Chương 20
Tác giả: Hồ Biểu Chánh
Ðỗ-Cẩm toan giết Lê-văn-Ðó mà bắt Thu-Vân lại, chẳng dè bị Thể-Phụng ngăn trở.
Anh ta ra vô trong dinh quan Bố mấy lần, có gặp mặt Thể-Phụng, bởi vậy anh ta vừa thấy Thể-Phụng thì kinh tâm, mà còn bị đánh một cây gần gãy cánh tay nữa, nên phải rút mà chạy cho khỏi nạn.
Anh ta trở về chòi thuật việc ấy lại cho vợ nghe. Thị-Phi nghiền-ngẫm mắng chồng tưng bừng, nói rằng dầu có Thể-Phụng tiếp cứu đi nữa, thì bất dĩ có 2 người, mình cũng 2 người, mà mình cầm mác cầm búa, cớ gì mà chạy. Ðỗ-Cẩm lắc đầu nói rằng:
- Ðờn bà giỏi tài đánh phách hoài! Thằng đó ở đâu không biết, thình-lình nó nhảy vô đả thằng Hanh một cây té nhào dậy không nổi rồi nó đả tao một cây nữa gần gãy tay, tao buông cái mác cho thằng cha già đó rồi, còn giống gì nữa mà cự. Ðã vậy mà tao biết mặt nó ở trong dinh, nếu tao không chạy, nó bắt tao rồi làm sao?
Thị-Phi nguýt một cái rồi đi ngủ, không thèm coi chồng bị đánh nặng nhẹ thế nào. Ðỗ-Cẩm bắt Thu-Vân không được thì giận mà sợ Thể-Phụng cáo báo nên cũng lo.
Chiều bữa sau thấy Thể-Phụng tới nhà thì anh ta hết hồn, tưởng quan sai đến bắt. Chẳng dè Thể-Phụng hăm he rồi bỏ ra đi, anh ta tuy bớt lo, song còn giận lão già nuôi Thu-Vân đó lắm.
Cách ít ngày cánh tay hết đau. Thị-Phi mới xúi chồng vào dinh cáo với quan Bố đặng bắt Thu-Vân lại.
Ðỗ-Cẩm bị Thể-Phụng hăm thì sợ, nên dụ dự không dám đi. Thị-Phi biểu hoài không được thì giận, nên bữa nọ chị ta đánh liều đi nhầu, tính vô dinh cáo gian mà đòi Thu-Vân lại, ví như quan Bố không cho thì sẽ nói thiệt cho quan Bố biết Thu-Vân là con, rồi kể ơn mà xin tiền.
Bữa Thị-Phi vô dinh thì Thể-Phụng đã đi Vũng-Gù rồi. Chị ta đứng ngoài cửa chờ đến xế quan Bố mới ra khách. Chị ta cúi đầu bước vô lạy quan Bố 3 lạy. Quan Bố trợn mắt hỏi rằng:
- Mi hầu việc chi?
- Bẩm quan lớn tôi là vợ Ðỗ-Cẩm.
- Té ra mi là vợ Ðỗ-Cẩm há! Ta thấy vợ chồng mi nghèo nàn ta thương nên ta có cho tiền hoài, sao chồng mi không lo làm ăn, lại tụ đảng đi đánh cướp con cháu người ta. Ta nói cho vợ chồng mi biết, nếu vợ chồng mi còn làm việc chi quấy mà ta hay đặng thì ta bắt mà đày đa, đừng có lấp lửng.
- Bẩm quan lớn, chồng tôi có cướp con cháu của ai đau. Số là tôi có nuôi một đứa cháu gái. Cách mười năm trước có một thằng cha ở đâu không biết, nó đến bắt trộm cháu tôi. Mấy năm nay vợ chồng tôi tìm kiếm khắp xứ bây giờ mới gặp nó đây. Chồng tôi đòi cháu tôi lại, nó đã không chịu trả mà còn đánh chồng tôi nữa.
- Thôi, dẹp mi đi. Vợ chồng mi là quân ngang ngược, mi tưởng ta không biết hay sao, nên kiếm lời mà dối ta. Mi về lo làm ăn, nếu vợ chồng mi rụt-rịt thì ta bỏ tù rụt xương, nói cho mà biết. Ði về đi cho mau.
- Bẩm quan lớn …
- Thôi đừng có thưa bẩm gì nữa hết!
Thị-Phi bị nộ nạt thì sợ, nên lật đật lùi ra ngoài.
Chị ta đứng nép bên cửa mà suy nghĩ một hồi rồi rón rén bước vô lạy quan Bố nữa.
Quan Bố nạt rằng:
- Sao chưa chịu về, còn vô chi nữa đó?
- Bẩm quan lớn, xin quan lớn làm phước cho phép tôi tỏ một lời.
- Mi còn muốn bẩm việc gì ?
- Bẩm quan lớn, việc tôi bẩm đây có ích cho quan lớn lắm, song việc ấy là việc kín nên tôi bẩm cho quan lớn nghe mà thôi, chớ tôi không muốn có người khác nghe.
Hải-Yến nghe nói như vậy thì chau mày, ngồi suy nghĩ một hồi, rồi dạy lính hầu đi hết vô phía trong. Thi-Phi ngồi dưới đất lặng thinh, chưa chịu bẩm. Quan Bố hỏi rằng:
- Mi muốn bẩm việc gì? Sao chưa bẩm đi?
- Bẩm quan lớn, năm trước quan lớn thi đậu rồi về thăm nhà, quan lớn bỏ con Ánh-Nguyệt ở lại, nó đã có chửa …
- Ta không muốn mi nhắc việc xưa. Ta không biết Ánh-Nguyệt nào hết.
- Bẩm quan lớn, sau nó đẻ được một đứa con gái đặt tên là Thu-Vân …
- Trối kệ nó chớ! Mi bẩm với ta làm chi?
- Bẩm quan lớn, con Thu-Vân nó giống quan lớn lắm …
- Ế. Ðừng có đặt điều, nó giống ai thì mặc nó.
- Bẩm quan lớn, tôi thấy vậy nên tôi bẩm cho quan lớn hay.
- Hay làm chi?
- Bẩm quan lớn, hay đặng như quan lớn có thương thì đem về mà nuôi.
- Ta có ba bốn đứa con còn nuôi con nuôi mà làm gì?
- Bẩm quan lớn ….
- Nín, ta nói cho mi biết. Nếu từ nay về sau mà mi còn bày chuyện nói bậy như vậy nữa thì ta bỏ tù liền. Vợ chồng mi là quân khốn nạn, hay bày điều đặt chuyện lắm. Ta kỳ cho vợ chồng mi nội trong 3 bữa phải đi cho khỏi tỉnh nầy. Nếu quá 3 bữa mà ta còn thấy ở đây nữa thì ta bắt ta đày đa, nói cho mà biết.
- Bẩm quan lớn, tội nghiệp vợ chồng tôi lắm!
- Tội nghiệp gì?
- Bẩm quan lớn, dầu vợ chồng tôi khờ dại, song hồi trước cũng có làm ơn cho quan lớn ở đậu và quan lớn muốn sự khó hết sức, mà vợ chồng tôi cũng phải làm cho vừa lòng quan lớn.
- Chà! Bây giờ mi kể ơn đa há! Thiệt vợ chồng mi có làm ơn cho ta, mà chúng bây gần lột da ta, chớ phải tử-tế gì hay sao mà bây giờ kể ơn.
Quan Bố nói tới đo rồi đứng dậy đi mở tủ lấy ra 2 nén bạc mà để trên bàn. Thị-Phi liếc thấy trong bụng mừng thầm. Quan Bố ngồi lại rồi hỏi rằng:
- Hồi nãy mi nói con nhỏ tên gì?
- Bẩm quan lớn, tên nó là Thu-Vân, đặt tên cũng tốt quá chớ.
- Bây giờ nó ở đâu? Ở với ai?
- Bẩm quan lớn nó ở với thằng cha già bắt trộm nó. Thằng cha già tôi bẩm với quan lớn hồi nãy đó.
- Thằng cha già đó có bà co gì với nó hay không?
- Bẩm, không biết. Chắc là không có bà con gì đâu. Xin quan lớn làm phước dạy nó giao con nhỏ lại cho tôi. Như quan lớn muốn nuôi thì nuôi, bằng không thì để cho vợ chồng tôi nuôi cũng được.
- Ðể ta nuôi. Ta hỏi thằng cha đó tên gì? Nó ở đâu?
- Bẩm quan lớn, nhà nó ở trong rạch Vĩnh-Tường, mé bên kia, trước nhà có một cây dừa quằn. Trong xóm đó họ kêu tên nó là sáu Thới.
- Ta nói cho mi biết. Vợ chồng mi là quân ăn cướp. Chúng bây muốn đoạt con cháu người ta, đoạt không được rồi tới đây muốn cậy thế của ta mà húng hiếp người ta nữa. Ta nghĩ hồi trước bây có ơn cho ta ở đậu mấy tháng, nên ta không nỡ hại bây. Vậy ta cho mi hai nén bạc đây, mi đem về đưa cho Ðỗ-Cẩm rồi vợ chồng phải dắt nhau đi xứ khác mà làm ăn. Nếu quá kỳ 3 bữa mà vợ chồng mi còn ở trong tỉnh ta nữa, thì ta làm án đày vợ chồng mi chung thân. Ðây nè, lấy bạc mà đi liền đi cho mau.
Thị-Phi đứng dậy vói lấy hai nén bạc rồi xá quan Bố mà ra. Quan Bố kêu một tên lính mà dặn rằng:
- Mi phải đi theo con mẹ đó mà coi nhà nó ở đâu, rồi mi coi chừng nếu trong ba ngày mà vợ chồng nó còn ở đó, không chịu bỏ nhà mà đi thì mi bắt đóng gông hết vợ chồng nó mà bỏ vô ngục cho ta.
Tên lính đi rồi, quan Bố nằm ngay trên ván, gát tay qua trán, cặp mắt lim dim, không biết ngài muốn ngủ, hay là ngài tính việc gì.
Vợ Ðỗ-Cẩm đến quan mà bàn luận việc Thu-Vân như vậy, song ông Lê-văn-Ðó không hay chi hết, ông tưởng Thể-Phụng đã lo lắng xong rồi.
Sáng bữa sau, ông với Thu-Vân ăn cơm vừa rồi, thì có một tên lính đến nhà hỏi rằng:
- Phải nhà nầy là nhà của sáu Thới hôn?
- Phải. Cậu hỏi chi vậy cậu?
- Phải sáu Thới là ông hôn?
- Phải.
- Quan lớn sai tôi đòi ông với cô gái nào tên là Thu-Vân đó đến hầu quan lớn lập tức.
- Thưa cậu, không biết qua lớn nào đòi?
- Quan Bố. Sửa soạn đặng có đi cho mau.
Lê-văn-Ðó nghe nói quan Bố đòi thì chưng-hửng, ông nghĩ Ðỗ-Cẩm nhơn dịp Thể-Phụng đi rồi nó đến cáo mình nên quan Bố mới đòi mình đây.
Ông hối Thu-Vân thay áo đổi quần đặng có đi cho kịp kỳ.
Thu-Vân không biết việc lành dữ thế nào, nên trong lòng hồi-hộp, đi dọc đường cứ than rằng:
- Rủi cậu Thể-Phụng đi khỏi, không biết quan đòi mà có hại gì hôn?
Lê-văn-Ðó thấy nàng sợ ông mới nói rằng:
- Cháu đừng có lo. Chắc là Ðỗ-Cẩm nó cáo ông đây, chớ không phải việc chi khác. Ông cũng trông giáp mặt với quan Bố đặng ông bẩm hết cho quan Bố nghe. Mình là người ngay, có tội tình gì mà sợ?
Ông cháu đi gần tới dinh quan Bố, xảy gặp một người cao lớn, râu đen, mắt lộ, đứng ngó mình trân-trân. Ông vừa ngó thoáng qua thì biết người ấy là Phạm-Kỳ, ngày trước làm xuất đội đồn Cần-Ðước, hiệp với Hải-Yến mà bắt ông một cách rất thảm thiết. Ông sợ người ấy biết ông, nên ông day mặt chỗ khác, làm lơ mà đi.
Tới dinh rồi, Lê-văn-Ðó với Thu-Vân đứng xớ rớ ngoài sân, Thu-Vân thì mặt mày tái xanh, còn Lê-văn-Ðó thì bộ tịch hầm-hừ lắm. Tên lính vô bẩm với quan Bố một chút rồi mới kêu biểu vào. Ông cháu bước vào lạy quan Bố 2 lạy rồi khoanh tay đứng ngay trước mặt ngài, ông thì nhướng mắt ngó ngay, cháu lại sợ nên cúi mặt.
Quan Bố chăm chỉ ngó Thu-Vân rồi ngài chau mày xụ mặt, bộ sắc không vui.
Ngài ngó một hồi lâu rồi ngài hỏi Lê-văn-Ðó rằng:
- Thằng cha già nầy tên gì?
- Bẩm quan lớn, tên sáu Thới.
- Gốc ở đâu?
- Ở Cần-Ðước.
Ngài nghe nói hai tiếng “Cần-Ðước“ thì ngài xụ mặt gãi đầu rồi mới hỏi nữa rằng:
- Mi bà con làm sao với con nhỏ nầy?
- Tôi là chú của con Ánh-Nguyệt.
- Con nhỏ nầy tên gì?
- Từ-thu-Vân.
- Con nhà nghèo mà đặt tên tốt dữ hôn!
- Bẩm quan lớn, tuy nó nghèo mà mẹ nó hồi trước học giỏi; cha nó học cũng giỏi, thi đậu làm quan lớn, nên phải đặt tên nó như vậy, chớ đặt lôi-thôi sao được.
- Thằng cha già nầy lão khẩu dữ bây! Ta biếu lính nó vả rớt răng; ta hỏi đâu thì bẩm đó, đừng có nói nhiều chuyện.
- Bẩm, quan lớn có hỏi tôi mới dám nói chớ.
- Mi nuôi con nhỏ nầy từ hồi nào cho tới bây giờ?
- Bẩm quan lớn, hơn 10 năm nay.
- Sao mi dám bắt trộm con người ta hử?
- Bẩm quan lớn, tôi có bắt trộm con ai đâu!
- Ế! Ðừng có lẻo mép. Vợ chồng tên Ðỗ-Cẩm vào đơn mà cáo rằng cách 10 năm trước mi bắt trộm con nhỏ nầy, là con của chúng nó. Mấy năm nay mi trốn mất, bây giờ chúng nó mới gặp được mi đây. Cái tội mi cướp con người ta đã rõ ràng, mi không còn chối gì nữa được.
Thu-Vân nghe mấy lời thì kinh hãi, liếc ngó Lê-văn-Ðó mà nước mắt tuôn dầm dề. Lê-văn-Ðó tỉnh táo như thường, không có sắc sợ chút nào. Ông mỉm miệng cười và nói khoan thai rằng:
- Bẩm quan lớn, Ðỗ-Cẩm cáo gian. Xin quan lớn cho phép tôi bẩm rõ mọi việc cho quan lớn nghe. Con nhỏ nầy là con của Ánh-Nguyệt là cháu tôi. Hồi trước Ánh-Nguyệt lên Gia-Ðịnh đụng [3] một người chồng. Người ấy ăn ở với nó vừa có thai thì người ấy thi đậu rồi về quê quán trên An-Giang. Nó ở lại bơ-vơ, ít ngày đẻ con Thu-Vân nầy. Nó bị giặc Khôi nên xiêu lạc mấy năm, sau đó nó gặp vợ chồng Ðỗ-Cẩm ở Vũng-Gù, nó gởi con nhỏ cho Ðỗ-Cẩm đặng về Cần-Ðước mà thăm tôi. Rủi nó về tới thì kế nó mang bịnh, phải vào dưỡng đường của ông Thiên-Hộ Chánh-Tâm mà ở. Nó biết nó phải chết, nên nó phú thác con Thu-Vân nầy cho tôi, bởi vậy tôi lên Vũng-Gù chuộc con nhỏ hết một nén bạc rồi đem về mà nuôi từ ấy đến nay.
Thuở nay Lê-văn-Ðó chẳng hề chịu nói gốc tích của cha mẹ Thu-Vân cho nó nghe; hôm nay đến trước mặt quan ông mới chịu khai, Thu-Vân lấy làm lạ nên đứng lóng tai mà nghe.
Quan Bố ngồi chống tay lên trán mà nghe, một lát ngài liếc ngó Thu-Vân một cái chớ ngài không nói chi hết.
Lê-văn-Ðó thấy vậy mới nói tiếp rằng:
- Chồng của con Ánh-Nguyệt bạc bẽo lắm. Hồi nó tắt hơi có chồng nó đứng một bên đó, mà làm lảng không chịu nhìn nó. Bẩm quan lớn, quan lớn biết chồng nó là ai mà! Quan lớn cũng biết con Thu-Vân đây là con của ai chớ. Quan lớn nhìn mặt nó cho kỹ mà coi nó giống ai đó. Nó có phải là con của Ðỗ-Cẩm đâu.
Quan Bố nghe nói tới đó thì ngài trợn con mắt, dựng chơn mày, tay vỗ ghế mà nạt lớn rằng:
- Thằng cha già nầy nhiều chuyện thiệt mà! Ta không cần biết nó là con của ai. Ðỗ-Cẩm nhận là con của nó, mà mi thì khai không phải là con của mi, vậy thì ta xử mi phải giao con nhỏ nầy lại cho Ðỗ-Cẩm, mi không được nuôi nữa. Nếu mi bất tuân thì ta bỏ tù.
Lê-văn-Ðó nói cứng cỏi rằng:
- Bẩm quan lớn, thà là tôi bóp họng con Thu-Vân nó chết trước mặt quan lớn cho quan lớn thấy, rồi quan lớn xử tử tôi đi, chớ biểu tôi giao nó cho vợ chồng Ðỗ-Cẩm, thiệt tôi không thể giao được.
Thu-Vân cúi lạy quan Bố và lại và bẩm rằng:
- Bẩm quan lớn, hồi con còn nhỏ má con gởi con ở với vợ chồng Ðỗ-Cẩm mấy năm, vợ chồng chú đánh chưởi hành hạ thân con đáo để. Con nhờ ông con đây chuộc con đem về mà nuôi, từ ấy đến nay con mới được no ấm. Xin quan lớn thương dùm thân con, đừng có ép con phải theo Ðỗ-Cẩm nữa. Nếu quan lớn xử như vậy, thì con tự vận mà chết liền bây giờ cho mát tấm thân, chớ con không chịu theo chú Ðỗ-Cẩm nữa đâu.
Quan Bố nghe những lời quả quyết của ông cháu Thu-Vân như vậy thì ngài dụ-dự, nên ngồi lặng thinh mà suy nghĩ. Chẳng hiểu ngài tính kế gì, mà ngài trầm ngâm một hồi rồi kêu lính dạy dắt ông cháu Thu-Vân đem giam trong ngục.
Lê-văn-Ðó đi theo lính mà cặp mắt ông đỏ au. Vô trong khám rồi ông ngồi khoanh tay chừ bự.
Thu-Vân ngồi một bên ông mà khóc. Ông trợn mắt nói rằng:
- Khóc giống gì? Ðể coi nó làm sao mà . Thiệt quân đó mặt mày coi giống người mà lòng dạ lại giống thú. Chớ người ta sao lại không biết thương con.
Thu-Vân không hiểu ông nói ai, nên ngước mặt ngó ông, nước mắt còn chàm-ngoàm. Nàng hỏi ông rằng:
- Hồi nãy ông nói quan Bố biết cha tôi là ai, biết tôi là con của ai, tại sao mà ông nói như vậy?
- Quan Bố Từ-hải-Yến đó là cha của con chớ ai.
- Úy! Ông nói chuyện gì nghe kỳ dữ vậy?
- Thiệt chớ. Nó biết cháu là con của nó lắm, mà nó làm lãng nó không chịu nhìn. Thuở nay ông nghe ông sáu Thới nói chuyện nó bạc bẽo mà ông không tin cho lắm, bữa nay ông mới thấy tường tận. Ngày trước nó gặp vợ nó chết, nó không động lòng chút nào, ngày nay nó gặp mặt con nó, nó lại làm lãng, đồ như vậy trời nào mà cho nó hưởng phú quí lâu dài.
- Tại sao mà ông nói quan Bố là cha của cháu, đâu ông nói thiệt cho cháu nghe một chút mà.
Thuở nay Thu-Vân thường hỏi thăm gốc tích của cha mẹ nàng hoài. Lê-văn-Ðó nhờ Ánh-Nguyệt nói chút ít, sau nhờ ông sáu Thới thuật rõ thêm, nên ông biết đủ hết, nhưng vì ông trông mong một ngày kia cha con Thu-Vân sum hiệp với nhau, nên ông cứ dấu hoài, ông không chịu nói.
Hôm nay ông thấy rõ ràng Hải-Yến là người vô lương-tâm, ông không muốn cho Thu-Vân nhìn người cha như vậy mà làm chi, nên ông nhơn dịp nầy ông mới thuật hết đầu đuôi mọi nỗi cho Thu-Vân hiểu. Ông nói tại sao mà Ánh-Nguyệt lên Gia-Ðịnh, tại sao mà gặp Hải-Yến, tại sao Hải-Yến ăn ở với Ánh-Nguyệt có thai rồi lại bỏ đi, tại sao mà Ánh-Nguyệt gởi Thu-Vân cho Ðỗ-Cẩm, tại sao mà Ánh-Nguyệt mang bịnh đến bỏ mình. Ông lại thuật rõ cái cảnh Ánh-Nguyệt thấy mặt Hải-Yến nàng tức giận nên tắt hơi, mà Hải-Yến làm lơ không thương xót chút nào hết.
Thu-Vân nghe rõ đầu đuôi, nàng cảm thương thân mẹ mắc lừa đến nỗi nhuốc nhơ danh tiết, dày-dạn tấm thân, bởi vậy nàng ngồi khóc dầm. Nàng khóc mẹ rồi nàng lại khóc cha. Nàng vùng đứng dậy mà thề rằng:
- Tôi thề trên đời tôi không thèm nhìn người vô tình bạc nghĩa ấy là cha tôi. Lời thề đây, tôi xin Trời Phật ghi chép dùm cho tôi.
Ðến chiếu lính đem cơm vô khám mà phát cho tội nhơn ăn. Thu-Vân không chịu ăn cơm, mà đêm ấy nàng cũng không ngủ, cứ nằm gát tay qua trán nước mắt chảy dầm dề hoài.
Sáng bữa sau, lính mở cửa khám mà kêu sáu Thới với Thu-Vân, biểu đi theo lên hầu quan lớn.
Quan Bố vừa thấy Lê-văn-Ðó với Thu-Vân bước vào thì hỏi lớn rằng:
- Con nhỏ nầy bữa nay mi chịu theo Ðỗ-Cẩm hay chưa? Nếu mi trái lịnh ta thì ta lên án đày luôn mi với lão già nầy.
Thu-Vân bữa nay không còn sợ-sệt như bữa trước nữa, nàng ngó ngay quan Bố mà đáp rằng:
- Quan lớn muốn định tội thế nào con cũng vưng hết, duy có theo Ðỗ-Cẩm thì con không vưng.
- Mi quyết trái hẳn lịnh của ta há?
- Bẩm, con đâu dám.
- Lão già kia, ta nói cho mi biết, ta thấy mi già cả nên ta làm phước dung thứ cho mi, ta không buộc mi về tội cướp giựt con cháu người ta. Tuy vậy ta cấm ngặt không cho mi ở trong tỉnh Ðịnh-Tường nầy nữa. Ta kỳ cho mi trong 2 ngày mi phải đi cho khỏi địa phận của ta. Nếu mi còn trì huỡn, ta bắt được thì ta phải đày liền, chớ ta không dung nữa. Ði đi, dắt con nhỏ nầy đi phứt đi cho mau.
Lê-văn-Ðó với Thu-Vân lui ra rồi ông cháu dắt nhau về nhà. Tuy hai người đều oán quan Bố nên muốn đi phứt cho rồi, song về đến nhà thu-Vân hỏi ông rằng:
- Bây giờ mình đi đâu ông? Mình đi rồi cậu Thể-Phụng qua đây cậu biết mình ở đâu mà kiếm?
Lê-văn-Ðó chau mày đáp rằng:
- Việc Thể-Phụng để sau rồi sẽ tính, bây giờ mình phải lo tránh miệng cọp trước đã chớ.
Thu-Vân suy nghĩ rồi nói rằng:
- Vậy thôi thì mình qua Vũng-Gù chẳng là tiện hơn.
- Cũng được.
Lê-văn-Ðó mướn một chiếc ghe, chở hết tài vật đem xuống ghe, rồi ông cháu bỏ nhà mà đi trong lúc ban đêm, xóm riềng không ai hay hết.
oOo
Từ ngày ông Ðàm-tự-Chấn giận đuổi Vương-thể-Phụng đi rồi, thì ông thương nhớ nên buồn bực, không đi chơi mà cũng không nói chuyện với ai hết.
Ban ngày ông ra sau vườn trồng cây bồi liếp, làm lăng-xăng nên giải khuây được. Thảm thay trong lúc ban đêm, ông nằm tiu-hiu một mình, nghe tiếng gió lao rao, thấy ngọn đèn leo lét, ông động lòng nhớ cháu, nhiều khi ông day mặt vô vách mà khóc thầm. Nếu con gái của ông là nàng Kim-Huê, hay là tôi tớ trong nhà đứa nào làm gan lén đi kiếm Thể-Phụng mà rước về, thì chắc ông mừng, ông không rầy-rà nữa. Ngặt vì ông cấm ngặt trong nhà không cho ai nói tới tên Thể-Phụng, mà bộ ông lại oán hận, đi ra nhăn mặt, đi vào chau mày ai nói tới ông thì ông rầy, bởi vậy ai nấy đều làm lơ, không dám bày biện chi hết.
Ngày qua tháng lại thấm thoát, Thể-Phụng ra đi, nhớ thì không bao lâu, mà kể đã được 3 năm rồi. Một bữa nọ, lúc mặt trời mọc được vài sào, ông Ðàm-tự-Chấn đương lui cui chặt mấy tàu chuối gãy sau vườn, thình-lình thằng Son, là đứa ở với ông, nó chạy ra kêu ông bơ-hơ bài hãi mà nói rằng:
- Ông ơi, cậu Thể-Phụng về ông à.
Ông chưng-hửng day lại, nhíu chơn-mày mà hỏi gạn rằng:
- Mầy nói giống gì mà Thể-Phụng?
- Thưa, cậu Thể-Phụng về.
- Về đâu?
- Về đây chớ về đâu. Cậu ở trong nhà, đương nói chuyện với cô hai ở trỏng.
Ông Ðàm-tự-Chấn nghe rõ rồi, ông quăng cái mác dựa gốc cau, rồi men-men đi vô nhà, tay thì vuốt râu, miệng thì cười ngỏn-ngoẻn. Thể-Phụng thấy ông bước vô, lật đật đứng dậy chấp tay xá ông. Ông cười và nói rằng:
- Tao biết lắm, sớm muộn gì rồi nó cũng về chớ nó đi đâu. Tao nuôi nó nên vai nên vóc, có lẽ nào nó bạc mà đi luôn. Mấy năm nay cháu đi đâu?
Thể-Phụng cúi đầu đáp nhỏ nhỏ rằng:
- Thưa, cháu du học.
Ông lớn tuổi rồi, ông sanh lãng tai, ông nghe không rõ nên hỏi nữa rằng:
- Cháu đi đâu?
- Thưa, cháu du học, đi xứ nầy qua xứ kia, cháu đi cùng hết.
- Hứ hừ! Cháu đi hoang-đàng như vậy cơm gạo ở đâu mà ăn, tiền bạc ở đâu mà làm phí lộ?
- Thưa, cháu làm mướn cháu ăn.
- Bất nhơn dữ hôn! Ði ra có cực khổ như vậy mới sáng con mắt. Cháu còn nghịch với ông nữa thôi, hử?
Ông day lại mà nói với nàng Kim-Huê rằng:
- Con mau mau bắt một con vịt làm thịt đặng dọn cơm cho cháu nó ăn. Mấy năm nay nó đi chắc là thèm khát lắm. Con đi nấu cơm riết đi con. Con biểu nó bắt con vịt cà-cuốn đó nghe, bắt làm thịt rồi phân nửa nấu cháo, còn phân nửa con kho mặn mặn đặng ăn cơm.
Ðàm-kim-Huê thấy cha vui thì nàng mừng nên lật đật đi lo làm vịt nấu cơm. Ông Ðàm-tự-Chấn ngồi ngó Thể-Phụng và vuốt râu cười hoài, ai thấy bộ ông như vậy cũng biết ông không còn giận Thể-Phụng nữa. Thể-Phụng hiểu ý ông, nên chàng cũng mừng. Chàng đi lần lại chỗ giường thờ mẹ mà thăm. Ông ngó theo và nói rằng:
- Cháu đi mấy năm nay, mà trong phòng của cháu đồ đạc ông còn để nguyên, cháu vô đó mà coi.
Thể-Phụng thấy chỗ thờ mẹ thì chàng đã cảm xúc rồi, mà chừng chàng bước vô phòng của chàng ngày trước, chàng thấy chỗ chàng dọn mà thờ cha bây giờ trống rỗng, chàng nhớ chuyện ông rầy-rà đá đạp, thì chàng buồn tủi, nên chàng ứa nước mắt. Chàng đi cùng trong nhà rồi chàng đi dạo ngoài vườn, đi tới đâu cũng thấy vật xưa cảnh cũ rước chào, ngặt vì chàng đương buồn tâm sự, đương bận chữ tình, nên nhìn cảnh vật mà chẳng vui chi hết.
Cơm nấu chín rồi, Kim-Huê hối thằng Son dọn lên trên ván. Ông Tự-Chấn bổn thân ra sau vườn kêu Thể-Phụng vô rồi ông cháu lên ngồi ăn với nhau, Kim-Huê ngồi một bên bới cơm, sớt thịt ép Thể-Phụng ăn.
Ông Tự-Chấn ngồi ăn cơm mà ông thuật việc ở nhà, ông hỏi việc của Thể-Phụng, ông nói lăng-xăng, coi bộ ông vui lắm, chớ không phải ông quạu quọ như lúc trước. Còn Thể-Phụng hễ ông nói tới đâu thì chàng trả lời tới đó, chàng nói vừa đủ mà thôi, chớ không nói nhiều, mà lúc chàng nói coi bộ chàng có ý lo ra.
Ăn cơm rồi, Thể-Phụng đương đứng uống nước, ông Tự-Chấn kêu Kim-Huê mà nói rằng:
- Con coi thằng Thể-Phụng coi có phải nó lớn hơn hồi trước nhiều hay không. Mẹ kiếp nó! Chớ chi năm trước nó đừng có cừ ngạnh, tao cưới vợ cho nó, thì năm nay nó đã có con rồi. Ờ, tao nghe nói con Lý-Trưởng Tiếp ở trên vàm rạch Chanh, chú có một đứa con gái đủ nữ công nữ hạnh, thôi để đi nói mà cưới cho nó.
- Con có thấy con nhỏ đó. Vừa với nó lắm.
- Ờ, nếu vậy để tao lựa ngày nào tốt rồi tao lên nói thử coi. Lý-Trường Tiếp coi bộ lôi thôi, chớ chú có tiền nhiều lắm a con à.
- Chú giàu thiệt chớ.
Thể-Phụng nghe ông nói với dì bàn soạn cưới vợ cho chàng, thì chàng tức cười thầm. Chàng thừa dịp ấy, bèn bước lại gần mà nói với ông rằng:
- Thưa ông, cháu về đây là cũng vì việc hôn nhơn nên cháu mới về.
- Vậy hay sao? Ờ phải chớ. Cháu khôn lớn rồi, phải lo cưới vợ đặng lập gia thất với người ta chớ. Thôi để ông coi ngày rồi ông đi nói con Lý-Trưởng cho.
- Thưa ông …
- Thôi, ông hiểu rồi, đừng có thưa thốt chi nữa. Cháu muốn gấp thì sáng mai ông đi. Ông nói thì chắc được, cháu đừng có lo.
- Thưa ông, cháu …
- Ậy! Ta nói được thì được mà. Muốn cưới vợ thì cũng phải chờ một đôi tháng, chớ muốn liền bây giờ sao được. Phải đi lễ nầy lễ kia rồi mới cưới chớ.
- Thưa ông, xin ông để cho cháu nói ít lời cho ông nghe.
- Nói giống gì?
- Hồi nãy cháu nói vì cuộc hôn nhơn nên cháu trở về đây chẳng phải ý cháu quyết trở về mà xin ông kiếm vợ cho cháu.
- Vậy chớ hôn nhơn là giống gì? Không phải cưới vợ hay sao?
- Thưa phải.
- Ờ, nếu cưới vợ thì ông cưới cho.
- Thưa không.
- Ủa! Sao đã nói “phải” rồi lại nói “không”?
- Thưa ông, số là gần một năm nay cháu ở bên Ðịnh-Tường. Có một ông già nhà nghèo mà ông có một đứa cháu gái tài học đã cao, mà nhan sắc lại đẹp nữa. Cháu thấy nàng ấy cháu phải lòng, nên cháu xin kết tóc trăm năm với nàng. Ông của nàng buộc cháu phải về thưa cho ông với dì hay, đặng ông với dì qua đứng chủ hôn mà cưới người ta mới gả.
- Ối! Ông biết rồi. Cháu lầm to. Ðời nầy họ quỷ quyệt lắm cháu ôi! Họ thấy cháu học giỏi, họ nghe ông giàu lớn, nên họ lấy cái sắc mà câu cháu đa.
- Thưa ông, không phải như vậy đâu. Chỗ đó người ta chơn chất thiệt thà lắm. Cháu cầu người ta, chớ không phải người ta cầu cháu đâu.
- Ậy! Ông khôn hơn cháu mà. Cháu đừng có cãi. Ðể rồi ông cưới con Lý-Trưởng Tiếp cho.
- Thưa ông, bây giờ ông cưới tiên trên trời cháu cũng không chịu. Nếu cháu không cưới được nàng Thu-Vân, thì cháu không thèm ai hết.
- Tên con đó là Thu-Vân hay sao?
- Dạ.
Ông Tự-Chấy day qua ngó Kim-Huê mà nói rằng:
- Rồi rồi! Nó bị người ta bày mưu thiết kế làm cho nó mê rồi. Mấy năm nay tao lo việc đó lắm, mà cũng không khỏi. Khổ chưa!
Ông nói mấy lời rồi ông ngồi khoanh tay mà thở ra. Kim-Huê sợ ông cháu vì sự nầy mà nghịch với nhau nữa, nên nàng ngồi buồn so. Thể-Phụng đã không vui, song chàng muốn cho xong xuôi việc của chàng, nên chàng thưa nhỏ-nhẹ với ông rằng:
- Thưa ông, ông già yếu đi xa-xôi mệt nhọc, vậy ông để dì hai đi thế qua Ðịnh-Tường mà cưới vợ cho cháu cũng được.
- Tao không chịu. Muốn cưới vợ thì để tao lựa chỗ tử-tế có cơm có tiền tao cưới cho, chớ cưới thứ đồ bá vơ bá láp [4] đó mà làm gì.
- Ông chưa thấy mặt người ta, mà nào ông biết người ta là đồ bá vơ bá láp.
- Chưa thấy mà tao biết.
- Nàng ấy xứng đáng lắm, con quan cũng không bì kịp. Ðã vậy mà cháu đã thương lỡ nàng rồi nữa.
- À! Thấy chưa! Tao biết lắm! Rõ ràng là giống kỵ-nữ (gái làng chơi) cưới mà làm gi?
- Thưa ông, xin ông đừng có nói như vậy mà tội nghiệp cho nàng.
- Sao mà tội nghiệp? Thứ con gái mà không đợi lễ cưới, thấy trai thì thương trước, bây giờ nó thương mầy, không biết chừng hồi năm ngoái nó đã có thương thằng nào khác nữa, đồ như vậy là kỵ-nữ, chớ mầy biểu tao phải kêu nó là bà gì!
- Thưa ông, cháu với nàng ấy thương nhau là thương cách quân tử lấy tình cao thượng mà đãi nhau, chớ có phải làm tuồng sớm mận tối đào vậy đâu.
- Nó làm bộ mắc cỡ, nó làm bộ trinh bạch cho cháu mê, chớ thiệt nó là con đĩ đa, cháu mê nó đây cháu phải chết. Cái tên Thu-Vân đó là tên đĩ rõ ràng, chớ người tử-tế ai mà đặt tên như vậy.
Thể-Phụng nghe ông nói tới câu chót, thì chàng đau đớn trong lòng quá, không thế dằn trí kiêng lời nữa được, chàng vùng đứng dậy, tay run môi tái, chàng nói với ông rằng:
- Thiệt ông không thương tôi chút nào hết! Năm trước ông nhục mạ cha tôi là người tôi phải kính trọng hơn hết. Bây giờ ông nhục mạ tới tình-nhơn của tôi là người tôi đương yêu chuộng hơn hết. Ông oán hận tôi quá, chỗ tôi kính trọng, chỗ tôi thương yêu, ông đều nhục mạ hết thảy, dường ấy thì có thế nào tôi gần ông được nữa. Dầu lỗi với mẹ tôi thì tôi chịu, tôi nói thiệt tôi với ông không còn tình gì nữa hết. Tôi kiếu ông với dì tôi đi.
Thể-Phụng nói dứt lời liền ngoe-nguẩy bỏ đi ra mé sông, rồi xuống ghe đi tuốt.
Ông Tự-Chấn ngồi trân-trân, mặt mày buồn hiu. Còn Kim-Huê thì lấy vạt áo mà lau nước mắt, song lau hoài mà nước mắt không ráo.
Thể-Phụng nằm co trong mui ghe, mà miệng thì hối trạo-phu [5] chèo cho mau. Chàng nhớ mấy lời nặng nề chàng nói với ông ngoại hồi nãy thì chàng ăn năn, mà rồi chàng nhớ mấy lời của ông ngoại nhục mạ Thu-Vân hồi nãy thì chàng lại tức giận. Chàng quyết định không thèm kể tới ông hay là dì nào hết, chàng trở qua Ðịnh-Tường tỏ thiệt việc nhà cho Lê-văn-Ðó hay và xin cưới phứt Thu-Vân cho rồi. Chàng tính thầm rằng bây giờ trên đời nầy không ai còn biết thương mình nữa mà mình trọng họ, vậy hễ mình làm lễ cưới rồi, mình dắt vợ qua Nhựt-Tảo mà lạy mồ mả của cha thì đủ lễ.
Ghe tới Ðịnh-Tường phải đi ngang nhà Lê-văn-Ðó trước rồi mới về nhà bà hai Tiền. Thể-Phụng biểu ghe ghé tại cây dừa quằn đặng cho chàng lên, bởi vì chàng ức uất trong lòng, muốn tỏ phứt cho Lê-văn-Ðó nghe coi ông tính lẽ nào rồi sẽ về nhà.
Chàng bước vô sân, thì thấy nhà sập cửa mà trong nhà vắng teo. Chàng kêu hai ba tiếng lớn, mà cũng không nghe trả lời. Chàng lấy làm lạ bèn thò tay dỡ cửa, thì cửa sập bỏ đó, chớ không có gài. Chàng chun vô nhà thì thấy nhà trống trơn, giường ván tuy còn, song mùng mền quần áo không còn vật chi hết. Chàng đứng ngơ-ngẩn một hồi rồi bắt từ trước đi ra sau, chàng thấy nhiều vật đã không còn ở chỗ cũ, mà vật nào còn đó thì lại bỏ nghinh-ngang.
Thể-Phụng thấy cảnh khác thường thì chàng đổ mồ-hôi. Chàng bước ra rồi đi qua nhà ở một bên đó mà hỏi thăm. Có một bà già lụm-cụm nói với chàng rằng:
- Cậu hỏi ông già ở một bên đây phải hôn? Ông dọn đồ đi mất ba bốn bữa rày, còn ở đâu đó mà hỏi.
Thể-Phụng nghe mấy lời thì biến sắc, song chàng gượng mà hỏi nữa rằng:
- Bà biết ổng đi đau hay không?
- Ổng có nói với ai đâu mà biết. Hôm trước ổng dắt cháu ổng đi hết một ngày một đêm, rồi ông cháu trở về. Ðêm sau ổng chở đồ đạc xuống ghe rồi đi tuốt mất, bỏ nhà sùm sụp đó hổm nay, không ai thấy về nữa.
Thể-Phụng chắc lưỡi lắc đầu, trở xuống ghe đi về nhà bà hai Tiền, mà trong bụng đã phát nghi, chẳng phải nghi Lê-văn-Ðó với Thu-Vân có tai họa gì đó nên phải ẩn mặt, ấy là nghi cho ông cháu nàng nọ muốn tránh mình nên gạt mình đi xa, đặng có trốn mà qua xứ khác cho khỏi gặp mình nữa.
Chàng về nhà nằm dàu-dàu, đã thất chí rồi bây giờ lại thêm thất tình nữa, bởi vậy chàng lửng đửng lờ-đờ như kẻ không hồn. Mỗi bữa chàng đi qua chỗ Lê-văn-Ðó ở mà thăm chừng coi ông có trở về hay không. Bữa nào cũng thấy cái nhà sùm sụp bỏ đó, chớ không thấy tăm dạng ai hết. Chàng thăm chừng luôn luôn cho tới 10 bữa, mà ông cháu Thu-Vân cũng không về, chừng ấy chàng mới mòn chí ngã lòng, đã không trông đợi nữa, mà lại còn quả quyết ông cháu Thu-Vân gạt chàng.
Chàng nghĩ con người thiệt là giả dối. Mình đã làm ơn cứu họ khỏi bị giết, rồi mình còn lo lắng cho họ ăn ở yên thân; ví như họ không biết ơn thì thôi, họ lại còn báo hại mình, cháu thì trêu ghẹo làm cho mình ngẩn-ngơ, còn ông thì gạt gẫm làm cho mình đau-đớn. Ðời như vầy mình còn ở chung chạ với thiên-hạ mà làm gì. Mình cũng nên vô trong chốn núi non rừng bụi rồi làm bạn với cỏ cây vui chơi với cầm thú, dường ấy có lẽ mình mới khỏi thấy những tình giả dối, những thói bạc đen.
Người mà thất vọng như Thể-Phụng đây dẫu cho làm quan Bố chánh tưởng cũng không vui, chẳng luận là làm đề lại cho quan Bố chánh. Lúc ấy Thể-Phụng không kể chức đề lại, mà cũng không kể quan Bố chánh, chàng ức uất trong lòng quá, nên từ giã bà hai Tiền mà đi, không tính phải đi đâu, miễn là đi cho khỏi cái cảnh vừa vui đó rồi lại buồn đó, đi cho xa loài người là một giống thú giả dối hung dữ, đi đặng chôn cái tình thương dại, đi đặng trưởng cái chí ghét đời.
Chàng tránh làng tránh xóm, cứ trong rừng trong bụi mà đi, đói thì hái trái cây mà ăn, khát thì tìm nước vũng mà uống. Chàng đi trọn 5 ngày, phần thì đói bụng, phần thì mỏi chưn, nên chàng ngồi dựa gốc cây mà nghỉ. Gió thổi lao-rao lá cây lúc-lắc; trên đầu chim kêu lảnh-lót, bên chơn dế gáy xè-xè. Thể-Phụng ngồi ngắm cảnh một hồi trong lòng khoái hoạt, mà rồi nhớ tới ông ngoại gay gắt, chàng nhớ tới Thu-Vân bạc-bẽo chàng thì chàng cũng còn xót dạ sục sùi.
Tuy Thể-Phụng từ nhỏ chí lớn mặc dầu chàng theo nho học, nhưng mà chàng là con của Vương-thể-Hùng, chàng thọ khí phách của cha nên tánh nết cang cường, tâm chí hùng dũng chớ không phải như nhà nho bạc nhược kia, chúng làm nhục cũng cười, gặp sầu thì tự tử. Thể-Phụng vào trong rừng mà ở rồi mà mối sầu đã không gở được lại còn rối thêm nữa, chàng cùn trí nên sự ghét loài người ấy bây giờ nó lại ghét nhiều hơn, rồi thành ra chàng oán nhơn quần xã-hội không chừa ai hết. Chàng ức-uất vì người trong thân đã không biết thương mình, mà người mình yêu lại cũng gạt mình nữa, mà cái lòng uất-ức ấy chàng không biết tỏ với ai, bởi vậy chàng vùng đứng dậy mà nói lớn một mình rằng:
- Thiên hạ họ không thương mình, vậy mình còn thương ai mà làm chi. Bớ loài người, bây phải biết, kể từ ngày nay tao là kẻ thù nghịch của bây đây. Ðể rồi bây coi tao.
Thể-Phụng nói vừa dứt lời, bỗng thấy có hai người đương vạch lùm bụi mà bước ra, hai người đều bận quần xà lỏn lưng thì không có áo, mỗi người có cầm một cây mác thông, trong tay. Người đi trước trợn mắt ngó Thể-Phụng và hỏi rằng:
- Mầy ở đâu mà dám đến đây? Mầy mới nói giống gì om-sòm [6] hử?
- Tao nói giống gì mặc tao, can cớ gì đến mầy mà mầy tra hỏi?
- Cha chả thằng nầy nó cứng dữ chớ. Trói đầu nó dắt về mà nạp cho Nguyên-Soái. Chắc thằng nầy đi dọ thám chớ gì.
Hai người ấy nhảy lại ôm Thể-Phụng cứng ngắt. Thể-Phụng bị bắt thình-lình trở đương không kịp, mà vùng-vẫy cũng không nổi. Một người thì nắm tay, còn một người thì cắt dây đem trói Thể-Phụng rồi dắt đi. Tuy Thể-Phụng không biết bọn nầy là ai song chàng không sợ chi hết, cứ theo coi chúng nó làm sao.
Ði một hồi đến một khoảng đất trống, thấy có trại lá cất dãy ngang dãy dọc. Hai người hung ác ấy dắt Thể-Phụng vào cái trại giữa rồi xô chàng biểu quì xuống, có một người tuổi chừng lối 50, râu-ria xồm xoàm, cặp mắt chầu quẩu, đầu bịt khăn đen, mình mặc áo quạ, ngồi trên ván, tay chống cái gối dựa, vừa thấy Thể-Phụng thì hỏi rằng:
- Việc gì đó?
Trong 2 người hung ác ấy có một người đáp rằng:
- Bẩm quan Nguyên-Soái, chúng tôi đi tuần, gặp thằng nầy lạ mặt mà nó đi gần trại, nên chúng tôi bắt mà nạp cho quan Nguyên-Soái. Chắc nó đi thám dọ.
Người được tôn là Nguyên-Soái ấy ngó chăm chỉ Thể-Phụng một hồi rồi hỏi rằng:
- Mi tên họ chi, quê quán ở đâu, con của ai, đi đến đây làm gì? Phải bẩm cho thiệt, nếu gian ta chém đầu.
- Tôi tên là Vương-thể-Phụng, con của Vương-thể-Hùng. Gốc tôi ở phủ Tân-An. Tôi buồn đi chơi, rủi lạc đường nên đến đây.
- Thể-Hùng nào? Phải Thể-Hùng là danh tướng của quan lớn Khôi hồi trước hay không?
- Thưa phải, cha tôi hồi trước là Chánh-Vệ-Úy.
Người ấy nghe nói như vậy lật đật bước xuống mở trói cho Thể-Phụng, biểu lính nhắc ghế cho chàng ngồi rồi nói rằng:
- Chú đây hồi trước cũng là bộ hạ Khôi. Chú biết ông thân cháu lắm. Thiệt là một đứng anh hùng hào kiệt. Lúc binh triều hạ thành Gia-Ðịnh, ông thân cháu bị thương rồi mà binh tướng triều hễ xáp lại gần người nào cũng bị đứt đầu. Hồi đó chú nhơn lộn-xộn chú thoát được, không biết ông thân cháu có thoát khỏi hay không.
- Thưa thoát khỏi, cha cháu chạy về ẩn mặt bên Nhựt-Tảo mười mấy năm, mới mất chừng 3 năm nay.
- Vậy hay sao? Chú không dè, chớ phải chú hay thì chú tìm mà rước về ở chung một chỗ đặng lo cử đồ đại sự với chú. Chú đây tên là Ðoàn-Hùng. Từ ngày thất thủ Gia-Ðịnh rồi, chú rút vô rừng qui tụ những người đồng chí mà lập trại nơi đây, không thèm tùng phục ai hết. Bây giờ binh của chú có trên ngàn, lương thực không thiếu gì. Chú đương tính lấy tỉnh Ðịnh-Tường mà làm căn bổn rồi sẽ đi thâu phục các tỉnh khác. Tưởng ai lạ, té ra cháu là con của quan Chánh-Vệ-Úy. Vậy thôi cháu ở đây với chú. Chú cháu mình lo mưu nỗ lực mà làm cho họ biết sức anh-hùng chơi.
Thể-Phụng đương ghét thói đời, đương oán thiên-hạ, nên nghe Ðoàn-Hùng biểu như vậy thì chàng chịu liền. Ðoàn-Hùng mừng rỡ bèn hối quân dọn tiệc mà đãi Thể-Phụng. Trong lúc ăn uống hai người nói chuyện với nhau. Ðoàn-Hùng hay Thể-Phụng học nho giỏi mà không biết nghề võ, nên phong cho chàng làm chức Tham-Tá lãnh quân xuất các dinh trại và lương thảo, còn về chinh chiến thì về Ðoàn-Hùng lo.
Thể-Phụng bày mưu thiết kế phân binh mà đóng các chỗ hiểm địa, bắt mấy làng ở gần phải nạp lương thực, dụ những anh-hùng dũng-sĩ mà làm vây cánh. Thể-Phụng hiệp với Ðoàn-Hùng mà sắp đặt trong ít ngày thì trong xứ Bình-Cách, là chỗ Ðoàn-Hùng đóng trại, chẳng còn ai mà chẳng tòng phục.
Quan Tri-Phủ Tân-An hay tin ấy bèn chạy tờ cho quan Bố Ðịnh-Tường mà xin ngài phải lo liệu bình khấu cho mau, nếu để lâu ngày sợ e chẳng khỏi sanh họa lớn. Quan Bố-Chánh Ðịnh-Tường chuyển bẩm với quan Tổng-Ðốc ở Vĩnh-Long. Quan Tổng-Ðốc nhứt diện thượng sớ cho triều-đình hay, nhứt diện hạ lịnh sai quan Bố-Chánh Hải-Yến với Ðội-Trưởng Phạm-Kỳ ở tỉnh Ðịnh-Tường đem binh dẹp loạn.
Hải-Yến với Phạm-Kỳ được lịnh thì kiểm điểm binh trong tỉnh được gần một ngàn, rồi chọn ngày tốt kéo qua Bình-Cách quyết quét sạch chòm ong, đặng cho lương dân an cư lạc nghiệp.
Chú thích :
[3] lấy
[4] không đứng đắn
[5] ông lái đò
[6] ồn ào