Chương 16
Tác giả: John Le Carré
Gyorgy. Rất mừng được gặp lại anh! Vrenka đâu rồi?
- Barley, bạn thân mến, xin Chúa hãy cứu chúng con! Cũng như người Ăng-lê các ông chúng tôi không còn tha thiết với cái thế kỷ hai mươi này nữa rồi. Vậy thì chúng ta hãy cùng nhau chạy trốn nó! Chúng ta lên ta lên đường tối nay, đồng ý? Ông lấy vé nhé?
- Youri! Đây là bà xã mới của ông? Thưa bà, tốt hơn là bà cho ông ta de đi. Ông ta đích thị là con quỷ bất nghĩa, thay đổi vợ như thay đổi quần áo.
- Barley, hãy nghe tôi nói đây. Tất cả bây giờ đều tốt đẹp rồi. Không còn vấn đề gì nữa. Trước kia phải cho là mọi sự đều không ổn. Bây giờ chỉ cần đọc báo để biết chắc chắn là tất cả mọi sự đều tốt đẹp.
- Micha! Công việc tiến triển tốt chứ? Tuyệt hảo chứ?
- Barley! Ôi lạy Chúa! Chiến tranh. Chiến tranh rồi. Chiến tranh rõ ràng rồi. Trước tiên phải treo cổ bọn cận thần già nua bảo thủ và sau đó thắng một trận Stalingart thứ hai.
- Leo! Rất mừng được gặp lại ông. Sonia có mạnh khoẻ không?
- Này Barley, rốt cuộc rồi, ông cũng nghe những gì tôi nói với ông chứ?
Tiệc rượu được tổ chức trong phòng kính lầu một của một khách sạn cổ ở trung tâm thành phố. Những người bảo vệ mặc thường phục được bố trí trên lề đường, và những người bảo vệ khác canh gác trong tiền sảnh, trong cầu thang, và nơi cửa ra vào phòng tiệc.
Potomac Blair đã phát ra khoảng một trăm giấy mời, và bây giờ có khoảng một trăm năm mươi người đã hiện diện. Barley thích đứng gần cửa để đợi Katia.
Một nhà văn người Siberie tên là Andrei đã ngà ngà say, nhất định gặp Barley cho bằng được để thảo luận một vấn đề quan trọng.
- Này Barley, ông sắp xuất bản quyển tiểu thuyết mới nhất của tôi chứ?
- Andrei, thật sự tôi không thể hứa điều gì trong lúc này, - Barley trả lời một cách khôn khéo, mắt vẫn nhìn ra phía cửa. - Người cố vấn văn học của chúng tôi đánh giá cao quyển sách ấy, nhưng thấy nó chưa thích hợp lắm với thị trường nước Anh.
- Ông Barley này, vì ông đã xuất bản quyển tiểu thuyết đầu tiên của tôi, thì nay cho ra lò quyểt thứ hai cũng là điều hợp lý mà!
- Kìa, ông Wicklow, cố vấn văn học của chúng tôi đang đi tới đây đấy. Ông ta sẽ thảo luận với ông về vấn đề này.
Để Wicklow xoay xở với Andrei, Barley vội vã đi tới phía cửa, tươi cười và dang rộng hai tay ra, Natalie, giám đốc thư viện các tác phẩm văn học nước ngoài, xuất hiện nơi ngưỡng cửa. Bà giám đốc tuy tuổi đã lục tuần, nhưng sắc đẹp còn rất hấp dẫn. Barley ôm hôn Natalie một cách hữu nghị.
- Barley, tối ngay chúng ta sẽ đàm luận về những tác giả nào? – Natalie hỏi. James Joyce (1) Adrian Mole?
Đột ngột, nhiều người đổ dồn tới phía đầu kia của gian phòng. Các quan khách đã được mời dùng tiệc tự phục vụ.
- Nhưng Katia vẫn chưa tới.
- Bây giờ mọi sự đều đơn giản hơn, nhờ chính sách tái cấu trúc, - Natalie tươi cười nói. – Đi nước ngoài không còn là cả một vấn đề nữa. Ông thấy không, bây giờ, các nhà chức trách của chúng tôi, làm tất cả những gì họ có thể làm được, để thi hành một cách nhanh chóng các chỉ thị mới về chính sách mở cửa, và cho chúng tôi đi nghỉ mát ở nước ngoài với con cái của chúng tôi. Nhưng này Barley, ông có vẻ đang đợi chờ ai, phải không? Phải chăng tôi đã già rồi, không còn vẻ hấp dẫn nữa, hay là tôi nói ba hoa làm cho ông phát chán?
Barley buộc lòng không rời con mắt khỏi Natalie nữa.
- Này Barley, con chó của ông mạnh khoẻ không? – Có tiếng ai đó hỏi Barley.
- Đó là Arkadi, một nhà điêu khấc không chính thức, có vị hôn thê không chinh thức đi theo.
- Có gì đâu mà thắc mắc, bạn bè gặp lại nhau, hỏi đùa thế thôi.
Barley quay nhìn theo hướng Arkadi nhìn, và thấy Alik Zapadny ở phía đầu kia gian phòng, đang nói chuyện với Katia với một bộ điệu rất vui vẻ.
- Ở Matxcơva bây giờ người ta ăn nói quàng xiên lắm, - Arkadi nói tiếp, mắt vẫn luôn luôn nhìn đăm đăm Zapadny. – Trong lúc hân hoan, người ta dễ trở thành thiếu cảnh giác. Mùa thu này, các điểm chỉ viên sẽ được mùa bộ thu hơn các nông dân. Ông hãy hỏi ông ta đi. Chắc ông ta biết tất cả những gì xảy ra trong nghề của ông ta đấy.
- Alik, đồ súc sinh, đến khi nào ông mới thôi quấy rầy người đàn bà tội nghiệp này? – Barley vừa hỏi Zapadny vừa ôm hôn Katia, và sau đó mới quàng tay ôm vai Zapadny để hôn ông ta theo lối hữu nghị. - Từ đầu kia gian phòng, tôi đã thấy bà Katia đỏ mặt. Katia, bà hãy coi chừng ông ta. Ông ta nói tiếng Anh cũng gần giỏi như bà, và ông ta nói nhanh hơn. Bà có khoẻ không?
- Rất khoẻ, cám ơn ông, - Katia trả lời, giọng dịu dàng.
Katia mặc chiếc áo dài mà nàng đã mặc khi đến gặp Barley lần đầu tiên tại khách sạn Odessa. Nàng tỏ ra hơi xa cách, nhưng có vẻ tự chủ. Tuy nhiên nét mặt mệt mỏi của nàng đã không che giấu được nỗi đau khổ của nàng. Dan Zeppelin và Mary Lou có mặt ở đấy.
- Barley, chúng tôi đang thảo luận rất hào hứng về vấn đề nhân quyền, - Zapadny vừa nói vừa cầm ly rượu của mình, vạch một vòng tròn như thể tìm kiếm sự đồng tình của các người đối thoại. - Phải không, thưa ông Zeppenlin? Chúng tôi luôn luôn rất trân trọng các vị khách phương Tây đến đây để thuyết giảng cho chúng tôi nghe về cách đối xử với những kẻ phạm trọng tội tại đất nước chúng tôi. Về phần tôi, tôi tự hỏi, có sự khác biệt nào giữa một nước bỏ tù hơi nhiều một chút, những kẻ có tội, mà một nước cứ để cho bọn găngxtơ chạy long rong ngoài xã hội. Tôi tin chắc tôi vừa tìm ra được một lý lẽ quan trọng cho các nhà lãnh đạo của chúng tôi. Sáng mai, người ta có thể tuyên bố với Hội nghị Helsinki về quyền con người, rằng chúng tôi không muốn nghe họ nói gì nữa, chừng nào họ còng tay bọn mafia và tống cổ chúng vào tù. Ông nghĩ thế nào về vấn đề ấy, thưa ông Zeppenlin? Chúng tôi thả bọn bất lương của chúng tôi, và các ông bỏ tù bọn bất lương của các ông. Sòng phẳng như mua bán, phải không.
- Ông muốn tôi trả lời ông một cách lễ phép hay không? – Dan đáp một cách cộc lốc.
Một nhóm khách mời khác đi ngang qua gần chỗ họ, và tiếp theo sau là ngài Peter Oliphant với đoàn tuỳ tùng của ông ta gồm cả người Nga lẫn người Anh. Có ai đó mở đàn piano ra và chơi một bài. Một giọng nữ rất hay vang lên và có những người khác đồng thanh hát theo.
- Quả thật, tôi không thấy có điều gì ông phải sợ cả, - Katia trả lời với Barley, làm cho ông rất đỗi ngạc nhiên, vì ông không nhớ đã có đặt câu hỏi với nàng. – Tôi biết ông rất can đảm như tất cả những người Anh.
Trong bầu không khí ngột ngạt của đám đông người chuyển động cuồn cuộn ấy, Barley cảm thấy mình ngây ngất một cách kỳ lạ như say rượu, mặc dù từ lúc khởi sự buổi tiếp tân đến giờ ông chỉ uống một ly uýt-ky.
Henziger đã bắt đầu bài diễn thuyết của ông ta. Một kiệt tác đạo đức giả.
- Tôi hy vọng công cuộc kinh doanh táo bạo của Nhà xuất bản Potomac and Blair sẽ đem đến sự đóng góp khiêm tốn của mình cho kỷ nguyên mới của sự hợp tác Đông-Tây, - Henziger tuyên bố.
Ông ta cất cao giọng và đồng thời cũng nâng cao ly rượu của mình lên.
- Chúng ta hãy giúp nhau làm giàu! Chúng ta hãy giúp nhau tháo gỡ những khó khăn! Chúng ta hãy yêu thương nhau, hãy nói chuyện và uống rượu với nhau. Và cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Thưa quý bà và quý ông, tôi xin nâng ly chúc sức khỏe quý vị, chúc Nhà xuất bản Potomac an Blải phát đạt, chúc công cuộc kinh doanh của chúng ta thịnh vượng... và chúc chính sách tái cấu trúc thành công mỹ mãn. Xin hết!
Bây giờ, do Spikey Morgan, Youri và Alik Zapadny xúi giục, tất cả mọi người đòi hỏi Barley phải lên tiếng. Họ hô to và nhấn mạnh từng tâm tiết “Bar-ley! Bar-ley!” mãi cho đến khi Barley nhảy lên bàn đặt thức ăn, cầm một cây kèn Saxophone và chơi bài My Funny Valentine, có Jack Henziger đệm đàn piano, lần này theo kiểu Fats Waller.
Các nhân viên bảo vệ trước cửa, liền chen vào trong phòng để nghe, các nhân viên bảo vệ ở cầu thang đi lên tới ngưỡng cửa, và các nhân viên bảo vệ trong tiền sảnh cũng đi lên nửa chừng cầu thang, khi các âm hiệu đầu tiên bản nhạc của Barley cất lên cao vút, trong sáng và hùng mạnh.
o0o
Khi họ đã ra đến ngoài đường, Henziger nói với Barley:
- Bây giờ chúng ta đến quán ăn của người Ấn Độ! Ông hãy đưa Katia đi cùng, tôi đã đặt trước một bàn rồi.
- Rất tiếc Jack. Chúng tôi đã có một hẹn ước khác. Tôi đưa cô ấy đi ăn tối tại một nơi yên tĩnh.
o0o
Tuy nhiên, Barley không đưa Kati đi ăn tối tại một nơi nào cả. Chính Katia dẫn Barley đến một chỗ mà người ta tìm thấy ở trên nóc nhà, bất cứ một ngôi nhà nào tại thành phố lớn đều có. Đối với phụ nữ Nga thuộc thế hệ Katia, chỗ ấy liên hệ mật thiết với các kỷ niệm của mối tình đầu. Lẽ tất nhiên tại ngôi nhà của Kati cũng có một chỗ như thế, ở bên trên cầu thang, để leo lên nóc nhà. Ở nơi này, về mùa đông người ta thấy dễ chịu hơn về mùa hè, vì ở đó có một bồn chứa nước nóng bốc hơi.
Trước tiên Katia phải kiểm tra xem Matvei và hai con của nàng có được bình an vô sự không, còn Barley thì đứng đợi nàng nơi chân cầu thang. Sau đó, nàng nắm tay ông cùng với nàng đi lên cầu thang, Katia có một chìa khoá để mở cánh cửa sắt. Không ai được leo lên đây. Sau khi khoá cửa lại, Katia kéo Barley đến một góc, tại đây nàg đã đặt tạm một cái giường, từ đây có thể nhìn thấy sao trời mờ ảo qua một cửa sổ trên mái nhà, và trong không khí có mùi khó chịu của quần áo đang bắt đầu khô.
- Bức thư em trao cho Landau đã không đến được tận tay anh, - Barley nói. – Nó đã lọt vào tay các nhà chức trách, và chính họ đã phái anh đến gặp em. Bây giờ anh rất lấy làm đau khỏ về việc ấy...
Nhưng bây giờ khong đủ thời giờ để xin lỗi hay trách móc. Ông chỉ tâm sự với nàng về một phần rất nhỏ trong kế hoạch của ông vì ông mà nàng đã đồng ý thừa nhận rằng nàng đã biết quá nhiều về kế hoạch ấy rồi. Vả lại hai người còn phải nói với nhau những điều nghiêm trọng hơn. Tối hôm ấy Katia đã nói với Barley tát cả những gì về nàng mà sau đó ông không bao giờ quên được. Nàng cũng thú nhận đã yêu ông say đắm, để ông có thể đương đầu với sự chia ly dài ngày đang chờ đợi hai người.
Barley không dám kéo dài mãi cuộc tâm sự ấy, sợ những người có nhiệm vụ theo dõi ông ở đây cũng như ở Luân Đôn sinh nghi. Vào lúc nửa đêm, Barley về tới khách sạn Mej, còn kịp để uống một ly với Henziger và Wicklow.
- Jack, quả thật, Alik Zapadny đã mời tôi đến uống với ông ta chén rượu chia tay chiều mai, - Barley báo cho Henziger biết tại quầy rượu ở lầu một.
- Ông muốn tôi đi theo ông? – Henziger hỏi, vì cũng như chính người Nga, Henziger không nghĩ lầm vè những sự liên lạc khả nghi của Zapadny.
- Ồ, không. Ông còn là một lính mới trong nghề. Việc này dành cho người lính già, những người đã lão luyện.
- Mời ông uống rượu vào lúc mấy giờ? – Wicklow hỏi.
- 16 giờ, nếu tôi nhớ không sai. Một giờ kỳ cục để uống rượu. Vâng, tôi nhớ lại kỹ rồi. 16 giò.
Sau đó, Barley chúc hai bạn ngủ ngon và đi tới phía thang máy khách sạn Mej.
o0o
Lúc ấy là giờ ăn trưa, chúng tôi nhận được một tin đặc biệt. Đó là một bức điện tín vô tuyến của Quân đội Liên Xô phát đi từ Leningrad, mà người Mỹ bắt được sóng điện tại Phần Lan và giải mã ở Virginie.
Leningrad gửi Matxcơva, sao gửi Saratov.
Thứ sáu, giáo sư Yakov Savekeive được phép đi nghỉ cuối tuần ở Matxcơva, sau khi thuyết trình tại Đại học đường Quân sự Saratov. Yêu cầu sắp xếp các chi tiết về phương tiện di chuyển và nơi ăn ở trong thời gian giáo sư có mặt tại Matxcơva.
- Cám ơn ngài Sĩ quan Hành chính ở Leningrad, - Sheriton lẩm bẩm.
Ned đã lấy bức điện tín để đọc lại một lần nữa. Hình như ông ta là người duy nhất trong chúng tôi không bị kích động.
- Đó là tất cả những gì họ đã giải mã được? – Ned hỏi.
- Ned, tôi chẳng biết gì cả, - Johnny đáp với một vẻ ác cảm mà ông ta không cần che giấu.
- Ở đó có ghi “Một trên một”. Như thế nghĩa là gì? Hãy đi xem có phải đây là tin tức duy nhất nhận được trong ngày không, mà nếu không thì hãy vui lòng kiểm tra lại những gì họ đã bắt sóng điện được.
Ned đợi cho Johnny rời khỏi phòng rồi mới nói với giọng chua cay.
- Đó là điều tốt hơn hết. Họ theo đúng từng chữ trong quyển sách “Người gián điệp tuyệt vời”. Không đúng, người ta có cảm tưởng đang làm việc với người Đức!
Chúng tôi ngồi đó, ăn buổi trưa một cách lơ đễnh. Sheriton mặc một cáo áo ấm dài tay, cổ cao, có khoá kéo ở ngực, hai tay đút túi, quay lưng về phía chúng tôi, và nhìn qua cửa sổ xem khách bộ hành lặng lẽ qua lại ở ngoài đường. Còn chúng tôi thì nhìn Johnny nói trên một trong những đường dây được xem là bảo đảm ông ta cúp máy và vào trở lại trong phòng.
- Số không, - ông ta tuyên bố.
- Cái gì, số không? - Ned hỏi.
- “Một trên một” có nghĩa là một. Đó là một bức điện tín đơn độc, trước đó không có gì cả, và sau đó cũng không có gì cả.
- Thế thì đó là một cú gặp may sao? – Ned hỏi.
- Một bức điện tín đơn độc, - Johnny lặp lại.
Ned quay phắt về phía Sheriton.
- Russed, hãy suy nghĩ hai phút đi! Sóng điện ấy đã bị chặn bắt được một cách hoàn toàn độc lập, trước không có gì và sau cũng không có gì. Đó là một cú đánh giả vờ. Đó là một cái bẫy.
Đến lượt Sheriton đọc lại bức điện tín, và khi ông ta lên tiếng, giọng nói mệt mỏi của ông ta chứng tỏ là ông không còn kiên nhẫn được nữa.
- Ned, các chuyên viên giải mã đã đoan chắc với tôi rằng bức điện tín này xuất phát từ một nguồn quân sự thấp và đã truyền đi từ một cái máy truyền tin có số là 1921. Bây giờ người ta không còn chơi trò giả vờ như thế nữa. Không phải Chim Xanh trở chứng mà chính ông trở chứng đó.
- Nhưng chính vì thế mà bọn họ đã dùng chiến thuật ấy! Ông và tôi, chúng ta sẽ không chơi cái trò ấy nữa không?
- Có thể lắm, - Sheriton công nhận như thể ông ta không muốn tranh luận nữa.
- Ned, dù sao thì chúng ta cũng không thể yêu cầu Sheriton ngừng chiến dịch lại với lý do mọi sự đều tốt đẹp! – Clive xen vào.
- Với lý do rằng khi nào mọi sự đều tốt đẹp cho chúng ta, thì đó là một mưu mô của điện Kremlin để gài bẫy chúng ta, - Sheriton nổi giận nói. - Đây là chiến dịch của tôi, và đây là sinh mệnh của tôi.
- Và của Barley, - Ned nói. - Ông ta bị lộ mặt nạ , cả Chim Xanh nữa.
- Đúng như thế! – Sheriton chế giễu với giọng lạnh lùng. Không còn nghi ngờ gì nữa... Ông Phó giám đốc, ông có nhận xét gì không? – Ông ta hỏi Clive, với vẻ không mấy thân thiện.
Clive có tài dàn hoà cả hai bên.
- Russel, xin mạn phép ông, và Ned, tôi tin rằng cả hai ông đều đang ở trong trạng thái tự do cho mình là trung tâm của vũ trụ. Chúng ta là thành phần của một cơ quan. Chúng ta làm việc với tinh thần đồng đội. Chính các cấp trên của chúng ta đã bật đèn xanh cho Chim Xanh, chứ không phải riêng gì chúng ta.
Sheriton quay về phía Ned:
- Ned, ông hãy tưởng tượng một chút những gì sẽ xảy ra ở Washington và ở Langley, nếu bây giờ tôi huỷ bỏ chiến dịch? Ông hãy tưởng tượng những tiếng cười ngạo nghễ của bọn ở Bộ Quốc Phòng, ở Lầu Năm góc? Và bây giờ ông nói với tôi rằng tôi phải liệng Chim Xanh cho thú dữ!
- Tôi chỉ nói với ông đừng đưa cho hắn bảng kê những câu hỏi mà hắn đòi hỏi.
Sheriton nghiêng đầu sang một bên, như thể ông ta điếc.
- Đừng đưa cho ai? Barley hay Chim Xanh? – Ông ta hỏi.
- Đừng đưa cho Barley, cũng đừng đưa cho Chim Xanh. Hãy hủy bỏ tất cả.
- Ned, Chim Xanh nghiêm túc, đúng đắn, trung thực ! Đó chính là lời của ông, ông nhớ không? – Sheriton giận dữ nói.
- Russell, ông đừng đưa cho hắn bản liệt kê các câu hỏi nữa. Hắn không còn là người của chúng ta nữa rồi. Nếu ông vẫn muốn cho hắn một cái gì, thì hãy cho hắn một phát súng lục.
- Bắn bỏ sao? Công nhận rằng Chim Xanh là đồ vô giá trị sao? Không, ông nói đùa đấy chứ? Ned, tôi muốn có những bằng chứng, chứ không muốn nghe những sự tiên đoán. Ở Washington, ngay đến những kẻ ngu ngốc nhất cũng khẳng định rằng Chim Xanh là Thánh Kinh của đạo Thiên Chúa, là Pháp Điển của đạo Do Thái và Hồi giáo hợp lại. Và ông, ông vừa nói với tôi hãy cho hắn một phát súng lục! Ned, chính ông đã lôi cuốn chúng tôi vào công việc này. Ông đừng có tìm cách rút ra nhanh như thế!
o0o
Có thể ở Nhà xuất bản Tháng Mười thật sự không có một căn phòng nhỏ nào, hay vì Alik Zapadny, sau những năm bị giam giữ, bây giờ vẫn còn ghét những căn phòng nhỏ.
Dù sao đi nữa, Barley cũng nhận thấy gian phòng mà Zapadny đã quyết định dùng làm nơi tiếp mình đủ rộng để tổ chức một cuộc khiêu vũ, nhưng ở đó chỉ có một vật trang trí duy nhất, kích thước nhỏ nhoi: đó là bản thân Zapadny, ngồi thu mình ở đầu một cái bàn dài, như một con chuột ẩn mình trong hang. Với đôi mắt sáng quắc, Zapadny nhìn Barley băng qua gian phòng rộng và bước tới phía ông ta.
Ông ta đã bày biện ra trước mặt ông ta một số giấy tờ, một chồng sách và một bình nước với hai cái lu. Rõ ràng là ông ta mong muốn làm cho Barley có ấn tượng là ông ta đang bận làm việc.
- Ông bạn Barley thân mến, xin cám ớn ông đã có nhã ý đến giã biệt tôi, mặc dù ông cũng bận rộn công việc như tôi...- Zapadny nhanh nhảu nói. - Nếu công cuộc kinh doanh xuất bản của chúng ta tiếp tục phát triển như thế này, chắc chắn tôi sẽ phải tuyển thêm ít nhất một trăm nhân viên nữa và làm việc trong những gian phòng rộng rãi hơn.
Zapadny kéo một cái ghế dựa ra để mời Barley ngồi theo phép xã giao. Nhưng theo thói quen, Barley thích đứng hơn.
- Tôi không thể liều lĩnh mời ông một ly rượu trong giờ làm việc, - Zapadny cáo lỗi. – Nhưng xin ông vui lòng ngồi xuống và chúng ta hãy đàm đạo với nhau vài phút.
Ông ta nhìn đồng hồ, nhíu mày rồi nói tiếp:
- Lạy Chúa! Hội chợ triển lãm này đãng lẽ phải kéo dài một tháng chứ không phải năm ngày như thế này!
Nhưng Barley đã cắt ngang. Vẫn đứng chứ không chịu ngồi xuống ghế, ông ta nói:
- Này Alik, máy điện thoại này có hoạt động tốt không?
- Chắc chắn là tốt.
- Vậy thì ông hãy nghe tôi nói đây. Tôi phải phản bộ tổ quốc tôi, và tôi gấp lắm. Vì thế, tôi muốn ông giúp tôi tiếp xúc với các nhà chức trách có thẩm quyền, vì có một số điểm tôi phải trình bày trước. Và tôi không muốn nghe ông nói dối rằng ông không biết phải tiếp xúc với ai. Ông hãy làm việc tôi yêu cầu đi, nếu không, ông sắp bỏ lỡ một dịp tốt để lập công đấy!