watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Ba Người bạn, một cuộc chiến-CHƯƠNG CHÍN - tác giả Lê Bá Thông Lê Bá Thông

Lê Bá Thông

CHƯƠNG CHÍN

Tác giả: Lê Bá Thông

Y tá Quang cầm chiếc cán bàn chải chắm chú chùi sàn tàu, phía ngoài hành lang phòng của mình.
Biển lặng gió trong buổi sáng sớm đẹp trời, con tàu lắc nhẹ theo đợt sóng lăn tăn cuốn từ ngoài khơi vào vịnh. Sợi dây xích sơn màu đen neo tàu to bằng bắp chân người lớn căng thẳng như cố gắng tranh tài với sức kéo vô hình từ đáy đại dương.
Từ trong Cầu Đá, hai chiếc chiến hạm của Hải Quân Việt Nam đang nối đuôi nhau tách bến. Trên bong, những Sinh viên Sĩ quan thuộc Trung tâm huấn luyện Hải Quân Nha Trang bận rộn phụ với Thủy thủ đoàn kéo dây lên sàn tàu.
Tiếng súp lê thổi vang, rồi lá Quốc kỳ mới của Quốc gia Việt Nam từ từ được kéo lên trên thượng đài. Ngọn cờ vàng ba sọc đỏ hiên ngang phần phật bay trong gió biển, nổi bật trên nền trời màu xanh dương của một buổi sáng cuối mùa xuân.
Quang đưa tay vẫy chào những chàng thủy thủ của một Hải Quân son trẻ chỉ vừa hơn hai tuổi rưởi, mà đã lôi cuốn được nhiều thanh niên nuôi giấc mộng giang hồ, thích cuộc sống phiêu lưu mạo hiểm, đầy thử thách gian truân giữa sóng gió đại dương.
Họ ngoắc tay chào lại khi hai hộ tống hạm chạy ngang qua chiếc Bệnh Viện Hạm, hai hồi còi dài “tù..tù..” vang lên trong sương mù, báo hiệu chiến hạm giữ phía tay mặt và rồi trực chỉ về hướng đông nam, bềnh bồng hải hành ra biển khơi, có lẽ đang theo lộ trình về vịnh Cam Ranh. Những khẩu hải pháo lớn trên bong được buộc chặt xuống pháo tháp để tránh gây thiệt hại khi chiến hạm nhồi sóng.
Quang bâng khuâng nhìn theo hai con tàu đang nhả khói đen và khuất dần cuối chân mây, một cảm giác kỳ lạ dâng lên trong lòng chàng trai nước Việt.
Tâm trạng của một thanh niên trí thức, sinh trưởng trong một gia đình theo Tây học, từ nhỏ đến lớn sống trong vật chất đầy đủ với tất cả tiện nghi của thành phố, trong tình thương ích kỷ của cha mẹ.
Đôi khi đọc báo thuộc địa, biết về cuộc chiến được thông báo một chiều của ký giả địa phương, anh phân vân không hiểu tại sao dân tộc Việt Nam khốn khổ này vẫn còn tồn tại, khi báo chí cho biết hàng ngày cả trăm ngàn dân lành vô tội và lính Việt Minh nằm xuống tại làng mạc, trên các mặt trận với chiến thắng liên miên của quân đội Pháp.
Đã nhiều lần anh xin cha mẹ cho phép anh gia nhập hội Hồng Thập Tự Quốc tế để có dịp làm công việc từ thiện, cứu trợ dân lành, nạn nhân chiến tranh ngoài bắc cũng như tại miền trung, nhưng cha mẹ thương đứa con trai độc nhất của hai ông bà, đã thuyết phục Quang bỏ ý định này, thay vào đó ráng học để trở thành Bác sĩ.
Vì thương cha mẹ, anh vâng lời được một thời gian, sau đó tình nguyện phục vụ tại Bệnh Viện Hạm Pháp để dung hòa ý muốn của mình và hai người thân yêu. Quang hứa với cha mẹ là sẽ tiếp tục theo học Y khoa sau khi đất nước thanh bình.
Tuy nhiên, mỗi lần Quang trông thấy những thanh niên Việt Nam khác đang hy sinh dấn mình vào cuộc đấu tranh giành độc lập dù trên hai chiến tuyến và lý tưởng khác nhau, với lòng nhiệt huyết không đếm xỉa gì đến sự lèo lái của cấp lãnh đạo, Quang vẫn cảm thấy bồi hồi tội lỗi vì nghĩ rằng anh chưa làm tròn nhiệm vụ của một sĩ phu khi đất nước đang cần bàn tay đóng góp của mình.
Với chức vụ Y tá trên Bệnh Viện Hạm, Quang đã chứng kiến hậu quả chiến tranh đã và đang để lại trên thân hình và tâm trí của những chiến sĩ thuộc đoàn quân viễn chinh.
Những thương binh cụt tay, cụt chân trên chiếc xe lăn hay đôi nạng gỗ, những con người ngơ ngẩn mất hồn, chột mắt mất mũi, đầu quấn băng trắng xóa lần theo hành lang Bệnh Viện, thờ thẫn đi về phía phòng ăn.
Cô gái “vô danh”, quên dĩ vãng, không người thân thích, mang một lý lịch hoàn toàn xa lạ cũng là nạn nhân của cuộc chiến này.
Quang ngửa mặt nhìn lên trời, mây trắng bay lờ lững về phía Hòn Lớn.
Bạch Lan, người con gái bất hạnh, vẫn chưa tìm lại được gốc gác của mình, đang cố gắng hòa vào đời sống mới trên tàu, bên cạnh những con người khác giống nhưng nhiều lòng nhân từ.
Nàng bắt đầu học tiếng Pháp dưới sự chỉ vẻ và hướng dẫn của cô Y tá Catherine và của anh Quang, ngoài việc tập nói Pháp ngữ, Bạch Lan còn được hai người này dạy cho nàng về căn bản cứu thương.
Sáng nay, lần đầu tiên Bạch Lan thấy lại chiếc chân trái nhỏ thon của mình. Bác sĩ Maurice khôi hài khi cẩn thận cưa bỏ băng bột đầy chữ ký của những người ái mộ và lấy một mảnh nhỏ đưa cho Bạch Lan cất làm kỷ niệm.
Quang phải dìu nàng đứng dậy, chập chững lui tới như con nít mới tập đi. Anh buồn cười và chạy đến bên cạnh đỡ Lan khi nàng chới với như muốn té.
Họ không thấy ngượng ngùng trước vị Bác sĩ mà hai người kính trọng như một người anh, riêng đối với Bạch Lan, Maurice còn là một ân nhân, thường kín đáo nhìn nàng bằng đôi mắt trìu mến.
Bà Brigitte De Bormand, mẹ của Maurice thỉnh thoảng gửi lời thăm hỏi nàng qua những lá thư bà viết cho Maurice, luôn luôn chúc nàng với câu “avec mes meuilleur voeux- với những chúc mừng tốt đẹp nhất của tôi”.
Bạch Lan thích thú đứng tắm trước chiếc vòi sen sau bức màn bằng plastic, đôi tay thoa nhẹ vào ống chân bên trái cho thỏa lòng thương nhớ, bắp chân có vẻ nhỏ hơn phía bên chân mặt vì thiếu vận động trong thời gian băng bột.
Vừa kỳ cọ thân hình cân đối với miếng mousse nhỏ, nàng vừa lẩm bẩm những chữ Pháp căn bản “ les mots élémentaires” mà hình như nàng đã quen thuộc từ trong trí óc dĩ vãng:
Nào là “ Comment vous appelez- vous? Anh tên gì?” hay “Je ne sais pas-Em không biết” hoặc “ Enchanté de faire votre connaissance- Rất hân hạnh biết ông”, “comme ci, comme ca”...
“Comme ci, comme ca de quoi?”
Bạch Lan nghe tiếng hỏi của cô Y tá Catherine đang mở cửa đi vào. Nàng cười vui vẻ, vén màn vói mặt ra nhìn cô Y tá nheo mắt nghịch ngợm rồi ra hiệu nhờ cô này đưa chiếc khăn tắm cho mình.
Hai người đã trở thành bạn thân thiết trong suốt thời gian vừa qua, Catherine chăm sóc và thương mến Lan như một người em gái.
Đôi khi Bạch Lan thấy nước mắt bà rươm rướm trên đôi mắt sâu đẹp màu xanh, làm ướt hàng mi cong dài, khi nghe Quang thông dịch và đề cập đến tâm tình đau xót của người con gái “vô danh” mất trí nhớ về dĩ vãng.
Bạch Lan choàng chiếc khăn tắm quanh người rồi đi đến soi mình trước chiếc gương lớn trong căn phòng của hai người trên Bệnh Viện Hạm.
Trước mắt nàng là một cô gái dáng dấp thanh cảnh, mái tóc dài đẫm ướt xõa xuống bờ vai thon, khuôn mặt trái xoan với chiếc má lúm đồng tiền. Đôi mắt to tròn, da hơi ngâm đen mặn mà, vành môi nũng nịu thèm khát tình yêu.
Nàng đang nghĩ đến Quang, người con trai Việt Nam độc nhất mà nàng được biết, thế còn trước đó, có người nào nữa không, nàng là ai? cha mẹ nàng là ai?
Bạch Lan nhắm mắt lại, nước mắt chảy dài xuống đôi má, nàng không nhớ gì cả, tại sao?
Cành hoa lan trong khung hình có liên hệ gì với nàng không? Nàng chỉ được Quang cho biết là nàng bị thương tích rất nặng trên con đường làng vì đạn của hai lực lượng Việt Minh và Pháp đang đụng độ nhau.
Bạch Lan ôm vầng trán rộng, hai bên màng tang nhức nhối dữ dội, nàng cảm thấy choáng váng như muốn té xỉu, cô Y tá hoảng hồn vội vàng chạy lại, đỡ nàng ngồi xuống ghế, lấy ly rót nước và bảo nàng uống hai viên Aspirin, miệng nói những câu gì mà Bạch Lan không hiểu, chỉ thấy cô này đưa tay ra hiệu như khuyên đừng suy nghĩ nữa, rồi thoa nắn hai bờ vai nàng an ủi.
Có tiếng chân người đi đến gần rồi Bạch Lan nghe giọng nói của Quang phía sau cửa phòng:
-“ Bạch Lan có trong đó không? Anh vào được không?”
Bạch Lan giật mình nhìn xuống thân hình, chiếc khăn tắm rơi nằm trên sàn tàu lót gạch trắng khi nàng chới với ngồi xuống ghế.
Cả cô Catherine và Bạch Lan đều có chung một phản ứng, họ lớn tiếng nói vọng ra về phía cửa với hai ngôn ngữ khác nhau nhưng cùng một ý nghĩa:
-“ Đừng vào, đừng vào.., Quang khoan vào đã, Bạch Lan đang bận”.
Thế rồi cô Catherine vói tay lấy chiếc quần lót màu đen và cái áo choàng tung về phía Bạch Lan đang bối rối, không cố ý khoe thân hình với những đường cong tuyệt mỹ, no tròn thon đẹp cân đối.
Nàng vội vàng mặc quần lót vào, choàng chiếc áo cột sợi dây quanh người, lấy lược chải sơ mái tóc, nhìn vào gương như để kiểm soát, cô Y tá nhìn nàng gật đầu như vừa ý rồi nói vọng ra cửa:
-“ Anh Quang vào đi, em sẵn sàng rồi ”
Y tá Quang đẩy cửa bước vào phòng, chợt đứng khựng lại, bối rối khi thấy cô Catherine đang đứng cạnh Bạch Lan, anh ấp úng nói bằng tiếng Pháp:
-“ Tôi xin lỗi, không biết có Catherine ở đây, rất tiếc đã phá rối hai người, tôi sẽ trở lại gặp Bạch Lan sau.”
Vừa nói anh vừa quay về phía cửa, Bạch Lan chạy lại nắm tay Quang kéo vào giữa phòng:
-“ Không.. không được anh ở lại đây, Catherine chỉ giúp em một tí xíu thôi, chứ không có gì quan trọng hết, anh đừng ngại, mà em cũng cần hỏi anh vài chuyện nữa”.
Cô Catherine đứng mỉm cười nhìn hai người bạn Việt Nam hàn huyên, mặc dù không hiểu gì nhưng cô ta cũng tế nhị xin lỗi, nói là có việc cần làm và phải đi ngay, để hai người tự nhiên tâm sự với nhau.
Bạch Lan nhìn Catherine với đôi mắt cám ơn và chờ cho cô Y tá người Pháp ra khỏi phòng, nàng nghiêng người về phía sau lưng của Quang, nhí nhảnh nũng nịu hỏi :
-“ Nào.. cho em biết anh đang cầm cái gì trên tay mà có vẻ bí mật dữ vậy? Em biết ngay khi thấy anh cố che dấu sau lưng, không muốn Catherine biết phải không? ”
Quang tươi cười đưa cho Bạch Lan một gói quà nhỏ và âu yếm nói:
-“ Anh tặng em món quà này, để chúc mừng ngày Bạch Lan hoàn toàn bình phục, anh mong em sẽ thích nó, em mở ra đi.”
-“ Lan cám ơn anh Quang luôn luôn thương và lo lắng cho em, không biết khi nào mới trả ơn anh được, em cũng rất vui vì từ đây khỏi phải dùng đôi nạng gỗ nữa, lại có thể đi chơi và dạo phố Nha Trang với anh rồi”.
Nàng nhanh nhẩu xé bao giấy bọc gói quà, mở chiếc nắp hộp nhung đen dài rồi trố mắt ngạc nhiên và thích thú la lên:
-“ Trời ơi ngọc trai, chuỗi ngọc trai đẹp quá, anh thật khéo chọn, em thích quá, cám ơn anh thật nhiều.”
Vừa nói, Bạch Lan nhào tới hôn vào má.. rồi nhón chân hôn vào môi Quang một cách say đắm, nụ hôn hàm chứa một tình yêu nhiều hơn là chỉ để tỏ lòng cám ơn về món quà tặng.
Vì bất ngờ trước phản ứng nồng nhiệt của Bạch Lan, Quang khựng lại trong giây phút ngắn ngủi, đôi tay ngập ngừng một lúc, rồi anh ôm thân hình thon nhỏ và kéo Lan sát vào thật chặt.
Hai người âu yếm hôn nhau đắm đuối như để thỏa lòng ham muốn từ bấy lâu nay, họ ước mong giây phút này không bao giờ chấm dứt.
Bạch Lan đặt chiếc hộp xuống chiếc bàn ngủ phía sau lưng, hai tay ôm đôi vai người mình đã yêu, mắt nhìn say đắm, đầu ngửa về sau, đón nhận những nụ hôn đầy tình tứ của người thanh niên vào môi, vào cổ của nàng.
Không biết hai người âu yếm bao lâu cho đến khi nghe tiếng chân người ngoài hành lang, họ vội vàng nới lỏng vòng tay, nhìn nhau cười ngượng nghịu, cố làm ra vẻ tự nhiên, rồi Quang đưa tay lên môi hôn gió về phía Bạch Lan và rời khỏi căn phòng.
Bạch Lan cảm thấy sung sướng, nàng nằm lăn ra giường, nhắm mắt lại một lúc tận hưởng giây phút êm dịu của tâm hồn, rồi vói tay lấy chiếc hộp đựng chuỗi ngọc trai, mở ra ngắm nghía, đứng dậy nhìn vào gương, đeo vào chiếc cổ thon cao, một cách thích thú.
Một chớp nhoáng chợt thoáng qua trong trí nhớ của Bạch Lan, nàng như mơ thấy một người đàn bà trung niên đang được một người đàn ông mặt mày lạ hoắc đeo chuổi hạt trai vào cổ cho bà.
Tay người đàn bà thoa nhẹ vào đôi bàn tay của ông này như cám ơn.
Cơn mơ chợt tan biến đi, Bạch Lan mở mắt ra, lắc đầu trước chiếc gương lớn như muốn níu kéo hình ảnh lạ lùng vừa bất ngờ đến trong ký ức. Nàng chỉ thấy phản chiếu trong gương, bóng dáng Bạch Lan trong chiếc áo choàng màu hồng nhạt, đang phân vân cố nhớ về dĩ vãng.
***
Trời đã về chiều, chiếc thuyền đánh cá neo trước bãi biển cạnh Hòn Chồng nhấp nhô theo đợt sóng nhỏ đang cuốn vào bờ.
Từ xa bán đảo Pyramid, hình kim tự tháp, nhô cao trên mặt biển màu xanh lơ. Những đám mây hồng nhạt dưới ánh nắng chiều đang lờ lững bay xuôi về cuối chân trời.
Hai người tình son trẻ dựa vai nhau, thích thú dạo chơi trên bãi cát màu trắng ngà, sỏi vàng khua nhẹ dưới bước đi. Dấu chân để lại sau lưng in dài trên cát, rồi bị xóa tan với cơn sóng vỗ vào và cuốn ra từ bờ.
Vịnh Nha Trang nằm yên bình dưới cơn gió chiều êm dịu thổi từ biển khơi, lá hàng dừa xanh bay phất phơ, che bóng mát cho các cửa hàng bán giải khát nằm rải rác theo bờ biển.
Cầu Bóng nghiêng mình trên con sông nhỏ chảy ra vịnh, ngọn Tháp Bà với di tích của một dân tộc đã mất, là thắng cảnh nhìn xuống khu vực từ Hòn Chồng đến Hòn Lớn.
Những cặp thanh niên nam nữ ngồi châu đầu vào nhau dưới bóng mát của cây dừa, thủ thỉ tâm tình. Vài chàng Sinh viên Sĩ quan, đi nghiêm chỉnh bên cạnh cô bạn gái, rụt rè nắm tay e lệ.
Những bộ quân phục trắng, xanh da trời của Hải Quân, Không Quân xen kẻ giữa các tà áo dài đủ màu bay theo gió biển trong một buổi chiều cuối tuần tại một thành phố chỉ cách chiến trường cao nguyên đang sôi sục không đầy một giờ đường bay.
Thỉnh thoảng tiếng động cơ máy bay khu trục xé bầu trời thiên thanh làm mọi người đứng lại, lơ đãng ngửng đầu nhìn lên hai đốm trắng nhỏ, tia khói đen khuất dần trong mây biến mất về hướng núi xa xa.
Những trực thăng tải thương lượn quanh trên bầu trời. Các khách tắm biển đang vờn trên đợt sóng cuộn bạc đầu, ngưng nhảy qua ngọn sóng, đưa tay vẫy vẫy về phía anh phi công người ngoại quốc điều khiển chiếc trực thăng bay về hướng Cầu Đá, nơi chiếc Bệnh Viện Hạm đang bỏ neo.
Bạch Lan và Quang dừng lại bên nhà hàng cất trên khu đất cạnh bãi cát. Hai người chọn một chiếc bàn nhỏ ngoài hành lang, ngồi gọi thức ăn rồi nhìn ra biển.
Lâu lắm kể từ ngày bị thương, hôm nay Bạch Lan mới thưởng thức những đồ ăn biển ngon miệng như thế này, món cua rang muối tuyệt hảo, lại thêm sò huyết nướng vỉ ăn với muối tiêu chanh thật đặc biệt.
Trời đầu tháng tư vẫn còn sáng khi mặt trăng mọc về hướng đông. Vầng trăng tròn như cái bong bóng ai thả trên nền trời màu xanh bàng bạc.
Vừa ngắm cảnh biển trời mây nước, vừa thả hồn theo ngọn gió nhẹ thổi trên bãi biển Nha Trang trong buổi hoàng hôn, Bạch Lan say sưa trong mối ân tình mới chớm nở, không còn nhớ một tí gì về một bãi biển tương tự nhưng vắng bóng du khách viếng tại phía đông thành phố Huế.
Nơi đây cũng sóng bạc đầu cuồn cuộn vỗ vào bờ cát dưới trăng thanh gió mát, còng còng chạy nhiều hơn trước vì không có người đuổi bắt chúng nó.
Những kỷ niệm xưa, những biến cố trong cuộc đời người con gái Huế nay chỉ là kho tàng đánh mất trong tâm tư của Huyền, một tên gọi đã trở thành xa lạ nhưng vẫn còn được nhắc nhở và nhớ thương mãi bởi hai người bạn học đang sống nơi phương trời xa xôi cách biệt.
Trung vẫn đinh ninh rằng Huyền đã về đến Huế ngày hôm đó và vui sống an hòa cạnh gia đình, còn Nguyên thì đang cố gắng tìm hiểu về kết quả và ý nghĩa lời chỉ dẫn của cuộc cầu “cơ ” trong mấy tháng trước đây.
“Hải đăng, hải đăng”, hai chữ thật là khó hiểu nhưng linh tính của Nguyên cho biết và anh hy vọng người bạn gái của mình vẫn còn sống và đang lưu lạc tại phương trời, góc biển nào đó.
***
Trung nằm trong căn nhà tranh được biến cải thành nhà thương dã chiến của đơn vị.
Vết thương trên cánh tay vẫn chưa lành vì bị nhiễm trùng. Đồng chí Bác sĩ cho biết vì thuốc men thiếu thốn nên một ngày chỉ cho Trung uống hai viên thuốc Aspirin để khỏi đau nhức, chứ thuốc trụ sinh thì không có.
Vết thương làm độc càng ngày càng lở loét khó chịu, một ngày rửa thuốc tím và thay băng một lần vào buổi sáng.
Bệnh viện nằm sâu trong rừng già giữa biên giới Lào và Việt Nam, cạnh con đường mòn chạy dọc theo núi Trường Sơn nối liền cao nguyên và miền bắc.
Chiếc áo mỏng không đủ ấm khi đêm về, Trung phải quấn mình trong manh chiếu để thân mình khỏi tê lạnh.
Hai tuần sau khi anh thất thểu theo đám thương bệnh binh của trung đoàn di tản từ chiến trường về đây, anh đã được gặp lại Huấn.
Anh đến thăm Huấn đang nằm chờ chết tại chiếc giường tre, chỉ vài giờ trước khi người bạn đồng hành ly khai gia đình, theo lời kêu gọi của kháng chiến, cùng vào bưng chiến đấu trên chiếc xe đạp vượt con đường đất tại lăng Minh Mạng, nhắm mắt lìa đời vì vết thương của đạn đại liên bên cạnh sườn.
Trung vuốt mắt người thanh niên vừa hơn hai mươi bốn tuổi, đã hy sinh cuộc đời son trẻ cho một lý tưởng huyền hoặc và rồi bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc, không người thân thích bên cạnh trong giây phút cuối của đời mình.
Trung tự hỏi thầm: “để cho ai và được một cái gì”. Anh cảm thấy chán nản và thất vọng nhiều khi chứng kiến hàng hàng lớp lớp thanh niên cùng lứa tuổi của Luân, Huấn và anh đang làm con thiêu thân trước lửa đạn nơi trận tiền.
Máu đổ thịt nát xương tan, làng mạc cháy thiêu hủy vì chiến tranh, dân lành vô tội bị kẹt giữa làn đạn của hai kẻ thù đang cố gắng tranh giành từng tất đất, không phải là của mình.
Thực dân Pháp và Cọng sản, một thứ thực dân mới, đã gián tiếp hay trực tiếp xua đuổi nông dân rời bỏ ruộng vườn, quê cha đất tổ, mồ mả ông bà thân yêu, bồng bế nhau đổ xô về sinh sống lây lất trên vỉa hè, trong những công viên của thành phố hoàn toàn xa lạ, dưới cặp mắt khinh bỉ của dân đô thị.
Ban ngày họ lê chân kiếm ăn dưới cơn nắng cháy da của mặt trời oi bức và khi đêm về, nằm lăn lóc lạnh lẽo bên vỉa hè trống vắng, đầy muỗi mòng thèm thuồng chờ sẳn, hút máu từ những tấm thân gầy còm thiếu cơm.
Trên đường hành quân, Trung đã thấy những người trong ban quan táng, chôn vội bên cánh rừng, dưới lùm cây, xác chết của cán binh vô danh.
Những ngôi mộ không tên mọc rải rác trên lộ trình kháng chiến, là chiến công của “trận giặc không giới tuyến” đang được các đại cường quốc cố gắng tìm chữ để bịp nhau trên bàn hội nghị tại Genève, hy vọng sẽ đi đến một giải pháp khả dĩ thỏa mãn tất cả các nước thành viên tham dự.
Trung chờ cho ban quan táng lấp đất xong ngôi mộ của Huấn chôn bên đường, dưới tàng cây đa, anh đến cạnh, ngồi xuống đào đất, dựng tấm bia gỗ mà anh đã dùng cây dao cá nhân khắc vội, trước ngôi mộ mới của Huấn, cúi đầu lâm râm khấn cầu cho bạn được sớm siêu thoát, nước mắt anh chảy dài xuống đôi má gầy vì thiếu ngủ.
Trung đứng lặng yên một lúc, nhìn tấm bia có dòng chữ hoa:
“Trần Huấn
1930- 1954”
Rồi anh chấp tay lạy hương hồn người bạn ngắn số.
Ngọn gió rừng thổi mạnh làm bụi đường và lá khô bay mù mịt khắp trời.
***
Chiếc Bệnh Viện Hạm đang trên đường về Vũng Tàu để chuyển những thương binh qua các thương thuyền khác đưa về Pháp. Tin từ chiến trường Điện Biên Phủ gửi về làm mọi người thẫn thờ lo âu.
Biến chuyển quân sự trên các mặt trận khác cũng không thuận lợi cho quân đội viễn chinh và chính phủ của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Việt Minh lợi dụng thành quả này đưa ra yêu sách tại bàn hội nghị.
Quang thông báo cho Bạch Lan biết về việc quân Cọng sản đang vây khốn lực lượng phòng thủ của Pháp và nguy cơ thất bại của quân đội Pháp.
Những cánh quân nhảy dù xuống tăng viện cho quân trú phòng tại Điện Biên Phủ cũng không đem lại kết quả gì khả quan hơn.
Trong khi đó tại Sài gòn, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đang tiếp tục củng cố chính phủ, dưới sự yểm trợ của những người bạn trong quốc hội Mỹ, chuẩn bị chương trình thay thế và đuổi người Pháp ra khỏi miền nam Việt Nam trong trường hợp một hiệp định được ký kết tại Genève.
Con tàu lướt êm trên biển Nam Hải trực chỉ về hướng nam. Bạch Lan ngồi trên bong tàu nhìn về đỉnh núi phía bên tay mặt, Quang đứng bên cạnh chỉ về một hòn đá có hình thù giống như một người đàn bà bồng đứa bé và nói:
-“ Bạch Lan trông có giống như người ta nói không? Hòn Vọng Phu đó. Tượng đá nằm trên đỉnh núi cao giữa Nha Trang và vịnh Cam Ranh. Huyền thoại người mẹ bồng con ngóng chồng về từ biển đông đã được người đời truyền tụng từ lâu, nay nhờ trời trong, không có mây nên hai đứa mình mới có may mắn nhìn thấy tận mắt”.
-“ Lạ thật Bạch Lan chưa lần nào được nghe cả nhưng cũng cảm thấy hình như đã biết sự tích này rồi, ừ..hừ chắc là phải có lý do”.
Bạch Lan vừa vuốt sợi tóc bay vướng vào mặt vừa thắc mắc trả lời. Quang gật đầu và giải thích:
-“ Có lẽ Bạch Lan đã được ai kể cho nghe trước đây rồi, nay vì mất trí nhớ nên quên hết.”
Anh sợ người yêu buồn khi nghe nhắc đến bệnh tình của nàng, nên anh vội vàng đổi câu chuyện qua đề tài khác:
-“ Lần này khi về đến Vũng Tàu anh sẽ xin phép Trung Tá Y Sĩ trưởng đưa Bạch Lan về nhà giới thiệu với cha mẹ anh tại Sài gòn, em có chịu không?”
-“ Thật không anh? Nếu được phép như vậy thì thích quá, em cũng muốn được viếng thăm hai bác và sau đó lại có dịp biết xứ Sài gòn hoa lệ nữa.”
-“ Ừ nhỉ, anh quên mất là em chưa có khi nào vào Sài gòn hết. Thành phố này lớn hơn Nha Trang nhiều và rộn rịp lắm, nhất là về đêm ánh sáng muôn màu lấp lánh, xe cộ chạy đầy đường như then cửi, vì vậy Tây mới đặt tên cho Sài gòn là “Hòn ngọc Viễn đông” đó Lan à.”
Bạch Lan chăm chú nghe Quang say sưa nói về thành phố mà anh đã sinh ra và lớn lên trong hơn ba mươi năm qua.
Con tàu vẫn lắc nhẹ theo đợt sóng dài của mùa biển tây nam, êm ả trong cơn gió thoảng vào một buổi chiều gần tắt nắng.
Không còn bao lâu nữa, bắt đầu từ tháng chín, mùa biển đông bắc sẽ bắt đầu với những trận bão tố liên miên trên biển Nam Hải, đại dương nổi sóng, cuồng phong dữ dội đe dọa mạng sống của người đi biển.
Sau cuộc hành trình ngắn ngủi như chuyến du ngoạn trên vùng biển đẹp trải dài từ vịnh Cam Ranh qua bờ biển Phan Thiết, ngày hôm sau khi mặt trời vừa khuất sau đồi cát và rặng cây dọc theo Long Hải, ngọn Hải đăng trên núi Vũng Tàu chớp sáng trên vùng biển xanh thẫm, đã được quan sát viên trên đài chỉ huy của Bệnh Viện Hạm báo cáo cho vị Sĩ quan trưởng phiên.
Con tàu giảm máy từ từ khi vào gần bờ và tiến vào vịnh Vũng Tàu một cách cẩn thận.
Hạm Trưởng điều khiển tàu đến vị trí bỏ neo, đối diện Bãi trước, cách ngọn đèn phao nổi đánh dấu chiếc tàu Nhật Bản London Maru bị máy bay Đồng Minh thả bom đánh chìm trong trận Đệ nhị thế chiến vừa qua.
Hải cảng Vũng Tàu đã lên đèn, từng ánh đèn lấp lánh trong các quán ăn cạnh bờ biển. Du khách từ Sài Gòn xuống nghỉ mát đang dạo chơi trên bãi cát nhỏ chạy dọc theo con đường chính dẫn ra Bãi sau, nơi có nhiều sóng lớn hơn biển tại Bãi trước.
Bạch Lan tay đang cầm cuốn sách Pháp ngữ, quà tặng của Bác sĩ Maurice, nghiền ngẫm đọc, nàng cảm thấy hãnh diện với chính mình vì đã tiến bộ rất nhanh vừa cả tiếng Pháp vừa về căn bản cứu thương.
Kể từ ngày mai, nàng bắt đầu được phép phụ tá cô Catherine trong các công việc thường xuyên săn sóc thương bệnh binh trên tàu, vừa thực tập nghề nghiệp vừa thực hành tiếng Pháp.
Có tiếng gõ cửa phòng, Bạch Lan ngừng đọc sách, nói vọng ra bằng tiếng Pháp:
-“ Qui est là, entrez s’il vous plait”. ( Ai đó xin cứ vào )
Quang đẩy mạnh cánh cửa bước vào, mặt mày anh có vẻ không vui. Bạch Lan đứng dậy ngạc nhiên hỏi:
-“ Bạch Lan xin lỗi anh, tưởng là ai chứ, có chuyện gì mà anh buồn vậy, cho em biết được không?”
Quang lấy trong túi áo ra một tờ giấy trông giống như một bức thư đánh máy, vừa đưa cho Bạch Lan xem vừa nói:
-“ Đây là bức điện tín vừa được chuyển đến khi tàu đến Vũng Tàu, vị Bác sĩ trưởng phòng đã cho phép Quang sửa soạn rời tàu tức khắc, anh muốn báo tin cho Bạch Lan biết trước khi anh đáp chuyến ghe máy đang sẵn sàng chở anh vào bờ.”
Bạch Lan bần thần đọc dòng chữ đánh máy trên công điện, nước mắt giọt xuống nhiều hơn khi nàng đọc xong đoạn văn mờ dần dưới mắt:
“ Mẹ bị tai nạn xe hơi rất nặng- Stop – Đã được đưa vào bệnh viện Đô thành- Stop - Sợ không qua khỏi - Stop – Quang về gấp - Stop - Ký tên- Ba của con.”
Nàng gục đầu vào vai người Y tá, khóc nức nở. Quang ôm chặt thân hình Bạch Lan, cố trấn an :
-“ Anh phải về lo cho mẹ, bà rất cần anh bên cạnh trong giờ phút này. Sau khi bà qua khỏi cơn nguy, anh hy vọng như vậy, anh sẽ trở ra tàu ngay tức khắc với Lan. Em phải hứa với anh, giữ gìn sức khỏe, đừng buồn phiền nhiều quá. Bên cạnh em còn có những người bạn tốt, nhất là Bác Sĩ Maurice và cô Catherine, họ rất thương và muốn lo lắng cho em khi anh đi vắng. Nào hãy cho anh xem nụ cười xinh đẹp của người anh yêu một tí nào, cười lên đi cưng .”
Quang ôm đôi vai của Bạch Lan, nhìn thẳng vào đôi mắt đang long lanh ngấn lệ. Nàng cố mỉm cười, không nói gì cả, rồi ôm hôn Quang say đắm.
Sau đó nàng vói tay lấy chiếc khung hình có chiếc hoa lan, trịnh trọng đưa cho Quang:
-“ Em muốn Quang đem khung hình này theo để biết rằng em luôn luôn mong nhớ và ở bên cạnh anh, dù cách xa góc biển chân trời nào đi nữa.”
Hai người ngồi cạnh nhau một lúc, sau đó Bạch Lan đi theo Quang về phòng giúp anh sửa soạn đồ hành trang rồi phụ mang hành lý đi ra cầu thang cạnh bong tàu.
Chiếc thuyền “ho bo” của Bệnh Viện Hạm dùng để liên lạc và đưa nhân viên đi bờ đang nổ máy chuẩn bị rời tàu.
Quang cầm tay Bạch Lan, bóp nhẹ như vỗ về, an ủi, hôn thật nhanh trên má nàng.. anh nói vài lời từ giã sau đó tay xách va li, bước lần theo cầu thang, xuống chiếc thuyền máy.
Bạch Lan đứng lặng người, nhìn theo bóng chiếc “ho bo” xa dần, vẫy tay chào, rồi hai tay bụm mặt, khóc tức tưởi chạy về phía phòng ngủ của nàng.
Quang quay nhìn lại chiếc Bệnh Viện Hạm nhỏ dần sau lưng, một thoáng buồn dâng lên trong lòng người con trai Việt Nam nhiều tình cảm, bên hiếu bên tình và anh đã đau lòng làm đúng theo lý trí của một đứa con nhà nho giáo.
***
Nguyên vừa về đến nhà, hai người em họ con của anh Điền, chạy ra đón Nguyên tại trước cổng và thông báo một tin vui mà anh không thể ngờ được, đó là tin về anh Nghĩa, người anh cùng cha khác mẹ, rời gia đình đi theo kháng chiến hơn mười một năm nay, đã về đầu thú với chính phủ của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm.
Hiện nay anh còn bị công an giam tại lao Thừa Phủ, bên hữu ngạn sông Hương, để điều tra và lập thủ tục trả tự do cho anh Nghĩa.
Anh Điền từ An Cựu lên đưa cha của Nguyên sang gặp một người bà con trong gia đình đang giữ chức vụ lớn tại phủ Thủ Hiến trung phần và nhờ dượng này giúp đở, xúc tiến gấp giấy tờ cho anh Nghĩa được sớm đoàn tụ với gia đình.
Nguyên mừng rối rít khi nghe tin vui này vì biết cha Nguyên rất thương anh Nghĩa, đứa con trai trưởng của ông, một đứa con mà ông nghĩ rằng không khi nào gặp lại nữa.
Nguyên nhớ đến cậu Tuấn cũng theo kháng chiến từ năm bốn lăm đến bây giờ vẫn không có tin tức gì cả và Trung, người bạn học đã ly khai gia đình gần bốn năm nay không biết sống chết nơi nao.
Gia đình Trung vẫn hy vọng một ngày nào đó đứa con độc nhất của gia đình sẽ trở về đoàn tụ khi cuộc chiến chấm dứt trong tương lai rất gần đây.
Mùa thi gần đến với học sinh Huế, những cây phượng vĩ bắt đầu nở nụ đỏ trên cành. Hằng đêm dưới ánh đèn đường, dưới cây cột điện, từng nhóm học sinh trai gái học thi, kể cả Nguyên, ngồi bên nhau chăm chú vào cuốn sách dày cộm, thỉnh thoảng ngừng đọc, lắng tai nghe tiếng súng pháo binh rời rạc bắn đi từ trại lính Tây từ Mang Cá, Tòa Khâm vọng về.
Chiến tranh giữa quân đội Cọng sản Việt Nam và thực dân Pháp đã đến giai đoạn cuối cùng với chiến thắng có chiều hướng ngả về phía Việt Minh trên mọi chiến tuyến. Đặc biệt tại mặt trận Điện Biên Phủ, quân đội Pháp đang cố gắng trong tuyệt vọng chống trả áp lực tấn công mạnh mẽ của những Sư đoàn thiện chiến cảm tử Cọng sản.
Trọng pháo đặt trong các hầm đá kiên cố đào sâu trong các ngọn đồi chiến lược chung quanh Điện Biên Phủ nả đạn liên tục ngày đêm không dứt, vào căn cứ của Pháp.
Thời tiết mùa mưa, mây mù của vùng thượng du gần biên giới Ai Lao, cọng thêm yếu tố nói trên gây khó khăn cho Không quân Pháp, trong các phi vụ yểm trợ đơn vị phòng thủ đang ngày càng mệt mõi vì không có thì giờ nghỉ ngơi dưỡng sức.
Với một quân số gần 12000 lính dưới quyền chỉ huy của Đại tướng Navarre, lực lượng trú phòng bị vây khốn bởi một đạo quân Cọng sản khổng lồ nhiều hơn gấp bốn, khoảng chừng 50000 người dưới sự điều động trực tiếp tại chiến trường của Tướng Việt Minh Võ Nguyên Giáp.
Quân đội viễn chinh nổi tiếng ngày nào nay như cá nằm trong lưới, cô lập với thế giới bên ngoài, tiếp vận trên đường bộ gián đoạn vì các huyết lộ dẫn đến Điện Biên Phủ đều bị quân Việt Minh chiếm đóng.
Lương thực vũ khí đạn dược cạn dần, chỉ trông nhờ tiếp tế bằng máy bay thả dù. Sau khi cố gắng lượn tránh màn lưới đạn dày đặc của địch quân bắn lên từ các ổ súng phòng không tối tân chế tạo tại Nga Sô, các phi cơ tiếp viện bay xuống thấp thả dù xuống tiếp tế cho quân Pháp.
Gió mạnh của núi rừng thổi các cánh dù bay ra xa và rơi xuống khu vực Cọng quân kiểm soát với tất cả đồ tiếp liệu cần thiết cho quân trú phòng.
Cuộc tấn công của quân đội Việt Minh vào các tiền đồn của Pháp chung quanh Điện Biên Phủ khởi đầu từ ngày 12 tháng 3 năm 1954, kéo dài cho đến đầu tháng 5, căn cứ chính tại địa danh lịch sử này hoàn toàn thất thủ.
Quân đội viễn chinh Pháp và Đại tướng Navarre treo cờ trắng đầu hàng trong một buổi sáng nhiều sương mù trên vùng đồi núi thượng du Bắc Việt, tạm thời chấm dứt một thế kỷ chiến tranh đô hộ, xâm chiếm thuộc địa tại Việt Nam.
Hiệp định Genève được ký kết vào ngày 20 tháng 7 năm 1954 giữa các đại cường quốc trực tiếp hay gián tiếp tham dự cuộc chiến tranh này với thành phần đại diện của Việt Nam Cọng sản và Việt Nam Quốc gia.
Giải pháp quốc tế này đã chia cắt đất nước thân yêu Việt Nam tại một con sông nhỏ phía bắc thành phố Quảng Trị tại Vĩ tuyến 17 độ Bắc với chiếc cầu có tên Hiền Lương nối liền một dải sơn hà gấm vóc, một dân tộc, hai chế độ và khởi điểm của giai đoạn mới, một cuộc chiến tranh mới có tên là chiến tranh Ý thức hệ giữa “Cọng sản và Quốc gia”, “đảng trị và dân chủ.”
Dân miền Bắc đã kiên nhẫn chịu đựng, sống còn trong cuộc chiến giữa thực dân Pháp và Việt Minh, lại thêm một lần nữa người dân lành vô tội phải đi đến một quyết định, đi ngược lại với niềm tin và truyền thống muôn thuở của họ. Đó là phải xa lìa quê cha đất tổ, nơi chôn nhau cắt rún, ruộng vườn thân yêu do cha ông để lại, trên đó những mộ phần tổ tiên an nghỉ ngàn đời.
Tự do và tín ngưởng là động lực chính đã thúc đẩy họ thay đổi môi trường sống.
Kinh nghiệm đau thương của dân tộc trong suốt thời gian qua, khi họ chứng kiến cọng sản tước đoạt quyền căn bản làm người, quyền sở hữu chủ, quyền lựa chọn niềm tin của từng cá nhân...
Những cuộc đấu tố điền chủ, thanh trừng đối lập, thủ tiêu những người có công cho công cuộc kháng chiến chống thực dân, nô lệ...nằm trong chính sách của những cấp lãnh đạo Cọng sản, đã bắt đầu, đang xảy ra từ thôn quê đến thành thị và sẽ được thi hành triệt để bởi cán bộ nòng cốt địa phương.
Sau khi Hiệp định đình chiến chia cắt đất nước được ký kết, dân chúng hai miền Bắc Nam được phép có 300 ngày để quyết định chọn nơi sinh sống mới cho cuối cuộc đời mình.
Với sự khuyến khích giúp đở của ông Ngô Đình Diệm, vị Thủ Tướng của chính phủ miền Nam, người đã được sự ủng hộ nhiệt thành của giới chức Hoa Kỳ, tín đồ thuộc các giáo xứ Bùi Chu, Phát Diệm... cùng với những người không muốn sống dưới chế độ độc tài đảng trị tại Bắc kỳ, đã quyết định chuẩn bị di dân vào Nam, lập nghiệp tại vùng ánh sáng tự do, bắt đầu lại một cuộc sống mới hứa hẹn nhiều tương lai tốt đẹp, đời sống ấm no hạnh phúc cho con cháu.
Các chiến hạm thuộc Đệ thất Hạm đội Mỹ tại Thái Bình Dương được lệnh phối hợp tổ chức chương trình di dân từ các hải cảng ngoài bắc di chuyển bằng đường biển vào nam.
Lực lượng đặc nhiệm Hải Quân gồm nhiều Dương Vận hạm (LST), Hải Vận hạm (LSM)...đang trực chỉ hướng về vịnh Hạ Long. Thức ăn thuốc men, mền gối... phương tiện đầy đủ sẵn sàng cho một tổng số di dân khổng lồ, phỏng chừng trên 800 ngàn người kể cả dụng cụ cá nhân.
Về phía quân sự, quân đội Pháp đã chịu đựng một sự chiến bại chưa từng thấy trong lịch sử tìm kiếm thuộc địa, kể từ ngày Đại đế Nã Phá Luân thất trận mùa đông tại vùng băng tuyết thuộc nước Nga Sô.
Hàng ngàn quân lính Pháp bị Việt Minh bắt làm tù binh tại mặt trận Điện Biên Phủ bị chết dần mòn trên con đường núi, di chuyển về đồng bằng, đến các trại giam.
Những thương binh thuộc đoàn quân Lê Dương lê gót dưới cơn gió lạnh buốt da, mặt mày cháy nắng dưới sức nóng mặt trời của miền thượng du xa xôi, rừng thiêng nước độc, rồi ngả gục bên ven rừng, trước những cặp mắt thờ ơ lạnh lùng của các lính cọng sản.
Thân thể gầy còm vất vưởng trên đám hoa dại, cỏ hoang, chết không được chôn và trở thành mồi ngon cho các thú rừng, chim quạ...khi màn đêm buông xuống.
Quân đội Việt Minh hiên ngang, hống hách giương ngọn cờ đỏ sao vàng, hàng hàng lớp lớp nối đuôi nhau diễn hành ra Hà Nội.
Trên các Quốc lộ chính từ miền đồng bằng sông Cửu Long lên đến vùng cao nguyên trung phần, dọc theo duyên hải Phan Rang, Phan Thiết ra tới Quảng Trị, các đơn vị thuộc Sư đoàn Sao vàng, Sư đoàn101... Trung đoàn 803, 108, 95...nổi tiếng khắp chiến trường Bắc Nam, trong hàng ngũ của đạo quân chiến thắng, rầm rộ vượt đường trở ra phía bắc sông Bến Hải.
Các cấp lãnh đạo của Cọng sản bí mật để lại miền Nam những thành phần cán bộ nằm vùng, tổ chức cơ sở hậu cần, chôn dấu vũ khí đạn dược dùng trong tương lai, với ý đồ chuẩn bị kế hoạch lật đổ chính phủ miền Nam, trong trường hợp gặp trở ngại trong cuộc bầu cử được ấn định vào năm 1956 để thống nhất hai miền đất nước theo Hiệp định đình chiến ký kết tại Genève.
Tại Sài gòn, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm thành lập nội các với những thành phần chống Cọng, với sự cố vấn của Đại Tá Lansdale quốc tịch Mỹ.
Vị Đại Tá này là người đã từng giúp Tổng Thống Magsaysay tiêu diệt cọng quân Hukbalahaps tại Phi Luật Tân và đến Sài gòn vào tháng 4 năm 1954 để giúp Thủ Tướng Ngô Đình Diệm chuẩn bị thành lập chính phủ Cọng hòa theo đường lối tổ chức tại Hoa Kỳ.
***
Người kháng chiến quân trẻ tuổi đang theo các đồng chí thuộc Trung đoàn 95 rảo bước trên Quốc lộ 1 trong một ngày đầu mùa thu, mặt trời vẫn chưa mọc từ hướng đông.
Sương mù buổi sáng sớm bao phủ hàng dừa xanh bao quanh làng Mỹ Chánh. Ngọn gió lạnh ban mai thổi nhẹ qua vùng ruộng đồng hoang vắng vẫn còn mang dấu vết của cuộc chiến vừa tàn.
Trung chạnh buồn nghĩ đến kỷ niệm trong thời gian chiến đấu tại đây, trấn phòng “Con đường không vui”, một huyết lộ đã đi vào chiến sử.
Anh nhớ buổi chiều cùng sánh bước cạnh cô bạn học duyên dáng dễ thương mang tên Huyền, trên con đường đất làng Vân Trình, bên giòng sông Ô Lâu, cô gái có đôi mắt buồn to tròn, dịu dàng nhìn cám ơn khi nhận đóa hoa lan mà anh hái tặng nàng.
Những chuỗi ngày êm đềm thuở ấu thơ chợt thoáng qua trong trí nhớ của người thanh niên đã lớn lên cả thể xác lẫn tinh thần từ cuộc chiến chống thực dân, giành độc lập.
Kết quả là ngày hôm nay, trong khi tiếng rít rùng rợn của đạn bay không còn nghe, tiếng súng quen thuộc đã ngừng nổ, Trung vẫn cảm thấy phân vân về số phận và tương lai của mình.
Anh thắc mắc với những lời tuyên bố của cấp lãnh đạo Cọng sản Việt Nam về cuộc chiến tranh trường kỳ và trách nhiệm của người cán bộ, về vai trò kháng chiến quân, sau khi đảng đã thành công trong nhiệm vụ đánh đuổi thực dân ra khỏi đất nước.
Trong thâm tâm, Trung hy vọng và tin tưởng mình đã làm xong ước mộng của người trai thời chiến, trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho quê hương xứ sở.
Anh mong ngày đoàn tụ với cha mẹ sẽ không còn bao lâu nữa. Trung sẽ trở về Huế, sống lại những giây phút êm đềm bên cạnh bà mẹ hiền, sẽ theo cha đi câu cá tại Cầu Hai. Anh sẽ tiếp tục việc học vấn đã tạm thời bị gián đoạn trong hơn bốn năm qua và dự trù sau đó học thêm về nghề vẽ để trở thành một chuyên gia họa sĩ.
Trung cảm thấy phấn khởi với ý nghĩ đang xâm chiếm tâm hồn. Anh lơ đảng bước theo toán quân trong tiếng ca hát đang vang dội lời của bản nhạc kháng chiến:
-“ Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc...”
Từng đàn chim én lượn bay trên cánh đồng cỏ lau dưới ánh nắng của mặt trời vừa lên cao quá ngọn cau bên ven làng.
***
Cầu Hiền Lương vừa được sơn lại, mùi sơn vẫn còn vương trong ngọn gió từ sông Bến Hải thổi lên.
Hai lá cờ bay phất phới theo cùng chiều gió, màu sắc tương phản của hai mảnh vải nổi bật trên bầu trời thiên thanh nhiều mây trắng.
Phía bắc cây cầu, trên kỳ đài vừa mới dựng lên, lá cờ màu đỏ chói với một sao vàng của Việt Minh công khai phần phật bay.
Về phía nam bên kia sông Bến Hải, ngọn cờ vàng ba sọc đỏ của quốc gia Cọng hòa miền Nam Việt Nam, chính thức, hợp pháp như sóng cuộn trong gió lộng mùa thu.
Buổi lễ trao đổi tù binh giữa hai lực lượng thù nghịch đang diễn ra tại đầu cầu Hiền Lương, dưới sự chứng kiến của thành viên thuộc Ủy hội quốc tế, kiểm soát việc thi hành điều khoản đã được thỏa thuận và ký kết trong Hiệp định Genève tại Thụy Sĩ vào ngày 20 tháng 7 vừa qua.
Những Sĩ quan thuộc quân đội Pháp trong thân thể gầy còm, ốm yếu thất thểu cúi mặt nhìn xuống đất, tiến lên khi nghe tên mình xướng trên chiếc máy phóng thanh, buồn bã nhẫn nhục bước qua vệt sơn trắng trên cầu, đi về phía nam nơi những đại diện của họ đang âm thầm đứng đón chờ.
Trong số tù binh được trao đổi, hội viên tham dự nhận thấy có một Sĩ quan tù binh Việt Nam, người đã theo đoàn quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ trong những giây phút cuối cùng của căn cứ chiến lược này và được thăng cấp Đại úy tại mặt trận đang sôi sục dưới làn phi pháo của Việt Minh. Đó là Đại úy Trần Văn Giàu thuộc binh chủng nhảy dù Pháp, dáng người nhỏ thó, đang bước theo những quân nhân Legionaires tiến qua chiếc cầu Hiền Lương.
Ngược lại, tiếng reo hò, vỗ tay hoan hô nghe vang dội trong đám người đứng đón những tù binh Cọng sản, khi các cán binh này được gọi tên.
Họ nhảy nhót vui mừng, nghênh ngáo ngước mặt lên, chạy về phía đám người cọng sản hách dịch kiêu căng đang liên hoan trong men chiến thắng.
Cuộc trao đổi tù binh là một trong ba điểm chính trong Hiệp định đình chiến ký kết tại Genève, nằm trong chương trình rút quân ra khỏi vùng chiếm đóng, theo đó quân đội viễn chinh phải rời Bắc Việt và quân Việt Minh ra khỏi niềm Nam Việt Nam trong một thời gian đã được ấn định.
Điểm thứ hai chấp thuận trong vòng 300 ngày, dân chúng hai miền có quyền di chuyển đến nơi nào họ muốn sống. Sau thời gian này, cổng biên giới sẽ khép lại và không ai được phép vượt biên một cách hợp pháp nữa.
Điểm thứ ba là sau hai năm kể từ ngày ký Hiệp định đình chiến, một cuộc Tổng tuyển cử sẽ được tổ chức trên khắp lãnh thổ hai miền, dưới sự giám sát của Ủy hội Quốc tế để đi đến việc thống nhất đất nước.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, với ba ngàn năm văn hiến, con cháu Lạc Hồng phải sống dưới hai chế độ và chịu ảnh hưởng của hai Ý thức hệ khác nhau.
Một bên tại miền Bắc, dưới sự kềm kẹp của giới lãnh đạo tay sai Cọng sản Quốc tế; tại miền Nam, dưới chính thể ngoại lai con cờ của Tư bản Tây phương.
Người dân vô tội dù ở dưới chế độ nào cũng hoang mang lo sợ cho an ninh và mạng sống bấp bênh của cá nhân cũng như của gia đình, con cái họ.
Trong khi đó cũng tại miền bắc, những cuộc thanh trừng đấu tố các đại điền chủ bắt đầu tức khắc do sự hối thúc sau lưng của cán bộ Cọng sản.
Những nông dân hiền hòa trước đây, chỉ trong một thời gian ngắn ngủi đã trở thành công tố viên độc ác, nhân chứng nòng cốt bị hăm dọa phải đứng ra, lên án chủ nhân thân mến của họ và kết tội những người này là điền chủ đã bóc lột xương máu, sức lao động nông dân, rồi biểu quyết, cổ võ bản án tử hình.
Những người công giáo thuộc hai giáo xứ Bùi Chu, Phát Diệm được các linh mục tổ chức cẩn thận, chuẩn bị chờ đưa giáo dân vào Nam trên các chiến hạm thuộc Đệ thất Hạm đội, tại cảng Hải Phòng.
Trên đường đất làng Thái Bình, đường phố Hà nội, tấp nập xe cộ rộn rịp, dân di cư gồng gánh gia tài thu xếp vội vã cho kịp chuyến tàu qua vĩ tuyến.
Hình ảnh tan thương ghi nhớ mãi trong ký ức người xa xứ, cảnh đoạn trường chia tay người thân yêu trong giờ phút cuối trên sân ga, bên cạnh người yêu, hôn từ giã chàng trai nơi bến tàu của cô gái theo cha mẹ ra đi.
Biệt ly, xa cách từ đây, nhớ nhung làm gì vì ra đi là vĩnh biệt tất cả, người thân thương và quê hương xứ sở dấu yêu của một cuộc đời nhiều gian truân, thống khổ.
Những người sắp sửa ra đi gạt lệ chia tay người ở lại, trong buổi sáng sương mù dày đặc với hơi nước biển bốc lên.
Họ đứng sắp hàng dài, nối đuôi nhau tay xách chiếc va li nhỏ đựng một vài kỷ vật cá nhân.
Họ nhắm mắt lại, nước mắt chảy dài không những chỉ vì khóc cho mình, cho người yêu, cho đất nước mà còn vì chất hóa học DDT do các nhân viên thuộc thủy thủ đoàn Hải Dương Hạm xịt ra từ các ống cao su to dài lên khắp mình mẩy dân di cư.
Chất thuốc DDT này dùng để tiêu diệt những con chí rận mà Hải quân Hoa Kỳ sợ dân Bắc kỳ mang lên tàu, gây truyền nhiễm cho thủy thủ đoàn của một dân tộc giàu có và tự hào là “ăn ở sạch nhất thế giới”.
Những thủy thủ khác lơ đảng đứng nhìn đám người dân quê, đầu đội nón lá, tay bồng những đứa con thơ mặt mày mếu máo sợ sệt, đôi mắt ngây thơ lo âu nhìn những thân hình đầy lông lá, cao lớn mắt xanh tóc vàng, đang xí xô vui cười nói chuyện với nhau.
Tương lai của dân di cư mờ mịt, cuộc đời mới không có gì bảo đảm, sự nghiệp gầy dựng cả đời chỉ trong khoảng khắc đã tan thành mây khói, còn chăng là hy vọng được thở làn không khí tự do tại miền nam nắng ấm hiền hòa.
Với sức chịu đựng cố hữu, với ý chí sống còn muôn thuở, cọng thêm lòng ham muốn được sống trong tự do tín ngưỡng, với niềm tin tưởng tuyệt đối vào đấng tạo hóa, dân Bắc kỳ di cư khom mình dưới những tấm bạt vải giăng trên bong chiến hạm, người lắc lư bụng cồn cào theo nhịp sóng, tránh cơn nắng chói chan của mặt trời miền nhiệt đới rọi xuống những con tàu sắt đang vượt biển Thái Bình Dương.
Cuộc hành trình di tản kéo dài hơn năm ngày trên biển Nam Hải nhiều sóng lớn, từ trên Vĩ tuyến thứ hai mươi đi ngang qua Vĩ tuyến thứ mười bảy, chia cắt đất nước xuống tận Vĩ tuyến thứ mười nơi cuối cùng của sông Cửu Long chảy ra biển đông tại Cửa Lớn.
Làng Phước Tỉnh tại vùng duyên hải phía bắc Vũng Tàu là nơi lập nghiệp của dân đánh cá người Bắc di cư, làng chài lưới công giáo đầu tiên tại nước Cọng hòa miền Nam Việt Nam.
Dân làng được hướng dẫn về tinh thần bởi cha giáo xứ đã di cư từ ngoài bắc vào nam cùng một lần với giáo dân.
Thủ tướng Ngô Đình Diệm được sự ủng hộ tuyệt đối bởi dân Bắc kỳ theo đạo công giáo. Dân di cư tin rằng ông Thủ Tướng công giáo này là người đã giúp đở cho gia đình và cá nhân họ lánh nạn Cọng sản đang thẳng tay đàn áp tôn giáo ngoài Bắc.
Đây là lực lượng hậu thuẩn mạnh mẽ nhất và đông nhất mà Thủ Tướng Ngô Đình Diệm rất cần để củng cố địa vị trong giai đoạn tranh tối tranh sáng trên chính trường tại miền Nam.
Lãnh đạo một lãnh thổ đã chịu nhiều ảnh hưởng của Pháp, với sự hoạt động của các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo và tổ chức thủy khấu Bình Xuyên, trước đây đã được sự yểm trợ của chính quyền thực dân, Thủ Tướng Diệm cần một quân đội mạnh để thi hành chính sách của chính phủ từ thành thị đến thôn quê, kiểm soát hiệu nghiệm dải đất Quốc gia mới chạy dài từ sông Bến Hải đến mũi Cà Mâu.
Vì thế Bộ Quốc Phòng đã ra lệnh tăng cường tuyển mộ thanh niên thiếu nữ cho một quân đội son trẻ gồm các Quân Binh chủng Hải Lục Không quân vừa được thành lập và cải tổ.
Được sự viện trợ dồi dào của chính phủ Hoa kỳ để tổ chức các khu vực dinh điền, giúp đở dân di tản định cư tại các vùng kinh tế mới, Thủ Tướng Diệm đã cho thi hành chương trình này và dự trù sau khi hoàn tất sẽ thỏa mãn một tổng số dân di cư lên đến xấp xỉ 860000 người tị nạn.
Một trong số người nhận được giấy kêu gọi nhập ngũ có anh Y tá tên Quang, người con trai nhiều lòng hiếu thảo, đang đứng bên giường bệnh của nhà thương Grall, tại Sài Gòn.
Quang buồn bã nhìn bà mẹ hiền vẫn còn hôn mê chưa hồi tỉnh vì vết thương trên đầu, giống như trường hợp của cô gái “vô danh” trên tàu Bệnh Viện.
***
Bạch Lan trong bộ đồng phục Y tá màu trắng đang đứng trên bong Bệnh Viện Hạm, thích thú chiêm ngưởng thắng cảnh tuyệt vời của vịnh Hạ Long.
Những hòn đảo đá vôi với cây tùng nhỏ trên đỉnh, rải rác soi hình bóng trên mặt nước xanh thẩm, không gợn sóng đẹp tựa chốn tiên bồng.
Tàu Bệnh Viện nhẹ lướt chầm chậm như không muốn chạy qua khỏi eo vịnh thiên nhiên. Những thuyền buồm nâu như cánh bướm lượn trên biển êm, làm tăng thêm vẻ đẹp đặc biệt của kỳ quan thế giới này.
Bạch Lan ước mong sao cho anh Quang có mặt tại đây để cùng nàng thưởng thức phong cảnh vịnh Hạ Long, trong dịp may hiếm có của cuộc hành trình không định trước của Bệnh Viện Hạm.
Nàng nhớ lại những dòng chữ trong lá thư của Quang gửi cho nàng cách đây gần một tháng, thông báo cho nàng biết bệnh tình của mẹ không khả quan, bà vẫn còn mê man và phải chuyển qua bệnh viện tối tân Grall tại Sài gòn để chữa trị. Vì vậy Quang xin gia hạn nghỉ phép cho đến khi mẹ hồi tỉnh và bình phục xong mới trở về tàu gặp Lan.
Bạch Lan khóc ròng khi đọc xong lá thư, lại một lần nữa người con gái bất hạnh phải chịu đựng cảnh xa lìa người mình thương.
Bác sĩ Maurice rất tế nhị không nhắc đến Quang, chỉ âm thầm cùng cô Y tá Catherine giúp đở nàng về mọi phương diện cũng như thường xuyên thăm viếng an ủi Bạch Lan.
Tuy vậy họ cũng biết là nếu Quang tiếp tục vắng mặt, không trở về tàu trong vài tuần lễ nửa, vị Y sĩ Trưởng không thể làm gì hơn là phải gạch tên Quang khỏi danh sách nhân viên theo đúng quy luật của tàu. Quang chỉ là một thông dịch viên và Y tá không mang quốc tịch Pháp, chỉ phục vụ tạm thời cho Bệnh Viện Hạm khi tàu này hoạt động trong hải phận Việt Nam.
Nay chiến tranh đã chấm dứt, tàu chuẩn bị chờ ngày trở về Pháp, những nhân viên ngoại quốc Việt Nam, Tàu, Ai Lao... không có quốc tịch như bồi bếp, lao công...phải rời trước khi tàu được lệnh khởi hành về cố quốc.
Catherine không muốn Orchid- Bạch Lan- đau khổ thêm nên cô không nói cho nàng biết, cô chờ khi nào thuận tiện sẽ khôn khéo giải thích cho Orchid về việc này.
Tàu chạy ngang qua một chiến hạm thuộc loại chuyên chở treo lá cờ hoa, phất phới bay trên ngọn kỳ đài cao. Trên bong tàu chen chúc dân tị nạn cọng sản, những lều vải cột vào dây cáp, vào cột tàu làm mái nhà tạm thời che nắng mưa cho các thân thể ốm yếu.
Bạch Lan đã được cô Catherine cho biết về cuộc di tản khồng lồ này, nàng đưa tay lên vẫy chào những người đồng hương không may mắn, đang trố mắt nhìn về chiếc tàu to lớn có mang dấu Hồng Thập Tự màu đỏ chạy ngang qua trước mặt họ. Những thủy thủ Mỹ cầm chiếc nón Hải quân ngoắc chào lại.
Chiếc Hải Dương Hạm Hoa Kỳ đổi hướng về phía nam, tăng thêm tốc độ, khuất dần dưới chân trời để lại sau lưng một làn khói đen dài bay lên bầu trời nhiều mây trắng.
Có tiếng động phía sau lưng, Bạch Lan quay lại, nàng thấy cô bạn Y tá Catherine và Bác sĩ Maurice tươi cười bước ra bong tàu, đến bên cạnh nàng:
-“ Orchid đây rồi, cảnh đẹp quá phải không? Ngắm mãi mà vẫn không thấy chán.”
-“ Thật đúng như vậy”, cô Catherine tiếp lời Bác sĩ Maurice “ thật là một kỳ quan hiếm có trên thế giới, mà có đúng là tại nơi đây vào ngàn năm trước, có một con rồng thấy bóng nó phản chiếu trên mặt nước trong như gương, tưởng là gặp bạn nên đáp xuống và bị chết chìm phải không?”
-“ Tôi cũng nghe Y tá Quang nói về huyền thoại Việt Nam của vịnh Hạ Long như vậy, không biết Orchid có biết gì thêm không?”
Bác sĩ Maurice nhìn Bạch Lan chờ nàng trả lời.
-“ Bạch Lan cũng không biết chi về chuyện này cả, nhưng theo tiếng Việt Nam “ vịnh Hạ Long” có nghĩa là “vịnh rồng xuống”, Lan nghĩ rằng phải có lý do gì đó, người Việt Nam tại đây mới đặt tên eo biển này như thế.”
Bạch Lan ấp úng giải thích vì chính cá nhân nàng cũng không tin vào lời truyền tụng về câu chuyện “rồng hạ xuống” này tí nào cả, chỉ biết là những hòn đảo đá vôi lớn nhỏ nằm rải rác trong vịnh, nhô cao lên cao khỏi mặt nước trông giống như vi vảy của con rồng.
-“ Vịnh Hạ Long này cũng đã đi vào trang chiến sử Việt Pháp vì cách đây hơn sáu năm trước, Cao Ủy Pháp tại Đông Dương đã ký kết hòa ước công nhận nước Việt Nam với Hoàng Đế Bảo Đại trên một chiến hạm Hải quân Pháp neo tại vịnh này.”
Bác sĩ Maurice chỉ tay về phía tây, nơi mặt trời bắt đầu lặn dần sau rặng núi xa xa:
-“ Các cô có thấy ánh sáng chớp nhoáng từ bờ biển đằng kia không? Đó là ánh sáng của ngọn Hải đăng trên đảo Cát Bà, dùng để hướng dẫn tàu bè vào ra hải cảng Hải Phòng, nơi mà Bệnh Viện Hạm sẽ cặp bến để đón nhận những tù binh bị thương Pháp từ chính phủ Việt Nam Dân chủ Cọng hòa.”
Maurice ngừng lại, móc túi lấy một điếu thuốc ra châm lửa, đưa lên môi hút, ông hít vào một hơi rồi nói tiếp;
-“ Theo lời Trung Tá Y sĩ Trưởng, nghe đâu cùng đến gần một hai trăm thương binh, lần này chúng mình sẽ rất bận rộn, nhưng dù thế nào đi nữa tôi cũng xin nghỉ phép vài ngày để đi thăm Hà Nội và tắm biển Đồ Sơn. Hai cô có thích đi theo không, cho tôi biết để thuê xe trước cho nó tiện.”
-“ Cathy muốn đi lắm, nghe nói Hà Nội rất nên thơ, người Việt Nam nói Hà Nội có đến ba mươi sáu phố phường lận mà.”
-“ Bạch Lan cũng thích được tháp tùng với hai người, đã đến lúc mình phải lên bờ dạo chơi một tí, chứ ở mãi trên tàu, lắc lư muốn ói này thì chắc là chết già mất. Hơn nữa Lan cũng muốn đi thăm hồ Hoàn Kiếm và chùa một Cột rồi đi qua cầu Thê Húc vào đền Văn Thánh xin xăm xem số mạng mình đi về đâu.”
-“ Xin xăm là gì vậy Orchid? Có phải là xin cho được may mắn không? Nếu đúng vậy thì có lẽ Maurice cũng xin luôn chứ thấy mình xui xẻo hoài à”.
Bạch Lan tức cười khi nghe anh chàng Bác sĩ muốn cầu may, nàng khoát tay:
-“ Không phải đâu, xin xăm là cũng như đi coi bói vậy” nàng ngừng lại vì thấy mình lại dùng chữ làm cho hai người bạn Pháp khó hiểu thêm nên nói đại:
-“ Cũng giống như mình cầu đức Chúa trời vậy mà.”
-“ À thì ra thế, nhưng tại sao chúng mình không đi nhà thờ để cầu xin chúa Jesus mà phải đến đền thờ vậy?”
Bạch Lan thầm nghĩ “thật là khổ cho tôi chưa, tiếng Tây tiếng Ta ít quá, không giải thích được, nay bị kẹt với ông Bác sỉ khó tính này rồi”, nhưng nàng không nói ra, thật may là Catherine lên tiếng giúp nàng khỏi bị bối rối:
-“ Thôi để lúc nào đến đó thì biết, nhưng mà khi nào chúng mình mới đi thăm Hà Nội đây?”
-“ Mai mốt gì đó, sau khi nhận thương bệnh binh và sắp xếp ưu tiên cho họ xong là mình sẽ được đi chơi liền, nghe đâu tàu sẽ ở lại đây cũng một hai tuần gì đó”.
Trời tối dần trên bong tàu, chiếc Bệnh Viện Hạm đã chong đèn sáng trưng, từ từ chạy vào hải cảng Hải Phòng, ngừng máy chờ người hoa tiêu lên đưa tàu vào cặp tại bến thương cảng Hải Phòng.
Xa xa ngọn Hải đăng chớp theo chu kỳ quay của cây đèn pha, rọi tia sáng chói chang lên bầu trời sâu thẳm, lóng lánh những vì sao đêm. Gió mát từ biển mặn thổi tung làn tóc mây đen của Bạch Lan, óng ánh dưới ánh đèn trên bong tàu.
Ba người bạn đứng lặng im bên nhau thưởng thức cảnh trời mây nước.
***
Trung theo đoàn xe đạp của những đồng chí trong nhóm, cong mình nhấn mạnh bàn đạp lên dốc con đường về hướng hồ Hoàn Kiếm.
Chiếc giá vẽ bằng gỗ cột bên cạnh sườn chiếc xe đạp làm vướng víu mỗi lần anh muốn tăng thêm tốc lực để đuổi kịp những người đi trước.
Trên đường lũ lượt xe cộ, người đi bộ gồng gánh hai bên bờ hồ. Thỉnh thoảng vài chiếc xe hơi chở người Pháp chạy chầm chậm giữa những chiếc xe kéo, bóp còi inh ỏi.
Trời chiều thứ bảy trong một ngày cuối mùa thu thật êm ả, từng đàn chim bồ câu bay lượn chung quanh hồ, đáp xuống cạnh du khách để chờ thức ăn thừa. Mặt nước hồ Hoàn Kiếm phẳng lặng không một gợn sóng lăn tăn, mặc dù thỉnh thoảng cơn gió đông bắc cuộn lên bụi mù, từ con đường đất chạy vòng quanh bờ hồ.
Trong khi các đồng chí khác chia tay nhau đi ngoạn cảnh, Trung chọn một chỗ tương đối vắng vẻ gần một chiếc ghế đá, dựng chiếc xe đạp bên cạnh rồi lấy giá vẽ ra, chuẩn bị dụng cụ để ghi nhận thắng cảnh Hà Nội.
Anh thích thú với cảm hứng đang ngùn ngụt dâng lên trong tâm hồn của người nghệ sĩ, không cầm lòng nỗi trước vẻ đẹp thiên nhiên đang hiện ra trước mắt.
Trung say sưa thoan thoắt đưa cây bút lông trên mảnh vải lụa trắng, hình ảnh cây cảnh đền đài, chim bồ câu, mặt nước hồ thu...dần dần chen chúc hòa đầy màu sắc, hiện ra dưới bàn tay điêu luyện của nhà họa sĩ.
Những du khách qua lại dừng chân đứng ngắm, nhìn nhau gật đầu khen ngợi thán phục tài vẽ của người thanh niên có thân hình nhỏ nhắn, đang chăm chú thả hồn vào sáng tác của mình.
Số người đứng xem càng ngày càng đông, họ trầm trồ thì thầm nho nhỏ như sợ làm phân tâm nhà họa sĩ.
Cánh tay trái Trung đỡ tấm cạt tông đầy sơn vẽ đủ màu, hai ngón tay mặt cầm chiếc bút lông quẹt vào sơn, ngắm nghía nhìn bức tranh, có vẻ như vừa ý, phết nét bút cuối cùng rồi bước lui một bước, chiêm ngưỡng tác phẩm của mình, mỉm cười cúi đầu cám ơn mọi người đang vỗ tay tán thưởng.
Trời đã về chiều. Mặt hồ sáng hẳn lên sau những hàng cây liễu rũ cành lá dài như làn tóc mây của những người con gái Hà Nội đang đi hai bên bờ hồ.
Trung đã vẽ được ba bức họa phẩm, hai bức trên lụa và một bức trên giấy. Anh chuẩn bị thu dọn dụng cụ để đi đến chỗ hẹn với bạn trong nhóm.
Những người bán hàng rong vui vẻ mời anh mua bánh ú, bánh đậu xanh mè rang. Trung cảm thấy đói bụng, anh mua hai cái bánh mè, trả tiền cho bà già, lưng còng dưới đôi thúng mây, chân không guốc dép, đang chậm rãi bước đi, miệng rao quảng cáo món hàng của mình.
Anh ngồi xuống chiếc ghế đá trên công viên, tay bóc lá chuối, lơ đễnh nhìn ra ngoài đường lộ chính. Những chiếc xe tay được kéo bởi các người phu xe đàn ông là phương tiện di chuyển chính của du khách ngoại quốc tại đây.
Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi từ ngày chiến tranh được thông báo chấm dứt trên vùng đất ngàn năm văn vật, người dân đã nhận thấy sự thay đổi trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Kinh tế bắt đầu sút kém rõ rệt vì vắng bóng quân đội viễn chinh Pháp, của ông tây, me tây, bà đầm...nguồn lợi chính cho những khách sạn, nhà hàng ăn, các quán rượu, tiệm tạp hóa bán đồ kỷ niệm...
Thay vào đó là những cán binh trong bộ đồng phục màu xanh, đầu đội nón cối, vai mang bị vải sau lưng, ngơ ngáo rảo bước dạo quanh các danh lam thắng cảnh, lạc lỏng trước sinh hoạt đô thị sầm uất.
Những cán binh cọng sản anh hùng trên khắp mặt trận núi rừng Việt bắc, vừa chiến thắng một cuộc đấu tranh chống thực dân, bây giờ đang lê la suốt ngày bên bờ hồ Hoàn Kiếm, trên cầu Thê Húc, trong đền Văn Thánh...
Khi nào cảm thấy đói bụng, họ lấy từ túi vải ra một nắm xôi muối vừng gói trong lá chuối, ngồi trên ghế đá công viên, ăn thong thả, uống nước lạnh từ chiếc bi đông lính mang nhãn hiệu Trung Cọng hay Nga Sô Viết.
Người dân Hà nội đã quen với đời sống trước đây, khi người Pháp còn trú ngụ tại các biệt thự sang trọng, khách sạn chính của thành phố.
Sau khi Hiệp định Genève có hiệu lực và được thi hành, quân đội Pháp rút về nước, dân Hà Nội cũng thu xếp của cải hành trang, gia tài cha mẹ để lại, khăn gói lên đường trực chỉ về phía hải cảng Hải Phòng, nơi có chiến hạm thuộc Đệ thất Hạm đội đang chờ đưa họ di cư vào miền Nam.
Đặc biệt là những người trước đây đã từng cọng tác với Pháp, dưới hình thức này hay hình thức khác, vì lý do sinh sống hay lý do theo đuôi tụi Tây, nay vì sợ chính quyền Cọng sản trả thù và kết án Việt gian, vội vàng tìm đủ mọi phương tiện để trốn thoát khỏi vùng kiểm soát của chế độ mới.
Trung đạp chiếc xe dọc theo con đường đi về khách sạn lớn tại Hà Nội, một chiếc xe hơi chạy ngược chiều về phía anh. Trung lách xe vào lề đường để tránh, khi ngẩng đầu lên nhìn, xương sống anh như bị điện giật, một cảm giác tê rần chạy dài theo đường dây thần kinh lên cổ, lên đầu.
Anh dừng xe bên đường, quay về phía chiếc xe hơi đang chạy, đưa tay lên dụi mắt. Trung thấy trên chiếc xe hơi đang tung bụi đường mù mịt, một thanh niên người Pháp đeo kính cận thị đang cười nói với hai người đàn bà, một cô đầm Pháp cở trung niên và người con gái trong chiếc áo sơ mi trắng, đội mũ rộng vành, mặc dù che phủ một phần khuôn mặt nhưng Trung cũng không thể nào lầm lẫn được, cũng đôi mắt to đen tròn đó, đôi môi nũng nịu kia.
Đúng là Huyền rồi. Nhưng tại sao Huyền không nhận ra mình, có lẽ tại vì khuôn mặt mình bị chiếc nón cối che khuất chăng?
Trung quay chiếc xe đạp trở lại, nhảy vội lên nhấn mạnh bàn đạp đuổi theo chiếc xe hơi đang hướng về phía đại lộ đi xuống hải cảng Hải Phòng. Anh cố gắng hết sức đạp xe thật nhanh, miệng không dằn được, anh gọi lớn:
-“ Huyền ơi...Huyền chờ Trung với, Huyền ơi...”
Những người phu xe kéo vội vàng tránh qua một bên lề, nhường chỗ cho anh cán bộ đang cong mình trên càng chiếc xe đạp, họ ngạc nhiên khi thấy anh này vừa gọi tên, vừa vẫy tay về phía ba người Pháp ngồi trên chiếc xe hơi.
Khách bộ hành cũng đứng lại trầm trồ chỉ tay theo người thanh niên đang phóng nhanh chiếc xe đạp mà họ tưởng là điên khùng, oán ghét và đuổi theo ông tây bà đầm thực dân để trả thù.
Khi qua ngang một ngã tư, Trung mất thăng bằng, bánh xe trước tông vào lề đường, anh té xuống trên chiếc xe đạp, đầu va mạnh vào cột đèn, dụng cụ và tranh vẽ văng tung tóe trên vỉa hè.
Trước khi Trung bất tỉnh anh còn ráng nhướng mình lên nhìn về chiếc xe hơi đang chạy nhanh, quẹo phải và khuất dần sau dãy phố hàng buồm, miệng anh thều thào trong tuyệt vọng, anh tiếp tục gọi tên “Huyền” cho đến khi bất tỉnh và không biết gì nữa hết.
Bạch Lan nắm chặt nón để khỏi bị gió bay, chiếc xe hơi với trần xe sập xuống về phía sau thật hợp với thời tiết mát mẻ tại Hà Nội. Bác Sỉ Maurice và cô Y tá Catherine đang mãi ngắm nhìn cảnh vật hai bên đường thành phố của đất ngàn năm văn vật.
Sau hai ngày đi thăm viếng thắng cảnh tại đây, nhìn người dân Việt cần cù tranh sống giữa một môi trường, nửa mang tính chất cổ kính, một phần đang chuyển mình hướng về thế giới tân tiến, ba người không biết dân tình sẽ thay đổi như thế nào để phù hợp với chế độ mới. Riêng Lan, nàng có cảm tưởng như họ nhìn nàng bằng cặp mắt thiếu thiện cảm vì nàng mặc áo đầm, đội nón rộng vành che nắng kiểu tây phương, nhất là khi thấy nàng đi cạnh ông tây, bà đầm và nói chuyện với hai người này bằng tiếng Pháp.
Thảo nào mà hồi chiều khi xe vừa qua khỏi khách sạn, Bạch Lan thấy một anh chàng thanh niên, tuổi xấp xỉ bằng mình, dáng điệu ẻo lả, đầu đội chiếc nón cối mà Bạch Lan thường thấy trong hình vẽ mấy anh cán bộ Việt Minh, đăng trên báo chí Pháp. Người này có vẻ tức tối, đạp xe đuổi theo, chỉ chỏ la lối lớn tiếng, cứ gọi mãi tên ai như là Huyền, hay Huyên ơi gì đó.
Anh tài xế là nhân viên làm việc với một người bạn của mẹ Maurice, bà Brigitte De Bormand. Ông này là chủ sự phòng liên lạc Pháp tại Hà nội, biệt phái tài xế cho Bác sĩ Maurice trong thời gian thăm viếng tại đây.
Khi thấy một cán binh đuổi theo sau xe, tay chỉ chỏ, miệng la lối om sòm, anh tài xế không muốn phiền phức, sợ bị sếp lớn la rầy khi biết chuyện, nên anh nhấn mạnh chân ga, lái xe chạy nhanh về hướng khác để tránh tên cọng sản với đầu óc đã trở thành điên khùng vì bom đạn chiến tranh.
Bạch Lan cảm thấy một nỗi buồn dâng lên trong lòng khi chạnh nghĩ đến và thương hại cho người chiến sĩ đồng hương mất lý trí, không quen biết.
Khách sạn vừa lên đèn, ánh sáng của những ngọn đèn trước cổng và chung quanh tường làm nổi bật tòa nhà lớn, giữa màu vàng mù mờ của mấy bóng đèn trên cột điện rải rác dọc theo con đường chính của thành phố.
Catherine và Maurice đang còn ở quầy rượu tại phòng ăn của khách sạn, Bạch Lan lấy cớ hơi nhức đầu nên lên phòng nghỉ sớm.
Nàng thay bộ áo ngủ, chải sơ mái tóc xỏa dài xuống đôi vai, nhìn vào gương, ngắm nghía mỉm cười vừa ý với nét đẹp tự nhiên của mình rồi mở cửa bước ra ngoài lan can, đứng hóng mát.
Ngọn gió từ hướng tây bắc thổi mái tóc nàng bay phất phới; bầu trời đầy sao lấp lánh như kim cương trang điểm nền màu đen của vũ trụ sâu thẳm muôn trùng.
Thành phố Hà Nội đang đắm chìm trong màn đêm, say ngủ im lìm, êm đềm không tiếng động cơ của phi cơ khu trục bay trên đầu. Đường phố vắng vẻ không thấy bóng dáng khách bộ hành, khác hẳn với thời gian trước với những tiếng chân đi của lính Tây tuần tiểu hàng đêm.
Bạch Lan nhắm đôi mắt lại, hít vào lồng ngực căng tròn làn không khí trong lành mát rượi, thả hồn vào cõi mông lung của tiềm thức, cố gắng tìm tòi trong ký ức một cái gì khả dĩ có thể giúp nàng nhớ lại gốc gác của mình.
Tâm tư khắc khoải, trống vắng làm nàng cảm thấy đau khổ nhiều đêm. Có nhiều lúc trong giấc ngủ chập chờn, Bạch Lan nằm mơ thấy mình đang dạo chơi trên một bãi biển nhiều gió, bên cạnh hai người thanh niên Việt Nam lạ hoắc. Rồi nàng thấy một con đường, chạy dọc theo con sông nhỏ, dòng nước chảy lờ lững...bên tai nghe tiếng nhạc ngựa lóc cóc đều đặn đưa nàng chìm sâu vào giấc ngủ triền miên. Khi tỉnh dậy, đầu óc nàng quay cuồn, đau như búa bổ và Bạch Lan vẫn không nhớ thêm được gì nữa cả.
Đêm nay dưới ánh đèn mờ của ngọn đèn chong trên bàn giường ngủ tại một khách sạn xa lạ, Bạch Lan nhớ đến Quang và ước mong có chàng ở bên cạnh để săn sóc an ủi và nhất là giúp nàng đi đến một quyết định có thể sẽ thay đổi tương lai của cả đời nàng.
Nhân viên Việt Nam trên chiếc Bệnh Viện Hạm đã được Hạm Trưởng thông báo sau chuyến hải trình này, tàu sẽ ghé lại Đà Nẳng và Nha Trang trước khi khởi hành về hải cảng Marseilles.
Những người không có quốc tịch Pháp phải rời tàu tại hai bến nói trên, chỉ có Bạch Lan và vài người khác đã được chấp thuận là công dân Pháp mới tiếp tục ở trên tàu. Tuy nhiên vì muốn Bạch Lan khỏi cảm thấy như bị bắt buộc phải theo tàu đi Pháp, vị Hạm Trưởng đã yêu cầu Lan suy nghĩ trước khi tin cho ông biết là nàng có muốn rời tàu và ở lại Việt Nam như những nhân viên khác, hay là theo Bệnh Viện Hạm về Pháp.
Bạch Lan đã viết thư cho Quang nhưng chưa có cơ hội gửi đi. Trong thư nàng báo tin cho Quang biết là nàng định theo tàu về Pháp dưới sự bảo trợ của bà Brigitte. Bạch Lan dự trù ở nhà bà này tại Brest một thời gian để cầu mong với phương tiện y học tối tân tại Pháp, họa may nàng có cơ hội tìm lại được trí nhớ, sau đó sẽ tính chuyện trở lại quê hương.
Bạch Lan đau khổ nhiều khi đi đến quyết định này vì mãi đến nay nàng vẫn không biết mình là ai, không nơi nương tựa, xa lạ lạc lõng tại đất Mẹ và cũng không thể về sống với Quang được, dù trong thâm tâm nàng rất mong được như thế. Họa chăng trong tương lai hai người sẽ gặp lại nhau và xây đắp tổ ấm hoặc tại Việt Nam hay tại Pháp, nếu Quang có thể xuất ngoại du học.
Thư nàng viết rất dài, nước mắt của người con gái ướt lấm chấm trên tờ giấy màu hồng, đang hoang mang vì bị chi phối bởi sự lo âu không chắc chắn của cuộc đời, định mệnh đã đẩy đưa nàng như cánh bèo trôi không định hướng.
Bác sĩ Maurice ngược lại rất vui mừng khi nghe Bạch Lan tâm sự với Catherine về quyết định xuất ngoại của nàng. Ông ta đã cho Bạch Lan biết là không những mẹ ông đã bảo trợ, mời nàng về sống với gia đình mà còn có ý và sẵn sàng làm giấy tờ thủ tục để nhận nàng làm con nuôi nếu Bạch Lan chấp thuận. Catherine cũng vui không kém, nàng lăng xăng hoạch định chương trình cho Bạch Lan khi về đến Pháp, Catherine đã thương mến cô gái “vô danh” và xem nàng như người em gái đã được mình giúp đở, cứu sống.
Với số tiền quyên được từ những nhân viên người Việt và thủy thủ đoàn của Bệnh Viện Hạm, Bạch Lan có thể lấy làm vốn đóng tiền học phí ghi tên theo học trường Đại học tại Pháp nếu nàng được trường thâu nhận.
Nàng ước mong một ngày nào đó khi tìm lại được ký ức, người nữ Bác sĩ tương lai sẽ trở về phục vụ tại một bệnh viện giúp đỡ các cô nhi không gia đình như cá nhân nàng hiện tại.
Ba Người bạn, một cuộc chiến
Lời mở đầu
CHƯƠNG MỘT
CHƯƠNG HAI
CHƯƠNG BA
CHƯƠNG BỐN
CHƯƠNG NĂM
CHƯƠNG SÁU
CHƯƠNG BẢY
CHƯƠNG TÁM
CHƯƠNG CHÍN
CHƯƠNG MƯỜI