Tĩnh vật
Tác giả: Khải Nguyên HT
Tôi lần mò khá lâu trong một cái ngõ ở phố Cát Dài. Ngõ gì mà sâu dễ sợ, lại ngoắt ngoéo, hai bên nhà cửa lô nhô, thòi ra thụt vào, những cái biển số nhà hoen rỉ mờ cả nét sơn; có nhà chẳng gắn biển nữa, số nhà cứ ghi tuỳ tiện lên tường, lên cửa. Bà cụ tôi mất chỉ để lại một tấm ảnh nhỏ cỡ 2 x 3. Tôi định thuê chụp lại phóng to lên để thờ, nhưng một anh bạn khuyên nên thuê vẽ, đẹp hơn và bền hơn. Anh còn mách tôi một nơi làm việc đó có thể tin cậy được, tuy hiện nay còn ít người biết đến. Do vậy, sáng chủ nhật này tôi cất công đi tìm cái "phòng vẽ khiêm tốn" - theo cách gọi của anh bạn. Có lẽ đây rồi chăng? Ừ, đúng số nhà! Nhưng sao chẳng có vẻ gì là một xưởng vẽ như tôi đã hình dung? Nó chỉ là một gian nhà cũ kĩ, thấp và cửa ra vào đang đóng kín. Nhưng tôi đã kịp nhìn thấy một hàng chữ màu xanh trên tường cạnh cửa: "Nhận vẽ truyền thần và truyền ảnh". Tôi gõ cửa không lấy gì làm sốt sắng lắm. Một cháu bé chừng tám tuổi hé cửa ngó ra. Cháu mở to mắt rồi mau miệng:
- Cháu chào bác ạ. Bác hỏi mẹ cháu phải không ạ?
Cháu mở rộng cửa. Tôi bước vào nhà, hơi lấy làm lạ vì cái vẻ thân tình của chú chủ nhà tí hon. Cháu bé quay về phía cửa sau có lẽ thông với bếp gọi to:
- Mẹ ơi, bác gì đến mẹ ạ.
Cháu có vẻ biết tôi. Tôi nhìn kĩ cháu hơn. Cháu cũng đang ngước nhìn tôi hơi mủm mỉm cười. Đôi mắt to đen láy và đặc biệt cái lúm đồng tiền bên má gợi một khuôn mặt thân quen mà tôi chưa nhớ ra. Căn phòng nhỏ nhưng gọn và sạch. Một chiếc bàn con gỗ tạp và mấy chiếc ghế đẩu gỗ không sơn; một chiếc giường thông thường, một người nằm thì rộng, hai người thì chật; một chiếc tủ đứng gỗ thông sơn màu nâu sẫm, thoạt nhìn tôi tưởng bằng gỗ gụ. Trên tường là một số tranh tả thực để trần, một tranh áp phích cổ động sản xuất còn tươi màu vẽ. Và trên bàn là một chân dung vẽ dở. Một tay họa sĩ vườn, tôi nghĩ bụng. Nhưng là ai nhỉ? Mình có quen họa sĩ nào đâu. Chắc anh ta đi vắng, chỉ có vợ con ở nhà thôi. Mình không gặp may rồi. Có tiếng guốc đi vào cửa sau. Tôi chưa kịp nhìn rõ người, đã nghe tiếng nói trong trẻo, có pha âm vui thảng thốt trong đó.
- Úi, anh Bát! Thế mà em ngỡ là ai. Sao anh biết em ở đây?
Tôi trố mắt. Thùy! Thùy vợ Giáp, bạn tôi. Vợ chồng nhà này chuyển xuống Hải Phòng bao giờ nhỉ? Lẽ nào Giáp không cho mình biết? Tệ ra thì cũng phải đến thăm mình chứ! Giáp và tôi là bạn học từ cấp hai, đã có thời gian xa nhau lâu, đến khi gặp lại vẫn khá thân nhau. Song, chúng tôi vài năm mới gặp nhau một lần. Ấy là những lúc tôi lên Hà Nội công tác hoặc nghỉ phép, chứ Giáp họa hoằn mới xuống Hải Phòng.
Giáp là người hơi kì cục. Hồi còn là học sinh phổ thông, cậu là người hoạt bát, dí dỏm, đôi khi nói trạng một chút. Cậu ít khi cười to, nhưng hay tủm tỉm; những lúc ấy một bên má bầu bĩnh của cậu hiện lên một lúm đồng tiền nom có duyên như con gái. Đến năm Giáp vào đại học, gia đình anh có sự biến và sa sút hẳn đi. Giáp trở nên trầm lặng, hay bẳn gắt vô cớ. Để có thể tiếp tục theo học, Giáp nhận kèm cặp một số học sinh phổ thông, trong đó có hai cô gái là Thùy và Ninh. Thùy vốn là người Hải Phòng; mẹ mất sớm; bố là một công chức loại vừa. Năm 1955, Thùy lên chín. Trước ngày gia đình di cư vào Nam hai hôm, bà mẹ kế cho Thùy đi cùng một người quen lên Hà Nội thăm ông chú ruột để từ biệt. Tới thủ đô mới được giải phóng, Thùy vừa bỡ ngỡ, vừa vui thích. Thùy nghe lời các em con chú muốn ở lại miền Bắc. Chú Thùy đánh điện cho bố Thùy khuyên hãy nán lại. Nhưng có lẽ vì vé đã mua rồi và mọi đồ lề đã đóng hòm chuyển trước lên tàu, nên gia đình Thùy đành ra đi không có Thùy. Sau đó, bố Thùy, qua ủy ban quốc tế xin cho Thùy vào Nam. Chính phủ ta đã đồng ý, nhưng lúc ấy Thùy đang ốm, trận ốm kéo khá dài. Rồi chuyện cũng qua đi. Thế là Thùy sống với chú ở Hà Nội và học dần lên đến cấp 3 phổ thông. Thùy và Ninh đều học làng nhàng, tuy chịu khó học. Cả hai cô đều có tâm hồn nghệ sĩ. Ninh thích làm thơ và sau này đã trở thành nhà thơ. Còn Thùy thì ham vẽ. Một anh chàng cựu học sinh mĩ thuật giúp cô tập vẽ. Anh chàng này có vẻ thích tán tỉnh Thùy. Nhưng Thùy lại đang yêu một tay bác sĩ tập sự. Khi tôi hỏi chuyện đó, Giáp tặc lưỡi: "Thằng ấy cũng được. Miễn là không phải Thùy yêu hơi vội". Còn Ninh thì yêu Giáp, nói là mê thì đúng hơn. Thú thật, hồi ấy nếu tôi được Ninh để mắt tới thì hẳn tôi đã "mở rộng cửa lòng" ngay. Nhưng Giáp ta thì lừng khừng thế nào ấy. Tết năm đó, Giáp đã nhận lời Ninh sẽ cùng đi đón giao thừa ở Hồ Gươm rồi về nhà Ninh xông đất. Đùng một cái, chiều ba mươi, anh ta nhảy tàu về Vinh. Tôi nhắc Giáp lời hẹn thì anh thản nhiên bảo: "Cậu dẫn Ninh đi hộ mình tí". Tôi thật chẳng bụng dạ nào để mừng đón cái cơ hội bất ngờ ấy nữa. Phòng nội trú sinh viên đêm 30 tết đó chỉ còn mỗi mình tôi. Tôi những muốn ra phố để "lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang", nhưng sự ủy thác oái oăm của bạn buộc tôi phải nằm khàn để đợi. Khoảng mười giờ khuya thì Ninh đến. Tôi quýnh lên trước sắc đẹp lồ lộ của Ninh, chẳng biết do tình yêu, do khí xuân, hay do bộ cánh rất Hà Nội làm tôn thêm lên. Cũng may, vừa nghe tôi nói Giáp có việc gấp phải về quê, Ninh đã quay ngoắt đi ngay, - có lẽ là để khỏi khóc trước mặt tôi. - Nếu không, e tôi phải đóng vai một chàng hiệp sĩ thộn hoặc một anh dại gái lố bịch. Tôi quả không hiểu nổi Giáp. Tôi ngờ anh yêu Thùy. Đoán phỏng thế thôi, căn cứ vào thái độ dè dặt của anh mỗi khi nói đến Thùy.
Tốt nghiệp đại học xong, tôi về thành phố cảng công tác. Giáp thì dạy học ở thủ đô. Ít lâu sau, tôi được tin anh xung phong vào bộ đội. Cũng là do bạn bè nói lại, chứ anh chẳng báo cho tôi biết. Còn Thùy nghe đâu đã về ở với tay bác sĩ.
Bẵng đi sáu năm. Tôi về Hà Nội có công việc. Buổi chiều ngày họp cuối cùng, tôi di tản bộ trên những con đường phố đã có thời rất quen thuộc với tôi trong một tâm trạng vui vui pha chút hoài cổ. Chợt tôi nghe gọi: "Bát! bát đấy phỏng?" Một người mặc quần áo bộ đội cũ, tay ôm cặp, bước nhanh tới. Tôi nhận ra ngay là Giáp. Hai chúng tôi gần như là ôm chầm lấy nhau. Giáp không già đi mấy nhưng nom khắc khổ.
- Mình chuyển ngành rồi. - Giáp nói nhỏ nhẹ - Bị thương mất sức chiến đấu và mất luôn khả năng đứng lâu trên bục giảng. Bây giờ mình làm công việc nghiên cứu. Về chỗ mình đi! Mình ở ngay gần đây. Ông dạo này thế nào?
Tôi trả lời vắn tắt câu Giáp hỏi vừa xong thì cũng vừa đến nhà bạn. Đó là một gian phòng xây phụ vào một tòa nhà kiểu cũ hai tầng. Kiếm được chỗ ở này hẳn anh bạn tôi khá là vất vả. Giáp nói, trong khi loay hoay mở khóa cửa:
- Mình vừa đi khảo sát thực địa mấy tuần, về đến đây thì gặp ông. - Giọng anh điềm đạm nhưng ẩn một niềm náo nức không phô trương. - Mình phải chuyển công tác cũng có cái hay. Trước đây, mình cảm thấy mắc nợ những miền đất mình đã từng đi qua trong đời lính. Nay thì mình cảm thấy có thể làm được một cái gì đó.
Trong phòng hơi tối. Vừa bước vào, điều đập ngay vào mắt tôi là một bình hoa trên chiếc tủ đứng chếch góc tường phía trong. Tất cả các cánh hoa như bừng dậy đón luồng ánh sáng vừa ùa vào. Tôi trỏ bình hoa bảo Giáp:
- Lạ nhỉ! Ông giam lọ hoa kia mấy tuần, thiếu ánh sáng và có thể là thiếu nước nữa, thế mà nó không lụi tàn, còn đợi ông về đón chào nữa kìa!
Giáp cười tủm tỉm, - đã lâu, tôi mới lại được nhìn thấy lúm đồng tiền trên má anh - không nói gì, đến mở rộng hai cánh cửa sổ xế bên chiếc tủ. Tôi "ồ" lên một tiếng: Bình hoa chỉ là một bức tranh màu nước. Sắc màu xung quanh lọ hoa, kể cả cái khung tranh, lẫn vào màu tường. Tôi chăm chú nhìn bức tranh, mặc dù tôi chẳng phải là người thích tranh, sành tranh lại càng không. Luồng ánh sáng mà tôi tưởng là từ cửa dọi vào những đóa hoa chính là toát ra từ ngay trong bức tranh đó. Mường tượng như những bông hoa sắp héo rũ vì bóng tối, bỗng ánh mặt trời ùa tới như có ai vừa mở một cái cửa đâu đó, và một sự bừng tỉnh, không! Một sự hồi sinh… Tôi hỏi:
- Họa sĩ nào đấy? Hay chính ông?
- Ông đã thấy tôi cầm bút vẽ bao giờ chưa? Còn người vẽ tranh này thì chưa thể gọi là họa sĩ.
Gian phòng của Giáp khá ngăn nắp. Đã từng phải hứng chịu cái tính luộm thuộm của Giáp hồi còn ở kí túc xá sinh viên, thoạt tiên tôi cười thầm: "Chà! Đời bộ đội rèn anh chàng cũng ra trò đấy chứ". Nhưng ngắm kĩ, tôi cảm thấy ở đây có bàn tay phụ nữ. Giáp xách phích đi mua nước sôi về pha chè mời tôi, rồi thủng thẳng nói:
- Ông đang ngạc nhiên phải không? Mình lấy vợ rồi.
Tôi rướn lông mày lên thay cho câu hỏi, và chờ đợi. Giáp nhắc chén nước nhưng không uống mà ấp trong lòng bàn tay:
- Mình lấy Thùy. Thằng cha bác sĩ bỏ rơi Thùy khi họ ở với nhau chưa đầy năm. Nếu hắn không bỏ thì Thùy cũng khó mà kham được hắn lâu. Hai bên đều vỡ mộng về nhau: Thùy quá nhiều chất "mơ" còn tay bác sĩ thì quá nhiều chất thực dụng. Nếu mỗi bên đều chừng mực thì có khi họ hợp nhau cũng nên. Qui luật bù trừ mà.
Thùy xin đi thanh niên xung phong, bị sốt rét ác tính suýt chết. Giáp rời quân đội về lại Hà Nội thì gặp Thùy đang ngồi vẽ tranh thuê và bán tranh bên hồ Gươm, loại tranh phong cảnh vẽ trên bìa cho những người chơi tranh dễ tính. Cô chưa từ bỏ giấc mơ nghệ thuật. Những kí họa tuyến lửa mà cô đang gìn giữ luôn luôn nhắc nhở và thôi thúc cô. Tôi hỏi hơi bỗ bã:
- Ông định làm như một nhân vật của Nam Cao ra tay tế độ chăng?
Giáp nín lặng giây lâu rồi nói khẽ:
- Mình yêu Thùy từ hồi kèm cô ta học.
Tôi suýt "à" lên. Có thế chứ! Mình quả đã nhận xét không tồi. Nhưng … Giáp nhìn tôi:
- Tôi biết ông đang nghĩ gì. Không đơn giản đâu.
Thùy không còn chú thím. Giáp cậy cục thuê được gian nhà này cho Thùy, còn thì vẫn ở một phòng gầm cầu thang của cơ quan. Anh cố lo cho Thùy vào trường mĩ thuật. Mười ba tháng sau họ cưới nhau.
- Ông biết không? Thùy cứ giục mình lấy vợ, và cô ấy đã làm mối cho mình mấy đám, đều còn rất trẻ, thợ có, trí thức có, cả một cô mậu dịch viên rất xinh và khá giàu. Nhưng hễ cô dàn dựng gần đâu vào đấy là mình lại nhỡ hẹn - Giọng Giáp như đang kể chuyện ai. Tôi nhớ lại lần anh "nhỡ hẹn" với Ninh đêm giao thừa năm ấy. Mắt Giáp dừng nơi bức tranh "Bình hoa". Anh nói, đón trước câu hỏi của tôi - Tranh kia là một trong những bài thi của Thùy.
Tôi ngắm kĩ lại bức tranh. Chẳng phải là đề tài ngẫu nhiên, mình đã ngờ ngợ. Một chút tự hào trẻ con trỗi dậy: Vậy mà mình cứ buồn vì nỗi dốt hội họa!
* * *
Tôi hỏi Thùy:
- Các bạn chuyển công tác về Hải Phòng từ bao giờ thế? Vậy mà lại lờ bạn bè.
Một thoáng tối trên gương mặt Thùy:
- Chỉ hai mẹ con em thôi, anh ạ.
Tôi sửng sốt:
- Sao?
- Chẳng biết nói với anh thế nào. Anh còn nhớ cái hôm anh ngồi uống rượu với anh Giáp và anh Quĩ không?
Sao tôi lại chẳng nhớ! Có thể nói đó là một buổi tối "rùng rợn" sẽ còn ám ảnh tôi lâu. Ngày ấy cách đây đã gần hai năm…
Nhân dịp về thủ đô, tôi đến tìm Giáp, thấy cửa phòng khóa ngoài. Tôi ghé vào một quán nước gần kề hỏi thăm bà hàng chừng nào Giáp về. Một người đàn ông đang ngồi trong quán trả lời thay:
- Ông bạn đến ông Giáp đấy à? Chẳng hiểu sao hôm nay tay này về muộn. Tôi cũng đang chờ hắn đây.
Tôi nhìn người nọ. Một người chẳng rõ là đã đến độ trung niên chưa. Tóc anh ta lút gáy, chờm ra ngoài cổ áo; râu lâu ngày chưa cạo; quần "bò" áo "bay" vẻ phong trần cường điệu. "Loại người thích làm nghệ sĩ đây. Chỉ còn thiếu hơi rượu". Anh ta rõ ràng là kém tuổi Giáp nhưng cứ xưng hô văng mạng khi "ông", khi "hắn", "khi thằng", khi "tay ấy"… bất kể trước mặt bà quán, bất chấp tôi là người lạ.
- Ông là bạn Giáp phải không? Tôi cũng là bạn hắn ta. Tôi là Quĩ.
Cái tên nghe quen quen. Để trôi thì giờ, tôi hỏi thăm anh ta về vợ chồng Giáp. Anh ta tặc lưỡi:
- Thằng Giáp mang cái chất "đồ Nghệ" điển hình, lại pha cái chất lính chiến nên cứ va côm cốp. Hắn mấy lần sắp được đi Tây làm thực tập sinh hay nghiên cứu sinh quái quỉ gì đấy mà cứ hụt hoài.
Các bạn tôi có kể cho tôi nghe ít nhiều về Giáp. Đề tài nghiên cứu đầu tiên của anh đang có triển vọng thì cấp trên của anh gạ anh cho cộng tác. Giáp sẵn sàng ngay vì tính anh không hay ki cóp một mình. Nhưng vị cấp trên sau khi tham gia "điều chỉnh đề cương" và "bổ sung chủ đề tư tưởng", thường tạ cớ bận họp nên chỉ "góp ý" vào các phác thảo của Giáp thôi. Song đến khi công trình hoàn thành và được chấp nhận nhanh chóng thì tên vị ấy lại gắn với từ "chủ biên". Từ đó, Giáp cạch chuyện cộng tác. Và cũng từ đó, các công trình nghiên cứu của anh khó được ra mắt, cứ đầy dần trong ngăn kéo. Biết vậy, tôi vẫn cảm thấy khó chịu trước lời bình phẩm của cái người tên là Quĩ kia.
Lát sau, Thùy lai con về trên chiếc xe đạp Thống Nhất đã cũ. Cháu Trung đã lên sáu, và cũng có một lúm đồng tiền bên má mỗi khi cười như bố. Thùy giới thiệu Quĩ là cán bộ giáo vụ ở trường Mĩ thuật "vẫn giúp em thực hành vẽ". Tôi chợt nhớ ra anh chàng cựu học sinh mĩ thuật ngày xưa từng giúp Thùy tập vẽ và cũng đã từng theo đuổi Thùy. Lạ thật! Quĩ trở thành bạn của Giáp rồi ư? Ngày trước Giáp khinh Quĩ "một thằng cha lêu têu, nghệ sĩ gì nó!". Chẳng bao giờ Giáp nói chuyện với Quĩ, dẫu có dàn mặt nhau. Thùy mời hai chúng tôi vào nhà, nhưng khi sờ túi xách mới biết là lúc đi đã quên mang chìa khóa theo. Đành lại phải ngồi ghé chờ quán nước. Tôi vừa nói chuyện với Thùy được đôi câu thì Quĩ đã bô bô:
- Nào! Trung lại đây với bố nào!
Thằng bé cứ đứng ngó Quĩ trân trân chẳng tỏ thái độ gì cả. Quĩ giở lọ kẹo của bà quán lấy ra một cái kẹo Hải Châu chìa cho Trung. Cháu bé đưa tay ra đón nhưng Quĩ đã nhấc cao chiếc kẹo:
- Nói đi đã: "Bố cho con xin". Nói đi!
Cháu bé mím môi, nắm chặt bàn tay và rụt lại. Quĩ lúc lắc đầu ra vẻ buồn phiền:
- Con cái thế đấy! Mày là con tao chứ có phải con lão Giáp đâu.
Nói rồi anh ta lại moi ra một thanh kẹo lạc bọc giấy bóng giơ ra trước mặt đứa bé:
- Thôi được. Cái này ngon hơn. Nào, cầm lấy!
Đứa bé không nhúc nhích. Người mẹ thấy cần phải lên tiếng:
- Con cầm lấy đi kẻo mỏi tay bác.
Cháu bé không đưa tay ra, chỉ mở bàn tay, mắt không nhìn cái kẹo mà nhìn vào mặt người cho kẹo. Quĩ đặt cái kẹo vào tay nó, nó chỉ cầm bằng ngón tay cái và ngón tay trỏ. Quĩ cười đắc chí:
- Có thế chứ! Con của bố ngoan lắm.
Đứa bé đặt nhanh chiếc kẹo xuống chõng hàng, rồi vẫn đứng nguyên như cũ. Quĩ cười to hơn:
- Còn chê hở? Được rồi! Bà hàng bán cho tôi cái trong hộp kính kia!
Anh ta đón cái bánh nướng khá to, quay lại đứa bé, lần này nâng trên bàn tay chứ không dứ dứ như lúc nãy.
- Bánh nướng này thì cực kì. Nhân trứng, thịt, dừa đủ cả, phải không bà hàng? Nào!
Thắng bé nhìn cái bánh một giây hơi chớp mắt, rồi lại nhìn thẳng vào mặt Quĩ. Anh ta ra vẻ dễ dãi:
- Được rồi! Cứ cầm lấy ăn đi, rồi lúc nào thích gọi "bố" thì gọi cũng được.
Cháu bé vụt quay đi. Thùy mắng con, nhưng không nghiêm giọng:
- Trung! Không được hỗn! Bác đùa đấy. Con cảm ơn bác đi!
Cháu Trung làm như không nghe mẹ nói gì. Cơn "đùa" đã đến lúc không chịu nổi, ngay với kẻ xướng xuất ra. May sao, vừa lúc Giáp về. Quĩ reo to biểu lộ sự mừng quá mức cần thiết:
- A! Gớm! Chờ ông anh mãi. Có chất cay không bà quán?
Giáp chào tôi rồi vội xua tay:
- Khỏi cần! Mình có chai rượu chanh chưa bóc tem. Mà ngồi đây uống thì ô trọc quá.
Quĩ đứng ngay dậy, quên phứt những chiếc kẹo và cái bánh nướng.
- Ấy, định mua đưa vào nhà ông anh đấy chứ.
Lúc này tôi mới biết nãy giờ Quĩ ôm khư khư một cái túi hơi phồng phồng. Mọi người vừa vào nhà. Quĩ đã lôi từ chiếc túi ra một gói to bọc giấy báo đặt lên bàn, rồi kéo cái đĩa sắt tráng men đựng chén uống nước lại gần, xếp chén ra bàn, lấy mùi xoa lau qua cái đĩa, và dốc từ trong cái gói ra những con tôm he cỡ ngón chân cái đã chiên mỡ chu tất. Trong khi Giáp loay hoay mở nút chai rượu thì Quĩ đi đóng các cửa lại. Tôi hơi khó chịu: làm gì như ăn vụng thế này? Nhưng vợ chồng Giáp chẳng nói gì. Thùy lẳng lặng bật đèn lên. Quĩ vẫn chưa chịu ngồi xuống. Anh ta lại lôi từ trong cái túi ra bốn cây nến trắng và một bao diêm. Anh ta xòe diêm châm nến rồi cắm ra bốn góc bàn. Xong xuôi, anh ta sốt sắng mời: "Nào! Các vị ngồi vào cho!". Cứ như thể anh ta là chủ nhà vậy. Chưa hết. Anh ta còn xếp chỗ cho từng người. Thùy đối diện Quĩ. Cháu Trung được đặt ngồi vào chiếc ghế đẩu đầu bàn, giữa hai người. Cháu muốn cưỡng lại nhưng thấy bố nhìn mình hơi gật đầu, cháu đành ghé ngồi lên ghế. Hai chỗ còn lại dành cho tôi và Giáp, tôi cạnh Thuỳ, đối diện với Giáp, tất nhiên. Khi bốn chúng tôi đã yên vị, Quĩ bèn tắt ngọn đèn điện. Gian phòng trở nên chập chờn theo ánh nến. Quĩ ngồi vào chỗ của mình đưa tay trỏ đĩa tôm, trịnh trọng:
- Thứ này thì phải ăn dưới ánh nến. Mùi nến làm dậy mùi tôm chiên, làm cho vị giác cảm nhận được cái ngon nguyên sơ. Ánh nến khiến con tôm trở nên sống động và khiến ta thấy hình như nó trong mờ tựa khi còn bơi dưới nước.
Tôi suýt phì cười, nhưng nhìn lại con tôm quả thấy có gì khác với những con tôm he chiên mà tôi đã ăn. Do vậy, cái ác cảm dồn nén từ nãy cũng qua đi. Vả chăng, các chủ nhà vẫn thản nhiên như không.
Bữa rượu thế là bắt đầu vui vẻ và không ồn ào. Thuỳ không uống được rượu, bị ép, mới nhấp một tí mặt đã đỏ dậy lên. Còn tôi thì chỉ dám hớp từng ngụm nhỏ, kéo lai rai mãi vẫn không hết chén rượu. Quĩ rót đưa cháu Trung một ít. Thuỳ chau mày, nhưng Giáp lại cười khà khà. Cháu mạnh dạn dốc cạn cốc. Vì thế, chưa ăn hết con tôm cháu đã phải đi nằm. Còn lại bốn người lớn. Thật ra, chỉ có Quĩ và Giáp đọ chén với nhau.
Cuộc rượu kéo dài, trời tối lúc nào không biết. Câu chuyện ban đầu cũng phải chăng, và cả tôi, cả Thuỳ đều có thể góp lời. Dần dần chỉ hai người nói, mà người giữ vai chính là Quĩ. Giáp thì rõ là đã ngật ngưỡng. Còn Quĩ thì chẳng rõ là còn tỉnh hay đã say. Duy, giọng anh ta lè nhè thật:
- Cậu là người có tài, Giáp ạ. - Anh ta đã quẳng cái từ khách khí "ông anh" tự bao giờ - Nhưng mà cậu gàn. Ngày xưa anh gàn cũng có bị chế giễu, nhưng còn được khen. Ai không khen công khai thì cũng phục ngầm. Còn ngày nay ấy à, gàn là dại, là thiệt. Vạ gì cậu bỏ công, bỏ sức ra mà nghiên cứu! Để làm gì và cho ai? Chẳng ai cần cái nghiên cứu của cậu. Vạ gì mà cậu hay đấu tranh với góp ý! Kệ xác chúng nó! Chúng nó cần sự tâng bốc và dối trá. Thì cứ việc! Trước đây, lương tháng cậu mấy chục đồng cậu vẫn sống ung dung. Bây giờ, cả hai vợ chồng kiếm được ngót nghìn, kể cả làm thêm, mà các cậu "rách" quá. Vợ cậu thế kia đáng được sống lươm tươm một chút chứ. Nếu chưa muốn về mất sức hoặc hưu non thì làm cầm chừng công việc cơ quan thôi. Bôi bác được thì cứ bôi bác. Lỉnh được thì cứ lỉnh. Còn thì dành sức lực và trí tuệ đi với tớ. Cam đoan là sẽ sống đàng hoàng mà vẫn sạch sẽ trước pháp luật. Lúc bấy giờ, cậu có muốn đi Tây thì sẽ có khối thằng sẵn sàng "lo giúp", chỉ cần cậu nhẹn mấy động tác ngón tay. - Anh ta đưa tay làm hiệu đếm tiền - Bây giờ thì hãy chịu khó quị lụy một để rồi bắt thiên hạ quị lụy mười. Tội gì không tự tạo thời cơ?
Giáp khi thì ậm ừ, khi thì hăng lên cũng hùa theo Quĩ mà chửi bới những chuyện tiêu cực, có lúc quá lời. Vẻ mặt anh lầm lì; khi thì cười to và dừng đột ngột. Từ lúc gặp lại anh, tôi chưa thấy Giáp cười tủm lần nào, cả khi tôi cố nói một câu ba lơn chọc anh. Nể lắm thì anh cười ruồi.
Dưới ánh nến lắt lay, khuôn mặt đỏ gắt hơn cả vỏ tôm, cái thì lừ lừ, cái thì ngất ngư. Tưởng đâu vũ trụ chỉ có hai người; ngồi kề nhau đấy, song mỗi người vẫn ôm riêng một thế giới.
Cuộc nhậu gần tàn, chợt Quĩ bảo Thuỳ:
- Cô cho tôi một tờ giấy vẽ và cái bút chì than. - Anh ta ngoảnh sang Giáp: - Tớ phải vẽ tặng cậu bức chân dung cậu mới được. Cả thế giới thì không nói chứ cả nước Việt Nam này ngoài tớ ra chẳng mặt nào họa nổi cái thần thái cậu. Bật đèn lên! - Anh ta ra lệnh, sau khi nhận giấy và bút vẽ. - Giáp! Cậu cứ nhậu, đớp, hít tự nhiên, cười nói tuỳ thích, nhưng ngồi tại chỗ.
Tôi bị hút vào cái trò của Quĩ, chẳng kịp bực mình, dù là trong ý nghĩ. Quĩ vẽ rất nhanh, tay lia bút cứ như người vẽ bùa phù chú. Độ năm phút, mà cũng có thể là nửa giờ, Quĩ quẳng bút vẽ xuống đứng dậy nhìn quanh, một tay cầm sấp tờ vẽ. Tôi đưa tay ngỏ ý muốn xem, anh ta ra dấu ngăn lại:"- Thong thả!"-Anh ta bước rảo tới chỗ treo tấm ảnh phóng to ba vợ chồng con cái chủ nhà, hạ xuống:
- Mai tớ sẽ mang đến một cái khung ảnh "hết ý". Còn bây giờ thì hãy mượn tạm cái này.
Anh ta lúi húi một chốc trong chỗ khuất rồi quay lại với tấm chân dung vừa vẽ, bấy giờ đã lồng kính, đặt nó lên bàn, dựa vào tường, rồi lùi xa khoanh tay trước ngực đứng ngắm. Gọi là bức chân dung nhưng chỉ có cái mặt. Một cái gì ớn lạnh lướt nhanh dọc sống lưng tôi. Mặt người trong bức vẽ đúng là của bạn tôi, nhưng sao tôi như mới thấy lần đầu? Đôi mắt, vành mi trên uốn cong quá mức bình thường, giương lên có vẻ ngơ ngác phảng phất cái nhìn của con nai, song ngắm kĩ lại thấy hình như có ẩn giấu những tham vọng nén lại. Những chỗ đậm nhạt trên má làm cho nét mặt vừa thách thức, vừa đau khổ. Vầng trán một bên bóng, một bên hằn những vết nhăn mờ mang dấu những suy tư giằng xé bên trong. Đôi môi hơi hé, nhìn thẳng thì ngờ nghệch, nhìn chếch lại chua chát và mỉa mai. Hoặc thằng cha này đã nghiền ngẫm đến mức nắm được gan ruột Giáp, hoặc là hắn ta có một dụng ý bí hiểm nào đó. Tôi tự nhủ và chờ xem phản ứng của vợ chồng bạn, Thuỳ áp hai tay vào má nhìn sâu vào bức vẽ rồi liếc nhìn tác giả với ánh mắt trách móc khó nhận thấy. Còn Giáp thì miệng cười cười mà mắt trân trối như bị hút vào cái chân dung người ta vẽ mình. Nhưng chỉ mấy giây, anh bình thản hoặc làm ra vẻ bình thản ngồi quay nghiêng châm thuốc hút. Quĩ tới bên bàn, dốc nốt chỗ rượu còn lại trong chai vào chén của mình và tợp thẳng một hơi, đưa mu bàn tay chùi mép:
- Thôi, tôi về đây.
Anh ta đã ra đến cửa, chợt quay lại chỉ vào bức tranh vẽ bình hoa trên nóc tủ bảo Thuỳ:
- Cô Thuỳ biếu tôi cái kia nhé.
Thuỳ lúng túng - vì bất ngờ hay vì một lẽ gì khác? - mãi mới trả lời:
- Bức tranh ấy, em... - Cô cố chuyển giọng nói vui - Học trò chẳng dám tặng bài tập cho thầy đâu.
- Tôi muốn có một kỉ vật thời gian Thuỳ ở trường mĩ thuật.
Thuỳ nhìn lướt các bức tranh bày trong phòng.
- Nếu vậy, để em đem tất cả những bức em vẽ ở trường ra để anh chọn. Còn bức tranh kia, em vẽ vụng lắm. Vả lại, bức ấy... Em đã không nộp nó cho nhà trường như các bài thi khác...
Quĩ lắc đầu làm mặt buồn và nghiêm nghị:
- Lần đầu tôi phiền Thuỳ. Tôi chỉ muốn bức tranh ấy.
Thuỳ nhìn Giáp cầu cứu. Khi nãy, vừa nghe Quĩ hỏi xin, tôi đã rất mong Thuỳ từ chối thẳng thừng. Đến đây, tôi mong Giáp giúp vợ gỡ thế khó xử. Nhưng Giáp cứ ngồi rít thuốc. Thuỳ đành nói:
- Em giữ lại, một phần cũng vì anh Giáp thích.
Quĩ ngoảnh sang Giáp:
- Ông anh nhường tôi nhá!
Giáp điềm nhiên:
- Tác phẩm của cô ấy, tuỳ cô ấy chứ.
Tôi ghét Giáp quá. Không khí trong phòng nặng nề, không chỉ vì khói thuốc và hơi rượu. Quĩ nhìn Thuỳ gặng:
- Thế nào? Đồng ý chứ?
- Vâng, tuỳ anh. - Thuỳ nói, như thở hắt ra và vẫn đứng nguyên.
Có cái gì hẫng đi trong tôi. Quĩ đã rướn người đưa tay định hạ bức tranh xuống, bỗng thay đổi ý định:
- Hãy cứ gửi lại đây đã. Phòng tôi còn luộm thuộm quá.
Nói xong, anh ta đi ra chẳng chào ai. Giáp ném điếu thuốc hút dở xuống đất, vươn vai đứng dậy:
- Phải đi kiếm bát phở thôi. Nếu không, đêm cái bụng nó réo thì khó mà ngủ yên. Thuỳ mang cặp lồng theo, em ạ. Ta mang về cho cu Trung. Bây giờ cứ để nó ngủ.
Đi ăn về, để vợ chồng Giáp đi trước, tôi ghé quán nước mua cho cháu Trung cái bánh nướng. Trở lại nhà bạn, tôi thấy ai đã xoay bức vẽ Giáp úp vào tường.
* * *
Thuỳ rầu rầu nói:
- Trước đó khá lâu em đã linh cảm thấy điều ấy. Thế mà anh Giáp cứ thản nhiên như không.
- ...?
- Em rất khó nói. Một đằng, em rất quí và thương anh Giáp. Một đằng thì dù sao anh Quĩ cũng là thầy, tuy không lên lớp; và đã giúp em được vào học khỏi phải qua các thủ tục phiền hà.
- Tôi chưa hiểu đã có chuyện gì?
- Anh có biết anh Quĩ làm gì không? Em không nói nghề hiện nay của anh ấy trong biên chế Bộ Văn hoá - Thông tin. Anh ấy làm "tham mưu" cho bọn buôn lậu đồ cổ, tranh cổ. Không! Không phải chỉ là "hoa tiêu" đâu anh ạ - Anh ấy sục tìm, mách mối, đánh giá, cả mồi chài nữa cho bọn họ. Họ mà "trúng quả" lớn thì anh ấy chỉ việc chìa tay ra. Anh cũng biết công việc của anh Giáp liên quan ít nhiều đến những tác phẩm văn hoá cổ kim. Anh Giáp lại hay đi khảo sát nhiều nơi. Anh Quĩ bảo anh Giáp: "Ừ, thì cứ coi như bán chất xám cho chúng nó. Chất xám lúc này chẳng được giá lắm đâu. Thế mà chúng nó "có cửa", chúng nó chi mạnh tay lắm. Còn nếu chúng nó "bể mánh" thì chỉ chúng nó hứng". Anh Giáp đáp lửng lơ: "Đồ cổ là tài sản quốc gia đấy. Cả những thứ không hẳn là cổ". Anh Quĩ hạ luôn một câu: "Đúng là ông đồ Nghệ".
- Đến vậy mà Giáp vẫn giao du với hắn ta?
Thuỳ thở dài:
- Lạ thế đấy, anh ạ. Em chẳng rõ anh Quĩ có thuật gì lôi kéo anh Giáp không, hay là anh ta gãi đúng nỗi niềm tâm sự nào đó của anh ấy. Em biết chắc anh ấy không ưa anh Quĩ.
Thuỳ vào bếp lấy thêm nước nóng. Tôi thấy câu chuyện không chỉ có vậy, cũng không chỉ vì những mối quan hệ rối rắm, nhưng tôi ngại nghĩ lôi thôi. Tôi đứng dậy đi thơ thẩn ngắm các bức tranh. Đằng sau một tấm áp-phích có cái gì cồm cộm, tôi lật xem và hơi sững người: bức tranh lọ hoa ngày nào! Có cái hơi khác là mặt kính bị nứt vỡ một đường xéo ở một góc dưới. Thuỳ đã trở lại. Tôi lựa lời:
- Bức tranh này lại "châu về Hợp Phố"?
Thuỳ cười nhẹ:
- Dạo ấy, mãi anh Quĩ cũng không lấy về.
Tôi quyết định hỏi thẳng:
- Chị và Giáp cắt nhau rồi à?
Thùy ngồi cúi đầu giây lâu rồi ngửng lên trầm giọng:
- Anh là bạn thân của anh Giáp, em xin nói thật, nói hết. Em nghĩ anh Giáp chỉ thương hại em. Nếu không, sao lại...
Tôi vội ngắt lời:
- Không đúng!
Rồi tôi vắn tắt kể cho Thuỳ nghe chuyện Ninh ngày xưa, những gì tôi cảm thấy ngày ấy và câu thổ lộ của Giáp với tôi ngày tôi mới gặp lại anh. Thuỳ ngồi lặng đi nhìn mông qua cửa sổ, giọng xa xăm:
- Tiếc rằng ngày ấy em chẳng biết gì cả. Song dẫu có biết thì cũng chẳng hơn gì, bởi vì dạo ấy em còn khờ lắm, tự hiểu mình chưa xong, còn nói gì hiểu người, hiểu đời. - Giọng chị trở nên tỉnh hơn - Nhưng nếu vậy thì anh Giáp càng đáng trách. Anh Quĩ muốn mê hoặc anh Giáp không chỉ vì công việc làm ăn... Ngày trước, anh ta đã từng ... rất chu đáo với em. Có thể là em lầm. Mà cũng có thể còn có cái gì đó sâu xa hơn. Nhưng thôi, mặc anh ta. Em chỉ giận anh Giáp. Chẳng phải là anh ấy vô tâm.
Vẻ mặt Thuỳ không giấu được cơn giận và nỗi đau. Tôi cố nói một câu gì đó:
- Chẳng lẽ chỉ vì nghĩ vậy mà chị bỏ xuống đây?
Mấy nếp nhăn hiện rõ hai bên mép Thuỳ:
- Có những sự ngẫu nhiên dồn đến anh ạ. Vào lúc ở Bộ người ta cho biết một xí nghiệp ở Hải Phòng cần một họa sĩ...
Tôi tò mò hỏi luôn:
- Các xí nghiệp thì có việc gì cần đến họa sĩ nhỉ?
Thuỳ hơi cười, hẳn là vì sự mù mờ của tôi:
- Thiếu gì việc, anh? Chẳng qua ở ta chưa coi trọng đấy thôi - Giọng Thuỳ đượm buồn - Anh Giáp thật lạ. Anh Quĩ tán anh ấy giao cháu Trung cho anh ta dìu dắt, anh ấy cũng gật. Em nhất định không nghe, anh ấy cáu với em. Tối hôm ấy, anh Quĩ lại đến chén chú, chén anh với anh Giáp tới khuya. Lúc Quĩ về rồi, em mới khuyên anh ấy nên thôi những cuộc chén như vậy. Em nói khá găng. Em nén quá lâu rồi, không chỉ vì chuyện nhậu nhẹt. Em nói: "Anh đừng làm hỏng anh và làm hỏng cả con". Em không để ý là anh Giáp có vẻ say hơn và bực bội hơi mọi lần. Hình như lúc em có việc đi ra ngoài, anh Giáp và anh Quĩ nói chuyện gì đó không vui. Thế rồi nẩy ra một cuộc cãi nhau to. Có lẽ hàng xóm cũng phải thức giấc. Anh ấy quát em: "Cô đi đâu thì đi!" Rồi anh ấy quẳng cả bức tranh kia - Thuỳ trỏ vào bức tranh bình hoa - Hôm sau, em đến ban tổ chức xung phong đi Hải Phòng. Các thủ tục được giải quyết rất chóng. Em xuống đây vừa may. Một người anh họ em chuyển công tác vào Nam đưa cả nhà đi. Anh chị muốn giữ chỗ ở này cho một đứa con hiện đang được nhà máy của thành phố này cử đi thực tập ở nước ngoài. Em ở đây đã gần một tháng rồi.
Tôi dè dặt hỏi:
- Chị ra đi, Giáp không ý kiến gì cả ư?
- Mẹ con em đi lúc anh ấy còn ở cơ quan. Em để lại một lá thư nói là đừng tìm, lúc nào em thấy nên về, em sẽ về.
Tôi như nói với mình: "Có nên vậy chăng?" Trong bụng thì nghĩ: "Chẳng lẽ Thuỳ phải trốn cái gì đó, Quĩ và cái không khí hắn tạo ra, hay cái gì khác nữa?".
Thùy hơi đăm chiêu, nói như lạc đề:
- Chỗ em làm trước đây nhiều việc sự vụ quá. Lắm khi không có việc gì cho ra việc nữa. Cứ ngồi chơi tràn cũng được hoặc làm việc riêng cũng được. Em những loay hoay mà hết buổi. Còn vẽ thì từ lâu ở nhà em chẳng vẽ được gì ra hồn. Việc công, việc riêng đều cảm thấy trì trệ.
Tôi cứ nói theo đà suy nghĩ:
- Không nên chấp người đang say rượu.
Mắt Thuỳ tối lại:
- Có phải chỉ là chuyện say không anh?
- Tôi chưa thật rõ nội tình các bạn. Nhưng có nên quyết liệt vậy không?
Thùy nói nhỏ:
- Dĩ nhiên anh ấy có thể tìm đến nơi em hiện đang công tác không khó mấy - Ngừng một chút, chị đổi giọng - Về đây, môi trường mới, công việc mới, em khá vất vả. Thì giờ rỗi để làm kiếm thêm không nhiều lắm, nhưng lại thấy ham làm việc.
Tôi nghĩ thầm: Mình đã nói vậy mà Thuỳ vẫn ngờ Giáp không thật yêu cô khi họ lấy nhau, hoặc không còn nguyên vẹn mối tình xưa kia nữa. Cũng có thể là như thế. Song Thuỳ có yêu Giáp không? Nhưng nói "yêu" theo nghĩa nào mới được chứ? Vả chăng điều đó đặt ra kể như thừa khi họ đã có mấy năm dài sống êm ấm với nhau. Còn kẻ kia? Hắn và những con tôm thoa mỡ dưới ánh nến của hắn. Có lẽ đáp số của bài toán cũ về Thuỳ đối với hắn nay chẳng còn mấy ý nghĩa. Nhưng hắn cần tự khẳng định mình theo cái cách của hắn chăng? Hay là hắn muốn chứng minh ở đời này khó có sự ngay thẳng, khó có hạnh phúc ngay thẳng? Hay là... Nhưng mà hắn là ai? Có những kẻ tồi hạ đẳng; có những kẻ tồi siêu cấp. Hắn chẳng phải là loại thứ nhất, mà có lẽ chưa đạt trình độ loại thứ hai - loại này thường có bộ mặt khả ái hoặc oai nghiêm kia. - Hừm! Thuộc loại nào thì hắn vẫn là hắn. Cũng như tôm vẫn cứ là tôm, vẫn cứ là "đội phẩn lên đầu", và cứ co vào, chết càng co vào. Dù là dưới ánh nến, ánh đèn điện hay ánh mặt trời. Dù sao hắn vẫn đang tồn tại. Ờ, mà không có hắn thì sao nhỉ? Hắn là nguyên nhân hay chỉ là tác nhân?
- Em chẳng còn ai khác. - Thuỳ chuyển giọng tâm tình - Bố và dì em đã mất trước ngày giải phóng miền Nam. Anh chị em di tản sang Mĩ. Em đã tập cách sống tự lập. Nhưng rời nơi công tác quen thuộc không phải em không ngại ngần.
- Còn với Giáp thì sao? Chị để Giáp lại cho tay Quĩ xô đẩy...
- Chẳng ai xô đẩy anh ấy được, nếu anh ấy không tự xô đẩy mình. Em cho rằng còn ở với mẹ con em thì anh ấy còn tự buông trôi. E rồi bỏ bê cả việc nghiên cứu mà anh ấy từng coi như một lẽ sống. Có lẽ anh ấy khổ vì đã nhầm tình thương với tình yêu. Chuyện ngày xưa là chuyện cũ càng.
Khổ thật! - Tôi than thầm - Chẳng qua Giáp còn mang nặng một mặc cảm. Mặc cảm gì nhỉ? Mặc cảm của một người đã từng không may trong tình yêu và trong sự nghiệp chăng? Cái sau làm nặng nề thêm cái trước. Có phải trong tâm trạng ấy mà anh chấp nhận "tình bạn" của Quĩ? Có lẽ không phải là chấp nhận mà là một sự mặc kệ, một sự coi thường mọi sự đời. Mà nếu vậy thì có thể dẫn tới xoá nhà ranh giới giữa cái tốt và cái xấu, không còn tởm lợm cái xấu. Và thế là... tôi không tin bạn tôi đã đến cái mức ấy. Tuy nhiên, cuộc sống bây giờ đang giương ra những cái bẫy, hay ít nhất cũng đề ra những thử thách phức tạp.
Tôi định khuyên Thuỳ đôi câu, song nhận thấy chưa cần và chưa nên. Tôi đành chỉ nói mấy lời dè chừng. Tiễn tôi ra đến đầu ngõ, Thuỳ bảo tôi:
- Anh đừng nói gì với anh Giáp và đừng cho anh ấy biết nơi này vội nhé.
Sắp chia tay, chị nói thêm:
- Cũng chẳng thể kéo dài tình trạng này đâu. Cháu Trung nó nhớ bố nó ghê lắm.
Tôi thử đùa:
- Còn mẹ cháu thì không à?
Thuỳ cười, gò má ửng lên, quay vội người tránh ánh mắt tôi. Tôi như thấy lại cô Thuỳ hồn nhiên, nhiều mơ ước.
* * *
Tôi chỉ theo đúng lời giao hẹn của Thuỳ được một nửa. Có nghĩa là tôi đã viết thư ngay cho Giáp, không tiết lộ nơi mẹ con Thuỳ ở, nhưng kịch liệt "phê".
“... Ông bây giờ rộng cẳng, sướng nhỉ! Cho nên ông cứ ung dung chẳng cần biết vợ con phiêu bạt đi đâu. Trước đây tôi lấy làm rầu lòng thấy ông như định chơi trò "bộ ba". Hay ông muốn tạo ra một tấn bi hài kịch để trút vợi nỗi tức đời của mình? Nhưng ông chỉ là một thằng ngốc. Có vẻ như ông lí tưởng hoá Thuỳ, nhưng thực tế, ông chỉ coi Thuỳ như một bức tĩnh vật - Chính ông mới là tĩnh vật - Chẳng lẽ ông nghĩ luồng ánh sáng trong bức tranh của Thuỳ là do cô ấy nghĩ đến ông? Ông coi chừng đó! Thuỳ là người có bản lĩnh và vị tha. Nhưng không phải bản lĩnh nào cũng cố chịu đựng những trò thách đố nhẫn tâm hoặc vô duyên. Khéo mà ông trắng tay đó! - Trắng tay theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, diện hẹp và diện rộng. Cứ phó mặc sự đời đưa đẩy là chẳng xong đâu. Đánh rơi mình lúc nào không biết đấy. Suýt nữa thì tôi đặt cho ông câu hỏi: "Ông chọn Thuỳ hay chọn Quĩ?" Một câu hỏi tàn tệ và tồi tệ, vô nghĩa lí nữa...”.
Một tuần sau, Giáp mới trả lời tôi. Anh chẳng kể lể, chẳng phân trần. Thư bắt đầu bằng chuyện về chuyến đi khảo sát vừa đây của anh, một chuyến đi "có quá nhiều tình huống đáng bực mình" nhưng rồi cũng trót lọt. Đột ngột, anh đổi mạch thư:
"Ông bạn cứ phán tùm lum. Ông đã hiểu gì về tôi nào? Xem bộ ông chỉ mới nhìn cái khía cạnh mùi mẫn. Dù sao tôi cũng rất cảm ơn ông, vì hình như ông cũng có lí phần nào. Vừa qua, tôi đã có dịp để suy ngẫm. Một thời gian không ngắn, tôi đã định làm một phép thử với cả chính tôi. (Ông bạn ơi! - Tôi nghĩ thành tiếng - Ông định thử cái gì? Lòng tin? Tình yêu? Cách sống? Khá đắt đấy! Mỗi cuộc đời bình thường như của chúng ta chỉ có một cái "vốn" khiêm tốn mà thôi). Thư ông gay gắt trong cái lối suy tư hạn hẹp của ông, song cũng khơi gợi những điều ngoài cả những gì ông định nói. Ông chỉ quan tâm đến chuyện nhà của tôi thôi. Giá tôi đủ nguội lạnh hoặc vô lương để coi gia đình là một môi trường khép kín, mặc sức thu vén! Tôi sẽ về thăm ông đấy. Ông là láu lắm nhé! Chắc hẳn Thuỳ đã dặn ông giấu chỗ ở của mẹ con cô ấy chứ gì? Thì ra bệnh nữ khuynh của ông hãy còn khá nặng..."
Phảng phất cái cười tủm có lúm đồng tiền bên má bạn tôi ngày nào.
Hải Phòng, XI - 1984