Chương 8
Tác giả: Hồ Biểu Chánh
Mấy ngày sau, Phụng cứ lững đững lờ đờ. Có Trinh ở nhà, Trinh dắt đi chơi, thì Phụng khuây lãng, nói chuyện chút đỉnh. Mà hễ Trinh đi rồi thì Phụng dàu dàu, cứ đóng cửa nằm trong nhà hoài, có bữa nhịn đói không chịu đi mua bánh mì mà ăn.
Một đêm, Phụng đưa Trinh ra xe lửa rồi, chàng trở về nhà, đóng cửa chặt chịa, song không nằm xuôi xị như mấy bữa trước, mà lại cứ đi tới đi lui, bộ hùng dõng quả quyết lắm. Chàng đi cho đến 11 giờ khuya rồi xuống nhà bếp dở hai tấm gạch, moi đất mà móc cái rương sắt chàng chôn hôm nọ đó lên. Chàng xách cái rương đem lên buồng lập thế cạy khóa mở rương ra.
Húy chà! Trong rương sắp đầy giấy bạc! Phụng đổ trút cái rương trên giường. Giấy bạc nằm một đống, toàn giấy một trăm với giấy hai trăm, chớ không có giấy nhỏ.
Phụng châu mày đứng ngó một hồi rồi xách rương không mà đem xuống nhà bếp chôn lại cho tử tế và sắp gạch lên như cũ. Chàng trở lên ngồi đếm bạc thì được 18 ngàn đồng. Chàng suy nghĩ rồi chia ra làm hai phần và lấy nhựt trình gói làm hai gói, mỗi gói 9 ngàn đồng. Mỗi gói chàng lại lấy dây nhợ cột thiệt chặt rồi bỏ hết vô cái rương cây lớn của chàng và tắt đèn đi ngủ.
Qua ngày sau, vừa mới tối một chút, Phụng ôm gói bạc ra ngoài, khóa cửa lại rồi thủng thẳng đi vô phía gare d’Arras.
Tới dãy nhà lá bên tay mặt, chàng thấy đèn đốt leo heo, ngó ngoái lại phía sau lưng chẳng thấy ai đi theo mình, chàng ben bươn-bả đi riết vào căn nhà đầu, là nhà của cô Tâm, mà chàng đã có đến hai lần rồi.
Trước cửa mấy đứa nhỏ vẫn ngồi chơi, trong nhà vẫn có một chong đèn leo-lét, trên cái sập. Khoa cũng nằm trơ-trơ. Phụng ôm gói bạc vô. Hôm nay Khoa nhìn được, nên chống tay ngồi dậy, xá Phụng và nói: “Xin chào thầy. Thầy ghé hoài mà cũng không có chỗ ngồi”.
Phụng ngó trước ngó sau rồi hỏi:
- Cô Tâm có ở nhà hay không?
- Thưa có. Nó ở trong buồng. Tâm a, có thầy lại thăm đây con. Ra chào thầy.
- Tôi có chuyện kín muốn nói với ông và cô Tâm. Xin ông biểu sắp nhỏ đi ra lộ mà chơi đặng tôi nói chuyện một chút.
- Để tôi biểu nó … Tánh a, dắt em đi hết ra ngoài lộ mà chơi đi con. Đi cho xa nghe hôn. Có khách mà bây ở đó trửng giỡn rầy quá.
Sắp nhỏ dắt nhau đi ra lộ. Cô Tâm ở trong buồng ra chấp tay cúi đầu xá Phụng. Cô cũng mặc áo quần lụa trắng như lần trước, chắc cô sửa-soạn đặng đi.
Phụng đứng ngó cô Tâm rồi bước lại cửa đứng ngó ra lộ. Thình-lình chàng trở vô, xâm xâm đi lại đứng trước mặt cô Tâm mà hỏi: “Nghèo đến nỗi phải thí thân làm đĩ, trong đời chẳng có chi hèn-hạ hơn nữa, cô có hiểu như vậy hay không?”
Cô Tâm hơ-hải, một tay vịn cái sập gần chỗ cha ngồi, một tay cầm mu-soa(1) trắng mà chậm nước mắt không trả lời, không cụt cựa.
Phụng đưa gói bạc cho Khoa và nói: “Ông lấy gói bạc đây mua thuốc và làm vốn mua đất hoặc buôn bán mà nuôi gia-đình, đừng cho con làm điều tồi-bại như vậy nữa”.
Khoa run-rẩy đưa tay lãng gói và nói ú ớ: “ mô! … Trời Phật sai thầy cứu cha con tôi mà … mô! Tôi không ngờ được phước như vầy …”
Phụng khoát tay, không cho Khoa nói nữa rồi chàng bước lại đứng khít một bên mà nói nhỏ: “Ông nín mà nghe tôi dặn. Số bạc nầy lớn lắm, ông giấu lâu rồi sẽ đem ra mà dùng, chớ đùng có dùng gấp mà bị hại. Ông phải dè-dặt đừng cho ai biết có tiền nhiều. Ông phải nhớ mấy lời dặn đó. Thôi, để tôi về”.
Phụng muốn đi. Cô Tâm ngồi bẹp xuống đất cúi đầu lạy và nói: “Em không biết lấy chi mà đáp nghĩa cho thầy, vậy em xin thầy nhận cái lạy của em với lời em hứa chắc chắn từ nay em sẽ bỏ đường nhơ nhuốc mà trở lại đường trong sạch. Em xin thầy biết giùm cho em: vì cha bịnh hoạn, vì sắp em của em đói rách, nên em mới thí hình hài, thí danh giá mà cứu gia-đình chớ không phải em muốn làm đĩ”.
Phụng vói tay kéo cô Tâm đứng dậy và nói:
- Thôi, tôi biết rồi, vì tôi biết nên tôi mới cứu. Cô chẳng cần phải nói dài. Cô lo làm ăn mà nuôi cha, nuôi em là đủ.
- Em sẽ làm y như lời thầy dặn.
Phụng xây lưng muốn đi. Cô Tâm níu tay áo mà nói:
- Em biết thầy ở dãy phố phía ngoài đây, ở chung với ông làm kiểm soát cho sở xe lửa. Song thầy tên họ chi em chưa biết được. Xin thầy cho em biết đặng em ghi nhớ tên ân-nhân số một của em.
- Cô biết tên họ tôi không ích gì. Từ rày cô không còn gặp mặt tôi nữa đâu.
- Dầu thầy không muốn cho em gặp mặt nữa, song trọn một đời của em chẳng có giây phút nào mà em quên thầy được. Em thề chắc đến ngày em nhắm mắt mà từ biệt cõi trần, em cũng sẽ thấy hình dạng của thầy một lần chót trong trí của em rồi mới thở hơi cuối cùng.
Phụng châu mày ngó cô Tâm; cô Tâm cũng ngó ngay Phụng. Hai người nhìn nhau trước ngọn đèn lờ mờ, rồi Phụng bỏ đi ra cửa, cô Tâm đứng trơ trơ, hai giọt nước mắt thủng thẳng chảy dọc xuống gò má. Khoa thấy Phụng bước qua cửa thì nói vói: “Cha con tôi sẽ cầu nguyện Trời Phật Thánh Thần phò hộ mạng thầy đời đời bình an sung sướng”.
Phụng không trả lời, xâm xâm ra lộ rồi đi trở về hướng Sài-gòn.
Phụng về đến nhà, mở cửa vặn đèn lên, rồi đi tới đi lui suy nghĩ. Có lẽ nhờ làm được một việc nghĩa trong lòng thơ thới, nên bây giờ sắc mặt chàng bình tĩnh, không buồn bực như mấy bữa trước nữa.
Đi bách bộ trót một giờ đồng hồ rồi chàng đóng cửa, lại bàn viết mà ngồi và lấy giấy ra mà viết. Chàng viết luôn một giọt đến mấy trương giấy, rồi bỏ cây viết ngồi đọc lại, và đọc và chảy nước mắt ướt giấy, phải lấy giấy chậm mà chậm đến hai ba lần.
Gần sáng, đường xe điện Sài-gòn Chợ-lớn đã bắt đầu chạy mà thấy Phụng vẫn còn ngồi ở bàn viết.
Chú thích:
(1-) (tiếng Pháp: mouchoir)=khăn nhỏ