K.Marx - F.Engels
II
Tác giả: K.Marx - F.Engels
"Xuất phát từ những nguyên lý đó, Đảng công nhân Đức dùng mọi thủ đoạn hợp pháp để đấu tranh thành lập một nhà nước tự do - và - xã hội xã hội chủ nghĩa; xoá bỏ sự bóc lột dưới tất cả mọi hình thức của nó; thủ tiêu mọi sự bất bình đẳng về xã hội và chính trị".
Nhà nước "tự do", sau này tôi sẽ nói trở lại.
Như vậy là từ nay về sau, Đảng công nhân Đức sẽ phải tin vào "quy luật sắt về tiền công" của Lassalle ! Để cho quy luật này khỏi bị mất đi, người ta bày cái trò vô nghĩa là nói đến việc "xoá bỏ chế độ tiền công" (đáng lẽ phải nói: chế độ lao động làm thuê) "cùng với cái quy của nó, dù cho những quy luật đó bằng "sắt" hay bừng bọt biển thì cũng thế. Nhưng cuộc đấu tranh của Lassalle chống lao động làm thuê hầu như chỉ xoay quanh cái gọi là quy luật đó thôi. Cho nên, để chứng minh rằng phái Lassalle đã thắng thì "chế độ tiền công cùng với cái quy luật sắt về tiền công của nó", chứ không phải là chế độ tiền công không thôi, phải bị xoá bỏ.
Như mọi người đều biết, trong mấy chữ "quy luật sắt về tiền công", không có chữ nào là của Lassalle cả, ngoài cái từ "sắt" mượn ở câu "những quy luật vĩnh cửu, rắn như sắt, vĩ đại" của Goethe. Từ sắt là cái nhãn hiệu để cho những tín đồ chính tông nhận được nhau. Nhưng nếu tôi thừa nhận cái quy luật có mang con dấu của Lassalle và do đó theo cái nghĩa mà Lassalle hiểu thì tôi cũng phải thừa nhận những lý lẽ của Lassalle luận chứng quy luật đó. Nhưng luận chứng đó là gì ? Như Lange đã chỉ rõ ít lâu sau khi Lassalle mất, đó là thuyết nhân khẩu của Malthus (chính Lange cũng tuyên truyền cho thuyết này). Nhưng nếu thuyết này đúng thì tôi lại không thể xoá bỏ cái quy luật kia đi được, dù cho tôi có xoá bỏ lao động làm thuê đến một trăm lần đi chăng nữa, bởi vì lúc bấy giờ quy luật ấy không những chi phối chế độ lao động làm thuê mà còn chi phối mọi chế độ xã hội. Chính là dựa vào đó mà từ năm mưới năm nay và lâu hơn nữa, các nhà kinh tế học đã chứng minh rằng chủ nghĩa xã hội không thể xoá bỏ được sự cùng khó do bản thân tự nhiên quyết định, mà chỉ có thể làm cho nó trở thành phổ biến bằng cách cùng một lúc phân phối nó ra khắp toàn thể xã hội !
Nhưng tất cả những cái đó không phải là chủ yếu. Hoàn toàn không kể đến cách hiểu sai của Lassalle về quy luật nói trên, sự thụt lùi thật đáng công phẫn còn là ở chỗ sau đây:
Sau khi Lassalle mất, đáng ta bắt đầu tiếp thu được cái quan điểm khoa học nói rằng tiền công lao động không phải là cái mà nó biểu hiện ra bên ngoài, tức không phải là giá trị hay giá cả của lao động, mà nó chỉ là một hình thái cải trang của giá trị hay giá cả của sức lao động. Thế là cái quan niệm tư sản từ trước đến nay về tiền công cũng như toàn bộ sự phê phán từ trước đến nay chống lại quan niệm ấy, đều vĩnh viễn bị đánh đổ, và người ta đã xác định rõ rằng người công nhân làm thuê chỉ được phép lao động cho chính đời sống của mình, nghĩa là chỉ được phép sống, chừng nào người ấy làm không công trong một thời gian nhất định cho các nhà tư bản (do đó, cũng là cho những kẻ cùng với chúng tham gia tiêu xài giá trị thặng dư); rằng toàn bộ hệ thống sản xuất tư bản chủ nghĩa đều xoay chung quanh cái trục là kéo dài lao động không công ấy bằng cách kéo dài ngày lao động hoặc bằng cách nâng cao năng suất, bằng cách buộc sức lao động phải hoạt động căng thẳng hơn, v.v...; rằng như vậy thì chế độ lao động làm thuê là một chế độ nô lệ, hơn nữa là một chế độ nô lệ càng khắc nghiệt hơn khi sức sản xuất xã hội của lao động càng phát triển, dù cho tiền công mà công nhân nhận được cao hay hạ cũng thế. Thế mà giờ đây, sau khi quan điểm ấy đã ngày càng ăn sâu trong đảng ta, người ta lại quay trở lại với những giáo điều của Lassalle, mặc dù đáng lẽ bây giờ thì người ta phải biết rằng Lassalle trước kia không hiểu tiền công là gì và theo đuổi những nhà kinh tế học tư sản, ông ta đã lấy biểu hiện bên ngoài làm bản chất của sự vật.
Như thế chẳng khác nào trường hợp những người nô lệ, sau khi rút cục đã hiểu được bí mật của ách nô lệ, đã nổi dậy khởi nghĩa, nhưng lại có một người trong số họ, bị những quan niệm lỗi thời ràng buộc, đã ghi vào cương lĩnh của cuộc khởi nghĩa: chế độ nô lệ phải được xoá bỏ vì trong chế độ ấy, việc nuôi người nô lệ phải không thể nào vượt qúa một mức tối đa rất thấp nào đó !
Chỉ riêng việc các đại biểu của đảng ta đã có thể xúc phạm một cách ghê gớm như vậy đến cái quan niệm đã phổ biến rộng rãi trong đông đảo đảng viên - chỉ riêng một việc đó cũng chứng tỏ rằng những đại biểu ấy đã bắt tay vào thảo cương lĩnh thoả hiệp với một sự nhẹ dạ (tội lỗi), với một sự vô sỉ như thế nào rồi !
Thay vào cái câu kết luận mơ hồ ở cuối đoạn là: "thủ tiêu mọi sự bất bình đẳng về xã hội và chính trị" thì đáng lẽ phải nó là: cùng với việc thủ tiêu những sự khác biệt giai cấp thì mọi sự bất bình đẳng về xã hội và chính trị bắt nguồn từ những sự khác biệt giai cấp đó, tự chúng cũng không còn nữa.