Chương 6
Tác giả: Hoàng Thu Dung
Hôm nay tôi nhận được thiệp cưới của chị Linh chứ không phải của Huy Nam. Từ lần gặp ở nhà chị Linh, Huy Nam không hề đến thăm tôi, cũng không có một lá thư từ giã. Tôi hiểu chị Thùy Linh đã làm lay động lương tâm anh và chỉ còn có thể đem hạnh phúc đến cho chị ấy, dù trái tim anh có chết lạnh.
Vân Hà bảo với tôi rằng lẽ ra Huy Nam phải đến tìm tôi để giải thích, chia tay hoặc nói một lời từ giã. Tôi thấy không cần phải làm điều đó. Sau khi chị Linh khỏi bệnh nếu chúng tôi còn qua lại nhau đế nói đến tình cảm thì đó là một hành động thiétu đạo đức vô cùng. Thà anh lặng lẽ rời bỏ tôi để mỗi người giữ lại cho mình chút lương tâm trong sạch.
Đám cưới của họ thật lớn, thật tưng bừng, đoàn xe rước dâu nối dài trên đường phố tưởng như dài bất tận. Có lẽ mẹ chị Thùy Linh sẽ bằng lòng và hãnh diện cho hạnh phúc của con mình nhiều lắm.
Tôi tặng Huy Nam và Thùy Linh một cặp gối tự tay tôi thêu. Khi cô dâu chú rể đến bàn, tôi ngồi yên nhìn chị Thùy Linh, trong bộ áo cô dâu, nhìn chị ấy dịu dàng và trong sáng lạ lùng, cứ mỗi lần bạn bè chúc mừng, chị ấy lại ngước nhìn Huy Nam cười rạng rỡ, khuôn mặt lồ lộ một tình yêu mãnh liệt không hề giấu giếm, tôi chưa thấy cô dâu nào có vẻ sung sướng trong ngày cưới của mình như vậy.
Hình như vẻ hạnh phúc của chị Linh làm Huy Nam cảm động, anh choàng tay ngang lưng chị ấy, cử chỉ nhẹ nhàng, nâng niu. Tôi cảm thấy rồi đây Huy Nam sẽ còn làm hơn thế nữa để đền bù tình cảm cho chị Linh.
Tôi trao gói quà cho chị Linh, chớp mắt:
- Em gởi tặng anh chị, đây là món quà tự tay em làm, chúc chị với anh Nam hạnh phúc.
Chị Linh nắm chặt tay tôi cười tươi tắn:
- Chị cám ơn Trân nghe, Trân là chị cảm động quá.
Huy Nam tránh nhìn vào mắt tôi, anh cười nhẹ:
- Cám ơn Trân.
Chị Linh dịu dàng:
- Mai mốt đến thăm chị với anh Nam thường nha, chúng mình vẫn là bạn với nhau như trước chứ?
- Lúc nào em cũng xem chị như một người bạn tốt của em cả.
- Chị cũng vậy, và chị mong đến ngày vui của Trân, chị sẽ mừng nhiều lắm.
Tôi cười nhẹ:
- Em cám ơn chị.
Rồi Huy Nam dìu chị Linh qua bàn khác, họ lại nhận những lời chúc mừng của bạn bè. Nhìn cử chỉ quấn quýt của họ, tôi tin rằng những lời chúc tốt đẹp kia sẽ đi theo họ suốt cuộc đời.
Tôi ra về khi thành phố đã lên đèn, rời bỏ thế giới hào nhoáng để trở về với cuộc sống thực của mình, cuộc sống của một cô sinh viên luôn thiếu hụt, không có mái ấm gia đình, không có tình yêu, không có cả tương lai.
Bất giác tôi thèm có được, dù chỉ một phân thôi cuộc đời thừa mứa hạnh phúc của chị Linh. Sao tối nay tôi thấy mình cô đơn và bơ vơ quá.
Tôi về phòng trong trạng thái mệt mỏi và sụp đổ. Tối nay ký túc xá bị cúp điện, bóng tối làm tôi thêm rời rã nỗi buồn. Tôi đứng tựa cửa lặng lẽ nhìn vào phòng, không có Vân Hà tự nhiên tôi không muốn bước vào nữa. Căn phòng nhỏ bé dường như càng nhỏ hơn nữa dưới ánh đèn cầy, nhỏ Trang đang ngồi lặng lẽ vừa ăn cơm vừa đọc một tờ giấy gì đó, Lan và Mỹ Linh, Hồng Mai – con ong chăm chỉ nhất hòng đang lúi húi ghi ghi chép chép, nhỏ Chi thầy bói thì đang xốc những là bài, kế bên là Huệ và Thu dáng điệu chăm chú, Mộng Linh không thấy đâu - chắc là qua phòng 216 rủ rỉ với Ngọc. Đó là những cảnh quen thuộc của nữ sinh viên trong những ngày bình thường. Nhưng giờ đang mùa thi mà, sao tụi nó thảnh thơi quá thế, chắc là tranh thủ lúc cúp điện.
Căn phòng nhìn tổng thể như một bức tranh hòa bình, những va chạm đôi khi nảy lửa về sự khác nhau của tính tình, lối sống... như không còn tồn tại trong lúc này. Gần bốn năm qua, bị chi phối liên tục bởi tình yêu, tiền bạc, gia đình... tôi hầu như tách ra khỏi phòng, và đến lúc nào đó nhìn lại - chẳng hạn lúc này đâu, tôi thấy mình thật lạc lõng dù ở giữa chốn đông người...
Ý nghĩ lan man của tôi bị cắt ngang khi thấy Vân Hà từ phòng tắm bước ra, tự dưng tôi thấy ngạc nhiên không hiểu vì sao hôm nay mình quan tâm đến phòng nhiều dữ vậy, nếu không thấy Vân Hà, tôi còn đứng tựa cửa đến bao giờ.
- Ủa, hôm nay mi không đi làm hả Hà? – Tôi bước vào, ngạc nhiên hỏi.
Nhỏ không trả lời mà chỉ lặng lẽ cắm ngọn nến lên giường rồi ngồi bó gối nhìn ánh nến leo lét, mắt nó đỏ hoe như vừa khóc xong. Nhìn cảnh sao mà ngột ngạt tăm tối quá.
Tôi ngồi xuống kế bên hỏi lại:
- Sao tối nay mi không đi làm?
Giọng nhỏ rời rạc:
- Tại buồn... chán... mệt mỏi.
- Lại chuyện ông ấy hả?
- Ừ.
Tôi im lặng chờ nghe nhỏ tâm sự:
- Hai tuần nay ông ấy không đến, hôm qua tình cờ ta biết ông ấy có chỗ khác vui hơn - Nhỏ im lặng một lát – Không có ông ấy, tự nhiên ta thấy đến đó vô vị quá... buồn quá Trân ơi!
- Nhưng mi đi làm kiếm tiền, cứ coi đó là cuột tình thoáng qua đi.
Hình như Vân Hà không nghe tôi nói gì, nó mải miết theo những khổ đau của mình:
- Sao ta ngu quá hả Trân, đặt tình cảm không đúng chỗ, biết là người ta mua vui, vậy mà mình cứ yêu nghiêm túc.
- ...
- Mà nếu ông ấy có yêu lại thì ta chắc còn khổ hơn nữa, loại con gái như ta ai mà dám yêu thật tình, bây giờ có tiền rồi ta mới nhận ra mình bất hạnh hơn cả lúc nghèo túng, chán đời quá...
Vân Hà mệt mỏi nằm xuống giường, gác tay lên trán im lặng, tôi cũng lặng lẽ nằm xuống cạnh nó. Rồi tôi trườn người lên thổi ngọn nến và kéo màn lại, bây giờ tôi muốn mình chìm đi trong bóng tối.
“Mẹ nằm viện, chị về gấp. Stop.”
Tôi cầm bức điện tín của Bảo Loan trên tay, đầu óc tê liệt bởi cảm giác sợ hãi. Mẹ làm sao nữa vậy? Tại sao những chuyện buồn phiền cứ dồn dập đến với tôi trong mùa thi thế này?
Vân Hà nhìn tôi:
- Ở nhà nhắn về hả?
- Mẹ ta nằm bệnh viện.
- Vậy mi phải về liền hả?
- Ừ.
Nó ngập ngừng:
- Nhưng lúc này... lúc này phải...
- Mặc kệ, bây giờ ta phải về liền đã. Ta nóng ruột lắm.
- Hay là mi mang tập về nhà học.
- Ừ, có lẽ phải vậy.
Tôi hối hả xếp mấy bộ đồ rồi nhảy xuống giường. Đến lúc này mới nhớ chuyện quan trọng. Tôi đứng thừ người suy nghĩ. Vân Hà như đoán ra:
- Mi hết tiền phải không?
Tôi chậm chạp:
- Hết rồi, hết từ tuần trước, nhưng nãy giờ ta quên.
Nó lục lọi trong rương, rồi đưa tôi một xấp tiền. Tôi ngơ ngẩn:
- Chi mà nhiều vậy Hà?
- Mi cứ lấy hết đi, còn phải thanh toán tiền viện phí cho mẹ mi, bộ mi không nghĩ tới chuyện đó sao?
- Ờ... vậy mà ta không nghĩ tới, ta rối trí quá.
Vân Hà ngồi im một lát, rồi đứng dậy:
- Hay là ta về với mi luôn, ta sẽ mang tập theo học.
Tôi ngạc nhiên:
- Về làm chi mi, đâu có phải là đi chơi, vui vẻ gì mà...
- Tự nhiên ta muốn ở bên mi lúc này, bỏ mi một mình ta sợ mi buồn, tội nghiệp mi lắm.
Nhỏ Hà này làm tôi... biết nói làm sao để nó hiểu tôi cảm động bây giờ, tôi chớp mắt nạt khỉ:
- Vậy thì nhanh lên, mi là chúa chậm chạp.
Vân Hà nhét bừa mấy bộ đồ vào giỏ tôi, hai đứa tôi hối hả chạy ra hành lang cười khúc khích. Có nhỏ Hà tôi bớt thấy cô đơn và lo sợ. Hình như khi nỗi buồn được chia đôi, nỗi buồn sẽ vơi đi phân nửa.
Tôi về đến nhà khi trời về chiều, cửa đã bị khóa, có lẽ hai đứa nhỏ đang ở bệnh viện với mẹ, tôi chạy qua nhà dì Ba, chỉ có Bảo Loan trong nhà. Thấy tôi, nét mặt ủ rũ của nó tươi lên một chút:
- Chị nhận được điện tín của em rồi phải không?
Nhìn thấy Vân Hà, nó khẽ gật đầu chào, tôi nhìn nó:
- Chị này là chị Hà, bạn chị đó, chị Hà về phụ lo cho mẹ với chị, bây giờ Loan dẫn chị vô thăm mẹ đi. Khoan, nhưng mẹ làm sao vậy?
- Mẹ bị thương.
- Bị thương chứ không phải bệnh à? Nhưng tại sao vậy?
- Tại mẹ bị ba đánh, trời ơi, chị không tưởng tượng nổi, ba đánh khủng khiếp lắm, máu chảy ướt áo mẹ, làm Bảo Hoa nó xỉu luôn.
Tôi bủn rủn ngồi phịch xuống ghế:
- Rồi ai đưa mẹ vô bệnh viện?
- Dì Ba đưa, em chạy qua kêu dì Ba, rồi mấy người hàng xóm vô can, nếu không chắc mẹ chết quá chị Trân.
Nó khóc sụt sịt, Vân Hà chớp mắt, quay đầu chỗ khác. Cổ họng tôi nghẹn đắng:
- Mẹ vô bệnh viện mấy ngày rồi?
- Ba ngày.
- Vậy mà tới bây giờ mới gọi chị về. Sao em không ở nhà mà qua đây chi vậy?
Bảo Loan khóc tấm tức:
- Nhà đâu nữa mà ở. Ba bán cho người ta rồi còn gì. Ba bán lúc nào mẹ không hay, tới khi người ta đến nhận nhà mẹ mới biết, mẹ cản quyết liệt nên bị ba đánh, mai mốt mình không có nhà ở rồi chị Ơi.
Mặt tôi sắt lại, tôi hỏi khô khan:
- Ông ta đi đâu rồi?
- Em không biết, dì Ba bảo ba đem tiền đi mua nhà cho vợ bé, và ba sẽ ở đó luôn.
- Ba có cho tiền mẹ không?
- Em không thấy!
Tôi quắc mắt nhìn Bảo Loan:
- Sao em cứ khóc hoài vậy, bây giờ không được ngồi đó buồn rầu nữa, đến nỗi này mà em còn khóc được à. Em có biết chỗ ở của ông ta không?
Bảo Loan nín khóc, sợ sệt nhìn tôi, nó có vẻ ngạc nhiên. Vân Hà nhỏ nhẹ:
- Mi bình tĩnh đi Trân, mi làm Bảo Loan sợ kìa. Mi cần biết chỗ ở của bác làm gì, mình không làm gì được đâu. Tốt hơn hết là lo cho gia đình mình đi.
Tôi mím môi:
- Ta muốn biết ông ấy có trái tim không, và ông ta có tính người không?
- Mặc kệ người ta, Trân.
Tôi không còn nghe gì nữa hết, trong tôi bây giờ chỉ còn phừng lên một sự phẫn nộ ghê người. Tôi mím môi:
- Tại sao trên đời này còn có loại người vô lương tâm đến mức ấy, ta chưa từng thấy người đàn ông nào sống bám phụ nữ như ông ta cả. Ông ta có dáng dấp của một con người, nhưng lại có trái tim và khối óc của một động vật bậc thấp, một loại động vật man rợ thời tiền sử. Tại sao ông ấy không bị đày xuống địa ngục chứ.
Vân Hà như cũng tức lây, nó lẩm bẩm:
- Chuyện đó trước sau gì cũng sẽ tới thôi.
Tôi vẫn không ngừng trút cơn giận dữ. Nhưng ở đây chỉ có Vân Hà và Bảo Loan nghe, mà chúng nó đều là người vô tội, thế thì nói ra cũng không ích lợi gì cả. Tôi nguôi dần, mệt mỏi đứng lên:
- Bây giờ đưa chị với chị Hà vô thăm mẹ đi, chứ chờ dì Ba thì đến chừng nào.
Bảo Loan quẹt nước mắt đứng dậy, nó lặng lẽ xếp vài món đồ vào giỏ, nhìn dáng nó câm lặng chịu đựng như người lớn, tự nhiên tôi thấy se lòng.
- Mấy hôm nay em có đi học không?
- Em nghỉ rồi, hè mà chị.
- Ừ, chị quên.
Chúng tôi vào bệnh viện. Bảo Loan dẫn tôi đến một giường bệnh ở cuối phòng, nếu không có dì Ba và Bảo Loan, chắc là tôi sẽ không tìm được mẹ. Mặt mẹ thay đổi ghê gớm, khuôn mặt bị sưng tím bầm. Dấu vết của một trận đòn dã man, không chỉ là bao nhiêu đó, đầu mẹ bị băng kín. Dì Ba bảo bị gãy xương nữa, tôi định mở áo mẹ lên thì bị cản lại:
- Con đừng làm động đậy, để mẹ con nằm yên nào.
Chợt nhớ ra, tôi hỏi dì Ba:
- Mấy ngày nằm ở đây mẹ có tiền mua thuốc không hả dì Ba?
Bảo Loan chen vào:
- Có, nhưng không đủ, toàn là tiền của dì Ba không đó chị.
Tôi thở dài, dì Ba phải cưu mang gia đình tôi đến chừng nào nữa đây, nhà dì ấy cũng chẳng khá hơn mẹ bao nhiêu, mai mốt mẹ không có chỗ ở, chắc là sẽ ở nhà dì Ba, ước gì tôi có thể tìm cho mẹ một nơi yên ổn... Càng nghĩ càng thấy tuyệt vọng vô cùng.
Buổi tối tôi ở lại bệnh viện, Vân Hà cũng thức với tôi. Hai đứa ngồi ngoài hành lang mở tập ra học. Tôi đọc sách, nhưng không tài nào tập trung được, cũng không còn sức nghĩ tới kỳ thị.. Nghĩ đến thực tại tôi chỉ biết thở dài.
Vân Hà chợt xếp tập lại:
- Nãy giờ mi học được không Trân?
- Không.
- Ta cũng vậy.
- ...
- Trân này...
- Gì?
- Từ chiều tới giờ ta cứ suy nghĩ hoài,không biết có làm được không?
- Mi nghĩ chuyện gì?
- Chuyện gia đình mi ấy.
- Sao?
- Ta thấy... hay là mẹ mi lên thành phố ở chung với mẹ ta đi, nhà chật đấy, nhưng sắp xếp cũng được, chứ ở nhà dì Ba tội nghiệp dì ấy, dù sao thì ta cũng có chút ít tiền.
- Còn hai đứa nhỏ nữa, Hà.
- Đâu có sao, tụi nó sẽ xin chuyển lên đó học.
Tôi nhìn Vân Hà sững sờ:
- Mi nói thật đó hả Hà?
- Bộ mi nghĩ ta nói để mà nói sao?
- Mi dám cưu mang cùng một lúc ba người à?
- Nếu là lúc trước thì ta không dám, nhưng bây giờ thì ta có thể giúp được, thì chịu khó sống chật vật một tí, đâu có sao!
- ...
- Nếu mẹ mi khỏe hẳn rồi thì có thể tìm việc làm, hoặc buôn bán gì đó. Còn lúc đầu thì cứ tạm sống chung với mẹ ta.
- Ta không ngờ mi bản lĩnh đến vậy. Mi dám nhận một trách nhiệm lớn quá.
- Nói thì thấy lớn lao nhưng thật ra cũng chẳng có gì. Mi ráng chịu đựng một vài tháng, ra trường rồi mình sẽ thoải mái hơn.
Tôi tựa đầu vào vai Vân Hà:
- Trong hoàn cảnh này ta không biết nương tựa ai bây giờ, nếu không có mi chắc ta khổ sở lắm. Thôi vậy, coi như ta tạm vay của mi nghe Vân Hà, sau này ta sẽ trả.
- Ta chỉ muốn giúp mi đỡ lo lúc thi thôi, thấy mẹ mi tội nghiệp hơn quá, khổ hơn cả mẹ ta nữa.
Tôi nói khẽ:
- Ra trường rồi ta sẽ cố hết sức để đền bù cho mẹ ta, chứ nếu cứ nhìn hiện tại chắc ta không sống nổi, đen tối quá.
- Mọi việc rồi cũng sẽ qua thôi Trân ạ, hãy cứ nghĩ vậy đi.
Vâng, mọi. việc rồi sẽ qua, tôi luôn nghĩ đến tương lai, bởi vì cứ đắm chìm trong hiện tại tôi sẽ đau khổ, mà đau khổ thì có ích gì kia chứ. Nó chỉ làm tôi ngã quỵ mà thôi.
Người đàn ông cầm ly rượu trên tay, nhấp từng hớp nhỏ, ông ta vẫn tì người vào quầy, nhìn tôi với một nụ cười thân thiện :
- Ba hôm nay tôi vắng mặt ở đây, nghĩa là cô vắng đi một khách hàng trung thành, cô Trân có nhận thấy thế không ?
Tôi cười nhẹ :
- Chắc là mấy hôm nay ông bận công chuyện ?
- Tôi đi giao dịch ở xa, vừa về thành phố lúc chiều, và tối nay tôi đến đây, hôm nào không đến được tôi lại thấy buồn buồn. Chỉ cần đứng bên quầy với một ly rượu, và được nhìn cô, bao nhiêu đó thôi là tối về tôi cảm thấy thanh thản. Cô Trân nghĩ sao ?
- Dạ, bổn phận của tôi là làm vừa lòng khách, nếu ở đây ông thấy vui thì bà chủ tôi sẽ bằng lòng lắm.
- Nhưng tôi muốn ý kiến của cô.
- Dạ, nếu bà chủ bằng lòng thì tôi cũng vậy.
Người đàn ông cười khẽ :
- Thật khó mà biết được cô nghĩ gì. Cô Trân làm ở đây được bao lâu rồi ?
- Gần nữa năm thưa ông.
- Lương tháng chắc là khá lắm nhỉ ?
- Dạ, cũng tạm đủ sống.
Ông ta nghiêng đầu nhìn tôi :
- Một người đẹp như cô có thể làm một việc khác kiếm tiền hơn, sao cô không làm vậy ?
- Làm việc gì ạ ?
- Nếu cô ra tiếp khách, tôi tin là nhà hàng này sẽ đông khách hơn nữa, sao bà chủ lại cất một bông hoa đẹp vào quầy thâu ngân xó xỉnh này nhỉ ?
Tôi nghiêm nghị :
- Mỗi người đều có một khả năng riêng, thưa ông. Tôi không có khiếu đứng ra tiếp khách, công việc thu tiền này hợp với tôi hơn.
- Cô Trân thật là lạ.
Ngay lúc đó, một tốp người bước vào nhà hàng. Tôi nhìn lướt qua họ, có một người đi sau cùng đang nói chuyện với người bên cạnh. Tôi sững sờ nhận ra Thế Phi.
Anh về thành phố lúc nào vậy ?
Tôi bối rối đứng yên, đầu cúi gầm xuống xấp phiếu thanh toán. Tôi sợ Thế Phi thấy tôi ở đây lắm, và cũng không muốn anh biết tôi sống như thế này. Tôi ngồi phịch xuống ghế úp mặt trong hai tay, tiếng người đàn ông vang lên, ngạc nhiên :
- Cô Trân làm sao vậy ?
Tôi ngước lên :
- Xin lỗi, tôi hơi nhức đầu.
Và tôi rời khỏi quầy đi vào trong, tựa người vào tường cố lấy lại bình tĩnh. Ngoài kia nhóm người đã đi vào bàn, tôi bước đến cửa, vén màn nhìn ra, Thế Phi ngồi xéo ở góc phòng quay mặt vào tường, ở vị trí ấy anh sẽ không thấy tôi, và có lẽ giữa đám khách nhộn nhịp ồn ào, anh sẽ khó mà nhận ra tôi hơn nữa.
Tôi định trở lại quầy rượu, nhưng rồi một chút tò mò, một ý muốn quan sát Thế Phi xui khiến tôi đứng lại, tôi lại vén màn, nhìn về phía bàn ấy. Bia đã được mang ra, một cô tiếp viên đang kề ly vào miệng Thế Phi, anh ngả người ra sau, choàng tay ngang lưng cô ta rồi hơi rướn người hôn vào khuôn mặt đầy son phấn của cô ta, cử chỉ bừa bãi hưởng thụ và vô trách nhiệm.
Tôi nhắm mắt lại, úp mặt vào tường, hình ảnh vừa thấy sao làm tôi đau nhói, giận hờn, tôi không chịu nổi khi thấy anh âu yếm một người khác, dù người ấy chỉ là một tiếp viên.
Tôi thẩn thờ trở lại quầy, người đàn ông vẫn còn đứng đó, ly rượu đã vơi cạn, thấy tôi, ông ta hơi chồm tay lên quầy :
- Cô Trân đỡ nhức đầu chưa ?
Tôi lúng túng :
- À ... tôi đã đỡ, cám ơn ông.
Ông ta đẩy ly rượu về phía tôi :
- Cô cho tôi một ly nữa.
Nhìn cánh tay tôi hơi run làm rượu sóng sánh trong ly, ông ái ngại :
- Cô chưa khỏe phải không, hình như không khí ồn ào ở đây không thích hợp với cô.
- Dạ, có lẽ tại hôm nay khách đông quá.
Ông ta yên lặng nhấm nháp ly rượu, rồi lại gợi chuyện :
- Ở đây không thích hợp với cô, sao cô không tìm việc gì khác làm ?
- Tôi cũng muốn vậy, thưa ông, nhưng bây giờ xin việc rất khó, tìm được một nơi có lương cao thế này tôi mừng lắm rồi, và không dám đòi hỏi gì hơn nữa.
- Thế trước đây cô làm gì ?
- Tôi dạy học, và dạy kèm tư gia.
- Vậy à ? Nhìn cô tôi nghĩ cô không là người tầm thường, xin lỗi tôi hơi tò mò, cô Trân học trường nào vậy ?
- Dạ tôi học trường đại học tổng hợp.
- Ồ vậy à ? Cô làm tôi ngạc nhiên một cách thú vị, thật là tiếc cho cô, với bằng cấp như thế cô có thể tìm việc là tương xứng hơn.
Tôi cười gượng :
- Tiếc là tôi không được may mắn lắm, bạn bè tôi cũng có nhiều người thất nghiệp như tôi và phải làm những nghề ngoài khả năng của mình, tôi nghĩ thế này là may mắn lắm rồi.
Ông ta chợt đưa danh thiếp cho tôi :
- Đây là địa chỉ công ty tôi, khi nào nghỉ việc cô hãy đến đó, tôi bảo đảm sẽ có một việc làm xứng đáng với cô.
Tôi lướt nhìn tấm danh thiếp :
Ông P. M. Khương
Tôi ngước nhìn ông ấy :
- Rất cám ơn ông.
- Tôi thật tình muốn giúp cô, cô Trân ạ, cô cứ suy nghĩ rồi đến chỗ tôi, lúc nào tôi cũng sẵn sàng tiếp cô.
Tôi mân mê tờ danh thiếp, khẽ lặp lại :
- Cám ơn ông.
Ông ta nhìn đồng hồ, lẩm bẩm :
- Hôm nay tôi mới được nói chuyện cởi mở với cô, tiếc là bây giờ tôi đã đến giờ hẹn.
Ông rút ra một xấp tiền đặt lên quầy :
- Còn lại xin tặng cô, chào cô nhé.
Ông ấy về rồi tôi đứng thừ người nhìn mớ tiền trong tay, nhiều quá, nhiền hơn cả sự tưởng tượng của tôi, đây là lần đầu tiên tôi nhận tiền của một người khách ưu đãi mình. Cảm giác ái ngại làm tôi không yên, rồi tôi lại nghĩ đến mẹ và hai đứa em tôi, đến Vân Hà. Tôi sẽ mua thật nhiều quà cho mọi người. Ý nghĩ đó làm tôi vui vui.
Rồi tôi lại nghĩ đến Thế Phi ở trong kia, có lẽ anh đang ngất ngưởng với đám bạn của anh và những cô tiếp viên thừa nghệ thuật, anh không biết ngoài này tôi thầm lặng nghe cơn bão tố nổi dậy trong lòng. Sau ba năm xa cách, tôi gặp lại anh trong hoàn cảnh thế này sao ?
Cần phải tránh mặt Thế Phi, tôi không muốn gặp anh trong tâm trạng xấu hổ, mặc cảm và giận hờn cay đắng này.
Tôi mang giỏ lên vai, đi vào phòng bà chủ.
- Dì cho con về sớm tôi nay, con nhức đầu quá.
Bà ung dung cột lại xấp tiền, gật đầu :
- Được rồi, để Dì xuống thay, con về đi.
- Dạ.
Tôi ra ngoài, và lại vén màn nhìn về phía bàn tiệc Thế Phi, hình như mọi người đang say ngất ngưởng. Thế Phi ngửa người ra sau, đầu tựa trên thành ghế, và cô tiếp viên lúc nãng đang ngồi trong lòng anh.
Tôi cắn môi, đi nhanh ra ngoài đường.
Hôm sau tôi đến nhà hàng với tâm trạng mệt mỏi, chán chường. Tối nay tôi sẽ báo với bà chủ xin nghỉ vào cuối tháng,và sẽ nộp đơn xin việc ở công ty ông Minh Khương, rồi có ra sao thì ra.
Tôi ghi xong phiếu thanh toán đưa cho người bồi bàn, khi tôi ngước lên, một tốp khách đang đi vào, tôi hoảng hốt nhận ra Thế Phi trong nhóm ấy. Không ngờ tối nay anh lại đến đây. Thế Phi nhìn thoáng về phía quầy, rồi khựng lại như đã nhận ra tôi. Anh quay lại nói gì đó với người bạn, rồi đi thẳng đến quầy rượu.
Tôi bặm môi, cố tạo vẻ mặt bình thường nhìn anh như người khách không quen :
- Xin lỗi anh cần gì ạ ?
Thế Phi như không nghe tôi nói, anh ngạc nhiên đến rối bời khi thấy tôi, anh tỳ tay lên quầy nhìn tôi chăm chú, nói một mạch.
- Em thật đó à, sao em lại ở đây ? Còn Huy Nam đâu, sao anh ta lại để em làm việc này, em làm ở đây bao lâu rồi ? Huy Nam đâu rồi ?
Tôi lạnh lùng :
- Tôi không có bổn phận phải biết anh Nam ở đâu, nếu muốn tìm hiểu về anh Nam phiền anh hãy đến nhà anh ấy.
Thế Phi hấp tấp :
- Vậy ra em với Huy Nam ... anh cứ tưởng em đã ... tại sao em làm ở đây vậy Trân ?
[navy][i]“Như vậy là xấu lắm sao anh, thấp kém lắm phải không anh [navy][i]“ - Tôi cay đắng nghĩ thầm.
Tôi nhìn anh như một người khách lạ :
- Xin lỗi, anh cần loại rượu nào, thường khách đến quầy hay uống champagne. Hay là anh cần loại khác ?
Thế Phi xua tay :
- Anh không cần gì hết, em chưa trả lời câu hỏi của anh ?
- Rất tiếc, nhiệm vụ của tôi ở đây là phục vụ khách, tôi không có bổn phận phải trả lời về đời tư của mình, xin lỗi anh nhé.
Thế Phi đứng yên, chống tay xoa xoa trán, anh có vẻ bối rối vì thái độ của tôi, rõ ràng là anh quá bất ngờ. Tôi nói mỉa :
- Nếu anh không cần uống rượu thì tôi cũng không có gì để phục vụ anh, phiền anh vào bàn trong kia giùm, ở đó có nhiều người tiếp viên chu đáo lắm.
Anh không trả lời, cứ đứng lặng yên suy nghĩ, tôi định nói một câu thật đau thì có khách bước vào, tôi lịch sự :
- Xin lỗi anh, tôi bận việc nên không thể tiếp chuyện với anh được.
Và tôi quay người lấy chai rượu trên kệ rót đưa người đàn ông mới đến, tôi ân cần nói chuyện với ông ta, không thèm quan tâm đến Thế Phi nữa.
Anh cứ đứng chống tay nhìn tôi, và không hiểu nghĩ thế nào, anh quay người đi vào trong.
Tôi mím môi nhìn theo Thế Phi, cảm giác giận hờn lại dâng lên. Tất nhiên tôi không trách được anh, vì ở trong đó anh có bạn bè và những người đẹp mời mọc, những thứ đó quyến rũ hơn là đứng nơi quầy rượu này mà nói chuyện với tôi, dù như với một người bạn.
Cho đến tận khuya họ mới về, ngang qua chỗ tôi Thế Phi cũng không ngoái lại nhìn, không có một lời từ giã, anh lẳng lặng đi ra cửa như không quan tâm đến xung quanh. Tôi nghĩ vậy là xong, xem như đó chỉ là cuộc gặp gỡ của những người bạn đã một thời quen biết, chẳng có gì để luyến tiếc nữa.
Thật khuya, nhà hàng đã vắng khách, tôi dọn dẹp lại quầy rồi ra về. Đến gần cổng, chỗ cây kiểng mờ tối, một cánh tay chợt giữ tôi lại :
- Nghi Trân.
Tôi đứng sững nhìn vào bóng tối, Thế Phi vẫn giữ tay tôi.
- Anh đợi em từ nãy giờ, để anh đưa em về.
Tôi lùi lại :
- Anh làm gì vậy ? Buông tôi ra đi.
- Không buông, anh cần nói chuyện với em cho rõ ràng, nếu tối nay không sáng tỏ mọi chuyện, anh sẽ không yên ổn được.
- Khuya rồi, anh để tôi về.
- Anh sẽ đưa em về, anh cần biết tại sao em vào làm ở chỗ này. Hai đứa phải nói cho hết.
Tôi đứng yên nhìn Thế Phi, thế ra anh tò mò muốn biết vì sao tôi làm công việc mà theo anh là thấp hèn chứ gì ? Sự tự ái làm tôi nổi giận, tôi lại liên tưởng đến những gì đã thấy hôm qua, đến cái hôn tham lam của anh với mấy chị tiếp viên, giá mà tôi có thể ...
Thế Phi chợt kéo tôi lại gần, tôi vùng ra :
- Anh làm gì tôi vậy ? Anh tưởng anh có quyền suồng sã với tôi như hôm qua anh đã làm với mấy người tiếp viên chứ gì, nói cho anh biết, tôi không còn xem trọng anh đâu, và cũng không có gì để nói chuyện với anh hết, xin chào !
Và tôi vùng mạch ra, bỏ chạy vào nhà hàng. Thế Phi đuổi theo, anh bắt được tay tôi ở cửa, giọng anh hấp tấp :
- Chỉ cần em trả Lời anh một câu thôi, em có gia đình chưa, và tại sao em ...
- Không có gì để nói hết.
Tôi lách người khỏi Thế Phi, chạy nhanh lên lầu, và lặng lẽ ra về bằng cửa sau. Gió đêm thổi mơn man trên mặt làm tôi tỉnh táo lại, nhớ những gì diễn ra lúc nãy, tôi bật khóc một mình.
Ngày mai tôi sẽ không đến nhà hàng này nữa. Thế Phi có tìm cũng không biết tôi ở đâu. Vĩnh biệt anh !