Hoài Việt Hoài
I . THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP
Tác giả: Hoài Việt Hoài
"Tên con là Hinh, theo chữ Hán, trong đó có chữ Thanh có nghĩa là" tiếng", và chữ Hương là "hương thơm"; cha mong con sẽ để lại tiếng thơm ở đời". Đó là lời người cha của cô bé Nguyễn Thị Hinh, cô bé mà sau này được Văn Học Việt Nam biết đến với danh hiệu Bà Huyện Thanh Quan. Và với tài năng cũng như đức hạnh, cô đã không phụ lòng mong ước của cha già. Bà Huyện Thanh Quan là một thi tài lỗi lạc của Việt Nam vào đầu thế kỷ XIX, thơ của bà để lại không nhiều, nhưng đã in đậm dấu ấn trong văn học sử, và tạo lòng ngưỡng mộ vô bờ nơi những khách yêu thơ.
Cho tới nay, người ta không rõ năm sinh và năm mất của bà. Chỉ biết cha của bà là học trò của cụ Phạm Quý Thích, cụ là một tiến sĩ đời nhà Lê và là bạn thân của thi hào Nguyễn Du. Quê hương bà là làng Nghi Tàm, ở ven Hồ Tây (Hà Nội). Nơi này vào thế kỷ XII có công chúa Từ Hoa, con vua Thần Tông nhà Lý, người đầy lòng nhân ái; đã từ bỏ cung vua để lập trại dạy cung nữ trồng dâu nuôi tằm, hoà mình với đời sống của dân; sau lại đem tất cả những gì mình có để làm công quả, xây nên chùa Sen Vàng (Kim Liên). Đây cũng là nơi mà sau này có nhiều dấu ấn của Vua Lê Chúa Trịnh: Chúa Trịnh Giang mở bến tắm, chúa Trịnh Sâm mở các hành cung. Gần đó là xóm Bảo Khánh, chỗ bà chúa Liễu Hạnh dong thuyền ngâm thơ cùng với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, "trăng tròn soi một bóng tiên thôi", nơi đẹp đến nỗi "đất trời lộn sắc": chả biết đâu là nước, đâu là mây. Phải hiểu địa danh và lịch sử của Nghi Tàm mới có thể cảm được thi tài và tâm hồn nhạy cảm, đầy nhân ái của Bà Huyện Thanh Quan, Nữ sĩ của đất "ngàn năm văn vật" .
Được gọi là Bà Huyện Thanh Quan, vì cô Hinh lấy chồng người làng Nguyệt Áng, tên gọi Lưu Ôn (1) , đậu cử nhân đời Vua Minh Mạng. Lúc đầu ông được bổ làm tri huyện Thanh Quan (tỉnh Thái Bình), rồi vì can án nên bị cách chức, sau lại được làm Bát Phẩm Thị Lại Bộ Hình, sau cùng được thăng lên chức Viên Ngoại Lang. Phần bà, nhờ nổi tiếng là "hay chữ", nên được vua Minh Mạng vời vào cung và phong cho chức Cung trung giáo tập, để dạy các cung nữ học. Trong những năm đầu triều vua Tự Đức, bà đã gián tiếp xin vua miễn cho làng Nghi Tàm khỏi lệ tiến cống chim sâm cầm; điều đó nói lên sự quan tâm nhân ái đối với dân làng, và hình bóng đất Bắc hà luôn in đậm trong tâm hồn người Nữ sĩ tài hoa.
Thơ của bà để lại được chính thức công nhận là 6 bài; đó là: Qua đèo Ngang, Chùa Trấn Bắc, Thăng Long hoài cổ, Cảnh chiều hôm, Chiều hôm nhớ nhà, Cảnh thu (2). Chúng đều là những bài thơ tả cảnh, đẹp như những bức tranh thủy mặc chấm phá; nhưng không chỉ có vậy, đây lại là những bài thơ mượn cảnh để gửi gắm tâm tình. Nhưng trước khi nói đến tâm sự của bà, chúng ta cùng phân tích vẻ đẹp nơi những bài thơ của Nữ sĩ.