THA PHƯƠNG CẦU THỰC
Tác giả: Huy Phương
Khoảng năm 1985 ở Saigon, một buổi sáng ngồi trong tiệm cà phê, tôi thấy một thanh niên còn trẻ tuổi, nói giọng Bắc mới, ăn mặc xuềnh xoàng đi từng bàn một ngửa tay xin tiền khách trong quán. Ngạc nhiên, tôi hỏi anh, quê quán nơi đâu, vì sao trẻ tuổi như thế mà phải đi ăn xin. Người thanh niên cho tôi biết, vì làng anh ở ngoài Bắc xa xôi kia quá nghèo, lại mất mùa liên tiếp không có cái ăn bỏ vào miệng nên cả làng phải túa đi khắp nơi, xin ăn qua ngày. Anh cũng cho biết, miền Bắc nghèo chưa có cái ăn, cái mặc, tiền đâu mà họ cho, nên anh và người làng phải lặn lội vào Nam. Với một giọng nói rất lạc quan, anh cho biết trong này, ngửa tay xin tiền mười người thì đã có năm sáu người cho. Bức ảnh hai vợ chồng già, một mù một sáng dẫn dắt nhau đi ăn xin trên trang bìa cuốn sách “Chuyện Làng Ngày Ấy” của Võ Văn Trực là một hình ảnh quen thuộc vẫn thường thấy ở miền nam sau ngày 30 tháng 4-1975.
Nếu cả một làng phải bỏ nhà, mồ mả ông cha, đi xứ khác xin ăn thì đó là nỗi nhục cho cả làng, cả huyện và cả những người cầm quyền đang ngồi trong những căn phòng đầy đủ tiện nghi tại Hà Nội. Tôi cũng nghe câu chuyện sau khi chiến thắng miền Nam, một phái đoàn đại diện chính phủ Hà Nội sang Âu Châu xin viện trợ, bị một viên chức ngoại giao nói thẳng vào mặt: “sao suốt đời các anh cứ ngửa tay đi xin vậy, không biết xấu hổ hay sao?”
Thống nhất, độc lập, “Mỹ cút”, “Nguỵ nhào” rồi dân Việt vẫn chịu cái cảnh tha phương cầu thực nhờ chính sách đưa dân đi vắt mồ hôi, nước mắt, “bán cơ bắp” trên khắp thế giới để có miếng ăn. Đưa đàn bà con gái đi ở đợ, làm “oshin” trên toàn thế giới từ một thành phố nhỏ ở rẻo đất băng giá Á Châu nào đó đến vùng đất lửa đạn Trung Đông, nếu không “tha phương cầu thực” là gì? Thảm thiết chảy máu mắt nhất, là đàn bà con gái Việt Nam tha phương cầu thực không bằng trí tuệ hay chân tay mà bằng tấm thân đàn bà cha mẹ sinh ra.
Một bản tin từ Hà Nội đăng trên tờ Việt Báo ngày 17/4 ghi rõ là có 300 người dân “tha phương cầu thực” (nguyên văn) từ các tỉnh biên giới phía nam như Châu Đốc, Tây Ninh, vượt hàng nghìn cây số ra ngồi ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng Hà Nội để đòi đất, đòi nhà. Biết là chẳng hy vọng có kết quả gì, họ vẫn ngồi ở đây hằng tuần lễ, chắc là có đói khát thì phải xin ăn tại chỗ, nhờ người Hà Nội bát cơm, ly nước. Họ có nhà, có đất nhưng bị bọn cướp ngày lấy mất, đành phải dắt díu ra đây, đâu phải là bọn “tha phương cầu thực” ngay trên đất nước của mình.
Hằng năm, hàng chục nghìn người Mễ Tây Cơ vượt biên giới bằng mọi cách sang Hoa Kỳ để kiếm ăn, vì chính phủ nước này chỉ cung cấp khoảng 400,000 công việc trên 1, 3 triệu nhân công. Số còn lại là thất nghiệp và... tha phương để đem về cho quê nhà của họ trung bình 13 tỷ đồng mỗi năm. Tổng Thống nước này đã không can đảm nhận trách nhiệm là chính phủ mình không đủ sức kiếm ra công ăn việc làm cho dân chúng, không biết xấu hổ, còn lên án Hoa Kỳ về việc xây tường ngăn cản, hạn chế cho con dân mình leo qua đất Mỹ “cầu thực”.
Những người Việt Nam đã bỏ nước ra đi sau biến cố 30/4, ngày nay hiện diện trên khắp trái đất này, chắc chắn không phải vì miếng cơm. Dân miền nam những ngày ấy chưa đói, nhưng đã biết sợ “hà chính như mãnh hổ” (chính sách cai trị khắc nghiệt hơn hổ dữ) nên cha con đã dắt díu bồng bế nhau lên phi cơ. Nếu cho những người này bỏ nước ra đi chỉ vì hoảng loạn trong những ngày đầu, thì năm mười năm sau những người còn lại phải thấy cái tốt đẹp của chế độ, có đâu cả nước lại tìm đường vượt biển, bất chấp mất mạng, đói khát cướp bóc. Cuộc vượt thoát ra đi kéo dài gần hai mươi năm làm xúc động lương tâm loài người. Ngày nay ở xứ người, nhân phẩm của họ được tôn trọng, an ninh của họ được bảo vệ và tài năng của họ được tin dùng, họ không phải là kẻ bỏ quê hương lang bạt trên xứ người để kiếm chút cơm thừa canh cặn. Vậy mà lớp người này được gọi là đám “tha phương cầu thực”.
Khổ thay họ là những người “tha phương cầu thực tốt bụng” và ở quê nhà vẫn thường xem họ như con bò sữa mà nguồn cung cấp hầu như bất tận. Có người nói đùa rằng chế độ Cộng Sản đã đặt được tại hải ngoại nhiều bộ đặc trách các vấn đề làm thay cho chính phủ trong nước, để nhà nước này rảnh tay xây sân gôn, khách sạn, nhà hàng đặc sản hay tuyển mộ thêm công an, lập toà án và xây nhà tù. Ở hải ngoại này có Bộ Y Tế để lo thuốc men, dụng cụ, bác sĩ; có Bộ Giáo Dục để lo học bổng, cấp sách vở bút mực, xây trường; có Bộ Xã hội để lo đào giếng làm đường, xây cầu, xin gạo nấu cơm hay giúp đỡ người tàn tật; có Bộ Tôn Giáo để lo đón tiếp các vị chức sắc sang đây gây quỹ đem tiền về xây chùa, sửa nhà thờ. Thậm chí có cả Bộ Thông Tin, Tuyên Truyền đã gầy dựng được những tờ báo, phát thanh, chương trình truyền hình cho không, những chương trình ca nhạc có “sản phẩm nội địa”, phát không những CD tuyên truyền trắng trợn cho chế độ Cộng Sản. Ôi cái đám “tha phương cầu thực” tốt bụng mà ngây ngô biết là chừng nào! Với ba tỷ đồng mỗi năm -con số mà chính phủ miền Nam trước đây đã mơ ước để có vũ khí ngăn giữ Cộng Sản-, cộng với những hoạt động của các Phủ, Bộ “tha phương cầu thực” cung cấp tiền bạc, vật liệu về nước làm cho chính phủ Cộng Sản hối hận là không đóng thêm hàng chục nghìn chiếc tàu sắt để đưa thêm bọn “chống phá tổ quốc” ra đi hồi nẫm, để nay có thêm nhiều nhiều những “núm ruột thân thương nghìn dặm” gởi tiền về.
Cái lằn ranh giữa hai loại tỵ nạn chính trị và di dân kinh tế rất rõ ràng, nhưng nhà nước chỉ muốn có những loại di dân kinh tế, ra nước ngoài kiếm ăn, để cứu đói cho quê nhà chứ đâu muốn có những người tỵ nạn chính trị chuyên môn vạch trần cái bất công, xấu xa của chế độ. Quí ông muốn phân biệt “tha phương cầu thực” với tỵ nạn Cộng Sản thì cứ so sánh cảnh hải ngoại chống đối Trần Trường mấy năm trước và cảnh người dân tha phương cầu thực, sản phẩm của quý vị gởi sang Nam Dương, Mã Lai phải nằm đường, bắt chó mèo của dân địa phương làm thịt mấy năm trước đây thì rõ.
Động lực chính của một người Đông Đức can đảm vượt qua bức tường Bá Linh, hay người miền Bắc bơi qua sông Bến Hải không phải là ổ bánh mì hay bát cơm. Một triệu người bỏ miền Bắc sau hiệp định Paris năm 1954 không thể gọi họ là tha phương cầu thực, những người bỏ miền Nam để chấp nhận đổi chết lấy tự do cũng không thể là tha phương cầu thực. Những người hiện sống dưới chế độ Cộng Sản ở quê nhà đã hớp những giọt sữa của con bò hải ngoại không thể cất cao lời mạ lỵ gọi chúng ta là những kẻ “tha phương cầu thực”, một lời nói vô ơn, có tính cách mạ lỵ. Chẳng qua là chúng ta, những người bỏ nước ra đi vẫn còn canh cánh bên lòng tình yêu quê hương, thương xót, nhẹ dạ nên mới ra nông nỗi này.
Huy Phương