Xin đừng nhắc đến lời vĩnh biệt
Tác giả: Lê Văn
T ôi chẳng nhớ nổi mình đã mấy lần sốt rét. Những cơn sốt cứ chực chờ, hễ lúc nào mình vất vả chống chọi với gian khổ khi đầm mình trên chốt, khi ráng sức đi vận chuyển lương thực, vũ khí là sau đó nó ập đến. Một trăm thằng ở rừng trong hoàn cảnh ấy là một trăm thằng sốt.
Ấy là những ngày cuối bảy tư. Sốt sét tuồng như đã vắt kiệt sức lực của tôi và Điều. Ban đầu của một đợt sốt rét, có khi đang nằm trên chốt trong căn hầm ẩm thấp, khi là gắng sức gùi một chuyến hàng từ kho hậu cần trung đoàn về, mệt quá nghỉ lại rồi thiếp đi ít phút…ta rùng mình thấy ớn lạnh. Vậy là bắt đầu rồi. Hai tiếng sau đó, chui tịt vào căn hầm ẩm ướt và giá lạnh như nhà mồ, tủ lên người cơ man nào là chăn, là mền, là bao bố… để mà run. Ngoài kia đất trời vẫn vần xoay, đảo điên trong bom đạn ngút trời. Những cơn gió buốt lạnh như lưỡi dao vẫn mặc sức như muốn xé nát da thịt người lính. Bốn mùa, trên mình họ chỉ có hai bộ quần áo đổi thay. Người lính ở rừng không có khái niệm áo ấm, chăn bông. Trong này, tôi vẫn co quắp như một cái xác ướp khô, trong đống chăn mền của cả tiểu đội. Chẳng biết cái lạnh từ đâu đến mà nó làm tôi run giật bắn lên từng cơn, từng cơn. Lạnh từ ngoài kia thấm vào chăng? Không phải! Cửa hầm đã được ai đó treo mảnh bao bố chắn lại rồi. Trên cái sạp bằng những thanh nứa đập dập đã được lót ít cỏ khô. Tôi co lại hết cỡ rồi trong mớ vải lùng nhùng của dễ đến dăm bảy cái chăn nhàu nhĩ. Rét từ trong người toả ra chăng? Không phải! Người tôi đang nóng sôi lên như muốn bốc cháy đây này. Bên ngoài da là cái lạnh như cắt da xẻo thịt, bên trong ruột gan lại như lửa đốt. Trời ơi! Xin dừng kéo dài tình trạng này, sốt ác tính sẽ ập đến mang tôi đi về với anh tôi.
Có bước chân đến vội. Cửa hầm sáng lờ nhờ khi có người vén chiếc bao bố ẩm mốc lên. Anh Đệ - y tá của đơn vị lom khom chui vào. Tôi vẫn tỉnh trong cơn sốt điên loạn, vẫn nghe rõ tiếng gắt gỏng của anh ta:
- Ngồi dậy để uống thuốc và tiêm này bố. Một năm, không biết bao nhiêu lần tao phải hầu mày. Rõ khổ!
Tôi biết tính anh ấy. Chửi là chửi vậy, nhưng anh ta tận tình với lính như anh trai cả trong nhà. Đặc biệt là tôi và Điều. Có lẽ anh thương tôi và nó nhất, vì hai đứa yếu quá. 99 lần hành quân là 99 lần anh phải lẽo đẽo theo tôi và Điều để kè hai đứa cùng đi. Chưa có một lần nào tôi và hắn đi cùng đơn vị về nơi đóng quân đúng giờ.
Anh ta mở cái túi vải bạt đựng đồ nghề châm chọc, cắt tỉa của mình nghe loảng xoảng tiếng xi ranh, dao kéo như chọc buốt vào tim. Tôi quen cảnh này lắm rồi, nhưng vẫn thấy gai gai. Tụt cái quần hôi mù xuống, nằm sấp đợi những mũi kim chuẩn bị cắm sâu vào mông để bơm vào một thứ thuốc mùi ngái như nước đái, sền sệt như dầu ăn.
- Yên nào! Lần này tao chọc cho mày hai phát luôn thể. Nhiều nhiều cho mau cắt cơn để ra mà thay cho chúng nó. Mày mằn đây sướng tổ mẹ. Ngoài kia thằng Điều lại lên cơn rồi đấy.
Miệng anh ta huyên thuyên, để cái tay anh phụp một phát kim tiêm to tổ bố vào mông tôi. Buốt đau tê dại. Tôi quằn quại như một con giun bị dày xéo.
- Yên nào! Còn phát nữa, đưa cánh tay ra. Phát này êm ru à.
Chẳng biết là phát thuốc gì nhưng êm ru thiệt. Chắc lại B12 chứ gì. B12, tưởng quý hoá lắm. Nó là thuốc bổ tổng hợp đấy. Nhìn cái màu hồng hồng, có mùi thơm thơm, lính cứ tưởng quý lắm, bổ lắm. Lừa nhau cả ấy mà. Trong người tôi mà vắt ra chắc được cả lít, có nhằm nhò gì đâu. Thuốc có khi chỉ là an thần, đánh lừa cảm giác con người ta mà thôi. Thằng Điều tuần trước vì quá sức, nước da tái nhợt như da nhái, đang đào hầm rồi ngất xỉu. Y tá chọc cho một phát B12, cho mấy viên thuốc B1, mấy giờ sau tỉnh, lại cầm xẻng đào tiếp. Có mà thuốc tiên mới hay được vậy. Xong mấy thao tác nghề nghiệp quen thuộc ấy rồi, anh lại hỏi chiếu lệ. Chiếc lệ bởi biết tôi sẽ chẳng ăn uống gì sau cơn sốt.
- Trưa nay cơm hay cháo?
- Nuốt sao nổi hở anh.
Cứ mỗi lần lên cơn sốt là tôi bỏ cơm, bỏ cháo. Miệng đắng nghét, tựa hồ như lúc nào cũng ngậm kí ninh. Cổ họng như đã teo lại vì khát nước. Chẳng biết là khi sốt, cần bao nhiêu nước cho đủ. Mấy cái bi đông chúng nó vứt lại lơ chơ, lỏng chỏng ở góc hầm. Sạch bách, khô rang. Tôi bò ra cửa hầm, leo lên móc hầm. Trên đó có cái chiếc tăng ni lông che cho hầm khỏi ướt. Cuối góc chiếc tăng là một tụm nước mưa trong vắt. Tôi vục đầu vào tụm nước đó mà tu cho đẫy cái bụng đang rỗng tuếch. Lại trườn vào.
Chừng một tiếng lên cơn rồi dứt. Bụng chẳng thấy đói, nhưng miệng cứ thèm cái gì đó chua chua, y như đàn bà ốm nghén vậy. Ấy là nghe người ta kể vậy, chứ đã có vợ con đâu mà biết ốm nghén thèm cái gì. Ra cửa hầm ngồi. Ngồi để mà đợi xem có thằng nào về kiếm cho mớ rau chua hoặc vài ba quả sấu xanh. Chẳng có ai cả. Chúng nó ở trên chốt hết. Mùa đông về, khu rừng sũng nước. Một cơn gió ào qua. Nước từ những cành cây vãi xuống té vào mặt, lạnh buốt như dao cắt.
***
T hằng Điều ở trên chốt lâu lắm rồi, chẳng nhớ là đã mấy ngày. Trên đó ngày đêm bom đạn vẫn thi nhau trút xuống. Mùa khô ác liệt hơn, nhưng trời tạnh ráo còn đỡ. Mùa mưa đến, ở trên chốt trăm thứ cực khổ. Những căn hầm ẩm thấp, ướt át. Khi mưa lớn, thằng thức múc nước trong hầm để cho thằng ngủ khỏi ướt. Ngoài hầm, những cơn gió lạnh cứ reo réo rượt đuổi nhau, rồi tát vào mặt người lính buốt lạnh, chẳng chút thương tình. Tuần trước tôi phải xuống chốt vì sốt cao. Mấy ngày sau, đến lượt nó. Sốt còn nhẹ, chưa có người thay, nó chưa về. Nó yếu sức nhưng lại gan lì trước bom đạn. Thế nhưng, sốt rét chẳng có thằng nào qua mặt được.
Dăm ngày sau vẫn không cắt sốt, tôi vẫn ngồi thu lu trước cửa hầm như một con cóc cụ. Dưới dốc, một cái thân gầy gò đang còng lưng uể oải bật lần lên như một con sâu đo. Phía sau con sâu ấy là cái dáng lòng khòng, lèo khoèo của anh y tá thân quen. Anh Đệ đã đưa Điều từ trên chốt về. Hằng ngày nó nhanh nhẹn vậy, thế mà giờ đây nhìn hắn như kẻ mất hồn. Cái môi thâm sì. Mớ tóc rễ tre cáu bẩn, dựng ngược tua tủa. Quần áo sộc xệch, lôi thôi như vừa đánh nhau với ai vậy. Thì nó cũng từ trên chốt về. Ở trên đó đã từng đánh nhau chứ sao.
Anh Đệ đã bó tay với hai thằng sốt. Chiều ấy theo lệnh đại đội, anh đưa chúng tôi về trạm xá trung đoàn. Từ tám giờ sáng, lê lết dễ đến 6 - 7 tiếng chúng tôi mới đến cái trạm xá quen thuộc. Quen thuộc vì mấy ai sau một mùa tác chiến không đến đấy một vài lần, không vì sốt rét, thì cũng bị dính vài ba mảnh bom, mảnh pháo.
Ở lại trạm xá 2 ngày, hai đứa lại được dẫn lên bệnh viện quân khu. Bệnh viện tiền phương là nơi tụ hội của đủ thứ lính ốm đau, bệnh tật, què cụt từ mặt trận tràn về. Nắng chiều đông nhạt lạnh. Những chiếc ghế bằng thân cây ngoài sân chật ních lính. Kẻ choàng kín người chiếc vỏ chăn màu vàng úa, lọm khọm đi quanh sân như người già. Người thu lu trong chiếc màn cáu bẩn, ngồi chồm hỗm lặng lẽ trên ghế. Ở góc sân, quanh cái bàn có bốn chân bằng những thân cây như cổ tay, mặt bàn là tấm phên nứa đan sơ sài. Ở đó, túm tụm năm bảy tay đang chơi tiến lên. Ai không hiểu, tưởng họ đang ẩu đả với nhau vì một việc gì đó to tát lắm. Cười có, gắt gỏng có, chửi bậy có. Chỉ là không chịu “tiến lên” mà thôi.
Đêm nơi thâm sơn lạnh đến buốt thịt da. Cái bếp chất đầy củi đầu hôm đã tàn rồi. Tro bay lên đã phủ kín đầy giường, đầy sạp. Tôi và Điều nằm chung. Đêm nó không ngủ được, vì cái phên nứa cứ sột soạt nên tôi biết. Nó rên hùi hụi. Người nóng ran như cái lò than. Nó sốt vào ban đêm, còn tôi ban ngày. Hơn chục ngày rồi nó vẫn không cắt sốt, đang có chiều hướng nặng hơn. Tôi đã đỡ hơn nên có điều kiện chăm sóc nó. Sáng ấy, trời tạnh ráo. Tôi dìu Điều ra sân hong nắng. Nó vẹo xiêu không lê nổi bước qua cái bậc xuống sân. Ngày thường nó nói luôn mồm, ấy mà cả tuần nay cộng lại chưa đủ mươi câu. Nắng mùa đông nơi rừng sâu chẳng đủ xua đi cái lạnh. Không ổn. Tôi lại dìu nó vào, đỡ nó nằm xuống sạp, tủ hết chăm màn của hai đứa, rồi cẩn thận dém lại cho kín người. Nó thều thào:
- Mày… nằm xuống cùng tao, lạnh quá tao chịu không nổi.
Vừa nói nó vừa lần tìm trong túi áo cái gì đó, rồi cái môi thâm sì lại mấp máy:
- Tao nhờ mày việc này. Mày cầm lấy cái bút, cất giùm tao. Nếu còn sống, hãy về quê trao lại cho đứa em gái. Ngày tao nhập ngũ, con bé cứ đòi xin cái bút, tao không cho. Bây giờ thương nó quá mày ơi. Ngày mai tao đi rồi...
- Bậy nào! Ít ngày nữa cắt sốt thôi mà. Cố lên Điều!
Nó lại thều thào:
- Không qua nổi mày ơi. Đã có đứa nào sốt rét chuyển qua ác tính mà qua được đâu. Sáng qua, bác sĩ định chuyển tao đi tiếp. Tao mài nỉ ông ấy xin được ở lại, ít nhất ở đây còn có mày.
Hai ngày sau đó, lúc thì Điều sốt miên man trong mê sảng, lúc quật quả trong điên loạn. Tôi nghĩ, chắc là nó đoán được số mệnh của mình, nên đã trao chiếc bút và trăng trối. Bác sĩ đã tiêm thuốc đặc trị sốt rét liều cao cho Điều. Hắn thiếp đi dễ hơn nửa ngày rồi tỉnh. Hắn kêu đói. Tôi mừng quá, chạy vội xuống nhà ăn kiếm cho nó tô cháo. Nó húp sột soạt được mấy miếng rồi nhăn mặt đẩy tô cháo ra. Vậy là qua cơn hiểm nghèo rồi. Mặt đã thấy tươi lại, nhưng miệng nó vẫn lải nhải cái điệp khúc “Ngày mai tao đi...”. Nó nói trong tỉnh táo nhưng nhiều lần quá nên tôi cứ tưởng như nó đang mê sảng. Cái bút tôi vẫn găm trên túi áo, chưa trả lại nó. Thì cũng chả vội, của đâu còn có đó. Mà thật ra đã có lần tôi trao lại, nó gạt đi:
- Mày tin tao đi. Linh tính đang mách bảo tao!
- Ôi dào, linh với chả tính. Nghe người ta nói sốt rét ác tính sẽ chết, nhưng tao và mày đã thấy thằng nào chết đâu nào.
Năm ngày tỉnh lại là năm ngày nó kể tôi nghe chuyện về bố mẹ nó, về em nó. Lâu nay có bao giờ nó đem chuyện gia đình ra kể với tôi đâu. Những đêm không sốt, nó nằm ôm choàng lấy tôi mà kể. Cái mùi ngai ngái của thuốc kí ninh từ người nó, từ người tôi toát ra khắm khét, hôi còn hơn cả khỉ đột. Người tôi mồ hôi túa ra những khi sốt, cứ nhờn nhợt. Người nó cũng vậy, đã bao nhiêu lần mồ hôi ướt rồi lại khô. Những cơn sốt đến với tôi cứ thưa dần, rồi cắt hẳn. Dần dà, tôi bình phục lại. Còn hắn…
***
N hững đợt gió mùa đông bắc vẫn không ngớt tràn về. Cây rừng sũng nước, đứng lặng ngắt trong cái rét tái tê. Thỉnh thoảng một cơn gió ào qua, cả rừng cây rùng mình rũ nước. Dưới kia, mấy cái thác vẫn ào ạt đổ xuống, tung bọt mù cả một khúc dài con suối. Trên này, lính sốt rét, đứa xo ro bên những bếp lửa. Những đứa khoẻ hơn, tụm năm tụm bảy trên sạp chơi tú lơ khơ. Đứa thua nhiều, mang đầy mình nào ba lô, thắt lưng, dày dép. Đứa hể hả là đứa thắng đậm nhưng mặt cũng đầy vết nhọ than râu ria. Xa xăm về phía đông, bom đạn vẫn rền rĩ. Chớp giật đỏ lựng một góc trời. Ít ngày nữa thôi, những thằng ngồi trên sạp kia lại khoác ba lô về dưới ấy. Rồi dưới ấy lại bổ sung tiếp lên đây những thằng sốt rét, những thằng đã dính vài ba mảnh bom pháo. Thằng cụt chân, gãy tay, mất mắt… không bao giờ ở lại lâu nơi bệnh viện tiền phương này. Chúng vĩnh viễn rời xa chiến trường. Và những thằng vĩnh viễn nằm lại ngoài mặt trận thì không bao giờ về đây.
Thằng Điều sốt ngày một dữ hơn. Khi lên đỉnh điểm cơn sốt, nó vật vã, lồng lộn như đứa tâm thần bị trói buộc. Chúng tôi gì chặt cái thân ốm o nó xuống giường để bác sĩ tiêm thuốc vào cái mông đã thâm sì vì những mũi kim. Nó kêu thét lên rồi ngất lịm đi. Không biết Điều đã kiệt sức, hay vì đã ngấm thuốc. Trong mê sảng, Điều lại gọi tên bố, tên mẹ và tên em gái. Chỉ có tôi nghe rõ câu cuối cùng nó nói với tôi, cứ nhỏ dần, nhỏ dần..."Ng...ày ma...mai... tao đi..."!
....Hết sức rồi Điều mằn lặng đi trên chiếc giường cấp cứu sơ sài của bệnh viện, đôi mắt vàng ệch mở trân trân nhìn tôi. Không nói được nữa, nhưng bàn tay lạnh ngắt của Điều vẫn bíu chặt tay tôi. Khi ông bác sĩ rút cây kim tiêm ra, cởi cái ống nghe xuống, cũng là lúc bàn tay Điều buông ra. Tôi vuốt mắt cho Điều, khi mắt mình nhoè đi vì đau đớn.
Điều ơi! Trên chốt, bom đạn là vậy mà mày vẫn trụ được. Về đây rồi, sao mày nỡ bỏ tao mà đi. Cái bút tao vẫn cất đấy, rồi liệu em gái mày có nhận lại được không. Cái bút còn đấy mà vĩnh viễn bố mẹ mày, em mày không bao giờ đọc được những dòng thư của mày gửi về. Thôi đừng nhắc nữa cái câu "Mày mai tao đi...".
Tôi nghẹn ngào tiễn Điều đi. Ở mặt trận, không có đám tang, không trống kèn, hương khói. Tôi lầm lũi, nặng nề bước theo bốn anh lính trẻ đưa Điều ra mảnh đất bằng phẳng bên bờ con suối cạn. Quạnh quẽ cái nghĩa trang nhỏ nơi thâm sơn, với mươi lăm nấm mồ nhỏ nhoi, Điều đã nằm đấy. Xong nắm đất cuối cùng phủ lên mộ Điều, tôi lại lầm lũi, nặng nề trở về cái sạp nứa hai đứa đã nằm. Ngậm ngùi tôi gói chiếc bút, cất sâu xuống đáy gùi, như chôn cất kỉ niệm đớn đau về một người bạn. Đêm mùa đông vẫn hưu hắt, lặng lẽ chuồi đi giữa dòng đời nghiệt ngã.
Hà Tĩnh, cuối tháng 11/2009