watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Nóc nhà - tác giả Huệ Ninh Huệ Ninh

Nóc nhà

Tác giả: Huệ Ninh

Nóc nhà ấy là một tuyệt tác về kiến trúc. Vòng lượn, chạm trổ và lát thứ gạch cổ kính đắt tiền nhất. Nếu ngôi biệt thự thiếu nó thì như món ăn ngon thiếu muối vậy. Toà nhà này đã làm ối người lác mắt huống hồ khi cái nóc của nó hoàn thành.
Quá trình hoàn thành mới vô số công phu. Ông chủ Toan bắt đập đi xây lại luôn: “Chỗ này thò ra” “Chỗ kia thụt vào” “Mảng trần này chưa đúng ý tôi, phải thế này này”. “Hàng gạch bắt buộc xây lại ngay”. “Thì các cậu cứ đập tẹt ga, tôi thêm gì vào bản thiết kế tự tôi chịu, mất tí công đáng là bao. Làm tới đi!”...
Hơn tỷ bạc ném vào đó ông muốn phải ra tấm ra miếng. Nó phải là một lâu đài hoàn mĩ nếu không muốn nói là công trình để đời. Gần kiếp người ki ca ki cóp. Bao nhiêu mánh lới, giành giật, đau khổ, mồ hôi và nước mắt... mới được ngần ấy tiền. Giá có một cậu quý tử cho nó học tây học tàu, tậu con xe xịn, mua căn hộ, chi trả mọi khoản cần thiết chắc sẽ chẳng còn đủ “đạn” để ông “ chiếm lĩnh” một cái gì to tát. Nhưng “công trình” ấy gồng mình mãi chẳng làm nổi. Trơ trọi mỗi cô con gái. Vừa lơn lớn chị chàng đã sớn sác vào Buôn Mê Thuột trồng cà phê với một anh chàng chả ra sao. Mẹ thương con, chán chồng, đi. Giả dụ gia đình này hạnh phúc thì vai ông cũng nặng gánh và cái hầu bao nhẹ tênh ngay. Nhưng thế này thì chẳng xứng nhận của ông nửa cắc!
60 tuổi, ông Toan vẫn khát một cái “mậm” . Muốn là làm. Còn sống còn cố. Ông đã thử ở khá nhiều cô gái nhưng cái thai nào rõ hình nữ giới ông cấp tốc tìm cách hủy ngay. Thà mất công làm nô lệ, bồi dưỡng chúng nó ít buổi còn hơn cả đời trách nhiệm với bọn hoàng tử đái ngồi. Vợ, con, mọi người bất bình. Mặc. Ông chả cần ai hiểu hay thông cảm.
Ước vọng ấy trời không thông thì ông dựng cho mình viễn cảnh khác. Là Grăng- đê chết trên đống vàng, vô nghĩa. Phải tranh thủ hưởng thụ không thể “cho cọp nó xơi” được. Ông sẽ xây một tháp ngà ngạo nghễ và sống những ngày cuối đời như bậc vương giả. Thuê vài cô gà mái cố đẻ. Biết đâu chó ngáp phải ruồi, lão Trời già sơ sểnh để ông thắng thì sao!
Bốn tháng nay thân hình tựa giàn mướp đung đưa của ông càng bị bào mòn vì tính toán, quản lý, giám sát thi công. Đôi mắt cú vọ thêm sâu hoắm. Mồm luôn lẩm bẩm. Khuôn mặt xương xẩu hằn lên những đường gân căng thẳng. Thế mà bọn thợ dầy ăn mỏng làm vẫn nhè được những lúc ông sơ hở để chôm chỉa. Một tối ông tận mắt chứng kiến thằng Sâm khuân cả bao xi măng đi bán, mắt lấm la lấm lét. Ông gọi giật lại:
- Này, đem lại đây!
Nó tái mét mặt đứng im. Ông đĩnh đạc bước lại:
- Giở ra tao xem!
- Phế liệu chú ạ.
Ông trừng mắt:
- Không là tiền à? Mở!
Sâm đành theo lệnh. Chiếc bao dốc ngược, lộ rõ những vỏ bao được nén chặt. Dưới đáy vẫn còn phải 1/ 4 khối lượng xi măng.Thảo nào mà gạch, gỗ cứ hao hụt không rõ nguyên nhân. Đến lúc nó “ăn” rỗng cả cái biệt thự của ông chả chừng. Mắt ông đảo như lạc rang, quát:
- Biến khỏi đây ngay! Tao không thừa cơm nuôi ong tay áo.
- Tôi làm thuê chứ chả ăn nhờ ở đợ.
Ông cầm ngay khúc gỗ cạnh đó phang Sâm:
- Vừa ăn cắp vừa la làng hả? Biến! Biến ngay!
Sâm lạnh lùng bước đi. Toan tìm tới người thợ cả tên Trúc. Biết chuyện, anh khẩn khoản van xin:
- Chắc cần tiền quá. Lẽ ra trước khi bán phải nói. Thôi, cháu thay mặt nó xin lỗi chú.
- Đây không phải mỏ để các anh đào.
- Mong chú xuê xoa cho. Tội chưa đáng. Nó là thợ giỏi, lại chăm chỉ nhất hội. Một mình nó làm bằng hai ba người bình thường: vừa nấu nướng, vừa nhào vữa, vừa là chuyên gia đổ bê tông. Xây thì cứ thoăn thoắt, thẳng tăm tắp. Cháu sẽ bảo nó không bao giờ tái phạm.
- Rồi thì được đằng chân lân đằng đầu. Quen tay nhúng bùn đến lúc không nhúng không chịu được. Các anh giỏi bao che cho nhau lắm. Không khéo chính anh tiếp tay cũng nên.
- Chú chớ nói quá. Cháu bảo đảm không có chuyện đó nữa.
- Hừ, lại còn chờ “có”! Chả lẽ tôi thức mãi để trông các anh đến lúc không nhắm được mắt lại nữa à? Cậu không đuổi, tôi đuổi.
- ấy xin chú!
- Mà tôi ngờ rằng nó còn bị nghiện. Nghiện mới thế.
- Không có đâu, cùng sống bao nhiêu năm chúng cháu thuộc tính nhau lắm.
- Hừm. Lần sau tái phạm tôi chặt tay đừng trách.
- Vâng. Cảm ơn chú!
Ông đã răn đến thế mà nó còn không buông tha cái tật bẩn thỉu. Gì chứ chuyện lừa đảo, trộm cắp đừng mong qua mặt ông. Toan đã giao cho Nụ – cô giúp việc mới của ông theo dõi Sâm. Chỉ thời gian ngắn sau Nụ báo cáo:
- Anh ấy đưa cho bà Tam đống gạch để xây tường rào được 80 nghìn.
- Ghi cẩn thận ngày giờ vào!
Ông lại gặp Trúc kể lại tất cả:
- Lần này đuổi thẳng cẳng chả oan nhá.
- Gạch vỡ mà chú. Đáng là bao. Thôi được, chú ghi số tiền ấy vào khi bàn giao nhà cháu sẽ thanh toán.
- Tôi đã kiềm chế không chặt tay như thỏa thuận là phúc bảy mươi đời nhà nó rồi. Đuổi.
- Nếu vậy chú đuổi cả tôi và tốp thợ luôn .
Đó là tốp thợ giỏi, phải lặn lội tận Thái Bình mới tìm được, phải giành giật với vài chủ nhà khác mới tranh nổi. Tiền công thì rẻ. Đuổi là đuổi thế nào:
- Không được.
- Chúng tôi đã kết nghĩa anh em, thề với nhau gắn bó như tay chân. Hơn nữa Sâm còn là ân nhân cứu mạng trong một lần tôi bị lũ cuốn. Nó khổ tôi không bỏ rơi được.
- Ai chả khổ.
- Chú ạ, gia đình nó bi đát lắm.
- Bằng gia đình tôi là cùng chứ gì. Làm thằng đàn ông phải biết chịu khổ. Không khổ cái này, khổ cái khác.
- Nếu ông đã nói thế thì đành chịu. Chào ông.
- Không được. Tao chỉ đuổi quân trộm đạo. Nó là con sâu cần gắp khỏi nồi canh.
- Mẹ nó bệnh tật sống trên một mỏm núi heo hút.- Trúc quay lại buồn buồn chực kể.
- Tôi còn mồ côi cả cha lẫn mẹ. Không có cái nhà này thì tôi còn heo hút hơn.- Ông e già néo đứt dây - ừ thôi, kể nốt . Kể xong thì đuổi nó, còn tất cả ở lại.
- Tôi chỉ nói một lời. Ông đuổi tất hoặc không ai cả.
- Chả lẽ vì quí các cậu tôi phải chịu để nó đục khoét sao?
- Tôi sẽ bồi thường cho ông những đồ phế liệu qui ra tiền và sẽ khuyên giải nó là được chứ gì?
- Đành tạm thế.
Mọi sự Sâm đều biết dù Trúc không răn đe hay truyền đạt lại. Nụ đã kể hết cho anh từng lời nói một. Sâm lặng thinh. Lúc nào anh cũng lặng thinh như thế. Anh cần thật nhiều tiền để tìm mộ cha, để cưới vợ, để chăm sóc mẹ, để không còn sống kiếp khổ hạnh nữa. Tình yêu sâu sắc đầu tiên của anh chuẩn bị đi đến hôn nhân thì người ta bĩu môi ngăn cản : “Nó là thằng nhà không nóc”. Sâm mang nặng mối hận trong lòng. Anh nhặt nhạnh từ những đồng tiền vụn vặt nhất, cố gắng từ những việc nhỏ nhất. Lúc nào cũng làm việc, làm việc như một ngọn đuốc không bao giờ ngừng bốc lửa. Trưa nắng thế nào, đêm muộn thế nào người ta vẫn thấy anh làm việc. Không bao giờ biết nghỉ, không bao giờ thấy ốm. Bởi thế mà công anh gấp ba công người khác. Nhưng cũng chả ăn thua.
Quyết tâm thực hiện bằng được ước mơ của mình và đã có Phương trong tim nên anh thẳng thừng từ chối Nụ.
Đầu tiên là ấn tượng, để ý, thiện cảm, rồi nhớ nhung và yêu da diết. Một thanh niên chăm chỉ, giầu chất đàn ông, với thân hình cuộn những cơ bắp gợi cảm, sao mà Nụ không bị hút hồn. Trong khi hàng đêm phải chịu đựng lão chủ già như một cực hình.
Thế mà Sâm từ chối. Mọi cố công, mọi tình cảm trở nên vô nghĩa và trơ trẽn. Dần dà, tình yêu chuyển thành hận thù.
***
Ngôi biệt thự đã hoàn thành, trở thành niềm ước ao của nhiều người. Ông Toan ngày ngày đi xung quanh nhà ngắm mãi không thấy chán. Giá có thêm một cuộc đời nữa có khi mới ngắm thỏa. Đi ra, đi vào, đi lên, đi xuống, nhìn dọc, nhìn ngang, ôi, từng chi tiết đều không chê vào đâu được.
Trúc tới xin ông thanh toán nốt tiền công thợ.
- Còn bao nhiêu nữa nhỉ? - ông Toan hỏi.
- Ông còn nợ 1/3 số tiền là 8 triệu rưỡi.
- Gì mà nhiều thế?
Trúc đưa ra tờ giấy:
- Đây, hợp đồng ông ký rõ nhé.
- Thôi được. Tôi trả cho các anh số lẻ còn 8 triệu trừ vào phần thằng Sâm đã ăn cắp nguyên vật liệu của tôi.
- Chỉ hai lần nó bán phế liệu thừa sao ông lại chặn của chúng tôi ngần ấy?
- Đâu chỉ hai lần. Nói có sách nhá. Nụ đâu?
- Dạ - Nụ vội vã chạy vào.
- Mang sổ theo dõi ra đây đọc cho anh ta nghe.
Nụ hùng hồn đọc:
- Ngày 17 tháng 2 Sâm nhặt tất cả đầu mẩu sắt vụn cân được 5 kg đem bán. Ngày 25 tháng 2 Sâm đem bán 2 bao xi măng. Ngày 14 tháng 3 Sâm bán hơn trăm viên gạch....
Trúc giằng lấy tờ giấy của Nụ đọc ngấu nghiến rồi gắt lên:
- Đồ vu oan giáo họa.
- Đó là sự thật.- Nụ run run cãi.
- Bằng chứng đâu?
- Thì . . . hỏi anh Sâm. Tôi chỉ biết ghi.
- Nó đang bó bột ở viện. Cũng là do sự cầu kì của ông đấy. Hết sửa chỗ nọ, chữa chỗ kia. Đã xong lại còn bắt nó leo lên đập đi xây lại mái vòm. May mà chưa tan xương. Nói cho ông biết nếu không thanh toán đủ tiền cho chúng tôi thì chả cần tới chính quyền, luật rừng cũng đủ xử ông.
- Mày có âm mưu gì?
- Không biết điều thì tôi sẽ cho mìn nổ tung nhà ông ra.
Sâm bước vào với một cánh tay bó bột. Trúc lo lắng:
- Đã khỏe đâu mà ra đây?
- Nghe nói mẹ em đến tìm với lại em không quen nằm yên.
Trúc đưa tờ giấy cho Sâm và nói lại mọi chuyện rồi quay lại quát vào mặt ông Toan:
- Mà nếu có thật đi nữa thì số phế liệu ấy cũng chả đến ngần ấy. Ông không trả đủ tiền thì coi chừng!
Cổ Sâm nghẹn đắng. Anh chả thốt ra nổi lời nào chỉ trừng trừng nhìn ông Toan. Ông vẫn tỉnh bơ:
- Thế anh không tính trượt giá? Giá trị gia tăng. Rồi trả công cô gái này ngày đêm theo dõi việc lén lút vụng trộm của các anh. Theo dõi gần 6 tháng trời đấy.
Sâm nhăn mặt ghê tởm:
- Ông mới chính là kẻ lén lút. Cả cô nữa - anh nhìn thẳng vào Nụ - Tôi chỉ lấy phế liệu, những thứ chả ai còng lưng thu gom và vác đi bán được.
Một người đàn bà trung niên mệt mỏi tới hỏi thăm. Sâm ra tiếp mẹ. Bà nhìn con thương xót:
- Cái Phương nó đi lấy chồng rồi. Con không cần cố làm để cưới nó nữa đâu.
Ông Toan giật mình:
- Lành! Lành ở lâm trường chè phải không?
Bà cũng ngỡ ngàng, buột miệng:
- Trời ơi. Ông Bằng!
Sâm giật thót khi nghe cái tên mẹ vẫn thường nhắc tới:
- Kìa mẹ. Đó là ông Toan.
Bà Lành nheo nheo mắt nhìn chăm chú vào nốt ruồi đỏ ở đuôi mắt ông rồi run run:
- Kh…ô…ông…
Giọng bà tắc nghẽn. Không, bà không nhầm. Nhưng lão không có quyền, không xứng được nhận hạnh phúc đoàn viên. Lão đã chối bỏ từ khi chưa biết có nó trên đời hay không:
- Có lẽ tôi lầm.
Sâm thở phào:
- Chứ còn sao nữa. Bố mất rồi mà.
Nhưng ông Toan không nhầm:
- Bây giờ tôi là Toan. Hai mươi năm về trước là Bằng. Tôi đã đổi tên. Bà phải nhớ chứ! Thế là thế nào?
Ông chăm chú nhận ra Sâm cũng có một nốt ruồi đỏ bên đuôi mắt. Linh tính mù mờ lý giải điều gì đó cho ông. Phải chăng cái đêm thu êm ái, lần sinh nhật thứ 33 đó của ông? Nhưng tất cả câm lặng, chối bỏ ông, như khi ông câm lặng và chối bỏ Lành ngày ấy.
Ông vội trả lại số tiền cho Trúc :
- Thôi, coi như tôi cho các cậu.
Nhưng hành động tốt bụng ấy của ông không níu kéo được họ. Mẹ con Lành và tốp thợ nhanh chóng kéo nhau đi. Họ đi hết. Để lại cho ông nỗi băn khoăn không giải thích được. Phút chốc ông rùng mình lạnh lẽo. Và lần đầu tiên ông chán ngôi nhà hoàn hảo của mình.

Các tác phẩm khác của Huệ Ninh

Quý tử

Ngoài Bờ Rào

Lần sinh nhật thứ hai ba

Cao Vía