Chương 5
Tác giả: Hồ Biểu Chánh
Trong khoảng mấy năm tiếp sau đó, cuộc vườn của chú Hai Cường lập ra đã biến đổi khác hơn hồi trước nhiều. Chung quanh nhà thì bắp, khoai hay là bầu, mướp, tùy theo mùa cũng vẫn còn trồng hoài. Nhưng vườn chuối thì rộng lớn thêm nhiều. Mấy cây dừa trồng theo mé suối đã lên cao, cây nào cũng có buồng oằn oại trên ngọn. Xoài, mít, trồng mé bên kia cũng đã có trái đều hết. Rẫy thơm đã mở rộng tới mé rừng. Còn trên đồi đã có tới vài chục nọc tieu, nọc nào cũng có trái sai hết. Huê lợi vườn bây giờ nuôi sống cả nhà phủ phê, quần áo lành lẽ, cơm gạo no đủ, tuy mặc vải bô chớ không cần sô tố, ăn cá thịt chớ không thèm cao lương, nhưng đời sống của mẹ con của Lê cũng như của Thiên Hương nhờ chú Cường cần cù, lại thêm nhờ em Diệp tận tụy, nên dầu hẩm hút trong lều tranh ở giữa chốn rừng núi song được khỏe khoắn, an vui hơn nhiều chị em ở gác tía, lầu son, tưng bừng, rực rỡ.
Xuân Sơn và Thu Thủy cũng vẫn khắng khít chơi với nhau hoài, chỗ nào có Thủy thì có Sơn. Sơn, Thủy tranh tươi, mà tình cảnh hiệp hòa, cảnh mặn mòi, tình chan chứa.
Nhưng từ năm trẻ lên 7 tuổi, thì Hai mẹ dỗ mà sửa bề ăn ở lần lần, đi tắm không cho tuột hết quần áo, đêm ngủ không cho chung mền, chung chiếu.
Thiên Hương bắt đầu dạy hai con học chữ. Mỗi buổi trưa phải ngồi tập viết, tập đọc, đến xế mát mới cho nghỉ chơi trong vườn. Chiều ăn cơm rồi, trải chiếu dưới gốc cây rồi gom hai trẻ lại ngồi nghe nói chuyện đời xưa, dạy việc đời nay. Hai mẹ thay phiên với nhau chăm chú lo mở rộng trí thức cho hai con và lo rèn tập cho hai con hiểu lễ giáo. Dầu nói chuyện xưa hay chuyện nay, cũng lựa chuyện mà nói để ung đúc cho hai trẻ có tâm hồn thanh cao trinh khiết, chơn chánh, công bình ở hiền lành, làm nhơn nghĩa. Dạy về luân lý thì chăm nom đào tạo trí ý cho trẻ biết tin mạng trời, yêu cha mẹ, kính trưởng thượng, tuân luật pháp, lo đền ơn đáp nghĩa, cứu kẻ khổ, giúp người nghèo.
Lần lần Hai trẻ khôn lớn, sự hiểu biết được nhiều, mới giảng dạy cao xa hơn, nói tới cuộc tấn hóa của loài người, cách phân phối chưởng tộc, cách tổ chức quốc gia, cách sắp đặt xã hội, lịch đại sử của nước mình, bề sanh hoạt của dân tộc, chỉ non sông từng chỗ, giảng nghề nghiệp từng ngành, diễn giải điều nên hư, cắt nghĩ tục tốt xấu.
Cách gia huấn vừa chơi, vừa dạy, vừa vui, vừa học, không làm rộn trí cực lòng cho hai trẻ mà lại giúp cho Hai trẻ hiểu biết các việc đời gần xa, xưa nay, bởi vậy khi được 13 tuổi rồi Xuân Sơn mạnh mẽ, cứng cỏi, phải tướng con trai, còn Thu Thuỷ yểu điệu, diễm kiều ra mã con gái, thì cả hai đều khôn ngoan, sáng suốt đọc chữ mau, viết chữ tốt, biết phân phải quấy, hiểu cách thấp cao ưa nghèo hèn mà thẳng ngay, chê giàu sang mà gian dối.
Tuy cuộc gia giáo để mở trí thức và luyện tánh tình cũng vẫn tiếp tục iến hành hoài, song từ đây hai mẹ mới phân mà dạy cho Hai con biết cách làm ăn mà nuôi sống.
Cô Lê dạy Thu Thủy cho biết nữ công, để sau lãnh vai nội trợ biết đạo làm vơ, làm mẹ. Cô dạy vá may, tập nấu cơm, kho cá, khuyên xuống suối xách nước đổ vô lu, biểu chặt nhánh khô làm củi để chụm lửa.
Cô Thiên Hường dạy thêm cho Xuân Sơn biết cao xa hơn nữa rồi cậy Hai Cường tập giùm cho Sơn biết dọn đất mà gieo trồng, biết đốn cây trong rừng rồi cùng dì Diệp kéo về phơi cho khô để làm củi, biết đốn chuối chín, đào khoai lang, hái tiêu, hái mít cho dì Diệp với Thu Thủy đem ra chợ mà bán. Học vui mà làm cũng vui, bởi vậy hai trẻ ham học tập mà cũng ham làm việc.
Tuy cần lo dạy học và tập làm, song hai bà mẹ cũng để cho con có giờ nghỉ ngơi đặng vui chơi, phải có vui giải trí thì học và làm mới siêng năng được.
Bây giờ đã lớn rồi, đã biết cháo chan đường ra chợ, đường ra mé biển, lại thường dắt nhau đi khắp cả vùng chung quanh, bởi vậy Sơn với Thủy thông thạo đường mòn nẻo lên chùa, ngã nào vô Giếng Tiên, ngã nào qua Hàm Ninh, ngã nào đi Cửa Cạn, ngã nào lên Chóp Chài. Hễ có giờ nghỉ ngơi thì hai trẻ thường rủ nhau ra mé biển ngồi câu, rồi ngó nước mà nói chuyện, đến gần tối mới chịu về. Sơn tay xách giỏ, vai vác cần câu đi xung xăng, Thủy tay vịn vai bạn mà đi theo, tay đụng tay, mình khít mình, Thủy hát, Sơn cười, cả Hai đều hân hoan, tự toại. Có khi Thủy vấp đá đau chưn đứng lại nhăn mặt nhíu mà thì Sơn vội vã bỏ giỏ, quăng cần câu, quì xuống nắm chưn Thủy mà coi. Như có rướm máu thì Sơn biểu Thủy ngồi xuống, lấy vạt áo chậm máu, rồi hái lá cây bức dây cóc bao bó vết trầy lại và thủng thẳng dìu dắt Thủy về.
Có bữa Hai trẻ dắt nhau vô rừng kiếm trái gùi, trái bứa, hái ăn chơi. Gặp mấy trái thấp thấp dễ leo thì Sơn leo lên cây hái quăng xuống cho Thủy lượm rồi kề vai nhau ngồi dựa gốc cây mà ăn, ngó rừng hoang âm u, nghe cu kêu văng vẳng.
Có bữa đi gặp ổ chim, Sơn muốn leo lên bứt lấy cho Thủy chơi, Thủy lật đật níu lại không cho Sơn leo, nói rằng chim có ổ như mình có nhà. người ta phá sập nhà mình thì mình biết buồn, biết giận, vậy không nên động tới ổ chim vì nó dày công tha cỏ rác mới kết thành cái ổ mà ngủ; nếu mình phá tan thì tội nghiệp cho nó.
Có bữa đi gặp suối nước trong thì dắt nhau xuống đó rửa mặt, rửa tay, rửa chưn, rồi ngồi coi nước chảy, khi nắm tay nhau mà nói, khi nhìn mặt nhau mà cuời, say sưa tình cảnh trót giờ rồi mới chịu vẹt đường mà về.
Gia đình của Hai Cường là trụ cột đứng lập ra đây, sống vui vẻ luôn luôn như vậy với một chuỗi ngày được thêm ba năm nữa, ngày nào cũng là ngày thân yêu, ngày nào cũng là ngày hạnh phúc. Mỗi người đều không biết ghen ghét, cũng không biết tham lam. Mình đã no ấm rồi, đã gặp cảnh hẻo lánh mà tránh thị phi với danh lợi, đã được sống với cảnh thiên nhiên nên an nhàn vui vẻ, thì còn mong điều chi nữa mà tham lam. Mình đã không tính hơn ai mà làm chi, thì có cớ gì đâu mà ghen ghét.
Cô Lê với cô Thiên Hương bị người đời, bị cổ tục, mà chịu tai hại, nhưng ở đây trót 16 năm trời, Hai cô chẳng hề có mở miệng mà phiền người, hay trách đời. Hai cô đều nghĩ nếu mình phiền trách, tức thị hoặc mình nói oan cho thiên hạ, hoặc mình thù oán thiên hạ. Mình có chắc mình làm phải đâu mà không sợ nói oan cho người ta. Mình có chắc người ta ở quấy đâu mà dám thù oán. Chi bằng, gạt ngang mà chấm dứt khoảng đời dĩ vãng, để vui sống với cảnh đời thiên nhiên mà Tạo Hóa cũng cho mình được ấm no, thong thả, mạnh khỏe, tươi cười, vui sướng với cảnh vui trong sạch, không hổ, không lo, vui luôn luôn không dứt, vậy thì mình mang ơn Tạo Hóa đã nhiều lắm rồi, chẳng nên kêu đòi thêm nữa.
Trót mười sáu năm mưa nắng đã đưa chú Hai Cường đến già rồi, dầu chú giỏi chịu phong sương như cây sao, cây dầu đứng lố xố chung quanh chú, mà tuổi đã ngoài sáu mươi rồi làm sao da chú khỏi dùn, răng chú khỏi rụng hết năm bảy cái. Diệp tận tụy quên kể ngày tháng mà hiện nay cũng đã đến tuổi Nhan Hồi rồi.
Cô Lê với cô Thiên Hương mắc vui với cảnh thiên nhiên, vui với hai con sởn sơ mau lớn, hai cô không nhớ tới khoảng đời dĩ vãng mà tuế nguyệt không chịu quên hai cô nên đã đưa hai cô kỏi mức nửa đời người.
Còn Xuân Sơn với Thu Thủy đã được 16 tuổi xuân, còn vài tháng nữa bước qua 17. Sơn đã có vóc trai thanh niên vạm vỡ, chẩm hẩm, nhưng ưa lên dốc xuống gành, hay đốn cây cuốc đất, nên nở vai vế, nở tay chưn, tướng mạo coi không kém trai mười chín đôi mươi, mơi chiều thả rều theo mé đường đông hoặc trong chợ nhóm mà ngó gái chơi cho vui.
Thu Thủy tuy làm việc nhẹ nhàng, đi chơi gặp điều chi nặng nề, khó khắn thì Sơn giành mà gánh vác hết, song Thủy cũng đã trổ mã con gái hoàn toàn, bắt đầu đã biết sượng sùng biết e lệ.
Một bữa đương ngồi ăn cơm sớm mơi, ông Hai Cường nhớ lại sư huynh An Viên đã gần Hai năm rồi sao không thấy sư ghé thăm chơi. Ông nghi sư có bịnh nên rủ Xuân Sơn ăn cơm rồi đi với ông lên núi Chóp Chài mà thăm sư. Xuân Sơn chịu đi. Thu Thủy đòi đi theo cho biết vùng đó. Ông Hai Cường không cho, ông nói đường xa xuôi, lại gay go, phải lên đèo, xuống hố, mệt nhọc, con gái đi không tiện.
Ăn uống no rồi, ông Hai Cường cầm một cái cây làm gậy, còn Xuân Sơn đem hờ theo một cái mác, hai nguời ra đi. Thu Thủy không được đi nên đứng ngó theo, mặt mày buồn hiu.
Cả nhà đều không biết Chóp Chài ở bao xa, tưởng Hai ông cháu đi đến trưa thì về tới. Té ra trưa không thấy về. Diệp thấy Thu Thuỷ buồn nên rủ đi câu. Thu Thủy lắc đầu, không chịu đi, rồi một mình ra vuờn tiêu, thơ thẩn, có ý ngó coi có dạng ông ngoại với Xuân Sơn về hay không.
Thu Thuỷ cứ vởn vơ, lúc đứng nhón chưn mà ngó, lúc ngồi dưới cột mà trông đến xế không thấy về, rồi đến nửa chiều mà cũng chưa có tăm dạng gì hết. Thu Thủy mòn trí, đành trở vô nhà, nằm day mặt vô vách buồn hiu, muốn ứa nước mắt.
Mặt trời đã ngả xuống đầu non, muốn chen lặn. Cô Lê hỏi Thu Thủy như đói bụng thì vô bếp phụ với Diệp dọn cơm ăn trước. Thu Thủy nói chưa đói, để đợi ông ngoại về rồi ăn chung với nhau cho vui.
Cách một lát, Xuân Sơn bước vô nhà vai vác một nhánh bông bùm sùm. Thu Thủy lồm cồm ngồi dậy vui cười hớn hở.
Sơn đi ngay lại đưa nhánh bông cho Thủy vừa cười vừa nói: „Hồi bận đi, qua thấy dưới chưn núi có một cây trổ bông đầy hết mấy nhánh coi đẹp quá, lên tới am hỏi sư cụ cây gì vậy. Sư cụ nói tháng nầy cây bằng lăng trổ bông. Bận về qua xin ngoại đứng chờ, qua vô đốn một nhánh đem về cho em xem.”
Sơn vạch lưng móc ra hai trái gùi cũng đưa cho Thủy mà nói: „Gặp Hai trái gùi chín, qua cũng hái đem về cho em đây”.
Thủy cầm gùi kề vô mũi mà hửi, không nói cám ơn, duy ngó Sơn mà cười, cặp mắt chứa chan tình, miệng cười dẫy đầy nghĩa, biểu lộ tình nghĩa như vậy còn hơn một trăm lời cám ơn.
Ông Hai Cường dựng cây gậy ngoài hè rồi mới vô sau, tay có xách một ổ ong. Cô Lê với Thiên Hương chưa từng thấy ổ ong nên hỏi chú xách cái gì vậy. ông Hai Cường nói: „Hồi xế ở trên am về, chú thấy ổ ong đóng trên cây chú chỉ cho Sơn coi. Nó hỏi trong đó có vật gì. Chú nói ong đóng ổ mà ở, mỗi ngày bay đi kiếm bông hút mật đem về đó mà chứa, người ta nói mật ong ngon lắm nên nó quyết lấy ổ đem về nặn mật ra cho hai má nó với Thu Thủy ăn cho biết. Chú phải trở lên am xin lửa xuống rồi bó lá cây khô làm đuốc quơ cho ong bay đi hết mới lấy ổ của nó được. Sơn nóng lấy quá, leo lên gấp, bị ong đút một vít ở cánh tay”.
Thu Thủy nghe nói Sơn bị ong đút thì vội vã để nhánh bông với hai trái gùi trên ván, nắm tay Sơn mà hỏi bị ong đút chỗ nào. Sơn quăng cái mác dưới sân, vén tay áo đưa vít ong đút còn đỏ lòm cho Thủy coi.
Thủy cầm cánh tay Sơn mà coi rồi hỏi nhức hay không. Sơn nói hồi nó đút thì đau, nhưng một lát rồi bớt lần lần, bây giờ còn tăn tăn vậy thôi. Thủy hỏi Hai má, coi phải lấy thuốc gì mà thoa. Thiên Hương nói nhà không ăn trầu nên không có vôi, để sáng Diệp có đi chợ sẽ biểu nó mua một chút vôi đem về thoa đỡ. Bây giờ gần tối rồi nếu đi thì về không kịp.
Cô Lê nói lấy dầu lửa thoa đỡ được. Thu Thủy lật đật lấy chong đèn đem lại rồi thò tay vô họng đèn chấm dầu mà thoa cho Sơn.
Ông Hai Cường đem ổ ong treo trong bếp, nói để sáng bữa sau ông sẽ nặn mà lấy mật, lấy sáp.
Diệp dọn cơm, Xuân Sơn lấy nhánh bông bằng lăng đem cắm trong vách chỗ Thu Thủy ngủ rồi cả nhà ráp lại ăn cơm.
Cô Lê hỏi chú chớ thăm sư huynh mạnh giỏi thế nào, nói chuyện gì mà ở chiều tối mới về, làm Thu Thủy lo sợ, nằm ngồi không yên.
Ông Hai Cường vui vẻ nói: „Sư huynh An Viên mạnh chớ không đâu ốm gì. Tại không có việc đặng xuống phía nầy nên sư không có ghé. Sư thấy ông cháu lên, sư mừng dữ. Sư nói Sơn mau lớn quá. Sư cứ cầm ở nói chuyện chơi. Sư giảng việc đời cho Sơn nghe, nói hạnh phúc thiên nhiên của Tạo Hóa sắp đặt thì quí hơn các hạnh phúc khác hết bởi vì hưởng thứ hạnh phúc đó khỏi cúi lòn, khỏi lo sợ, khỏi giựt giành, nên khỏi bị ganh ghét, thù oán. Sư nói hoài đến xế mới rức mà về được, rồi Sơn muốn đốn lấy ổ ong và còn đốn nhánh bông nữa nên mới về tối”.
Ăn cơm tối rồi, trăng mọc lên khỏi ngọn cây, nên giọi xuống sân nhà sáng lòa. Cô Thiên Hường ôm chiếu ra trải dưới gốc cây, chỗ ông Hai Cường dọn sẵn để ban đêm ngồi thưởng thức cảnh trời trong gió mát, rồi cùng với cô Lê và ông chú ra ngồi đó đặng nghe ông chú thuật lại cho rõ ràng những lời sư An Viên giảng dạy ngày xưa.
Xuân Sơn với Thu Thủy cũng ra đó chơi, nhưng Hai trẻ ngồi trên viên đá cách xa một chút.
Trăng tỏ rạng, gió hây hây, quang cảnh im lìm, tiếng chim giéo giắt.
Ông Hai Cường đương ngồi thuật chuyện thì Thu Thủy nắm cánh tay Xuân Sơn hỏi thoa dầu rồi vít ong đút có bớt đau hay không.
Xuân Sơn nói:
- Bớt. Ong đút chết chóc gì mà lo!
- Anh đi lâu về, ở nhà em sợ quá.
- Qua đi với ngoại, lại qua có cầm theo cái mác mà sợ gì?
- Đi đường rừng núi, biết chừng đâu. Hồi xế em lên đồi đứng ngó chừng hoài, em tiếc em không đi với anh; đến nửa chiều mà cũng không thấy về, em buồn quá nên em vô nhà em nằm khóc ngay.
- Em nhớ qua dữ vậy hay sao?
- Từ nhỏ đến giờ anh đi đâu cũng có đủ anh em. Nay anh bỏ em mà đi một mình, không nhớ sao được. Từ rày sắp lên, anh đừng có đi đâu mà bỏ em ở nhà như vậy nữa nghe hôn. Em buồn em chết được chớ không phải chơi đâu, lại anh đừng có lấy ổ ong, cũng đừng có leo lên cây mà hái trái hoặc bẻ bông cho em như vậy nữa, rủi ong túa ra vây đút anh, hoặc rủi anh té cây mà chết, rồi em làm sao, em sống mà không có anh thì sống sao được.
- Thiệt qua đi mà qua cũng cứ nhớ em ở nhà hoài. Tướng em đi, mắt em ngó, lời em nói tiếng em cười, cứ vởn vơ trong trí, văng vẳng bên tai qua hoài. Tại qua nhớ nên mới hái trái gùi, gỡ ổ ong, chặt nhành bông đem về cho em. Về gần tới nhà, qua khoăn khoái chịu không được, nên qua bỏ ngoại, qua chạy riết về trước đặng thấy mặt em cho mau.
Thu Thủy vội nắm bàn tay Xuân Sơn kéo để trên bắp vế rồi ngó trăng mà khóc, chớ không nói gì nữa hết. Xuân Sơn lấy vạt áo lau nước mắt cho em, cũng không nói nữa. Thu Thủy vùng buông tay anh mà đứng dậy đi lại ngồi vịn vai mẹ mà nghe ông ngoại nói chuyện. Xuân Sơn không đi theo, cứ ngồi trên viên đá, nhìn mặt trăng tỏ rạng, nhìn ngọn cây lung lay, lòng bàng hoàng, trí lơ lửng.
Sống giữa cảnh thiên nhiên, hai bà mẹ cũng để cho hai trẻ từ nhỏ phát sanh tình tứ thiên nhiên cho cảnh tình thích hạp. Nghĩ vì hai mẹ chung cho hai con bú như nhau, chung đút cơm, chung tập đi, chung dạy nói, đã chung nuôi dạy cho thành anh em, dầu sao lớn khôn có thành chồng vợ cũng không hại, thế thì có chi àm phải dè dặt, phải ngó chừng.
Mà hai trẻ, từ khi lọt lòng cho tới chừng nầy, cũng sống với thú thiên nhiên, không biết lo lắng, không biết giận hờn, không biết kiêu đời, không biết làm quấy, chỉ biết yêu nhau, yêu hai mẹ, yêu ông ngoại, yêu dì Diệp. Tình thương yêu với lòng thanh bạch vô tội lỗi, vô tư lự đó, mỗi ngày gây thêm cho hai trẻ một tâm hồn tươi tốt, hiền lành. Tâm hồn ấy phát hiện rõ ràng trên nét mặt ôn hòa, trong thái độ chơn chánh, trong cử động thành thiệt. Cảnh đời của hai trẻ lúc nầy mới mở ra thì tươi cười xán lạn nhưng cũng đẹp. Mới xa cách nhau không tới một ngày mà hai trẻ thương nhớ nhau nên to nhỏ phân trần tình tứ với nhau như vậy, thì đủ biết không thể nào chia lìa nhau cho đành. Vì tâm hồn còn thơ ngây thanh bạch, bởi vậy hai trẻ không dè, không hiểu lửa thân yêu tha thếit lâu nay nó ấm áp ngấm ngầm trong lòng, nó ngún hoài mỗi năm nóng thâm một chút. Bây giờ nó muốn phừng dậy mà cháy lên đặng thành ngọn lửa ái tình nhục dục, biến chuyển tình anh em ra tình vợ chồng. Có lẽ cả hai đều giựt mình, không biết có tội lỗi gì hay không, nên vội vã dang ra rồi lơ lửng, thẹn thùa, thẹn với lương tâm, thẹn với nhau, thẹn với mẹ, thẹn với suối, với rừng, với núi, với biển.
Kể từ đêm đó, Xuân Sơn cũng như Thu Thủy cả Hai đều giựt mình nên đổi thái độ khác hơn xưa. Thuở nay Hai trẻ thường dính một bên nhau, cười nói tối ngày, chỗ nào có Sơn thì có Thủy, bây giờ cả Hai đều bình tĩnh, ít nói biếng cười. Ở trong nhà có hai mẹ thì còn ngó nhau, còn nói chuệyn với nhau chút đỉnh. Mà ý hai trẻ dường như tránh nhau, không muốn gặp nhau ở chỗ thanh vắng.
Tối ngày Sơn cứ xẩn bẩn ngoài vườn, kiếm công việc mà làm, khi cuốc đất gieo trồng, khi đi kiếm trái cây mà hái. Bữa nào không có công việc làm thì Sơn vác cần câu ra mé biển ngồi câu, đi không rủ Thu Thủy, mà Thủy cũng không đòi đi theo như hồi trước. Sơn câu tới gần tối mới chịu về.
Còn Thu Thủy tối ngày, hoặc ngồi tại cửa mà ngó mông, mặt buồn hiu, hoặc nằm trên ván day mặt vô vách im lìm, như ngủ. Vẻ hân hoan đâu mất, không còn lộ trên gương mặt hiền từ nữa. Nụ cười duyên cũng tiêu tan, không còn thấy trên môi đỏ hữu tình nữa. Có bữa Thủy dã dượi như có bịnh, nên bể nghể. Có khi thấy Sơn ngồi khoanh tay ngơ ngẩn dưới gốc ngập ngừng, xây lưng trở lại, dường như có cái gì ngăn cản không cho lại gần Sơn, hay là Sơn giận, nên không dám bước tới nữa.
Cô Lê với Thiên Hương là nạn nhơn của ái tình, hai cô đều có kinh nghiệm về tâm bịnh. Một bữa ông Hai Cường với Xuân Sơn đi qua mé bên kia suối mà săn sóc rẫy thơm, còn cô Lê đi đốn chuối với Diệp; cô Thiên Hương thấy Thu Thủy nằm lim dim trên ván, cô kéo gối nằm một bên con, rồi êm ái nói: „Nầy con, hổm nay má thấy con buồn, má hiểu con buồn về việc gì. Má nói cho con nghe, con gnười ở đời phải chịu cực mới có mà ăn, tự nhiên phải có buồn rồi sau mới có vui được. Con còn nhỏ quá, chưa tới thời kỳ được vui. Con bỏ dẹp nỗi lòng trạo trực mà chờ ít năm nữa khôn lớn rồi con sẽ vui không muộn gì đâu. Cái vui vẫn còn chờ con đó, nó có mất đâu mà con vội”.
Thu Thủy xúc động, nên day lại ôm mẹ, úp mặt vào ngực mẹ, nước mắt tuôn dầm dề.
Cô Thiên Hương nói tiếp: „Ừ, khóc đi, khóc đặng nước mắt rửa hết cái buồn của con. Con muốn được vui, con đừng thèm buồn. Con cứ vái Trời cho con mạnh khỏe và khôn lớn cho mau. Chừng đó Trời sẽ cho con vui. Chắc như vậy. Ý Trời muốn thử bụng con, nên hổm nay khiến con buồn đặng coi thể nào rồi sau sẽ cho con vui, chớ không có gì đâu mà sợ”.
Thu Thủy nghe tiếng cô Lê nói chuyện ngoài sân thì buông mẹ ngồi dậy đi rửa mặt rồi ra coi mấy quày chuối Diệp đốn xách vô đặng sáng bữa sau đem ra ngoài chợ bán.
Bữa sau Thu Thủy phụ Diệp đem chuối, mít, thơm, tiêu ra chợ bán lấy tiền để mua gạo, thịt và mắm khô đem về dùng. Xuân Sơn theo ông ngoại vô rừng chặt củi.
Cô Lê mới phân trần với cô Thiên Hương:
- Sắp nhỏ đã trộng rồi, Trời khiến hai đứa nó muốn sanh sự hay sao, nên hổm nay em thấy tánh ý đổi khác chớ không phải như hồi trước.
- Chị đã thấy rồi.
- Vậy phải tính làm sao, chớ thiên ý xúi giục, lửa tình cháy phừng, chị em mình khó mà ngăn đón được. Mình phải lo liệu trước.
- Hai đứa còn nhỏ quá, chưa tới 17 tuổi. Nên để cho 19, 20 tuổi rồi sẽ cho phối hiệp, chớ cho sớm quá sợ sanh con non rất khó nuôi.
- Thằng Sơn thì tề chỉnh nên ít lo, ngặt con thủy sao nó dàu dàu, bộ nó buồn bực quá, em sợ nó sanh bịnh.
- Chị em mình phải chăm nom an ủi cả hai đứa. Mình không phải cấm cản không chịu cho chúng nó phối hiệp vợ chồng, mình chỉ khuyên chúng nó chậm chạp đợi một vài năm nữa khôn lớn rồi sẽ hay. Còn đó, lại ở chung trong nhà, mất mát gì mà sợ. Hôm qua chị có nói xa gần mà dỗ Thu Thủy, coi bộ nó đã bớt buồn rồi. Em dọ ý Xuân Sơn thử coi, nếu nó đồng tình với Thu Thủy muốn nhập cục gấp thì em khuyên dỗ nó phải chậm chậm chờ Thu Thuỷ lớn đã. Em cắt nghĩa cho nó hiểu, mười mấy năm nay chị em mình sống được và nuôi hai đứa nó no ấm, là nhờ sức ông chú với em Diệp. Nay ông chú tuổi đã quá lục tuần rồi, sức khỏe ông giảm, lại phong vân mạt trắc, không biết chú còn bảo bọc gia đình được bao lâu nữa. Còn em Diệp đã trên ba mươi tuổi, nếu chỗ nào xứng đáng muốn cưới nó thì mình phải để nó thong thả lấy chồng làm ăn với người ta, chớ không lẽ mình ép nó phải làm tôi mọi cho mình tới già, tới chết. Tiền bạc của chị em mình để dành hộ thân, mỗi năm mòn một chút, mười mấy năm nay tiêu đã gần hết rồi. Vậy hy vọng về đời sống tương lai của chị em với hai đứa nhỏ mình chỉ đặt hết vào sức Xuân Sơn thay thế cho ông chú mà nuôi cả nhà, chớ chị em mình với Thu Thủy yếu đuối quá có làm việc gì được. Nếu cho Hai đứa phối hiệp sớm, Xuân Sơn chưa đủ sức làm công việc cực khổ nặng nề, mà Thu Thủy sanh con rồi chất thêm gánh nặng trên vai Xuân Sơn nữa, nó gánh làm sao cho nổi, vợ chồng nó khổ cực, chị em mình vui sao được. Em rán cắt nghĩa cho Xuân Sơn hiểu. Chị cũng tiếp với em mà khuyên dỗ nó nữa.
- Chị nói phải lắm. để em nói cho nó hiểu. Dầu sống trong cảnh thiên nhiên cũng phải nhớ việc thực tế, phải có gạo mà ăn mỗi bữa, chớ uống nước suối, ăn lá cây mà sống được hay sao?
Chị em bàn luận tới đó kế Xuân Sơn với ông Hai vác củi về nên phải chấm dứt câu chuyện. Hai mẹ khéo khuyên con, mà cũng nhờ hai con thương mẹ, biết nghe lời phải nên trong vài bữa thì Xuân Sơn với Thu Thủy hết buồn, nói chuyện với nhau lại như thường, nhưng có ý sụt sè, dè dặt không dám to nhỏ âu yếm theo hồi trước nữa.