Phần 6
Tác giả: Huyền Nguyên
Hai cha con ở trong căn nhà gỗ. Anh nấu ăn, thằng bé quấn quít bên chân anh. Lam thi thoảng ghé qua, thấy hai cha con lem luốc với khói củi, thương quá nên thường nấu sẵn cho. Anh thường dậy sớm, như thuở trước đã ở đây, dắt con đi bộ dọc triền cỏ ướt và địa điểm kết thúc bao giờ cũng là mộ Khánh. Dọc theo triền đồi, hoa mùa xuân nở tung cánh thắm. Mọi mọi loài đang giao hoà trong thiên nhiên đầy những giai âm trong trẻo thơ ngây. Anh vừa đi vừa nói chuyện với con về sự lụi tàn và tái sinh của quy luật đất trời từ bốn mùa phênh vênh vẫn luân chuyển theo nhịp chuyển động vũ trụ. Lạ một điều, thằng bé như hiểu rất nhanh những điều anh nói, mà xem ra cái triết lý đó ngay với anh đôi khi còn không thể nắm bắt. Thằng bé hỏi anh về sương khi thấy màu bình minh trên núi còn chưa kịp tràn xuống để tô hồng bản Meklong; hỏi anh về gió ngàn, khi gió quần quật thổi tung tóc và áo của hai cha con khi đến mộ Khánh; hỏi anh về sứ mạng những áng mây bay vân du lững thững giữa trời chiều khi rồi đây đêm sẽ đến…? Anh trả lời cho con, đôi khi gặp chỗ khó diễn tả thì quay sang hình như thằng bé đã mường tượng ra được bằng nét mim mỉm trên gương mặt cu cậu. Anh bỗng có một lo lắng thầm lặng, khi thằng bé quá đĩnh ngộ. Dự tính 3 ngày cuối cùng đã trở thành gần mười ngày. Mà anh, hình như cả thằng bé đều luyến tiếc những đêm lạnh se của núi rừng, hai cha con ngồi sưởi lửa giữa nhà, và anh hát con nghe những bài tình ca bằng chất giọng thổ trầm mộc của mình với cây đàn guitar anh luôn mang theo mỗi khi đi đâu xa; và trong ánh lửa đêm chập chùng bức di ảnh của Khánh trên bàn như cũng mỉm cười với hai cha con. Thằng bé thường ngủ trước, đầu gối lên bắp đùi anh, mà như trên khuôn mặt trẻ thơ ấy đã vương vẻ trầm tĩnh thản nhiên an lập tự tại khác biệt. Anh có khi ngồi như thế suốt đêm, nhìn con, uống trà và nhìn lên bức chân dung Khánh, mắt mơ màng như thấy trời lung linh sao sáng, mà đôi mắt cô đã quân tập từ muôn ngàn kiếp. Cũng có khi, anh bươn bả đi lên mộ cô, đứng dưới sao khuya, khẽ ngẩng đầu để sương đêm la đà đậu lại trên mặt những hạt li ti lành lạnh. Đêm ở đây quá bình an với tịch liêu mù sa lấp đầy những khoảng điệp trùng xuống lên nhấp nhô. Đứng lặng, để nghe chết lặng, và lòng ru say những giấc miên trường khi mùa xuân đang trải dài trong khoảng đêm mênh mang lồng lộng trước mắt, anh như thấy được những tia chớp của tâm tư bắn qua trí nghĩ. Bắn qua, tựa sao băng lao qua bầu trời khi thiên thạch kéo dài sự ma sát với bầu khí quyển, chuỗi trượt dài của thiên thạch lúc lỡ lầm lao ra khỏi quỹ đạo chính mình. Khoảnh khắc đó chiếm trọn tâm thức anh, và anh không cảm thấy gì nữa, không nghe gì nữa, không nghĩ gì nữa, như cái chết hờ hững trôi qua mình …
Trở về, thằng bé vẫn bình thường như trước khi đi. Chỉ đôi khi anh thấy nó ngồi nhìn mê mải những bông cúc trắng chợt nở bên vườn. Cô Ut của nó đã không còn là người nhìn thấy những bông cúc ấy đầu tiên. Nó ngồi chồm hổm, mải mê nhìn bông cúc, mắt dừng lại đâu đó trên những cánh hoa nhỏ xếp đặt tế vi nhuần nhuyễn mà không bàn tay một nghệ nhân tài hoa nào trên cõi thế có thể tạo ra nổi. Nhìn con, anh thấy xót xa, nhưng lòng lại thầm thĩ một niềm vui như ngọn lửa nhỏ thắp trong đêm lạc lối. Dù xa xôi, ngọn lửa vẫn cứ mang con người ta đi trong hy vọng như chính ngọn lửa đã mang hơi ấm của sự sống con người lan xa vang âm truyền dội. Ơû một rẽ ngoặt nào đó, hình như mọi điều đều trở nên phi lý như siêu thực. Anh nghĩ ngợi, rồi bảo với mình: “Thằng bé đang nhìn bông cúc trắng, một cách chăm chú, say mê… Có thế thôi, sao mình lại vớ vỉn thế nhỉ”? …
Anh không hỏi con về những lần bắt gặp con như thế. Thằng bé cũng thôi không hỏi anh nhiều như trước. Anh biết con có nhiều điều muốn hỏi anh. Nhưng chính thằng bé lại có một ý thức gần gũi về sự suy nghiệm bản thân, dù chắc rằng nó không có ý niệm sâu sắc về tố chất, về linh xác, về ngã tính riêng biệt của mỗi cá thể. Có gì khác giữa nó và một đứa bé bình thường thì ấy là anh đôi lần bắt gặp nó nhắc ghế đến bên kệ sách của anh để rút ra một quyển sách nào đó và đọc chăm chỉ. Thi thoảng An Nguyên có hay hỏi anh những câu bất chợt về sự héo tàn của loài hoa cúc qua mùa. Anh giải thích và đem câu chuyện về chú chim lạ ở Meklong kể cho nó nghe. Nó yên lặng nghe, rồi bảo cha:
Nếu là con, con sẽ không mủi lòng để chôn chú chim ấy như cha.
Anh nhìn Nguyên. Nó nhìn anh. Oà, thắng bé mới 11 tuổi! Nó lại không hề có lòng trắc ẩn xa lạ trịch thượng? Và, anh như hiểu ý nó, cười xoà:
Con nói đúng!
Nó cũng cười, cái cười thật lạ nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng vô lo...
*************oOo**************
Meklong.
Bỗng xôn xao.
Có một quán nhỏ, dựng bên con suối trên đường vào bản, chủ quán là một người đàn ông trung niên với một cậu trai chừng 17, 18 tuổi. Căn quán mọc chênh vênh giữa mênh mông núi rừng nhưng rất xinh xắn, và người ta xôn xao bởi vì một lời đồn lan rằng những tình nhân lạc nhau trong đời nếu về đây chờ đợi sẽ gặp được nhau.
Người đàn ông trung niên có lẽ chừng hơn 40 tuổi, vẻ mặt vuông rắn rỏi với đôi mắt biết cười và phong thái thung dung đĩnh đạc khiến người đến dễ suy đoán rằng ông ta hẳn có một đoạn quá khứ biến động với sự kinh lịch dày dạn. Ông khiến người tới đây có cảm giác tìm lại được một thoáng bình yên khuất xa giữa dòng gió bụi đời thường. Chơi được cả piano, sáo, và guitar, ông không từ chối lời đề nghị nào của khách về âm nhạc, trừ phi đó là nhạc hiện đại. Oâng chỉ chơi nhạc cổ điển nước ngoài và nhạc tiền chiến trong nước. Có khi người ta thấy ông ngồi suốt ngày với những khách phương xa, cũng lắm khi ông đứng trên dốc quán nhìn về mù khơi và bất động lặng yên. Lời đồn về một người chủ quán như vậy khiến cánh nhà báo có người tới tìm viết, nhưng có người bị ông từ chối thẳng thừng. Cũng có người ngồi nói chuyện với ông rất lâu nhưng sau đó không thấy bài viết nào giới thiệu về quán trừ vài dòng nhàn đàm rải rác trên một số mặt báo lâu năm.
Cậu con trai của người chủ quán là một cậu thiếu niên kì lạ. Ơû chỗ anh không có sự hoạt bát như những thanh thiếu niên trạc tuổi. Thường cậu ta thường ngồi hầu trà người đàn ông với những người bạn ông. Ít cười, và có đi nữa thì nụ cười của cậu cũng lạ, dù hình như cái cười của cậu đánh động không ít trái tim của những cô gái tới quán từ nhiều miền khi đặt chân lên đây, từ những chuyến đi Sapa. Cậu thường ngồi bên hiên quán, hoặc chơi đàn, hoặc đọc sách, hoặc chăm chú viết gì đó, thi thoảng buông mắt nhìn xuống bên kia của triền đồi, một ngôi nhà thấp thoáng ẩn hiện sau những lùm cây. Đôi mắt trẻ trung sáng rỡ anh hoa kia thoáng qua khiến người khác nghĩ đến mặt hồ trong sáng bình lặng vào một buổi chiều mùa thu nắng đẹp. Người đàn ông đôi khi cũng ngồi bên cậu và hai người thường có những câu trao đổi ngắn ngủi. Người ta nghĩ đấy là hai cha con khi khuôn mặt của cậu trai không có gì khác so với khuôn mặt người đàn ông. Có ai thắc mắc về điều đó thì chỉ nhận được cái cười vui của hai người. Nhưng không ai buồn lòng vì sự im lặng của họ, vì ngoại trừ điều đó, ngôi quán là một điểm dừng chận tuyệt vời đối với những lữ khách cùng những ấm trà ngon và những loại ruợu thượng hạng được chính tay hai người ấy pha chế. Về đó được hơn năm, thì ngôi quán đã trở thành một trong những điểm du khách thực thụ muốn ghé đến dù chẳng phải là để tìm một nửa còn lại đã cách xa…**************oOo**************
Anh ngồi trước hiên quán với An Nguyên. Nó đã lớn thật nhanh, và đã có thể trao đổi với anh về mọi thứ. Anh dọn về đây từ khi thằng bé học hết cấp 2. Năm ấy sau khi thi xong tốt nghiệp, An Nguyên chợt nói với anh:
- Cha, con đã học hết những gì con có thể học ở trường. Con muốn về bên mẹ.
Anh hơi bất ngờ, nhưng sau khi khi thử hỏi con về những kiến thức ở cấp 3 thì thằng bé trả lời anh suôn sẻ những thiết yếu nhất cần phải có sau khi học hết phổ thông trung học. Anh không ngạc nhiên về kiến thức của con, chỉ không biết con đã học từ lúc nào. Câu trả lời của An Nguyên là cô Ut của nó. Từ lâu, anh cũng có ý định về hẳn Meklong, nhưng một phần vì bố mẹ của anh đã già, một phần vì An Nguyên còn nhỏ, mà cuộc đời cùa thằng bé còn quá dài nên anh do dự. Nay con trai của anh đã lớn mất rồi mà hình như nó còn vượt qua khỏi tuổi của nó rất xa. Cái nhìn của nó về mọi thứ đôi khi khiến anh tự hào vì ngày xưa, anh đã mất bao lâu thời gian để tìm kiếm; dù Nguyên được anh hướng dẫn hầu như tất cả mọi kinh nghiệm của bản thân anh. Anh trao hết cho Nguyên vẻ lãng tử kiêu hạo, vẻ trầm ngâm tịch mịch, cái sành sõi cuộc sống mà riêng những kinh lịch thường nhiên đó đã khiến anh đi trong khinh khiêu phiêu bồng lơ lửng. Và hôm nay sực hiểu rằng không bao giờ anh có thể đến cõi tịch nhiên an hưởng những kiều diễm thiên hương bằng bước chân của trí óc vẽ vời đoái tưởng. Bờ tường cao quá để cho suy nghĩ có thể bước vào khu vườn ẩn mật của cuộc sống mà riêng tây mỗi vật vật loài loài trong nội cỏ xanh tươi ấy có một âm vang hương màu sắc vị nguyên truyền nguy nga. Cõi vô biên mà anh chạm đến được , những tưởng chạm đến được, khi đã gối mỏi chân chồn, đã tan hoang xiêu hồn lạc phách khi thấy Khánh ra đi, chú chim lạ chết giữa vườn sương; thật ra như mộng liêu trai mà khi tỉnh giấc vào sáng mai nào, thì hằng hằng phong nhị quần hồng, băng trong vàng phách đã ngất lịm trôi xa. Vô biên bờ cõi loài người vẫn kín bưng biệt lập khi anh chớm nghĩ, vói tay sờ vào nguồn suối tươi trong. Bây giờ, khi Meklong không còn là mộng tưởng, và mỗi cội đá, mỗi cành gai, mỗi lùm bụi bỗng thành quen thuộc như bàn tay xoè nắm, như mật ngọt ủ dấy mê miên, như bầu khí thiên u trầm lẩn khuất, như là cành, là cội, là lùm bụi như nhiên; thì Nguyên đã bước đến gần anh lắm lắm. Anh không còn xem Nguyên là con mình nữa, mà là bạn chí thiết của anh. Nếu một ngày mai mà anh có đi khỏi cõi trời mưa nắng, thì Nguyên đã cầm trên tay mọi mọi u uẩn riêng trao của anh cho nó. Và hình như Nguyên hiểu Meklong chính là giấc mộng cuối cùng mà anh đã kịp thực hiện, chọn lựa đặt thân mà tin yêu sùng mộ không nghĩ ngợi với một tâm tư sâu kín triệu mộng an lạc rộng phóng êm đềm. Anh chợt nghĩ đến hai câu thơ như thu tụ cả những cảnh giới siêu phàm khoan nhặt trầm mịch u nùng:
Bách niên nhân sinh nhất giác mộng
Vạn lý hà sơn nhất cuộc kì…
Ván cờ tiên tàn sơn thặng thuỷ vô nhị nhứt điều ủ ấp liêu xiêu mỹ miều hoa lệ trong thế thái quai nhai sương gió linh linh khắp cùng sa mạc. Mà phương hướng tràn lan bỗng quy hoài về ngưng tụ thâm thâm. Mà lóng lánh ánh trăng soi hồ thuỷ tạ sen vàng. Mà tuyết liên nhuỵ hoàng len toả phất phơ sơn hà vạn lý… Khi ảnh tượng chìm sâu lả tả, nối đuôi nhau điệp điệp ngủ mê từng cơn chấn động dập dồn, thì hạo khí uyên nguyên bỗng lồ lộ phơi mình khoe khuôn nga mấy góc ngọc ngà. Anh như kẻ du khoái về nơi tuyệt địa để ngẩn ngơ trước tự thể ầm ì ngân vọng như màu thuý lục triền miên mê mẩn nơi cấm địa ban sơ. Anh và Nguyên, kẻ đi trước, người theo sau, dắt díu nhau về Meklong yên bình như Phù Mộng để tìm người mẹ đã xa xăm. Meklong là kỉ niệm sơ đầu tồn lưu của người mẹ ấy. Có tháng ngày đã qua trên tóc người cha, trên thân thể đứa con trai đang còn niên tráng, nhưng chốn xưa đây đã hiển hiện bên mình. Suối róc rách chảy bên quán du miên, chim ríu rít trên cành cây sơ thuỷ, mây bốn mùa lãng đãng quanh quanh trôi nổi bồng bềnh, hai cha con như đã có thể tìm ra người mẹ mà mình lạc mất. Mỗi người đều thấy Khánh còn ở đâu đây, trên Meklong nằm biệt lập khuất nẻo. Kẻ tới quán là để tìm kỉ niệm với người yêu ban đầu mà hữu ý hay vô tình không còn ở cạnh, giống như anh, như Nguyên, và có thể toàn bộ nhân gian này, đang lao đi trong trời đất tít tắp rộng mở những chân mây lấp lửng mơ hồ của tuế nguyệt trường niên hoằng viễn ...
*************oOo**************