Phần I
Tác giả: Hư Thân Huỳnh Trung Chánh
Phiêu linh bao kiếp luân hồi
Phút giây hội ngộ, đời đời khổ đau
Mịt mùng tăm tối lạc nhau
Mang mang sáu cõi lao đao kiếm tìm
Dì Năm dự định mang cậu con trai về trại ruộng Thới Sơn, Châu Đốc nương náo với đồng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tu dưỡng thân tâm, tiện đường dì ghé lại chùa Tây An(1) đảnh lễ Đức Phật Thầy để cầu nguyện cho con sớm lành bệnh. Chùa Tây An núi Sam, được tôn xưng là đệ nhất linh địa của giáo phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa, vì vị tổ khai sáng : “Phật Thầy Tây An(2)”, đã hành đạo và thị tịch tại chốn nầy. Nguyên Đức Phật Thầy theo thuận duyên đặc biệt thọ giới xuất gia với Hòa thượng Tiên Giác - Hải Tịnh(3) trụ trì tổ đình Giác Lâm, Gia Định, và được hòa thượng ban cho pháp danh Minh Huyên, hiệu Pháp Tạng rồi chỉ định về ngôi chùa Tây An để hoằng pháp với sự phụ giúp của sư đệ Minh Võ - Nhứt Thừa. Tuy đã là tăng sĩ chánh thức nhưng Ngài ủy thác mọi sinh hoạt tự viện cho sư đệ, cũng không thu nhận đệ tử xuất gia, để có thể dành nhiều thời giờ hoằng pháp theo một đường hướng riêng: “thế tục hóa” đạo pháp hay cũng có thể gọi là “đem Phật Pháp đi vào cuộc đời”. Ngài tiếp tục trui rèn nhóm đệ tử cư sĩ nồng cốt có khả năng đảm trách trực tiếp các cơ sở hành đạo dưới danh nghĩa là “trại ruộng” rải rác khắp các tỉnh miền Tây. Trại ruộng là cơ sở sinh hoạt đời lẫn đạo, nhằm quy tụ tín đồ thuần thành về tu tập vừa có nơi canh tác, cũng là địa điểm phát thuốc cứu khổ, chữa thân tâm bệnh... cho quần chúng nông thôn, và nhân đó sẽ dùng lối thuyết pháp khế cơ chất phác: “nói thơ dạy đạo” để khuyến khích ăn chay niệm Phật, sinh sống hiền lành, vuông tròn hiếu nghĩa đúng theo pháp tứ ân, vì vậy chi phái mới có danh xưng là Tứ Ân Hiếu Nghĩa.
Vì một trong những vị đại đệ tử của Đức Phật Thầy, là Đức Quản Cơ Trần văn Thành, đảm trách hoằng hóa tại trại ruộng Láng Linh, đã chiêu mộ dân quân dựng cờ khởi nghĩa chống ngoại xâm, địa bàn di động quanh vùng Bảy Thưa - Láng Linh, khiến quân xâm lược phải chật vật bao năm trời mới đàn áp nổi. Tuy chỉ riêng trại ruộng Láng Linh liên hệ trực tiếp với vụ nổi dậy, nhưng kể từ đó, toàn thể tín đồ chi phái Tứ Ân đều bị chánh quyền Pháp nghi kỵ, chúng cho mật thám theo dõi kềm kẹp, bắt bớ tín đồ bừa bãi, gán cho họ tội “làm cách mạng”. Vì vậy, sinh hoạt tôn giáo của chi phái bị đình trệ, các trại ruộng thưa vắng lần, ngay như chùa Tây An một thánh địa mà trước đây bổn đạo vãng lai nườm nượp cũng lạnh lẽo đìu hiu. Cả vùng núi thiêng chỉ còn trơ trọi một ông từ già lủi thủi khói nhang bàn thờ Phật và trông giữ mộ phần của Phật Thầy chôn sau chùa mà thôi.
Trái với trí tưởng tượng của dì Năm, khuôn viên chùa Tây An giờ đây tấp nập khác thường. Chùa được tu bổ từ trong lẫn ngoài nên khang trang sáng sủa và tràn đầy sinh khí. Cạnh chùa là một mái lá khá rộng mới xây, để dùng làm nơi xắt sấy, phơi và dự trữ cây lá thuốc Nam, cũng vừa là địa điểm tiếp đón đồng bào khắp nơi về chẩn bệnh, hốt thuốc. Sinh hoạt tu tập “độ đời” nhộn nhịp chẳng khác gì thời hưng thịnh của hơn ba mươi mấy năm về trước cả. Dì thăm hỏi nguyên nhân biến đổi nầy, mới biết rằng thời gian ngắn sau khi ông từ cô quạnh chán ngán bỏ đi, ngôi chùa không người săn sóc đã nhanh chóng trở thành hoang phế: cây cỏ dại um tùm thi đua mọc tràn lan che khuất lối đi, điện thờ bụi phủ nhện giăng, mái dột tường xiêu... cơ hồ sắp sụp đổ đến nơi, nếu không có một vị sư già du phương hoằng hóa dừng bước lãng du ra tay tu sửa. Thật ra động cơ thúc đẩy sư vạch cây lá leo lên đường dốc chỉ vì mến mộ phong cảnh u tịch núi rừng thiêng liêng khôi vĩ, đến nơi sư mới khám phá ra ngôi già lam nhỏ bé mái phủ hoa vàng, đang e ấp nép mình dưới những khóm cây cối xanh um cành lá, chằng chịt giây leo. Sư lặng ngắm bức tranh sống động trước mắt thầm nhủ: “Ôi! Cảnh trí thật là hoang dại mà cũng thơ mộng và quyến rủ lạ lùng!” Sư mò mẫm đi vào chùa, một ngôi chùa hoang phế, tất cả đều hư hoại đổ nát, khiến sư xúc động bùi ngùi. Sư mang quả chuông nhỏ và nhang trong tay nải ra, rồi bắt đầu thỉnh chuông, thắp hương đảnh lễ Phật - pho tượng Bổn sư tróc sơn loang lổ còn sót lại trên kệ thờ – long trọng phát nguyện gánh vác công cuộc trùng tu tự viện và hưng long đạo pháp tại chốn nầy. Sư âm thầm phát quang cỏ dại, thu dọn rác rến, chấp vá mái vách hư hỏng, trang nghiêm chánh điện... tóm lại, sư lẵng lặng tu sửa trong ngoài tương đối sạch sẽ mà chẳng ai hay biết. Một hôm, bỗng có người dân xóm rẫy trên non cao, nghe văng vẳng tiếng chuông công phu khuya sớm, tò mò tìm đến. Vào chùa trong lúc vị sư già đạo cao đức trọng đang thiền tọa trên đụn cỏ khô, không dám làm khinh động sư, anh ta rón rén đi quan sát trong ngoài: ngôi chùa tuy tạm có sinh khí, nhưng cửa nẻo hư mục, nhà dột cột xiêu rồi, còn phòng ốc trống trơn, trên kệ thờ chỉ còn pho tượng loang lổ, và quả chuông con con – Anh ta thầm nhủ: “Uả! Chuông nhỏ xíu như vầy sao tiếng ngân vang xa đến miếng rẫy của mình như vậy?” Bước ra phía sau, nhìn cái nồi đất sứt mẻ, đặt trên chiếc cà ràng gãy gọng, tro tàn có lẽ đã nguội lạnh nhiều ngày rồi... anh thảng thốt than: “Trời ơi! chẳng biết mấy ngày qua ổng đã ăn uống thứ gì để sống vậy kìa!”.
Anh ráng dằn lòng, chờ sư xả thiền mới ấp úng đem thắc mắc mình han hỏi. Sư cười móm sọm, hề hà đáp:
- Người xưa dạy “Đói ăn rau, đau uống thuốc”, nên thầy học theo mà hái rau rừng, bông so đũa... ăn qua ngày, đôi khi, mình tọa thiền niệm Phật thì cũng qua cơn đói con ạ!
Anh nông dân nghe kể mà rưng rưng nước mắt, anh xá chào thầy rồi tất tả chạy nhanh về nhà. Anh quày quã trở lại tay quảy, tay xách lỉnh kỉnh gạo bắp khoai đậu cúng dường. Tiếng lành đồn xa, bà con quanh vùng lũ lượt về chùa học Phật tu nhân, những đêm lễ sám hối, tiếng tụng kinh niệm Phật vang rền cả núi, và không ai bảo ai họ thi đua góp công góp của kiến tạo lại cảnh chùa Tây An khang trang như thời xa xưa. Vui mừng hơn ai hết có lẽ là nhóm huynh đệ Tứ Ân Hiếu Nghĩa, họ hợp nhau thành đoàn về viếng tổ đình, rồi khẩn khoản xin sư hứa khả cho phái Tứ Ân tái lập trại chẩn bệnh phát thuốc cho đồng bào cạnh chùa. Thầy hoan hỉ: “Tốt lắm! Tốt lắm! Cứu bệnh khổ là hành Bồ Tát hạnh dĩ nhiên thầy phải yểm trợ hết lòng rồi, huống chi, giáo chủ Tứ Ân Hiếu Nghĩa, chính là đại sư huynh của thầy, thầy hằng phát nguyện tiếp nối và hưng long đạo nghiệp của Người kia mà!” Tiết lộ lạ lùng nầy khiến họ ngạc nhiên vô cùng, có kẻ thích thú reo vang, kẻ nửa tin nửa ngờ, muốn hỏi cho rõ nhưng ngại không dám mở lời. Biết vậy thầy mĩm cười giải thích: “Đức Thầy và ta vốn là huynh đệ đồng xuất gia với ân sư Tiên Giác – Hải Tịnh. Đức Thầy pháp danh là Minh Huyên và ta là Minh Khiêm(4), chúng ta thuộc thế hệ thứ 38 dòng thiền Lâm Tế. Trong thời gian làm thị giả cho ân sư, ta thường nghe ân sư nhắc nhớ hành trạng tự tại của sư huynh lòng rất ngưỡng mộ, nhưng bấy giờ sư huynh đã thị tịch, đất nước trong cơn loạn lạc nên dấu vết người xưa cũng phai mờ. Thế rồi, bỗng nhiên chẳng biết động lực nào dun rủi ta dừng bước vân du đúng ngay đạo tràng xưa của sư huynh? tình cờ chăng? Có thể nói đây là một sự trùng hợp mầu nhiệm khó nghĩ bàn do chư long thần hộ pháp hướng dẫn ta đến để tiếp nối đạo nghiệp cao cả của vị đại sư huynh ngày trước.”
Khi nhóm huynh đệ Tứ Ân lảng vảng tựu về chùa Tây An, thì đám mật thám Pháp liền đội lốt khách hành hương bám theo rình rập, Ban Hội Tề làng Vĩnh Tế cũng ngấm ngầm cho người dọ hỏi. Lạ một điều là bọn “điềm chỉ” nầy lẩn quẩn ra vào chùa, giả dạng tụng kinh niệm Phật thuần thành vài ngày, rồi bỗng nhiên họ mến đạo thật lòng, xin quy y với sư, chơn chất tu tập chẳng nhúng tay làm điều chi gian dối hại ai nữa. Chẳng rõ họ đã báo cáo thế nào, mà kể từ đó, tuy sinh hoạt chùa lúc nào cũng rộn rịp nhưng đạo tràng chẳng hề bị giới chức nào hạch sách rắc rối cả.
Võ thượng Phiêu là một thư sinh thanh tú, tuổi trên hai mươi nhưng đang lâm trọng bệnh nên dù được mẹ dìu đi và đường lên chùa cũng không mấy khó khăn, mà phải cố gắng lê lết từng bước một. Đến nơi, Phiêu mệt thở chẳng ra hơi, xiểng niểng sắp khuỵu xuống, khiến bà mẹ đau lòng kêu cầu cứu loạn lên. Nhờ các “ông đạo” chạy chữa cấp tốc theo thuốc Nam, nên chàng cũng khỏe dần, tuy đi đứng vẫn nương tựa bà mẹ.
Lễ bái xong, khi hai mẹ con chào sư từ giả, sư ái ngại nhìn Phiêu ngọt ngào han hỏi:
- Con còn yếu lắm, liệu đủ sức đi đường không? Mà con định về đâu vậy?
- Thưa con cũng không biết rõ nữa thầy ạ! Con chẳng biết mẹ sẽ đưa đi lánh nạn nơi nào nữa!
Thấy sư nhìn mình ra vẻ muốn tìm hiểu, dì Năm thoáng ngần ngại, rồi ấp úng thu giọng thật nhỏ :
-Thưa thầy! Cháu Phiêu bị kẻ gian ác hại mà ra nông nổi nầy! Con dự định đưa cháu về quê ngoại ở Thoại Sơn, nhưng chẳng biết thân thuộc có dám cưu mang chăng? và kẻ ác có chịu buông tha không nữa?
Trong màn nước mắt ràn rụa, thím ngậm ngùi cất tiếng than: “Trời đất mênh mông như vậy mà chúng con muốn tìm một chỗ dung thân lại gian nan vô cùng, thầy ạ!”
- Cửa chùa muôn đời rộng mở cho kẻ lâm bước đường cùng. Các con cứ tự nhiên nương náu sống ở đây một thời gian rồi tính. Thầy nghĩ, nếu các con vững lòng niệm Phật, tin tưởng chư Phật gia hộ, thì những khó khăn gian khổ nào cũng sẽ trôi qua.
Được ưu ái đón nhận, hai mẹ con vui mừng khôn xiết, họ hội nhập nhanh chóng vào nếp sống tự viện: dì Năm lăn xả vào bếp công quả, Phiêu thì theo hai chú sa di nhỏ săn sóc cây cảnh, quét dọn chùa, nhưng thông cảm bệnh trạng chàng chẳng ai để chàng vất vả cả. Nếp sống mới rất thoải mái, hai mẹ con được mọi người thương yêu đùm bọc, được tặng đồ lam, áo tràng, được cung cấp thuốc thang, và đặc biệt là đỡ nơm nớp lo sợ kẻ ác rình rập sát hại nữa. Biết Phiêu giỏi chữ nghĩa - Hán Nôm - , thầy ủy thác chàng sao chép bộ Pháp Hoa và vài mươi quyển kinh nhựt tụng để Phật tử dùng trong những ngày lễ. Nhờ sao chép kinh, chàng có dịp gần gũi học hỏi Phật Pháp với thầy, càng học Phật chàng càng mến đạo giải thoát nên thỉnh cầu xuất gia. Thầy tổ chức lễ thí phát, cho thọ giới sa di và ban cho chàng pháp danh Như Nguyện.
Thân bệnh của Phiêu lần lần bình phục sau một thời gian ngắn, nhưng tâm bệnh thì dù chính thức đi tu mà chẳng thuyên giảm chút nào... Thật ra, nếu căn cứ vào hình thức tụng niệm thì chú sa di có vẻ khá tinh tấn, nhưng rời kinh kệ thì chú lại lơ lơ lảng lảng như kẻ mất hồn, chiều chiều chú thường lén thầy thơ thẩn ra sau chùa, leo lên triền núi cao nhìn về cõi xa xăm buông tiếng thở dài não nuột. Một hôm đang chán nản nhìn xuống núi, chua xót nghĩ nếu mình chết đi có lẽ đỡ bị khổ đau dày dò, “chữ chết” vừa manh nha trong đầu thì tâm niệm tự tử liền trồi lên tức khắc. Thế rồi, Phiêu chợt thấy phong cảnh trước mắt dường như biến đổi khác hẳn: núi cao chất ngất, vừa hùng tráng vừa âm u quái dị. Chàng mải miết nhìn xuống hố sâu đen ngòm thâm thẩm, hàm ẩn một nét đẹp êm ái đầy man dã. Thế rồi, Phiêu khám phá nó – cái hố sâu – trở nên linh động và quyến rủ lạ lùng, nó tỏa ra hấp lực vô hình thu hút chàng, thôi miên chàng cứng đờ không cựa quậy gì được. Trong trạng thái mê mờ đó, chàng nghe hố sâu rủ rê mời mọc chàng, thôi thúc chàng hội nhập với cái bình an vĩnh cửu của nó. Phiêu rùng mình, vụt đứng dậy chuẩn bị phóng xuống.
- Như Nguyện! Mau mau tỉnh lại! Nơi nầy nào phải là Đoạt hồn Nhai mà con toan tính gieo mình!
Giựt mình tỉnh dậy, Phiêu dụi mắt nhìn thầy, ngượng ngập lên tiếng: “Thưa thầy! Đoạt hồn Nhai là chốn nào mà sao con nghe quen thuộc lắm thầy ạ!”
- Xưa lắm rồi, vào khoảng mười thế kỹ về trước có chàng thư sinh tên Trang Thanh văn tài xuất chúng đang trên đường lên kinh đô Trường An ứng thí bỗng nghe tin người mẹ lâm trọng bệnh nên đành gác lại giấc mộng quan trường, chàng quày quã về quê chăm sóc mẹ già được vài tháng thì bà từ trần. Trang Thanh an táng mẹ cạnh mộ cha, kề cận giòng suối Long Môn lưng chừng ngọn Nga Mi hùng vĩ, rồi dựng lều ở đó mặc áo thô, ăn cơm hẩm, cư tang đúng ba năm dài. Một hôm có vị Tiết độ sứ họ La nhân đi ngang Nga Mi, nghe kể chuyện chàng trai hiếu thảo bèn ghé lại thăm hỏi. Nhận thấy anh chàng tuấn tú khôi ngô lộ chân tướng là một nhân tài hiếm có, sứ quân sinh lòng quí mến, ưu ái mời chàng về phủ tạm giữ chân thư lại trong khi chờ đợi kỳ thi, nhân đó chàng có thể tham dự nhóm văn chương tao đàn cùng các bậc anh tài xướng họa thi ca. Nổi bậc trong văn đàn là công nương La uyển Thu, con gái cưng của sứ quân, lứa tuổi đôi tám, nhan sắc mặn mà. Trai tài gái sắc vừa thoạt gặp gỡ đã mê đắm nhau, La sứ quân chẳng những không ngăn cản còn ngầm ủng hộ, vì tin tưởng ngày vinh quang của chàng không xa. Cuộc tình mộng mơ đang trong thời điểm tuyệt vời, tưởng không có gì ngăn ngại cả, thế nhưng, bỗng nhiên Trường An loạn lạc, tổ chức thi cử bị đình chỉ vô thời hạn, con đường công danh của Trang Thanh bất ngờ trở nên mờ mịt. Tình hình tiếp tục suy đồi, đến nổi tướng Vương Kiến phải đưa toàn lực lượng quân sự về tỉnh Tứ Xuyên, hộ giá Đường Hy Tông hoàng đế về thủ phủ Thành Đô tránh nạn. Vương tướng quân, do sự nài ép của con trai, ngỏ lời cầu thông gia với sứ quân và dĩ nhiên sứ quân nức lòng chấp nhận. Vương Kiến quyền uy tột bực, ngay như Đức hoàng đế còn phải kính trọng, huống chi... huống chi trong thời loạn lạc giá trị kẻ sĩ te tua như tờ gíấy rách, có đáng gì đâu mà phải phân vân! Điểm rắc rối là La Uyển Thu cô nương một dạ chung tình, khóc lóc thảm thiết, nguyện thề sống chết với người yêu. Sứ quân tức giận hét vang, xua đuổi Trang Thanh, đe dọa mạng sống nếu chàng còn lén lút gặp nàng. Chàng thất thểu lên ngựa quay về núi Nga Mi, ủ rũ tựa bên mộ phần mẹ cha. Thình lình có tiếng ngựa phi dồn dập, dáng thanh nhã của Uyển Thu ẩn hiện như mơ trước mắt chàng. Nỗi mừng vui vừa chớm, liền bị dập tắt bởi mối kinh hoàng tràn ngập do đám bụi mịt mù của đoàn binh sĩ đang rầm rập giục ngựa đuổi theo truy nã. Vốn thành thuộc địa phương, chẳng chút bối rối Thanh nhanh nhẹn dẫn nàng lẫn trốn vào ngõ tắt tạm thời mất dấu, nhưng tất cả con đường mòn xuống núi đã bị phủ vây kín mít khó lòng thoát thân. Đôi uyên ương buộc lòng chọn giải pháp duy nhất là leo lên mãi, lên đến tận cùng đỉnh Nga Mi, trên là Kim Đỉnh, với am Phổ Quang nhỏ bé trơ vơ trống trải, dưới là bờ vực thẩm muôn trùng, có danh xưng là Xả Thân nhai (nghĩa là hố bỏ thân), cũng gọi là là Đoạt Hồn nhai (tức hố đoạt hồn tán mạng). Cặp tình nhân đang cheo leo bên bờ vực cực kỳ nguy hiểm, một sơ suất nhỏ cũng đủ khiến họ rơi xuống vực sâu chết thảm, vì vậy, chú tiểu nhỏ trên am Phổ Quang tuy đã giơ cao chày chuông chuẩn bị thời thỉnh đại hồng chung mà phải dừng lại vì sợ tiếng chuông khinh động họ, còn đoàn xạ thủ tinh nhuệ được lệnh truy sát Thanh, đứng vây quanh, giương thẳng giây cung mà chẳng dám buông tên sợ chàng trai ngã gục lôi theo người con gái chết chùm xuống hố. Trong hoàn cảnh cùng cực chẳng còn lối thoát mà đôi tình nhân vẫn bình tỉnh lạ thường, hai người tựa kề bên nhau, say đắm nhìn nhau nhàn nhã như chẳng chút lưu tâm đến mối hiểm nguy đang rình rập họ. Thanh âu yếm : “Nga Mi sơn quả xứng đáng với danh xưng là ngọn núi hùng vĩ xinh đẹp nhất hoàn vũ phải không em?”. “Đúng lắm!”, nàng đáp. “Hà! hà! Mình kề cận bên nhau, rồi đồng chết trên ngọn núi đẹp nhất kể ra cũng phong lưu đặc biệt em há!” “Phần em, miễn em được kề cận anh, thì sống hay chết ở chốn nào cũng đều hạnh phúc tuyệt vời cả! Anh ơi! Em mơ ước mình được chánh thức là vợ chồng trước khi chết, còn kịp lúc không anh?”. “Dĩ nhiên là phải kịp!” Chàng dìu nàng quì xuống chấp tay cùng van vái: “Chúng con Trang Thanh và La uyển Thu trong lúc bất cập nầy, không sẵn nhang đèn hoa quả, chỉ xin mang lòng thành kính xin Hoàng Thiên chứng giám cho chúng con giờ phút nầy chánh thức là vợ chồng.” Nàng lễ chàng một lạy thỏ thẻ : “Em nguyện đời đời là người vợ ngoan hiền của chàng!” Chàng lạy đáp lễ dõng dạc lên tiếng: “Anh nguyện đời đời là người chồng thương yêu che chở em!” “Em xin cảm ơn anh!” Dứt lời nàng trang trọng lấy túi xách mang kè kè bên mình, hai tay nâng lên dâng cho chàng. Thanh cẩn thận mở túi ra, trong túi chẳng có vàng bạc châu báu gấm vóc gì cả, mà chỉ có vỏn vẹn sợi giây xích và chiếc khóa. Tâm ý tương thông, cả hai nhìn nhau thỏa chí mĩm cười, rồi lặng lẽ buộc mỗi người một tay vào giây xích khóa chặt, tay còn lại họ đưa lên cao long trọng phát nguyện: “Xin Hoàng Thiên chứng giám cho ước nguyện của chúng con là đời đời kiếp kiếp về sau, dù là quỉ, là ma hay là người cũng xin là vợ chồng!” Dứt lời, họ dìu nhau bước tới, lại say đắm nhìn nhau mĩm cười, rồi gieo mình xuống vực sâu. Chú tiểu nhỏ trên am Phổ Quang xúc động rơi nước mắt, chày giơ lên cao từ lâu, bắt đầu hạ xuống, gởi hồi đại hồng chung cảnh tỉnh xuống vực sâu thâm thẩm cho hai kẻ chung tình.
- Ôi! Phần kết thúc câu chuyện sao sầu thảm quá, thầy ạ!
- Câu chuyện đang tiếp diễn dài dài và chưa có dấu hiệu gì tỏ vẻ sắp kết thúc con ạ! Con biết không? Nỗi oan nghiệt vì chết chưa tới số, cộng với khối tình si thâm trọng quấn quít, khiến họ lẩn quẩn đeo bám nhau làm cặp quỉ thần thường hiển linh phù hộ những lứa đôi thủy chung gắn bó, cũng như sẵn sàng trừng phạt những kẻ bội tình. Cảm tình với chú tiểu mềm lòng, họ cũng hộ trì già lam, còn việc chú tụng kinh niệm Phật chân thành hồi hướng họ siêu thoát hay vãng sanh chi đó họ chẳng bận tâm. Nếp sống quỉ thần chung vui hạnh phúc kéo dài ngót sáu mươi năm rồi cũng chấm dứt, tình sâu nghĩa nặng cùng với lòng oán ghét giới quyền thế dẫn dắt họ cùng đào thai về xóm dân chài tại Thái Hồ, tỉnh Giang Tô, rồi trở thành đôi vợ chồng nồng nhiệt yêu nhau, chia sẽ ngọt bùi cho nhau đến khi răng long đầu bạc, ông vừa từ giả cõi trần thì bà đã lật đật theo sau bén gót. Kế đó, họ cùng đào thai về thành phố Thượng Hải, đất rộng người đông mà dẫn lực vô hình cũng đưa đẩy họ tìm được nhau, chung sống với nhau cực kỳ hạnh phúc. Thế nhưng nghiệp sát của kiếp hành nghề chài lưới khiến tuổi thọ kiếp nầy ngắn ngủi, chàng trai đột ngột từ trần bỏ lại người vợ trẻ với bầy con thơ ấu. Người vợ trẻ yêu chồng chí thiết, lòng chỉ mong tự tử chết theo, nhưng nghĩ đến đám con nheo nhóc, buộc lòng phải lây lất sống còn. Mãi đến khi con cái trưởng thành, thì người mẹ mới từ trần trong cảnh bơ vơ lạc lõng, tuy một lòng một dạ muốn đoàn tụ với chồng, nhưng chồng đã biền biệt chốn nào, biết đâu mà tìm. Hởi ôi! Trong hơn tám trăm năm liền, khối tình si vẫn thúc đẩy họ trong tăm tối mịt mù của nghiệp thức trôi lăn trong cõi Ta Bà thất thểu kiếm tìm nhau, nhưng giống như trò chơi cút bắt họ cứ lẫn tránh nhau: kẻ Nam, người Bắc, kẻ phương Đông, người phương Tây, kẻ nầy mới sanh thì kẻ kia vừa chết,.. thành thử đành mang số phận kiếp kiếp cô đơn lạc lõng mỏi mòn tìm kiếm hình bóng người yêu trong mộng. Đôi lần họ cũng gặp nhau trong phút chốc, trong hoàn cảnh trớ trêu của tuổi tác quá chênh lệch. Người già khú và đứa bé con xa lạ, mới thoáng gặp nhau trong một đoạn đường ngắn đã quấn quít, vơ vẩn nhớ nhung nhau, để rồi, kẻ già chết trong nỗi thương nhớ bâng quơ, còn đứa bé suốt đời cứ trống vắng cô đơn hụt hẫng. Cuối cùng rồi thì họ cũng gặp nhau vừa trang lứa, họ yêu nhau tha thiết, tưởng không có trở lực nào ngăn cản tình yêu đó được, ngờ đâu, qua bao kiếp luân hồi mỗi người mỗi ngả, mỗi người mỗi nghiệp, ai cũng có nợ nần oan trái bủa giăng, nên lễ cưới gần kề mà vẫn phải chịu cảnh ly tan khổ hận...
Thoạt đầu Phiêu tưởng thầy kể chuyện cổ tích, ngờ đâu nghe một lúc thì những hình ảnh kiếp kiếp xa xưa chôn vùi trong tiềm thức, bỗng chập chờn khơi dậy. Khám phá ra uẩn khúc khổ đau tiền kiếp, chàng bàng hoàng chua xót cho duyên phận lứa đôi hẩm hiu, khóc nức nở không kềm chế nổi. Sư thương cảm nhìn Phiêu, buông tiếng thở dài, rồi ngọt ngào hỏi:
- Như Nguyện! Con quyết định như thế nào đây? Con cứ tiếp tục lăn lộn mịt mù trong sáu cõi để tìm nhau đời đời kiếp kiếp mãi sao?
Phiêu bối rối:
- Con chẳng biết phải làm sao cả! Con mờ mịt biết gì đâu? Xin thầy chỉ dạy con!
- Con nên suy tư tường tận rồi tự chọn một giải pháp riêng cho con!
Dứt lời, sư liền quay gót. Phiêu lót tót chạy theo, gọi thất thanh: “Thầy ơi!” Phiêu đang quẩn trí như kẻ sắp chết đuối mà thầy là cái phao cứu mạng cho cơn nguy ngập. Bỗng dưng thầy đột ngột bỏ đi nên hoảng hốt kêu ầm lên, chớ thật ra chẳng biết hỏi chuyện gì. Ngập ngừng khá lâu, Phiêu mới ấp úng:
- Thưa... thưa thầy! Có phải thầy chính là chú tiểu trên Kim Đỉnh ngày xưa không ạ!
- Đúng vậy! Thầy trò ta vốn đã có duyên ngày trước, con lại từng hộ trì già lam, do đó nghiệp lực lành mới đưa đẩy con về chùa nương náu với ta!
Yên chí lớn có nhân duyên lành với thầy, tức là có chỗ dựa với bậc cao tăng đỡ đần mọi việc thì đâu có gì đáng lo nữa, Phiêu mừng quýnh kỳ kèo :
- Vậy xin thầy thương dẫn dắt cho con từng bước, chớ con tối mò chẳng biết gì, thì làm sao cải được mạng số mình cho nổi!
Sư nghiêm sắc mặt:
- Ngươi phải tự quyết định chọn một giải pháp và tự mình phải thực hiện lấy.
Đừng cù nhầy lôi thôi nữa!
Phiêu lại cố gắng kêu nài:
- Dạ thưa thầy... nhưng mà...
Lần nầy có lẽ thầy bực bội lắm rồi, thầy hét lớn:
- Hãy “tự đốt đuốc lên mà đi”, đừng lải nhải nữa!
Sư bước nhanh đi vào chùa, chẳng ngó ngàng gì đến chàng. Thái độ kỳ quặc của thầy khiến Phiêu hụt hẫng trong uất ức nghẹn ngào. Chàng tin tưởng thầy là bậc cao tăng chỉ cần “phán mấy câu” cho đệ tử nghe theo là xong, ngờ đâu đến lúc nguy biến cầu cứu thì thầy “phủi tay” chẳng dạy dỗ điều gì khiến chàng chới với, lòng dạ rối loạn lên chẳng biết phải làm sao? Phiêu lẩm bẩm cằn nhằn: “Ông già thật lạ lùng! Nhắc nghiệp duyên xưa thao thao bất tuyệt xác nhận có duyên thầy trò nghe “ngon ngọt” quá! vậy mà làm hiểm không cứu độ, không chịu chỉ dẫn đệ tử con đường tu, mới thật là khó hiểu, thật là kỳ dị!” Trong tâm trạng tuyệt vọng não nề Phiêu uể oải trở vào chùa tiếp tục sinh hoạt thường nhựt với một thái độ lừng khừng nửa mê nửa tỉnh chẳng “hòa hợp chúng” tí nào. Chàng lơ là ngao ngán việc sao chép kinh, chểnh mảng thời khóa tu tập, quên ăn bỏ ngủ, khi lầm lì câm nín, lúc lại khuấy động loạn lên chẳng úy kị ai. Đêm ngày “thảm cảnh trầm luân mịt mù trong đen tối của hai bóng ma trôi giạt quơ quào tìm kiếm nhau” liên tục hành hạ tâm chàng, thúc hối chàng suy tư tìm lối thoát, nhưng càng suy tư Phiêu càng tối mò, càng rối loạn thêm mà thôi. Chàng vốn bệnh hoạn yếu đuối, nay tinh thần căng thẳng cùng cực khiến sức khỏe thêm suy nhược, mạng sống xem ra khó kéo dài. Đại chúng động lòng kéo nhau lên thỉnh hòa thượng tìm phương cứu vãn, nhưng sư vẫn dửng dưng một cách lạ lùng.
Một hôm, trong khi đang mơ mơ màng màng máy móc theo đại chúng tụng thời kinh A Di Đà, ... “Xá lợi Phất, vì cớ gì chúng sanh nghe được kinh nầy nên phát nguyện sanh về nước ấy? Vì sanh về nước ấy sẽ được hội họp cùng một chỗ với các bậc thượng thiện...” vừa nghe năm chữ “hội hợp cùng một chỗ” chàng bỗng cảm nhận sự bùng nổ vang dội rúng động cả tâm cang, như có quang minh sáng rực tỏ rạng tâm chàng không còn một chút nghi nan nào cả, rõ ràng chỉ có giải pháp duy nhất là phát nguyện đồng tu về cõi Cực Lạc để “hội hợp cùng một chỗ” mới vượt thoát khỏi cái nghiệp bám víu tìm nhau đời đời kiếp kiếp nữa. Không nỗi vui mừng nào sánh được, nước mắt ràn rụa, nguồn vui tràn ngập như nước lở bờ, chàng liền phát đại hoằng nguyện dõng mãnh một lòng Niệm Phật A Di Đà cầu vãng sanh, yên chí là một khi đã vãng sinh rồi tu tập đến bực bất thối chuyển thì sẽ trở lại cõi Ta Bà cứu độ thân hữu cùng qui ngưỡng về cõi Tịnh độ phương tây, thì dù nhanh hay chậm chắc chắn có ngày oan gia thuở trước sẽ “hội hợp cùng một chỗ”, lo gì!
Chàng thầm nghĩ: “Nếu không do thầy cố tình cứng rắn úp chụp trên đầu mình một trách vụ ngoài tầm tay đeo đẳng như một án treo, khiến mình ăn ngủ không yên ôm ấp mối nghi lớn khắc khoải suy tư thì làm sao có sự bùng nổ, mà nếu không phải là kẻ lặn ngụp biển ái, bao kiếp lang thang thất thểu tìm nhau thì làm sao chỉ cần nghe nửa câu kinh “hội họp cùng một chỗ” là đã tỏ rõ đường về.” Ơn thầy bao la như trời như biển, vậy mà bấy lâu nay mình lại ngu si hờn trách bất bình thật là tội lỗi. Ráng chờ xong thời khóa, chàng “lạy thầy như tế sao” để cảm tạ thâm ân và cũng để sám hối nữa, nhưng chưa kịp mở lời thì thầy đã tươi cười: “Khá lắm! Khá lắm! Con rất xứng đáng với lòng kỳ vọng của ta!”, rồi thầy ôn tồn dặn dò: “Nhớ luôn tinh tấn và thường trực quán sát tâm niệm mình, con nhé!”
Phiêu cảm thấy con người mình thay đổi toàn diện, không còn dính mắc bất cứ chuyện thế gian nào nữa, chỉ một lòng thanh thản Niệm Phật. Chàng Niệm Phật nhuần nhuyễn ngày đêm, giữ chánh niệm trong mọi uy nghi, ngay cả lúc chiêm bao trong giấc ngủ, nhờ vậy tâm chàng luôn thơi thới trong suối nguồn an lạc.
Phiêu đinh ninh rằng với chiều hướng nầy, ngày chàng đạt đến trình độ nhất tâm bất loạn chẳng xa. Trái với dự tính của Phiêu, sau ba tháng bồng bột tinh tấn, khi mà lòng “hào hứng hăng say của thuở sơ tâm phát nguyện” bắt đầu suy giảm, chàng chợt cảm thấy mình có triệu chứng giải đãi, càng canh chừng theo dõi càng khám phá tâm niệm chàng vẫn thường loạn động, cái loạn động mà nếu không quán sát nghiêm cẩn khó lòng phát hiện ra. Thì ra, pháp môn niệm Phật tưởng chừng như vô cùng giản dị, bất cứ ai niệm cũng được nhưng khi thực sự dấn thân tu tập muốn được nhất tâm bất loạn lại là chuyện thiên nan vạn nan có mấy ai thành công. Phiêu thỉnh giáo thầy, thầy bảo chàng hãy chiêm ngưỡng tượng Tam Thánh, rồi nhắc nhở: “Nếu con nương theo Ngài Thế Chí ôm ấp chí đại hùng đại lực bền bĩ Niệm Phật không ngừng nghỉ thì làm sao tâm thối chuyển xuất hiện, nếu con học hạnh lắng nghe của Bồ Tát Quan Âm, quán sát lắng nghe từng câu, từng tiếng Niệm Phật không chút sơ hở thì tạp niệm làm sao chen vào!”
Từ khi biết chiêm bái tượng Tam Thánh để đón nhận được suối nguồn từ bi gia bị và cũng để suy gẫm mà sách tấn tu tập, Phiêu tự tin mình đã vững chãi thảnh thơi trên đường về cõi Cực Lạc. Nhờ vậy, tuy sức khỏe của Phiêu bỗng đột ngột suy yếu trầm trọng, chàng vẫn an nhiên tu tập chẳng màng đến chuyện sống chết chi cả. Thế rồi, chỉ một thời gian ngắn sau, đúng theo ngày giờ dự báo, Phiêu đã thanh thản rời cõi Ta Bà. Căn cứ vào các thoại tướng xuất hiện vào phút lâm chung, thầy tuyên bố xác nhận chàng đã được vãng sanh về cõi Cực Lạc, khiến đại chúng ai nấy đều sanh lòng hoan hỷ và phấn khởi tu tập.
Phần vị sư già, sau khi lo lắng tang ma cho đệ tử xong, có lẽ cũng cảm thấy thỏa chí, rời chùa vân du hoằng hóa biền biệt chẳng biết ở phương nào?