watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Khuyết tật - tác giả Lê Vũ Hương Duyên Lê Vũ Hương Duyên

Khuyết tật

Tác giả: Lê Vũ Hương Duyên

Nghe tin cha sẽ xuống Sài Gòn, mấy hôm nay điện thoại nhà Tựu reo liên tục. Thằng Thăng gởi mail qua điện thoại di động hỏi chị tính làm sao? Mẹ căn dặn không hơi đâu mà chứa chấp con nhé. Tựu cứ thấy bần thần, buồn không ra buồn, vui không ra vui. Cha bây giờ ra sao? Tựu cố hình dung mãi. Ngày mẹ về bắt Tựu đi cho khỏi cảnh cơ hàn, lúc đó cha còn trẻ lắm, da dẻ trắng hồng hào, tóc còn xanh um. Bây giờ Tựu đã lớn, đã theo chồng ở riêng, lại sắp làm mẹ nữa, không biết cha gặp lại có nhận ra được không? Ngày về với mẹ, Tựu ốm yếu còm nhom, bây giờ cuộc sống khá hơn, Tựu đã khác. Tựu chợt nghĩ, nếu không, vẫn sống với cha Tựu sẽ ra sao nhỉ?
Cha mẹ ly dị, hai chị em mỗi đứa một phương, cu Thăng về với mẹ, Tựu ở với cha, ngày đó Tựu còn nhỏ lắm. Tựu nhớ cha mẹ đi đâu đến tối mịt chưa về, ẵm theo cả cu Thăng. Bà nội mãi loay hoay với cơm nước, heo gà. Tựu đứng trơ vơ đầu hẻm tối vắng hoe, lâu lâu gặp một người qua, cứ níu lấy quần mà hỏi: “Có thấy cha mẹ con không?”. Đêm, trong giấc say nồng, nghe mơ hồ hơi ấm nóng bên mình, tỉnh giấc chỉ thấy cha đầy hơi rượu, không thấy mẹ và cu Thăng đâu. Lớn lên Tựu mới biết, hồi đó cha đã phải vượt nhiều đau khổ.
Cha đến vào một buổi chiều mưa, mưa tầm tã, và nhà Tựu cúp điện tối om, anh chồng Tựu bảo Tựu có người tìm. Lúc đó Tựu thấy cha ướt sũng trong chiếc áo mưa mỏng tanh, run lập cập. Khoảng mấy giây sau Tựu mới nhận ra cha. Cha quá già so với hình ảnh Tựu mong đợi, hai má hóp xọp, tóc đã muối tiêu... và nỗi mừng ập đến tràn đầy. Cho dù trước đó mẹ có nói về cha thế nào đi chăng nữa thì giờ khắc đó đối với Tựu vẫn là những cảm xúc không thể nào kìm nén được. Tựu thấy môi cha tím tái đi vì lạnh nhưng cha cứ cười sang sảng: “Có nhận ra được cha nữa không? Con lớn quá hè!”. Cha quay ra ngoài: “Vô đây Con!” rồi nhìn Tựu: “Đây là Ngọc. Tựu chắc biết Ngọc rồi hè?”. Ngọc thập thò phía đằng sau cánh cửa, rụt rè lú ra. Tựu cười cười: “Em xinh quá! “. Cha bảo: “Con gái cha có đứa nào không xinh!”. Tựu chỉ chỗ cho cha và em tắm rửa rồi nỗi mừng cứ bấn lên trong người. Cha con, chị em lâu ngày đoàn tụ có quá nhiều điều để nói với nhau, đến tối chồng Tựu về mới dứt ra được. Đêm đó, Tựu trải thêm một tấm nệm bên cạnh tấm nệm hai vợ chồng Tựu vẫn thường nằm cho cha và chồng Tựu ngủ, lại trò chuyện đến khuya lắc mới thôi. Cha nói kỳ này cha dắt Ngọc xuống để gởi gắm vợ chồng Tựu bảo bọc dạy dỗ giùm cha, em vừa rớt đại học và cũng đang có ý định sẽ thi lại. Cha nói thật nhiều, loanh quanh mãi vấn đề gia cảnh. Tựu thấy tội nghiệp cha, một gánh trên vai bảy tám miệng ăn vào thời buổi này quả là quá sức. Mẹ bực mình khi nghe Tựu kể: “Xời, mày cũng khéo tin! Ai biểu đẻ nhiều, sung sướng cho chán chê thì giờ phải biết tự lo, làm phiền chi tới con cái vậy! Chớ những lúc mẹ đây khốn khó, mẹ có làm phiền tới ổng không?”. Thăng thì buồn buồn: “Thật ra nghe cha xuống tui cũng mừng, mừng lắm, muốn gặp lại cha thử một lần xem sao, háo hức lắm. Tưởng là cha nhớ thương tui với chị thì tìm về chớ thực tình đâu phải, có việc nhờ vả mới tìm! Tựu ngậm ngùi thấy mẹ và Thăng ai cũng có lý. Thật ra bao nhiêu năm rồi cha có đoái hoài gì! Chợt mông lung nhớ về những tháng ngày không có cha bên cạnh, Tựu thấy lại ràng ràng mới đây hai chị em còn chở nhau lòng vòng ngoài Sài Gòn kiếm việc, không một đồng dính túi, thấy gì cũng ước mơ, thấy gì cũng thèm thuồng. Dạo đó nghe đâu cha trúng vụ cà phê đậm lắm.
“Chị nói cho tui nghe sao giúp cha được hay vậy?”- Thăng gởi mail qua hỏi. “Biết làm sao? Tội nghiệp cha quá, mà Ngọc cũng dễ thương Thăng ạ”, “Cái đó tùy chị, sau này chắc cha sẽ đem xuống thêm vài đứa nữa. Tui thì đã lâu trong thâm tâm không nghĩ là mình còn có cha”.
Nghe như có tiếng thằng Thăng thở dài đâu quanh đây, Tựu muốn được ôm thằng Thăng vào lòng, cái thằng coi vậy chứ tình cảm lắm, thương lắm. Ừ, lúc cha mẹ ly tan, Tựu còn ở với cha được mấy năm, được cha yêu thương bảo bọc. Còn thằng Thăng từ nhỏ đến giờ có được sống với cha ngày tháng nào cho trọn vẹn! Có được gọi tiếng cha thì cũng chẳng qua là vay mượn người ta chớ nào đâu phải cha mình. Có lần cha nói:
- Hai con có trách nhiệm với các em giùm cha, rồi cha cũng sẽ có trách nhiệm với hai con, cha hứa.
Thằng Thăng chua chát:
- Cha mặc cả với tụi con đó sao? Cha thử nghĩ coi bao nhiêu năm nay chị em con sống thế nào? Đâu cần cha dìu dắt, tụi con vẫn nên người đó thôi!
Cha cười một tràng cười thật dài, nghe lạt thếch:
- Thăng cứ nói vậy. Cha đâu muốn vậy đâu!
Tựu chợt nghe tim mình đập mạnh, như bị bóp nghẹt bởi một cảm giác tủi hờn đè nén quá lâu, bỗng bùng ra những lời cay đắng:
- Không biết có khi nào cha hiểu được chị em con không? Con thì đang chịu ơn bảo bọc của chồng con, còn thằng Thăng nó tạo lập được nên cơ nghiệp đó cũng là nhờ công lớn của vợ nó. Sảy gánh này không biết tụi con ra sao nữa. Chừng đó cậy cha, cha cứu vớt được không?
Cha ngồi dựa mé vách tường, mặt tỉnh khô lạ lùng. Làm như tự nãy giờ cha vẫn chăm chú vào cái màn hình ti-vi trước mặt. Đột nhiên cha xoay qua hỏi Ngọc:
- Đứa nào mới chết đó bây?
Ấy là cha hỏi về tình tiết trong phim trên ti-vi, Tựu quay ngang mặt dòm xuống dưới lòng đường, cố giấu những giọt nước mắt tràn ra cay xè nơi sống mũi. Đêm đó, Tựu thức gần trắng đêm với ngổn ngang nỗi lòng.
Sáng, Tựu dậy sớm để pha cà phê cho chồng và cha thì đã thấy ngoài ban công cha khề khà uống rượu, cha bật cười hinh híc:
- Sáng nào cha cũng phải làm vài chung cho ấm bụng đó con?
Có một cảm giác chán ngán dâng lên xâm chiếm lòng Tựu, không biết có phải do người già thì đổi thay tâm tính hay do Tựu đã lớn, suy nghĩ không còn non nớt như xưa. Tựu thấy cha quá khác, không còn nhận ra được người cha thuở bé thơ Tựu vẫn hằng tôn kính. Ngọc cũng thở dài:
- Lúc này cha uống rượu dữ lắm chị ơi.
Tựu buộc hỏi Ngọc:
- Em phụ giúp việc nhà được không?
Ngọc lặng im giây lâu rồi nói lí nhí trong cổ họng:
- Không.
- Vậy phụ bán quán cơm?
Nó cúi gằm mặt, lắc đầu nguầy nguậy:
- Chị xin cho em việc gì cũng được, nhưng không giúp việc nhà, không phụ bán quán.
- Vậy chớ bây giờ em thích làm việc gì? Ở Sài Gòn này em nghĩ em có thể làm được việc gì?
- Em đâu có biết. Em có bằng tú tài mà chị!
Tựu bật cười khan:
- Em ơi, khờ quá! Em có biết là ở đây cử nhân người ta còn thất nghiệp cả đống không?
Ngọc im lặng, lầm lì. Nó còn quá bé trước những vấn đề nan giải. Thằng Thăng gởi mail qua: “Chị định xin cho Ngọc ở đâu chưa?”. “Chưa. Nó đâu chịu làm mấy chỗ bèo”. “Vậy chớ nó muốn làm gì?”. “Không biết nữa”...
Ở phía góc phòng, có một thùng quần áo cũ của vợ chồng Tựu, không còn dùng nữa. Tựu thấy cha cứ ngồi săm soi nó mãi.
- Cái quần kaki này chồng con có còn bận không Tựu hả?
- Không cha ạ, cha cứ lấy mà bận, sẵn lục ra coi có cái nào được được thì đem về cho mẹ và mấy em trên đó.
- Chà, vậy thì cho cha xin Tựu hỉ?
- Cha đổ ra mà lựa cho dễ.
- Không cần lựa đâu con! Đồ này đem về nhà mình là bận hết.
Cha lựa ra một cái áo thun và một cái quần soóc, trải ra sàn vuốt vuốt, rồi Tựu thấy cha đem vô phòng tắm, thật lâu. Chừng cha trở ra hỏi Tựu:
- Đẹp không bây? Cha bận bộ này coi trẻ ra bây hỉ?
Cha nói xong thì bật cười sang sảng. Có một cảm giác mơ hồ thoáng qua, Tựu thấy thương cha quá, nhưng tự dưng cảm giác ấy nghẹn ngang nơi cổ họng. Tự dưng Tựu nhận thấy cha sao mà quá vô tư! Không lẽ cha bỏ nhà đi và một đàn em nhỏ với mấy rẫy cà phê ở cao nguyên xa lắc, xuống Sài Gòn chỉ để làm mấy chuyện cỏn con này sao? Một khoảnh khắc, Tựu nhìn cha với cảm giác thật là kỳ cục. Nuốt tiếng thở dài ngao ngán vào trong, Tựu lại nghĩ thương cha và bất lực. Cha và Ngọc đều có cách nghĩ khác, thật khác. Thực lòng Tựu cũng như thằng Thăng, bao nhiêu háo hức mong chờ chợt vỡ tan khi gặp lại cha lần này, nó làm sao đó, Tựu cố lòng phân giải, nhưng không sao bày tỏ với cha được. Thái độ hờ hững giả lảng của cha cứ như một lưỡi dao bào mòn những nhớ thương mong đợi, cứ như là Tựu có dư khả năng giúp đỡ mà Tựu không muốn giúp đó thôi. Ý nghĩ đó làm Tựu giận phừng phừng:
- Cha biết là tụi con đã vượt bao gian nan để có được ngày nay không? Những năm tháng đó không có ai nắm tay dìu dắt như mấy em con cha bây giờ đâu. Con không muốn đặt lại vấn đề cha mẹ đã vô tâm với tụi con như thế nào, chỉ mong cha hiểu rằng cha đang làm khó nghĩ cho con. Thật ra cha nghĩ tụi con giúp cha được gì? Trong khi con gái cha sống ở đất Sài Gòn này không nhà cửa, không việc làm, chỉ nương náu chồng, mà vợ chồng con cũng đang thuê nhà sống đó thôi! Nuôi em giùm cha là điều khó có thể đối với con lúc này. Còn xin việc làm cho em hả? - Tựu bật cười - Không có việc nào là cao sang cho mấy người không chịu làm những việc thông thường.
Tựu vênh mặt, dòm xuống dưới đường nắng chang chang, thấy thiên hạ ngược xuôi tất bật, thấy những người già đi ăn xin, những trẻ nghèo bán vé số, những em bé đánh giày cần mẫn... Chợt thấy căm ghét những người thân máu thịt làm sao! Cha nín re, không cười nữa, hai tay thọc túi quần, chân nhịp nhịp với vẻ vô cảm. Rồi cha lững thững ra ngoài ban công đầy nắng, còm lưng tựa hẳn vào bệ vịn, mắt nheo nheo nhìn vào khoảng xa xăm. Thốt nhiên Tựu nghe nỗi ray rứt giằng xé ở trong lòng.
Cha và Ngọc ở chơi được dăm hôm. Một bữa, chồng Tựu từ công ty đem về tấm thiệp mời đám cưới của một người bạn thân ở dưới quê gởi lên, bảo đám này giá nào cũng phải dự, không gởi quà được đâu. Sẵn dịp về quê giải quyết vài công việc, hỏi Tựu tính làm sao. Tựu không tính toán gì cả, nói cả hai cùng về, còn cha và Ngọc ở chơi vài ba bữa vợ chồng Tựu trở vô rồi tính. Chồng Tựu sợ cha buồn, Tựu hỏi cha, cha nói không sao. Đêm trước ngày hai vợ chồng Tựu về quê, Tựu lấy hai trăm nghìn đưa Ngọc dặn dò:
- Em đi chợ nấu cơm cho cha ăn, và anh chồng chị nữa. Ngày nào ảnh ở nhà thì em nấu gì đó ngon ngon rồi mời ảnh ăn. Chị để cả tiền cho em và cha đi gọi về cho mẹ báo cho mẹ hay ngày cha về. Anh chị về quê mấy bữa rồi lên, em có tự lo được không?
Ngọc cầm tiền nói: “Được”. Đêm đó, Tựu thấy sao cha cứ nằm xoay qua trở lại, Tựu nghĩ chắc cha lo mẹ kế ở nhà mong. Gần sáng, Tựu giật mình thức giấc dòm qua thấy chỉ có một mình chồng Tựu ngủ, chạy ra ban công thấy cha đang đứng tựa vào bệ vịn, dòm xuống dưới đường, hút thuốc lá.
- Nhớ mẹ à cha?
- Không, tự nhiên cha khó ngủ.
- Cha không ngủ hồi đầu đêm tới giờ phải không? Cha thức khuya mà hút thuốc nhiều là không tốt cho sức khỏe đâu.
- Nhằm gì con. - Cha ngần ngừ giây lâu rồi hỏi - Tựu này, vợ chồng con về quê bao lâu?
- Dạ chừng ba ngày.
Cha ầm ừ trong cổ họng, miệng lẩm nhẩm “Ba ngày...”, chân nhịp nhịp.
Năm giờ sáng hai vợ chồng khăn gói lên đường, trời còn sẩm sẩm, lất phất mưa. Cha giũ giũ cái áo lạnh cũ mèm của cha bảo Tựu đem theo dọc đường bận cho ấm, Tựu miễn cưỡng cầm, dặn lại vài điều đã dặn tối qua rồi ù ra cửa chạy theo chồng. Và Ngọc cũng thức dậy đưa tiễn, sao cha cứ ngần ngừ mãi như muốn nói một điều gì, Tựu thoáng nghĩ nhưng rồi cũng không hỏi làm chi, mà làm như cũng vội vã về quê thôi không còn thời giờ để hỏi. Ở dưới đường Tựu ngửa mặt dòm lên, thấy cha ở ban công lầu ba chung cư dõi xuống, còm cõi, buồn thiu. Trên đường về hai trăm cây số diệu vợi xa, đi qua nhiều phố phường làng mạc, Tựu mới có thời giờ để nhớ về cha. Tựu ngỡ ngàng, Tựu hoang mang... Đâu rồi một người cha ân cần tận tụy, yêu thương Tựu hết mực? Đâu rồi những vỗ về an ủi, những động viên con phải nghĩ thế này, phải hành động thế kia. Đâu rồi... Tựu nhớ những ngày thơ không có mẹ, đi đâu cha cũng cõng Tựu theo, sợ để ở nhà bị mẹ kế không thương đánh đập, đi đâu ai cũng quở sao mà cưng con gái quá! Những ngày thơ đau bịnh, cứ mỗi lần Tựu mở mắt ra là thấy cha cười, cười mà trào nước mắt. Bỗng nhiên trong tâm khảm tràn về ào ạt những tháng ngày khốn khó, Tựu nhớ có buổi cả nhà quây quần bên mâm cơm đợi cha đi đâu đó mang về một mớ xương bò đã hầm xí quách đến lạt thếch, xúm lại vừa cha vừa mẹ kế vừa đàn con gặm, mút nghe rốn rốt hết sức ngon lành. Mà thứ đó Tựu biết người ta chỉ cho không. Có những đêm trời đông giá lạnh, đốt một đống lửa giữa nhà khói um vì củi ướt, những bàn tay to, những bàn tay nhỏ xúm xít hong hơ, cha lại lao ra ngoài trời khuya gió buốt như cắt để lúc sau lại ôm về một ôm cội rền rền khô rốc cháy thật ngon, Tựu cũng biết là cha lấy ở đâu. Lúc đó Tựu kính trọng cha quá chừng. Bây giờ, sau mười mấy năm gặp lại, té ra cha chỉ là kẻ cạn tình đến vô tâm?!
Tối, tiệc tan. Theo nhóm bạn cũ rủ, hai vợ chồng kéo đi karaoke, hào hứng la hò, hào hứng ngả nghiêng, Tựu làm như không vướng bận điều gì. Nhưng một loáng Tựu nhớ đến cha, nhớ cồn cào. Len ra ngoài, mới biết trời mưa to, Tựu ngồi dựa vào một góc tường yên tĩnh, lấy điện thoại di động gọi về Sài Gòn: “Alô”! Cha đó phải không? Con đây, Tựu đây!”, “Ừ, Tựu hả? Sao sáng giờ không gọi cho cha bây?”. “Hôm nay cha ăn cơm với gì? Ngọc có đi chợ nấu cơm không? À, cha nhớ nhắc Ngọc kêu anh chồng con ăn cơm nữa đó”. “Ngọc đi chợ mua nửa ký cá hết ba nghìn rưỡi, mua năm trăm rau muống nấu canh. Còn gạo mắm tiêu đường đã có con mua sẵn. Gọi điện thoại về cho mẹ hết năm nghìn rưỡi, chỉ có vậy thôi. Còn lại một trăm chín con à”. “Sao ít vậy? Sao cha không nói Ngọc mua gì thêm mà ăn”, “Thôi, vậy là tốt rồi con, Tựu à! À, ừ... ông bà sui ngoài đó khỏe cả con hỉ?” “Dạ”. “À, con này!... Tựu này! Con nói bao giờ thì vợ chồng con vô lại Sài Gòn hỉ?”. “Dạ, hai ngày nữa!” “Cha ở đây nói chung là cũng buồn, cả ngày chỉ lủi thủi trong nhà hết xem ti-vi lại ra ban công đứng. Cơm chín rồi lủi thủi ăn, kêu mãi thằng anh chồng con chẳng ơi hỡi một lời”. Cảm giác buồn chán ấy truyền qua Tựu như một luồng điện, anh chồng Tựu chắc cũng không có ý gì nhưng tội nghiệp cha quá đi. “Con đã điện cho thằng Thăng qua chơi với cha rồi, nó nói hễ rảnh hồi nào nó qua hồi đó”. “À, vậy. Cha chưa thấy đứa nào qua. Nhưng mà... Tựu này! Cha định nói với con thế này. Không biết Tựu có đồng ý không. Cha định là thế này Tựu à”. “Sao cha?”. “Ừm... Tựu ơi! Hai trăm ngàn mà con để lại cho em đi chợ đó, coi như cho cha xin, được không con hỉ? Cha định là mua hai cái vé xe về trên đó, chứ ở đây cha thấy cũng không giải quyết được việc gì con à, mà trên đó thì ruộng rẫy...”.
Trời đất bỗng như sụp đổ trước mắt, bóp nghẹt trái tim đầy khuyết tật của Tựu rồi! Chỉ vậy thôi mà cha phải ngập ngừng mãi mới nói ra được thành lời sao? À, ra vậy, tội lỗi chỉ nằm ở cái nghèo. Trời nổi gió ầm ầm quất mưa giông văng ràn rạt vào người Tựu, đau buốt. Và những giọt nước mắt đau tràn hoài trên mặt, như mưa cứ giăng giăng mãi ngoài trời kia không sao dứt. Tựu cứ lần quần một ý nghĩ, mai này mình cũng sẽ có con, cũng được bước lên ngôi những đấng sinh thành đáng kính, rồi bỗng đến một lúc nào đó phải ngửa tay xin xỏ con mình một chút tiền hèn mọn, chắc hẳn lúc đó mình đã quá bần cùng! Tựu lập cập: “Cha ơi! Đợi con, ngày mai con sẽ về”.

Các tác phẩm khác của Lê Vũ Hương Duyên

Tình yêu

Nhiệm Mầu Vọng Cổ

Mưa hiền

Còng lưng bệ vịn

Chìm trong bão biển