Tính Chất Của Tội Lỗi
Tác giả: J. Clyde Turner
Trong Kinh Thánh có nhiêu danh từ đã được dùng để chỉ sự tuyệt giao giữa con người và Ðức Chúa Trời. Ðó là sự vi phạm, sự độc ác, sự hung dữ, sự xúc phạm, sự trái lệnh và bất tuân luật pháp. Nhưng chữ được dùng thường nhất để nói về sự hư hỏng của con người là " tội lỗi ". Ðó là chữ chính Ðức Chúa Trời đã dùng. Khi cảnh cáo Ca-in, Ngài phán rằng: " Còn như chẳng làm lành, thì tội lỗi rình đợi trước cửa " (Sáng-thế-ký 4:7)
Nghĩa gốc của chữ được dịch ra thành " tội lỗi " là " mất dấu " hay " thiếu kém ". Có tội lỗi là không đạt đến mục tiêu Ðức Chúa Trời đã đặt để. Phao lô bày tỏ trong Rô-ma 3:23: " Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời. " Họ không đạt đến điểm Ðức Chúa Trời đã dự định cho họ.
I. Kẻ gây ra tội lỗi
Vài điều về khởi điểm của tội lỗi, đã được đề cập đến, ở chương vừa qua. Tất cả những điều chúng ta biết về tội lỗi, đã được ghi chép trong bảy câu đầu của chương III Sáng-thế-ký. Tuy tên Sa-tan không được nêu ra, nhưng hiển nhiên Sa-tan chính là kẻ gây ra tội lỗi. Câu chuyện ghi chép đã khải thị vài phương cách nó đã dùng lúc đầu, và còn đang tiếp tục dùng đến.
1) Che giấu tung tích:
"Vả trong các loài thú đồng mà Giê-hô-va Ðức Chúa Trời đã làm nên, có con rắn là giống quỉ quyệt hơn hết" (Sáng-thế-ký 3:1). Ðó là lý do khiến Sa-tan đã chọn con rắn, trong các loài thú khác--vì rắn là vật xảo quyệt nhất.
Sa-tan có nhiều lối trá hình, để ẩn mình. Chẳng bao giờ nó lộ ra, trước mặt người và tự giới thiệu rằng: "Ta là ma quỉ đây." Phao lô nói nó thường xuất hiện như một thiên sứ sáng láng: "Nào có gì lạ, chính quỉ Sa-tan mạo làm thiên sứ sáng láng" (II Cô-rinh-tô 11:14).
2) Gieo hoài nghi về lòng thương yêu của Ðức Chúa Trời
"Rắn nói cùng người nữ rằng: Mà chi! Ðức Chuá Trời há có phán dặn các ngươi không được phép ăn trái cây trong vườn sao?" (Sáng-thế-ký 3:1). "Nhưng Ðức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Ðức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác" (Sáng-thế-ký 3:5). Nó muốn nói rằng Ðức Chúa Trời giấu không cho hai người biết, những gì họ có thể có được.
3) Xuyên tạc lời Ðức Chúa Trời
"Rắn bèn nói với người nữ rằng: Hai ngươi chẳng chết đâu" (Sáng-thế-ký 3:4). Ma quỉ đã thắng trận lớn, khi làm cho người ta hoài nghi sự thật của lời Ðức Chúa Trời. Ngài phán: "Linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết" (Ê-xê-chi-ên 18:4). Ma quỉ nói: "Các ngươi sẽ chẳng chết đâu." Ngài phán: "Tiền công của tội lỗi là sự chết." (Rô-ma 6:23); ma-quỉ nói: "Các ngươi sẽ chẳng chết đâu."
4) Khêu gợi lòng ham muốn tự nhiên của đàn bà
"Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quí vị để mở trí khôn, bèn hái ăn" (Sáng-thế-ký 3:6). Nhiều năm sau đó, Giăng đã viết về "sự mê-tham của mắt và sự kiêu ngạo của đời" (I Giăng 2:16). Chúng ta nhớ lại ma-quỉ đã cám dỗ Chúa ba lần.
5) Dụ dỗ đàn bà để làm xiêu lòng đàn ông
"... rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa" (Sáng-thế-ký 3:6). Chúa Jêsus phán cùng người đã dâng đời mình cho Ngài rằng: "... và làm chứng về ta..." (Công-vụ-các-sứ-đồ 1:8); và ma quỉ đã nói với những kẻ đã giao đời mình cho nó rằng: "Các ngươi sẽ làm chứng cho ta" . Ma quỉ có nhiều nhân chứng ở trên thế gian hơn Chúa, và đã nhiều lần, những nhân chứng nầy tỏ ra nhiệt thành hơn nhân chứng của Ðấng Christ nhiều lắm.
II Bản chất của tội lỗi
Trên thế gian, có nhiều quan niệm khác nhau về tội lỗi. Có người phủ nhận sự hiện hữu của tội lỗi, nhưng sự phủ nhận sự hiện hữu của tội lỗi không làm cho cho nó bị tiêu diệt. Về thái độ nầy, Ðức Chúa Trời có nhấn mạnh vài điều: "Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta" (I Giăng 1:8).
"Nhược bằng chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho Ngài là kẻ dối, lời Ngài không ở trong chúng ta" (I Giăng 1:10).
Có người cười cợt khi nghe nói đến tội lỗi. Ðức Chúa Trời cho những kẻ nầy là ngu dại: "Kẻ ngu dại phỉ báng tội lỗi" (Châm-ngôn 14:9). Quả thật, không có gì ngu dại nhất trên đời cho bằng cười cợt tội lỗi.
Có người lại khoe khoang tự phu về tội lỗi của họ. Ê-sai khi tả tội lỗi của Giê-ru-sa-lem và Giu-đa đã nói: "Bộ mặt họ làm chứng nghịch cùng mình; họ nêu tội rõ ràng như thành Sô-đôm chẳng giấu chút nào" (Ê-sai 3:9). Tục ngữ có câu: "Kẻ nào mắc phải tội lỗi là con người, kẻ nào khổ sở vì tội lỗi là thánh; kẻ nào tự phụ về tội lỗi mình là ma-quỉ."
Nhưng có lẽ thái độ nguy hiểm nhất đối với tội lỗi là chế giảm bớt nó đi, để cho nó trở thành không lấy gì làm xấu cho lắm. Sự nầy được gọi bằng nhiều tên, chẳng hạn như sự không thích hợp, điều hợp, điều sai lầm thất cách, hoặc cả bệnh tật nữa, vì con người không phải chịu trách nhiệm về những điều nầy. Nhưng dù có đổi tên một vật gì, thì bản chất nó vẫn còn đó.
Thần khoa Tấn sĩ Chapman thường kể chuyện một mục sư, đã thuyết giảng về đề tài tội lỗi một cách sốt sắng. Một trong những chức viên Hội Thánh, sau đây đã đến nói với ông ta rằng: "Chúng tôi không muốn ông bàn về tội lỗi một cách quá rõ ràng, bởi vì nếu con cái chúng, trai và gái, được nghe ông nói về tội lỗi như thế, chúng sẽ dễ trở nên phạm tội. Tùy ý ông muốn gọi tội lỗi là điều lầm lẫn hay gì đó, nhưng chớ nói rõ ràng về nó."
Ông mục sư bèn lấy một chai nhỏ đựng chất si-trích-nin (Strychnine) ngoài có nhãn đề "thuốc độc" và đưa cho ông kia mà nói rằng: Tôi hiểu ông muốn bảo tôi làm gì. Ông muốn tôi đổi cái nhãn. Bây giờ giả như tôi bóc cái nhãn nầy và thế vào một cái nhãn khác đề "dầu thơm bạc hà" chẳng hạn, ông biết sự gì sẽ xảy ra không? Ông làm cái nhãn càng ngọt ngào bao nhiêu, thì chất thuốc độc bên trong càng nguy hiểm bấy nhiêu." Có muốn gọi tội lỗi bằng gì đi nữa thì nó cũng là điều gớm ghiếc mà Ðức Chúa Trời thù ghét.
Chúng ta quen diễn tả tội lỗi như một vật gì đen tối. Chúng ta nói đến những tội ác mờ ám người ta đã phạm. Nhưng đó không phải là chữ của Ðức Chúa Trời dùng để diễn tả tội lỗi. Ngài đã gọi nó là đỏ, là hồng điều: "Ðức Giê-hô-va phán: Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên" (Ê-sai 1:18).
Một người chuyên môn về ngành nhuộm vải, cũng cho kinh nghiệm về điều nầy. Người ấy nói rằng họ có thể đổi hàng vải từ màu nầy sang màu kia, không khó khăn gì, trừ trường hợp màu đỏ. Màu đen đổi ra màu khác rất dễ. Nhưng với màu đỏ thì không thế. Họ có thể làm thay màu một lúc, nhưng sớm muộn gì màu hồng điều cũng lòi ra.
Ðức Chúa Trời diễn tả tội lỗi không bằng màu đen mà bằng màu đỏ. Tội lỗi là màu nhuộm ăn sâu và khó thay đổi. Trên khắp thế gian, vật duy nhất có thể tẩy sạch tội lỗi là máu của Ðấng Christ: "Huyết của Ðức Chúa Jêsus, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta" (I Giăng 1:7).
Hình như Phao-lô không tìm ra chữ mà người ta cho là có đủ sức mạnh mẽ để diễn tả tánh chất ghê gớm của tội lỗi. Sau khi tìm kiếm suốt cả trong từ ngữ, ông chỉ có thể nói về tội lỗi như là "điều vi phạm quá độ." Và ông không diễn tả một tội lỗi riêng biệt nào. Phao lô không chỉ rõ một trọng tội nào, và nói: "Ðó là điều vi phạm qúa độ." Tất cả mọi tội lỗi, bất cứ tội gì, đều vi phạm qúa độ. Như thế không có nghĩa là, có vài tội lỗi không nặng hơn các tội lỗi khác. Chắc chắn phải có những tội lỗi nặng hơn chứ. Nhưng Phao-lô đã có ý nhấn mạnh ở sự kiện là tất cả mọi tội lỗi, trong bản chất đều ghê gớm cả.
1) Những gì chống lại với Ðức Chúa Trời
Chúng ta bàn về sự phạm tội đối với người đồng loại và chính chúng ta cũng đã phạm tội lỗi ấy. Nhưng tất cả mọi tội lỗi đều chống lại Ðức Chúa Trời, Giăng nói: "Còn ai phạm tội tức là trái luật pháp" (I Giăng 3:4). Kinh Thánh, bản "Kinh James", chép rằng: "Tội lỗi là sự phạm pháp." Nhưng luật pháp của ai? Ðó không phải là luật pháp của loài người. Chúng ta không nói đến sự phạm luật lệ do con người đặt ra là tội lỗi. Chúng ta không nói đến sự phạm luật lệ do con người đặt ra là tội lỗi. Chúng ta có những danh từ khác để ám chỉ điều đó, như khinh tội, trọng tội, tội ác v.v... Danh từ tội lỗi được dành riêng để chỉ sự phạm luật pháp của Ðức Chúa Trời.
Ðiều làm cho tội lỗi ghê gớm như vậy là vì nó chống lại một Ðức Chúa Trời thánh khiết và đầy tình yêu thương. Sự nhận thấy lẽ thật đó làm cho lòng Ða-vít bị đau đớn. Khi đã được biết chắc mình phạm tội lớn, Ða-vít bèn kêu to rằng: "Ta đã phạm tội cùng Ðức Giê-hô-va" (II Sa-mu-ên 12:13). Quả đúng như vậy, Ða-vít đã phạm tội đối với U-ri và vợ người, nhưng điều ghê gớm nhất là Ða-vít đã phạm tội cùng Ðức Chúa Trời. Sự thật nầy, đã làm tan nát quả tim Ða-vít; nên khi cầu nguyện sám hối người đã nói: "Tôi đã phạm tội cùng Chúa, chỉ cùng một mình Chúa thôi, và làm đều ác trước mặt Chúa" (Thi-thiên 51:4).
Ma quỉ đã dẫn dắt người đàn bà đầu tiên vào con đường tội lỗi, không phải vì nó chú ý đến sự họ được cứu rỗi hoặc bị hư mất. Mục đích trước tiên của họ là lợi dụng tội lỗi của họ để có thể công kích Ðức Chúa Trời. Ðó là ý định sơ khởi của nó khi gây nên mọi tội lỗi. Mới ban đầu nó không chú trọng đến sự bạn và tôi được cứu chuộc hay bị hư mất. Mục đích chính của nó là dẫn dắt chúng ta vào đường tội lỗi, để có thể dùng chúng ta đặng chống lại Ðức Chúa Trời. Tội lỗi có nghĩa là như thế--chúng ta tự đặt mình vào tay của Sa-tan để nó có thể dùng chúng ta làm cho Ðức Chúa Trời đau lòng.
Ðể có một ý niệm đầy đủ về bản chất thật sự của tội lỗi, chúng ta phải đi đến thập tự giá. Tội lỗi đã đóng đinh Con Ðức Trời trên thập tự giá. Chính tội lỗi đã cầm roi quất vào lưng Ngài cho đến khi chảy máu ra; chính tội lỗi đã kết vòng gai và đè vòng ấy lên trán Ngài; chính tội lỗi đã dùng buá đóng đinh vào tay chân Ngài; chính cái mà chúng ta gọi là tội lỗi đã đóng đinh Con Ðức Chúa Trời vào thập tự giá.
Tội lỗi của ai đã đóng đinh Ðức Chúa Trời Jêsus Christ trên thập tự giá? Có người sẽ nói: "Ðó là tội lỗi của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã phản bội đưa Ngài vào tay kẻ thù Ngài", hoặc "Ðó là tội lỗi của những nhà cầm quyền Do-thái đã lên án tử hình Ngài", hoặc "Ðó là tội lỗi của Bon-xơ Phi-lát đã giao Ngài cho bọn lính La-mã", hoặc "Ðó là tội lỗi của bọn lính La-mã đã đóng đinh Ngài trên thập tự giá". Ðành rằng tội lỗi của những kẻ trên đây đã dự phần vào sự đóng đinh Con Ðức Chuá Trời trên thập tự giá, nhưng chẳng phải chỉ có họ là những kẻ phạm tội mà thôi.
Chính tội lỗi của thế gian nầy đã đóng đinh Ðức Chúa Jêsus Christ. Tội lỗi của các bạn và tôi cũng có dự phần trong đó. Ðối với chúng ta, thập tự giá là một sự kiện lịch sử; nhưng đối với Ðức Chúa Trời đó là một sự diễn tiến đời đời.
Kinh Thánh đã nói đến sự Con Ðức Chúa Trời bị đóng đinh trên thập tự giá một lần nữa. "Vì họ đóng đinh Con Ðức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường" (Hê-bơ-rơ 6:6). Ðó là điều mà con người làm, khi họ chối bỏ tình yêu của Ðức Chúa Trời trong Ðấng Christ, và buông mình trong tội lỗi. Họ đã chứng minh bằng việc làm, chứ không phải chỉ bằng lời nói rằng: "Hãy để cho tôi cầm roi đặng tôi có thể quất vào lưng Ngài; hãy để cho tôi cầm vòng gai, để tôi có thể ép lên trán Ngài; hãy để cho tôi cầm búa đặng tôi có thể đóng đinh vào tay chân Ngài."
2) Tính cách bao trùm thế gian của tội lỗi
Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước đều chứng minh rằng tội lỗi có tánh cách bao trùm toàn thể nhân loại. Sa-lô-môn đã nói: "Không có người nào chẳng phạm tội" (I Các Vua 8:46). Tác giả Thi-thiên đã tuyên bố: "Chẳng có ai làm điều lành dẫu một người cũng không" (Thi-thiên 53:3). Lối nói của Giăng đanh thép hơn: "Nhược bằng chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, tức chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối, lời Ngài không ở trong chúng ta" (I Giăng 1:10). Và Phao-lô tóm tắt điều nầy như sau: "Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời" (Rô-ma 3:23).
Chữ "mọi" hay "tất cả" là một danh từ rất ngắn nhưng bao trùm vô số người, từ thuở khai nguyên cho đến mọi thế hệ đã sinh tồn trên qủa đất, xuyên qua đại dương và lục địa, và bao gồm mỗi con người, trong thế gian ngày nay. Chữ "tất cả" còn bao trùm thời gian cho đến ngày tận thế, và lôi cuốn tất cả những thế hệ mai sau.
Ðây chẳng những là sự chứng dẫn của Kinh Thánh mà còn là sự làm chứng do kinh nghiệm bản thân của mỗi người. Không bao giờ có một người đàn ông hay đàn bà công nghĩa hoàn toàn. Những người đã đạt đến tột đỉnh của sự từng trải trong cuộc đời làm tín đồ Cơ-đốc, là những người sẵn sàng công nhận những khuyết điểm và thiếu sót của họ hơn hết. Tất cả không phạm tội lỗi như nhau. Có người đã đi sâu vào tội lỗi hơn những người khác, nhưng không có ai là không phạm tội lỗi.
Có người không tự sắp họ vào loại phạm tội lỗi vì họ không phạm vào những tội lỗi thô tục của xã hội. Họ không phải là những người ghiền rượu, trộm cắp, ngoại tình hay làm điều độc ác. Nhưng họ có thể phạm tội lỗi khác mà những tội lỗi nầy, đối với Ðức Chúa Trời, cũng là điều xấu không kém. Ðó là điều lầm lẫn của người Pha-ri-si trong đền thờ. "Lạy Ðức Chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm..." (Lu-ca 18:11).
Người Pha-ri-si đã nghĩ rằng vì họ không phạm những tội lỗi thường tục của thế gian, nên họ không phải là người tội lỗi. Nhưng họ đã phạm tội giả đạo đức là một trong những tội xấu xa nhất đối với Ðức Chúa Trời. Không lúc nào Chúa Jêsus tỏ vẻ tức giận một cách chánh đáng hơn, khi Ngài nói với những kẻ giả đạo đức. "Khốn cho các ngươi thầy thông giáo và người Pha-ri-si là kẻ giả hình!" (Ma-thi-ơ 23:15).
Sự vô tín được Kinh Thánh coi là tội lỗi nặng hơn hết. Khi nói về sự Ðức Thánh Linh sẽ đến, Chúa Jêsus phán rằng: "Khi Ngài đến thì sẽ khiến thế gian tự cáo về tội lỗi, về sự công bằng và về sự phán xét. Về tội lỗi, vì họ không tin ta" (Giăng 16:8-9). Trước giả Hê-bơ-rơ đưa ra lời cảnh cáo rằng: "Hỡi anh em, hãy giữ lấy, kẻo ai trong anh em có lòng dữ và chẳng tin mà trái bỏ Ðức Chúa Trời hằng sống chăng" (Hê-bơ-rơ 3:12). Chúa Jêsus chẳng phán: "Ngài sẽ khiến thế gian tự cáo về tội lỗi, vì họ là những kẻ say sưa, sát nhân, tà dâm ", v.v... nhưng "bởi vì họ không tin ta." Trước giả Hê-bơ-rơ không nói: "Sợ e trong anh em có lòng dạ hung dữ, giết người, tà dâm" hay tội lỗi nào khác, nhưng "lòng dạ, hung dữ, chẳng tin tưởng gì."
Mấy năm trước đây, theo lời tường thuật của tờ "Sun day School Times" (Trường Chúa nhật thời báo). Bác-sĩ Eugene Lyman Fisk, nhà khảo sát y-lý của viện Phát-triển sinh tồm, đã phát biểu: "Ðứng về phương diện thể chất, tất cả chúng ta đều bị thiếu sót. Sự hoàn thị về thể chất, là điều khó thể có được ở đời nầy. Người ta đã bỏ rơi mọi hy vọng, tìm thấy một cơ thể hoàn toàn, và tôi còn có thể nói thêm rằng cơ thể hoàn toàn là điều không đạt được nữa rồi. Trong những người tôi khám bịnh về loại A. Những người thuộc về loại B cũng rất hiếm. Trẻ em mới sanh ra đời cũng không có một cơ thể hoàn toàn."
Nếu điều nầy đúng với cơ thể vật chất của con người, thì đối với bản chất tinh thần của họ còn đúng đến đâu. Chẳng có kiểu mẫu nào hoàn toàn cả. Nhà vật lý học vĩ đại: "từ trên trời nhìn xuống con loài người, đặng xem thử có ai thông sáng, tìm kiếm Ðức Chúa Trời chăng"; Lời phán quyết là: "Chúng nó thay thảy đều lui lại cùng nhau trở nên ô uế, chẳng có ai làm điều lành, dầu một người cũng không" (Thi-thiên 13:2-3).
3) Tội lỗi không tha thứ được
Kinh Thánh có nói đến một tội lỗi không thể tha thứ được. Ðức Chúa Jêsus phán: "Ấy vậy, ta phán cùng các ngươi, các tội lỗi và lời phạm thượng của người ta đều sẽ được tha; song lời phạm thượng đến Ðức Thánh Linh thì sẽ chẳng được tha đâu. Nếu ai nói phạm đến Con người, thì sẽ được tha; song nếu ai nói phạm đến Ðức Thánh Linh, thì dầu đời nầy hay đời sau cũng sẽ chẳng được tha" (Ma-thi-ơ 12:31-32).
Trong Hê-bơ-rơ 10:26 chúng ta có lời chép: "Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa." Và trong I Giăng 5:16 chúng ta đọc: "Vì có kẻ thấy anh em mình phạm tội, mà tội không đến nỗi chết, thì hãy cầu xin, và Ðức Chúa Trời sẽ ban sự sống cho, tức là ban cho những kẻ phạm tội mà chưa đến nỗi chết. Cũng có tội đến nỗi chết, ấy chẳng phải vì tội đó mà ta nói nên cầu xin."
Vì Ðức Chúa Jêsus đã phán rằng chỉ có một tội lỗi không thể tha thứ được, những đoạn trên đã ám chỉ điều đó. Tội lỗi nhắc đến trong những đoạn Kinh Thánh trên, không tha thứ được, chẳng phải vì Ðức Chúa Trời không muốn tha thứ, nhưng bởi tâm hồn kẻ phạm tội đã thành cứng cỏi đến nỗi không còn có thể đáp lại ảnh hưởng thiên thượng. Sự sợ hãi của những người tưởng mình đã phạm tội lỗi không thể tha thứ, chứng minh rõ ràng họ không có phạm tội lỗi đó. Vì khi ai đã phạm tội lỗi ấy họ không còn cảm thấy nữa. Ðiều đó cũng giống như chất xi-măng đã dần dần cứng lại.
Tội lỗi không thể tha thứ được ấy là gì? Kinh Thánh không khải thị nhiều về điều nầy. Chúa Jêsus đã lên án người Pha-ri-si, vì họ đã cho rằng Ngài làm phép lạ bởi quyền năng của quỉ Sa-tan, chớ không phải của Ðức Thánh Linh. Nhưng đó tột độ của thời kỳ lâu dài chai lòng đối với Ðấng Christ. Và cuối cùng, họ đã chối bỏ Ngài một cách có ý thức, cố ý và hiểm độc.
Vậy đoạn Kinh Thánh trên và nhiều đoạn khác nữa, có lẽ rằng tội lỗi không thể tha thứ kia là sự cứng cỏi trường kỳ chống lại ảnh hưởng thiên thượng để kết tụ thành một hành động chối bỏ dứt khoát và cố định.
Tấn sĩ A. H. Strong đã trích dẫn lời Tấn sĩ J.P. Thompson giải thích về tội lỗi không thể tha thứ được như sau: "Tội lỗi không thể tha thứ được là sự chối bỏ cách ý thức, cố tình, ngoan cố, khinh bỉ và có ác tâm, những chân lý và ân điển thiêng thượng mà quyền năng cảm động và soi sáng của Ðức Thánh Linh bày tỏ ra cho linh hồn." (Hệ thống Thần đạo học trang 350).
III. Hậu quả của tội lỗi
Những hậu qủa của tội lỗi có tính cách vừa tức khắc vừa xa xôi, vừa vật chất vừa tinh thần. Tội lỗi đem lại hậu qủa tức khắc trong trường hợp A-đam và Ê-va. Họ đã bị đặt trong tình trạng sầu khổ và chết chóc. Họ đã bị đuổi ra khỏi vường và bị xa cách Ðức Chúa Trời.
Còn có vài tội lỗi nữa cũng đem lại hậu qủa tức khắc. Có nhiều người thể xác và tinh thần, bị dày vò bởi tội lỗi của họ. Ðó là những kẻ kéo dài cuộc đời sau chấn song nhà tù bởi tội lỗi của họ. Và có thể nói rằng tất cả những nỗi thống khổ trên thế gian nầy đều kết quả trực tiếp hay gián tiếp của tội lỗi, vì nếu không có tội lỗi, những điều đó sẽ không hề xảy ra.
Chữ hay nhất và hay dùng nhất để diễn tả hậu quả của tội lỗi là: "Sự chết". Tội lỗi là sự vi phạm luật pháp của Ðức Chúa Trời. Luật pháp mà không đem sự trừng phạt đến những kẻ phạm tội thì còn giá trị gì? Những cơ quan lập pháp có thể biểu quyết luật lệ, nhưng nếu không có gì trừng phạt sự phá vỡ những luật lệ đó, thì những kẻ hung ác sẽ chà đạp luật lệ đó dưới chân, và cười vào mặt những người đã đặt ra luật lệ ấy. Luật pháp của Ðức Chúa Trời phải mang sự trừng phạt đến kẻ vi phạm. Nếu không vậy, con người sẽ phá bỏ luật pháp và cười vào mặt Ngài.
Luật pháp Ðức Chúa Trời mang lại sự chết để trừng phạt. Với A-đam và Ê-va Ngài đã phán: "Một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết" (Sáng-thế-ký 2:17). Nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên, nhân danh Ðức Chúa Trời đã nói: "Linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết" (Ê-xê-chi-ên 18:4). Gia-cơ, em của chúa Jêsus đã nói: "Tội ác đã trọn sanh ra sự chết" (Gia-cơ 1:15). Và Phao-lô tóm tắt điều nầy bằng câu: "Tiền công của tội lỗi là sự chết" (Rô-ma 6:23).
Thỉnh thoảng trong những thời kỳ sút kém, tiền công phải bị giảm bớt. Nhưng tiền công của tội lỗi không khi nào bị giảm bớt. Giá biểu tiền công đã đặt ra từ lúc mới sáng thế, và từ ấy đến nay vẫn không thay đổi.
Có hai sự chết và cả hai đều là hậu quả của tội lỗi.
1) Sự chết của thể xác
Sự chết của cơ thể là một phần tội lỗi bị trừng phạt. Nếu không có tội lỗi thì ắt sẽ không có sự chết của cơ thể. Ðức Chúa Trời đã dự liệu một cách kỳ diệu để tránh cho A-đam và Ê-va khỏi phải chết, nếu họ không phạm tội. Ngài đã để họ ở trong khu vườn cây của sự sống mà trái họ có thể ăn được, và sống đời đời. Chúng ta có thể hiểu điều nầy theo nghĩa bóng hay nghĩa đen, nhưng chân lý vẫn là một. Ðức Chúa Trời đã ban cho loài người một lối đi, để họ có thể tránh được sự chết.
Kinh Thánh nói rằng A-đam và Ê-va bị đuổi ra khỏi vườn, chẳng phải vì họ đã phạm tội lỗi, nhưng để họ khỏi ăn trái cây của sự sống. Giê-hô-va Ðức Chúa Trời phán rằng: "Nầy, về sự phân biệt điều thiện và đều ác, loài người đã thành một bực như chúng ta; vậy bây giờ, ta hãy coi chừng, e loài người giơ tay lên cũng hái trái cây sự sống mà ăn và được sống đời đời chăng. Giê-hô-va Ðức Chúa Trời bèn đuổi loài người ra khỏi vườn Ê-đen đặng cày cấy đất, là nơi có người ra. Vậy, Ngài đuổi loài người ra khỏi vườn, rồi đặt tại phiá đông vườn Ê-đen các thần Chê-ru-bin với gươm lưỡi chói loà, để giữ con đường đi đến cây sự sống" (Sáng-thế-ký 3:22-24).
Từ ngày đó đến nay, sự chết đã ngự trị ở thế gian. Tất cả những người đã sống trên qủa đất đều phải chết trừ hai ngoại lệ thần kỳ là trường hợp của hai ông Hê-nóc và Ê-li. Toàn thể địa cầu đã trở nên một nghĩa địa vĩ đại. Trong vài trường hợp, sự chết là hậu quả trực tiếo của một tội lỗi nhất định, hay của nhiều tội lỗi, nhưng tất cả mọi sự chết đều là hậu quả gián tiếp của tội lỗi loài người.
2) Sự chết của linh hồn
Ý nghĩa chính của sự chết chẳng phải là tắt nghỉ mà là sự chia cách, với sự tiêu tàn, kéo theo nó. Sự chết của cơ thể, có nghĩa là sự chia cách giữa linh hồn và thân thể, mà kết quả là sự chết nát của xát thịt. Xát thịt trở về cát bụi và linh hồn trở về Ðức Chúa Trời. Khi nói về sự chết Sa-lô-môn chép: "Và bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần linh trở về nơi Ðức Chúa Trời, là Ðấng đã ban nó" (Truyền đạo 12:7). Sự chết thuộc linh làsự cách biệt của linh hồn với Ðức Chúa Trời mà kết quả là sự tiêu diệt của linh hồn.
Trong trạng thái tự nhiên con người đã chết về phần thuộc linh, xa cách Ðức Chúa Trời. Phao lô đã diễn tả trạng thái thuộc linh của người Ê-phê-sô trước khi họ tin Chúa như: "Chết vì lầm lỗi và tội ác mình" và "Tự nhiên làm con của sự thịnh nộ" (Ê-phê-sô 2:1,3). Họ đã phân cách với Ðức Chúa Trời. "Bởi sự ngu muội ở trong họ, và vì lòng họ cứng cỏi nên trí khôn tối tăm, xa cách sự sống của Ðức Chúa Trời" (Ê-phê-sô 4:18).
Sự chết thuộc linh lên đến cực điểm trong sự chết đời đời, sự xa cách Ðức Chúa Trời đời đời, sự tiêu diệt của linh hồn đời đời, trừ phi người ta tìm đến để nhận biết Chúa: "Những kẻ chẳng hề nhận biết Ðức Chúa Trời... sẽ bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh hiển của quyền phép Ngài" (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:8-9).
Sự tiêu diệt đời đời của linh hồn đã được nói đến như sự chết lần thứ hai: "Phước thay và thánh thay những kẻ được phần về sự sống lại thứ nhất! Sự chết thứ nhì không có quyền gì trên những người ấy" (Khải huyền 20:6). "Còn những kẻ hèn nhát, kẻ chẳng tin, kẻ đáng gớm ghét, kẻ giết người, kẻ dâm loạn, kẻ phù phép, kẻ thờ thần tượng, và phàm kẻ nào nói dối, phần của chúng nó ở trong hồ lửa và diêm cháy bừng bừng: đó là sự chết thứ hai" (Khải huyền 21:8).
Có một cái chết thứ nhất và một cái chết thứ nhì, cũng như có sự sanh ra lần thứ nhất và sự sanh ra lần thứ nhì. Có sự sanh ra thể xác và sự sanh ra của linh hồn--sự sanh ra của thân thể và sự tái sanh của linh hồn. Cùng một lối, có sự chết thứ nhất và sự chết thứ nhì--sự chết của thân thể và sự chết của linh hồn. Cả hai đều là tiền công của tội lỗi. Và vì sự sanh ra của linh hồn vinh hiển hơn sự sanh ra của thể xác nhiều, cho nên sự chết của linh hồn ghê gớm hơn sự chết của xác thịt.