watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Ngoài Bờ Rào - tác giả Huệ Ninh Huệ Ninh

Ngoài Bờ Rào

Tác giả: Huệ Ninh

Bây giờ tôi đang đứng ngoài bờ rào. Vẫn rực đỏ màu hoa pháo ngày nào. Vẫn dây lá mơ sáng sáng tôi hái rán trứng cho chồng ăn.

Có thứ đó trong dạ dày thì cả ngày cứ nhậu nhẹt đặc sản, gỏi, lòng thoải mái bụng bạo cũng chả có vấn đề gì.

Mưa xuân lâm thâm như đang tát tôi. Gió bấc vi vút quát tôi. Nhưng trơ lì, tôi chỉ ngửi thấy mỗi mùi Tết. Mùi trầm hương toả rộng quện mưa ẩm ngai ngái. Mùi ấm cúng trong căn nhà kia. Tôi nhìn rõ bố tôi đang tất bật trải chiếu. Mẹ khom lưng xin lộc.

Đèn sáng, nhìn rõ lắm. Họ rôm rả cười nói, đằm thắm âu yếm nhau. Đôi chân tôi run rẩy thèm chạy vào. Tay tôi lẩy bẩy lần cánh cổng, nó khát ôm ấp những con người kia. Lâu quá. Đã 7 năm.

Ngày ấy tôi trẻ đẹp, lãng mạn, sống phóng túng trong vòng tay cha mẹ. Vài mối tình đi qua bồng bềnh. Bố mẹ tôi chả ưng ai. Tôi yêu họ đậm đà nhưng cũng chả biết xác định thế nào. Nửa nọ họ khít với tôi, nửa kia lệch. Trong lúc lùng bùng giữa những mối tình khập khễnh thì bố tôi dắt về một Mạnh Thường Quân - một chàng công an đẹp trai. Tôi và anh say nhau từ phút giây đầu tiên.

Bố tôi đem anh về cùng một đống báo chí ca ngợi anh, ông cũng ca ngợi, thế mà lại bảo chưa tìm hiểu rõ. Bắt tôi tìm hiểu. Tôi chỉ hiểu rằng anh đúng là một nửa tôi đang thiếu. Chả bao lâu tôi và anh thuộc về nhau.

Anh tuyệt vời hơn mọi sự tưởng tượng của tôi. Nhưng càng lúc bố mẹ tôi càng không ưa anh.

Chưa bao giờ tôi được yêu chiều đến thế. Anh bảo làm nô lệ cho tôi cả đời thế thì cầm lòng sao được. Tôi phải là nô lệ của anh trước mới xứng. Ngoài giờ cơ quan chúng tôi chăm chút nhau cũng đủ mệt. Một bé con ra đời đẹp như thiên thần. Ở cùng bố mẹ thì bố mẹ phải giúp tôi. Đã bao giờ tôi chăm trẻ con đâu. Mẹ cũng đã hứa: “Mày đẻ, rồi cứ đi làm việc cơ quan cho tốt. Mẹ ở nhà trông cháu”. Đến khi có con thì bố mẹ tôi cáu gắt suốt. Thấy tôi chăm anh nhiều bố mẹ khó chịu.

Những đêm anh về say khướt. Bố mẹ đâu có hiểu đấy là sự bất đắc dĩ. Anh nói đúng “Thời bây giờ nhất quan hệ, nhì tiền tệ, thứ ba mới là trí tuệ”. Chả ai thích say. Nhưng không nhậu, không say, không được việc, không ra tiền. Ngoài việc chính anh còn phải sục sạo làm thêm mới ngẩng mặt lên được. Nếu chỉ trùng trục vào đồng lương thì tiền đổ xăng xe cũng chả đủ.

Bố mẹ còn khằn khèo:

- Nhà có cả tủ sách mà chả bao giờ tao thấy nó động vào nửa chữ.

Bố mẹ cứ làm như ai cũng là sĩ phu ẩn dật. Suốt ngày chúi mũi vào ba cái chữ người khác rỗi rãi viết ra, rồi lơ ngơ đá ống bơ, phát ra thơ, kêu ơ ơ, người đơ đơ mới là có trí tuệ sao? Lúc ấy móc thủng túi cũng chả ra một xu. Ai cũng làm văn lấy ai sản xuất? Bố mẹ không hiểu. Nói ra bảo cãi giả bất hiếu.

Bố mẹ muốn anh ấy đi bằng con đường quan chức. Cố gắng rèn luyện để nhanh lên hàm. Nhưng con đường phát triển ấy lỗi thời quá. Nếu chỉ có quân hàm mà hầu bao rỗng tuếch là “hữu danh vô thực”. Bây giờ khác. “Đầu to mắt cận” sao bằng “mắt la mày lém”. “Một nghề thì chết, thành rết mới sống”. Chân càng choãi nhiều lĩnh vực càng năng động, càng khá hơn. Tôi tôn thờ quan điểm tiến bộ của anh. Bố mẹ thì ngày một buồn phiền, suy diễn, rồi “dưa hoá dòi”.

Tôi thương anh hơn. Bố mẹ anh đã mất chỉ còn biết dựa vào gia đình tôi. Anh giỏi giang có đủ tiền để phá căn nhà cổ lỗ sĩ của gia đình xây trên đó một lâu đài hiện đại. Lại bố mẹ không đồng ý. Trước khi về làm rể bố mẹ, tôi đã uỷ thác cho anh làm con trai cả. Thế nhưng sự khắt khe thái quá khiến nhiều đêm anh đóng cửa gầm lên uất ức: “Giả dối”. Tôi chỉ còn biết ôm chặt anh khóc nấc.

Sự bức xúc không kìm nén nổi đã khiến anh buông những lời cáu gắt bột phát. Nhưng bố mẹ tôi không chấp nhận. Rồi thổi phồng độ nghiêm trọng lên. Tôi không thể không bênh anh. Anh và tôi là một rồi. Dẫu anh biến thành ác quỉ tôi vẫn yêu như mẹ yêu bố, yêu không thể khác.

Anh tự ái bỏ đi xây nhà nơi khác. Những lời thầy bói anh đưa về khiến tôi đành cắt lòng với bố mẹ: “Số hai con không nhờ được gì nhà ngoại. Có chết đói nhà ngoại cũng không cho ăn”. Bỗng dưng tôi thấy hình như đó không phải là bố mẹ mình. Họ luôn gây khó dễ cho tôi, khắc nghiệt với tôi. Yêu tôi phải yêu cả chồng tôi chứ.

Thế là chuyển đi. Căn nhà mới khang trang nhưng vắng vẻ. Anh đi suốt. Xung quanh heo hút, hàng xóm cách xa nhau. Con tôi ngằn ngặt khóc đòi bà. Nó gọi là: “Mẹ bà”. Vì trước đây tôi chỉ biết đẻ nó, còn người chăm bẵm là bà ngoại. Nhưng cứ gồng mình thì rồi đâu cũng vào đấy. Vẫn phải ăn, ngủ, sinh hoạt. Con bé còm cõi nhưng chả chết được.

Mẹ tôi thường gọi điện đến, nếu gặp con tôi, bà cháu còn nói chuyện được dăm ba câu. Tôi biết thì giật tung điện thoại ngay. Chịu làm sao được. Mọi khổ cực đều do bố mẹ gây ra. Hai chúng tôi chỉ có mỗi bố mẹ để trông cậy. Và dù họ chỉ có mình tôi cũng đã sẵn sàng hất đi.

Bảy năm liền tôi xác định bố mẹ mình đã quy tiên. Tôi cấm con gái không liên lạc gì với ông bà. Nếu sai lời sẽ không thoát khỏi đòn roi. Nó là của tôi, phải theo lệnh tôi. Hôm thì thấy bố, khi thấy mẹ lượn lờ qua cửa nhà. Có lần tôi bắt gặp bà đứng lặng nhìn con bé, cố sức vẫy nó ra. Nhưng không dám gọi. Thấy bóng tôi, bà bỏ đi. Tôi cũng không mời vào. Xa lạ. Bố thường đến trường học của nó. Nhưng tôi lạnh lùng khiến ông chỉ “kính nhi viễn chi”. Tôi chả quan tâm.

Rồi như một trận cuồng phong. Tôi vẫn ngơ ngẩn như trong cơn mơ. Anh đi công tác một tháng ròng không điện thoại, không tin tức. Vài người phụ nữ son phấn đến đòi tiền tôi. Đó là khoản anh đi nhà nghỉ, khách sạn, anh ăn nhà hàng… Tôi chưa kịp choáng váng thì đầu gấu của các cô đã lột sạch ngân quĩ nhà tôi.

Anh vẫn bặt tin.

Hôm nay người này đến tìm. Hôm khác đồng nghiệp của anh tới hỏi. Họ tra khảo tôi. Bố mẹ chồng tìm tới nơi mang theo cả một gia đình gồm vợ con anh ở quê ra. Chả thể tin đó là sự thật. Nhưng chỉ có lời anh của tôi là giả dối. Bằng đại học anh có là do mua.

Anh là một tay buôn đá quý cừ khôi. Anh mới chỉ kể đã từng đi đào vàng khổ thế nào, suýt bỏ xác ở đó ra sao. Ai ngờ anh giỏi lừa lọc đến cỡ này. Đường dây đưa người đi nước ngoài của anh không trót lọt. Anh chày bửa không trả tiền cho gia chủ. Rồi bung bét. Rồi thế đấy.

Tôi thì vẫn nghĩ mình đang đi trong ác mộng. Làm gì có cái sự thật như thế. Tôi ước mình tỉnh vì cũng đã kiệt sức. Nhưng bất lực. Pháp luật lấy nhà. Chơ vơ. Đôi chân vô thức dẫn tôi về cái nôi từng nuôi sống, chăm bẵm tôi.

Đứa con gái xinh xắn lắc lắc tay tôi nhắc nhở:

- Kìa mẹ, sao không vào? Con lạnh quá rồi. Nhà ai đấy hả mẹ?

Tôi bối rối:

- Ờ ờ…

Nó nheo mắt nhìn chăm chú vào những người bên trong:

- Cái bà kia trông giống Mẹ bà quá. Đúng Mẹ bà rồi.

Rồi nó bịt chặt miệng vì sợ tôi mắng như mọi lần. Bỗng con chó dữ xồ ra sủa ầm ĩ. Tôi bế thốc con vội lùi lại. Con chó mới nuôi nên không quen hơi tôi. Tôi chạy đi. Bố cầm bát xương chạy theo quát chó.

Bố vẫn thế, kệ rằng đang ăn cơm hay có khách cũng phải cho chó ăn cùng. Bố bảo: “Để nó liếm mép đứng chầu khổ lắm”. Ông không nhìn thấy gì. Tôi chạy vội đi kệ cho con bé gọi “Ông ngoại”. Bố tôi ngẩn ngơ định hình hướng của tiếng gọi, và hẳn sẽ nghĩ đó là tiếng vọng từ hư vô.

Bước chân tôi vững vàng hơn. Tôi biết rằng rồi mình sẽ trở lại chốn thân yêu ấy. Nhưng là vào một thời khắc khác, khi tôi đã vượt được khỏi vực sâu.

Các tác phẩm khác của Huệ Ninh

Quý tử

Nóc nhà

Lần sinh nhật thứ hai ba

Cao Vía