Một chuyến ngoại du gần mà xa
Tác giả: Khải Nguyên HT
Xa vì hãng lữ hành hẹn lên hẹn xuống đến bốn lần mới đi được. Xa vì những cách bức do hoàn cảnh chính trị hoặc yêu cầu an ninh, an khang, vân vân. Vốn đang ước được đi Lào, một đất nước vừa gần gũi về địa lí vừa thân thiết tình người, ở đó thiên nhiên còn đậm đà mà phóng khoáng, con người còn chân chất, những dấu tích thời xưa thoát sự tàn phá của thời gian và chiến tranh chưa bị các công trình hiện đại ngạo nghễ lấn lướt, đẩy vào những xó bảo tồn hoăc lưu niệm. Khốn nhưng hướng du lịch này hầu như chưa được khai thông, người ta chuộng những thứ khác. Một ông bạn rủ:-Này! Có một tua du lịch có thể thăm "bên này, bên kia", đi không ? Có vẻ ỡm ờ, song ngầm ý tứ. Ờ, thì đi !
Các nơi đến là những địa danh đã quá quen tai, nhưng vẫn chứa những bí ẩn. Một thành phố cũ nhiều thế kỉ đã mấy chục năm rồi phình ra, cao lên, "thay da đổi thịt" gần như hoàn toàn mà nay vẫn nhằm mục tiêu "mỗi năm có một sự thay đổi nhỏ; ba năm, một thay đổi vừa; mười năm, một thay đổi cực lớn". Một thành phố mới toanh, từ bùn lầy mọc lên mới vài mươi năm nay, chững chạc, kiêu sa, thách thức, không dấu ý đồ "vượt Xin-ga-po trong một tương lai gần". Một thành phố suốt hơn bốn trăm năm làm "con nuôi" của một đế quốc tí hon, già cỗi, vốn là “thiên đường” lớn nhất Á đông của dân đỏ đen, nay trở về với nước mẹ trên danh nghĩa pháp lí vẫn nuôi tham vọng cứ là "sòng bạc" vào hàng đầu thế giới. Một thành phố từng là trạm tiền tiêu kinh tài nơi viễn đông của cái đế quốc từng kiêu hãnh "mặt trời không bao giờ lặn" trên lãnh địa mình, từ năm 1997 theo kì hạn trên văn tự bán mua đã rời mẫu quốc-xứ sương mù, và chuẩn bị sau 50 năm hoà nhập vào tổ quốc gốc, vẫn không muốn từ bỏ vai trò một trung tâm tài chính thế giới và cửa ngõ hút tài lực cho Trung Hoa lục địa.
Dương thành - thành phố 5 con dê
Thời mà "tiên có thể lẫn với trần" có năm người tiên dắt theo 5 con dê xuống đem đồng lúa ban cho người Quảng Châu. Bầy tiên biến đi, còn bầy dê thì hoá đá. Bấy giờ quần tượng "ngũ dương" ở công viên Việt Tú là một trong những biểu tượng của thành phố Quảng Châu, thành phố lớn thứ 5 Trung Quốc và được coi như thủ phủ của Hoa Nam. (Thân phận con dê ở Việt Nam ta không được may như thế, không là một hình tượng đẹp, nhất là khi được đem ví với các ông bự về quyền, về " tiền" mang trong mình cái máu của nó ). Đất này, 23 thế kỉ trước, vốn là Phiên Ngung kinh đô của Triệu Đà, thủ phạm chính của mối tình oan cừu Mị Châu-Trọng Thuỷ. Phiên Ngung nay chỉ lưu tên lại nơi một quận và một cây cầu lớn bắc qua sông Châu Giang.
Bảy năm trước, tôi đã đến Quảng Châu. Bây giờ thấy thành phố này rộng lớn hơn, phong quang hơn. Thêm nhiều nút giao thông đường bộ có cầu vượt dọc, ngang, chéo nhiều tầng. Đường cao tốc “nội hoàn” bao vòng trong thành phố. Xe máy ít hẳn; hầu như không thấy bóng dáng những chiếc “xe ôm” vẫn đứng “trực” bên hè phố trước đây. Hỏi ra, thành phố đã ngưng cấp đăng kí xe máy trong nội thành; số xe đã được đăng kí từ trước bị loại đi dần theo tuổi thọ của chúng, xe cà tàng không được phép lưu hành, xe đăng ký ngoài thành phố chớ có lai vãng vào! Người ta lập luận: xe máy choán ít chỗ nhưng hiệu suất chở kém ô tô; xe máy tiện luồn lách nhưng cũng vì thế mà dễ gây lộn xộn, dễ làm mất trật tự. Thành phố mới có xe điện ngầm, đang phát triển thêm. Một sân bay mới, hiện đại chuẩn bị thay thế sân bay cũ Bạch Vân, quá gần thành phố và quá lạc hậu. Thành phố có thêm nhiều khu nhà cao tầng bề thế. Hồi trước, nhà cao nhất là 64 tầng; nay, cao nhất là 86 tầng; cao thứ nhì cả nước. Dấu tích Quảng Châu ngày cũ lưu lại chủ yếu nơi các địa danh, các di sản văn hoá, lịch sử, nơi một số đoạn phố cũ được dụng ý bảo tồn... Chúng vẫn có phần trong niềm tự hào của thành phố đang đi lên. Cái luộm thuộm, rếch rác, phiền toái của các phố Tàu xưa đã không còn nữa. Người ta đã mạnh tay lắm trong việc cải tạo, tân tạo. Tất nhiên, nhiêu khê hơn xây dựng mới hoàn toàn. Rõ nhất là ở mạng lưới giao thông nội thành. Ít đô thị nào có nhiều đường tầng, đường vượt như thế. Và mạng lưới đường bộ rắc rối, đến các lái xe ngoại thành cũng sợ, đưa xe vào có khi phải thuê người dẫn đường. Mấy ngày lưu lại Quảng Châu, chúng tôi không gặp nạn kẹt xe, không thấy xe phóng nhanh vượt ẩu. Đặc biệt, hầu như không nghe thấy tiếng còi xe. Đâm "nhớ" tiếng còi xe V.N. Cái “nết” ham bóp còi xe, người Việt ta chắc là nhất thế giới! Luật lệ của họ chặt chẽ và thi hành nghiêm. Thấy nói cảnh sát giao thông của họ cũng không thạo “làm luật” như ở ta, bởi lôi thôi là lập tức bị đuổi ra khỏi ngành, chưa nói những hình phạt khác. Cầu vượt của họ thực sự đắc dụng, cầu vượt cho xe, cầu vượt cho người đi bộ (Ở ta, có không ít cầu vượt dường như để chủ đầu tư hưởng “lại quả” là chính). Thêm cái sự không được “đa dạng” như ở ta. Ở ta, luôn luôn có sự “hoà đồng” và “bình đẳng” giữa xe ô tô, xe máy, xe đạp, cả người đi bộ nữa. Dẫu đã chấp hành tối thiểu luật giao thông, song tâm trạng “đường ta, ta cứ đi” và tâm lí “xe ngại người ”, “xe lớn ngại xe nhỏ” cứ lởn vởn.
Quảng Châu ngày càng mọc thêm nhiều khối bê tông đồ sộ, song người ta không quên cây xanh, mặt nước; chăm chút cái sẵn tự nhiên đã đành mà còn mạnh tay nhân tạo. Trong một công viên mà xung quanh là những toà nhà chọc trời, một thác nước từ trên cao chừng vài mươi thước tuôn theo vách đá xây suốt một chiều dài dăm chục mét. Tiếng nước reo át những tạp âm đô thị. Bụi nước từ thác và các vòi phun toả hơi mát và xua đi bụi trần. Cao đằng sau thác là một vườn cây rộng mới trồng, đã lên quá đầu người. Giữa phố phường sầm uất nóng nực, ồn và bụi, nặng thở, nơi đây như một thứ “thiên thai” lạc vào. Khoản tiền bỏ ra hẳn chẳng nhỏ tạo chốn cho người dân tự do đến thưởng ngoạn, nghỉ ngơi, một sự đầu tư mà món lãi không thể đo đếm được bằng tiền bạc! Cách đây chưa lâu, một đài phát thanh phương Tây còn nói đến “chủ nghĩa tư bản hoang dã” ở Trung Quốc hiện tại. Tôi không có điều kiện và trình độ để hiểu rõ xã hội Tàu hiện nay. Song tôi cảm thấy họ quan tâm đến dân sinh và môi sinh. Họ không chỉ tôn cao bộ mặt đô thị mà còn quan tâm đến chất lượng cuộc sống đô thị. Các khu chung cư mới đều có đường ống dẫn khí đốt vào từng căn hộ. Các khu cũ chắc là dùng bình khí đốt. Đi trong mấy phố cũ, ngõ nhỏ, tôi không gặp bếp than nào như ở ta mà mỗi khi nhen nhóm được đem ra ngoài cho hàng xóm và khách qua đường "lãnh đủ", cũng không cảm thấy mùi khí than quanh quất như bên ta. Nước máy ở Quảng Châu đắt vì thu cả phí giải quyết nước thải. Họ có thêm một hệ thống nước máy tinh khiết. Có một mục tiêu khá “chịu chơi”: đến năm 2005 người dân có thể thoả sức tắm táp, bơi lội trên sông Châu Giang (sông Ngọc). Ở vùng nông thôn rộng lớn của họ không chắc có bộ mặt “coi được” trong mắt khách du như vậy.
Một tối, chúng tôi đi dạo trên phố mang tên Bắc Kinh. Đường lớn, hè khá rộng không bị hàng họ lấn chiếm, không dựng đầy xe máy, xe đạp như bên ta (lại!). Các cửa hiệu phần lớn là hàng may mặc. Một cửa hàng bánh kẹo có bày sản phẩm Việt Nam nhưng bị lọt thỏm giữa các thứ của Tàu. Có cả một đoạn đường phố khá dài dành cho đi bộ (các phố buôn bán đều có những đoạn như thế). Rất đông người qua lại nhưng không nhộn nhạo, ô hợp. Phần giữa lòng đường có một khúc dài dăm chục mét, sâu chừng một mét, đậy kín nắp kính là những mẩu đường lát đá thời Nam Tống, thời Minh, một kiểu triển lãm tại chỗ, đồng thời cũng là một thứ bảo tàng ngoài trời. Cách bảo quản và trưng bày này có thể vận dụng theo một cách nào đó vào di tích thành Thăng Long chúng ta đã và đang khai quật không nhỉ?
Quảng Châu giàu lên, thấy rõ. Những khu biệt thự dành cho người thu nhập cao. Nhiều nhà chọc trời dân doanh. Từ khi được phép sắm máy bay riêng, đã có tám người đăng kí mua. Họ đang học để lấy bằng lái, học phí một triệu nguyên(1,9 tỉ VNĐ). Sự cách biệt giàu nghèo chắc là lớn. Song khó thấy người nghèo . Kẻ ăn mày không được bén mảng đến nơi có du khách. Bên đường cao tốc đi Thẩm Quyến có hai gia đình ngụ dưới gầm hai cầu vượt: giường màn, nồi niêu... thoáng qua mắt khách trên xe lướt nhanh cách chừng dăm chục mét có vẻ lạc lõng và trớ trêu cạnh một con đường thật đẹp. Ông bạn cùng đi bảo ông sẽ nhớ lâu hai cảnh. Cảnh thứ nhất ở trước các quầy hàng kề phòng đợi và phòng tiếp tân của khách sạn bốn sao Canton, 23 tầng. Một cô gái trẻ khoác chéo trước ngực một cái băng màu vàng có dòng chữ: “Sẵn sàng phục vụ quí khách những mặt hàng nổi tiếng” đứng nguyên một chỗ hàng mấy tiếng đồng hồ, thỉnh thoảng đổi chân trụ hoặc lật lật bàn chân cho đỡ mỏi. Thà như người lao công xách xô và chổi quét rác suốt buổi ngoài sân kia! Thà như cô gái luôn tay lau nền nhà kia! (Mà kể cũng lạ! Một khách sạn sang trọng, hoàn toàn tân tạo chưa lâu, không trang bị những công cụ lau, hót, quét hiện đại, lại “kết hợp“ xài phương tiện thủ công!). Cảnh thứ hai ở Vinh Hoa đường, một viện Trung y dược nổi tiếng: Một người sành sỏi giới thiêu sơ về bệnh lí, xong đến mục phô diễn công dụng thuốc. Sau tiết mục cà tay vào xích sắt nung đỏ để thử một thứ thuốc mỡ mà tôi đã được xem lần trước, là tiết mục gây ấn tượng hơn: một con gà đang sống nguyên bị cắt gân chân và bẻ gãy xương đùi tại trận (có tiếng xương gãy khô khốc thật) rồi được bôi thuốc và băng bó; chừng mươi phút sau được thả ra, nó tương một bãi phân rồi chạy biến như thường. Tiếp đó, các bác sĩ Trung y bước vào, nhiều người được giới thiệu là giáo sư, sẵn sàng bắt mạch kê đơn hoàn toàn miễn phí. Có đơn thuốc tính ra phải đến 2300USD. Cô L. được chẩn rằng: kinh nguyệt không đều, cần uống thứ thuốc này, thuốc này... thì mới dễ có thai. Mà cô đang có thai chừng hai tháng! (Tháng trước, ở nhà, một ông lang “hàng nội” đã chẩn đoán được là con trai. Cô đi siêu âm, kết quả đúng như vậy. Thì ra hàng nội cũng là gì đấy chứ hỉ!). Có lẽ họ quá tự tin và cũng biết không ít người Việt Nam mình sùng bái các ông lang Tàu. Họ cũng đánh giá quá cao túi tiền của khách (vẳng bên tai tôi câu nói cách bảy năm trước: “Người Việt Nam đi du lịch mà thiếu tiền à?” khi tôi nói không có đủ tiền mua toa thuốc mà họ đề nghị -Họ cứ nghĩ người VN nào đi du cũng xài tiền “chùa” hoặc tiền bất minh!). Chỉ loại người Việt nào đó mới thả sức xài tiền thôi! Thuốc của họ hẳn cũng có công hiệu nhất định, nhưng giá đừng quảng cáo như kia!
Hoàng Hoa Cương. Năm 1996. tôi tìm mãi mới thấy mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Cô hướng dẫn viên tuy từng ở Việt Nam lâu cũng không biết là ai. Chẳng trách cô ta được, các quan chức của tập đoàn xây dựng thành phố H.P. trong đoàn cũng thế mà!. Thậm chí cậu kĩ sư “gì cũng biết” còn hỏi: “có phải là chồng của Minh Khai không?”. Khi tôi tỏ ý trách các tổ chức lữ hành của ta không đưa việc viếng mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái vào chương trình chuyến đi, một phó giám đốc còn nói: “Đó là chuyện không đáng gì” (!). Mãi đến nay tôi còn cảm thấy thật đáng buồn. May thay! lần đi này có hẳn mục đó. Và trong tờ gấp của bạn giới thiệu về danh lam này có ảnh mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái cùng sáu ảnh trang trọng khác. Sau lễ viếng, các bạn trẻ trong đoàn (bốn cặp vợ chồng) hỏi kĩ tôi về tiểu sử của liệt sĩ . Một cậu còn hỏi: Hồi ấy, Phạm liệt sĩ hoạt động trong tổ chức chính trị nào? Lần này thì đáng mừng.
Sức quyến của một vùng đất
Chẳng biết "quyến'' ở đây có mang nghĩa quyến rũ không, cái tên Thâm Quyến có sức hút riêng. Một thành phố rất non trẻ, là nơi cho các nhà đại tư bản tung hoành mà lại là niềm tự hào của nước C.H.N.D. Trung Hoa xã hội chủ nghĩa! Cái thành phố là mẫu của một kiểu làm ăn không hẳn là mới nhưng quả là có lạ trong hoàn cảnh và thời điểm của nó. Sự qui tụ dân số và đô thị hoá nhanh hiếm thấy. Với một diện tích xấp xỉ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu của ta, chỉ trong vòng vài chục năm đã có tới 4,9 triệu dân; riêng khu nội thành 372km2 vốn là vùng làng chài nay đã là khu đô thị tân tiến bậc nhất với 1,2 triệu dân. Một mặt, tự nhiên đất "lành" (đúng ra là đất "hứa"việc làm và tiền của) hút "chim tới đậu" từ mọi miền đất nước, cả dân muốn làm giàu, cả dân thất nghiệp. Mặt khác, chính sách nhà nước hút vốn đầu tư từ mọi nguồn, mọi người, nhất là Hoa kiều; chính sách nhà nước hút nhân tài (những người thực tài, ngoài những ưu đãi khác, được đưa cả gia đình đến, - điều mơ của những người bình thường). Thành phố này tất nhiên không có những khu phố cổ, những khu phố cũ đường sá hẹp, nhà của lô xô, nham nhở dăm ba tầng. Nó được qui hoạch từ đầu và được thực hiện phân minh.
Cư dân Thâm Quyến hầu hết là mới tới định cư. Có một loại chẳng phải là dân ngụ cư mà là chủ, chủ bự nữa cơ, song không hẳn là định cư. Khu vực vào loại đẹp nhất được gọi là "Hoa kiều thành", là nơi các Hoa kiều về nước làm ăn dùng làm nhà nghỉ, cũng là nơi để họ tiêu đôla Mĩ, Euro. Một số không ít ngụ và ngự ở "xóm bà hai". Gọi là "bà hai" vừa đúng theo nghĩa đen cổ xưa, xét thực chất, vừa không đúng, xét danh nghĩa. Những nguời đàn bà, may hoặc không may, có được nơi nương tựa ít ra là trong một tương lai gần. Bảo là "gái bao", có lẽ là bỉ thử họ. Bởi, họ có con cái đàng hoàng và được địa phương mặc nhiên coi họ có chồng hẳn hoi. Bảo là "vợ", e không đúng với thời nay. Bởi người làm "chồng" họ đang có vợ tại ngụ sở chính ở nước ngoài. Dẫu sao thì hiện tại các "bà hai" đang được chuộng. (Kể ra, họ không được “thả dàn” như những người Hoa giàu có ở VN, nhất là ở TP HCM, có thể lấy “chui” bao nhiêu vợ cũng được,-nói là chui, nhưng hầu như công khai; nhiều người già khọm rồi mà vẫn thích xài gái tân, nhất là những khi cần giải xui(!)). Những người đàn ông Tàu hải ngoại về làm ăn nơi đất mẹ, sau những giờ mệt mỏi và căng thẳng chốn doanh trường cần tìm hơi ấm gia đình tại chỗ. Các bà rất giỏi nấu canh, thứ đàn ông Tàu chuộng nhất trong bữa cơm gia đình. Hiềm một chút, đến thứ bảy và chủ nhật là xóm "bà hai" chỉ rặt đàn bà và trẻ con. Các ông chủ phải phới về với "bà cả".
Người đến Thâm Quyến chắc không bỏ qua hai nơi: "Cửa sổ thế giới" và "Trung Hoa cầm tú". Cửa-sổ-thế-giới là công viên trưng bày những hình ảnh tiêu biểu hay đặc trưng của rất nhiều nơi trên thế giới thu nhỏ theo một tỉ lệ nào đó. Chủ yếu là các công trình kiến trúc, có đồ sộ hoặc hoành tráng, có nên thơ. Nhiều nhất vẫn là của Hoa Kì, đến tám cái, trong đó có những cái được dựng hẳn chỉ vì tiếng tăm chính trị, nếu là của nước khác có thể không được chọn. Người ta đã viết nhiều về kì công này. Tôi chủ ý tìm biểu tượng của Việt Nam. Cảm ơn bạn đã cho Chùa Một Cột của ta có chỗ trong cái bảo tàng bằng mô hình ngoài trời này. Nó được đặt trong một khung cảnh cũng xinh. Tuy nhiên, ngôi chùa của ta vốn đã bé nhỏ mà làm thu nhỏ 1/5; nếu không có người hướng dẫn tôi khó mà lần ra. Trong khi đó những vật đồ sộ như tháp Épphen cao hơn 330 mét thu lại theo tỉ lệ 1/3 nên nom vẫn uy nghi, ngạo nghễ vươn lên trời. Đứng trước nó, tôi vẫn có cái cảm giác như đến với tháp Epphen thật bên bờ sông Xen cách đây mười mấy năm. Ngoài ra, Việt Nam ta có thể có những “đại biểu” khác, vịnh Hạ Long chẳng hạn. Ồ!-Bạn đọc hẳn sẽ kêu lên-đây “tuyển” di sản nhân tạo cơ mà! Không đâu. Có cả di sản thiên nhiên, tuy không nhiều - thác nước Nicaragara của Mĩ và Canada, núi lửa Ha-Oai của Mĩ, núi Corcovado của Braxin…
Trung-hoa-cẩm-tú tập hợp các mô hình của những công trình kiến trúc cổ kim và các danh lam thắng cảnh làm nên niềm tự hào người Trung-hoa. Đây cũng là một kì công, một thứ thắng cảnh nhân tạo. Để thưởng thức trọn vẹn thắng cảnh này phải nắm được ít nhiều về địa lí và lịch sử nước Tàu. Dù sao, mọi mô hình dầu phát huy tốt đến đâu cũng chỉ có tác dụng gợi ý. Những ai chưa từng đến Trung Quốc, thăm thú Trung-hoa-cẩm-tú có thể hình dung được phần nào sự “cẩm-tú” của Trung-hoa nhưng khó có thể mà tưởng tượng ra hết sự vĩ đại. Còn những ai đã có lần đến thăm đất nước này thì có thể bị hẫng hụt, tựa như người từng ngồi ôtô thật mà ngồi vào ôtô trò chơi trong vườn trẻ. Ông bạn cùng đi bảo: “Định sổ toẹt sao?”. Đâu có! Tôi vẫn mong ở ta có những “vườn” như thế đấy chứ, dĩ nhiên không dập khuôn. Song, cần đánh giá đúng tác dụng mới có hướng khai thác thích hợp, có hướng phát huy, bổ sung. Thấy nói hai công trình này do Hoa kiều đầu tư.
Xem hai công viên kia rồi lướt trên đường phố, thấm thía phần nào sự giàu sang, sự tân tiến của Thâm Quyến. Đến khi ghé một tiệm ăn lại tưởng đâu đang lộn về Việt Nam, bởi cơ sở vật chất của cửa hàng này giông giống một quán cơm dọc đường bên ta, chẳng tương xứng chút nào với Thâm Quyến tiếng tăm. Cũng may, không có cái cảnh đón lõng, vây ép thực khách từng khét tiếng ở ta, và bữa ăn cũng tươm.
Chúng tôi sắp rời Thâm Quyến, đã 12giờ30, cô hướng dẫn viên dẫn đến tham quan Công ti thuỷ tinh (ngoài chương trình). Giảng giải nhanh gọn về pha lê ưu việt của họ; mau chóng giới thiệu mặt hàng: kính các loại, đồ trang sức các kiểu kết hợp nhiều chất liệu. Tranh thủ hỏi: “Pha lê ở đây khác pha lê Bôhem chẳng hạn, thế nào?”. Đáp rất tự tin: Pha lê kia là pha lê nhân tạo. Pha lê của chúng tôi là pha lê tự nhiên, cắt mài từ đá tự nhiên”. Tự thấy mình thật kém cỏi, đến bây giờ mới biết có đá pha lê (!).
Rời Thâm Quyến không được thoả mãn. Không chỉ vì tham quan ít, sơ lược. Coi như chưa hiểu gì mấy, chưa nắm được cái hồn Thâm Quyến theo vị thế tiếng tăm của nó. Thành phố này khác những gì, về căn bản, với phần mới lập của Quảng Châu, nơi gọi là “Châu Giang tân thành”? Ấn tượng Thâm Quyến để lại không rõ nét bằng ấn tượng về một thành phố anh em đồng sinh với nó, thành phố Chu Hải mà chúng tôi chỉ lướt qua một rẻo bên và ghé mươi phút chụp ảnh với tượng nàng tiên cá.
Chu Hải có 1,1 trệu dân mà 40% là Hoa kiều. Có dáng một thành phố ngăn nắp, chăm lo đến sinh thái. Đường rộng, thoáng đãng, giữa những thảm cỏ trải ra. Một ngọn núi thấp rậm cây, kiểu buồng phổi của thành phố như bên Âu, Mĩ. Xe cộ không ào ạt; không thấy chiếc xe máy nào. Không có xe đỗ bên đường; xe phải đỗ theo trạm. Đường rìa thành phố cũng được chăm sóc tốt, không chỉ sạch sẽ mà còn được điểm tô cỏ cây, hoa lá, có cả lẵng hoa treo bên cột điện. Một đường men biển tuyệt đẹp mang tên “đường Tình Yêu” đi giữa vườn cây, bãi cỏ với nhiều tượng trắng đối mặt hay kề vai theo phong cách nghệ thuật hiện đại, xa trông như cụt đầu. Trời đẹp, chói nắng, nhưng mặt biển nhẹ toả hơi sương. Tượng người đuôi cá nổi lên trên nền hình núi và nhà cao chót vót ở bờ bên kia, có lẽ là đất Ma-cao. Tượng “cô người cá cầm ngọc trai” là biểu tượng của thành phố Chu Hải. Tích xưa kể rằng con gái Long vương quyết lấy chồng người trần nên biến thành người cá.
Ngay lối vào thành phố, thấy một người ăn xin già; cô hướng dẫn viên nói: “những người này thường là con cái bắt đi ăn xin về cho chúng làm giàu”. Chẳng nhẽ lại là “những tư tưởng lớn gặp nhau“, ở Việt Nam cũng có cảnh như rứa !
“Đất hứa” hồi nào
Nói đến Hồng Kông, -ta vẫn đọc theo âm Hán Việt là Hương Cảng, là nói tới một trung tâm giao dịch tiền tệ, một trạm trung chuyển thương mại, cũng là một nơi ăn chơi khét tiếng.
Lãnh địa Hồng Kông gồm nhiều đảo và bán đảo mà thành phần chính là đảo Hồng Kông và bán đảo Cửu Long (đúng ra phải nói là Hương Cảng và Cửu Long, nếu theo âm Hán Việt, hoặc Hong Kong và Câu Lun, nếu theo phiên âm tiếng Anh). Toàn lãnh thổ rộng 1100 km2 với 6,8 triệu dân hiện nay. Trở thành đất của nữ hoàng Anh từ 1842 mới riêng đảo Hồng Kông, lúc hãy còn là những làng chài; năm 1860 thêm phần nam bán đảo Cửu Long; và đến 1898 lại thêm phần bắc Cửu Long cùng 235 đảo khác; tất cả đều vào văn tự bán mua. Hạn 99 năm. Năm 1997, đúng hạn, về với đất Mẹ.
Đảo Hồng Kông nối với Cửu Long bằng 3 tuyến xe điện ngầm. Đường bộ thì dùng phà vượt xe eo biển hẹp Vic-to-ri-a. Từ 8-1972 thôi phà, thay thế là đường ngầm xuyên biển dài 2,2 km, dưới mặt nước biển 24 mét. Nghe kể lại người được chọn cắt băng khánh thành là một bà cực to béo, to béo đến mức, theo người ta ngoa ngôn, choán hết nửa cửa đường ngầm. Chọn người như vậy là có ý cầu mong cho khách qua lại chật đường. (Ta sẽ còn gặp không ít kiểu “tin mê” như thế nữa). Khỏi ước thì xe cũng tuôn không ngừng rồi, song không ách tắc. Mỗi lần qua phải trả 10 đôla HK (20.000 VNĐ). Từ bấy đến nay bao nhiêu là tiền thu! Riêng một loại xe đặc biệt, xe tang, phải trả tới 100 HKD. Cứ nghĩ: xe tang thì ưu tiên miễn phí mới phải chứ? Hoá ra người ta biện luận rằng: Đây là lần cuối người nằm trong quan tài làm nghĩa vụ với nhà nước. Một sự đòi hỏi đóng góp của người dân thật “chu đáo”! Xem ra ở đất này người ta chẳng cám cảnh người chết lắm. Cho đến đỗi ông chủ nhà tang lớn nhất ngang nhiên chọn số biển xe hơi của mình là bốn con số 4 (4444). Cũng trò dị đoan như ở ta, ngay cả ở những vị “mặt lớn, tiền nhiều”, ham chọn những số biển xe “đẹp”. Con số 4 người Tàu đọc gần với âm “tử”, (nghĩa là chết). Đọc liền bốn tiếng “tử” rõ ràng như là giục người ta chết đi. Lão chủ chỉ cần càng nhiều người chết càng tốt. Kiếm được biển xe mang số như thế tất lão phải tốn bộn tiền.
Hai cái nhất của Hồng Kông. Một là mật độ dân số vào loại cao nhất thế giới. Riêng ở Hồng Kông đảo và Nam Cửu Long, nếu mọi người đều xuống đứng trên mặt đất thì không đủ chỗ đặt dù chỉ một bàn chân! Hai là đắt đỏ vào loại nhất thế giới. Giá mua một căn hộ chung cư tương đối tiện nghi chừng 16 tỉ VNĐ. Ít người mua được, thường là phải thuê. Mà thuê đâu có rẻ. Cô hướng dẫn viên, người Việt gốc Hải Phòng, được người chị bảo lãnh cho sang định cư đã bốn năm, hưởng lương 1000USD/tháng mà thuê nhà đã mất 500USD. Căn hộ chung cư cô thuê “ai đến chơi thì cởi áo từ ngoài, mở cửa là bước lên giường luôn”. Cô nói không cười, có dụng ý hài hước: căn hộ chỉ có 10 mét vuông! Chỉ các “đại gia” mới có xe hơi riêng, bởi “nuôi” xe hàng tháng tốn bằng nuôi hai bà vợ (!). Tiền phạt cũng vào loại “kỉ lục”: Vứt rác, 2000HKD; hút thuốc nơi cấm, 5000HKD. Chết cũng đắt, thuê làm lễ tang trong hai ngày hết 5500USD.
Như tại bất cứ nơi nào, các khu vực sang-hèn, giầu-nghèo phân biệt rõ. Khu các “đại gia” tập trung ven đỉnh Thái Bình và quanh Vịnh nước cạn. Trong số nhà chọc trời trỏ cho du khách xem, cô hướng dẫn viên đặc biệt lưu ý “nhà đổi mầu” của L.G.T.. Ban đêm, ánh sáng toả ra từ ngôi nhà tháp này đổi mầu từng lúc. Cái ông tỉ phú này có ba điều “lẩm cẩm” mà không phải ông nhà giầu nào, ông đại quan nào cũng làm được hoặc dám làm. Một, trong thời gian dài kinh doanh làm giầu, mâm cơm bao giờ cũng có đĩa dưa muối mặn để không quên thời cơ cực. Hai, khi đã thành đạt vẫn lưu tâm tìm ông khách uống trà mà mình phục vụ thuở hàn vi trót làm vỡ ấm trà; ông ta đã không trách mắng lại cho lời khuyên về sự kiên nhẫn và sự cẩn trọng. Ba, góp phần xây dựng quê hương gốc.
Khách du đến Hồng Kông được dẫn lên đỉnh Thái Bình trước tiên, đỉnh núi cao nhất đất này. Thái Bình là tên mới. Khởi thuỷ có tên là đỉnh “Kéo Cờ”. Một tên cướp biển dùng nơi đó làm chòi quan sát tàu bè trên biển và kéo cờ báo hiệu “con mồi”. Thời Anh, đỉnh mang tên nữ hoàng Víchtoria. Đứng trên đỉnh Thái Bình có thể nhìn bao quát khu đô thị trung tâm Hồng Kông. Nổi rõ hơn cả là những cụm rừng nhà chọc trời trên nền biển xanh và nền trời loáng thoáng mây trắng.
Điểm tiếp là Vịnh nước cạn, một cái vịnh hẹp, nông, ba mặt phía biển núi nhô lên bao kín tầm mắt. Nước biển trong vừa thôi, kém xa Cát Bà, chưa nói Côn Đảo, Phú Quốc. Dải cát ngắn và hẹp. Không phải là nơi nghỉ mát và tắm biển lí tưởng. Còn phong cảnh thì ... chẳng bõ đi xa đến vậy để chiêm ngưỡng. Nhưng mà ... có tượng Thiên hậu, Quan âm bề thế, chụp ảnh các vị toàn thân thì rất thiêng (!). Có một cái cầu cạn dài dăm mét gọi là cầu Trường Thọ, đi qua mỗi lần sẽ được tăng một tuổi thọ; nhưng chớ đi trở lại, phép màu tự huỷ. Có ông Thần Tài, có bát vàng, bát bạc, ai sờ vào sẽ hái ra tiền. Nghe nói người Nhật đến đây rất hay thích sờ. Ờ, họ sờ mấy hiện vật tượng trưng và bằng tay không thì chẳng sao. Có một chú tiểu đồng bé tí, ai cầu con thì sờ. Một cặp vợ chồng người Việt sờ và được nghiệm, một năm sau trở lại chụp ảnh tạ(!). Ngẫm ra nơi này chẳng mấy đặc sắc. Danh lam thắng cảnh như thế này thì ở Việt Nam chẳng thiếu. Vậy mà du khách nườm nượp. Đậm mầu mê tín, dị doan nhưng mang danh nghĩa phong tục, tập quán truyền thống, lại được tổ chức và quảng cáo cao tay nghề. Người thưởng ngoạn đến rồi đi, có cảm thấy bị hẫng thì cũng không bị tẽn như trong chuyện xem lều thơ trên sông của Trạng Quỳnh. Có khi họ trở thành một tiếp thị viên miễn phí bất tự giác. Cái gây ấn tượng với tôi lại đáng tức cười. Một tay vẽ “bậy” nào đó khá có tay nghề đã vẽ “nhăng nhít” lên bức tường cao kề vách đá. Người ta đã dùng sơn phủ đi một mảng lớn, chỗ còn lại có dáng một kí hoạ. Tôi đang hí húi ghi mấy nhận xét chung vào sổ tay thì có hai vị ăn vận và dáng vẻ rất phong lưu cứ ghé đầu sát vào xem tôi làm gì cho đến lúc tôi phải quắc mắt lên.
Điểm thứ ba là công viên Hải Dương. Mang tên “hải dương” song nó lại ở trên núi, hai khu vực: chân núi và đỉnh núi nối với nhau bằng xe điện treo. Công viên là một nơi du hí đa dạng. Các trò đu quay, tàu lượn,... kể cả các trò “cảm giác mạnh” như ở bất kì công viên du hí hiện đại nào. Rồi sân khấu làm trò của cá heo, của sư tử biển. Kề bên hoặc xen giữa là nhà bướm, chuồng gấu trúc, vườn chim, bể cá cảnh, bể cá mập , bể sư tử biển, cung thuỷ tinh… đều với qui mô đáng nể. Nhiều nơi đề là “thiên nhiên” (natural), thật ra là một thứ lồng to, cực kì to. Cung thuỷ tinh ở đây so với ở Đầm Sen mà ta đôi lúc khoe giống như cả bàn tay so với ngón út. Các loài thuỷ sinh bị nhốt nơi đây bơi lượn có vẻ thoải mái lắm như trong môi trường gốc. Tuy nhiên, tôi nhìn thấy một con cá khá to, dài gần hai mét, mình đen, trán gồ, mắt đưa đẩy như đang dò xét, suy tính, hoặc như đang soi mói chuyện chi. Nó nhẹ nhàng bơi đến cái họng hang nối hai vùng nước đứng yên ve vẩy nhẹ vây bụng ra điều đắn đo rồi từ từ bơi chếch xuống phía đáy "biển" gồ ghề; nó đột ngột vòng nhanh đến trước bức tường trong suốt sững lại nhìn ra. Chẳng biết nó có nhìn thấy đám người lố nhố bên ngoài đang tọc mạch ngắm nó không? Một chốc, nó chầm chậm quay vào trong, thấp dần xuống và mất hút. Liệu nó có nhớ đại dương? Hay nó vẫn ngỡ đang sống trong biển rộng! Con người vung vinh trong môi trường làm ăn và sinh sống “gặp vận” chắc gì đã có phút giây đứng yên nhìn ra ngoài “bức tường” của mình!
Vào công viên Hải Dương này, muốn xem đủ nơi và dự đủ trò thì cả ngày cũng không xuể. Đoàn chúng tôi chỉ có chừng hai giờ, kể cả thời gian leo lên bằng đôi chân và bằng thang cuốn tự động, và thời gian xuống bằng xe điện treo. Hồng Kông còn nhiều nơi để “du”. Chương trình chuyến đi vạch ra ít mà khi thực hiện lại qua loa hoặc hụt đi. Nhưng… lại dôi thêm điểm đến ngoài chương trình, những điểm có thể moi tiền khách và người hướng dẫn thì có món “hỏa hồng”.
Điểm dôi lần này là “Trung tâm vàng đá quí”, với gợi ý mở đầu là xem tượng Phật, đồng đôla Mĩ, nhà vệ sinh, tất cả đều bằng vàng ròng, vàng mười! Đúng là có tờ mệnh giá 100USD bằng vàng y như thật; khuyên trả 100USD mua để làm kỉ niệm (một cô trong đoàn chặc lưỡi: “đổi một tờ thật lấy một tờ giả!”). Đúng là có tượng Phật bà cao to hơn người thường óng ánh vàng ngự trong một phòng đầy những đồ thờ tự cũng vàng chóe. Và cũng đúng là có hai nhà vệ sinh bằng vàng được chỉ cho xem. (Tôi chợt nhớ lời Khơ-rút-sốp ở Liên-Xô xưa nói năm nào: “Sau này, khi không còn chủ nghĩa tư bản nữa, vàng có thể dùng lát hố xí”(!)). Hai cái phòng vệ sinh nhỏ, toàn phòng rực một màu vàng kim loại, từ bệ ngồi, nền, cho tới tường. Tôi nhấc nắp bồn lên xem: phía trong cũng một màu vàng. Nhưng quái! tôi chỉ dùng một tay mà hất nắp lên nhẹ không! Hai người đứng canh ngoài vội kêu lên và ra hiệu không được động vào hiện vật.
Đường trở về qua khu vực của tầng lớp trên. Lưng chừng một tòa nhà chọc trời hướng ra biển, phía sau là núi, có một lỗ hổng vuông vức cao bằng mấy tầng lầu. Mấy kiến trúc sư trong đoàn đoán mãi không thủng. Thì ra trước đây nhà được xây lên nhưng ở không yên, bệnh tật, tai nạn... Thầy phong thủy phán rằng tòa nhà án ngữ lối ra biển của con rồng ngự phía trong (!). Phá bỏ tòa nhà thì không đành, cắt cụt thì chẳng ra sao. Bèn tính cách “đục lỗ” dành đường cho rồng đi về vậy!
Xe đang chạy trên đọan đường quành, cô hướng dẫn viên chợt nói to: “Cờ Liên Hiệp quốc đấy!”. Thoạt đầu chưa hiểu ra sao. Kìa! một chung cư vài mươi tầng lầu, từ các cửa sổ chìa ra các sào phơi phất phới quần áo đủ kiểu, đủ màu. Ở Hồng Kông, kiếm được căn hộ trong một nhà tập thể có ban công là một niềm hạnh phúc.
Hồng Kông trở về với đất Mẹ là nỗi vui của Trung Quốc. Tuy nhiên... Hỏi một nhân viên nhà hàng: “Đời sống thế nào?”. Trả lời: “Trước đây, chúng tôi sướng lắm; nay chẳng ra sao”. Người từ nội địa vẫn chảy vào Hồng Kông, dù vượt cửa ải đường bộ khá gian nan. Qua khỏi trạm xét giấy phía Thâm Quyến, phải đi bộ tay xách nách mang một đoạn đường quanh co, leo lên trèo xuống, hết gần ba mươi phút; xong, còn phải vòng vèo chừng nửa cây số nữa đến chỗ... xếp hàng chờ để được đóng dấu nhập cảnh mất thêm gần nửa giờ nữa. Bây giờ đã “một nước” nhưng vẫn “hai chế độ”, nhà cầm quyền hai bên chưa vội gỡ bỏ tàn tích thời “biên giới thù địch”.
Đường phố Hồng Kông buổi tối đông người dạo bộ hơn bên Thâm Quyến. Mấy bà già đón người đi qua, trao tận tay, bất kể ai, những tờ quảng cáo của các ứng cử viên hội đồng đặc khu. Một người đàn ông ăn mặc chỉnh tề nhận tập giấy xong, chẳng buồn liếc qua, gặp một thùng rác thuận tay nhét luôn vào.
Mẩu đất lạc sát bên đất mẹ
Giữa thế kỷ 16, nhà Minh cho đế quốc Bồ-đào-nha “mượn” một mẩu đất của mình để “kê chân” cho tiện giao dịch, buôn bán ở vùng Á đông. Năm 1889, nhà Thanh kí hiệp ước nhượng cho Bồ làm thuộc địa. Đó là Macao. Năm 1975, cách mạng nổ ra ở Bồ lật đổ chế độ độc tài, chính quyền cách mạng tuyên bố trao trả hết thuộc địa, tô giới cho người bản địa. Riêng với Macao, hồi ấy chính quyền Bắc Kinh chưa sẵn sàng tiếp nhận, một trong các lí do có lẽ là để vậy thì có lợi hơn về mặt kinh tế cho Trung Hoa lục địa. Đến năm 1999, Macao chính thức được trả và được hưởng qui chế “một nước hai chế độ” như Hồng Kông. Cái tên Macao ta vẫn gọi là được phiên âm từ tiếng Bồ Makau. Trên bờ biển mé tây nam đảo Macao có ngôi miếu thờ nữ thần bảo hộ dân chài lưới, gọi là miếu A-ma. Người Bồ khi đổ bộ lên đây, nghe cái tên A-ma, người dân địa phương nói thường nhấn mạnh âm “ma” nên gọi luôn là Makau (bến Ma- tiếng Bồ kau nghĩa là bến).
Macao, tiếng Trung Quốc là Áo Môn (đọc theo âm Hán Việt) chỉ rộng chừng 23 km2, hiện có 45 vạn người, mật độ dân số cũng vào loại cao nhất hành tinh. Macao gồm ba hòn đảo chính. Thực ra, hòn chủ, hòn Macao, dính với đất liền bởi một dẻo đất rất hẹp, chỉ chừng nửa cây số, có thể coi là một bán đảo. Còn hai đảo kia, hòn Taipa và hòn Coloane, cũng có một dẻo đất rộng cỡ đó nối với nhau. Từ Macao sang Taipa có hai cầu: cầu cũ làm từ 1974 dài 2,5 km; cầu mới mang tên cầu Hữu nghị dài 3,5 km năm 1994; nghĩa là làm sau khi đã định ngày trao trả. (Ở Hồng Kông, chính quyền Anh cũng cho làm một sân bay hiện đại thay thế sân bay cũ sau khi đã kí kết việc trao trả). Hiện chính quyền đặc khu hành chính đang cho xây chiếc cầu thứ ba.
Macao ở về phía tây Hồng Kông, cách hơn một giờ tàu cao tốc đường biển. Vừa đến Macao, có mấy vẻ ngoài đập vào mắt. Một chiếc cầu dài dặc trên vịnh biển uốn lượn cao thấp hình sin, có lẽ để có chỗ cho tàu bè chui qua. Trên đường phố rất ít người và xe cộ. Bên ngoài một hàng ăn, trên hè đường dăm chục người đang ngồi trên ghế nhựa, chờ đến lượt vào ăn; dưới một gốc cây chếch cửa vào nhà hàng, đầy đầu thuốc lá, mà hai thùng rác cách đấy chỉ mươi bước chân (cũng nhếch nhác); như đang ở một phố Việt Nam nào!
Macao cũng như Hồng Kông chẳng có tài nguyên thiên nhiên, ngoài đất và biển. Song biển Macao nhận phù sa sông Châu giang nên cạn không như biển Hồng Kông. Do vậy, người Anh đến sau mấy thế kỉ mà Hồng Kông phát triển mau và nổi tiếng hơn Macao nhiều, dẫu Macao không bị đại chiến thế giới thứ hai đụng đến, bởi nước Bồ không tham chiến. Macao chỉ có một ít công nghiệp nhẹ sản xuất giày, quần áo... bán sang châu Âu. “Công nghiệp” chủ chốt là đánh bạc. Doanh thu lên tới 10 tỉ USD hàng năm. Sáu mươi phần trăm thuế nộp cho chính phủ Bắc Kinh. Hiện có 9 sòng bạc họat động suốt ngày đêm, trong đó 4 sòng kiêm cả khách sạn và một sòng nổi nhiều tầng trên biển. Sòng bạc kéo khách cho khách sạn, nhà hàng; số khách này chiếm khoảng 80% trong số 10 triệu du khách hàng năm. Sòng bạc cũng đẻ ra hiệu cầm đồ. Loại “doanh nghiệp” này nhiều hơn ngân hàng và phục vụ suốt 24/24 giờ. Chủ soái vương quốc sòng bạc Macao là S.H. (một tên Tây ghép với một tên Tàu) nay “mới” 81 tuổi, có bốn vợ, và con bé nhất mới 9 tuổi. Ông ta có một nhà sòng (casino) gần chục tầng, mỗi tầng một sòng. Không chỉ sòng bạc mà còn có các gian hàng bán đồ mĩ nghệ, các bức tượng bằng ngọc và cẩm thạch lớn nhỏ đủ loại, đồ gốm sứ, cùng các sàn khiêu vũ “tươi mát” trên cạn và dưới nước. Chính quyền Macao vừa cho đấu thầu ba sòng bạc mới; theo lời người hướng dẫn thì có ý phá thế thao túng của S.H., để thúc đẩy “công nghiệp” này phát triển hơn nữa. Kết quả đấu thầu: S.H. trúng một, một tay người Mĩ trúng một. “Kĩ nghệ” cờ bạc Macao cũng đã đặt một ngón tay lên nước ta: casino Đồ Sơn, do một chủ sòng bên đó sang liên doanh. (Nghe nói ông này còn hứa hẹn với phía Việt Nam công trình khác gì đó, song cho đến nay vẫn chỉ là lời hứa). Bi kịch cờ bạc gần như là lẽ thường. Không muốn mà có khi vẫn phải chứng kiến. Hai cái cầu tuyệt đẹp qua eo biển đã không ít lần phải làm bệ nhảy cho dân thua bạc, ở nơi cao nhất, 30 mét trên mặt nước biển.
Macao ăn chơi hơn nội địa nhưng kém Hồng Kông, cũng ít đắt đỏ hơn. Ngày nghỉ, người bên Hồng Kông thường sang bên này tiêu tiền. Người ta bảo tiền từ Hồng Kông đổ vào Macao, lại từ Macao đổ vào Chu Hải. Chu Hải là phần đất thuộc tỉnh Quảng Đông trong đó có thành phố Chu Hải đã nói. Dải biển ngăn cách Macao với Chu Hải chỗ gần nhất chỉ chừng 10 phút người bơi. Thời Trung Quốc mới mở cửa, nhiều người di tản từ đất liền vẫn bơi sang; như năm 1979, mỗi ngày, Macao bắt và tống trả lại đến 800 người. Nay thì nhiều nhà từ Macao sang Chu Hải mua hàng hóa, nhất là thực phẩm. Thu nhập bình quân mỗi người Macao chừng 6000 USD, song nhiều người không có nghề nghiệp ổn định. Một số người sang Chu Hải mua thịt lợn về bán lại cho các nhà hàng theo kiểu “bán chạy”, “bán xách” ở ta. Ngặt nỗi, chính quyền cấm vì cho rằng bên đó kém vệ sinh, không kiểm dịch. Dân buôn thịt mới nghĩ ra lắm cách để lọt. Chẳng hạn cắt nhỏ ra buộc vào đùi, nhét vào trong đồ lót, thành ra nom người nào cũng phổng phao, béo tốt.
Macao có nhiều nhà cao trên dưới vài chục tầng, nhưng đường phố không rộng lắm và hầu như không có cây trên hè đường, thường là chật; tuy vậy không cảm thấy bí bách. Có những phố tựa như Hàng Đường-Hà Nội, song quầy hàng không phình ra choán hết hè đường. Nhìn chung phố xá khá sạch, không như ấn tượng ban đầu. Điều đáng ngạc nhiên, đáng phục nữa, là với một diện tích hẹp như đảo Macao, chỉ khoảng 10 km2 mà có đến 9 công viên và rất nhiều quảng trường. Họ làm một gara ô tô bảy tầng để dành đất cho môi sinh!
Ban ngày, Macao có vẻ yên tĩnh; người ta ngủ. Đêm xuống, họ mới ra đường, thành phố náo nhiệt hẳn. Đêm Macao đẹp , lung linh ánh sáng, rất nhiều người đi bộ. Ở các thành phố nước ta, hình như người ta đã mất thói quen đi bộ; vì sính xe máy, xe đạp hay vì hè đường đâu có thoáng để mà đi!
Sau hơn 400 năm làm chủ Macao, người Bồ đã ra đi song họ còn để lại không ít dấu tích. Các công trình xây dựng mang nét kiến trúc Bồ, kể cả màu sơn tường mà họ ưa thích. Nhìn màu phấn hồng hoặc màu vàng tường ngoài có thể đoán trước đây là của người Bồ. Vật được coi là tiêu biểu cho Macao là phế tích nhà thờ thánh Pôn xây năm 1602, to đẹp nhất Á đông; hơn hai thế kỉ sau, năm 1835, bị hỏa thiêu do bất cẩn, chỉ mặt trước bằng đá là còn nguyên. Chính bức tường đá này thể hiện rõ dấu ấn kiến trúc Bồ, cũng thể hiện rõ sự kết hợp văn hóa Tây, Đông. Một số con đường lát ghép bằng đá chở từ phương trời Tây (vốn để làm đằm các tàu buôn khi đến) vẫn giữ dáng dấp từ hơn bốn thế kỷ.
Đã biết sẽ từ bỏ quyền quản lý Macao, người Bồ không tìm cách vơ vét như người Pháp khi rút khỏi miền Bắc Việt Nam năm 1955 mà còn kiến tạo những công trình để lại, như cầu Hữu nghị. Hơn thế, chính quyền Bồ còn cho dựng tượng Phật Bà Quan Âm, trên biển gần bờ, một nơi thật đẹp, vào năm 1998 để kỷ niệm ngày sẽ trao trả vào năm 1999. Một pho tượng uy nghi, bề thế; có điều, do người Bồ thiết kế và thi công nên tượng không có dáng dấp Phật Bà. Trang phục, nhất là mũ, là của nữ tu đạo Gia tô. Chỉ có dấu chấm trên trán là của Phật thôi. Người ta bảo đây là “Quan Âm đầm” hay “Phật Bà lai”. Cũng chẳng sao! Trong truyện của một nhà văn, Bec-na Sô thì phải, người dân Phi châu Gia tô giáo đã tạo ra cả Chúa và Đức mẹ đồng chủng với mình đấy thôi.
Hiện tại, dân Macao chỉ khoảng 10% nói tiếng Bồ và số này ngày càng ít đi. Trong số người Bồ có chừng 1% người lấy vợ Tàu, nói được tiếng Tàu, song không đọc được chữ. Hơn bốn trăm năm lệ thuộc nước ngoài, người Macao không bị đồng hóa (hay người Bồ không chủ trương chính sách đồng hoá như một số kẻ đô hộ khác?).
Macao với những cao ốc, cầu, công viên hiện đại vẫn lưu lại cái gì cũ cũ, không chỉ nơi mấy đường phố chật, hè đường hẹp, không chỉ nơi khách sạn ba sao mà máy điều hoà nhiệt độ kiểu của hai thập kỉ trước, điện thoại bàn ổ quay, bàn ghế nhà ăn mòn vẹt,v.v… Ngay tốp các cháu học sinh tiểu học bé tí mặc đồng phục, đeo cà-vạt nghiêm chỉnh cũng phảng phất dáng dấp, kiểu cách nhìn thấy trên phim châu Âu cách nay nửa thế kỷ.
Mấy dòng nghĩ phiếm
Trong vòng một tuần lễ thăm lướt qua hai nơi đang dưới chế độ tư bản, một nơi trải qua chế độ xã hội chủ nghĩa trước và sau cải cách - mở cửa, và nơi thứ ba là con đẻ của chủ nghĩa xã hội kiểu Trung Quốc thời cải cách(?), ấn tượng để lại là cung cách làm ăn của người Tàu. Tôi chẳng phải là người sùng bái Trung Quốc. Trái lại, tôi khó chịu thấy sách và báo chí của ta “mượn” quá nhiều ở sách và báo chí của họ. Có những cuốn sách không nên dịch in như cuốn “Tào Tháo” vì quá dở. Có tờ báo lớn mà số “chủ nhật” nào , 16 trang khổ vừa, cũng có trên dưới 10 bài “xàng xê “ từ báo chí Trung quốc. Trên truyền hình, trung ương và địa phương, chiếu quá nhiều phim Trung Quốc, nhất là phim lịch sử, đưa tin về TQ thường hơn so với các nơi khác trong các bản tin quốc tế, v.v… Tuy nhiên, tôi không thể không đánh giá cao tầm nhìn, cách làm của họ. Các thành phố còn rộng đất phát triển,- hiểu cả theo nghĩa đen, như Quảng Châu, Thâm Quyến đã đành; đến như Macao tưởng hết đất rồi mà vẫn xây thêm cầu, mở thêm doanh nghiệp (chưa bàn tốt, xấu cái chuyện kinh doanh kĩ nghệ cờ bạc). Họ không ngại ngần tận dụng những gì của ngoại bang có lợi cho đất nước mình, kể cả những gì mà người ta gọi là tàn dư của chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Họ phát huy tối đa mặt mạnh và hạn chế tối thiểu mặt yếu trong tính cách Tàu. Có ai đó nói người Tàu biết phô trương, biết moi tiền thiên hạ. Đáng học tập hay đáng đàm tiếu đây? Bao giờ các điểm tham quan- du lịch của ta được “ ba không” như của họ:-không hàng quán, nhà ở chen lấn di tích, thắng cảnh; -không người bán hàng rong đeo bám khách du; -không người ăn xin. Sự quan tâm của họ chẳng qua quít, chẳng tuỳ tiện, chẳng ăn xổi. Người dân tự giác hay do sợ? Ờ, sợ cái sự nghiêm minh, cái phải thì chẳng có gì xấu. Để dần dần đi vào nếp sống văn minh. Lúc đó là tự giác. Rất ít gặp cảnh sát, trừ ở các cửa khẩu, bến xe, bến cảng. Tại nhiều nước, cảnh sát hầu như vắng bóng trên đường phố, song xảy ra sự cố là lập tức có mặt. Ở ta, thường là ngược lại.
Có cái gì đó như là nghịch lý. Macao, HongKong, hằng mấy trăm năm văn minh Âu tây ngự trị, truyền thống Trung Hoa cổ xưa ngoi ngóp tồn tại ở tầng thấp và tầng sâu. Nay người ta tìm cách cho quốc hồn, quốc tuý trỗi dậy, trong lối sống, trong ngôn ngữ văn tự, từ cái biển hiệu, câu chào,… Còn Quảng Châu, những mầm mống “gió tây” e ấp thời “bế quan toả cảng hiện đại” nay tự do đua chen. Nhất là Thâm Quyến (nhưng không xài tiếng nước ngoài vô tội vạ như ở nước ta) .
Tuy nhiên chẳng hạn, truyền hình của họ rất ít chiếu phim nước ngoài. (Hướng dẫn viên cho biết truyền hình của họ không chiếu phim Việt Nam bao giờ; các mục khác, kể cả mục thời sự hiếm khi trích từ truyền hình Việt Nam). Dù sao, Trung Quốc là một nước khổng lồ, dân tộc Trung Hoa là một trong những dân tộc vĩ đại từ thời thượng cổ. Khỏi cần đề cao vơ vào một cách ngớ ngẩn kiểu như: ý tưởng về máy bay là của người Trung Quốc qua việc thả diều; hoặc máy bay lên thẳng được gợi ý từ trò chơi con trẻ Trung Quốc kéo sợi dây làm một cái ống trụ quay nhanh cho một miếng sắt tây hay gỗ mỏng uốn vênh bay vút lên(!). Những kiểu đánh bóng này các phương tiện thông tin của ta thường dễ “hưởng ứng”!
Ngày nay, việc người Việt Nam đi nước ngoài không còn là chuyện “đặc cách”. Song chuyến đi của chúng tôi phải hoãn đi hoãn lại đến sáu tuần. Có quá nhiều hãng lữ hành mà khách đi thì rải rác, chuyện “gom khách cho đủ” là thường tình. Cái công ty Golden Tour (“chuyến đi vàng” - Ở nước mình sính đặt tên tiếng Anh quá, không như ở bên Tàu), cũng đã rất cố gắng và chu đáo. Dù sao cũng cho thấy thời bùng nổ du lịch mà ở ta cung cách làm ăn cò con quá. Điểm khác, hiệu suất tham quan của chuyến đi không cao, vì chương trình và trước hết là việc thực hiện chương trình. Rõ ràng, các tổ chức lữ hành của ta cần làm việc kĩ hơn với đối tác nước ngoài.
Tôi thử làm một cuộc “phỏng vấn” các bạn đồng hành.
Các vị lớn tuổi, phần nhiều là kiến trúc sư, khen Quảng Châu, Thâm Quyến xây dựng nhanh, tính dân tộc thể hiện ở chỗ kết hợp kiến trúc hiện đại với điều kiện tự nhiên và những nét truyền thống; trật tự, vệ sinh đã có nề nếp; đế quốc Anh có con mắt tinh đời, nếu không ngày nay Trung Quốc đã chẳng có “một Hồng Kông”.
Mấy cô trẻ đi cùng chồng thì cảm nghĩ không hẳn giống nhau . Cô ít tuổi nhất nhận xét: Cứ bảo Hồng Kông đắt đỏ mà áo len quần bò rẻ hơn hàng hiệu Hà Nội nhiều. “Cháu mua chiếc quần bò giá tương đương 200.000 VNĐ. Về Hà Nội phải một triệu. Ở Hà Nội không khéo thì vớ phải hàng nhái, hàng giả có khi từ bên Tàu tuồn sang”.
Cô ít tuổi thứ hai, có vẻ già dặn, hơi kênh, thì cho là: Macao phố cũ đẹp, dân cũng nghèo chứng tỏ qua các món ăn. Quảng Châu, đi lâu ngoài đường thấy nặng mùi. Thâm Quyến, không khí dễ thở. Hướng dẫn viên ở Hồng Kông toàn giới thiệu các cao ốc của nhà giàu để tự hào. Bông hoa vàng và nhà “trao trả” (trả HK về TQ) chẳng nên coi là biểu tượng của Hồng Kông.
Cô thứ ba thì thấy: Con người Hồng Kông năng động, gương mặt thoải mái không tỏ ra bị công việc ám. Phụ nữ ăn mặc kín đáo, dù đôi khi nghịch ngợm; không áo hai dây, không kiểu sex (như ở VN!).
Cô nhiều tuổi hơn cả (cũng chỉ mới 27), có vẻ vô tư, cởi mở nhất, thì hồn nhiên: “Cháu thích Chu Hải. Hồng Kông ăn chơi sành điệu, nếu có hai triệu đô, cháu sẽ ở Hồng Kông, ít tiền thì cháu chọn Chu Hải”.
Các cô đều có công ăn việc làm, thu nhập khá. Các lang quân của mấy cô đều sành sỏi, tất nhiên là xông xáo nhanh nhạy hơn mấy ông đứng tuổi. Cậu có vẻ “gấu” nhất đám lại là người “đàng hoàng" nhất; cậu cũng là người duy nhất trong đoàn cho tiền người ăn xin ở một cửa khẩu. Một cậu vào sòng bạc xem bèn thử vận, không ngờ sau hai lần đặt cửa được 1400 HKD (2,8 triệu VND). May mà cậu ta không ham, cô vợ cũng tỉnh giục chồng ăn non. Nếu không thì có cơ mang người trụi mà về Việt Nam.
Đặt chân xuống sân bay Nội Bài, chẳng riêng những người có tuổi, các bạn trẻ trong đoàn cũng đều sướng vui khi trở về với đất quê hương. Nhưng nỗi mừng bị gợn, vừa đến ven Hà Nội xe đi vào những con đường đầy bụi, khung cảnh nhếch nhác, và lại... loạn tiếng còi xe.
12/2003 - 01/2004