Chương 8
Tác giả: Hồ Biểu Chánh
Mặt trời gần đứng bóng. Trong cái đường rừng Hưng Hóa qua Thái Nguyên im lìm vắng vẻ, duy có tiếng chim trên nhành kêu chéo chét lộn với tiếng nước trong khe chảy ro re mà thôi.
Lệ Bích tuy còn nặng tình với chàng Thanh Tòng, nhưng vì cái thù của cha làm cho nàng không thể hiệp với chồng được, nên nàng phải bỏ nhà lánh thân cho trọn đạo làm con. Nàng cải tên là Hồng Hạnh, dắt thể nữ Xuân Lan đi kiếm chỗ mà dung thân. Nàng đi gần một tháng mới lên tới đạo Hưng Hóa, tính hỏi thăm đường qua Thái Nguyên là xứ tổ phụ hồi trước.
Xuân Lan mang gói đi trước, Lệ Bích thủng thẳng lần bước theo sau. Ðường xa, mà trời lại nắng, Xuân Lan thấy Công nương có sắc mệt mỏi, nên đi tới một gốc cây lớn tàn che mát mẻ, bèn để hành lý xuống mà thưa rằng:
- Trời nắng quá, xin công nương tạm ngồi dưới bóng cây đây mà nghỉ đợi mát mát một chút rồi sẽ đi nữa. Người ta nói từ đây qua tới huyện, chỉ còn có một dặm đường nữa mà thôi, nên chẳng cần gì phải lật đật cho lắm''.
Lệ Bích gặc đầu, ngồi xề dựa gốc cây và nói rằng:
- Cô đã dặn con đừng có dùng tiếng ''công nương” mà xưng hô nữa, sao con cứ kêu cô bằng ''công nương'' hoài như vậy?
- Thưa con quên. Xin cô thứ tội. Con không dám phạm nữa.
- Con phải nhớ chớ, nếu con kêu như vậy người ngoài họ biết rồi lậu sự còn gì. Bệ hạ đã truyền rao cho các châu quận kiếm mà bắt cô. Nếu con không cẩn thận thì chắc cô phải bị hại.
- Vì ở chốn rừng xanh, có một mình cô với con, nên con mới sơ thất như vậy, chớ nếu có thiên hạ thì con phải cẩn thận, con đâu dám phạm cấm.
- Dầu có một mình cô đi nữa, con cũng phải tập mà kêu bằng “cô'' cho quen chớ. Nầy, con phải nhớ cô tên là Hồng Hạnh, cha mẹ khuất ở tại Kinh, nên đi tìm thân tộc ở trên Thái Nguyên, nghe hôn?
- Dạ.
Xuân Lan đúng ngó quanh quất, thấy trước mặt có một cái khe nước chảy trong veo, bèn mời Lệ Bích lại đó mà rửa mặt. Chủ tớ rửa mặt mát mẻ rồi mới trở lại gốc cây, Lệ Bích xổ tóc cho Xuân Lan chải gỡ.
Trẽn nhành chim hát, dưới suối nước đờn. Lệ Bích nhắm cảnh động tình nên vừa khóc vừa ca một bài như vầy:
Á hiu, hắt hiu gió thổi đầu nhành,
Nghĩ thôi đau đớn phận mình;
Nỗi hiếu tình tấc lòng xốn xang.
Rơi châu lã chã đôi hàng,
Chất chứa đầy mối sầu ngổn ngang,
Hỡi nầy tình lang,
Tệ làm chi bấy chàng!
Bận cho ta;
Hiếu nếu khinh, tình nếu trọng,
Còn mặt mũi nào,
Mà chen chúc chốn trần ai
À thay rất ngặt nghèo thay!
Giết cha mình phải là ai
Vẫn chồng mình cha chịu gả.
Việc thình lình sanh rời rã,
Bởi đâu xui khiến,
Xảy ra nỗi nầy,
À cậu thiếp, đức Thánh hoàng,
Ðã hạ lịnh cho chàng,
Ra tiễu trừ Chiêm bang.
Hễ thắng trận hồi loan,
Vua lấy công cho thục tội,
Rồi khiến gả mình,
Cho kẻ oán mà duyên.
Thương cho cái phận thuyền quyên.
Thảm não lòng điến điên
Hễ lấy chồng thì mất thảo.
Muốn trả cừu e lỗi đạo
Nỗi cha, nỗi chúa,
Nỗi căn duyên vợ chồng.
Tình, hiếu chịu gánh gồng.
Thà thiếp chịu cam lòng,
Nhắm mắt rồi cho xong.
Cắc cớ bấy thiên công,
Mối dây oan mới trao tới cổ,
Ðâu lại xui khiến chàng
Vừa tới gặp lại cứu mạng ta.
Duyên nợ khiến sao đây,
Người ôm mình mà mở dây,
Tấm lòng bồi hồi.
Nếu thương kẻ tài cao,
Tóc kết tơ trao,
Bỏ cừu cha, ai nỡ nào!
Thôi, thôi cam phụ với tình duyên,
Sự cừu lòng sao yên,
Cái kiếp nầy ta đành chẳng kể.
Ai làm Ta vầy?
Thương nghĩ giận, giận rồi thuơng
Trằn trọc tư lương,
Gịot quyên rơi lụy hường!
Muốn cho vẹn hiếu vẹn tình,
Phải toan đổi dạng ẩn mình,
Con với cô bơ bơ nơi rừng rậm,
Có thấu lòng ai chăng?
Bỏ thì thương, vương thì nặng,
Bứt rứt cho lòng,
Ối thà trọn thảo với cha.
Rậm rì suối chảy chim kêu,
Cảnh giục cho người sầu,
Chàng ôi! Hối hôn thà thiếp phụ lời,
Ai ở bạc,
Có Trời chứng tri.
*
Lệ Bích than chưa dứt lời, bỗng thấy xa xa có ba người xăm xăm đi lại, một ngươi đi trước, tuổi lối đôi mươi, đầu vấn khăn xanh, mình mặc áo điều, quần trắng, còn hai người đi sau, một người mang cung, một người vác kiếm, y phục tầm thường, xem tướng mạo thì ai cũng biết hai người đi sau đó là gia dịch của người đi trước.
Lệ Bích lật đật bới đầu rồi đứng nép dựa gốc cây. Xuân Lan mang gói lên vai rồi bước tới đứng trước mặt Lệ Bích.
Người trai đầu vấn khăn xanh đó thấy dạng hai nàng thì day lại nói nhỏ nhỏ với hai người kia mà cười rồi đi riết tới nữa. Khi tới gốc cây, chàng chống nạnh hai tay, đứng ngó sững hai nàng một hồi rồi cười ngất mà nói rằng: ''Ta đi săn từ hồi sớm mơi cho tới bây giờ, không gặp được một con thịt nào hết, ta tưởng là rủi, té ra may dữ a? Không gặp thịt, mà gặp được tiên nữ thì càng vui hơn nữa''.
Chàng nói mấy lời rồi bước xê lại gần, miệng chúm chím cười, mắt láo liên ngó hai nàng mà nói rằng: ''Tiểu sanh xin chào hai quí nương. Thưa quí nương, xin quí nương bước ra đặng cho tiểu sanh vô phép hỏi thăm một đôi lời''.
Xuân Lan nghiêm sắc mặt mà đáp rằng:
- Tiên sanh muốn hỏi điều chi thì hỏi, cần gì chị em tôi phải bước ra.
- Tôi chẳng hỏi điều chi lạ. Vả chăng phận gái phải giữ chốn khuê phòng. Chẳng hiểu vì cớ nào hai quí nương lại đi trong chốn non cao rùng rậm, vậy tôi muốn hỏi cho biết coi hai quí nương tên họ là chi, quê quán ở đâu, có việc chi mà đi bơ vơ như vầy?
- Tiên sanh là người đi đường. Hai chị em tôi cũng là người đi đường. Ðường của vua, ai cũng được đi hết thảy: tiên sanh có cần gì phải biết tánh danh quê quán của chị em tôi?
- Tôi cũng biết đường của vua ai đi cũng được. Tôi gạn hỏi đây là vì tôi nghĩ trong chốn non cao rừng rậm nầy thường có quân côn đồ, lại cũng thường có loài ác thú. Tôi thấy hai quí nương đi lôi thôi, tôi sợ e nếu chẳng gặp côn đồ thì cũng gặp ác thú, bởi vậy tôi lo giùm chớ phải tôi có ý chi khác hay sao mà quí nương ái ngại nên không muốn nói.
- Tiên sanh có lòng tốt, lo giùm cho chị em tôi như vậy, chị em tôi rất cảm ơn tiên sanh. Chị em tôi ở trong Kinh, vì cha mẹ tỵ trần, không có nơi nương dựa, nên dắt nhau về Thái Nguyên mà tìm ông chú. Trước khi ra đi chị em tôi vẫn biết trong chốn rừng núi thì tự nhiên phải có côn đồ với ác thú. Nghĩ vì chị em tôi đủ sức chống cự nên mới dám đi. Vậy xin tiên sanh đừng lo sự ấy.
- Té ra hai quí nương tính qua Thái Nguyên mà tìm chú. Vậy chớ chưa có chồng hay sao, nên đi một mình không có đàn ông đưa?
- Thưa tiên sanh hỏi câu đó nghe kỳ lắm. Nếu chị em tôi có chồng thì có đi làm chi như vầy.
- Úy! May dữ a!...
Người trai ấy bước lui lại nói nhỏ với hai tên gia dịch rồi mới nói tiếp với hai nàng: ''Thưa hai quí nương, có lẽ khi cũng là trời khiến nên hai quí nương mới gặp tôi như vầy. Vậy tôi xin mời hai quí nương theo tôi về tệ xá mà tạm nghỉ một đôi bữa, rồi như hai quí nương còn muốn qua Thái Nguyên, thì tôi sẽ đưa đi''.
Xuân Lan cười gằn mà đáp rằng:
- Thưa tiên sanh, mấy lời tiên sanh mới mừng đó thiệt là sái lễ lắm. Ðã vậy mà cái sự mời hai chị em tôi về nhà lại còn sái lễ nhiều hơn nữa. Tôi khuyên tiên sanh từ rày sắp lên nếu có gặp gái giữa đường thì đừng có hỏi thăm chi hết, mà cũng đừng có mời về nhà, bởi vì làm như vậy thì ra tuồng người hoa nguyệt chớ không phải là con nhà học trò.
- Quí nương nói kỳ quá! Gặp con gái đi bơ vơ trong rừng một mình, mời về nhà nghỉ ngơi một đôi bữa rồi muốn đi đâu thì mình đưa giùm cho mà đi, làm như vậy là có nhơn, chớ sao gọi là vô lễ.
- Chị em tôi không có bà con quen biết chi với tiên sanh, mà mời về nhà nỗi gì.
- Cần gì phải quen biết! Con người ở đời ai mà biết hết cả thiên hạ cho được. Ban đầu phải lạ, rồi sau mới quý chớ. Hai quý nương ở tha hương, thuở nay chưa gặp tôi, tự nhiên phải lạ; mà hễ về ở nhà một một bữa rồi thì quen với tôi, có lạ nữa đâu. Hai quí nương đừng có ngại. Tôi chẳng phải là kẻ côn đồ cướp đảng chi đâu. Tôi đây là trưởng tử của quan Chuyển vận sứ ở huyện nầy. Công tử Trần Ngan là tôi đây. Hai quí nương ở xa không hiểu, chớ người ở xứ nầy ai cũng đều kính trọng tôi, đều biết thảy. Chẳng có việc gì tôi muốn mà không được. Tôi ưa phong lưu, nên tôi giữ thói thanh nhàn, tôi nhàm danh lợi, nên tôi không thèm thi cử, chớ nếu muốn đi thi, thì chắc tôi đậu đã lâu rồi.
Chẳng giấu hai quí nương làm chi. Tôi là con nhà quan, tôi sang trọng lắm, hiềm vì thuở nay tôi chưa gặp được khách tri âm, bởi vậy chốn loan phòng còn một mình hiu quạnh. Nay tôi tình cờ mà gặp hai quí nương đây, tôi nói may, là vì tôi trông thấy, hai quí nương dung mạo phi phàm, tôi chắc ba ta có duyên cớ chi đây, nên trời mới khiến gặp nhau như vầy. Vậy tôi xin tỏ thiệt với hai quí nương, nếu hai quí nương chẳng chê tôi là đứa bất tài thì tôi rước hết về dinh rồi tôi chọn ngày làm lễ động phòng, đặng ba ta kết tóc trăm năm cho tôi phỉ chí ước mơ, và cho hai quí nương hết hồi lưu lạc.
Xuân Lan nghe nói tới đó tai mặt đỏ phùng phừng, nàng đưa tay lên chỉ ngay mặt Trằn Ngan mà nói rằng: ''Té ra ngươi là Công tử Trần Ngan, con quan Chuyển vận sứ ở huyện nầy há! Hay cho Công tử dữ a! Thứ đồ yến tước mà dám trèo leo muốn đậu chung với hộc hồng! Bớ Công tử Trần Ngan, tôi xin hỏi người vậy chớ con nhà quan sao không học thói nhà quan, mà lại đi trêu hoa ghẹo nguyệt như phường du đãng vậy hả?”.
Trần Ngan bị mắng, chàng nổi giận, trợn mắt bước tới nạt rằng: ''Cha chả! Con tiện tì nầy dám mắng ta à!''
Một tên gia dịch chạy lại nắm tay chàng mà kéo và nói rằng: ''Công tử đừng có nóng. Công tử đứng xê ra, để đó cho tôi''. Nó can Trần Ngan rồi day lại ngó Xuân l.an và cười ngỏn ngoẻn và nói rằng: ''Thưa cô, xin cô chịu phiền tưới giùm cho nó nguội bớt cái lò lửa nóng của cô, đặng tôi phân một hai điều phải trái cho cô nghe. Có lẽ cô cũng có nghe người ta thường hay nói: ''Nam đại bất thú như liệt mã vô cương, nữ đại bất giá như tư viêm phạm thủ”. Cậu tôi đây là trai đã lớn rồi mà chưa có vợ, còn hai cô là gái cũng đã lớn rồi mà chưa có chồng. Hai đàng gặp nhau theo lẽ trời thì phải tèo tẹo, chớ nào phải cậu tôi nói chơi rồi bỏ qua hay sao mà cô giận. Cô nghĩ lại mà coi, cậu tôi là con nhà quan, cậu tôi ở trúng theo sách lắm. Sách có câu: ''Quân tử chi đạo tạo đoan hồ phu phụ' '. Vậy cậu tôi tỏ ý muốn kết duyên cùng hai cô, ấy là cậu tôi quyết làm theo lời thánh hiền dạy, sao cô lại trách cậu tôi vô lễ?''
Xuân Lan nạt rằng: ''Thôi, dẹp đi mi. Ta khuyên cậu cháu mi hãy tránh đường cho chị em ta đi”
Tên gia đinh cản tay mà nói rằng: ''Khoan! Ði đâu được. Cô đừng có nóng nữa, thủng thẳng đợi tôi nói hết cho mà nghe. Hai cô ở xa nên không biết, chớ cậu tôi đây đúng đắn lắm, các công tử đời nay chưa có mặt nào dám bì đâu. Kia kìa, cô liếc mắt coi cậu tôi đó thử coi, bộ tướng oai nghiêm, diện mạo khôi ngô biết chừng nào. Cô coi có đáng hay không, hử? Ý! Mà tướng tốt chẳng nói làm chi, tài học giỏi lắm mới thiệt là sướng chớ. Vì vậy nên ông bà tôi cưng không biết chừng nào mà nói cho được. Cậu tôi muốn việc chi cũng được hết thảy. Hai cô mà ưng cậu tôi thì hai cô sung sướng cũng như tiên. Hai cô chịu đi đừng có dục dặc, cậu tôi giận thì khó lắm''.
Xuân Lan cười mà đáp rằng: ''Cậu mi như vậy, sắm mi như vầy thiệt là xứng lắm. Ta khen đa''. Nàng lại bước tới ngó Trần Ngan mà nói rằng: ''Bớ công tử, công tử là con nhà quan, công tử phải lo luyện tập kiếm cung, ôn nhuần kinh sử, đặng mà phò vua giúp nước, chẳng nên chận đường đón ngõ mà chọc gái như vậy nhơ nhuốc lắm. Công tử phải nhớ mấy lời tôi dạy đó mà sửa mình. Thôi, đi về đi cho mau, nếu cãi lời tôi ắt chẳng khỏi mang họa“.
Trần Ngan thuở nay chưa gặp ai dám nhục mạ mình như thế, bởi vậy chàng nghe mấy lời cao ngạo của Xuân Lan thì chàng chịu không được nên chàng xăn tay áo và nói rằng: ''Vì ta thấy hai nàng có sắc ta thương, nên nãy giờ ta dùng lời nhỏ nhoi mà nói. Nàng thấy vậy cứ theo nhục mạ ta hoài. Cái đó là tại hai nàng chớ không phải tại ta. Hai nàng cũng như chim ở trong lồng, cá ở trong rọ làm sao thoát khỏi ta được mà nói phách. Thuận tình đi theo ta về nhà thì tốt hơn, còn nếu không thuận ta thì ta cũng bắt đại, chớ ta có dung đâu''.
Xuân Lan nạt lớn lên rằng: ''Cha chả! Ngươi đã vô lễ với chị em ta rồi, bây giờ lại muốn hành hung nữa à! Ta nói cho mà biết: cóc muốn trèo thang sao cho được, nhái bén[1] phình bụng đến nứt da đi nữa cũng không bằng con bò đâu. Người phải dẹp đường cho mau, nếu cãi lời, sợ e chừng biết ăn năn thì đã muộn''.
Trằn Ngan giận run, ngoắt hai đứa tùy tùng mà chỉ biểu bắt Lệ Bích, còn chàng thì dợm[2] nhảy tới toan chụp bắt Xuân Lan. Vả Lệ Bích là con nhà tướng, nên võ nghệ chẳng kém tài trai. Còn Xuân Lan ở hầu nàng thuở nay, nên nàng cũng có truyền nghề chút đỉnh. Vì vậy nên khi Trần Ngan nhảy tới mà chụp, thì Xuân Lan trớ qua một bên, rồi đá chàng một đá, chàng té lăn cù dưới gốc cây. Lệ Bích rút gươm bước tới, hai tên gia đinh thấy vậy thất kinh, không dám áp lại làm ngang, chỉ xúm nhau đỡ công tử đứng dậy, rồi dắt nhau mà chạy.
Xuân Lan nói với Lệ Bích không muốn giết Trần Ngan, nên không thèm rượt theo, chỉ đứng mà ngó mà mắng nhiếc om sòm. Trong lúc ấy bỗng nghe sau lung có tiếng người hỏi rằng: ''Có việc chi mà lộn xộn đó vậy?'' Hai nàng day lại thì thấy có một ông già tóc râu bạc trắng, y phục đoan trang, tướng mạo ôn hòa, mặt mày nho nhã, cỡi một con ngựa kim có đứa tiểu đồng nắm cương mà dắt.
Hai nàng đứng nép bên đường, cúi đầu làm lễ. Ông già dừng ngựa, ngó chăm chỉ hai nàng một hồi rồi hỏi rằng: ''Hai tiểu thơ đi đường có gặp việc chi chẳng lành hay sao mà coi khí sắc bất an như vậy?“
Lệ Bích bước tới vòng tay thưa rằng: ''Thưa tôn ông, hai con đi đường mỏi mệt nên ngồi dưới gốc cổ thọ đây mà nghỉ. Có đứa bất lương đi ngang nó thấy hai con là gái, nên dùng lời thô lỗ mà ghẹo chọc, rồi lại toan làm dữ muốn bắt hai con đem về làm vợ nó. Hai con giận quá nên phải dụng võ với nó. Té ra miệng nó nói phách mà óc nó nhát hích. Hai con mới ra tay chống cự thì nó dắt bọn tùy tùng chạy mất''.
Ông già châu mày hỏi rằng:
- Khúc đường nầy thuở nay không nghe có trộm cướp chi mà. Vậy chớ tiểu thơ có biết thằng bất lương đó tên chi hay không?
- Thưa con là người xứ lạ nên con không biết nó; song nó có khoe với con rằng nó tên là Trần Ngan, trưởng tử của quan Chuyển vận sứ ở huyện nầy.
- Ờ té ra hắn là con của Trần Hoài Châu mà. Thôi, tiểu thơ hãy an tâm. Ðể lão viết thơ biểu cha hắn trừng trị hắn. Con nhà quan mà không biết giữ lễ nghĩa, lại đi vào rừng đón gái mà bắt. Trần Hoài Châu thiệt là tệ, có con sao không biết dạy con! Còn hai tiểu thơ tướng mạo coi chẳng phải con nhà tầm thường, hai tiểu thơ là con của ai, quê quán ở xứ nào, đi đâu đây, hai tiểu thơ hãy tỏ thiệt cho lão nghe thử coi?
- Thưa con tên là Hồng Hạnh, tổ phụ ở Thái Nguyên. Từ khi con còn thơ ấu thì theo cha mẹ xuống Kinh ở mà buôn bán. Rủi hôm tháng trước cha mẹ của con khuất hết, con bơ vơ không có nơi nương dựa, nên con phải dắt thị tỳ, là con Xuân Lan đây, trở về Thái Nguyên mà tìm thân tộc.
- Tiểu thơ tính về Thái Nguyên mà tìm thân tộc. Vậy chớ tiểu thơ có biết thân tộc là ai, nhà cửa ở làng nào hay không?
Lệ Bích không dè người ta hỏi cặn kẽ như vậy mà tính trước, bởi vậy nàng dụ dự một hồi rồi mới đáp rằng:
- Thưa con nghe cha mẹ con nói thân tộc ở Thái Nguyên nên con đi tìm chớ thiệt con không rõ tên chi, mà cũng không biết ở làng nào.
- Úy nếu tiểu thơ không biết thì tìm làm sao được. Mà đường từ đây qua Thái Nguyên thì sơn khê nham hiểm, lộ trình gay go lắm, tiểu thơ là gái đi sao cho tiện. Vậy lão muốn tính như vầy, không biết ý tiểu thơ có chịu hay không?
- Thưa tôn ông, trẻ thơ đáng con cháu; tôn ông muốn dạy bảo điều chi thì tôn ông cứ nói ngay ra, cần chi phải ái ngại.
- Số là trong nhà lão có hai vợ chồng già mà thôi, chớ không có con cháu chi hết. Lão nghe phận tiểu thơ côi cút lão thương; lão muốn nhận tiểu thơ làm con, đặng ở trong nhà hôm sớm hủ hỉ với vợ chồng lão, cho lão bớt cơn phiền não, không biết tiểu thơ có vui lòng chịu làm con lão hay không?
Lệ Bích thấy ông già hiền lương song không biết ông là ai, nên nàng đứng dụ dự, chưa quyết định. Ông già bèn nói tiếp rằng: ''Tiểu thơ đừng có nghi. Lão đây là Ngô Sĩ Liên hồi trước làm quan chức Giám sát Ngự sử tại trào, cách hai năm nay, lão già yếu nên từ chức qui điền mà dưỡng chí. Lão thấy tiểu thơ dung mạo đoan trang mà lại gặp cơn gia biến, nên lão thương, lão mới xin nuôi làm con. Hễ tiểu thơ về ở với lão, thì lão sẽ sai người nhà qua Thái Nguyên mà dọ coi thân tộc của tiểu thơ còn ai, rồi như tiểu thơ muốn đi thăm, thì lão sẽ cho người đưa đi''.
Lệ Bích vẫn có nghe danh quan Ngự sử Ngô Sĩ Liên là một nhà văn sĩ, làm bộ Ðại Việt sử ký rất có tiếng, bởi vậy nàng hết dụ dự nữa; ông nói dứt lời thì nàng ngồi xuống lạy và thưa rằng: Phận con côi cút lưu lạc bơ vơ. Nếu tôn ông đoái tưởng cho con nhờ chút cơm dư, thì con đâu dám nghịch ý''. Ông Ngô Sẽ Liên lấy làm mừng, ông dạy Lệ Bích đứng dậy, nói phủ ủy[3] ít lời, rồi dắt Lệ Bích với Xuân Lan về nhà. Ngô phu nhơn không con, thình lình ông cho bà một đứa con gái vừa có tài, vừa có sắc, thì bà rất đẹp ý bởi vậy bà thầm tạ ơn Trời Phật nhểu phước cho bà hết hiu quạnh trong lúc tuổi cao.
[1] loại nhái nhỏ con
[2] bắt đầu
[3] vỗ về an ủi