watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tiếng Chim Buổi Sớm - tác giả Huy Phương Huy Phương

Tiếng Chim Buổi Sớm

Tác giả: Huy Phương

N gày bị đày ra tận Hoàng Liên Sơn, “lán” tù tôi ở bên một dòng suối nhỏ, đầu “lán” có một cây rừng, đến Mùa Hè hoa nở đỏ. Buổi sáng, tôi thường thức giấc sớm, nghe có con chim lạ đến hót những tiếng líu lo ở trên cành. Tôi nằm yên, quên hết phiền muộn, tận hưởng những âm thanh tuyệt diệu, âm thanh đầu tiên của một ngày. Ðể sau đó, không bao lâu, là tiếng kẻng tù gắt gỏng nổi lên giữa buổi sớm mai, bắt đầu cho một ngày lưu đày khốn khổ.

Ai cũng cho rằng khi nằm trên giường thì bắp thịt ta được nghỉ ngơi, nhịp tim đều đặn, hơi thở nhẹ nhàng, giác quan tinh tế hơn, và ta có thể tập trung tinh thần vào những cảm giác hay những ý tưởng của mình một cách tuyệt đối. Ông Lý Lạp Minh, một nhà văn Trung Quốc, khuyên ta buổi sáng nên nằm trên giường mà nghe chim hót, là điều thú vị nhất. Tôi cũng đã hưởng được những phút giây ấy, mặc dầu là ngắn ngủi. Ở thành phố hay thôn quê, đâu cũng có chim, chẳng qua là vì cuộc sống tất bật, chúng ta không để ý đó thôi.

Tôi còn nhớ ở Sài Gòn, buổi sớm mai, những quãng đường như Hồng Thập Tự với những hàng cây cao đầy bóng mát, luôn luôn ríu rít tiếng chim kêu. Ngày ấy đời còn vui, chim còn đậu đất lành, tiếng động cơ của xe cộ hay tiếng xích lô máy nổ giòn giã cũng không đuổi hết đàn chim phải bay rời xa tổ. Ngày đất nước rã rời, phải lên tàu Sông Hương ra Bắc, những hôm phải vác một con dao lên những đồi tre, qua những cánh rừng, chặt chục cây mương hay kiếm mớ củi, cô đơn lầm lũi giữa ngàn cây, nghe tiếng chim kêu mới thấy nỗi sầu trong dạ. Có những tiếng chim chiêm chiếp như tiếng gà con, bồi hồi nhớ đến đàn con còn bé dại ở quê nhà. Có tiếng chim cu gáy xa xa, đáp lại ở đâu đó tiếng đồng loại hòa điệu, nghĩ lại tấm thân cô đơn với nỗi buồn nơi xứ lạ. Rồi tiếng chim rừng khắc khoải “bắt cô trói cột” vẫn thường nghe mỗi trưa nơi rừng Việt Bắc, tiếng kêu kéo dài cho đến lúc nắng quá buổi chiều. Tiếng kêu đanh lại, nghe như gằn từng tiếng, theo đầu óc tưởng tượng của mỗi người với những hoàn cảnh riêng, như lời kêu thống thiết, oán thán, trách móc não nuột. Tiếng chim “bắt cô trói cột” nghe thành “hết cơm tới bột” còn chút khôi hài, đói rã họng “đói cơm đứt ruột” còn nghe lời động viên “khó khăn khắc phục” lặp đi lặp lại nghe tới nhàm chán. Nghĩ theo lời chim, mường tượng như nỗi than khóc “nhớ con đứt ruột”.

Rồi con chim “cuốc” lầm lũi đâu đó trong khóm lúa, bụi cây, vào cuối Xuân hay đầu Mùa Hè, không hề biết hót mà kêu lên những tiếng khắc khoải, từng tiếng từng tiếng một, nghe ra não nùng, hờn oán của người “mất nước” phải khoanh tay, để “nhớ nước đau lòng con quốc quốc” (Bà Huyện Thanh Quan). Con chim này được gọi là Ðỗ Quyên hay Từ Quy, theo tích xưa, là hóa thân của Vua Thục Ðế, mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành con chim, cất lên những tiếng kêu não nùng. Tiếng chim “cuốc” nghe xót xa phù hợp tâm trạng người “mất nước” phải xuống tàu đày đi biệt xứ. Lại nhớ hai câu thơ của Chu Mạnh Trinh:



Tịch mịch tiền triều cung ngoại miếu

Ðỗ Quyên đề đoạn nguyệt âm âm.”

(Cung miếu triều xưa đây vắng ngắt,

Trăng mờ khắc khoải “cuốc” kêu thâu - Tiên Ðàm dịch)



Hay của tướng trung liệt Phan Thanh Giản:



“Ải Bắc ngày chờ tin nhạn vắng,

Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu!”



Còn loài “chim quyên” khác ta thường thấy là một loài chim nhỏ, có bộ lông óng ánh, nâu pha nốt đỏ, có tiếng hót rất hay, thường vào ban trưa ở trong bụi hay đầu hồi nhà. Nhưng không hiểu sao người ta lại đánh giá cao để ví chim quyên cao như người quân tử, quân tử mà sa cơ, như “chim quyên xuống đất ăn trùn, anh hùng lỡ vận lên rừng đốt than”.

Gà là loại cầm, nó không biết hót, nhưng con gà trống có tiếng gáy vào buổi ban trưa làm cho người ta nhớ đến bao nhiêu điều: “Hiu hắt gà trưa gáy não nùng”. (Lưu Trọng Lư)

Nhà văn Lâm Ngữ Ðường thì thích nghe tiếng kêu của một loại “gà gô” (tiếng Tàu còn gọi là “giá cô”). Nói là giống gà nhưng nó hót như chim. Tiếng hót có bốn âm do, ré, mi... âm mi kéo dài hai ba nốt, ngưng hẳn một tí, rồi tiếp theo bằng một nốt thấp hơn. Giống chim này có nhiều ở phía Nam Trung Quốc, hót trễ vì đây là một giống chim dạn dĩ, không sợ giàn thun bọn trẻ, trái lại hầu hết loại chim khác đều hót sớm vì sợ loài người ác độc. Có khi chúng bặt tiếng luôn vì lưới bẫy giăng khắp nơi, vì lưới chim đem ra chợ bán là một nghề mới kiếm cơm.

Tiếng hót của giống gà gô này có ba âm và âm cuối kéo dài, có người nghe là “chè, xôi, chuối... thịt”, âm thịt kéo dài ra, thấp xuống rồi ngưng bặt (theo Nguyễn Hiến Lê). Nghe giống như ý nghĩ mấy ông xôi thịt làng xã ngày trước và ngay cả hôm nay. Giống chim này ở Việt Nam cũng có, thời Tây thuộc tôi có nghe người ta nhại tiếng chim là “père, mère, frère... tout est perdue” (cha mẹ anh em... mất cả rồi). Nghe ra ngậm ngùi làm sao, như sau một trận hồng thủy, chiến tranh... như một câu oán than: “Cha mẹ già đã khuất núi, quê hương đã thất lạc, mộng ước đã tàn phai...” của Bùi Bích Hà.

Tôi có người bạn già vẫn bị người ta chê là đã vì tự do mà bỏ xứ, sao bây giờ lại giam cầm bao nhiêu loại chim trong khu vườn nhỏ, gây nên cảnh “chim lồng cá chậu”, khuya sớm lo quạt nồng, ấp lạnh, vất vả tấm thân già. Nhưng bù lại, bạn tôi hưởng được cái thú ở đời là mỗi buổi mai thức giấc nằm nướng trên giường nghe tiếng chim khướu hót ngoài hiên. Những buổi sáng đầu Mùa Hè, tiếng chim sơn ca (chiền chiện) trong ánh sáng mờ mờ của buổi rạng đông đã bắt đầu cất tiếng hót. Những lúc sung sức, ăn uống đầy đủ giọng sơn ca “luyến láy” tuyệt vời, nói theo danh từ làng ca kỷ. Ban trưa, khi trời nắng ấm là lúc những con chim khoen (gọi là vành khuyên vì trên mắt chim có hai vòng khoen trắng) rộn ràng tiếng hót. Buổi tối nếu trong nhà còn đèn sáng, sơn ca vẫn còn cất tiếng, khi có tiếng nhạc ồn ào, thì giống chim khuyên cũng líu lo tưng bừng. Ban trưa nắng, trời ấm nghe tiếng chim cu gù. Những đêm trăng, chúng ta còn nghe tiếng chim “morking bird” kêu, một loại chim có rất nhiều trên đấy Mỹ. Dù là giống chim trời của bốn phương, nhưng giống chim cùng loại ở đâu cũng cùng hót tiếng như nhau, nên người chơi chim còn nghe được chút âm thanh quê hương đâu đó. Họa mi, khướu và những giống chim Á Ðông đã theo những người nuôi chim bằng nhiều con đường khác nhau, sang đến miền đất này, để khuya sớm chuyện trò với gia chủ bên tách trà buổi sớm.

Ở trên đời này ai cũng ghét giọng con chim cú, nhất là chim cú kêu nửa đêm, để người ta miệt thị là “cú dòm nhà” hay “cú kêu nhà bệnh”. Cũng là loài chim, nhưng chúng lại không có tiếng hót của trời cho, mà chỉ có tiếng kêu như giống ngan ngỗng tầm thường. Một loài chim khác chỉ biết kêu hay nói, là giống vẹt. Chúng mang màu sắc sặc sỡ như xiêm áo của bà đồng cốt, tiếng kêu chát chúa chói tai mà nhiều người vẫn thích do cái tài bắt chước ngọng nghịu tiếng nói của loài người, đó là “nói như vẹt”. Ðến thăm nhà nuôi vẹt, nghe tiếng vẹt nói ngộ nghĩnh, chúng ta thường cất tiếng cười hỉ hả, nhưng giống vẹt lại cho đó là tiếng cười tán thưởng vì giọng nói ngô nghê, sao chép vô nghĩa của nó. Ta có bao nhiêu giọng nói quen thuộc, chúng ta chưa đến nỗi thiếu giọng người, thế mà cũng có người thích giọng vẹt-người.

Những ngày mới đến Mỹ, tôi có nhận thấy ở Mỹ có nhiều bầy quạ đen. Chúng kêu loét choét sau vườn, nhiều khi sà cả bầy xuống sân cỏ. Tôi cho đây là loại chim vô tích sự. Người đời quý màu sắc, mà loài quạ chỉ mỗi màu đen. Người ta thích tiếng hót mà loài quạ chỉ biết kêu. Ai cũng thích sự hiếm quý, mà loài quạ bay đến từng đàn, đuổi đi không hết.

Trong khi trái đất này còn có quá nhiều loại quạ, vẹt, cú, kên kên... mà chúng ta còn nghe được có tiếng chim hót, hạnh phúc biết bao! Nếu bạn ở trong một vùng vắng tiếng xe, một buổi sớm mai nào đó, thức giấc, nằm yên trên giường, thử tìm nghe có tiếng con chim nào đến hót trên cành cây ở đầu nhà không ?

Các tác phẩm khác của Huy Phương

THA PHƯƠNG CẦU THỰC

MÓN KHẾ CHUA

Tình Già