Chương 7
Tác giả: Lan Khai
Trong một gian phòng kín, ba người đàn ông xì xào bàn tán với nhau những chuyện gì ghê gớm lắm thì phải, vì nét mặt người nào cũng lộ vẻ bí mật khác thường.
Người ngồi giữa nhỏ nhắn hơi gầy; đầu chít khăn thiên thanh; mình vận áo vóc tía thêu rồng. Khuôn mặt quắt như hai ngón tay chéo; nước da vàng xỉn; cặp môi thâm khuất bóng trong bộ râu rậm đỏ với hai mắt đưa đẩy nhanh như chớp tỏ ra một tính nết giảo hoạt, thâm độc lạ lùng. Ngồi bên tả người mặc áo tía là một võ tướng cao lớm mặt vuông, mắt xếch, da đen, cử chỉ rất đột ngột, trái hẳn với vị nho sĩ ở phía hữu lạnh lùng, ít nói nhưng rất đáng sợ vì cặp mắt lươn trắng dã với cái cách cười nụ thảm thê.
– “Thế nào”, người khăn xanh nói, “các ông liệu việc ấy có nên không?”.
Vị nho sĩ mắt lươn cười nhạt:
– Tướng công bàn giam Huệ Tôn lại một chỗ, chúng tôi e có nguy hiểm về sau. Đánh rắn không dập đầu là một việc thấp cơ đáng trách. Cứ ý ngu của chúng tôi thì ta giết phăng ngay hắn đi là êm chuyện.
– Đã đành giết đi thì kẻ khác không còn vin vào đâu mà quấy rối được nữa, nhưng việc nếu không làm theo, để lộ tiếng tăm ra ngoài thì lại càng dễ gây công phẫn vô cùng.
Sau câu ấy, gian phòng bỗng im lặng, cái im lặng hãi hùng của sự chết. Hồi lâu, người mắt lươn ngẩng đầu nhìn lên, quả quyết nói dằn từng tiếng một:
– Không thể lộ chuyện được! Chúng tôi có một cách làm cho câu chuyện ấy kín như bưng ...
Người khăn xanh hớn hở:
– Cách nào?
– Bẩm Tướng công, nếu Huệ Tôn tự tử thì bên ngoài còn ai trách ta được?
– Tôi không hiểu!
– Nghĩa là đêm nay chúng tôi xin thân hành vào chùa thăm Huệ Tôn. Chúng tôi sẽ buộc sẵn một sợi dây lên xà nhà, đoạn mời Huệ Tôn chui đầu vào thòng lọng để sang cõi đời bên kia.
– Thế ngộ hắn không chịu? Thế ngộ hắn kêu cứu?
Giơ hai bàn tay xương xương mà cứng như sắt, người mắt lươn ra hiệu bóp mạnh một vật gì rồi vừa cười vừa nói rằng:
– Chúng tôi sẽ dùng hai bàn tay này chẹn vào cổ họng nhà sư kỹ cho đến lúc hắn tắt thở bấy giờ tiểu tướng sẽ nhắc treo hắn lên đây.
Cử tọa đều cười.
Người bên tả nói:
– Ông bàn thế kể cũng đã giỏi, nhưng việc tự sát ấy có khỏi cho thiên hạ cứ ngờ được chăng?
– Nếu chỉ có thế thì người ta cứ ngỡ là phải. Nhưng, nếu khi chết đi, Huệ Tôn có chủ bút để lại, nói rằng vì chán cảnh trần ai khổ lụy, và không muốn kẻ khác lấy mình làm cớ cho những cuộc đổ máu sau này nên sớm phải từ trần ...
– Có lời di chúc ấy thì còn gì bằng! ....
– Sao lại không?
Vừa nói, người mắt lươn vừa lấy ra hai tờ giấy trải lên mặt bàn. Một tờ màu vàng, có đóng dấu song, thủ bút cũ của Huệ Tôn Hoàng Đế khi còn ở ngôi. Một tờ màu trắng, đại ý Huệ Tôn kể cái nguyên do sự tự sát của mình.
Người khăn xanh ngạc nhiên:
– Huệ Tôn viết tờ này từ bao giờ?
Cười một cách đắc chí, người mắt lươn đáp:
– Tờ này là tự chúng tôi viết hộ đức Hoàng đế ta!
Một tiếng cười giòn đang tiếp theo câu nói ấy thì cửa phòng xịch mở, một võ tướng bước vào quỳ lạy và bẩm rằng:
– Bẩm Tướng công, sứ giả đã tự Hồng Châu trở về.
Người khăn xanh, vội nói:
– Cho vào ta hỏi, mau!
Viên tướng lùi ra, một lát dẫn sứ giả tới.
– Thế nào, tình hình Đoàn Thượng ra làm sao?
– Bẩm Tướng công, hắn ta có ý chán nản khi được tin Lý Hổ và Kiếm Hồn bị giết, Huệ Tôn từ chối việc xuất bôn. Giữa lúc ấy, tiện tốt đem như Tướng công đến, hắn ta xem xong, suy nghĩ một lát rồi vui vẻ nhận lời.
Quay lại người mắt lươn, vị quan to hỏi:
– Đoàn Thượng nhận lời giảng hòa với ta, ông bảo là thực hay có ý khác?
– Bẩm Tướng công, thực thì nó không thực mà có ý khác nó cũng không nốt.
Chẳng qua vây cánh chết rồi, Huệ Tôn lại chẳng chịu đi xa, hắn thấy mình cô độc nên vộ phải nhận lời để chờ dịp khác.
– Ông nói rất hợp sự phỏng đoán của tôi.
– Kể nó cũng đã khôn ngoan, nhưng nó chui đầu vào cạm mà không biết.
– Phải, nó thấy mình cầu hòa, khỏi sao sinh lòng kiêu hợm, cho rằng mình sợ. Đã kiêu hợm, nó chắc không còn phòng bị gì nữa, ta xuất kỳ bất ý đánh cho một trận là phải tan.
Viên tướng mặt vuông đứng dậy, nói:
– Ta nên trừ ngay Đoàn Thượng vì nó còn sống ngày nào, ta còn phải lo ngày ấy. Một đằng Tướng công nên luôn luôn gửi tặng vật cho nó yên lòng; một mặt Tướng công truyền lệnh điều khiển sĩ tốt, chờ khi Nguyễn Nộn này lẻn ra mai phục mặt sau bấy giờ ta sẽ cùng khởi cuộc đánh giết. Kẻ vô mưu ấy dù có cánh cũng không bay thoát tai ta.
– Hay, kế ấy rất hay! Có những mưu sĩ như các ngươi, Thủ Độ này lo gì chất làm nên việc lớn. Vậy, mai sớm, người nên dẫn một cách đại quân giả cách đi tuần phòng rồi lẻ đường ra phía sau Hồng Châu mai phục sẵn. Lễ đăng quang của Trần Cảnh cử hành xong, ta sẽ cất quân đi ngay.
– Nguyễn Nộn cúi đầu lĩnh mệnh rồi lui ra.
Thủ Độ quay lạii hỏi Phụ Trần:
– Việc ám hại Huệ Tôn sẽ thi hành vào lúc nào?
– Bẩm Tướng công, nên làm ngay đêm nay.
– Ta e bất tiện. Vì, gặp tang ấy, lễ đăng quang của cháu ta tất nhiên phải hoãn mất.
Ngẫm nghĩ một lát, Phụ Trần trả lời:
– Hay là ta chời tới khi lễ đăng quang đã cáo thành? Tất phải như vậy!
Bỗng, tự sau bình phong, một người đàn bà tiến ra nói với Thủ Độ:
– Tướng công ơi, việc ấy thiếp xin can, vì nó tàn nhẫn quá! Vả lại Huệ Tôn đã từ chối lời thỉnh thác của Đoàn Thượng, tỏ ra không có ý gì sinh chuyện cả.
Những kẻ toan mượn tiếng Huệ Tôn để gây sự cùng ta, tôi tưởng sẽ phải ôm đầu nín tiếng hết khi chúng thấy ta đã đánh ta đảng Đoàn Thượng. Huệ Tôn già yếu vô tội, thiếp xin Tướng công dung cho sống nốt cuộc đời thừa!
Thủ Độ quác mắt nhìn Trần Thái hậu:
– Đàn bà đã không biết gì lại còn cứ hay lôi thôi. Mưu việc lớn mà không thẳng tay thì chỉ tổ bày trò cười cho thiên hạ.
Dứt lời, Thủ Độ giũ áo đứng dậy cùng Phụ Trần ra ngoài.
Đứng trơ lại giữa phòng. Trần Thái hậu âm thầm sa nước mắt ...