- 2 -
Tác giả: Lê Văn Trương
Vợ tôi muốn thế. Nhưng chắc số mệnh không muốn cho tôi thế. Bởi không có lý gì, trời sinh ra một cái lò lửa để không cháy lung tung lên.
Tôi chiều vợ tôi, tôi lao vào mã chược để quên. Nhưng, không biết là may hay rủi cho tôi, và cho cả gia đình tôi nữa, có một người bạn nhỏ đến tôi trong một trường hợp mà chỉ có tôi là xứng đáng để cho người ta phải nhớ tới.
Ả-Cheng đến nhà tôi vào giữa trưa ngày mười bảy tháng tư năm 1928, trong khi tôi đang đánh Thiên cẩu ở nhà ông bang trưởng Mã-pan-Choeuhh. Vợ tôi biết hắn là em vợ một người bạn chí thân năm nào cũng sang Xiêm buôn với tôi (hồi ấy nước Thailande còn chưa đổi tên, vẫn gọi là Siam). Có lẽ một linh khiếu đã báo cho vợ tôi biết sắp có chuyện rồi đây, nên vợ tôi nói ngay:
- Này chú, nhà tôi đã thề không có buôn bán cái thứ hàng ấy nữa đâu. Nhà tôi không có sang Xiêm đâu.
- Anh tôi cho tôi lên tìm sếnh sáng có tí việc riêng, chứ không phải buôn bán.
Chí có tí việc riêng, lại không phải việc cần, lại không phải buôn bán. Chà vợ tôi nghe đã nhẹ cả mình.
- Thế mời chú ngồi chơi, để tôi cho đi mời nhà tôi về.
- Anh rể tôi có đưa cho sếnh sáng một bức thư, bà làm ơn cho người đi hộ.
Hôm ấy tôi đánh được mấy ván rất cao, tôi đang cười như nắc nẻ thì người nhà đưa bức thư của ông Thái-Seng-Long đến. Đọc xong bức thư tôi cảm ngay thấy là giờ lên đường đã điểm, tôi thở dài – không rõ là vui hay buồn – đứng dậy xin lỗi mọi người:
- Tôi có việc cần, một người bạn đang chờ ở nhà. Ông nào thay chân tôi hộ.
Ông bang trưởng muốn giữ tôi lại để mong gặp ván nào đánh gỡ cái ván vừa thua, nhưng tôi khẩn thiết:
- Không, tôi có việc cần lắm mà khách ở Nam Vang về đang đợi ở nhà.
Vợ tôi nhìn thấy mặt tôi là hiểu ngay. Y thất sắc. Tôi đưa thư cho y xem, rồi tôi an ủi:
- Em đã biết ông Thái-Seng-Long đối với anh là thế nào, nay ông ấy có việc nhờ, anh không thể không đi giúp được. Thật anh không muốn làm cho mẹ con em phải lo nghĩ, anh không muốn đi đâu xa cả, nhưng làm thế nào được.
Vợ tôi tay run run giở bức thư đọc.
Lâm quý hữu
Tôi còn nhớ năm kia, khi chúng ta chia tay nhau ở rừng Kngheng-Tam Bop, quý hữu có hứa với tôi, nếu có việc gì cần đến thì dù khó khăn nguy hiểm mấy, quý hữu cũng không từ chối, và sẽ tận tâm giúp tôi. Lời hứa của một đấng trượng phu tôi thấy nó sắt đá như lời hứa của Kinh Kha lúc sang Tần. Cho nên tôi vẫn tâm tâm niệm niệm để dành nó trong những lúc sao dời vật đổi. Và tôi mừng rằng: Nếu có lỡ xảy ra phong vũ ba đào thì số mệnh cũng đã sẵn ban cho gia đình tôi một bàn tay tế độ. Cảnh của tôi không giống của công tử nước Yên, nhưng sự quan trọng thì cũng chẳng kém.
Nhạc phụ tôi tạ thế đã bốn năm nay tại Cao Mên. Cả họ Lý tôi ở Sheung Ping tha thiết ước mong sẽ đem được di hài về nơi quê cha đất tổ. Chúng ta tuy là người hai nước khác nhau, nhưng lễ giáo thì cũng cùng một đường lối. Chữ hiếu đã đứng đầu ngũ luân mà nhạc phụ tôi lại còn là ngành trưởng, cả họ trông vào. Họ hàng tôi ở bên Tàu có phái người sang đây bảo chúng tôi, thế nào cũng phải tìm cách đem hài cốt nhạc phụ tôi về an táng ở quê nhà cho được gần tiên tổ và đó cũng là di mệnh của nhạc phụ tôi. Hai nữa có một danh sư mới tìm cho họ tôi được một ngôi đất Nga Mi tác án. Họ tôi mong nhờ đó sẽ được tiếp phúc lâu dài.
Chúng tôi đã họp hội đồng gia tộc bàn kỹ càng thấy đó là một vấn đề rất khó. Nếu không hành sự cho được chu toàn thì cái họa tày trời sẽ đến với chúng tôi chẳng lâu. Tôi đã nghĩ kỹ, việc này chỉ có quý hữu là giúp được. Quý hữu chẳng những là người gan dạ, lại có tài tháo vát, lại xuất ngoại đã quen, thông thuộc đường lối thể lệ. Hơn nữa quý hữu lại thạo các thứ tiếng ngoại quốc như tiếng Pháp và tiếng Anh. Đưa hài cốt nhạc phụ tôi về Trung Hoa, chẳng những chúng tôi lo thổ phỉ biết tin sẽ lập kế cướp giữa đường để đòi tiền chuộc, nhưng khổ nỗi người ta không cho phép đem xuống tàu, nên chúng tôi phải giấu mà đem đi như thuốc phiện lậu. Như thế chẳng những cần phải có một người quyền biến, lại còn cần phải có một tay súng kiệt liệt để có thể đối đầu với rủi ro.
Quý hữu đã thương chúng tôi, quý hữu lại có đủ những tài đó. Cho nên cả gia đình tôi kính lạy trước quý hữu mong quý hữu mở bàn tay tạo hóa mà giáng phúc xuống cho chúng tôi được thụ hưởng cái ân cao dày.
THÁI-SENG-LONG kính bái.
Vợ tôi đọc xong bức thư, mặt tái đi:
- Thế anh lại đi hử? Phải rồi, ông Thái-Seng-Long là bạn thân của anh.
Trong câu ấy, có ý nghĩa một sự so sánh đau đớn. Tôi cười:
- Em chớ. Anh thật không muốn cho mẹ con em phải áy náy. Nhưng cái số anh nó thế, cái số chúng ta nó thế thì biết làm thế nào!
Vợ tôi nghẹn ngào:
- Xưa nay, em có thấy anh tin số bao giờ đâu. Có anh thích thì anh đi, chứ số với hệ gì.
Tôi nghiêm sắc mặt:
- Lần này thì không phải anh thích. Danh dự bắt buộc anh phải đi. Đây này, anh nói cho em biết chuyện rồi thì tùy em. Nếu em bảo anh ở nhà, anh ở ngay. Anh giấu không kể cho em nghe, vì sợ em lo lắng chẳng ích gì. Anh đối với anh Thái-Seng-Long có một món nợ danh dự không thể không trả được. Em có biết năm kia, trong một trường hợp tối nguy nan, ông ấy đã đối xử với anh như thế nào không? Anh và ông ấy hôm đó vừa tải hàng đến nghỉ ở trong rừng Tangkor cạnh Pachim thì ông Mékhum (lý trưởng) Chreng-Sa-Dao cho người lại báo cho biết nhân viên nha Thương chính Xiêm họp với lính kỵ mã đồn La Chim kéo đến vây bắt chúng anh. Lúc ấy, anh đã tháo yên ngựa, đang ngồi quạt cho ráo mồ hôi. Nghe báo thế, anh vội vàng đóng ngựa. Đóng xong, anh nhảy lên ngựa thì bị ngã lộn phộc xuống: thắng đái ngựa đứt. Thì ra trong lúc hấp tấp, anh đã cài thắng đái nhầm vào một cái dây da ở yên đã gần đứt. Nhảy mạnh lên là nó đứt phăng ngay. Đấy cái yên cũ của nhà ta đấy nó có ba sợi dây da để cài thắng đái, đứt cái nọ thì thay cái kia. Cái tốt không cài lại đi cài nhầm một cái đã gần đứt. Anh bị ngã, vừa đứng dậy được thì nghe tiếng súng nổ ran ở phía đầu rừng. Họ biết chúng anh có súng, biết chúng anh có thể chống cự một cách quyết liệt, nên họ bắn thị uy thế để áp đảo tinh thần chúng anh. Bị ngã anh đã cuống, nghe tiếng súng anh càng cuống hơn. Sợ bị bắt, anh đã toan bỏ yên lại, cứ cỡi vo thế mà chạy. Ông Thái-Seng-Long lúc ấy đã phóng ngựa cách xa anh đến mười thước, thấy anh ngã liền quay ngựa lại. Thấy cung cách anh thế ông ấy hiểu anh muốn bỏ yên, liền lái cương ngựa đứng nép vào một cái cây, rồi vừa rút súng, ông ấy vừa bảo:
- Ông cứ bình tĩnh mà đóng yên cho tử tế, thì mới hòng thoát. Nếu có bị bắt nữa thì tôi cũng đành cùng bị bắt với ông. Mà có phải chết chăng nữa thì chúng ta cùng chết. Ông cứ bình tĩnh mà đóng yên cho chắc chắn.
Em nên nhớ, lúc ấy thì rất có thể cha bỏ con, con bỏ cha, vợ bỏ chồng mà chạy cho thoát lấy thân. Ấy thế mà người ta không bỏ mình. Nay người ta có việc nhờ mình, mà việc gì? Việc chôn bố người ta…
Vợ tôi không để tôi nói hết ngắt lời ngay:
- Nếu có phải thật như thế, thì bổn phận anh phải đi rồi.
Tôi ôm lấy nhà tôi:
- Em thật xứng đáng với tấm lòng quý mến và tin cậy của anh. Nếu anh không đi thì anh là một thằng khốn nạn. Khi trôi chảy công việc lúc trở về, lúc chia tay, anh có hứa với ông ấy…
Vợ tôi nghẹn ngào:
- Thì lẽ tất nhiên anh phải giữ lời hứa rồi. Nhưng anh kể cho em nghe sau đó rồi thế nào nữa.
- Còn thế nào nữa. Lúc anh đóng yên xong, nhảy lên ngựa thì thấy bọn lính lố nhố đến gần mười đứa ở đầu rừng, cách chúng anh độ hai trăm thước. Ông Thái-Seng-Long bắn xả vào chúng, anh cũng rút súng bắn xả vào đấy. Vừa bắn vừa chạy. Em còn lại gì lính tráng, họ tội gì chết uổng. Họ có như mình đâu mà bảo cần phải sanh tử. Bắt được mình họ có được gì đâu. Mà bị đạn chắc là thiệt thân, thứ nhất khi ở rừng, họ nghi chúng anh đông người chắc có mai phục bắn ngầm. Hai nữa họ biết chúng anh bắn giỏi. Nghe tiếng súng là họ lái ngựa tránh vào rừng. Sau rồi họ cũng có đuổi, nhưng cái lối đuổi để tiễn chúng anh đi ấy mà. Giá không nghe thấy tiếng súng thì có lẽ họ chạy đến ngay. Nếu họ mà cũng gan như chúng anh thì họ đã bắt được chúng anh lâu rồi.
Tôi nói bịa ra thế cho đàn bà họ an lòng, chứ thật ra hôm ấy, chúng tôi phải chiến đấu kịch liệt mới thoát được. Tôi càng chịu ơn ông Thái-Seng-Long.
Vợ tôi hỏi một cách thắc mắc:
- Nhưng hôm ấy anh và ông Thái-Seng-Long bắn có trúng ai không?
Tôi trả lời ngay chẳng nghĩ ngợi:
- Xa hàng hai ba trăm thước ấy mà.
- Ô, khẩu Mauser trận của anh và của ông Thái-Seng-Long có thể bắn xa gần hai nghìn thước cơ mà?
Biết là đàn bà chỉ sợ những chuyện án mạng, tôi cố làm cho vợ tôi an tâm:
- Chúng anh bắn chỉ thiên, dọa họ đấy thôi mà.
Trong những cuộc đi săn, nếu tôi hay bạn tôi mà bắn phải một con nai hay con hoẵng cái có chửa, vợ tôi cũng băn khoăn khổ sở hàng tháng, thì làm sao mà còn nói cho nó biết những sự thật xảy ra giữa rừng mà sự sống còn can hệ ở một bàn tay run hay không run.