watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Định Hướng Văn Học-Chương 6 - tác giả Kim Định Kim Định

Kim Định

Chương 6

Tác giả: Kim Định

1. Từ triết học tới minh triết.
Xét cái học nhân văn ta thấy có ba đường hướng một là học giả, hai là học hành, ba là vô học.
Học giả chuyên bàn rộng về bất cứ tri thức nào, và là cái học đang ngự trị trong các chương trình giáo dục của thế giới hiện nay, nó quy cho cái học một giá trị tuyệt đối, đến nỗi chỉ cần học bất cứ cái chi khỏi lo đến đường hướng. Vì thế mà nhân loại đang như con thuyền không lái bập bềnh giữa muôn lượn sóng cuồng phong. Tuy nền giáo dục nước ta nay đang theo cái học ấy, nhưng chúng ta không thể chấp nhận vì nó là cái học tán loạn. Đó chỉ là cái học được chân lên đầu, do ngoại lai dùng thế lực chụp lên, chứ không do ta chấp nhận ít ra cách thuận tình và có suy xét. Vì thực ra không ai đã đưa ra được một chủ đạo, một tay lái. Tay lái nào? Platon? Aristote? Descartes? Kant? Hegel?… ngoài một số đóng góp bé nhỏ làm chi có chủ đạo với những thứ đó? Bởi đấy không một ai dám đưa họ ra giữ lèo lái cho cái học. Hơn thế nữa còn nhiều chống đối cái học vô hướng ấy, nhân đó đang ló dạng một khuynh hướng thứ hai là Vô học ở tại tuyệt đối chối bỏ giá trị mọi sự học hỏi, chủ trương vất bỏ sách vở để trở lại với cái thuần phác tự nhiên như nhiên… nhưng cái “tuyệt học” này chúng ta cũng không thể chấp nhận, vì nó là “không học”, nó có thể hợp cho năm ba bậc thiên tài trong từng trăm ngàn triệu người, nghĩa là lâu lắm nhân loại mới có một Lão Tử, một Huệ Năng, một Krishnamurti… Nên không thể đem ra làm mẫu học tập, hay nếu đưa ra thì phải hiểu lời các ngài theo lối biếm lý, nghĩa là khi họ nói không thì phải hiểu là có, nói đừng đọc sách thì phải hiểu là cần đọc rất nhiều, thí dụ Lão Tử bảo đừng đọc sách thì chính ông đọc nhiều, rất nhiều. Khổng Tử còn bỏ ngày giờ đi vận động chính trị chứ Lão Tử thì ở nhà để đọc sách viết sách và coi kho sách nữa! Các người khác nói đốt sách cũng thế, họ cũng là những người đọc sách nhiều nhất, và nhờ đó lời nói họ mới có thế giá và gây hoang mang cho những tâm hồn lãng mạn thơ ngây cứ tưởng bảo không là không.
Vậy để tránh lối nói một đàng phải hiểu một nẻo, chúng ta nên theo lối học hành. Học hành khác vô học ở chỗ quy cho cái học một giá trị, nhưng lại chỉ là giá trị tương đối mà không tuyệt đối như kiểu học giả. Do đó chữ hành quy định chữ học. Nói khác đi chỉ học những cái thiết cận đến thân tâm con người mà thôi. Và vì thế cái học mới là buớc khởi đầu trong quá trình học hành có thể chia làm 4 nấc là:
Học giả= triết học
Hành giả = triết lý
Lập giả = tự lập không dựa vào cái gì.
Quyền biến giả = minh triết, theo câu “khả dữ cộng học vị khả dữ thích đạo. Khả dữ thích đạo vị khả dữ lập. Khả dữ lập, vị khả dữ quyền, “ L.N IV.28 可 與 共 學 未 可 與 適 道 可 與 適 道 未 可 與 立 可 與 立 未 可 與 權
Đó là bốn bước trong quá trình học tập của Nho giáo nguyên thủy. Bước đầu là phải học, phải được hướng dẫn, may hay rủi là được thầy giỏi sách hay. Bước nhì là phải luyện tập thi hành (thích đạo); bước ba là phải tự lập. Bước cuối cùng là tự lập đã vững chân đến độ “có như không, thực mà như hư” gọi là quyền biến. Đó là quá trình học tập mà nay chúng ta cần phải tìm lại để làm chỉ đạo cho nền văn học giáo dục của chúng ta. Có như thế chúng ta mới thống nhất được nền văn hóa, nghĩa là mới đưa đến cho văn học một cái hồn sinh động có chủ lực khả dĩ bơm hăng say cho hết mọi hoạt động trong đời sống.
2. Nội dung cụ thể thống nhất
Tôi gạch dưới chữ thống nhất là cốt để phân biệt với chữ đồng nhất và đa tạp. Vì chưa nhận thức được nội dung chân thực của chữ thống nhất nên hễ nghe tới thống nhất thì nghĩ đến đồng nhất, rồi đâm ra e dè sợ sệt, cho rằng sở dĩ Viễn Đông không tiến triển, triết lý Đông phương còn trong giai đoạn ấu trĩ thì lại “trăm nhà đều nín tiếng nín hơi ở dưới ách chuyên chế của học thuyết Khổng Mạnh mà thế lực nó đã hầu như là một thế lực tôn giáo, do các vua chúa cầm quyền che chở. Ấy sau đời tác giả (Đổng Trọng Thư người đề nghị lấy Nho giáo làm quốc học) trăm nhà đã hợp nhau đấy! Đã hợp nhau lần vào núi, rừng mà luyện thuốc, tu tiên, để nhường chỗ cho đạo thuật của các kẻ sĩ ở Trâu Lỗ đấy.” (Nhượng Tống, Nam Hoa Kinh tr.515).
Những lời trên đây phản chiếu một tâm trạng hốt hoảng của giới trí thức Viễn Đông vì đau xót thấy mình thua kém Tây Âu nên hễ thấy ai hoặc học thuật nào liên hệ đến tình trạng này thì đều lên án gắt gao. Riêng với vấn đề thống nhất đang bàn ở đây thì đổ cho ách chuyên chế của Nho giáo. Vụ án này gây nên do giải thuyết làm việc của một hai học giả Tây phương rồi được Hồ Thích dựng lên làm như chủ thuyết để truyền bá ra gây ảnh hưởng vào các người trí thức Viễn Đông. Từ đó mọi người đều lặp lại những ý nghĩ của Hồ Thích như vừa trưng trên kia: chưa có đủ an tĩnh để xét lại vấn đề.
Nói rằng triết Đông còn ở trình độ ấu trĩ thì phải nói “ấu trĩ” về phương diện nào, cần chỉ rõ ra. Vì quả thật có một hai khía cạnh ấu trĩ nhưng hầu hết là của các Nho gia hạng nhì chứ nếu xét đến những tay tổ thì không ai dám nói thế, ít ra những nhà nghiên cứu danh tiếng nhất. Bảo triết Đông là ngây thơ chỉ là việc của những người nghiên cứu nửa vời, rồi được tiếp tay do những trí thức loại Hồ Thích, toàn dùng phạm trù triết Tây bàn về triết Đông thì tất nhiên là thấy nó ấu trĩ. Thế rồi thổi phồng vụ án áp chế bách gia, mà không xét đến các sự kiện lịch sử khác. Chúng ta cần nêu ra ở đây một hai điểm để độc giả thấy sự làm việc của giới trí thức trước hời hợt như thế nào. Thí dụ trước hết đạo sĩ vào rừng tu tiên có ngay từ đời Tần và Hán sơ, nghĩa là lúc đạo Lão còn nắm then chốt của nền văn hóa, chứ không phải đợi đến lúc “bãi bỏ” bách gia, chư tử không còn đất sống mới phải vào rừng. Đời Hán đã có hối lỗi vì đạo tiên rồi…
Thứ đến là vụ án do Hồ Thích thổi phồng lên chứ trong lịch sử không có chuyện ức chế, trái lại tam giáo đồng nguyên mới là chuyện nổi vượt hơn. Còn chọn đạo này theo đạo kia hoàn toàn do khuynh hướng tư riêng. Thí dụ: Tống nho, Minh nho, Trình tử, Chu Hy hay Vương Dương Minh có ai bó buộc họ phải theo đường nào đâu. Trái lại hầu hết đều có nghiên cứu cả ba đạo giáo và trong chương trình hầu hết đều ghi tử (kinh, sử, tử, truyện) nghĩa là có dành chỗ cho bách gia. Nếu như nhà nào không đứng nổi là tại nội chất không đủ sức sống như trường hợp nhóm Công Tôn Long, Huệ Thi…
Đừng nói đến Phật triết, Lão Trang triết, ngay đến Phật giáo, Đạo giáo cũng vẫn được tự do, đôi khi có sự đàn áp thì hầu hết do hai phe kình chống nhau. Lấy thí dụ 4 lần Pháp nạn của Phật giáo mà nói thì lần thứ nhất đời Thái Võ Đế (446) do đạo sĩ Khấu Thiên Chi xúi giục, nho sĩ Thôi Hạo có một phần.
Lần thứ nhì, Võ Đế, Bắc Chu năm 561 do đạo sĩ Trương Tân.
Lần thứ ba, Hội Xướng pháp nạn đời Võ Tôn (năm 842) do đạo sĩ Phó Tụy.
Lần thứ tư Thế Tôn nhà Hậu Chu thì pháp nạn gây nên phần lớn không vì sự va chạm ý hệ nhưng do vấn đề kinh tế, có lúc đến ¾ ruộng đất đứng tên nhà chùa được miễn thuế: chính quyền chỉ còn thâu thuế trên ¼ đất ruộng, đã vậy tiền thuế thu được còn phải dùng đến 1/5 để nuôi hơn 20 vạn sư ni.
Lần pháp nạn thứ năm là do Hồng Tú Toàn (1850) chịu ảnh hưởng độc chiếm của ngoại lai, thì đả phá tất cả tam giáo, chưa không riêng chi Lão Thích mà thôi.
Xét trong năm lần pháp nạn, chỉ có lần đầu tiên có một nho gia, còn tất cả do đạo sĩ. Nhưng do nho sĩ hay đạo sĩ thì đó cũng chỉ là hạng thấp chứ không phải việc của Nho học, Đạo học. Chúng tôi chỉ có ý nói lên sự thong dong không những dành cho sự học “bách gia chư tử” nhưng còn cả cho những hình thái biến thể của các đạo giáo đó nữa: tất cả đều được sống mạnh, mạnh đủ để chửi nhau, đánh nhau huỳnh huỵch rộn ràng qua hai ngàn năm chứ có bị đàn áp đâu?
Sở dĩ phải nói hơi dài đến chuyện này vì thống nhất rất quan trọng cho vận mạng nước nhà đang lúc cần phải mạnh mà thực tế lại quá phân hóa, nên muốn sống còn chúng ta phải tìm phương thế thống nhất lại, nay nếu vì một hai e ngại không đủ nền móng mà không thiết lập nổi thì tổ quốc chúng ta trở nên miếng đất trống mặc sức cho triết thuyết nào đi lại thao túng tuỳ ý, kể cả những triết thuyết tiền hô cho cộng sản.
Sở dĩ cộng sản đã ngự trị cõi Viễn Đông này được là vì nền thống nhất cũ đã bị tan rã do sự hiểu lầm của những người như Hồ Thích, Phùng Hữu Lan và các trí thức chịu ảnh hưởng của họ. Những người này đã hốt hoảng không nhận ra đâu là lý do đích thực của sự thua kém để đến nỗi xúi nhau đả phá cho đến tan hoang một nền văn học có sự thống nhất vĩ đại hơn hết bởi vì uyển chuyển sống động và giàu khả năng hơn hết trong việc sáng tạo ra được những tổng hợp cho mỗi giai đoạn lịch sử. Chính nhờ đó mà nền văn hóa Viễn Đông vẫn còn trường tồn cho tới ngày nay trước sự sụp đổ của bao nền văn minh đồng thời với nho giáo như Mésopotamie, Babylon, Assyrie, Egypte, Hy Lạp, La Mã. Và nếu đã không bị lũ con cháu bật rễ từ bỏ thì cộng sản đâu có đặt nổi nền đô hộ trên các dân tộc Viễn Đông. Chúng ta cần hiểu rằng thống nhất văn hóa không là chi khác hơn là một thứ kỷ luật tinh thần, thiếu nó không thể có văn hóa hùng mạnh được. Để xác định thêm nội dung thống nhất chúng ta nên phân ra văn hóa hiểu gọn vào chương trình của ba cấp tiểu học trung học và đại học. Nếu nhận nho học làm nền thống nhất thì sẽ cho học Nho giáo trong cả ba cấp- còn văn hóa hiểu là cái học bên ngoài trường ốc, bên ngoài chương trình thi cử, và kéo dài cả đời thì đó là phần dành cho đa phương tức là cho mọi triết thuyết. Có thể và nên đưa đa phương (pluralisme) vào cấp đại học, còn trung tiểu học thì phải có thống nhất, vì nếu đưa đa phương vào chỉ làm loạn tâm trí học trò mà thôi.
Một nền văn học quốc gia cần được quan niệm theo khả năng của đa số. Vậy đa số phải học. 1. Các kiến thức phổ thông, 2. Rồi học lấy một nghề sinh sống, hoặc sửa soạn cho một ngành chuyên môn. Vì thế chỉ còn ít giờ cho đạo lý. Vậy đòi đưa vào chương trình trung học cả mọi học thuyết thì một là không đếm kể đến khả năng của đại đa số học sinh, hay là cứ đưa vào, thì đó không là đạo lý mà chỉ là bản tóm các ý kiến của đủ loại triết học. Cái học phiến diện như thế không thể nào gây nên được một chủ hướng sống, một lòng thành khẩn hăng say mà chỉ là một tri thức tẻ lạnh tan nát sẽ chỉ tạo ra những con người chong chóng. Chính vì muốn tránh cái nạn “đa thư loạn” tâm đó, nên tiền nhân đã đưa ra thứ tự “kinh, sử, tử, truyện”. Có học sử (tức đa phương) nhưng dành cho các lớp cao, và cho văn hóa hậu trường. Chính vì lý do đó chúng ta nên tránh đa phương cũng như nên tránh cả chương trình tam giáo ở cấp trung học. Cái học đời Trần đời Lý có đủ thời giờ học cả tam giáo, còn nay chúng ta chỉ có thể dành cho đạo lý một phần nhỏ thì giờ không thể theo xưa được. Cho nên phải chọn một trong ba.
Lão Trang là cái học cao siêu không hợp cho tâm trí trẻ con, xin dành lại cho những người lớn tuổi và những người nhiều khả năng triết lý, và dành cho Đại học.
Về Phật giáo vì đã có một giáo hội, một đại học và cả một hệ thống truyền bá rồi, một nền giáo dục tự trọng không thể làm một việc trùng hợp thừa thãi. Huống chi đã đưa Phật giáo vào chương trình là tạo dịp cho các tôn giáo khác đòi hỏi, và nếu phải thỏa mãn tất cả tôn giáo thì chương trình giáo dục sẽ trở thành món salát quét chợ. Và bộ giáo dục sẽ đóng góp nhiều nhất cho việc phân hóa li tán quốc gia. Tôn giáo là nhân tố chia rẽ mạnh nhất trong lịch sử thì đó là điều sơ đẳng ai cũng phải nhận ra được. Trái lại Nho giáo không bị mấy bất tiện trên. Nho giáo không chỉ có phần cao như Lão Trang mà còn có phần dễ hiểu; Nho giáo cũng không là một tôn giáo, không có giáo hội nên cũng không có nhóm nào nhờ đó mà trục lợi để gây phen bì; ngay chính quyền cũng không nhờ được gì.
Sở dĩ xưa chính quyền đã lợi dụng Nho giáo để củng cố óc chuyên chế của mình thì tại đó là Hán nho; còn Nho nguyên thuỷ trái lại là một sự kiểm soát (thanh nghị) chính quyền. Và trên hết Nho giáo có được hai đức tính trước hết là mềm dẻo và thứ đến là đã chứa sẵn trong mầm mống những cái hay của Lão, Thích (Phùng Hữu Lan cũng nhận thấy được điều này trong “Trung Quốc triết học sử” xem bản dịch của Nguyễn Hữu Ái tr.283). Chính hai đức tính đó làm cho Nho giáo nắm được lèo lái con thuyền văn học và văn hóa Viễn Đông, chứ không phải vì mánh khoé đàn áp kiểu đồng nhất. Ngược lại chính khi Nho giáo bị đàn áp như đời Tần và đầu nhà Hán thì cũng vẫn truyền bá trong dân chúng (xem Cửa Khổng, chương hai).
Bởi thế một là cứ để chương trình giáo dục như nay thì sẽ vô hướng, vô hồn và không phải là giáo dục mà chỉ là học vấn. Còn muốn cho giáo dục xứng danh, cho học vấn có phương hướng, có sứ điệp thì nên đưa Nho giáo vào.
3.Thuật nhi tác
Nhưng đưa Nho giáo vào cũng có ba bảy đường. Đưa vào bằng lối lắp lại y nguyên như tiền nhân thì tức là tiếp tục chương trình Hán nho, đó là lối giết Nho giáo hiệu nghiệm hơn hết. Hoặc đưa Nho vào để “làm giàu tiếng Việt”, thì là lấy tuỳ làm chính. Đó cũng lại là giết Nho giáo nữa. Phải đưa Nho vào như một đạo lý, một chỉ đạo cho đời sống. Điểm này chúng tôi sẽ bàn rộng vào dịp khác. Ở đây chỉ xin nói một khía cạnh hình thức mà nhiều người cho là quan trọng. Đại để có ba lối đưa Nho giáo vào: một là học y nguyên như các cụ xưa. Hai là phóng tác theo tinh thần nhưng không đả động chi đến một câu chữ Nho nào, ba là lấy “thuật làm tác” == “dĩ thuật vi tác”.
Muốn thành công phải đi lối “thuật nhi tác”. Cả hai chữ cần được xác định lại nội dung. Khi nói đến thuật nhi thì không phải là lặp lại như người ta quen hiểu, nhưng phải nghĩ đến việc truyền lại được cái hồn, cái linh lực, nghĩa là làm cho tinh tuý Nho giáo phục hoạt trở lại, hầu thổi lên được một luồng hào hứng ngay trong đám tân học, trong đám trẻ. Đó mới là “thuật nhi” kiểu Khổng Tử. Thuật nhi như thế khó hơn sáng tác theo nghĩa sáng tác văn nghệ, như viết một truyện ngắn, truyện dài, một bài thơ hay bất cứ một bài văn nào mà không trưng dẫn kinh điển. Đó là ý nghĩa sáng tác kiểu văn nghệ và chỉ có nghĩa này là được thông dụng hiện nay, nhưng còn một nghĩa sáng tác sâu hơn của triết lý có thể gọi là “thuật nhi tác” và phải có hai yếu tố là sáng soi chỉ đạo giữa những lộn xộn hộn mang, lại vừa phải tác động nổi tinh thần ít ra một số người thông minh có năng lực truyền bá hệ thức, chứ không thể thưởng thức suông như đối với văn nghệ. Chính vì thế “thuật nhi tác” khó hơn sáng tác văn nghệ có cả trăm lần. Chỉ cần nhìn qua số lượng văn phẩm thì nhận ra ngay. Mỗi năm trong thế giới thấy xuất hiện cả trăm ngàn bài thơ, ngàn vạn truyện ngắn truyện dài, nhưng từ gần hai trăm năm trong nhân loại chưa hẳn nảy sinh được một tay nào đáng gọi là “thuật nhi tác” (creating by transmitting). Không cứ gì Nho giáo mà bất cứ đạo giáo nào cũng thế, cũng chỉ trong vòng lập lại hay là sáng tác kiểu văn nghệ. Đó cũng là một hình thái lặp lại nhưng được che đậy khéo. Bởi vậy những tác phẩm kia chỉ là sáng tác có hình thái, nghĩa là dùng lối văn tự thuật mà không dùng lối tuyển lục. Lối tự thuật dễ gây nhiều ảo tưởng là tân tạo vì hầu hết người ta chỉ dừng lại nơi ngôn ngữ, nơi cốt truyện. Nhưng truyện đưa đến đâu theo những nguyên lý nào thì mấy ai nhìn nhận ra nổi. Bởi vậy thấy văn hay, cốt truyện hấp dẫn thì cho là sáng tác, trái lại lối tuyển lục dễ bị đồng hóa với lập lại hay góp nhặt.
Đó là xét theo hình thái nhưng sáng tác chân thực không lệ thuộc vào lối văn, nó có thể đi theo lối tự thuật hay lối tuyển lục. Nó không chịu nô lệ cho quy luật nào kể cả quy luật không trích dẫn. Nhất định không chịu trưng dẫn một ai nhưng luôn luôn đi theo lối tự thuật thì đấy cũng là một hình thái nô lệ. Sáng tác không lệ thuộc vào bất cứ hình thức trình bày nào. Sáng tác chân thực nằm trong nguyên lý cao hơn. Nằm trong bình diện khác trước hầu có thể mở rộng chân trời để bao lấy các dữ kiện cũ trong một tổng hợp mới rộng hơn, với những phát kiến mới hơn, giàu khả năng định hướng cho chặng đường mới, gây nên một luồng sinh khí mới. Làm được như thế mới thật là “thuật nhi tác” và khi có được như vậy, thì dẫu dùng lối trình bày nào cũng vẫn là sáng tác. Khổng Tử tuy nói chỉ “thuật nhi bất tác” nhưng hiện nay hầu hết các nhà nghiên cứu đều công nhận là ông đã “thuật nhi tác”. Vì khi xét nội dung người ta có thể nhận ra được sáu điểm sau.
Ông đã chọn trong cái cổ học những điều quan trọng nhất theo tiêu chuẩn nhân bản.
Tinh lọc khỏi những mê tín của thời vu nghiễn, bái vật.
Rồi trình bày cho hợp cảm quan thời ấy.
Thêm văn sức bằng “Lễ” đã được xã hội hóa nghĩa là bỏ tính chất tôn giáo để áp dụng vào nhân bản.
Đưa đến tận cùng bằng “Nhạc”
Hiện thực bằng thể chế đã được nội dung nhân bản thay cho nội dung bái vật vu nghiễn.
Đó là đại để mấy nét biểu lộ tính chất sáng tác của ông. Đến lượt chúng ta cũng phải “thuật nhi tác” và chỉ thành công theo lối đó. Thực ra sáng tác là cái chi linh động, uyển chuyển không thể quy định được đường lối, nhưng chúng ta có thể theo mấy nét chính của Khổng vừa nêu ra ở trên để ươc lượng phần nào “thuật nhi tác”. Trước hết là chọn một số câu quan trọng trong tứ thư ngũ kinh; càng chọn ít càng hay (chọn nhiều sẽ đi đến việc lắp lại và việc đưa kinh sách ra toàn bích nó tố cáo sự thiếu óc sáng tạo), thứ đến là chọn lựa theo lối tinh luyện khỏi cáu bụi thời gian như gạt bỏ Hán nho, Đường, Tống, Minh, Thanh nho. Thứ ba làm phồng lên bằng nội dung nhân bản, bằng thích ứng với cảm quan thời đại theo lối lý giải. Sau đó có thể đi xa hơn bằng đề ra chiến lược, những giải pháp minh bạch tức là phần việc của các học giả muốn ra tham chính.
Đại để đó là những việc phải làm để có thể gọi được là “thuật nhi tác” đặng đưa Nho giáo trở lại chương trình học vấn nước nhà. Sở dĩ xác định mấy điều trên vì nếu là văn hóa thì dùng lối văn nào cũng được, nhưng nếu là văn học thì nên dùng lối tuyển lục mới có thể trao lại cho con cháu những lời của tiên tổ, đã trở thành di sản thiêng liêng ai cũng cần biết tới. Nhưng không phải hễ là truyền lại lời xưa, hễ là văn học thì không phải sáng tạo. Đành rằng thì vài thế kỷ nay chỉ có “thuật nhi bất tác”, nhưng cả “sáng tác” bên văn nghệ cũng thế, cũng chẳng có chi đáng gọi là sáng tác chân thực ngoại trừ hình thức văn vẻ với một ít tiểu xảo nhỏ nhặt mà thôi. Cho nên nếu thiếu luồng sinh khí lớn rộng, thiếu chủ đạo hướng dẫn thì tại chính nguồn sang tạo đã cạn và chưa có người khai thác ra được nguồn mới mà thôi. Vì thế văn học phải gắng “lấy thuật làm tác”.
Thực ra đó là việc làm khó khăn gấp bội sự theo Tây như nay, hay việc đưa Hán học vào, cho nên đòi hỏi nhiều cố gắng thông minh, kiên chí, trong ít ra dăm ba năm của một nhóm người. Tuy là đường khó khăn nhất nhưng là lối nhiều bảo đảm hơn cả và cái may mắn cho nước Việt Nam là chúng ta đã hé nhìn ra được con đường để đi. Có lẽ 20 năm máu lửa vừa qua đã giúp chúng ta nhìn thấy và có khả năng hiện thực. Biết đâu 20 năm khói lửa hoang tàn, đổ nát, chết chóc, điêu linh đã là giá người Việt Nam phải trả để mua khả năng chu toàn sứ mạng văn hóa đó trong vận hội mới? Sứ mạng đó là thiết lập nền văn hóa nhân bản cho những thế hệ đang lên bằng lối “thuật nhi tác”. Nếu chu toàn được sứ mạng đó tức cũng là “định hướng được văn học” cho một nhân loại đang lạc hướng. Và chúng ta sẽ sáng tác bằng thuật lại nền nhân bản tâm linh vốn là di sản của liên bang Bách Việt, mà hiện nay chỉ còn có Việt Nam là giữ cái tên Việt đó.
Mang tên Việt tất nhiên cũng là nhận trách nhiệm làm phục hoạt lại cái di sản thiêng liêng của Bách Việt là nên nhân bản tinh tuyền nhất có thể tìm ra được trong lịch sử loài người. Đấy là một sứ mạng rất cao cả, nên cần phải trả một giá rất đắt để chứng tỏ khả năng chu toàn nổi sứ mạng. Dân tộc ta đã bắt đầu trả giá ấy kể từ một phần tư thế kỷ nay, và việc khởi đầu trả giá đả trùng hợp với thời chúng ta giũ bỏ tên cũ là An Nam để lấy lại cái tên nguồn gốc là Việt Nam. Giũ bỏ danh hiệu là bước đầu, bước thứ hai phải là đổi tinh thần cho danh tính tương hợp. Nếu thế hệ trước đã giũ bỏ danh từ của nước là An Nam thì đến thế hệ này phải cố giũ bỏ tính lý đó là cái óc Hán học từ chương chật hẹp cũng như các thứ óc duy ngã nhị nguyên từ ngoại lai truyền vào; tất cả đều đầy ắp nô lệ tính cần phải giũ bỏ hầu trở lại với “Đạo làm người chân thực” được gói ghém trong Nho giáo nguyên thủy cũng gọi là Việt Nho. Tất cả hướng của văn học là ở đấy.
Định Hướng Văn Học
Nội Dung
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 3 ( B)
Chương 4
Chương 4 ( B)
Chương 5
Chương 6
Phụ trương