Phần 4
Tác giả: James H. Chase
Tôi từ từ mở mắt. Căn phòng có vẻ rộng và thoáng, tường và trần đều sơn màu trắng ngà. Những tấm màn che cửa bằng chất dẻo, dưới ánh sáng mờ của ngọn đèn nhìn như màu nước đục.
Trên cái giường ở cuối phòng, một người có bộ mặt xương xẩu, trán cao, có dáng sinh viên, đang ở tư thế nửa nằm nửa ngồi chăm chú đọc sách.
Tôi lim dim mắt nhìn anh ta đọc, hình như có điều gì khác thường. Khi anh ta giở trang sách có in chữ to, tôi mới hiểu. Thì ra từ nãy tới giờ, anh ta đọc sách ngược!
Tại sao tôi không ngạc nhiên khi nhận thấy mình đang nằm trong căn phòng lạ này nhỉ? Tôi có cảm tưởng đã ở đây được mấy ngày, hay mấy tuần rồi cũng nên, vì hình như cái lưng của tôi đã làm quen với cái giường này từ lâu rồi.
Linh tính cho tôi biết đây là một bệnh viện. Tôi cố nhớ lại việc gì xảy ra với tôi. Tôi bị tai nạn xe hơi chăng?
Không phải. Bộ não của tôi hình như có điều gì trục trặc khiến tôi không tập trung suy nghĩ được. Tôi đành nhận xét anh chàng thanh niên nằm ở giường gần kề với giường tôi. Anh ta chừng hai mươi bốn tuổi có bộ tóc vàng phủ dài kín cả đôi vai. Tuy không có vẻ ốm yếu lắm, nhưng anh có đôi mắt sâu lõm xuống như hai cái hố nhỏ.
Tôi chợt nhận ra, anh chàng này cũng đang nhìn tôi chăm chú. Từ nãy, các động tác xem sách chỉ là hình thức ngụy trang. Thật ra, đôi lông mày anh đang cau lại chứng tỏ anh vẫn theo dõi tôi như kiểu mèo rình chuột. Tôi bảo:
- Này, quay quyển sách lại mà đọc, có dễ hơn không?
Tôi lấy làm lạ khi thấy tiếng mình nói cứ như ở trên trời vọng xuống.
Cậu sinh viên trẻ ngửng đầu, mỉm cười với tôi, nói:
- Tôi khoái đọc ngược hơn. Dễ ợt ấy mà. Thế nào, ông thấy đỡ đau đầu chưa, ông Seabright?
Lạ thật, nhờ cậu ta nhắc, tôi mới nhớ tới cái đầu của tôi. Nó vẫn còn đau ê ẩm, các mạch máu hai bên thái dương tôi cứ rần rật.
- Còn đau. Đây là bệnh viện hả?
- Không. Viện an dưỡng, khu biệt lập!
- An dưỡng hay tâm thần mà cần khu biệt lập?
Anh chàng trẻ tuổi cười và gật đầu xác nhận:
- Khu điên mà!
Tôi nhắm mắt lại để cố sức suy nghĩ. Mấy phút sau tôi mới nhớ mang máng được tiếng réo của chiếc gậy cao su bổ xuống đầu tôi và tiếng la thét rùng rợn của Maureen. Tôi cố trấn tĩnh và nhận thấy một cơn sợ hãi như một con rắn lạnh đang trườn theo suốt dọc cột sống. Tôi đang nằm trong một viện tâm thần, ở khu điên!
Tôi nhổm người dậy, nhưng không được. Một tay tôi bị cột chặt vào thành giường bằng cái vòng sắt bọc cao su.
Chàng thanh niên tóc vàng nhìn tôi, không tỏ vẻ ngạc nhiên bảo:
- Họ cột như thế cho bảo đảm. Vì lợi ích của chúng mình thôi.
- Đúng vậy. (Tôi đành ngửa đầu trên gối và hỏi tiếp) - Ai điều khiển bệnh viện này thế?
- Bác sĩ Salzer chứ còn ai? Ở đây ai cũng mến ông ta cả.
Tôi bỗng nhớ lại câu nói của người mặc chiếc áo ngắn tay sặc sỡ. Hắn đe sẽ tìm cho tôi và Maureen một chỗ kín đáo không ai có thể tìm được. Tôi hỏi:
- Bác sĩ Salzer có một bệnh viện điều dưỡng chuyên trị bệnh nhân bằng phương pháp tiết chế ăn uống cơ mà.
- Đúng vậy, nhưng trong viện có một khu riêng trị bệnh tâm thần và những người điên. Tuy vậy, ở ngoài vẫn dễ chịu hơn là trong những phòng kín này.
- Đây là phòng kín hay sao?
- Đúng. Tường đều lót cao su. Anh thử đấm vào tường mà coi. Rất êm, không có tiếng động. Khoái lắm! Anh ta ngả người ra thành giường, đấm một cái vào tường và nói:
- Êm thật, đúng là cao su! Tên tôi là Ducan Hopper. Anh có biết tiếng tăm của cha tôi, ông Dwigt Hopper không?
Hình như tôi có nghe tới gia đình nhà Hopper, chuyên kinh doanh về phẩm màu, nhưng không thấy ai đả động tới người con. Tôi tự giới thiệu:
- Tôi là Malloy, Victor Malloy.
Anh ta quay lại tôi, hỏi:
- Tên gì?
- Malloy.
Anh ta cười bảo:
- Anh có chắc không? Người ta giới thiệu với tôi tên anh là Edmund Seabright cơ mà.
- Không. Tên tôi là Malloy!
Anh ta gõ gõ ngón tay xuống bàn ra vẻ thích thú. Còn tôi lại thấy tóc gáy mình đang dựng đứng lên.
- Tôi sẽ gọi anh là Seabright thôi vì tay y tá Blan và bác sĩ Salzer đều gọi anh như thế. Họ đã cho tôi coi hồ sơ bệnh án của anh rồi. Edmund Seabright: mất trí, loại không tưởng. Anh rõ bệnh của anh chưa? - Tôi trả lời khó khăn vì miệng bỗng khô không khốc. Anh ta lại giảng giải:
- Tôi bảo Bland rằng tôi không tin anh mắc bệnh đó, nhưng hắn không nghe, hắn là một thằng mất dậy! Hắn cũng bảo, tôi mắc bệnh điên khoái sát loại paranoia. Nghĩa là lên cơn thì mới thích sát thôi. Tôi không chịu, hắn liền cho tôi mượn cuốn sách để nghiên cứu lấy. Trong cuốn sách cũng nói tới bệnh của anh. Anh có hay nằm mơ hay tưởng tượng không?
- Không.
- Thế thì tốt. Nhưng tôi lấy làm lạ vì anh không chịu nhận tên mình là Seabright. Vậy có bao giờ anh nghĩ là người khác không?
- Không! Không có gì lạ cả. Vì tên tôi từ xưa tới nay vẫn là Malloy!
Anh ta gật gù, bảo:
- Tôi hiểu, tôi hiểu. Nhưng nếu anh không phải là Seabright thì anh vào đây làm gì?
- Đây là cả một câu chuyện dài.
Tôi bỗng thấy nhu cầu giải thích để người thanh niên này hiểu tôi là ai, dù có phải mất nhiều công đi nữa.
- Tôi là một loại thám tử anh hiểu không? Tôi tiến hành một cuộc điều tra khám phá thấy bác sĩ Salzer có liên quan tới cái chết của một phụ nữ tên là Eudura Dew. Chuyện thì dài, bây giờ thì tôi chưa thể nói hết với anh được. Vì tôi biết nhiều việc quá nên người ta bắt có tôi tới đây. Anh hiểu chưa?
Tôi nghẹn ngào nói mấy câu cuối cùng và cố theo dõi nét mặt của Hopper xem anh ta có tin tôi không. Anh ta vừa cười vừa bảo:
- Bác sĩ Salzer dính líu vào một vụ án à? Hay đấy. Anh là thám tử tư à? Có chắc chắn như vậy không?
- Hãy nghe tôi, tôi biết anh đang nghĩ gì về tôi, anh tưởng tôi điên hả?
Hopper lắc đầu và cố nói nhẹ nhàng:
- Đâu có, đâu có. Trái lại nữa là đằng khác, ông Seabright ạ. Tôi biết ông đang bệnh, nhưng không phải là điên. Chắc chắn không phải là điên đâu.
Tôi đưa lưỡi liếm đôi môi khô, cố hỏi thêm:
- Anh tin thế chứ?
- Đảm bảo là tin mà.
Nhưng, khi nhìn vào nét mặt và đôi mắt tinh quái của Hopper, tôi biết, anh ta đang nói dối.
II
Hopper cho tôi biết vào khoảng chín giờ, Blan sẽ tới để tắt đèn.
- Còn độ năm phút nữa thôi - anh ta vừa coi đồng hồ đeo tay vừa nói. - Blan đã cho tôi chiếc đồng hồ này để đổi lấy chừng một trăm bao thuốc mỗi tuần. Tôi không được hút nhưng cha tôi vẫn gửi đến. Thật ra, ở đây họ chỉ sợ đốt cháy cái khăn trải giường thôi. Vô lí thật!
Tôi đang cố rút tay khỏi cái khóa ở dưới tấm mền và nghĩ thầm: "Nếu rút ra được, mình sẽ cố thoát khỏi nơi đây dù chúng có canh phòng bằng cả súng đại liên đi chăng nữa". Nhưng cái khóa vừa khít vào cổ tay, không thể làm gì được, trừ phi có chìa khóa hoặc nhờ người chặt đứt cổ tay. Tôi hỏi Hopper:
- Hôm nay mồng mấy?
- 29 tháng 9. Ông không có báo hả. Ngày mai là ngày sinh nhật của tôi và cũng là tròn ba năm tôi ở đây.
Tôi nhớ Maureen đưa tôi về căn nhà cô ta ngày 24. Vậy là tôi đã ở đây năm ngày. Nhất định là Paula và Kerman đang ra công tìm kiếm tôi, nhưng liệu họ có thể nghĩ rằng tôi đang bị nhốt ở đây không? Hoặc dù có biết, thì họ làm thế nào để lọt vào được. Salzer được Brandon che chở cho nên ông ta sẽ bỏ ngoài tai những lời khiếu nại về việc tôi mất tích. Sở dĩ Sherrill không cho tôi một phát đạn vào đầu - tôi cam đoan gã mặc áo ngắn tay màu sặc sỡ chính là Sherrill - là vì hắn chắc tôi không thể thoát khỏi nơi đây. Hơn nữa, có lẽ hắn cũng muốn tránh không nhúng tay vào một vụ giết người. Vụ ông già Stevents là chuyện không định trước, ông ta chết vì quá sợ hãi hay vì tên thủ hạ Dwan chót hành động quá tay thôi. Nhưng còn Salzer? Có lẽ hắn không ngán chuyện gây án mạng, nhất là trong điều kiện như thế này, nhiều khi các nạn nhân của hắn lại mong mỏi được chết ngay hơn là phải kéo dài sự hấp hối trong những căn buồng bị bịt kín qua nhiều năm tháng.
Tôi tự nhủ: "Can đảm lên Malloy! Chú mày đã bị nện vào đầu, bị trích thuốc mê nhưng đừng vì thế mà nản chí. Thế ào rồi Paula và Kerman cũng cứu được chú mày ra khỏi đây. Phải vững tâm vào, Malloy!".
Bỗng cửa phòng mở ra không một tiếng động. Một người da ngăm đen, vạm vỡ, có đôi vai như vai đười ươi bước vào. Bộ mặt tròn của hắn lấm chấm tàn nhang luôn nở một nụ cười không thể hiện một điều gì vui vẻ cả. Hắn mặc áo choàng trắng, quần trắng, đi giày đế cao su mang trên tay một cái khay phủ tấm khăn trắng. Hắn xê dịch nhẹ nhàng trong im lặng cứ như một cái lông chim trong gió vậy.
Hắn đặt cái khay lên bàn gần cửa và nói với Hopper:
- Hê, khá không Hopper? Cuốn sách có nhiều điều thú vị đấy chứ? Nào, bây giờ thì làm một giấc nào.
Hopper chỉ tay sang giường tôi, bảo: - Phòng này bây giờ lại thêm ông Seabright.
Gã y tá, chắc hẳn là Bland, lại gần đứng nhìn tôi và cười. Mắt hắn màu xanh có vẻ lạnh lùng, cứng rắn, sẵn sàng hành động bạo lực. Hắn cất giọng khàn khàn the thé như thể cổ họng vừa bị nạo, bảo tôi:
- Này, bé. Tên tôi là Bland, tôi được phân công săn sóc anh đấy.
Những ngón tay tôi tự nhiên co chặt lại tạo thành nắm đấm làm tôi phải cố nén và tự bảo: "Hãy bình tĩnh, bình tĩnh! Không được hành động sơ suất!". Tôi bảo hắn:
- Chào anh. Anh khỏi phải săn sóc tôi. Salzer đâu? Cho tôi gặp.
- Bác sĩ Salzer chứ! Không được gọi quá thân mật như thế. Bé sẽ được gặp bác sĩ ngày mai.
- Tôi muốn gặp ông ngay bây giờ!
- Bé! Phải để bác sĩ có thời gian nghỉ ngơi chứ. Nếu bé cần gì cứ bảo tôi. Tôi phụ trách ở đây nên tôi bảo gì cũng phải tuân lệnh.
Tôi cố giữ bình tĩnh hạ thấp giọng, nhưng vẫn cương quyết:
- Tôi cần gặp ngay Salzer!
- Ngày mai. Thôi nào, bây giờ bé nằm im đi để tôi trích cho một liều. Sẽ ngủ liền ấy mà.
Hopper cau mày nhìn tôi, rồi bảo Blan:
- Ông ta nghĩ rằng mình là thám thử tư và đã phát hiện thấy bác sĩ Salzer giết người.
Bland thản nhiên lấy ống tiêm ra, nói:
- Nói vậy là không tốt đâu. Dù sao thì cũng chẳng hệ trọng gì.
Hopper phản đối:
- Có chứ. Trong sách nói tới điều này cơ mà. Tôi không hiểu tại sao người ta lại đưa hắn vào xà lim này. (Hopper cau mặt nhìn tôi). Tôi không thích đùa thế. Hắn có thể nguy hiểm.
Blan cười lên một tiếng như chó sủa rồi vừa hút loại thuốc trong suốt vào ống trích vừa bảo:
- Hôm nay cậu nói có vẻ hung hăng đấy. Thôi nào, để tôi làm việc.
- Tôi sẽ phản đối vụ này với ông Salzer. Ba tôi cũng sẽ không bằng lòng đâu.
- Ba anh và cả anh nữa cứ lên trời mà kiện. (Bland nổi cáu đi lại giường tôi). Nào, còn anh này, đưa tay đây, tay phải!
Tôi nhổm người dậy:
- Anh không được tống thuốc độc của bọn anh vào người tôi!
- Nào, bé. Đừng lắm chuyện, như thế có ích gì đâu. Nằm xuống nào!
- Đừng mó vào người tôi!
Blan chộp lấy tay tôi. Những ngón tay to và ngắn của hắn giữ chặt lấy cổ tay tôi như cái gọng kìm. Hắn cúi sát bộ mặt đầy tàn nhang vào mặt tôi và nói qua kẽ răng:
- Nếu anh thích đối xử bằng vũ lực thì tôi rất khoái được phục vụ, hiểu không?
Tôi lên gân giằng tay ra và đưa lên vai định huých vào ngực hắn mà không được. Hắn đè tay tôi xuống, dùng ngón tay bóp chặt vào cổ tay tôi và nhìn trừng trừng vào mắt tôi để dò xét và đánh giá các phản ứng. Tôi muốn co chân lên để đạp, nhưng cái chăn vừa là cái túi vừa là một nhà tù nữa đối với nửa thân phía dưới của tôi.
- Chịu chưa, bé (Bland nói với vẻ thích thú). Bây giờ ta sẽ cắm mũi tiêm vào tay anh, nếu gãy, mũi kim có thể bị gãy và ở luôn đấy mãi. Hiểu không?
Tôi nghiến răng, húc đầu vào hắn làm hắn loạng choạng lùi về phía sau. Nhưng rồi hắn chững lại được và nụ cười tắt hẳn trên môi hắn. Hắn lẩm bẩm:
- Hừ, anh tưởng mình khỏe lắm đấy hả? Để rồi coi!
Hắn nắm lấy tay tôi, vặn ra đằng sau. Tôi cưỡng lại, nhưng bất lực. Quả thật, hắn khỏe như một cái máy nén. Mồ hôi toát ra chảy dọc sống lưng tôi. Blan bẻ hẳn tay phải tôi quặt ra sau lưng rồi đè người tôi xuống. Các bắp thịt của tôi căng ra, nhưng tôi không thấy đau mà chỉ muốn vùng lên để giết chết kẻ đàn áp mình.
Nhưng, một tay bị khóa vào thành giường, hai chân bị tù trong túi, tôi làm sao chống trọi lại được với cả một khối thịt như Bland. Tôi cong người lên, rồi lại bị đè xuống từng cen-ti-met một. Bỗng cánh tay tôi đau nhói, cảm giác một mũi kim đâm vào da thịt.
- Xong rồi, bé! Tại bé cả nhé! Nếu tôi có ý định xấu thì bây giờ bé đã gẫy tay rồi!
Tôi muốn tống một quả vào giữa mặt hắn, nhưng tay tôi không cử động được nữa. Không biết hắn đã trích thuốc gì cho tôi mà hiệu quả tức thì. Tôi thấy bộ mặt rỗ của hắn mờ đi, các bức tường trong phòng thì lùi dần ra để mặc tôi từ từ chìm xuống một đường hầm tối tăm và rất rộng.
III
Tôi mở mắt.
Những tia nắng nhạt chiếu qua khe những chấn song cửa sổ nhắc nhở tôi nhớ tới hoàn cảnh mình bị giam giữ. Bland đi nhẹ nhàng lau chùi, quét dọn. Hopper nét mặt cau có, đang ngồi đọc sách trên giường.
Bland lại gần giường tôi, lau bàn và toét miệng cười:
- Thế nào, bé, khá chứ?
Tôi nhỏm người dậy, tì tay vào gối, bảo:
- Khá!
Thật ra cánh tay và bả vai tôi vẫn còn đau. Cổ tay tôi thì vẫn còn vết hằn của những ngón tay vừa to vừa ngắn của hắn.
- Thế là tốt. Tôi sẽ mang đồ cạo râu lại và bé có thể đi tắm.
Tôi nghĩ ngay rằng Blan bắt buộc phải mở khóa tay cho tôi, nhưng hắn đã chặn trước:
- Này bé, đừng có làm dữ như hôm qua nhé, nhất là đừng có mơ ước thoát khỏi nơi đây. Ngoài kia, mỗi góc nhà đều có một người trực khỏe như ta. Các cửa đều khóa, cửa sổ đều có chấn song. Hãy hỏi Hopper coi. Những ngày đầu anh ta cũng có ý định thế, cũng đã thử, nhưng bây giờ thì biết là thua rồi.
Tôi nhìn hắn không tỏ thái độ và cũng không trả lời. Hắn lại tiếp:
- Hỏi Hopper đi. Cậu ta sẽ nói cho mà nghe. Hopper cau mặt bảo Blan:
- Đừng nói động đến ta, đồ rác rưởi! Chỉ nhìn thấy mặt anh, ta cũng thấy muốn bệnh rồi.
Bland cười bảo:
- Không sao. Tôi đã nghe quen những lời như thế rồi. Bình tĩnh nào. Bây giờ cậu đi cạo râu, tắm, rồi ăn sáng. Để xem tôi có thể gọi cho cậu món trứng đặc biệt nào.
Bland vừa giễu cợt vừa đi ra. Hopper bảo tôi:
- Đừng trốn làm gì, không thoát được đâu. Khi bắt được, chúng sẽ chụp vào anh một cái áo cứng khiến anh không cử động được rồi đem ngâm nước lạnh mấy ngày liền. Còn các cửa thì Bland nói thật đấy. Không có khóa không thể ra được, các chấn song thì rất chắc.
Lát sau, Bland trở lại đưa cho tôi và Hopper mỗi người một dao cao râu điện và bảo:
- Nào, các bé, mau lên. Bác sĩ Salzer bao giờ cũng muốn gặp những bệnh nhân của mình sạch sẽ.
Vậy là tôi sắp gặp Salzer. Tôi không mong làm cho Salzer mủi lòng vì hoàn cảnh của tôi, nhưng hy vọng làm cho ông ta sợ. Sherrill đã nhốt tôi vào đây. Nếu tôi thuyết phục được Salzer là cái trò bắt cóc người như thế này là một trọng tội, nếu bị đưa ra xét sử trước pháp luật, có thể ông ta sẽ chùn tay chăng.
Tôi vừa cạo mặt xong thì Blan mang cho một cái áo ngủ bằng vải bông trắng vào. Hắn lại gần giường, mở còng tay cho tôi và bảo:
- Nằm im đã. Ngoan ngoãn nhé!
Sau đó, hắn đứng lùi lại và ra lệnh:
- Đứng dậy, nào.
Tôi chú ý thấy Hopper đang theo dõi các cử chỉ của tôi. Tôi co chân khỏi cái túi chăn, tụt xuống giường, đứng dậy và bỗng nhận thấy không còn sức để chống đối nữa. Hai chân tôi như làm bằng bông. Nếu bị bò rừng đuổi húc lúc này thì tôi cũng đành chịu, không thể nào chạy được.
Tôi loạng choạng bước một bước rồi ngã xuống sàn. Đúng ra thì tôi cũng không đến nỗi yếu đến thế nhưng muốn làm cho Blan tưởng là tôi đã kiệt sức.
Tôi chống hai tay hai chân để đứng dậy. Blan vẫn không động đậy. Hắn nhìn tôi cảnh giác. Kể cũng khó đánh lừa được hắn. Tôi quát:
- Anh không giúp được tôi đứng lên hay sao? Hay là để tôi đi nằm lại vậy.
Hắn nói nhẹ:
- Này bé, đừng hòng dở trò lừa dối ra với tôi đâu nhé. Báo trước rồi đấy.
- Thôi, đừng lảm nhảm nữa. Anh sợ tôi à?
Bị đụng vào tự ái, hắn bảo ngay:
- Tôi chẳng sợ cái gì cả, bé ạ! Được, nào đứng lên!
Hắn lại giúp tôi mặc áo xong, mở cửa ra ngoài hành lang. Tôi đi mấy bước rồi đứng lại, làm ra bộ chóng mặt. Trong thời gian đó, tôi đưa mắt nhìn quanh. Phía cuối hành lang có một cửa ra vào lớn, còn ở phía đầu hành lang có một cửa sổ có chấn song chắc chắn.
Blan cười, bảo:
- Đấy, bé đã nhìn kỹ chưa? Tôi đã nói cho bé biết rồi và đâu có nói sai!
Đúng, nếu muốn thoát, tôi phải tìm cách lấy được hai chìa khóa: một cái cho khóa cửa và một cái để mở còng tay. Nếu không, tôi sẽ phải chết dần chết mòn trong khu điên này trừ phi người ta định tâm khử tôi sớm hơn.
Bỗng một cánh cửa bật mở và một cô gái chạy ùa ra ngoài. Chắc cô vừa tắm xong nên vẫn còn những dòng nước chảy trên thân hình trần truồng màu sữa. Trên một cánh tay nhỏ nhắn của cô còn vương một đám bọt nhỏ xà phòng. Mớ tóc quăn ôm lấy khuôn mặt cô gái không đẹp, cũng không xấu nhưng tôi nghĩ rằng, khi cô không mặc gì cả, có lẽ là dễ coi nhất. Cô vào quãng hai mươi lăm tuổi, ngực cao, chân dài, nước da trắng mịn.
Blan nuốt nước miếng, lẩm bẩm:
- Lạy Chúa! - Rồi vội vàng giơ hai tay về phía cô gái mắt long lên những ánh mắt thèm khát man dại.
Hắn vồ lấy cô gái làm cô ta hét lên vì hoảng sợ và nhảy lùi về phía tường. Hai bàn tay của Blan trượt dài trên cánh tay cô khi cô quay người lại để bỏ chạy về phía cuối hành lang. Blan giơ ngang hai tay từ từ tiến lại, biết chắc chắn lần này con mồi không thể thoát, trong khi cô gái đập tay thình thình vào cánh cửa một cách tuyệt vọng.
Tất cả sự việc chỉ xảy ra trong vòng mấy phút.
Chợt một nữ y tá ở trong phòng tắm chạy ra. Bà ta vào loại to lớn, mập khỏe mặt tái đi vì lo ngại và tức giận. Nhìn qua chúng tôi, bà đã nhận thấy cái lưng trần của cô gái nên quát to với Blan:
- Để cô ta đấy. Mang bệnh nhân của anh đi đi. Đồ đười ươi!
- Đừng có to tiếng thế.- Blan cãi lại - Chính bà đã để cô ta xổng, lỗi tại bà chứ tại ai.
- Đưa ngay người này ra chỗ khác, nếu không tôi sẽ báo cho ban giám đốc bây giờ.
Blan vẫn không rời mắt khỏi cô gái, nắm lấy tay tôi bảo:
- Thôi đi nào. Hết biểu diễn rồi. Bé coi đấy, ở đây có đến nỗi nào đâu. Bé được ru ngủ, lại được coi thoát y vũ tại nhà, còn muốn gì hơn nữa!
Hắn đẩy tôi vào một phòng tắm đối diện ngay với phòng cô gái ban nãy. Người nữ y tá chắc chắn đã tới gần cô ta nên cô lại la hét. Tiếng thét của cô đinh tai, nên tôi chỉ đỡ nhức đầu khi Blan đóng cửa lại. Hắn vẫn chưa qua được cơn kích thích nên cứ liếm môi liên tục. Hắn bảo:
- Bé có thấy rõ cô nàng không? Thật hiếm có! Nào mau lên, cởi quần áo ra! Nhìn nơi khác thì khoái thế, còn canh các anh thật chán bỏ mẹ!
- Coi bộ anh thích cô ta lắm hả. Cô ta là ai vậy? - Bé biết thế nào được. Trước kia cô ta cũng là y tá ở đây. Hình như bị thất tình nên mới ra như thế. Tôi không thể hiểu được tại sao chỉ có thế thôi mà các cô nàng cũng lắm chuyện. Tôi có thể giúp cô ta nhiều việc lắm, nếu cô ta muốn...
Tôi ngồi im trong bồn tắm. Một nữ y tá của Salzer à? - Tôi hỏi. Có thể đây là cô y tá bị mất tích mà Mifflin đã kể cho tôi chăng
Tôi hỏi Blan bất chợt:
- Tên cô ấy là Anona Freedlander có phải không?
Blan giật mình sửng sốt:
- Sao bé biết?
- Tôi là thám tử mà - Tôi trả lời nghiêm chỉnh.
Blan cười, rồi giục tôi:
- Mau lên. Không phải lúc làm trò trinh thám đâu, tôi đang bận đây... Tôi vừa tắm vừa hỏi hắn:
- Vậy Hopper là ai? Tại sao anh ta lại ở đây?
- Hopper là một trường hợp đặc biệt. Có lúc chính tôi cũng phải sợ đấy. Đừng chỉ trông bề ngoài của anh ta nhé. Nếu bố anh ta không phải là người giàu, có tiếng tăm thì anh ta đã rũ tù rồi: anh ta cắn đứt mạch máu cổ của một cô gái đấy. Không thể biết được anh ta thế nào đâu, lúc bình thường thì như vậy nhưng lên cơn thì không khác gì thú dữ.
Tôi nghĩ có thể moi được tin tức ở anh chàng này.
- Anh cho tôi một điếu thuốc có được không?
- Được. Nếu cậu cứ ngoan ngoãn như thế này, tớ sẽ đối xử với cậu như anh em. (Anh ta cho tôi một điếu thuốc và bật lửa cho tôi châm). Khi mới tới đây, thường ai cũng chống đối, nhưng tớ cho cậu biết nhé: ban giám đốc đã trù liệu mọi trường hợp có thể xảy ra rồi. Đừng có hành động một cách vô ích. Nhớ nhé.
Tôi hít một hơi thuốc, và không ngờ lại thấy khoan khoái như thế.
- Tôi còn phải ở đây bao nhiêu lâu?
- Theo hồ sơ thì cậu phải chữa trị suốt đời.
Tôi liền thử vận may của mình liền bảo:
- Này Blan, anh có muốn kiếm được một trăm đôla không?
- Sao?
- Đơn giản thôi. Gọi điện cho người bạn tôi.
- Phải nói với họ thế nào?
Bland hưởng ứng rất nhanh và sốt sắng quá. Tôi quan sát nét mặt anh ta và nụ cười giễu cợt của anh ta nghĩ thầm có lẽ mình bị hố rồi. Tôi nói lảng ra:
- Thôi cũng chẳng cần. Bỏ qua đi. Đưa cho tôi cái khăn nào.
Blan đưa khăn cho tôi, giọng khẩn khoản:
- Đừng vội giận như thế. Trăm đô! Nghe cũng được đấy. Anh bạn kia tên là gì nhỉ? Nhưng này, năm trăm đô dễ được việc hơn.
- Đã bảo xếp chuyện đó lại mà. Lúc khác mình sẽ bàn.
- Thôi được, tùy bé thôi. Đi nào, tôi còn phải cho Hopper tắm nữa.
Bland mở cửa phòng tắm, ngó ra hành lang. Phòng cô gái lúc nãy bây giờ đã im lặng. Trên đường đi về phòng, tôi không ngớt nghĩ cách thoát thân. Làm thế nào mở được cái cửa ở cuối hành lang? Nhất định phải liều một phen, nhưng cũng phải kiên trì chờ cơ hội. Tôi vịn vào tay Blan, vừa đi loạng choạng vừa suy nghĩ. Làm cho Blan tin rằng tôi yếu sức cũng là một điểm trong kế hoạch vượt ngục của tôi.
Tôi nằm xuống và ngoan ngoãn đưa tay cho Blan còng vào thành giường. Hopper phản đối, không chịu tắm khiến Blan phải dỗ dành.
- Đi nào, thế là không ngoan đâu. Mười một giờ mai, các quan chức của thành phố cùng ngài thẩm phán Lessways sẽ đến thăm viện. Các bé phải sạch sẽ, gọn gàng, biết không?
Quay lại phía tôi, hắn nói tiếp:
- Tháng nào, các ngài ấy cũng tới. Tuy rằng các ngài ấy chẳng tin gì lời kể lể của các anh đâu, nhưng cũng đừng có lôi các chuyện thám tử và vụ án của anh ra làm mất thời giờ của mọi người đấy.
Blan đã dỗ được Hopper đi tắm. Cả hai người ra ngoài. Tôi nằm một mình, ngắm nhìn sáu thanh sắt trên cửa sổ và nhủ thầm: vậy là thẩm phán Lessways sẽ tới đây. Theo Blan, nếu tôi nói với họ rằng Salzer có trách nhiệm về cái chết của Eudora Drew thì cũng vô ích. Chẳng ai tin kẻ tâm thần! Nhưng nếu tôi nói với Lessway về trường hợp của chính tôi, liệu họ có tin không? Có thể lắm chứ! Thế là tôi bắt đầu hy vọng.
Cánh cửa phòng từ từ mở ra làm tôi chú ý theo dõi. Không có ai vào. Ngạc nhiên, tôi cố nghiêng người nhìn ra ngoài hành lang. Hay tại gió? Không phải, vừa rồi tôi có nghe thấy tiếng mở khóa, sau khi Blan và Hopper đi khỏi.
Tôi căng mắt nhìn vào cánh cửa. Có ai nấp ở phía sau không? Bỗng có tiếng sột soạt làm tôi rợn người. Không ai có thể ngờ được những tờ giấy khi cong lại hoặc đụng vào nhau ở một nơi tuyệt đối im lặng như cái phòng bọc cao su này, lại có tiếng vang rùng rợn như thế. Bỗng một bóng đen xuất hiện bên khung cửa:
một người đàn bà. Mụ ta đứng đấy nhìn tôi như đang nhìn vào một vật gì đó - cái bàn hay cái chổi chẳng hạn - luôn tay thọc vào cái túi giấy, rồi lại đưa lên miệng khiến tôi dễ dàng nhớ ra: mụ béo ăn mận, kẻ đã tham dự vào vụ bắt cóc nữ y tá Gurney!
Kẻ nằm, người đứng, chúng tôi im lặng nhìn nhau một lúc. Hết trái này đến trái khác, mụ ăn mận như bò ăn cỏ vậy. Tôi lên tiếng chào và tự giận mình đã để cho giọng hơi run vì căm giận:
- Mạnh giỏi chứ?
Mụ thọc tay vào túi giấy, lấy một trái mận giơ lên ánh sáng ngắm nghía rồi hỏi lại:
- Có phải ngài Malloy đấy không?
- Chính tôi đây. Lần gặp nhau vừa qua chúng ta chưa có thời giờ tự giới thiệu. Vậy bà là ai?
Mụ phả một hạt mận ra tay, thả vào túi rồi mới trả lời: - Tôi là Salzer! - Tôi không ngạc nhiên một chút nào, vì như vậy thật là hợp lý.
- Xin lỗi bà vì tôi hơi tò mò, không biết bà có yêu ông nhà không?
- Bác sĩ Salzer là một người có tài, đáng kính, ít người có khả năng so sánh với chồng tôi.
- Rất tiếc là rồi đây, ông bà phải xa cách nhau là chuyện không thể tránh được vì ngay trong các nhà tù hiện đại bây giờ người ta vẫn giam nam riêng, nữ riêng.
Mụ vẫn giữ vẻ bình thản, hỏi:
- Tôi không hiểu ông định nói gì. - Bà thừa hiểu rằng nếu ông ta thoát khỏi án vào phòng hơi ngạt thì cũng phải nhận ít ra là hai mươi năm tù khổ sai vì tội bắt cóc và giết người.
- Giết ai? - Chồng bà đã chủ mưu giết một phụ nữ tên là Eudora Drew. Tôi và một cô gái nữa là những nạn nhân bị bắt cóc và giam giữ ở đây. Ngoài cô y tá Anona còn cả cô Gurney nữa.
Mụ ta mỉm cười tinh quái:
- Bác sĩ Salzer không hay biết gì về những việc này cả. Ông ta vẫn nghĩ rằng Anona Freedlander là một cô bạn của tôi bị bệnh mất ngủ.
- Có lẽ ông ta cũng nghĩ tôi là bạn của bà chăng?
- Không đúng hẳn như thế. Anh là bạn của bạn tôi.
- Còn Eudora Drew?
Mụ nhún vai:
- Thật đáng tiếc cô ta tham quá muốn đòi tiền. Tôi đã cho Benny đến để khuyên bảo cô ta, nhưng hắn hơi quá tay.
Tôi nhận xét nét mặt của mụ và thấy mụ có thể đã nói thật.
- Còn cô Gurney, hiện giờ ở đây?
Nét mặt mụ vẫn bình thản:
- Khi xuống cầu thang, cô ta trượt chân nên bị gãy cổ. Không biết sao, cô ta lại sợ tôi thế.
Tôi nghẹn ngào hỏi tiếp:
- Bây giờ cô ta ra sao?
- Tôi đã vực cô ta lên xe mang bỏ vào đám bụi cây vùng sa mạc. Anh nên hiểu cho tôi, tôi không còn cách nào hơn.
Tôi vò đầu không hiểu mụ điên hay tôi điên.
Tôi hỏi mụ:
- Chính bà là người chủ mưu giam tôi ở đây phải không?
Mụ đứng tựa vào tường, chậm rãi trả lời không cần giấu giếm:
- Đúng. Ông Salzer chẳng biết gì về khoa tâm thần cả. Trước đây, đã có thời tôi điều khiển một bệnh viện lớn ra trò. Nhưng vì có một vài việc lôi thôi nên tôi phải đóng cửa. Ông Salzer sau đó đã tậu cho tôi bệnh viện này. Bởi vậy, giờ đây, phần chuyên môn là do tôi nắm, còn ông ấy chỉ có cái tên mà thôi.
Tôi không đồng ý với lời bênh vực Salzer của mụ. Tôi nói:
- Bà nói sai rồi. Trên tờ giấy biên bản khai tử của ông Donald Crosby có chữ ký chứng nhận của bác sĩ Salzer dù khả năng ông ta không được phép làm việc đó.
- Đấy là chữ ký của tôi. Tôi mang tên chồng tôi.
- Ông bác sĩ già Bewley nói với tôi, chính ông Salzer đã chữa trị cho cô Janet và cho rằng cô đã chết vì bệnh ăng-đô-ca-đit. Mụ vẫn bình thản bác bỏ những lời buộc tội của tôi.
- Lại sai rồi! Khi cô Janet chết, Salzer vừa có công việc qua đấy. Ông ta chỉ bình phẩm căn bệnh với địa vị của người quen tới thăm thôi. Ông Bewley quá già nên nghe không rõ.
- Vậy nếu bà săn sóc thuốc thang cho cô Janet, tại sao bà không có mặt ngay khi cô Janet gặp nguy hiểm.
- Lúc đó tôi có việc phải đi xa. Bởi vậy ông Salzer đã cho mời bác sĩ Bewley tới là đúng.
- Lí lẽ của bà cứng lắm. Vậy bây giờ đề nghị bà để tôi ra viện. - Mụ lại thọc tay vào túi mận và bảo:
- Chuyện này thì không được, bởi vì ông đã trở thành một người quá nguy hiểm đối với chúng tôi. Ông đã ngửi thấy nhiều chuyện riêng của chúng tôi quá. Tôi nghĩ rằng ông nên yên chí ở đây tới khi chết. Chẳng bao lâu nữa đâu, ông sẽ không còn trí nhớ nữa, tác dụng của phương pháp trị liệu ở đây là thế mà.
- Bà có chắc thực hiện được việc đó không?
- Chắc. Trước tiên, ông đừng hy vọng gì thoát khỏi nơi đây. - Thấy mụ định đi ra, tôi nhổm người lên, nói vội:
- Ê, cô Maureen Crosby trả bà bao nhiêu về việc giam giữ tôi? - Mụ nhướn đôi mày tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Cô ta đâu có biết rằng ông đang ở đây! Tôi tưởng ông thừa hiểu việc này rồi. Cô Maureen có liên quan gì đâu. Nói xong mụ ta biến mất, cứ như là một bóng ma!
IV
Sau khi tắm, Hopper có vẻ tỉnh táo, vui vẻ hơn. Trong lúc ăn sáng, tôi hỏi Hopper có định vượt ngục không - chúng tôi đều tự cho mình là tù nhân - Hopper nhún vai:
- Tôi biết đi đâu bây giờ? Chúng luôn cùm chân tôi vào giường. Giường thì lại gắn chặt vào sàn nhà. Không thế thì tôi đã thoát rồi.
- Như vậy thì thoát được sao?
Hopper chỉ vào một tủ nhỏ ở sát tường đối diện với cái giường:
- Họ vẫn để một cái chìa khóa còng dự phòng ở trong ngăn kéo tủ kia. Đề phòng khi cháy nhà. Nếu giường không bị gắn xuống sàn, tôi có thể với tay tới ngăn kéo.
Tôi sửng sốt:
- Trong ngăn kéo kia à?
- Ừ, có lần tôi trông thấy Blan lấy ở đấy ra.
Tôi ước lượng khoảng cách từ giường tôi tới cái tủ. Nếu Blan không còng tay mà chỉ cùm chân thổi, thì tôi hy vọng có thể với tới ngăn kéo. Tôi hỏi Hopper:
- Tại sao cậu không bị còng tay như tôi? - Hopper đẩy khay cơm ra, bảo:
- Trước kia tôi cũng bị còng tay. Như vậy dở sách rất khó nên Blan đã thay đổi cách còng. Thay vì còng tay còng chân hắn. Nếu anh nói với hắn, có lẽ hắn sẽ làm như vậy với anh. Thôi, bây giờ tôi muốn đọc, đừng hỏi nữa.
Hopper không yêu cầu, tôi cũng im. Im để suy nghĩ tính toán. Cả giờ tiếp theo đó, tim tôi đập khác thường vì hy vọng.
Tới gần mười một giờ, Bland mang một bình hoa lay-ơn vào phòng. Hắn để bình lên bàn, đứng lùi lại ngắm nghía, vẻ mặt hí hửng.
- Đẹp đấy chứ, hả! Cũng lạ thật các quan chức và chính khách nào cũng thích hoa. Lần trước cũng có một đoàn tới đây. Họ có để ý gì tới bệnh nhân đâu. Họ chỉ ngắm hoa thôi.
Bland dọn khay thức ăn đi, quan sát căn phòng, kéo khăn giường Hopper cho thẳng, vỗ vỗ vào chiếc gối giường tôi và bảo:
- Phải ngồi cho nghiêm túc đấy. Liệu đừng có lộn xộn! Bé không có gì đọc à?
- Anh có cho tôi mượn sách báo gì đâu?
Bland vội đi ra rồi hấp tấp trở vào, đặt một cuốn sách dày cộm lên đùi tôi, bảo:
- Coi tạm cuốn này đi. Khi nào các đại biểu về rồi, tôi sẽ kiếm cho bé một cuốn khác hay hơn.
- Tôi bị còng một tay thế này thì dở sách sao được?
- Được rồi, tôi sẽ chuyển còng cho bé xuống chân. Như vậy cũng tiện vì có thể lấy chăn đắp lên che nó đi. Các quan chức dễ mủi lòng lắm. - Nói đoạn, Bland làm ngay. Tôi không ngờ mong ước của mình lại thực hiện dễ dàng thế. Tôi nhìn xuống đùi có cuốn sách khoa học mang tên: "Giải phẫu sinh lý phụ nữ". Mới mở mấy trang đầu tôi đã trợn tròn đôi mắt. Tôi gọi Bland:
- Này, liệu anh có cho rằng lứa tuổi của tôi đã thích hợp với những tấm hình này không?
Bland nghển cổ nhìn qua vai tôi rồi chúm miệng huýt gió:
- Trời ơi! Vội quá, tôi ngờ đâu lại lấy trúng phải quyển sách chuyên về cái của nợ này!
Hắn vội giật lấy quyển sách trong tay tôi - chắc sợ tôi nhìn thêm chút nữa sẽ lên cơn!
- Chạy vội ra phòng ngoài rồi trở lại đưa cho tôi cuốn sách thần học nhan đề "Địa ngục" của Dante. Tôi cầm cuốn sách mới tự trách mình đã không im tiếng để giữ cuốn kia, coi hấp dẫn và đỡ đau đầu hơn.
Gần mười một giờ, có tiếng người xôn xao ngoài hành lang. Bland đứng chầu sẵn ở cửa. Sốc lại áo, đưa tay lên vuốt tóc rồi quay lại chúng tôi báo:
- Họ đến đấy.
Bốn người đi vào trong phòng. Người đi đầu chắc là bác sĩ Salzer người dong dỏng cao, tóc màu bạc, chừng hơn năm chục tuổi. Đôi mắt ông ta lạnh lùng, lờ đờ trong hố mắt sâu. Ông mặc cái áo bó sát người màu đen với cái quần kẻ sọc nhìn rất chững chạc. Đặc biệt đôi bàn tay ông trắng có những ngón dài, múp rất đẹp: đó là đôi bàn tay của những nhà phẫu thuật có tài hoặc bọn giết người có kỹ thuật.
Thẩm phán Lessways đi tiếp theo. Tôi nhận ra ông ngay vì đã thấy hình ông trên báo chí: người hơi thấp, trán hói, môi dày, đôi mắt sâu sắc với bộ lông mày chổi xể rất thích hợp với con người mẫu thường có mặt tại các phiên tòa.
Người thứ ba đi kèm bên ông có dáng đúng là một quan chức: mặt mỡ, bụng phệ chứng tỏ có sự ăn uống dư thừa. Người thứ tư còn đứng thập thò ở ngoài cửa nên tôi không nhìn rõ, Salzer lên tiếng:
- Chào các bạn, mong các bạn luôn khỏe mạnh. Xin giới thiệu, hôm nay có ngài thẩm phán Lessways và Linkheimer cùng nhà văn quen biết M. Strang đến thăm viện. Các ngài sẽ nêu một số câu hỏi để các bạn trả lời.
Nói đoạn, Salzer quay lại bảo Lessways:
- Ngài có muốn nói gì với cậu Hopper không?
Trong khi Lessways tròn mắt nhìn Hopper và chú ý cẩn thận đứng xa anh ta cho an toàn, tôi quay lại quan sát người thứ tư vừa được giới thiệu là "nhà văn nổi tiếng".
Thoạt đầu tôi tưởng mắt mình hoa hay đúng là tôi điên thật rồi. Jack Kerman mặc bộ đồ trắng với cái khăn lụa nhỏ màu vàng đỏ cài ở túi trên, đeo kính trắng gọng đồi mồi, đang đứng tựa lưng vào cửa, nét mặt tỏ vẻ ưu tư. Tôi giật mình đến thót làm cái giường rung lên. Rất may là Salzer mải nhìn tờ giấy ghi căn bệnh của tôi ở đầu giường không chú ý tới sự cảm xúc của tôi.
Kerman, bộ mặt phớt tỉnh, chỉ vào tôi hỏi Salzer:
- Người này là ai mà có vẻ không có bệnh.
- Tên anh ta là Edmund Seabright, vừa nhập viện.
Khi nói, bộ mặt Salzer hiền lành như ông già Noel sắp sửa phát quà cho trẻ em. Salzer đưa tờ phiếu bệnh án của tôi ra nói tiếp:
- Ngài cứ coi tờ bệnh này của anh ta thì sẽ hiểu. Kerman chau lông mày, đưa hai tay lên sửa gọng kính. Tôi hiểu anh chàng chắc mượn tạm kính của ai để ra vẻ văn sĩ nên bây giờ, khó mà đọc nổi chữ nào.
Kerman gật gù, mím môi lại rồi nói:
- Đúng thật! Tôi có thể hỏi bệnh nhân mấy câu không?
Salzer lại gần giường tôi, bảo:
- Được chứ.
Hai người đứng quan sát tôi trong khi tôi chỉ dám nhìn vào mặt Salzer vì sợ nhìn Kerman sẽ lộ mất. Salzer chỉ Kerman, rồi nói với tôi:
- Đấy là nhà văn Strang. Ông muốn viết sách về các bệnh tâm thần (hắn lại quay sang Kerman, nói tiếp). Ông Seabright luôn tưởng tượng mình là một thám tử danh tiếng. Phải không ông Seabright.
Tôi gật đầu, bảo:
- Đúng vậy. Tôi đã phát hiện thấy cô Anona Freedlander đang bị nhốt ở đây, còn y tá Gurney thì đã chết và bị vợ ông Salzer vứt xác ở vùng bãi cát. Vậy, cũng khá đấy chứ!
Salzer nhìn Kerman mỉm cười buồn rầu, rồi lắc đầu nói:
- Những dấu hiệu bệnh lí rất rõ nét. Hai phụ nữ vừa rồi đều bị mất tích, một người đã hai năm, người thứ hai thì mới đây. Báo chí đều có đăng tử không biết vì lý do gì, những tin tức ấy lại ảnh hưởng lớn tới trí nhớ và tâm thần của bệnh nhân này.
Kerman gật gù, xác nhận và hình như đã nháy tôi một cái trước khi nói:
- Tôi hiểu.
Tôi nhổm dậy tung chăn, nói thêm:
- Các ngài cũng nên biết thêm là, tôi bị cùm chân vào giường đây này. - Lessways và Linkheimer lúc này cùng đến gần giường tôi. Kerman buồn rầu, dương đôi lông mày hỏi trống không:
- Thật vậy sao?
Salzer cúi đầu, cười đau khổ như muốn chia buồn cùng nhân loại, nói:
- Bệnh nhân này đôi khi vẫn lên cơn. Chắc các ngài cũng hiểu cho. - Kerman lại gật đầu ra vẻ ưu tư, nói:
- Tôi hiểu.
Anh chàng đóng vai văn sĩ đạt quá làm tôi lộn tiết chỉ muốn đá cho cậu ta một cái.
Bland nhẹ nhàng lại gần giường tôi bảo:
- Bé! Ngoan nào, đừng lộn xộn!
Tôi nói với Lessways:
- Nơi đây thật đáng sợ! Tôi phản đối việc người ta chích ma túy vào người tôi, mỗi chiều. Cửa ra vào lúc nào cũng khóa kín, cửa sổ thì rào kỹ bằng lưới thép và chấn song. Đây không phải là một nơi an dưỡng mà đúng là một nhà tù!
Salzer vội cướp lời tôi, cố nói thật dịu dàng:
- Anh bạn thân mến, hãy cố chịu khó thuốc thang đi cho khỏi bệnh. Chúng tôi giữ anh làm gì?
Tôi liếc nhìn Bland. Hắn đang nắm chặt tay lại thành nắm đấm để dọa tôi, nhưng bây giờ, Kerman đã tìm thấy tôi, tôi rất yên tâm, chẳng sợ gì nữa.
Thẩm phán Lessways nói với Kerman:
- Nào tiếp tục đi phòng khác. Ông Strang, ông thấy thế nào, có những điều thú vị đấy chứ?
- Rất nhiều điều đáng ghi nhận, ông Salzer ạ, nếu được phép, tôi muốn sẽ quay lại đây một lần nữa.
Salzer vội chối từ:
- Tôi e rằng nội quy của viện chúng tôi rất kỵ sự có mặt của những người lạ, trừ trường hợp đặc biệt như hôm nay. Vì ảnh hưởng không tốt tới bệnh nhân. Mong ông thông cảm.
Kerman nhìn tôi, vẻ mặt lơ đãng nhưng nhiều ý nghĩ, rồi trả lời Salzer:
- Ông nói rất có lý. Vậy mà tôi không nghĩ tới, thưa ông.
Cả đoàn nối tiếp nhau đi ra. Salzer ra sau cùng đóng cửa lại. Tôi còn kịp nghe tiếng Kerman hỏi: "Còn ai ở những phòng gần đây không?" Tiếng Salzer trả lời: "Hiện giờ không có ai". Khi những tiếng trao đổi ngoài hành lang xa dần rồi tắt hẳn, Bland thở ra một hơi thật dài như vừa thoát được một món nợ, hắn sừng sộ bảo tôi:
- Bé, thế là không tốt đâu đấy nhé. Nên nhớ, đối với họ, bé cũng chỉ là một trong cả đám khùng mà thôi.
Làm cho người khác tưởng mình ngớ ngẩn, biết hối lỗi thật không phải là dễ. Nhưng rồi tôi cũng làm cho Bland tin như vậy.
V
Về ảnh hưởng của các cuộc viếng thăm tới tâm thần bệnh nhân thì Salzer đã nói đúng. Sau khi đoàn đại biểu ra về, thái độ của Hopper tỏ vẻ khác thường, mặt mày ủ rũ, hai mắt không rời cái trần nhà. Tới bữa cơm, tôi hỏi, cậu ta cũng chẳng thèm trả lời. Tôi cho là Hopper mải suy nghĩ điều gì nên cũng không để ý. Cho tới lúc Bland mang bữa trưa lại thì mới rõ cậu ta lên cơn. Hopper vớ lấy cái khay, trợn mắt ném xuống đất làm đĩa vỡ và thức ăn bắn tung tóe.
Hopper vùng ngồi dậy trên giường. Bộ mặt anh bỗng khác hẳn, gầy sọm, đầy vết nhăn. Hai con mắt như mắt thú dữ bị nhốt trong chuồng. Bland vội nhảy lùi lại đàng sau, cú nhẩy nhanh nhẹn hệt như con ếch. Hopper vặn vẹo người tỏ vẻ khó chịu và nhìn Bland như muốn hắn lại gần giúp đỡ như mọi khi. Nhưng hắn không lại, đề phòng sự việc không hay có thể xảy ra. Hắn rền rĩ:
- Khổ chưa! Hôm nay là ngày nghỉ của tôi, vậy mà bố lại dở chứng thế này. Thôi, thôi, cố nguôi giận đi nào, bé! - Bland thu dọn các thức ăn vương vãi trên sàn, trong khi Hopper đưa mắt theo dõi hắn từng cử chỉ như một con thú sửa soạn vồ mồi. Bland bảo tôi:
- Tôi đi đây. Hôm nay, tôi có hẹn không thể bỏ lỡ. Rồi đây, cơn của anh cũng qua thôi. Vả lại cậu ta không với tới được giường của anh đâu. Nếu cậu ta muốn bò lên trần thì cứ kéo dây chuông, đã có Quell thường trực. Nhưng cũng đừng quấy rầy anh ta vô cớ nhé.
- Tôi sẽ cố gắng. Nhưng, anh vắng mặt trong bao lâu?
Bland bảo:
- Ngày mai tôi mới về. Cậu y tá trực sẽ thỉnh thoảng vào đây. Khổ quá, cái của nợ này lại cứ phải tay tôi mới trị được cơ chứ.
Tuy việc Bland vắng mặt, để tôi ở lại một mình với Hopper đang lúc lên cơn cũng là điều đáng ngại, nhưng tôi lại đang có một dự định mong có cơ hội để thực hiện: cái chìa khóa cùm trong ngăn kéo tủ! Tôi nói với Bland:
- Nếu có thể gọi người trực khi cần thiết thì tôi cũng yên tâm. Nhưng thú thật tôi vẫn muốn đi với anh hơn.
Bland cười:
- Trời ơi! Nhìn thấy bộ mặt của tôi đây, cô ấy chưa chắc đã cười được, nữa là lại còn kèm theo chú em!
Bland mang khay thức ăn đi ra và tôi bắt đầu dùng bữa trưa. Nhưng, tiếng thở hổn hển của Hopper và cách cậu ta nhìn trừng trừng vào bức tường đối diện làm tôi nuốt không trôi. Tôi đành đẩy khay thức ăn ra vừa lúc Bland vào. Anh ta diện bộ complê với cái ca vát có hình trang trí vẽ tay sặc sỡ, khiến tôi không nhận ra nữa. Nhìn thấy bữa ăn gần như còn nguyên, anh ta hỏi tôi:
- Sao vậy? Bé sợ bị đầu độc hả?
- Tôi không thấy đói.
Thấy Hopper vặn vẹo mình trên giường, hai mắt gườm gườm như con thú thèm ăn thịt, Bland cười, bảo tôi:
- Đừng chú ý quá nhiều tới hắn - rồi nói với Hopper - Chú mày không phá được cuộc hẹn hò ngày chủ nhật của anh đâu.
Tôi bảo:
- Tôi muốn hút thuốc lá! Nếu anh không cho tôi, tôi sẽ gọi người thường trực ngay bây giờ. Nhìn thấy cảnh này, anh ta sẽ không để cho anh đi đâu.
- Không thể để chú mày chơi với lửa được.
- Tôi không cần lửa. Anh cho tôi mấy điếu và châm cho tôi một. Nào, nếu không, tôi cũng lên cơn bây giờ.
Bland đành rút mấy điếu thuốc ra, châm cho tôi hút và bảo:
- Quell có vào, bảo hắn hộ tôi phải cẩn thận đề phòng Hopper. Để tôi đi năm phút rồi hãy giật chuông nhé.
Bất thình lình Hopper nhẩy chồm lên định ôm lấy Bland làm anh ta giật bắn người. Cả tôi cũng vậy.
Không có buổi trưa nào dài như trưa nay. Tôi không biết bao giờ Quell vào phòng, vả lại Hopper luôn đưa mắt sang tôi nên tôi không dám thử rút ngăn kéo để tìm chiếc chìa khóa cùm. Tôi định chờ tới buổi tối, lúc mọi người đều ngủ say. Nhưng phải nghĩ cách nào để khỏi phải tiêm thuốc ngủ buổi chiều này.
Bland đi rồi, cơn của Hopper có vẻ dịu dần. Cậu ta không liếc sang giường tôi nữa nhưng cứ nhìn chằm chằm vào tường lẩm bẩm một mình. Tôi cố không gây tiếng động để Hopper khỏi chú ý đến tôi. Về phần mình, tôi nằm nghĩ tới Kerman, không biết anh chàng đồng nghiệp của mình có mưu kế gì để cứu mình không. Anh chàng không thể nào nghĩ được cái trò giả văn sĩ. Mưu mẹo này đúng của Paula. Bây giờ hai người đều biết cô y tá Anona Freedlander cũng bị giam ở đây như tôi. Khu này có cánh cửa khóa ở cuối hành lang và một cửa sổ có chấn song ở phía đầu. Thế nào họ cũng lo cứu tôi, nhưng bằng cách nào thì tôi không đoán được.
Quãng bốn giờ rưỡi, cửa phòng mở. Một người mặc đồ hộ lí màu trắng như Bland bước vào, trên tay có một khay nước trà. Anh ta cao, gầy, có bộ mặt như ngựa vì cái môi trên hơi nhô với hàm răng cửa vừa to vừa thô. Anh ta tự giới thiệu:
- Tên tôi là Quell. Anh có phải là Seabright không?
- Không. Tôi là thám tử trứ danh Sherlock Holmes. Nếu anh tin tưởng lời tôi nói thì đừng đứng gần cái giường kia. Anh ta đang lên cơn đấy.
Anh ta ngước mắt nhìn tôi có vẻ thương hại. Tôi đoán Quell là một y tá mới vào nghề. Anh ta nói:
- Ồ, đây là cậu Hopper đây mà.
Hopper ngồi trên giường ngắm nhìn Quell với ánh mắt của một con mồi. Còn anh ta thì đang nói tới một con hổ cứ như là đề cập tới một cậu bé con. Thấy Quell mang khay nước trà vào tôi bảo anh ta:
- Tôi nghĩ là Hopper không dùng trà đâu. Anh nên để cậu ta yên đến khi Bland về:
- Chẳng lẽ bỏ mặc cậu ta thế này sao? Bác sĩ Salzer đi vắng, đêm nay anh Bland không về. Lẽ ra, anh ấy chẳng nên đi như vậy.
- Thôi, việc gì đã xảy ra rồi có nói thì cũng không sửa chữa được. Anh đi ra đi, và nếu có lòng tốt, cho tôi một li rượu Scốt.
- Tôi nghĩ rằng nội quy cấm cho bệnh nhân ở đây uống rượu.
- Thế thì đi uống đi rồi trở lại đây cho tôi ngửi hơi từ miệng anh cũng được. - Quell thú thật với tôi là anh ta chưa bao giờ uống rượu. Hopper quay người nhìn tôi nói chuyện. Ánh mắt điên dại của cậu khiến tôi lo sợ, thầm mong sao cho cái cùm chân cậu đủ chắc chắn để cho cậu khỏi sổng. Tôi lựa nói với Hopper:
- Tôi nghĩ kĩ rồi. Hopper ạ. Chúng ta phải chờ cho Bland về, rồi sẽ thịt hắn.
Hopper lẩm bẩm, ánh mắt nhìn tôi có vẻ dịu đi một chút:
- Đúng! Phải như vậy!
Tôi suy tính, không biết có nên lấy chiếc chìa khóa lúc này hay chưa và nhận định không nên nóng vội. Quell có thể vào trong phòng bất cứ lúc nào. Nếu anh ta biết ý định của tôi, thì bao nhiêu dự tính của tôi sẽ ra tro hết. Tôi bảo Hopper: - Bland tinh quái lắm. Tôi đã có một kế hoạch để cho hắn vào tròng. - Hopper có vẻ hài lòng, tuy những đường gân trên mắt vẫn tiếp tục rần rật. Cậu ta bảo:
- Tôi cũng có kế hoạch rồi!
Tôi nằm dài trên giường suy tính: nếu có chìa khóa, để mở cùm, tôi cũng khó thoát khỏi nơi đây. Nhưng tôi có thể tìm xem phòng của Anona ở đâu và báo cho cô ta biết rằng có thể có người tới cứu. Tôi tin rằng, sớm hay muộn, thể nào Kerman cũng tới giải thoát cho tôi.
Thỉnh thoảng Quell lại mở cửa thò đầu vào phòng nghiêng ngó. Tôi chỉ vào Hopper rồi để ngón tay lên miệng ra hiệu cho Quell giữ im lặng. Môi trên hếch lên để hở mấy cái răng to, anh gật gật đầu, càng nhìn càng giống mặt ngựa.
Quãng tám giờ, anh vào phòng mang bữa chiều tới cho tôi rồi lại gần giường Hopper, mỉm cười hỏi:
- Cậu Hopper, cậu có muốn ăn một chút không?
Cả người Hopper bật lên như một cái lò xo, hai cánh tay hình như dài ra như vượn, các ngón tay quặp lại lướt trên chiếc áo chẽn của Quell làm anh ta bật ngửa ra sau, mặt xám xanh lại.
Tôi bảo:
- Tôi nghĩ rằng cậu Hopper không muốn ăn chiều, cả tôi cũng vậy.
Thật ra thì tôi đang nhai miếng thịt gà, nhưng bỗng nhiên thấy miệng nhạt và đắng đến nỗi không thể nuốt được. Quell không nghe tôi nói, chạy bổ ra ngoài và đóng sầm cửa lại.
Hopper hất tung chăn mền xuống đất định vùng ra tóm lấy Quell nhưng vướng còng ở cổ chân nên ngã ngửa người xuống sàn. Anh ta la hét, cố sức rút chân ra khỏi còng làm cho cổ chân bị xước đỏ lòm màu máu. Để phá chiếc còng mỏng manh, anh bò lên lấy sức đạp vào những cột giường, cố giật đứt đoạn xích nối cột giường và chiếc còng. Ý nghĩ về một kẻ điên đang lên cơn, phá được đoạn xích kia ở ngay bên cạnh, trong khi mình lại bị cột vào giường không thể chạy đi đâu được, làm tôi sởn tóc gáy. Tôi giơ tay ấn vào nút chuông.
Hai tay nắm sợi dây xích, hai chân đạp vào thành giường, mặt đỏ dừ, mắt long lên, Hopper cố giải thoát cho cái cổ chân. Nhưng rồi thấy không thực hiện được, anh ta nằm ngửa ra, thở hổn hển. Tôi hiểu rằng cơn nguy biến đã qua. Mồ hôi chảy thành dòng trên mặt, quả là tôi vừa trải qua những giây phút căng thẳng nhất trong cuộc đời tôi.
Mặt Hopper xanh rờn, anh ta nằm im, mắt nhắm nghiền và một lát sau lại cất tiếng ngáy làm cho tôi rất ngạc nhiên. Vừa lúc đó thì Quell mang bộ áo đặc biệt để cố định chân tay bệnh nhân lúc lên cơn phá phách, bước vào phòng. Mặt anh ta tái nhợt nhưng có vẻ hăm hở kiên quyết.
Tôi bảo:
- Thôi, qua rồi. Bây giờ hắn đã ngủ, anh nên xem lại đoạn dây xích và chỗ thành giường coi còn chắc không.
Quell đặt tấm áo đặc biệt xuống, lại gần Hopper quan sát và nói:
- Xích và còng đều làm bằng kim loại đặc biệt, nhìn vậy nhưng không thể nào phá được đâu. Tuy vậy, tốt nhất là chích cho cậu ta một liều thuốc an thần.
- Đừng có dại dột. Bland đã nhờ tôi nói lại với anh không được lại gần Hopper lúc này.
- Không được. Một cơn khác như thế nữa có thể làm cậu ta chết. Bổn phận tôi phải ngăn ngừa sự nguy hiểm cho bệnh nhân. - Tôi cố cản:
- Bổn phận à? Nhưng nên nhớ lúc này hắn còn nguy hiểm hơn cả rắn độc đấy. Nên để cho hắn nằm yên là tốt nhất.
Quell thận trọng tiến lên một bước, nghiêng người nhìn Hopper đang ngủ và ngáy. Thấy yên tâm, anh ta còn kéo lại cái khăn trải giường cho thẳng làm tôi phải nín thở để theo dõi. Hopper ngủ thật hay vờ? Quell là một tên ngốc hay là một nhân viên dũng cảm?
Căng xong cái khăn trải giường, Quell lui lại phía sau. Tôi thấy trán anh đẫm mồ hôi nên biết rằng anh không hề là một người ngốc.
Quell bảo tôi, giọng phấn khởi:
- Bây giờ, cậu ta đã khá. Tôi sẽ chích cho cậu ấy một mũi thuốc. Ngày mai khi ngủ dậy, cậu ta sẽ trở lại bình thường.
Tôi nói ngay:
- Làm như vậy rất nguy hiểm cho anh. Khi bị kim chích hắn sẽ tỉnh dậy. Nếu hắn vồ được anh lúc này thì anh hết đời đấy.
Quell quay lại nhìn tôi vẻ ngờ vực, nói:
- Anh làm tôi lạ quá, vì anh suy xét rất tốt và không có những phản ứng như những bệnh nhân khác.
- Thì tôi vẫn nói rằng tôi có bệnh gì đâu. Tôi là Sherlock Holmes mà, anh quên rồi sao?
Bộ mặt Quell có vẻ thất vọng. Anh ta ra ngoài rồi trở lại tay cầm một cái khay phủ chiếc khăn trắng. Hopper vẫn nằm im ngáy to.
Tôi ngồi tựa vào đầu giường, bảo:
- Anh có thể mở khóa còng ở chân tôi ra không? Để nếu Hopper lại lên cơn, tôi có thể phụ anh. Giả dụ bất chợt hắn tỉnh dậy và túm lấy anh thì tôi có thể lại cứu anh được.
Quell đứng nhìn tôi giống như con ngựa ngắm trước cái túi đựng thóc có vẻ khả nghi vậy. Anh bảo:
- Không, tôi không làm như thế được, vì trái với nội quy.
Tôi đã cố gắng góp ý, giúp đỡ anh ta hết mình rồi. Biết làm thế nào hơn được. Tôi nhún vai bảo:
- Tùy anh thôi. Tôi sẽ cầu nguyện, mong anh gặp may mắn. - Quell hút thuốc vào ống chích rồi lại gần Hopper. Tôi theo dõi hành động của anh mà thấy tóc gáy dựng lên và tim đập loạn xạ. Quell cũng có vẻ hồi hộp nhưng cố giữ bình tĩnh. Anh sẽ sàng vén tay áo Hopper lên, giơ cao ống chích để coi lại mức thuốc, từng cử chỉ đều cẩn thận tỉ mỉ như một người lính đang chỉnh ngòi nổ của một trái bom vậy. Tôi nhìn anh làm mà người cứ run bắn lên, mong cho chóng xong để anh có thể lùi xa khỏi cái giường khủng khiếp ấy.
Tuy có đeo kính, nhưng hình như Quell vẫn không nhìn được rõ. Anh sờ nắn mãi tay Hopper để tìm mạch, mặt anh dần dần cúi sát xuống người bệnh.
Tôi nín thở, hai tay nắm chặt lấy khăn trải giường. Đúng lúc tưởng Quell đưa mũi kim vào mạch máu của Hopper thì lại thấy anh ngửa cổ lên, than vãn câu gì đó, rồi đứng dậy đi lại phía tủ. Tôi hỏi lạc cả giọng:
- Sa... o vậy?
- Quên mất miếng bông tẩm ête. Thật là vô ý, trước khi chích thuốc, bao giờ cũng phải sát trùng chỗ da mình chích.
Khi Quell lau miếng bông lên da của Hopper, hắn hơi cựa quậy. Tôi hồi hộp quá nên nhỏm cả người ra khỏi giường. Quell vẫn trố mắt, cúi sát mặt vào cánh tay của Hopper để nhìn cho rõ đường nổi của mạch máu.
Bỗng Hopper mở mắt. Tôi vội kêu:
- Ôi! Cẩn thận!
Nhưng không kịp rồi!
Khi Quell hoảng hốt định đứng lên thì hai bàn tay của Hopper, nhanh như cắt, đã chẹn lấy cổ anh và từ từ bóp lại.
VI
Tôi bật người dậy, tung chăn và nhẩy ra khỏi giường, nhưng chiếc còng níu chân tôi lại khiến tôi ngã đập mặt xuống sàn.
Những tiếng thét thất vọng của Quell âm vang trong phòng, xoáy vào đầu tôi như những mũi kim châm. Bỗng tiếng la thét đổi thành tiếng sặc nước, rồi tắt hẳn khiến căn phòng thêm ghê rợn: Hopper đã bóp chết con mồi.
Tôi không dám nhìn về phía giường của hắn nữa. Quả là những tiếng vật lộn và la thét vừa rồi đã làm cho tôi sợ. Tôi lê người ra khỏi thành giường và đặt được một chân còn tự do xuống đất. Cơn sợ hãi khiến cho tôi khó thở và người run lên như một ông già vừa tham dự buổi khiêu vũ tự do. Tôi vươn người lại cái tủ, mấy ngón tay đã chạm được vào miếng tay cầm của ô kéo trên, thì nghe như có tiếng gầm gừ ngay sau lưng. Tôi mong ước suốt đời mình sẽ không bao giờ nghe thấy những tiếng như thế nữa. Tôi căng người ra để cố kéo được cái ngăn ra, khiến cổ chân còn bị giữ trong còng trầy hết cả lớp da. Cái ô kéo rơi xuống đất chứa đầy băng và gạc. Tôi cúi xuống, đưa tay run lẩy bẩy gạt đám bông băng ra để tìm cái chìa khóa.
Có tiếng ầm ừ sau lưng tôi. Tôi cảm thấy như các mạch máu trong người bỗng bị đông cứng, nhưng cố gắng không quay lại. Cái chìa khóa nằm giữa một chồng gạc làm mắt tôi sáng lên tia hy vọng. Tôi nhảy lên giường tra chiếc chìa khóa vào khe nhỏ của cái còng và quay nhẹ. Có tiếng động nhỏ, chiếc còng mở ra. Cổ chân tôi vừa được tự do nhưng bị trầy da chảy máu. Vậy mà tôi không cảm thấy đau đớn gì cả.
Tôi sung sướng nhảy một cái ra giữa nhà, nhưng vội đứng sững ngay lại. Hopper đang giương mắt nhìn tôi chằm chằm qua cái xác của Quell. Cảnh tượng thật khủng khiếp. Hopper đã cắn đứt mạch máu cổ của anh ta nên phần vai và ngực anh bê bết máu. Hai mắt anh lờ đờ nhìn tôi vẫn còn thể hiện sự hoảng hốt và tuyệt vọng của những giây phút vừa qua.
Hopper nói giọng thì thào:
- Đưa cho tao cái chìa khóa. Chiều nay còn nhiều đứa chết! - Tôi nhảy lùi lại phía sau. Tới lúc này tôi mới rõ thực chất của con người tôi. Tôi vẫn tự hào, cái thằng Malloy to con này là con người thép, chẳng chịu khuất phục ai, chẳng sợ cái gì. Vậy mà bây giờ mặt tôi xanh như tàu lá, mồ hôi chảy ròng ròng từ trên trán xuống mặt, bụng thì đau thắt lại như có cả khối chì bên trong.
Hopper lại nói như ra lệnh:
- Đưa chìa khóa đây, nếu không ta cũng giết mi luôn.
Hắn gạt xác của Quell xuống rồi nhoài người ra sàn, bò lại phía tôi mặt méo đi vì những cơn co giật. Dưới ánh đèn mờ dịu trong phòng, tôi thấy mép hắn bóng lên màu đỏ máu.
Tôi chú ý đi theo đường vòng ra cửa để tránh Hopper. Hắn hét to:
- Seabright! Không được ra, đưa chìa khóa đây!
Nhưng tôi đã vặn được quả đấm cửa. Vừa lúc tôi lùi lại để mở cửa ra thì Hopper hét to lên một tiếng và nhảy chồm lại phía tôi.
Cái giường rung lên nhưng không xê dịch, Hopper đổ người xuống, các móng tay của hắn cào xuống mặt sàn cách tôi không đầy một mét.
Người tôi run bắn lên và tôi gần như ngã chúi xuống ngoài hành lang. Khi tôi đóng cửa phòng lại, Hopper còn hú lên một tiếng hú man rợ. Tôi đứng như trời trồng một lát, chân run lẩy bẩy, ngực đập theo trống làng. Mãi sau mới lấy lại can đảm, men theo tường đi qua cửa bốn căn phòng để tới cuối hành lang. Bàn tay tôi đẫm mồ hôi vẽ thành một vệt trên tấm cao su lát tường trước khi nắm được vào quả đấm. Nhưng giật mãi không được. Căn phòng được khóa chắc chắn không khác gì những lăng tẩm của vua Ai Cập!
Ý nghĩ phải quay trở lại căn phòng đẫm máu vừa rồi làm tôi rùng mình sợ hãi. Tôi tì vai vào cửa, cố sức đẩy ra nhưng việc làm của tôi cũng giống như động tác húc đầu vào bức tường thành ở bên Tàu vậy. Tôi đi ngược lại cuối hành lang, đứng nhìn cái cửa sổ. Muốn bẻ một thanh chấn song phải có một cái giũa thật tốt và nửa ngày làm cật sức. Tôi lại ước ao có một cái gậy cao su, để đứng núp vào một bên, chờ có một nhân viên nào đó mở cửa đi ra. Thế mới biết, Malloy cũng có nhiều sáng kiến!
Tôi quay lại, đi dọc theo hành lang. Cửa phòng thứ nhất không khóa. Tôi mở cửa bật đèn ngó vào. Bên trong đồ đạc sơ sài nhưng gọn gàng, sạch sẽ. Tôi đoán đây là phòng của Quell. Tôi bước vào, thấy một áo choàng trắng trên mắc áo, mặc vào người và chú ý tìm một vật gì đó để làm vũ khí, nhưng chẳng kiếm được cái gì cả.
Phòng bên cũng không khóa. Ở đầu một cái giường nom khá bẩn, có tấm hình một cô gái mặc đồ tắm hai mảnh nhỏ xíu treo trên tường. Cô ta cười với tôi, nhưng tôi không đáp lại. Đây chắc là căn phòng của Bland.
Tôi bước vào, mở tủ thấy có một bộ quần áo thường phục và một đôi giày. Tôi liền cởi bỏ bộ quần áo đang mặc, thay vào bộ đồ của Bland. Tuy hơi rộng, nhưng nếu cần phải đấu sức, mặc như thế này nhất định tốt hơn đi chân đất với bộ quần áo ngủ rồi. Tôi còn nhìn thấy trong ngăn kéo dưới cùng một cái gậy cao su và một chai Uýtki. Tôi gài chiếc gậy vào thắt lưng rồi mở chai rượu, tu luôn một ngụm. Vị rượu êm như nhung, nhưng khi chảy tới dạ dày của tôi lại truyền cho tôi sức nóng âm ỉ của trái mìn sắp nổ.
Tôi nghĩ bụng "Rượu gì mà ngon thế!" rồi lại tu thử một ngụm nữa. Vẫn tuyệt như lúc nãy. Tôi thấy người tỉnh táo và khỏe hẳn ra. Tôi vừa định mở cửa bước ra ngoài thì
nghe thấy có tiếng động: Cô ta không trông thấy tôi, dù lúc đi qua chỉ cách tôi vài centimét. Cô mở cánh cửa ở gần cuối hành lang bước vào trong một căn phòng mờ tối rồi khép cửa lại. Tôi nín thở, chờ đợi. Thời gian trôi qua, cơn mưa đổ sập xuống ngoài trời, rơi xuống mọi vật kêu lộp độp. Tôi không muốn dùng vũ lực với cô y tá trừ trường hợp thật bất đắc dĩ vì tôi vốn dĩ là một người có tình cảm hơi nhu nhược. Tôi không đánh phụ nữ bao giờ mà thường thường bị họ uy hiếp nhiều hơn.
Cô y tá ra khỏi phòng, đi tới cuối hành lang, rút một chiếc chìa khóa ra khỏi túi, cho vào ổ khóa và mở cánh cửa lớn. Tôi nhìn thấy một cầu thang đi xuống tầng dưới, vội chạy tới. Nhưng cô ta đã đóng cửa lại.
Tôi tự an ủi: "Dù sao mình cũng chưa muốn thoát khỏi nơi đây ngay bây giờ. Thử vào phòng vừa rồi coi, may ra...".
Tôi rút chiếc gậy cao su ra, cầm ở tay rồi rón rén mở cửa vào căn phòng cô y tá vừa ra. Căn phòng này giống hệt như phòng của tôi bị nhốt cùng Hopper.
Trong phòng chỉ có hai giường. Trên giường kê đối diện với cửa ra vào có một người đàn bà đang nằm. Làn ánh sáng nhẹ của ngọn đèn ở đầu giường chiếu từ trên cao xuống cho thấy màu da của người bệnh cũng gần trắng như màu tấm khăn trải giường. Mớ tóc màu vàng xõa ra trên gối. Người đàn bà nằm im lìm, mắt nhìn lên trần nhà như kẻ đang ở tình trạng tuyệt vọng không cùng.
Tôi đẩy cửa rón rén đi vào rồi đóng cửa lại. Tôi sợ cô ta sợ hãi, sẽ kêu to lên, nhưng những tấm cao su dán vào tường và cửa làm cho tôi yên trí. Nếu cô ta la lên, cũng không ai nghe tiếng. Nhưng cô ta không kêu, còn tôi, tôi vẫn rụt rè chờ đợi, không muốn làm cô ta hốt hoảng. Cô đưa mắt từ từ chuyển từ trên trần, tới bức tường đi xuống rồi dừng lại ở chỗ tôi đứng. Bốn mắt chúng tôi nhìn nhau.
Người phụ nữ trẻ nhìn tôi quan sát, hai mắt mở to, đường gân trên thái dương dần dật. Tôi có lấy giọng thật êm nhẹ.
- Chào cô!
Tôi lại cười, ra vẻ thật hiền lành dễ thương, theo đúng truyền thống, của dòng giống họ hàng Malloy. Cô ta không la hét, không định bám lên trần để chạy trốn, nhưng da mặt vẫn tiếp tục có chỗ nhẩy nhẩy.
- Tôi là một thám tử, tới đây để đưa cô về nhà.
Bây giờ đứng ngay bên cạnh, tôi có thể nhận thấy con ngươi mắt cô màu lơ lơ có một lỗ đồng tử rất nhỏ. Chứng tỏ cô bị chích thuốc nhiều nên lúc nào cũng ở trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Cô ta bảo tôi.
- Tôi không có quần áo. Họ đã lấy hết của tôi rồi.
- Tôi sẽ kiếm cho cô. Bây giờ, cô thấy trong người có khỏe không?
Cô ta lắc đầu qua lại trên gối, rồi nói:
- Khỏe. Nhưng tôi không nhớ tôi là ai nữa. Cái ông tóc trắng đã bảo rằng, tôi bị mất trí nhớ. Ông ta là người rất tốt, đúng không?
- Để tôi xem đã. Nhưng cô có muốn về nhà không? Có chứ.
- Tôi không có nhà nữa. Người ta đã đánh mất địa chỉ của tôi, và đang đi tìm. Ông đã tìm thấy chưa?
- Rồi. Bởi vậy tôi mới tới đây để đón cô.
Cô ta cau mày, suy nghĩ rồi hỏi:
- Vậy ông có biết tôi là ai không?
- Cô tên là Anona Freedlander, đã sinh sống ở San Francisco.
- Vậy à? Thế mà tôi không nhớ nữa.
Cô ta duỗi một cánh tay trần ra khỏi chiếc mền để vuốt tóc. Tôi để ý thấy vô số vết chích nhỏ trên làn da trắng.
- Cô có thể ra khỏi giường không?
- Tôi chỉ buồn ngủ thôi.
- Được rồi. Cô cứ ngủ đi, cho thật khỏe. Chúng ta chưa cần đi ngay đâu.
- Tôi đã nói với ông, tôi không có quần áo. Ngay cả chiếc áo ngủ, tôi cũng đã vứt nó lại ở bồn tắm rồi.
- Không sao, cô cứ yên trí. Bao giờ cần đi, tôi sẽ kiếm đủ đồ cho cô mặc.
Cô ta nhắm mắt lại rồi lại cố gắng mở ra, nói:
- Ông tử tế với tôi quá. Ông tên là gì? Để tôi cố nhớ. Trí óc tôi tồi quá!
- Malloy! Thám tử Vic Malloy!
Mắt cô khép lại. Tôi cúi xuống xem những phản ứng của cô và giữa lúc tôi đã yên trí cô đã chìm đắm vào giấc ngủ rồi, thì cô lại cất tiếng nói như trong mơ:
- Tôi không thể thức tỉnh lâu được... Cô ấy đã giết... ông có biết không? Trước mắt tôi... Cô ấy đã nâng súng lên và bóp cò. Thật khủng khiếp!
Lần này thì cô ta ngủ thật. Liều thuốc mà người nữ y tá vừa chích cho cô vừa rồi đã nhấn chìm cô vào một thế giới lãng quên ít nhất cho tới ngày mai. Nếu tôi tìm được cách trốn khỏi nơi đây, tôi sẽ bế cô theo bằng cách quấn cô trong một cái chăn. Nếu cô tự đi được, phải kiếm cho cô bộ quần áo.
Có một cái tủ ngăn gần đấy. Tôi lại mở tủ thấy bên trong có một cái áo choàng mặc lúc đi ngủ, một đôi dép và hai cái vali. Tôi mở cái vali có đề tên tắt: A.F. và thấy bên trong có đủ một bộ đồ hoàn chỉnh cho phụ nữ. Kèm thêm một bộ quần áo của nữ y tá.
Trong một cái túi nhỏ ở cạnh bên trong nắp vali có một quyển sổ nhật ký nhỏ màu xanh.
Tôi dở nhanh và đọc lướt. Nhật ký không ghi liên tục nhưng cái tên "Jack" được nhắc tới nhiều lần. Tôi đoán, có thể đây là Jack Brett, người thủy thủ đào ngũ mà có lần Mifflin đã nói với tôi.
24-1: Đi coi xinê với Jack (7,45g)
28-1 - Ăn chiều ở nhà hàng Etoile. Hẹn Jack đóng lúc 6,30 giờ.
29-1 - Cùng nghỉ cuối tuần ở nhà.
Bẵng một thời gian không ghi cho tới tháng ba.
10-3 - Không có tin tức gì về Jack.
12-3 - Bác sĩ Salzer đề nghị mình phục vụ ở một nơi đặc biệt. Mình đã nhận lời.
16-3 - Bắt đầu làm việc tại Crestways.
18-3 - M. Crosby chết.
Phần cuối cuốn sổ để trống như số phận của Anona kể từ ngày buồn đáng ghi nhớ từ đó tới nay. Cô ta đã nhận tới Crestways để phục vụ cho một người nào đó trong gia đình Crosby, và bị mang đi nhốt lại tại căn phòng này đã hai năm rồi, bị liên tục chích thuốc ngủ hoặc dược liệu khác để làm cho óc cô quên hết những gì, lẽ ra cô không nên biết. Những cảnh tượng hãi hùng nào đó, vẫn còn in đậm trong trí cô.
Tôi chăm chú nhìn khuôn mặt bình thản của cô gái. Có thể trước kia, cô là một người ngay thẳng, can đảm và cương quyết không dễ mua chuộc bằng tiền, khó khuất phục bằng chức quyền. Rất có thể, cô đã yêu cầu phải báo việc đó với cảnh sát, pháp luật. Và thế là người ta đã nghĩ cách buộc cô phải im hơi, lặng tiếng.
Tôi gãi cằm - một cử chỉ tự nhiên khi bận suy nghĩ việc gì - và ngắm nghía quyển sổ nhỏ để trong lòng bàn tay. Bây giờ, đã đến lúc phải trốn, và trốn cho mau.
Vừa nghĩ tới đó thì bỗng gian phòng rung chuyển và có tiếng đổ ầm ầm như bị động đất hay sụt móng nhà. Tôi nhảy tới cánh cửa, mở vội để lọt ra ngoài. Hành lang bên ngoài bụi mù vì một bức tường bị đổ. Giữa đống gạch cùng xi măng, nổi lên hai bóng người: Kerman và trung úy cảnh sát mê cá ngựa Mike Finegan! Họ đang chạy về phía phòng của Hopper, tay cầm súng ngắn. Tôi không ngăn nổi tiếng reo lên vui mừng "Hô-ô" làm cho họ đứng sững lại và quay súng về phía tôi.
Bộ mặt của Kerman đang căng thẳng bỗng biến đổi vì một nụ cười rộng mở. Cậu ta hí hửng nắm lấy tay tôi, lại còn nói lớn pha trò:
- Nhân viên "Universal Service" có mặt! Sẵn sàng chờ lệnh thủ trưởng! Có cần phải kiếm một ly sâm banh uống mừng hay không?
Mike thì chúc mừng tôi bằng một cái phát vào vai khiến tôi lảo đảo đứng không vững, nhưng cũng vội nói ngay:
- Trước tiên cần phải có một chiếc xe cứu thương để chở một cô gái trong bộ đồ đơn giản nhất như khi mới sinh ra đời, đi theo chúng ta. Nhưng các cậu làm thế nào mà lọt được vào đây?
Kerman vẫn toét miệng ra cười:
- Tụi này vừa dùng một phương pháp thật đặc biệt: nối mấy cái chấn song cửa sổ với một cái xe tải loại mười tấn! Thế nào, cô gái kia đâu?
Tôi liếc nhìn về phía cửa sổ, bây giờ chỉ còn là một lỗ thủng to tướng rồi đẩy Kerman về phía phòng Anona. Chưa đầy mười giây, chúng tôi đã quấn được tấm vải trải giường vào người Anona đang ngủ mê man, rồi vác cô ta ra khỏi phòng - Tôi bảo Mike:
- Anh bảo vệ để chúng tôi chui ra trước. Nếu cần phải nổ súng cũng đừng do dự.
Kerman chìa vai ra bảo:
- Đặt em lên đây. Còn một cái thang nữa ở dưới cửa sổ bên kia đấy. - Tôi giúp Kerman vác Anona vượt qua lỗ hổng. Một cánh tay và một cái đùi trần của cô gái thõng xuống hai bên vai Kerman lọt ra ngoài tấm vải. Anh chàng phấn khởi, vừa xuống thang vừa bảo:
- Bây giờ tớ mới hiểu, tại sao nhiều chàng trai khoái nghề lính chữa cháy thế!
Dưới chân thang ngoài đường, Paula đang ngồi trong phòng lái một chiếc camiông to tướng. Nàng giơ tay làm hiệu chúc mừng tôi.
Tôi gọi: - Xong rồi! Mike, ra đi! Lúc Mike cùng ngồi lên xe, cánh cửa lớn trong hành lang ngôi nhà mở ra, mụ y tá mặt lưỡi cày xuất hiện. Quang cảnh trong hành lang làm mụ há hốc miệng, một lúc mới kêu lên thành tiếng. Paula lập tức cho xe lăn bánh và tăng tốc độ. Trong khi Kerman ngắm nhìn Anona nằm trên sàn xe, vừa xoa xoa mấy sợi ria, vừa bảo:
- Nếu biết em xinh đến thế này, thì anh đã tới cứu sớm hơn!