watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Cơn Mơ Trong Tuyết-2. Đi Ba Lan - tác giả Lê Thanh Hải Lê Thanh Hải

Lê Thanh Hải

2. Đi Ba Lan

Tác giả: Lê Thanh Hải

Sân bay Okiecie đón Thủy một cách lạnh nhạt. Khách đến im lặng xếp hàng chờ làm thủ tục. Những người châu Âu da trắng, cao to, qua cửa một cách mau chóng. Đến lượt Thủy thì anh biên phòng xem xét, ngắm nghía giấy tờ một lúc lâu, rồi lên tiếng:
- Cô nói được tiếng Anh chứ ?
Thủy gật đầu.
- Chúng tôi không thể cho cô nhập cảnh vào Ba lan.
Thủy há hốc mồm vì ngạc nhiên, quay lại nhìn Khương cầu cứu. Khương xông đến cái cửa sổ, áp mặt xuống bàn, ấp úng nói một tràng tiếng Ba lan qua cái khe cửa sổ nhỏ. Anh ta còn lôi cả cái thẻ định cư và hộ chiếu của mình cùng với giấy hôn thú ra nhưng viên sĩ quan sau lớp kính cứ lắc đầu quầy quậy. Gã ta bảo họ đứng sang một bên để giải quyết tiếp những người khác. Cả một gian phòng rộng đầy người bỗng chốc vắng vẻ hẳn. Những người châu Âu đi qua nhìn họ ái ngại pha chút coi thường. Chưa lần nào mà Thủy lại cảm thấy hổ thẹn đến như vậy, bắt đầu từ hôm lên sứ quán Ba Lan ở Hà Nội để nộp hồ sơ.
Chỉ còn lại vài người Việt nam. Hai người lính Ba lan mặc quân phục với tiểu liên báng gấp xuất hiện. Họ áp giải Thủy và Khương vào một gian phòng bé. Viên sĩ quan cầm giấy tờ của họ biến mất sau cánh cửa trông có vẻ như là phòng trực của cán bộ chỉ huy.
Lát sau lại hai cô gái Việt Nam nữa được dẫn vào phòng. Cô bé người nhỏ nhắn, tuổi chừng mười chín, khóc đỏ hoe hết cả hai mắt. Cô bạn cùng đi trông có vẻ bình tĩnh hơn, khuôn mặt căng thẳng tức tối. Thủy đã chú ý đến họ từ khi bay lên máy bay ở Việt nam nhưng chưa có cơ hội bắt chuyện.
- Chúng nó đòi đuổi ngược bọn em về Việt Nam. - cô bé vừa khóc lúc nãy phân trần với Thủy mà không đợi hai người phải hỏi.
- Bọn nó bảo chúng em sang đây học mà không có ai từ trường ra đón, cũng không có đủ tiền trong người nên có quyền đuổi bọn em về nước. - Cô kia giải thích.
- Thế bọn em sang đây không phải để đi học à ?
- Sao lại không chứ ? Nhưng cái thằng khốn nạn ở ngoài kia cứ khăng khăng bảo là bọn Việt Nam chúng mày chỉ mong được vào nước tao để buôn lậu với nấu bếp chứ học hành gì. Nó còn bảo vì bọn em vào nước nó lao động chui kiếm tiền đem về nuôi gia đình mà dân nó phải thất nghiệp.
Thủy nghe mà không biết mình đang nghĩ gì nữa.
- Mẹ chúng nó. Lại trấn áp để ăn tiền đút lót ấy mà. - Khương lẩm bẩm. Mặt anh chàng tái xanh vì sợ hãi.
Một viên sĩ quan bước vào. Theo sau là những người lính lúc nãy vẫn với bộ mặt lạnh lùng và súng tiểu liên lăm lăm trên tay.
- Mời các ông bà ra nhận hành lí của mình. - Thủy đoán, vì hắn ta nói bằng tiếng Ba lan, có mấy chữ như là ba-ga.
- Chắc là nó thả mình. - Khương hớn hở.
Bốn người dắt nhau ra ngoài phòng hành lí. Túi xách, va li, thùng các tông của họ đã dồn đống cả vào một góc. Thủy kéo cái vali của mình. Khương xách hộ hai cô gái một chiếc thùng các tông. Hai cô thì lịch kịch xoay xở với cái đống hành lí lỉnh kỉnh của mình. Vác không nổi, họ kéo lê xềnh xệch các thứ trên sàn nhà. Mấy anh lính vẫn phớt tỉnh đứng nhìn, gẩy gẩy đầu súng ra hiệu bảo họ phải quay trở lại chỗ lúc nẫy.
- Ku dờ va. Hình như chúng nó định trục xuất mình thật. - Khương nhận xét. - Nhưng sao lại trục xuất anh chứ ? Anh có thẻ nghiêm mà ? - Khương lẩm bẩm như nói với chính mình, tay run run.
Một viên sĩ quan khác, trông vẻ như cán bộ chỉ huy, đã đợi sẵn họ trong phòng. Hắn ta hất hàm hỏi Khương câu gì đấy. Khương ấp úng trả lời ngọng nghịu, một chốc lại viết viết cái gì ấy vào tờ giấy trắng. Có lúc anh ta phân bua, tay chân khua loạn, mặt đỏ bừng, chỉ vào Thủy nhắc đi nhắc lại mấy chữ môi-a-giôn-na. Với ít vốn tiếng Nga học từ thời đại học, Thủy đoán là Khương bảo Thủy là vợ của anh ta. Đoạn trước hình như là viên sĩ quan hỏi tại sao cái địa chỉ mà Khương ghi trên tờ giấy lại khác với địa chỉ trong thẻ.
Phân bua một lúc, Khương nhìn quanh rồi rút ví dúi mấy tờ một trăm tiền Ba lan vào tay viên sĩ quan. Hắn ta cho ngay tay vào túi rồi trả giấy tờ lại cho Khương, nói mấy câu gì đấy. Khương quay lại bảo Thủy:
- Thằng này nó bảo là nếu có người dịch giấy cưới của mình sang tiếng Ba lan thì sẽ thả em ra. Em ngồi đợi để anh chạy đi gọi cái ông cán bộ sứ quán nhé. Mẹ kiếp. Lại phải tốn thêm ít tiền nữa mới xong việc. - Khương nói rồi vác cái túi xách chạy biến ra khỏi cửa.
* * *
- Chúng mày mở túi cho tao kiểm tra được không ? - Viên sĩ quan quay sang nói tiếng Anh với hai cô gái.
Hai cô líu ríu mở túi du lịch, cắt dây mấy cái thùng các tông.
- Ô la la. Bọn chúng mày định đem cả cỏ sang đây canh tác à ?
Cô lớn tuổi phân trần một lúc rằng đấy là thức ăn của gia đình gửi cho người quen bên này, cả gói thịt chó mà cô bảo là món thịt lợn đặc sản của Việt Nam.
Đến cái thùng các tông của cô kia thì cả Thủy cũng phải tròn mắt ngạc nhiên với cơ man nào là bột ca ri, bột gừng, bột nghệ, ớt và trăm thứ bột gì đấy trong các cái gói to nhỏ mầu sắc khác nhau.
- Bố em làm quán, bảo mẹ em gửi các thứ này sang cho rẻ. - Cô bé thật thà giải thích với Thủy.
- Chúng mày bảo chúng mày sang đây học tại sao không thấy trường đến đón, mà trong túi xách toàn các thứ đồ đi buôn với làm bếp hả ?
Hai cô gái bảo có người thân đợi bên ngoài. Ngay lập tức họ được gọi vào nhưng cũng không giúp được gì hơn. Lúc nãy Khương ra ngoài đã báo tin cho những người đi đón, nhưng bố cô gái suốt ngày đứng quán, tiếng Ba lan không nói được câu nào. Ông ta chỉ biết cười cười để làm thân, hay tay cứ cầm lấy tay của viên sĩ quan mà lắc lắc, làm hắn ta xuýt nữa thì nổi giận. Gã đuổi ông già và tất cả những người đi cùng ra ngoài.
- Đấy. Chúng mày có giấy nhập học nhưng trong ấy ghi là chưa đóng tiền. Thế lấy tiền đâu mà trả ?
- Sao lại không ? Tao có tiền đây. - Cô bé thôi không khóc nữa, mặt đanh lại nhìn thẳng vào hắn, tức tối vì gã đã đuổi bố cô ra ngoài.
- Trong giấy ghi là ba nghìn đô. Mà mày chỉ có ở đây là một nghìn hai. Thì làm sao mà đủ đóng tiền học ?
- Tao sẽ đi làm để đóng nốt số còn lại.
Viên sĩ quan cười nhạt, cặp tập tiền vào tờ biên bản, ghi chú gì đấy ở phía dưới rồi quay sang cô kia.
- Thế còn mày ?
- Tao không biết. Chị tao ở ngoài kia. Mày cứ hỏi chị ấy. Bà ấy bảo là đã đóng tiền xong hết cả rồi. Tao chỉ việc sang và đi học thôi.
Hắn ta lại ghi chú gì đấy vào tờ giấy rồi bỏ ra ngoài, để lại ba người với nhau trong phòng với đống hành lí mở tung tóe.
* * *
Một giờ.
Rồi hai giờ đồng hồ trôi qua.
Đến lúc này Thủy mới bắt đầu chú ý đến cái bầu không khí ngột ngạt khó chịu trong căn phòng bé. Một chiếc cửa sổ bé tẹo trên cao mở hé không đủ để cho gió trời tràn vào trong. Cửa phòng đóng kín càng làm cho cái mùi lờm lợm thêm đậm đặc. Có lẽ phải đến trăm năm rồi căn phòng này không được cọ rửa, mùi của những người giam trước hình như vẫn còn quanh quẩn trong này cùng với cái mùi ẩm ẩm của một căn phòng đóng kín lâu ngày cứ bịt lấy mũi Thủy làm cho cô có cảm giác như sắp ngất đến nơi. Thủy cười chua chát. Đất hứa, nền văn minh châu Âu đã đón cô như thế này đây. Hình như đoạn này Thủy chưa bao giờ được đọc qua...
Cánh cửa bỗng bật mở. Khương xuất hiện. Thủy chạy ra ôm chầm lấy anh. Một ông Việt Nam, dáng vẻ quan chức nhà nước, bước vào phòng. Ông ta oang oang cất giọng hỏi hai cô gái vài câu rồi hẹn sẽ quay lại, đi cùng với Khương và Thủy ra ngoài.
- Chị ra trước nhé. - Thủy chào họ, cười động viên.
Sau này gặp lại Hà - cô bé lớn tuổi hơn - thì Thủy mới biết chuyện gì đã xảy ra tiếp theo với họ. Cô bạn kia bị áp tải ra máy bay đưa ngược về Việt Nam bằng vé mua bằng chính số tiền mà cô bé đã trình cho viên sĩ quan. Còn Hà lúc ấy cứ một mực chửi rủa và kêu gào rằng đồn biên phòng vi phạm nhân quyền mặc dù chẳng biết luật nhân quyền nó đầu cua tai nheo thế nào cả. Cô bé cũng kiên quyết không chịu kí vào bất cứ thứ giấy tờ nào. Và đến ngày hôm sau thì trường có công văn trả lời nên cuối cùng thì Hà cũng được tha ra ngoài...
Bước ra cửa sân bay, Thủy hít một hơi thật dài, cho vào phổi cái không khí lành lạnh nhưng trong lành của đường phố tự do. Miệng Thủy vẫn còn giữ cái nụ cười chua chát. Ngồi trên taxi vào thành phố, Khương nói rất nhiều, kể lể dài dòng về chuyện chạy đôn chạy đáo, xoay xở đón Thủy ra, nhưng Thủy chả còn nghe thấy gì cả. Những khối nhà cao tầng thấp thoáng sau hàng cây lướt nhanh qua mắt. Warszawa lạnh nhạt đón nhận thêm một con thiêu thân vào cái vòng quay của một cuộc chơi vô tận.
* * *
Xe dừng lại dưới chân một khu nhà cao tầng. Cũ kĩ, vuông vức, mầu xam xám, trông giống như trong những bộ phim Liên Xô một thời nổi tiếng ở Hà Nội. Ngay cạnh là một cái nhà kính sang trọng, lóe sáng sắc vàng rực rỡ của buổi chiều tà. Khương trả tiền xe. Hai người lặng lẽ bước qua làn ánh sáng chói lọi mà cái nhà kính hắt ra để vào khu nhà tập thể, trông như một gã ăn mày đứng bên cô công chúa. Họ đi qua mấy lần cửa khóa: lúc bước vào tòa nhà, khi lên tầng vào hành lang. Xong lại đến cánh cửa sắt nặng nề với ba tầng khóa. Bên trong vẫn còn thêm một lần cửa gỗ với hai ổ khóa to. Phòng ngoài chật chội với một dẫy giầy dép cùng áo khoác, choán có đến hơn nửa lối đi.
Có tiếng động lục đục trong bếp.
- Czesc ! - Khương lên tiếng chào cô Tây tóc vàng đang đứng nấu nướng gì trong ấy.
Thấy Thủy ngơ ngác, Khương giải thích: - Magiennha, vợ của anh Minh, sống ở phòng này. - Anh chỉ tay tiếp vào phòng bên cạnh. - Còn đây là phòng của vợ chồng Ngọc Thắng. Phòng mình đây. - Khương mở cửa cái phòng còn lại.
Đập vào mắt Thủy là một cái phòng bé tẹo chỉ khoảng sáu mét vuông. Một cái ghế xô pha dài. Tủ quần áo. Ti vi rõ to, đứng cạnh một dàn máy Technic với đôi loa cao quá khổ, chả hợp tí nào với cái phòng chật chội này, trông như trong câu chuyện chàng khổng lồ trong thành phố của những người tí hon. Thủy bỗng cảm thấy mệt mỏi rã rời.
- Nhà tắm ở đâu vậy anh ? - Cô hỏi rồi theo hướng Khương chỉ, vào đấy bật nước thật to kì cọ cho sạch những ghét bẩn từ mọi ngõ ngách của những sân bay tran-sit, và cả rác bẩn từ căn phòng tạm giam của sân bay Ba Lan. Cái nhà tắm không có khóa cũng làm Thủy hơi ngạc nhiên. Nhưng lúc này cô chả còn thiết đến việc gì khác ngoài ngủ một giấc thật dài.
Đồng hồ treo tường chỉ năm giờ chiều. Còn đồng hồ trên tay Thủy đã mười một giờ. Hình như là mười một giờ đêm ở Việt Nam thì phải. Giờ này chắc bé Thảo và bà đã đi ngủ. Từ trong nhà tắm bước ra, hai mắt Thủy cứ díp cả lại. Trong phòng Khương đã ngả cái ghế xuống làm giường từ lúc nào rồi, lăn vật ra, vùi đầu vào đống chăn đệm bùng nhùng ở một góc. Anh chàng vẫn nguyên quần áo đi đường, đầu ngoẹo góc, miệng há hốc, dãi chẩy ra mép, mắt he hé. Thủy ngao ngán đẩy Khương vào trong tường, cẩn thận trải chăn ra rồi nằm xuống. Đống vải ẩm mốc lâu ngày gây mùi khó chịu nhưng bây giờ thì không còn gì có thể ngăn cản nổi cơn buồn ngủ của Thủy cả. Trong cơn mơ những cái ổ khóa cứ lượn lờ trong đầu Thủy, cùng cả cái cửa phòng tắm và phòng ngủ không có ổ khóa nữa.
* * *
- Uống đi nào. Mừng mày chuyến này về Việt Nam đánh quả thành công. Vừa tậu được trâu, lại kèm cả nghé nữa. - Một giọng đàn ông oang oang bỗng đánh thức Thủy đậy. Mọi người đang tụ tập ăn uống trong bếp.
Thủy quay sang bên cạnh. Khương không nằm ở đấy. Đồng hồ trên tường chỉ mười hai giờ. Cửa sổ tối đen với một chút ánh sáng lờ mờ của đèn đường hắt vào cạnh gỗ. Hai mắt Thủy tự nhiên tỉnh như sáo. Bây giờ ở Việt Nam là sáu giờ sáng, là giờ Thủy thường dậy để tập thể dục và chuẩn bị trang điểm để đến trường. Thủy bỗng thấy đói cồn cào trong bụng. Sau bữa sáng qua loa trên máy bay, cả ngày Thủy chưa ăn gì cả.
Mở vali lục tìm cái áo khoác dài bằng vải lông, Thủy mở cửa bước ra bếp. Ba người đàn ông đang khề khà uống rượu trong ấy.
- Vào đây em. - Khương bước ra gọi Thủy.
- Vâng ạ. - Thủy chạy vào buồng tắm rửa mặt, đánh răng, chải đầu rồi quay vào bếp.
- Bọn anh nghe thằng Khương kể suốt, mãi đến hôm nay mới được gặp. - Minh mau miệng nói.
Thủy chỉ cười không đáp. Trên bàn Khương đã đặt sẵn cho Thủy chiếc bát và đôi đũa. Cơm, bún, mắm tôm, lòng lợn, tràng, dạ dày các thứ bầy đầy trên bàn. Thịt luộc còn lại vài miếng, bày cạnh khế chua, rau mùi, kinh giới, cà chua, giá. Khác hẳn với những gì Thủy vẫn tưởng tượng về châu Âu.
- Hay Khương vừa mang sang như cô bé sáng nay ? - Thủy tự hỏi. Nhưng Thủy nhớ hình như là trước giờ bay Khương không hề đi mua những thứ này. Thủy khẽ gắp miếng thịt lợn ba chỉ, chấm với mắm tôm rồi và cơm vào miệng.
- Em cứ ăn lòng với dạ con đi. Thoải mái. Món ăn hàng ngày của bọn anh đấy. - Thắng mời vồn vã. - Khương gắp cho vợ đi chứ.
- Anh Thắng nấu bếp trong quán cộng. Hàng ngày thằng Tây giao thịt vẫn mang đến tặng không cho anh ấy. - Khương giải thích. - Bên này những thứ ấy họ chỉ mua về cho chó.
Miếng dạ dày vừa trôi qua cổ Thủy đã chực nôn ra. Nhưng cô cố nuốt vội, và tiếp một và cơm to. Bù lại thì cơm rất ngon. Hạt gạo thơm như vậy Thủy chưa bao giờ được ăn ở Việt Nam cả.
- Rau này là cộng mình trồng đấy. - Minh nói. - Có một bà trên sân chỉ trồng rau bán mà tậu được cả một con Mẹc đời mới đấy.
Thủy không hiểu nổi mấy câu nói của Minh, nhưng vẫn cười và gật đầu nghe tiếp. Cho đến lúc Thủy ăn no thì họ còn kể cho Thủy nghe thêm bao nhiêu chuyện nữa. Chả có mấy dịp những người ở đây có dịp được trổ tài hiểu biết trước một người mới sang, lại là một cô gái xinh đẹp như Thủy. Chuyện cái bà bán rau muống sau hai năm mua được xe méc-xe-đéc để đi đã trở thành huyền thoại ở cái đất Ba Lan này rồi. Có chị chỉ chuyên đẩy cái thùng giữ nóng đi bán bún thôi mà sau cũng mua được cả một chiếc BMW mới tinh giá cả mười mấy nghìn đô la.
Thấy Thủy ăn xong Khương với tay bấm nút cái máy điện thoại.
- A lô ! Anh Phú ạ ? Ngủ chưa ? Cho em nói chuyện với chị Thục với. Đang ngồi đây. Dậy rồi. Ừ. - Khương quay sang Thủy. - Lúc nãy hai vợ chồng chị Thục có gọi điện đến nhưng em đang ngủ nên anh bảo khi nào em dậy thì mình gọi lại.
- Chào chị. - Giọng Thủy như reo lên trong máy. Bình thường họ không thân nhau mấy nhưng sang đến bên này chỉ có Thục là người quen duy nhất nên Thủy thấy tình cảm của mình bỗng gắn bó hơn với chị ấy.
Họ hẹn nhau sáng hôm sau Thủy đến nhà chị Thục. Khương gật đầu.
- Mai anh chở em ra sân đi một vòng rồi đến chỗ chị Thục.
Minh và Thắng ngồi uống khề khà thêm một chút nữa rồi chui tọt vào buồng ngủ. Khương và Thủy đã quá giấc và chưa quen giờ nên vẫn ngồi tiếp trong bếp hút thuốc. Thủy uống cạn cốc bia rồi đứng dậy rửa bát. Khương bỗng đứng dậy, áp sát người vào lưng Thủy, thèm khát bấu víu, sờ soạng.
- Đừng anh. Nhỡ họ dậy thì sao ?
- Mọi người ngủ hết rồi. - Khương lì lợm.
Ngượng nghịu, Thủy cố nhanh tay tráng sạch đống bát đĩa, đặt lên giá rồi kéo Khương quay về phòng. Sau những gì đã trải qua trong hai mươi bốn giờ đồng hồ qua, Thủy không muốn chuyện ái ân. Nhưng không hiểu sao cô bắt thân xác mình phải chiều ý Khương với một sự miễn cưỡng.
Nằm ngửa trên giường, Thủy như không nhìn thấy gã đàn ông đang hì hục trên người. Mắt cô bỗng chạm phải tia nhìn của mấy pho tượng đặt trên cái bàn thờ, nằm ở ngăn trên cùng của cái kệ mỏng, mà khói hương đã làm ố hết cả cái trần nhà dù đã được dán bằng một tờ giấy báo thật to.
Sợ hãi, Thủy quay mặt sang hướng khác. Bức ảnh của một cô người mẫu tuyệt đẹp khỏa thân như đang nheo mắt nhìn Thủy cười cười, không hiểu đang thách thức, hay muốn tỏ vẻ cảm thông với thân phận của một con đàn bà.
Thủy vẫn còn nằm yên như vậy kể cả sau khi Khương đã thoả mãn, nằm vật sang một bên, gác đầu lên ngực cô, ngủ ngon lành như một đứa trẻ con. Bầu trời ngoài kia bỗng sáng dần lên. Tiếng động dưới đường như báo hiệu một ngày mới lại bắt đầu. Gió mạnh thỉnh thoảng lại lay cho cánh cửa sổ kêu lật bật như sắp tung ra đến nơi.
Thủy bỗng muốn ngâm mình trong làn nước nóng bỏng để tẩy rửa hết tất cả những nhơ bẩn của cuộc đời. Cô chạy vào buồn tắm, xả nước đầy bồn, rồi ngồi vào, ngâm mình, châm thuốc hút, lặng yên suy nghĩ.
Cánh cửa nhà tắm bỗng bật mở. Cái đầu bù xù của Thắng thò vào. Cặp mắt láo liên của anh ta quét nhanh trên người Thủy. Cô sợ hãi khoanh tay che ngực, co rúm người, căng thẳng chờ đợi.
* * *
Ánh mắt sắc lẻm của Thắng lại lướt qua người Thủy một lần nữa rồi gã đàn ông mới chịu liếm môi, rút đầu ra, đóng cửa lại. Tiếng cửa phòng của nhà Ngọc - Thắng kêu ken két rồi nhè nhẹ bật vào. Thủy vội vàng đứng dậy dập điếu thuốc, dội sạch xà phòng, lau qua loa người, rồi quấn mình vào chiếc áo khoác mềm mại, chạy ù về phòng. Khương vẫn nằm ngủ ngon lành, hơi thở khò khè.
Thủy ngồi xuống góc giường. Lúng túng, không biết làm gì, Thủy với tay cầm lấy cái điều khiển rồi mở TV lên xem. Sáng sớm. Các kênh hầu hết đều tắt. Thế nhưng chỉ những kênh đang chiếu thôi cũng đã nhiều hơn cả số chương trình hàng ngày của Việt Nam. Gặp đài ca nhạc MTV, Thủy háo hức dán mắt vào những hình ảnh mà ở Hà Nội chỉ có một vài quán cà phê loại sang và sàn nhẩy lớn mới có.
Khương bỗng trở mình, quàng tay sờ vào bụng Thủy, lần dần lên ngực. Thủy khó chịu gạt tay Khương xuống giường.
- Em không ngủ được à ?
- Không ạ.
- Đổi giờ ấy mà. Bây giờ đang là buổi sáng ở Việt Nam. Em mới sang nên chưa quen giấc thôi. Anh cũng vậy. - Khương ngồi dậy. - Thôi. Không ngủ nữa. Ra ăn sáng rồi lên sân.
Thủy ngước mắt nhìn đồng hồ. Năm giờ hai mươi sáng.
Khương vào buồng tắm. Thủy vào bếp đặt chảo rang cơm cho cả nhà.
- Em làm gì mà nhiều thế ? - Khương bước vào bếp, trợn tròn mắt vì ngạc nhiên.
- Em định nấu cả cho vợ chồng anh Minh và anh Thắng.
- Thằng Minh thôi. - Khương cười hà hà. - Vợ nó ở nhà suốt ngày, không ăn đồ cộng đâu. Còn nhà Thắng Ngọc thì mãi tận mười giờ mới dậy để ra quán làm việc.
Thủy lặng lẽ rang cho xong chỗ cơm rồi ngồi xuống ghế. Cô định pha cho mình một cốc cà phê nhưng không tìm thấy cả cà phê lẫn phin lọc, nên thôi.
- Ối ! Ông bà này chăm chỉ nhỉ. Vừa sang mà anh giai đã đi kéo cầy ngay à ? - Minh chui vào bếp, xoa xoa tay, thọc ngay vào lấy cái tô múc cơm rang ra, đổ ớt vào, vừa ăn vừa xuýt xoa. - Ăn no tý lên sân đỡ tốn tiền quà sáng. - Anh chàng cười hềnh hệch. - Chả bù cho con vợ Tây chỉ biết làm mỗi món tót thôi.
- €, tót là kẹp hai miếng bánh mì với thịt rồi cho vào cái máy nướng kia kìa, xong rồi là lấy ra chén thôi. - Thấy Thủy ngơ ngác, Khương giải thích.
Ba người mau chóng kết thúc bữa sáng và xuống nhà đi làm.
Họ chui vào xe Khương. Chiếc xe Passat đầy mùi dầu, ghế bẩn, đầy đất và dầu máy. Dù đã trải một chiếc khăn lông, nhưng hình như cả nó cũng chưa bao giờ được giặt. Ngổn ngang dây nhợ, túi bạt, túi giấy McDonald, khăn lau mồm cả mới cả cũ, cốc, chai đựng nước... Hai gã đàn ông ngồi phía trước phun khói phì phì. Minh vừa xỉa răng vừa lấy cái tăm quét xoành xoạch nghe đến lợm miệng. Xe đi qua một cái cầu dài, cổ kính. Khương chỉ tay sang bên trái, chếch chếch phía trước mặt.
- Chợ sân đấy.
- Khu này là sân Tây, bên kia là sân Ta. - Minh sốt sắng tiếp lời.
Xe đi qua hai chiếc tầu điện chạy trên làn riêng ở giữa đường. Thủy kịp nhận thấy trong tầu toàn người Việt đứng ngồi chật kín. Họ cũng rẽ trái theo đường tầu, vào bãi đỗ ô tô. Hàng dãy nhà sắt be bé xếp ngổn ngang cạnh nhau. Chăng ngang chăng dọc khắp nơi là dây thừng với vải ni lông, chắc là để che nắng. Toàn người Việt. Mọi người nhốn nháo chào hỏi, đặt hàng, báo giá, chở hàng, rầm rập như chợ Sắt Hà Nội. Thủy cứ tưởng như mình vừa mới lạc lên Lạng Sơn.
- Uwaga. - Một ông đàn ông hét vào tai Thủy.
Giật mình, Thủy nhảy dạt sang một bên, vừa đúng lúc chiếc xe hàng cao ngất đầu lướt qua. Người đàn ông Việt Nam bé nhỏ, kéo đằng trước, vừa hét vào tai Thủy. Thỉnh thoảng đến chỗ đông anh ta lại hét lên như vậy. Nhưng hình như mọi người đã quen với cái câu này nên cứ thủng thẳng mà tránh đường chứ không giật mình như Thủy. Cái xe đẩy chiều ngang khoảng một mét, dài chừng mét rưỡi, có bánh xe to, chất hàng chục thùng các tông trông có vẻ rất nặng lao ầm ầm nhờ sức đẩy của một anh Việt Nam khác từ phía sau. Anh đằng trước có nhiệm vụ vừa lái vừa làm mõ. Thật vô phúc nếu ai bị cái đống hàng va phải, gãy xương như chơi.
Chiếc xe vừa qua chỗ họ được một lúc thì một chị nạ dòng ăn mặc diêm dúa, vung vẩy cái túi đen, chạy qua. Khương gọi giật giọng.
- Hàng gì đấy bà Phương ? San cho thằng em vài xe với.
Người đàn bà vẫn không dừng bước, ngoái đầu lại, thấy Khương đùa nên cũng giả lả.
- Nghe bảo mày vừa mới sang hôm qua à ? Con vợ mày chạy được ra chưa ? Chuyến này về thích nhỉ. Tậu được cả trâu lẫn nghé, sướng nhỉ.
- Đây này. - Khương chỉ tay vào Thủy.
- à. Thế hả. Trông xinh gái đấy. Chị đi nhé. - Người đàn bà nhìn Thủy từ đầu đến chân. Thấy Thủy gật đầu chào nên chị ta cũng chào lại, xong rồi lại tiếp tục te tái chạy đuổi theo xe hàng, vừa đi vừa phân trần với Khương. - Tao phải xuống đầu Parking giao hàng cho con Ru khách quen.
Thủy rảo bước theo sau Khương. Trước mặt. Sau lưng. Bên phải. Bên trái. Khắp nơi người Việt, tiếng Việt. Đủ các loại giọng, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ Tĩnh, Nghệ An... và cả cái thứ tiếng Việt mới, lạ tai mà Thủy mới được nghe lần đầu tiên, dọc hai bên đường đi.
- Mai-mún hay là ốp-tôm ? Không bán từng cái đâu. Vư-nót-seo. - Một chị xua tay, chìa cái máy tính điện tử vào mặt một bà béo da ngăm ngăm.
- Đa-vai. Đa-vai. Bà bán mở hàng cho mày đấy. - Một chị khác rút lố quần si-líp, chồng lên chiếc xe đẩy cho một bà béo tóc vàng, miệng cũng đầy răng giả vàng choé.
- Pan-nhi có mua thì mua. Không mua thì cút mẹ nó pan-nhi đi cho được việc. - Một anh vừa chăm chú theo dõi bàn cờ tướng vừa khẩy tay đuổi khách.
- Uwaga. - Lại một chiếc xe đẩy lướt qua. Nhưng lần này không phải là anh Việt Nam đứng sau xe mà là một anh chàng người Ba Lan cao to, túi tiền buộc ngang bụng. Cái xe đẩy nhỏ nhưng cao với phích nước sôi, vài gói chè, cà phê cùng mấy cái cốc nhựa.
- Quán nước chè di động hả anh ? - Thủy thích thú quan sát, níu lấy tay Khương hỏi thầm vào tai. Khương gật đầu. Cho em một cốc cà phê được không ?
- Tí nữa. Xuống kia nó bưng đến tận nơi.
Họ đi suốt một dọc chợ. Hai bên đầy quầy hàng quần áo, giầy dép của người Việt bán. Có đến cả nghìn quầy hàng như vậy ở khu này. Người chen nhau len lách. Xe hàng đẩy rầm rập, xe to tránh xe bé. Kẻ hô hoán xin đường. Người rao bán túi ni lông. Cả một chị đẩy cái xe bé bán xôi giò. Một chị khác xách cái thùng bán bánh cuốn, mời chào đon đả...
Đến một đoạn bỗng nhiên các quầy chia thành nhiều ngã. Khưong xông thẳng vào một dãy hàng toàn áo da, chui tọt vào một quầy. Thủy ngơ ngác đứng ngoài. Mấy anh chàng, đang đứng ăn phở xì xụp trên chiếc bàn cao quanh gốc cây cạnh một chiếc xe đặt nồi nước dùng bốc khói nghi ngút, bỏ cả ăn há hốc mồm ngắm nghía người đẹp vừa mới xuất hiện.
- Vào đây em. - Giọng Khương trong bóng tối, sau đống áo giả da treo bùng nhùng, gọi với ra.
Thủy ngoan ngoãn vạt tay, bước vào cái khe nhỏ giữa hai cái giường xếp của hai quầy. Bên trong có vài người đang ngồi trên mấy chiếc thùng các tông. Sau lưng họ là một cái kho nhỏ chừng ba mét vuông.
- Anh Phú, chồng chị Thục đây. - Khương giới thiệu người đàn ông mặc quần áo sang trọng, ngồi sát cửa kho. Xong anh quay sang giới thiệu những người còn lại.
- Em uống gì không ? - Phú vồn vã.
- Cà phê ạ.
- Kawa. - Phú hét tướng lên, giọng sang sảng.
Một cô Tây xinh xắn, người nho nhỏ, đứng cạnh cái xe bán nước cách đấy không xa, chạy đến. - Czarna ? Biala ? czy Kapuchino ?
- Capucino - Thấy có món cà phê Ý quen thuộc, Thủy gọi.
Phú chạy ra tận nơi bê cốc cà phê nóng về cho Thủy. Khương tảng lờ, bật máy gọi cho ai đó, giọng oang oang giữa chợ.
- Alô. Mày đang đứng ở cái góc chó nào đấy ? Ai kiểm tra ? Kiểm tra ở đâu ? Thế à ? Đông không ? Tao vừa mới đi từ trên ấy xuống đây. Thế à ? Chết mẹ rồi. - Khương cúp vội máy, quay sang các quầy bên cạnh, hét toáng lên. - Phòng thuế kiểm tra các bà ơi. Dọn. Dọn.
Thủy ngơ ngác nhìn quanh. Cái từ "kiểm tra" không hiểu sao lại có mãnh lực với những người Việt Nam ở đây đến như vậy. Cả một góc chợ bỗng loạn cả lên. Mấy anh chàng đang phè phỡn đánh bài bỗng kéo xe chạy biến. Mọi người tháo quần áo đang treo xuống cất hết vào kho. Khương cuống cuồng chạy ra ngoài, đánh đổ cả cốc cà phê Thủy chỉ mới vừa uống được một nửa. Anh chàng hét ầm lên.
- Sao lại để cà phê ở giữa đường thế này ?
- Từ từ chứ. Sao lại quát cô ấy thế ? - Phú can thiệp. Thủy ngước nhìn Phú, thầm cảm ơn. - Thôi để tao đưa Thủy về nhà trước. Mày ở lại thu nốt được đồng nào thì được. Chợ búa kiểu này, chưa kịp bán chác gì đã kiểm tra, chắc chả ma nào có tiền để trả đâu.
- Em về nhà anh Phú trước đi. - Khương hất hàm bảo Thủy, rảo bước đi về hướng đầu chợ, nơi mà người ta bảo là phòng thuế đang kiểm tra.
* * *
- Mình ra xe đi. - Phú nhẹ nhàng bảo Thủy. Cô lẽo đẽo đi theo Phú.
Xe của Phú đỗ ngay gần đấy. Chiếc Audi mầu xám bạc sang trọng đỗ ở một góc tường rào của sân vận động. Ghế da bóng lộn với mùi nước hoa đắt tiền làm Thủy ngường ngượng vì bộ quần áo của mình. Sáng nay Thủy cứ chần chờ đợi Khương mặc quần áo rồi mới chọn quần áo cho mình. Thấy Khương ăn mặc xuềnh xoàng Thủy cũng khoác tạm cái áo len cũ với chiếc quần jeans bạc và đôi giầy vải cũ. Chả hợp tí nào với chiếc xe này và ông chủ của nó là Phú đang ngồi sau tay lái. Tóc chải bóng, hất ngược về phía sau để lộ vầng trán thông minh. Áo vét ca rô xanh bích đậm, cra vát lụa, giầy Ý đúng mốt, áo khoác dạ. Thủy khép nép ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế rộng. Chiếc xe nhẹ nhàng rồ ga rồi lướt nhanh trên đường. Qua một đoạn đường cong gấp Thủy dúi cả người vào vai Phú.
- Em cài dây vào. - Thấy Thủy lúng túng Phú với tay kéo cái dây an toàn trên thành xe xuống mắc chéo qua người cô. Sợi dây đai chỉ hơi choàng qua người nhưng lại giữ Thủy dính chặt vào ghế, không còn lắc lư như trước.
Phú phóng nhanh trên đường cao tốc, luồn lách liên tục từ làn này sang làn khác. Trong xe, bộ loa ấm ấp cất lên giọng hát ngọt ngào của Mariah Carey - Without You, đúng bài hát mà Thủy thích. Phú lái xe khác hẳn Khương. Không cái kiểu ôm sát tay lái, mắt láo liên nhìn quanh suốt, sợ sệt, mà rất tự tin, thoải mái, tay cầm hờ vô lăng, ngón tay gõ nhè nhẹ theo nhạc. Xe lướt nhẹ dọc bờ sông, bỏ qua nhiều khu nhà máy, rồi từ từ rẽ vào một khu biệt thự sang, cắt đứt dòng suy nghĩ của Thủy.
Kiến trúc quần thể ở đây thật đẹp, khác hẳn với cái cảnh lộn xộn của những khu biệt thự mới xây ở Hà Nội. Đường phố, vỉa hè, vườn cây, tường rào... tất cả hợp thành một khối thống nhất với gam mầu hòa hợp với khung cảnh thiên nhiên. Các khu nhà segment nằm cạnh nhau trông tưởng như giống nhau nhưng lại khác nhau đến bất ngờ. Một cô Tây lúi húi chôn vài chậu cây xuống đất. Hai đứa trẻ đuổi nhau dưới lòng đường. Con chị gò lưng đạp chiếc xe đạp núi, cố không để cậu em đi giầy trượt vượt qua mình.
Lối vào nhà Phú đi qua một khu vườn nhỏ được đánh luống để trồng những cây gì đó vừa mới nẩy mầm trông xinh xinh, bước lên vài bậc thang rồi vào cửa chính, đi qua bếp, vào một góc nhỏ, phân hướng lên gác, xuống hầm, và cửa vào phòng khách. Thủy bỗng có cái cảm giác lành lạnh, sờ sợ dù ánh sáng chiếu từ cửa sổ vào rực rỡ và đèn trong nhà sáng choang. Nền nhà được lát bằng một loại đá hoa cương đen thẫm. Bàn, tủ, ghế, tất cả đều mầu đen. Cả dàn máy, tivi to đến cả trăm in, cũng mầu xám bạc. Hệ thống tủ bếp đen tuyền, nồi chảo nhôm bạc sáng hắt tia sáng lạnh lẽo từ bộ đèn halogen ra xung quanh. Tất cả tạo nên một cái cảm giác huyền bí sờ sợ mà Thủy nhớ hình như chỉ khi vào lăng Bác Thủy mới cảm thấy như vậy.
- Thục ơi ! Thủy đến đây này. - Phú gọi váng lên, đỡ chiếc áo khoác trên tay Thủy, cất vào cánh tủ cạnh đấy.
Thấy Phú tháo giầy, Thủy cũng làm theo. Hơi lạnh buôn buốt từ nền đất ngay lập tức thấm qua đôi tất mỏng xuyên vào gan bàn chân. May mà có Phú đưa cho đôi dép lông đi trong nhà, không thì cái phòng khách to mênh mông kia sẽ đóng băng Thủy mất. Một bé gái chừng 6 tuổi chạy ầm ầm xuống thang, khoanh tay chào cô. Thục lê mông xuống theo từng bậc thang một, dắt đứa bé chừng hai tuổi, lẫm tẫm bước từng bước, nhoẻn miệng cười chào Thủy.
Thục thay đổi đến không ngờ. Tóc xác xơ, mặt xạm đi, người gầy đét không chút sức sống, trông như một phản ảnh bên cạnh ông chồng vạm vỡ, khỏe mạnh, tràn đầy sinh lực. Thủy thoáng rùng mình khi nghĩ đến mình mai sau. - Không. Thủy sẽ đi mỹ viện. - Cô tự nhủ thầm với mình như vậy.
- Em nấu phở cho anh và Thủy ăn sáng. Vừa lên sân đã kiểm tra, mọi người chạy tung tóe, chả kịp ăn gì cả.
- Thế à ? Thế thằng Khương thu được tiền chưa ? Có ai bị bắt không anh?
Phú không đáp, lừ đừ bỏ vào phòng khách bật TV. Đài thể thao đang phát một trận quần vợt nào đấy. Thủy theo chị Thục vào bếp chuẩn bị thức ăn.
- Để em làm cho. Chị trông cháu đi. Chỉ cần bảo em phải làm gì thôi.
- Nhanh ấy mà. - Thục mở nước, cẩn thận rửa từng chiếc đĩa, từng cái bát, xong rồi cho vào máy rửa bát, bật điện.
- Đã có máy rửa bát sao lại còn phải rửa trước hả chị ? - Thủy ngơ ngác.
- €, thì thấy các nhà khác cũng làm thế nên chị làm theo thôi. - Thục giải đáp đơn giản.
Thủy mím môi nhịn cười.
Phòng bếp trang trí rất sang trọng. Ống khói mầu xám bạc kéo thẳng đến tận trần nhà, chiếu đèn ngược xuống chỗ nấu. Bếp điện thì thật là tuyệt, phẳng lì, sờ cả tay vào cũng không nóng, chỉ có nồi nước là sôi ùng ục. Thục mở tủ lạnh lấy ra mấy cục xương cũ, trông đen đen, vất vào nồi, rồi cắt hai gói phở ăn liền cho vào bát to, cắt mấy cọng hành đặt lên trên, rồi bầy ớt và chanh ra đĩa.
Phòng khách với cùng gam mầu, như muốn khoe ra hai cái tranh to mầu sắc lòe loẹt treo ngay cạnh nhau.
- Tranh này mua ở Hi Lạp đấy. - Thục hớn hở giới thiệu. - Mười hai ngày du lịch trên thuyền đấy. Chỉ mất hơn mười tờ thôi. Thuyền to đi trên biển mà cứ tĩnh lặng như trên bờ vậy. Tôm cá ngập bàn, ăn uống thoải mái.
Bức tranh với nền trời và biển xanh thẫm cùng những ngôi nhà xinh xắn, đặc trưng của miền Nam châu Âu, với Hi Lạp và Cypr nằm trên bờ Địa Trung Hải, đứng lạc lõng trong căn phòng khách hiện đại như đón nhận sự cảm thông của Thủy.
Ngay cạnh đấy là Người đàn bà trong căn phòng mầu đỏ. To vật. Bằng đúng cỡ tranh thật. Tất nhiên là không phải nguyên bản của Henri Matissi rồi. Nét vẽ thua xa những bức mà Tuấn đã đặt thợ vẽ. Người Pháp sang Việt Nam đặt vẽ bức tranh này nhiều lắm, vì kĩ thuật chép giỏi hơn họa sĩ Pháp, giá lại rẻ, chỉ khoảng hai trăm nghìn.
- Cái này mua ở Pháp. Ngay cạnh bảo tàng Lu-i đấy. Tranh quí lắm. Ông họa sĩ vừa mới vẽ xong, còn đang ướt. Không phải ai cũng hiểu được ông ấy vẽ gì đâu. Họa sĩ Paris mà. Giá những bốn tờ đấy. Mà lần ấy đi theo đoàn cũng sướng lắm. Suốt ngày được ăn toàn những thứ ngon. Tiệc tự chọn của khách sạn đầy thức ăn, ăn đến no căng bụng thì thôi.
Bỗng dưng Thủy cảm thấy lạc lõng vô cùng, miệng nhạt nhẽo mút từng sợi phở, lơ đãng nhìn hai cái tranh "tuyệt tác" giá những hàng tờ treo trên kia.
- Bọn chị chụp ảnh nhiều lắm, để hết cả mấy tập album.
Tiếng của Thục, tiếng của phát thanh viên truyền hình, tiếng thở của hai vận động viên đang quần nhau trên sân tenis, tiếng léo nhéo của hai đứa con nít như xa dần ra. Mắt Thủy lướt nhanh qua những bức ảnh nghe bảo được chụp bằng máy ảnh hiện đại những hàng chục tờ gì đấy với những bộ váy, áo trông như hàng chợ của Đinh Liệt mà nghe bảo phải vào tận trung tâm mốt của Pháp mới mua được. Thủy vừa ăn vừa lặng yên xem ảnh. Phú cắm cúi dán mắt vào trận đấu bóng, miệng xì xoạp húp bát nước phở tuyền mì chính và bột gia vị, không hé răng. Trong căn nhà mồ này hình như đang có hai thế giới. Thế giới của tiếng động và thế giới của sự yên lặng. Cả hai đều tránh va chạm với nhau.
* * *
Để cho đỡ ngăn cách, Thủy cố chuyện trò với Thục. Thục hỏi Thủy nhiều chuyện. Thủy cũng muốn biết thêm một ít về cuộc sống ở Ba Lan. Hóa ra hai trăm đô không phải là Thục gửi tặng bé Thảo mà là Khương tự rút ví ra cho. Từ trước Thục đã có ý muốn giới thiệu Khương cho Thủy sau khi biết tin Tuấn chạy sang Hồng Công.
- Đã lâu rồi chị không về nhà vì các cháu còn bé quá. Suốt ngày cứ cuống cuồng lên vì hàng họ. Chỉ có cái lão này là bay nhẩy thôi. Hết sang Tầu lại về Hà Nội ăn chơi nhảy múa. Đi mát xa với bia ôm nhiều quá da cứ bóng nhãy cả ra. - Phú vẫn lặng thinh không phản đối.
Mãi qua câu chuyện với Thục, Thủy mới biết thêm là Khương đã si tình cô từ khi còn đi học.
- Các bà có định đi Macro không ? - Phú bỗng lên tiếng. Trận đấu kết thúc. TV đang quảng cáo cho trận chung kết vào ngày mai.
- Đi chứ. - Thục reo lên. - Nhưng chờ thằng Khương về đã.
Vừa đúng lúc chuông cửa kêu bính bong. Thục ra mở cửa. Giọng toang toác:
- Vừa mới nhắc đến mày xong. Ăn chưa ? Thế thì đi luôn ra Macro nhé. à, mà hôm nay có thu được đồng nào không ?
- Chả có xu nào. Anh Phú vừa về được một chốc thì cả chợ vắng tanh như chùa bà Đanh. Ai cũng sợ bị kiểm tra.
- Sao hôm nọ nghe bảo đi họp các ông trong hội người Việt gì đấy kêu gọi đóng góp để đút cho phòng thuế ? Tiền thì nộp rồi mà bọn nó vẫn kiểm tra à ?
- Lo lót gì. Làm gì có hóa đơn mà chứng minh. Thấy ông Thảo cứ chống nạnh đi khắp sân quát nạt chứ giúp đỡ gì đâu ? Mọi người đóng tiền là đóng thế thôi, kiểu thí cho chó khỏi sủa ấy mà, chứ có ai ngây thơ mong đợi như chị đâu.
- Ừ. Cái vụ Sơn Mỹ hôm nọ cũng thế. Mất tiền đứa nào chẳng xót, mới mời các lão đến để bàn cách giải quyết. Chờ cho mấy lão ấy đọc hết danh sách kính thưa anh này, kính thưa chị kia thì mất mẹ nó cả buổi sáng rồi. Tao tức bỏ về trước, chả biết hội ngồi lại có giải quyết được gì không.
- Em đúng là trẻ con. Tiền trong túi là tiền khôn. Tiền nộp cho làng thì biết kêu ai? - Phú chen vào.
- Cả anh nữa. Mất tiền mà chả thấy tiếc tí nào cả. Bốn trăm tờ ấy là đủ mua cả một cái nhà cho thằng Minh em tôi rồi. - Thục đanh đá.
- Ối dào. Đúng là tính toán kiểu đàn bà. Tôi thì chỉ có hội tenis thôi, chả hội mẹ gì cả. Em có biết đánh quần vợt không ? - Phú quay sang Thủy.
Cô gật đầu, tò mò nghe ngóng câu chuyện của mọi người. Đại khái là hội này nội nọ. Vài ba tờ báo cạnh tranh nhau. Khá nhất là một tờ Phương Đông Phương Tây gì đấy của một hội sinh viên.
- Hôm nay vừa kịp mua một tờ của bọn nó. Báo lá cải mà bán chạy phết, không kịp mua là hết nhẵn. - Khương hươ hươ trên tay một tờ báo mầu vàng trông như in photocopy.
- Toàn viết vớ vẩn với đưa tin bậy bạ ấy mà. - Phú nhận xét, xong rồi, trong sự ngạc nhiên của Thủy, giật lấy tờ báo ngồi xuống ghế đọc ngấu nghiến từng trang một.
Nếu như là còn đang ở Hà Nội thì Thủy đã lên tiếng hỏi. Nhưng giờ đây, những chuyện dồn dập xẩy ra liên tiếp trong ba ngày qua đã mang đến cho bộ óc bé nhỏ hạn hẹp của cô vô số những điều mới mẻ, những nghịch lí, những hình ảnh trái ngược, làm cho nó không còn muốn hoạt động nữa. Bây giờ Thủy chỉ muốn buông xuôi đi theo dòng chảy của cuộc sống mới ở đây. Không giống với những ngày mới quen Khương, ông giám đốc của một công ty lớn ở nước ngoài hóa ra chỉ là một anh chàng tiêu thụ hàng thuê cho nhà Phú - Thục, chính là vợ chồng ông anh họ. Hình ảnh của một gia đình doanh nhân giầu có người Việt nam ở nước ngoài được thay bằng một cặp trọc phú học làm sang. Miền đất hứa hiền hòa biết qua phim ảnh và những đại văn hào bị thay một cách tàn nhẫn bằng cảnh lao động vất vả liên tục nơp nớp sợ kiểm tra. Chế độ tự do dân chủ được đại diện bằng các anh cảnh sát, tuần cảnh, và đến thậm chí một thằng soát vé trông chả khác nào một kẻ trộm túi trên tầu điện cũng có quyền hạch sách, hỏi giấy tờ, mạt sát một lũ mọi da vàng. Một cộng đồng của những buổi họp mà Thủy có cảm tưởng là mình đang về quê bố ở Thanh Hóa để họp làng từ những hai mươi năm trước.
Thủy bỏ qua hết. Thủy lờ đi hết tất cả. Cái mà Thủy muốn bây giờ là kiếm tiền. Kiếm thật nhiều tiền.
Thủy bắt đầu lăn ra sân tiêu hàng cho nhà Phú - Thục. Cô học nhanh mấy câu tiếng Ba Lan để chào khách. Vốn tiếng Nga giúp Thủy nhanh chóng thích ứng và giữ được nhiều mối khách từ các nước thuộc Liên Xô cũ. Với khách người Ru thì Thủy cũng học ngay được vài câu tán chuyện và số đếm để làm thân, tạo mối khách quen. Nụ cười thân thiện, gương mặt hiền dịu của Thủy mau chóng chiếm được cảm tình của những người buôn chuyến. Sắc đẹp của Thủy làm các ông đàn ông Việt Nam mê tít, sẵn sàng giảm cho vài giá. Sự thông minh và nhanh nhạy trong xử thế của Thủy xoa dịu lòng ghen tức của các bà vợ soái, kết thân nhanh với họ trong những mối hàng mới. Một vài buổi chiều trong tuần Thủy đăng kí theo học một lớp tiếng Ba Lan dành cho người Việt. Biết tiếng kha khá thì Thủy bắt đầu đăng kí học lái xe để tự đi tìm mối hàng mới trong những hôm Khương bận đi kiểm hàng nhập kho cho nhà anh chị.
Cơn Mơ Trong Tuyết
1. Đi hay Ở ?
2. Đi Ba Lan
3. Va đập
4. Trưởng thành