Chuyện về Năm Dũng
Tác giả: Lê Văn
T ôi đang ngồi trước cửa hầm ghi nghệch ngoạc mấy dòng nhật kí trong tuần thì tay liên lạc đại đội đến từ phía sau vỗ cái đốp vào vai:
- Thôi đi mày, ghi chép cái quái gì. Vẽ sự. Đại đội trưởng gọi mày, lên gấp hầm ông ấy có chuyện đấy.
Tôi gập cuốn sổ lại, nhét vào túi quần rồi lửng thửng lên hầm đại đội. Trong căn hầm thùng, đại đội trưởng và chính trị viên đang bàn với nhau một việc gì đấy. Thấy tôi vào, chính trị viên lên tiếng:
- Lên rồi hả, đang làm gì dưới đó?
- Tranh thủ khi rảnh, em ghi ít dòng nhật kí chứ có làm gì đâu. Có việc gì vậy anh?
- Ngồi xuống, có việc đấy. Chắc cậu biết cái tay tù binh ta lôi hắn về mấy ngày rồi chứ?
- Biết. Đã mấy lần em nói chuyện với nó. Kể cũng tội anh ạ!
Đại đội trưởng vào việc luôn:
- Tội cái nỗi gì, hai thương binh của ta còn nằm đấy chưa chuyển đi được. Còn thằng Năm, bị thương nặng vậy, biết làm thế nào đây. Thả nó đi, không ổn. Đưa nó về tuyến sau, không được. Chúng tôi tính rồi, cũng phải xử lí nó thôi, biết làm như vậy là vi phạm chính sách. Sắp vào chiến dịch, không có người chăm sóc nó nữa đâu. Cậu cử thêm một người nữa đưa nó sang hậu cứ Z.32, bỏ đấy để nó tự liệu lấy thân. Trời thương thì nó sống, không thương cũng đành chịu thôi.
Tuần trước, đơn vị tôi đánh tan tác một trung đội của địch ở đồi Vạt Giang. Một ngày sau trận đánh, hai cậu anh nuôi đưa cơm lên chốt, vớ được tay tù binh què. Hắn tên là Năm, bị thương nặng ở chân. Hình như cái chân hắn đã bị gãy nên không chạy được. Máu ra nhiều quá, ngất xỉu sau khi đã trườn được vào một hang đá. Của đáng tội, lôi nó về rồi cũng phải thuốc men, chăm sóc nó. Thương binh của đại đội cũng đang nằm đấy. Phần là hai cậu bị thương không nặng lắm, phần khác nước sông đang dâng cao. Nhiều lúc thằng Năm quằn quại trong cơn đau nhưng không dám kêu. Tay y tá đã nẹp cái chân cho hắn, tiêm kháng sinh, chăm sóc hắn không khác gì với hai thương binh của ta. Người ta hứa sẽ đưa hắn lên bệnh xá trung đoàn để diều trị, vậy là hắn hớn hở, hi vọng.
Tôi bảo mấy thằng trong tiểu đội chuẩn bị cáng, mấy thứ cần thiết cho thằng Năm, như lương khô, ít thuốc kháng sinh, cái điếu thuốc lào, bi đông nước...đủ để nó sống mấy ngày. Gọi thằng Hinh đi cùng vì nó khoẻ như trâu, tính khí lại bặm trợn, nghĩ là có nó đi sẽ dứt ra được mà về sớm. Chứ như tôi, cứ dùng dằng với thằng Năm, chắc không ổn. Hinh tay cầm một mảnh vải dài xé ra từ chiếc vỏ chăn, xớn xái xuống hầm thằng Năm. Hắn bịt mắt thằng Năm lại rồi dìu lên khỏi hầm. Thằng Năm hỏi hắn:
- Đi đâu vậy anh?
Mặt thằng Hinh lạnh như tiền, trả lời nhát gừng:
- Phận mày là tù binh. Đi đâu, hỏi làm gì. Má mày! Biết thân thì im đi.
Thằng Năm sợ, nằm thin thít trên võng. Chắc nó nghĩ là sẽ được đưa đi điều trị. Còn thằng Hinh có vẻ đang hận hực vì buộc phải làm một việc bất đắc dĩ.
***
M ưa đã hơn tuần nay vẫn không ngớt. Con đường từ hậu cứ đại đội tôi sang khu hậu cứ Z.32, đi chừng hai tiếng. Đường lầy lội, trơn tuột như có ai đó đã rưới mỡ lên. Tôi và Hinh trầy trật cáng thằng Năm đi. Những khi lên dốc, thằng Năm cứ tuột xuống phía dưới, cái chân bị thương rớt ra khỏi võng. Tôi nghe rõ tiếng nghiến răng kèn kẹt. Biết là nó đang đau đến xé gan, nhưng không dám kêu. Suốt chặng đường dài khổ sở ấy, tôi và thằng Hinh không nói với nhau một câu nào. Phần thì mệt, không nói. Phần khác, lỡ nói huyên thuyên một việc gì đó của đại đội, sợ thằng Năm nghe được. Phần nhiều hơn, trong mỗi đứa đang đeo đuổi những suy nghĩ khác nhau về việc đưa thằng Năm bỏ rừng. Tôi cứ dằn vặt, thế này là làm phúc hay gây tội đây? Thằng Năm còn trẻ quá. Trốn lính mãi không được. Hắn bị bắt trong một trận càn, rồi bị tống vào quân trường. Ra trận lần đầu, không biết đã bắn được phát nào chưa đã dính. Thả ra đấy liệu có sống được không? Liệu có tìm được đường mà mò về dưới kia hay không?
Thằng Hinh ít khi nói ra, nhưng mấy năm sống với nó tôi biết. Hắn xung phong vào lính là để trả thù. Anh trai hắn hi sinh năm bảy mươi ở chiến trường Quảng Trị. Người ta kể, anh hắn đối mặt với một thằng nguỵ. Thằng ngụy nhanh tay hơn, vậy là anh ôm trọn loạt đạn AR.15. Gục xuống rồi, thằng ngụy còn bồi thêm mấy phát nữa mới thôi. Anh trai có giấy báo tử được mấy tháng thì hắn nằng nặc xung phong đòi nhập ngũ. Có lẽ trời phù hộ hắn sống để trả thù. Biết mấy trận rồi, thằng Hinh đánh như một con trâu điên, vậy mà không dính một lần nào. Còn tôi, khi đi rồi tôi mới nghĩ, cử thằng Hinh đi cùng là mình đã sai lầm. Giữa đường khùng lên, nó liều mà thịt thằng Năm thì khổ. Cái tính nóng như lửa của Hinh, cán bộ đại đội lắm lúc cũng ngán, cứ gì tôi.
Khu hậu cứ Z.32 hoang tàn, lạnh lẽo. Nó bị bỏ hoang hơn năm rồi. Những căn hầm sát bờ suối, ngập ngụa nước. Những căn lều tạm bợ, cái sập xuống, cái dây leo phủ kín. Lá mục phủ dày lối đi. Nếu có ai đó, sống một mình ở khu hậu cứ này, chắc rồi cũng phát điên vì sự hoang vắng. Bọn tôi đưa thằng Năm vào một căn lều chưa sập. Trong đó, còn cái sạp lát bằng những cây nứa đập dập. Trước khi đi, tôi đã khoác vào người thằng Năm cái chăn thám báo để nó đỡ lạnh, vậy mà giờ nó vẫn run cầm cập. Đến đây rồi, tôi mới dám nói thật với thằng Năm, sau khi đã cởi mảnh vải bịt trên mắt hắn:
- Năm, bọn tao không thể giúp mày được nữa. Mày thấy đấy, thương binh của bọn tao cũng không chuyển đi được. Mày ở lại đây, rồi tìm cách mà về dưới đó.
Thằng Năm trố mắt, trân trân nhìn tôi. Da nó đã xanh xao rồi, nay nhìn mặt nó lại tái mét đi, trông thảm hại quá. Tôi không dám nhìn vào mắt hắn, đôi mắt đang nhoè đi, nhìn tôi cầu cứu:
- Trời ơi, thế này em sống sao nổi. Em van, em lạy các anh! - Vừa kêu nó vừa với tay, chỉ vào khẩu súng trên tay tôi - Hay là anh...
Tôi hiểu ý nó:
- Bậy nào, mày phải sống. Sống để về với ba má, về với các em mày. Về được dưới đó rồi, mày sẽ yên ổn. Là thương phế binh rồi, chẳng ai bắt mày đi lính nữa đâu. Cố lên, mày còn trẻ, chết uổng mạng. Biết đâu, hết chiến tranh chúng ta lại giặp nhau ngoài bãi Phá Tam Giang, ở quê mày.
Năm bíu chặt lấy tay tôi, chặt đến nỗi tôi không sao gở được để ra đi. Thằng Hinh trợn mắt nhìn nó, sợ quá nó bỏ ra, lại nhìn tôi như van lơn. Hinh kéo tôi dứt Năm ra, giục:
- Thôi anh, về để chuẩn bị hành quân. Kệ thây nó, rồi nó tự lo được đấy.
Ra khỏi khu hậu cứ bỏ hoang ấy chừng vài trăm mét, thằng Hinh quay lại. Nó bảo:
- Chết cha, khi tháo thắt lưng ra, em bỏ quên quả lựu đạn ở bến nước. Anh đi trước, em sẽ quay lại ngay.
Tôi tin hắn, dừng lại chờ. Mấy phút sau, nghe phía hậu cứ có tiếng kêu thất thanh. Chắc có chuyện gì đó chẳng lành, tôi hộc tốc chạy ngược lại. Trời đất quỷ thần, Hinh đang lăm lăm chĩa súng vào thằng Năm. Tôi thét toáng lên:
- Hinh, bỏ súng xuống. Sao mày lại làm vậy? Đồ hèn, mày bắn mấy năm nay rồi chưa chán hay sao.
Hinh bỏ súng xuống, khoác vào vai rồi cúi gằm mặt bỏ đi. Chiều hôm đó, vừa chuẩn bị cho cuộc hành quân, nó cứ lầm rầm điều gì đó. Tôi nghe không rõ, đoán là nó đang hậm hực chuyện ban sáng mà chửa tôi.
Cả buổi sáng hôm ấy, tôi loay hoay với chuyện thằng Năm. Về hậu cứ lại tất bật chuẩn bị cho cuộc hành quân hôm sau. Khi xếp mấy thứ cần thiết vào gùi, tôi mới sực nhớ ra là đã đánh mất cuốn nhật kí. Buổi sáng dắt vào túi quần, chẳng biết rơi đâu mất. Cả ngày hành quân hôm sau, rồi cả tháng sau đó, tôi cứ ngẩn ngơ tiếc cuốn sổ. Không thể ghi lại được nữa rồi. Sự kiện nửa năm, làm sao có thì giờ rảnh mà ghi lại. Thôi vậy, ghi cuốn khác.
***
C hiếc xe khách chất lượng cao từ từ lăn bánh, trườn ra khỏi bến xe An Cựu khi đã đủ khách. Lên xe, tôi lựa chiều ngồi sang phía bên trái, để khi chạy về phía Bắc, nhìn được cảnh núi rừng miền Tây Thừa Thiên. Sau ba tư năm rời khỏi Huế, đây là lần thứ tư tôi trở lại. Vào vài ngày rồi tôi lại phải trở ra ngay. Lên xe trở về, tôi muốn ngắm nhìn lại nơi mà hơn ba mươi năm trước chúng tôi đã để lại biết bao chuyện máu và nước mắt. Tôi cứ miên man trong kỉ niệm của một thời. Chiếc xe vẫn nhẹ nhàng lao đi. Hồi ức về những năm tháng ở chiến trường lại nặng nề trườn đến...
Phía sau, có người đập nhẹ vào vai:
- Bác ơi, gần đến bến xe thành phố chưa?
Tôi nhìn sang những dãy nhà đang loang loáng lùi lại phía sau:
- Sắp rồi anh, chừng vài chục cây nữa thôi.
Vừa trả lời, tôi vừa ngoái cổ lại nhìn người khách. Hình như anh ta bị khuyết tật. Phía dưới gầm ghế có cặp nạng bằng Inox, chắc là của anh ta.
Xe vào bến. Thằng cháu đã chờ sẵn ở cửa để rước tôi về nhà nó. Hành khách lục tục ra cửa. Mấy tay xe ôm nháo nhác tranh giành khách. Người khách ngồi sau tôi trên xe, đưa cho tay xe ôm mảnh giấy, rồi khó khăn khi trèo lên chiếc xe Drem cà tàng. Anh ta bị cụt một chân. Chiếc xe chở người khuyết tật lao đi. Đêm đó tôi ngủ lại nhà thằng cháu ở thành phố, sáng mai sẽ về quê mấy ngày, rồi mới trở lại cơ quan.
***
Đ ã nửa năm tôi không về quê. Căn nhà ở quê, thằng cháu đích tôn đang ở. Cha mẹ tôi mất đã lâu. Về lần này là để bàn với chị tôi và mấy đứa cháu xây lại mộ cho ông bà. Chiều qua tôi điện trước, nên sáng ra đã thấy thằng cháu đứng đón đầu ngõ. Còn ở đằng xa, đã nghe nó bô bô:
- Chú về nhanh, trong nhà có khách đang đợi chú.
- Khách nào, họ ở đâu mà đến sớm vậy?
- Ông khách lạ lắm. Ông đến từ chiều qua. Hỏi ông ấy cứ ậm ừ, bảo là đợi chú về rồi sẽ nói.
Nghe thằng cháu kể, đã thấy sốt ruột. Từ ngõ nhìn vào, thấy ông khách đang chống cặp nạng Inox đứng giữa sân. Đúng rồi, chính người khách đi cùng tôi chuyến xe hôm qua, đã vào nhà mình. Lạ thật! Chưa vào tới sân, ông ta đã chào trước:
- Chào anh Quang. Em chờ anh suốt đêm qua.
Tôi ngỡ ngàng trước thái độ hết sức tự nhiên của người khách. Không phải tôi, mà chính ông ta mời tôi vào nhà. Khi hai chúng tôi đã ngồi vào bộ ghế giữa nhà, ông ta giới thiệu:
- Anh Quang không nhớ em sao? Em là là Năm Dũng đây mà.
Thật tình tôi chẳng biết Năm Dũng nào. Lạ hoắc, lạ huơ. Chịu không biết. Hình ảnh người đàn ông trước mặt tôi, trạc gần sáu mươi. Bộ râu quai nón rậm rì, chạy dài từ mang tai xuống đến cằm. Râu cũng rậm rì. Tất cả đều được tỉa tót cẩn thận. Đôi mắt sáng, nhìn chằm chặp tôi như đang muốn nói điều gì đấy. Năm Dũng xoa xoa hai bàn tay vào nhau, cứ lóng nga lóng ngóng, khi nghe tôi bảo là chẳng biết Năm Dũng nào cả. Tôi đã cố lục tìm trong ngõ ngách trí nhớ, nào có quen thằng cha Năm Dũng nào đâu.
- Chắc anh nhớ nhầm, vào nhầm nhà. Thật tình tôi không biết anh là ai.
- Lâu quá rồi, có thể anh không nhớ, nhưng em thì cả đời không quên anh được. Anh còn nhớ cái ngày anh và anh Hinh khiêng em thả vào rừng nữa không?
Tôi giật thót người, kêu toáng lên:
- Trời ơi, thằng Năm! Thằng Năm! Sao mày không nói rõ ngay từ đầu. Không nói rõ là Năm, lại cứ Năm Dũng, Năm Dũng, tao có biết thằng Dũng nào như mày đâu. Mà sao mày biết quê tao ở đây mà mò ra? Mà mày ra đây làm chi?
Tôi thoáng nghĩ đến buổi sáng năm ấy. Chết cha, hay hắn ra để trả thù mình? Đúng là năm ấy tôi khiêng hắn thả rừng. Tôi chẳng muốn làm vậy, nhưng đấy là lệnh. Nghĩ đến đấy, tôi hơi chột dạ. Bây giờ thì Năm Dũng thôi không lóng ngóng nữa. Mặt như dãn ra vì mừng, khi biết tôi đã nhận ra hắn. Nhìn sắc mặt Năm Dũng, tôi bình tâm lại. Hắn nói:
- Chuyện dài lắm anh ạ. Ba bảy năm trước em đã biết quê anh. Không những biết quê mà biết cả tên từng người trong gia đình anh. Cho đến giờ, em vẫn nhớ cả tên nhiều người bạn của anh nữa đấy.
Năm Dũng càng nói, tôi càng trố mắt ngạc nhiên. Hắn nói, hắn kể không để tôi còn chổ trống chen vào mà hỏi. Quái lạ, sao thằng cha này biết rành rọt đến vậy?
- Bao nhiêu năm rồi, em định đi. Nhưng anh thấy đấy, chân cẳng thế này, một lần đi một khó. Lần này em quyết đi. Ra để tạ ơn cứu mạng của anh. Ra để giao lại anh vật này - vừa nói Năm Dũng vừa với tay sang chiếc giường bên cạnh, lấy cái túi du lịch. Hắn kéo chiếc khoá cái rẹc, lôi ra chiếc hộp. Trong giây lát ấy, tôi chẳng đoán ra trong hộp là vật gì. Năm Dũng trang trọng đặt chiếc hộp lên bàn, rồi cũng trang trọng nói như muốn khóc:
- Chính nhờ vật quý này mà em được sống, em nên người như hôm nay. Chưa mở ra chắc anh không nhớ, nhưng vật trong hộp là của anh. Gia đình em đã giữ nó gần bốn mươi năm nay. Cả nhà em xem nó là vật báu - Vừa nói Năm Dũng vừa mở chiếc hộp. Tôi bàng hoàng nhận ra cuốn nhật kí của mình. Năm Dũng tiếp:
- Khi anh và anh Hinh đi rồi, em như kẻ mất hồn. Nếu anh quay lại chậm chút nữa, chắc em đã tiêu rồi. Đêm đến, định tìm một vật gì đó để tự tử, nhưng rồi em lại thôi khi nghĩ đến lời động viên của anh. Ngày hôm sau, em thấy cuốn nhật kí của anh nằm ở góc nhà. Chắc là khi dọn dẹp, anh đã đánh rơi nó. Những ngày sau đó, khi tỉnh táo, tò mò em có giở ra đọc được vài trang, nhưng bao nhiêu năm sau đó, em và cả nhà đã đọc nó. Có lẽ cả vợ em và mấy đứa nhỏ đã thuộc hết cuốn nhật kí này rồi...
***
Đ êm nơi quê tôi thật thanh bình. Những làn gió nam mát rượi đang lùa nùi hương rơm rạ dìu dịu từ cánh đồng mới gặt vào đầy ắp nhà tôi. Quá nửa đêm rồi mà Năm Dũng vẫn chưa thôi kể tôi nghe quãng đời sau ngày tôi đưa hắn bỏ rừng. Hắn nói, nhờ tôi mà hắn đã vượt qua cơn hiểm nghèo sau lần bị thương năm ấy. Nhờ cuốn nhật kí ấy mà 4 đứa con hắn đã nên người, thành đạt. Không phải hắn nói để lấy lòng tôi, có lẽ cũng quá đi chút ít, nhưng tôi tin những điều hắn nói. Tin vì sau bao nhiêu năm rồi mà hắn vẫn giữ cuốn nhật kí và vẫn lặn lội tìm tôi để giao lại. Tin vì theo hắn kể, bây giờ gia đình hắn đang sống sung túc ở Huế, 4 đứa con học hành đến nơi đến chốn, đã nên người. Năm Dũng kể về chúng tôi - những người lính phía bên kia 35 năm trước với tình cảm đặc biệt, chẳng gợn chút hận thù. Năm Dũng nói câu cuối cùng, khi giấc ngủ ngon lành đã đến với hắn:
- Anh nhỉ, ngày đó nếu em không bị bắt, chắc đã rục xương trong cái hang đá ấy rồi. Nếu không có anh...
Hà Tĩnh, một ngày đầu năm - 2010