Chương 9
Tác giả: Hoành Linh Đỗ Mậu
Ngày 4 tháng 3 năm 1956, Quốc hội Lập hiến ra đời với nhiệm vụ chính yếu là soạn thảo, biểu quyết và thông qua Hiến pháp của nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Tuyệt đại đa số các dân biểu là thành viên của Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, và vì dự thảo Hiến pháp đã được “chung quyết” từ trước tại dinh Độc Lập nên các cuộc thảo luận tại trụ sở của Quốc Hội chỉ là những cuộc thảo luận nặng về hình thức và để cho có vẻ dân chủ. Cuối cùng, 123 dân biểu đều đồng thanh chấp thuận bản Hiến pháp và được ông Diệm ban hành vào ngày 26 tháng 10 năm 1956.
Như đã phê bình trong chương trước, những danh từ hoa mỹ và nhiều khi thần bí trong Hiến pháp cũng như trong những điều khoản căn bản phải có của một Hiến pháp là chỉ cốt để che dấu một cách vụng về những điều khoản phản dân chủ, phản thời đại, và phản dân tộc của nó.
Đã không thiếu những luật gia lúc đó cũng như sau này phát hiện ra tính bất quân bằng trong nguyên tắc phân quyền cũng như sự tập trung quyền lực quá độ vào vị nguyên thủ quốc gia của bản Hiến pháp này. Để kiểm soát và hạn chế hai tác hại lớn lao này, người ta “đã tìm thấy rất ít điều khoản bảo đảm sự ngăn ngừa, chận đứng một chế độ độc tài, độc đảng” [1]. Tuy điều 98 chỉ cho Tổng thống đặc biệt nắm nhiều quyền hành trong nhiệm kỳ lập pháp đầu tiên mà thôi để bảo đảm sự ổn định và liên tục của sinh hoạt quốc gia, nhưng sau khi hết nhiệm kỳ đó rồi, anh em Diệm–Nhu vẫn, theo đà, tiếp tục đưa ra những chánh sách và biện pháp chà đạp những điều khoản dân chủ hiếm hoi còn lại trong Hiến pháp. “Diệm và Nhu hoàn toàn không biết đến Hiến pháp, chỉ cai trị bằng sắc lệnh và bằng ý kiến riêng của mình, hơn nữa, thể chế độc tài của họ lại được thực hiện đến tận cấp thôn xã” [2].
Một quyết định sai lầm lớn nhất của ông Diệm lúc bấy giờ là bãi bỏ những cuộc bầu cử thôn xã vốn là đơn vị hành chánh cơ bản và thực dụng của xã hội Việt Nam. Từ tháng 6 năm 1956 trở đi, các viên chức điều hành cấp xã đều sẽ do Tỉnh trưởng chỉ định chứ không phải là Hội đồng do nhân dân trong làng bầu lên nữa [3]. Chế độ thôn xã Việt Nam vốn có truyền thống sinh hoạt theo nguyên tắc đồng thuận hòa hài, các viên chức quản trị do chính dân làng bằng hình thức này hay hình thức khác tín nhiệm đề cử, nhờ vậy thôn làng đã trở thành những pháo đài xây dựng nên sức mạnh mãnh liệt và viên mãn không những để chống thắng các đạo quân xâm lược mà còn nhiều khi chống đối, khước từ các chính sách tàn ác của các triều đình Việt Nam, vì vậy mà “phép vua (mới) thua lệ làng”. Nhưng dù là cựu quan lại Nam triều ông Diệm vẫn cố tình bác bỏ những yếu tính văn minh và truyền thống dân tộc đó nên những tác hại chiến lược về sau, khi phải đối chọi với cuộc chiến tranh nhân dân do Cộng Sản chủ xướng, còn kéo dài cho đến ngày mất miền Nam [4].
Bốn tháng sau đó, vào tháng 10, ông Diệm lại ban hành Dụ 57a cho phép Tỉnh trưởng nhiều đặc quyền về an ninh và phát triển. Dụ 57b cho phép Tỉnh trưởng được trưng tập nhân dân trong những công tác cứu tế xã hội… đã biến một số đông những Tỉnh trưởng, Quận trưởng, và Xã trưởng thành ra màng lưới quyền lực đầu tiên ở cấp địa phương để khai sinh và nuôi dưỡng những mầm mống bất công, tham nhũng và áp bức từ đó cho đến sau này.
Tất cả màng lưới đó tuy chằng chịt đan nhau nhưng lại quy về một mối tại dinh Độc Lập, nơi mà Tổng thống Diệm tập trung tất cả mọi quyết định, vi phạm mọi nguyên tắc hành chánh cơ bản, để can thiệp trực tiếp và mạnh mẽ vào những sinh hoạt nào mà ông muốn, cấp độ nào mà ông thích.Chủ trương trung ương tập quyền tuyệt đối đó, một lần nữa phản ánh cái tâm lý độc quyền và độc tôn là một trong những nét đặc thù của con người ông Diệm từ những ngày đầu mới làm quan Nam triều. (Cho nên như tôi đã trình bày trong một chương trước, việc ông đòi hỏi người Pháp phải cải cách xã hội thời làm Thượng thư Bộ Lại chỉ là một cái cớ thuần lý và khôn khéo thể hiện tham vọng nắm hết và nắm chặt quyền lực trong tay mà thôi. Vì rõ ràng nhất là tại sao thời làm Thượng thư Bộ Lại ông đòi hỏi tự do và chủ quyền cho người dân mà bây giờ, đến lúc làm Tổng thống, ông lại bãi bỏ chế độ dân cử tại thôn xã để tước đoạt quyền tự do và quyền làm chủ của người dân?)
Song song với những biện pháp hành chánh thất nhân tâm đó, chế độ lại phạm thêm một lỗi lầm khác, đẩy nhân dân thêm một bước nữa về sự khủng hoảng tín nhiệm dọn đường màu mỡ cho mầm Cộng Sản sinh sôi nẩy nở sau này. Đó là chiến dịch rầm rộ và lố bịch để đề cao và thần thánh hóa ông Diệm. Từ bài “Suy tôn Ngô Tổng thống” được ra lệnh hát bất kỳ lúc nào có chào cờ đến những ngày lễ “Thánh Bổn Mạng”, từ một ngày lễ “Song Thất” bắt chước một cách vụng về ngày lễ Song Thập của Trung Hoa đến chân dung Ngô Tổng thống xuất hiện trong các rạp chiếu bóng, rạp cải lương (đến độ nhiều khán giả đã đợi cho đến khi xong cái trò hề suy tôn đó rồi họ mới chịu vào xem phim chính). Kỹ sư Trần Văn Bạch, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Chánh, đã không chịu hô “Ngô Thủ tướng muôn năm” trong các buổi lễ suy tôn nên bị vu cáo là có liên hệ với Bình Xuyên đến nỗi phải bị mất chức, hạ tầng công tác, như đã nói trong chương IV.
Những biện pháp cai trị mở đầu đó, và những điều khoản phản dân chủ trong Hiến pháp chứng tỏ rằng quả thật anh em ông Diệm đã không chuẩn bị hoặc không thiết lập được một kế hoạch xây dựng quốc gia nào trong thời gian mới lên nắm chính quyền. Như một phép lạ do ơn trên ban xuống, như một kẻ chuyên môn kéo màn bỗng bị đẩy ra sân khấu diễn tuồng, anh em ông Diệm choáng váng trước hoàn cảnh và trước mức độ quá to lớn của vấn đề cai trị đất nước, nhất là vì muốn giới hạn quyền cai trị đó trong gia đình mình thôi. Cho nên kế sách đầu tiên phải làm là củng cố quyền lực, tập trung quyền lực và độc chiếm quyền lực. Kế sách đó được biểu hiện dưới ba kế hoạch:
1. Biến Tổng thống chế dân chủ thành một “triều đại quân chủ” với những đặc quyền tuyệt đối và to lớn trong tay vị lãnh đạo.
2. Xây dựng một giai cấp thống trị dựa trên thiểu số Cần Lao Công Giáo do chính anh em trong gia đình kiểm soát và điều động.
3. Thiết kế một hệ thống quyền lực từ thượng tầng đến hạ tầng cơ sở để chi phối và ảnh hưởng mọi sinh hoạt quốc gia.
Kế hoạch ba tầng đó chỉ nhằm mục tiêu Công giáo hóa toàn bộ nhân dân miền Nam để duy trì quyền lãnh đạo đất nước anh truyền em nối. Phát xuất từ những sai lầm cơ bản về nhận định như chỉ có người Công giáo mới chống Cộng, chỉ có người Công giáo mới trung thành với mình, chỉ có một quốc gia theo Công giáo mới được quốc tế ủng hộ. Và cũng phát xuất từ những tính toán chủ quan như xây dựng được một chủ thuyết Kitô giáo là có thể vạch được một sinh lộ cho tổ quốc, xây dựng được một chủ lực Thiên Chúa giáo là có thể điều động được toàn khối dân tộc, cho nên nền độc tài Công giáo mà anh em ông Diệm chủ xướng và thực hiện ngay từ đầu (và kéo dài suốt 9 năm của chế độ) chỉ là hệ quả tất nhiên của những con người đã đánh mất hồn nước trong tâm chất và không biết đến những quy luật dựng nước trên mặt chính trị. Và ở trên những nhận định sai lầm cơ bản đó là những thôi thúc cuồng tín và quá độ của những người tự nhận mình có sứ mạng tông đồ, có chức năng của hàng giáo phẩm, quyết rao giảng (dù phải áp đặt) tôn giáo mà mình tin tưởng cho cả dân tộc.
Tại sao khi chưa cầm quyền thì đả kích Bảo Đại độc tài phong kiến, khi họp Hội Nghị Đại Đoàn Kết (1953) thì hô hào dân chủ tự do, mà lúc lên chấp chánh thì lại độc tôn, độc tài chà đạp chính cái dân chủ tự do mà mình đã từng lớn miệng đòi hỏi? Tại sao khi đã dẹp hết các lực lượng giáo phái, các đảng phái chính trị, các tổ chức và cá nhân chống đối và đang được đa số quần chúng ủng hộ để xây dựng một miền Nam thịnh vượng và hùng cường trong hòa bình, thì lại tiến hành những chính sách kềm kẹp bạo trị, bất chấp nguyện vọng chính đáng của toàn dân?
Có phải vì yêu nước không hay là vì yêu tôn giáo của mình quá độ, yêu gia đình mình quá độ, yêu cá nhân mình quá độ! Có phải vì để chống Cộng không hay là vì để chống các thành phần dân tộc khác, chống các lực lượng chính trị khác, chống các khuôn mặt quốc gia khác?
Lời giải đáp cho những câu hỏi này hiển hiện rõ ràng trong 9 năm trời cầm quyền của anh em ông Diệm. Chín năm ngút ngàn quặn đau vì dân tộc đã lỡ một cơ hội lịch sử hầu có thể tái tạo vươn lên để trở về giải phóng đất Bắc, chín năm máu lệ tủi nhục vì dân tộc đã bị cai trị bởi một vị vua thời Trung Cổ vào giữa thế kỷ 20 mà văn hóa, chính trị, tôn giáo, kinh tế, thương mại, giáo dục và kể cả chống Cộng đều không còn là quyền của nhân dân nữa, nhưng lại tập trung một cách chặt chẽ trong tay một gia đình.
Trong tập sách này tôi chỉ xin đưa ra vài chính sách tiêu biểu để thấy rõ hơn bộ mặt độc tài Công giáo trị đó.
Hãy bắt đầu bằng chính sách đáng kể nhất: Tố Cộng. Tiêu diệt Cộng Sản tại miền Nam, trước hết, đáng lẽ phải là một chủ trương của toàn thể nhân dân miền Nam mà trong đó nỗ lực chính phải đến từ nhân dân, phải đến bằng chính ý thức chống Cộng (đặc biệt) của người dân quê tại thôn xã (là nơi mà trong 10 năm kháng Pháp, Cộng Sản đã xây dựng hạ tầng cơ sở). Nhưng vì chế độ Diệm không nắm vững nguyên lý đó nên cả chiến dịch, thay vì là một chiến dịch chống Cộng lại trở thành một chiến dịch “Tố Cộng” của chính quyền như cái tên gọi sai lầm của nó. Và thay vì tố Cộng, bộ máy Cần Lao Công Giáo đã tố chính những thành phần dân tộc yêu nước, đã lạm dụng tình trạng khẩn trương giả tạo và sự mất quyền làm chủ tại thôn xã của dân quê để làm thui chột cái mục tiêu chính yếu của nó là đánh bật những gốc rễ cơ sở của Cộng Sản tại miền Nam Việt Nam.
Không những thế, nương theo đà tố Cộng hung hãn của chánh quyền, những oán thù cũ của 10 năm máu lửa không dính líu gì đến “theo Cộng” hay “chống Cộng” được dịp bùng lên để mang ra tố nhau dưới chiêu bài “Tố Cộng” đang được chính quyền bảo trợ và khuyến khích. Do đó mà chiến dịch Tố Cộng đã bắt giam vào trại cải tạo từ 50.000 đến 100.000 tù nhân, nhưng chua xót thay, đa số tù nhân này lại không phải là Cộng Sản” [5].
Quốc sách diệt Cộng chính đáng và cần thiết đó bỗng trở thành một nguyên nhân gây mâu thuẫn trong lực lượng nông dân, và trở thành một nhược điểm cho cán bộ Cộng Sản lúc đó và sau này khai thác để tuyên truyền chống phá các chính phủ quốc gia.
Kiểm điểm lại quá trình phát triển và những thành tích đẫm máu của Cần Lao ở miền Trung, các sử gia và quan sát viên vô tư đều phải công nhận tánh cách sát phạt khủng khiếp của lãnh chúa Ngô Đình Cẩn. Số cán bộ Việt Cộng bị giết thì chẳng bao nhiêu nếu những kẻ bị coi là Việt Cộng quả đã hoạt động thực sự cho Cộng Sản! Mà số người bị giết vì bị phân loại là Việt Cộng hầu hết lại chỉ là dân đen, hiền lành, đói khổ, bất mãn với chế độ hét ra lửa của “ông Cậu”. Sở dĩ đã có sự đáng tiếc đó xảy ra là vì tại những vùng đất rộng lớn khắp giải Quảng Bình vào đến Phú Yên, hầu hết những làng mạc đều đã từng bị Cộng Sản cai trị một thời gian khá lâu, trước khi được quân lực Việt Nam Cọng Hoà giải phóng. Và trong thời gian sống dưới chế độ Cộng Sản của chánh quyền nhân dân Việt Minh, người địa phương nếu muốn sống yên thân làm sao tránh tham gia ít nhiều vào các công tác của Việt Cộng. Nếu nay chính quyền Cẩn buộc tội họ đã làm Việt Cộng mà đem giết đi thì họ cũng đành chịu chết oan chứ biết làm sao thanh minh cho được [6].
Từ đó, tâm lý chống Cộng của nhân dân miền Nam phát xuất từ sự sợ hãi chính quyền hơn là từ ý thức đề kháng và khước từ Cộng Sản một cách sáng suốt và tự do. Chống Cộng, và càng chống Cộng một cách hăng hái trên mặt hình thức, bỗng trở thành lá bùa hộ mệnh cho một quần chúng yếu đuối, nhất là ở thôn quê. Chính cán bộ chính quyền cũng bị điều kiện hóa trong khả năng thẩm định lập trường chính trị của quần chúng: cứ ai hô hào chống Cộng lớn miệng nhất là đáng tin cậy, là người quốc gia !
Ông Lê Nguyên Long, một nhân sĩ miền Trung và là chứng nhân của giai đoạn đó cũng cho thấy việc cán bộ đảng Cần Lao lợi dụng việc chống Cộng để bắt bớ, giam cầm, sát hại, nhiều đảng viên của Việt Quốc, Duy Dân và Đại Việt, là những đảng viên cách mạng đã từng có một lịch sử đấu tranh chống Pháp, chống Cộng, và ông kết luận rằng:
“Lúc ấy (ông Diệm mới cầm quyền), miền Trung có hàng ngàn cán bộ không cần làm việc có lương nhiều, chỉ sao đủ sống đạm bạc để hoạt động chống Cộng là họ thỏa chí. Bao năm khổ đau sống trong tăm tối của Cộng Sản, nay ánh sáng quốc gia rọi về, họ hứng khởi đứng dậy, lửa chống Cộng bừng bừng, khí thế Cộng Sản tàn lụi. Nhưng ngay lúc đó, ông Diệm và tay chân của ông ta lo diệt trừ người quốc gia hơn là Cộng Sản. Một thời cơ thuận lợi để nắm dân ông đã đánh mất… Đã biết bao người chống Cộng, từng bị Cộng Sản giam cầm, đến khi ông Diệm cầm quyền thì hồ sơ của họ trở thành là những người hoạt động cho Cộng Sản! Biết bao đảng viên Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Duy Dân một sớm một chiều, hồ sơ của họ biến thành Cộng sản, di hại cho họ mãi đến sau khi ông Diệm đổ” [7].
Nếu chế độ Diệm đã trọng dụng những phần tử có quá trình hoạt động cho Việt Minh như các ông Kiều Công Cung (từng là Sư Đoàn trưởng, là Dân biểu Quốc Hội, là Giám đốc viện Phốt phát của Việt Minh) được cử giữ chức Đặc Ủy Công Dân Vụ, ông Trần Chánh Thành (từng là Chánh án Liên Khu Tư của Việt Minh) được trọng dụng làm Bộ trưởng, Phạm Ngọc Thảo (từng chỉ huy tình báo cao cấp của Việt Minh) được mang cấp bậc Đại tá, giữ chức Tỉnh trưởng… thì thử hỏi vì sao đảng viên các đảng phái quốc gia chống Cộng lại bị liệt vào hàng Cộng Sản để rồi bị tiêu diệt.
Bị thôi thúc bởi bản tính bất nhân và bị chỉ đạo bằng những lý luận bất trí, chế độ Diệm đã dùng bạo lực thay vì chính trị, dùng khủng bố thay vì giáo dục trong cái giai đoạn mà nhân trị - chứ không phải bạo trị - là phương sách duy nhất và phù hợp nhất để thu phục nhân tâm, xây dựng niềm tin và sự ủng hộ của quần chúng miền Nam. Chính vì đã không xây dựng được niềm tin đó, chính vì đã không xây dựng được sự ủng hộ đó cho nên khi Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam của Hà Nội ra đời, họ đã có sẵn một đại khối thôn quê (đang là nạn nhân bất mãn với chính quyền) che chở, bảo vệ và yểm trợ. Không tiêu diệt được từ trong trứng nước mầm mống Cộng Sản tại miền Nam mà lại còn trực tiếp đóng góp cho sự lớn mạnh của chúng chính là tội lớn của chế độ Ngô Đình Diệm. Từ năm 1959, tình hình an ninh của miền Nam bắt đầu suy sụp, Việt Cộng củng cố và phát triển được hạ tầng cơ sở cùng các mật khu an toàn; đặc công Cộng Sản bắt đầu ám sát, bắt cóc, phá hoại, tiêu hủy những nhân viên và nỗ lực của chính quyền tại hầu hết vùng thôn quê là những chứng cớ rõ ràng không chối cãi được, mà cao điểm của sự suy sụp này là sự ra đời của “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam” vào cuối năm 1960.
Chính sách độc tài thứ hai là chính sách kiểm soát và khống chế báo chí. Cũng như Cộng Sản, để che dấu tội ác và những biện pháp sắt máu của chế độ, anh em ông Diệm chủ trương tiêu diệt đệ tứ quyền của nhân dân. Họ dùng những biện pháp kiểm duyệt gắt gao sách báo để kềm kẹp báo chí, phát bông giấy để duy trì đặc quyền đặc lợi cho chủ nhiệm các báo trung thành với chế độ, tập trung phát hành vào nhà Tổng Phát Hành Thống Nhất, một cơ quan do tay sai của chế độ nắm giữ để chận đứng sự phổ biến các tờ báo đứng đắn mà họ gọi là “phản động”, và đặt cán bộ Cần Lao vào hàng ngũ báo chí để làm mật vụ theo dõi, điểm chỉ các nhà văn, ký giả yêu chuộng tự do và dân chủ thật sự. Nhưng trắng trợn và khủng khiếp hơn cả là những biện pháp công an trị và cảnh sát trị bằng cách cho tay sai đến đập phá các tòa báo, khủng bố và truy tố ra tòa các chủ nhiệm những tạp chí có khuynh hướng đối lập. Dù đó là đối lập xây dựng trong khuôn khổ hợp pháp và Hiến định.
Ngày 13 tháng 3 năm 1958, chỉ vì bài báo Thư gửi ông Nghị mà ông Nghiêm Xuân Thiện, chủ nhiệm báo Thời Luận, bị tòa phạt 10 tháng tù treo, 100.000 đồng phạt vạ, và bị rút giấy phép xuất bản với tội danh “có mục đích và tính cách xúc phạm chính quyền”. Thật ra nội dung bài báo chẳng có gì là vi luật hoặc vi hiến nếu không muốn nói là cần thiết vì nội dung bài báo chỉ đòi hỏi các ông Dân biểu hành xử đứng đắn nhiệm vụ đại diện cho dân, đừng làm Nghị gật, đừng làm Dân biểu gia nô. Tuy nhiên, vì tờ báo đó là của khối Dân Chủ, một khối độc lập với chính quyền do các ông Hoàng Cơ Thụy, Phan Quang Đán, Nghiêm Xuân Thiện chủ trương nên nó đã không được phép hiện diện trong một chế độ độc tài nữa. Tội nghiệp ông Nghiêm Xuân Thiện vốn là một chiến sĩ chống Cộng ngay từ năm 1945, tờ báo Thời Luận của ông đã từng bị Pháp cho ném lựu đạn lúc còn ở Hà Nội vì những luận điệu chống thực dân, cho nên ngay lúc di cư vào Nam sau khi đã bỏ lại tất cả cơ nghiệp ở miền Bắc, ông Thiện góp vốn với bạn bè cho tái bản tờ Thời Luận mong đóng góp tiếng nói chống Cộng với toàn dân. Không ngờ thiện chí đó của ông Thiện được trả lời bằng biện pháp công an, cảnh sát đến đập phá tòa báo, phạt tù và phạt một số tiền vô cùng to lớn đối với gia cảnh của ông và đối với thời giá đồng bạc lúc bấy giờ. Điều mỉa mai là khi còn ở Bắc, khi còn ở dưới chế độ thực dân, tờ Thời Luận của các ông Nghiêm Xuân Thiện, Trần Trung Dung…, vì đòi hỏi tự do dân chủ mà bị Pháp cho người đập phá, nay vào Nam cũng vì đòi hỏi dân chủ tự do mà bị chế độ Cộng Hòa Nhân Vị trừng phạt, ông Nghiêm Xuân Thiện phải ra tòa trong lúc ông Trần Trung Dung (là cháu rể của họ Ngô) thì lại an toàn trong chức vụ Phụ tá Bộ trưởng Quốc Phòng.
Một nền báo chí có thể ví như một tấm gương. Nếu chế độ dân chủ thực sự thì tấm gương sẽ giúp chế độ thấy điều xấu để sửa sai và thấy điều tốt để khai triển. Nhưng nếu chế độ độc tài thì tấm gương phải bị đập vỡ tan nát để chế độ có thể hài lòng với cái ảo tưởng xinh đẹp của mình và để đừng phản chiếu cái thô kệch xấu xa của mình cho cả nước cùng biết.
Chế độ Diệm đáng lẽ không thể nhân danh an ninh quốc gia và quốc sách chống Cộng của mình để khống chế báo chí vì như vậy là tự chặt đứt mình với đại khối dân tộc để độc quyền chống Cộng. Chế độ lại càng không thể khống chế một tờ báo có khuynh hướng đối lập xây dựng khi chính nhóm chủ trương “Dân Chủ” chỉ gồm những thành viên đã có lập trường và quá trình chống Cộng dứt khoát và rõ ràng. Vậy thì chỉ có thể giải thích rằng chính sự hiện diện của nhóm đối lập đó, của tạp chí đối lập đó đang làm phương hại đến quyền lợi của anh em họ Ngô vốn đang cố bám chặt lấy danh vọng và quyền uy mà thôi.
Sau tờ Thời Luận thì đến số phận đắng cay của nhật báo Tự Do. Trường hợp tờ Tự Do là trường hợp hãn hữu nói lên tấn tuồng “bi hài kịch” về chính sách báo chí chỉ xảy ra dưới những chế độ chính trị như chế độ Ngô Đình Diệm.
Tờ Tự Do được ra đời để giải tỏa áp lực của một dư luận quốc tế đang lên án và đả kích nặng nề chính sách kềm kẹp báo chí gắt gao của chế độ Diệm. Vì vậy ông Ngô Đình Nhu và bác sĩ Trần Kim Tuyến, giám đốc sở Nghiên Cứu Chính Trị, bèn cho nhật báo Tự Do ra đời, ngụy trang đối lập nhằm cải chính dư luận của quốc tế và đóng vai trò giải tỏa ẩn ức cho quần chúng Việt Nam.
Nhật báo này do ông Phạm Việt Tuyền làm chủ nhiệm và ông Kiều Văn Lân làm quản lý. Hai ông này đều là người Công giáo và lúc đó đang thật tâm ủng hộ chế độ. Một số các nhà văn và ký giả tên tuổi như các ông Như Phong, Hiếu Chân, Mặc Thu, họa sĩ Phạm Tăng được mời vào ban biên tập như là chủ lực của tờ báo. Ông Như Phong phụ trách viết quan điểm và tham luận, ông Hiếu Chân phụ trách mục “truyện phim”, ông Phạm Tăng, mục hí họa chính trị và thời sự.
Vì hoài bão muốn xây dựng một cuộc cách mạng xã hội tại miền Nam và tin tưởng vào sự đồng thuận của chính quyền, các ông Như Phong và Hiếu Chân (vốn là đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng) đã viết những bài có nội dung cổ xuý cho một quan điểm chống Cộng khôn ngoan và hiệu dụng hơn, phù hợp với hiện thực của xã hội miền Nam lúc bấy giờ; đồng thời các ông cũng công khai chủ trương đánh phá những biện pháp độc tài phản dân chủ để xây dựng sức mạnh cơ bản thật sự cho miền Nam.
Vào dịp Tết Canh Tý (đầu năm 1960), nhóm Tự Do cho ra số Xuân với bức hí họa đặc biệt ở trang bìa làm sôi nổi dư luận và đem thích thú lại cho độc giả cũng như đem tai họa lại cho nhóm chủ trương. Bức tranh bìa của tờ báo vẽ sáu con chuột háu ăn, nanh vuốt bén nhọn, đang tham lam tranh nhau gậm xới một trái dưa hấu đỏ trên bản đồ miền Nam Việt Nam. Nhìn bức hí họa, ai cũng có thể thấy được thâm ý của nhóm chủ trương và người họa sĩ đã có tài phản ánh trung thực tình trạng đất nước đang bị sáu anh em ông Diệm cầm quyền tranh nhau đục khoét tài nguyên quốc gia. Chuột là con vật tượng trưng cho tuổi Tý theo quan niệm tướng số học, mà tuổi của ông Diệm lại là tuổi Canh Tý. Chuột cũng tượng trưng cho thứ thú vật dơ bẩn, thường đi kiếm ăn về ban đêm (bất chánh), và thường mang lại bệnh tật cho loài người nên ai cũng ghê tởm muốn giết đi. Sáu con chuột trên bức hí họa rõ ràng ám chỉ sáu anh em nhà Ngô: Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và vợ, Ngô Đình Luyện, và Ngô Đình Cẩn. Tờ báo Xuân Tự Do bán chạy như tôm tươi và Tết năm đó, mọi người gặp nhau, câu chuyện đầu môi là bức hí họa chuột. Nhưng trong lúc dân miền Nam hả hê với bức tranh chuột của báo Tự Do thì những kẻ chủ trương lại đang gặp tai họa.
Vào một ngày cuối tháng Hai năm đó, tôi đang thẩm định một số phúc trình về tình trạng đào ngũ gia tăng của một số đơn vị ở miền Tây thì Thiếu tá Nguyễn Thành Long, Chánh sở An ninh Quân đội Biệt khu Thủ đô, xin vào gặp. Mới thấy tôi, Long đã vội vã xin lỗi và phúc trình một công tác quan trọng: “Thưa Đại tá, 12 giờ đêm hôm qua, Đại úy Quyền (người Công giáo miền Trung) cảnh sát trưởng quận Nhất, Đại úy Minh (người Công giáo di cư) chỉ huy Hiến Binh Sài Gòn Chợ Lớn, và em, đại diện Nha An ninh Quân đội, được lệnh tối mật của ông Cố vấn đến đập phá tòa báo Tự Do và lùng bắt những người chủ trương tờ báo. Theo Đại úy Quyền, người nhận lệnh trực tiếp từ ông Cố vấn và người chỉ huy cuộc hành quân, thì cuộc bố ráp phải được tuyệt đối giữ bí mật, không được cho Đại tá biết cho đến khi thi hành xong nhiệm vụ. Bây giờ công tác đã hoàn thành, em đến trình công việc lên Đại tá rõ. Em xin lỗi Đại tá”.
Từ lâu, tôi đã quá biết thủ đoạn thâm độc của ông Ngô Đình Nhu, đã quá biết cũng cách làm việc “hỗn quan hỗn quân” của chế độ Diệm nên sau khi nghe Thiếu tá Long trình bày, tôi chỉ cười và an ủi viên sĩ quan thuộc cấp, vốn người Công giáo miền Nam chân thành ngay thẳng. Long cho biết theo lệnh của ông Nhu thì phải lùng bắt cho được tên Hiếu Chân Nguyễn Hoạt thường mượn chuyện xưa tích cũ để chửi bóng chửi gió các cấp lãnh đạo quốc gia trong mục “Nói hay Đừng”, nhưng ông Hiếu Chân lại lọt lưới, chỉ bắt được các ông Như Phong, Phạm Việt Tuyền, và Kiều Văn Lân (hai ông Tuyền và Lân hiện ở hải ngoại). Cũng theo lệnh của ông Cố vấn thì ba ông này phải được giam giữ tại Sở An ninh Quân đội Quân khu Thủ đô.
Cũng từ lâu, tôi không ngạc nhiên về chuyện bắt bớ giam giữ báo chí, vốn là việc của Công An Mật Vụ thế mà Ngô Đình Nhu lại giao về cho nha An ninh Quân đội như đã nhiều lần dùng thủ đoạn “Di họa Giang Đông” đó để làm cho tôi bị “vấy máu” trong việc bắt bớ người quốc gia đối lập. Nhưng đời nào tôi lại mắc mưu Ngô Đình Nhu, huống chi chủ trương của tôi là luôn luôn bảo toàn sinh lực quốc gia bằng chính sách đoàn kết với người quốc gia chống Cộng, dù họ là thành phần đối lập với chế độ, cho nên tôi vội vã đến thăm các can nhân đang bị giam giữ trong trụ sở An ninh Quân đội của Thiếu tá Long. Khi tôi đến nơi thì các ông Phạm Việt Tuyền, Kiều Văn Lân và Như Phong đang bị nhốt trong nhà lao của Sở. Tôi ra lệnh cho Long di chuyển ba ông về một căn phòng thoải mái, cho phép vợ con của các ông ấy đến thăm viếng và bới xách bất kỳ lúc nào, và đem sách báo, cờ tướng cho các ông giải trí. Tôi cũng ra lệnh cho Long là không được điều tra thẩm vấn gì cả, đợi độ một tuần rồi làm tờ trình lên cho tôi là ba nhà báo này không có tội tình gì cả để tôi toan liệu xin với Tổng thống trả tự do cho họ. Nhưng ba vị ký giả này mới chỉ bị giữ độ ba, bốn ngày tại sở An ninh Quân đội Biệt khu Thủ đô thì tôi được lệnh ông Nhu chuyển hồ sơ qua nha Công An để Công An thụ lý. Thấy không di họa được mà lại đoán ra ý định của tôi, ông Nhu bèn ra lệnh chuyển nội vụ qua Công An. Vốn đã chán ngấy những việc làm thất nhân tâm của anh em ông Diệm, lại biết ông Nhu đã đề phòng nên tôi đã không thể theo dõi số phận của ba nhà báo ở nha Công An nữa. Cho đến sau ngày chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ tôi mới có dịp gặp lại các ông Phạm Việt Tuyền, Như Phong và Hiếu Chân khi các ông ấy đến thăm tôi tại nhà riêng ở Sài Gòn để cảm tạ chút tình tri ngộ. Cái tai họa do bức tranh Chuột gây ra bỗng trở thành cơ duyên cho tôi được thêm ba người bạn mới, tuy hoàn cảnh không cho phép thắm thiết nhưng thời gian đã thử thách được sự keo sơn.
Riêng ông Hiếu Chân Nguyễn Hoạt thì trong đêm bị bố ráp đã nhanh chân trốn thoát đến ẩn trú tại một làng ở kinh Vĩnh Tế gần biên giới Miên–Việt, mãi cho đến sau ngày chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ mới trở về lại Sài Gòn đoàn tụ gia đình. Sau đó, khi viết hồi ký để kể lại đoạn trường của nền báo chí Việt Nam dưới chế độ “Cách mạng Nhân Vị” Ngô triều, ông có nhắc lại chuyện này và trong đó có nhiều đoạn khen ngợi sự sáng suốt và can đảm của vị “Giám đốc Nha An ninh Quân đội thời đó”.
Thành thực mà nói, trong giới làng văn làng báo năm xưa, tôi rất quý trọng nhiều người mà đặc biệt là hai ông Hiếu Chân và Như Phong vốn là những người tranh đấu trong đảng cách mạng Việt Quốc. Chẳng những họ là những người chiến sĩ cách mạng tiền phong chống Cộng, đầy ắp tình tự dân tộc và hành xử phóng khoáng tự do, mà họ lại còn có khả năng diễn đạt làm khích động lòng người theo con đường chính nghĩa. Tôi đã say mê đọc bản dịch Liêu Trai Chí Dị của ông Hiếu Chân và khâm phục tinh thần đoàn kết của ông qua tác phẩm Mắt Em Ở Bốn Phương Trời (sau đổi ra là Trăng Nước Đồng Nai), một tác phẩm đề cao tinh thần đoàn kết giữa người Nam và người Bắc để cùng nhau phụng sự đất nước.
Vì khâm phục hai ông Như Phong và Hiếu Chân nên sau khi lật đổ chế độ Diệm, tôi đã đề nghị với Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng mời hai ông vào Hội Đồng Nhân Sĩ, một hội đồng được coi như cơ cấu Lập pháp tạm thời thay thế Quốc Hội. Sau này, khi tị nạn tại Mỹ, đọc hồi ký của ông Tô Văn trên báo Thức Tỉnh, tôi mới được biết Hiếu Chân đã từng viết nhiều về tôi với bao thâm tình tri kỷ. Nhưng than ôi, Hiếu Chân và tôi sẽ không bao giờ còn gặp nhau được nữa, anh đau khổ sống mỏi mòn nơi quê nhà, còn tôi nơi đất khách quê người ngày ngày ngắm nhìn mây bay về trời Tây mà ngậm ngùi nhớ thương cố nhân nhục nhằn khổ đau nơi cố quận. (Lúc tái bản sách này – 1993 – thì được tin anh mất, tôi xin thắp một nén hương lòng kính viếng hương hồn anh).
Tôi cũng xin trích đăng một đoạn sau đây của học giả Nguyễn Hiến Lê (Đời Viết Văn Của Tôi, tr. 99–101) để thấy rõ chính sách đàn áp tự do tư tưởng và tự do phát biểu dưới chế độ Diệm:
Điều may thứ nhì là một cơ hội tốt để tôi thực hiện một điểm trong chương trình mở mang kiến thức thanh niên. Từ mấy năm trước tôi đã mua được mấy cuốn Histoire Universelle của Wells, Histoire de l’Humanité của H. Van Loon… đọc rất hấp dẫn, tôi tính sẽ dịch hoặc tóm tắt. Đầu niên khóa 1954–55, trong chương trình Trung học đệ nhất cấp có thêm môn Lịch sử Thế giới dạy trong 4 năm. Ông Thiên Giang lúc đó dạy Sử các lớp đệ lục, đệ ngũ. Tôi bàn với ông soạn chung bộ sử thế giới càng sớm càng tốt cho học sinh có sách học, khỏi phải chép “cua” (cours). Ông đồng ý. Chúng tôi phân công: tôi viết cuốn đầu và cuốn cuối cho lớp đệ thất và đệ tứ; ông viết hai cuốn giữa cho lớp đệ lục và đệ ngũ. Chúng tôi bỏ hết công việc khác, viết trong 6 tháng xong; tôi bỏ vốn ra in; năm 1955 in xong trước kỳ tựu trường tháng chín. Bộ đó khá chạy, sau tôi nhường cho nhà Khai Trí tái bản.
Một chuyện đáng ghi là vì bộ đó mà năm 1956 bị một độc giả ở Cần Thơ mạt sát là “đầu óc đầy rác rưởi” chỉ vì chúng tôi nhắc qua đến thuyết của Darwin về nguồn gốc loài người. Chẳng cần nói ai cũng biết độc giả đó là một tín đồ Công giáo.
Sau, một linh mục ở Trung yêu cầu bộ Giáo dục cấm bán và tịch thu hết bộ đó vì trong cuốn II viết về thời Trung Cổ, chúng tôi có nói đến sự bê bối của một vài Giáo hoàng. Bộ phái một viên bí thư có bằng cấp cử nhân tiếp xúc với tôi. Ông này nhã nhặn, khen tôi viết sử có nhiệt tâm, cho nên đọc hấp dẫn như đọc bộ sử Pháp của Michelet; rồi nhận rằng sách của tôi được bộ Thông Tin cho phép in, lại nạp bản rồi, thì không có lý gì tịch thu, cấm bán được, chỉ có thể ra thông cáo cho các trường đừng dùng thôi; cho nên ông ta chỉ yêu cầu tôi bôi đen vài hàng trên hai bản để ông ta đem về nộp bộ, bộ sẽ trả lời linh mục nào đó, còn bán thì tôi cứ bán, không ngại gì cả. Tôi chiều lòng ông ta. Ông ta lại hỏi lớp mẫu giáo của tôi đã được phép của bộ chưa. Tôi đáp: Đơn nộp cả năm rồi, giấy tờ đủ cả, tôi đã nhắc Sở Giáo dục thành phố, mà người ta cứ làm thinh, không cho phép mà cũng không cấm. Ông ta chỉ gật đầu.
Hồi đó bộ Lịch sử Thế giới của tôi chỉ còn một số ít. Tôi hỏi các nhà phát hành, được biết có lệnh cấm các trường ngoài Trung dùng nó, trong Nam thì không. Chỉ ít tháng sau, bộ đó bán hết. Tôi không tái bản. Công giáo thời đó lên chân như vậy. Nghe nói một ông Tỉnh trưởng ở miền Tây không dám cho hội Phật giáo cất chùa trong thị xã và bảo: “Công giáo cất nhà thờ, bây giờ Phật giáo cũng xin cất chùa, bộ các người muốn kình với Công giáo hả?”
Một hôm, bà láng giềng của tôi cho hay: “Ít lâu nay tôi thấy ngày nào cũng có một hay hai người ngồi ở quán cà phê bên kia đường nhìn về phía nhà thầy và nhà tôi, như rình cái gì. Hôm qua một người vào nhà hỏi tôi: ‘Ông Lê ở nhà bên lúc này đi đâu mà không thấy?’ Tôi đáp: ‘Ông ấy đau, nằm ở trong phòng, chứ đi đâu? Thầy cứ vô mà hỏi.’ Rồi họ đi.”
Vậy là mật vụ rình tôi mà tôi không biết. Vì tôi là công chức thời Pháp mà tản cư lâu quá, về lại không hợp tác với chính phủ Diệm, hay vì bộ Lịch sử Thế giới mà họ theo dõi như vậy? Có lẽ vì cả hai.
Hơn một chục năm sau một giáo sư ở Huế vô thăm tôi, hỏi: “Tại sao hồi đó ông không làm đơn trình bày rằng ông đã dùng sách nào để viết về các Giáo hoàng thời Trung Cổ đó rồi xin cho bộ sử của ông được dùng trong các trường?” Tôi đáp: “Không khi nào tôi làm việc xin xỏ đó.” Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, giáo sư đó lại thăm tôi nữa, bảo: “Tôi phục tư cách của ông từ hồi đó”.
Với những biện pháp kiểm duyệt, bắt bớ, khủng bố ký giả, truy tố chủ nhiệm ra tòa như thế, tình trạng báo chí dưới chế độ Diệm vừa ít ỏi về lượng, vừa nghèo nàn về phẩm. Số báo hàng ngày tại Sài Gòn và được phân phối cho gần toàn miền Nam Việt Nam chỉ vỏn vẹn từ 12 đến 15 tờ, hết thảy đều là loại thân chính quyền hoặc loại văn nghệ vô thưởng vô phạt. Rất nhiều nhà báo đã từng can đảm và khôn ngoan tồn tại được qua chế độ kiểm duyệt của thực dân Pháp, nhưng dưới thời ông Diệm cũng đành tự ý đình bản những đứa con tinh thần và tạm chấm dứt đệ tứ quyền của mình, hoặc vì không muốn bẻ cong ngòi bút để làm một thứ bồi bút tán tận lương tâm, hoặc vì không chịu nổi áp lực của các cơ quan mật vụ công an.
Ký giả Vũ Bằng, tác giả của những hồi ký nổi tiếng, đã tóm tắt rất rõ ràng khung cảnh sinh hoạt báo chí dưới chế độ Diệm trong tác phẩm “Bốn Mươi Năm Nói Láo” (tr. 228) như sau:
Riêng tôi thấy rằng làm báo ở dưới một chính thể độc tài độc đoán, thì dù muốn xoay sở thế nào, bịp bợm thế nào cũng vẫn không thể thoát khỏi được ra ngoài quỹ đạo của chế độ và cuối cùng độc giả cũng biết ai ngay, ai gian. Báo nào mới ra đời cũng la thét ghê gớm lắm: nào dám nói, dám làm, dám chửi; nào phục vụ nhân dân, đứng hẳn về phía đối lập, đòi công bằng xã hội, tranh đấu cho đồng bào có cơm no áo ấm; nào quét sạch thối tha, nhơ bẩn, dám làm, dám chết… những rút cục, trong một chính thể độc tài, nô lệ, dân chủ ngụy tạo như chính thể nhà Ngô, chẳng có một tờ báo nào thoát được ra ngoài quỹ đạo của chế độ Ngô Đình Diệm.
Các ông Mặc Thu, Huỳnh Hoài Lạc, Nam Đình… đã tự ý đóng cửa các tờ Người Việt Tự Do, Chuông Mai, Thần Chung cho đến vào khoảng tháng 12 năm 1963, khi chính sách khống chế báo chí cùng theo chế độ Ngô Đình Diệm bị nghiền nát dưới sự phẫn uất của toàn dân, và lúc đó tôi đang làm Tổng trưởng Thông Tin trong tân chính phủ, (sau ngày 1-11-1963) những tờ báo nói trên mới hồi sinh để có thể ngẩng mặt cùng với toàn dân hành xử quyền nghe và nói sự thật.
Ông Huỳnh Hoài Lạc vốn là một cây viết chủ lực của tờ Thời Cuộc vào những năm 1948, 1949, và đã hết lòng ủng hộ ông Diệm, nhưng vì phẫn nộ chế độ Diệm nên đành đóng cửa tờ Chuông Mai, gác bút nằm nhà chịu sống đời ẩn dật. Ký giả lão thành Nam Đình (người bạn trẻ thân thiết của nhà báo yêu nước tiền phong Diệp Văn Kỳ) cũng bất mãn với chế độ độc đoán kỳ thị của ông Diệm nên đã quyết định đình bản vĩnh viễn tờ Thần Chung. Ký giả kỳ cựu và nhiều uy tín Trần Tấn Quốc cũng từ giã nghiệp báo, thà chịu sống thất nghiệp nhưng trong sạch, cho đến khi “được mời” vào dinh Độc Lập để vừa nghe hăm dọa, vừa nghe phủ dụ ông mới rất thỉnh thoảng viết một bài loại vô thưởng vô phạt.
Riêng ký giả Mặc Thu, dù đã có một thời ở trong nhóm chủ trương của tờ Tự Do và liên hệ chặt chẽ với bác sĩ Trần Kim Tuyến, nhưng sau vụ khủng bố đầu Xuân Canh Tý, ông bắt đầu chống đối chế độ một cách quyết liệt. Sau này dưới bút hiệu Chu Bằng Lĩnh, ông viết lại trên nhật báo Thách Đố một loạt bài nghiên cứu và phê phán đảng Cần Lao dưới chế độ Diệm. Loạt bài trở thành một chứng tích quý giá và đã được nhiều nhà nghiên cứu tán thưởng nên ông cho in thành sách với tựa đề Cần Lao Cách Mạng Đảng (giấy phép xuất bản số 4114/BTT/PHNT ngày 31–8–1971). Nhưng khi in xong và sắp phát hành thì một số phần tử Cần Lao đã tìm gặp tác giả đòi mua hết số sách đã in kèm thêm với lời hăm dọa là nếu không bán thì sẽ bị thủ tiêu, ký giả Mặc Thu đành chịu nhượng bộ.
Vì vậy tác phẩm nghiên cứu Đảng Cần Lao đã không được phổ biến tại Việt Nam, và cũng vì vậy mà những người biết chuyện này khám phá thêm được nỗi lo sợ của những cựu đảng viên Cần Lao nếu sự thật về đảng này lại được lột trần thêm cho hậu thế phê phán. Tuy nhiên cơ quan văn hóa Mỹ tại Sài Gòn cũng đã kịp thời mua được một số sách từ chính tác giả nên hiện nay tác phẩm này, từ năm 1977, đã được phóng ảnh và phổ biến tại hải ngoại (Thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ hiện còn giữ 5 cuốn trong thư mục).
Tiếc rằng hồi còn gặp nhau tại Sài Gòn, tôi đã quên không hỏi ký giả Mặc Thu tên tuổi những phần tử nào đã mua toàn bộ mấy ngàn cuốn sách của ông, tuy nhiên tôi nghĩ rằng tác giả cũng đã cho một số bạn bè và bà con thân thích biết những danh tính này để đề phòng trường hợp bị hành hung thì sẽ đưa ra công lý và công luận.
Ngoài báo chí do những ký giả lấy công tâm chức nghiệp và lý tưởng tự do làm vũ khí đấu tranh ra, giới nhà văn nhà báo cũng là đối tượng cần phải khống chế của chính sách độc tài của chế độ Ngô Đình Diệm.
Trong một buổi hội thảo tại Hội Bút Việt, ông Lê Văn Siêu đã phải cho nổ bùng lên tiếng súng báo động: “Về sách và báo chí thì hồi tiền chiến dưới thời Pháp thuộc, văn nhân ký giả còn được hưởng nhiều tự do dân chủ hơn dưới chính thể Cộng Hòa ngày nay…”
Sau Cách Mạng 1–11–1963, nhiều nhà văn nhà báo chân thành đưa ra những lời phản tỉnh, chẳng hạn như ông Nguyễn Vỹ, chủ nhiệm bán nguyệt san Phổ Thông hay bà Bút Trà, chủ nhiệm nhật báo Sàigòn Mới.
Ông Nguyễn Vỹ sau khi viết những dòng cảm ơn các tướng lãnh trong Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng “đã bắn chết cái lố bịch trong dinh Gia Long” (tức anh em ông Diệm–Nhu) đã phải ngậm ngùi mà “ghê tởm cho mình” khi nhìn lại công trình viết lách gần chục năm trời [8].
Bà Bút Trà thì thanh minh rằng mình “luôn luôn bị áp bức, bị khủng bố. Hàng ngày phải chịu trăm điều tủi nhục, bị bắt buộc phải viết những dòng chữ ngược lại lòng mình để hoan hô những cái điêu ngoa, xảo trá, tàn ác, bất nhân” [9].
Sau Cách Mạng 1–11–1963, như những kẻ bị giam cầm kềm kẹp trong bóng tối bỗng được nhìn ánh bình minh, nhiều nhà văn nhà báo công khai tự kiểm trên mặt báo cũng như nhiều cây bút quay ra tố cáo lẫn nhau là tay sai của chế độ. Những sự kiện đó đã đủ nói lên chính sách đàn áp tự do ngôn luận, tự do tư tưởng của nhà Ngô suốt 8, 9 năm trời.
Riêng nhà văn kiêm nhà báo Doãn Quốc Sỹ, người mà uy vũ bất năng khuất, người mà những tác phẩm đầy ắp tình dân tộc và lửa cách mạng và đã được tổ chức Ân Xá Quốc Tế bảo trợ như một tù nhân lương tâm vào năm 1978, lúc mới di cư vào Nam đã bày tỏ thái độ tin tưởng vào chế độ Ngô Đình Diệm để xây dựng một miền Nam vững mạnh nhờ dân chủ và tự do, thì chỉ mấy năm sau đã thất vọng đau đớn và bất mãn cùng cực với chế độ. Vốn người bất khuất và có liêm sỉ, ông công khai chỉ trích chế độ nên đang dạy học ở Sài Gòn thì bị thuyên chuyển về Kiên Giang.
Không phải chỉ trong những năm đầu tiên sau 1954 mà suốt 9 năm dưới chế độ Diệm, thành phần văn nghệ sĩ của nước ta đã là thành phần trong sáng, cương trực và tràn đầy sinh lực dân tộc. Nhất là thành phần văn nghệ sĩ đã từng kinh qua cuộc chiến Pháp–Việt và đang mang hoài bão xây dựng miền Nam thành một tụ điểm phát xuất lý tưởng dân tộc cách mạng để giải phóng đất Bắc và thống nhất quê hương. Nhưng chế độ Diệm, và đặc biệt ông Ngô Đình Nhu, sợ rằng sức mạnh của một quần chúng dân chủ và tự do có thể làm suy giảm uy quyền và danh vọng của mình, đã khống chế óc sáng tạo, niềm tin tưởng, quyết tâm đóng góp và quyền yêu nước của giới này. Đã thế, chế độ ông Diệm, và đặc biệt ông Nhu, lại tạo ra những khuôn thước và nề nếp để bắt nhốt sinh hoạt văn hóa giáo dục trong một cấp độ mà khả năng sáng tạo chỉ còn đồng nghĩa với khả năng phục vụ cho chế độ. Hệ quả lâu dài của nó là sau ngày toàn dân lật đổ chế độ Diệm, đa số giới làm văn hóa và truyền thông chỉ còn hai phản ứng: hoặc bùng lên một cách vô kiểm soát và vô trách nhiệm để giải tỏa những ẩn ức bị đè nén, hoặc khô cạn khép nép vào khuôn phép của chính quyền như đã bị điều kiện hóa từ chín năm qua. Dưới thời Thiệu – thời của một chế độ Diệm không Diệm – tuy cũng có một số ký giả và văn nghệ sĩ không bị hệ quả này chi phối, nhưng quả thật là hiếm hoi!
Điều độc tài thứ ba của chế độ Diệm là chánh sách xuống tay hủy diệt đối lập, là đối xử với đối lập chính trị như (hay nhiều khi tàn tệ hơn) đối với kẻ thù Cộng Sản. Dù trên mặt định chế và danh xưng, một chế độ có gọi là gì đi chăng nữa thì có 3 dấu hiệu rất rõ ràng và rất dễ nhìn thấy để xác định một chế độ có độc tài hay không: Thứ nhất là báo chí có bị tước đoạt quyền tự do ngôn luận không, thứ hai là bầu cử có gian lận không, và thứ ba là đối lập có bị đàn áp không. Nếu câu trả lời là có thì chắc chắn chế độ đó độc tài. Chế độ Diệm, trong cả 3 trường hợp và qua rất nhiều bằng chứng cụ thể đã trâng tráo trả lời CÓ.
Quốc hội dưới chế độ Diệm là một thứ quốc hội bù nhìn, mà các dân biểu chỉ làm cái công tác hình thức nhằm thông qua các dự luật do Phủ Tổng thống gửi tới. Những cuộc vận động tranh cử trong quân đội cũng như ngoài nhân dân lố lăng và kệch cỡm như những trò hề nhạt nhẽo để che đậy những gian lận và bịp bợm. Các buổi tranh luận dự luật tại nghị trường thì chỉ là những màn dàn cảnh để khoa trương một trò chơi dân chủ mạo hóa. Khốn nỗi đạo diễn thì độc đoán mà đào kép thì gật gù, nên tòa nhà Quốc hội trở thành một nhà hát rẻ tiền của thành phố, càng diễn nhiều trò càng làm bẩn mắt quần chúng và thế giới.
Cứ mỗi lần sắp sửa đến ngày bầu cử quốc hội, ông Diệm, ông Thục, ông Nhu, ông Cẩn, bà Nhu mỗi người lập một danh sách tay sai “giỏi” của mình. Tất cả 5 danh sách đó được tập trung vào tay vợ chồng Ngô Đình Nhu để lượng giá và làm bảng tổng kết đưa cho ông Diệm duyệt lại lần cuối. Nếu có sự bất đồng ý kiến giữa anh em, thì Dân biểu Hà Như Chi (hiện ở San Jose) mang chỉ thị của vợ chồng Nhu đôn đáo chạy xuống Vĩnh Long hay chạy ra Huế để xin sự thông cảm của cha Thục, cậu Cẩn. Những ai đã được lọt vào bản danh sách chung quyết là được coi như đã đắc cử Dân biểu rồi, chỉ còn đợi trò “Sơn Đông Mãi Võ” diễn ra khắp nơi để hợp thức hóa địa vị của họ nữa là nghênh ngang đi vào tòa nhà hát lớn với tư cách của một nhà Lập Pháp dân cử để làm tròn nhiệm vụ Dân biểu gia nô. Nhưng có nhiều trường hợp khi Nhu với Cẩn bất đồng ý kiến về một ứng cử viên nào đó thì tai họa sẽ đến cho ứng cử viên kia: ông ta sẽ là cái gai của Nhu nếu ông ta là người của Cẩn hay ngược lại, để rồi không sớm thì muộn bị kẻ thù của chủ mình trù yểm, đọa đày. Nói rõ ra, Dân biểu dưới chế độ Diệm là Dân biểu được bổ chứ không phải Dân biểu được bầu.
Từ ngày chế độ Diệm ra đời, nhiệm kỳ quốc hội nào cũng phải dành hai đơn vị cho vợ chồng Ngô Đình Nhu, chồng thì ứng cử ở Khánh Hòa trong lúc vợ ứng cử ở Long An. Như một cặp vợ chồng nhà giàu luôn luôn đặt sẵn hai vé ở một rạp hát diễn tuồng họ thích, nhưng dân chúng hai tỉnh đó quả thật chưa bao giờ thấy mặt mũi người đại diện của mình, chưa bao giờ thấy ứng cử viên đến đơn vị để vận động tranh cử, nhưng kết quả vẫn luôn luôn là trên 98%. Tất cả tài liệu nói về các cuộc bầu cử dưới chế độ Diệm đều chứng minh điều đó. Về trường hợp bà Dân biểu Ngô Đình Nhu, Đại tá Nguyễn Chánh Thi, nguyên Tư lệnh Nhảy Dù, đã có nhận xét rõ rệt khi ông ta phải gặp vị Tư lệnh Quân Khu Thủ đô là Trung tướng Thái Quang Hoàng để trình bày về trường hợp ông ta bị chế độ nghi ngờ:
“Nhưng Trung tướng nghĩ sao về hiện tình đất nước của chúng ta, về sự bất lực của chính phủ và nhất là về hành động bạo ngược của mụ Nhu. Miệng tuyên bố vì dân vì nước, mà trong bụng chứa toàn âm mưu phản dân hại nước. Người ta (ý ông muốn nói đến hai ông Phan Khắc Sửu và Phan Quang Đán) được dân bầu, mình lại dùng thủ đoạn gian manh để gạt ra rồi đem bọn tôi tớ khốn kiếp vào trong quốc hội. Và ngay cả chính mụ Nhu nữa, mụ đại diện cho ai? Dân Đức Hòa, Đức Huệ có ai biết mặt mụ đâu, có ai ưa mụ đâu?”[10].
(Xin lưu ý rằng, khi có cuộc bầu cử nhiệm kỳ hai ngày 20 – 8 năm 1959 mà Đại tá Thi đề cập đến là lúc mà tình hình tại tỉnh Long An đã mất an ninh rồi, vì thế việc bà Nhu trúng cử 98% tại Đức Hòa, Đức Huệ, vùng mất an ninh nhất của Long An đã làm cho dư luận báo chí quốc tế chỉ trích).
Năm 1959, để giải tỏa áp lực chính trị của Hoa Kỳ đòi hỏi phải thực thi dân chủ, để đối phó với những mỉa mai của quần chúng tại thôn quê và nhất là (theo giáo sư Buttinger) vì chủ quan tin rằng mình đã kiểm soát được quần chúng tại thủ đô, anh em ông Diệm quyết định trình diễn một màn ngoạn mục bằng cách cho phép hai nhân vật Phan Khắc Sửu và Phan Quang Đán ra tranh cử tại Sài Gòn.
Và mặc dù chính quyền đã sử dụng những thủ đoạn gian lận như di chuyển đơn vị quân đội về để bỏ phiếu, tráo thùng phiếu… hai ông Sửu và Đán vẫn đắc cử vẻ vang, dẫn đầu tất cả ứng cử viên của chính quyền tại đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Riêng ông Đán thì đắc cử với 36.106 phiếu (63% tổng số) của quận Nhất, đơn vị có dinh Độc Lập tọa lạc. Thắng lợi của hai ông Đán, Sửu biến sự sững sờ của anh em ông Diệm thành ra cơn phẫn nộ, sững sờ vì không ngờ quần chúng lại tín nhiệm kẻ đối lập của mình và phẫn nộ vì thấy kẻ thù đắc thắng ngay tại thủ đô, nên họ liền ra lệnh cho Ủy Ban Hợp Thức Hóa cuộc bầu cử tuyên bố hai ông Sửu và Đán là bất hợp lệ.
Sự kiện chỉ có hai người đối lập trong một quốc hội gồm đến 123 Dân biểu mà anh em ông Diệm vẫn không chấp nhận chứng tỏ nhà Ngô muốn duy trì một nền độc tài tuyệt đối như thế nào, và cũng chứng tỏ họ đã xem thường những nguyên tắc dân chủ cơ bản đến độ nào! Hai nhân vật (Sửu và Đán) được nhân dân tín nhiệm dồn phiếu cho thì lại bất hợp lệ, hai nhân vật (vợ chồng Nhu) không hề tiếp xúc với nhân dân thì lại đắc cử với 98% số phiếu. Chua xót và mỉa mai thay cho danh từ Nhân Vị và Cộng Hòa.
Thật ra hai ông Phan Khắc Sửu và Phan Quang Đán không phải là người xa lạ đối với anh em ông Diệm, lại càng không xa lạ chút nào đối với hàng ngũ những người quốc gia tranh đấu cho dân tộc. Ông Phan Khắc Sửu là một nhân vật Cao Đài, đạo đức cao, tinh thần cách mạng cao mà dân miền Nam coi như là một nhân sĩ khả kính. Ông Sửu đã từng được ông Diệm mời giữ chức Bộ trưởng Canh Nông đầu tiên khi ông Diệm còn là Thủ tướng.
Còn ông Đán thì đã từng gặp gỡ ông Diệm thời 1947, 1948 khi cả hai đến Hồng Kông để cùng với Cựu Hoàng Bảo Đại thảo luận tìm giải pháp quốc gia giành độc lập cho nước nhà và để có chính nghĩa chống lại Việt Minh và đảng Cộng Sản. Khi Quốc trưởng Bảo Đại nhận đứng ra thương thuyết với Pháp và sau đó chính phủ Trung Ương Lâm Thời ra đời, ông Đán được mời giữ chức Bộ trưởng Thông Tin Tuyên Truyền. Ông đã đưa ra chủ trương “Dân chúng trí thức hóa và trí thức dân chúng hóa” để chống Cộng Sản. Nhưng chỉ làm Bộ trưởng ba tháng, nhận thấy người Pháp chưa thật tâm trao trả độc lập cho Việt Nam, ông bèn từ chức. Sau đó ông đi Hoa Kỳ và theo học lớp chính trị học tại đại học Harvard, đồng thời tiến hành những vận động với Hoa Kỳ để giúp Việt Nam chống Cộng. Tại Hoa Kỳ, ông đã gặp ông Diệm và cũng đã vận động với các chính khách Hoa Kỳ ủng hộ cho ông Diệm, vì thế, năm 1955, sau khi ông Diệm lên cầm quyền, ông Đán bèn trở về Việt Nam ngay để mong cùng đóng góp công lao với chế độ quốc gia trong công cuộc chống Cộng cứu nước. Ông được Bộ Giáo Dục mời dạy tại đại học Y Khoa Sài Gòn nhưng rồi thấy chế độ Ngô Đình Diệm chủ trương độc tài, độc tôn, độc đảng, nhận thấy nhân dân càng ngày càng bất mãn với chế độ và Việt Cộng mỗi ngày một phát triển bành trướng, ông bèn thành lập đảng Dân Chủ hoạt động đối lập với chế độ trong sách lược tranh thủ quần chúng để cho dù bất mãn với chế độ thì họ vẫn đứng trong chiến tuyến quốc gia chủ trương dân chủ tự do. Do đó, ông ra ứng cử Dân biểu với ước mong dùng thế hợp pháp hợp hiến, ước mong dùng hình thức đấu tranh dân chủ để dễ dàng hoạt động, nghĩa là để nói lên tiếng nói đấu tranh đích thực của người quốc gia.
Ra ứng cử Dân biểu, ông được nhân dân hết lòng ủng hộ, ông đắc thắng vẻ vang, đắc cử hàng đầu, đè bẹp hết tay chân nhà Ngô, không ngờ anh em ông Diệm bất chấp dư luận quốc tế, bất chấp ý nguyện của nhân dân, công khai trắng trợn bác bỏ kết quả đắc cử của ông và của người bạn ông là Phan Khắc Sửu.
Chế độ Diệm đã đẩy ông vào bước đường cùng vì chính chế độ cũng càng ngày càng bước sâu vào hố tội lỗi nên nhân có cuộc đảo chính Nhảy Dù ngày 11–11–1960, được Đại tá Nguyễn Chánh Thi, một lãnh tụ của phe đảo chánh, mời ông tham dự cuộc lật đổ chế độ Diệm, ông hăng hái tham gia, lên đài phát thanh tố cáo tội ác của nhà Ngô. Cuộc đảo chánh bất thành, ông bị bắt, bị ngược đãi tra tấn, bị giam hết trại này đến trại khác mà đau khổ nhất là ở trại giam bí mật tại Sở Thú Sài Gòn, bí số P42, một nhà giam nguy hiểm nhất, tàn bạo nhất chỉ dành riêng để giam cầm tra khảo người quốc gia đối lập quan trọng như trại Chín Hầm của Ngô Đình Cẩn ở Huế.
Ngồi trong tù, mỗi lần rảnh rang và hồi phục được một chút tàn lực sau những lần thẩm vấn và tra tấn, ông thường làm thơ để giết thì giờ. Chúng ta hãy nghe lời thơ tả cảnh ngục P.42 để thấy chế độ Diệm đày đọa người quốc gia như thế nào:
P.42 – SỞ THÚ
(Họa bài thơ “Ở tù sướng quá nè” của ông Trần Văn Hương)
Danh đồn khét tiếng đã từng nghe,
P.42 đúng thiệt nè!
Điện tụ, bình quay kêu ới ới,
Xà bông nước đổ, nuốt the the,
Tra đi tra lại kinh chưa hả?
Khai tới khai lui mệt quá hè.
Cụ, Cố, Cậu trù, Ma trổ ngón,
Thân tù dưới búa lại trên đe. [11]
(Ghi chú: Cụ là ông Diệm, Cố là ông Nhu, Cậu là ông Cẩn, trù là trù yểm, Ma trổ ngón là bọn mật vụ Cần Lao trổ tài tra tấn)
Ngày 11 tháng 7 năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm đem hàng trăm nhân sĩ, chính khách, giáo sư, sinh viên… và một số quân nhân ra tòa án quân sự đặc biệt vì tội “phản loạn”, trong đó có can nhân Phan Quang Đán.
Trước tòa, ông Đán vẫn giữ thái độ hiên ngang bất khuất. Sáu lần ông đã dám công kích chính quyền và sáu lần ông đều bị chánh án chận lại. Ông Đán công nhận đã lên đài phát thanh ủng hộ Hội Đồng Cách Mạng và công kích chính quyền vì đã không công nhận đối lập, bóp nghẹt báo chí, bầu cử gian lận, đàn áp các chiến sĩ tự do dân chủ, thiên vị gia đình đảng phái, làm thất nhân tâm, mở đường cho Cộng Sản xâm chiến miền Nam. Ông Đán trình bày rằng: “Tôi là một người có chút học vấn, cũng gọi là giao du rộng rãi, vốn lại quen biết với Tổng thống (Diệm) từ lâu mà còn gặp nhiều điều oan ức ngang trái, nhiều điều bất công trắng trợn như vậy thì thử hỏi người dân thấp cổ bé miệng hơn còn có thể bị chà đạp đến như thế nào?” Rồi ông Đán lại đưa ra những dẫn chứng đoàn kết của nước ta dưới thời nhà Trần, sự kiện đoàn kết giữa hai kẻ thù Pháp và Đức, Nhật và Mỹ trước hiểm họa Nga Sô để đòi hỏi Tổng thống Diệm nên chủ trương đoàn kết với người quốc gia trước nguy cơ Cộng Sản, nếu không thì sẽ mất nước về tay kẻ thù Hà Nội [12].
Cũng cần nói thêm rằng trong thời gian ông Đán bị giam giữ để chuẩn bị ra Tòa, anh em ông Diệm có tiết lộ cho báo chí biết rằng ông Đán có viết một lá thư thống thiết xin Tổng thống Diệm khoan dung và long trọng hứa sẽ không hoạt động với tư thế đối lập nữa. Nguồn tin này đã làm xúc động và nản chí quần chúng và một số người chưa biết rõ ông Đán. Một hôm, tôi vào dinh Độc Lập để trình bày về kết quả một số cuộc điều tra về những mâu thuẫn Kinh Thượng có thể có ở miền Cao Nguyên Trung phần thì ông Diệm đưa ra một lá thư chữ viết bằng mực tím rất đẹp và nói với tôi: “Anh xem thằng Đán hèn mạt không nì, nó viết thư lạy lục tôi xin tha, thế mà cũng huênh hoang lãnh tụ lãnh tiếc”. Tiếc rằng ông Diệm vừa đưa lá thư ra, tôi chỉ mới thấy loáng thoáng vài chữ thì ông đã vội cất ngay.
Vụ này được chánh án Tòa Án Quân sự Đặc biệt nhắc lại trước Tòa với hậu ý chê trách ông Đán đã viết thư lạy lục Tổng thống Diệm. Ông Đán đã phản kháng kịch liệt và thách thức vị chánh án đem lá thư ra trước tòa và trước báo chí như một tang chứng để xem có phải là nét chữ của ông hay không. Nhưng, lẽ dĩ nhiên, tòa án của chế độ Diệm đời nào dám đưa ra, vì cũng lẽ dĩ nhiên, ông Đán có bao giờ viết lá thư đó đâu. (Vì nếu quả thật có lá thư đó hoặc ngay cả có giả mạo được một lá thư như vậy thì chắc chắn anh em ông Diệm đã khai thác tận tình để biến lá thư thành một bản án chính trị và đạo đức dìm ông Đán xuống tận bùn nhơ chứ cần gì phải tù đày tra tấn).
Không cần nói thì ai cũng biết rằng dưới chế độ Ngô Đình Diệm, người nào có tư tưởng hay hành động đối lập thì không bao giờ an toàn để đấu tranh hợp pháp trong khuôn khổ hiến định, cho nên dù lý luận của ông Đán có vững vàng và hợp lý bao nhiêu, cuối cùng ông vẫn phải bị đày ra Côn Đảo. Tại đây, ông Đán được mọi người từ bạn tù, cai tù, đến trưởng trại, y sĩ, quân nhân… kính mến vì tính hình hào hiệp của ông, vì tư cách khẳng khái của ông. Trong cuốn “Biến cố 11–11–1960” có nhiều bạn tù đã ca ngợi ông là mẫu người cách mạng trung trinh. Ông Phan Bá Cầm, lãnh tụ đảng Dân Chủ Xã Hội, chủ tịch hội Nhân Quyền đầu tiên ở Việt Nam mà các chính khách và lãnh tụ đảng phái không mấy ai không biết, vốn là bạn tù của ông Đán tại Sài Gòn và tại Côn Đảo, và sau này là đồng chí của tôi trong Lực Lượng Dân Tộc Việt, đã tỏ lòng mến phục ông Đán. Ông Phan Bá Cầm nói với tôi rằng trước võ lực uy quyền, roi vọt tra tấn của công an mật vụ mà giữ được phong độ khí phách như ông Phan Quang Đán không phải là dễ.
Nhận định về ông Phan Quang Đán, Dennis Warner, ký giả danh tiếng người Úc, đã viết như sau:
Bác sĩ Đán là nhân vật đối lập thành công nhất dưới chế độ Diệm. Là bộ mặt được nhân dân yêu chuộng nhất trong cuộc bầu cử Dân biểu tại Sài Gòn, nhưng ông Đán lại bị chế độ Diệm thù ghét. Không ai có thể lên án ông Đán là Cộng Sản vì sự nghiệp của ông ta là sự nghiệp của một nhân vật chống Cộng. Xuất thân từ đại học Harvard, đã được mọi giới coi là chân thành nhất trong giới chính khách Việt Nam. Cũng như ông Diệm, ông Đán có nhiều đặc tính tốt, nhất là xứng đáng để làm một nhà lãnh đạo. Trong phút chót của ngày bầu cử, Diệm đã đem 8.000 binh sĩ về Sài Gòn với chỉ thị là phải bỏ phiếu chống lại Đán nhưng Đán vẫn thắng cử. Dù Đán đã đắc cử nhưng ông Diệm vẫn gạt Đán ra khỏi Quốc hội. Mặc dù các Tòa đại sứ Mỹ và Anh phản đối, Diệm vẫn cứng rắn. Diệm sợ rằng Đán sẽ mị dân không để cho Diệm thực hiện chương trình của ông ta. Thù ghét đối lập nhưng ông Diệm lại tin rằng nhân dân chấp nhận cái chế độ thiếu khả năng của ông ta [13].
Cuộc đời và sự nghiệp của ông Phan Quang Đán dù sao cũng là cuộc đời và sự nghiệp của một chiến sĩ xã hội biết hòa mình sống với và đấu tranh cho quần chúng nghèo khổ; của một chiến sĩ quốc gia mang ít nhiều bản chất cách mạng dấn thân chiến đấu cho công bằng tự do dân chủ. Ông thành hay bại chưa biết nhưng chắc chắn là ông hơn rất nhiều các trí thức khoa bảng như ông, chỉ biết ‘trùm chăn”, uốn mình theo chiều gió hay bị Cộng Sản lừa gạt.
Năm 1948, trước hiểm họa Cộng Sản, ông Đán (cũng như ông Diệm) qua Hông Kông để thảo luận với Cựu Hoàng Bảo Đại mong hình thành một giải pháp quốc gia. Sau đó, chính phủ quốc gia lâm thời ra đời nhưng trước dã tâm của người Pháp, ông Đán chỉ giữ chức Bộ trưởng ba tháng rồi từ chức.
Lại cũng như ông Diệm, ông bỏ “giải pháp Bảo Đại” để đi Hoa Kỳ vận động với chính giới Hoa Kỳ giúp Việt Nam chống Cộng. Tại Mỹ, ông cũng biết rằng ông không có được thế lực như ông Diệm nên ông đã vận động ủng hộ cho ông Diệm với hy vọng ông Diệm sẽ trở thành lãnh tụ xứng đáng của phía quốc gia hầu đương đầu với Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, giữa ông Đán và anh em ông Diệm lại có nhiều điểm khác biệt rất nổi bật: ông Đán chưa bao giờ làm quan cho Nam triều mục nát như hai ông Khôi, Diệm; ông Đán chưa bao giờ làm công chức cao cấp tay sai cho Thực dân Pháp như hai ông Nhu, Luyện. Giữa trận đói khủng khiếp năm Ất Dậu (1945), trong lúc ông Đán vất vả thành lập đoàn khất thực để cứu trợ đồng bào khốn khổ thì anh em nhà Ngô lương cao bổng hậu sống trong nhà cao cửa rộng, quay lưng với cái chết của hàng triệu đồng bào nghèo. Cũng năm 1945, dù chỉ là một thanh niên trí thức mới vào đời, ông Đán đã tổ chức và lãnh đạo Phong Trào Ngũ Xã đương đầu với lực lượng của ông Hồ Chí Minh tại Hà Nội mà không ngại Công An bộ đội của ông Võ Nguyên Giáp đang tay dao tay súng. Trong lúc đó thì dù có nợ máu với Việt Minh, ông Ngô Đình Nhu lại bỏ Hà Nội trốn về Đà Lạt sống bên vợ đẹp con xinh, an nhàn trong vùng Tây chiếm đóng.
Ông Đán xả thân đấu tranh nên bỏ địa vị, rời gia đình, xa quê hương tìm phương cứu nước, còn ông Nhu lại thảnh thơi làm một chính khách xa lông giữa Sài Gòn yên ổn, ngồi chờ sung rụng, đợi những người Mỹ như Spellman, Dulles, Wesley, Buttinger, Lansdale, Kennedy, Mansfield… “bồng” anh mình về nước cầm quyền.
Từ bản tính con người đến phong thái hành động, ông Phan Quang Đán và ông Ngô Đình Nhu khác nhau một trời một vực như thế mà trong cuốn Làm thế nào để giết một Tổng thống, Cao Thế Dung đã mượn lời ông Nhu để đạp ông Đán xuống tận bùn dơ của lịch sử:
“Ông Phan Quang Đán là hèn, hết chạy theo Pháp và Bảo Đại, khi qua Mỹ móc nối được mấy tay Thượng Nghị Sĩ và một vài viên chức CIA thì lại trở về theo Mỹ…”
Ngụy tạo hay mượn lời ông Nhu để xuyên tạc sự thật và bóp mép lịch sử, Cao Thế Dung lộ ra chân tướng Cần Lao Công Giáo phi dân tộc của mình qua cuốn sách đó. Với lối hành văn và ngôn từ tráo trở không có trong Kinh Thánh, tội nghiệp cho Cao Thế Dung (cũng như nữ ký giả Higgins) muốn đánh con bạc bịp chính trị và lịch sử, mong biến tội ác của chế độ Diệm thành ra vàng son hoa gấm của dân tộc. Cao Thế Dung còn nhẫn tâm khi nêu những nhân chứng Cần Lao Công Giáo (Đại úy Minh, Đại úy Thích) để xuyên tạc cái chết oan ức thảm thương của nhà thầu khoán Nguyễn Đắc Phương mà cả thành phố đều biết là nạn nhân đau khổ của lãnh chúa miền Trung. Bà con ruột thịt của ông Phương còn sống ở hải ngoại (Kỹ sư Nguyễn Đắc Huyên hiện ở Orange County) mà Cao Thế Dung dám dựng đứng chuyện bà Phương mang thai để bào chữa cho tội ác giết người của Phan Quang Đông, Ngô Đình Cẩn. Cũng như Cao Thế Dung dám dựng đứng vụ một Đại úy CIA tên Scott là thủ phạm vụ ném lựu đạn làm chết người tại đài Phát thanh Huế năm 1963 nhân biến cố Phật giáo. Và mặc dù trong “Làm Thế Nào Để Giết Một Tổng Thống” Cao Thế Dung đã nặng lời chỉ trích văn hào Nguyễn Tường Tam, lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng, và bôi bẩn đảng này nhưng tại hải ngoại Cao Thế Dung lại lập ra “Việt Nam Quốc dân Đảng/Hải Ngoại” và tự xưng là lãnh tụ.
Là một y tá làm mật báo viên cho bác sĩ Tuyến thế mà sau vài năm ở Hải ngoại, Cao Thế Dung dám tự xưng là Giáo sư Tiến sĩ xuất thân từ Đại học Columbia dù đã bao nhiều người công khai thách thức danh xưng đó. Cao Thế Dung huênh hoang khoác lác, lại được nhóm Công Giáo Cần Lao tâng bốc nên càng khoác lác huyênh hoang thêm cho đến khi cuốn “Lột mặt nạ những con thò lò chính trị” của ông Lê Trọng Văn phát hành tố cáo những hành động man trá của Cao Thế Dung thì từ đó chân tướng gian dối của Cao Thế Dung mới bộc lộ. (Năm 1993, khi cuốn VNMLQHT này soạn sửa cho tái bản thì Cao Thế Dung đang đợi ngày ra tòa để trả lời những vụ mạ lỵ, xuyên tạc một số nhân vật trong cuốn “Mặt Trận, những sự thật chưa hề được kể”).
Trong một cuộc mạn đàm với ông Lê Văn Thái, Luật sư Đinh Thạch Bích và một vài người nữa vào cuối năm 1985 tại nhà riêng, ông Thái cho biết khi cuốn Làm thế nào để giết một Tổng thống được rầm rộ tái bản tại hải ngoại, Bác sĩ Trần Kim Tuyến đã từ Luân Đôn gọi điện thoại qua cho ông Thái nhờ nhắn lại với Cao Thế Dung hãy chấm dứt việc lợi dụng tên tuổi của ông ta để làm quảng cáo cho cuốn sách. Ông Thái còn cho biết Bác sĩ Tuyến chưa bao giờ là đồng tác giả với ông Dung mà chỉ trả lời ông Dung một số thắc mắc có tính cách tin tức khi ông Dung bắt đầu viết ở Sài Gòn cho ấn bản lần đầu.
Trong nước gọi cuốn sách này là “Làm thế nào để nuôi một Tổng thống” (Văn Hóa Văn Nghệ miền Nam dưới chế độ Mỹ Ngụy – Tập I, trang 279). Thật Cần Lao Công Giáo và Cộng Sản Việt Nam chưa bao giờ nhịp nhàng “tương đắc” như thế. Mà công đầu là của ông Cao Thế Dung!
Chánh sách tác hại thứ tư phát xuất từ chủ nghĩa gia đình trị nên quan niệm việc nước là việc nhà, xem quốc gia và dân tộc như là của riêng gia đình mình, muốn áp đặt luật lệ, muốn thi hành Hiến pháp thế nào cũng được.
Năm 1959, chính phủ Ngô Đình Diệm cho ban hành Luật Gia Đình số 1/59 gồm 135 điều trong đó có điều cấm ly dị, cấm đa thê và truất phế quyền lợi con ngoại hôn. Đạo luật đó do bà Dân biểu Ngô Đình Nhu dự thảo và trình bày trước Quốc Hội ngày 13 tháng 12 năm 1957. Ngày 21 tháng 12 năm 1957, bà Ngô Đình Nhu bỏ phòng họp ở Quốc Hội ra về vì có vài Dân biểu muốn duy trì một số quyền cho người chồng trong gia đình. Đây cũng là đạo luật của Việt Nam Cọng Hòa bị hầu hết các ký giả, nhà viết sử ngoại quốc dùng nó để đả kích bà Ngô Đình Nhu vì đạo luật đã đi ngược lại truyền thống sinh hoạt của gia đình Việt Nam và không phù hợp với tình hình chính trị xã hội lúc bấy giờ.
Công bằng mà nói thì cấm đa thê là một việc làm hợp lý tuy chưa hợp tình hợp cảnh, nhằm bãi bỏ một cổ tục tự ngàn xưa. Chỉ tiếc rằng việc làm này chưa đúng lúc vì tuy đất nước tạm thanh bình nhưng lòng người chưa định, mà dân chúng thì còn nghèo đói nên họ trông chờ và đòi hỏi nhà cầm quyền đặt trọng tâm và nỗ lực vào những biện pháp cấp tốc cho vấn đề dân sinh, dân kế hơn là gây ra những xáo trộn xã hội. Còn luật cấm ly dị (bắt nguồn từ giáo luật của Giáo hội Vatican) thì lại là một đạo luật vô lý, vô nhân đạo, gây rối loạn xã hội mà ngay cả những nước khác trên thế giới, dù chịu ảnh hưởng văn minh Đông phương hay Tây phương, dù sinh hoạt xã hội có bị chi phối nhiều hay ít bởi tôn giáo, cũng chưa một nước nào dám áp dụng, kể cả Ý Đại Lợi, một nước mà toàn dân đều theo Công giáo La Mã. Dư luận Việt Nam lúc bấy giờ, từ thành thị đến thôn quê, từ mọi giai tầng khác nhau trong xã hội, nơi nào cũng ồn ào sôi nổi bàn tán chống đối vì đạo luật đó sẽ ảnh hưởng tai hại cho hạnh phúc của mọi gia đình, mọi cặp vợ chồng. Ngay những Dân biểu Quốc hội, thứ Dân biểu chỉ định, thứ Dân biểu được dân gọi là nghị gật, mà cũng có người dám phản đối dự luật gia đình thì đủ biết sự bất mãn của dân miền Nam lên cao đến mức độ nào. Dân biểu Nguyễn Huy Chương đả kích kịch liệt dư luận của bà Nhu mà ông cho rằng “bảo vệ gia đình bằng luật này là chống Cộng có một chân, là trái luật thiên nhiên, khiến vợ chồng kiện nhau, gây nhiều bất công và xui ra rối loạn…” Ngày 19 tháng Giêng năm 1958, vài Dân biểu phải phẫn nộ vì bà Nhu đã chỉ trích nhiều vị muốn phá hoại không biểu quyết dự luật gia đình “chỉ vì muốn lấy vợ lẽ” và có thái độ “thật hèn”. Theo các ông Dân biểu thì như vậy là xúc phạm Quốc hội, bà Nhu phải xin lỗi thì Quốc hội sẽ bỏ qua…
Mấy ngày sau bà Nhu cho đăng báo, thanh minh rất dài, cải chính những lời gán cho bà. Bà đã nói “thất hẹn” chứ không nói “thật hèn” !
Vấn đề đặt ra là tại sao đạo luật gia đình đi ngược với lòng dân, bị dư luận chống đối sôi nổi mà anh em ông Diệm–Nhu vẫn cứ bênh vực bà Nhu, vẫn cứ áp lực bắt Quốc hội thông qua để ban hành thành luật cho bằng được. Chúng ta hãy nghe một chứng nhân của thời cuộc, một cộng sự viên thân tín của chế độ, một người hằng ngày vào ra dinh Tổng thống 5, 7 lần và là người chịu trách nhiệm phổ biến tin tức quốc tế và quốc nội cho cả nước là ông Tổng giám đốc Việt Tấn Xã Nguyễn Thái trình bày sự thật đằng sau một sinh hoạt lập pháp của Đệ Nhất Cộng Hòa:
Việc cho ban hành đạo luật của bà Nhu đã cho thấy chế độ Ngô Đình Diệm đang đi đến một khúc quanh làm nổi bật bà Nhu như là một trung tâm quyền lực quan trọng nhất. Với đạo luật gia đình, lần đầu tiên bà ta chứng tỏ công khai bà là người thật sự nắm quyền tại miền Nam. Đạo luật được thông qua đúng lúc địa vị của ông Bộ trưởng Nguyễn Hữu Châu bị lung lay. Với tư cách Bộ trưởng Phủ Tổng thống kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông Châu là nhân vật quan trọng nhất sau Tổng thống Ngô Đình Diệm. Nổi tiếng là một luật sư thành công nhất tại Sài Gòn, lại là con cháu của một đại phú gia tại Gò Công, ông Nguyễn Hữu Châu được coi là một Bộ trưởng liêm khiết và tài ba của chế độ Diệm. Đối với người Nam thường lo âu và nghi ngờ người Bắc di cư là “kẻ xâm lược”, Nguyễn Hữu Châu là kẻ đỡ đầu, là Bộ trưởng của họ. Đối với lớp trí thức trẻ của chế độ, ông Châu là người cấp tiến họ có thể trông cậy nơi ông ta trong công cuộc cải tiến xã hội. Đối với người lên án chế độ Diệm là một chế độ tham nhũng thì Nguyễn Hữu Châu ít bị nghi ngờ nhất vì ông Châu đã quá giàu có nhờ vào lợi tức của văn phòng luật sư và nhờ thừa kế một gia tài đồ sộ. Đối với tổng thống Diệm thì ông Châu là một cộng sự viên tài ba, đắc lực có thể diễn đạt và phổ biến được những ý kiến lúng túng mơ hồ của ông Diệm thành ra những đường lối tốt cho chính phủ. Đối với ông Ngô Đình Nhu thì ông Châu là người anh cột chèo vì ông Châu lấy chị ruột bà Nhu là bà Trần Thị Lệ Chi làm vợ. Vốn liếng tài năng, đức độ của ông Châu là biểu tượng liêm chính cho chế độ Ngô Đình Diệm, nhờ đó, thân thế, địa vị ông Châu trôi chảy tốt đẹp êm đềm cho đến khi dự luật gia đình của bà Nhu ra đời.
Tại Sài Gòn, từ năm 1957, những ai từng biết tình cảm gia đình riêng của ông Châu đều lo âu cho sự nghiệp chính trị của ông ta sẽ bị lung lay và đều nghi ngờ sự thất sủng của Tổng thống Diệm đối với ông Châu có liên hệ đến đạo luật gia đình của bà Nhu. Họ bảo rằng khi nào ông Châu quyết định ký giấy ly dị vợ ông ta, một người đàn bà đang sống với tình nhân tại Paris, tức là lúc ông ký bản án chôn vùi sự nghiệp chính trị của mình. Dù đúng hay không thì giới trí thức Sài Gòn đều giải thích rằng luật gia đình của bà Nhu là để ngăn cản ông Châu ly dị vợ. Những điều quan trọng trong đạo luật gia đình lại là những điểm nói về tài sản của hai vợ chồng khi xảy ra ly dị như trường hợp của ông Nguyễn Hữu Châu. Những tài sản của cặp vợ chồng ly dị vẫn là tài sản chung cho đến khi có phán quyết của tòa án, tài sản sẽ thuộc về người thắng kiện (tất nhiên trong khi gia đình ông Diệm còn cầm quyền, bà Nhu vẫn còn là Nữ Hoàng thì chị bà, là người đàn bà ngoại tình Trần Thị Lệ Chi, chắc chắn sẽ thắng kiện và ông Châu sẽ mất hết gia tài sự nghiệp). Vì lý do đó cho nên vấn đề ly dị chưa phải là vấn đề trầm trọng của xã hội Việt Nam mà bỗng nhiên được đưa ra để cấm ly dị…
Chỉ cần nghiên cứu qua loa về đạo luật gia đình của bà Nhu cũng thấy những điều quan trọng đước chú ý đặc biệt là điều 55 đến 70, những điều nói về cấm ly dị, và những điều 45 đến 54 là điều bảo vệ tài sản chung cho hai vợ chồng đã ly dị, toàn là những điều liên hệ với trường hợp của ông Nguyễn Hữu Châu. Còn lại những điều khác chỉ là điều thừa, chỉ để giải quyết một số vấn đề xã hội mà buồn cười thay nó lại không xảy ra tại xã hội Việt Nam, hoặc chỉ dùng làm bình phong che đậy những mục đích chính, ví dụ nói về tục đa thê là một tập tục cổ truyền của xã hội Khổng–Nho nó đã quá quen thuộc với người Việt Nam, không còn là một tệ trạng của xã hội Việt Nam nữa [14].
Ngoài ông Nguyễn Thái ra, tất cả những ai biết rõ hoàn cảnh ông Nguyễn Hữu Châu cũng đều biết Luật Gia Đình của bà Nhu chủ yếu nhằm cản trở ông ta ly dị người vợ hư thân mất nết và để bảo đảm một tài sản to lớn cho người chị ruột của bà Nhu. Ký giả Stanley Karnow cũng như ông Trần Văn Đôn, bạn thân của bà Nhu, cũng đều đã xác nhận như thế.
Theo ông Phan Xứng, một thời đã là cán bộ trung kiên của ông Diệm, từng làm thầu khoán tại Đà Lạt và đã đóng góp ủng hộ tài chánh cho ông Ngô Đình Thục và vợ chồng ông Ngô Đình Nhu, thì bà Trần Thị Lệ Chi từ lâu đã sống chung với một người Pháp tên là Ogery vốn là chủ nhân một garage tại Đà Lạt. Dân chúng Đà Lạt đã hết lời nguyền rủa người đàn bà lăng loàn đó, thế mà bà Nhu lại lạm dụng quyền hành, bất chấp đạo lý nhân tình, bất chấp dư luận quần chúng, xuống tay làm luật gia đình mong hại người anh rể, hại kẻ hiền tài.
Riêng ông Nguyễn Hữu Châu, vì biết rằng người em vợ độc ác nham hiểm đưa Luật Gia Đình ra là cốt để không cho mình ly dị, vì biết rằng người em đồng hao là ông Ngô Đình Nhu đã phản bội, vì biết rằng mình đã bị Tổng thống Diệm phụ phàng, cho nên nếu ở lại quê nhà thì thế nào cũng bị hãm hại, tánh mạng cũng sẽ khó an toàn mà gia tài sự nghiệp có thể bị tịch thu, cho nên ngày 5–5–1958, ông đành phải xin từ chức Bộ trưởng rồi bí mật vượt đường bộ trốn sang Cao Miên để sang Pháp tị nạn. Bỏ lại sau lưng quê hương xứ sở, bỏ lại sau lưng sự nghiệp gia tài, bỏ lại sau lưng bà con thân thuộc, ông Nguyễn Hữu Châu đem thân làm kẻ lưu vong nơi đất khách quê người chỉ vì một “con gà mái bắt đầu cất tiếng gáy”.
Thế là bắt nguồn từ một chuyện nội bộ gia đình, mà nếu giàn xếp trong khuôn khổ giới hạn của những đương sự thì chị mình sẽ mất đi phần tài sản béo bổ, bà Nhu đã biến nó thành chuyện của quốc gia, ngụy trang bằng những lý luận hoa mỹ mà không biết, hoặc không cần đối chiếu với hiện thực của xã hội Việt Nam. Cái thái độ bất cần quần chúng, cái cung cách đối xử với những vị dân cử đồng viện như thế chỉ có thể giải thích bằng sự thiếu giáo dục đạo đức trong gia đình và sự say mê quyền uy đến độ mù quáng mà thôi.
Sự say mê đó, sau khi Đạo Luật Gia Đình đè bẹp mọi chống đối và bất chấp sự phẫn nộ của quần chúng để vẫn được thông qua, bỗng trở thành một sự xác định chắc nịch về sức mạnh quyền hành có thật của bà Nhu. Ý thức được vị trí và vai trò của mình, từ đó, bà Nhu bắt đầu can thiệp mạnh mẽ hơn vào bộ não của chánh quyền, tức là gia tộc Ngô Đình. Và cũng từ đó, nói đến chế độ là không thể tách rời bà Nhu, cũng như nói đến bà Nhu là nói đến bản chất của chế độ vì chính bà đã khôn khéo áp đặt, vận dụng, ảnh hưởng, can dự, thôi thúc, đóng góp, thảo luận, chi phối, điều động mọi quyết định của nhóm anh em nhà chồng đang nắm giữ mọi quyền lực lãnh đạo đất nước.
Thật vậy, cụ Tôn Thất Toại đã cho tôi biết rằng quyết định ủng hộ đạo luật gia đình này của ông Diệm là do ảnh hưởng của người em dâu. Nguyên cụ Toại thuộc một gia đình đại vọng tộc ở miền Trung mà thân phụ là một vị Phụ chính Đại thần, đồng thời Cụ cũng là bạn thân của ông Khôi, ông Diệm từ thủa còn nhỏ, từng học chung với nhau ở Pellerin và trường Hậu Bổ Huế. Từ lúc được bổ làm Tri huyện cho đến ngày nắm chức Thượng thư tại triều, Cụ luôn luôn giữ gìn và hành xử trong mẫu mực Cần–Kiệm–Liêm–Chính của một người công bộc gương mẫu.
Trong suốt cuộc chiến tranh Pháp–Việt 1945–1954, dù thuộc dòng dõi Tôn Thất liên hệ với Bảo Đại, toàn thể anh em Cụ đều sống ẩn dật, mưu sinh bằng những nghề lương thiện, quyết không hợp tác với Pháp để giữ trọn đạo đức và thanh danh của gia đình. Cho đến năm 1953, anh em cụ Toại mới thể hiện lập trường của mình bằng quyết định chính trị ủng hộ ông Ngô Đình Diệm. Chính em ruột của cụ Toại là ông Tôn Thất Cẩn ở Pháp đã có công rất lớn với ông Diệm, đã từng nuôi ông Diệm ăn ở tại Paris và từng hết lòng vận động với ông Bảo Đại và bà Nam Phương để ông Diệm được chỉ định làm Thủ tướng. Còn chính cụ Toại thì gia nhập Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, hoạt động hăng say để xây dựng sức mạnh và uy tín cho ông Diệm, sau đó cụ đắc cử vào Quốc Hội, đơn vị Nha Trang.
Tại diễn đàn Quốc Hội, cụ Toại là một trong những Dân biểu kịch liệt chống đối luật gia đình, vì thế một hôm Cụ nhận được tấm thiệp của ông Ngô Đình Nhu, trên thiệp chỉ có mấy chữ: “Ông Toại liệu hồn, hãy câm mồm lại”.
Vốn người khảng khái cho nên sau khi nhận được lời hăm dọa của ông Nhu, cụ Toại bèn vào dinh Độc Lập để bộc lộ nỗi bất bình. Gặp ông Diệm, cụ Toại nói thẳng: “Thưa cụ, cụ và tôi là đôi bạn từ thời thơ ấu, hai gia đình chúng ta thâm tình thân thiết từ xưa nay, anh em chúng tôi đều hết lòng ủng hộ cụ chỉ mong cụ bảo vệ được miền Nam chống lại Cộng Sản. Trong tinh thần đó tôi đã chống đối lại Luật Gia Đình của bà Nhu, một đạo luật đưa ra chỉ làm cho toàn dân phẫn nộ. Không ngờ ông Nhu chỉ đáng là em út của tôi, cũng chỉ là một Dân biểu như tôi mà lại nghe lời vợ bất chấp lòng dân, viết giấy hăm dọa tôi, cho nên tôi vào đây để kêu gọi cụ hãy vì dân, vì nước, vì tương lai chế độ mà ra lệnh bãi bỏ cái dự luật thất nhân tâm đó đi”. Ông Diệm không cần suy nghĩ, vội vã trả lời: “Bà Nhu đưa Đạo Luật Gia Đình ra là có mục đích cải tiến xã hội, bảo vệ hạnh phúc gia đình cho nhân dân. cụ và tôi đều đã già nua cả rồi, đều mang tâm hồn bảo thủ, vậy cụ yên lặng đi để cho lớp trẻ họ có ý kiến tiến bộ mang ra phục vụ cho xứ sở”.
Cụ Toại không ngờ ông Diệm lại bênh vực việc làm bất chính của người em dâu, cũng không trách móc người em ruột hỗn láo và thiếu sáng suốt đến thế, bèn trả lời: “Thưa cụ, tôi tưởng tôi vào đây để trình bày sự hơn thiệt lợi ích quốc gia, không ngờ cụ lại bênh vực ông bà Nhu thì nhân đây tôi xin chào từ biệt cụ luôn, không còn bao giờ dám gặp cụ nữa, và cũng không bao giờ đi họp Quốc Hội nữa. Tôi cũng thưa cụ biết, nếu không vì cụ thì tôi đã họp báo đưa lời hăm dọa của ông Nhu ra cho Quốc dân và quốc tế biết”. Những sự kiện trên đây đều được ông Tôn Thất Toại thông báo cho một số Dân biểu đồng viện và người em ruột ông ta là Tôn Thất Thiết (hiện ngụ tại Los Angeles, California), Giám đốc sở Nội dịch Phủ Tổng thống biết.
Là người có nghệ sĩ tính, thích hát bội và văn thơ, sau khi từ giã chính trường cụ Toại lui về Nha Trang giữ chức chủ tịch hội Khổng học Khánh Hòa và chăm lo Phật sự tại chùa Tỉnh Hội Nha Trang. Mỗi lần tôi về Nha Trang, cụ Toại và tôi thường gặp nhau đàm đạo và những lúc đi xem hát bội của đoàn hát Bình Định nổi tiếng là đoàn “Ý Hiệp Miền Trung”, gặp những tuồng như “Lã Bố hí Điêu Thuyền” đoạn Vương Tư Đồ lập mưu giết được Đổng Trác, cụ đánh trống chầu một cách thống khoái tỏ ra thú vị vì kẻ nghịch thần đã đền tội với dân tộc quê hương.
Nguyễn Phước tộc là một dòng họ lớn nhất miền Trung, có rất nhiều thành phần trí thức nhân sĩ, từ sau khi anh em ông Ngô Đình Diệm bắt bà Từ Cung đi bỏ phiếu để truất phế người con ruột thịt là Quốc trưởng Bảo Đại, tịch thu tài sản của Cựu Hoàng, của bà Nam Phương, của ông Vĩnh Cẩn cuối năm 1955, thì hầu hết người của dòng họ Nguyễn Phước tộc đều xa lánh ông Diệm. Việc nhà Ngô bắt bớ giam cầm ông Bửu Bang (hiện ở Los Angeles) và vu khống cho ông là gián điệp Pháp để làm tiền, việc nhà Ngô định hãm hại nhà thầu khoán tên tuổi Tôn Thất Cẩn cũng để làm tiền… càng làm cho bà con dòng họ Nguyễn Phước tộc căm thù thêm anh em ông Diệm. Chỉ còn lại hệ phái của cụ Thân–Thần là còn ủng hộ ông Diệm thế mà nay nhà Ngô bạc đãi khinh thị ông Tôn Thất Toại, hất hủi ông Tôn Thất Hối (nguyên là Đại biểu Chính phủ miền Cao nguyên), phản bội ông Tôn Thất Cẩn (vốn là ân nhân cũ) thì Nguyễn Phước tộc không còn ai có thể gọi là người tiêu biểu có cảm tình với anh em ông Diệm nữa, ngoại trừ ba nhân vật Thiên Chúa giáo là ông Bửu Vu, ông Tôn Thất Trạch, linh mục Bửu Dưỡng và hai nhân vật Phật giáo: ông Tôn Thất Thiện cựu giám đốc phòng báo chí phủ Tổng thống, ông Bửu Hội một nhà bác học Việt Nam vừa thân Cộng lại vừa thân với nhà Ngô, đã hết mình ủng hộ nhà Ngô trong biến cố Phật giáo năm 1963, dù mẹ là Sư bà Diệu Huệ chống lại nhà Ngô.
Quyết định bênh vực bà Nhu để thông qua Luật Gia Đình rõ ràng là đã đánh tan cái huyền thoại “Khổng Mạnh” mà gia đình ông Diệm và bộ máy tuyên truyền chính quyền đã tô vẽ. Một chút ý thức và truyền thống nho sĩ còn sót lại nơi ông Diệm thì cũng vì hành động bênh vực người em dâu vô hạnh này mà tan thành cát bụi. Đồng thời, vì quyền lợi của chị bà Nhu mà phế bỏ ông Châu đã tạo tiền lệ cho chính sách dụng nhân sai lầm sau này, một chính sách tuyển chọn không đặt tiêu chuẩn trên tâm chất và khả năng mà là đặt trên sự trung thành và khả năng bảo vệ quyền lợi gia đình họ Ngô.
Tác hại to lớn và nguy hiểm nhất của ông Diệm và chế độ của ông là sự đắc thắng vẻ vang của bà Nhu trong vụ luật Gia Đình đã được nội bộ gia đình họ Ngô quan niệm như sự thử thách quyền hành, để từ đó, bóng dáng ma quái của hai vợ chồng ông Nhu ngày càng lớn lên, đè nặng lên chế độ, khuynh loát quyền lãnh đạo đáng lẽ là của vị nguyên thủ quốc gia. Như ông Nguyễn Thái đã phân tích vào năm 1962, hơn hai mươi năm sau, một ký giả ngoại quốc đã nhận định thật chính xác:
… Bà Nhu thường chọc tức ông Diệm trong riêng tư và thường làm ông ta khó xử trước công cộng vì những lời lẽ đầy khiêu khích của bà ta. Nhưng ông Diệm bỏ qua hết vì bà ta trung thành với gia đình. Bà ta càng ngày càng lớn lối trong lúc ông Diệm càng thu kín lại (reclusive). Tuy nhiên, uy quyền tột đỉnh của bà ta lại là dấu hiệu của sự mục nát, sụp đổ của chế độ giống như trong thời cận đại của Trung Quốc mà sự “lên ngôi” của bà Tưởng Giới Thạch thúc đẩy mau chóng sự suy tàn của chồng bà, và ảnh hưởng to lớn của bà Giang Thanh phản ánh sự xuống dốc của Mao Trạch Đông. Buồn cười thay, đã từ lâu, khi ông Diệm chưa làm Tổng thống, ông có viết rằng nước Tàu nghiêng ngửa suy vi là do tay các bà Hoàng Hậu và bà con thân thuộc của họ, thế mà ngày nay ông Diệm lại cũng có một Hoàng Hậu là bà Nhu [15].
Từ trước, tôi vốn không quen biết với ông Nguyễn Hữu Châu, lần đầu tiên tôi gặp ông vào năm 1956 tại phủ Tổng thống, khi ông hẹn gặp tôi tại tầng nhì dinh Độc Lập để nói chuyện quan trọng. Ông cho biết là sẽ đề nghị với Tổng thống để phát triển tỉnh Bình Thuận, nơi mà Tổng thống đã từng làm Tuần Vũ, trở thành một tỉnh kiểu mẫu của miền Nam như ngoài kia Cộng Sản đang xây dựng tỉnh kiểu mẫu Thanh Hóa. Vì lúc bấy giờ tôi là Tư Lệnh Phân Khu Duyên Hải nên ông Châu mới thảo luận với tôi dự định đó và nhờ tôi giúp đỡ. Tôi lấy làm phấn khởi với sáng kiến của ông vì qua đó tôi sẽ có cơ hội đóng góp ít nhiều vào một công cuộc kiến thiết quê hương có thể làm kỷ niệm lâu dài cho cuộc đời và sự nghiệp của mình. Nhưng rồi mộng của ông và mộng của tôi đều không thành. Giữa năm 1956, tôi bị nhóm Công Giáo Cần Lao hãm hại, bị ông Nhu cách chức khỏi Nha Trang và một năm sau thì bà Nhu cho ra đời dự luật Gia Đình, ông Châu bắt đầu bị đe dọa để rồi tháng 5 năm 1958, ông phải từ chức và xa lánh quê hương.
Tuy đã có rất nhiều người biết rồi nhưng dầu sao khi kể lại chuyện ông Châu ở đây, chuyện của một người đàn ông mà hạnh phúc gia đình bị tan vỡ vì một người vợ lăng loàn, toa rập với người em gái quyền thế, và sự phản bội phũ phàng của một cấp trên mà mình đã hết lòng phục vụ, quả thật tôi đã khơi lại vết thương lòng của ông Nguyễn Hữu Châu. Nhưng tôi mạo muội nghĩ rằng vết thương lòng của ông Châu đã được thành sẹo vì năm tháng, và vì nghiệp báo đã đến với nhà Ngô, vết thương đó không còn ray rứt bằng vết thương của 15 triệu đồng bào đã bị một gia đình gây ra đau đớn khốn khổ hơn nhiều nên tôi phải viết để trả sự thật về cho lịch sử. Mong ông Châu thông cảm và tha thứ cho tôi.
Điều tác hại thứ năm là Chương Trình Cải Cách Điền Địa. Từ năm 1955, khi Đại sứ Collins còn kiêm nhiệm việc phối trí các chương trình yểm trợ Việt Nam tại Sài Gòn, chính quyền Hoa Kỳ đã khuyến cáo và cụ thể đề nghị những kế hoạch to lớn với ông Diệm (lẽ dĩ nhiên là có kèm thêm ngân khoản viện trợ) nhằm gấp rút thực hiện một chương trình Cải Cách Điền Địa để thu phục tầng lớp nông dân. Hoa Kỳ còn biệt phái hẳn một phái đoàn chuyên viên canh nông cầm đầu bởi ông Wolf Ladejius, người đã thành công mỹ mãn trong công tác tương tự tại Đài Loan và Nhật Bản, giúp hai nước này trở thành những quốc gia có năng xuất sản xuất lúa gạo cao nhất tại Á Châu lúc bấy giờ. Và không những Hoa Kỳ mà chính cả Pháp, vì quyền lợi của các kiều dân của họ còn lưu ngụ tại Việt Nam, cũng đã tháo khoán những ngân khoản khá lớn để giúp Việt Nam Cọng Hòa, trong tương lai, mua lại đất đai rộng lớn của các đại điền chủ để phân phát cho một số lượng tá điền đông đảo.
Trước vấn đề cơ bản và khẩn cấp như thế mà ông Diệm cứ ngập ngừng mãi cho đến hai năm sau mới ký sắc lệnh về Cải Cách Điền Địa để bắt đầu tiến hành một chương trình nông nghiệp mà tác dụng kinh tế to lớn của nó chắc chắn không lớn bằng tác dụng chính trị rất quan trọng và rất lâu dài.
Nhưng tai hại thay, những nguyên tắc chỉ đạo mà ông đưa ra để điều hướng chương trình này không những đã ngược lại với các khuyến cáo của Hoa Kỳ mà, đây mới là điều đau đớn, còn phản bội những ước nguyện của nông dân vốn đã trao cho ông niềm tin và kỳ vọng từ những ngày ông còn phải điên đầu với các giáo phái võ trang tại Sài Gòn.
Những nguyên tắc này, nhìn toàn bộ, chỉ nhằm ve vãn giới đại điền chủ vốn có ảnh hưởng chính trị tại Sài Gòn và các tỉnh lỵ, bằng cách vẫn duy trì cho họ các đặc quyền đặc lợi trong việc sở hữu và khai thác các vùng đất rộng lớn hơn là quân phân đồng đều và toàn diện để các tá điền nghèo nàn được làm sở hữu chủ một mảnh ruộng mà họ hằng mơ ước. Chà đạp lên trên ước vọng đơn sơ nhưng chính đáng của đại khối nông dân vẫn chưa đủ, ông Diệm còn vì những mục tiêu chính trị thiển cận và cá nhân, mà nhân danh quốc sách chống Cộng mù quáng để trừng phạt các nông dân trong thời kháng Pháp đã được Việt Minh cấp phát cho ít ruộng đất. Ông ra lệnh truất hữu các tá điền hoặc bắt đóng tiền bồi thường nặng nề các đại điền chủ, những tá điền nào hiện đang chiếm hữu những mảnh đất mà ngày xưa Việt Minh đã lấy của người giàu chia cho người nghèo.
Chính sách bất công đó đã bị Việt Cộng lợi dụng tối đa để phản tuyên truyền và xuyên tạc hữu hiệu một vài thành quả nhỏ nhoi tại một vài địa phương biệt lệ tương đối thành công. Trong gần bốn năm phát động chính sách, tính đến tháng 7 năm 1961, ông Diệm đã phân phát ruộng đất cho 109.438 tá điền trong tổng số trên một triệu nông dân Việt Nam. Nhưng vẫn còn khoảng trên một triệu (ấn bản cũ in 700.000 là vẫn còn ít) nông dân đổ mồ hôi nước mắt cho một thiểu số đại điền chủ ngồi mát ăn bát vàng [16]. Chính một gia đình đại điền chủ tại Việt Nam cho rằng chính sách này đã trở thành mối họa lớn không những cho tá điền mà còn cả cho chủ điền, và kẻ có lợi nhất trong chính sách này chính là Việt Cộng [17].
Tuy nhiên, sự thất bại đó, trên cả hai mặt nông nghiệp lẫn chính trị, dù có nặng nề đến đâu vẫn chưa phải là điểm tôi muốn nhấn mạnh đến trong chương sách này. Điểm quan yếu mà tôi muốn nói đến là trong khi tiến hành chương trình cải cách điền địa, chủ trương bất công của ông Diệm đã đẻ ra tại nông thôn một ung nhọt nhân văn mới làm hủy hoại sinh lực quốc gia một cách sâu sắc và lâu dài. Tôi muốn nói đến biện pháp có chủ trương rõ ràng nhằm nâng đỡ một cách quá đáng những người Bắc Công giáo di cư trong chương trình phân phát ruộng đất. Chủ trương đó tự nó không có gì là sai lầm nếu không muốn nói là cần thiết nữa nhằm giúp những người đã từ bỏ quê cha đất tổ để bắt đầu lại một đời sống mới tại miền Nam tự do. Nhưng từ đó và vì đó mà lạm dụng để tước đoạt và chà đạp quyền lợi (cũng chính đáng) của những người nông dân miền Nam đã sinh ra, lớn lên và khai thác vùng đất sơn lam chướng khí của mấy thế hệ một nắng hai sương thì công phẫn và căm thù bắt buộc phải vùng lên.
Cứ nhìn một khu Cái Sắn mông mênh và trù phú, cứ nhìn tiền của, dụng cụ, nhân sự đổ vào đó để xây dựng thành một vựa lúa của vựa lúa miền Tây thì, một cách dễ hiểu và dễ thông cảm nhất, ta có thể cảm nhận và chia sẻ được cái tình cảm bất mãn của nông dân miền Nam. Từ tình cảm bất mãn chế độ đến tình cảm thù ghét người Bắc chỉ còn là một sợi tóc phân cách nhỏ, mà sự vụng về tắc trách của các cán bộ thừa hành muốn làm hài lòng vị Tổng thống mù quáng, mà sự hăng hái quá đáng của các Cha xứ trách nhiệm giáo phận, đã bước qua không ngại ngùng. Mâu thuẫn địa phương, vốn đã ầm ĩ tại đô thị, bắt đầu gieo vi khuẩn độc hại tại nông thôn từ đó.
Mâu thuẫn địa phương này càng ngày càng trầm trọng vì bị chính trị hóa, cộng với mâu thuẫn tôn giáo vốn đã âm ỉ từ lâu, rồi nổ bùng trong biến cố Phật giáo năm 1963, đã là hai sản phẩm đặc thù của chế độ Ngô Đình Diệm. Năm ngàn năm dựng nước mà hai mâu thuẫn độc hại này vẫn không thẩm thấu được vào cơ thể mẹ Việt Nam, vẫn không xâm nhập được vào hồn Việt Nam, thế mà chỉ một chế độ 9 năm của anh em họ Ngô, chúng đã tàn phá khủng khiêp sinh lực của dân tộc và không biết còn di hại đến bao nhiêu thế hệ nữa !?
Chánh sách tai hại thứ sáu phát xuất từ quan niệm sai lầm của ông Diệm về mục đích “khai sáng và giáo hóa” đồng bào miền Thượng.
Quan hệ Kinh Thượng, từ lâu, đã là một vấn đề gai góc của đất nước. Những khám phá mới nhất về ngôn ngữ học, phong tục học và ngành khảo cổ đã chiếu những ánh sáng khiêm nhường đầu tiên vào lịch sử xa xăm của dân tộc để xác định sự liên đới huyết thống của hai dân tộc Kinh Thượng cho phù hợp với huyền sử 50 con theo mẹ Âu Cơ lên núi vốn là người Mường và các dân tộc thiểu số, đã tạm biệt 50 con theo bố Lạc Long ra biển từ thời đại hồng hoang xa xưa của nước ta. Nhưng những khám phá tiềm ẩn nhiều mơ ước chủ quan đó vẫn chưa đủ để hóa giải các mâu thuẫn trầm trọng phát xuất từ những va chạm văn hóa, va chạm quyền lợi và cả va chạm súng đạn đã liên tục xảy ra giữa người Kinh và người Thượng cả từ hơn một thế kỷ này (mà điển hình là một tin đồn vào năm 1984 từ trong nước gởi ra cho biết đồng bào thiểu số cả hai miền Nam – Bắc đã phối hợp với nhau thành lập một quốc gia mới lấy tên là… “Quốc gia Tây Nguyên” để đấu tranh đòi tự trị với chính quyền Cộng Sản Việt Nam).
Đó là một vấn đề tối quan trọng, là một vấn đề sinh tử lâu dài cho tất cả mọi nhà lãnh đạo Việt Nam, Quốc cũng như Cộng, trong quá khứ cũng như trong tương lai. Nhưng trong bối cảnh của những năm đầu của chế độ, ông Diệm đã không ý thức được vấn nạn lịch sử đó, cũng như trong khuôn khổ chính trị của thời đại, đã không nắm vững được những quy luật chính trị của tình thế. Ông Diệm đã vụng về và độc đoán can thiệp mạnh mẽ vào mối quan hệ Kinh Thượng trong tinh thần “khai hóa” của các cha cố Tây phương đi mở mắt cho giống man di mọi rợ, trong cung cách ngang tàng của những tay súng Viễn Tây Mỹ đi mở mang bờ cõi, và trong lối hành xử ban bố “như cha người ta” (paternalism) của những vị quan dân chi phụ mẫu.
Ông Diệm cho rằng vì các tộc trưởng đã tuyên thệ trung thành với ông và quỳ xuống dưới chân ông thì ông có thể xem họ như đứa con ngoan phục để ông có thể chăm sóc hay la mắng càng nhiều càng tốt, mà ông không biết rằng họ cũng đã từng tuyên thệ trung thành với Bảo Đại, với quan Tây, với viên chức Mỹ (và sau này với Trung Cộng, với Cộng Sản Việt Nam). Thôi thúc và thỏa mãn trong cái mặc cảm tự tôn đó, ông đã thúc đẩy cho người Thượng mau chóng được đồng hóa với người Kinh. Ông đã ra những chỉ thị hoặc khẩu lệnh cho các viên chức thừa hành về những tiểu tiết như sửa đổi từ cách ăn mặc đến lối làm việc, tự tay vẽ những kiểu áo quần để cho may liền và phân phát tại chỗ. Ông trách móc nhân viên tại sao lại cho người Thượng tiếp tục ở trần và tỏ ý muốn bãi bỏ tập tục của người Thượng cứ bắt đầu và chấm dứt những lễ lạc bằng cách uống rượu cần (Mục đích bỏ những cổ tục là để đi dần đến việc Công giáo hóa người Thượng).
Không thành công trong việc tập trung nhiều bộ lạc khác nhau thành một khu dinh điền lớn nên các chương trình y tế, giáo dục, khai thác lâm sản của ông đều tốn kém rất nhiều mà kết quả chẳng bao nhiêu. Đáng lẽ phải có từng biện pháp riêng cho từng sắc dân, có từng kế hoạch riêng cho từng địa phương, và có từng loại nhân sự riêng cho từng vấn đề để tránh xúc động tâm lý quá mạnh, thì ông lại hấp tấp nóng nảy muốn chóng thành công nên đã “Kinh hóa” toàn bộ theo một mô thức độc nhất, gây bất mãn trong lòng đồng bào thiểu số.
Đã thế, chính quyền địa phương và cán bộ thừa hành thì tắc trách, tham nhũng, hống hách nên lại càng làm cho người Thượng bị chạm tự ái, nhất là về phương diện phong tục và tín ngưỡng. Việc mở những Trung Tâm Dinh Điền để định cư một số giáo dân di cư và một số dân di chuyển từ miền Trung lên bằng cách chiếm đất đai của người Thượng, chiếm những đồng cỏ nuôi súc vật của họ… một cách ngang nhiên mà không thèm hội ý với các tù trưởng, đã đẩy người Thượng ở vào thế kẻ thù của người Kinh, của Việt Nam Cọng Hòa và tất nhiên là thêm một cơ hội cho Việt Cộng tranh thủ những bộ lạc này để tuyên truyền thắng lợi [18].
Cũng vì chính sách sai lầm của ông Diệm và sự hăng say quá độ của các linh mục tại các trung tâm dinh điền mà các tướng Tôn Thất Đính, rồi Nguyễn Khánh (Tư Lệnh Quân Đoàn II) và tôi đã phải nhiều phen đối phó với những tình trạng rất phức tạp trong quân đội. Quân nhân người Thượng ở trong các sư đoàn và các đơn vị Bảo An tại tất cả các tỉnh Cao Nguyên từ năm 1960 đến năm 1963, hầu như cứ mỗi năm một lần tổ chức đấu tranh bất bạo động để chống chính phủ. Họ không làm gì, chỉ xin nạp vũ khí lại cho cấp chỉ huy, xin không đi hành quân và không làm tạp dịch nữa. Chúng tôi biết những cuộc đấu tranh đó đều do lực lượng Fulro ngầm chủ xướng và chỉ huy, nhưng không có phương cách giải quyết nào hơn là hễ họ bắt đầu đấu tranh thì chúng tôi lại đến phủ dụ, an ủi. Tuy cuộc đấu tranh bất bạo động của lính Thượng bề ngoài không gây thiệt hại bao nhiêu cho quốc gia, cho quân đội, nhưng về phương diện chính trị thì lại tai hại vô cùng vì mỗi lần bị như thế, các cuộc hành quân lại bị ngưng trệ và Việt Cộng lại được dịp xâm nhập vào các bản, các thôn Thượng để tuyên truyền phát triển tinh thần bài người Kinh và xây dựng các tổ tình báo. Tinh thần bài người Kinh sau này đã được người Thượng thể hiện rõ rệt và khủng khiếp trong vụ Việt Cộng tiến chiếm Darlac đầu năm 1975, khi toàn thể binh sĩ người Thượng tại đó theo Việt Cộng hết và biến thành một lực lượng tiền phong gây cuộc thảm sát kinh khủng cho sĩ quan và binh sĩ Việt Nam Cọng Hòa.
Mâu thuẫn Kinh Thượng đáng lẽ phải được xoa dịu để với thời gian và bản năng sinh tồn của nòi giống mà dần dần được hóa giải hẳn. Nhưng các cấp lãnh đạo của ta, mà ông Diệm là người chịu trách nhiệm nhất vì đã can thiệp thô bạo vào nếp sống nhân văn của họ (khác với Mỹ và ông Thiệu sau này chỉ can thiệp vào đời sống vật chất mà thôi), đã chỉ làm cho mâu thuẫn đó thêm trầm trọng. Và khi mâu thuẫn đã biến thành một mối thù bất khả giải, người Kinh đã biến thành một kẻ thù bất khả dung thì từ nay, trong những bản dân ca sơn cước, trong những chuyện cổ tích tín ngưỡng bên ánh lửa bập bùng, trên những tín vật chạm trổ của bộ lạc, sẽ có dấu tích của mối thù đó, sẽ có nhân dáng của kẻ thù đó để thế hệ tương lai của dân tộc phải khó nhọc tìm cách tẩy xóa.
Do đó mà lỗi lầm gây mâu thuẫn Kinh Thượng của ông Diệm không phải chỉ tác hại cho cuộc đời chính trị của ông, cũng không phải cho chế độ chín năm của ông, mà còn kéo dài cho thế hệ mai sau nữa.
Qua sáu chính sách tiêu biểu tôi vừa kể trên đây mà bất kỳ ai đã từng liên hệ với chế độ, dù ở tư thế ủng hộ hay chống đối đều thấy rõ, ta thấy bản chất độc tài của những anh em ông Diệm quả thật đã vượt xa sức tưởng tượng của mọi người. Bản chất độc tài đó dẫn đến việc lãnh đạo sai lầm tai hại, mở đường cho chế độ đi vào tử lộ, mở cửa cho lực lượng Cộng Sản dễ dàng tiến chiếm miền Nam Việt Nam sau này.
Chú thích:
[1] Robert Shaplen, The Lost Revolution, tr. 134.
[2] Robert Shaplen, The Lost Revolution, tr. 134.
[3] Trần Văn Đôn, Our Endless War, tr. 67.
[4] Ngay dưới thời Pháp thuộc, thời mà ông Diệm đã từng làm quan, chế độ Bảo hộ cũng đã thấy được tầm quan trọng này nên đã không dám can thiệp vào các sinh hoạt làng xã.
[5] Neil Sheehan, The Pentagon Papers, tr. 7.
[6] Chu Bằng Lĩnh, Cần Lao Cách Mạng Đảng, tr. 316, 317.
[7] Lê Nguyên Long, Bất Đắc Dĩ Khơi Đống Tro Tàn, tạp chí Khai Phóng (số 7), tr.38.
[8] Nguyễn Vỹ, Tạp chí Phổ Thông, (số ngày 1–12–63).
[9] Bà Bút Trà, Nhật báo Sài Gòn Mới (số ngày 4–11–63).
[10] Trần Tương, Biến cố 11–11–60, tr. 24, 25.
[11] Trần Tương, Biến cố 11–11–60, tr. 58.
[12] Trần Tương, Biến cố 11–11–60, tr. 191-193
[13] Dennis Warner, The Last Confucian, tr. 112.
[14] Nguyễn Thái, Is South Vietnam Viable?, tr. 181–184.
[15] Stanley Karnow, Vietnam A History, tr. 266.
[16] Joseph Buttinger, Vietnam A Political History, :“But they (Diem and his American defenders) neglected to say that more than one million tenants had received no land whatever”. Xin xem thêm chi tiết ở trang 435 và 436.
[17] Trần Văn Đôn, Our Endless War, tr. 68.
[18] Trần Văn Đôn, Our Endless War, tr. 68, 69.