Tập 1
Tác giả: Hoàng Thu Dung
Thùy Dương đứng một mình trên bãi cát, đưa mắt nhìn xa ra chân trời. Mặt biển xanh ngăn ngắt, trong veo đến ngây ngất. Nước tràn lên vuốt ve bờ cát rồi lại lùi ra biển, Thùy Dương tháo giày để trên bờ, đi chân trần xuống nước. Cô đứng lặng lẽ một mình, vẻ mặt ủ dột của một người luôn buồn bã chứ không phải chỉ biết ngắm nhìn cái đẹp của buổi sớm.
Chợt cánh tay cô bị nắm chặt. Thùy Dương giật mình quay lại. Đôi mắt buồn bã chuyển sang kinh hãi, khi nhận ra người đứng bên cạnh mình. Cô thốt lên một tiếng hoảng sợ:
− Anh Quảng! Trời ơi...
Thùy Dương quýnh quáng cố rút tay ra. Nhưng càng cố gắng càng trở nên tuyệt vọng. Cô kêu lên:
− Buông tôi ra!
Gã thanh niên có mái tóc dài lượt thượt cố giữ Thùy Dương đứng yên. Giọng anh ta vừa mừng vừa đe doạ:
− Cuối cùng cũng tìm được em, trốn đâu được hả?
− Buông ra!
− Tại sao em cứ trốn tránh anh hoài vậy?
− Làm ơn buông tha tôi đi, đừng quấy rầy tôi nữa.
− Bộ anh là hung thần hả?
Thùy Dương không trả lời. Lợi dụng lúc anh ta sơ ý, cô xô mạnh một cái. Đến nỗi anh ta ngã ngữa ra sau. Và vấp phải phiến đá, anh ta loạng choạng cố giữ thăng bằng cho khỏi ngã.
Trong khoảnh khắc đó, Thùy Dương không biết mình đã nghĩ gì, cô quay ngoắt người chạy như bay lên bờ, đến nỗi suýt va vào vài du khách đang đi ra biển.
Cô chạy ra đường. Buổi sáng con đường vắng ngắt. Phía trước cũng không một bóng người. Cô chạy như điên, như chưa bao giờ chạy với tất cả nỗi sợ hãi cuống cuồng như vậy. Cô quýnh quáng tìm một nơi để nấp vì biết chắc chắn sẽ không thể chạy thoát nổi Quảng. Mà cô thì không hình dung nổi mình sẽ thế nào nếu bị anh ta tóm được.
Chợt cô thấy một chiếc xe đậu bên kia đường, một người thanh niên đang mở cửa bước lên. Không còn kiểm soát được mình, cô nhào tới, lắp bắp:
− Làm ơn cho em trốn một chút.
Người thanh niên chưa kịp nói gì thì phía sau Quảng chạy tới, giọng anh ta rắn đanh:
− Đứng lại, đừng để tôi phải bạo lực đó!
Thùy Dương quýnh quáng lắc tay người thanh niên lạ, nói van vỉ:
− Xin cứu em với!
Vẻ mặt tuyệt vọng của cô hình như làm anh ta thấy lạ lùng. Anh ta ngoái lại nhìn Quảng đang chạy tới, rồi quyết định trong khoảnh khắc:
− Lên xe đi!
Thùy Dương thoát vào xe như cơn gió. Trước khi Quảng chạy tới thì người thanh niên đã kịp đóng cửa. Quảng vỗ mạnh vào mui xe, quát lên:
− Thả cô ta xuống ngay!
Vẻ hung hăng của anh làm người thanh niên nhếch môi cười ngạo nghễ, rồi cho xe lướt tới, bỏ mặc Quảng đứng bên đường nhìn theo với tất cả giận dữ cuồng nộ.
Người thanh niên nhìn vào kính chiếu hậu. Khuôn mặt bặm trợn trong kính làm anh ta thấy mất cảm tình. Anh quay qua nhìn Thùy Dương:
− Anh ta có làm gì cô bé không?
Thùy Dương vừa nói vừa thở:
− Không.
− Tại sao cô bé chạy dữ vậy?
− Vì anh ta bắt được em ngoài biển.
Câu nói của cô làm người thanh niên phì cười:
− Như bắt một mỹ nhân ngư vậy à?
Thùy Dương nhận ra mình nói chuyện có vẻ buồn cười. Nhưng cô cười không nổi. Lúc nãy chạy quá nhanh nên tim đập loạn trong ngực, cô cảm thấy khó thở vô cùng. Tay chân bủn rủn như không còn là của mình nữa, cô chỉ biết dựa vào cửa mà thở dốc.
Người thanh niên liếc nhìn khuôn mặt tái xanh của Thùy Dương, rồi vẻ mặt trở lại nghiêm chỉnh:
− Tên gì vậy?
− Dạ, Thùy Dương ạ.
− Còn tôi tên Trường.
− Vâng.
− Cô bé mệt lắm phải không?
− Vâng.
− Người đó là gì của cô vậy?
− Dạ, không là gì cả.
− Không là gì mà có quyền bắt cô bé à? Anh ta có vẻ thích xâm phạm tự do của người khác quá hả?
− Còn hơn thế nữa. Em rất sợ anh ta, sợ khủng khiếp.
− Vậy sao cô bé không sợ tôi?
Thùy Dương quay lại nhìn người thanh niên, yên lặng ngẫm nghĩ. Lúc nãy sợ Quảng quá nên cô không có thời giờ nghĩ gì khác ngoài việc chạy trốn. Nhưng bây giờ nghe anh ta nói, cô đâm ra lo lo. Nếu anh ta là người không đứng đắn thì cô sẽ ra sao đây?
Thùy Dương rầu rỉ cụp mắt nhìn xuống. Cô nửa muốn xuống xe, nửa lại sợ gặp Quảng. Tâm trạng phân vân làm cô rối bời, vẻ mặt càng ủ dột đưa đám.
Người thanh niên liếc nhìn cô, rồi mỉm cười:
− Yên tâm đi, tôi không đến nỗi thô bạo như người đó đâu. Một cô bé con thế này, chẳng ai muốn bạo lực bao giờ.
Chỉ cần nghe giọng nói nghiêm chỉnh là Thùy Dương trở lại cảm giác an toàn. Cô ngoái nhìn ra phía sau như kiểm tra đoạn đường đã đi qua. Cảm thấy yên lòng, cô khẽ thở nhẹ một mình.
Thùy Dương lặng lẽ nhìn theo bên đường. Xe đang chạy dọc bờ biển. Nước trong veo, xanh biếc len lõi giữa những phiến đá xám chán ngắt. Bình thường, Thùy Dương rất mê ngắm màu nước biển. Nhưng hôm này, ấn tượng kinh hoàng khi gặp Quảng làm cô thấy đời thật tăm tối.
Thùy Dương gục đầu vào cửa, mắt khép lại đầy mệt mỏi. Đầu óc cô lang thang trong những ý nghĩ phiền muộn, cuối cùng chìm nghỉm vào cơn mê đầy nặng nề.
Xe đã ra khỏi khu vực biển. Người thanh niên lên tiếng:
− Bây giờ cô bé về đâu?
Không nghe Thùy Dương lên tiếng, anh quay lại nhìn, rồi lắc đầu mỉm cười. Thùy Dương ngủ mê mệt như thế, có gọi dậy cũng không dễ. Cô bé đang cần chạy trốn thì có lẽ càng xa nơi này càng tốt.
Người thanh niên hơi nghiêng người mở nhạc. Trong xe im lặng, bản nhạc Gipsy River vang lên nhè nhẹ, vui vui. Trường khẽ nhịp tay theo điệu nhạc. Thỉnh thoảng, anh lại cười một mình.
Anh sửa lại kính chiếu hậu, rồi quan sát Thùy Dương khá kỹ. Cô bé này khoảng hai mươi chứ không thể lớn hơn. Gương mặt khi ngủ trong sáng như thiên thần. Đôi mày cong thanh tú. Màu da sáng, hồng hồng chứ không trắng xanh như lúc cô ta mới lên xe. Chỉ nhìn thoáng qua cũng đoán được đây là một thiên kim tiểu thư, nếu không thì cũng được mẹ chăm sóc chu đáo quá mức. Con gái nếu không được chăm sóc, thì không thể có được vẻ mịn màng thiên thần như thế.
Nhìn Thùy Dương, Trường nhớ lại âm thanh của cô bé khi nói chuyện lúc nãy. Giọng nói thanh, nhỏ nhẹ và nũng nịu dù cô ta đang trong cơn hoảng sợ. Chắc là rất hay nhõng nhẽo với mẹ. Giọng nhõng nhẽo bẩm sinh nên cứ thể hiện trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Tóm lại, hôm nay anh đã gặp một cô khách bé con thuộc loại tiểu thư con nhà. Nhưng cô ta gặp chuyện gì mà phải hoảng sợ như vậy?
Xe vào thành phố, Thùy Dương vẫn ngủ mê mệt. Trường buộc lòng lên tiếng:
− Dậy đi Thùy Dương!
Không nghe tiếng trả lời. Anh vặn nhặc lớn hơn, hy vọng Thùy Dương giật mình. Nhưng cô vẫn không hề mở mắt. Trường nhún vai chịu thua. Cuối cùng, anh quyết định đưa Thùy Dương về nhà mình.
Xe chạy vào trong sân và ngừng lại hẳn mà Thùy Dương vẫn không hay. Trường xoay hẳn người lại nhìn cô. Cô bé ngủ như thể cả năm chưa hề nhắm mắt. Lần đầu tiên anh thấy một người ngủ say như vậy. Chẳng lẽ bế cô ta vào nhà như trẻ con. Nếu trẻ con thì anh làm được, nhưng cô khách nhỏ xa lạ này thì không thể.
Cuối cùng, Trường xuống xe, đi một mình vào nhà. Lát nữa anh sẽ thử gọi một lần nữa xem sao.
Thùy Dương ngủ một mình trong xe. Mãi đến lúc nghe một tiếng kèn chói tai, cô mới giật mình mở mắt.
Chợt cô bật ngồi dậy, hốt hoảng nhìn quanh như thể có Quảng ở bên cạnh. Và khi không thấy ai, cô trấn tỉnh lại, đưa tay chặn ngực và thở nhẹ yên tâm.
Thùy Dương mở cửa bước xuống sân. Cô dáo dác nhìn quanh. Ngôi nhà lạ không một bóng người. Vậy người thanh niên lúc sáng đi đâu?
Thùy Dương đang ngẩn ngơ nhìn vào nhà, thì giọng Trường vang lên phía sau:
− Dậy rồi à?
Thùy Dương giật bắn mình, đưa tay chặn ngực. Cử chỉ của cô làm Trường mỉm cười:
− Xin lỗi, không ngờ cô bé dể giật mình như vậy?
− Dạ, không sao.
Thùy Dương ngó Trường chăm chăm, rồi dè dặt:
− Xin lỗi, đây có phải là nhà anh không ạ?
Trường lặng lẽ gật đầu. Đôi mắt vẫn không ngừng quan sát Thùy Dương. Chính anh cũng không biết phải làm gì với cô khách trước mặt.
Thấy cô có vẻ lúng túng, anh lên tiếng:
− Cô bé vào nhà đi!
Rồi anh đi trước, Thùy Dương lững thững đi phía sau. Vào phòng khách, Trường khoát tay về phía salon:
− Cô bé ngồi đi. Có đói không?
Thùy Dương rụt rè gật đầu:
− Em đói ghê gớm, từ sáng giờ em chưa ăn gì cả. Anh cho em xin bánh mì cũng được.
Thái độ thật thà của cô làm Trường hơi ngạc nhiên, nhưng hài lòng. Anh gật đầu:
− Chờ một chút!
Anh đi vào nhà. Thùy Dương vẫn ngồi một chỗ, cô đưa mắt nhìn quanh phòng khách, rồi nghiêng người nhìn phía trong. Từ nãy giờ cô chẳng thấy ai ngoài Trường. Hình như trong nhà này không còn ai.
Một lát, Trường mang lên bánh qui và sữa. Anh đặt trước mặt Thùy Dương.
− Ăn đỡ đi nhé, lát nữa sẽ đi ăn trưa.
Anh ngồi yên, vừa hút thuốc vừa nhìn Thùy Dương ăn. Cô bé có vẻ đói thật. Anh thấy tay cô hơi run. Chắc cô bé vừa trải qua một cú sốc không nhỏ.
Thùy Dương ăn xong có vẻ tươi tỉnh hơn. Cô nhỏ nhẹ:
− Cám ơn anh.
− Không có gì, có cần nằm nghĩ chút nữa không?
− Dạ không, thế này cũng là phiền anh lắm rồi.
Trường hỏi thẳng thắn:
− Bây giờ cô định sẽ làm gì?
Thùy Dương lắc đầu, mắt hơi nhìn xuống:
− Em cũng không biết nữa! Em không biết làm gì ngoài việc trốn. Nhà em ở gần đây, nhưng em không dám về nhà.
Trường nhướng mắt ngạc nhiên:
− Nhà cô bé ở đây à? Sự trùng hợp thật lạ, nếu không cô sẽ phải trở ra ngoài đó.
Anh im lặng một lát, rồi hỏi tiếp:
− Người lúc sáng là ai? Vì sao cô sợ anh ta như vậy?
Thấy mình hỏi hơi xa, anh nói thêm:
− Cô có thể không trả lời, tôi không phiền đâu.
Thùy Dương lắc đầu như bảo không có gì. Cô nói thành thật:
− Anh ta là cháu của dì em. Anh ta muốn cưới em, nhưng em sợ anh ta kinh khủng.
Trường kinh ngạc:
− Trong dòng họ mà muốn cưới à?
Thùy Dương vội lắc đầu:
− Dạ không! Dì ấy là mẹ kế chứ không phải trong dòng họ.
− Thì ra là vậy.
Anh nhìn Thùy Dương hơi lâu, rồi buông một nhận xét:
− Cô còn bé quá, lấy chồng ở tuổi này là hơi sớm đó.
Từ "lấy chồng" của anh làm Thùy Dương khẽ rùng mình. Cô lắc nhanh đầu:
− Không phải, không hề có chuyện đó. Em chỉ thấy sợ và ghét anh ta.
Trường gật đầu:
− Ghét thì còn hiểu được, nhưng tại sao sợ? Và sợ đến mức trốn như vậy, chắc anh ta có gì đó ghê gớm lắm?
Thùy Dương rất dữ và ngang ngược. Cái gì anh ta thích là quyết đoạt cho bằng được. Anh ta biết em không thích nên tìm mọi cách chiếm...
Nói đến đó cô ngừng lại, im bặt, đỏ bừng mặt xấu hổ. Cô muốn tìm cách nào đó nói tránh đi, nhưng không tìm được từ, thế là ngồi im lúng túng.
Trường hiểu ngay câu chuyện. Anh tế nhị nói qua chuyện khác:
− Chuyện đó xảy ra lâu chưa? Chẳng lẽ cô bé cứ chạy trốn hoài? Thật lạ, không ai bảo vệ cô à? Ba cô không có ý kiến gì sao?
Thùy Dương nhìn xuống tay mình, lắc đầu vô vọng:
− Ba em rất sợ dì, ba luôn muốn làm vui lòng dì. Còn dì thì rất chiều ý anh ta. Trong số những người cháu, dì thương anh ta nhất.
− Vậy à!
− Khi ba cưới dì, dì đưa anh ta về nhà nuôi cho đi học, nhưng anh ta chẳng học hành gì, chỉ thích chơi bời và bồ bịch. Không hiểu sao đột nhiên anh ta lại bảo yêu em. Em năn nỉ anh ta đừng quan tâm đến em, nhưng không thể được.
− Khi ai đó thích mình, thì chỉ có thể đáp lại hoặc từ chối, ngoài ra không thể bảo người ta quên mình được.
Thùy Dương nín lặng, vẻ mặt ủ dột. Hình như cô bị Quảng ám ảnh đến nỗi, chỉ cần nhắc tới tên anh ta, là cô bị khủng hoảng ngay.
Trường hỏi khéo:
− Nhà cô ở đây, tại sao cô phải trốn ra đó?
Thùy Dương phân vân một thoáng, rồi nói thật:
− Không phải chỉ lần này, mà đã nhiều lần rồi.
Trường nhướng mắt:
− Nhiều lần?
− Vâng, em gần như phải bỏ học vì chạy trốn anh ta. Giờ thì em không còn tâm trí để học nữa.
− Nghiêm trọng đến mức vậy sao?
− Em không thể ở trong nhà, vì anh ta cứ tìm cách lại gần em, muốn em cư xử như một người yêu, và xa hơn nữa, nhưng em không thể. Có lần anh ta đã nhốt em trong phòng, thật khủng khiếp.
Trường cau mặt:
− Đến mức như vậy lận sao?
− Vâng, anh ta rất ngang ngược. Dù là nhà mình, nhưng em không có chút tự do nào cả.
Trường gật đầu như hiểu, nhưng không nói gì, Thùy Dương nói tiếp:
− Ban đầu, em bỏ nhà đến ở nhà bạn em, nhưng anh ta tìm đến nhà đó. Em ngại phiền gia đình bạn em nên đến nhà cô, nhưng cứ mỗi lần em đi đâu là anh ta tìm đến la lối, giờ thì em không còn chỗ để đi nữa rồi.
Trường im lặng nhìn Thùy Dương. Càng nghe cô nói, anh càng hiểu hết hoàn cảnh của cô. Đó là cả một bi kịch, chứ không phải chỉ là chuyện từ chối tình cảm.
Anh cảm thấy bất mãn:
− Ba em không làm gì để bảo vệ em sao?
Thùy Dương lắc đầu:
− Chính ba còn khuyên em chịu anh ta, không ai có thể đứng ra giúp em được.
− Lạ thật! Tôi không thể hiểu nỗi, một người cha lại có thể gán con gái mình cho một người mà cô ta không thích.
− Ba bảo rằng sẽ không dễ có ai thương em được như anh ta. Gả em cho người thương yêu em là ba yên tâm nhất.
Trường lắc đầu ngán ngẩm giùm Thùy Dương:
− Người lớn có suy nghĩ của người lớn mà.
Anh im lặng một lát, rồi lên tiếng:
− Em không nghĩ được cách gì để tự bảo vệ mình sao? Không lẽ cứ trốn hoài à? Có thể trốn được suốt đời sao? Em còn phải lo tương lai của em nữa chứ.
Thùy Dương lắc đầu:
− Em chỉ có thể hy vọng đến lúc nào đó anh ta thích người khác, và buông tha em.
Trường khoát tay phản đối:
− Cách đó thụ động quá, em phải mạnh mẽ lên. Phải để cho anh ta thấy em có bản lĩnh, chứ không phải chỉ là cô bé nhút nhát.
Thùy Dương mở to mắt như suy nghĩ, nhưng rồi lắc đầu:
− Em không biết làm sao để anh ta sợ cả.
Trường lặng thinh, đến lượt anh thấy bối rồi. Hôm nay anh vô tình tham gia khá sâu vào chuyện rắc rối của một cô gái lạ. Bây giờ đứng ra giúp cô bé thì không được, và cũng không thể. Còn bỏ mặc cô ta thì càng không. Anh là người thế nào mà có thể quăng một cô bé yếu đuối ra khỏi nhà mình, dù cô ta là người lạ.
Hình như đoán được ý nghĩ của anh, Thùy Dương rụt rè:
− Em không làm phiền anh đâu. Sáng nay, gấp quá nên em liều lĩnh lên xe anh. Lúc đó em không định về nhà, nhưng giờ thì em sẽ về, giờ này anh Quảng chưa về nhà đâu.
− Vậy rồi sau đó? Sau đó thì sao?
Thùy Dương im lặng. Chính cô cũng không biết sau đó cô sẽ làm thế nào. Nhưng chuyện trước mắt là cô cần tiền và một nơi ở.
Thấy cô không nói được, Trường lên tiếng:
− Tạm thời cô cứ ở lại đây. Ở đây an toàn lắm, anh ta không tìm được cô đâu.
Thùy Dương lắc đầu:
− Làm sao anh phải chịu phiền vì một người lạ như em chứ.
− Đối với tôi, chuyện đó không quan trọng. Cứ yên tâm ở lại, sau đó tôi sẽ tìm cách giúp cô bé.
Thùy Dương khoát tay:
− Ồ không! Em không thể làm phiền người khác mãi được đâu.
Trường khoanh tay trước ngực, trầm tĩnh:
− Nếu bây giờ gặp anh ta ở nhà, anh ta có thể dùng bạo lực với cô, chẳng hạn nhốt trong phòng như lần đó, cô sẽ làm thế nào đây?
Thùy Dương hơi do dự, nhưng rồi lại lắc đầu cương quyết:
− Em không tin anh ta trở về vào lúc này.
Cô đứng lên, nhìn Trường một cách tin cậy:
− Em cám ơn anh rất nhiều. Bây giờ em về nhà. Nếu có dịp, em sẽ tìm cách trả ơn anh.
Trường bật cười, rồi khoát tay:
− Đừng nghĩ xa xôi như vậy, cũng không có gì phải cám ơn cả. Nhưng tôi khuyên cô bé, tạm thời cứ nghĩ ở lại đây, tôi bảo đảm cô sẽ được an toàn.
Thùy Dương cười nhẹ:
− Em tin anh lắm, nhưng lại không thể làm phiền anh. Em đi nha!
Thấy Thùy Dương có vẻ cương quyết, Trường không giữ lại nữa. Anh sợ cô bé quay ra hiểu lầm mình. Và anh đưa tấm danh thiếp cho cô:
− Khi nào cần cô bé cứ gọi cho tôi, đừng sợ làm phiền tôi, chắc chắn tôi sẽ không bỏ mặc khi em gọi đâu.
− Em biết. Cám ơn anh.
Trường đứng lên đưa Thùy Dương ra sân. Anh đề nghị:
− Lên xe đi, tôi đưa cô bé về.
Thấy Thùy Dương định từ chối, anh nói cứng rắn:
− Không được ngại tôi, lên xe đi.
− Vâng.
Thùy Dương ngồi vào xe, cô có vẻ bất ổn bồn chồn, dù chẳng nói gì. Trường liếc nhìn...
Thùy Dương ngồi vào xe, cô có vẻ bất ổn bồn chồn, dù chẳng nói gì. Trường liếc nhìn vẻ mặt căng thẳng của cô, anh thấy tội nghiệp. Nhưng biết bây giờ không giúp gì được cho cô, anh chỉ nói ngắn gọn:
− Có chuyện gì xảy ra thì cứ gọi điện cho tôi, tôi sẽ giúp cô bé.
Anh ngừng lại một chút, rồi nói thêm:
− Tất nhiên là trong khả năng của tôi.
Thùy Dương nói thật lòng:
− Em cám ơn anh nhiều lắm. Anh tốt quá.
Trường nhún vai:
− Không có gì.
Thùy Dương nhìn tới phía trước, rồi quay lại Trường:
− Tới nhà em rồi, nhà có cổng màu xanh ấy.
Trường ngừng lại. Việc đầu tiên của anh là nhìn vào trong quan sát. Đó là ngôi biệt thự yên tĩnh nằm lẫn giữa cây xanh. Đúng như anh nghĩ, Thùy Dương là một tiểu thư thực sự. Một cô bé lớn lên trong môi trường thế này mà gặp phải sóng gió thì tội quá.
Thùy Dương bước xuống đường, vẻ mặt như vô cùng tiếc nuối. Cô buồn buồn:
− Ước gì em được gặp lại anh lần nữa, nhưng vui vẻ chứ không phải làm phiền anh.
− Cô bé có thể tìm tôi bất cứ lúc nào mà. Thôi nhé! Hẹn gặp lại.
− Vâng.
Thùy Dương quay lưng đi tới phía cổng, cô bấm chuông mà đầu cứ ngoái lại nhìn Trường, cho đến khi chiếc xe mất hút ở cuối đường.
Dì Thuận là người mở cổng. Hình như đã biết chuyện sáng nay, nên bà nhìn Thùy Dương với vẻ phật lòng:
− Rốt cuộc con cũng trở về à?
− Ba con có nhà không dì?
− Khuya nay mới về! Ông ấy gọi điện bảo con ra sân bay đón đó, đừng có bỏ nhà đi lung tung nữa.
Thùy Dương thở dài đi vào nhà. Nghe cách nói của dì, chắc người lạ sẽ nghĩ cô hư hỏng lắm. Dì dùng cách đó để nói về cô trước mặt ba, bảo sao ba không nhìn cô một cách lệch lạc.
Sống trong nhà, ngoài Quảng là người ám ảnh cuộc đời, dì Thuận là nhân vật thứ hai làm cho cô ghét khổ sở.
Mà chỉ một người áp bức cũng đủ làm cuộc sống nặng nề thêm, trong nhà lại có đến hai người bảo cô chịu đựng sao nổi.
Thùy Dương lẳng lặng đi lên phòng. Cô ngồi xuống giường, bấm số máy gọi ra cô Ba. Nhận ra giọng cô, cô Ba thở phào một tiếng nghe rõ mồn một:
− Sao con về mà không nói với cô? Từ sáng giờ cô không biết con ở đâu mà gọi. Điện thoại của con còn ở đây nè.
Thùy Dương thở dài:
− Con xin lỗi cô, vì sáng nay gặp anh ta ngoài biển, con đã chạy trốn anh ta, và quá giang xe về thành phố, anh ta còn ở đó không cô?
− Nó đi rồi. Có thể về nhà con đó.
− Chắc anh ta quậy cô lắm phải không?
Giọng cô Ba giận dữ:
− Thằng mất dạy, nó doa. nếu cô còn chứa con, nó sẽ phá nhà cô. Một thằng như vậy mà ba con còn muốn gã con cho nó, cô sẽ không im lặng đâu.
Thùy Dương nói nhỏ:
− Cô đừng tức nữa, mà cô cũng không can được ba con đâu. Mai mốt con sẽ không đến ở nhà cô, con không muốn anh ta quậy phá cả cô nữa.
Giọng cô Ba giận dữ:
− Thời buổi này mà có một thằng ngang ngược coi thường pháp luật như vậy à? Phải đi thưa nó, không lẽ không ai làm gì được nó sao?
Thùy Dương bặm môi, bắt đầu rớt nước mắt:
− Nếu nhờ tới pháp luật, sợ trước khi người ta xử thì con đã chết rồi, với một người ngang ngược thì tránh vẫn hay hơn là đối đầu cô ạ.
Chợt thấy dì Thuận đi vào, cô nói nhanh:
− Để hôm nào con gọi lại cô nhé, con cúp máy đây.
Thùy Dương vội vã gác máy, quẹt nhanh nước mắt. Nhưng cử chỉ của cô không thoát khỏi mắt dì Thuận. Bà đến ngồi xuống phía cuối giường, vẻ mặt phật ý:
− Mấy hôm nay con đi đâu vậy?
− Con đến nhà cô Ba chơi.
− Đi chơi sao không nói một tiếng? Làm dì phải bảo thằng Quảng đi tìm con.
Bà cau mặt:
− Tại sao con làm như vậy? Thật coi thường nó quá mức, làm nó quê với người ta, con cư xử như nó là hủi không bằng.
Thùy Dương làm thinh. Cô đã quá kinh nghiệm, và chọn cách này để người khác không biết mình nghĩ gì. Vì nếu được nói, cô sẽ nói thẳng rằng cô ghê tởm, khinh ghét và coi thường Quảng. Chỉ cần thấy mặt anh ta ở xa cũng đủ làm cô kinh sợ, nói gì là đến gần.
Bà Thuận thừa biết ý nghĩ của Thùy Dương, nhưng vẫn làm như không hề có gì nghiêm trọng. Cái đêm Quảng xông vào phòng Thùy Dương, bà thấy hết. Và nghe cả tiếng kêu cứu của cô, nhưng vẫn làm như không hay. Đêm đó, chị bếp đã lên với Thùy Dương. Bà không tiện ra mặt trách chị ta nhưng bực bội rõ rệt. Đến nỗi chị ta chịu không nổi phải xin nghĩ việc.
Thấy Thùy Dương lặng thinh, bà nói tiếp:
− Nó đã lặn lội ra đó tìm con, chứng tỏ là thương con biết bao nhiêu, vậy mà lại cư xử như vậy.
" Nếu dì Thuận đã biết rồi, thì mình không còn gì để sợ nữa". Thùy Dương nghĩ thầm, nhưng vẫn tiếp tục im lặng.
Bà Thuận thấy ghét nhất cái cách im lìm bướng bỉnh của cô. Thùy Dương vốn dịu dàng, nhút nhát. Khi mới về nhà này, bà hoàn toàn không e dè cô. Và vì cô nàng quá hiền nên dần dần bà đâm ra lấn lướt.
Khi Quảng thích Thùy Dương và đòi cưới, bà cứ nghĩ chuyện đó dễ như cắm một đoá hoa vào chậu. Không ngờ cô nàng phản ứng rất quyết liệt, đến nỗi bà đâm ra khó xử với Quảng.
Nói mãi mà không nghe Thùy Dương trả lời, bà bực bội đứng dậy, bỏ đi ra ngoài.
Thùy Dương mệt mỏi nằm xuống giường. Mấy đêm ở nhà cô Ba, cô bị mất ngủ thường xuyên. Sáng nay ngủ thẳng giấc, cô tỉnh táo được một đôi chút, nhưng bây giờ cơn mệt mỏi lại xâm chiếm.
Thùy Dương khoá cửa phòng định ngủ một chút. Nhưng không yên tâm, cô cứ chập chờn âu lo và phập phồng. Cuối cùng cô ngồi hẳn lên, bước qua tủ sọan vài bộ đồ.
Vừa xếp chiếc áo, cô vừa quẹt nước mắt. Cuộc sống lưu vong này rồi kéo dài đến bao giờ? Ước gì có thể đi làm để không phải dựa vào gia đình, đi đâu đó thật xa để trốn chạy.
Buổi tối, Thùy Dương đi qua phòng bà Thuận, cô thò đầu qua cửa hỏi vọng vào:
− Ba con nói chuyến bay mấy giờ hả dì?
− Khoảng mười một giờ ra đó là vừa. Tối nay dì có ngủ quên thì nhớ gọi dì nghe.
Thùy Dương dạ một tiếng rồi lập tức trở về phòng. Cô không thích ở lại rồi phải nói chuyện với dì Thuận, dù là một câu.
Cô trở về phòng, cẩn thận khoá cửa lại, quyết định sẽ thức đợi giờ ra sân bây.
Chợt nhớ tới Quảng, Thùy Dương đâm ra run rẩy cả người. Sáng nay anh ta đã gọi điện cho dì Thuận, có nghĩa là anh ta biết cô đang ở đây. Lẽ nào anh ta không về?
Tại sao anh ta vắng mặt một cách đáng ngại như vậy? Có khi nào dì Thuận cố ý...
Thùy Dương bồn chồn đi tới đi lui trong phòng. Nhưng cô cố trấn áp nỗi sợ. Tối nay có ba cô ở nhà, nhất định Quảng không dám làm gì cô. Dù muốn dù không thì cô cũng phải ở lại đón ba, rồi sau đó sẽ tính sau.
Thùy Dương ngước nhìn đồng hồ. Còn những một tiếng. Nhưng cô chờ không nổi, cô bước xuống giường, định thay đồ đi trước, thì cánh cửa bật mở, rồi Quảng hiện ra, anh ta thoắt nhanh vào phòng, dáng điệu đầy vẻ sinh sự.
Thùy Dương sợ đến tắc nghẽn cả cổ. Không kêu lên được một tiếng. Cô lùi lại sát tường, mở to mắt nhìn anh ta, khiếp đảm như nhìn thấy thần chết.
Quảng lừ đừ bước lại gần cô, giọng cáu kỉnh:
− Lúc sáng em làm như anh là tên giết người không bằng. Tại sao em bỏ chạy kiểu đó, định làm xấu mặt anh hả?
Giọng Thùy Dương khàn đi vì sợ.
− Giờ này khuya rồi, không được vào phòng tôi. Ra mau!
− Anh phải hỏi tội em, cái thằng đi với em lúc sáng là ai, nói mau!
− Anh không có quyền gì chất vấn tôi.
Quảng lắc tay cô một cái:
− Thằng đó là bồ em phải không? Anh sẽ giết nó.
Thùy Dương kinh sợ nhìn Quảng:
− Anh không là gì của tôi cả, lấy quyền gì gây hấn với người ta?
− Trước sau gì em cũng là vợ anh, em mà cư xử với anh kiểu này hoài thì đừng trách anh bạo lực.
Vừa nói, Quảng vừa ghì Thùy Dương vào người. Cô lập tức đẩy ra:
− Buông ra, tôi ghê tởm anh lắm!
− Cũng chẳng sao, nếu em càng quyết liệt thì anh càng phải ra tay thôi, thử xem em có thoát được không.
Hắn cúi xuống định tìm môi Thùy Dương nhưng cô lắc đầu cố tránh cho bằng được. Ghê tởm không để đâu cho hết. Cô vùng vẫy với tất cả sức lực để thoát ra.
Càng bị chống cự, Quảng càng trở nên thô bạo, hắn nghiến răng:
− Em phải thuộc về anh, có vậy em mới trở thành vợ anh được.
Thùy Dương cố sức đẩy Quảng ra. Một tay cô mò mẫm trên bàn tìm một thứ gì đó. Cô chợt chụp dược khung chặn giấy bằng sắt. Không còn thời gian gì để suy nghĩ, trong cơn hoảng sợ thoát thân, cô ném mạnh vào người Quảng với tất cả sự giận dữ.
Quảng buông phắt cô ra. Anh ta lảo đảo rồi ngã ụp xuống giường. Thùy Dương thoáng thấy tấm drap đỏ máu. Cô kinh hoàng đến run rẩy, và lao ra cửa, chạy như điên xuống dưới nhà.
Cô hối hả mở cửa phòng khách, rồi mở cổng, chạy quáng quàng trên vỉa hè. Đến khi không còn sức để bước đi, cô ngừng lại, lảo đảo tựa vào một góc cây để thở.
Một chiếc taxi trờ tới. Thấy xe, Thùy Dương như tỉnh người ra. Cô vẫy lại, nói nhanh địa chỉ với người tài xế. Trước khi xe chạy, cô còn ngoáy lại phía sau như sợ bị đuổi theo.
Mười một giờ đêm, Thùy Dương đứng trước cổng nhà mà lúc sáng cô đã tới, run rẩy đưa tay bấm chuông. Mười phút sau, Trường hiện ra ở ban công, cúi người nhìn xuống đường. Thấy bóng dáng cô đứng gục đầu vào trụ xi măng, anh vội đi nhanh xuống sân.
Thùy Dương hiện ra trước mắt anh trong điệu bộ tả tơi. Còn thất thần hơn cả lúc sáng. Lúc sáng cô chỉ có vẻ hoảng sợ, còn bây giờ... gần như một người quá tuyệt vọng. Cô như không còn sức để nói lớn:
− Anh có thể cho em ở lại đây không?
Trường gật đầu, rồi nhìn ra đường. Thấy chiếc taxi còn đậu phía trước, anh định hỏi thì Thùy Dương lên tiếng:
− Anh trả tiền taxi giùm em, giờ em không có tiền, không có gì cả.
Trường mở rộng cửa:
− Cô bé vào nhà đi, cứ để đó tôi.
Thùy Dương đứng tựa vào gốc cây chờ Trường. Anh đóng cổng rồi tới đứng trước mặt cô:
− Cô bé lại có chuyện gì nữa phải không?
Thùy Dương nói với một vẻ hoảng loạn:
− Em đã làm chết anh ta rồi, anh ta cưỡng bức em, và em đã ném một cái gì đó vào người anh ta. Trời ơi! Em thấy anh ta gục xuống giường, thế là em chạy mà không biết mình phải làm gì nữa.
Ánh mắt Trường loé lên, sửng sốt. Anh nhìn Thùy Dương một cách kinh ngạc. Chính anh cũng bối rối không biết phải làm gì.
Phản ứng của Trường làm Thùy Dương càng thêm sợ hãi. Cô oà lên khóc:
− Anh có sợ bị liên luỵ không?
Trường lắc đầu, cố trấn tĩnh:
− Em vào nhà đi, muốn biết chuyện gì xảy ra với anh ta thì sáng nay sẽ tìm hiểu.
− Anh có sợ bị liên luỵ không?
− Cho dù có thế nào thì tôi cũng không đuổi em ra đường đâu. Em vào nhà đi!
Anh đưa Thùy Dương lên lầu, và mở cửa một căn phòng trống ngay sát bên phòng anh. Thấy Thùy Dương cứ đứng giữa phòng như không hiểu mình đang ở đâu, anh nói như trấn an:
− Đây là phòng của em, tạm thời cứ ở đây đêm nay, mọi việc sáng mai sẽ tính sau.
− Vâng.
Trường đẩy nhẹ cho Thùy Dương ngồi xuống ghế, rồi hỏi một cách quan tâm:
− Chuyện gì xảy ra với cô bé vậy?
Vừa hỏi, anh vừa đưa mắt nhìn xuống tay cô. Thùy Dương bám chặt tay vào thành ghế, những ngón tay run rẩy. Anh nhìn mặt cô. Rõ ràng là Thùy Dương đang bị khủng hoảng ghê gớm. Anh nói nhẹ nhàng:
− Chắc anh ta chỉ bị thương chút thôi. Em yếu đuối thế này, làm sao làm chết được một thanh niên mạnh mẽ như anh ta.
Giọng Thùy Dương run run:
− Nhưng em thấy anh ta ngã gục xuống giường em, em thấy cả máu chảy.
Trường gật đầu điềm tĩnh:
− Có thể anh ta chỉ bị ngất do chấn thương, một người như anh ta không dễ chết đâu. Nhưng có chuyện gì vậy?
Thùy Dương cố trấn tĩnh để kể, nhưng giọng cứ đứt quãng, lộn xộn:
− Em đã hiểu ý định của dì Thuận, bà ấy gạt em, để em phải ở nhà chờ ba, nhưng em biết chắc là ba em không về.
Trường không hiểu rõ lắm, nhưng cũng đoán được lờ mờ câu chuyện, anh gật đầu:
− Rồi sao nữa?
− Mãi đến khi anh ta xông vào phòng em, em mới hiểu ra, nhưng không làm sao tránh được. Em không hiểu làm cách nào anh ta có thể vào phòng, dù em đã khoá cửa rất kỹ.
− Có thể anh ta có chìa khoá riêng.
Giọng Thùy Dương phẫn nộ:
− Rõ ràng dì Thuận cố ý giúp anh ta.
Trường có vẻ quan tâm khía cạnh khác:
− Sau đó thế nào? Có phải anh ta ức hiếp em không?
Thùy Dương không còn lòng nào để xấu hổ nữa, cô nói một cách giận dữ:
− Anh ta muốn chiếm đoạt để em phải chịu làm vợ anh ta. Em chưa từng ghê tởm ai như thế.
Trường hỏi tiếp:
− Và lúc chống cự, em đã làm anh ta bị thương?
Thùy Dương gật đầu mệt mỏi:
− Em đã làm như vậy. Lúc đó em chỉ muốn thoát thân, và không thể nghĩ tới hậu quả của nó.
Trường gật đầu:
− Ở vào trường hợp em, ai cũng nghĩ như vậy thôi.
Thùy Dương ngồi im, rồi chợt khóc nức nở:
− Nếu anh ta chết thì em phải làm sao đây? Em sợ lắm, em không muốn làm chết anh tạ.. Ôi! Em biết làm sao bây giờ đây? Cứu em với!
Trường lắc đầu:
− Em bình tĩnh lại đi, chưa có gì để khẳng định được cả.
− Nhưng nếu nhự..
Trường khoát tay:
− Bây giờ hay nhất là em ngủ một giấc đến sáng. Sau đó tỉnh táo lại, em sẽ thấy mọi chuyện đơn giản hơn rất nhiều.
Thùy Dương mở to mắt, im lặng. Lúc này mà Trường bảo cô ngủ? Anh có hiểu hết tình cảnh của cô không?
Nhưng cô còn đủ sáng suốt để biết dừng lại. Không muốn làm phiền nhiều, cô nói khẽ:
− Xin lỗi, anh đi ngủ đi, em không làm phiền anh nữa.
Trường khoát tay:
− Tôi thì không phiền gì, nhưng cô bé nên ngủ để lấy sức, không nên suy sụp quá như thế.
Anh nói thêm để trấn an cô:
− Ngày mai tôi sẽ đến nhà cô xem tình hình thế nào. Cứ yên tâm đi!
Thùy Dương thở dài:
− Vâng.
Trường đi ra rồi. Cô bước qua giường, ngồi gục đầu xuống gối, tâm trí ngập chìm trong hoảng loạn không lối thoát. Nghĩ đến việc mình có thể làm một người, cô cũng đủ rùng mình, huống gì mình có thể làm chết một ai đó.
Chỉ một ý nghĩ đó cũng đủ làm cô muốn phát điên.
Thùy Dương không biết mình đã ngồi như vậy bao lâu. Đến lúc nghe tiếng gõ cữa thật mạnh, cô giật bắn mình ngẩng phắt lên. Trong một phút, cô không hiểu mình đang ở đâu. Đến lúc tiếng Trường vọng vào cô mới trở lại thực tế.
Giọng anh khá lớn, nhưng có vẻ nhẹ nhàng:
− Mở cửa đi Thùy Dương!
Thùy Dương bước ra mở cửa. Cô thấy Trường cầm ly nước và viên thuốc. Cô ngơ ngác định hỏi thì anh lên tiếng:
− Đây là thuốc an thần, nó sẽ giúp cô bé ngủ được.
Trường mĩm cười:
− Không có gì nghiêm trọng lắm đâu, ngủ đi nhé!
Anh khép cửa lại cho cô, rồi đi về phòng mình.
Thùy Dương uống thuốc xong, cô lên giường nằm, chong mắt nhìn lên trần nhà. Cho đến khi thuốc ngấm, đưa cô vào giấc ngủ từ từ nhưng đầy mộng mị.
Sáng hôm sau Thùy Dương dậy rất muộn. Cô mở mắt nhìn ra phía cửa sổ. Ánh nằng làm cô chói mắt, ý thức dần dần khôi phục. Cô thấy ngực phập phồng, và chống tay gượng ngồi lên.
Thùy Dương bước xuống giường. Bây giờ mới thấy một cô gái đang ở trong phòng. Cô ta ngồi quay mặt ra cửa sổ, đang đọc sách nhưng có vẻ lơ đãng. Thỉnh thoảng, cô đưa mắt nhìn qua giường.
Thùy Dương ngồi im ngó cô gái. Đó là một thiếu nữ gầy gò mảnh mai, mái tóc đổ dài xuống lưng. Cô mặc chiếc đầm trắng, đôi vai gầy nhô lên dưới lớp áo. Nhìn cô ta, tự nhiên Thùy Dương liên tưởng đến nhân vật Hàn Ni trong tiểu thuyết mà cô đã xem. Trông cô thật thanh tú, trong suốt.
Thùy Dương biết chắc đó là chủ nhà. Nhưng cô chưa biết giải thích thích thế nào về sự có của mình, nên cứ phân vân chưa lên tiếng.
Cô gái chợt quay lại. Thấy Thùy Dương đã thức, cô mỉm cười làm quen. Giọng cô rất ngọt:
− Ngủ ngon không em?
− Dạ ngon. Xin lỗi, chị là...
Cô gái buông tờ báo xuống, bước qua ngồi gần Thùy Dương, nhìn cô như quan sát:
− Đừng ngại, anh Trường bảo chị đến đây chơi với em. Anh ấy có việc phải đi từ sớm rồi.
− Dạ.
− Anh Trường kể chuyện của em với chị rồi. Tội nghiệp em thật, vướng vào chuyện như vậy, khổ cả đời.
Thùy Dương không biết nói gì, cô nhìn xuống tay mình, lặng lẽ thở dài.
Cô gái nói như giới thiệu:
− Chị tên Oanh, Kiều Oanh.
− Dạ, chị Oanh. Còn em tên Thùy Dương.
Kiều Oanh gật đầu:
− Chị biết rồi, anh Trường nói.
Cô ngừng lại nhìn Thùy Dương hơi lâu, rồi nhận xét:
− Tên em giống như người vậy.
− Dạ.
Kiều Oanh đứng lên:
− Chị xuống chuẩn bị bữa sáng, em xuống sau nhé. Toa-lét cạnh phòng em đấy.
− Vâng.
Thùy Dương rửa mặt, chải lại tóc cho gọn, rồi đi xuống nhà. Cô còn đứng phân vân thì tiếng Kiều Oanh vọng ra:
− Chị Ở đây, vào đây đi Dương!
Thùy Dương đi vào bếp. Kiều Oanh đang loay hoay pha sữa. Trên bàn đã có sẵn bánh mì và thịt nguội. Thùy Dương nhìn lướt qua, rồi lên tiếng:
− Chị để em làm cho.
− Thôi, chị xong rồi.
Kiều Oanh kéo Thùy Dương ngồi xuống bên cạnh, đẩy dĩa thịt về phía cô:
− Sáng giờ chị chờ em cùng ăn cho vui, ăn đi nhỏ.
Phong cách dịu dàng và thân mật của cô khiến Thùy Dương thấy dễ chịu rất nhiều. Cô ngồi xuống, chậm rãi xé bánh mì cho vào miệng. Kiều Oanh không ăn mà cứ nhìn cô, rồi mỉm cười:
− Em mảnh mai, yểu điệu nhưng trông khoẻ mạnh. Em có làn da đẹp lắm.
Thùy Dương ngước lên, nhìn Kiều Oanh hơi lâu, rồi ngập ngừng:
− Sao chị lại để ý chuyện đó ạ? Em thấy em cũng bình thường, rất nhiều người như vậy, chị cũng vậy.
Kiều Oanh hỏi với vẻ chăm chú:
− Em thấy chị bình thường lắm à? Có thật là vậy không?
Thùy Dương hơi lạ, nhưng cũng gật đầu:
− Chị chẳng có gì khác lạ cả.
Kiều Oanh vẽ ngón tay lên bàn. Thùy Dương tò mò nhìn xuống bàn tay cô quan sát. Vì Kiều Oanh có vẻ chăm chút đến vẻ ngoài của mình, nên cô phải tò mò. Cô thấy chưa ai có bàn tay mảnh mai gầy guộc như thế. Nó trắng xanh, đến thấy cả những đường gân nhỏ... nhưng như vậy thì có gì bất thường đâu.
Kiều Oanh chợt ngước lên, giọng nhỏ nhẹ:
− Dương nói vậy chị cũng mừng, có nghĩa là chị cũng có bề ngoài bình thường.
− Vâng, rất bình thường.
− Chắc tại ánh sáng trong nhà nên Dương không thấy, chứ thật ra mặt chị rất xanh, khi ra ngoài chị luôn phải đánh phấn hồng.
Thùy Dương hỏi lạ lùng:
− Sao vậy à?
− Chị bị bệnh tim, nặng lắm, cũng không biết còn mất lúc nào.
− Sao kia?
Thùy Dương thốt lên một cách kinh ngạc. Một người có thể nói chuyện sống chết như bàn chuyện thời trang, thật là lạ lùng. Và cô không không hay mình cứ mở lớn mắt nhìn Kiều Oanh.
Cử chỉ của cô làm Kiều Oanh lại cười:
− Em không tin phải không?
Thùy Dương lắc đầu:
− Một người bệnh nặng mà có thể bình thường như vậy sao? Em cứ nghĩ...
Nhận ra mình ăn nói vô duyên, cô lập tức nín bặt. Nhưng Kiều Oanh nói tiếp:
− Em nghĩ bệnh sắp chết là phải nằm liệt giường phải không?
Thùy Dương lúng túng:
− Xin lỗi, em không cố ý nói như vậy.
Kiều Oanh cười nhẹ:
− Có gì đâu em, nhiều người cũng nghĩ như em thôi.
Thùy Dương ngước lên nhìn với vẻ thắc mắc:
− Có phải chị là bạn gái anh Trường không ạ?
− Ừ.
− Chắc chị là người duy nhất chia sẻ với anh ấy mọi chuyện.
− Gần như vậy.
Thùy Dương rụt rè:
− Em đến đây có làm phiền chị không ạ?
Kiều Oanh lắc đầu:
− Không đâu nhỏ, đừng nghỉ vậy. Chuyện của em ai nghe lại không động lòng. Anh Trường tốt lắm, em có thể tin cậy anh ấy đó.
Kiều Oanh chợt nói qua chuyện khác:
− Em chắc con đi học hả Dương?
− Vâng, em học ở nhạc viện, chưa ra trường chị ạ.
− Em đúng là dân nhạc viện, nhìn em rất thanh tao.
Thùy Dương ngập ngừng:
− Em thấy chị cũng vậy, chị làm em liên tưởng đến một nhân vật...
Kiều Oanh ngắt lời:
− Hàn Ni phải không? Nhiều người cũng nói với chị như vậy.
Cô khẽ thở dài:
− Nhiều lúc chị có cảm tưởng mình có số phận giống như vậy. Chị cũng bệnh tim từ nhỏ như nhân vật đó, cũng bỏ học giữa chừng và tách rời thế giới bên ngoài. Không biết rồi chị có chết như cô tạ..
Thùy Dương mở to mắt, khẽ rùng mình:
− Không thể nào có hai số phận giống nhau như vậy, không thể nào.
Kiều Oanh chống cằm nhìn xuống bàn, đăm chiêu:
− Chị bị ám ảnh điều đó mãi. Mà nếu không chết thì chị cũng không thể đem hạnh phúc tới cho anh Trường được, không thể nào có một gia đình được.
Thùy Dương ngồi im suy nghĩ, rồi tư lự:
− Anh Trường biết chị như vậy mà vẫn không chia tay, có nghĩa là yêu thương chị hết lòng.
− Anh ấy lúc nào cũng nâng niu chị, nhẹ nhàng với chị, nhưng điều đó làm chị ray rứt thêm. Chị muốn anh ấy gặp và yêu thương một người khác.
Thùy Dương mỉm cười:
− Tình yêu thì không thể khuyên được đâu.
Kiều Oanh ngước cặp mắt đẹp nhưng buồn bả, nhìn xa xăm:
− Chị có người bạn rất dễ thương, chị muốn anh Trường lập gia đình với nó, như vậy mới có hạnh phúc.
Thùy Dương lạ lùng:
− Không ai nhường người yêu cho người khác bao giờ, chị làm thế là xúc phạm anh Trường, thật đấy.
Kiều Oanh chợt nói qua chuyện khác:
− Ngày trước chị cũng thích học piano như em, cho nên biết em theo học nhạc viện, chị thích lắm.
Thùy Dương thở dài:
− Nhưng giờ thì em nghĩ rồi chị à.
Kiều Oanh nói với vẻ thông cảm:
− Bị săn đuổi như vậy, khổ quá phải không? Được người ta yêu tưởng như là phúc, nhưng có trường hợp đó là hoạ. Vậy rồi em sẽ sống thế nào đây?
− Hôm qua anh Trường có hỏi như vậy, em cũng không biết em sẽ thế nào nữa. Cách đây hai năm, em mơ ước lên cao học, nhưng bây giờ chỉ muốn được yên ổn mà thôi.
− Vì một người đàn ông mà phải chịu từ bỏ mơ ước của mình, tiếc thật. Chị nghĩ người đó chắc thô lỗ lắm, đến mức em ghê sợ chạy trốn.
Thùy Dương cười nhẹ:
− Dùng từ thô lỗ là còn rất nhẹ chị ạ. Anh ta không hề biết tự trọng.
Kiều Oanh chưa kịp nói thì nghe tiếng xe ngoài sân. Cô nhìn ra:
− Anh Trường về đó.
Thấy Thùy Dương định đứng lên, Kiều Oanh cản lại:
− Em cứ ăn cho xong đi.
− Dạ.
Lúc đó Trường đi vào. Anh nhìn hai người một cách ngạc nhiên:
− Hai cô đang ăn sáng à?
Kiều Oanh mỉm cười dịu dàng:
− Thùy Dương dậy trể quá nên em chờ cho vui. Anh uống cà phê nghe.
Trường khoát tay:
− Không, anh vừa ghé quán cà phê xong.
Anh cúi xuống vịn vai Kiều Oanh, giọng nhẹ nhàng như nói với một đứa trẻ:
− Sáng nay em có mệt không? Em ăn được nhiều không?
− Nhiều lắm, có Thùy Dương cũng vui, nên em ăn hết cả phần ăn bằng của Thùy Dương.
Trường vuốt tóc cô:
− Ráng ăn nhiều thêm đi, hôm nay, nhìn em có vẻ hồng hào lên rất nhiều.
Kiều Oanh mỉm cười:
− Nhờ Thùy Dương mà em có bạn, em vui lắm.
Thùy Dương hơi ngạc nhiên nhìn hai người. Lạ thật, Trường nói chuyện với Kiều Oanh bằng giọng ngọt ngào, như nói với đứa bé. Không biết những người yêu nhau thì dùng cách nói ngọt ngào như vậy, hay là chỉ có hai người này?
Anh quay qua Thùy Dương:
− Người mà em sợ chết không có nghiêm trọng đâu, anh ta chỉ bị thương nhẹ thôi. Sáng nay anh đã thấy anh ta đi ra ngoài. Có thể yên tâm nhé!
Thùy Dương tưởng như trút được một tảng đá đè nặng lên ngực. Bất giác, cô chấp tay trước ngực:
− Lạy chúa, người đã cứu con.
Trường và Kiều Oanh đưa mắt nhìn nhau. Kiều Oanh nói như nhắc nhở:
− Nhưng giờ thì em không thể trở về nữa bé ạ. Anh ta sẽ càng hung bạo với em hơn.
Thùy Dương chấp chới mắt nhìn xuống:
− Em biết. Em đã chuẩn bị tinh thần rồi.
Trường điềm đạm:
− Nếu không thể trở về nhà thì em phải trốn hẳn. Nếu vậy thì em phải sống tự lập cô bé ạ.
− Em rất muốn, nhưng em chẳng biết làm gì cả. Nếu như có việc gì kiếm được tiền, thì cái gì em cũng làm hết.
Trường nhìn cô chăm chú:
− Hôm qua tôi quên hỏi, em bảo đang đi học nhưng học ngành nào?
Kiều Oanh lên tiếng:
− Dương học nhạc, không thể làm những việc nặng nhọc đâu anh.
Trường gật đầu:
− Nhìn cô bé là anh biết, Dương không thể làm việc nặng nhọc được đâu. Nhưng anh không biết cô bé thích hợp việc gì. Em có biết đàn hát gì không Dương?
− Em biết đàn piano, hát thì cũng biết, nhưng không thể làm ca sĩ.
Cô ngập ngừng một lát, rồi nói dè dặt:
− Anh có thể tìm giúp em một việc không ạ? Nếu là công ty thì em sẽ làm tạp vụ, hoặc tiếp viên cho một quán cà phê nào đó.
Kiều Oanh lắc đầu phản đối:
− Trời ơi! Em không thể làm những việc đó được đâu.
Trường cũng cười nói:
− Một tiểu thư như em không thích hợp với những việc đó đâu.
Thùy Dương lắc đầu:
− Em gặp hoàn cảnh này rồi, không thể sống như ngày trước nữa đâu, em chấp nhận tất cả, miễn là tự lập được.
Trường suy nghĩ một lát, rồi khoác tay:
− Tạm thời em cứ nghĩ ngơi, sau đó tôi sẽ tìm việc làm cho em.
Kiều Oanh vịn nhẹ lên vai Thùy Dương:
− Chị với anh Trường đã bàn rồi, Dương sẽ đến ở với chị cho vui, như vậy em sẽ tự nhiên hơn. Nhà chị chỉ có hai mẹ con, mẹ chị thoải mái lắm, em không phải ngại.
Thùy Dương nhìn Kiều Oanh một cách biết ơn, rồi thở dài một mình. Chỉ mới cách đây một ngày, cô còn chưa biết mình sẽ ở đâu. Cũng không hình dung nổi mình sẽ nhờ một người xa lạ.
Vậy mà chẳng những chỉ nhờ, cô còn gần như dựa hẳn vào người ta.
Chuyện đưa đẩy như một giấc mơ, khiến cô không thể không bàng hoàng.
Thùy Dương ngồi trước máy tính, vẻ mặt đầy căng thẳng. Dù đã cố nhớ những thao tác Trường chỉ, cô vẫn không nhớ nổi tất cả. Một tuần nay tập làm quen với bàn phím mà vẫn không nhớ nổi mặt chữ. Cô thấy mình tệ và ngu dốt không để đâu cho hết. Tại sao cô nhớ những phím nhạc trên đàn dương cầm quá dễ dàng, mà lại không nhớ nổi vị trí những chữ số trên bàn phím, dù nó hiện ra sờ sờ ngay trước mắt. Cả tuần rồi mà vẫn không nhớ nỗi các thao tác sử dụng máy. Cô biết nói với Trường thế nào đây?
Thùy Dương buồn rầu nhìn màn hình. Đầu óc nhớ mông lung về những buổi học nhạc, những buổi chiều một mình trong phòng, căn phòng ngập đầy tiếng dương cầm. Những dòng nhạc chảy tràn ra từ những phím nhạc. Cô tự bằng lòng với âm thanh mình tạo ra, ngây ngất với nó. Lúc đó sao cuộc đời sung sướng quá.
Thùy Dương không để ý Trường đang ngưng công việc ở phía bàn vuông góc. Anh mi lặng quan sát Thùy Dương. Thấy cô vẫn không dứt ra khỏi trạng thái bất động, anh đành phải lên tiếng:
− Em chán công việc này lắm phải không?
Thùy Dương giật bắn mình, cô quay phắt lại. Bắt gặp cái nhìn không hài lòng của Trường, cô chuyển từ tâm lý hoảng sợ sang xấu hổ. Mặt cô đỏ bừng lên, nói nhỏ gần như không nghe được:
− Em xin lỗi, em sẽ học đây.
Cô ngồi thẳng lên, môi bặm lại, tay nhấp chuột vào chữ W. Nhưng cô chỉ mở được word rồi sau đó không biết làm gì tiếp theo. Bị cặp mắt của Trường giám sát, cô cúi xuống, căng thẳng nhớ xem mình phải làm gì tiếp theo. Trong tâm lý bị ức chế tột cùng đó, nhìn cô khổ sở như con mèo bị trói trong chiếc hộp.
Trường im lặng suy nghĩ một lát, rồi lên tiếng:
− Em không học nổi phải không? Em thấy nó khô khan quá phải không?
Thùy Dương vẫn cúi gằm mặt mình xuống bàn phím:
− Xin lỗi, em sẽ cố gắng.
Trường chợt đứng dậy, bước qua bàn cô. Anh tựa vào cạnh bàn, nhìn vào màn hình. Thấy những chữ số loạn xạ trong đó, anh khẽ lắc đầu:
− Có lẽ tôi đã bắt em làm một việc không phù hợp với em, mà cái gì không thíc thì người ta khó tiếp thu lắm.
Thùy Dương nhắc lại một cách máy móc:
− Em xin lỗi.
Trường lại lắc đầu:
− Em cứ nói xin lỗi hoài, nhìn em khổ sở quá.
Anh cúi xuống tắt máy, rồi quay qua nhìn Thùy Dương, nói như quyết định:
− Em nên chấm dứt công việc này. Càng bắt mình cố gắng em càng rối thôi.
Thùy Dương ngước lên, vẻ mặt buồng bả:
− Em làm anh thất vọng lắm phải không? Thú thật là em không học nổi môn này, em đã ráng hết sức, nhưng vẫn không sao nhớ được.
Cô rưng rưng nước mắt:
− Đến giờ em mới biết mình kém thông minh.
Trường nói nhẹ nhàng:
− Có lẽ tôi đã sai, cô bé không nên mặc cảm như vậy.
Anh khoát tay, nói dứt khoát:
− Cái gì không làm được thì nên chấm dứt ngay, để kéo dài chỉ làm em mệt thêm, mà cũng không ích lợi gì cả.
− Em xin lỗi.
− Lẽ ra người xin lỗi phải là tôi.
Anh hơi nhún vai như tự không bằng lòng mình:
− Muốn giúp cô bé việc gì thì cũng phải biết tùy sức cô bé. Có lẽ tính tôi hơi độc đoán, cho tôi xin lỗi vậy.
Thùy Dương định nói thì anh chận lại:
− Em cứ mạnh dạn bỏ việc này, tôi sẽ cố gắng tìm việc khác cho em.
Thùy Dương nói nhỏ:
− Em lại làm anh với chị Oanh thất vọng nữa phải không? Lát nữa về em không biết nói thế nào với chị ấy. Có lẽ em...
Trường ngắt lời:
− Oanh không thất vọng như em nghĩ đâu, cô ấy biết trước nữa kìa. Cô ấy đã cản nhưng tôi không nghe. Có lẽ tôi cứng nhắc thật.
Thùy Dương nói khẽ:
− Anh không cứng nhắc đâu, tại em không thông minh thôi.
Trường mỉm cười:
− Tôi không cho như vậy là kém thông mình, người ta có thể giỏi lĩnh vực này, nhưng không thể tiếp thu lĩnh vực khác. Kiều Oanh cũng giống cô bé vậy.
Thùy Dương giương mắt nhìn Trường:
− Giống em à?
Trường gật đầu:
− Cô ấy rất nhạy cảm với âm nhạc, nhưng kiến thức về khoa học thì hầu như không tiếp thu được.
− Vậy sao! Thật thú vị khi có người giống mình, thế mà em không biết. Như vậy em càng thích chị Oanh.
− Chính vì em có điểm giống Kiều Oanh, nên cô ấy thích em ngay khi nghe tôi kể về em.
Chợt có tiếng chuông reo, Trường bước qua nhấc máy nói chuyện. Một lát sau, anh quay qua Thùy Dương:
− Bây giờ tôi phải đi ra ngoài, em cũng nên về đi, ở lại em cũng không làm được việc gì đâu.
Thùy Dương không dám phản đối, cô dọn dẹp các thứ trên bàn rồi định đi ra thì Trường lên tiếng:
− Để tôi đưa cô bé về. Tôi phải ghé thăm Oanh một lát.
− Nhưng anh có hẹn kia mà.
Trường khoát tay:
− Cũng chưa tới giờ hẹn đâu.
Thùy Dương yên tâm theo Trường ra sân. Ngồi phía sau xe, cô chợt nhớ lần đầu gặp Trường ngoài bãi biển, cô thắc mắc:
− Lần đó anh Trường đi đâu vậy?
Hỏi tối nghĩa vậy mà Trường cũng hiểu, anh trả lời ngắn gọn:
− Đi công việc.
Im lặng một lát, anh nói thêm:
− Có lẽ cô bé gặp may. Buổi sáng đó tôi chưa định về, nhưng ở thành phố gọi ra bảo có việc gấp, thế là tôi phải bỏ dở công việc, hai hôm sau tôi lại trở ra đó.
− Anh lái xe rất giỏi. Nếu hôm đó anh không tránh thì chắc anh ta đã bị thương.
Nói xong, Thùy Dương im lặng. Nhắc tới Quảng là cô thấy cảm giác khó chịu lạ kỳ. Tự nhiên cô nhéo miệng mình một cái như tự phạt về cái tội nói năng hơ hỏng.
Như hiểu ý nghĩ của cô, Trường nói qua chuyện khác:
− Đêm qua Oanh ngủ được không?
− Dạ được, nhưng ít hơn hôm qua. Nữa đêm dậy em thấy chị ấy lăn qua lại và thở rất khó.
− Sáng nay cô ấy uống thuốc chưa?
− Dạ rồi. Dì Kiều bảo hôm nay sẽ cho chị ấy ăn gà hầm với thuốc bắc.
Trường nheo mắt đăm chiêu:
− Dương thấy Oanh có buồn không?
− Dạ, hình như buồn. Chị ấy cứ ngồi ngoài sân một mình, nhưng em hỏi thì bảo không có gì.
Lúc đó tới nhà nên Trường không hỏi nữa, anh thắng xe trước cổng. Thùy Dương bước tới mở cửa. Cô thấy Kiều Oanh ngồi trong sân, trong bộ đầm trắng, khuôn mặt cô có vẻ xanh xao hơn. Nhìn hình ảnh đó, tự nhiên Thùy Dương lại liên tưởng đến nhân vật Hàn Ni. Cô chưa thấy cô gái nào yếu đuối bệnh hoạn như thế. Nhưng trong vẻ yếu đuối đó, Kiều Oanh rất đẹp. Vẻ đẹp mỏng manh mà cô rất thích nhìn.
Trường đến ngồi xuống cạnh Kiều Oanh. Cũng như mỗi lần nói chuyện với cô, giọng anh trở nên ngọt lịm:
− Sao em không vào phòng nằm nghĩ, ngồi ngoài này gió lắm.
− Nằm trong phòng hoài buồn quá, em muốn ra đây chơi. Với lại, em muốn chờ Thùy Dương.
Thùy Dương lên tiếng:
− Rất may là hôm nay em về sớm. Mai mốt em không học vi tính nữa chị ạ.
Kiều Oanh cười nhẹ, như đoán ra:
− Em học không nổi phải không?
− Dạ.
Kiều Oanh quay qua Trường:
− Em nói trước rồi mà anh không tin. Chẳng lẽ em không hiểu Thùy Dương bằng anh sao.
Trường cười:
− Chắc anh hết dám chủ quan. Anh sẽ tìm việc khác giới thiệu với cô ấy.
Thùy Dương đứng dậy đi vào nhà, để hai người tự do nói chuyện. Cô vào phòng, vén màn nhìn ra sân. Kiều Oanh đang nép vào Trường. Dáng điệu thật nhỏ bé, yếu đuối.
Thùy Dương khép màn lại, đi vào thay đồ. Nhìn dáng ngồi vững chãi của Trường bên Kiều Oanh, cô bỗng ước ao mình có một người nào đó mạnh mẽ, một người che chở mình tránh khỏi bão táp cuộc đời. Một người có thể không sợ Quảng mà bảo vệ cô.
Nhưng người đó ở đâu? Giữa dòng đời tấp nập người, sao cô tìm hoài mà không thấy?
Cô nhìn quanh căn phòng. Vậy mà đã ở đây hai tháng. Không thể nào ngờ cuộc đời đưa đẩy cô vào sống trong một gia đình xa lạ, mà chỉ muốn coi đó là tổ ấm của mình.
Rồi một ngày nào đó cô cũng phải rời khỏi đây, đây đâu phải là ngôi nhà mà cô có thể sống vĩnh viễn.
Kiều Oanh chợt đẩy cửa đi vào:
− Nghĩ gì mà buồn vậy Dương?
Thùy Dương ngước lên, cười gượng:
− Em nghĩ đủ thứ chuyện chị ạ.
− Không học được công việc của anh Trường nên buồn phải không? Chẳng có gì buồn cả nhỏ ạ. Lỗi là của ảnh chứ đâu phải của em. Ảnh cứ nghĩ ai cũng như ảnh thôi.
Thùy Dương tư lự:
− Nhưng rồi em sẽ làm gì? Chẳng lẽ cứ phải thế này hoài. Ôi trời! Sống thế này em chịu không nổi chị ạ.
− Đừng ngại làm phiền chị. Dương không biết chứ có em làm bạn chị vui lắm.
Thùy Dương lặng lẽ gật đầu:
− Em hiểu, nhưng cuộc sống thế này hờ tạm quá. Em nhớ trường em, nhớ bạn, đủ thứ hết. Càng nghĩ, em càng ghét con người đó cùng tận.
Kiều Oanh bỗng thở mệt nhọc:
− Chị mệt quá.
Thùy Dương hốt hoảng:
− Chị có sao không?
Cô hối hả chạy ra ngoài gọi bà Kiều. Bà chạy nhanh vào phòng. Kiều Oanh đang nằm trên giường, thở một cách khó khăn. Bà Kiều kê thêm gối cho cô, rồi lấy thuốc cho cô uống. Mãi khá lâu mà hơi thở của cô vẫn chưa điều hoà lại.
Thùy Dương kéo tay bà Kiều, nói nhỏ:
− Con muốn nói chuyện với dì một chút ạ.
Cả hai đi ra ngoài, Thùy Dương nói một cách lo ngại:
− Con thấy chị ấy mệt quá, hay là đưa vào bệnh viện đi dì.
Bà Kiều gật đầu:
− Dì cũng định như vậy, hôm qua thấy nó mệt dì muốn đi nhưng cứ do dự. Có lẽ phải cho nó nhập viện thôi con ạ.
Bà suy nghĩ một lát, rồi hỏi Thùy Dương:
− Con có biết điện thoại của thằng Trường không?
− Dạ biế, để con gọi cho ảnh.
Thùy Dương đến bàn, bấm số máy của Trường. Hình như nhìn số máy của nhà Kiều Oanh, Trường thấy lo, giọng anh có vẻ căng thẳng:
− Alô.
− Em đây anh Trường ạ.
− Có chuyện gì vậy Dương? Kiều Oanh có sao không?
− Lúc nảy anh về một lát thì chị Oanh mệt. Dì Kiều định đưa chị ấy vào bệnh viện anh Trường ạ.
Giọng Trường gấp rút:
− Vậy hả! Anh sẽ tới ngay.
Thùy Dương gác máy. Cô định vào phòng Kiều Oanh thì một giọng nói vang lên phía sau làm cô lạnh người:
− Chào em, em khoẻ chứ?
Thùy Dương quay ngoắt lại. Tai chân bủn rủn khi nhận ra người vừa xuất hiện, gương mặt cô tái hẳn đi. Cô lắp bắp:
− Làm sao... làm sao...
Quảng ngang nhiên đến ngồi xuống ghế, anh ta ngửa người ra sau một cách khoái trá:
− Rốt cuộc cũng tìm được em, vất vả thật.
Tay chân Thùy Dương run bắn, cô lập cập:
− Đây là nhà người ta, trong nhà có người bệnh, anh làm ơn về đi.
Quảng cười trơ tráo:
− Anh phải gặp chủ nhà cám ơn vài câu mới về được.
Thùy Dương chưa kịp nói thì giọng dì Kiều đã vang lên phía sau cô:
− Tôi là chủ nhà đây, cậu muốn gặp tôi à?
Thùy Dương hốt hoảng chận dì Kiều lại:
− Dì vào nhà đi, đừng ra đây, con sẽ bảo anh ta về mà.
Bà Kiều nghiêm nghị:
− Dì cũng muốn biết xem cậu ta ngang ngược đến mức nào.
− Ồ không, đừng để anh ta quậy ở đây, con sẽ...
Quảng ngắt lời cô:
− Bà già này muốn nói chuyện thì được thôi, ra đây đi bà già.
− Cậu là người kém văn hoá đến vậy à? Nói chuyện với người lớn mà vô phép vậy sao? Mời cậu ra khỏi nhà tôi, nếu không tôi sẽ gọi công an đấy.
Quảng nhún vai thản nhiên:
− Tôi không thưa bà thì thôi, bà dám lật ngược lại à? Cái tội chứa vợ tôi, tôi chưa nói chứ không phải là không nói nhé.
Thùy Dương thấy ghê tởm mênh mông, cô nhìn anh ta như nhìn một quái vật:
− Không được dùng từ đó với tôi!
Quảng chợt đập mạnh tay vào thành ghế:
− Ê, cái bà kia! Bà xúi giục vợ tôi bỏ tôi phải không? Tại sao bà chứa chấp cô ấy? Bà có xin phép tôi chưa?
Cả bà Kiều và Thùy Dương đều tức run, vừa tức vừa ghét cay đắng loại người ngang ngược trước mặt. Lúc trước nghe Kiều Oanh kể, bà không hình dung hết mức độ ghê tởm. Nhưng bây giờ thấy mặt Quảng, bà mới hiểu cụ thể sự lưu manh của anh ta, và bà thấy tội nghiệp Thùy Dương. Nếu Kiều Oanh gặp phải một người như vậy thì bà đau khổ biết chừng nào.
Thùy Dương quắc mắc nhìn anh ta:
− Tôi căm ghét anh, anh ra khỏi nhà người ta ngay.
Lúc đó Kiều Oanh chợt đi ra, người cô xanh xao và nhợt nhạt. Cô thở nặng nhọc:
− Anh kia, ra khỏi nhà tôi ngay!
Bà Kiều hốt hoảng:
− Sao con không nằm trong phòng, ra đây làm gì. Vô nhà đi con!
Thùy Dương cũng lo sợ run cả người. Cô quay phắt lại, quắc mắc nhìn Quảng:
− Chị ấy bệnh tim, nếu anh la lối làm ảnh hưởng tới chị ấy, tôi sẽ không bỏ qua cho anh đâu. Anh về đi!
Quảng khoanh tay trước ngực, nghiêng đầu nhìn Kiều Oanh:
− Bệnh hoạn mà còn hung dữ hả? Ê! Nếu muốn tôi không tới thì đừng có chứa chấp vợ tôi. Mấy người muốn ly tán vợ chồng tôi phải không?
Thùy Dương không còn sức đâu để tức. Cô lo sợ nhìn Kiều Oanh, rồi quát nhỏ:
− Anh có biết chị ấy đang đau nặng không? Sắp vào bệnh viện đó, coi chừng anh gây ra nguy hiểm cho người ta đó.
Quảng cười nhơn nhơn và ra điều kiện ngay:
− Nếu muốn anh về thì em cũng phải về với anh.
Thùy Dương quá tuyệt vọng, cô chỉ còn biết gật đầu:
− Muốn gì ở tôi cũng được, nhưng làm ơn ra khỏi nơi đây ngay đi.
Quảng lấn tới;
− Còn nữa, em phải hứa về là đám cưới với anh, hứa liền, tại chỗ này.
Thùy Dương tức run:
− Anh thật là quá đáng.
− Có nghĩa là em không chịu chứ gì?
Lúc đó Trường tới. Vừa thấy Trường, Quảng chợt hùng hổ lên:
− À! Thì ra em sống với thằng này.
Trường cũng thấy Quảng. Anh chưa kịp phản ứng thì Quảng đã nhào tới, túm ngực áo anh, lắc mạnh:
− Tao nhận ra mày rồi, mày là thằng hôm đó làm bẽ mặt tao ngoài bãi biển. Mày với Thùy Dương lén lút hẹn hò ở đây, thảo nào...
Trường nổi nóng quát lên:
− Buông ra!
− Tao không buông, mày làm gì tao!
− Anh có biết tôi là gì trong nhà này không? Đừng có nói năng hồ đồ!
Quảng siết cổ áo Trường chặt hơn, mắt anh ta long lên:
− Mày dám giật bồ của tao thì mầy tới số, tao giết mày!
− Buông ra, đồ lưu manh!
Không nhịn được nữa, Trường vung tay lên. Một cái đấm mạnh mẽ tạt vào mặt Quảng. Cơn đau làm Quảng tức giận hết sức thú tính, anh ta gầm lên và nắm chặt áo Trường, đẩy anh thật mạnh:
− Chết mày nè!
Không kịp đề phòng, Trường bị văng vào gầm bàn. Một dòng máu chảy ra từ mũi. Bà Kiều và Thùy Dương kêu lên một cách hoảng hốt. Thùy Dương gần như khuỵu xuống vì sợ. Cô thở mạnh, quắc mắc nhìn Quảng:
− Đi ra khỏi nhà này ngay!
Mọi người chưa kịp phản ứng thì thấy Kiều Oanh ôm ngực, lảo đảo khuỵu xuống. Bà Kiều vội chụp lấy cô:
− Oanh sao vậy con? Oanh...
Bà hoảng loạn cúi xuống, áp mặt lên ngực Kiều Oanh.
− Oanh sao vậy con, Oanh...
Trường quên cả đau, vội bật dậy lao đến bên Kiều Oanh:
− Em làm sao vậy Oanh?
Bà Kiều hoảng loạn cúi xuống, áp mặt lên ngực Kiều Oanh, rồi hét lên:
− Tim nó ngừng đập rồi.
Trường lắc mạnh cô, không tin vào cái điều thấy trước mắt. Anh định vạch mắt Kiều Oanh thì bà Kiều đã gào lên:
− Nó chết rồi!
Thùy Dương chấn động cả người. Cô quay phắt về phía Quảng, hét lên:
− Tại anh, tất cả là tại anh. Anh phải chịu trách nhiệm về cái chết này.
Hình như tiếng thét của cô làm Quảng thấy sợ. Anh ta nhìn Kiều Oanh với vẻ kiểm tra. Còn Thùy Dương thì như điên lên, cô hét tiếp:
− Anh là đồ giết người. Anh...
Cô im bặt, rồi khuỵ xuống sàn gạch, ngất đi.
Quảng nhìn nhìn mọi người, rồi hoảng sợ bỏ chạy ra cửa, chạy quáng quàng như trốn trách nhiệm. Trong cơn hoảng hốt, anh ta không còn ý thức mình đang ở đâu, cũng không thấy một chiếc xe tải trờ tới. Chiếc xe thắng không kịp. Nhiều tiếng la kinh dị vang lên. Sau đó một góc đường trở nên nhốn nháo.
Trong nhà, bà Kiều và Trường gục đầu trên người Kiều Oanh, không ai hay biết điều gì đang xảy ra ngoài đường.
Thùy Dương ngồi một mình ở góc sân, mắt nhìn mông lung không cố định, ánh mắt vô hồn, cả khuôn mặt thanh tú xưa kí giờ cũng dại đờ vô thức.
Trong sân, vài bệnh nhân tâm thần khác đi thơ thẩn. Họ lẩn quẩn trong sân, gần như đụng phải nhau mà như không ai thấy ai. Mỗi người chìm trong một thế giới riêng của họ. Ai cũng có điểm giống nhau, đó là trạng thái xa rời ý thức.
Thùy Dương ngồi nhìn đăm đăm một cô đứng dưới gốc cây. Rồi bất chợt cô đứng dậy, đi vào phòng.
Cô loay hoay lấy chiếc khăn dài, tự vòng chiếc khăn qua cổ. Và cố sức siết thật chặt. Đến mức mặt đỏ bừng lên và tự mình giãy giụa.
Một cô y tá hối hả chạy tới, cố sức gỡ tay Thùy Dương ra khỏi chiếc khăn. Nhưng cô bấu chặt khiến cô y tá không cách nào gỡ được. Cô ta kêu lớn:
− Chị Ly ơi! Tới giúp em!
Hai cô y tá vật lộn rất khó khăn để lấy chiếc khăn ra khỏi cổ Thùy Dương. Còn cô thì tức giận hét lên:
− Buông tôi ra, tôi muốn chết! Chị ấy gọi tôi đấy, tôi phải đi theo chị ấy.
Cô y tá tên Ly ngọt ngào:
− Đâu có ai gọi đâu. Xem kìa, chị ấy đang chơi ngoài sân kìa, ra đó chơi đi nào, trả chiếc khăn đây nào.
Nhưng Thùy Dương vẫn lắc đầu giãy giụa quyết liệt. Đúng lúc đó thì Trường xuất hiện ở cửa. Anh đi nhanh tới, quát lớn:
− Làm gì vậy Thùy Dương, không ngoan hả? Ngồi im, buông khăn ra!
Nghe giọng nói quen thuộc ấy, Thùy Dương chợt trở nên ngoan ngoãn hẳn. Cô buông tay ra, đứng im. Cô y tá lập tức lấy chiếc khăn xếp lại, lẩm bẩm:
− Thật là sơ sẩy mà.
Cô y tá tên Ly thở phào nhẹ nhõm, cô nhìn Trường với vẻ có lỗi:
− Tôi không ngờ cổ tìm được cách này. Xin lỗi, mai mốt chúng tôi sẽ cẩn thận hơn.
Trường khoát tay:
− Không sao, nhưng hy vọng mai mốt các cô để mắt tới cô ấy nhiều hơn. Cô ấy hay la hét vậy lắm à?
− Dạ không. Bình thường thì rất hiền, suốt ngày chỉ ngồi yên, thỉnh thoảng mới đòi chết. Hôm qua cô ấy đâm đầu vào tường, chúng tôi không cho cô ấy ở trong phòng, nào ngờ...
Trường lịch sự:
− Tôi có thể đưa cô ta ra ngoài không?
− Dạ được. Anh đi lối này. Anh hãy nói chuyện dịu dàng và đừng thừa nhận những gì cô ấy nói, như vậy tốt hơn.
Trường gật đầu:
− Tôi hiểu.
Anh đưa mắt nhìn Thùy Dương, giọng nhẹ nhàng:
− Đi theo tôi nào, cô bé!
Thùy Dương rụt rè đi theo sau Trường. Anh đưa cô ra sân, chỉ về phía băng đá:
− Ngồi đây chơi nhé!
− Vâng.
− Hôm nay cô bé không ngoan phải không?
Thùy Dương nhìn Trường một cách sợ sệt, giống như đứa trẻ chờ bị phạt. Trường nói ngọt ngào:
− Mai mốt không được đòi chết nữa nghe chưa?
Thùy Dương chợt thẫn thờ hẳn đi, cô đưa cặp mắt vô hồn nhìn anh. Trường nhắc lại:
− Không được đòi chết nữa nghe!
− Em phải chết để gặp chị Oanh, em phải xin lỗi, phải xin lỗi.
− Nhưng Oanh đâu có thích gặp em. Em mà đòi gặp Oanh là Oanh giận, có sợ không?
− Sợ, rất sợ.
− Nào, bây giờ nói đi, em là ai?
Thùy Dương nhíu mày cố suy nghĩ. Nhưng trí óc mù mờ không giúp cô bắt được một ý nghĩ nào. Tuy vậy, cử chỉ đó làm gương mặt cô có thần hơn.
Chợt giọng ai đó vang lên:
− Quảng à! Vào đây!
Vừa nghe tên Quảng, Thùy Dương lập tức quay phắt lại nhìn. Cô trở nên hung hăng lạ thường:
− Đáng ghét, đáng ghét, đánh nó đi, đánh thật mạnh, đó là tên giết người, đáng ghét.
Cô đứng phắt dậy, nhào tới túm một người vừa đi qua, đấm túi bụi vào anh ta:
− Tên giết người, đáng ghét, đáng ghét!
Bị đánh bất ngờ, người thanh niên tâm thần la hét ầm lên. Anh ta không đánh trả mà vùng vẫy như vô cùng kinh hòang, làm náo loạn cả một khoảng sân.
Trường cố giữ Thùy Dương lại. Các cô y tá chạy ra, dịu dàng bảo người thanh niên đi vào. Khá vất vả mọi người mới làm chịu được không khí nóng bỏng trong góc bệnh viện.
Trường ấn Thùy Dương ngồi xuống, nghiêm khắc nhìn cô:
− Không ngoan phải không? Sao lại đánh người ta?
Thùy Dương lẩm bẩm:
− Vì hắn mà chị ấy chết. Đáng ghét. Hắn cứ đi theo em hoài, phải đập cho hắn sợ.
Trường nói như đinh đóng cột:
− Hắn bị trói bỏ vào hộp rồi, không ra ngoài được đâu, hắn không đi theo em nữa đâu.
− Bị trói à? Đáng đời!
− Ừ, hắn bị đòn đau lắm, và bị trói nhốt vô hộp, không đi đâu được cả.
Thùy Dương vỗ tay reo lên:
− A, thích quá! Hắn bị trừng phạt rồi, bị đòn rồi, đáng đời...
Cô nhảy nhót ca hát như một đứa trẻ, rồi ngồi xuống bồn cỏ, những ngón tay lướt nhanh trên băng đá như đang chơi piano. Dáng điệu say sưa không có vẻ gì là một người tâm thần.
Trường ngồi quỳ một chân trước mặt Thùy Dương, lặng lẽ quan sát cô. Thùy Dương không biết ngượng, cũng không nhận ra mình bị quan sát như một người tâm thần. Cô mải mê chơi trong thế giới riêng của mình, gương mặt sáng bừng hẳn lên chứ không đờ đẫn như lúc nãy.
Chợt cô y tá đưa một người đi ra chỗ Thùy Dương. Cô ta nói như giới thiệu với Trường:
− Bác này là ba Thùy Dương đó anh.
Trường đứng dậy, hơi cúi đầu chào nhưng vẫn không nói gì.
Ông Kha nhìn Thùy Dương một cách buồn rầu, rồi quay qua nói với Trường:
− Bác nghe cô y tá nói cháu hay đến thăm nó, cám ơn cháu nhiều lắm. Tuần này bác giải quyết xong công việc sẽ đưa nó về nhà, ở đây bác không tiện săn sóc nó.
Trường định nói thì Thùy Dương chợt đứng dậy, bỏ đi chỗ khác. Anh còn chưa kịp hiểu thì ông Kha thở dài:
− Nó luôn tránh bác như vậy, mấy lần trước vào thăm nó, hầu như không khi nào bác tới gần nó được.
" Chẳng lẽ Thùy Dương cư xử với ba mình như vậy" - Trường nghĩ thầm một cách khó hiểu. Anh không nén được tò mò:
− Xin lỗi, Thùy Dương luôn đối với bác như vậy à?
− Không, trước kia nó không như vậy. Lúc nhỏ nó hay quấn quýt bên bác. Từ khi có thêm mẹ kế, nó trở nên lặng lẽ với bác, nhất là lúc bác ép nó lấy chồng, nhưng lúc đó nó không bộc lộ như bây giờ.
Trường gật đầu, bây giờ ý thức đã không còn được kiểm soát, Thùy Dương sống mạnh mẽ theo bản năng. Trường hiểu rằng khi còn tỉnh táo, trong sâu thẳm của tâm hồn, Thùy Dương rất hận cha. Nhưng vì quá ngoan nên cô không để lộ nó ra. Bây giờ lý trí mất khả năng kiềm chế, nên cô bộc lộ tự nhiên và hết sức dứt khoát.
Trường ngoái lại nhìn phía Thùy Dương, rồi trầm ngâm:
− Như vậy bác không nên đưa Thùy Dương về nhà, ở đó không có gì thân thiện với cô ấy cả. Quảng sống như phế nhân, mẹ kế thì đầy ác cảm, ngay cả bác là cha cũng làm cô ấy sợ, môi trường như vậy cổ khó trở lại bình thường lắm.
Ông Kha thở dài:
− Không lẽ bác cứ để nó ở đây, bệnh viện làm sao bằng gia đình.
− Cháu thấy bác nên để cổ trở lại nhà Kiều Oanh, dì Kiều sống một mình rất buồn, mà cổ cũng thích ở đó.
Anh lặng thinh một lát, rồi nói thêm:
− Cháu sẽ cố giúp Thùy Dương bình thường lại, nếu như cháu có điều kiện.
Ông Kha nhìn anh khá lâu:
− Suy cho cùng thì con gái tôi đem tai hoa. tới cho cháu, cháu không giận nó sao?
Trường cười điềm đạm:
− Cháu không suy diễn hẹp hòi như vậy, mà chỉ thấy tội nghiệp Thùy Dương. Một cô công chúa như cổ mà gặp phải hoàn cảnh như vậy, lại không có ai bảo vệ, tội thật.
− Cháu đang lên án tôi phải không?
Trường lắc đầu:
− Nếu lên án thì cháu đã không nói ra, chỉ nói những gì cần thiết cho Thùy Dương thôi.
− Ước gì con gái tôi gặp được những người như cháu.
Ông ngừng lại, thở dài nặng nề:
− Trước đây tôi cứ nghe bà ấy nói mà không chịu tìm hiểu xem con gái tôi muốn gì, đợi tới xảy ra chuyện này mới giật mình. Nếu tôi can thiệp sớm thì nó đã không ra nông nỗi này.
− Chắc chắn là như vậy.
− Tôi ân hận thì đã muộn rồi.
Trường lắc đầu:
− Không muộn lắm, nếu bác biết cách cứu vãn, Thùy Dương chỉ bị chấn động tinh thần, từ từ rồi cũng tỉnh táo lại thôi.
Ông Kha quay đầu nhìn về phía Thùy Dương rồi thở dài:
− Có lẽ tôi phải nghe lời cháu thôi, thật không thể nào ngờ tôi phải để con gái mình cho một người lạ giúp đỡ. Cám ơn cháu nhiều lắm.
Trường cười khẽ, không trả lời. Trước đây anh nhìn hoàn cảnh Thùy Dương, anh không thích cách độc đoán của ông Kha, nhưng bây giờ tiếp xúc, anh thấy tội.
Từ nãy giờ ông ta cứ thở dài buồn rầu, và có vẻ ân hận khổ tâm. Chỉ tiếc là nếu ông ta đừng nghe lời bà vợ thì tốt hơn.
Suy cho cùng, ông ta là nguyên nhân xa tít dẫn đến cái chết của Kiều Oanh. Nhưng anh không hề thù hận cả ông ta lẫn Thùy Dương.
Tính rất mạnh mẽ, trước đây anh không hề tin số phận. Nhưng cái chết của người yêu quý nhất làm anh không còn vững tin ở mình. Đâu đó trong thâm tâm, anh bắt đầu thừa nhận những gì bà Kiều nói: Tất cả là do số phận.
Buổi trưa. Góc sân nhỏ nắng nhảy nhót lung linh qua những kẽ lá. Căn phòng yên tĩnh vang lên tiếng dương cầm thánh thót. Tiếng đàn vọng ra ngoài hiên, khuấy động một cách dịu dàng sự yên lặng.
Những ngón tay mảnh mai của Thùy Dương lướt nhanh trên phím. Trong cái nhìn của cô có gì đó không bình thường. Cô chơi đàn trong thế giới riêng của mình, hoàn toàn không nhận thức được xung quanh.
Hoàng Yến trong nhà đi ra, vẻ mặt hãy còn ngáy ngủ. Cô vươn vai ngáp thật dài rồi tò mò nhìn về phía góc phòng. Cô nhón gót đi tới phía sau, chụp vai Thùy Dương:
− Hù!
Thùy Dương quay lại nhìn Hoàng Yến nhưng không cười, cũng không nhăn mặt. Cô nhìn như nhìn một người lạ, rồi cúi xuống tiếp tục chơi đàn.
Hoàng Yến nhăn mũi cụt hứng. Cô thích làm Thùy Dương giật mình la um sùm lên. Nhưng rõ ràng cô nàng chẳng bị tác động gì hết. Rõ chán.
Hòang Yến bước vòng qua phía trước, chống cằm tựa vào thùng đàn, mắt đăm đăm nhìn Thùy Dương, chép miệng:
− Công nhận chị đàn hay thật, tôi chẳng hiểu gì về nhạc, nhưng nghe cũng thấy hay hay.
Cô ngó xuống tay Thùy Dương, nhận xét tiếp:
− Bàn tay chị đúng là tay của nữ nghệ sĩ, đẹp quá.
Cô xoè tay mình ra ngắm, rồi chép miệng:
− Tay tôi không đẹp được vậy, chán thật. Có làm gì đâu mà ngón to đùng.
Không biết Thùy Dương có hiểu gì không, chỉ thấy cô nhìn chứ không trả lời. Cái nhìn của người vô tâm kiểu đó không làm người ta mếch lòng, nhưng cũng hơi cụt hứng.
Hoàng Yến cắn cắn ngón tay, im lặng nghe. Nhưng chỉ được một lát, cô lại lên tiếng:
− Bản nhạc gì vậy?
Thùy Dương nhìn cô như hiểu, rồi lên tiếng chậm rãi:
− Sonate ánh trăng.
Hoàng Yến chẳng hiểu cô nói gì, nhưng được trả lời thì cô chịu lắm. Cô reo lên:
− A! Chị nói được rồi hả?
Thùy Dương nhìn Hoàng Yến như lạ lùng. Cô nhíu mày cố suy nghĩ, rồi nói ngập ngừng:
− Tôi biết nói mà.
− Hị.. hị.. nhưng chị nói chuyện không bình thường như người ta.
Thùy Dương nghiêng đầu tiếp tục suy nghĩ. Cô nói chạm chạp:
− Không bình thường... không bình thường...
− Đúng, chị bị tâm thần, gia đình chị đưa chị vào bệnh viện, sau đó anh Trường và dì tôi đưa về đây. Chị nhớ không?
Thùy Dương ngơ ngẩn nhìn Yến. Câu nói phức tạp quá nên cô không nắm bắt hết ý. Cô cau trán cố nghĩ, nhưng rồi lại lặng thinh nhìn xuống phím đàn và lại bắt đầu chơi nhạc.
Hoàng Yến đứng nghe một lúc. Nhưng thấy chán, cô định vào phòng thì nghe tiếng mở cổng. Cô nhìn ra sân, rồi reo lên:
− Anh Trường tới kìa!
Nghe tên Trường, Thùy Dương ngẩng đầu lên:
− Anh Trường hả?
− Ừ, lát nữa bắt anh ấy dẫn đi ăn kem nhé, có OK không?
Thùy Dương không trả lời, cô đưa mắt nhìn ra ngoài. Lúc đó Trường vào tới. Anh nhìn Thùy Dương, rồi nhìn Hoàng Yến. Chưa kịp hỏi thì cô đã nói như thông báo:
− Nãy giờ Thùy Dương nói chuyện với em đó anh Trường.
Trường nhướng mắt:
− Cổ nói chuyện à?
− Thật mà, khi hỏi cổ đàn bản gì, thì cổ trả lời tên bản nhạc, chắc hết điên rồi đó anh Trường.
Cách nói quá thẳng của cô làm Trường hơi không bằng lòng, nhưng vẫn mỉm cười:
− Mai mốt đừng dùng lại từ đó nghe Yến, Thùy Dương hiểu thì sẽ buồn đó.
− Chắc Dương không hiểu đâu.
− Hiểu không Thùy Dương?
Vừa hỏi Trường vừa cúi xuống nhìn cô. Nhưng Thùy Dương không trả lời. Nãy giờ cô nhìn Trường rất lâu và cười với anh. Bao giờ thấy Trường và dì Kiều, cô đều cười trìu mến như vậy. Ngoài ra, những người khác đối với cô đều có vẻ xa lạ, kể cả bạn bè.
Trường nhìn vào nhà:
− Có dì Kiều ở nhà không Yến?
− Dì em về quê rồi, mốt mới lên.
Trường khoát tay:
− Để anh nói chuyện với Thùy Dương một chút, em đi vào đi.
Đợi Hoàng Yến đi rồi, anh cúi xuống bảo Thùy Dương:
− Nãy giờ cô bé chơi bài gì vậy?
Thùy Dương lập lại:
− Bản Sonate ánh trăng.
Trường nhìn Thùy Dương chăm chú. Cách trả lời của cô chứng tỏ cô bắt đầu nhận thức được. Nhất là cử chỉ lúng túng khi cô biết bị nhìn. Tự nhiên anh thở nhẹ. Rõ ràng là Thùy Dương hồi phục rất nhiều.
Thùy Dương chợt ngước lên:
− Anh Trường có muốn nghe nữa không?
− Muốn chứ, cô bé đàn tiếp đi!
Thùy Dương ngoan ngoãn chơi nửa bản nhạc, rồi ngừng lại. Trường ngạc nhiên:
− Sao em không chơi nữa?
− Thích nói chuyện với anh hơn.
Trường nhướng mắt:
− Em muốn nói chuyện với tôi?
Thùy Dương gật đầu:
− Vâng.
Cô im lặng một lát, rồi nói chậm rãi:
− Chị Oanh rất thích bài này.
Trong một phút, Trường quên hẵn bản nhạc Thùy Dương vừa nói, anh buột miệng:
− Bài gì?
− Bản Sonate.
− À, tôi nhớ rồi! Cô bé còn nhớ gì nữa không?
− Chị Oanh đã chết, do lỗi của em.
Trường lại chỉnh nhẹ nhàng:
− Em không có lỗi, dứt khoát là vậy. Kiều Oanh mất vì bệnh tim trở nặng, không phải là do ai hết.
Thùy Dương lắc đầu:
− Chính Quảng đã làm cho chị ấy xúc động chết.
− Không hẳn là vậy! Em nhớ không, lúc đó Oanh chuẩn bị vào bệnh viện, bệnh cô ấy rất nặng.
Anh vô tình nắm chặt tay Thùy Dương, bóp mạnh:
− Cô ấy chết vì bệnh, em hoàn toàn không có lỗi, đừng tự đổ lỗi cho mình nữa.
Bị đau, Thùy Dương chỉ biết cúi xuống nhìn tay mình, chứ hông biết cách phản ứng. Nhưng cử chỉ của cô làm Trường nhận ra mình vừa hành động quá khích. Chính anh cũng bị xúc động mỗi khi nghĩ về buổi sáng đó. Vậy thì làm sao anh xoa dịu được sự căng thẳng của Thùy Dương.
Thấy anh im lặng, Thùy Dương rụt rè:
− Anh ghét em lắm phải không?
− Không! Sao em nghĩ vậy?
− Tại em làm anh mất chị Oanh.
Lại như vậy! Nếu còn bị ám ảnh ý nghĩ này, Thùy Dương sẽ khó mà bình thường trở lại. Trường quyết định không nói chuyện này nữa. Anh chuyển qua chuyện khác.
− Em có muốn đi học trở lại không?
− Học à?
− Đúng, sẽ trở lại nhạc viện như trước kia.
Nhắc đến nhạc viện, lập tức Thùy Dương lại liên tưởng đến nỗi ám ảnh nặng nề, cô lắc đầu giận dữ:
− Anh ta sẽ đến trường tìm em, em xấu hổ với bạn bè. Đến đó là sẽ bị anh ta bắt.
Cô chợt đập tay mạnh lên bàn phím:
− Em ghét con người đó.
Thấy cô sắp bị khích động, Trường nói nhẹ nhàng:
− Thùy Dương quên là anh ta bị nhốt vô hộp rồi sao?
Thùy Dương mở to mắt như ngạc nhiên, rồi lặp lại:
− Bị nhốt à?
− Đúng, không cách gì anh ta tìm được em nữa, đừng sợ anh ta.
Lập tức Thùy Dương tin ngay, cô chợt cười sung sướng:
− Em thoát nạn rồi.
Trường cố ý chờ Thùy Dương có nhảy nhót như lần trước ở bệnh viện không, cô chỉ ngồi im, cười một cách tư lự nhưng rõ ràng là rất vui.
Trường biết Thùy Dương đang dần dần khôi phục ý thức. Những biểu hiện của cô có vẻ trầm tỉnh hơn, nói chuyện dù không trôi chảy, nhưng vẫn biết cách trả lời và thể hiện ý nghĩ của mình.
Và có một điều anh biết chắc chắn, là Thùy Dương rất tin cậy anh. Gần như xem là chỗ dựa duy nhất của cô. Điều đó vô tình làm anh thấy có trách nhiệm với cô hơn.
Hoàng Yến chợt đi ra, cô nói khẽ với Trường:
− Anh Trường! Em có chuyện muốn nói, ra đây đi anh!
Trường bảo Thùy Dương chơi đàn tiếp, rồi đi ra sân. Anh ngồi xuống băng đá, cạnh Hoàng Yến, mỉm cười tò mò:
− Chuyện gì nghiêm trọng vậy Yến?
Khuôn mặt Hoàng Yến có vẻ quan trọng thật sự:
− Anh thấy lúc này Thùy Dương tỉnh táo nhiều hơn không?
Trường gật đầu chứ không nói. Anh tiếp tục nhìn Hoàng Yến, ánh mắt như muốn hỏi " có chuyện gì?"
Hoàng Yến ngắt chiếc lá, vò vò trong tay:
− Vậy anh tính sao?
− Anh không hiểu.
− Ý em muốn nói là Thùy Dương còn ở đây đến chừng nào?
− À, thì ra là chuyện đó! Anh không biết cái đó tùy dì Kiều quyết định, dì ấy muốn Thùy Dương ở đây mà.
Hoàng Yến khoát tay:
− Lúc trước em chưa về, dì Kiều sợ cô đơn, nhưng bây giờ có em rồi, buồn nỗi gì nữa.
Trường đăm đăm nhìn cô:
− Ý em là không muốn Thùy Dương ở đây?
Hoàng Yến gật đầu:
− Cô ta có gia đình nhà cửa đàng hoàng, mà nhà cao cửa rộng hơn ở đây nữa, mắc gì phải ở nhà này chứ, đâu có họ hàng quen biết gì đâu.
Cô im lặng một lát, rồi nói với vẻ bực mình:
− Lạ thật đó, không biết dì em thương cô ta ở điểm nào.
Trường ngồi im. Chính anh cũng không biết dì Kiều thương Thùy Dương ở điểm nào. Nhưng rõ ràng đó không phải là sự thương hại bố thí. Hình như có một cái gì đó sâu sắc hơn mà anh không giải thích được.
Hoàng Yến lên tiếng:
− Anh có biết tại sao không, anh Trường?
Trường hơi nhún vai:
− Anh không biết, ý nghĩ của dì Kiều làm sao anh biết được.
Hoàng Yến hỏi đột ngột:
− Vậy còn anh? Anh thì sao?
− Em muốn hỏi về khía cạnh nào?
− Em thấy anh tốt với Thùy Dương đến mức ngạc nhiên. Nếu là anh em thì không có gì đáng nói. Đàng này cô ta là người hoàn toàn xa lạ. Sao anh tốt phi thường như vậy?
Trường nheo mắt đắm chiêu:
− Chính anh cũng không hiểu được tại sao.
Hoàng Yến hỉnh mũi:
− Nếu ai không biết nhìn vào sẽ tưởng anh yêu cô ta đó.
Trường rất bị xúc phạm, nhưng chỉ phản ứng nhẹ nhàng:
− Đừng nói bậy, em thừa biết tình cảm của anh đối với Oanh mà.
Anh nghiêm mặt lại:
− Từ đây về sau, anh yêu cầu em đừng nói năng như vậy nữa.
Biết mình đi quá trớn, Hoàng Yến vội stop đúng lúc:
− Em xin lỗi, không nói chuyện này nữa. Nhưng thật tình là em vẫn thấy lạ, em đã lý giải đủ cách nhưng vẫn không hiểu được.
Trường nghiêng đầu suy nghĩ lặng lẽ. Bảo là anh không hiểu được thì cũng không đúng. Có lẽ anh quan tâm số phận của Thùy Dương vì thấy cô yếu đuối mỏng manh. Cô rất giống Kiều Oanh ở điểm này. Tính cách của cô làm gợi lòng hào hiệp quân tử trong anh. Bất chấp đó là người hoàn toàn không cùng dòng họ.
Trường ngồi một mình trong phòng làm việc. Ngoài kia, chiều đã xuống. Hết giờ làm việc đã lâu mà anh vẫn ở lại phòng. Ngồi một mình, buồn thầm lặng với mình. Những buổi chiều thế này anh thường hay nhớ Kiều Oanh. Vì thường anh chỉ ở bên cô vào buổi chiều. Anh với Kiều Oanh có rất ít thời gian ở bên nhau. Kỷ niệm về cô không có gì nhiều, ngoài những buổi chiều ngồi bên thềm ngắm hoàng hôn, có khi là nhìn lá rơi hoặc ngắm những tia nắng lung linh trên mặt sân đầy lá.
Anh thích sự tĩnh lặng ở Kiều Oanh, thích cả nỗi buồn dịu dàng, và cũng đã từng đau khổ khi nghĩ về tương lai mù mịt. Nhưng trên hết là tình yêu bao dung không có gì làm chùn bước.
Giờ đây, nhớ lại buổi sáng đau buồn đó, anh không thể nào ngăn được cảm giác cô đơn yếu đuối, và anh gục đầu xuống bàn, như không còn đủ nghị lực chống chọi với nỗi buồn day dứt trong lòng.
Cánh cửa bật mở toang, rồi Hoàng Yến đứng ở cửa, cô ngó vào phòng tìm Trường, miệng liến thoắng:
− Anh Trường ơi, trốn đâu rồi?
Phát hiện ra anh ngồi phía sau máy, cô đi nhanh tới bên anh, nhún nhún chân:
− Sao tới giờ mà chưa về, ở đây một mình làm gì? Đi chơi với em đi. Hôm nay em lãnh lương, tháng lương đầu tiên đấy nhé, em sẽ khao anh linh đình luôn.
Trường ngồi thẳng người, gạt tóc qua một bên:
− Sao không về nhà mời dì Kiều, anh có gì đâu mà phải khao?
− Mời dì Kiều thì có gì đặc biệt đâu, anh mới đặc biệt chứ.
Trường lắc đầu lừng khừng:
− Anh mệt lắm! Hôm nay anh muốn nghỉ sớm.
Hoàng Yến nắm tay Trường, ngúng nguẩy:
− Anh không đi thì em sẽ ở đây hoài, chừng nào anh đi thì thôi.
Trường nhìn cô hơi lâu, rồi mỉm cười:
− Thôi được, anh chiều em. Nhưng đi với một khuôn mặt cau có em sẽ bực lắm đó, chịu được không?
Hoàng Yến phì cười:
− Không sao, cau có mấy đi nữa thì nhìn anh vẫn đẹp trai mà.
Trường buông một tiếng cười:
− Cám ơn.
Hoàng Yến chúm chúm môi, nhướng nhướng mắt, nửa đùa nửa thật:
− Em nói thật chứ bộ.
− Thì anh đã cám ơn em rồi đó.
Trường đứng dậy, đi đến phía tủ cất hồ sơ. Hoàng Yến vẫn còn đứng bên bàn. Cô cầm bức ảnh Kiều Oanh lên ngắm nghía rồi lại bỏ xuống. Lúc nào cũng chìm đắm trong những hồi ức thế này thì sống có vui vẻ gì.
Tính cô vốn ghét cái gì mềm yếu, đa sầu, đa cảm, nên cô không hiểu được nỗi buồn trong lòng Trường. Tất nhiên mất người yêu thì không ai thanh thản nổi. Nhưng phải tìm cách quên đi chứ. Đi chơi, hoặc quậy tung lên với người nào đó, chứ giam mình một chỗ mà đau khổ thì chịu sao nổi.
Trường quay lại. Thấy Hoàng Yến nhìn khung ảnh, anh cất nó vào tủ, rồi đưa mắt nhìn cô:
− Đi chứ?
Hoàng Yến gật đầu mạnh mẽ:
− Yes.
Cả hai đi xuống sân, Hoàng Yến chủ động đề nghị:
− Đi ăn tối nhé anh Trường, sau đó sẽ đi nhảy, OK?
Trường lắc đầu:
− Anh không biết nhảy, cũng không thích chỗ ồn ào. "Tăng một" thì được, nhưng "tăng hai" thì không.
Hoàng Yến nhăn mặt:
− Chán anh dễ sợ, có ông anh như anh thà đi chơi với nhà sư sướng hơn.
Trường thản nhiên:
− Đừng báng bổ chứ cô bé! Em phải hỏi xem người ta có dám đi với em không.
− Hứ! Thì đi ăn vậy. Nhưng chẳng lẽ anh không chiều ý em được hả?
− Chiều trong khả năng của anh. Tối nay anh định ghé thăm dì Kiều và Thùy Dương. Mấy hôm nay Thùy Dương thế nào?
− Ngoài anh và dì Kiều ra, cô ta chẳng thích nói chuyện với ai, nhất là với em. Em có cảm giác cô ta dị ứng với tính cách của em.
− Có lẽ em ít tiếp xúc với Thùy Dương nên cổ ngại. Em cũng biết là Thùy Dương rất sợ người lạ mà.
− Hứ! Làm như anh sợ em ăn hiếp Thùy Dương vậy. Thùy Dương của anh hiền quá à.
Trường chỉnh lại ngay:
− Đề nghị em nói năng nghiêm chỉnh! Nếu em cứ tiếp tục như vậy, anh sẽ đưa em về ngay đó.
Hoàng Yến xụ mặt làm thinh. Nhưng chỉ được một lát, cô lại liến thoắng nói sang chuyện khác:
− Công nhận làm ở đây vui thật. Trong phòng em toàn là trang lứa nhau, đi chơi chung vui lắm.
− Thật lạ! Vậy sao em không dành buổi tối này cho bạn em? Đi với anh làm gì, anh lớn rồi, đâu có thích hợp với mấy cô nhỏ nhỏ như em.
Hoàng Yến xí một tiếng dài thượt:
− Làm như anh ta là ông cụ không bằng, lớn hơn có mấy tuổi mà lúc nào cũng coi người ta là con nít.
Trường không trả lời. Anh dừng xe trước một quán ăn mà trước đây thỉnh thoảng anh đưa Kiều Oanh tới. Hoàng Yến bước xuống xe, nhìn quanh:
− Chỗ này lạ quá, em không quen.
− Trước đây anh với chị Oanh hay tới chỗ này, ở đây tương đối yên tĩnh hơn mấy chỗ khác.
Hoàng Yến làu bàu:
− Không hiểu nỗi tại sao em thích đi chơi với anh. Nhiều lúc em cũng không hiểu nổi mình nữa, chẳng có điểm gì giống nhau cả.
Nói xong, cô níu tay Trường, nhún nhảy đi vào trong. Cô hỏi một cách săn sóc:
− Anh ăn gì?
Trường khoát tay:
− Em cứ gọi trước đi.
Hoàng Yến quay qua đặt món với người tiếp viên. Anh ta nghe xong rồi nhìn Trường:
− Anh vẫn gọi món cũ ạ?
Hoàng Yến quay qua nhìn Trường. Thấy anh gật đầu, cô le lưỡi:
− Chung thuỷ thật.
− Cái gì chung thuỷ?
− Đến quán nào thì ăn cố định món đó. Những người như vậy có tính chung thuỷ lắm, yêu ai rồi thì yêu mãi một người. Ai mà gặp anh sau này vừa có phước vừa vô phước.
Trường nhướng mắt như hỏi nhưng không lên tiếng. Cử chỉ đó làm HOàng Yến phì cười, rồi nói luôn:
− Có người yêu chung thuỷ thì tốt, nhưng anh cứ chung thuỷ với chị Oanh kiểu đó, ai chịu cho nổi.
Trường chỉ cười chứ không trả lời. Với Hoàng Yến, anh chỉ có thể nói chuyện lan man, còn những chuyện nghiêm chỉnh thì không.
Ăn xong, anh bảo người tiếp viên lấy thêm hai phần bánh mang về. Hoàng Yến gật gù:
− Cho dì Kiều với Thùy Dương phải không? Anh chu đáo dễ sợ. Không biết nếu đi với Thùy Dương anh có mua quà cho em không?
Trường nhún vai:
− Tất nhiên là có, em cũng là thành viên trong gia đình dì Kiều mà.
Hoàng Yến hếch mặt lên:
− Có thế chứ, tưởng anh chỉ biết có Thùy Dương chứ.
Cô chợt nheo nheo mắt, cười một mình:
− Mà lạ thật, sao em cứ phân bì với Thùy Dương hoài thế, giống con nít quá.
Trường bật cười, rồi cười lớn. Hoàng Yến nhướng mắt:
− Anh cười cái gì?
− Tự em khó chịu rồi cũng tự em thấy kỳ. Em buồn cười lắm.
Hoàng Yến cũng cười theo:
− Ừ chắc tính emk khó chịu thật.
− Bây giờ về được chưa?
− Không đi nhảy hả?
− Anh không thích. Nếu em muốn, anh sẽ đưa em tới đó.
Hoàng Yến làu bàu:
− Vậy còn gì vui, chán anh ghê.
Nói vậy nhưng cô vẫn vui vẻ đứng dậy, ríu rít theo Trường ra ngoài. Hình như chuyện bực mình chỉ thoáng qua một chút rồi thôi. Tính cô vốn không quen giữ lại cảm giác khó chịu cho mình.
Khi hai người về nhà thì thấy Thùy Dương ngồi một mình trước thềm. Đèn trong nhà tắt. Hoàng Yến đi tới ngồi xuống bên cạnh Thùy Dương:
− Sao Dương không bật đèn?
− Tại Dương thích nhìn bóng tối.
− Dì Kiều ngủ rồi hả?
− Không có, dì Kiều đi công việc.
Hoàng Yến đưa Thùy Dương hộp bánh:
− Của Dương nè.
Thùy Dương cầm hộp ngắm nghiá:
− Ở đâu vậy Yến?
− Mình với anh Trường đi ăn tối, ảnh mua về cho dì Kiều với Dương đó.
− Cám ơn nha.
− Hì... hì... Có gì mà cám ơn.
Trường đến ngồi bên cạnh Thùy Dương:
− Sao em ngồi một mình ngoài này vậy?
− Tại em thích.
Hoàng Yến đứng dậy:
− Anh Trường ở đây chơi nha, em vào nghĩ một chút, mệt quá trời.
Trường khoát tay:
− Chúc em ngủ ngon.
Anh im lặng một chút, rồi quay qua nhìn Thùy Dương:
− Em có vẻ buồn quá vậy?
Thùy Dương đưa tay hất mớ tóc ra phía sau cho khỏi vướng. Nhờ vậy mà Trường nhìn thấy được nụ cười lặng lẽ của cô. Anh nói tiếp:
− Em có muốn ra ngoài chơi không?
Thùy Dương lắc đầu:
− Thôi.
− Sao vậy?
− Em không muốn ra đường.
− Ở nhà hoài thế này buồn lắm.
Thùy Dương tư lự:
− Không hiểu sao bây giờ em rất sợ ra đường, sợ thế giới ồn ào, em có cảm giác nó có gì đó đe doạ.
Trường quay lại nhìn cô một cái, xem cô có bình thường không. Nhưng khuôn mặt Thùy Dương rất tỉnh lặng, không có nét gì là của một người vừa trải qua giai đoạn tâm. Điều đó làm anh vừa yên tâm, vừa lo ngại theo kiểu khác. Có nghĩa là Thùy Dương đang bị trầm uất. Như vậy không biết cái nào tệ hại hơn.
Anh nói như gợi ý:
− Sao em không trở lại trường học, phải hoà nhập với cuộc sống chứ, như thế này hoài em chịu không nổi đâu.
Thùy Dương ngồi im lặng. Cô chợt chống cằm, mắt ngước nhìn lên trời:
− Không biết chị Oanh có ở trên đó nhìn xuống mình không?
Cô thở dài, nói một mình:
− biết đâu chị ấy đang ngồi cạnh em.
− em lại nghĩ quẩn quanh nữa rồi. Nếu cứ thế này, em sẽ trở lại như trước đó.
Thùy Dương không để ý lời cảnh báo đó, cô chớp mắt, trầm ngâm:
− Lạ thật! Không hiểu sao em cứ có cảm giác mình mất một người chị. Sau này em hay nhớ những lúc chị ấy còn sống, rồi em mơ hồ như mình mất đi một người chị, vì vậy mà em thấy rất cô đơn.
Trường nhìn Thùy Dương chăm chú, sợ cô không bình thường. Nhưng liền sau đó anh cảm thấy mình lo thừa. Vì Thùy Dương cười khẽ khi thấy cái nhìn của anh.
− Đừng nhìn em như vậy anh Trường. Em có cảm giác mình là một người điên trong mắt anh, em không thích đâu.
Trường nhìn đi chỗ khác. Tự nhiên anh thấy mình mơ hồ lẫn lộn giữa Kiều Oanh và Thùy Dương. Chưa bao giờ anh có cảm giác thế này với Thùy Dương. Như người ngồi bên cạnh mình là Kiều Oanh, chứ không phải là cô gái xa lạ mà anh và cô đã từng cưu mang.
Trường đứng lên, nói một cách dửng dưng:
− Anh về nghe, Dương vào nhà đi. Khuya rồi đó.
Và không đợi Thùy Dương có phản ứng, anh lẳng lặng đến dắt xe ra đường, như một người tránh né sự thật có thể làm mình buồn và làm tổn thương người khác.
Thùy Dương đứng trước cổng nhà. Cô nhón người lên bấm chuông, rồi đứng nép qua một bên đợi. CHỉ một lát sau cửa được mở ra, rồi khuôn mặt quen thuộc của chị bếp xuất hiện sau cửa. Thấy Thùy Dương, chị kêu lên thảng thốt:
− Ủa, cô Dương!
Thùy Dương bước vào sân:
− Chị có khoẻ không?
− Khoẻ cô ạ. Lâu nay cô ở đâu hả cô?
− Em ở nhà người bạn. Hôm nay ba em có ở nhà không chị?
− Cô may thật, ông chủ mới về hôm kia. Ông đang ở trên phòng, thấy cô về chắc ông vui lắm.
Chị chợt liếc vô nhà, rồi hạ giọng:
− Cô đừng sợ gì hết, người ta bây giờ không làm gì được cô đâu.
Thùy Dương hiểu chị bếp muốn ám chỉ ai, cũng không hình dung người mà chị nói đã thay đổi tới mức nào. Trường đã nói với cô, anh ta tàn phế, nhưng cô không hình dung nó như thế nào, mà cũng không muốn thấy tận mắt làm gì.
Cô hỏi một cách thờ ơ:
− Có dì ở nhà không chị?
− Có đó cô.
Thùy Dương đi vào nhà, định lên thẳng phòng ông Kha. Nhưng lúc đi ngang hồ bơi, cô chợt đứng lại, quay phắt ngó về bên phải như một linh tính khó chịu.
Cách chỗ cô không xa, bên cạnh gốc kiểng hình con rồng, một hình người đang ngồi trên xe lăn. Cái đầu ngoẹo qua một bên, khuôn mặt lờ đờ nữa người nữa ma. Thật quá mức kinh khủng so với tưởng tượng của cô.
Trong một phút bất ngờ, Thùy Dương kêu lên một tiếng kinh sợ. Cô che kín mắt như gặp quỷ, rồi bỏ chạy nháo nhào vào nhà.
Cô chợt đâm sầm vào một người đang đi ra, khiến bà ta nổi cáu quát lên:
− Đi đâu mà dữ vậy?
Thùy Dương định thần lại nhìn. Bà Thuận cũng nhận ra cô, vẻ cau có biến mất. Bà nhìn ra sân và hiểu ra nguyên nhân cơn hoảng sợ đó. Bà cười nhạt:
− Gặp nó rồi phải không? Chắc cô thích như vậy lắm phải không?
Thùy Dương im lìm nhìn bà Thuận, rồi quay ngoắt người chạy lên lầu. Cô đang quá hoảng hốt, nên không định thần nổi mình, chỉ muốn chạy đi tìm ông Kha, vì ông là người không làm cô phải sợ như hai người kia.
Nghe tiếng ồn dưới nhà, ông Kha bước ra hành lang nhìn xuống. Thấy Thùy Dương về, ông đi xuống đón cô:
− Dương về đó hả con?
Thùy Dương theo ông lên phòng riêng, cô đến cửa sổ nhìn xuống sân, rồi quay lại, lắp bắp:
− Thật đáng sợ, kinh khủng quá ba ơi!
− Lẽ ra đừng để con gặp thì hay hơn.
Thùy Dương vẫn chưa trấn tỉnh nỗi, cô lẩm bẩm:
− Thật quá sức tưởng tượng, sao có thể ra hình thù như vậy được. Anh ta có nhận thức được gì không ba?
− Có lẽ đầu óc nó vẫn tỉnh táo, nhưng không nói năng được, đó mới là điều đáng sợ.
Ông khoát tay:
− Đừng để ý nó nữa con. Hôm nay con về nhà vậy là tốt, ba mừng lắm.
Thùy Dương lắc đầu:
− Con chỉ về thăm ba rồi đi, con không thể về nữa ba ạ.
Ông Kha buồn rầu:
− Nhà mình không ở lại, lại chọn người dưng làm gia đình, con làm ba đau lòng quá.
− Con xin lỗi ba, nhưng ở đó con thấy dễ chịu lắm ba ạ. Ở đó, con luôn thấy an toàn. Ở đây chỉ gợi cho con ký ức đau buồn, con không muốn nhớ.
− Ba hiểu, tại ba tất cả. Ba chỉ mong thời gian làm con quên từ từ, rồi bà ấy cũng phải đưa nó về nhà cha mẹ nó thôi, chính bà ấy cũng chịu đựng không nổi đâu.
Thùy Dương không nói gì. Những chuyện xảy ra trong gia đình không làm cô quan tâm. Vì cho dù Quảng có đi, cô cũng không muốn sống với dì Thuận. Bây giờ cô đã có một gia đình mới, cả tình thương với ba cũng không đủ sức bắt cô trở về. Suy cho cùng, ba cô có dì Thuận rồi.
Thùy Dương ngồi lại một lát rồi đi. Ngồi trong taxi nhìn ra đường, cô có cảm giác mình vừa bỏ một thế giới đầy hỗn loạn. Rất may là cô có thế giới khác bình yên hơn để mà trở về.
Khi cô về nhà dì Kiều thì trời đã tối, cổng còn bỏ ngõ. Có lẽ Hoàng Yến quên đóng cổng. Cô nàng có tật đểnh đoảng, rất hay quên. Có lần Hoàng Yến về khuya quên cửa, đến lúc Thùy Dương vô tình ra sân mới phát hiện, nhưng chẳng bao giờ cô nhắc HY, chỉ lặng lẽ tự làm một mình.
Thùy Dương khoá cửa rồi đi vào nhà. Cô tắt đèn phòng khách, định về phòng mình thì nghe tiếng nói khá lớn của HY trong phòng dì Kiều, cái giọng gay gắt làm Thùy Dương phải chú ý nghe.
Rõ ràng Hoàng Yến đang nói về Thùy Dương, giọng cô cáu kỉnh:
− Mà con chưa thấy ai lạ như dì, làm như dì thương người dưng hơn cháu trong nhà vậy.
− Nói bậy nào! Dĩ nhiên người trong nhà phải quan trọng hơn chứ con.
− Mẹ con nói cho người lạ vào nhà thì dễ, nhưng lúc muốn họ đi ra là phải nhờ tới pháp luật. Dì không sợ chuyện đó sao?
− Thùy Dương nó có nhà cửa đàng hoàng, mà một người như nó cũng không ngang ngược được đâu. Có nó ở đây, dì thấy nhà cửa ấm cúng, nó chịu ở thì dì mừng rồi.
− Thế có con thì nhà không ấm cúng chắc?
− Con với Thùy Dương mỗi đứa mỗi tính nết, không thể nào so sánh được.
− Lúc trước dì cứ năn nỉ mẹ con cho con lên ở, tưởng sao, bây giờ con thừa ra.
− Con không thừa thãi gì cả, cứ coi đây là nhà con đi.
− Nhà mình mà không thoải mái thì ở làm gì.
− Thùy Dương nó làm gì mà con không thoải mái.
− Con chả biết, lúc nào cũng ủ dột, làm ra vẻ yếu đuối để anh Trường chăm sóc.
Bà Kiều cười một tiếng:
− Sao mà phân bì như con nít vậy, con thật là... Không nói mấy chuyện này nữa nghe.
Giọng Hoàng Yến ấm ức:
− Con không sao hiểu được, tại sao dì thương nó vậy chứ, giống như người trong gia đình vậy.
Bà Kiều nói dễ dãi:
− Dì cũng không hiểu được, nhưng lúc nó còn sống, con Oanh rất quyến luyến nó.
− Lạ thật, dì với anh Trường không ai hiểu được, nhưng mà ai cũng làm như nó là ruột thịt không bằng.
Cô chợt oà lên khóc:
− Thà dì đừng để con thay chị Oanh, thà chị Oanh đừng làm cho con hy vọng, như vậy con cứ vô tư mà sống. Bây giờ con không thể nào coi anh Trường như người bình thường, con khổ lắm đó dì biết không?
Thùy Dương nghe như tim thót lại. Cô đứng lặng người, bàng hoàng vì lời thú nhận bất ngờ của HY.
Có lẽ bà Kiều cũng bất ngờ choáng người. Giọng bà sửng sốt:
− Con nói gì vậy Yến?
− Hồi đó chị Oanh cứ gieo vô đầu con ý nghĩ, khi chị ấy chết, con sẽ thay thế chị ấy làm vợ anh Trường. Chị ấy bảo một người lý tưởng như vậy chị ấy không muốn thuộc về người khác ngoài con, đó, như vậy làm sao con vô tư được.
− Nó đã từng nói như vậy à?
Bà Kiều chợt bật khóc:
− Nó biết trước là sẽ chết à? Khổ cho con gái tôi.
Hoàng Yến càng khóc lớn hơn:
− Con không hề muốn chị Oanh chết, con thề như vậy. Nhưng không còn chị ấy, con chỉ muốn anh Trường là của con thôi, thế mà anh ấy chỉ nhìn Thùy Dương, làm sao con chịu nổi.
Giọng bà Kiều nghẹn ngào:
− Trường nó không nhìn Thùy Dương theo cách nghĩ của con đâu, nó chỉ quan tâm vì tội nghiệp thôi. Nó không thể thương ai như chị Oanh con được, con đừng có nghi kỵ Thùy Dương, tội nghiệp nó.
− Con không muốn nghi kỵ vô lý, rõ ràng là Thùy Dương cứ muốn lôi cuốn chú ý của anh Trường.
Bà Kiều thở hắt một tiếng:
− Dì không thấy như vậy.
Giọng Hoàng Yến ấm ức:
− Nó biết tính anh Trường thương người nên lúc nào cũng làm ra vẻ yếu đuối sầu khổ, rõ ràng là muốn anh ấy phải quan tâm đến nó.
− Thùy Dương gặp hoàn cảnh như vậy, làm sao nó vô tư như con được. Con sống trong gia đình êm ấm, không bị bức bách gì cả, đáng lẽ con phải thương con Dương mới phải.
− Nhưng không phải vì hoàn cảnh mà nó lợi dụng tình cảm của người khác.
− Đừng nói chuyện đó nữa Yến, dì không muốn nghe, con phải hiểu là thằng Trường không yêu Thùy Dương, cũng không thích con giống như cách nó thích chị Oanh con.
Bà ngừng lại như dằn bớt sự xúc động, rồi nói nghiêm khắc:
− Con với Thùy Dương, không đứa nào là đối tượng của nó cả, con đừng ảo tưởng rồi nghi kỵ Thùy Dương, dì khổ tâm lắm.
Hoàng Yến kêu lên:
− Tại sao con ghét Thùy Dương mà dì khổ? Nó có phải là con dì đâu.
− Đúng, nó không phải là con gái dì, nhưng dì cảm thấy nó giống con Oanh, hai đứa đều có số khổ. Con không hiểu được đâu, khi nào trưởng thành con sẽ hiểu.
Trong phòng chợt im lặng hẳn, khá lâu, bà Kiều nói qua chuyện khác, như muốn xoá bỏ không khí nặng nề lúc nãy:
− Tuần này về thăm mẹ con đi, dì thấy con ít gọi điện cho mẹ con quá. Con gái ra khỏi nhà là quên nhà quên cửa luôn.
Giọng HY miễn cưỡng:
− Tại con mắc đi làm chứ bộ.
Thùy Dương thấy câu chuyện không liên quan đến mình nữa, nên bỏ đi về phòng.
Cô có cảm tưởng mình lại bị hụt chân lần thứ hai. Rốt cuộc đây cũng không thể là tổ ấm yên ổn như cô tưởng.
Cô gần như thức trắng đêm để suy nghĩ, cuối cùng cũng phải quyết định. Dù có buồn mấy cũng phải đi khỏi đây. Cô sẽ trở về nhà, sẽ trở lại nhạc viện, vào ký túc xá hay ở nhà tro.... chưa biết được, nhưng chắc chắn cô sẽ không ở nhà mình.
Hôm sau đợi Hoàng Yến đi làm, Thùy Dương qua phòng bà Kiều. Cô ngồi xuống cạnh giường, nói như thông báo:
− Hôm qua con về nhà, ba con bảo con về với ba, con đã hứa với ba rồi.
Bà Kiều ngạc nhiên:
− Sao đột ngột vậy con?
Thùy Dương vén mấy sợi tóc trước trán, giấu đi vẻ bối rối:
− Dạ, con cũng thấy bất ngờ. Nhưng ba con muốn con về dì ạ.
Bà Kiều nhìn Thùy Dương một cách nghi ngờ:
− Có thật con muốn về vì ba con, hay con muốn né tránh con Yến?
Thùy Dương vội lắc đầu:
− Con đâu có né tránh. Với lại, dù sao con cũng phải về nhà, đó mới là nhà con mà.
Bà Kiều lắc đầu:
− Tại sao con không thể coi đây cũng là nhà con? Có con ở đây dì đỡ buồn lắm, con hiểu lòng dì mà.
− Con về nhà, nhưng thỉnh thoảng sẽ chạy qua đây, con cũng nhớ dì lắm.
− Trường nó có ý kiến gì không?
Thùy Dương lắc đầu:
− Con chưa nói với anh Trường.
− Con không chờ nó về rồi hãy quyết định sau, được không con?
− Dạ thôi dì ạ. Bao giờ ảnh về dì nói lại giùm. Chắc ổn định rồi con sẽ đến gặp ảnh, lúc đó con sẽ xin lỗi sau.
− Dì nghĩ Trường nó cũng không muốn con về nhà đâu. Con không thấy sợ căn nhà đó sao Dương?
Nghĩ tới Quảng, Thùy Dương khẽ rùng mình. Nhưng cô lập tức gạt bỏ hình ảnh đó. Cô cố mỉm cười:
− Bây giờ anh ta không còn làm phiền con được nữa, con không ngại chuyện đó.
Bà Kiều buồn buồn:
− Dù sao ba con cũng đã có bà ấy, còn dì thì chỉ có con.
Thùy Dương mở lớn mắt nhìn bà Kiều. Cô tin bà nói thật lòng, mà chính vì nó thật lòng quá nên cô kinh ngạc. Làm sao bà có thể quyến luyến cô đến vậy được, hơn cả Hoàng Yến. Thật không lý giải được.
Tự nhiên cô mủi lòng muốn khóc. Nhưng cô ráng làm ra vẻ bình thường. Nếu yếu lòng, cô sẽ tiếp tục ở lại và rồi sẽ trở nên mâu thuẫn với Hoàng Yến. Trước sau gì rồi cũng phải đi, vậy thì đi sớm mọi việc sẽ tốt đẹp hơn.
Bà Kiều còn thuyết phục cô rất lâu, nhưng cô cố từ chối và dứt khoát. Cô về phòng mình dọn đồ mà nước mắt chảy lã chã trên mặt.
Sau này cô sẽ không tìm cách gặp Trường nữa, những gì xảy ra trước đây coi như chuyện quá khứ, không nên nhắc, không nên tiếp tục mối quan hệ ngày càng trở nên đáng buồn. Cô đã làm đổ vỡ gia đình dì Kiều một lần, không thể tiếp tục làm dì Kiều mất Hoàng Yến. Cô ta là cháu dì Kiều, là người trong gia đình. Còn cô chỉ là người ngoài, không lý do gì để cô tiếp tục ở lại, gây thêm buồn khổ cho người khác.
Thùy Dương ngước lên, cố gạt cảm giác yếu đuối, nhưng rồi cô lại khóc nức nở. Hoàng Yến có biết cô ta sướng hơn cô trăm nghìn lần không? Tại sao còn nghi kỵ với cô?
Mong là sau này cô sẽ không còn gặp lại những người trong gia đình dì Kiều, nó chỉ gợi cho cô buồn khổ mà thôi.
Chiều thứ bảy, khu ký túc xá nữ trở nên ồn ào. Bọn con gái trong phòng chộn rộn hẳn lên, chỉ việc tranh phòng tắm cũng đủ lau nhau chí choé.
Thùy Dương nằm trên giường vô tư đọc sách. Cô chẳng có người yêu, cũng chẳng hẹn hò với ai, nên chiều thứ bảy cũng giống như những buổi chiều bình thường khác.
Buổi chiều qua đi, bóng tối dần dần lan vào phòng. Thùy Dương buông quyễn sách, ngồi dậy bật đèn. Bây giờ cô mới để ý trong phòng vắng hoe, chỉ còn mình cô. Cả phòng đi lúc nào không hay, chỉ còn một mình cũng hay.
Thùy Dương thấy đói, nhưng lại lười đi ăn. Cô lại nằm trở lại giường, mở sách ra đọc tiếp.
Chợt có tiếng gõ cữa. Thùy Dương miễn cưỡng ngồi lên, bước ra mở. Trước mặt cô là một thanh niên đẹp như con gái, môi đỏ rất đẹp, đến nỗi Thùy Dương không nín được cười. Nhưng cô ráng mím môi, hỏi lịch sự:
− Xin lỗi, anh tìm ai?
− Đây có phải là phòng Diệp Hoa không c6?
− Dạ phải.
− Xin lỗi, tôi muốn gặp Hoa.
Thùy Dương lắc đầu:
− Hoa đi ra ngoài rồi anh ạ.
Nói xong, Thùy Dương cười rất nhã nhặn, chờ anh ta về. Nhưng anh chàng lừng khừng như không muốn đi, mà cố hỏi vớt vát:
− Xin lỗi, Hoa có nói đi đâu không?
Thùy Dương thừa biết Diệp Hoa đi chơi với người yêu. Nhưng nghĩ anh ta sẽ buồn, nên cô tế nhị:
− Cũng không biết là đi đâu, nó không nói anh ạ.
Anh ta vuốt sống mũi như có chút bối rối, rồi hỏi tiếp:
− Xin lỗi, tôi có thể ở đây chờ cô ấy không? Tôi vừa ở xa về, không có chỗ nào để đi cả.
" Trời ơi! Lại phải tiếp khách giùm nữa sao, khổ vô cùng" - Thùy Dương rên thầm trong bụng, nhưng vẫn lịch sự cười:
− Mời anh vào.
Người thanh niên bước vào phòng. Ngồi xuống ghế và kín đáo đưa mắt quan sát căn phòng nhưng không có thái độ gì.
Thùy Dương đặt ly nước trước mặt anh ta:
− Mời anh.
− Cám ơn Thùy Dương.
Trong một thoáng, Thùy Dương ngạc nhiên kêu lên một tiếng, cô định hỏi nhưng lại
thôi.
Có lẽ anh ta cũng nhận ra vẻ ngạc nhiên của cô, và anh ta cũng hối hận vì sự vô tình của mình. Thế là anh ta im lặng.
Thùy Dương kín đáo nhìn đồng hồ trên giường. Diệp Hoa đi chơi mới hơn một tiếng. Ít nhất một tiếng nữa nó mới về. Trời ơi! Trong một tiếng đồng hồ đó, cô biết nói gì với người khách không mời này đây?
Thùy Dương lấy cớ đi ra ngoài, rồi ra hành lang đứng gọi điện cho Diệp Hoa. Cô nói một cách khổ sở:
− Có khách tới tìm Hoa này, có thể về được không?
− Khách nào vậy?
− Mình không biết, anh ta đang ở đây chờ Hoa, bảo là từ xa tới.
− Ai vậy kìa, người đó thế nào?
− Cao, trắng, môi đỏ như con gái, đẹp lắm.
− A, biết rồi!
Hoa chợt cười khanh khách trong máy, rồi phán một câu ngắn ngủn:
− Chịu khó tiếp đi!
Rồi cô nàng tắt máy. Thùy Dương cáu kỉnh gọi lại ngay:
− Vậy là sao? Bắt mình tiếp anh ta đến lúc Hoa về, chắc mình dài cổ ra mất. Mình đang ghiền truyện lắm, không muốn nói chuyện với người lạ đâu.
− Chịu khó đi, bây giờ mình về không được. Thôi nha, đừng gọi lại nữa đấy. Vào tiếp khách đi!
Rồi cô nàng lại tắt máy. Thùy Dương trở vào phòng mà thấy tức mình. Bạn của nó mà làm như của mình vậy. Cô lười nói chuyện muốn chết được. Thứ bảy nào cũng gặp kiểu này chắc phải trốn ra đường thôi.
Khi cô vào phòng, vị khách không mời làm như không biết chủ nà đang rất phiền mình, anh ta hỏi thản nhiên:
− Hoa thường đi chơi tối thứ bảy hả cô bé?
− Vâng, cả chúa nhật nữa. Nói chung là đi đến tận giờ đóng cửa mới về.
Khách thừa biết Thùy Dương muốn đuổi khéo nhưng vẫn tỉnh bơ:
− Dữ vậy sao?
Rồi anh ta nói như hỏi thăm:
− Cô bé học cùng trường với Hoa à?
− Không! Tôi học trường khác.
− Khác trường mà ở cùng phòng à? Kể cũng lạ.
− Vâng. Tại vì có một nhỏ bạn ra ngoài, Hoa đã rủ tôi vào thế chỗ nhỏ bạn đó.
− Vậy à!
Thùy Dương chưa kịp nói thì đúng lúc đó có tiếng chuông reo. Cô vội đứng lên:
− Xin lỗi, anh ngồi chơi nha.
Cô đi ra ngoài hành lang mở máy:
− Alô.
Tiếng Minh Khánh vang lên trong veo:
− Ê, ngủ chưa?
− Ngủ rồi.
Minh Khánh cười khúc khích:
− Thế thì dậy đi. Này, có một chuyện cần hỏi, phải trả lời ngay để người ta còn đăng ký, thứ bảy tuần sau đi biển nhé?
− Đi với ai? Bao giờ về?
− Công ty chị Loan tổ chức cho nhân viên đi nghỉ mát, chị ấy rủ ta đi. Nhưng ta đâu có bạn bè gì, nên rủ theo mi cho vui.
− Để ta nghĩ lại xem.
− Ê, đừng nghĩ! Mi không đi thì ta cũng không đi. Nhưng mà đi đi, công ty này vui lắm.
− Sao mi biết?
− Thì năm ngoái ta đi một lần đó.
Cô nói hăng hái như thuyết phục:
− Mấy anh chị đó thân nhau mà dễ hoà đồng, vui lắm. Giám đốc công ty cũng còn trẻ mà đẹp trai hết ý, ảnh cũng dễ hoà đồng lắm.
Thùy Dương khều nhẹ:
− Tại giám đốc đẹp trai nên mi mới đi chứ gì?
− Hứ, vớ vẩn!
Thùy Dương còn đang ngần ngừ thì Minh Khánh nói như quyết định:
− Vậy nhé, ta nói cho chị Loan đăng ký nghe, đã đăng ký rồi thì không được thay đổi đó.
Rồi cô tắt máy như không để Thùy Dương có thời giờ từ chối. Mà Thùy Dương cũng không quyết liệt lắm, đi cũng được mà không cũng được. Cô không thích đi chơi biển, nhưng biết mình không đi thì Minh Khánh mất hứng, nên cô không nỡ từ chối.
Chợt nhớ mình còn nhiệm vụ tiếp khách giùm, Thùy Dương lững thững đi vào phòng. Cô thấy người thanh niên đang đứng giữa phòng, nhưng đang ngắm bức ảnh cô rất chăm chú. Để ở tầng trên vậy mà anh ta cũng thấy. Chắc nãy giờ ngắm nghía phòng của người ta đã thèm luôn. Tự nhiên cô thấy mất cảm tình với anh ta.
Đã không biết ngượng, anh ta còn nói hết sức tự nhiên:
− Cô bé có đủ tiêu chuẩn làm người mẫu đó.
Đó là một cách khen không quá sống sượng. Dù sao anh ta cũng không đến nỗi khó ưa. Thùy Dương đành phải lịch sự đến cùng:
− Cám ơn anh.
− Tôi nói thật.
− Dạ, tôi cũng cám ơn rất thật.
Anh ta chợt cười:
− Cô bé khôi hài lắm.
Thùy Dương rất muốn ngắm mình trong gương lúc này, để kiểm tra xem mình non đến đâu. Anh ta làm cô nhớ tới một người thường gọi cô là cô bé. Nhưng người ấy xem cô là cô bé thật, chứ không phải gọi vì không biết tên cô như anh ta.
Nhớ tới đó, tự dưng Thùy Dương thở dài một mình.
Anh ta hỏi ngay:
− Hình như được khen làm cô buồn lắm phải không? Thấy cô thở dài có vẻ buồn quá.
Tự nhiên Thùy Dương phì cười:
− Không có đâu, tại tính tôi hay vậy đó.
− Đừng thở dài nữa, mà cũng đừng hay ủ dột. Phải cười lên thì đời mới vui. Như tôi đây này, ngay cả những lúc điên đầu nhất, tôi cũng ráng cười.
− Anh lạc quan quá nhỉ?
− Ừ.
Thùy Dương không nói gì nữa. Cô kín đáo liếc mắt ra cửa, sau đó lại liếc nhìn lên đồng hồ. Thật khổ, nãy giờ chỉ mới hơn nửa tiếng. Nếu có thể được, cô sẽ thổi một hơi cho kim đồng hồ chạy vun vút.
Dù Thùy Dương rất kín đáo, nhưng anh ta vẫn thấy được cử chỉ của cô. Thế là anh ta làm một việc hết sức lịch sự, là đứng lên từ giã cô:
− Tôi không chờ Hoa nữa. Bao giờ cô ấy về, nhờ cô bé nói lại là có tôi đến nhé.
Thùy Dương thấy hối hận vì thái độ thiếu nhiệt tình của mình. Cô bèn hồ hởi:
− Anh cứ chờ thêm, không sao đâu ạ.
− Thôi được rồi, không làm phiền cô bé nữa, tôi về nhé.
Thùy Dương đành gật đầu:
− Dạ.
Anh ta chợt giới thiệu:
− Tên tên Quang.
− Dạ, anh Quang.
− Tôi nói tên, có nghĩa là muốn biết tên cô bé đó.
− Dạ, Thùy Dương ạ.
Anh ta gật gật đầu:
− Thùy Dương, Thùy Dương. Cô bé có biết bài hát của Nga không?
Anh ta nói thế mà Thùy Dương vẫn hiểu, cô gật đầu:
− Dạ, bài “Cây thùy dương” phải không?
− Ừ, tôi rất thích cả tên lẫn bài hát, không ngờ gặp một người có tên đó.
− Dạ.
− Tôi về nhé.
− Dạ, chào anh.
Thùy Dương lịch sự tiễn khách ra cửa, rồi quay vào định đọc tiếp quyển truyện, nhưng đúng lúc đó Diệp Hoa về đến. Thấy cô nàng, Thùy Dương nổi sùng lên:
− Hứ! Đợi tới giờ mới về.
Diệp Hoa cười cười:
− Sao, Dương thấy anh ấy thế nào?
Thùy Dương nhíu mày:
− Thế nào là sao? Này, mình không thích tính như vậy đâu nhé. Hoa có người rồi, dù anh ta có hay mấy đi nữa thì cũng mặc anh ta, đừng có bắt cá hai tay đó.
Diệp Hoa háy cô một cái:
− Hứ! Chẳng hiểu gì cả.
Rồi cô nàng cười vang một mình như thích thú lắm. Thùy Dương không phê bình nữa. Nhưng tự nhiên cô đâm ra có ác cảm với Diệp Hoa. Cô rất ghét bọn con gái tham lam kiểu đó. Cho nên với những người theo đuổi mình, cô đều thẳng thắn từ chối. Có lẽ vì vậy mà cả phòng chỉ có cô là chẳng bao giờ có cái hẹn vào chiều thứ bảy, dù cô là người nổi bật vượt xa bạn bè trong phòng.
Buổi sáng, ký túc xá còn chìm trong yên lặng. Trong phòng mọi người còn ngủ say. Chỉ có mình Thùy Dương là thức sớm. Cô đang loay hoay thay đồ thì có tiếng chuông reo. Thùy Dương vội mở máy. Giọng Minh Khánh vang lên hối thúc:
− Xong chưa mi, ta đang chờ dưới đường nè.
− Chờ chút, ta xuống ngay!
Thùy Dương tắt máy, hối hả quàng chiếc balô trên vai. Vừa đi ra hành lang, cô vừa vội vã gài nắp ngăn bên hông. Trong đó chả có gì quan trọng ngoài bánh kẹo, nhưng đó là thứ tối cần thiết cho cả cô và Minh Khánh.
Chiếc taxi đang đậu dưới đường. Minh Khánh mở cửa sẵn cho Thùy Dương. Cô lên ngồi bên cạnh cô nàng. Chị Trúc Minh ngồi phía trước. Thấy chiếc ba lô to đùng của Thùy Dương, chị nhướng mắt:
− Đi chỉ có hai ngày mà em mang đồ nhiều thế?
Thùy Dương vỗ vỗ ngăn bên hông:
− Trong này toàn là bánh kẹo và mì, chứ em mang đồ ít lắm chị ạ.
− Úi trời! Sao hai đứa hợp nhau thế không biết. Hôm qua nhỏ Khánh mang về đến nửa cửa hàng bánh kẹo trong siêu thị, có đến cả công ty ăn cũng không hết.
Minh Khánh cười khì:
− Phải chuẩn bị cho buổi tối nữa chứ.
Thùy Dương nhìn đồng hồ:
− Mình đi thế này có trễ hông chị? Hẹn năm giờ mà giờ này còn ở đây.
− Yên trí đi, mấy người trong công ty hay xài giờ dây thun lắm, bảo đảm bảy giờ xe mới chạy.
Thùy Dương lườm Minh Khánh:
− Thế mà hối ta chạy không kịp.
− Không hối cho mi chậm như rùa hả?
Thùy Dương không cãi nữa. Cô ngó ra bên đường. Giờ này đường phố hãy còn đèn, vài người gánh hàng rong đi bên lề. Những quán cà phê cũng chỉ bắt đầu mở cửa.
Xe ngừng trước công ty. Mọi người xuống xe. Thùy Dương tò mò nhìn chiếc xe đậu phía trước, rồi nhìn những người đứng trong sân. Cô bấm tay Minh Khánh:
− Chưa được 10 người, chờ chắc thành tượng đá mất thôi.
− Coi vậy chứ không lâu đâu.
Chị Trúc quay lại bảo Minh Khánh:
− Hai đứa lên xe trước đi. Chị lại đây một chút. À khoan! Mấy đứa có muốn uống cà phê hông?
Thùy Dương lắc đầu:
− Không chị ạ.
Chị Trúc đến nhập bọn với mấy người trong công ty. Minh Khánh và Thùy Dương lên xe đầu tiên. Cả hai chọn một băng phía trước, quăng balô lên tầng trên, rồi ngồi duỗi chân một cách thoải mái.
Chỉ một lát sau, mọi người đã lên đầy xe, nhanh hơn Thùy Dương nghĩ. Minh Khánh quay qua nói nhỏ với cô:
− Công ty toàn là còn trẻ, mấy anh chị đó vui lắm, lần trước đi giỡn cười muốn chết luôn. Có 1 anh ngồi bên cạnh chọc ta cười điên luôn. Lát nữa mi nhớ nhìn nghe.
Thùy Dương hiểu ngay:
− Ra là vậy, vậy nên mới thấy vui chứ gì? Có phải người đó là sếp của công ty không?
− Không phải, sếp nghiêm lắm, còn anh ấy rất vui tính.
− Hôm trước mi nói với ta sếp còn trẻ, vui vẻ, dễ hoà đồng, tưởng mi phải lòng rồi chứ, khen đến nỗi ta chóng mặt luôn.
− Thì bây giờ ta có chê đâu. Anh ấy dễ mến lắm, lát nữa mi nhớ nhìn nghe.
− Nhìn ai?
− Thì nhìn sếp.
− Nhìn gì hai ba người vậy? Vậy ai mới là nhân vật mà ngươi muốn ta biết đây?
− Chậc, thì cứ nhìn đi!
Thùy Dương nhìn Minh Khánh gườm gườm, rồi thì thào:
− Nói thật đi, có phải mi phải lòng ông ấy rồi không? Chị Trúc có biết không?
Minh Khánh giãy nãy:
− Nói bậy, nói bậy!
Cô khẽ nhăn mũi:
− Sếp của chị Trúc chưa có người yêu nhưng rất kín đáo, ít giao thiệp với phái nữ. Đẹp như chị Nga mà sếp còn không nhìn tới, nói gì đến ta. Mà ta có tiếp xúc thường đâu mà để ý.
Thùy Dương thở hắt ra:
− Mi nói chuyện ta chẳng hiểu gì cả, khen hai ba người, rốt cuộc chẳng biết mi thích ai.
Minh Khánh không trả lời, vì bận lo nhìn một người vừa bước lên xe. Cô nàng bấm tay Thùy Dương:
− Anh ấy đó, nhìn đi!
Thùy Dương ngước lên quan sát phía trước. Chẳng biết phải nhìn kỹ ai vì có đến ba người lần lượt đi lên, cô quay lại ngó Minh Khánh. Mặt cô nàng vừa vui vừa thiếu tự nhiên. Rõ rồi, thích người ta rồi chứ gì nữa!
Tự nhiên cô cũng thấy tò mò. Nhỏ Khánh này mà thích ai thì bổn phận của cô là phải nhìn để nhận xét, không thì không yên được với nó.
Minh Khánh hỏi nhỏ:
− Mi thấy thế nào?
Thùy Dương nói bừa:
− Đó là một người cao ráo.
− Mi thấy anh ấy có đẹp trai không?
Thùy Dương ngắc ngứ gật đầu bừa:
− Không đến nỗi xấu xí.
Minh Khánh cười hớn ha hớn hở. Cô nàng kể một cách say sưa cái lần gặp cách đây một năm, khiến Thùy Dương nghe mà ngạc nhiên. Thỉnh thoảng, cô nàng có nhắc nhưng đâu có say sưa như thế này.
Thùy Dương tranh thủ lúc Minh Khánh ngồi im, cô cúi xuống lấy hộp kẹo. Đang gỡ lớp giấy thì Minh Khánh chợt bấm tay cô, nói nhanh:
− Sếp kìa mi, quay lại nhìn phía sau ấy!
Thùy Dương nhón người lên, quay ra phía sau nhìn. Nhưng cô chẳng thấy ai vì có lẽ người đó đã quay xuống đường. Với lại, người ta đứng lao xao nên khó mà nhìn được một người.
Minh Khánh hỏi với vẻ háo hức:
− Mi thấy thế nào?
Thùy Dương không trả lời. Quên mất ý định khui hộp bánh, cô hỏi nghiêm chỉnh:
− Mi phải nói thật, trong hai người đó mi thích ai?
Minh Khánh hỏi yếu ớt:
− Thích ai là sao kia? Ta có thích gì đâu?
− Nhìn mặt là biết mi có tình cảm với hai người đó. Lạ thật, chẳng lẽ thích một lúc hai người, mày điên thật rồi.
Minh Khánh ngồi nhích vào Thùy Dương, nói nhỏ rí:
− Đừng nói với chị Trúc nha mi, chị ấy mắng chết luôn.
− Có nghĩa là thích hai người?
Minh Khánh bối rối gật đầu:
− Lúc đó ta thích sếp trước, vừa gặp là thích ngay. Nhưng sếp không để ý ta, mà anh ấy thì ngồi gần, nói chuyện trong cả suốt chuyến đi, nên tạ..
Thùy Dương mở to mắt nhìn Minh Khánh, rồi thì thào:
− Lạy chúa! Điên thật rồi!
− Ta cũng không biết làm sao nữa, thật khổ chết được.
− Lãng mạn đến độ lảng nhách, không chấp nhận được.
Minh Khánh vội đặt ngón tay lên miệng Thùy Dương:
− Trời ơi! Đừng có nói lớn!
Thùy Dương đẩy tay cô nàng ra:
− Tối nay rảnh sẽ nói tiếp, bây giờ không nói gì nữa.
Cô nghiêng đầu nói vào tai Minh Khánh:
− Nhưng ta hứa sẽ nhìn hai người đó, và sẽ cố vấn cho mi chọn 1 người mà thích. Được không đấy?
− Được quá đi chứ.
Thùy Dương không nói nữa. Cô loay hoay lo khui hộp bánh. Hai nàng vừa nhâm nhi bánh, vừa nói chuyện rù rì, đúng hơn là Minh Khánh thì thào kể về cuộc gặp ấn tượng với hai người mà cô nàng phải lòng.
Trong xe, tiếng ồn chợt lắng xuống khi anh chàng hướng dẫn bắt đầu nói chuyện. Thùy Dương và Minh Khánh cũng im lặng theo dõi.
Sau khi hát vài bài, anh ta lại đề nghị chơi trò chơi. Trong xe chia hai đội xong, anh ta bắt đầu ra đề tài:
− Bây giờ hai đội chúng ta sẽ nói tên một bộ phận trên cơ thể con người, dội nào thắng sẽ nhận quà của công ty. Đội A bắt đầu.
Không khí bắt đầu sôi động hẳn lên. Minh Khánh hăng lắm, cô nàng ngóng người lên phía trước, la lớn:
− Mắt.
Đội bên kia lập tức đáp lại:
− Mũi.
Thế là kể một lô ra, đầu mình tay chân đến nội tạng đều có đủ. Hai bên không bên nào chịu để thua. Thế là suốt nửa giờ, cả hai đội tìm cho hết tên ra kể. Cuối cùng không còn gì để kể. Anh chàng hướng dẫn quyết định:
− Đội A không kể được, vậy là đội A chịu thua phải không các bạn?
Đúng lúc anh ta định tuyên bố đội B thắng cuộc, thì Thùy Dương buột miệng kêu lên:
− Sữa.
Trong xe cười ầm lên. Minh Khánh ngó Thùy Dương thán phục:
− Công nhận mi nghĩ ra hay thật, cứu một bàn thua trông thấy.
Thùy Dương bặm môi làm thinh. Bây giờ nói xong mới thấy xấu hổ. Lúc nãy quýnh quá nói bừa, lạy trời cho đừng ai biết mình là tác giả của từ kinh dị đó.
Hướng dẫn viên mỉm miệng cố nín cười, rồi nói hài hước:
− Đội A có sữa. Đội B có gì các anh chị?
− Móng tay.
− Đội B trả lời được, vậy đội A chịu thua không ạ?
Thùy Dương nói nhỏ vào tai Minh Khánh một câu, cô nàng hét to lên:
− Bình đựng sữa!
Mọi người lại cười rần lên. Đến mức này thì đội B chịu thua. Hướng dẫn viên tuyên bố:
− Đội A đã thắng, xin mời đội A lên nhận quà.
Thấy ai cũng ngồi im, anh chàng bèn đưa mắt nhìn Thùy Dương, cười tủm tỉm:
− Xin mời tác giả phụ trách bộ phận sữa lên nhận quà.
Mọi người trong xe lại cười ồn ào lên. Phía sau, mấy anh chàng nhắc lại:
− Đề nghị tác giả lên nhận quà đi!
Minh Khánh hích tay Thùy Dương:
− Lên đi mi!
− Thôi, ta không dám. Mi lên đi!
Hình như chị Trúc nói gì đó, nên một thanh niên lên tiếng:
− Đề nghị bạn Thùy Dương lên nhận quà.
− Lên đi bạn Thùy Dương.
− Lên cho mọi người biết mặt đi Thùy Dương.
Thùy Dương nghiêng qua Minh Khánh:
− Lên giùm ta đi mi, để người ta chờ kỳ lắm.
Minh Khánh lắc đầu nguầy nguậy:
− Gọi tên mi thì mi lên đi.
Hai cô nàng đùn qua đẩy lại, anh chàng hướng dẫn nhìn Thùy Dương, khiến cô không thể từ chối được. Cô đứng lên, bước ra khỏi chỗ, mặt đỏ nhừ vì ngượng
Anh chàng hướng dẫn lên tiếng:
− Bạn Thùy Dương xinh đẹp của chúng ta đã cứu một bàn thua trông thấy, đây là quà tặng cho người có câu nói hay nhất. Bạn có muốn phát biểu gì không ạ?
Thùy Dương lắc đầu:
− Dạ không.
Phía sau có ai đó lên tiếng:
− Đề nghị bạn Thùy Dương phát biểu ý kiến về câu nói hay nhất của bạn.
Thùy Dương khổ sở cầm micro, cô không biết rằng cử chỉ của mình gây ấn tượng rất tốt cho mọi người, nên ai cũng muốn chọc cho cô nói.
Thấy Thùy Dương cứ cười, anh chàng hướng dẫn bèn gợi ý.
− Bạn có thể giới thiệu một chút về mình chẳng hạn.
− Dạ em chẳng có gì đặc biệt để giới thiệu. Thú thật, em rất xấu hổ vì đã cứu một bàn thua, lúc nãy quýnh quá nên em nói đại thôi.
− Nhưng dù sao bạn cũng đã có một sản phẩm rất là đặc biệt, bạn không có gì phải xấu hổ.
Phía dưới có ai đó nói lớn:
− Đề nghị người nhận quà hát một bài đi.
Thùy Dương nhìn xuống phía dưới xem ai đã nói, nhưng cô không thấy khuôn mặt nào đặc biệt vì ai cũng nhìn cô cười. Cô định từ chối thì anh chàng hướng dẫn chận lại:
− Có phải bạn định từ chối không? Bạn đừng nên phụ lòng mọi người. Bạn sẽ hát bài gì ạ?
Thùy Dương tinh quái nhìn anh chàng:
− Vâng, em xin nhường anh hát một bài mà em nghĩ là anh rất thích, đó là bài " Khi xưa ta bé"
Nói xong cô ấn micro vào tay anh ta, rồi lủi đi. Giữa tiếng cười rầm rộ của mọi người:
− Trời ơi! Ăn gian dễ sợ.
− Cho nợ đó nghen, tối nay phải trả đó.
Thùy Dương làm như không nghe, cô vội vã về chỗ mình. Cô chợt vấp dây điện, ngã vào một người ngồi ở băng ghế gần đó. Anh ta đỡ cô lại và một giọng nói trầm ấm rất quen vang lên bên tai cô:
− Chào em!
Thùy Dương ngẫng đầu lên nhìn, rồi hai mắt cô mở lớn đầy vẻ sửng sốt:
− Anh Trường.
Trường không có vẻ gì ngạc nhiên như cô, anh cười điềm đạm:
− Em về chỗ đi, lát nữa sẽ gặp nhau. Đi cẫn thận, coi chừng té!
Và anh đỡ cho Thùy Dương đứng lên. Cô vội nhìn xung quanh, rồi bước về chỗ của mình. Thật là bàng hoàng cả người, đến độ không để ý nghe nổi anh chàng hướng dẫn hát bài mình yêu cầu.
Minh Khánh chợt hích tay Thùy Dương:
− Lúc nãy mi té vào người sếp đó. Sếp nói gì với mi vậy?
− Chẳng nói gì cả, chỉ bảo đi cẩn thận.
Cô chợt quay qua, nhìn đăm đăm Minh Khánh, đến nỗi cô nàng ngơ ngác:
− Mặt ta bị dính lọ à?
− Không! Này, có phải sếp là người mà mi hay nói không? Có phải mi thích sếp không?
Minh Khánh ngượng nghịu:
− Đừng có nói lớn chứ mi, tối nay nói.
− Này, bỏ ý định đó đi, anh ấy có người yêu rồi.
− Sao mi biết?
− Đừng hỏi, chỉ biết là ta biết, thế thôi.
− Phải nói chứ, nói năng nửa vời kiểu đó, tò mò chết được.
− Không nói nhiều nữa, chỉ biết là nên thích người kia thôi.
Minh Khánh thở hắt một cái, làu bàu:
− Khó chịu như con gấu.
Thùy Dương khẽ nhăn mặt:
− Ta nói vậy vì lo cho mi đó, hiểu không?
Sợ Minh Khánh lại hỏi lôi thôi, cô nói tiếp:
− Khép mỏ lại, không hỏi nữa!
Minh Khánh làm thinh, nhưng rất ấm ức. Cô nàng tức đến nỗi không thèm ăn bánh. Cô đã đợi cả năm để gặp Trường, thế mà Thùy Dương cản ngang ngược, thật không thế nào chịu nổi.
Thùy Dương cũng không còn tâm trí để quan tâm đến Minh Khánh. Gặp lại Trường, cô mừng vô cùng, và xúc động hơn cô tưởng. Giống như gặp lại người thân yêu của mình, trong khi cuộc đời mình là chuỗi ngày cô đơn.
Buổi chiều, Thùy Dương cũng không tắm, cô ngồi một mình dưới bóng mát của dù che, đưa mắt nhìn xuống bãi cát, cố ý tìm xem Trường ở đâu trong nhóm người đó.
Thùy Dương định đứng dậy thì thấy Trường đi tới, anh ngồi xuống bên cô, mỉm cười thân mật:
− Sao em không tắm?
− Em cố ý tìm anh, từ sáng giờ em không biết phải hỏi ai.
Trường im lặng một lát, rồi quay lại nhìn Thùy Dương:
− Em có vẻ vui hơn trước kia, em có khoẻ không?
− Hình như em thấy mình vui hơn lúc trước.
Trường gật đầu:
− Tôi cũng thấy vậy. Lúc lên xe nghe tiếng em cười tôi mới nhận ra em.
− Anh Trường có gì thay đổi không?
− Vẫn vậy.
Tự nhiên cả hai im lặng, Thùy Dương cảm thấy không muốn nói chuyện xã giao như người lạ. Giữa cô và Trường không thể xã giao như thế này được. Nhưng cô không biết bắt đầu từ chuyện gì.
Cô khẽ quay lại nhìn Trường. Nhưng cặp kính trên mắt anh che khuất đi những gì cô muốn khám phá từ đôi mắt. Khi không cười, anh có vẻ bí ẩn quá, Thùy Dương không biết trong thời gian qua, anh có gì thay đổi khi nghĩ về cô, thế nên cô dè dặt.
Trường chợt lên tiếng:
− Sao lúc về nhà, em không nói với tôi hả Thùy Dương? Cũng không nhắn gì cả, biến mất như vậy không hay chút nào, tôi cứ tự hỏi tại sao em cư xử với tôi như vậy.
Thùy Dương ngỡ ngàng ngồi im. Cô không ngờ Trường phật lòng vì chuyện đó. Nhưng dù sao cô cũng không thể nói lý do.
Cô hỏi dè dặt:
− Lúc này HY có khoẻ không anh? Anh và cô ấy có gì thay đổi không?
− Không, tất cả vẫn vậy.
− Vẫn vậy à.
Trường quay lại nhìn cô:
− Có gì làm em ngạc nhiên vậy?
− Vì em cứ nghĩ anh sẽ thân thiết với HY hơn.
− Chuyện đó là tất nhiên vậy?
− Vì em cứ nghĩ anh sẽ thân thiết với HY hơn.
− Chuyện đó là tất nhiên. Còn em, bây giờ làm gì?
− Em trở lại nhạc viện. Phải tụt lại sau bạn bè một năm, nhưng có ngay bạn mới nên không thấy buồn.
− Em quen với ai trong công ty tôi vậy?
− Chị Trúc là chị của bạn em. Lúc đi theo nó, em không biết đây là công ty của anh.
− Lúc em về nhà, tôi có tới tìm, nhưng dì em bảo không biết chỗ ở mới của em. Lẽ ra em phải cho dì Kiều và tôi biết về em chứ, sao biến mất một cách im lặng như vậy?
− Em xin lỗi.
− Tôi thì không sao, nhưng dì Kiều lo cho em lắm.
Thùy Dương hơi nao núng:
− Em không ngờ anh và dì Kiều quan tâm tới em như vậy, cho em xin lỗi. Thật ra nhiều lúc em cũng muốn trở lại thăm, nhưng rồi em nghĩ, cứ như vậy hay hơn.
Cô im lặng một chút, rồi nói thành thật:
− Em hay đi ngang nhà anh lắm. Nhiều lúc em rất nhớ anh, nhưng rồi em nghĩ...
Trường nói tiếp:
− Em nghĩ im lặng hay hơn chứ gì. Với những người đã từng thương em mà lại cư xử như vậy, em vô tâm lắm.
− Em xin lỗi.
− Dù sao thì em cũng nên trở lại thăm dì Kiều đi.
− Vâng, em sẽ trở lại.
Trường nói qua chuyện khác:
− Anh ta không còn làm gì em được nữa, sao em không ở nhà mà phải bỏ ra ngoài ở? Có chuyện gì khác nữa sao?
− Vâng, cũng vẫn tiếp tục có.
− Khoan! Bây giờ em ở đâu?
− Em ở ký túc xá với nhỏ bạn, vui lắm.
Trường nhướng mắt nhìn cô:
− Em có thể ở đó được à?
− Tuy hơi vất vả, nhưng bù lại là có nhiều bạn bè vui lắm.
− Không còn chỗ nào tốt hơn sao? Lạ thật! Ba em bằng lòng để em sống như vậy à?
Thùy Dương lặng thinh như cân nhắc, rồi nói thật:
− Em xin ba là đừng quan tâm đến em. Em muốn hoàn toàn tự do. Em đã bị săn đuổi nên rất quý tự do, có lẽ ba hiểu nên bằng lòng.
Trường lại nhìn cô, cái nhìn như thấy lạ lùng. Nhưng rồi anh gật đầu:
− Tôi hiểu! Vậy là bây giờ em hoàn toàn bằng lòng phải không?
Thùy Dương nói khẽ:
− Không hẳn là vậy, em rất nhớ anh và dì Kiều.
Trường cười nhỏ một tiếng:
− Nhớ mà cư xử như vậy, thật không hiểu nỗi em. Em không muốn nói lý do thì thôi, tôi không ép.
Anh hỏi với vẻ quan tâm:
− Em định sống ở ngoài đến chừng nào?
− Em không biết nữa, nhưng em nghĩ đến lúc nào đó em sẽ có chồng, và theo chồng, không trở về nhà nữa.
− Vậy bây giờ đã có ai chưa?
Thùy Dương lắc đầu:
− Hiện giờ thì chưa có, nhưng em nghĩ trước sau gì thì cũng đến chuyện đó.
Trường cười thành tiếng:
− Mãi đến giờ mà em vẫn chưa có người yêu, con trai để yên cho em thì thật lạ.
Thùy Dương cũng bật cười:
− Đúng là em không bị bỏ quên, nhưng em không tìm được tính cách hợp với mình. Em nghĩ cũng không cần phải vội.
− Tại sao em không chịu ở nhà?
Thùy Dương chợt rùng mình:
− Em đã thấy anh ta, thật kinh khủng khi phải sống cùng nhà với một người như vậy. Thấy anh ta là em như thấy lại chuyện cũ, em chịu không nổi.
Trường trầm ngâm:
− Ba em phải chịu cảnh sống với người lạ, còn con gái mình thì ra ngoài, không dễ dàng gì đâu. Rất vô lý!
− Nhưng ba còn có dì, mà nếu không có anh ta, em cũng không thích ở cùng nhà với dì. Em có cảm tưởng nhà đó không phải là nhà của mình.
− Nhưng con gái sống lang thang ở ngoài không tốt đâu.
− Em chẳng thấy gì là bất tiện, chỉ thấy như vậy vui hơn thôi.
− Em bướng lắm. Thật ra không dễ ai khống chế được em, kể cả ba em.
− Nếu là anh, anh cũng làm vậy thôi.
Trường chợt cười:
− Nhìn người mảnh mai thế nhưng lại vô cùng bướng, em khác với Kiều Oanh ở điểm đó.
Thùy Dương nheo nheo mắt, tư lự:
− Anh đã thấy... bình tĩnh lại chưa?
Trường trở lại vẻ trầm lặng:
− Tôi không còn thấy mình sụp đổ, nhưng mỗi lần nhớ lại thì không thể không đau khổ. Tôi nghĩ sẽ lâu lắm.
− Em cũng vậy. Thật lạ, không hiểu sao em có cảm giác mất một người thân chứ không chỉ là bạn bè, nên em bị đau khổ.
Cô nói thành thật:
− Hình như em thấy anh là người thân vì anh là của chị Oanh.
− Em thấy vậy thật à?
− Vâng.
− Vậy mà trong hai năm qua, chưa khi nào em trở lại tìm tôi, dù đã từng đi ngang qua nhà tôi, thật khó lý giải.
Thùy Dương không trả lời anh. Cô chống cằm nhìn ra biển, im lặng một cách dễ chịu. Chợt cô khám phá ra một điều. Trường không còn gọi cô là cô bé như ngày nào. Sao vậy?
Cô quay lại nhìn Trường, cùng lúc anh cũng định nói. Cô phì cười khoát tay:
− Anh Trường nói trước đi.
− Em nói trước đi, chuyện gì vậy?
− Em nhận ra là anh không còn gọi em là cô bé nữa.
Trường nheo mắt:
− Vậy sao! Có lẽ vì bây giờ Thùy Dương lớn rồi, em không còn nhỏ nhoi như trước nữa. Tôi không thể nhìn em như một cô bé con được nữa.
Thùy Dương đưa tay ra phía sau giữ cho tóc đừng bay, cô nói một cách hãnh diện.
− Bây giờ em trưởng thành rồi phải không?
Trường im lặng gật đầu như xác nhận, rồi nói thêm:
− Và rất vui vẻ. Lúc ở trên xe nghe tiếng cười của em, tôi không tin đó là Thùy Dương mà tôi biết trước kia, nhưng dù sao thay đổi cũng hay hơn.
− Có nghĩa là anh không thích một người suốt ngày cứ ủ dột như con mèo đói?
− Tất nhiên rồi, ai cũng vậy cả.
Thùy Dương tinh nghịch:
− Vậy sao anh cứ dàu dàu hoài vậy? Chẳng khi nào thấy anh vui vẻ cả.
Trường nhướng mắt:
− Vậy à! Mặt mũi tôi khó coi lắm sao?
− Không! Anh Trường rất đẹp trai, nhưng chẳng khi nào thấy cười đùa.
− Cám ơn về ý thứ nhất. Nhưng ý thứ hai thì tôi sẽ nghiên cứu lại.
Minh Khánh chợt từ dưới biển chạy lên. Cô nàng quay chào Trường một cách bẽn lẽn, rồi quay qua Thùy Dương:
− Anh Trường quen với Thùy Dương à?
− Ảnh là anh bà con của ta.
Vừa nói, Thùy Dương vừa kéo Minh Khánh ngồi xuống bên cạnh. Cô nàng nghiêng đầu qua nhìn Trường:
− Anh Trường không tắm hả?
Trường lắc đầu:
− KHông, anh lười lắm.
− Không tắm biển mà anh tổ chức đi biển.
− Anh tổ chức theo yêu cầu của người khác, chứ không phải cho anh.
Thùy Dương nhìn mặt Minh Khánh, rồi thở dài một mình. Gương mặt cô nàng háo hức không dấu được ai, đôi mắt lấp lánh tình cảm say mê và trẻ con, cứ như nó đang ở trước mặt thần tượng của mình. Thế này thì giấu được ai.
Trường nói chuyện với Minh Khánh một chút rồi đứng lên trở vào khách sạn. Có vẻ như anh chưa hề biết mình đã gây cho cô nàng cảm xúc thế nào. Cử chỉ anh thân mật nhưng rất bình thản. Không biết Minh Khánh có nhận ra không?
Trường đi rồi, Minh Khánh vẫn nhìn theo một cách náo nức. Thùy Dương bèn kéo tay cô nàng:
− Có xuống tắm nữa không?
Minh Khánh lắc đầu:
− Thôi, lên thay đồ, sau đó nói chuyện.
Thùy Dương biết cô nàng muốn nhắc lại chuyện lúc sáng, nên cũng chiều ý. Cả hai trở về khách sạn. Lúc đi ngang qua căn phòng đầu dãy, Minh Khánh bấm tay Thùy Dương nói nhỏ:
− Phòng của sếp đây nè.
Thùy Dương ngó cô nàng, kinh ngạc:
− Sao mi biết?
− Ta để ý.
Tự nhiên Thùy Dương bật cười, khiến Minh Khánh ngượng nghịu:
− Hứ cười gì?
Thùy Dương không trả lời. Cô mở cửa vào phòng, quăng đôi giày vào góc và đến cửa sổ kéo màn nhìn xuống vườn. Trong phòng tắm, tiếng hát véo von của Minh Khánh vọng ra, Thùy Dương lắng nghe, rồi cười một mình. Không biết khi mình thích ai đó, mình có bồn chồn hưng phấn vậy không?
Từ sáng giờ cô cũng có tâm trạng vui lâng lâng khi gặp lại Trường, nhưng không đến nỗi muốn hát hay bồn chồn như Minh Khánh. Hình như niềm vui của cô sâu lắng hơn nhiều.
Minh Khánh đi ra. Cô nàng phóng mình xuống giường, tay ôm chiếc gối vào lòng, vẻ mặt vừa hồi hợp, vừa vui vẻ:
− Mi nói anh ấy là bà con, sao lại không biết công ty của anh ấy? Vậy là sao?
Thùy Dương quay lại, ngồi xuống ghế:
− Lúc nãy ta giới thiệu vậy thôi, chứ thật ra không phải.
Rồi cô kể chuyện gặp Trường lần đầu như thế nào. Minh Khánh im lặng nghe, đôi mắt mở lớn:
− Ảnh tốt vậy sao?
− Ừ, một người rất nhân hậu.
− Nhưng người yêu ảnh chết rồi mà, sao mi cấm ta thích chứ?
Thùy Dương im lặng một cách tư lự. Mãi thật lâu, cô mới nói một cách kém vui.
− Chị ấy không còn, nhưng còn người khác. Lúc còn sống, chị ấy muốn sau này anh Trường sẽ cưới cô em họ của chị ấy.
− Có chuyện đó nữa hả, lạ vậy?
Thùy Dương cười buồn:
− Lúc đó ta bỏ đi là vì vậy, cô ta rất ghét ta. Cô ta chướng mắt khi thấy anh Trường quan tâm đến ta.
Minh Khánh kêu lên:
− VẬy là cô ta cũng thích anh Trường?
− Ừ, rất yêu.
Minh Khánh bướng bỉnh:
− VẤn đề là anh Trường có yêu lại cô ta không?
Thùy Dương lắc đầu:
− yêu hay không ta không biết, nhưng mi đừng có thích ảnh nữa, mai mốt sẽ thất vọng đó, ta nói thật.
Thấy Minh Khánh xụ mặt như đưa đám, cô nói thêm:
− Mi thích người kia sao không thích hẳn luôn, tự nhiên lại chuyển qua anh Trường. Mi trẻ con lắm và bồng bột lắm:
Minh Khánh lắc đầu:
− Thật ra, tại người đó tấn công nên ta thích, chứ tự ta thì đâu có tình cảm. Mà cũng không phải là thích kiểu lãng mạn đâu.
− Chứ là kiểu gì?
− Ta không biết.
Thùy Dương nghiêm mặt:
− Tình cảm của mình mà cũng không biết, mi như vậy là không được đâu. Vậy trong hai người, mi thích ai hơn?
Minh Khánh thật thà:
− Không hiểu sao mới thấy anh Trường lần đầu là ta thích liền. Suốt cả năm nay ta chẳng có cách nào gặp, vào công ty tìm chị Trúc hoài thì bị la, mà cũng đâu có gặp được anh ấy, chỉ có dịp này thôi.
Cô nhìn Thùy Dương một cách cầu khẩn:
− Mi nói với ảnh giùm ta đi
− Nói gì?
− Thì nói tình cảm của ta.
Thùy Dương tròn mắt:
− Điên, thật là con nít.
− Không nói thì ta không có cách nào hết. Cứ để ảnh biết đi, rồi ảnh sẽ để ý lại ta, ta nghĩ vậy đó.
Thùy Dương ngồi im, không biết phải nói thế nào. Sự trẻ con của Minh Khánh làm cô kinh ngạc. Chơi với nhau cô biết cô nàng có tính lau chau, nhưng tình cảm mà lau nhau thế này thì không cách gì chấp nhận được.
Chợt có tiếng chuông gọi, rồi tiếng chị Trúc gọi vọng vào:
− Đến giờ ăn rồi nghe hai đứa, xuống nhanh lên.
Thùy Dương dạ một tiếng, rồi bước qua bàn phấn chải lại mái tóc rối tung vì gió biển. Minh Khánh cũng đến đứng bên cạnh cô, chăm chút kẻ đôi mắt và vẽ thật kỹ đường cong của môi. Thùy Dương khoanh tay đứng nhìn. Cô cảm thấy tội nghiệp hơn là buồn cười. Trường chẳng bao giờ cảm được mẫu người như Minh Khánh. Nhưng anh có biét anh làm người khác xôn xao vì mình không?
Thùy Dương và Minh Khánh đi qua nhà hàng. Cô đưa mắt cố ý tìm Trường, nhưng chẳng thấy anh đâu. Hình như Trường hơi cách biệt với nhân viên của mình. Từ sáng giờ cô chẳng thấy anh đi chung với ai cả. Có lẽ giờ này anh vẫn ở một mình trong phòng. Sống khép kín như vậy buồn lắm.
Buổi tối khi cả đoàn quay quần bên lửa trại, Trường đưa Thùy Dương đi dọc bờ cát. Cả hai im lặng nhiều hơn nói chuyện. Thỉnh thoảng, Thùy Dương lại lên tiếng nhưng là những mẫu chuyện lan man. Và TRường chỉ yên lặng nghe cô nói hơn là tham gia.
Cả hai đi càng lúc càng xa đoàn. Dọc bờ biển càng xa càng vắng người. Biển đêm không ồn ào, chỉ có tiếng sóng và tiếng gió. Trường chỉ về phía cụm đá chơ vơ ngoài mặt nước:
− Em dám ra đó không?
− Dám, nhưng em không biết nước có lớn nữa không?
− Không sao đâu! Nếu có đi nữa thì cũng không quá ngực, em biết lội mà.
− Nhưng ai lại lội lúc này bao giờ.
TRường chỉ cười chứ không trả lời. Anh bước lên từng phiến đá và quay lại vịn cho Thùy Dương đi lên. Cả hai chọn một vị trí khá rộng. Bỏ sau lưng mọi sinh hoạt bên bờ biển, chỉ thấy trước mắt là mênh mông nước.
Thùy Dương nhìn những chiếc thuyền câu xa xa. Một ý nghĩ thoáng qua, cô nói khẽ:
− Có khi nào sóng nổi lên thật lớn và cuốn tất cả ra thật xa không nhỉ? Lúc đó mình sẽ thế nào đây anh Trường?
Giọng TRường nửa đùa nửa thật:
− Sẽ chết.
Thùy Dương cũng nửa đùa nửa thật:
− Thế anh có sợ chết không?
− Thỉnh thoảng.
− Đó là lúc nào?
− Lúc thấy yêu cuộc sống.
− Vậy anh thường có tâm trạng chán sống lắm à?
− Thỉnh thoảng.
− Vậy đó là lúc nào?
Trường cười cười:
− Lúc Thùy Dương bỏ đi mà không thèm chào tôi một tiếng.
− Hứ! Em nói thật mà anh lại đùa.
− Tôi đang nói thật đó thôi.
Thùy Dương hỏi nghiêm chỉnh:
− Thế lúc em đi anh buồn thật à? Có thật không?
Trường gật đầu:
− Thật! Vì lúc đó em chưa hoàn toàn bình thường, tôi lo cho em.
− Chỉ có vậy thôi sao?
− Còn nữa, khi gặp em tôi có cảm giác Kiều Oanh còn phảng phất đâu đó quanh em. Không có em rồi tôi cũng không thấy Kiều Oanh đâu nữa, điều đó làm tôi thấy đau khổ hơn.
Thùy Dương lặng lẽ ngước lên nhìn Trường. Không ngờ cô và Kiều Oanh có duyên nợ nhiều như vậy.
Cô hỏi khẽ:
− Anh thấy em giống chị Oanh lắm à?
− Hai cô có những nét chung rất giống nhau, đến nỗi có lúc tôi nghĩ đó là chị em thật sự.
− Trước kia dì Kiều cũng bảo nhìn em dì ấy có cảm giác nhìn thấy chị Oanh.
− Dì Kiều cũng thấy vậy à?
− Vâng.
Trường chợt quay lại nhìn cô:
− Em có thấy mệt không? Hay là về nghỉ nhé.
Thùy Dương khoát tay:
− Giờ này còn sớm mà, ở ký túc xá tụi em thức đến mười hai giờ.
− Sao em thức khuya như vậy?
− Em cũng không biết, thường là giỡn với nhau, hoặc làm việc tẩn mẩn, hoặc đọc sách, nói chung là thức khuya.
− Từ đây về sau đừng nên như vậy, em phải biết giữ sức chứ.
Thùy Dương bật cười:
− Thức khuya một chút đâu có sao.
− Nhưng em phải biết điều độ, em không biết giữ mình gì cả.
Thùy Dương hơi ngạc nhiên. Không hiểu sao Trường quá quan tâm tới sức khoẻ của cô. Chẳng lẽ nhìn cô ẻo lả lắm sao?
Trường chợt lên tiếng:
− Lúc này em còn hay đàn không?
Thùy Dương lắc đầu:
− Phòng chật quá, không có chỗ nên em không mang đàn theo, chủ yếu là em tập ở trường.
− Tôi thật ngạc nhiên, làm sao một người như em lại sống nổi cuộc sống kham khổ đến vậy.
− Không có gì là khổ cả, ở đó em vui lắm.
Trường không nói gì nữa. Thùy Dương cũng im lặng nhìn mặt nước. Trăng đã khuất trong đám mây từ lúc nào. Mặt biển trở nên bí hiểm hơn. Xa xa chỉ còn thấy nhấp nháy những ngọn đèn nhấp nháy của đoàn thuyền câu. Cô nhìn ra xung quanh.
Trong phút lãng đãng đó, cô chợt phát hiện còn có một cặp tình nhân phía bên kia phiến đá. Họ không xa lắm, nhưng nói chuyện thì không nghe được.
Vì không có gì ngắm nên Thùy Dương đâm ra tò mò nhìn cặp tình nhân. Họ đang hôn nhau đầy lãng mạn. Thùy Dương bặm môi, cố nhìn đi nơi khác. Nhưng rồi không thể cưỡng lại tò mò, cô lại liếc nhìn họ. Như chợt phát hiện một điều lạ lùng bí ẩn mà mình chỉ nhìn thấy trên phim ảnh.
Trường chợt lên tiếng:
− Em lạnh không?
Vừa nói, anh vừa nhìn qua Thùy Dương. Bắt gặp cái nhìn lặng lẽ của cô, anh cũng đưa mắt nhìn theo, rồi quay mặt chỗ khác, như sợ Thùy Dương ngượng vì bị anh phát hiện. Tự nhiên anh cười một mình. Có lẽ cô chưa bao giờ trải qua điều đó. Đôi mắt mở to của cô có gì đó vừa lạ lùng vừa xấu ổ… nhưng chẳng lẽ cứ để cô nhìn hoài.
Trường định lên tiếng nói một câu gì đó, thì Thùy Dương chợt quay lại. Thấy cái nhìn của anh, cô ngượng nghịu ngó chỗ khác:
− Ở đây vắng quá.
Trường hỏi một cách tế nhị, như không nhận ra vẻ ngượng ngùng của cô:
− Em lạnh không ? Nếu lạnh thì vô trong kia.
− Cũng hơi lạnh.
− Vậy thì về.
Vừa nói, anh vừa đứng dậy, đưa tay cho Thùy Dương vịn:
− Bước xuống từ từ thôi, đá trơn lắm đó.
Thùy Dương tháo giày, nhẹ nhàng nhảy xuống phiến đá thấp hơn. Cô và anh vào bờ mà không hề bị ướt. Phía xa xa, ánh lửa trại đã tàn, chỉ thấy than đỏ như đốm lửa nhỏ.
Hình như mọi người đã về khách sạn. Bãi biển vắng tênh. Trời âm u và gió thổi lồng lộng. Thùy Dương có cảm giác như cả khu du lịch chỉ còn mình cô và Trường là còn thức. Vắng đến lạnh người.
Thùy Dương nói nhỏ:
− Khuya quá rồi!
Trường không nói gì. Anh cứ im lặng suốt từ lúc quay về. Vẻ im lặng đó làm anh trở nên kín đáo và xa cách, nó làm Thùy Dương thấy hơi sợ.
Cô lặng lẽ đi bên Trường, đầu óc cứ lan man nhớ hình ảnh lãng mạn lúc nãy. Trong mắt cô bây giờ, Trường không phải là người anh. Và cô không thể ngăn mình mơ mộng về những cảm xúc của tuổi thanh xuân. Ước gì cô cũng nhận những cử chỉ giống như cô gái kia, những cử chỉ từ Trường đem đến.
Trường chợt giữ tay Thùy Dương lại. Cử chỉ đột ngột đó làm cô hồi hộp đến nghẹt thở. Nhưng cô không hề có ý định phản đối, chỉ có thể chờ đợi.
Và rồi điều mơ mộng đó đã tới, cũng giống như cô gái ngoài kia. Áp mặt vào ngực Trường, cô nghe được tim anh đập rất mạnh. Và rồi cái hôn kéo dài đầy lãng mạn. Cuối cùng anh ngửa mặt cô lên, nhìn như dò hỏi.
Thùy Dương cụp mắt nhìn xuống. Xấu hổ đến nỗi không dám nhìn vào mặt Trường. Nhung anh lại kéo mặt cô lên:
− Anh có áp đặt em quá không?
Giọng Thùy Dương nhẹ như gió thoảng:
− Không có.
− Anh có vội vả quá không?
− Em không biết.
Cô bạo dạn ngước lên nhìn Trường:
− Tại sao anh làm như vậy?
− Anh cũng đang tự hỏi anh. Thật tình anh không hiểu được anh bây giờ, nhưng đó là thật.
Thùy Dương thu hết can đảm hỏi:
− Anh có yêu em không?
Trường không trả lời. Anh chỉ cúi xuống, môi không rời môi cô. Bóng tối làm Thùy Dương dạn dĩ hơn, cô nhón chân lên, tay choàng qua cổ anh. Cô không biết hôn như thế nào, nhưng thiệt tình và tràn đầy nồng nàn. Hình như cả Trường cũng không còn tự chủ nỗi mình.
Rồi Trường buông cô ra, giọng có vẻ gì đó hối hận:
− Anh xin lỗi, khuya rồi, giờ này lẽ ra em không nên ở đây.
− Như vậy là sao? Em không hiểu? Có phải em hư hỏng quá không?
− Em không bao giờ như vậy cả. Nhưng em có mệt không?
− Không, em cũng bình thường thức như vậy lắm.
− Đi xa cả ngày, anh lại để em thức khuya, anh bậy thật.
Thùy Dương vô tư:
− Anh làm như em yếu đuối lắm vậy.
Tự nhiên Trường im lặng, thái độ trở nên khó hiểu lạ kỳ. Hình như anh đang nghĩ một chuyện gì đó mà Thùy Dương không hiểu được.
Cả hai đi lên bậc đá. Đến chỗ căn chòi, Thùy Dương chợt phát hiện ra một người đang đứng tựa vào cột. Trời tối quá nên cô không nhận ra ngay được. Nhưng cô có cảm giác cô nàng là Minh Khánh. Thế là cô đứng lại nhìn cho kỹ.
Trường cũng có vẻ ngạc nhiên vì cử chỉ của cô. Nhưng cũng đứng lại chờ, anh hỏi nhỏ:
− Em nhìn ai vậy?
Thùy Dương không trả lời, cô kêu lên:
− Khánh hả? Sao ở ngoài này một mình vậy?
Minh Khánh gằn giọng:
− Đi chơi vui không? Ta đã thấy hết rồi.
Nói xong, cô nàng đùng đùng bỏ đi. Thùy Dương chỉ biết đứng nhìn theo. Trường hỏi một cách ngạc nhiên:
− Chuyện gì vậy Dương?
− Nó giận em rồi- Thùy Dương trả lời một cách khổ sở.
− Tại sao giận?
− Tại anh đó.
Nói xong, cô định chạy theo Minh Khánh. Nhưng Trường đã giữ cô lại:
− Anh làm gì? Em giải thích đi.
Thùy Dương buột miệng:
− Nó rất thích anh, anh hiểu không?
Trường sững sờ buông tay cô ra, vẻ mặt hoàn toàn không tin. Làm sao anh tin được một cô gái anh không hề quen biết lại có thể thích đến mức ghen giận kiểu đó.
Trường nghiêm giọng:
− Anh không thích đùa. Sau khi đã trải qua những giây phút đó với anh, em có thể đem chuyện này ra đùa được thì anh không chấp nhận.
Thùy Dương kêu lên:
− Em không đùa.
− Không đùa mà lại nói một câu như vậy, vừa coi thường anh, vừa coi thường cả bạn em, em làm sao vậy Dương?
Thùy Dương hơi bị hụt hẫng vì cử chỉ nghiêm khắc của anh, cô nói có vẻ giận:
− Nghe cách anh nói, em thấy mình láu táu quá. Có lẽ vì lúc nãy em dễ dãi, nên anh đâm ra coi thường em.
Trường lắc tay cô một cái:
− Sao lại có thể nói năng như vậy với nhau? Em nghĩ anh là gì vậy?
Thùy Dương thở dài:
− Em cũng không ngờ tự nhiên mình lại gay gắt với nhau như vậy, cho em xin lỗi.
− Từ đây về sau, đừng bao giờ đùa như vậy nữa.
− Em không đùa. Ngay bây giờ em không nói được, nhưng thật tình em thấy căng thẳng quá. Khánh nó giận em rồi, anh không hiểu gì cả.
Trường buông tay cô ra:
− Thôi được, em lên nói chuyện với bạn em đi.
Nói xong, anh quay người bỏ đi trở ra phía bờ cát. Thùy Dương đứng tần ngần một lát, rồi lững thững đi vào khách sạn.
Chuyện xảy ra đột ngột quá, khiến cô không biết làm thế nào cho đúng. Minh Khánh giận thì cô còn hiểu được, chứ Trường mà giận thì không cách gì lý giải nổi. Anh phản ứng khác lạ với tính cách của anh, cô biết hiểu sao bây giờ.
Khi Thùy Dương lên phòng thì Minh Khánh đang ngồi ở ghế. Thấy Thùy Dương, cô nàng nguẩy đầu qua một bên, đùng đùng bỏ qua giường nằm, kéo gối che kín đầu. Nhìn con nít không thể tưởng.
Thùy Dương lặng lẽ thay đồ, rồi ngồi bó gối bên giường mình. Cô chưa kịp mở miệng thì Minh Khánh ngồi bật dậy:
− Mình thấy hết rồi. Nếu không thấy thì chắc còn bị gạt dài dài. Nếu hai người thích nhau thì cứ nói thật với mình, bạn bè mà quanh co như vậy sao, hay ho gì chứ.
Thùy Dương nói một cách bình tĩnh:
− Chuyện xảy ra lúc nãy chính mình cũng không ngờ. Mà nếu đã xảy ra trước đó thì cũng không thể gọi là gạt, vì nhửng gì mình kể toàn là thật, bạn không được trách mình.
Minh Khánh ngồi bật dậy:
− Nói vậy hai người chỉ mới thích nhau thôi à? Trước đó không hề có à?
− Chuyện đó chính mình cũng không hiểu được mình. Nên mình không giải thích được.
Cô cau mặt nhìn Minh Khánh:
− Nhưng mình không đồng ý cách phản ứng của bạn.
− Chả lẽ không cho mình được tức nữa sao ?
− Bạn có thể buồn, nhưng không được giận hay trách là mình gạt gẫm, vì mình đã nói từ đầu, ảnh không biết bạn thích ảnh mà.
Minh Khánh định định nói thì cô nói thêm:
− Nếu hai người quen biết rồi, mình xen vào thì mình có lỗi. Đàng này tình cảm chỉ là phía bạn, mình biết trước là bạn sẽ thất bại nên đã nói thật lòng, bạn cứ bình tĩnh suy nghĩ cho kỹ đi.
Nói xong, cô với tay tắt đèn, rồi nằm xuống như ngủ.
Minh Khánh ngồi bó gối ngẫm nghĩ. Thùy Dương ngủ đã lâu mà cô vẫn còn thức. Phản ứng của Thùy Dương làm cô rất ngạc nhiên. Nó rất đường hoàng chứ không có vẻ gì là lén lút, nên cô không thể nổi giận được.
Thật tình, nếu Thùy Dương năn nỉ rồi nhận lỗi, có lẽ cô sẽ thấy bị xúc phạm. Chính vì Thùy Dương vạch rõ sự vô lý của cô, nên cô đâm ra hoang mang, không biết mình giận thế có đúng không.
Thật ra thì Thùy Dương không có lỗi. Nhưng vì thất vọng và ghen giận, nên cô vẫn thấy ấm ức:
Cô nói nhấm nhẳng:
− Nếu mình không thấy hai người lúc nãy, thì Dương có nói thật với mình không?
Thùy Dương nghe hết, nhưng không trả lời. Bây giờ giải quyết xong chuyện của Minh Khánh rồi, cô lại suy nghĩ về phản ứng của Trường lúc nãy.
Minh Khánh làm cô buồn chỉ chút ít. Nhưng với Trường thì nỗi buồn đó lại nhân lên gấp mấy lần. Tại sao vừa mới tỏ tình với nhau mà đã quay ra lạnh lùng kỳ cục như vậy. Nó làm cô có cảm giác Trường không thật lòng.
Chẳng lẽ một người như anh có thể đùa giỡn hay hành động thiếu suy nghĩ như vậy.
Thùy Dương đang căng thẳng thì Minh Khánh nhảy qua giường cô, giọng ấm ức:
− Dương không muốn nói chuyện với mình phải không?
Thùy Dương ngóc đầu dậy:
− Để cho mình yên!
Rồi cô lại nằm xuống, rúc đầu vào gối như không muốn nói chuyện.
Thái độ của cô làm Minh Khánh vừa tức vừa hoang mang, cô dằn dỗi.
− Biết vậy mình đã không rủ Dương đi chuyến này, giống như "gậy ông đập lưng ông" vậy. Nếu không có chuyến đi này thì hai người có gặp lại nhau không? Sao lại cư xử với mình như vậy?
Thùy Dương mím môi im lặng. Bây giờ cô thấy giận chứ không thông cảm với Minh Khánh nữa.
Sự im lặng của cô chẳng khác nào coi thường Minh Khánh, nên cô dằn dỗi bỏ qua giường mình. Cô trằn trọc mãi vì tức, cuối cùng ngủ thiếp đi.
Minh Khánh ngủ đến mức có tiếng chuông gọi cửa cũng không hay. Đến lúc chị Trúc gọi lớn cô mới nghe. Cô choàng ngồi dậy, định ra mở cửa, nhưng lúc đó thấy mảnh giấy trên giường Thùy Dương nên cô nhoài người qua mở ra đọc. Thùy Dương viết rất vắn tắt: “Mình về trước, hẹn gặp lại ở trường”.
Minh Khánh tỉnh ngủ hẳn. Cô ngồi thừ suy nghĩ. Bên ngoài tiếng chị Trúc gọi lớn hơn:
− Hai đứa dậy chưa? Xuống ăn sáng này!
Minh Khánh vội nói lớn:
− Em nghe rồi. Chị xuống trước đi!
− Xuống ngay đó, đừng lâu quá nghe!
− Dạ.
Minh Khánh vội thay đồ. Cô cố ý mở tủ xem có thật là Thùy Dương về hay chỉ doạ. Nhưng quả thật ngăn tủ trống trơn. Thùy Dương về thật rồi. Tự nhiên cô tức muốn khóc. Thà ở lại gây nhau cũng được, chứ về kiểu này cô đâm ra sợ bị giận.
Minh Khánh lững thững đi xuống nhà hàng. Cô đến ngồi cạnh chị Trúc mà mắt cứ ngó dáo dác tìm Trường. Anh đang uống và phê cùng vài người trong công ty. Cô nửa muốn tới nói chuyện nửa thấy ngại vì đông người quá. Thế là cô chỉ biết ngồi im.
Một lát mọi người đứng lên. Minh Khánh liếc nhìn bàn Trường. Thấy anh định đi, cô vội bước tới phía anh, gọi một cách rụt rè:
− Anh Trường!
Trường quay lại, hơi ngạc nhiên khi thấy cô gọi nhưng cũng cười nhã nhặn:
− Chào em.
Minh Khánh thoáng lúng túng:
− Em… có thể nói chuyện với anh một lát không?
− Được chứ.
Anh đưa mắt tìm một bàn trống ngoài sân, rồi khoát tay:
− Lại đằng kia đi!
Cả hai ngồi đối diện qua chiếc bàn tròn. Minh Khánh lúng túng giấu tay dưới gầm bàn. Lúc nãy cô rất muốn gặp riêng Trường, cô nghĩ là có nhiều chuyện để nói, nhưng bây giờ thì đâm ra chẳng biết nói gì. Thật ra giữa anh với cô đâu có chuyện gì để nói. Nhất là anh cứ im lặng như chờ, làm cho cô thấy càng lúng túng.
Trường yên lặng nhìn Minh Khánh, nụ cười rất thân ái. Như khuyến khích cô dạn dĩ lên. Nhưng thấy cô cứ ấp a ấp úng, anh tế nhị hỏi trước:
− Cô bé có chuyện gì vậy?
− Em… à, em muốn nói là Thùy Dương về rồi. Lúc em dậy thì chẳng thấy nó đâu, nên em thấy phải nói với anh.
Trường nhíu mày nhìn Khánh nhưng không nói gì. Cử chỉ đó càng làm cô thấy bối rối. Cô liếm môi như có lỗi:
− Hôm qua em với Thùy Dương nói chuyện rất… rất căng thẳng, em không ngờ là nó giận, sáng nay bỏ về luôn.
Trường có vẻ quan tâm:
− Hai cô có chuyện không vui phải không?
− Dạ đúng, nhưng ơ… cũng không đến nỗi phải giận. Trước giờ tụi em rất hay cãi nhau, nhưng chỉ một lát là bỏ qua, chẳng bao giờ nó giận dữ như vậy. Em xin lỗi anh?
Trường nhướng mắt:
− Tại sao phải xin lỗi tôi?
− Em chọc Thùy Dương bỏ về, chắc anh buồn lắm phải không?
− Buồn ai?
− Ý em nói là không có Thùy Dương, anh sẽ buồn, mà lỗi là tại em.
− Nếu hai cô giận nhau vì tôi thì chắc tôi sẽ buồn. Nhưng nếu là chuyện riêng của các cô thì tôi làm sao can thiệp được, sao lại thấy có lỗi với tôi?
Minh Khánh lấm lét nhìn Trường. Không biết anh có đoán ra chuyện gì không. Nếu anh mà biết cô với Thùy Dương gay cấn nhau vì anh, thì sẽ xấu hổ không biết trốn vào đâu.
Cô hỏi dè dặt:
− Thùy Dương bỏ về một mình, anh có giận em không?
− Các cô xích mích với nhau, tôi lấy lý do gì để giận cô bé nhỉ? Nhưng tôi muốn biết tại sao Thùy Dương về mà không nói với tôi.
− Em cũng không biết, chắc nó ngại.
− Ngại tôi cản à?
− Không phải, không phải! Em nghĩ là…
Cô lúng túng một lát, rỗi nói khẽ:
− Em biết là em vô lý. Dù sao thì tình cảm không thể giành nhau được. Với lại, anh với nó tới với nhau trước em. Thùy Dương rất thẳng thắn chứ không giấu giếm gì cả, lỗi là tại em vô lý.
Trường không hiểu Minh Khánh muốn nói gì, lại càng không hiểu được tại sao cô nàng cứ một mực bảo có lỗi. Anh không hiểu nổi cô có lỗi gì nhưng không tiện hỏi, đợi cô tự nói ra.
Nhưng Minh Khánh nhận ra nãy giờ mình lố bịch quá, nên càng thấy lúng túng. Chẳng lẽ kể hết với anh những gì cô và Thùy Dương đã nói đêm qua. Nhưng chủ động gặp anh mà không có chuyện gì thì càng vô duyên hơn. Thế là cô cứ đưa mắt ngó ra ngoài một cách bồn chồn.
Trường tưởng Minh Khánh có chuyện gì quan trọng nên ngồi kiên nhẫn chờ. Nhưng chờ hoài không thấy cô nói gì, anh cười nhã nhặn:
− Cô bé không ra tắm sao? Không đi cùng với bạn bè à?
− Dạ, em chỉ có bạn là Thùy Dương, nhưng nó về mất rồi.
Trường ngạc nhiên:
− Vậy cô bé quen với ai trong đoàn?
− Em là em chị Trúc đó.
− À, hiểu rồi!
Anh khoát tay như muốn chấm dứt câu chuyện:
− Thôi nhé, chúc buổi sáng vui vẻ, hẹn gặp sau nhé!
Minh Khánh không còn cách nào hơn là đứng dậy. Cô hơi quê vì cách đuổi khéo của Trường, nhưng không thấy bị coi thường. Chính vì anh nói chuyện ngột quá, lịch sự và ân cần quá nên cô không bị cảm giác bẽ mặt, nhưng bảo không quê thì không thể nào phớt lờ được.