Tây Sơn Lục Kỳ Sĩ
Tác giả: Hữu Vinh
Trong các bậc kỳ tài đến giúp nhà Tây Sơn, ngoài "Thất hổ tướng", "ngũ phụng thư" còn có "Lục kỳ sĩ". Bao gồm: Võ Xuân Hoài, Nguyễn Thung, Trương Mỹ Ngọc, La Xuân Kiều, Triệu Đình Tiệp, Cao Tắc Tựu. Đây là sáu nhân tài về văn chương, học thức sâu rộng, giúp Tây Sơn Vương mưu lược an dân, trị nước, nhất là thời Tây Sơn mới dựng nghiệp.
Nguyễn Thung ở thôn Thuận Nghĩa (Tây Sơn) là người giàu có trong vùng, giỏi chữ nghĩa. Khi Nguyễn Nhạc xây dựng cơ sở khởi nghĩa ở vùng Tây Sơn, ông đem gia tài tặng tất cả cho Nguyễn Nhạc và theo nghĩa quân Tây Sơn. Với tính tình hào phóng, nhân hậu, Nguyễn Thung được rất được lòng mọi người. Sau khi Nguyễn Nhạc lấy được thành Quy Nhơn, xưng vương, ông được bổ làm Tri huyện Tuy Viễn (gồm 3 huyện: Bình Khê, An Nhơn và Tuy Phước). Truyền rằng: khi nhà Tây Sơn sụp đổ, ngôi mộ của ông ở Thuận Nghĩa bị vua Gia Long ra lệnh quân lính khai quật hốt xương cốt đem đổ xuống sông Côn. Tuy nhiên, vỏ mộ được xây kiên cố nên còn tồn tại đến sau này mới hư đổ mất tích do lụt lội.
Võ Xuân Hoài, Trương Mỹ Ngọc, đức cao học rộng là hai ngôi sao về văn học đương thời ở Bình Khê và An Nhơn. Cao Tắc Tựu đẹp người, học rộng tinh thông binh pháp, tính tình điềm đạm. Thường ngày ông ít nói, nhưng khi bàn luận binh pháp thì ông rất sôi nổi, làu thông kinh sử, mọi người rất kính phục. La Xuân Kiều người Phù Cát, một văn sĩ nổi tiếng trong vùng, giỏi chữ nôm, thông minh hoạt bát, lại có tài cỡi ngựa, bắn cung. Triệu Đình Tiệp, học rộng, ưa thực tế ghét phù hoa, tánh thanh khiết nghiêm nghị, trọng tín nghĩa và giỏi việc cai trị.
Họ là những nhân vật rường cột khi nhà Tây Sơn hình thành, sau này khi sự nghiệp mở rộng thành công, họ là người hoạch định chính sách trị nước, an dân, qui định thi cử có thêm nhiều nhân tài đến với nhà Tây Sơn. "Lục kỳ sĩ" được người đương thời kính trọng, nhà vua tin dùng. Thất hổ tướng, Lục kỳ sĩ, Ngũ phụng thư đã trở thành mười tám viên đá tảng dựng nên nền móng nhà Tây Sơn. Đáng tiếc là sau khi nhà Tây Sơn không còn, sự trả thù của Gia Long vô cùng tàn khốc, những tác phẩm văn chương của họ bị tiêu hủy, không ai dám cất giữ, lưu truyền, nên bị thất lạc. Ngày nay, hầu như ít còn lưu lại dấu tích. Thật là một mất mát của lịch sử và văn hóa nước nhà!