Truyện 3
Tác giả: Huỳnh Trung Chánh
Nghinh Xuân viện tọa lạc trên triền đồi thoai thoải, nép mình dưới những tàn cây rậm lá, vừa kín đáo vừa thơ mộng, và tuy tọa lạc giữa Tây Thành Bắc Kinh, nhưng lại không nằm trong khu phố ồn ào náo nhiệt, nên rất tiện cho các hàng vương tôn công tử âm thầm tìm đến hưởng thú phong lưu. Đoàn kiều nữ của Viện toàn là những người đẹp hương sắc tuyệt vời, tài nghệ đa dạng, và đặc biệt nhất phải kể đến nàng Tống Liên Hương, người được tôn là đệ nhất ca kỹ của thành Bắc Kinh. Tao nhân thuộc hạng hào phóng sang trọng phải bách hẹn trước mới mong được nàng tiếp đón. Nàng duyên dáng thùy mị dù chưa phải là hạng sắc sảo tuyệt trần, nàng cũng không điêu luyện các nghệ thuật ái ân, nhưng nàng lại ngầm quyến rủ bởi hơi thở thoảng hương thơm hoa sen và âm thanh giọng nói êm ái ngọt ngào, lời ca thánh thót du dương khiến cho khách mê mẩn tâm thần, chỉ muốn gần gũi với nàng để nghe thanh âm tuyệt vời của nàng thỏ thẻ bên tai. Do đó, khách cầu cạnh nàng không hẳn nhằm mua vui xác thịt, mà đôi khi chỉ tìm những giây phút mạn đàm tao nhã, nâng tách trà và nghe nàng ca một khúc hành vân lưu thủy hay ngâm nga một áng thơ Đường.
Hồ thuận An, vị thái thú trấn giữ ải Nhạn Quan và Ngũ Đài sơn, nhân chuyến về Bắc Kinh triều bái thánh thượng đã giả dạng thường dân đến Nghinh Xuân viện một lần, thượng quan lưu lại hàng giờ chỉ để trà đàm và nghe Liên Hương ngâm khúc Tỳ bà Hành của Bạch cư Dị và Phong kiều dạï bạc của Trương Kế mà thôi. Không ngờ, nay thái thú lại phái thuộc hạ đến thương lượng với bà chủ để chuộc nàng ra khỏi viện, đưa về doanh trại hầu sớm hôm gần gũi. Nể trọng bực quyền thế, chủ nhân viện Nghinh Xuân không dám khước từ, còn thân phận bèo bọt của người kỹ nữ thì đâu có quyền góp ý. Thế là Liên Hương phải cấp tốc gói ghém hành trang, để sẵn sàng theo đoàn tùy tùng lên đường ngày hôm sau. Chuẩn bị ra đi mà lòng dạ nàng hoang mang cùng cực nên thỉnh thoảng nàng lại buông tiếng thở dài não nuột. Trong thời gian ngắn, nàng phải rời bỏ ngôi kỹ viện quen thuộc, bỏ bạn bè thân thiết, sao chẳng khỏi bùi ngùi tất dạ. Nàng thơ thẩn dạo quanh khu vườn, luyến tiếc ngắm nhìn từng cụm hoa, bụi kiểng... và cuối cùng thả tầm mắt hướng về những cụm mây trắng nổi trên bầu trời xanh lợ Nhìn áng mây bình bồng trôi lang thang vô định rồi tan loãng dần trong không gian, nàng bỗng liên tưởng đến cuộc đời trôi nổi của mình, chẳng biết sẽ trôi giạt về đâu. Liên Hương vốn thuộc gia đình cầm ca khá giả tại huyện Vĩnh Châu, từ thuở ấu thơ sớm đã được trau chuốt nghệ thuật ca ngâm, nàng bẩm sinh có trí nhớ đặc biệt học thuộc làu làu các áng văn chương thi phú nổi danh, nên tao nhân mặc khách muốn thưởng thức thể thơ nào cũng toại nguyện. Năm 15 tuổi, cha mẹ nàng sớm chiều bạo bệnh qua đời, thân gái cô đơn bị đời đẩy đưa rơi vào bẫy rập sở khanh rồi bị bán vào kỹ viện. Tài nghệ ca ngâm của nàng khiến cho viên tri huyện sở tại là Âu Dương Vĩnh Thúc động lòng mua về làm nàng hầu. Tấm thân liễu yếu tưởng như đã tạm có chỗ nương thân, không ngờ nàng gặp phải phu nhân Âu Dương ghen tuông nghiệt ngã, sai khiến hành hạ như kẻ tôi đòi, rồi đem bán nàng cho một kỹ viện xa xôi, tuyệt đối không dành cho viên tri huyện hảo ngọt một cơ hội lui tới. Tấm thân bầm dập trôi nổi từ nơi nầy sang nơi khác, bị các mụ tú bà bóc lột, chà đạp rẻ rúng chẳng chút tiếc thương.
Thời may, chủ nhân viện Nghinh Xuân khám phá được điểm quyến rủ của nàng, bèn mua về Bắc Kinh, truyền dạy thêm vài bí quyết để thành danh như ngày naỵ Liên Hương đã có kinh nghiệm đắng cay về thân phận hầu thiếp, nên dẫu được Hồ tướng quân ra tay cứu vớt thoát kiếp kỹ nữ mà lòng lại bối rối bất an. Thân phận kỹ nữ bọt bèo, ai lại không mơ thoát khỏi số kiếp hẩm hiu nầy, nhưng nàng chỉ mơ một mái gia đình tầm thường mà hạnh phúc, chớ nào cầu mong cảnh làm hầu thiếp cho các bậc quyền quí, tuy được sống trong nhung lụa mà bất trắc hung hiểm khó ước lường. Liên Hương lại hoàn toàn chẳng hiểu biết gì về Hồ thái thú : tánh tình đức độ của người ra sao? quan mua nàng về làm hầu thiếp hay làm ca nhỉ phu nhân của người có sống trong doanh trại không và tánh nết bà như thế nào? Bao nỗi khắc khoải đó cứ ám ảnh nàng không nguôi trong suốt cuộc hành trình, nàng toan mở lời dò hỏi đám tùy tùng mấy lần nhưng rụt rè rồi nín lặng. Khi đoàn ngựa xe đi ngang ngọn Hằng sơn, giữa chốn núi rừng hoang vu Liên Hương bỗng thấy xuất hiện ngôi chùa Huyền Không ẩn khuất trong mây “huyền bí có có không không” như một bức tranh chạm nổi màu sắc linh động vĩ đại trải dài trên triền núi, nàng bỗng sinh lòng quy ngưỡng nên yêu cầu dừng lại để chiêm bái. Liên Hương đặt từng bước chân run rẩy trên chiếc cầu treo lắt lẻo để vượt qua khe suối đến chân núi, rồi leo hàng trăm nấc thang đá, mới lên được tiền điện. Chùa lợp ngói ống xanh, mái uốn cong, dựng trên sàn gỗ ép sát vào những chỗ lõm của vách đá. Chùa có rất nhiều điện, điện bé nhỏ, chỉ vừa đủ cho chừng hai Phật tử lễ bái; điện nầy nối tiếp viện khác, nương theo địa hình mà xây, lên cao xuống thấp cheo leo hay có chỗ còn phải chui qua hang động nữa. Nhờ kỹ thuật xây cất phối hợp với thiên nhiên nầy, chùa Huyền Không mang nét đặc thù riêng : thơ mộng, xinh xắn, mũm mĩm và tràn đầy sức sống. Tự thuở giờ Liên Hương chỉ biết vái lạy thần Bạch Mi tại kỹ viện, chớ chưa hề đi chùa lễ Phật, khi được chú tiểu hướng dẫn đi chiêm bái từng điện, nơi nào nàng cũng vái lạy để cầu xin phù hộ, dù chẳng biết đang cầu xin vị nào. Tuy vậy, Liên Hương lại có cảm giác lạ lùng là rất thân thương quen thuộc với chốn tôn nghiêm nầy, ở đây nàng tìm thấy được sự bình an thoải mái mà suốt quãng đời qua, từ dạo sa chân vào chốn giang hồ, nàng đã đánh mất. Từ giã Hằng sơn, từ giã chùa Huyền Không, Liên Hương tiếp tục cuộc hành trình với bao niềm lưu luyến. Đến doanh trại, trái với lòng mong ước của Liên Hương, nàng chẳng được tiếp kiến ngay quan thái thú, nhưng nhờ bà quản gia ân cần tiếp đãi cơm nước và chu đáo sắp xếp chỗ ở tươm tất nàng cũng tạm yên lòng. Khi sắp rời bước, bà quản gia mới dặn dò: “Cô nương đi đường xa, xin nghỉ ngơi cho khỏe để hôm sau còn ra mắt phu nhân”. Nghe chuyện phải ra mắt phu nhân, Liên Hương chết điếng trong lòng, trọn đêm thao thức chẳng phút nào yên.
Như một kẻ tội phạm, Liên Hương khóm róm đi theo bà quản gia cúi đầu chào kính phu nhân. Nàng thoáng thấy viên thái thú ngồi cạnh vợ nhưng không dám ngẩng lên. Phu nhân ra dấu mời ngồi, nàng khép nép vâng lời. Phu nhân trao cho nàng tờ giấy chi chít chữ rồi lên tiếng, giọng bà hòa nhã, chẳng có chi hằn học :
- Ta từng nghe người đời ca tụng nghệ thuật ngâm thơ điêu luyện của nàng, có thể nào nàng biểu diễn cho ta nghe được chăng?
- Xin vâng lệnh phu nhân.
Liên Hương nghiêm trọng lướt qua tờ giấy một lượt, rồi cất giọng ngâm nga :
- Hơn sáu muôn lời thành bảy cuốn
Rộng chứa đựng vô biên nghĩa mầu.
Trong cổ nước cam lộ rộng nhuần
Trong miệng chất đề hồ nhỏ mát
Bên răng ngọc trắng tuôn xá lợi
Trên lưỡi sen hồng phóng hào quang
Dầu cho tạo tội hơn núi ca?
Chẳng nhọc diệu pháp vài ba hàng.
Liên Hương cất giọng ngọt ngào điêu luyện ngâm nga, từng chữ từng lời như rót mật vào tai, thấm sâu vào tim gan người, quả là danh bất hư truyền. Ngâm xong bài thơ, Liên Hương hoàn lại tờ giấy cho phu nhân rồi lên tiếng :
- Thưa phu nhân, bài thơ nầy tôi mới thấy lần đầu nhưng có cảm giác quen thuộc kỳ lạ nên xúc động thành thử trình diễn chưa vừa ý! Xin mạn phép phu nhân cho tôi ngâm một lần nữa, thì tôi mới lột hết khả năng ra được.
Được phu nhân đồng ý, Liên Hương lắng lòng như mơ màng tìm về cõi xa xâm nào đó, lần nầy giọng nàng lại chân thành tha thiết, cao vút như điệu tán dâng lên đấng chí tôn cao vời vợi. Trong trạng thái nửa tỉnh nửa xuất thần, ngâm xong bài thơ, bỗng nàng buộc miệng niệm “Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa kinh” ba lần, đoạn nàng tiếp tục ngân nga độc thoại : “Như thị ngã văn, nhứt thời... ”, âm điệu êm êm siêu thoát của nàng cứ thế mà tuôn chảy miên man không lấp vấp...
Vợ chồng quan thái thú chăm chú dò theo quyển sách theo dõi từng câu văn Liên Hương đọc, vừa trố mắt nhìn nàng ngạc nhiên như đang mục kích một câu chuyện thần bí. Say sưa “độc diễn” cả giờ, Liên Hương mới sực tỉnh và ngưng lại. Nàng bối rối lên tiếng :
- Xin lỗi phu nhân! không hiểu tại sao,..ơ ơ... tôi như bị cái gì ám ảnh mà từng chữ từng câu cứ hiện ra thúc đẩy tôi đọc theo. Tôi nói khùng nói điên nảy giờ phá rầy phu nhân! Xin phu nhân rộng lượng tha thứ cho tôi!
- Cô không nói chuyện khùng điên vô nghĩa đâu. Cô đã tụng kinh Pháp Hoa, tụng thuộc làu làu không sai một chữ., phu nhân ôn tồn đáp. (#1)
- Ôi! sao có chuyện lạ lùng như thế nầy kìa? Trọn đời tôi chưa hề đọc một câu kinh, tôi không hiểu Pháp Hoa là gì? làm sao tôi lại có thể đọc kinh nầy được?
- Đúng là chuyện lạ lùng khó tin nếu như vợ chồng tôi không đích thân mục kích. Nguyên nhân tại sao cô thuộc kinh nầy và nguyên nhân tại sao vợ chồng tôi rước cô về đây khá dài dòng, tôi chỉ hiểu được vài điều, tôi xin vắn tắt kể cho cô nghe; chỗ nào cần hỏi rõ, cô cứ tự nhiên hỏi lại.
- Dạ ! kính xin phu nhân gia ân cho tôi được tỏ rõ đuôi đầu.
- Cô Liên Hương à ! Từ nhỏ tôi đã sùng mộ đạo Phật, tôi thường xuyên lễ chùa, tham học đạo pháp và tu sửa thân tâm. Từ khi phu quân tôi được thánh thượng cử về trấn nhậm chốn nầy, tôi tin tưởng mình có phước duyên lớn mới được gần gũi thánh địa của Bồ Tát Văn Thù nên càng tinh tấn tu tập. Do đó, tôi liên tục hành hương chiêm bái hàng trăm chùa am lớn nhỏ tại Ngũ Đài(#2), lễ Phật thỉnh pháp, cúng dường trai tăng, hỗ trợ các công tác phát triển và tu bổ tự viện, yểm trợ trai đàn chẩn tế... Rằm tháng giêng năm nay, vợ chồng tôi hướng dẫn đoàn tùy tùng hành hương đỉnh Nam Đài. Được biết đạo tràng nầy tọa lạc tại một địa điểm cheo leo trắc trở vắng khách thập phương, tăng chúng đã phải chấp tác nhọc nhằn để tự túc mà vẫn thiếu thốn, vì vậy chúng tôi mang theo khá nhiều thực phẩm và vật dụng cần thiết để cúng dường cho chùa chi dụng trọn năm. Nam đài mang mỹ danh là Cẩm tú Phong, một đỉnh núi nổi tiếng về phong cảnh hùng vĩ tuyệt vời, nhất là vào độ xuân về, kỳ hoa dị thảo đua nhau nở rộ phủ trùm núi tạo thành một tấm gấm thêu hoa sặc sỡ, cộng với sự điểm tô của hàng ngàn cánh bướm màu sắc dị kỳ nhởn nhơ bay lượn. Trong cảnh núi rừng mờ ảo trong sương mù, chúng tôi len lỏi theo lối đi ngoằn nghèo trơn trợt leo lách theo vách đá rong rêu, xuyên qua các dòng suối nước đổ tung tóe, để lên đến ngôi chùa Phổ Tế, nằm trơ vơ trên đỉnh núi. Khi sắp vào cổng chùa, tôi chợt thấy một tăng nhân người Thiên Trúc, vận y vàng sậm rách rưới dơ cũ, đang lúi húi quét lá trên lối đi. Tôi kính cẩn xá chào, rồi vội vã bước nhanh cho kịp với phu quân. Bỗng nhiên tôi nghe có tiếng thở dài kèm theo tiếng than thật khẽ dường như phát xuất từ vị tăng nhân đó : “Tiếc thật! tiếc thật!” Tôi quay lại nhìn thì chẳng thấy ai, có lẽ ông ta đã bước qua chỗ khuất bên tảng đá rồi chăng? Chúng tôi tiếp tục vào chùa. Chùa nhỏ, không có nhiều điện thờ, nhưng lại có tháp chuông khá cao. Chánh điện chưng bày giản dị làm nổi bật pho tượng Bồ Tát Văn Thù cỡi sư tử dưới dạng của viên tướng quân, đội mũ, mang giáp, tay cầm kiếm, tay cầm hoa sen. Sau phần lễ bái đến phần cúng dường trai tăng, tôi dâng y cho từng vị một nhưng nhận thấy trong mười vị hiện diện không có vị tăng Thiên Trúc mà tôi vừa gặp. Tôi thắc mắc hỏi thầy tri khách. Thầy cho biết trọn Nam Đài không có tăng nhân ngoại quốc, vị tăng mà tôi mô tả, thầy chẳng hề nghe ai nhắc tới bao giờ. Phu quân tôi đi trước tôi mấy bước cũng cho biết chẳng thấy tu sĩ nào trên đường đi cả. “Không lẽ mình hoa mắt, ù tai hay quá giàu tưởng tượng chăng?”, tôi thầm nghĩ. Chúng tôi nghỉ đêm tại chùa. Vào khoảng nửa đêm, trong khi chúng tôi đang đàm đạo với hòa thượng trụ trì, thì có vị sư chú vào thông báo : “Bẩm sư phụ! Bồ Tát đã xuất hiện”. Hòa thượng vội vã hướng dẫn chúng tôi ra tháp sau chùa, leo lên trên nóc bằng để chiêm bái. Thì ra, đây không phải là lầu chuông mà chính là đài quan sát hiện tượng mầu nhiệm “đèn trí tuệ của Bồ Tát Văn Thù di động” mà tương truyền vào đêm rằm thường diễn ra. Chúng tôi hân hoan chiêm ngưỡng hàng ngàn quả cầu lửa, hình dạng màu sắc biến đổi không ngừng, bay lượn theo đội hình, khi nhanh khi lơ lửng, từ đỉnh núi nầy sang đỉnh núi khác liên tục cả giờ mới chấm dứt... Trong chuyến hành hương nầy tuy tôi có phước duyên hãn hữu mục kích được hiện tượng huyền bí, nhưng khi về nhà tôi lại khắc khoải ăn ngủ không yên vì lúc nào cũng bị tiếng than thở “Tiếc thật!” của vị tăng Thiên Trúc ám ảnh. Tôi thầm nghĩ có lẽ mình đã phạm vài lỗi lầm trong nếp sống tu tập nên Bồ Tát mới hiện thân cảnh tỉnh. Do đó, cứ vài ngày tôi lên chùa Thù Tượng tại trấn Đài Hoài lễ Phật và Bồ Tát cầu xin sám hối. Ngôi chùa nầy nổi tiếng linh thiêng với tượng Văn Thù cỡi thanh sư to lớn, theo tương truyền thì vị tăng phụ trách bếp núc trong khi đang nhồi bột may mắn chứng kiến Đức Văn Thù thị hiện đã vội ghi lại hình tượng Ngài bằng bột đương nhồi, do đó, phần đầu của tượng bằng bột được ráp nối với phần còn lại bằng đồng mà vẫn khít khao không thấy chỗ nối ráp. Đâu lưng tượng Văn Thù, là tượng “Quan Âm tự tại” trang nghiêm mà từ ái, tạc theo dáng nam nhân, một chân xếp trên bệ, một chân thả xuống. Không hiểu tại sao tôi cảm thấy quyến luyến tượng Quán Âm nầy một cách kỳ lạ, có lẽ tôi vốn ngưỡng mộ Bồ Tát Quán Âm, phần khác, tại tôn tượng nầy, tôi có thể gục đầu lên chân Ngài để khấn nguyện, thân thuộc như một đứa con thơ bộc bạch nỗi lòng với mẹ, và nhờ vậy, sau mỗi lần lễ bái lòng tôi cảm thấy an ổn hơn. Vào ngày rằm tháng bảy đàn thủy lục chẩn tế đã được tổ chức tại chùa Hiển Thông, ngôi chùa lãnh đạo toàn thể Ngũ Đài sơn, với sự tham dự của hàng ngàn tăng ni Phật tử. Trong khi tôi đang lễ tượng Bồ Tát Văn Thù năm đầu nghìn mắt nghìn tay nghìn bình bát tại điện “Thiên Bát Văn Thù”, bỗng tôi nghe tiếng thở dài tương tợ như của nhà sư Thiên Trúc ngày trước, tôi ngoái lại nhìn vừa kịp thấy dáng dấp ai như là nhà sư đó đang rảo bước về hướng điện Vô Lượng Phật. Tôi vội bước nhanh theo, nhưng mới thấy thấp thoáng đó mà người đã mất biệt rồi. Tôi vừa xúc động vừa tủi thân, nước mắt chảy như mưa, hướng về hư không quì lạy không ngừng : “Kính lạy Bồ Tát Văn Thù ! Xin Ngài từ bi thương xót con! Xin Ngài chỉ dạy cho con chỗ sai lầm để con tu sửa!” Bỗng nhiên tôi linh cảm như Bồ Tát còn ẩn khuất đâu đó đang ban phát lòng từ vỗ về an ủi tôi. Tôi ngẩng đầu lên thì thấy người đã đứng cạnh tôi tự lúc nào, người ôn tồn cất tiếng : “Ta chẳng phải là Bồ Tát Văn Thù mà chỉ là phàm tăng tên Phật Đà Ba Lợi. Mười kiếp về trước tại chùa Tây Minh, hai chị em thí chủ tha thiết thỉnh cầu ta hóa độ và ta đã hứa khả, do thiện duyên đó nên ta vẫn hằng ngầm hỗ trợ thí chủ. Từ dạo ấy đến nay, thí chủ một lòng một dạ hộ trì tam bảo, xây chùa cúng dường bố thí... vun bồi ruộng phước, nên kiếp nầy và kiếp kiếp về sau chắc chắn sẽ giàu sang sung sướng hơn người. Nhưng thí chủ phải hiểu rằng chính cái nghiệp quyền quí giàu sang đó nó ngầm chứa mối họa hung hiểm khó lường, vì đến kiếp nào đó ta có thể bị danh lợïi thúc đẩy mà gây ra nghiệp bạc ác rồi lại bị đọa đầy. Ta tiếc là tiếc cho thí chủ, tâm đạo bền vững mà chỉ biết chuyên tạo phước hữu lậu chớ không biết tu huệ. Chẳng gieo trồng nhân vô lậu thì làm sao vượt thoát khỏi các nẽo luân hồi?”. Lời dạy của Ngài khiến tôi rung động toàn thân, tôi gục đầu dưới chân Ngài, ấp úng từng chữ : “Con... con... đa tạ Bồ Tát từ bi nhắc nhở. Từ nay, con sẽ chuyên tâm tu huệ... Thưa Bồ Tát ! người chị em của con hiện nay tu tập đến trình độ nào rồi?” Bồ Tát chắc lưỡi, rồi than : “Em thí chủ trong những kiếp liên tiếp tu tập vững vàng, về sau, đã trở nên vị trụ trì uy danh, xây chùa lập đạo tràng Pháp Hoa độ chúng, không ngờ chỉ vì một hành vi sai trái mà phải chịu đọa lạc. Hỡi ôi! giờ đây, thân nàng phải làm kỹ nữ ở thành Bắc Kinh, chí hướng lạc lõng, không còn biết đạo pháp là gì. Cũng may, là nhờ công đức tụng kinh Pháp Hoa mười năm nên miệng lưỡi của nàng rất thù thắng : hơi thở thơm mùi hoa sen, giọng nói lời ca êm ái ngọt ngào... Người kỹ nữ nầy, trong tàng thức vẫn còn đầy ấp lời kinh, nên chỉ cần nghe một đoạn kinh Pháp Hoa, thì hạt giống thiện sẽ có cơ hồi phục... ” Dứt lời, bồ tát biến mất không cho tôi còn cơ hội hỏi han lưu luyến nữa. Tôi liền thỉnh giáo thầy tri khách chùa Hiển Thông về vị tăng có tên Phật Đà Ba Lợi, thì được biết Ngài là vị thánh tăng người Tây Thiên Trúc đã mang kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni sang Trung Quốc, Ngài lưu lại chùa Tây Minh dịch bản kinh nầy để lại cho hậu thế, đoạn vào hang Kim Cương Ngũ đài sơn bái kiến Ngài Văn Thù không trở lại, nên theo tương truyền thì thánh tăng đã được Bồ Tát Văn Thù thu nhận vào Pháp Hội của chư Bồ Tát rồi. Suy ra, thì sự mầu nhiệm mà tôi vừa trải qua không hẳn là mộng mị. Do đó, một mặt tôi thành khẩn sửa đổi lề lối tu tập của mình, mặt khác tôi phái hai tên tâm phúc đi Bắc Kinh vào khắp các kỹ viện dò tìm tông tích người kỹ nữ hơi thở thơm hoa sen. Sau khi họ khám phá được Liên Hương, tôi năn nỉ lang quân đích thân đến tận Nghinh Xuân viện kiểm chứng. Gặp Liên Hương tôi chỉ yêu cầu ngâm bài tán khen ngợi kinh Pháp Hoa, và đúng như Ngài Phật Đà Ba Lợi tiên đoán, Liên Hương liền nhớ ra và tụng làu làu toàn bộ. Điều đó chứng tỏ Liên Hương đúng là người em tiền kiếp của tôi rồi. Tôi sẽ lo lắng cho Liên Hương như người em nhỏ, tuy nhiên tôi không có ý gì ràng buộc Liên Hương cả. Liên Hương cứ tự do định đoạt số phận của mình, đi hay ở, trở về chốn cũ, lập gia đình hay làm bạn đạo với tôi, sao cũng được cả...
Liên Hương bàng hoàng trước những chuyện lạ lùng, bí hiểm mà phu nhân vừa kể. Nàng biết phu nhân là người thành thật, nàng kiểm chứng những điểm liên quan đến mình cũng thấy phù hợp, nhưng câu chuyện luân hồi nghiệp báo huyền hoặc quá, nhất thời nàng muốn tin tưởng hoàn toàn cũng không thể được. Nàng nghĩ ngợi miên man, khi tin khi chẳng tin, khi muốn làm lại cuộc đời khi muốn quay về nghiệp cũ. Thực tâm Liên Hương thiên về kiếp sống kỹ nữ, nàng quen thuộc với son phấn cầm ca nhộn nhịp, chớ chẳng làm sao hình dung nỗi chuỗi đời nhàm chán, nâu sòng chay lạt của một ni cô, nên nàng muốn gạt bỏ chuyện tiền kiếp qua một bên cho đỡ nhức đầu. Tuy nhiên, những câu kinh kỳ lạ cứ thi nhau nhảy múa trong ký ức nàng, nó lại thôi thúc nàng trở về với nếp sống đạo hạnh. Bị bao ý nghĩ mâu thuẩn thi đua nhau dằn xé, đầu óc Liên Hương căng thẳng cùng cực, nàng đâm ra ngây dại như người si ngốc, chợt vui chợt buồn, chợt đờ đẫn, thế rồi bỗng nhiên nàng ôm đầu khóc nức nở như một đứa trẻ con, cất tiếng rên rỉ :
- Tôi ! tôi ! tôi không biết phải làm sao cả ! Phu nhân chỉ bày cho tôi đi ! Mà tôi chính thiệt là ai vậy phu nhân? Phu nhân nói cho tôi biết tôi là ai đi?
- Liên Hương hãy bình tĩnh. Cứ tịnh dưỡng vài ngày cho khỏe, mọi việc mình sẽ bàn bạc sau.
Phu nhân cắt đặt người săn sóc Liên Hương chu đáo, bà cũng thường xuyên viếng thăm nhưng chẳng hề nhắc nhở câu chuyện cũ. Chờ cả tuần cho Liên Hương bình phục, phu nhân bắt đầu đưa nàng đi mua sắm tại thị xã Thái Nguyên, ngoạn cảnh Ngũ Đài, và thỉnh thoảng cũng ghé chùa lễ Phật. Thời gian đầu, Liên Hương tỏ ra rất chán ngán những chuyện liên hệ đến vấn đề tôn giáo. Nếu vạn bất đắc dĩ phải ghé chùa nàng thường giả vờ ngắm cảnh bên ngoài, tránh vào chánh điện lễ bái và tiếp xúc với giới tu sĩ...
Một hôm, phu nhân rủ nàng leo lên Bồ Tát đỉnh, viếng Văn Thù tự(#4). Ngôi chùa nầy ở trên đỉnh cao, phong cảnh đẹp và theo truyền thuyết là một trong những địa điểm mà Bồ Tát Văn Thù đã thị hiện nên rất linh ứng. Lần nầy, nể phu nhân Liên Hương cũng theo vào điện lễ bái dưới sự hướng dẫn của thầy tri khách. Lễ xong, phu nhân kính cẩn vái thầy tri khách thưa hỏi :
- Bạch thầy, tại sao Bồ Tát lại cầm kiếm, mặc áo giáp, cỡi sư tử vậy thầy?
Thầy tri khách hiểu phu nhân đã dư biết thâm nghĩa của tượng, nhưng có lẽ phu nhân hỏi với mục đích cho những kẻ tùy tùng có dịp lắng nghe đạo lý, nên thầy cố gắng trình bày vấn đề ngắn gọn cho người sơ cơ dễ hiểu :
- Thưa phu nhân ! Vì hạnh nguyện của chư Bồ Tát là hội nhập vào cuộc đời để cứu độ chúng sanh, Bồ Tát tùy hoàn cảnh mà ứng hiện làm quan, làm dân, kẻ bần hàn, người hành khất... do đó, tượng Ngài Văn Thù thường tạc dưới dạng của vị cư sĩ. Ngài là biểu trưng của trí huệ hay nói khác Ngài có ngũ trí nghiêm thân, tay mặt cầm gươm bén mang thâm ý là trí tuệ sắc bén như gươm báu phá tan vô minh, chặt đứt xích xiềng luân hồi sanh tử... tay trái Ngài cầm hoa sen tượng trưng sự trong sạch không ô nhiễm, có nghĩa là trí tuệ tinh khiết giải thoát chớ không phải loại trí tuệ dục lạc thường tình, Ngài mặc áo giáp nhưng không phải là giáp tướng sĩ, mà là áo giáp nhẫn nhục từ bi chịu đựng không cho những mũi dùi tấn công của thị phi, sân hận làm não loạn. Khi Bồ Tát giống lên tiếng Pháp trí tuệ viên mãn thì tà ma ngoại đạo phải khuất phục cũng như khi sư tử xuất hiện thì chồn cáo khép nép lẫn trốn, nên tượng Bồ Tát đã tọa trên sư tử. Thưa phu nhân! chúng ta chiêm ngưỡng tượng để nhắc nhớ hành hoạt và đức độ của Ngài hầu thành khẩn nguyện noi gương Ngài trao dồi trí tuệ, giữ lòng trong sạch, và phát triển đức nhẫn nhục.
Liên Hương ngạc nhiên tột độ. Nàng đinh ninh là chư Phật và chư Bồ Tát cũng tương tợ với thần Bạch Mi và thần Tài mà chị em kỹ nữ sùy sụp lạy để cầu đắt khách, nên đối với đạo Phật nàng chẳng có niềm tin gì đặc biệt. Nay vô tình nghe giảng sơ lược về ý nghĩa tượng trưng của pho tượng Ngài Văn Thù, nàng bỗng khám phá rằng Phật giáo chẳng phải là loại tín ngưỡng cúng kiến vái lạy với mục đích hối lộ thần thánh khẩn cầu xin xỏ quyền lợi, mà là một đạo giáo hướng dẫn con người tu sửa thân tâm hầu đạt đến một chân lý tối thượng nào đó. Chân lý như thế nào nàng mù mờ chẳng biết, nhưng nhận định nầy đã kích thích lòng hiếu kỳ của nàng, từ đó nàng quyết tâm tìm hiểu Phật giáo sâu rộng hơn. Càng học Phật nàng càng háo hức say mệ Nàng học hiểu Phật pháp thông suốt dễ dàng, giáo lý nào cũng cảm giác như đã từng miệt mài học qua mà bỗng quên đi, nay chỉ cần gợi lại thì trí nhớ liền phục hồi. Từng bước từng bước nàng sung sướng khám phá ra rằng nàng đã tìm lại đúng con đường xưa đã đi... , nàng biết rõ trong tiền kiếp đã tinh tấn học Phật, nàng chắc chắn từng là tu sĩ, đã chuyên trì tụng kinh Pháp Hoa... “Công đức tụng kinh Pháp Hoa, theo như cổ đức tán thán là : “Dầu cho tạo tội hơn núi cả. Chẳng nhọc Diệu Pháp vài ba hàng.”, thế nhưng tại sao thân ta phải chịu đọa đầy làm thân kỹ nữ nhục nhã như thế nầy? Tại sao? Tại sao?”, Liên Hương thầm than thở. Đó là điều cực kỳ vô lý mà Liên Hương không thể nào hiểu được, nàng đem thắc mắc của mình thưa thỉnh chư đạo đức cao tăng khắp các đại tùng lâm, nhưng chẳng ai đưa ra lời giải đáp nào thỏa đáng cả. Do đó, Liên Hương chỉ còn biết đặt niềm tin của mình vào chư Bồ Tát, vào Ngài Phật Đà Ba Lợi mà Hồ phu nhân đã có đại duyên gặp gỡ. Liên Hương thành khẩn hành hương chiêm bái khắp tự viện Ngũ Đài liên tục trong hơn hai năm trời ròng rã, khấn nguyện xin được thiện duyên để được Bồ Tát vạch rõ ẩn khúc ác nghiệp xưa cùng chỉ dẫn con đường chân chánh tu tập, nhưng chẳng thấy có sự nhiệm mầu nào xuất hiện cả. Tuy vậy, Liên Hương không nản lòng, nàng chỉ tự trách mình phước mỏng, nghiệp chướng sâu dầy nên manh nha ý muốn trở lại nếp sống của kẻ xuất gia hầu có thể tu tập tinh tấn hơn.
Một hôm Liên Hương leo lên đỉnh Tây Đài, chiêm bái ni viện Di Đà, ngôi chùa nằm lắt lẻo trên triền núi hướng Tây, nửa đường lên đỉnh. Tây đài mang mỹ danh là Quải Nguyệt Phong, nổi tiếng với cảnh mặt trời lặn ửng hồng nổi bật giữa hàng hàng lớp lớp mây muôn màu sắc cùng với cảnh bóng trăng treo đầu núi soi bóng bàng bạc khắp các giòng suối trong veo. Vị tổ khai sáng chùa Di Đà chuyên tu Tịnh độ, nên đã chọn địa điểm hướng về áùnh trời tây rực rỡ để nhắc nhở đệ tử luôn luôn quán tưởng về thế giới Cực Lạc phương Tây. Như thường lệ, Liên Hương thưa hỏi sư bà viện chủ điểm thắc mắc của mình. Sư bà không trả lời thẳng câu hỏi mà chỉ khuyên nàng đừng để mối nghi nan vương vấn làm chướng ngại sự tu tập, mà chỉ nên một lòng một dạ chân thành lễ Phật sám hối mà thôi. Khi tội chướng tiêu trừ, mọi việc sẽ hanh thông, thì nghi vấn cũng không tồn tại. Nhận thấy lời dạy của sư bà phù hợp với niềm tin của mình, Liên Hương khẩn khoản xin xuất gia và được sư bà thu nhận làm đệ tử. Nếp sống tu sĩ đạm bạc, ràng buộc với luật nghi, và phải chấp tác khổ cực dĩ nhiên hoàn toàn khác hẳn với nếp sống phè phỡn tại kỹ viện, nên Liên Hương phải cố gắng hết sức mới có thể hội nhập hài hòa với đại chúng.
Sau tám năm nghiêm túc tu tập, Liên Hương nhận thấy cần chí thành thực hành pháp lạy Phật sám hối tích cực hơn nên thỉnh cầu thầy xin được ẩn tu để có thể tự do theo đuổi một thời khóa riêng. Được sư phụ đồng ý, ni cô chọn một khuôn đất hẹp, nằm khép nép dưới chân núi Đãng Loa, thuộc Đài Hoài trấn, để cất một am tranh. Hồ phu nhân luôn luôn theo dõi nếp sống tu tập của ni cô, vội đề nghị cúng dường khoản tịnh tài lớn để ni cô phát huy đạo tràng độ chúng, nhưng ni cô khước từ. Ni cô chỉ nhận một ít thực phẩm đủ để sống kham khổ mà tu tập. Ngoài hai thời công phu Tịnh độ, hàng ngày Liên Hương lễ Phật sám hối tối thiểu năm thời, mỗi thời 108 lạy nhằm giải trừ 108 phiền não; riêng ngày rằm và ba mươi, trừ trường hợp tuyết đóng dày đặc ngăn cản, thường thì ni cô theo lộ Đại Trí để leo lên Đãng Loa đỉnh. Lộ Đại Trí(#5) gồm có 1080 nấc thang, tại mỗi bậc thang đá sư cô thầm xướng danh hiệu của một vị Phật hoặc Bồ Tát, giữ tâm thanh tịnh rồi chân thành lễ một lạy. Lên tới đỉnh, sư cô chiêm bái Ngũ Phương Văn Thù điện nguyện cầu Bồ Tát gia bị cho trí huệ sáng suốt thấy rõ con đường chánh pháp mà tu tập, rồi hạ san.
Mỗi lần đăng sơn, ni cô phải cụ bị lương khô nước uống và khởi hành từ khi trời tờ mờ sáng, và thường thì cũng phải đến xế chiều mới trở về am. Chín năm trôi qua, Liên Hương một lòng bền bĩ lễ Phật sám hối, thề tránh điều ác, luôn giữ tịnh giới để phát triển chân đạo đức. Một hôm, vào độ cuối thu lạnh lẽo, như thường lệ mỗi nấc thang sư cô mỗi lạy cho đến hai phần ba đường, tại khúc quanh rộng dùng làm chỗ cho khách hành hương nghỉ chân, ni cô dự định tạm dừng bước để dùng bữa ngọ. Ni cô bỗng thấy một người ăn xin già nằm chèo queo, run lập cập vì đói lạnh rất thảm thương, ni cô muốn cứu giúp nhưng chẳng có phương cách nào nên cảm thấy xấu hỗ ngại ngùng. Thấy bóng người, lão hành khất liền rên rỉ : “Ôi! tôi đói quá! tôi chết mất! Xin lạy bà con cô bác rũ lòng thương bố thí chút cơm thừa cho kẻ bần hàn..!”. Sư cô thầm nghĩ : “Khí trời giá buốt, lộ Đại Trí vắng khách hành hương, không ai nhìn thấy tình trạng bi đát của lão hành khất mà mở lòng từ bi giúp đỡ, e rằng lão phải chịu đói lạnh đến chết mà thôi!”. Thế nhưng ni cô chỉ mang theo một phần ăn ít ỏi cho cả ngày leo núi, một mình còn chưa đủ no thì còn chia cho ai, nên muốn bước tránh đi nơi khác cho khuất mắt. Ni cô bước đi mấy bước mà lòng cảm thấy bứt rứt bất an nên đành quay trở lại, cúng dường cho lão hành khất phần ăn của mình. Ni cô khuyên lão ăn lấy sức rồi xuống núi, kẻo bị chết vì cóng lạnh, rồi tiếp tục leo lên Đãng Loa đỉnh. Khi Liên Hương trở về, tuyết đã lất phất rơi, đường đi trơn trợt nguy hiểm mà ni cô lại đang đói lả, chân run rẩy bước đi lảo đảo, nên phải bám vào tay vịn lần từng bước một. Trời đã lờ mờ mà ni cô mới đi hơn nửa đường, nên ni cô lính quính cố gắng bước nhanh, chợt ni cô nhìn thấy một xác người hay bóng ma nằm lắt lẻo trên nấc thang, có thể lăn xuống vực bất cứ lúc nào. Ni cô niệm Phật để có thêm bình tĩnh, rồi bước đến xem xét. Thì ra, đó là lão hành khất mà Liên Hương đã tặng phần ăn, đường trơn trợt lão bị trật chân té đập đầu vào cạnh nấc thang từ lúc nào mà máu đã đông đặc. Liên Hương sờ ngực nghe tim còn đập thoi thóp, nên dù sức yếu cũng quyết định phải cứu người, chớ không thể bỏ đi một mình. May là người hành khất thân thể gầy gò không nặng lắm, Liên Hương vận dụng hết sức vác lên vai rồi bám vào tay vịn khập khễnh lê từng bước. Đi được non ba mươi nấc thang, chân Liên Hương rã rời chực khuỵu xuống, sức cùn kiệt không chịu đựng nỗi nên ni cô phải dừng lại thở. Xác người hành khất trên vai bỗng trĩu nặng rồi từ từ tuột xuống, ni cô hốt hoảng buông tay vịn để chụp xác lại, không ngờ bị mất thăng bằng ngã chúi xuống vực sâu đen ngòm, mà hai tay vẫn gắng gượng ôm người hành khất không nỡ bỏ rời.
Khi Liên Hương tỉnh dậy thì trời đã sáng tỏ, ni cô cảm thấy mình không bị thương tích chi, đúng là một phép lạ. Ni cô đảo mắt tìm lão hành khất thì thấy lão cũng điềm nhiên ngồi trên tảng đá đọc sách. Ni cô mừng rú lên : “Ông ! ông... ”, rồi bỗng sửng sốt lặng người. Vừa liếc mắt, ni cô biết ngay lão đang đọc quyển kinh mà ni cô đã dày công tụng niệm : Kinh Pháp Hoa, phẩm Bồ Tát Thường Bất Khinh. Ni cô còn đang bàng hoàng ngớ ngẩn thì lão hành khất trao cho ni cô quyển kinh rồi ôn tồn cất tiếng :
- Đây là “Như Ý thư”, con muốn đọc điều gì thì điều đó sẽ hiện ra. Con có muốn xem qua cho biết không?
Liên Hương trang trọng cầm quyển sách mở ra xem. Trước mắt ni cô không có hàng chữ nào, mà là toàn những hình ảnh linh động của chính Liên Hương trong kiếp trước từ khi còn thơ ấu, đi tu, xây dựng chùa Pháp Hoa, thuyết pháp, lập đạo tràng tụng kinh Pháp Hoa độ chúng... cho đến khi từ trần. Ni cô ràn rụa nước mắt thương cảm cho chính mình, mình đã tạo phước rất nhiều mà cũng gây nghiệp không ít. Thì ra, trong thời gian ni cô lập đạo tràng tụng kinh Pháp Hoa, có một nàng kỹ nữ xin được gia nhập. Trong đạo tràng có những vị phu nhân quyền quí cao sang cúng dường rộng rãi đã tỏ ra khó chịu khi phải ngồi tụng kinh chung với kẻ mà họ đánh giá là hạng “lẳng lơ trắc nết”. Nể trọng đám Phật tử quyền quí, ni cô buộc lòng tìm lý do hạ nhục để xua đuổi người kỹ nữ, đó là nguyên nhân khiến cho kiếp nầy ni cô đã phải sa chân làm gái giang hồ. Tuy nghiệp duyên oan trái rõ rệt, nhưng không lẽ công đức tụng kinh Pháp Hoa 10 năm của mình không đủ để làm tiêu cái nghiệp ác nầy sao? đó là điểm mà ni cô vẫn còn chưa hiểu được. Ni cô chân thành đảnh lễ lão hành khất mà bây giờ nàng tin chắc đó là hóa thân của một vị Bồ Tát, rồi cất tiếng :
- Kính lạy Bồ Tát! Gần hai mươi năm nay con không dám tụng kinh Pháp Hoa chỉ vì có điểm vẫn chưa hiểu được. Kính xin Bồ Tát từ bi giáo hóa con?
- Tông chỉ của kinh Pháp Hoa như thế nào?
- Thưa trong kinh Pháp Hoa Đức Phật đã vì đại sự nhân duyên mà khai ngộ TRI KIẾN PHẬT.
- Thế con đã trì kinh, đã mang ra áp dụng “tri kiến Phật” trong nếp sống tu tập hàng ngày như thế nào?
Ni cô bỗng hụt hẫng chới với. Từ thuở giờ ni cô đồng hóa tụng kinh là trì kinh, đến chừng bị lão hành khất hỏi đã áp dụng như thế nào, ni cô ngẩn ngơ không đáp được. Ni cô suy tư miên man, đầu óc căng thẳng như muốn nổ bùng, rồi bỗng ni cô trực nhớ đến hình ảnh lão hành khất ngồi đọc phẩm Bồ Tát Thường Bất Khinh, sư cô hốt nhiên thấy đầu óc sáng rực lên. Thì ra, Pháp Hoa Kinh nhằm chỉ rõ “Tri kiến Phật”, trì kinh tức là trì “Tri Kiến Phật”, ý thức là tất cả chúng sanh : ta và người, ai cũng có Phật tánh và đều là Phật sẽ thành cả. Trì kinh cũng có nghĩa là đối với tất cả chúng sanh, dù hèn mọn như thế nào, ta cũng tôn kính cúng dường như đối với một vị Phật, vị Phật tương lai. “Ôi! ta kiên trì tụng kinh Pháp Hoa mà còn khinh khi kẻ khác, vậy thì chính ta đã phỉ báng kinh chớ nào có thực sự trì kinh gì đâu? thảo nào ta chẳng bị đọa lạc”, tuy ni cô thầm than thở, nhưng thật ra, ni cô cảm thấy rất thảnh thơi an lạc vì vừa trút được một gánh nặng đeo đẳng hành hạ bao năm trời. Sư cô quì lạy cảm tạ Bồ Tát, dù Ngài đã biến dạng tự bao giờ.
Từ đó, tuy Liên Hương cũng bền bĩ giữ thời khóa lễ Phật sám hối như cũ, nhưng bây giờ ni cô có thể vững lòng tụng Kinh Pháp Hoa, càng tụng kinh ni cô càng thấy tâm từ bi bình đẳng đối với mọi loài chúng sanh mở rộng. Hai năm sau, ni cô nghĩ đã đến lúc mang thông điệp Phật tánh từ bi bình đẳng vào cuộc đời, nên dự định sẽ tha phương hành hóa cho đến khi thân thể mỏi mòn mới dừng lại ẩn tụ Thời gian làm kỹ nữ nổi danh, ni cô dành dụm được một tài sản khá to, ni cô đã xử dụng gần hết để cúng dường các tự viện trong khi chiêm bái Ngũ Đài, chỉ còn lại một ít nữ trang vẫn gởi cho Hồ phu nhân cất giữ. Nay ni cô đổi số nữ trang nầy thành 10 lượng vàng, chuẩn bị hành trang cho chuyến ra đi. Ni cô cũng đi chiêm bái khắp Ngũ Đài, lạy tạ từ sư phụ, rồi lễ sám hối 1080 lạy trên lộ Đại Trí lần cuối cùng. Bóng trăng rằm vằng vặc soi sáng, sư cô bước từng bước thảnh thơi rạng rỡ trở về am. Ni cô vừa mở cửa bước vào, thì bỗng có bóng đen hùng hổ nhảy vồ tới chụp ni cô, hắn xé toạt quần áo ni cô, vật ni cô xuống toan làm chuyện tồi bại. Ni cô thoạt giựt mình, nhưng hiểu ngay kẻ lạ là tên “đại đạo hái hoa” trong mấy tháng nay gây ra mấy vụ hãm hiếp tại trấn Đài Hoài, đã có lệnh truy nả mà chưa bắt được. Có lẽ, người ta đã đề cao cảnh giác cẩn mật phòng bị, hắn không làm chi được nữa nên mới tìm đến am nầy. Ni cô cất giọng nhỏ nhẹ :
- Xin anh hãy bình tĩnh nghe tôi phân giải. Không có gì mà anh phải hấp tấp, phải hung bạo cả. Anh muốn điều chi tôi cũng sẵn sàng phục vụ cho anh vui lòng mà.
Thấy hắn khựng lại, ni cô ôn tồn thuyết phục :
- Tôi hiểu cái “cơn sốt dâm dục” nhất thời đó không phải là con người thật của anh. Con người thật của anh là tình thương, là đạo đức. Xin anh hãy bình tĩnh trở về với con người thực đó đi.
Hắn bỗng xô ni cô ra, chửi thề một tiếng : “Con mẹ nó!”.
Ni cô vốn có giọng nói êm ả quyến rủ người nghe, ni cô lại nghiêm túc tu tập lễ Phật sám hối gần 20 năm trời, sư cô lại tụng kinh Pháp Hoa với tâm từ bi bình đẳng chan hòa, có lẽ, những công hạnh đó đã tạo cho lời bình thường thành diệu dụng có khả năng chuyển hóa phần nào kẻ ác. Mặt khác, hắn là kẻ mắc bệnh bạo dâm, khi cưỡng hiếp ai, nạn nhân càng sợ hãi, kêu khóc, cào cấu, dãy dụa... thì cơn dâm của hắn mới bùng nổ dữ dội và hắn mới cảm thấy khoái trá tuyệt đỉnh. Đằng nầy ni cô không chống cự la hét khiến hắn mất hào hứng, ni cô còn lè nhè nói điều đạo lý chán phèo khiến cơn dâm của hắn bỗng xìu xuống. Hắn thầm nghĩ lần nầy mình xui quá, người ta nói ra đường gặp ni cô xui xẻo, rất đúng, mình dây dưa ở đây có thể gặp nguy hiểm chớ chẳng chơi. Thế nhưng hắn vẫn còn ấm ức, hắn chửi thề rồi hươi dao định đâm chém ni cô một nhát cho bỏ ghét, nhưng khi nhìn phong thái an nhiên ni cô hắn đâm ra nể sợ, hắn gầm gừ mà chưa dám hạ thủ. Ni cô vẫn bình tĩnh :
- Anh cất dao đi! Tôi đâu có thiếu anh nợ máu mà anh định giết tôi. Tôi chỉ thiếu anh 5 lượng vàng, nay tôi sẵn sàng trả cho anh 10 lượng vàng tính cả vốn lẫn lời, anh hãy lấy vàng và đi đi...
Hắn chụp gọn 10 lượng vàng nhưng không chịu cất dao. Hắn gằng giọng :
- Con mẹ nó! ngươi nói cái đách gì vậy?
- Đây là món nợ tiền kiếp, mà hai năm trước đây do một duyên phước hy hữu tôi mới biết được. Kiếp trước tôi làm Viện Chủ chùa Pháp Hoa, huyện Vĩnh Châu. Anh có cho tôi mượn 5 lượng vàng để xử dụng gắp trong việc xây cất chùa. Tôi qua đời không kịp trả, nên món trợ đó vẫn còn trĩu nặng trên vai. Hai năm may, tôi vẫn mong chờ anh đến đòi nợ, không ngờ anh đến bằng cách nầy. Tóm lại, xin anh cho tôi trả nợ xưa và cũng xin tán thán công đức anh đã giúp đỡ tôi xây chùa kiếp trước. Anh à! Tôi biết anh vốn là người có tâm đạo, anh lỡ phạm lỗi lầm chẳng qua vì hoàn cảnh đưa đẩy mà thôi. Nếu anh hồi tâm lại thì sẽ biến thành người tốt tức thời... Tôi tin tưởng anh là người tốt mà...
Nghe lời nói ngọt ngào thấm sâu vào lòng người của ni cô, vẻ mặt hắn dịu hẳn xuống, hắn cất dao rồi lầm lũi bước đi. Ni cô tiếp tục nói vói theo :
- Đức Phật dạy “chúng sanh là Phật sẽ thành” nên tôi tin chắc rằng anh là vị Phật sẽ thành. Xin anh dừng lại, cho tôi được lễ một lạy tôn kính vị Phật tương lai.
Dứt lời, ni cô chân thành phũ phục xuống lễ anh ta như lễ một vị Phật. Hắn ngạc nhiên nhìn sửng ni cô, trọn đời hắn, hắn chưa hề được nghe ai nói một lời ngọt ngào huống chi là tán thán tôn trọng. Vị ni cô đứng trước mặt hắn, quần áo rách nát thân thể lõa lồ dưới ánh trăng, nhưng hắn lại thấy từ thân thể đó tỏa ra cái gì thật tinh khiết, thật thánh thiện khiến hắn cảm động nước mắt lưng tròng, hắn quì sụp xuống lạy lia lịa.
- Cảm tạ sư phụ! cảm tạ sư phụ giáo hóa đệ tử!
Hắn lập bập lên tiếng rồi phóng thật nhanh ra ngoài. Ni cô hân hoan mĩm cười. Ni cô vừa trân trọng trao đi một “thông điệp Phật tánh”.
Sư cô sẽ tiếp tục mang thông điệp nầy trao cho mọi người, mọi loài, trong kiếp nầy và mãi mãi về sau.
Tháng 6.2000
Chú thích:
(1-) Kỳ nữ Liên Hương : Long thơ Tịnh Độ của Vương nhựt Hưu, quyển 7 (bản dịch Sa môn Lê phước Bình, trang 206) có ghi sự tích chuyện “Pháp Hoa ni hậu thân tác quan hỷ” như sau : Ông Âu Dương tên Vĩnh Phúc làm chức tri huyện đất Vĩnh Châu, có một con hát nhà quan, trong miệng thường bay hơi thơm hoa sen. Khi ấy có ông tăng biết túc mạng của cô mà rằng : Cô nầy đời trước làm ni cô tụng kinh Pháp Hoa mười năm, vì một niệm tưởng lầm, bèn đến nỗi như thế nầy. Ông tăng lại hỏi : “Vậy cô có nhớ tụng kinh Pháp Hoa không?” Đáp rằng : “Từ khi thất thân đến nay có rảnh đâu mà tụng.” Ông tăng lấy kinh Pháp Hoa đưa cho thì cô tụng như nước chảy, lấy kinh khác đưa cho thì cô không đọc đặng. Do đây mà biết lời nói của ông tăng đáng tin vậy.
(2-) Ngũ Đài sơn : Ngũ đài sơn là một rặng núi tọa lạc tại vùng Đông bắc tỉnh Sơn Tây, gồm có đến hàng ngàn ngọn núi cao thấp khác biệt nhau, nhưng có năm ngọn cao vượt rõ rệt, sừng sững tợ như năm cái đài, nên rặng núi mang tên là Ngũ Đài sơn. Phong cảnh đồi núi chập chùng của Ngũ Đài sơn hùng vĩ, mỗi ngọn núi một vẻ thanh tú riêng. Đông Đài có tên là Vân Hải Phong là đỉnh núi mây phủ giăng lớp lớp như sóng biển, buổi bình minh ánh hồng rực rỡ giữa các từng mây như những hào quang chư Phật, ngôi chùa trên đỉnh vì vậy cũng có tên là Vân Hải tự. Nam Đài là nơi có nhiều kỳ hoa dị thảo bậc nhất Trung Quốc, vào mùa xuân muôn hoa đua nhau nở rộ phủ trên vách núi tợ như chiếc gấm thêu vĩ đại, nên đài có tên là Cẩm Tú Phong; trên đỉnh là chùa Phổ Tế, là địa điểm dễ thấy xuất hiện những trái cầu lửa hay còn gọi là đèn trí tuệ của Bồ Tát Văn Thù, di chuyển từ đài nầy đến đài khác (giáo sư John Blofeld cho biết đã mục kích hiện tượng nầy tại đây). Tây Đài nổi tiếng với cảnh trăng treo đầu núi nên được gọi là Quải Nguyệt phong; bóng trăng đêm bàng bạc nhảy múa trên giòng suối và cảnh mặt trời lặn giữa các vầng mây muôn màu rực rỡ là mỹ cảnh của Tây Đài. Bắc Đài có tên là Diệp Đẩu phong, có chùa Linh Ưùng là đỉnh núi địa đầu đón giá lạnh của miền Bắc, mùa đông băng tuyết phủ giăng, là địa điểm ngắm cảnh bao la của thảm tuyết trải dài vô tận về phương Bắc. Trung Đài, có tên là Thúy Diệp phong, với ngôi Vân Triều tự, là địa điểm trung ương có cái nhìn toàn diện phong cảnh tuyệt vời của cả vùng. Trung tâm Ngũ Đài sơn, một vùng đất bằng ở độ cao 1600 thước là Đài Hoài trấn, từng là nơi qui tụ cơ sở hành chánh và quân sự của miền Bắc, cũng là nơi qui tụ các ngôi đại tự chính của Ngũ Đài như : Đại Hiển Thông tự, Bồ Tát tự, Đại Tháp viện tự, Thù Tượng tự, Phật Quang tự, Đãng Loa đỉnh tư...
Ngũ Đài sơn được tôn kính là thánh địa của Bồ Tát Văn Thù, niềm tin nầy đã xuất hiện ngay vào khoảng thế kỹ thứ nhứt dương lịch. Theo truyền thuyết thì các vị cao tăng Thiên Trúc, trong đó có Ngài Ca Diếp Ma Đằng, sau khi nghiên cứu kinh điển đã đoan quyết vùng Ngũ Đài chính là trụ xứ địa của Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, nên đã hành hương Ngũ Đài sơn đảnh lễ Ngài Văn Thù. Ngài Ca Diếp Ma Đằng cũng là vị tăng đầu tiên phát nguyện ở lại Ngũ Đài hoằng dương Phật Pháp. Trong những thế kỹ kế tiếp, chư tăng Thiên Trúc, Nepal, Tây Tạng cũng lần lượït hành hương chiêm bái, có vị đã được Bồ Tát Văn Thù hiển thánh tiếp kiến, như chuyện của Ngài Phật Đà Ba Lợi và Ngài Pháp Chiếu (tổ tịnh độ thứ tư Tịnh Độ tông). Vào thế kỷ 20, Ngài Hư Vân hòa thượng nhứt bộ nhứt bái hành hương Ngũ Đài sơn kể lại đã gặp một người hành khất tên Văn Cát giúp đỡ, về sau mới được biết người ăn mày nầy chính là Ngài Văn Thù thị hiện.
(3-) Hiển Thông tự : Đây là ngôi đại tự đã bắt đầu xây dựng từ cuối thế kỹ thứ nhứt và có tên là Đại Thù Linh Ưùng tự, đến đời Minh đổi thành Đại Hiển Thông tự. Hiển Thông tự từng được các tổ sư danh tiếng như Ca Diếp Ma Đằng (?), Thanh Lương Trừng Quán (tổ thứ 4 Hoa Nghiêm tông)... trụ trì, được tôn kính là ngôi chùa lãnh đạo toàn thể tự viện Ngũ Đài, là địa điểm mà chư tăng khắp Ngũ Đài tề tựu về đây để hành đại lễ, giới đàn...
Hiển Thông tự với diện tích rộng 120 mẫu tọa lạc trên ngọn Ưùng Phong, gồm có nhiều ngôi điện rộng lớn, đặc biệt ngoài điện Đại Văn Thù với tượng Bồ Tát cỡi sư tử, còn điện Thiên bát Văn Thù, với tượng Bồ Tát Văn Thù năm đầu, mười một mặt, ngàn tay ẩn hiện ngàn tượng Phật Thích Ca và ngàn bình bát. Ngoài ra, còn có điện Vô Lượng Phật rộng 28.2 thước x 16 thước trong có chứa bộ huyết Kinh Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm trên lụa trắng (Theo sử liệu thì tổ Hám Sơn đã chủ trì pháp hội Thủy Lục tại đây và đã đặt bộ kinh Hoa Nghiêm do ngài đích thân viết bằng máu tại tháp chùa, không biết có phải đúng là bộ kinh nầy không?). Ngôi điện nhỏ mà nổi tiếng là ngôi điện hai tầng xinh xắn, toàn bằng đồng (10 vạn cân), trên vách chạm trổ tinh vi có đến mười ngàn tượng Phật nhỏ.
(4-) Văn Thù tự : Chùa tọa lạc trên Bồ Tát đỉnh, đường lên đỉnh gồm 108 nấc thang rộng rãi, hai bên đầy hàng quán bày bán Phật cụ, đồ vật kỹ niệm, hay thức ăn nước uống. Đây là nơi nổi linh thiêng vì theo truyền thuyết thì Bồ Tát Văn Thù đã thị hiện tại đỉnh nầy. Chùa có nhiều điện to lớn và phòng ốc mênh mông nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 50 tăng lưu trú. Chùa có nguyên ủy là theo Phật Giáo Bắc Tông, nhưng vào đời nhà Thanh chẳng biết vì lý do gì chùa đã chuyển giao cho các vị Lạt Ma Tây Tạng (hồng mạo phái) nắm giữ. Do đó, tuy kiến trúc và hình thức thờ phượng vài điện còn giữ theo truyền thống Trung Quốc (thí dụ như Văn Thù điện), một số kiến trúc và hình thức thờ phượng nơi khác lại mang sắc thái Lạc Ma giáo.
(5-) Lộ Đại Trí : là con đường xây dựng bằng 1080 nấc thang đá, đưa lên Đãng Loa đỉnh. Chùa Đãng Loa có tầm nhìn thấy toàn cảnh Ngũ Đài, nên rất thuận tiện để chiêm ngưỡng hiện tượng đèn trí huệ di chuyển (Tổ Hư Vân đã mục kích hiện tượng đèn trí tuệ tại đây). Đây là một ngôi chùa Tịnh Độ tông hiếm hoi tại Ngũ Đài, có điện thờ Tây Phương Tam Thánh rất to, ngôi điện nhỏ nổi tiếng là Ngũ Phương Văn Thù điện.