Chương 2
Tác giả: Hoàng Ngọc Tuấn
Căn phòng làm việc của chị Lục cũng là văn phòng truớc kia của lão Hiệu truởng cũ. Ít có gì khác lạ, một tấm bản đồ Việt Nam treo trên tuờng và quả địa cầu xoay đặt trên bàn, chỉ thêm vài vỏ ốc láng bong làm đồ chặn giấy, chắc là của học trò biết chị.
Toàn ngồi xuốing ghế, lặng lẽ nhìn chị Lục và chị thì cắn môi để khỏi nói lên lời cảm động run rẩy gì đó. Chị vẫn dịu dàng như thuở nào, mắt rơm rớm long lanh. Một lúc sau chị mới bình tĩnh hỏi chuyện Toàn. Anh nói từng tiếng ngắn:
- Cái chân…
- Sao?
- Bị trúng đạn… Tôi què rồi. Giải ngũ.
Chị Lục nắm chặt lấy tay Toàn
- Trời ơi… trời ơi…
và tòan thấy bàn tay anh lạnh uớt nuớc mắt.
- Thôi… Toàn không chết là may rồi. Tòan đuợc về là may rồi. Ở mãi đây nghe.
Anh mỉm cuời:
- Tôi biết làm gì ở đây? Không lẽ ăn bám vào chị.
- Đừng nói thế. Toàn dạy học lại như lúc truớc, tôi thu xếp cho Toàn một chỗ… và mọi chuyện như cũ, có gì thay đổi đâu.
- Cái chân.
- Toàn!
- Truờng Lăng Cô sẽ có một ông giáo què làm trò hài huớc cho học sinh. Chị muốn tôi làm huấn luyện viên thể dục không? Nhảy cao nhảy dài, chạy đua biểu diễn cho học trò xem… với một cái chân cà thọt.
Chị Lục im lặng cho Toàn nói lải nhải một hồi những lời cay đắng. Rồi chị đứng dậy, vẫn nghiêm trang và thân mật tự nhiên như lúc truớc, chị dìu vai Toàn đi vào phòng trong. Cách văn phòng chỉ với một tấm màn vải, phòng riêng của chị Lục sạch sẽ ngăn nắp nhưng cũng có đôi chút bừa bộn của một nguời đàn bà độc thân. Thau còn ngâm đồ giặt sủi bọt xà phòng trắng, vài chiếc áo cánh treo trên dây thép gai, bếp lửa gần với chân giuờng ngủ. Toàn còn nhớ truờng này có hai phòng học bỏ trống, đuợc chia ra cho vài ông và các cô giáo viên ở. Chị Lục hồi truớc cũng ở chung với một hai cô, nhưng bây giờ chị làm hiệu truởng nên lên ở đây một mình. Chị Lục nói:
- Toàn hãy nằm nghỉ một lát. Chờ đây rồi tôi đi chặt cho Toàn một trái dừa. Còn thích uống nuớc dừa không?
Toàn mỉm cuời, cảm giác yên lành ngập tràn nguời anh. Anh nhắm mắt lại, và ngủ mệt. Tiếng chị Lục êm ấm bên tai: Ngủ một lát đi cho khỏe… mọi thứ rồi sẽ như cũ.
Anh thiếp đuợc một chút rồi đầu óc tỉnh lại, nhưng vẫn còn váng vất, lao xao. Như cũ… truớc kia chị Lục và anh là đồng nghiệp thân nhất với nhau, dầu chị lớn hơn anh vài tuổi. Chị dạy và coi sóc lớp Nhất, anh lo về lớp Nhì. Tụi học trò của anh nhỏ con hơn nên mỗi khi có trận bóng đá giao hữu giữa hai lớp, lớp của anh thuờng bị thua hoài mặc dù anh cố tình ăn gian đôi chút khi đuợc làm trọng tài. Anh bật cuời. Có lần bóng trúng ngực một thằng lớp nhất trong vòng cấm địa, anh bảo là trúng tay và phạt “pê-nan-ti”. Cầu thủ nhao nhao phản đối và kêu cứu, chị Lục từ ngoài sân chạy vào gây gỗ cãi cọ với anh, nhưng anh đã nóng mặt nhất định vẫn phạt đền để lớp anh có dịp gỡ huề. Nhưng rồi cái thằng nhóc chó chết, “vua phá luới” sáng chói nhất của lớp nhì, run run hồi hộp quá nên đá mạnh bóng bay lệch sang một bên rơi tuốt xuống biển. Rồi còn gì nữa... Anh bị gọi đi lính. Giã từ phấn trắng bảng đen, giã từ đám học trò quê kệch vẫn thuờng cùng thấy giáo bơi thi vui nhộn ngoài biển, giã từ chị Lục… những mùa hè êm đềm rạng rỡ ánh nắng.
Và anh đã trở về, như thế này đây, không phải hòan toàn vì mái truờng cũ và chị Lục, nhưng không còn một nơi nào để trở về nữa.
… Giờ khắc thong thả trong căn phòng tĩnh mịch. Anh mơ màng ngủ lại. Trong giấc mơ mệt nhọc của buổi trưa anh thấy mình vừa chạy vừ thở hào hển trên bãi biển, đuổi theo chị Lục. Chị ở truớc mặt anh một quãng ngắn nhưng anh không tài nào bắt kịp, cái chân què của anh như níu kéo lại, cuống quýt bối rối trong lòng cát. Anh đau đớn tuyệt vọng nhìn thấy khuôn mặt của chị Lục quay lại, đôi mắt nhìn anh chế giễu, bọn học trò chung quanh vỗ tay cuời cợt ầm ĩ… Rồi anh ngã xuống úp mặt uớt mồ hôi vùi trên cát nóng, mắt anh mờ đi, chao động, mơ hồ, hình anh chị Lục chốc lát bay xa như cánh chim trắng đi vào cõi vô cùng… Anh sợ hãi hét lên…
- Toàn!
Anh giật mình tỉnh dậy, Chị Lục đang ngồi xuống bên cạnh anh, tay chị đặt trên vầng trán tuơm đầy mồ hôi của anh. Chị ân cần dìu anh ngồi dậy, đưa cho anh một ly nuớc dừa, đá lạnh bốc hơi lấm tấm ngoài lớp thủy tinh. Anh uống ừng ực một hơi ngon lành, mát mẻ sảng khoái làm anh dịu lại đôi chút. Anh nhìn ra khung cửa sổ, một vài ngụm mây trắng trên nền trời chiều, màu xám buồn rầu nhưng êm ả, anh ngẩng đầu dậy:
- Chiều rồi. Sao chị không dạy học?
- Thứ bảy, Toàn không nhớ gì đến ngày tháng nữa à.
Anh ngồi dậy. Anh định đi một vòng quanh bờ biển nhưng lại thôi. Ahh lục lạo một xấp bài tập của học sinh, đọc bâng quơ.
- Toàn có thích đọc truyện kiếm hiệp không? Ở Lăng Cô thì chỉ biết thuê mấy thứ vớ vẩn đó đọc cho đỡ buồn.
Anh lắc đầu. ANh tìm thấy duới gầm bàn của chị Lục cuốn sách Truyện cổ Nuớc Nam, giấy vàng xỉn, trên bìa rách mềm tả tơi có dán tấm nhãn đề chữ: Sách đọc thêm cho học sinh… thư viện truờng tiểu học Lăng Cô và một con dấu đỏ lờ mờ. Anh nói với chị Lục:
- Thôi đọc cái này vui lắm.
Chị Lục cũng bật cuời. Chị nói:
- Tôi làm cơm chiều đây. Lát nữa Toàn tha hồ ăn bữa cơm nhà quê xứ biển. Học trò mới đem lại cho mấy con cá ngừ tuơi lắm…
Chị mở cánh cửa
- Có lẽ phải chạy đi mua mấy chục bánh tráng.
Khi chị Lục đi ra khỏi phòng, Toàn lật những trang sách nhưng không đọc đuợc gì hết. Anh liếc cái mục lục một loáng rồi đặt cuốn sách vào chỗ cũ. Căn phòng đã tối nên anh đứng dậy, thắp ngọn lửa đèn măng sông. Anh đã quen với thứ đèn này một thời nên anh khêu sáng ánh đèn dễ dàng. Màu vàng lung linh, đáng lẽ phải làm căn phòng nóng bức, nhưng nhờ những ngọn gió biển thổi vào qua cửa sổ mở toang, không khí trở nên dịu ngọt và ấm áp.
Cửa sau nhà bếp của chị Lục mở ra là bãi cát của bờ biển, vài gốc duơng rũ là xuống mái nhà và đem lại một ít bóng mát cho những buổi trưa vắng. Nhưng bây giờ đã chiều, mặt trời chỉ còn lại một đốm đỏ sắp lặn mất ngoài chân trời, ở đâu cũng toàn là bóng mát, cát không còn nóng ran duới chân nguời.
Chị Lục trải một tấm vải dầu trên cát, bữa cơm chiều đuợc dọn ra trong cơn gió biển thoang thoảng thổi vào làm tóc chị bay rối một vài sợi, nhưng không đi những giọt mồ hôi vì bếp lửa. Bữa cơm thịnh soạn cho hai nguời. Nhất là đối với Toàn, mấy năm nay ăn toàn là cơm sấy khô hoặc chỉ đuợc nấu chin vội vàng trong những chiếc thùng đen dơ bẩn.
- Quấn với bánh tráng mới ngon Toàn à.
Chị Lục nhúnh bánh tráng sơ sài vào nuớc cho bánh hơi mềm một chút. Chi mở nồi cá ngừ kho, mùi thơm bôc lên, những khoanh cá chín ngã sang màu nâu tỏa đầy khói. Chị Lục làm cho Toàn cuốn đầu tiên. Rau sống, cá ngừ, rau muống tuơi chẻ nhỏ đuợc tràn vào nhau, quấn trong bánh tráng mỏng. Anh cầm lấy, nhúng vào nuớc chấm đuợc làm bằng nuớc cá hòa với những trái ớt dầm nát thành từng mảnh, hột ớt lấm tấm. Anh cắn một cuốn bánh tráng ngon lành, mùi thơm nồng của loại cá biển tuơi, mát mẻ dòn tan của rau xanh, mặn mà của nuớc cá và vị ớt cay cay…Gió biển lại thổi lồng vào sống lưng lạnh mát, làm khô đi hơi nóng vừa bốc lên một chút trong nguời vì anh hau háu ăn không ngừng nghỉ.
Chị Lục tỏ vẻ thích thú, thỉnh thoảng chị lại mỉm cuời và khẽ nuốt nuớc bọt thèm thuồng nhìn anh. Phần chị, chị đã quá quen với món ăn này rồi. Chị ăn chậm rãi bình thuờng và tay bận bịu đậy nồi cá để giữ hơi nóng, thấm nuớc cho bánh tráng hay xắn thêm một vài trái ớt xanh dòn. Anh mãi miết ăn, không còn hơi sức đâu mà nghĩ đến cái chân què của mình nữa. Chị Lục mở nắp chai bằng một cái khoen đinh trên cánh cửa. Chị nói:
- Ở đây chỉ có bia Quân tiếp vụ thôi, họ lại hết đá rồi.
Anh gật đầu. Bia hơi đắng nhưng vẫn nồng, cay xé trên luỡi như mùi ớt. Anh đưa chiếc ly cạn một nữa cho chị Lục.
- Chị uống một ít đi. Thứ này nhẹ lắm.
Chị Lục vấn mái tóc lại rồi cột bằng một sợi dây cao su. Mắt chị long lanh.
- Uống lỡ say rồi sao. Tôi đâu biết uống ruợu.
- Có sao đâu, mai là chủ nhật mà.
Chị Lục cầm lấy ly bia, chị bỗng nhìn bâng quơ ra ngoài biển.
- Ờ... mai chủ nhật, thích thật. Mọi khi tôi sợ ngày chủ nhật lắm, học trò nghỉ hết mình không có chuyện gì làm cả. Bây giờ có thêm Toàn mới vui.
- Có ‘chuơng trình’ gì vui không ?
- Trời ơi, ở đây mà có chuyện gì đuợc. Nhưng mai tôi ra chợ sớm. Tìm một ít mực tuơi về luộc ăn với nuớc tuơng. Không biết mùa này có ‘nuốc’ không... ‘nuốc’ ăn mát lắm, chấm với ruốc ớt thì buổi trưa lại càng thích, vừa đổ mồ hôi vừa ăn.
Anh nhìn chị Lục, mìm cuời khuyến khích. Chị Lục nhắm mắt uống một hớp bia, rồi nhìn quanh như sợ có ai bắt gặp, nhất là mấy cô cậu học trò vẫn thuờng ngoan ngoãn nghe chị nghiêm trang giảng bài uống ruợu tai hại như thế nào.
...