watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Bạch mã khiếu tây phong-một - tác giả Kim Dung Kim Dung

Kim Dung

một

Tác giả: Kim Dung

Lộp cộp, lộp cộp, lộp cộp...
Lộp cộp, lộp cộp, lộp cộp...
Trên sa mạc mênh mông của đất Hồi Cương, cát bụi mịt mù bốc lên cao đến hai trượng, hai con ngựa một trước một sau đang phi nước đại. Đằng trước là một con ngựa trắng cao lớn chân dài, trên yên là một thiếu phụ, ôm trong lòng một cô bé con chừng bảy tám tuổi. Phía sau là một con ngựa màu đỏ bồ quân, trên lưng nằm phục một người đàn ông cao gầy.
Trên lưng phía trái của người đàn ông có cắm một mũi tên dài, máu chảy ròng ròng xuống lưng ngựa, rơi xuống đất, thấm vào cát vàng. Y không dám đưa tay nhổ mũi tên ra, chỉ sợ rút ra rồi sẽ chịu không nổi ngã xuống chết ngay. Người nào mà chẳng chết? Điều đó cũng không sao, có điều từ nay lấy ai chăm lo cho vợ yếu con thơ? Ở phía sau, kẻ địch hung hăng độc ác đang đuổi nà tới.
Con ngựa hồng chạy đã mấy chục dặm, gân cốt đã mệt nhoài mà chủ nhân vẫn tiếp tục ra roi thúc giục, đến nỗi không kịp thở, hai bên mép sùi bọt trắng xóa, hai chân trước khuỵu xuống, ngã lăn ra. Người đàn ông kéo giây cương, con vật kêu lên một tiếng bi thảm, giãy giụa mấy cái, thở hắt ra chết luôn. Thiếu phụ nghe tiếng động ở sau, quay đầu lại thấy con ngựa hồng đã chết, kinh hãi kêu lên:
- Đại ca... sao... có sao không?
Người đàn ông nhíu mày lắc đầu. Y nhìn thấy phía sau mấy dặm xa xa bụi bay lên, đại đội nhân mã kẻ địch đã kéo đến. Người đàn bà quay ngựa lại, chạy bến bên chồng, thấy mũi tên dài cắm trên lưng y, áo ướt đẫm máu, không khỏi kinh hoàng thất sắc, dường như muốn ngất đi. Cô bé con cũng thất thanh kêu lên:
- Cha, cha ơi, trên lưng cha có mũi tên kìa.
Người đàn ông cười gượng nói:
- Không sao đâu.
Y nhảy lên, nhẹ nhàng khéo léo rơi xuống yên ngựa ngay sau lưng người vợ. Y tuy bị trọng thương nhưng thân pháp vẫn nhẹ nhàng chắc chắn. Người đàn bà quay đầu lại nhìn chồng, đầy vẻ lo lắng quan hoài, nói nhỏ nhẹ:
- Đại ca, chàng...
Người đàn ông kẹp hai chân thúc một cái, tay giật giây cương, con ngựa trắng liền tung bốn vó chạy vụt về phía trước.
Con ngựa trắng tuy là thần tuấn, nhưng đã chạy một quãng dài không nghỉ ngơi cũng mỏi mệt, huống chi lúc này trên lưng lại có đến ba người. Tuy nhiên con vật dường như cũng biết lúc này là lúc sinh tử quan đầu của chủ nhân nên không cần thúc giục vẫn hết sức chạy không kể sống chết.
Chạy thêm vài dặm nữa, sau cũng chậm dần, địch nhân đuổi theo sau mỗi lúc một gần thêm. Tất cả gồm sáu mươi ba người nhưng có đem theo hơn một trăm chín mươi con ngựa khỏe, mỗi khi ngựa hơi yếu là đổi con khác ngay. Họ nhất định đuổi bắt cho bằng được.
Người đàn ông quay lại nhìn, trong đám bụi vàng mù mịt, đã thấp thoáng nhìn thấy thân hình kẻ địch, một lát sau đến mặt mũi cũng đã nhìn rõ. Người đàn ông nghiến răng nói:
- Hồng muội, anh xin em một điều, em có bằng lòng không?
Người đàn bà quay đầu lại, dịu dàng mỉm cười, nói:
- Trong cả một đời đã bao giờ em trái lời anh chưa?
Người đàn ông nói:
- Tốt lắm, em mang Tú nhi chạy trốn, bảo toàn chút máu thịt của hai đứa mình, bảo toàn bức địa đồ Cao Xương mê cung.
Lời nói cực kỳ kiên quyết, chẳng khác gì ra lệnh không bằng. Người đàn bà giọng run run, nói:
- Đại ca, cho chúng nó cái bản đồ đi, chúng mình chịu thua cho xong. Thân... thân chàng mới là quan trọng.
Người đàn ông cúi xuống hôn lên má vợ, giọng đột nhiên đổi thành cực kỳ trìu mến, nói:
- Trong đời ta trải qua biết bao lần nguy nan, lần này nếu như chạy được thì hay. Lã Lương tam kiệt không phải chỉ muốn địa đồ đâu, bọn chúng... bọn chúng muốn là muốn giết ta kìa.
Người đàn bà nói:
- Chúng... chúng dẫu sao cũng còn chút tình đồng môn, hay là, để em xin bọn họ...
Người đàn ông gay gắt nói:
- Không lẽ vợ chồng mình phải van xin người khác hay sao? Con ngựa này không mang nổi cả ba người, đi mau.
Y tung mình nhảy lên, kêu lớn một tiếng rơi xuống khỏi ngựa. Người đàn bà gò cương đứng lại, định đưa tay níu lấy chồng, thấy trượng phu mặt giận dữ, lại nghe y quát lớn:
- Đi mau.
Nàng từ trước tới nay luôn luôn tùng phục chồng, đành giật cương quất ngựa, chạy về phía trước, cảm thấy giá băng se sắt, không phải chỉ trong lòng mà cả đến máu thịt cũng như đông lại.
Những người đuổi theo thấy người đàn ông rơi xuống khỏi ngựa, cùng reo hò:
- Bạch Mã Lý Tam ngã rồi! Bạch Mã Lý Tam ngã rồi!
Hơn một chục người liền giục ngựa đến vây quanh, còn hơn bốn chục người kia tiếp tục đuổi theo thiếu phụ. Người đàn ông nằm co dưới đất, không cục cựa gì nữa, dường như đã chết rồi. Một người giơ trường thương, nghe soẹt một tiếng đâm luôn vào đầu vai bên phải của y. Khi rút ngọn giáo ra, máu tươi vọt ra nhưng Bạch Mã Lý Tam vẫn không động đậy. Gã chỉ huy mặt đầy râu ria nói:
- Chết chắc rồi, còn sợ gì nữa? Mau tra xét trong người y xem sao.
Hai người trong bọn nhảy xuống ngựa, đi lại lật Lý Tam lên. Đột nhiên một ánh sáng trắng lóe lên, Bạch Mã Lý Tam trường đao vung một vòng, chát chát hai tiếng, chém hai người ngã lăn ra đất.
Bọn người không ngờ y giả chết, đến ngọn giáo đâm vào cũng làm như không biết rồi bỗng dưng phản kích lại, sáu bảy người kinh hãi giục ngựa thối lui. Gã râu xồm liền múa thanh nhạn linh đao[1] trong tay, quát lớn:
- Lý Tam, ngươi quả thật cứng đầu.
Vù một tiếng y vung đao chém xuống đầu Lý Tam. Lý Tam giơ đao lên đỡ nhưng cả hai vai đều bị thương nặng, cánh tay không có sức, lịch kịch lùi lại ba bước, oa một tiếng hộc ra một ngụm máu tươi. Hơn chục người giục ngựa tiến lên vây quanh, đao thương cùng đâm chém xuống người y.
Bạch Mã Lý Tam một đời anh hùng, cho đến chết cũng không chịu khuất phục, khi sắp lìa đời cũng còn giết được hai tên cường địch. Thiếu phụ ở đằng xa nghe tiếng chồng uất hận rống lên, trong lòng chẳng khác gì dao cắt: “Chàng chết rồi, ta còn sống làm gì?”. Nàng lấy từ trong bọc ra một tấm khăn tay dệt bằng lông cừu, nhét vào bọc đứa bé, nói:
- Tú nhi, con cố tự lo cho mình.
Nàng giơ roi quất vào mông con ngựa, hai chân đạp một cái, thân hình đã rời yên. Nàng thấy con ngựa trắng lưng nhẹ đi liền mang con bé chạy như bay, trong lòng thấy hơi an ủi: “Con ngựa này cước lực thiên hạ vô song, Tú nhi người lại nhẹ, như thế bọn chúng không thể nào đuổi kịp được”. Ở phía trước, tiếng cô bé con khóc “Mẹ ơi, mẹ ơi” mỗi lúc một xa, còn tiếng chân ngựa đuổi theo phía sau thì càng lúc càng gần, trong bụng ngầm khấn nguyện: “Xin trời phù hộ cho Tú nhi được như con, lấy được một người chồng tốt, dù một đời trôi nổi thăng trầm, nhưng cũng một đời sung sướng”.
Nàng sửa lại áo quần, vén lại đầu tóc, chỉ chớp mắt mấy chục người đã trước sau cưỡi ngựa chạy đến. Người đi đầu là lão nhị trong Lã Lương tam kiệt Sử Trọng Tuấn.
Lã Lương tam kiệt là anh em kết nghĩa. Lão đại Thần Đao Chấn Quan Tây Hoắc Nguyên Long, chính là gã râu xồm giết Bạch Mã Lý Tam, lão nhị Mai Hoa Thương Sử Trọng Tuấn là gã gầy gầy cao cao, còn lão tam Thanh Mãng Kiếm Trần Đạt Hải người lùn nhỏ nhưng tinh ranh, vốn là kẻ chuyên chặn đường cướp của đất Liêu Đông, về sau lạc bước nơi Sơn Tây, cùng Hoắc Sử hai người tâm đầu ý hợp, ba người liền mở một tiêu cuộc nơi huyện Thái Cốc tên là Tấn Uy tiêu cuộc.
Sử Trọng Tuấn và vợ của Bạch Mã Lý Tam Thượng Quan Hồng vốn là sư huynh sư muội đồng môn, hai người học nghệ chung với nhau từ khi còn nhỏ. Sử Trọng Tuấn đem lòng yêu thương cô sư muội dịu dàng, kiều diễm, chính sư phụ của họ cũng có lòng tác hợp cho hai người cho nên ai ai trong môn phái cũng coi họ như vợ chồng chưa cưới. Nào ngờ Thượng Quan Hồng ngẫu nhiên gặp được Bạch Mã Lý Tam, vừa thấy đã đem lòng quyến luyến, tuy gia đình không bằng lòng cho hai người lấy nhau, Thượng Quan Hồng liền bỏ nhà theo y ra đi. Sử Trọng Tuấn vì đau lòng nên đau nặng, khi khỏi rồi tính tình cũng đổi hẳn. Y đối với sư muội tình yêu vẫn không dứt, về sau cũng chẳng lấy ai.
Cách biệt mười năm qua, nào ngờ Lã Lương tam kiệt gặp lại vợ chồng Lý Tam trên đường Cam Lương, vì chuyện tranh đoạt một bản địa đồ mà hai bên động thủ. Bọn họ hơn sáu chục người vây đánh hai người, từ Cam Lương đuổi theo đến tận Hồi Cương. Sử Trọng Tuấn vừa ghen tức, vừa thù hận nên ra tay càng thêm tàn nhẫn, mũi tên trên lưng Lý Tam chính là do y bắn lén.
Bây giờ Lý Tam đã bỏ mình nơi sa mạc, Sử Trọng Tuấn cưỡi ngựa chạy đến thấy Thượng Quan Hồng một mình đứng nơi đồng không mông quạnh, trong lòng không khỏi bồi hồi: “Bọn mình đã giết được chồng nàng rồi. Từ nay trở đi, ta phải đối với nàng thật tử tế”. Gió tây phơ phất thổi trên quần áo nàng, so với mười năm trước khi hai người con cùng chung luyện võ một trường không khác một mảy.
Binh khí của Thượng Quan Hồng là một đôi chủy thủ, một thanh cán vàng, một thanh cán bạc, trên giang hồ có một ngoại hiệu là Kim Ngân Tiểu Kiếm Tam Nương Tử. Lúc này trong tay nàng không cầm binh khí, trên mặt lại dường như đang mỉm cười.
Trong lòng Sử Trọng Tuấn lóe lên một tia hi vọng, ngực nóng ran, khuôn mặt xanh xao đỏ lên. Y cắm cây Mai Hoa Thương vào yên ngựa, nhảy xuống, kêu lên:
- Sư muội.
Thượng Quan Hồng hỏi:
- Lý Tam chết rồi ư?
Sử Trọng Tuấn gật đầu, nói:
- Sư muội, hai đưa mình xa nhau đã mười năm, ta... ta lúc nào cũng nhớ đến em.
Thượng Quan Hồng mỉm cười hỏi lại:
- Thực thế ư? Anh lại nói dối em rồi.
Trái tim Sử Trọng Tuấn đập thình thình, nụ cười kia, dáng điệu hờn dỗi kia, nào có khác gì cô gái nhỏ mười năm trước? Y dịu dàng nói:
- Sư muội, từ nay em đi theo anh, vĩnh viễn không để em phải phiền lòng.
Đôi mắt Thượng Quan Hồng bỗng lóe lên một tia sáng lạ lùng, kêu lên:
- Sư ca, anh đối với em thật tử tế.
Nàng giơ hai tay, sà vào lòng y. Sử Trọng Tuấn mừng quá, giang tay ôm chặt lấy nàng. Hoắc Nguyên Long và Trần Đạt Hải nhìn nhau mỉm cười, nghĩ thầm: “Lão nhị mười năm tương tư, hôm nay đã được thỏa nguyện”.
Sử Trọng Tuấn ngửi thấy mùi thơm nhè nhẹ, thần thái mơ mơ hồ hồ, lại thấy cánh tay Thượng Quan Hồng ôm xiết lấy mình, không dám tin đây là sự thật. Đột nhiên bụng dưới y thấy đau nhói, dường như có vật gì nhọn đâm vào. Y rú lên một tiếng, vận kình vào hai cánh tay đẩy Thượng Quan Hồng ra, nào ngờ nàng vẫn ghì chặt lấy y không chịu buông, sau cùng cả hai người đều ngã lăn xuống đất.
Biến cố đó xảy ra thật nhanh, Hoắc Nguyên Long và Trần Đạt Hải kinh hãi, vội vàng nhảy xuống ngựa, tiến lên cứu giúp. Khi lật Thượng Quan Hồng ra, ngực nàng đầm đìa những máu, đã cắm một thanh chủy thủ cán vàng, còn thanh chủy thủ cán bạc thì cắm vào bụng dưới Sử Trọng Tuấn. Thì ra Kim Ngân Tiểu Kiếm Tam Nương Tử quyết tâm chết theo chồng, đã ngầm để hai thanh kiếm dưới áo, một thanh hướng ra ngoài, một thanh hướng vào mình. Khi Sử Trọng Tuấn ôm lấy nàng, cả hai cùng trúng kiếm.
Thượng Quan Hồng chết ngay còn Sử Trọng Tuấn thoi thóp, nghĩ đến mình chết trong tay sư muội, y trong lòng đau thương thống khổ, so với vết thương trên người còn đau đớn hơn, kêu lên:
- Tam đệ mau giúp ta chết đi, cho ta khỏi phải chịu dày vò thêm nữa.
Trần Đạt Hải thấy vết thương của y không cách gì cứu chữa, đưa mắt nhìn đại ca. Hoắc Nguyên Long gật đầu, Trần Đạt Hải liền nghiến răng giơ kiếm nhắm đúng tim Sử Trọng Tuấn đâm vào. Hoắc Nguyên Long thở dài:
- Đâu có ngờ Kim Ngân Tiểu Kiếm Tam Nương Tử lại cứng cỏi đến thế.
Khi đó một tên thủ hạ tiêu đầu phi ngựa đến báo: “Đã tra xét toàn thân Bạch Mã Lý Tam nhưng không thấy bức địa đồ”. Hoắc Nguyên Long chỉ vào Thượng Quan Hồng nói:
- Nếu thế thì chắc ở trên người nàng ta.
Lại một phen tra xét kỹ càng, trong người Thượng Quan Hồng chỉ có vài lạng bạc vụn, vài bộ quần áo thay đổi, không còn gì khác. Hoắc Nguyên Long và Trần Đạt Hải hai người ngơ ngẩn nhìn nhau, vừa thất vọng, vừa kỳ quái. Bọn họ từ Cam Lương đuổi đến Hồi Cương, trước sau bám sát vợ chồng Lý Tam, địa đồ nếu như giữa đường giao cho người khác, quyết không thể nào thoát khỏi mấy chục cặp mắt, huống chi hai vợ chồng y xả mệnh bảo vệ bản đồ, làm sao có thể tùy tiện giao cho người khác. Trần Đạt Hải xem xét kỹ mọi vật trong bao của Thượng Quan Hồng một lần nữa, đến lúc thấy bộ quần áo trẻ con, liền chợt nghĩ ra, nói:
- Đại ca, mau đuổi theo con bé kia.
Hoắc Nguyên Long “A” lên một tiếng, nói:
- Không có gì phải lo, con nhãi đó ở trên sa mạc mênh mông thế này chạy đâu cho thoát?
Y vung tay một cái, kêu lên:
- Để lại hai người an táng Sử nhị gia, còn bao nhiêu theo ta.
Y giật cương phi ngựa chạy trước. Tiếng vó ngựa cộp cộp, tiếng hò hét liên miên, hơn trăm con ngựa cùng đuổi theo.
Đứa con gái nhỏ chạy trước đã lâu, lúc này đã ngoài hai chục dặm. Thế nhưng giữa sa mạc trống không như thế này, mắt nhìn xa cả chục dặm, đứa bé tuy đã chạy xa nhưng càng lâu thì bọn kia càng gần. Quả nhiên đến xế chiều, Trần Đạt Hải đột nhiên lớn tiếng kêu lên:
- Ở trước mặt.
Chỉ thấy tít mù xa một điểm đen đang di động ngay tại đường chân trời. Con ngựa trắng tuy là thần tuấn nhưng từ sáng đến chiều chạy không dừng bước, cũng chịu không nổi. Còn bọn Hoắc Nguyên Long và Trần Đạt Hải liên tiếp đổi ngựa mới nên dần dần đuổi đến nơi.
Con bé con Lý Văn Tú nằm gục trên lưng con ngựa trắng, vì quá mệt mỏi nên đã mơ mơ màng màng ngủ thiếp đi. Cả ngày hôm nay nó không ăn không uống gì, dưới ánh nắng gay gắt của sa mạc đã khô cả môi. Con ngựa dường như có linh tính, biết kẻ đang đuổi theo tính hại tiểu chủ nhân, nên cứ nhắm hướng mặt trời đỏ ửng kia mà chạy tới. Đột nhiên con ngựa chồm hai chân trước lên, hí một tiếng dài, nó đã ngửi thấy mùi vị gì đặc biệt, trong tiếng hí có ẩn một niềm kinh hãi.
Hoắc Nguyên Long và Trần Đạt Hải đều là người võ công tinh thâm, dù chạy đường dài cũng không coi vào đâu nhưng lúc này bỗng cảm thấy hơi khó thở, ngộp không chịu nổi. Hoắc Nguyên Long nói:
- Tam đệ, xem chừng có chuyện gì không ổn.
Trần Đạt Hải đưa mắt nhìn bốn bề, xem xét tình hình, thấy phía tây bắc bên cạnh ánh chiều tà đỏ rực, bốc lên một đám mây vàng mù mù, trong đám mây có ẩn ánh sáng màu tím đỏ lấp lánh, cảnh sắc thật là đẹp đẽ kỳ lạ, trong đời chưa từng thấy bao giờ. Đám mây vàng đó bành trướng thật nhanh, chưa đến một bữa ăn đã phủ kín một nửa bầu trời. Lúc này mấy chục người trong mã đội đều đổ mồ hôi hột, ho khạc luôn mồm. Trần Đạt Hải nói:
- Đại ca, hình như là có bão cát.
Hoắc Nguyên Long đáp:
- Đúng thế, chạy nhanh lên, bắt lấy con nhỏ kia trước, rồi sẽ tìm cách tránh...
Y nói chưa dứt câu, đột nhiên một cơn gió giật ùa tới, mang theo một khối cát lớn, khiến đầu cổ mặt mũi y đầy cát vàng, không sao nói tiếp được. Bão cát trên sa mạc muốn đến là đến, ngay sau đó gió đổ ào tới. Bảy tám người thân hình lảo đảo bị gió thổi ngã xuống ngựa. Hoắc Nguyên Long kêu lên:
- Tất cả xuống ngựa, tụ lại một chỗ.
Mọi người cố sức chống lại cơn bão cát, kéo hơn một trăm con ngựa lại thành một vòng tròn lớn, người cũng như vật đều nằm phục xuống. Mọi người ai nấy tay nắm tay, nằm mọp xuống cạnh bụng ngựa, chỉ thấy gió giật từng hồi thổi cát bay qua mặt chẳng khác gì dao cắt, mặt mũi chân tay đều bị cào xước thành từng vệt rướm máu.
Tuy nhóm đó người có đông thật nhưng ở nơi sa mạc mênh mông không bờ bến này, bị cơn bão cát bao trời phủ đất như thế, nào có khác gì một chiếc thuyền con trong bể cả, chỉ đành phó mặc cho số mệnh đẩy đưa, không còn gì quyết định được. Gió mỗi lúc một mạnh, lớp cát phủ trên thân người, vật mỗi lúc một dày...
Tuy Hoắc Nguyên Long và Trần Đạt Hải là những kẻ không biết sợ là gì, lúc này trước uy lực của trời đất cũng đành bó tay. Trong lòng hai người đều nổi lên cùng một ý nghĩ: “Cũng chỉ vì muốn tìm được Cao Xương mê cung mà mình từ Sơn Tây bôn ba đến tận chốn sa mạc hoang vu này, chịu chết nơi đây”.
Gió vẫn ù ù rít lên chẳng khác hàng nghìn hàng vạn con quỉ dữ cùng ra uy một lượt.
Cơn bão cát tiếp tục thổi qua đêm, đến sáng hôm sau thì giảm dần. Hoắc Nguyên Long và Trần Đạt Hải lóp ngóp từ trong đống cát chui ra, kiểm điểm nhân mã, nhưng tổn thất cũng không nhiều, chỉ chết mất hai tên chạy cờ và năm con ngựa. Thế nhưng ai nấy đều mỏi mệt, gân cốt mềm nhũn. Điều đáng nói là con ngựa trắng và đứa bé kia không biết đã đi đâu mất, mười phần thì chín chắc chết trong cơn bão vừa rồi. Những người đàn ông cường tráng biết võ cũng còn chịu không nổi, huống chi một đứa bé yếu đuối mảnh mai.
Mọi người ở trên sa mạc nhóm lửa nấu cơm, nghỉ ngơi nửa ngày. Hoắc Nguyên Long truyền lệnh xuống:
- Ai phát hiện được tung tích đứa bé và con ngựa trắng sẽ được thưởng năm chục lượng hoàng kim.
Những người theo y đến đất Hồi Cương đều là dân giang hồ tứ chiếng đất Tấn Thiểm Cam Lương, đi hàng nghìn dặm chẳng qua cũng vì tiền, năm chục lượng vàng không phải ít. Mọi người reo hò vang dậy, hơn năm chục người liền túa ra khắp mọi hướng, chẳng khác gì một chiếc quạt lớn xòe ra. “Bạch mã, con bé con, năm chục lạng vàng” trong đầu người nào cũng chỉ còn lởn vởn ba món ấy. Có người chạy qua hướng tây, có người chạy qua hướng nam, hẹn với nhau khi trời sẩm tối sẽ gặp nhau sáu mươi dặm hướng chính tây.
*
* *
Lưỡng Đầu Xà Đinh Đồng nhảy lên một con ngựa khỏe, giục ngựa chạy về hướng tây bắc. Y là tiêu sư của Tấn Uy tiêu cuộc đã mười bảy năm, võ công tuy không giỏi lắm nhưng tinh minh tháo vát, là một thủ hạ đắc lực của Lã Lương tam kiệt. Y chạy một mạch hơn hai chục dặm, chẳng thấy bóng một đồng bọn nào, trong sa mạc mênh mông đột nhiên trong lòng nổi lên một mối cô tịch kinh sợ. Y thúc ngựa chạy lên một đồi cát nhìn ra phía trước thấy nơi tây bắc có một mảng màu xanh, có bảy tám cây liễu cao vọt lên. Trên sa mạc không cây cỏ gì mọc được như thế này, bỗng nhìn thấy một ốc đảo xanh tươi, y vui mừng không biết chừng nào: “Trong ốc đảo này ắt có suối nước nếu không có người ở thì tất cả bọn mình cũng có nơi nghỉ ngơi”. Con ngựa dường như cũng đã nhìn thấy có cỏ có nước, tinh thần cao hứng không đợi Đinh Đồng thúc giục, phi nước đại phóng thẳng đến đó.
Đoạn đường mươi dặm chỉ một lát tới ngay, từ xa nhìn lại chỉ thấy một vùng thảo nguyên không bờ bến, trên đồng đầy bò cừu. Phía cực tây là những lều vải, từng hàng từng hàng đến sáu bảy trăm căn. Đinh Đồng nhìn thấy thế, không khỏi kinh hãi. Từ khi y vào đến đất Hồi Cương đến giờ, nếu có thấy lều vải thì một nơi cùng lắm chỉ ba bốn chục chiếc là cùng, còn một bộ tộc lớn như thế này đây là lần đầu y trông thấy. Xem hình dáng các lều vải, đây hẳn là bộ tộc Cáp Tát Khắc[2].
Người Cáp Tát Khắc là dân tộc hiếu võ nhất, không kể nam nữ, sáu bảy tuổi trở lên đã sống trên lưng ngựa. Đàn ông con trai luôn luôn mang dao, tài cưỡi ngựa, bắn tên, và đánh đao nổi tiếng vùng biên thùy phía tây. Người ta đã nói rằng: “Một người Cáp Tát Khắc có thể đánh với một trăm người thường, còn một trăm người Cáp Tát Khắc thì có thể hoành hành đất Hồi Cương”. Đinh Đồng đã từng nghe câu đó, nghĩ thầm: “Ở trong bộ tộc Cáp Tát Khắc thì phải hết sức cẩn thận”.
Lại thấy nơi đông bắc, dưới chân một quả núi nhỏ, chơ vơ một túp lều tranh. Cái lều đó mái tranh vách đất, trông chẳng khác gì nhà của người Hán trong nội địa, có điều rất sơ sài. Đinh Đồng nghĩ thầm: “Mình đến căn nhà đó xem thử đã”. Y bèn giục ngựa chạy đến túp lều tranh. Con ngựa y cỡi đã qua một ngày một đêm chưa ăn gì, nay thấy cỏ non khắp nơi, bước một bước lại ngoạm một miếng, đi thật chậm chạp.
Đinh Đồng giơ chân đá mạnh vào bụng con vật, con vật bị đau, vội chạy một mạch đến căn nhà nhỏ. Đinh Đồng vừa ghé mắt thấy ngay sau nhà buộc một con ngựa trắng cao lớn, chân khỏe bờm dài, chính là con ngựa Lý Tam cưỡi. Y nhịn không nổi kêu lên:
- Bạch mã, bạch mã ở đây rồi!
Y trong bụng tính toán, vội xuống ngựa rút trong giày ra một thanh đoản đao sắc bén, dấn vào trong tay áo, rón rén đi tới phía sau nhà, đang toan thò đầu vào cửa sổ thăm dò, nào ngờ con ngựa trắng lại hí lên một tràng dài, dường như đã phát giác được y.
Đinh Đồng trong bụng chửi thầm: “Đồ súc sinh!”. Y trấn tĩnh lại, lại thò đầu vào cửa sổ lần nữa, nào ngờ bên trong cũng lại có người thò đầu ra. Mũi của Đinh Đồng suýt nữa đụng phải mũi của người kia, chỉ thấy người nọ mặt đầy vết nhăn, đôi mắt trừng trừng. Đinh Đồng giật mình kinh hãi, hai chân điểm một cái, lật đật lùi lại, quát lên:
- Ai đó?
Người kia lạnh lùng hỏi lại:
- Ngươi là ai? Đến đây làm gì?
Người đó nói tiếng Hán. Đinh Đồng hơi định thần, ngoạc mồm cười nói:
- Tại hạ họ Đinh, tên Đồng, vô tình đến nơi đây làm kinh động đến lão trượng. Xin hỏi lão trượng cao tính đại danh là gì?
Ông già kia đáp:
- Lão họ Kế.
Đinh Đồng cười cầu tài:
- Hóa ra là Kế lão trượng. Nơi sa mạc gặp được người đồng hương thật chẳng khác gì gặp được người nhà. Tại hạ mạo muội vào xin một chén trà uống.
Kế lão nhân nói:
- Ngươi đi bao nhiêu người thế?
Đinh Đồng đáp:
- Chỉ có một mình tại hạ đến đây thôi.
Ông già hừ một tiếng, dường như không tin, lạnh lùng nhìn vào mặt y như dò xét. Đinh Đồng bị ông ta soi mói, tâm thần bất định chỉ cố gượng cười. Một người lạnh lùng khinh khỉnh, một người sượng sùng toét miệng, hai bên nhìn nhau giây lát. Kế lão nhân nói:
- Muốn xin trà sao không vào cửa chính lại thò đầu vào cửa sổ là sao?
Đinh Đồng cười đáp:
- Phải lắm, phải lắm.
Y quay vòng qua cửa chính đi vào nhà. Căn lều đồ đạc đơn sơ nhưng bàn ghế sạch sẽ, quát dọn tươm tất. Đinh Đồng ngồi xuống đưa mắt nhìn quanh, thấy đằng sau đi ra một đứa bé gái, trong tay cầm một chén trà. Hai người mắt chạm nhau, đưa bé giật mình hoảng sợ, nghe choang một tiếng, chén trà tuột tay rơi xuống đất vỡ tan tành.
Đinh Đồng trong lòng như mở cờ trong bụng. Con bé này chính là người Hoắc Nguyên Long treo giải thưởng truy tầm, y nhìn thấy con ngựa trắng, mười phần đến tám tin chắc nó ở trong nhà này, thế nhưng bây giờ gặp mặt lòng vui sướng không dấu nổi lộ ra nét mặt.
Đêm hôm qua khi có trận bão cát, Lý Văn Tú nằm thiếp đi trên lưng ngựa bất tỉnh. Con ngựa ngửi thấy mùi cỏ, mùi nước cố vượt gió cát chạy đến thảo nguyên này. Kế lão nhân thấy đứa bé ăn mặc lối người Hán, vội vàng đem nó vào nhà. Nửa đêm đứa nhỏ tỉnh lại, không thấy cha mẹ đâu, khóc lóc không ngừng. Kế lão nhân thấy nó trắng trẻo xinh xắn, không khỏi nhủ lòng thương xót, hỏi nó tại sao lại lạc vào đại mạc, cha mẹ là ai. Lý Văn Tú nói cha nó tên là Bạch Mã Lý Tam, còn mẹ nó thì không biết, nhưng nghe bọn người ác độc đuổi theo gọi là Tam Nương Tử, còn đi đến Hồi Cương làm gì thì nó không biết. Ông già lẩm bẩm: “Bạch Mã Lý Tam, Bạch Mã Lý Tam. Y là hiệp đạo hoành hành Giang Nam, sao lại đến đất Hồi Cương?”.
Ông ta cho Lý Văn Tú một bát sữa lớn rồi cho nó ngủ. Trong lòng ông lão trăn trở những chuyện mười năm qua, tâm tình dạt dào như sóng biển nên không ngủ được. Lý Văn Tú ngủ một mạch đến tận giờ thìn hôm sau mới dậy, lại xin Kế gia gia đưa nó đi kiếm cha mẹ. Ngay khi đó Lưỡng Đầu Xà Đinh Đồng lấm lấm lét lét mò đến, thò đầu vào cửa sổ thăm dò, mọi việc đều không qua khỏi mắt Kế lão.
Lý Văn Tú đánh rơi chén trà, Kế lão nhân nghe tiếng vội chạy lại. Lý Văn Tú sà vào lòng ông, kêu lên:
- Gia gia, y... y là ác nhân đang đuổi theo cháu đó.
Kế lão vuốt tóc đứa nhỏ, nhỏ nhẹ nói:
- Đừng sợ, đừng sợ. Y không phải ác nhân đâu.
Lý Văn Tú đáp:
- Phải mà! phải mà! Bọn họ mấy chục người đuổi theo đánh cha mẹ cháu đó.
Kế lão nghĩ thầm: “Bạch Mã Lý Tam với ta vô thân vô cố, không hiểu gây thù chuốc oán với bọn này như thế nào, việc gì ta phải dây dưa vào”. Đinh Đồng liếc mắt thăm chừng ông già, chỉ thấy ông ta râu tóc bạc phơ, không còn sợi nào đen, thân thể to cao, nhưng lưng còng run rẩy thật là yếu đuối, nghĩ thầm: “Lão này chẳng một trăm thì cũng phải chín chục, nơi đây lại chẳng có ai, đánh cho lão gục xuống bắt con bé và con ngựa trắng rồi đi ngay để khỏi đêm dài lắm mộng, để lâu sinh chuyện”. Y đột nhiên khum tay đưa lên tai phải làm như lắng nghe, nói:
- Có người đến.
Nói xong rảo bước đi tới bên cửa sổ. Kế lão không nghe tiếng chân người nhưng thấy Đinh Đồng làm như thế lại tưởng thực, cũng đến cửa sổ nhìn ra, chỉ thấy trên cánh đồng bò cừu đang cắm cúi ăn cỏ, bốn bề tĩnh mịch, không thấy bóng dáng ai bèn hỏi:
- Có thấy ai đâu?
Chỉ nghe Đinh Đồng phá lên cười, trên đầu thấy có gió ập xuống một bàn tay từ cao đã đập lên đầu ông già. Nào ngờ Kế lão tuy già yếu lụm cụm, nhưng thân thủ lại hết sức nhanh nhẹn, chưởng của Đinh Đồng còn cách đầu ông vài tấc, ông lão liền nghiêng qua một bên, tiếp theo bàn tay móc một cái, thi triển đại cầm nã thủ, chộp ngay được cổ tay phải y. Đinh Đồng biến chiêu cũng thật mau lẹ, tay phải giựt về không được liên tống tay trái, con dao dấu trong tay áo liền đâm ra, chỉ thấy lấp loáng, nghe soẹt một tiếng, lưỡi dao đã trúng ngay lưng bên trái của Kế lão.
Lý Văn Tú kinh hoảng kêu lên:
- Ối chao.
Nó có được cha mẹ dạy cho hai năm võ công, nay thấy Kế lão trúng dao liền nhảy tới, hai bàn tay đấm thùm thụp vào lưng Đinh Đồng. Ngay lúc đó, Kế lão đã co tay trái, thúc cùi chỏ vào ngay ngực Đinh Đồng, lực đạo thật là mãnh liệt, Đinh Đồng chỉ hự lên được một tiếng, thân thể nhũn xuống, nằm gục trên mặt đất, máu miệng trào ra, chết ngay.
Lý Văn Tú lắp bắp:
- Gia gia, ông... lưng ông trúng dao...
Kế lão thấy đứa bé nước mắt doanh tròng, nghĩ thầm: “Con bé này tâm địa thật là tốt”. Lý Văn Tú lại nói:
- Gia gia, vết thương của ông... để cháu rút dao ra cho ông nhé?
Nói xong nó giơ tay cầm chuôi dao. Mặt Kế lão bỗng sầm xuống, giận dữ nói:
- Ngươi đừng lo cho ta.
Ông lão vịn vào bàn, thân hình lảo đảo, lẩy bẩy đi vào trong phòng, nghe cạch một tiếng đã đóng cửa lại. Lý Văn Tú thấy ông ta đột nhiên nổi nóng sợ lắm, lại thấy Đinh Đồng nằm chèo queo dưới đất, sợ y chồm dậy giết mình, càng nghĩ càng lo, chỉ muốn co giò bỏ chạy ra ngoài nhưng nghĩ đến Kế lão đang bị thương chẳng ai chăm sóc không nỡ bỏ đi.
Nó suy nghĩ rồi đi đến bên cửa phòng, nhè nhẹ gõ mấy tiếng, không thấy bên trong động tĩnh gì nên kêu lên:
- Gia gia, gia gia, ông có đau không?
Chỉ nghe Kế lão gắt lên:
- Cút đi, cút đi. Đừng đến quấy rầy ta.
Giọng đó khác hẳn bình thường ôn tồn hiền dịu khiến Lý Văn Tú sợ quá không dám nói thêm, ngơ ngẩn ngồi bệt xuống đất, ôm đầu tấm tức khóc. Bỗng nghe kẹt một tiếng, cửa phòng mở ra, một bàn tay nhẹ nhàng xoa đầu nó, có tiếng ông già nhỏ nhẹ:
- Đừng khóc, đừng khóc, vết thương của gia gia không sao cả.
Lý Văn Tú ngửng đầu lên thấy Kế lão đang mủm mỉm, trong bụng vui mừng liền phá ra cười. Ông lão cũng cười theo:
- Vừa khóc lại cười, không biết xấu ư?
Lý Văn Tú rúc đầu vào lòng ông, nó cảm thấy một tấm thân tình ấm áp của ông già cho nó. Kế lão nhíu mày, nhìn xác Đinh Đồng nghĩ thầm: “Y với ta không thù không oán sao bỗng dưng hạ độc thủ nhỉ?”. Lý Văn Tú vẫn lo cho ông nên hỏi:
- Gia gia, lưng ông vết thương có sao không?
Lúc này ông già đã thay một bộ trường bào thành thử nó không biết thương thế ra sao. Nào ngờ vừa nghe con bé nhắc lại chuyện cũ, dường như nhắc lại một chuyện cực kỳ xấu hổ nhục nhã, mặt ông lão liền hiện vẻ bực bội, gắt:
- Sao ngươi cứ léo nhéo gì thế?
Bỗng nghe con ngựa trắng từ bên ngoài hí lên một tiếng dài, ông già suy nghĩ một chập rồi đi vào phòng chứa củi lấy ra một thùng chất nhuộm màu vàng. Đây là loại vật liệu người ta dùng để đánh dấu lên trên đàn cừu bò để cho khỏi lẫn với cừu bò của người khác, dù có mưa gió cũng không phai. Ông lão xách thùng tới bên con ngựa bôi nó từ đầu tới chân, sau đó sang bên lều người Cáp Tát Khắc xin một bộ quần áo con trai cũ, bảo Lý Văn Tú thay ra. Lý Văn Tú rất thông minh nói:
- Gia gia, ông làm thế để cho bọn ác nhân không nhận ra cháu phải chăng?
Kế lão gật đầu, thở dài nói:
- Gia gia già mất rồi. Ôi, lúc nãy để y đâm trúng một dao.
Lần này chính ông ta nhắc đến nhưng Lý Văn Tú không dám tiếp lời. Kế lão đem thi thể Đinh Đồng chôn đi, lại đem con ngựa y cưỡi đến giết thịt, không để lại chút dấu vết gì, sau đó mới ra cửa lấy một thanh đao dài ngồi mài.
Những việc ông ta làm quả nhiên không phí, ngay buổi chiều hôm đó, Hoắc Nguyên Long và Trần Đạt Hải đã dẫn bọn lâu la tiến vào vùng đồng cỏ cướp bóc một trận. Vùng này xưa nay vốn không có cướp bóc, người Cáp Tát Khắc tuy hiếu võ thiện chiến nhưng không phòng bị trước, đàn ông con trai đi lên vùng tây bắc săn thú chăn nuôi, chỉ còn toàn đàn bà trẻ con ở lại nên khi bọn lục lâm Trung Nguyên đến tấn công trở tay không kịp. Bảy người đàn ông bị chúng giết chết, năm người đàn bà bị chúng bắt đi. Bọn giặc đó cũng xông vào nhà của Kế lão nhưng không ai nghi ngờ gì một ông già với một đứa trẻ Cáp Tát Khắc. Lý Văn Tú mặt mày lem luốc, nép trong một góc nhà, không ai để ý mắt nó bừng lên đầy thù hận. Nó đã nhìn thấy rõ ràng, thanh bội kiếm của cha nó lủng lẳng nơi hông Hoắc Nguyên Long còn đôi kim ngân tiểu kiếm của mẹ nó thì cài nơi thắt lưng Trần Đạt Hải. Đây là binh khí bất ly thân của cha mẹ nó, con bé tuy còn nhỏ nhưng cũng đoán ra rằng cha mẹ nó đã gặp chuyện chẳng lành.
Đến ngày thứ tư, đàn ông con trai Cáp Tát Khắc từ phương bắc quay về, lập tức tổ chức thành đoàn ngũ đi kiếm bọn cường đạo người Hán báo thù. Thế nhưng sa mạc mênh mông không thấy tung tích họ đâu cả, chỉ thấy năm người đàn bà bị chúng bắt đi. Cả năm người đều đã chết, quần áo bị lột sạch, chết thật thê thảm. Họ cũng tìm thấy xác của Bạch Mã Lý Tam và Kim Ngân Tiểu Kiếm Tam Nương Tử cùng kéo cả về.
Lý Văn Tú thấy xác cha mẹ liền nhào tới ôm khóc nức nở. Một tên Cáp Tát Khắc chân mang giày da, giơ lên đá vào con bé một cái, cất tiếng chửi:
- Xin Chúa phạt bọn người Hán ăn cướp chúng mày.
Kế lão ôm Lý Văn Tú về nhà, không thèm tranh cãi với gã Cáp Tát Khắc. Trong lòng con bé chỉ nghĩ đến: “Sao trên đời này lắm kẻ ác đến thế? Ai ai cũng đều hiếp đáp ta thế này?”
Đến nửa đêm, Lý Văn Tú lại nằm mơ khóc thút thít, vừa mở mắt ra, thấy ngay bên giường một người ngồi đó. Đứa trẻ kinh hãi kêu thất thanh, ngồi nhỏm dậy, chỉ thấy Kế lão đang nhìn nó chăm chăm, mắt đầy vẻ thương xót, giơ tay xoa đầu con bé nói:
- Không sợ, không sợ, gia gia đây.
Nước mắt Lý Văn Tú như những hạt trân châu chảy dài hai bên má, nằm gục vào trong lòng ông già, khóc ướt đẫm cả vạt áo Kế lão. Kế lão nói:
- Con ơi, con không còn cha mẹ, vậy cứ coi ta như ông nội, sống ở đây với ta. Gia gia sẽ đối đãi với con tử tế.
Lý Văn Tú vừa khóc vừa gật đầu, nghĩ đến bọn ác nhân giết hại cha mẹ mình, lại nhớ đến gã Cáp Tát Khắc hung hăng đá nó lúc nãy. Cú đá đó thật mạnh khiến hông nó bị sưng một mảng lớn, nó không nhịn nổi hỏi ông già:
- Ông ơi, sao ai cũng hiếp đáp cháu vậy? Cháu có làm gì xấu xa đâu?
Kế lão thở dài nói:
- Những người bị hà hiếp trên đời này đều là những người không làm gì xấu cả.
Ông đổ trong bình ra một bát sữa, bưng cho đứa bé uống, lấy chăn đắp lên người cho nó nói:
- Tú nhi, kẻ đá con ban chiều tên là Tô Lỗ Khắc. Y là một người chính trực tốt bụng đấy.
Lý Văn Tú trợn tròn đôi mắt, thật lạ lùng hỏi:
- Y... y là người tốt sao?
Kế lão gật đầu:
- Đúng vậy, y tốt bụng lắm. Y cũng chẳng khác gì con đâu, trong một ngày chết mất hai người thân yêu nhất, một người là vợ y, một người là con lớn của y, cả hai đều bị bọn cường đạo kia giết chết. Thành ra y thấy người Hán đều xấu xa, y chửi con bằng tiếng Cáp Tát Khắc là “Xin Chúa phạt bọn người Hán ăn cướp chúng mày”. Con đừng giận y, y trong lòng đau khổ, cũng chẳng khác gì con đâu. Ồ không, y lớn rồi, ắt thấy đau buồn nhiều hơn con gấp bội, thấm thía hơn con gấp bội.
Lý Văn Tú ngơ ngẩn nghe, nó vốn không thù ghét gì gã Cáp Tát Khắc mặt đầy râu ria kia, chỉ có điều thấy bộ dạng y hung ác quá nên sợ hãi, bây giờ nghĩ lại, gã râu ria ấy mắt ướt nhòe, có điều không rơi xuống thôi. Nó không hiểu Kế lão nói gì, tại sao người lớn lại đau khổ hơn trẻ con, nhưng đối với gã râu xồm kia không khỏi nổi lên một mối đồng tình.
Từ ngoài cửa vọng vào một tiếng chim kêu thật lảnh lót, thanh âm vang ra xa nhưng nghe vẫn rõ ràng, thật là ngọt ngào, lại cũng thật thê lương, chẳng khác nào tiếng hát trong trẻo thánh thót của một thiếu nữ.
Lý Văn Tú lắng tai nghe, tiếng hót xa dần, sau cùng không còn nghe thấy nữa. Cơn đau buồn của cô gái dường như có chiều an ủi, lặng người hồi lâu rồi nói nhỏ:
- Gia gia, con chim đó hót nghe thật là hay.
Kế lão nói:
- - Đúng thế, nó hót hay thật. Đây là con chim thiên linh, tiếng hót của nó chẳng khác nào tiếng nhạc trời. Chim này chỉ đến tối mới hót thôi, ban ngày nó ngủ. Có người bảo đây là vì sao trên trời giáng trần. Người Cáp Tát Khắc thì bảo rằng con chim này là một cô gái rất xinh đẹp, hát rất hay chết hóa thành. Tình lang của nàng không yêu nàng nên cô ta đau lòng mà chết.
Lý Văn Tú ngơ ngẩn hỏi lại:
- Sao cô ấy rất xinh đẹp, hát rất hay mà người ấy lại không yêu là sao?
Kế lão lặng người, thở dài một tiếng đáp:
- Trên đời này có biết bao nhiêu chuyện, cháu còn bé không hiểu được đâu.
Ngay lúc đó từ thảo nguyên lại vọng về tiếng hót của con chim thiên linh, nghe vừa ngọt ngào, vừa chua xót.
*
* *
Cứ như thế, Lý Văn Tú ở nhà ông già họ Kế, giúp ông chăn cừu nấu cơm, hai người chẳng khác gì ông cháu ruột. Ban đêm, mỗi khi Lý Văn Tú nằm mơ tỉnh dậy, nghe tiếng hót của chim thiên linh, rồi từ tiếng chim kêu lại thiếp đi. Trong giấc mộng, con bé mơ thấy phong cảnh Giang Nam, có liễu xanh, có đào hồng, cha nó ôm nó trên lòng và nụ cười của mẹ nó...
Qua mùa thu, rồi lại hết mùa đông, ngày tháng trôi dần. Lý Văn Tú học tiếng Cáp Tát Khắc, và biết bao nhiêu chuyện của vùng thảo nguyên. Ông già biết cất những loại rượu vừa nồng, vừa thơm mà đàn ông Cáp Tát Khắc thì thích uống rượu mạnh. Ông già cũng biết chữa bệnh tật cho bò cừu ngựa, nhiều con người Cáp Tát Khắc không chữa được đem đến ông đều chữa khỏi. Bò cừu ngựa chẳng khác nào tính mệnh của người Cáp Tát Khắc, tuy họ không thích người Hán nhưng không có ông không được, nên đành đem bò cừu đến đổi lấy rượu vừa thơm vừa nồng của ông, hay nhờ ông chữa bệnh cho súc vật.
Những căn lều của người Cáp Tát Khắc di chuyển khắp bốn hướng đông tây nam bắc trên thảo nguyên. Kế lão có khi di chuyển theo họ, có khi thì ở lại túp lều tranh, đợi họ quay lại. Một buổi tối, Lý Văn Tú lại nghe thấy tiếng chim thiên linh hót, thấy tiếng hót mỗi lúc một xa, lúc có lúc không, mỗi lần gió đưa tới thì nghe được, rồi lại không thấy gì. Lý Văn Tú ngồi dậy khoác áo, ra đằng sau dắt con ngựa trắng, sợ làm ông lão tỉnh dậy, dẫn con ngựa đi ra xa lúc ấy mới lên yên, lần theo tiếng chim hót đi tới.
Trên thảo nguyên ban đêm, bầu trời thật cao thật xanh, các vì sao lấp lánh, mùi cỏ và mùi hoa thơm ngát. Tiếng chim hót thật rộn ràng, thật uyển chuyển, lại thật tình tứ. Lý Văn Tú nghe tiếng chim mừng rỡ, xuống ngựa để cho con vật tự do ăn cỏ. Cô bé nằm ngửa mặt lên trời, đắm mình theo tiếng chim hót.
Con chim thiên linh hót một hồi lại bay xa vài trượng. Lý Văn Tú ở dưới đi lần theo, nghe thấy cả tiếng chim vỗ cánh, nhìn thấy cả thân hình nho nhỏ màu vàng nhạt của nó, thấy nó mổ dưới đất kiếm ăn. Con chim mổ mấy nhát lại bay tới một đoạn, lại cắm cúi mổ thức ăn.
Con chim kiếm mồi thật mải mê, đột nhiên nghe sạch một tiếng, dưới cỏ nhảy lên một vật gì đen xì, chụp luôn con chim thiên linh lại. Lý Văn Tú thất thanh kêu lên, lẫn trong tiếng kêu của nó có tiếng một đứa trẻ khác hò reo, từ trong đám cỏ cao nhảy ra một đứa bé trai Cáp Tát Khắc, đắc ý kêu lên:
- Bắt được rồi, bắt được rồi.
Y lấy áo ngoài bao con chim thiên linh lại, con chim kinh hoảng kêu chiêm chiếp, nghe tiếng vang ra thật thảm thiết. Lý Văn Tú vừa kinh hãi vừa tức tối, kêu lên:
- Ngươi làm gì thế?
Đứa con trai đáp:
- Ta bắt chim thiên linh, ngươi cũng bắt nó à?
Lý Văn Tú hỏi lại:
- Bắt nó làm gì? Sao không để cho nó vui vẻ hót cho mình nghe?
Đứa con trai đáp:
- Bắt về chơi.
Nó đưa tay vào trong chiếc áo khoác, khi lôi ra trong tay đã có một con chim màu vàng nhạt nằm gọn trong đó. Con chim cố sức vùng vẫy nhưng làm sao thoát ra khỏi tay thằng bé được?
Lý Văn Tú nói:
- Tha nó ra đi, ngươi không thấy nó tội nghiệp lắm sao?
Thằng bé đáp:
- Tao rắc gạo thành một đường dài dụ cho con chim theo vào. Ai bảo nó tham ăn gạo của tao? Ha ha.
Lý Văn Tú ngơ ngẩn, ở trên đời đây là lần đầu nó hiểu thế nào là “cạm bẫy”. Người ta biết chim thích ăn thóc gạo nên rắc ra để dụ nó đi vào tử lộ. Tuy nó còn nhỏ có biết đâu bao nhiêu nghìn năm qua, con người đã biết rằng “Chim tham ăn sa vào vòng lưới, Cá tham mồi mắc phải lưỡi câu”. Nó chỉ mang máng biết rằng cơ mưu con người thật gớm ghê, hiểu rằng “dẫn dụ” là một cách mà người ta khó mà thoát ra được. Dĩ nhiên nó chỉ hiểu rất mù mờ, không hiểu được bên trong còn những ý nghĩa gì.
Thằng bé nghịch con chim thiên linh khiến con vật bé bỏng kêu lên những tiếng thật thống khổ. Lý Văn Tú nói:
- Ngươi cho ta con chim đi, có được không?
Thằng bé hỏi lại:
- Thế ngươi trả cho ta cái gì?
Lý Văn Tú thò tay vào túi sờ thử, nó chẳng có gì hết, không khỏi bối rối, nghĩ ra một chuyện bèn nói:
- Để ngày mai ta may cho ngươi một cái túi thật đẹp ngươi đeo, được không?
Thằng nhỏ kia cười:
- Ta đâu có ngu thế, ngày mai ngươi trây ra không đưa thì sao?
Lý Văn Tú mặt đỏ lên nói:
- Ta đã nói là cho ngươi thể nào cũng đưa, sao lại trây ra bao giờ.
Đứa con trai lắc đầu:
- Ta không tin.
Dưới ánh trăng, nó thấy cổ tay Lý Văn Tú đeo một cái vòng ngọc sáng lấp lánh, buột miệng hỏi:
- Trừ khi ngươi cho ta cái vòng kia.
Cái vòng đó là mẹ nó cho nó, ngoài cái vòng ra không còn một kỷ niệm nào khác của mẹ cả. Nó không muốn cho nhưng thấy con chim thật đáng thương, nên đành tháo chiếc vòng đưa cho thằng bé nói:
- Cho mày đó.
Thằng nhỏ không ngờ con bé bằng lòng, cầm chiếc vòng, hỏi lại:
- Ngươi không đòi lại đấy chứ?
Lý Văn Tú đáp:
- Không.
Đứa con trai nói:
- Được.
Nói xong đưa con chim thiên linh cho Lý Văn Tú. Lý Văn Tú hai tay ôm con chim, lòng bàn tay thấy con vật thật mềm mại, cả tiếng trái tim con chim giật giật. Nó lấy ba ngón tay phải vuốt ve nhè nhẹ lên bộ lông, rồi mở tay ra nói:
- Chim ơi, chim bay đi chim. Lần sao thì cẩn thận đừng để cho người ta bắt nữa nhé.
Con thiên linh xòe đôi cánh, bay vụt vào trong đám cỏ. Thằng bé thật lạ lùng, hỏi:
- Sao ngươi lại thả con chim ra? Ngươi đã chẳng đổi cái vòng ngọc đấy ư?
Y nắm chặt chiếc vòng, sợ Lý Văn Tú đòi lại. Lý Văn Tú đáp:
- Thả chim thiên linh bay đi cho nó hót nghe chẳng sướng hơn sao?
Thằng bé nghiêng đầu nhìn con bé một hồi hỏi thêm:
- Ngươi là ai?
Lý Văn Tú đáp:
- Ta tên Lý Văn Tú, còn ngươi?
Thằng bé đáp:
- Ta tên Tô Phổ.
Nói xong y nhảy lên há mồm kêu lên một tiếng thật lớn. Tô Phổ lớn hơn con bé hai tuổi, cao hơn nhiều, đứng nơi thảo nguyên trông cũng hiên ngang lắm. Lý Văn Tú nói:
- Ngươi khỏe lắm, có phải không?
Tô Phổ cực kỳ hứng chí, con bé này nói ra chính là điều y hãnh diện hơn cả. Y rút từ trong lưng ra một thanh đoản đao nói:
- Tháng trước ta dùng con dao này đâm chết một con chó sói, còn một con nữa chỉ tí xíu nữa là giết được nó, nhưng tiếc thay để nó chạy mất.
Lý Văn Tú cực kỳ kinh ngạc, hỏi:
- Ngươi giỏi thế ư?
Tô Phổ càng thêm đắc ý nói:
- Cò hai con chó sói nửa đêm vào bắt cừu nhà ta, cha ta đi vắng, ta liền rút dao ra đuổi cho sói. Con sói lớn thấy ánh lửa chạy mất, ta dùng dao chém chết một con.
Lý Văn Tú hỏi lại:
- Ngươi giết chết con nhỏ ư?
Tô Phổ không hiểu ý, gật đầu, lại thêm một câu:
- Con sói lớn mà không chạy kịp, ta cũng sẽ đâm nó chết luôn.
Y tuy nói thế nhưng cũng biết mình không dễ gì làm nổi. Thế nhưng Lý Văn Tú thì tin ngay nói:
- Sói dữ đến cắn cừu, ngươi giết là phải. Kỳ sau ngươi giết được chó sói, đến gọi ta cho ta coi, có được không?
Tô Phổ mừng lắm nói:
- Được chứ! Để khi nào ta giết được chó sói, ta sẽ lột da tặng cho ngươi.
Lý Văn Tú nói:
- Cám ơn ngươi nhiều lắm, ta sẽ làm cho gia gia một chiếc nệm bằng da chó sói. Cái nệm của ông, ông cho ta rồi.
Tô Phổ đáp:
- Không được! Ta cho ngươi thì để ngươi dùng. Ngươi đem trả lại cái nệm ông ngươi cho ngươi.
Lý Văn Tú gật đầu:
- Thế cũng được.
Trong lòng hai đứa trẻ, những việc trong tương lai tuy chưa xảy ra nhưng cũng chẳng khác gì đã có rồi. Hai đứa mới nói tới việc giết chó sói nhưng đã tưởng như đã giết được con ác lang rồi.
Từ đó hai đứa trẻ làm bạn với nhau. Đứa con trai Cáp Tát Khắc tính tình khoáng đạt, cùng với đứa con gái người Hán ôn nhu hiền hậu thật là hòa hài. Mấy hôm sau, Lý Văn Tú may một cái bao nhỏ, để đầy bỏng rang đem cho Tô Phổ. Món quà đó quả thật thằng bé không ngờ đến, y đem con chim đổi được cái vòng đã thấy được lợi biết bao nhiêu. Người Cáp Tát Khắc tính tính chính trực, thấy vậy có điều không công bằng nên sau một đêm không ngủ, y rình ngoài thảo nguyên bắt được hai con chim thiên linh, sáng hôm sau hí hửng đem cho Lý Văn Tú. Hành vi khẳng khái đó thật không phải, Lý Văn Tú phải nói mãi thằng nhỏ mới hiểu được rằng cô bé chỉ muốn chim thiên linh tự do tự tại, chứ không muốn bắt nó để chơi. Sau cùng Tô Phổ hiểu ra nhưng vẫn thấy dường như cái thiện tâm của nàng có điều hơi ngốc nghếch, thật là tức cười.
Ngày lại ngày trôi qua, hình bóng cha mẹ hiện ra trong giấc mơ của Lý Văn Tú, mỗi lúc một thưa dần. Nước mắt cũng không còn đầm đìa trên gối như trước nữa. Trên khuôn mặt đã thêm nét tươi vui, khóe miệng cũng hay véo von ca hát. Mỗi khi cô gái đi chăn cừu cùng Tô Phổ, trên thảo nguyên hai đứa thường nghe thanh niên nam nữ hát những bản tình ca đối đáp với nhau. Lý Văn Tú thấy những bài hát này ý tứ triền miên thật dễ nghe, nghe mãi cũng nhập tâm thuận miệng cũng hát theo. Dĩ nhiên nó chưa hiểu những bài ca đó ra thế nào, tại sao một người con trai lại mê say một người con gái? Làm sao một người con gái lại đắm đuối xiêu lòng vì một người con trai? Làm sao tiếng chân người tình lại khiến cho trái tim đập thình thịch? Làm sao một tấm thân yểu điệu lại khiến người khác không ngủ được? Nàng cứ thấy người khác hát sao thì hát theo như vậy, rồi lại nghe người ta xì xầm: “Con bé đó hát hay quá, có khác gì con chim thiên linh trên vùng thảo nguyên đâu?”.
Đến mùa đông khí trời lạnh lẽo, chim thiên linh bay về phương nam ấm áp nhưng trên đồng cỏ vùng sa mạc, tiếng hát của Lý Văn Tú vẫn tiếp tục vang lên:
Ới a ới này!
Hỡi nàng mục nữ yêu kiều,
Đến nay nàng đã bao nhiêu tuổi rồi?
Nửa đêm lẻ bóng xa xôi,
Sao em không để cho tôi đi cùng?
Hỡi nàng nàng ơi!
Tiếng ca tới đây ngừng lại, ai ai nghe xong cũng phải nhủ thầm: “Nghe tiếng hát véo von thế này, có ai không muốn làm bạn cùng nàng đâu?”. Một lát sau tiếng nàng lại vang lên:
Ới a ới này!
Ai kia chớ có bẽ bàng,
Người hay kẻ dở biết chàng là ai?
Bao giờ rẫy cỏ trồng hoa,
Lều tranh một mái đôi ta chung tình.
Hỡi chàng chàng ơi!
Người nào nghe tiếng hát lòng cũng đều nở hoa, dù cho trái tim giá lạnh, hoang lương đến mấy cũng không khỏi dậy lên một nỗi ấm áp: “Nếu quả như một đôi tình nhân yêu nhau ở chung một mái nhà, biến đồng cỏ thành vườn hoa thì còn ai giận ai cho nổi?”. Người già thấy mình trẻ lại đến hai chục tuổi, còn người trẻ trong lòng bừng lên một niềm vui nhưng người hát những bản tình ca kia là Lý Văn Tú thì lại chẳng hiểu gì.
Người nghe nàng hát nhiều hơn cả dĩ nhiên là Tô Phổ. Y cũng không hiểu hết ý tứ trong những bản tình ca đồng nội cho đến một hôm trên đồng tuyết hai đứa gặp một con sói dữ.
Con chó sói đến thật bất ngờ. Lý Văn Tú và Tô Phổ hai đứa đang ngồi cạnh nhau trên một cái đồi nhỏ, chăm chăm canh bầy cừu đang rải rác trên thảo nguyên. Nếu như lúc bình thường, Lý Văn Tú đã kể truyện cổ tích cho y nghe. Những truyện đó có truyện thì mẹ nàng kể cho nghe, có truyện thì Kế lão kể cho nghe, cũng có truyện thì nàng tự đặt ra.. Tô Phổ thích nghe nhất là những truyện vào sinh ra tử của ông già họ Kế, còn chán nhất là nghe những truyện trẻ con do Lý Văn Tú bịa ra, nhưng những truyện hung hiểm kia đã kể đi kể lại mấy lần rồi, chẳng còn thấy gì ly kỳ nữa, nó chỉ đành lẳng lặng ngồi nghe Lý Văn Tú kể những chuyện đại loại như con thỏ trắng đi tìm mẹ được con chó con giúp đỡ ra sao. Ngay lúc đó, Lý Văn Tú “A” lên một tiếng, nhảy vọt về sau, một con chó sói to lớn màu xám đang xông tới nhe răng ngoạm vào cổ nó.
Con chó sói từ phía sau lẳng lặng tới tấn công, hai đứa trẻ không đứa nào phát giác kịp. Lý Văn Tú đã được mẹ dạy cho chút ít võ công nên tự nhiên né đầu qua, tránh được hàm răng con chó sói cắn vào cổ. Tô Phổ thấy con chó sói đó to lớn, sợ đến chân nhũn ra, nhưng lập tức nghĩ ngay: “Thể nào mình cũng phải cứu nó”. Y rút ngay con dao đeo nơi lưng, xông tới đâm một nhát vào lưng con dã thú.
Con sói xám đó thật là cứng cáp, con dao đâm vào lưng nó chỉ làm nó bị thương bên ngoài da. Thế nhưng con chó sói cũng thấy được nguy cơ, bỏ Lý Văn Tú, há chiếc mồm đỏ như máu, bất thần nhảy lên, hai chân chồm vào vai Tô Phổ, rồi ngoạm vào mặt thằng bé.
Tô Phổ kinh hãi, ngã ngửa về phía sau. Con chó sói nhanh như điện, hai chân liền nhào vào đè nó xuống, hàm răng trắng nhởn táp luôn vào mặt. Lý Văn Tú cực kỳ hoảng sợ nhưng cố thu hết dũng khí, nắm đuôi con vật kéo ra. Con sói xám bị nàng giật ngược phải chùn lại một bước nhưng nó đói đã lâu, hai chân sau liền ghì xuống đất, khiến Lý Văn Tú không sao kéo thêm được nữa, rồi nó lại há mồm ngoạm tới.
Tô Phổ kêu lên một tiếng thất thanh, con sói dữ đã cắn trúng vai nó. Lý Văn Tú sợ hãi đến muốn bật khóc, đem hết sức bình sinh kéo mạnh. Con vật bị đau rú lên, những chiếc răng nhọn đang ngoạm vào vai Tô Phổ lập tức nhả ra. Tô Phổ mơ mơ hồ hồ đâm mạnh một dao, may sao trúng ngay chỗ da thịt mềm nơi bụng con sói, sâu lút tận cán. Y đang định rút dao đâm thêm, con sài lang đã nhảy vọt lên, lăn lộn mấy cái trên mặt tuyết, chổng chân lên trời nằm chết.
Con sói dãy dụa khiến cho Lý Văn Tú cũng lộn tùng phèo vì nó vẫn nắm đuôi con vật không chịu bỏ ra. Tô Phổ gượng đứng lên, thấy con dã thú to lớn kia nằm chết trên mặt tuyết, không khỏi lặng người, một lát sau mới mừng rỡ kêu lên:
- Ta giết được con chó sói rồi, ta giết được con chó sói rồi.
Y cực kỳ đắc ý, tuy đầu vai máu vẫn chảy ròng ròng nhưng ngay lúc đó chưa thấy đau. Lý Văn Tú thấy chiếc áo lông cừu của y một bên ướt đẫm máu, vội vàng cởi ra, lấy trong túi ra chiếc khăn tay, rịt vào vết thương đang máu tuôn xối xả, hỏi:
- Có đau lắm không?
Tô Phổ vẫn còn tính trẻ con, đau muốn mở mồm khóc được nhưng lúc này cảm thấy mình anh hùng quá, bặm môi lắc đầu:
- Ta không sợ đau.
Ngay khi đó từ phía sau có tiếng người hỏi:
- A Phổ, ngươi đang làm gì thế?
Hai đứa trẻ quay đầu lại thấy một người đàn ông mặt đầy râu ria đang ngồi trên mình ngựa. Tô Phổ kêu lên:
- Cha, cha xem này, con giết được một con sói lớn.
Người đàn ông mừng lắm, xoay mình nhảy xuống thấy con mình mặt đầy những máu, lại đưa mắt nhìn sang Lý Văn Tú, hỏi Tô Phổ:
- Ngươi bị chó sói cắn ư?
Tô Phổ đáp:
- Con đang ngồi đây nghe A Tú kể truyện cổ, bỗng con chó sói này tới cắn nó...
Đột nhiên người đàn ông kia mặt bỗng sầm xuống, nhìn Lý Văn Tú khinh khỉnh hỏi:
- Có phải ngươi là đứa con gái người Hán bị Chúa phạt đó không?
Lúc này Lý Văn Tú cũng đã nhận ra y, chính là gã Tô Lỗ Khắc đá nó một cái khi trước. Con bé nhớ tới lời của Kế lão từng nói: “Vợ y, con trai lớn của y trong một đêm bị cường đạo người Hán giết hại, cho nên y thù ghét người Hán đấy thôi”.
Lý Văn Tú gật đầu, đang định nói: “Cha tôi, mẹ tôi cũng bị bọn giặc kia giết đó”. Nàng chưa kịp nói, nghe một tiếng vút, má Tô Phổ bị cha dùng roi vụt một cái, hiện lên một lằn dàu, sưng tấy lên ngay. Tô Lỗ Khắc quát lớn:
- Ta bảo ngươi truyền đời này kiếp khác, lúc nào cũng phải thù ghét người Hán, ngươi quên lời ta đi chơi với con bé người Hán, lại còn xả mệnh đổ máu vì nó nữa.
Vụt một tiếng nữa, y lại quất thêm một roi lên đầu con. Tô Phổ không tránh né chỉ đứng ngơ ngơ ngẩn ngẩn nhìn Lý Văn Tú, hỏi lại:
- Nó là người Hán bị Chúa phạt đấy ư?
Tô Lỗ Khắc rống lên:
- Không lẽ không phải sao?
Y giơ roi quay lại vụt một cái ngay mặt Lý Văn Tú. Lý Văn Tú lùi lại hai bước, giơ tay ôm mặt. Tô Phổ vốn đã bị chó sói cắn bị thương khá nặng, lại bị đánh thêm hai roi không còn chịu nổi nữa, lảo đảo rồi ngã lăn ra.
Tô Lỗ Khắc thấy nó hai mắt nhắm nghiền, nằm ngất đi, kinh hãi quá vội vàng nhảy xuống ngựa, ôm con lên, rồi nhảy vọt lên rơi xuống đúng ngay lưng ngựa, vung cái thòng lọng ra buộc ngay vào cổ con chó sói chết, hai chân thúc một cái, giục ngựa chạy đi. Con chó sói bị kéo theo sau ngựa thành một vệt dài trên mặt tuyết, giữa hai hàng vết chân, còn thêm một giòng máu đỏ chảy dài. Tô Lỗ Khắc chạy được mươi trượng, quay lại hầm hầm nhìn Lý Văn Tú, đôi mắt đầy oán thù dường như muốn nói: “Kỳ sau mà mày còn gặp ta thì ta sẽ cho mày biết tay”.
Lý Văn Tú không sợ đôi mắt kia nhưng sao trong lòng trống trải, biết rằng từ nay về sau Tô Phổ không còn có thể làm bạn với nó, cũng chẳng còn bao giờ nghe nó hát, nghe nó kể truyện nữa. Con bé thấy gió bấc càng thêm lạnh không chịu nổi, vết roi trên mặt giật giật liên hồi, mỗi lúc một thêm đau rát.
Con bé lặng lẽ lùa cừu quay về. Kế lão thấy quần áo đứa nhỏ đầy những máu, trên mặt lại sưng vù vết roi, không khỏi kinh sợ, hỏi chuyện đầu đuôi. Lý Văn Tú chỉ thản nhiên trả lời:
- Tại cháu vô ý bị ngã.
Kế lão dĩ nhiên không tin, gặng hỏi thêm, nhưng Lý Văn Tú chỉ một mực trả lời như thế. Mãi về sau con bé mới khóc òa lên, nhưng một câu cũng không nói.
Buổi tối hôm đó, Lý Văn Tú lên cơn sốt, khuôn mặt trái xoan đỏ bừng, nói mê sảng lung tung, nào là "con sói xám" rồi kêu lên:" Tô Phổ, Tô Phổ, mau cứu ta", lúc thì "người Hán bị Chúa phạt". Kế lão cũng đoán ra được vài phần, trong bụng thật là lo lắng. Cũng may đến sáng thì cơn sốt lui dần, Lý Văn Tú nằm ngủ thiếp đi.
Cơn bệnh đó kéo dài đến hơn một tháng, đến lúc nó dậy được thì mùa đông đã qua, trên dãy Thiên Sơn tuyết đã bắt đầu tan, từng giòng từng giòng nước chảy xuống thành những con suối nhỏ tràn xuống đồng cỏ. Trên cánh đồng đã xuất hiện những mầm cỏ li ti. Sáng hôm đó, Lý Văn Tú dậy sớm, mở cửa bước ra định lùa bầy cừu ra chăn trên đồng cỏ, thấy ngay trước cửa để một bộ da sói thật lớn, đã cắt thành một chiếc mền. Lý Văn Tú giật mình sửng sốt, nhìn lại màu da, chính là da con sói xám cắn nó hôm trước trên bãi tuyết. Cô gái lật bộ da lên xem, quả nhiên dưới da bụng có vết dao đâm. Tim cô gái đập thình thình, biết rằng Tô Phổ không quên nó, cũng không quên lời đã hứa khi xưa, nửa đêm đem bộ da sói để ngay trước ngạch cửa. Con bé đem bộ da sói vào phòng, không nói gì cho Kế lão hay cả, lại lùa bầy cừu ra, đến nơi vẫn thường ngồi với Tô Phổ chờ bạn.
Thế nhưng nó đợi đến chiều tối, vẫn không thấy Tô Phổ ra. Cô bé cũng nhận ra bầy cừu của nhà Tô Phổ, hôm nay do một thanh niên mười bảy, mười tám đi chăn. Lý Văn Tú tự hỏi: “Hay là vết thương của Tô Phổ chưa lành? Thế nhưng sao y lại đem được bộ da sói đến nhà mình?”. Nó định đi tới khu lều da thăm y, nhưng lại sợ chiếc roi của Tô Lỗ Khắc.
Nửa đêm hôm đó, con bé thu hết dũng khí, đi đến đằng sau căn lều của Tô Phổ. Nó cũng không hiểu tại sao nó lại làm thế, hay là chỉ để nói một câu: “Cám ơn ngươi đã cho ta bộ da sói” chăng? Hay là để xem thằng bạn thương thế đã khỏi chưa? Chính nó cũng không nói lên được. Con bé nép vào sau căn lều. Đàn chó chăn cừu nhà Tô Phổ nhận ra nó, chỉ chạy đến đánh hơi rồi bỏ đi, không sủa tiếng nào. Trong lều vẫn còn ánh đèn mỡ bò, và tiếng ồm ồm quát tháo của Tô Lỗ Khắc vọng ra.
- Bộ da sói ngươi lấy cho đứa nào rồi? Mày giỏi thật, mới tí tuổi đầu đã biết đem cho đứa con gái mình yêu thương món quà săn đầu đời.
Mỗi lần y gầm thét, tim Lý Văn Tú lại nhói lên. Nó đã từng nghe Tô Phổ nói chuyện xưa có nói về tập tục của người Cáp Tát Khắc, thanh niên nào cũng bảo trọng món mình săn được lần đầu tiên, để đem đi tặng cho người con gái nào mình thương yêu biểu thị tình ý. Bây giờ nó nghe Tô Lỗ Khắc tra hỏi con trai, khuôn mặt nhỏ nhắn của nó đỏ bừng lên, trong lòng không khỏi đôi chút tự hào. Hai đứa tuổi còn nhỏ, không hiểu tình ái chân chính như thế nào, thế nhưng đều ngầm hiểu là cả hai đứa đều đã được hưởng niềm vui và nỗi đau của mối tình đầu.
- Có phải mày định đem đi tặng cho cái con tiện chủng người Hán bị Chúa phạt tên là Lý quái gì ấy phải không? Giỏi lắm, mày không nói, để xem mày có cứng đầu bằng cái roi của bố mày không?
Chỉ nghe vút vút vút liên hồi, tiếng roi quất lên da thịt người vọng ra. Tô Lỗ Khắc là hạng người Cáp Tát Khắc trước nay tin rằng “yêu cho roi cho vọt, con trẻ cần chịu đòn cho quen” dạy con không cần biện pháp ôn hòa. Ông nội y dùng roi dạy bố y, bố y dùng roi dạy y và nay y cũng roi vọt con y, yêu thương con nhưng không thể để chúng lờn. Đàn ông con trai với nhau, người thân thì cú đấm, ngọn roi còn kẻ địch thì đoản đao, trường kiếm. Thế nhưng với Lý Văn Tú, cha mẹ y không bao giờ nói nặng một câu, chỉ cần trên mặt thiếu một nụ cười, thiếu một câu vỗ về cũng đã là trách phạt rồi. Bây giờ mỗi roi cũng chẳng khác gì một lần đánh vào người nó: "Cha của Tô Phổ chắc là căm hận mình lắm nên mới hung ác đánh con như thế, không biết có đánh chết y không?".
- Giỏi, mày không trả lời. Mày có trả lời hay không? Tao đoán mày định đem cho con bé người Hán chứ gì?
Tiếng roi vẫn liên tiếp đánh, Tô Phổ lúc đầu nghiến răng cố chịu đau, sau cùng khóc òa lên nói:
- Cha ơi, đừng đánh con, đừng đánh con nữa, con đau lắm, con đau lắm.
Tô Lỗ Khắc nói:
- À bây giờ mày chịu nói rồi. Có phải mày đem bộ da sói cho con bé người Hán rồi phải không? Mẹ mày chết vì tay bọn cướp người Hán, anh mày bị người Hán giết, mày có biết không? Mọi người gọi ta là Cáp Tát Khắc đệ nhất dũng sĩ, vậy mà vợ ta, con ta đều bị người Hán giết, mày có biết không? Sao hôm đó ta không có ở nhà? Sao ta không tìm được bọn ăn cướp, để ta báo thù cho mẹ mày anh mày?
Ngọn roi của Tô Lỗ Khắc lúc này không còn để dạy con nữa mà là để phát tiết cơn cuồng nộ. Mỗi lằn roi y đánh ra chẳng khác nào đánh vào kẻ địch – Sao bọn ăn cướp chó má kia không đến mặt đối mặt đánh với ta một trận mất còn? Ngươi có nói không? Không lẽ ta là đệ nhất dũng sĩ của Cáp Tát Khắc mà đánh không lại mấy tên giặc cỏ hay sao?...
Con y bị bọn Hoắc Nguyên Long, Trần Đạt Hải giết chết, là đứa con trai lớn y thương yêu nhất, người vợ bị chúng hối nhục mà chết là người bạn đời từ bé đến lớn sống với nhau. Còn y hai mươi năm qua, ai ai cũng bảo y là dũng sĩ số một của người Cáp Tát Khắc, dù đẩy cây, đấu quyền, đấu lực, cưỡi ngựa mọi thứ y chưa hề thua ai.
Lý Văn Tú thấy Tô Phổ bị cha đánh thật là tội nghiệp, mà tiếng thét căm hờn nghẹn ngào của Tô Lỗ Khắc cũng thật là thảm thiết: “Y đánh con hung ác thế, từ nay chắc không còn yêu thương gì Tô Phổ nữa. Y không còn đứa con, mà Tô Phổ cũng chẳng còn người cha. Cũng chỉ tại ta chẳng ra gì, hẳn là ta đúng là con bé người Hán bị Chúa phạt kia chẳng ra gì”. Đến lúc này nó thấy chính mình cũng thật đáng thương làm sao.
Con bé không còn dám nghe thêm tiếng khóc của Tô Phổ, chạy về đến nhà Kế lão, từ dưới tấm nệm lôi bộ da sói ra nhìn thật lâu, thật lâu. Nhà nó và căn lều của Tô Phổ cách nhau đến hơn hai dặm, nhưng sao dường như vẫn nghe văng vẳng tiếng khóc của thằng bạn lẫn tiếng roi của Tô Lỗ Khắc. Tuy nó rất thích bộ da sói nhưng bây giờ nó không còn muốn nữa. “Nếu như ta giữ tấm da sói này, Tô Phổ chắc bị cha đánh đến chết mất. Chỉ có con gái Cáp Tát Khắc hay con gái Y Tư Lan[3] mới được giữ tấm da này thôi. Con gái Cáp Tát Khắc có biết bao nhiêu người, cô nào là cô đẹp nhất? Ta thích tấm da này lắm, là con chó sói Tô Phổ giết được, chỉ vì cứu ta mà y liều mạng giết được sài lang. Tô Phổ tặng cho ta, có điều... có điều cha y đánh y chết mất...”.
*
* *
Sáng sớm hôm sau, Tô Lỗ Khắc đôi mắt đỏ ngầu bước ra khỏi lều, bỗng nghe Xa Nhĩ Khố hát một bài sơn ca xí xa xí xố. Y nghiêng đầu nhìn Tô Lỗ Khắc, khuôn mặt gã đầy vẻ lạ kỳ, cười mủm mỉm, ánh mắt toát ra một vẻ thân thiện. Xa Nhĩ Khố là một dũng sĩ nổi danh của dân Cáp Tát Khắc, hàng nghìn dặm chung quanh còn nghe đến tài huấn phục ngựa hoang của y. Y chạy rất nhanh, có người nói rằng nội trong một dặm, dù ngựa tốt cách nào cũng không đuổi kịp được y, nếu hơn một dặm thì tuy ngựa có thắng cũng chỉ hơn y một cái mõm thôi. Mỗi khi những mục tử đốt lửa ngồi tán gẫu với nhau, nhiều người bảo rằng nếu như Xa Nhĩ Khố có cái mũi cao hơn một chút thì y đã thắng rồi.
Tô Lỗ Khắc và Xa Nhĩ Khố xưa nay vốn chẳng mấy ưa nhau. Tên tuổi của Tô Lỗ Khắc quá lớn, đánh đao, đánh quyền hai môn đều không ai địch nổi, Xa Nhĩ Khố trong lòng vẫn ngầm ghen ghét. Y nhỏ hơn Tô Lỗ Khắc sáu tuổi, có lần hai người đánh đao, Xa Nhĩ Khố thua, vai bị cắt một đường dài. Y nói:
- Hôm nay ta thua, nhưng năm năm nữa, mười năm nữa, mình đánh lại xem nào.
Tô Lỗ Khắc đáp:
- Để hai chục năm nữa mình tỉ thí lần nữa, lúc ấy ta không có nhẹ tay như thế này đâu.
Hôm nay, Xa Nhĩ Khố vẻ mặt tươi cười, không có gì ra chiều thù nghịch cả, Tô Lỗ Khắc vẫn còn chưa hết cơn giận, hầm hầm nhìn y. Xa Nhĩ Khố cười nói:
- Lão Tô, con trai ngươi quả có mắt tinh đời.
Tô Lỗ Khắc hỏi lại:
- Ngươi nói Tô Phổ chăng?
Y giơ tay nắm chuôi dao, mắt lóe lên một vẻ hung bạo, nghĩ thầm: “Ngươi chế riễu con ta đem tấm da sói tặng cho con bé người Hán chứ gì?”. Xa Nhĩ Khố toan trả lời: “Nếu chẳng phải Tô Phổ thì ngươi còn đứa nào khác nữa sao?”. Nhưng câu đó không ra khỏi miệng, y chỉ mỉm cười nói:
- Dĩ nhiên là Tô Phổ. Thằng nhỏ đó mặt mũi dễ coi, lại nhanh nhẹn khéo léo, ta chịu nó lắm.
Làm cha có ai không thích người khác khen con mình, nhưng lúc này Tô Lỗ Khắc chỉ mỉa mai:
- Ngươi sành đời lắm nhỉ? Tiếc thay ngươi lại không có con trai.
Xa Nhĩ Khố không nổi nóng, chỉ cười:
- Con gái ta A Mạn cũng được lắm, nếu không sao con trai ngươi lại thích nó?
Tô Lỗ Khắc “Ồ” lên một tiếng, nói:
- Ngươi đừng có vơ vào, ai bảo con ta thích con A Mạn?
Xa Nhĩ Khố nắm tay Tô Lỗ Khắc, cười:
- Ngươi đi theo ta, ta cho ngươi xem cái này.
Tô Lỗ Khắc trong bụng ngạc nhiên, liền cùng đi. Xa Nhĩ Khố hỏi:
- Con trai ngươi hôm trước giết được một con chó sói xám lớn. Còn nhỏ như thế, quả thực là giỏi, mai này lớn lên, chắc cũng chẳng kém gì cha nó đâu? Cha anh hùng, con hảo hán.
Tô Lỗ Khắc không trả lời, cho rằng y đang định cho mình vào tròng nên thổi mình lên, nghĩ thầm: “Mình phải thật cẩn thận mới được”.
Hai người đi đến ba dặm trên thảo nguyên thì đến được lều của Xa Nhĩ Khố. Tô Lỗ Khắc từ xa đã thấy một tấm da sói treo ở bên ngoài căn lều. Y đi lại gần hơn, ồ, chẳng phải là da con sói xám Tô Phổ giết được thì là gì? Đây là con dã thú đầu đời của thằng con mình, y thoạt nhìn là nhận ra ngay. Y trong bụng hoang mang, nhưng lại vừa sung sướng, vừa bàng hoàng: “Ta trách A Phổ sai rồi, tối hôm qua ta đánh nó một trận thật đau, thì ra nó đem tấm da sói tặng cho A Mạn chứ không phải đem cho con bé người Hán. Thật đáng chết, sao nó lại không nói ra? Trẻ con hay thẹn nên không dám nói đấy mà. Nếu như mẹ nó còn sống, mẹ nó đã can ta ra rồi. Hừ, con có chuyện gì thể nào chả nói với mẹ...”
Xa Nhĩ Khố giơ bàn tay to lớn vỗ lên vai y một cái, nói:
- Uống vài bát rượu nhé.
Trong lều của Xa Nhĩ Khố vun vén thật là sạch sẽ, chung quanh treo đầy những tấm thảm bằng lông cừu dệt cảnh vật, hoa cỏ. Một cô gái thân hình yểu điệu mảnh mai bưng rượu lên. Xa Nhĩ Khố mỉm cười nói:
- A Mạn, đây là cha của Tô Phổ. Ngươi có sợ ông ấy không? Ông râu xồm này dữ tợn lắm đó.
A Mạn thẹn thùng mặt đỏ bừng trông càng xinh xắn, đôi mắt lóe lên một vẻ vui tươi, dường như định nói: “Con không sợ”. Tô Lỗ Khắc cười ha hả nói:
- Lão Xa, ta có nghe người ta nói là ngươi có cô con gái là đóa hoa hội tẩu lộ của thảo nguyên. Đúng thật, một đóa hoa hội tẩu lộ, người ta nói quả là hay.
Hai người đàn ông mười năm nay gầm ghè nhau, bỗng dưng trở thành thân thiết. Anh mời tôi một bát, tôi mời lại một bát. Tô Lỗ Khắc uống đến say mèm, nằm gục trên yên ngựa về nhà.
Qua một ngày, Xa Nhĩ Khố đem đến hai tấm thảm lông cừu mới dệt. Y nói:
- Đây là do A Mạn dệt đó, một tấm tặng cho ông già, một tấm tặng cho con trai.
Một tấm thảm thêu một đại hán, tay cầm trường đao, chém một con báo, ở xa xa một con khác cúp đuôi bỏ chạy. Còn một tấm thêu hình một cậu trai, đâm chết một con chó sói xám lớn. Hai người một lớn một nhỏ, cả hai đều uy phong lẫm lẫm, trông thật hào hùng. Tô Lỗ Khắc vừa xem đã thật vui, tấm tắc luôn mồm:
- Dệt khéo quá, dệt khéo quá!
Thì ra đất Hồi Cương rất hiếm khi có báo, một năm nọ không biết từ đâu lạc đến một đôi tàn hại gia súc. Tô Lỗ Khắc đuổi theo chúng vào tận trong núi, chém chết một con báo lớn, còn một con bị thương chạy mất. Bây giờ y trông thấy A Mạn thêu trên tấm thảm sự kiện anh hùng nhất đời y, y làm gì mà không cao hứng.
Kỳ đó hai người lại uống một bữa thỏa thuê, người nằm mọp trên lưng ngựa quay về lần này là Xa Nhĩ Khố. Tô Lỗ Khắc sai con trai đưa y về tận nhà. Trong lều của Xa Nhĩ Khố, Tô Phổ thấy tấm da sói của mình. Y chưa hiểu vì sao tấm da đó lại ở đây thì A Mạn đã thẹn thùng đến cám ơn y. Tô Phổ ậm ừ vài câu, không biết nói sao cho phải, cũng không tiện truy vấn tại sao tấm da sói lại vào tay A Mạn. Ngày hôm sau, sáng sớm y đã lên cái gò nơi giết được con chó sói, mong gặp được Lý Văn Tú để hỏi cho ra. Thế nhưng hôm đó Lý Văn Tú không tới. Y đợi hai ngày liền đều chẳng được gì. Đến ngày thứ ba, y thu hết can đảm đến nhà Kế lão. Lý Văn Tú ra mở cửa, vừa gặp y đã nói:
- Từ rày trở đi, ta không muốn gặp ngươi nữa.
Rầm một tiếng, nàng đã đóng sập cửa, cài chặt then lại. Tô Phổ đứng ngơ ngẩn một hồi, lủi thủi quay về, trong lòng cảm thấy hết sức hoang mang: “Ôi, con gái người Hán thật lạ lùng, chẳng hiểu sao cả?”. Lẽ dĩ nhiên làm sao y biết được là Lý Văn Tú gục đầu sau cánh cửa khóc nức nở. Con bé khóc một hồi thật lâu. Cô gái vẫn muốn được cùng Tô Phổ chơi đùa, kể truyện cổ cho nhau nghe nhưng cũng biết rằng nếu như cha Tô Phổ biết được, y sẽ lại bị một trận đòn thật đau, có khi cha y đánh y chết không chừng.
*
* *
Ngày lại ngày qua đi, gió của thảo nguyên, nước băng tuyết Thiên Sơn thổi ba đứa trẻ cao vọt lên biến chúng thành người lớn. Bông hoa hội tẩu lộ càng thêm lộng lẫy, còn đứa trẻ giết chó sói hôm nào nay đã thành một thanh niên anh tuấn. Còn con chim thiên linh của đồng cỏ ư, tiếng hát của nàng càng thêm dìu dặt ngọt ngào. Có điều bây giờ nàng ít hát hơn trước, chỉ những đêm khuya không có ai, ngồi một mình trên chiếc gò nhỏ nơi Tô Phổ giết con chó sói năm nào nàng mới cất tiếng lên. Nàng chẳng bao giờ quên được người bạn năm xưa, vẫn thường thấy chàng cùng A Mạn hai người cùng cưỡi ngựa đi chơi, có khi còn nghe hai người đối đáp, hát chung với nhau những khúc tình ca ý tứ triền miên.
Ý nghĩ của những bài hát đó bây giờ Lý Văn Tú đã hiểu cả rồi, bây giờ lại hiềm hiểu quá nhiều là khác. Nếu nàng cứ chưa hiểu như xưa có lẽ cũng bớt đau lòng, cũng bớt đi những đêm dài trằn trọc. Thế nhưng những gì trước kia chưa biết, một khi biết rồi, không bao giờ còn thể quay trở lại những ngày thơ ngây cũ.
Một buổi chiều mùa xuân, Lý Văn Tú cưỡi con ngựa trắng, một mình lên ngọn núi nhỏ nơi con sói bị giết. Màu vàng nhuộm trên con ngựa nay thôi hết, nay đã trở lại một màu trắng xóa chẳng khác gì tuyết trên đỉnh Thiên Sơn. Nàng đứng trên gò cao, đăm đăm nhìn về hướng những túp lều của người Cáp Tát Khắc, nơi họ đang đốt một đống lửa lớn, tiếng âm nhạc và tiếng huyên náo lúc cao, lúc trầm vọng đến. Thì ra hôm nay là một ngày lễ của người Cáp Tát Khắc, thanh niên nam nữ vây quanh đống lửa, múa hát xướng ca, thật là vui vẻ.
Lý Văn Tú nghĩ thầm: “Chàng và cô ta hôm nay hẳn là vui lắm, thật là náo nhiệt, thật là hoan hỉ”. Trong lòng nàng chữ “chàng” không có người thứ hai, dĩ nhiên là Tô Phổ rồi, còn “cô ta” dĩ nhiên phải là bông hoa hội tẩu lộ kia, nàng A Mạn.
Thế nhưng hôm nay Lý Văn Tú đã đoán sai, Tô Phổ và A Mạn lúc này không hẳn đã hoan lạc mà lại cực kỳ căng thẳng. Bên cạnh đống lửa, Tô Phổ đang cùng một gã cao gầy đánh vật. Đây là một tiết mục cực kỳ quan trọng trong ngày lễ, người nào thắng giải sẽ được ba giải thưởng: một con ngựa tốt, một con cừu to và một tấm thảm thật đẹp.
Tô Phổ đã liên tiếp thắng bốn người, còn gã thanh niên cao gầy kia tên là Tang Tư Nhi. Y cũng là bạn của Tô Phổ nhưng vẫn muốn hai bên kẻ được người thua, huống chi, trong lòng y cũng ngầm yêu đóa hoa hội tẩu lộ. Khuôn mặt xinh đẹp kia, thân hình yểu điệu kia, bàn tay khéo léo kia, ai mà chẳng muốn? Tang Tư Nhi biết rằng Tô Phổ và A Mạn đã thân nhau từ nhỏ nhưng y vốn là một thanh niên bất khuất, ương ngạnh. Ở thảo nguyên ngựa ai chạy nhanh, dao ai dài người đó sẽ chiếm thượng phong. Y trong lòng cũng đã nghĩ đến: “Nếu như ta công khai đánh bại được Tô Phổ, A Mạn thể nào cũng thích ta”. Y đã cố công luyện tập ba năm đánh vật và đánh dao. Sư phụ của y chẳng ai xa lạ mà chính là cha của A Mạn Xa Nhĩ Khố.
Còn võ công của Tô Phổ dĩ nhiên là cha y đích thân truyền cho.
Hai người thanh niên quấn quít lại một khối. Đột nhiên đầu vai Tang Tư Nhi trúng một cú đấm mạnh, chân y trượt đi ngã ngữa về sau. Thế nhưng trong khi ngã, y cũng kịp khoèo chân Tô Phổ khiến y cũng ngã theo. Hai người cùng nhỏm dậy, hai cặp mắt gườm gườm nhìn nhau, đảo qua đảo lại để tìm sơ hở của đối phương nhưng không ai dám ra tay trước.
Tô Lỗ Khắc ngồi ở một bên xem, lòng bàn tay đẫm mồ hôi, kêu luôn mồm:
- Tiếc quá, tiếc quá.
Còn Xa Nhĩ Khố thì bụng dạ ra sao khó mà đoán biết. Y biết tâm ý con gái mình, nếu như Tang Tư Nhi thua, thì A Mạn đã yêu Tô Phổ sẽ lại càng yêu hơn. Thế nhưng Tang Tư Nhi là đồ đệ của y, trận đấu này cũng chẳng khác gì chính y đấu với Cáp Tát Khắc đệ nhất dũng sĩ Tô Lỗ Khắc. Nếu đồ đệ của Xa Nhĩ Khố đánh bại con trai Tô Lỗ Khắc thì thật là vẻ vang hơn, chiến thắng này sẽ truyền ra đến mấy nghìn dặm chung quanh thảo nguyên. Dĩ nhiên A Mạn sẽ đau khổ lắm, nhưng đành kệ nó. Y vẫn mong Tang Tư Nhi thắng trận. Nhưng Tô Phổ là đứa ngoan, y vẫn thương nó như thường.
Những người ngồi quanh đống lửa hò hét cổ võ cho hai chàng thanh niên. Đây là một trận đấu hai bên ngang ngửa, Tô Phổ thân thể tráng kiện có sức, còn Tang Tư Nhi thì lại nhanh nhẹn hơn, ai sẽ thắng thật khó mà biết trước được.
Chỉ thấy Tang Tư Nhi né bên đông, tránh bên tây, Tô Phổ mấy lần đưa tay chộp y nhưng y đều tránh được. Tiếng người bên ngoài hò hét trợ uy mỗi lúc một to: “Tô Phổ, nhanh lên, nhanh lên” “Tang Tư Nhi, phản công đi, đừng tránh né qua lại nữa” “Ối chao, Tô Phổ vật được rồi” “Không sao đâu, dùng sức lật y lại”.
Thanh âm truyền ra thật xa, Lý Văn Tú nghe loáng thoáng có người hò reo: “Tô Phổ, Tô Phổ”. Nàng lấy làm lạ: “Sao mọi người lại kêu lên Tô Phổ, Tô Phổ là sao?”. Nàng bèn giục ngựa, chạy về phía có tiếng hò reo. Đứng sau một cây to, nàng thấy Tô Phổ đang vật nhau với Tang Tư Nhi, những người chung quanh đang hào hứng kêu la. Đột nhiên, nàng thấy bên ánh lửa khuôn mặt của A Mạn, đầy vẻ quan thiết và phấn khởi, nước mắt rưng rưng, lúc lo, lúc mừng. Lý Văn Tú từ trước tới nay chưa hề nhìn kỹ A Mạn bao giờ, nghĩ thầm: “Thì ra nàng ta yêu Tô Phổ đến thế”.
Mọi người bỗng lớn tiếng hò reo, cả Tô Phổ lẫn Tang Tư Nhi đều cùng ngã lăn ra đất. Đứng cách vòng người, Lý Văn Tú không nhìn được hai người dưới đất tình hình ra sao. Thế nhưng nghe tiếng người kêu la, nàng biết rằng Tô Phổ đang đè Tang Tư Nhi xuống. Lòng bàn tay Lý Văn Tú cũng ướt mồ hôi, chính vì không nhìn rõ hai người nên nàng lại càng hồi hộp. Đột nhiên tiếng reo hò mọi người ngưng bặt, Lý Văn Tú nghe được cả tiếng thở hổn hển của hai dũng sĩ. Chỉ thấy một người lảo đảo đứng lên, mọi người lớn tiếng hoan hô: “Tô Phổ, Tô Phổ”.
A Mạn vượt vòng người chạy vào trong nắm tay người tình. Lý Văn Tú thấy trong lòng cũng thật cao hứng, nhưng cũng thật thê lương. Nàng quay đầu ngựa, chầm chậm bước đi. Mọi người bận vây quanh Tô Phổ, chẳng ai để ý đến nàng.
Nàng không điều cương, để mặc cho con bạch mã muốn đi đâu thì đi trong sa mạc. Không biết bao lâu nàng mới thấy rằng con ngựa trắng đã đi tới tận bên bờ thảo nguyên, xa hơn nữa sẽ tiến vào sa mạc Qua Bích[4]. Nàng nhỏ nhẹ mắng nó:
- Ngươi đưa ta tới đây làm gì?
Ngay khi đó, trên sa mạc xuất hiện hai con ngựa, sau đó lại thêm hai con nữa. Dưới ánh trăng thấp thoáng, những người trên lưng ngựa đều mặc y phục Hán nhân, tay người nào cũng cầm trường đao.
Lý Văn Tú kinh hoảng: “Chẳng lẽ đây là bọn cướp người Hán?”. Còn đang ngập ngừng, một người đã kêu lên:
- Bạch mã, bạch mã.
Y giục ngựa xông tới, miệng quát tháo:
- Đứng lại, đứng lại.
Lý Văn Tú kêu lên:
- Chạy mau.
Nàng giục ngựa chạy ngược trở về, chỉ thấy tiếng chân ngựa thật gấp, đằng trước cũng có hai con ngựa chạy ra chặn lại. Lúc đó ba mặt đông nam bắc đều có địch nhân, nàng không còn kịp suy nghĩ chỉ giục ngựa theo hướng tây chạy gấp. Thế nhưng hướng tây chính là hướng đại sa mạc Qua Bích.
Khi còn nhỏ nàng đã từng nghe Tô Phổ nói tới, trong sa mạc Qua Bích có quỉ, ai đã vào trong sa mạc này thì khó mà sống sót trở về. Không, dù có thành quỉ cũng không ra được. Ai đã vào trong sa mạc Qua Bích rồi, sẽ đi thành một vòng tròn lớn, trong sa mạc cứ đi mãi không ngừng, đến khi đột nhiên thấy trên sa mạc có dấu chân. Người ta sẽ vui mừng tưởng mình cứ theo dấu chân đó tìm được đường ra, nhưng chạy một lúc rồi mới phát giác, dấu chân đó chính mình để lại. Người ta sẽ đi qua đi lại loanh quanh trong cái vòng đó. Thành ra những ai chết trong sa mạc Qua Bích biến thành quỉ cũng không xong, không lên được thiên đàng mà cứ luẩn quẩn nơi đây, nghìn năm vạn năm, suốt ngày suốt đêm chạy loanh quanh không ngừng.
Lý Văn Tú cũng đã hỏi Kế lão, sa mạc Qua Bích có thực sự ghê gớm đến thế chăng, có thật là đi vào rồi sẽ không bao giờ có thể ra được. Kế lão nghe nàng hỏi thế, đột nhiên bắp thịt trên mặt giật giật liên hồi, lộ vẻ sợ hãi phi thường, mắt lấm lét nhìn ra cửa sổ, tưởng như nhìn thấy quỉ hiện ra trước mặt. Lý Văn Tú trước nay chưa từng thấy ông già sợ hãi đến thế, không dám hỏi thêm, trong bụng chắc mẩm chuyện đó không phải giả, không chừng Kế gia gia đã gặp quỉ rồi.
Nàng cưỡi con ngựa trắng chạy như bay, trước mặt chỉ thấy cát vàng bát ngát, sa mạc kéo dài vô cùng vô tận, nghĩ đến những con quỉ lang thang nơi đây, càng lúc càng sợ thêm. Thế nhưng phía sau cường đạo đang đuổi tới, nghĩ đến cha mẹ, nghĩ đến mẹ và anh Tô Phổ, biết rằng nếu như bọn giặc cướp bắt được, thì chỉ còn nước chết mà thôi, thậm chí còn ghê gớm hơn cái chết. Thế nhưng đi vào sa mạc Qua Bích rồi, thành quỉ cũng nào đã yên. Nàng đã toan gò cương ngựa không chạy nữa, nhưng quay đầu lại thì những chiếc lều của người Cáp Tát Khắc và hàng cây xanh không còn thấy đâu, hai tên cường đạo đã bị bỏ rơi nhưng năm tên kia vẫn còn đang đuổi tới. Lý Văn Tú nghe tiếng bọn kia sung sướng kêu lên:
- Đúng là con ngựa trắng rồi, không sai vào đâu được. Bắt lấy nó, bắt lấy nó.
Mối thù nằm sâu trong lòng bao nhiêu năm nay bây giờ có dịp phát tiết, Lý Văn Tú nghĩ thầm: “Gia gia và má má bị bọn ngươi giết chết. Ta dẫn chúng bay đi vào sa mạc Qua Bích, để cùng chết một lượt. Môt mạng ta đổi năm mạng giặc cướp, còn như... còn như... sống ở trên đời có gì lạc thú nữa đâu”.
Mắt nàng rưng rưng, trong bụng không còn chần chừ gì nữa, giục ngựa nhắm hướng tây chạy thật nhanh.



Lộp cộp, lộp cộp, lộp cộp...

Lộp cộp, lộp cộp, lộp cộp...

Trên sa mạc mênh mông của đất Hồi Cương, cát bụi mịt mù bốc lên cao đến hai trượng, hai con ngựa một trước một sau đang phi nước đại. Đằng trước là một con ngựa trắng cao lớn chân dài, trên yên là một thiếu phụ, ôm trong lòng một cô bé con chừng bảy tám tuổi. Phía sau là một con ngựa màu đỏ bồ quân, trên lưng nằm phục một người đàn ông cao gầy.

Trên lưng phía trái của người đàn ông có cắm một mũi tên dài, máu chảy ròng ròng xuống lưng ngựa, rơi xuống đất, thấm vào cát vàng. Y không dám đưa tay nhổ mũi tên ra, chỉ sợ rút ra rồi sẽ chịu không nổi ngã xuống chết ngay. Người nào mà chẳng chết? Điều đó cũng không sao, có điều từ nay lấy ai chăm lo cho vợ yếu con thơ? Ở phía sau, kẻ địch hung hăng độc ác đang đuổi nà tới.

Con ngựa hồng chạy đã mấy chục dặm, gân cốt đã mệt nhoài mà chủ nhân vẫn tiếp tục ra roi thúc giục, đến nỗi không kịp thở, hai bên mép sùi bọt trắng xóa, hai chân trước khuỵu xuống, ngã lăn ra. Người đàn ông kéo giây cương, con vật kêu lên một tiếng bi thảm, giãy giụa mấy cái, thở hắt ra chết luôn. Thiếu phụ nghe tiếng động ở sau, quay đầu lại thấy con ngựa hồng đã chết, kinh hãi kêu lên:

- Đại ca... sao... có sao không?

Người đàn ông nhíu mày lắc đầu. Y nhìn thấy phía sau mấy dặm xa xa bụi bay lên, đại đội nhân mã kẻ địch đã kéo đến. Người đàn bà quay ngựa lại, chạy bến bên chồng, thấy mũi tên dài cắm trên lưng y, áo ướt đẫm máu, không khỏi kinh hoàng thất sắc, dường như muốn ngất đi. Cô bé con cũng thất thanh kêu lên:

- Cha, cha ơi, trên lưng cha có mũi tên kìa.

Người đàn ông cười gượng nói:

- Không sao đâu.

Y nhảy lên, nhẹ nhàng khéo léo rơi xuống yên ngựa ngay sau lưng người vợ. Y tuy bị trọng thương nhưng thân pháp vẫn nhẹ nhàng chắc chắn. Người đàn bà quay đầu lại nhìn chồng, đầy vẻ lo lắng quan hoài, nói nhỏ nhẹ:

- Đại ca, chàng...

Người đàn ông kẹp hai chân thúc một cái, tay giật giây cương, con ngựa trắng liền tung bốn vó chạy vụt về phía trước.

Con ngựa trắng tuy là thần tuấn, nhưng đã chạy một quãng dài không nghỉ ngơi cũng mỏi mệt, huống chi lúc này trên lưng lại có đến ba người. Tuy nhiên con vật dường như cũng biết lúc này là lúc sinh tử quan đầu của chủ nhân nên không cần thúc giục vẫn hết sức chạy không kể sống chết.

Chạy thêm vài dặm nữa, sau cũng chậm dần, địch nhân đuổi theo sau mỗi lúc một gần thêm. Tất cả gồm sáu mươi ba người nhưng có đem theo hơn một trăm chín mươi con ngựa khỏe, mỗi khi ngựa hơi yếu là đổi con khác ngay. Họ nhất định đuổi bắt cho bằng được.

Người đàn ông quay lại nhìn, trong đám bụi vàng mù mịt, đã thấp thoáng nhìn thấy thân hình kẻ địch, một lát sau đến mặt mũi cũng đã nhìn rõ. Người đàn ông nghiến răng nói:

- Hồng muội, anh xin em một điều, em có bằng lòng không?

Người đàn bà quay đầu lại, dịu dàng mỉm cười, nói:

- Trong cả một đời đã bao giờ em trái lời anh chưa?

Người đàn ông nói:

- Tốt lắm, em mang Tú nhi chạy trốn, bảo toàn chút máu thịt của hai đứa mình, bảo toàn bức địa đồ Cao Xương mê cung.

Lời nói cực kỳ kiên quyết, chẳng khác gì ra lệnh không bằng. Người đàn bà giọng run run, nói:

- Đại ca, cho chúng nó cái bản đồ đi, chúng mình chịu thua cho xong. Thân... thân chàng mới là quan trọng.

Người đàn ông cúi xuống hôn lên má vợ, giọng đột nhiên đổi thành cực kỳ trìu mến, nói:

- Trong đời ta trải qua biết bao lần nguy nan, lần này nếu như chạy được thì hay. Lã Lương tam kiệt không phải chỉ muốn địa đồ đâu, bọn chúng... bọn chúng muốn là muốn giết ta kìa.

Người đàn bà nói:

- Chúng... chúng dẫu sao cũng còn chút tình đồng môn, hay là, để em xin bọn họ...

Người đàn ông gay gắt nói:

- Không lẽ vợ chồng mình phải van xin người khác hay sao? Con ngựa này không mang nổi cả ba người, đi mau.

Y tung mình nhảy lên, kêu lớn một tiếng rơi xuống khỏi ngựa. Người đàn bà gò cương đứng lại, định đưa tay níu lấy chồng, thấy trượng phu mặt giận dữ, lại nghe y quát lớn:

- Đi mau.

Nàng từ trước tới nay luôn luôn tùng phục chồng, đành giật cương quất ngựa, chạy về phía trước, cảm thấy giá băng se sắt, không phải chỉ trong lòng mà cả đến máu thịt cũng như đông lại.

Những người đuổi theo thấy người đàn ông rơi xuống khỏi ngựa, cùng reo hò:

- Bạch Mã Lý Tam ngã rồi! Bạch Mã Lý Tam ngã rồi!

Hơn một chục người liền giục ngựa đến vây quanh, còn hơn bốn chục người kia tiếp tục đuổi theo thiếu phụ. Người đàn ông nằm co dưới đất, không cục cựa gì nữa, dường như đã chết rồi. Một người giơ trường thương, nghe soẹt một tiếng đâm luôn vào đầu vai bên phải của y. Khi rút ngọn giáo ra, máu tươi vọt ra nhưng Bạch Mã Lý Tam vẫn không động đậy. Gã chỉ huy mặt đầy râu ria nói:

- Chết chắc rồi, còn sợ gì nữa? Mau tra xét trong người y xem sao.

Hai người trong bọn nhảy xuống ngựa, đi lại lật Lý Tam lên. Đột nhiên một ánh sáng trắng lóe lên, Bạch Mã Lý Tam trường đao vung một vòng, chát chát hai tiếng, chém hai người ngã lăn ra đất.

Bọn người không ngờ y giả chết, đến ngọn giáo đâm vào cũng làm như không biết rồi bỗng dưng phản kích lại, sáu bảy người kinh hãi giục ngựa thối lui. Gã râu xồm liền múa thanh nhạn linh đao[1] trong tay, quát lớn:

- Lý Tam, ngươi quả thật cứng đầu.

Vù một tiếng y vung đao chém xuống đầu Lý Tam. Lý Tam giơ đao lên đỡ nhưng cả hai vai đều bị thương nặng, cánh tay không có sức, lịch kịch lùi lại ba bước, oa một tiếng hộc ra một ngụm máu tươi. Hơn chục người giục ngựa tiến lên vây quanh, đao thương cùng đâm chém xuống người y.

Bạch Mã Lý Tam một đời anh hùng, cho đến chết cũng không chịu khuất phục, khi sắp lìa đời cũng còn giết được hai tên cường địch. Thiếu phụ ở đằng xa nghe tiếng chồng uất hận rống lên, trong lòng chẳng khác gì dao cắt: “Chàng chết rồi, ta còn sống làm gì?”. Nàng lấy từ trong bọc ra một tấm khăn tay dệt bằng lông cừu, nhét vào bọc đứa bé, nói:

- Tú nhi, con cố tự lo cho mình.

Nàng giơ roi quất vào mông con ngựa, hai chân đạp một cái, thân hình đã rời yên. Nàng thấy con ngựa trắng lưng nhẹ đi liền mang con bé chạy như bay, trong lòng thấy hơi an ủi: “Con ngựa này cước lực thiên hạ vô song, Tú nhi người lại nhẹ, như thế bọn chúng không thể nào đuổi kịp được”. Ở phía trước, tiếng cô bé con khóc “Mẹ ơi, mẹ ơi” mỗi lúc một xa, còn tiếng chân ngựa đuổi theo phía sau thì càng lúc càng gần, trong bụng ngầm khấn nguyện: “Xin trời phù hộ cho Tú nhi được như con, lấy được một người chồng tốt, dù một đời trôi nổi thăng trầm, nhưng cũng một đời sung sướng”.

Nàng sửa lại áo quần, vén lại đầu tóc, chỉ chớp mắt mấy chục người đã trước sau cưỡi ngựa chạy đến. Người đi đầu là lão nhị trong Lã Lương tam kiệt Sử Trọng Tuấn.

Lã Lương tam kiệt là anh em kết nghĩa. Lão đại Thần Đao Chấn Quan Tây Hoắc Nguyên Long, chính là gã râu xồm giết Bạch Mã Lý Tam, lão nhị Mai Hoa Thương Sử Trọng Tuấn là gã gầy gầy cao cao, còn lão tam Thanh Mãng Kiếm Trần Đạt Hải người lùn nhỏ nhưng tinh ranh, vốn là kẻ chuyên chặn đường cướp của đất Liêu Đông, về sau lạc bước nơi Sơn Tây, cùng Hoắc Sử hai người tâm đầu ý hợp, ba người liền mở một tiêu cuộc nơi huyện Thái Cốc tên là Tấn Uy tiêu cuộc.

Sử Trọng Tuấn và vợ của Bạch Mã Lý Tam Thượng Quan Hồng vốn là sư huynh sư muội đồng môn, hai người học nghệ chung với nhau từ khi còn nhỏ. Sử Trọng Tuấn đem lòng yêu thương cô sư muội dịu dàng, kiều diễm, chính sư phụ của họ cũng có lòng tác hợp cho hai người cho nên ai ai trong môn phái cũng coi họ như vợ chồng chưa cưới. Nào ngờ Thượng Quan Hồng ngẫu nhiên gặp được Bạch Mã Lý Tam, vừa thấy đã đem lòng quyến luyến, tuy gia đình không bằng lòng cho hai người lấy nhau, Thượng Quan Hồng liền bỏ nhà theo y ra đi. Sử Trọng Tuấn vì đau lòng nên đau nặng, khi khỏi rồi tính tình cũng đổi hẳn. Y đối với sư muội tình yêu vẫn không dứt, về sau cũng chẳng lấy ai.

Cách biệt mười năm qua, nào ngờ Lã Lương tam kiệt gặp lại vợ chồng Lý Tam trên đường Cam Lương, vì chuyện tranh đoạt một bản địa đồ mà hai bên động thủ. Bọn họ hơn sáu chục người vây đánh hai người, từ Cam Lương đuổi theo đến tận Hồi Cương. Sử Trọng Tuấn vừa ghen tức, vừa thù hận nên ra tay càng thêm tàn nhẫn, mũi tên trên lưng Lý Tam chính là do y bắn lén.

Bây giờ Lý Tam đã bỏ mình nơi sa mạc, Sử Trọng Tuấn cưỡi ngựa chạy đến thấy Thượng Quan Hồng một mình đứng nơi đồng không mông quạnh, trong lòng không khỏi bồi hồi: “Bọn mình đã giết được chồng nàng rồi. Từ nay trở đi, ta phải đối với nàng thật tử tế”. Gió tây phơ phất thổi trên quần áo nàng, so với mười năm trước khi hai người con cùng chung luyện võ một trường không khác một mảy.

Binh khí của Thượng Quan Hồng là một đôi chủy thủ, một thanh cán vàng, một thanh cán bạc, trên giang hồ có một ngoại hiệu là Kim Ngân Tiểu Kiếm Tam Nương Tử. Lúc này trong tay nàng không cầm binh khí, trên mặt lại dường như đang mỉm cười.

Trong lòng Sử Trọng Tuấn lóe lên một tia hi vọng, ngực nóng ran, khuôn mặt xanh xao đỏ lên. Y cắm cây Mai Hoa Thương vào yên ngựa, nhảy xuống, kêu lên:

- Sư muội.

Thượng Quan Hồng hỏi:

- Lý Tam chết rồi ư?

Sử Trọng Tuấn gật đầu, nói:

- Sư muội, hai đưa mình xa nhau đã mười năm, ta... ta lúc nào cũng nhớ đến em.

Thượng Quan Hồng mỉm cười hỏi lại:

- Thực thế ư? Anh lại nói dối em rồi.

Trái tim Sử Trọng Tuấn đập thình thình, nụ cười kia, dáng điệu hờn dỗi kia, nào có khác gì cô gái nhỏ mười năm trước? Y dịu dàng nói:

- Sư muội, từ nay em đi theo anh, vĩnh viễn không để em phải phiền lòng.

Đôi mắt Thượng Quan Hồng bỗng lóe lên một tia sáng lạ lùng, kêu lên:

- Sư ca, anh đối với em thật tử tế.

Nàng giơ hai tay, sà vào lòng y. Sử Trọng Tuấn mừng quá, giang tay ôm chặt lấy nàng. Hoắc Nguyên Long và Trần Đạt Hải nhìn nhau mỉm cười, nghĩ thầm: “Lão nhị mười năm tương tư, hôm nay đã được thỏa nguyện”.

Sử Trọng Tuấn ngửi thấy mùi thơm nhè nhẹ, thần thái mơ mơ hồ hồ, lại thấy cánh tay Thượng Quan Hồng ôm xiết lấy mình, không dám tin đây là sự thật. Đột nhiên bụng dưới y thấy đau nhói, dường như có vật gì nhọn đâm vào. Y rú lên một tiếng, vận kình vào hai cánh tay đẩy Thượng Quan Hồng ra, nào ngờ nàng vẫn ghì chặt lấy y không chịu buông, sau cùng cả hai người đều ngã lăn xuống đất.

Biến cố đó xảy ra thật nhanh, Hoắc Nguyên Long và Trần Đạt Hải kinh hãi, vội vàng nhảy xuống ngựa, tiến lên cứu giúp. Khi lật Thượng Quan Hồng ra, ngực nàng đầm đìa những máu, đã cắm một thanh chủy thủ cán vàng, còn thanh chủy thủ cán bạc thì cắm vào bụng dưới Sử Trọng Tuấn. Thì ra Kim Ngân Tiểu Kiếm Tam Nương Tử quyết tâm chết theo chồng, đã ngầm để hai thanh kiếm dưới áo, một thanh hướng ra ngoài, một thanh hướng vào mình. Khi Sử Trọng Tuấn ôm lấy nàng, cả hai cùng trúng kiếm.

Thượng Quan Hồng chết ngay còn Sử Trọng Tuấn thoi thóp, nghĩ đến mình chết trong tay sư muội, y trong lòng đau thương thống khổ, so với vết thương trên người còn đau đớn hơn, kêu lên:

- Tam đệ mau giúp ta chết đi, cho ta khỏi phải chịu dày vò thêm nữa.

Trần Đạt Hải thấy vết thương của y không cách gì cứu chữa, đưa mắt nhìn đại ca. Hoắc Nguyên Long gật đầu, Trần Đạt Hải liền nghiến răng giơ kiếm nhắm đúng tim Sử Trọng Tuấn đâm vào. Hoắc Nguyên Long thở dài:

- Đâu có ngờ Kim Ngân Tiểu Kiếm Tam Nương Tử lại cứng cỏi đến thế.

Khi đó một tên thủ hạ tiêu đầu phi ngựa đến báo: “Đã tra xét toàn thân Bạch Mã Lý Tam nhưng không thấy bức địa đồ”. Hoắc Nguyên Long chỉ vào Thượng Quan Hồng nói:

- Nếu thế thì chắc ở trên người nàng ta.

Lại một phen tra xét kỹ càng, trong người Thượng Quan Hồng chỉ có vài lạng bạc vụn, vài bộ quần áo thay đổi, không còn gì khác. Hoắc Nguyên Long và Trần Đạt Hải hai người ngơ ngẩn nhìn nhau, vừa thất vọng, vừa kỳ quái. Bọn họ từ Cam Lương đuổi đến Hồi Cương, trước sau bám sát vợ chồng Lý Tam, địa đồ nếu như giữa đường giao cho người khác, quyết không thể nào thoát khỏi mấy chục cặp mắt, huống chi hai vợ chồng y xả mệnh bảo vệ bản đồ, làm sao có thể tùy tiện giao cho người khác. Trần Đạt Hải xem xét kỹ mọi vật trong bao của Thượng Quan Hồng một lần nữa, đến lúc thấy bộ quần áo trẻ con, liền chợt nghĩ ra, nói:

- Đại ca, mau đuổi theo con bé kia.

Hoắc Nguyên Long “A” lên một tiếng, nói:

- Không có gì phải lo, con nhãi đó ở trên sa mạc mênh mông thế này chạy đâu cho thoát?

Y vung tay một cái, kêu lên:

- Để lại hai người an táng Sử nhị gia, còn bao nhiêu theo ta.

Y giật cương phi ngựa chạy trước. Tiếng vó ngựa cộp cộp, tiếng hò hét liên miên, hơn trăm con ngựa cùng đuổi theo.

Đứa con gái nhỏ chạy trước đã lâu, lúc này đã ngoài hai chục dặm. Thế nhưng giữa sa mạc trống không như thế này, mắt nhìn xa cả chục dặm, đứa bé tuy đã chạy xa nhưng càng lâu thì bọn kia càng gần. Quả nhiên đến xế chiều, Trần Đạt Hải đột nhiên lớn tiếng kêu lên:

- Ở trước mặt.

Chỉ thấy tít mù xa một điểm đen đang di động ngay tại đường chân trời. Con ngựa trắng tuy là thần tuấn nhưng từ sáng đến chiều chạy không dừng bước, cũng chịu không nổi. Còn bọn Hoắc Nguyên Long và Trần Đạt Hải liên tiếp đổi ngựa mới nên dần dần đuổi đến nơi.

Con bé con Lý Văn Tú nằm gục trên lưng con ngựa trắng, vì quá mệt mỏi nên đã mơ mơ màng màng ngủ thiếp đi. Cả ngày hôm nay nó không ăn không uống gì, dưới ánh nắng gay gắt của sa mạc đã khô cả môi. Con ngựa dường như có linh tính, biết kẻ đang đuổi theo tính hại tiểu chủ nhân, nên cứ nhắm hướng mặt trời đỏ ửng kia mà chạy tới. Đột nhiên con ngựa chồm hai chân trước lên, hí một tiếng dài, nó đã ngửi thấy mùi vị gì đặc biệt, trong tiếng hí có ẩn một niềm kinh hãi.

Hoắc Nguyên Long và Trần Đạt Hải đều là người võ công tinh thâm, dù chạy đường dài cũng không coi vào đâu nhưng lúc này bỗng cảm thấy hơi khó thở, ngộp không chịu nổi. Hoắc Nguyên Long nói:

- Tam đệ, xem chừng có chuyện gì không ổn.

Trần Đạt Hải đưa mắt nhìn bốn bề, xem xét tình hình, thấy phía tây bắc bên cạnh ánh chiều tà đỏ rực, bốc lên một đám mây vàng mù mù, trong đám mây có ẩn ánh sáng màu tím đỏ lấp lánh, cảnh sắc thật là đẹp đẽ kỳ lạ, trong đời chưa từng thấy bao giờ. Đám mây vàng đó bành trướng thật nhanh, chưa đến một bữa ăn đã phủ kín một nửa bầu trời. Lúc này mấy chục người trong mã đội đều đổ mồ hôi hột, ho khạc luôn mồm. Trần Đạt Hải nói:

- Đại ca, hình như là có bão cát.

Hoắc Nguyên Long đáp:

- Đúng thế, chạy nhanh lên, bắt lấy con nhỏ kia trước, rồi sẽ tìm cách tránh...

Y nói chưa dứt câu, đột nhiên một cơn gió giật ùa tới, mang theo một khối cát lớn, khiến đầu cổ mặt mũi y đầy cát vàng, không sao nói tiếp được. Bão cát trên sa mạc muốn đến là đến, ngay sau đó gió đổ ào tới. Bảy tám người thân hình lảo đảo bị gió thổi ngã xuống ngựa. Hoắc Nguyên Long kêu lên:

- Tất cả xuống ngựa, tụ lại một chỗ.

Mọi người cố sức chống lại cơn bão cát, kéo hơn một trăm con ngựa lại thành một vòng tròn lớn, người cũng như vật đều nằm phục xuống. Mọi người ai nấy tay nắm tay, nằm mọp xuống cạnh bụng ngựa, chỉ thấy gió giật từng hồi thổi cát bay qua mặt chẳng khác gì dao cắt, mặt mũi chân tay đều bị cào xước thành từng vệt rướm máu.

Tuy nhóm đó người có đông thật nhưng ở nơi sa mạc mênh mông không bờ bến này, bị cơn bão cát bao trời phủ đất như thế, nào có khác gì một chiếc thuyền con trong bể cả, chỉ đành phó mặc cho số mệnh đẩy đưa, không còn gì quyết định được. Gió mỗi lúc một mạnh, lớp cát phủ trên thân người, vật mỗi lúc một dày...

Tuy Hoắc Nguyên Long và Trần Đạt Hải là những kẻ không biết sợ là gì, lúc này trước uy lực của trời đất cũng đành bó tay. Trong lòng hai người đều nổi lên cùng một ý nghĩ: “Cũng chỉ vì muốn tìm được Cao Xương mê cung mà mình từ Sơn Tây bôn ba đến tận chốn sa mạc hoang vu này, chịu chết nơi đây”.

Gió vẫn ù ù rít lên chẳng khác hàng nghìn hàng vạn con quỉ dữ cùng ra uy một lượt.

Cơn bão cát tiếp tục thổi qua đêm, đến sáng hôm sau thì giảm dần. Hoắc Nguyên Long và Trần Đạt Hải lóp ngóp từ trong đống cát chui ra, kiểm điểm nhân mã, nhưng tổn thất cũng không nhiều, chỉ chết mất hai tên chạy cờ và năm con ngựa. Thế nhưng ai nấy đều mỏi mệt, gân cốt mềm nhũn. Điều đáng nói là con ngựa trắng và đứa bé kia không biết đã đi đâu mất, mười phần thì chín chắc chết trong cơn bão vừa rồi. Những người đàn ông cường tráng biết võ cũng còn chịu không nổi, huống chi một đứa bé yếu đuối mảnh mai.

Mọi người ở trên sa mạc nhóm lửa nấu cơm, nghỉ ngơi nửa ngày. Hoắc Nguyên Long truyền lệnh xuống:

- Ai phát hiện được tung tích đứa bé và con ngựa trắng sẽ được thưởng năm chục lượng hoàng kim.

Những người theo y đến đất Hồi Cương đều là dân giang hồ tứ chiếng đất Tấn Thiểm Cam Lương, đi hàng nghìn dặm chẳng qua cũng vì tiền, năm chục lượng vàng không phải ít. Mọi người reo hò vang dậy, hơn năm chục người liền túa ra khắp mọi hướng, chẳng khác gì một chiếc quạt lớn xòe ra. “Bạch mã, con bé con, năm chục lạng vàng” trong đầu người nào cũng chỉ còn lởn vởn ba món ấy. Có người chạy qua hướng tây, có người chạy qua hướng nam, hẹn với nhau khi trời sẩm tối sẽ gặp nhau sáu mươi dặm hướng chính tây.

*

* *

Lưỡng Đầu Xà Đinh Đồng nhảy lên một con ngựa khỏe, giục ngựa chạy về hướng tây bắc. Y là tiêu sư của Tấn Uy tiêu cuộc đã mười bảy năm, võ công tuy không giỏi lắm nhưng tinh minh tháo vát, là một thủ hạ đắc lực của Lã Lương tam kiệt. Y chạy một mạch hơn hai chục dặm, chẳng thấy bóng một đồng bọn nào, trong sa mạc mênh mông đột nhiên trong lòng nổi lên một mối cô tịch kinh sợ. Y thúc ngựa chạy lên một đồi cát nhìn ra phía trước thấy nơi tây bắc có một mảng màu xanh, có bảy tám cây liễu cao vọt lên. Trên sa mạc không cây cỏ gì mọc được như thế này, bỗng nhìn thấy một ốc đảo xanh tươi, y vui mừng không biết chừng nào: “Trong ốc đảo này ắt có suối nước nếu không có người ở thì tất cả bọn mình cũng có nơi nghỉ ngơi”. Con ngựa dường như cũng đã nhìn thấy có cỏ có nước, tinh thần cao hứng không đợi Đinh Đồng thúc giục, phi nước đại phóng thẳng đến đó.

Đoạn đường mươi dặm chỉ một lát tới ngay, từ xa nhìn lại chỉ thấy một vùng thảo nguyên không bờ bến, trên đồng đầy bò cừu. Phía cực tây là những lều vải, từng hàng từng hàng đến sáu bảy trăm căn. Đinh Đồng nhìn thấy thế, không khỏi kinh hãi. Từ khi y vào đến đất Hồi Cương đến giờ, nếu có thấy lều vải thì một nơi cùng lắm chỉ ba bốn chục chiếc là cùng, còn một bộ tộc lớn như thế này đây là lần đầu y trông thấy. Xem hình dáng các lều vải, đây hẳn là bộ tộc Cáp Tát Khắc[2].

Người Cáp Tát Khắc là dân tộc hiếu võ nhất, không kể nam nữ, sáu bảy tuổi trở lên đã sống trên lưng ngựa. Đàn ông con trai luôn luôn mang dao, tài cưỡi ngựa, bắn tên, và đánh đao nổi tiếng vùng biên thùy phía tây. Người ta đã nói rằng: “Một người Cáp Tát Khắc có thể đánh với một trăm người thường, còn một trăm người Cáp Tát Khắc thì có thể hoành hành đất Hồi Cương”. Đinh Đồng đã từng nghe câu đó, nghĩ thầm: “Ở trong bộ tộc Cáp Tát Khắc thì phải hết sức cẩn thận”.

Lại thấy nơi đông bắc, dưới chân một quả núi nhỏ, chơ vơ một túp lều tranh. Cái lều đó mái tranh vách đất, trông chẳng khác gì nhà của người Hán trong nội địa, có điều rất sơ sài. Đinh Đồng nghĩ thầm: “Mình đến căn nhà đó xem thử đã”. Y bèn giục ngựa chạy đến túp lều tranh. Con ngựa y cỡi đã qua một ngày một đêm chưa ăn gì, nay thấy cỏ non khắp nơi, bước một bước lại ngoạm một miếng, đi thật chậm chạp.

Đinh Đồng giơ chân đá mạnh vào bụng con vật, con vật bị đau, vội chạy một mạch đến căn nhà nhỏ. Đinh Đồng vừa ghé mắt thấy ngay sau nhà buộc một con ngựa trắng cao lớn, chân khỏe bờm dài, chính là con ngựa Lý Tam cưỡi. Y nhịn không nổi kêu lên:

- Bạch mã, bạch mã ở đây rồi!

Y trong bụng tính toán, vội xuống ngựa rút trong giày ra một thanh đoản đao sắc bén, dấn vào trong tay áo, rón rén đi tới phía sau nhà, đang toan thò đầu vào cửa sổ thăm dò, nào ngờ con ngựa trắng lại hí lên một tràng dài, dường như đã phát giác được y.

Đinh Đồng trong bụng chửi thầm: “Đồ súc sinh!”. Y trấn tĩnh lại, lại thò đầu vào cửa sổ lần nữa, nào ngờ bên trong cũng lại có người thò đầu ra. Mũi của Đinh Đồng suýt nữa đụng phải mũi của người kia, chỉ thấy người nọ mặt đầy vết nhăn, đôi mắt trừng trừng. Đinh Đồng giật mình kinh hãi, hai chân điểm một cái, lật đật lùi lại, quát lên:

- Ai đó?

Người kia lạnh lùng hỏi lại:

- Ngươi là ai? Đến đây làm gì?

Người đó nói tiếng Hán. Đinh Đồng hơi định thần, ngoạc mồm cười nói:

- Tại hạ họ Đinh, tên Đồng, vô tình đến nơi đây làm kinh động đến lão trượng. Xin hỏi lão trượng cao tính đại danh là gì?

Ông già kia đáp:

- Lão họ Kế.

Đinh Đồng cười cầu tài:

- Hóa ra là Kế lão trượng. Nơi sa mạc gặp được người đồng hương thật chẳng khác gì gặp được người nhà. Tại hạ mạo muội vào xin một chén trà uống.

Kế lão nhân nói:

- Ngươi đi bao nhiêu người thế?

Đinh Đồng đáp:

- Chỉ có một mình tại hạ đến đây thôi.

Ông già hừ một tiếng, dường như không tin, lạnh lùng nhìn vào mặt y như dò xét. Đinh Đồng bị ông ta soi mói, tâm thần bất định chỉ cố gượng cười. Một người lạnh lùng khinh khỉnh, một người sượng sùng toét miệng, hai bên nhìn nhau giây lát. Kế lão nhân nói:

- Muốn xin trà sao không vào cửa chính lại thò đầu vào cửa sổ là sao?

Đinh Đồng cười đáp:

- Phải lắm, phải lắm.

Y quay vòng qua cửa chính đi vào nhà. Căn lều đồ đạc đơn sơ nhưng bàn ghế sạch sẽ, quát dọn tươm tất. Đinh Đồng ngồi xuống đưa mắt nhìn quanh, thấy đằng sau đi ra một đứa bé gái, trong tay cầm một chén trà. Hai người mắt chạm nhau, đưa bé giật mình hoảng sợ, nghe choang một tiếng, chén trà tuột tay rơi xuống đất vỡ tan tành.

Đinh Đồng trong lòng như mở cờ trong bụng. Con bé này chính là người Hoắc Nguyên Long treo giải thưởng truy tầm, y nhìn thấy con ngựa trắng, mười phần đến tám tin chắc nó ở trong nhà này, thế nhưng bây giờ gặp mặt lòng vui sướng không dấu nổi lộ ra nét mặt.

Đêm hôm qua khi có trận bão cát, Lý Văn Tú nằm thiếp đi trên lưng ngựa bất tỉnh. Con ngựa ngửi thấy mùi cỏ, mùi nước cố vượt gió cát chạy đến thảo nguyên này. Kế lão nhân thấy đứa bé ăn mặc lối người Hán, vội vàng đem nó vào nhà. Nửa đêm đứa nhỏ tỉnh lại, không thấy cha mẹ đâu, khóc lóc không ngừng. Kế lão nhân thấy nó trắng trẻo xinh xắn, không khỏi nhủ lòng thương xót, hỏi nó tại sao lại lạc vào đại mạc, cha mẹ là ai. Lý Văn Tú nói cha nó tên là Bạch Mã Lý Tam, còn mẹ nó thì không biết, nhưng nghe bọn người ác độc đuổi theo gọi là Tam Nương Tử, còn đi đến Hồi Cương làm gì thì nó không biết. Ông già lẩm bẩm: “Bạch Mã Lý Tam, Bạch Mã Lý Tam. Y là hiệp đạo hoành hành Giang Nam, sao lại đến đất Hồi Cương?”.

Ông ta cho Lý Văn Tú một bát sữa lớn rồi cho nó ngủ. Trong lòng ông lão trăn trở những chuyện mười năm qua, tâm tình dạt dào như sóng biển nên không ngủ được. Lý Văn Tú ngủ một mạch đến tận giờ thìn hôm sau mới dậy, lại xin Kế gia gia đưa nó đi kiếm cha mẹ. Ngay khi đó Lưỡng Đầu Xà Đinh Đồng lấm lấm lét lét mò đến, thò đầu vào cửa sổ thăm dò, mọi việc đều không qua khỏi mắt Kế lão.

Lý Văn Tú đánh rơi chén trà, Kế lão nhân nghe tiếng vội chạy lại. Lý Văn Tú sà vào lòng ông, kêu lên:

- Gia gia, y... y là ác nhân đang đuổi theo cháu đó.

Kế lão vuốt tóc đứa nhỏ, nhỏ nhẹ nói:

- Đừng sợ, đừng sợ. Y không phải ác nhân đâu.

Lý Văn Tú đáp:

- Phải mà! phải mà! Bọn họ mấy chục người đuổi theo đánh cha mẹ cháu đó.

Kế lão nghĩ thầm: “Bạch Mã Lý Tam với ta vô thân vô cố, không hiểu gây thù chuốc oán với bọn này như thế nào, việc gì ta phải dây dưa vào”. Đinh Đồng liếc mắt thăm chừng ông già, chỉ thấy ông ta râu tóc bạc phơ, không còn sợi nào đen, thân thể to cao, nhưng lưng còng run rẩy thật là yếu đuối, nghĩ thầm: “Lão này chẳng một trăm thì cũng phải chín chục, nơi đây lại chẳng có ai, đánh cho lão gục xuống bắt con bé và con ngựa trắng rồi đi ngay để khỏi đêm dài lắm mộng, để lâu sinh chuyện”. Y đột nhiên khum tay đưa lên tai phải làm như lắng nghe, nói:

- Có người đến.

Nói xong rảo bước đi tới bên cửa sổ. Kế lão không nghe tiếng chân người nhưng thấy Đinh Đồng làm như thế lại tưởng thực, cũng đến cửa sổ nhìn ra, chỉ thấy trên cánh đồng bò cừu đang cắm cúi ăn cỏ, bốn bề tĩnh mịch, không thấy bóng dáng ai bèn hỏi:

- Có thấy ai đâu?

Chỉ nghe Đinh Đồng phá lên cười, trên đầu thấy có gió ập xuống một bàn tay từ cao đã đập lên đầu ông già. Nào ngờ Kế lão tuy già yếu lụm cụm, nhưng thân thủ lại hết sức nhanh nhẹn, chưởng của Đinh Đồng còn cách đầu ông vài tấc, ông lão liền nghiêng qua một bên, tiếp theo bàn tay móc một cái, thi triển đại cầm nã thủ, chộp ngay được cổ tay phải y. Đinh Đồng biến chiêu cũng thật mau lẹ, tay phải giựt về không được liên tống tay trái, con dao dấu trong tay áo liền đâm ra, chỉ thấy lấp loáng, nghe soẹt một tiếng, lưỡi dao đã trúng ngay lưng bên trái của Kế lão.

Lý Văn Tú kinh hoảng kêu lên:

- Ối chao.

Nó có được cha mẹ dạy cho hai năm võ công, nay thấy Kế lão trúng dao liền nhảy tới, hai bàn tay đấm thùm thụp vào lưng Đinh Đồng. Ngay lúc đó, Kế lão đã co tay trái, thúc cùi chỏ vào ngay ngực Đinh Đồng, lực đạo thật là mãnh liệt, Đinh Đồng chỉ hự lên được một tiếng, thân thể nhũn xuống, nằm gục trên mặt đất, máu miệng trào ra, chết ngay.

Lý Văn Tú lắp bắp:

- Gia gia, ông... lưng ông trúng dao...

Kế lão thấy đứa bé nước mắt doanh tròng, nghĩ thầm: “Con bé này tâm địa thật là tốt”. Lý Văn Tú lại nói:

- Gia gia, vết thương của ông... để cháu rút dao ra cho ông nhé?

Nói xong nó giơ tay cầm chuôi dao. Mặt Kế lão bỗng sầm xuống, giận dữ nói:

- Ngươi đừng lo cho ta.

Ông lão vịn vào bàn, thân hình lảo đảo, lẩy bẩy đi vào trong phòng, nghe cạch một tiếng đã đóng cửa lại. Lý Văn Tú thấy ông ta đột nhiên nổi nóng sợ lắm, lại thấy Đinh Đồng nằm chèo queo dưới đất, sợ y chồm dậy giết mình, càng nghĩ càng lo, chỉ muốn co giò bỏ chạy ra ngoài nhưng nghĩ đến Kế lão đang bị thương chẳng ai chăm sóc không nỡ bỏ đi.

Nó suy nghĩ rồi đi đến bên cửa phòng, nhè nhẹ gõ mấy tiếng, không thấy bên trong động tĩnh gì nên kêu lên:

- Gia gia, gia gia, ông có đau không?

Chỉ nghe Kế lão gắt lên:

- Cút đi, cút đi. Đừng đến quấy rầy ta.

Giọng đó khác hẳn bình thường ôn tồn hiền dịu khiến Lý Văn Tú sợ quá không dám nói thêm, ngơ ngẩn ngồi bệt xuống đất, ôm đầu tấm tức khóc. Bỗng nghe kẹt một tiếng, cửa phòng mở ra, một bàn tay nhẹ nhàng xoa đầu nó, có tiếng ông già nhỏ nhẹ:

- Đừng khóc, đừng khóc, vết thương của gia gia không sao cả.

Lý Văn Tú ngửng đầu lên thấy Kế lão đang mủm mỉm, trong bụng vui mừng liền phá ra cười. Ông lão cũng cười theo:

- Vừa khóc lại cười, không biết xấu ư?

Lý Văn Tú rúc đầu vào lòng ông, nó cảm thấy một tấm thân tình ấm áp của ông già cho nó. Kế lão nhíu mày, nhìn xác Đinh Đồng nghĩ thầm: “Y với ta không thù không oán sao bỗng dưng hạ độc thủ nhỉ?”. Lý Văn Tú vẫn lo cho ông nên hỏi:

- Gia gia, lưng ông vết thương có sao không?

Lúc này ông già đã thay một bộ trường bào thành thử nó không biết thương thế ra sao. Nào ngờ vừa nghe con bé nhắc lại chuyện cũ, dường như nhắc lại một chuyện cực kỳ xấu hổ nhục nhã, mặt ông lão liền hiện vẻ bực bội, gắt:

- Sao ngươi cứ léo nhéo gì thế?

Bỗng nghe con ngựa trắng từ bên ngoài hí lên một tiếng dài, ông già suy nghĩ một chập rồi đi vào phòng chứa củi lấy ra một thùng chất nhuộm màu vàng. Đây là loại vật liệu người ta dùng để đánh dấu lên trên đàn cừu bò để cho khỏi lẫn với cừu bò của người khác, dù có mưa gió cũng không phai. Ông lão xách thùng tới bên con ngựa bôi nó từ đầu tới chân, sau đó sang bên lều người Cáp Tát Khắc xin một bộ quần áo con trai cũ, bảo Lý Văn Tú thay ra. Lý Văn Tú rất thông minh nói:

- Gia gia, ông làm thế để cho bọn ác nhân không nhận ra cháu phải chăng?

Kế lão gật đầu, thở dài nói:

- Gia gia già mất rồi. Ôi, lúc nãy để y đâm trúng một dao.

Lần này chính ông ta nhắc đến nhưng Lý Văn Tú không dám tiếp lời. Kế lão đem thi thể Đinh Đồng chôn đi, lại đem con ngựa y cưỡi đến giết thịt, không để lại chút dấu vết gì, sau đó mới ra cửa lấy một thanh đao dài ngồi mài.

Những việc ông ta làm quả nhiên không phí, ngay buổi chiều hôm đó, Hoắc Nguyên Long và Trần Đạt Hải đã dẫn bọn lâu la tiến vào vùng đồng cỏ cướp bóc một trận. Vùng này xưa nay vốn không có cướp bóc, người Cáp Tát Khắc tuy hiếu võ thiện chiến nhưng không phòng bị trước, đàn ông con trai đi lên vùng tây bắc săn thú chăn nuôi, chỉ còn toàn đàn bà trẻ con ở lại nên khi bọn lục lâm Trung Nguyên đến tấn công trở tay không kịp. Bảy người đàn ông bị chúng giết chết, năm người đàn bà bị chúng bắt đi. Bọn giặc đó cũng xông vào nhà của Kế lão nhưng không ai nghi ngờ gì một ông già với một đứa trẻ Cáp Tát Khắc. Lý Văn Tú mặt mày lem luốc, nép trong một góc nhà, không ai để ý mắt nó bừng lên đầy thù hận. Nó đã nhìn thấy rõ ràng, thanh bội kiếm của cha nó lủng lẳng nơi hông Hoắc Nguyên Long còn đôi kim ngân tiểu kiếm của mẹ nó thì cài nơi thắt lưng Trần Đạt Hải. Đây là binh khí bất ly thân của cha mẹ nó, con bé tuy còn nhỏ nhưng cũng đoán ra rằng cha mẹ nó đã gặp chuyện chẳng lành.

Đến ngày thứ tư, đàn ông con trai Cáp Tát Khắc từ phương bắc quay về, lập tức tổ chức thành đoàn ngũ đi kiếm bọn cường đạo người Hán báo thù. Thế nhưng sa mạc mênh mông không thấy tung tích họ đâu cả, chỉ thấy năm người đàn bà bị chúng bắt đi. Cả năm người đều đã chết, quần áo bị lột sạch, chết thật thê thảm. Họ cũng tìm thấy xác của Bạch Mã Lý Tam và Kim Ngân Tiểu Kiếm Tam Nương Tử cùng kéo cả về.

Lý Văn Tú thấy xác cha mẹ liền nhào tới ôm khóc nức nở. Một tên Cáp Tát Khắc chân mang giày da, giơ lên đá vào con bé một cái, cất tiếng chửi:

- Xin Chúa phạt bọn người Hán ăn cướp chúng mày.

Kế lão ôm Lý Văn Tú về nhà, không thèm tranh cãi với gã Cáp Tát Khắc. Trong lòng con bé chỉ nghĩ đến: “Sao trên đời này lắm kẻ ác đến thế? Ai ai cũng đều hiếp đáp ta thế này?”

Đến nửa đêm, Lý Văn Tú lại nằm mơ khóc thút thít, vừa mở mắt ra, thấy ngay bên giường một người ngồi đó. Đứa trẻ kinh hãi kêu thất thanh, ngồi nhỏm dậy, chỉ thấy Kế lão đang nhìn nó chăm chăm, mắt đầy vẻ thương xót, giơ tay xoa đầu con bé nói:

- Không sợ, không sợ, gia gia đây.

Nước mắt Lý Văn Tú như những hạt trân châu chảy dài hai bên má, nằm gục vào trong lòng ông già, khóc ướt đẫm cả vạt áo Kế lão. Kế lão nói:

- Con ơi, con không còn cha mẹ, vậy cứ coi ta như ông nội, sống ở đây với ta. Gia gia sẽ đối đãi với con tử tế.

Lý Văn Tú vừa khóc vừa gật đầu, nghĩ đến bọn ác nhân giết hại cha mẹ mình, lại nhớ đến gã Cáp Tát Khắc hung hăng đá nó lúc nãy. Cú đá đó thật mạnh khiến hông nó bị sưng một mảng lớn, nó không nhịn nổi hỏi ông già:

- Ông ơi, sao ai cũng hiếp đáp cháu vậy? Cháu có làm gì xấu xa đâu?

Kế lão thở dài nói:

- Những người bị hà hiếp trên đời này đều là những người không làm gì xấu cả.

Ông đổ trong bình ra một bát sữa, bưng cho đứa bé uống, lấy chăn đắp lên người cho nó nói:

- Tú nhi, kẻ đá con ban chiều tên là Tô Lỗ Khắc. Y là một người chính trực tốt bụng đấy.

Lý Văn Tú trợn tròn đôi mắt, thật lạ lùng hỏi:

- Y... y là người tốt sao?

Kế lão gật đầu:

- Đúng vậy, y tốt bụng lắm. Y cũng chẳng khác gì con đâu, trong một ngày chết mất hai người thân yêu nhất, một người là vợ y, một người là con lớn của y, cả hai đều bị bọn cường đạo kia giết chết. Thành ra y thấy người Hán đều xấu xa, y chửi con bằng tiếng Cáp Tát Khắc là “Xin Chúa phạt bọn người Hán ăn cướp chúng mày”. Con đừng giận y, y trong lòng đau khổ, cũng chẳng khác gì con đâu. Ồ không, y lớn rồi, ắt thấy đau buồn nhiều hơn con gấp bội, thấm thía hơn con gấp bội.

Lý Văn Tú ngơ ngẩn nghe, nó vốn không thù ghét gì gã Cáp Tát Khắc mặt đầy râu ria kia, chỉ có điều thấy bộ dạng y hung ác quá nên sợ hãi, bây giờ nghĩ lại, gã râu ria ấy mắt ướt nhòe, có điều không rơi xuống thôi. Nó không hiểu Kế lão nói gì, tại sao người lớn lại đau khổ hơn trẻ con, nhưng đối với gã râu xồm kia không khỏi nổi lên một mối đồng tình.

Từ ngoài cửa vọng vào một tiếng chim kêu thật lảnh lót, thanh âm vang ra xa nhưng nghe vẫn rõ ràng, thật là ngọt ngào, lại cũng thật thê lương, chẳng khác nào tiếng hát trong trẻo thánh thót của một thiếu nữ.

Lý Văn Tú lắng tai nghe, tiếng hót xa dần, sau cùng không còn nghe thấy nữa. Cơn đau buồn của cô gái dường như có chiều an ủi, lặng người hồi lâu rồi nói nhỏ:

- Gia gia, con chim đó hót nghe thật là hay.

Kế lão nói:

- - Đúng thế, nó hót hay thật. Đây là con chim thiên linh, tiếng hót của nó chẳng khác nào tiếng nhạc trời. Chim này chỉ đến tối mới hót thôi, ban ngày nó ngủ. Có người bảo đây là vì sao trên trời giáng trần. Người Cáp Tát Khắc thì bảo rằng con chim này là một cô gái rất xinh đẹp, hát rất hay chết hóa thành. Tình lang của nàng không yêu nàng nên cô ta đau lòng mà chết.

Lý Văn Tú ngơ ngẩn hỏi lại:

- Sao cô ấy rất xinh đẹp, hát rất hay mà người ấy lại không yêu là sao?

Kế lão lặng người, thở dài một tiếng đáp:

- Trên đời này có biết bao nhiêu chuyện, cháu còn bé không hiểu được đâu.

Ngay lúc đó từ thảo nguyên lại vọng về tiếng hót của con chim thiên linh, nghe vừa ngọt ngào, vừa chua xót.

*

* *

Cứ như thế, Lý Văn Tú ở nhà ông già họ Kế, giúp ông chăn cừu nấu cơm, hai người chẳng khác gì ông cháu ruột. Ban đêm, mỗi khi Lý Văn Tú nằm mơ tỉnh dậy, nghe tiếng hót của chim thiên linh, rồi từ tiếng chim kêu lại thiếp đi. Trong giấc mộng, con bé mơ thấy phong cảnh Giang Nam, có liễu xanh, có đào hồng, cha nó ôm nó trên lòng và nụ cười của mẹ nó...

Qua mùa thu, rồi lại hết mùa đông, ngày tháng trôi dần. Lý Văn Tú học tiếng Cáp Tát Khắc, và biết bao nhiêu chuyện của vùng thảo nguyên. Ông già biết cất những loại rượu vừa nồng, vừa thơm mà đàn ông Cáp Tát Khắc thì thích uống rượu mạnh. Ông già cũng biết chữa bệnh tật cho bò cừu ngựa, nhiều con người Cáp Tát Khắc không chữa được đem đến ông đều chữa khỏi. Bò cừu ngựa chẳng khác nào tính mệnh của người Cáp Tát Khắc, tuy họ không thích người Hán nhưng không có ông không được, nên đành đem bò cừu đến đổi lấy rượu vừa thơm vừa nồng của ông, hay nhờ ông chữa bệnh cho súc vật.

Những căn lều của người Cáp Tát Khắc di chuyển khắp bốn hướng đông tây nam bắc trên thảo nguyên. Kế lão có khi di chuyển theo họ, có khi thì ở lại túp lều tranh, đợi họ quay lại. Một buổi tối, Lý Văn Tú lại nghe thấy tiếng chim thiên linh hót, thấy tiếng hót mỗi lúc một xa, lúc có lúc không, mỗi lần gió đưa tới thì nghe được, rồi lại không thấy gì. Lý Văn Tú ngồi dậy khoác áo, ra đằng sau dắt con ngựa trắng, sợ làm ông lão tỉnh dậy, dẫn con ngựa đi ra xa lúc ấy mới lên yên, lần theo tiếng chim hót đi tới.

Trên thảo nguyên ban đêm, bầu trời thật cao thật xanh, các vì sao lấp lánh, mùi cỏ và mùi hoa thơm ngát. Tiếng chim hót thật rộn ràng, thật uyển chuyển, lại thật tình tứ. Lý Văn Tú nghe tiếng chim mừng rỡ, xuống ngựa để cho con vật tự do ăn cỏ. Cô bé nằm ngửa mặt lên trời, đắm mình theo tiếng chim hót.

Con chim thiên linh hót một hồi lại bay xa vài trượng. Lý Văn Tú ở dưới đi lần theo, nghe thấy cả tiếng chim vỗ cánh, nhìn thấy cả thân hình nho nhỏ màu vàng nhạt của nó, thấy nó mổ dưới đất kiếm ăn. Con chim mổ mấy nhát lại bay tới một đoạn, lại cắm cúi mổ thức ăn.

Con chim kiếm mồi thật mải mê, đột nhiên nghe sạch một tiếng, dưới cỏ nhảy lên một vật gì đen xì, chụp luôn con chim thiên linh lại. Lý Văn Tú thất thanh kêu lên, lẫn trong tiếng kêu của nó có tiếng một đứa trẻ khác hò reo, từ trong đám cỏ cao nhảy ra một đứa bé trai Cáp Tát Khắc, đắc ý kêu lên:

- Bắt được rồi, bắt được rồi.

Y lấy áo ngoài bao con chim thiên linh lại, con chim kinh hoảng kêu chiêm chiếp, nghe tiếng vang ra thật thảm thiết. Lý Văn Tú vừa kinh hãi vừa tức tối, kêu lên:

- Ngươi làm gì thế?

Đứa con trai đáp:

- Ta bắt chim thiên linh, ngươi cũng bắt nó à?

Lý Văn Tú hỏi lại:

- Bắt nó làm gì? Sao không để cho nó vui vẻ hót cho mình nghe?

Đứa con trai đáp:

- Bắt về chơi.

Nó đưa tay vào trong chiếc áo khoác, khi lôi ra trong tay đã có một con chim màu vàng nhạt nằm gọn trong đó. Con chim cố sức vùng vẫy nhưng làm sao thoát ra khỏi tay thằng bé được?

Lý Văn Tú nói:

- Tha nó ra đi, ngươi không thấy nó tội nghiệp lắm sao?

Thằng bé đáp:

- Tao rắc gạo thành một đường dài dụ cho con chim theo vào. Ai bảo nó tham ăn gạo của tao? Ha ha.

Lý Văn Tú ngơ ngẩn, ở trên đời đây là lần đầu nó hiểu thế nào là “cạm bẫy”. Người ta biết chim thích ăn thóc gạo nên rắc ra để dụ nó đi vào tử lộ. Tuy nó còn nhỏ có biết đâu bao nhiêu nghìn năm qua, con người đã biết rằng “Chim tham ăn sa vào vòng lưới, Cá tham mồi mắc phải lưỡi câu”. Nó chỉ mang máng biết rằng cơ mưu con người thật gớm ghê, hiểu rằng “dẫn dụ” là một cách mà người ta khó mà thoát ra được. Dĩ nhiên nó chỉ hiểu rất mù mờ, không hiểu được bên trong còn những ý nghĩa gì.

Thằng bé nghịch con chim thiên linh khiến con vật bé bỏng kêu lên những tiếng thật thống khổ. Lý Văn Tú nói:

- Ngươi cho ta con chim đi, có được không?

Thằng bé hỏi lại:

- Thế ngươi trả cho ta cái gì?

Lý Văn Tú thò tay vào túi sờ thử, nó chẳng có gì hết, không khỏi bối rối, nghĩ ra một chuyện bèn nói:

- Để ngày mai ta may cho ngươi một cái túi thật đẹp ngươi đeo, được không?

Thằng nhỏ kia cười:

- Ta đâu có ngu thế, ngày mai ngươi trây ra không đưa thì sao?

Lý Văn Tú mặt đỏ lên nói:

- Ta đã nói là cho ngươi thể nào cũng đưa, sao lại trây ra bao giờ.

Đứa con trai lắc đầu:

- Ta không tin.

Dưới ánh trăng, nó thấy cổ tay Lý Văn Tú đeo một cái vòng ngọc sáng lấp lánh, buột miệng hỏi:

- Trừ khi ngươi cho ta cái vòng kia.

Cái vòng đó là mẹ nó cho nó, ngoài cái vòng ra không còn một kỷ niệm nào khác của mẹ cả. Nó không muốn cho nhưng thấy con chim thật đáng thương, nên đành tháo chiếc vòng đưa cho thằng bé nói:

- Cho mày đó.

Thằng nhỏ không ngờ con bé bằng lòng, cầm chiếc vòng, hỏi lại:

- Ngươi không đòi lại đấy chứ?

Lý Văn Tú đáp:

- Không.

Đứa con trai nói:

- Được.

Nói xong đưa con chim thiên linh cho Lý Văn Tú. Lý Văn Tú hai tay ôm con chim, lòng bàn tay thấy con vật thật mềm mại, cả tiếng trái tim con chim giật giật. Nó lấy ba ngón tay phải vuốt ve nhè nhẹ lên bộ lông, rồi mở tay ra nói:

- Chim ơi, chim bay đi chim. Lần sao thì cẩn thận đừng để cho người ta bắt nữa nhé.

Con thiên linh xòe đôi cánh, bay vụt vào trong đám cỏ. Thằng bé thật lạ lùng, hỏi:

- Sao ngươi lại thả con chim ra? Ngươi đã chẳng đổi cái vòng ngọc đấy ư?

Y nắm chặt chiếc vòng, sợ Lý Văn Tú đòi lại. Lý Văn Tú đáp:

- Thả chim thiên linh bay đi cho nó hót nghe chẳng sướng hơn sao?

Thằng bé nghiêng đầu nhìn con bé một hồi hỏi thêm:

- Ngươi là ai?

Lý Văn Tú đáp:

- Ta tên Lý Văn Tú, còn ngươi?

Thằng bé đáp:

- Ta tên Tô Phổ.

Nói xong y nhảy lên há mồm kêu lên một tiếng thật lớn. Tô Phổ lớn hơn con bé hai tuổi, cao hơn nhiều, đứng nơi thảo nguyên trông cũng hiên ngang lắm. Lý Văn Tú nói:

- Ngươi khỏe lắm, có phải không?

Tô Phổ cực kỳ hứng chí, con bé này nói ra chính là điều y hãnh diện hơn cả. Y rút từ trong lưng ra một thanh đoản đao nói:

- Tháng trước ta dùng con dao này đâm chết một con chó sói, còn một con nữa chỉ tí xíu nữa là giết được nó, nhưng tiếc thay để nó chạy mất.

Lý Văn Tú cực kỳ kinh ngạc, hỏi:

- Ngươi giỏi thế ư?

Tô Phổ càng thêm đắc ý nói:

- Cò hai con chó sói nửa đêm vào bắt cừu nhà ta, cha ta đi vắng, ta liền rút dao ra đuổi cho sói. Con sói lớn thấy ánh lửa chạy mất, ta dùng dao chém chết một con.

Lý Văn Tú hỏi lại:

- Ngươi giết chết con nhỏ ư?

Tô Phổ không hiểu ý, gật đầu, lại thêm một câu:

- Con sói lớn mà không chạy kịp, ta cũng sẽ đâm nó chết luôn.

Y tuy nói thế nhưng cũng biết mình không dễ gì làm nổi. Thế nhưng Lý Văn Tú thì tin ngay nói:

- Sói dữ đến cắn cừu, ngươi giết là phải. Kỳ sau ngươi giết được chó sói, đến gọi ta cho ta coi, có được không?

Tô Phổ mừng lắm nói:

- Được chứ! Để khi nào ta giết được chó sói, ta sẽ lột da tặng cho ngươi.

Lý Văn Tú nói:

- Cám ơn ngươi nhiều lắm, ta sẽ làm cho gia gia một chiếc nệm bằng da chó sói. Cái nệm của ông, ông cho ta rồi.

Tô Phổ đáp:

- Không được! Ta cho ngươi thì để ngươi dùng. Ngươi đem trả lại cái nệm ông ngươi cho ngươi.

Lý Văn Tú gật đầu:

- Thế cũng được.

Trong lòng hai đứa trẻ, những việc trong tương lai tuy chưa xảy ra nhưng cũng chẳng khác gì đã có rồi. Hai đứa mới nói tới việc giết chó sói nhưng đã tưởng như đã giết được con ác lang rồi.

Từ đó hai đứa trẻ làm bạn với nhau. Đứa con trai Cáp Tát Khắc tính tình khoáng đạt, cùng với đứa con gái người Hán ôn nhu hiền hậu thật là hòa hài. Mấy hôm sau, Lý Văn Tú may một cái bao nhỏ, để đầy bỏng rang đem cho Tô Phổ. Món quà đó quả thật thằng bé không ngờ đến, y đem con chim đổi được cái vòng đã thấy được lợi biết bao nhiêu. Người Cáp Tát Khắc tính tính chính trực, thấy vậy có điều không công bằng nên sau một đêm không ngủ, y rình ngoài thảo nguyên bắt được hai con chim thiên linh, sáng hôm sau hí hửng đem cho Lý Văn Tú. Hành vi khẳng khái đó thật không phải, Lý Văn Tú phải nói mãi thằng nhỏ mới hiểu được rằng cô bé chỉ muốn chim thiên linh tự do tự tại, chứ không muốn bắt nó để chơi. Sau cùng Tô Phổ hiểu ra nhưng vẫn thấy dường như cái thiện tâm của nàng có điều hơi ngốc nghếch, thật là tức cười.

Ngày lại ngày trôi qua, hình bóng cha mẹ hiện ra trong giấc mơ của Lý Văn Tú, mỗi lúc một thưa dần. Nước mắt cũng không còn đầm đìa trên gối như trước nữa. Trên khuôn mặt đã thêm nét tươi vui, khóe miệng cũng hay véo von ca hát. Mỗi khi cô gái đi chăn cừu cùng Tô Phổ, trên thảo nguyên hai đứa thường nghe thanh niên nam nữ hát những bản tình ca đối đáp với nhau. Lý Văn Tú thấy những bài hát này ý tứ triền miên thật dễ nghe, nghe mãi cũng nhập tâm thuận miệng cũng hát theo. Dĩ nhiên nó chưa hiểu những bài ca đó ra thế nào, tại sao một người con trai lại mê say một người con gái? Làm sao một người con gái lại đắm đuối xiêu lòng vì một người con trai? Làm sao tiếng chân người tình lại khiến cho trái tim đập thình thịch? Làm sao một tấm thân yểu điệu lại khiến người khác không ngủ được? Nàng cứ thấy người khác hát sao thì hát theo như vậy, rồi lại nghe người ta xì xầm: “Con bé đó hát hay quá, có khác gì con chim thiên linh trên vùng thảo nguyên đâu?”.

Đến mùa đông khí trời lạnh lẽo, chim thiên linh bay về phương nam ấm áp nhưng trên đồng cỏ vùng sa mạc, tiếng hát của Lý Văn Tú vẫn tiếp tục vang lên:

Ới a ới này!

Hỡi nàng mục nữ yêu kiều,

Đến nay nàng đã bao nhiêu tuổi rồi?

Nửa đêm lẻ bóng xa xôi,

Sao em không để cho tôi đi cùng?

Hỡi nàng nàng ơi!

Tiếng ca tới đây ngừng lại, ai ai nghe xong cũng phải nhủ thầm: “Nghe tiếng hát véo von thế này, có ai không muốn làm bạn cùng nàng đâu?”. Một lát sau tiếng nàng lại vang lên:

Ới a ới này!

Ai kia chớ có bẽ bàng,

Người hay kẻ dở biết chàng là ai?

Bao giờ rẫy cỏ trồng hoa,

Lều tranh một mái đôi ta chung tình.

Hỡi chàng chàng ơi!

Người nào nghe tiếng hát lòng cũng đều nở hoa, dù cho trái tim giá lạnh, hoang lương đến mấy cũng không khỏi dậy lên một nỗi ấm áp: “Nếu quả như một đôi tình nhân yêu nhau ở chung một mái nhà, biến đồng cỏ thành vườn hoa thì còn ai giận ai cho nổi?”. Người già thấy mình trẻ lại đến hai chục tuổi, còn người trẻ trong lòng bừng lên một niềm vui nhưng người hát những bản tình ca kia là Lý Văn Tú thì lại chẳng hiểu gì.

Người nghe nàng hát nhiều hơn cả dĩ nhiên là Tô Phổ. Y cũng không hiểu hết ý tứ trong những bản tình ca đồng nội cho đến một hôm trên đồng tuyết hai đứa gặp một con sói dữ.

Con chó sói đến thật bất ngờ. Lý Văn Tú và Tô Phổ hai đứa đang ngồi cạnh nhau trên một cái đồi nhỏ, chăm chăm canh bầy cừu đang rải rác trên thảo nguyên. Nếu như lúc bình thường, Lý Văn Tú đã kể truyện cổ tích cho y nghe. Những truyện đó có truyện thì mẹ nàng kể cho nghe, có truyện thì Kế lão kể cho nghe, cũng có truyện thì nàng tự đặt ra.. Tô Phổ thích nghe nhất là những truyện vào sinh ra tử của ông già họ Kế, còn chán nhất là nghe những truyện trẻ con do Lý Văn Tú bịa ra, nhưng những truyện hung hiểm kia đã kể đi kể lại mấy lần rồi, chẳng còn thấy gì ly kỳ nữa, nó chỉ đành lẳng lặng ngồi nghe Lý Văn Tú kể những chuyện đại loại như con thỏ trắng đi tìm mẹ được con chó con giúp đỡ ra sao. Ngay lúc đó, Lý Văn Tú “A” lên một tiếng, nhảy vọt về sau, một con chó sói to lớn màu xám đang xông tới nhe răng ngoạm vào cổ nó.

Con chó sói từ phía sau lẳng lặng tới tấn công, hai đứa trẻ không đứa nào phát giác kịp. Lý Văn Tú đã được mẹ dạy cho chút ít võ công nên tự nhiên né đầu qua, tránh được hàm răng con chó sói cắn vào cổ. Tô Phổ thấy con chó sói đó to lớn, sợ đến chân nhũn ra, nhưng lập tức nghĩ ngay: “Thể nào mình cũng phải cứu nó”. Y rút ngay con dao đeo nơi lưng, xông tới đâm một nhát vào lưng con dã thú.

Con sói xám đó thật là cứng cáp, con dao đâm vào lưng nó chỉ làm nó bị thương bên ngoài da. Thế nhưng con chó sói cũng thấy được nguy cơ, bỏ Lý Văn Tú, há chiếc mồm đỏ như máu, bất thần nhảy lên, hai chân chồm vào vai Tô Phổ, rồi ngoạm vào mặt thằng bé.

Tô Phổ kinh hãi, ngã ngửa về phía sau. Con chó sói nhanh như điện, hai chân liền nhào vào đè nó xuống, hàm răng trắng nhởn táp luôn vào mặt. Lý Văn Tú cực kỳ hoảng sợ nhưng cố thu hết dũng khí, nắm đuôi con vật kéo ra. Con sói xám bị nàng giật ngược phải chùn lại một bước nhưng nó đói đã lâu, hai chân sau liền ghì xuống đất, khiến Lý Văn Tú không sao kéo thêm được nữa, rồi nó lại há mồm ngoạm tới.

Tô Phổ kêu lên một tiếng thất thanh, con sói dữ đã cắn trúng vai nó. Lý Văn Tú sợ hãi đến muốn bật khóc, đem hết sức bình sinh kéo mạnh. Con vật bị đau rú lên, những chiếc răng nhọn đang ngoạm vào vai Tô Phổ lập tức nhả ra. Tô Phổ mơ mơ hồ hồ đâm mạnh một dao, may sao trúng ngay chỗ da thịt mềm nơi bụng con sói, sâu lút tận cán. Y đang định rút dao đâm thêm, con sài lang đã nhảy vọt lên, lăn lộn mấy cái trên mặt tuyết, chổng chân lên trời nằm chết.

Con sói dãy dụa khiến cho Lý Văn Tú cũng lộn tùng phèo vì nó vẫn nắm đuôi con vật không chịu bỏ ra. Tô Phổ gượng đứng lên, thấy con dã thú to lớn kia nằm chết trên mặt tuyết, không khỏi lặng người, một lát sau mới mừng rỡ kêu lên:

- Ta giết được con chó sói rồi, ta giết được con chó sói rồi.

Y cực kỳ đắc ý, tuy đầu vai máu vẫn chảy ròng ròng nhưng ngay lúc đó chưa thấy đau. Lý Văn Tú thấy chiếc áo lông cừu của y một bên ướt đẫm máu, vội vàng cởi ra, lấy trong túi ra chiếc khăn tay, rịt vào vết thương đang máu tuôn xối xả, hỏi:

- Có đau lắm không?

Tô Phổ vẫn còn tính trẻ con, đau muốn mở mồm khóc được nhưng lúc này cảm thấy mình anh hùng quá, bặm môi lắc đầu:

- Ta không sợ đau.

Ngay khi đó từ phía sau có tiếng người hỏi:

- A Phổ, ngươi đang làm gì thế?

Hai đứa trẻ quay đầu lại thấy một người đàn ông mặt đầy râu ria đang ngồi trên mình ngựa. Tô Phổ kêu lên:

- Cha, cha xem này, con giết được một con sói lớn.

Người đàn ông mừng lắm, xoay mình nhảy xuống thấy con mình mặt đầy những máu, lại đưa mắt nhìn sang Lý Văn Tú, hỏi Tô Phổ:

- Ngươi bị chó sói cắn ư?

Tô Phổ đáp:

- Con đang ngồi đây nghe A Tú kể truyện cổ, bỗng con chó sói này tới cắn nó...

Đột nhiên người đàn ông kia mặt bỗng sầm xuống, nhìn Lý Văn Tú khinh khỉnh hỏi:

- Có phải ngươi là đứa con gái người Hán bị Chúa phạt đó không?

Lúc này Lý Văn Tú cũng đã nhận ra y, chính là gã Tô Lỗ Khắc đá nó một cái khi trước. Con bé nhớ tới lời của Kế lão từng nói: “Vợ y, con trai lớn của y trong một đêm bị cường đạo người Hán giết hại, cho nên y thù ghét người Hán đấy thôi”.

Lý Văn Tú gật đầu, đang định nói: “Cha tôi, mẹ tôi cũng bị bọn giặc kia giết đó”. Nàng chưa kịp nói, nghe một tiếng vút, má Tô Phổ bị cha dùng roi vụt một cái, hiện lên một lằn dàu, sưng tấy lên ngay. Tô Lỗ Khắc quát lớn:

- Ta bảo ngươi truyền đời này kiếp khác, lúc nào cũng phải thù ghét người Hán, ngươi quên lời ta đi chơi với con bé người Hán, lại còn xả mệnh đổ máu vì nó nữa.

Vụt một tiếng nữa, y lại quất thêm một roi lên đầu con. Tô Phổ không tránh né chỉ đứng ngơ ngơ ngẩn ngẩn nhìn Lý Văn Tú, hỏi lại:

- Nó là người Hán bị Chúa phạt đấy ư?

Tô Lỗ Khắc rống lên:

- Không lẽ không phải sao?

Y giơ roi quay lại vụt một cái ngay mặt Lý Văn Tú. Lý Văn Tú lùi lại hai bước, giơ tay ôm mặt. Tô Phổ vốn đã bị chó sói cắn bị thương khá nặng, lại bị đánh thêm hai roi không còn chịu nổi nữa, lảo đảo rồi ngã lăn ra.

Tô Lỗ Khắc thấy nó hai mắt nhắm nghiền, nằm ngất đi, kinh hãi quá vội vàng nhảy xuống ngựa, ôm con lên, rồi nhảy vọt lên rơi xuống đúng ngay lưng ngựa, vung cái thòng lọng ra buộc ngay vào cổ con chó sói chết, hai chân thúc một cái, giục ngựa chạy đi. Con chó sói bị kéo theo sau ngựa thành một vệt dài trên mặt tuyết, giữa hai hàng vết chân, còn thêm một giòng máu đỏ chảy dài. Tô Lỗ Khắc chạy được mươi trượng, quay lại hầm hầm nhìn Lý Văn Tú, đôi mắt đầy oán thù dường như muốn nói: “Kỳ sau mà mày còn gặp ta thì ta sẽ cho mày biết tay”.

Lý Văn Tú không sợ đôi mắt kia nhưng sao trong lòng trống trải, biết rằng từ nay về sau Tô Phổ không còn có thể làm bạn với nó, cũng chẳng còn bao giờ nghe nó hát, nghe nó kể truyện nữa. Con bé thấy gió bấc càng thêm lạnh không chịu nổi, vết roi trên mặt giật giật liên hồi, mỗi lúc một thêm đau rát.

Con bé lặng lẽ lùa cừu quay về. Kế lão thấy quần áo đứa nhỏ đầy những máu, trên mặt lại sưng vù vết roi, không khỏi kinh sợ, hỏi chuyện đầu đuôi. Lý Văn Tú chỉ thản nhiên trả lời:

- Tại cháu vô ý bị ngã.

Kế lão dĩ nhiên không tin, gặng hỏi thêm, nhưng Lý Văn Tú chỉ một mực trả lời như thế. Mãi về sau con bé mới khóc òa lên, nhưng một câu cũng không nói.

Buổi tối hôm đó, Lý Văn Tú lên cơn sốt, khuôn mặt trái xoan đỏ bừng, nói mê sảng lung tung, nào là "con sói xám" rồi kêu lên:" Tô Phổ, Tô Phổ, mau cứu ta", lúc thì "người Hán bị Chúa phạt". Kế lão cũng đoán ra được vài phần, trong bụng thật là lo lắng. Cũng may đến sáng thì cơn sốt lui dần, Lý Văn Tú nằm ngủ thiếp đi.

Cơn bệnh đó kéo dài đến hơn một tháng, đến lúc nó dậy được thì mùa đông đã qua, trên dãy Thiên Sơn tuyết đã bắt đầu tan, từng giòng từng giòng nước chảy xuống thành những con suối nhỏ tràn xuống đồng cỏ. Trên cánh đồng đã xuất hiện những mầm cỏ li ti. Sáng hôm đó, Lý Văn Tú dậy sớm, mở cửa bước ra định lùa bầy cừu ra chăn trên đồng cỏ, thấy ngay trước cửa để một bộ da sói thật lớn, đã cắt thành một chiếc mền. Lý Văn Tú giật mình sửng sốt, nhìn lại màu da, chính là da con sói xám cắn nó hôm trước trên bãi tuyết. Cô gái lật bộ da lên xem, quả nhiên dưới da bụng có vết dao đâm. Tim cô gái đập thình thình, biết rằng Tô Phổ không quên nó, cũng không quên lời đã hứa khi xưa, nửa đêm đem bộ da sói để ngay trước ngạch cửa. Con bé đem bộ da sói vào phòng, không nói gì cho Kế lão hay cả, lại lùa bầy cừu ra, đến nơi vẫn thường ngồi với Tô Phổ chờ bạn.

Thế nhưng nó đợi đến chiều tối, vẫn không thấy Tô Phổ ra. Cô bé cũng nhận ra bầy cừu của nhà Tô Phổ, hôm nay do một thanh niên mười bảy, mười tám đi chăn. Lý Văn Tú tự hỏi: “Hay là vết thương của Tô Phổ chưa lành? Thế nhưng sao y lại đem được bộ da sói đến nhà mình?”. Nó định đi tới khu lều da thăm y, nhưng lại sợ chiếc roi của Tô Lỗ Khắc.

Nửa đêm hôm đó, con bé thu hết dũng khí, đi đến đằng sau căn lều của Tô Phổ. Nó cũng không hiểu tại sao nó lại làm thế, hay là chỉ để nói một câu: “Cám ơn ngươi đã cho ta bộ da sói” chăng? Hay là để xem thằng bạn thương thế đã khỏi chưa? Chính nó cũng không nói lên được. Con bé nép vào sau căn lều. Đàn chó chăn cừu nhà Tô Phổ nhận ra nó, chỉ chạy đến đánh hơi rồi bỏ đi, không sủa tiếng nào. Trong lều vẫn còn ánh đèn mỡ bò, và tiếng ồm ồm quát tháo của Tô Lỗ Khắc vọng ra.

- Bộ da sói ngươi lấy cho đứa nào rồi? Mày giỏi thật, mới tí tuổi đầu đã biết đem cho đứa con gái mình yêu thương món quà săn đầu đời.

Mỗi lần y gầm thét, tim Lý Văn Tú lại nhói lên. Nó đã từng nghe Tô Phổ nói chuyện xưa có nói về tập tục của người Cáp Tát Khắc, thanh niên nào cũng bảo trọng món mình săn được lần đầu tiên, để đem đi tặng cho người con gái nào mình thương yêu biểu thị tình ý. Bây giờ nó nghe Tô Lỗ Khắc tra hỏi con trai, khuôn mặt nhỏ nhắn của nó đỏ bừng lên, trong lòng không khỏi đôi chút tự hào. Hai đứa tuổi còn nhỏ, không hiểu tình ái chân chính như thế nào, thế nhưng đều ngầm hiểu là cả hai đứa đều đã được hưởng niềm vui và nỗi đau của mối tình đầu.

- Có phải mày định đem đi tặng cho cái con tiện chủng người Hán bị Chúa phạt tên là Lý quái gì ấy phải không? Giỏi lắm, mày không nói, để xem mày có cứng đầu bằng cái roi của bố mày không?

Chỉ nghe vút vút vút liên hồi, tiếng roi quất lên da thịt người vọng ra. Tô Lỗ Khắc là hạng người Cáp Tát Khắc trước nay tin rằng “yêu cho roi cho vọt, con trẻ cần chịu đòn cho quen” dạy con không cần biện pháp ôn hòa. Ông nội y dùng roi dạy bố y, bố y dùng roi dạy y và nay y cũng roi vọt con y, yêu thương con nhưng không thể để chúng lờn. Đàn ông con trai với nhau, người thân thì cú đấm, ngọn roi còn kẻ địch thì đoản đao, trường kiếm. Thế nhưng với Lý Văn Tú, cha mẹ y không bao giờ nói nặng một câu, chỉ cần trên mặt thiếu một nụ cười, thiếu một câu vỗ về cũng đã là trách phạt rồi. Bây giờ mỗi roi cũng chẳng khác gì một lần đánh vào người nó: "Cha của Tô Phổ chắc là căm hận mình lắm nên mới hung ác đánh con như thế, không biết có đánh chết y không?".

- Giỏi, mày không trả lời. Mày có trả lời hay không? Tao đoán mày định đem cho con bé người Hán chứ gì?

Tiếng roi vẫn liên tiếp đánh, Tô Phổ lúc đầu nghiến răng cố chịu đau, sau cùng khóc òa lên nói:

- Cha ơi, đừng đánh con, đừng đánh con nữa, con đau lắm, con đau lắm.

Tô Lỗ Khắc nói:

- À bây giờ mày chịu nói rồi. Có phải mày đem bộ da sói cho con bé người Hán rồi phải không? Mẹ mày chết vì tay bọn cướp người Hán, anh mày bị người Hán giết, mày có biết không? Mọi người gọi ta là Cáp Tát Khắc đệ nhất dũng sĩ, vậy mà vợ ta, con ta đều bị người Hán giết, mày có biết không? Sao hôm đó ta không có ở nhà? Sao ta không tìm được bọn ăn cướp, để ta báo thù cho mẹ mày anh mày?

Ngọn roi của Tô Lỗ Khắc lúc này không còn để dạy con nữa mà là để phát tiết cơn cuồng nộ. Mỗi lằn roi y đánh ra chẳng khác nào đánh vào kẻ địch – Sao bọn ăn cướp chó má kia không đến mặt đối mặt đánh với ta một trận mất còn? Ngươi có nói không? Không lẽ ta là đệ nhất dũng sĩ của Cáp Tát Khắc mà đánh không lại mấy tên giặc cỏ hay sao?...

Con y bị bọn Hoắc Nguyên Long, Trần Đạt Hải giết chết, là đứa con trai lớn y thương yêu nhất, người vợ bị chúng hối nhục mà chết là người bạn đời từ bé đến lớn sống với nhau. Còn y hai mươi năm qua, ai ai cũng bảo y là dũng sĩ số một của người Cáp Tát Khắc, dù đẩy cây, đấu quyền, đấu lực, cưỡi ngựa mọi thứ y chưa hề thua ai.

Lý Văn Tú thấy Tô Phổ bị cha đánh thật là tội nghiệp, mà tiếng thét căm hờn nghẹn ngào của Tô Lỗ Khắc cũng thật là thảm thiết: “Y đánh con hung ác thế, từ nay chắc không còn yêu thương gì Tô Phổ nữa. Y không còn đứa con, mà Tô Phổ cũng chẳng còn người cha. Cũng chỉ tại ta chẳng ra gì, hẳn là ta đúng là con bé người Hán bị Chúa phạt kia chẳng ra gì”. Đến lúc này nó thấy chính mình cũng thật đáng thương làm sao.

Con bé không còn dám nghe thêm tiếng khóc của Tô Phổ, chạy về đến nhà Kế lão, từ dưới tấm nệm lôi bộ da sói ra nhìn thật lâu, thật lâu. Nhà nó và căn lều của Tô Phổ cách nhau đến hơn hai dặm, nhưng sao dường như vẫn nghe văng vẳng tiếng khóc của thằng bạn lẫn tiếng roi của Tô Lỗ Khắc. Tuy nó rất thích bộ da sói nhưng bây giờ nó không còn muốn nữa. “Nếu như ta giữ tấm da sói này, Tô Phổ chắc bị cha đánh đến chết mất. Chỉ có con gái Cáp Tát Khắc hay con gái Y Tư Lan[3] mới được giữ tấm da này thôi. Con gái Cáp Tát Khắc có biết bao nhiêu người, cô nào là cô đẹp nhất? Ta thích tấm da này lắm, là con chó sói Tô Phổ giết được, chỉ vì cứu ta mà y liều mạng giết được sài lang. Tô Phổ tặng cho ta, có điều... có điều cha y đánh y chết mất...”.

*

* *

Sáng sớm hôm sau, Tô Lỗ Khắc đôi mắt đỏ ngầu bước ra khỏi lều, bỗng nghe Xa Nhĩ Khố hát một bài sơn ca xí xa xí xố. Y nghiêng đầu nhìn Tô Lỗ Khắc, khuôn mặt gã đầy vẻ lạ kỳ, cười mủm mỉm, ánh mắt toát ra một vẻ thân thiện. Xa Nhĩ Khố là một dũng sĩ nổi danh của dân Cáp Tát Khắc, hàng nghìn dặm chung quanh còn nghe đến tài huấn phục ngựa hoang của y. Y chạy rất nhanh, có người nói rằng nội trong một dặm, dù ngựa tốt cách nào cũng không đuổi kịp được y, nếu hơn một dặm thì tuy ngựa có thắng cũng chỉ hơn y một cái mõm thôi. Mỗi khi những mục tử đốt lửa ngồi tán gẫu với nhau, nhiều người bảo rằng nếu như Xa Nhĩ Khố có cái mũi cao hơn một chút thì y đã thắng rồi.

Tô Lỗ Khắc và Xa Nhĩ Khố xưa nay vốn chẳng mấy ưa nhau. Tên tuổi của Tô Lỗ Khắc quá lớn, đánh đao, đánh quyền hai môn đều không ai địch nổi, Xa Nhĩ Khố trong lòng vẫn ngầm ghen ghét. Y nhỏ hơn Tô Lỗ Khắc sáu tuổi, có lần hai người đánh đao, Xa Nhĩ Khố thua, vai bị cắt một đường dài. Y nói:

- Hôm nay ta thua, nhưng năm năm nữa, mười năm nữa, mình đánh lại xem nào.

Tô Lỗ Khắc đáp:

- Để hai chục năm nữa mình tỉ thí lần nữa, lúc ấy ta không có nhẹ tay như thế này đâu.

Hôm nay, Xa Nhĩ Khố vẻ mặt tươi cười, không có gì ra chiều thù nghịch cả, Tô Lỗ Khắc vẫn còn chưa hết cơn giận, hầm hầm nhìn y. Xa Nhĩ Khố cười nói:

- Lão Tô, con trai ngươi quả có mắt tinh đời.

Tô Lỗ Khắc hỏi lại:

- Ngươi nói Tô Phổ chăng?

Y giơ tay nắm chuôi dao, mắt lóe lên một vẻ hung bạo, nghĩ thầm: “Ngươi chế riễu con ta đem tấm da sói tặng cho con bé người Hán chứ gì?”. Xa Nhĩ Khố toan trả lời: “Nếu chẳng phải Tô Phổ thì ngươi còn đứa nào khác nữa sao?”. Nhưng câu đó không ra khỏi miệng, y chỉ mỉm cười nói:

- Dĩ nhiên là Tô Phổ. Thằng nhỏ đó mặt mũi dễ coi, lại nhanh nhẹn khéo léo, ta chịu nó lắm.

Làm cha có ai không thích người khác khen con mình, nhưng lúc này Tô Lỗ Khắc chỉ mỉa mai:

- Ngươi sành đời lắm nhỉ? Tiếc thay ngươi lại không có con trai.

Xa Nhĩ Khố không nổi nóng, chỉ cười:

- Con gái ta A Mạn cũng được lắm, nếu không sao con trai ngươi lại thích nó?

Tô Lỗ Khắc “Ồ” lên một tiếng, nói:

- Ngươi đừng có vơ vào, ai bảo con ta thích con A Mạn?

Xa Nhĩ Khố nắm tay Tô Lỗ Khắc, cười:

- Ngươi đi theo ta, ta cho ngươi xem cái này.

Tô Lỗ Khắc trong bụng ngạc nhiên, liền cùng đi. Xa Nhĩ Khố hỏi:

- Con trai ngươi hôm trước giết được một con chó sói xám lớn. Còn nhỏ như thế, quả thực là giỏi, mai này lớn lên, chắc cũng chẳng kém gì cha nó đâu? Cha anh hùng, con hảo hán.

Tô Lỗ Khắc không trả lời, cho rằng y đang định cho mình vào tròng nên thổi mình lên, nghĩ thầm: “Mình phải thật cẩn thận mới được”.

Hai người đi đến ba dặm trên thảo nguyên thì đến được lều của Xa Nhĩ Khố. Tô Lỗ Khắc từ xa đã thấy một tấm da sói treo ở bên ngoài căn lều. Y đi lại gần hơn, ồ, chẳng phải là da con sói xám Tô Phổ giết được thì là gì? Đây là con dã thú đầu đời của thằng con mình, y thoạt nhìn là nhận ra ngay. Y trong bụng hoang mang, nhưng lại vừa sung sướng, vừa bàng hoàng: “Ta trách A Phổ sai rồi, tối hôm qua ta đánh nó một trận thật đau, thì ra nó đem tấm da sói tặng cho A Mạn chứ không phải đem cho con bé người Hán. Thật đáng chết, sao nó lại không nói ra? Trẻ con hay thẹn nên không dám nói đấy mà. Nếu như mẹ nó còn sống, mẹ nó đã can ta ra rồi. Hừ, con có chuyện gì thể nào chả nói với mẹ...”

Xa Nhĩ Khố giơ bàn tay to lớn vỗ lên vai y một cái, nói:

- Uống vài bát rượu nhé.

Trong lều của Xa Nhĩ Khố vun vén thật là sạch sẽ, chung quanh treo đầy những tấm thảm bằng lông cừu dệt cảnh vật, hoa cỏ. Một cô gái thân hình yểu điệu mảnh mai bưng rượu lên. Xa Nhĩ Khố mỉm cười nói:

- A Mạn, đây là cha của Tô Phổ. Ngươi có sợ ông ấy không? Ông râu xồm này dữ tợn lắm đó.

A Mạn thẹn thùng mặt đỏ bừng trông càng xinh xắn, đôi mắt lóe lên một vẻ vui tươi, dường như định nói: “Con không sợ”. Tô Lỗ Khắc cười ha hả nói:

- Lão Xa, ta có nghe người ta nói là ngươi có cô con gái là đóa hoa hội tẩu lộ của thảo nguyên. Đúng thật, một đóa hoa hội tẩu lộ, người ta nói quả là hay.

Hai người đàn ông mười năm nay gầm ghè nhau, bỗng dưng trở thành thân thiết. Anh mời tôi một bát, tôi mời lại một bát. Tô Lỗ Khắc uống đến say mèm, nằm gục trên yên ngựa về nhà.

Qua một ngày, Xa Nhĩ Khố đem đến hai tấm thảm lông cừu mới dệt. Y nói:

- Đây là do A Mạn dệt đó, một tấm tặng cho ông già, một tấm tặng cho con trai.

Một tấm thảm thêu một đại hán, tay cầm trường đao, chém một con báo, ở xa xa một con khác cúp đuôi bỏ chạy. Còn một tấm thêu hình một cậu trai, đâm chết một con chó sói xám lớn. Hai người một lớn một nhỏ, cả hai đều uy phong lẫm lẫm, trông thật hào hùng. Tô Lỗ Khắc vừa xem đã thật vui, tấm tắc luôn mồm:

- Dệt khéo quá, dệt khéo quá!

Thì ra đất Hồi Cương rất hiếm khi có báo, một năm nọ không biết từ đâu lạc đến một đôi tàn hại gia súc. Tô Lỗ Khắc đuổi theo chúng vào tận trong núi, chém chết một con báo lớn, còn một con bị thương chạy mất. Bây giờ y trông thấy A Mạn thêu trên tấm thảm sự kiện anh hùng nhất đời y, y làm gì mà không cao hứng.

Kỳ đó hai người lại uống một bữa thỏa thuê, người nằm mọp trên lưng ngựa quay về lần này là Xa Nhĩ Khố. Tô Lỗ Khắc sai con trai đưa y về tận nhà. Trong lều của Xa Nhĩ Khố, Tô Phổ thấy tấm da sói của mình. Y chưa hiểu vì sao tấm da đó lại ở đây thì A Mạn đã thẹn thùng đến cám ơn y. Tô Phổ ậm ừ vài câu, không biết nói sao cho phải, cũng không tiện truy vấn tại sao tấm da sói lại vào tay A Mạn. Ngày hôm sau, sáng sớm y đã lên cái gò nơi giết được con chó sói, mong gặp được Lý Văn Tú để hỏi cho ra. Thế nhưng hôm đó Lý Văn Tú không tới. Y đợi hai ngày liền đều chẳng được gì. Đến ngày thứ ba, y thu hết can đảm đến nhà Kế lão. Lý Văn Tú ra mở cửa, vừa gặp y đã nói:

- Từ rày trở đi, ta không muốn gặp ngươi nữa.

Rầm một tiếng, nàng đã đóng sập cửa, cài chặt then lại. Tô Phổ đứng ngơ ngẩn một hồi, lủi thủi quay về, trong lòng cảm thấy hết sức hoang mang: “Ôi, con gái người Hán thật lạ lùng, chẳng hiểu sao cả?”. Lẽ dĩ nhiên làm sao y biết được là Lý Văn Tú gục đầu sau cánh cửa khóc nức nở. Con bé khóc một hồi thật lâu. Cô gái vẫn muốn được cùng Tô Phổ chơi đùa, kể truyện cổ cho nhau nghe nhưng cũng biết rằng nếu như cha Tô Phổ biết được, y sẽ lại bị một trận đòn thật đau, có khi cha y đánh y chết không chừng.

*

* *

Ngày lại ngày qua đi, gió của thảo nguyên, nước băng tuyết Thiên Sơn thổi ba đứa trẻ cao vọt lên biến chúng thành người lớn. Bông hoa hội tẩu lộ càng thêm lộng lẫy, còn đứa trẻ giết chó sói hôm nào nay đã thành một thanh niên anh tuấn. Còn con chim thiên linh của đồng cỏ ư, tiếng hát của nàng càng thêm dìu dặt ngọt ngào. Có điều bây giờ nàng ít hát hơn trước, chỉ những đêm khuya không có ai, ngồi một mình trên chiếc gò nhỏ nơi Tô Phổ giết con chó sói năm nào nàng mới cất tiếng lên. Nàng chẳng bao giờ quên được người bạn năm xưa, vẫn thường thấy chàng cùng A Mạn hai người cùng cưỡi ngựa đi chơi, có khi còn nghe hai người đối đáp, hát chung với nhau những khúc tình ca ý tứ triền miên.

Ý nghĩ của những bài hát đó bây giờ Lý Văn Tú đã hiểu cả rồi, bây giờ lại hiềm hiểu quá nhiều là khác. Nếu nàng cứ chưa hiểu như xưa có lẽ cũng bớt đau lòng, cũng bớt đi những đêm dài trằn trọc. Thế nhưng những gì trước kia chưa biết, một khi biết rồi, không bao giờ còn thể quay trở lại những ngày thơ ngây cũ.

Một buổi chiều mùa xuân, Lý Văn Tú cưỡi con ngựa trắng, một mình lên ngọn núi nhỏ nơi con sói bị giết. Màu vàng nhuộm trên con ngựa nay thôi hết, nay đã trở lại một màu trắng xóa chẳng khác gì tuyết trên đỉnh Thiên Sơn. Nàng đứng trên gò cao, đăm đăm nhìn về hướng những túp lều của người Cáp Tát Khắc, nơi họ đang đốt một đống lửa lớn, tiếng âm nhạc và tiếng huyên náo lúc cao, lúc trầm vọng đến. Thì ra hôm nay là một ngày lễ của người Cáp Tát Khắc, thanh niên nam nữ vây quanh đống lửa, múa hát xướng ca, thật là vui vẻ.

Lý Văn Tú nghĩ thầm: “Chàng và cô ta hôm nay hẳn là vui lắm, thật là náo nhiệt, thật là hoan hỉ”. Trong lòng nàng chữ “chàng” không có người thứ hai, dĩ nhiên là Tô Phổ rồi, còn “cô ta” dĩ nhiên phải là bông hoa hội tẩu lộ kia, nàng A Mạn.

Thế nhưng hôm nay Lý Văn Tú đã đoán sai, Tô Phổ và A Mạn lúc này không hẳn đã hoan lạc mà lại cực kỳ căng thẳng. Bên cạnh đống lửa, Tô Phổ đang cùng một gã cao gầy đánh vật. Đây là một tiết mục cực kỳ quan trọng trong ngày lễ, người nào thắng giải sẽ được ba giải thưởng: một con ngựa tốt, một con cừu to và một tấm thảm thật đẹp.

Tô Phổ đã liên tiếp thắng bốn người, còn gã thanh niên cao gầy kia tên là Tang Tư Nhi. Y cũng là bạn của Tô Phổ nhưng vẫn muốn hai bên kẻ được người thua, huống chi, trong lòng y cũng ngầm yêu đóa hoa hội tẩu lộ. Khuôn mặt xinh đẹp kia, thân hình yểu điệu kia, bàn tay khéo léo kia, ai mà chẳng muốn? Tang Tư Nhi biết rằng Tô Phổ và A Mạn đã thân nhau từ nhỏ nhưng y vốn là một thanh niên bất khuất, ương ngạnh. Ở thảo nguyên ngựa ai chạy nhanh, dao ai dài người đó sẽ chiếm thượng phong. Y trong lòng cũng đã nghĩ đến: “Nếu như ta công khai đánh bại được Tô Phổ, A Mạn thể nào cũng thích ta”. Y đã cố công luyện tập ba năm đánh vật và đánh dao. Sư phụ của y chẳng ai xa lạ mà chính là cha của A Mạn Xa Nhĩ Khố.

Còn võ công của Tô Phổ dĩ nhiên là cha y đích thân truyền cho.

Hai người thanh niên quấn quít lại một khối. Đột nhiên đầu vai Tang Tư Nhi trúng một cú đấm mạnh, chân y trượt đi ngã ngữa về sau. Thế nhưng trong khi ngã, y cũng kịp khoèo chân Tô Phổ khiến y cũng ngã theo. Hai người cùng nhỏm dậy, hai cặp mắt gườm gườm nhìn nhau, đảo qua đảo lại để tìm sơ hở của đối phương nhưng không ai dám ra tay trước.

Tô Lỗ Khắc ngồi ở một bên xem, lòng bàn tay đẫm mồ hôi, kêu luôn mồm:

- Tiếc quá, tiếc quá.

Còn Xa Nhĩ Khố thì bụng dạ ra sao khó mà đoán biết. Y biết tâm ý con gái mình, nếu như Tang Tư Nhi thua, thì A Mạn đã yêu Tô Phổ sẽ lại càng yêu hơn. Thế nhưng Tang Tư Nhi là đồ đệ của y, trận đấu này cũng chẳng khác gì chính y đấu với Cáp Tát Khắc đệ nhất dũng sĩ Tô Lỗ Khắc. Nếu đồ đệ của Xa Nhĩ Khố đánh bại con trai Tô Lỗ Khắc thì thật là vẻ vang hơn, chiến thắng này sẽ truyền ra đến mấy nghìn dặm chung quanh thảo nguyên. Dĩ nhiên A Mạn sẽ đau khổ lắm, nhưng đành kệ nó. Y vẫn mong Tang Tư Nhi thắng trận. Nhưng Tô Phổ là đứa ngoan, y vẫn thương nó như thường.

Những người ngồi quanh đống lửa hò hét cổ võ cho hai chàng thanh niên. Đây là một trận đấu hai bên ngang ngửa, Tô Phổ thân thể tráng kiện có sức, còn Tang Tư Nhi thì lại nhanh nhẹn hơn, ai sẽ thắng thật khó mà biết trước được.

Chỉ thấy Tang Tư Nhi né bên đông, tránh bên tây, Tô Phổ mấy lần đưa tay chộp y nhưng y đều tránh được. Tiếng người bên ngoài hò hét trợ uy mỗi lúc một to: “Tô Phổ, nhanh lên, nhanh lên” “Tang Tư Nhi, phản công đi, đừng tránh né qua lại nữa” “Ối chao, Tô Phổ vật được rồi” “Không sao đâu, dùng sức lật y lại”.

Thanh âm truyền ra thật xa, Lý Văn Tú nghe loáng thoáng có người hò reo: “Tô Phổ, Tô Phổ”. Nàng lấy làm lạ: “Sao mọi người lại kêu lên Tô Phổ, Tô Phổ là sao?”. Nàng bèn giục ngựa, chạy về phía có tiếng hò reo. Đứng sau một cây to, nàng thấy Tô Phổ đang vật nhau với Tang Tư Nhi, những người chung quanh đang hào hứng kêu la. Đột nhiên, nàng thấy bên ánh lửa khuôn mặt của A Mạn, đầy vẻ quan thiết và phấn khởi, nước mắt rưng rưng, lúc lo, lúc mừng. Lý Văn Tú từ trước tới nay chưa hề nhìn kỹ A Mạn bao giờ, nghĩ thầm: “Thì ra nàng ta yêu Tô Phổ đến thế”.

Mọi người bỗng lớn tiếng hò reo, cả Tô Phổ lẫn Tang Tư Nhi đều cùng ngã lăn ra đất. Đứng cách vòng người, Lý Văn Tú không nhìn được hai người dưới đất tình hình ra sao. Thế nhưng nghe tiếng người kêu la, nàng biết rằng Tô Phổ đang đè Tang Tư Nhi xuống. Lòng bàn tay Lý Văn Tú cũng ướt mồ hôi, chính vì không nhìn rõ hai người nên nàng lại càng hồi hộp. Đột nhiên tiếng reo hò mọi người ngưng bặt, Lý Văn Tú nghe được cả tiếng thở hổn hển của hai dũng sĩ. Chỉ thấy một người lảo đảo đứng lên, mọi người lớn tiếng hoan hô: “Tô Phổ, Tô Phổ”.

A Mạn vượt vòng người chạy vào trong nắm tay người tình. Lý Văn Tú thấy trong lòng cũng thật cao hứng, nhưng cũng thật thê lương. Nàng quay đầu ngựa, chầm chậm bước đi. Mọi người bận vây quanh Tô Phổ, chẳng ai để ý đến nàng.

Nàng không điều cương, để mặc cho con bạch mã muốn đi đâu thì đi trong sa mạc. Không biết bao lâu nàng mới thấy rằng con ngựa trắng đã đi tới tận bên bờ thảo nguyên, xa hơn nữa sẽ tiến vào sa mạc Qua Bích[4]. Nàng nhỏ nhẹ mắng nó:

- Ngươi đưa ta tới đây làm gì?

Ngay khi đó, trên sa mạc xuất hiện hai con ngựa, sau đó lại thêm hai con nữa. Dưới ánh trăng thấp thoáng, những người trên lưng ngựa đều mặc y phục Hán nhân, tay người nào cũng cầm trường đao.

Lý Văn Tú kinh hoảng: “Chẳng lẽ đây là bọn cướp người Hán?”. Còn đang ngập ngừng, một người đã kêu lên:

- Bạch mã, bạch mã.

Y giục ngựa xông tới, miệng quát tháo:

- Đứng lại, đứng lại.

Lý Văn Tú kêu lên:

- Chạy mau.

Nàng giục ngựa chạy ngược trở về, chỉ thấy tiếng chân ngựa thật gấp, đằng trước cũng có hai con ngựa chạy ra chặn lại. Lúc đó ba mặt đông nam bắc đều có địch nhân, nàng không còn kịp suy nghĩ chỉ giục ngựa theo hướng tây chạy gấp. Thế nhưng hướng tây chính là hướng đại sa mạc Qua Bích.

Khi còn nhỏ nàng đã từng nghe Tô Phổ nói tới, trong sa mạc Qua Bích có quỉ, ai đã vào trong sa mạc này thì khó mà sống sót trở về. Không, dù có thành quỉ cũng không ra được. Ai đã vào trong sa mạc Qua Bích rồi, sẽ đi thành một vòng tròn lớn, trong sa mạc cứ đi mãi không ngừng, đến khi đột nhiên thấy trên sa mạc có dấu chân. Người ta sẽ vui mừng tưởng mình cứ theo dấu chân đó tìm được đường ra, nhưng chạy một lúc rồi mới phát giác, dấu chân đó chính mình để lại. Người ta sẽ đi qua đi lại loanh quanh trong cái vòng đó. Thành ra những ai chết trong sa mạc Qua Bích biến thành quỉ cũng không xong, không lên được thiên đàng mà cứ luẩn quẩn nơi đây, nghìn năm vạn năm, suốt ngày suốt đêm chạy loanh quanh không ngừng.

Lý Văn Tú cũng đã hỏi Kế lão, sa mạc Qua Bích có thực sự ghê gớm đến thế chăng, có thật là đi vào rồi sẽ không bao giờ có thể ra được. Kế lão nghe nàng hỏi thế, đột nhiên bắp thịt trên mặt giật giật liên hồi, lộ vẻ sợ hãi phi thường, mắt lấm lét nhìn ra cửa sổ, tưởng như nhìn thấy quỉ hiện ra trước mặt. Lý Văn Tú trước nay chưa từng thấy ông già sợ hãi đến thế, không dám hỏi thêm, trong bụng chắc mẩm chuyện đó không phải giả, không chừng Kế gia gia đã gặp quỉ rồi.

Nàng cưỡi con ngựa trắng chạy như bay, trước mặt chỉ thấy cát vàng bát ngát, sa mạc kéo dài vô cùng vô tận, nghĩ đến những con quỉ lang thang nơi đây, càng lúc càng sợ thêm. Thế nhưng phía sau cường đạo đang đuổi tới, nghĩ đến cha mẹ, nghĩ đến mẹ và anh Tô Phổ, biết rằng nếu như bọn giặc cướp bắt được, thì chỉ còn nước chết mà thôi, thậm chí còn ghê gớm hơn cái chết. Thế nhưng đi vào sa mạc Qua Bích rồi, thành quỉ cũng nào đã yên. Nàng đã toan gò cương ngựa không chạy nữa, nhưng quay đầu lại thì những chiếc lều của người Cáp Tát Khắc và hàng cây xanh không còn thấy đâu, hai tên cường đạo đã bị bỏ rơi nhưng năm tên kia vẫn còn đang đuổi tới. Lý Văn Tú nghe tiếng bọn kia sung sướng kêu lên:

- Đúng là con ngựa trắng rồi, không sai vào đâu được. Bắt lấy nó, bắt lấy nó.

Mối thù nằm sâu trong lòng bao nhiêu năm nay bây giờ có dịp phát tiết, Lý Văn Tú nghĩ thầm: “Gia gia và má má bị bọn ngươi giết chết. Ta dẫn chúng bay đi vào sa mạc Qua Bích, để cùng chết một lượt. Môt mạng ta đổi năm mạng giặc cướp, còn như... còn như... sống ở trên đời có gì lạc thú nữa đâu”.

Mắt nàng rưng rưng, trong bụng không còn chần chừ gì nữa, giục ngựa nhắm hướng tây chạy thật nhanh.
Bạch mã khiếu tây phong
một
Hai
Ba
Bốn