watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Kẻ Làm Người Chịu-Chương 1 - tác giả Hồ Biểu Chánh Hồ Biểu Chánh

Hồ Biểu Chánh

Chương 1

Tác giả: Hồ Biểu Chánh

Mấy bữa rày nhựt báo ở Sài Gòn rập nhau mà khen ngợi rạp hát Casino hát tuồng “Les Miserables” hay lắm.
Nàng Lý Tố Nga ưa coi hát bộ, chứ ít ham coi hát bóng, nhưng vì nàng ở nhà cứ đọc truyện hoài rồi cũng buồn, mà lại thấy nhựt báo khen quá, nên tối lại nàng rửa mặt, gỡ đầu, thay quần, đổi áo, tính đi coi hát bóng một bữa mà chơi.
Nàng bước vô rạp hát thấy có người ta ngồi rải rác các hạng ước chừng năm sáu chục người. Nàng lựa hàng ghế trống rồi phăng phăng đi lại ngồi cái ghế đầu, đặng vãn hát đi ra cho dễ.
Nàng Tố Nga mình mặc một cái áo tố đen phía trong lót màu bông hường lợt, dưới bận một cái quần lục trắng chơn mang một đôi giày nhung đen. Tuy tay có đeo một bộ cà rá hột xoàn, tai có đeo một đôi bông hột xoàn, và cổ cũng có đeo một sợi dây chuyền cũng nhận hột xoàn, song sự trang sức của nàng coi cũng tầm thường, chớ không có vẻ chưng diện chi hết. Chẳng hiểu vì cớ nào lúc nàng mới đi vô thì người ta lại chong mắt, day đầu lại mà ngó nàng, rồi chừng nàng kiếm chỗ ngồi yên, người ta lại cũng cứ ngó nàng hoài nữa.
Có lẽ nàng thấy người ta ngó thì nàng e lệ, nên nàng lột cái khăn màu hột gà xuống mà bỏ trong lòng, rồi với tay lấy tờ chương trình hát bóng cầm mà coi.
Cách chẳng bao lâu có hai người đàn bà đi vô, rồi xăm xăm lại hàng ghế của Tố Nga mà ngồi, người nhỏ chừng mười bảy mười tám tuổi, thì ngồi một bên Tố Nga, còn người lớn, tóc đã bạc hoa râm thì ngồi kế đó nữa.
Tố Nga liếc mắt ngó người trẻ tuổi, mà người ấy cũng liếc mắt ngó nàng hai người ngó nhau rồi cười nhưng vì không quen với nhau, nên không chào hỏi chi hết.
Hai người mới vô đó vừa ngồi yên chỗ, thì người trẻ tuổi nói với người kia rằng: “Mình ngồi hàng ghế nầy có gần một chút. Chớ chi mình vô sớm, mình mua giấy ngồi phía sau dễ coi hơn?“ Người kia đáp nhỏ rằng: “Ngồi đây cũng được. Phía sau có Tây nhiều, khó lòng“.
Tố Nga nghe người nhỏ kêu người lớn bằng dì, thì biết không phải là mẹ con. Nàng coi kỹ thấy người lớn mặc áo xuyến đen, quần lãnh đen tay đeo một chiếc huyền, mang một đôi dõn2. Người ấy trắng trẻo, mập mạp, tuy tóc đã điểm bạc mà da mặt còn chưa dùn. Còn người nhỏ mặc áo màu nguyệt bạch, quần lãnh đen, đầu choàng khăn lục trắng có thêu bìa, chơn mang giày thêu kim tuyến, tai đeo bông hột xoàn, cổ đeo một sợi dây chuyền nhỏ có nhận ba hột xoàn lớn tay trái đeo một chiếc cẩm thạch, tay mặt đeo một chiếc huyền3 cẩn. Người dong dảy, không mập không ốm nhưng cườm tay no tròn, ngón tay suông đuột, bàn tay dịu nhiễu, da mặt không dồi phấn mà trắng trong, môi không thoa son mà ửng đỏ, răng nhỏ rức lại trong ngần, mắt hiền lương lại sáng rỡ.
Tố Nga thấy người dung nhan thiệt là đẹp đẽ, muốn làm quen đặng hỏi thăm coi người ở đâu, song nàng chưa kiếm được chước mà làm quen, thì lại nghe rung chuông sửa soạn hát.
Đèn trong rạp tắt hết, rồi nghe phía ngoài cửa máy quay lạch xạch. Chẳng bao lâu khởi sự coi hát. Người lớn ai cũng ngồi im lìm chống mắt mà coi, duy có sấp con nít la ó rồi lại vỗ tay vang rân.
Tố Nga mắc coi, nên cái khăn rớt xuống đất nàng không hay. Người con gái ngồi một bên đó dòm thấy lật đật cúi xuống lượm giùm, rồi đưa cho nàng. Tố Nga cười và nói: “Cám ơn cô“. Tiếng nghe ngọt xớt.
Hai người đều có ý muốn làm quen với nhau, lại cũng muốn thừa dịp ấy mà nói, ngặt vì bóng đương chớp, đèn còn tắt, liệu thế nói nhiều không tiện, nên làm lơ mà coi hát. Bóng chớp đến lúc nàng Fantine khốn khổ, phải cắt tóc nhổ răng mà bán đặng lấy tiền trả cho người lãnh nuôi con mình thì hai nàng đều cảm xúc nên ứa nước mắt một lượt. Thình lình hết lớp, họ vặn đèn khí bực lên sáng lòa. Hai nàng người nào cặp mắt cũng ướt rượt, người nào cũng sợ hổ thẹn, nên đồng thò tay vào túi móc khăn nhỏ ra mà lau nước mắt.
Tố Nga thấy nàng ngồi một bên đó cũng lạc lõng như mình, thì nàng hết ái ngại nữa, nên nàng day qua má nói rằng: “Tuồng nầy hát coi động lòng quá cô há“. Nàng ấy liền chúm chím cười và đáp rằng: “Nãy giờ tôi khóc ngay. Tôi thấy người đàn bà mà bị khốn khổ quá như vậy tôi chịu không được. Tôi hay mủi lòng lắm, nên tôi ít muốn đi coi hát“.
Tố Nga nghe mấy lời thật thà ấy rất hiệp với ý nàng nên nàng nói tiếp rằng:
- Tôi cũng vậy. Tôi coi hát hễ tới mấy khúc người ngay mà bị hoạn nạn, thì tôi chảy nước mắt. Hổm nay tôi thấy nhựt báo khen tuồng nầy hay lắm, nên nữa nay tôi đi coi thử, té ra tuồng hay thiệt.
- Tôi cũng vậy.Tại tôi thấy nhựt báo khen quá, nên tôi mới xin dì tôi dắt tôi đi coi đây.
- Nhà cô ở đâu?
- Tôi ở trong Chợ Lớn.
- Dì đây là dì ruột của cô hay là dì sao?
- Dì ruột tôi. Chị ruột của má tôi. Còn cô ở Sài Gòn hay là ở lục tỉnh lên chơi?
- Tôi ở Sài Gòn. Tôi người gốc Trà Vinh, mới mua nhà về ở trên nầy chừng vài năm nay.
- Thầy đổi về làm việc ở trên nầy hay sao?
- Không. Ở nhà tôi làm việc Tòa án dưới Mỹ Tho. Vì thằng em tôi nó còn học trường Chasseloup, mà tôi muốn gần gũi nó, nên mới mua nhà mà ở trên nầy.
- Thầy làm việc dưới Mỹ, sao cô lại ở trên nầy?
Tố Nga nghe hỏi câu đó, thì nàng cúi mặt bộ coi buồn xo, song nàng gượng mà đáp rằng:
- Vì tôi còn có một mình má tôi, nên tôi phải ở hủ hỉ với má tôi cho vui...Cô có chồng hay chưa?
Chuyến nầy tới nàng mặc áo màu nguyệt bạch ấy nghe hỏi như vậy, có sắc hổ thẹn, nên cũng cúi mặt xuống và đáp nhỏ rằng:
- Chưa.
- Hai bác còn mạnh giỏi hết há?
- Tía má tôi đều khuất hết.
- Nếu vậy thì bây giờ cô ở với dì đây phải hôn?
- Phải.
- Cô năm nay được mấy tuổi?
- Tôi mười bảy tuổi.
- Té ra cô nhỏ hơn tôi ba tuổi.
Hai nàng mới nói chuyện tới đó, kế họ tắt đèn hát tiếp nên phải nín thinh để coi hát. Từ đó về sau hễ hết chớp thì hai nàng nói chuyện với nhau, lúc thì luận về tuồng hát, lúc thì hỏi việc gia đình, tuy mới gặp một lần đầu, mà câu chuyện có hơi dan díu, chẳng khác nào như đã quen biết lâu rồi vậy.
Gần mười một giờ rưỡi mới vãn hát. Tố Nga khuyên dì cháu nàng ở Chợ Lớn đó ngồi nán đợi họ ra bớt rồi mình sẽ ra sau, cho dễ. Khi đứng dậy đi ra Tố Nga mới nói với hai dì cháu rằng: “Về Chợ Lớn đường vắng quá, tôi sợ đi xe kéo không tiện.“ Người lớn tuổi đáp rằng: “Dám đi xe kéo đâu. Để ra ngoài kiếm xe mui mướn đi“.
Ra tới cửa rồi, Tố Nga từ giã, bèn nói với người con gái rằng: “Nhà tôi ở đường Thuận Kiều, số 112; tôi mời cô với dì bữa nào có dịp ra ngoài nầy ban ngày thì ghé nhà tôi chơi“. Nàng ấy cúi đầu và đáp rằng: “Cám ơn cô, để khi nào có dịp tôi sẽ ra thăm cô. Còn cô có vô Chợ Lớn chơi, tôi cũng xin cô ghé nhà tôi uống nước. Tôi ở đường Cây Mai, số 82“. Hai nàng cúi đầu chào nhau rồi lên xe kéo mà đi.
Tố Nga về dọc đường, trong trí nàng thầm khen nàng ấy hoài, không biết nàng là con của ai mà dung nhan đẹp đẽ văn nói có duyên, tướng đi tướng đứng dịu dàng, cách ngó cách cười đằm thắm, thuở nay chưa gặp một nàng nào ngôn dung được vậy.
Nàng nầy là con gái của ông Bang Siêu, tên nàng là Thái Cẩm Vân năm nay được 17 tuổi rồi mà chưa có chồng. Ông Bang Siêu từ Triều Châu ở bên Tàu qua Việt Nam hồi 22 tuổi. Ông buôn bán làm ăn khá lần rồi mới lập một tiệm trà tại đường Gia Long. Ông cưới một người vợ Việt Nam ở phía dưới Cần Giuộc, cách ít năm mới sanh nàng Cẩm Vân. Ông buôn bán ngày càng thêm khá. Vả ông là người chơn chất ngay thẳng bởi vậy người một nước đều tin cậy ông, nên có một năm nọ đều hiệp nhau mà cử ông làm Ban Trưởng.
Khi Cẩm Vân được 9 tuổi, ông Bang Siêu để tiệm trà cho vợ coi, đặng ông về Tàu mà thăm tổ quán. Ai cũng tưởng ông về Tàu ít tháng rồi ông trở qua, nào dè ông đi mới có một tháng rưỡi thì có thơ bên Tàu gởi qua nói ông chết.
Vợ ông Bang Siêu lấy làm bối rối, phần thì tiệm lớn mua bán bạc muôn, phần thì bà không biết chữ Tàu, bà không xem sổ sách được. Bà sợ tài phú gian lận, bởi vậy bà sang tiệm cho người khác, lấy ba muôn rưỡi đồng bạc bà mua năm căn phố sầu tại đường Cây mai, giá hai muôn tám còn bảy ngàn bà để làm vốn mà nuôi con. Bà dọn ở căn đầu, còn lại bốn căn bà cho mướn, mỗi tháng góp tiền phố được vài trăm đồng.
Qua năm sau bà cho Cẩm Vân vào nhà trắng4 Chợ Lớn mà học, Cẩm Vân sẳn khiếu thông minh, lại nhờ tánh cần cố, nên nàng mới học 5 năm đã biết nói tiếng Tây, biết viết chữ Tây đủ dùng, mà nàng lại biết thêu thùa và may vá khéo lắm. Nàng tính học luôn cho đến 20 tuổi mới thôi chẳng dè khi nàng mới được 15 tuổi, mẹ nàng tỵ trần nhà cửa không ai coi bởi vậy nàng phải thôi học đặng về nhà mà cai quản sự nghiệp. Nàng không có bà con đông: bên nội thì có vài người chú họ mà thôi, chớ không có bà con ruột; còn bên ngoại thì có một người dì, chồng chết không có con, ở dưới Rạch Kiến chớ không còn ai nữa.
Vả Cẩm Vân là con khách Triều Châu nhưng vì cha chết hồi nàng còn nhỏ dại, rồi từ ấy về sau ở nhà thì gần gũi với mẹ Việt Nam, vô trường thì bầu bạn với con gái Việt Nam, nàng tập tánh nết lễ nghĩa theo con người Việt Nam bởi vậy nếu ai không rõ cội rễ của nàng thì chẳng bao giờ mà nghi nàng là con khách trú. Khi mẹ nàng khuất rồi nàng liệu ở một mình không tiện, nên năn nỉ với dì, là cô ba Hài, về ở với nàng. Cô ba Hài cũng có vốn năm bảy trăm, chớ không phải nghèo cực gì, nhưng vì bà không chồng, không con, ở một mình quạnh hiu, lại thấy cháu còn nhỏ dại không lỡ không bảo bọc nó, bởi vậy bà mới bán nhà về ở Cẩm Vân.
Cẩm Vân cư tang báo hiếu cho mẹ thiệt là chính chắn. Trọn hai năm nàng xẩn bẩn ở trong nhà mà hủ hỉ với dì chẳng khi nào nàng ló ra đường, họ khen hát Quảng đông hay nàng làm lơ mà họ đồn lễ Khổng Tử lớn nàng cũng không kể. Nàng mới mãn tang mẹ được vài tháng mà đã có hai người mái chính5 với một người con ông Bang cậy mai nói mà cưới nàng. Trong ba chỗ ấy nàng không ưng chỗ nào hết. Hai người chú một họ đến khuyên lơn nàng hết sức, mà nàng cũng không chịu. Họ giận họ rầy và hỏi vì cớ nào mà mấy chỗ đều giàu có xứng đáng mà nàng lại chê hết thảy, thì nàng nói rằng, nàng còn nhỏ, nên chưa muốn lấy chồng, chớ nàng không nói duyên cớ nào khác.
Bữa nay nàng đọc nhựt báo thấy có lời khen rạp hát Casino ngoài Sài Gòn hát tuồng mới hay lắm nàng mời dì đi coi thử nên nàng mới gặp nàng Tố Nga mà làm quen đó.
Còn nàng Tố Nga là con bà Tổng Hiền, gốc ở Láng Thé, thuộc tỉnh Trà Vinh. Không ai biết ông Tổng Hiền sanh đẻ tại xứ nào. Theo lời mấy ông già bà cả nói tại, thì lúc Hiền còn trai tráng anh ta đến Láng Thé kiếm chỗ làm ăn. Anh ta vào ở đợ với cựu Hương cả Khoan. Hương cả Khoan có chừng vài chục mẫu ruộng mà thôi, chớ không giàu chi lắm.Vợ ông chết sớm, để lại cho ông một đứa con gái tên là Thị Lài. Lúc ông mướn tên Hiền ở thì Thị Lài được 21 tuổi rồi mà chưa có chồng. Tuy Hiền nghèo đi ở đợ, nhưng mà anh ta biết chữ nho chút ít, bộ tướng mạnh dạn, văn nói khôn lanh, mặt mày sáng láng. Anh ta ở được có ít tháng thì đã tư tình với con gái ông chủ nhà, Hương cả Khoan sợ làm rầy ra càng thêm xấu hổ, bởi vậy gả phứt Thị Lài cho tên Hiền, đặng trong khỏi oán thù, ngoài khỏi dị nghị.
Hiền là tay khôn ngoan, khi Hương cả Khoan chết rồi, anh ta kế nghiệp thì anh ta tung hoành, quyết dùng gia tài chút đỉnh của cha vợ để lại đó mà làm một sự nghiệp lớn ở trong tỉnh Trà Vinh. Anh ta nghĩ nếu không có quyền thế thì khó mà làm giàu được. Anh ta mới ra làm làng, ban đầu làm Hương hào, xã trưởng, lần lần mò lên chức Hương quản Hương sư. Anh ta dùng cái quyền Hương chức mà hung hiếp lường gạt những Thổ dân khờ khạo ở trong làng, nhờ làm như vậy nên làm tương chức trong mười năm thì ruộng đất đã tăng số lên tới một trăm mẫu. Anh ta tại gặp dịp may, lúc ấy trong tổng khuyết chức Phó Tổng. Anh ta ra tranh cử, nhờ trong nhà có tiền, hể nói đâu người ta nghe đó bởi vậy cho nên lo có một tháng, tốn có một ngàn đồng, mà được làm thầy Phó. Anh ta làm Phó Tổng không có quyền hành gì bao nhiêu, nhưng mà anh ta là người thấy xa, nên không lấy sự đó làm buồn nghĩ vì ông Cai Tổng đã già rồi nếu mình biết nhẫn nhịn trong một ít năm thì cái quyền cai Tổng không lọt khỏi tay mình được. Thiệt quả ông Hiền làm phó Tổng mới ba năm, kế Cai Tổng qua đời, ông ta được cấp bằng làm Cai Tổng.
Quyền thế đã sẵn rồi, oai nghi lập thêm không khó gì, ông Hiền mới dùng quyền thế, lập oai nghi mà sửa trị dân làng trong tổng. Cách ông sửa trị khác hơn người ta hết thảy; ông sửa là sửa bộ điền bộ địa; ông trị là trị thổ tá canh chớ không phải ông sửa tục xấu thói hèn, không phải ông trị côn đồ cướp đản như một hai ông Cai Tổng khác. Ông sửa trị có mấy năm mà ruộng đất của dân Thổ mười phần đã sang tên ông đứng bộ hết bảy tám phần.
Ông Tổng Hiền có hai đứa con: đứa con gái lớn tên là Lý Tố Nga, đứa con trai nhỏ tên là Lý Chánh Tâm. Tuy ông làm quan ông ít thương dân, nhưng ông làm cha thì ông thương con nhiều lắm. Đứa con gái ông cho lên Nữ học đường mà học, còn đứa con trai thì ông gởi nhà người quen đặng đi học trường tỉnh Trà Vinh. Tố Nga học tới 16 tuổi, có bằng sơ học rồi ông mới đem về tính gả lấy chồng. Cách ba năm trước ông xin phép đi Sài Gòn hầu Toà Phúc Án về vụ ông kiện giành 120 mẫu đất với tên Thạch Gồng. Khi ông về đến nhà thì khí sắc ông hân hoan lắm. Ông nói cho vợ con hay rằng, ông đã đặng kiện rồi, mà ông đã hứa gả Tố Nga cho con trai ông Cai Tổng Hỉ ở Mỹ Tho, chàng ấy tên là Lê Phùng Xuân, đương làm thông ngôn Toà Phúc Án trên Sài Gòn.
Ông vui chưa được mấy ngày, Lê Phùng Xuân chưa đi lễ chi hết, kế ông mang một chứng bịnh phi thường bụng ông một ngày một thêm lớn, da mặt với tròng con mắt ông một ngày một thêm vàng, ông uống thuốc Tây, thuốc Tàu, thuốc Nam, đủ thứ mà bịnh cũng không thấy giảm. Những hương chức đến thăm ông có nhiều người đoán chắc ông bị thư, hoặc bị thuốc, nên khuyên ông rước thầy mà mở hoặc may mới hết được. Ông nghe có ông Lục Ba ở chùa Cần Chông mở ngải giỏi lắm. Ông lật đật cho người đi rước, thì ông Lục Ba không chịu đi. Ông cùng thế phải mướn xe hơi mà qua đó, té ra qua đến chỗ ông Lục ba coi bịnh rồi thì ông lắc đầu ổng không biết làm thuốc.
Ông Tổng Hiền trở về nhà, bịnh càng ngày càng thêm nặng, ăn uống không được, cứ nằm mà thở è è hoài. Một đêm nọ, ông biết trong mình không chịu lâu nữa được, ông bèn kêu vợ con lại đứng gần ông rồi ông trối hai điều: một là phải gả Tố Nga cho Lê Phùng Xuân, hai là phải lo cho Chánh Tâm ăn học cho có cấp bằng. Vợ con ông khóc rùm, ông nhướng mắt nhìn vợ nhìn con một lần chót rồi tắt hơi.
Cai Tổng Hỉ ở Mỹ Tho hay tin Tổng Hiền chết, thì dắt con là thầy thông ngôn Lê Phùng Xuân, xuống điếu tang. Bà Tổng Hiền nhơn dịp ấy, bà thuật lời trối của chồng lại cho Cai Tổng Hỉ nghe, Cai Tổng Hỉ rất vui lòng; nên làm bá nhựt6 cho Tổng Hiền rồi, thì cai Tổng Hỉ cậy mai đến nói mà cưới Tố Nga cho Phùng Xuân.
Bà Tổng Hiền thầm nghĩ chồng chết để lại cho bà bạc hơn mười ngàn đồng, lúa gần hai chục ngàn giạ, ruộng hơn năm trăm mẫu, mà con trai thì khờ dại, mới học lớp nhứt trường tỉnh mà thôi, nếu bà không lo gả con gái lấy chồng, thoảng như việc nhà có xảy ra điều chi trắc trở, thì bà biết nhờ cậy ai. Đã vậy mà chồng chết căn dặn việc ân cần lắm, nên dầu thương con, bà cũng không lẽ phụ ý chồng.
Còn nàng Tố Nga, tuy sanh trong nhà Tổng Hiền mặc dầu, song tánh tình cử chỉ nàng không giống cha chút nào hết. Ở trong nhà thì nàng hiền lương ra ngoài đường thì nàng khiêm nhượng, với người lớn thì nàng cung kính, với kẻ nhỏ thì nàng dịu mềm, nhứt là đối với cha mẹ cùng em thì nàng thảo thuận, tưởng cũng ít con gái nào bì kịp. Tuy trong lúc đám tang của cha nàng dòm thấy Phùng Xuân bộ tịch vúc vắc, văn nói xấc xược, da đen, miệng rộng răng hô, trán thấp coi không ra vẻ người phong lưu, nhưng vì có lời trối của cha, nên nàng phải đánh liều nhắm mắt mà phú duyên nợ cho trời chớ nàng không dám hở môi mà khen chê chi hết.
Phùng Xuân cưới Tố Nga về mới chung gối một bữa đầu thì Tố Nga đã thất chí, vì nàng thì thanh nhã, còn chàng thì ô tạp, nàng thì hoà hưỡn, còn chàng thì táo bạo, nàng mở miệng nói nhơn nghĩa còn chàng thì mở niệng nói bạc tiền, nàng học ít mà trí cao, còn chàng học nhiều mà trí thấp, vợ chồng mà tánh ý khác nhau như vậy thì có thể nào mà vui vẻ cùng nhau cho được. Cách ba ngày chàng liền xúi nàng về xin một ngàn đồng bạc đặng cho chàng lập thế lo đổi về Trà Vinh. Vì nàng thương mẹ nhớ em, nàng muốn về gần gũi đặng thăm nom cho dễ, bởi vậy nàng lật đật về tỏ thiệt với mẹ rồi lấy bạc đủ số đem đưa cho chồng.
Cách có ít ngày giấy đổi Phùng Xuân xuống giúp việc Toà án Mỹ Tho, Tố Nga chưng hửng tỏ ý trách chồng sao nỡ gạt mình, Phùng Xuân nói dối rằng, vì Toà án Trà Vinh lúc nầy có đủ người làm việc, nên quan trên sai đi tạm Mỹ Tho ít ngày, chờ chừng nào Trà Vinh trống chỗ rồi sẽ đổi xuống đó.
Tố Nga tuy biết mấy lời ấy là lời giả dối, nhưng mà việc đã lỡ rồi, dầu mình phiền trách cũng không ích gì, bởi vậy nàng cười rồi bỏ qua, cứ giữ phận gái theo chồng, không thèm nhắc tới.
Vợ chồng về Mỹ Tho ở trong vài tháng thì Tố Nga đã rõ tánh ý của Phùng Xuân. Chàng là một tay bài bạc ăn chơi, cưới vợ là một chước kiếm tiền, chớ không phải chú tâm lập gia thất. Trong nhà sẵn có vợ hiền lương xinh đẹp, mà chàng không kể chi tới, đêm nào chàng cũng thả đi chơi tới hai ba giờ khuya chàng mới về, gặp thứ bảy thì chàng đi đến sáng bét. Bữa nào chàng hết tiền chàng hỏi, nếu nàng có mà đưa thì êm, còn nàng không có thì chàng mắng chửi om sòm, túng thế nàng phải đi cầm đồ nữ trang mà đưa mới êm.
Tố Nga thất chí, nhiều bữa chồng đi chơi, nàng nằm co ở nhà giọt lụy chứa chan. Vì bởi nàng là gái biết điều, nên gặp duyên nợ như vậy thì nàng buồn thầm mà thôi, chớ không dám trách cha, mà cũng không nỡ cho mẹ biết.
Phùng Xuân có vợ như vậy mà chàng không biết hưởng hạnh phước, cứ trông mong rút tiền bạc mà thôi. Mỗi lần nàng về Trà Vinh thăm mẹ với em, có cho năm bảy chục để nàng bỏ túi mà xài, thì Phùng Xuân lấy hết, mà chàng cũng không vừa lòng cứ xúi vợ phải xin năm ba trăm chàng xài mới đủ. Ban đầu Tố Nga muốn được bụng chồng, nên nàng về than thỉ xin mẹ vài trăm. Chàng được tiền thì vui mà hễ hết tiền thì quạu nữa. Nàng xin hai ba lần, rồi thấy mẹ không được vui; nên nàng không dám xin nữa. Chàng không có tiền, ban đầu còn mắng chửi, thét rồi chàng đánh đập nàng xể mặt u đầu. Nàng khóc lóc khuyên lơn chàng đừng có chơi bời tửu sắc, thì việc ăn xài trong nhà có thốn thiếu bao nhiêu nàng chịu cho hết. Chàng đã không nghe lời nói phải mà lại còn đánh thêm và nói rằng: “Mầy có khôn thì về dưới Láng Thé mà dạy mẹ mầy, chứ đừng có dạy tao. Đồ đĩ chó, đừng có ỷ giàu mà làm phách. May là cha mầy chết, chớ phải mà cha mầy còn sống tao đánh, cho mầy thấy cha mầy.“
Tố Nga là gái thanh nhã, nàng nghe những lời võ phu ấy chẳng khác nào như đinh đóng vào lỗ tai bởi vậy nàng khóc nức nở, nàng tủi cho linh hồn cha ngày còn sống tưởng chọn được rể hiền lại quá ra bất hiếu. Trong tai nàng văng vẳng nghe thấy tiếng “đồ đĩ chó...thằng cha mầy“ hoài, nàng không thể nào nguôi được, bởi vậy sáng bữa sau, chàng đi làm việc rồi nàng lén mướn xe về nhà cha chồng, mà thuật các lỗi của chồng lại cho cha mẹ chồng nghe.
Ông Cai Tổng Hỉ dắt nàng trở ra Mỹ Tho, đợi chàng đi làm về, ông rầy sơ sài ít tiếng rồi ông về, coi bộ chàng không đếm xỉa gì hết. Tố Nga thấy vậy càng thêm buồn hơn nữa. Nàng ở nán vài ngày cho lành vết tích rồi nàng nói với chàng đặng về Trà Vinh thăm mẹ. Chàng cho đi, song chàng hăm rằng: “Mầy về rồi chừng trở lên phải có năm trăm đồng bạc, nếu không có thì mầy coi tao“.
Tố Nga vì sợ mẹ buồn rầu, nên từ ngày nàng theo chồng, nàng ảo nảo thế nào nàng cũng ôm ấp trong lòng không dám hở môi cho mẹ biết. Chuyến nầy chồng làm quá bụng nàng rồi, đá, đánh đập mà lại còn nhục mạ nàng và cha mẹ nàng nữa, bởi vậy về đến nhà nàng thỏ thẻ tỏ hết mọi việc cho mẹ nghe.
Bà Tổng Hiền cưng con, bà nghe con bà bị đánh bị chửi tối ngày mà anh sui chị sui không trừng trị thằng rể, thì bà nổi giận, bởi vậy bà nhứt định bắt con bà lại, không cho về nhà chồng nữa. Chẳng phải Tố Nga không thương chồng, nhưng vì hễ nàng nhớ mấy lời chàng nhục mạ thì nàng tức tủi, nên mẹ dạy ở lại thì nàng vâng chứ nàng không cãi chi hết.
Phùng Xuân đợi đến nửa tháng mà không thấy vợ lên. Chàng bèn xin phép nghỉ hai ngày đi Trà Vinh mà thăm vợ. Chàng bước vô nhà, vừa ngó thấy mặt vợ thì chàng trợn trạo rầy la om sòm. Bà Tổng Hiền binh con, bà giận run, nên bà óng tiếng nhiếc chàng cho một hồi, rồi đuổi chàng ra khỏi nhà bà cho mau, nếu không nghe lời thì bà biểu đầy tớ vác chổi nó đập. Phùng Xuân cũng không vừa, chàng cự lộn với bà, tuy chàng không dám mắng nhiếc song chàng cũng trả treo nhiều tiếng nặng nề lắm. Tố Nga thấy vậy càng thêm não nề, nàng cứ ngồi day mặt vô vách mà khóc, chớ không nói được tiếng nào hết.
Mẹ vợ với chàng rể rầy một hồi rồi Phùng Xuân ngoe ngoảy bỏ ra về. Khi chàng ra tới cửa chàng nói với rằng: “Má muốn bắt vợ tôi lại, để tôi làm má hết nhà cho má coi“. Bà Tổng Hiền đáp rằng: “Ừ, mầy có giỏi thì mầy làm sao thì mầy làm đi. Tao thí vài ngàn đồng bạc cho thầy kiện thì mầy ở tù rục xương, nói cho mà biết, đừng có đánh phách.“
Phùng Xuân về rồi bà Tổng Hiền nói với Tố Nga rằng: “Nó có giỏi thì nó vào đơn mà kiện xin để mầy chớ nó làm gì mầy được. Thây kệ nó, để coi nó làm sao cho biết. Mầy ở đây, đừng có theo nữa“. Tố Nga cứ ngồi khóc hoài.
Cách chẳng bao lâu, Chánh Tâm thi đậu bằng sơ học. Bà Tổng Hiền tuân theo ý chồng, nên lo cho con vào trường Chasseloup Laubat.
Chánh Tâm đi học xa, mẹ ở nhà lo lắng hoài ăn ngủ không được. Và từ khi ông ổng Hiền chết rồi, thì làng xóm họ không kiêng nể bà Tổng như hồi trước nữa: đã vậy mà dân Thổ bị ông Tổng lấy đất hồi trước, chúng nó hăm he hằng ngày. Bà Tổng Hiền thấy dân tình như vậy thì bà đã để ý muốn mua nhà về Châu Thành.
Lúc nầy con bà lên học trên Sài Gòn, bà mới đổi ý tính lên Sài Gòn mua nhà mà ở, trước cho thong thả tấm thân sau nữa gần con cho dễ.
Một bữa nọ bà dắt Tố Nga lên Sài Gòn thăm Chánh Tâm. Bà nghe nói đường Thuận Kiều có bán một cái nhà lầu mười hai ngàn đồng. Bà đi coi, thấy chắc chắn, miếng đất rộng rãi, bà vừa ý lắm, nên bà trả xuống hai ba ngày rồi bà dứt giá mười ngàn rưỡi. Bà về bán lúa đem bạc chồng đủ, rồi mua sắm bàn ghế, tủ giường dọn dẹp mà ở. Bà cậy một người em con nhà chú của bà là Hương bộ Huỷnh, coi giùm nhà rửa ruộng đất của bà ở Láng Thé, rồi bà dắt Tố Nga ở nhà mới trên Sài Gòn với bà.
Phùng Xuân hăm dọa nghe mạnh mẽ lắm, mà đã năm sáu tháng rồi, không thấy chàng kiện cáo chi hết. Chừng mẹ con bà Tổng Hiền về ở trên Sài Gòn, chàng lót cót lên xin lỗi với bà và xin rước vợ về. Bà Tổng rầy chàng một hồi bà bớt giận; tuy bà không đuổi chàng nữa song bà nhứt định không cho Tố Nga về nhà chàng. Phùng Xuân theo dả lả với vợ, cũng bớt giận, nhưng mà chàng có hỏi đâu thì nàng mới nói đó, coi ra lợt lạt, chớ không có vẻ mặn nồng. Tuy là nàng chuyện vãn với chàng mặc dầu, song hễ chàng bảo nàng về Mỹ Tho thì nàng lắc đầu, trong trí còn nhớ mấy thoi nấy đạp, còn ghi mấy nhục mạ ngày nọ hoài.
Phùng Xuân năn nỉ hết sức không được, thì chàng mỏi lòng, bởi vậy chàng không nói tới chuyện ấy nữa, mà hễ mười bữa hoặc nửa tháng thì chàng lọ mọ lên một lần, lần nào lên chàng cũng chà lết ở ăn cơm rồi ngủ tại đó. Bà Tổng không đuổi xô rầy rà nữa, song bà cũng không ngó ngàng tới, lên bà không hỏi, mà về bà cũng không cầm.
Vợ chồng Phùng Xuân lạt lẽo như vậy đã gần ba năm mà cũng chưa hiệp một nhà được. Hôm gặp Cẩm Vân trong rạp hát Casino, Tố Nga nói vì mắc ở hủ hỉ với mẹ, nên không theo chồng được, ấy là lời nói dối, bởi vì Tố Nga xa chồng là tại phiền chồng, chớ không phải vì tríu mẹ.
Kẻ Làm Người Chịu
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chú thích