trong nhà im lìm, tứ bề vắng vẻ, chỉ nghe bầy vịt lội đi kiếm ăn dưới rạch, lạc nhau nên kêu om.
Ông Thuận biết sớm mơi chú Hợi phải đi vô ruộng nên ông không kêu chú. Ông mới kêu Hào hai ba tiếng. Không nghe Hào ứng đáp. Ông biến sắc, rồi kêu lớn "Hào A! Hào !"
Cũng không nghe Hào trả lời. Ông nói: "Úy! Vợ chồng nó phiền tôi nên dắt tay nhau đi hết rồi chớ gì!".Ông nói mấy tiếng rồi ông nghẹn ngào, rơi lụy, ông không nói được nữa.
Trong lúc ấy Hào vác con đi trước, Chức ôm gói áo đi theo sau. Hào đưa vợ ra đường cái đặng chỉ chợ Vàm Rạch Băng cho vợ biết mà ra đó kiếm ghe bán đường bán mía.
Cô Quyên đứng trước giữa sân vải lúa cho gà ăn, cô thấy Hào với Chức đi ngang ngoài cửa ngõ, người vác con người ôm gói, không biết dắt nhau đi đâu. Cô bỏ quảu lúa xuống sân, rồi lẹ bước đi ra cửa ngõ đứng ngó theo.
Đường cái đi ra chợ dài theo hàng rào của ông Bá hộ nên từ cửa ngõ đi ra đường không bao xa. Quyên thấy Hào với Chức tới đường cái thì đứng lại, rồi Hào đưa tay chỉ phía chợ Vàm Rạch Băng mà nói với chức. Hai người nói với nhau rồi cả hai đều lấy vạt áo mà lau nước mắt. Hào để con đứng xuống đất. Chức ngồi xuống ôm mặt con mà hun rồi lau nước mắt nữa.
Quyên nghĩ ông Thuận đuổi Chức nên Hào phải đưa Chức ra đây chỉ chợ cho Chức biết đặng kiếm ghe mà về xứ. Hôm qua có nghe ông Bá hộ tả nỗi khổ của Chức. Nếu buộc Chức phải lìa chồng lìa con. Nay cô thấy cái cảnh chồng vợ phân ly, mẹ con đau khổ, thì cô động lòng khó chịu.
Quyên thấy Chức hôn con một lần nữa, rồi lượm gói, nói ít tiếng với Hào mà đi. Thằng nhỏ chạy theo khóc kêu má om sòm. Chức đứng lại ngó con rồi lấy vạt áo đặy mặt mà khóc.
Trước tình cảnh thê thảm ấy. Quyên không thể chịu được nữa, cô xung xăng đi riết ra đường cái, vừa đi vừa kêu lớn "Chị Chức! Chị Chức! Đứng lại cho tôi nói chuyện một chút. Anh Hào kêu chị Chức lại".
Chức day lại thấy Quyên với Hào vừa kêu ngoắc, không biết có chuyện chi nên cô phải trở bước.
Quyên ra tới chỗ Hào đứng, thì Chức cũng trở lại tới đó.
Quyên hỏi Chức.
- Chị đi đâu đó?
- Tôi ra chợ kiếm ghe quá giang đặng về Củ Chi.
- Tại sao chị về gấp vậy?
- Tôi xuống đây tô làm xào xáo gia đình của anh Hào quá. Tôi nghĩ tôi phải về liền thì tốt hơn.
- Cha có đuổi chị hay không?
- Không, cha không đuổi, mà cha không vui. Tôi phải xử phận tôi, chớ đợi tới cha đuổi hay sao?
- Không được. Tôi không bằng lòng để cho chị về. Tôi mời chị ghé nhà tôi rồi sẽ nói chuyện cho chị nghe. Anh Hào dắt chị Chức vô đây.
Hào biểu Chức.
- Em vô một chút cho Quyên vui lòng. Vô đặng từ giã ông Bá hộ luôn thể.
Quyên đi trước. Hào vác Hùng và Chức đi theo sau.
Vợ chồng ông Bá hộ nghe Quyên kêu nói om sòm ngoài ngõ, không biết chuyện gì nên ra đứng ngoài hàng ba. Ông bà thấy Quyên dắt Chức với Hào vô sân thì chưng hửng, đứng chờ vô đặng hỏi coi có chuyện gì.
Chừng ba người vô tới thềm, ông Bá hộ mới hỏi.
- Chuyện vì vậy, chắc anh sui ảnh đuổi đi hết chớ gì?
Quyên hớt nói:
- Không có đuổi. Con hỏi rồi. Chị Chức nói xuống đây thấy cha ở trỏng không vui lòng, nên chị về xứ đặng yên gia đạo. Anh Hào đưa chị ra đường cái, chỉ chợ cho chỉ biết đặng chỉ ra đó xuống ghe mà đi. Con thấy thằng nhỏ chạy theo má mà khóc, chỉ đứt ruột đi không đành! Thấy tình cảnh như vậy con chịu không nổi nên con chạy theo kêu trở lại. Xin cha tính lẽ nào cho xuôi, chớ để chị Chức lìa con mà về tội nghiệp chị lắm. Con không muốn vậy.
Ông Bá hộ nói:
- Anh sui kỳ quá hôm qua nói hết sức mà ảnh không chịu nghe. Để Chức đi rồi, cha hồi hôn, cho ảnh sáng cặp mắt ảnh mà. Thôi vô hết trong nhà, vô đặng hỏi lại coi.
Chủ khách đều vô nhà. Quyên mời Chức lại ván mà ngồi. Bà Bá hộ kêu Hào đem con cho bà coi. Bà vuốt ve Hùng, khen nó bặm trợn lại khuôn mặt giống cha như khuôn đúc.
Ông Bá hộ nói:
- Anh sui khỏi tốn một lá trầu khỏi mất một trái cau, tình cờ con trai chết đi rồi sống lại mà về, còn đem về cho ảnh một con dâu và một đứa cháu nội, như vậy mà ảnh còn làm giận làm hờn không chịu nhìn nhận, nghĩ coi có phải lòng dạ ảnh là sắt là đá, không biết thương ai hết, Chức ảnh nói làm sao mà bỏ con bỏ chồng trở về xứ sở, đâu con nói lại cho ông bà nghe.
Chức đứng dậy cung kính nói:
- Thưa ông, cha cháu không có đuổi xô hay nói nặng nhẹ chi hết. Nhưng từ hôm qua chỉ nói có biết một mình chị Quyên là dâu chớ không nhìn nhận ai hết nữa. Nói như vậy tức thị không nhìn nhận mẹ con con. Chiều hôm qua ông nói giùm cho con, thiệt con đội ơn hết sức, ơn ấy con ghi nhớ trong trí hoài, không bao giờ con quên. Ông cắt nghĩa chí lý mà cha con khư khư giận, không chịu tha thứ cho con. Con nghĩ tại con về đây nên gia đạo anh Hào mới xào xáo. Con phải đi về xứ thì gia đạo cha con mới thuận hòa, niềm chồng vợ mới đầm ấm. Vì vậy nên con đi về, chớ thiệt cha con không có xô đuổi con.
- Không chịu nhìn nhận, không nói tới tên, tức thị là đuổi, chớ đợi tới vác cây mà rượt hay sao. Hôm qua ông giải hòa không được, ông giận ảnh lắm. Ông tính để ít bữa nguôi ngoai rồi ông sẽ nói nữa. Có về cũng thủng thẳng mà đi, sao con đi gắp dữ vậy?
- Thưa ông, hồi con với anh Hào mới thương nhau, anh Hào đã nói cho con biết cha mẹ đã nói vợ cho anh rồi, nhưng vì giặc giã chưa cưới kịp. Con thấy anh bị thương nặng, con sợ anh khó sống, nên con chăm nom nuôi dưỡng cả phần xác với phần hồn. Con tính làm sao anh an vui thì thôi. Nay anh lành mạnh được mà về cho cha con gặp nhau, vợ chồng hiệp nhau, thì con vui vẻ tinh thần, vui cứu giúp được một chiến sĩ, bao nhiêu đó cũng đủ, con không có ý mong mỏi làm vợ anh trọn đời. Năm nay anh lành mạnh rồi anh nhớ cha già, nhớ xứ sở, anh muốn về, con không dám cầm anh ở trển nữa nhưng thấy anh còn ốm yếu nên con mới đưa anh đi. Hơn nữa, hai con ăn ở với nhau có một đứa con trai. Nay anh về xứ con phải giao con cho ảnh đặng ảnh dạy dỗ, thêm một cớ để cho con đưa xuống đây vì con muốn biết chỗ ở đặng sau có nhớ con thì biết đường mà đi thăm nó. Nếu xuống đây mà vui thì có lẽ con quyến luyến ở chơi năm ba ngày. Té ra gặp cảnh buồn như vậy, thì con nên về liền, có vui chi đâu mà ở.
- Con biết điều lắm. Có dâu như vậy thì đáng lắm. Tại anh đó tối hai con mắt nên ảnh không biết phân biệt phải quấy. Con phải ở lại cho gần chồng gần con, anh không cho con về. Nếu anh sui ở trỏng không chịu nhận con là dâu thì ở đây với ông bà, ông nhận con là con của ông. Mà ông cũng không thèm gả con Quyên cho Hào, đặng ảnh không có con dâu nào hết cho sáng con mắt ảnh. Thôi, bây giờ trở vô trỏng chờ ông hỏi gắt ông sui đây một lần nữa rồi sẽ quyết định. Con Quyên cũng phải đi nữa, đi cho đủ mặt đặng nói chuyện một lần.
Ông Bá hộ nói dứt lời, ông đứng dậy đi liền. Hào với Chức chào bà Bá hộ người vác con người ôm gói ra đi. Quyên đi một bên Chức, Hai Kỳ đứng nghe nói chuyện nãy giờ chàng cũng đi theo sau đặng coi ông Thuận xử trí cách nào.
Mấy người ở gần hồi nãy nghe Quyên kêu nói om sòm ngoài sân không biết có chuyện gì, nên tựu ngoài cửa đứng nghe đến vài chục người. Họ cũng đi theo đặng nghe coi công chuyện ra làm sao. Đi dọc đường chòm xóm thấy rần rộ nhiều người đi theo thêm nữa.
Ông Bá hộ tánh nhậm nhẹ nên ông đi riết không chờ ai hết. Hào yếu chưn nên đi nhút nhắc, lại bị chòm xóm đi theo hỏi thăm nên đi không mau được.
Một mình ông Bá hộ tới trước. Ông thấy ông Thuận ngồi trên bộ ván giữa buồn hiu, thì ông hỏi: "Anh làm gì ngồi đó anh sui? Sắp nhỏ đi đâu hết rồi?"
Ông Thuận biệu bạo nói:
- Thằng Hào nó phiền tôi. Hồi sớm mơi nó biểu vợ con nó trình cho tôi hay đặng trở về xứ sở, rồi Hào lén theo con nọ mà đi mất, không thèm nói cho tôi hay. Mơi giờ tôi ngồi đây mà chịu đói, không có ai lo cơm cháo gì cho tôi hết.
Ông Bá hộ cười và nói:
- Tại anh gắt gao quá, nó chịu không nổi nên nó bỏ xứ mà đi chớ sao. Hôm qua tôi can gián hết sức, anh không thèm nghe lời tôi, bây giờ anh sáng con mắt anh chưa?
Ông Thuận nói:
- Nghe lời làm sao được. con Quyên nó cực khổ nuôi tôi năm sáu năm nay, nếu tôi nhìn con Chức thì con Quyên nó phiền. Tôi nghe con Chức nó chịu cực khổ mới cứu được thằng Hào khỏi chết lại ở với nhau có con, tôi cũng biết ơn và thương Chức vậy chớ.
- Té ra anh hất hủi con Chức là tại anh sợ con Quyên phiền anh chớ không phải tại cớ gì khác?
- Tôi muốn làm cho mát ruột con Quyên, chớ con Chức có công cứu Hào, tôi mang ơn nó lắm, ghét nỗi gì.
- À!, Tại vậy! Tôi hiểu rồi. Tôi cho anh biết con Quyên thương con Chức rồi. Anh nhìn con Chức là dâu, nó không phiền đâu. Nó gặp con Chức ôm gói đi về nó đau lòng chịu không nổi nên nó chạy theo Chức với Hào mà bắt trở lại hết. Kìa kìa nó dắt vô hết, để nó nói cho anh nghe.
- Vậy hay sao?
- Thiệt vậy.
Ông Bá hộ bước ra cửa kêu Quyên, Chức và Hào biểu vô cho mau.
Ba trẻ nối gót nhau đi vô nhà, Quyên đứng trước mà nói với ông Thuận: "Thưa cha, con xin cha rộng lượng, tha thứ cho anh Hào với chị Chức. con thấy chị Chức ra về chị đau đớn nỗi chồng nỗi con, thì con đứt ruột con, chịu không nổi, xin cha nhìn nhận chị Chức là dâu đi đặng chị ở lại đây với con, chớ cha bỏ chị về thì tội nghiệp phận chị lắm".
Ông Thuận hớn hở mà hỏi:
- Con thương Chức, con biểu cha nhận nó là dâu, còn con thì sao?
Quyên nói:
- Con cũng là dâu. Cha có hai con dâu chung lo nuôi cha với anh Hào thì càng thêm tốt chớ có hại chi đâu.
Ông Thuận mừng quá, ông nói lớn:
- Con Chức đâu? Thằng Hào đâu? Kêu nó lại đây cho cha hỏi?
Quyên bước tránh một bên để cho Chức với Hào đứng trước mặt ông Thuận, rồi cô nói: "Hai người đứng trước mặt cha đó, cha muốn nói việc chi thì cha nói đi".
Ông Thuận nói:
- Chức với Hào thấy lòng dạ của Quyên hay không? Có lời Quyên xin nên cha vui lòng nhìn nhận Chức là dâu. Cha cũng thương Chức như thương Quyên vậy. Thôi, Chức ở lại đây, đừng về đặng ở lại giúp với Quyên mà nuôi cha, nuôi chồng.
“Hai đứa phải hòa thuận với nhau, Chức phải nhường Quyên làm chị vì Quyên có gá nghĩa trước. Chức tuy có con song gặp Hào sau, nên phải chịu làm em. Thôi bây giờ hai con dâu đi nấu cơm cho cha ăn, cha đói bụng rồi.”
Ông Bá hộ thấy Hai kỳ đứng dựa bên cửa bèn sai về bắt cặp vịt rồi biểu một đứa ở xách xuống đây phụ làm thịt ăn chơi.
Phó Tha lại thấy hiệp hòa nên khen:
- Xét sử như vậy coi phải vui hay không?
Chòm xóm đứng ngoài tiếp nói:
- Ông Hai có một người con trai mà có tới hai con dâu thì có phước biết chừng nào.
Cô Chức đợi hết xao sự rồi cô mới nói với ông Thuận:
- Cha vui lòng hỉ xả cho con, vậy con xin lạy đặng tạ ơn cha cho phép con được phép giúp chồng và gần đứa con nhỏ khờ dại. Con nguyện sẽ hết lòng giúp với chị Quyên mà phụng sự cha cũng như cha đẻ của con vậy.
Chức lạy ông Thuận hai lạy rồi bước lại nói với ông Bá hộ:
- Thưa ông, con mồ coi cha từ lúc 10 tuổi, nên không có cha dạy dỗ. Xuống đây từ hôm qua con nhận thấy ông có lòng thương xót thân phận con, làm cho con cảm đức vô cùng. Con mong nhờ ông dạy dỗ con cũng như dạy chị Quyên vậy và coi con cũng như con trong nhà.
Chức cũng lạy ông Bá hộ hai lạy. Ông cười và để cho cô lạy. Chừng cô đứng dậy rồi ông mới nói: "Con mồ côi cha. Cha sẵn lòng nhận con làm con. Vậy từ nay sắp lên con kêu cha mẹ chớ đừng kêu ông bà nữa, cha sẽ thương con cũng như thương Quyên".
Chức trở lại nói với Quyên.
- Thưa chị, chị mới gặp em mà chị có lòng quãng đại, chị ra tay nâng đỡ em trong lúc khó khăn. Thiệt chị đáng cho em kính phục như chị cả. Em sẽ hết lòng vâng lời chị dạy bảo, em xin lạy chị đặng làm lễ ra mắt.
Chức ngồi xuống khoanh tay. Quyên liền đỡ dậy không cho lạy và nói: "Chị giả ơn cho em. Chị chỉ mong từ rày chị em mình coi nhau như ruột thịt và hiệp lực đồng tâm mà lo giúp cho nhà chồng trên dưới được an vui, tháng ngày được no ấm".
Người nhà của ông Bá hộ xách vô một cặp vịt với một chai rượu. Ông Bá hộ biểu hai cô vô trong làm thịt vịt đặng nấu cơm ăn vì đã trưa rồi.
Ông Thuận kêu Hào biểu đem con lại cho ông rờ coi nó được bao lớn. Hào bồng Hùng để ngồi dựa bên cha cho cha vuốt ve.
Bà con trong xóm đã về, ai cũng mừng cho ông Thuận có phước, tưởng con chết rồi té ra nó còn sống mà trở về giúp cho ông có tới hai con dâu đích đáng, lại còn thêm một đứa cháu nội trai nữa.
Phó Tha muốn về, ông Bá hộ cầm ở lại ăn uống mừng cho Hào đã chết mà sống lại.
Trong lúc chờ cơm, ông Bá hộ thuật cho Hào nghe các việc biến chuyển xảy ra trong cùng Gò Công lúc Hào vắng mặt. Ông thuật chuyện binh Pháp chiếm Gò Công, chuyện ông Trương Công Định khởi nghĩa, nhưt là chuyện nghĩa binh xóm Tre phục kích tại Truông Cóc thắng một trận rất vẻ vang.
Hào thuật lại chuyện thất đại đồn Chí Hòa rồi dọn cơm lên chủ khách ăn nhậu vui cười dến trưa ông Bá hộ với Phó Tha mới về.
Hết mưa rồi nắng.
Hết buồn rồi vui.
Mấy năm nay nhà ông Lễ Hữu Thuận quạnh hiu, buồn bực. Bây giờ cũng nhà đó mà tiếng cười không ngớt, sanh khí tưng bừng.
Hào với Chức dọn dẹp sạch sẽ trong nhà, Hùng tối ngày xẩn bẩn theo ông nội nói chuyện.
Hễ sáng thì Quyên vô phụ với Chức lo cơm nước cho cha, cho chồng, ở tới chiều mới về, chị em vui vẻ thuận hòa, không có một lời xích mích. Chiều mát Hào dắt cha ra ngoài sân mà chơi cho khoảng khoát. Hào với Quyên với Chức ngồi chung quanh cha mà nói chuyện. Hùng chạy giỡn trong sân mệt rồi thì lại đứng một bên ông nội.
Hào cậy người chèo ghe đưa chàng vô Sơn Qui thăm thầy, thăm bạn một bữa. Thầy trò than thở cùng nhau về ách nước nạn dân, nước mất chủ quyền dân làm nô lệ.
Chiếc ghe Thủ bán hết đường hết thuốc rồi trở lại xóm Tre mua lúa và rước cô Chức, vợ chồng Hào chịu thất hứa với ông chủ ghe, nói rằng cha biểu Chức ở lại ít tháng rồi sẽ về nên Chức chưa về được.
Ông Bá hộ Hà Văn Cầm chọn được ngày tháng tốt mới định cho Hào với Quyên làm lễ thân nghinh.
Ông Bá hộ bàn với ông Thuận rồi làm đám cưới rất giản tiện, song thành cuộc vui cho bà con lớn nhỏ trong xóm Tre.
Vì nhà ông Thuận đơn chiếc lại chật hẹp nên sớm mơi làm một con vịt mà cúng ông bà cho đủ lễ vậy thôi. Hào đi với ít người ra nhà ông Bá hộ làm lễ rồi rước dâu. Ông Thuận mù quáng ông ở nhà, hai họ hiệp nhau đưa dâu vô đàng trai, chức hiệp với Quyên bái kiến ông bà một lượt.
Lễ bái xong thì hai họ với dâu rể trở ra nhà ông Bá hộ mà ăn tiệc. Ông Thuận với Chức cũng phải đi dự tiệc cưới. Nhà ông Bá hộ làm thịt một con trâu với một con heo mà đãi khách. Hết thảy bà con trong xóm. Đàn ông cũng như đàn bà đều được mời dự tiệc, không bỏ xót một người nào, vì ý ông Bá hộ muốn cả xóm chung quanh vui đặng mừng cho Hào tái sanh lại được hai vợ.
Từ đây Quyên mới về ở luôn trong nhà chồng. Quyên với Chức bàn với nhau mà chia hai phận sự. Quyên ốm yếu, lại giỏi việc trong nhà thì Quyên chăm nom cơm nước với nuôi vịt nuôi heo. Chức mạnh mẽ lại thạo nghề làm ruộng trồng cây, thì Chức lãnh lo việc ngoài đồng phu với chú Hợi.
Hào thì lo săn sóc cha già và dạy dỗ con trẻ, lại làm cho ông nội với cháu nội kết tình thân yêu khắng khít cùng nhau.
Trong ít tháng thì thấy Quyên nuôi được hai con heo, một bầy gà với một bầy vịt, Chức sốt xắng trồng mía, trồng cải trồng rau chung quanh nhà, thứ nào cũng xanh tốt. Lúa ngoài đồng lên mạnh mẽ, chú Hợi khỏi lo nữa, chú chuyên đi câu kiếm tôm cá để ăn, bởi vậy trong nhà không có bữa nào ăn cực. Bữa nào cũng vậy, hễ chiều mát thì ông Thuận vịn vai Hùng rồi cháu dắt ông ra sân mà chơi.
Bây giờ nhà ông Thuận ấm no hiệp hòa, trong ngoài tươi cười, dưới trên đầm ấm. Ấy là hạnh phúc danh lợi.
Năm sau ông Bá hộ nghĩ người trong xóm không biết chữ, còn Hào rảnh rang, ông mới bàn với ông Thuận rồi ông cất một cái trường học tại xóm đặng Hào dạy trẻ nhỏ trong xóm học. Ai có con cũng cho đến đó mà học tập. Hào dạy chữ mà cũng dạy cho trẻ em biết đạo làm người, làm con biết kính mẹ cha, làm dân biết yêu đất nước.
Ông Bá hộ thấy học trò đông, ông lấy làm đắc chí. Ông biểu Hào viết một cặp liễn mà dán ngoài cửa trường để khoe nhơn dân xóm Tre và nhắc nghĩa sĩ Truông Cóc, Hào nghĩ người trong xóm không biết chữ nho nên chàng viết một đôi liễn nôm như vầy:
Xóm Tre còn vững lòng quân ta
Truông Cóc chưa khờn chí nghĩa binh
Ai nghe đọc cũng chịu hết.
Hết