watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Nhiệm Mầu Vọng Cổ - tác giả Lê Vũ Hương Duyên Lê Vũ Hương Duyên

Nhiệm Mầu Vọng Cổ

Tác giả: Lê Vũ Hương Duyên

Là con gái miệt Cần Thơ, Lệ thích nghe anh Đức ca vọng cổ, nhưng chị Bích chỉ thích coi anh diễn vai ác mà thôi. Lệ nghĩ rằng những lời ca ngọt lịm như rót cạn nghĩa tình vào tận đáy lòng người ta đó mới nói hết được con người anh Đức, chớ mấy vai độc mà nói được điều gì!

Chị Bích than, trong cuộc đời này điều làm cho chị ray rứt hoài là đã lìa bỏ anh Đức, lìa bỏ một cách quá ác nhơn. Và chị nói bây giờ có gặp lại, nếu mà được anh Đức bằng lòng chắc chị làm tôi mọi cho ảnh suốt đời còn lại cũng cam. Để làm gì chớ? Lệ nghĩ, anh Đức đâu cần người làm tôi mọi, ảnh chỉ cần một tấm lòng thôi. Tại cái bến Ninh Kiều, cách đây bốn năm, chị Bích và anh Đức gặp nhau. Năm đó Lệ được mười tám tuổi, mới vừa rớt đại học. Chị Bích biểu Lệ về Cần Thơ chơi cho đỡ buồn. Đó là một đêm trời sáng trăng, gió từ mặt sông chao vào mát rượi, chị Bích nói: “Để dắt em đến bến Ninh Kiều chơi cho biết, ở đó mới có một cái du thuyền, hay lắm”. Bến Ninh Kiều trong bài ca Chiếc áo bà ba nghe chừng yên ả, thực ra nó náo nhiệt hơn nhiều. Trên tầng thượng chiếc du thuyền, chị Bích vỗ nhẹ vai Lệ, chỉ vào một người ngồi ở bàn bên cạnh, nói khẽ:

- Kép Mạnh Đức đó, kép độc của đoàn Sài Gòn hổm rày đang lưu diễn ở đây.

Lệ tò mò quay qua bên đó, thấy anh Đức đang nói chuyện với một người. Cặp mắt chăm chú và thông minh, có hàng lông mi dài, rợp như người ta dán lông mi giả vậy. Chị Bích nói:

- Bôi hết phấn son coi cũng đẹp trai ghê hén!

Lệ chỉ cười cười, ngó mông lung ra ngoài sông vắng, nước bàng bạc ánh trăng soi. Đẹp trai thì nghĩa lý gì! Cha Lệ cũng đẹp mà có ở mãi với mẹ Lệ đâu. Lúc đó chị Bích nhìn anh Đức đắm đuối, rồi nhoẻn cười khi bất chợt thấy anh Đức quay sang. Anh Đức cũng cười, ánh mắt bừng lên một điều gì như kinh ngạc. Chắc tại vì anh thấy chị Bích đẹp quá. Mà chị Bích đẹp thật! Tóc chị dài, mướt rượt, da thì trắng như bôi phấn, mặt cười lên đẹp như trăng rằm. Là con gái Lệ còn thấy ham, huống gì...

Chị Bích là con gái duy nhất của cô Hai, nhà có tới bốn người anh trai. Bởi vậy, chị Bích lúc nào cũng trông dáng như tiểu thơ đài các, với áo quần đẹp đẽ. Thực ra nhà cô Hai chỉ là một tiệm may nhỏ nằm phía trong một con hẻm nhỏ. Cha Lệ với cô Hai là chị em họ gần. Nhưng từ ngày cha mẹ bỏ nhau, cha đi biệt phương trời nào không ai biết, chỉ có Lệ lâu lâu quay trở lại nơi này thăm chị Bích, thăm cô Hai. Lệ buột miệng hỏi:

- Kép độc là sao?

- Là kép chuyên môn đóng vai ác đó.

Có ngọn gió nào sao tự nhiên lạnh buốt, làm cho Lệ bất chợt thấy rùng mình, bất chợt co người lại. Quay nhìn anh Đức một lần nữa, Lệ tưởng tượng ra, một tên quỷ dữ trong tuồng Nàng Xêđa, một thằng Trịnh Hâm phản bạn trong Lục Vân Tiên, hay một con đại bàng hung tợn trong Thạch Sanh - Lý Thông... Ác vậy đó chứ gì?

Du thuyền bắt đầu chạy, bến Ninh Kiều sáng rực dần xa. Anh Đức cầm ly bia vàng sóng sánh, bước qua bên này khẽ gật đầu lịch sự chào Lệ, rồi bước sát về bên chị Bích đòi cụng với ly cam, đặng làm quen:

- Chào cưng, có phải cưng là con gái Cần Thơ?

Chị Bích lúng liếng làm duyên làm dáng một cách vụng về:

- Dạ, hân hạnh được làm quen với anh Mạnh Đức.

Anh Đức tròn đôi mắt có hàng lông mi cong vút, không biết diễn tuồng hay anh ngạc nhiên thiệt sự:

- Trời ! Sao biết tên anh?

- Biết chớ, coi anh diễn hoài mà! Còn biết được anh là dân gốc gác ở nơi đây nữa kìa.

Chị Bích nghiêng nghiêng mái đầu cười e thẹn, bừng sáng một mặt trăng, anh Đức cầm ly bia chao đảo. Du thuyền đã chạy được một khúc sông dài, chỉ còn thấy một bên bờ làng mạc yên ả thanh bình... Rồi anh Đức ca tặng chị Bích bản Tình anh bán chiếu hay đến nhói lòng, khiến Lệ không sao tưởng tượng được người này sẽ đóng vai ác ra làm sao. Và còn một cái nhói lòng nữa bởi một thoáng linh cảm mơ hồ, buổi đầu mới quen nhau sao ca chi bài ca buồn đến vậy. Một tháng sau cái ngày hôm đó, anh Đức quay trở lại Cần Thơ, hớn hở như một đứa trẻ nít, nắm chặt lấy bàn tay chị Bích:

- Anh xin được về đoàn Ninh Kiều rồi, có tin không?

Ở trong buồng nhìn ra, Lệ thấy ánh hạnh phúc bừng lên trong mắt cả hai người. Nghe giọng chị Bích mừng rỡ:

- Tin chớ sao không, anh là nhân tài của xứ này mà!

Anh Đức nói còn đi xa thêm vài tháng nữa để trả nợ hợp đồng cho đoàn Sài Gòn, rồi quay về ở hẳn với Ninh Kiều, vừa ca diễn vừa thiết kế dàn bay cho đoàn. Tình yêu đến với anh Đức và chị Bích thật nhanh chóng. Bây giờ họ quấn quýt nhau như một đôi vợ chồng, lại còn dắt nhau vào studio chụp cả hình cô dâu chú rể nữa. Chị Bích đẹp, lúc chụp hình cô dâu càng đẹp hơn.

Bây giờ cũng trên du thuyền này, bốn năm sau, Lệ và chị Bích vẫn ngồi trên tầng thượng, vẫn chỉ uống hai ly cam vắt như ngày cũ. Nhưng Lệ đã khác và chị Bích càng khác. Chiếc du thuyền cũng không còn đông nghẹt khách như xưa. Tóc chị Bích không còn dài và mướt nữa, nó được duỗi thẳng và nhuộm màu hoe đỏ, nhưng nhìn cứ xác xơ, như gương mặt dãi dầu sương gió của chị vậy. Chỉ mới bốn năm thôi! Mới hăm mấy tuổi đầu, chị Bích đã trải qua hai đời chồng và một lần sanh nở. Đời chồng đầu tiên của chị Bích là anh Đức, mọi chuyện đến và đi chỉ trong vòng sáu tháng. Sáu tháng cho tất cả một cuộc tình, sáu tháng cho một đời chồng vợ, nhưng sự tổn thương để lại quá chừng nhiều. Đời chồng sau của chị Bích là anh Sơn, cuộc sống gia đình có bền hơn một quãng và họ cũng có được với nhau một thằng con trai, giống y hệt anh Sơn.

Bận đó, lúc anh Đức trở lại đoàn Sài Gòn, Lệ cũng lao vào học hành, may vá với cô Hai. Những trưa hè êm ả, mở radio nghe trên đài ca tân cổ giao duyên “Mẹ nói đời em phận gái thuyền quyên nên có nợ duyên nơi bến nước đồng bằng”... trong lòng Lệ cứ tràng giang một nỗi nhớ. Chị Bích bỗng nhiên có một ông khách may đồ năng lui tới. Ban đầu cũng chỉ là khách thôi, tuần may hai cái áo, một cái quần. Dần dần, Lệ thấy sao hai người có nhiều cử chỉ thân thiết. Và ông khách ấy thường hay đưa cho chị Bích nhiều tiền, mặc dù về sau không còn may vá gì hết. Lệ nghĩ tới anh Đức mà ruột như tơ vò. Không biết trong sâu thẳm lòng mình chị Bích thương ai. Thương ai thì thương cho trọn vẹn một người. Hay là chị Bích chỉ muốn lường gạt anh Sơn? Hay là chị bó tay khi không làm cách gì trộn hai người vào nhau được? Một đằng thì anh Đức đẹp trai, sáng giá, một đằng là anh Sơn rủng rỉnh túi tiền. Làm sao mà hòa trộn được. Mà cho dù có được đi chăng nữa chị cũng không chắc gì có hạnh phúc đâu. Lệ hỏi mà không dám ngước nhìn, chỉ sợ vô tình làm đau chị Bích:

- Anh Sơn bây giờ sống ra sao?

- Đã có vợ rồi. Thỉnh thoảng có về đòi thăm thằng Tứ Hải, nhưng chị không cho. Không cho nó gặp một người cha như vậy nữa. Yêu thương nỗi gì mà nhỏ mọn với chị từng đồng xu, cắc bạc vậy chớ cưng!

Lệ nghĩ trong lòng nhỏ mọn gì đâu, chắc là chẳng qua anh Sơn tiết kiệm để lo lắng cho một gia đình, chớ cứ giữ cái thói quen ăn xài phung phí như chị Bích thì biết bao nhiêu cho vừa. Mà chị Bích có thiếu thốn gì cho cam. Anh Đức đi xa, mỗi bận về thể nào cũng có trong tay một chiếc nhẫn vàng đeo vào tay chị. Lệ thấy mà không hiểu sao chị Bích không thấy được. Bao nhiêu tiền vàng của anh Đức, anh Sơn chị Bích đều nhận hết. Nhận rồi thì phải mắc nợ người ta. Mà thân chị đâu có xẻ ra làm hai được. Bởi vậy nên mới đầu hôm cưới anh Đức cho trọn nghĩa vợ chồng, sáng mai đã thấy ngóng ra ngoài ngõ chờ anh Sơn. Lệ giận chị Bích mà không sao nói được, giận bao nhiêu thì lại càng thương anh Đức thêm bấy nhiêu. Lệ cứ phải ngậm cứng tình thương đó trong lòng để mỗi lần nghe anh Đức hát “Hò ơ... Chiếu này tui chẳng bán đâu, tìm cô không gặp tui gối đầu mỗi đêm” nghe đứt ruột, đứt gan. Giống như cái đêm mùa giáp Tết, Lệ nán lại Cần Thơ để dự đám cưới anh Đức vậy, nghe người nào đó ca trong đám cưới bài vọng cổ Cô gái bán trầu xanh cứ như cứa vào ruột Lệ câu “Trời ơi! Có ai hiểu cho nỗi khổ đau của một người con gái? Mười tám xuân xanh đã ôm mối tuyệt tình”. Về Sài Gòn năm đó ăn kết với mẹ, phố phường đô thị người ta náo nức vậy, sao Lệ nghe trong lòng cứ trống vắng gì đâu! Nhất là mỗi khi bất chợt nghe nhà ai mở nhạc tân cổ giao duyên, những lúc đó nỗi nhớ thương cứ hướng lòng Lệ về tận miệt Cần Thơ mênh mông sông nước, nơi có giọng hát ngọt lịm xuyên vào tận tâm can huyết mạch của người ta, mà ai nghe qua chắc cũng muốn sở hữu giọng ca đó cho riêng mình.

Vậy mà, chỉ mấy ngày Tết, khi anh Đức được ở trọn vẹn với gia đình, mới biết chị Bích ở một dạ hai lòng. Biết mà cũng không tin được nữa. Tại vì lòng anh quá từ bi. Lệ nhớ, có đêm anh Đức đi hát về bất chợt, không thấy vợ ở nhà mà lòng rối lên, dắt chiếc xe đạp ra sân rủ Lệ: “Ngồi lên đi, anh chở lòng vòng kiếm chị Bích”. Lúc đó Lệ đi vì muốn được ngồi đằng sau cho anh chở, chớ trong bụng không muốn đi kiếm chị Bích một chút nào. Trời xui đất khiến làm sao lại để cho anh Đức với chị Bích gặp nhau. Chị Bích thì ngồi đằng sau xe Spacy của anh Sơn, mặt nhợt đi khi nhìn thấy anh Đức. Còn anh Đức thì cong lưng chở Lệ đạp rượt theo, hít đầy phổi thứ khói xe của anh Sơn chạy tà tà đằng trước. Cái gan Lệ lúc đó sao cứ muốn vật chị Bích xuống đường mà đánh cho đã nư. Thấy anh Đức ướt đầm lưng áo, Lệ ngại ngần:

- Thôi mình về đi! Biết vậy, lát về nhà anh nói chuyện với chị Bích sau cũng được.

- Anh không tin! - Anh Đức thở phì phì - Anh phải hỏi cho ra ngọn ngành.

Nếu có thể được, chắc lúc đó Lệ đã ôm chặt anh Đức vào lòng, để nói cho anh Đức hiểu rằng: “Anh Đức ơi! Mấy chuyện này anh phải tự biết thôi, chớ hỏi cho ra ngọn ngành sao chịu nổi”. Nhưng cuối cùng, xe anh Sơn cũng ngừng lại, chị Bích bước xuống đi tới chỗ anh Đức, nói giọng hỗn hào:

- Về đi! Làm gì vậy? Về nhà tui nói chuyện rồi bỏ nhau. Tui cũng chán anh lắm rồi, anh Sơn ảnh thương tui thiệt tình chớ không phải như anh.

Trời ơi! Lệ không hiểu nổi làm sao mà chị Bích độc ác được đến như vậy nữa. Hay là tại vì chị coi quá nhiều vai ác ở trong tuồng cải lương, nên nó nhập tâm chị mất rồi. Tự nhiên Lệ thấy thương chị Bích, vai ác nào cũng đến hồi bị trừng trị mà thôi. Tội cho anh Đức cố nắm bàn tay chị Bích lại:

- Em bình tĩnh đi, về nhà mình nói chuyện.

- Chuyện đã vậy rồi, có nói cũng chỉ nói vậy thôi hà.

Chị Bích vùng bàn tay ra khỏi tay anh Đức, Lệ thấy lòng mình đau thắt. Lệ nghĩ, mình mà được bàn tay anh nắm lại, chắc Lệ để hoài không dám bứt ra đâu.

Chương trình ca cổ trên du thuyền đêm nay cũng có người nào đó ca bài Tình anh bán chiếu làm cho Lệ xốn xang trăm nỗi. Trong đó có một nỗi bùi ngùi thương số kiếp chị Bích truân chuyên. Và nỗi nhớ “anh bán chiếu” năm nào càng dậy lên trong lòng Lệ, nhớ đến nôn nao. Gió trên sông Hậu sao mà mát đến vậy? Đêm nay sao không thấy trăng về? Lệ muốn bộc bạch cho chị Bích nghe một điều thầm kín. Nhưng bỗng nhiên ngay lúc ấy có một ông Tây bước tới từ bàn phía sau lưng chị Bích, hai tay choàng hai bên mép ghế, mặt kề sát mặt chị, phả ra nồng hơi men:

- Are you free?

Chị Bích luống cuống ra điều khó xử một cách đến lạ lùng.

- I... Today I Kotex...!

Lệ còn không hiểu được chị Bích muốn nói gì nữa, vậy mà gã Tây kia hiểu. Hắn đứng dậy nhún vai một cái:

- OK! See you tomorrow.

Trời đất thánh thần ơi! Lệ vừa ngộ ra được một điều gì đó kinh khủng quá. Lặng người đi, mắt Lệ bỗng tối sầm thấy chị Bích mờ dần rồi mất dạng. Những điều thầm kín ở trong lòng định nói ra lúc nãy giờ không thể nói ra. Rằng anh Đức từ sau khi chia tay với chị Bích đã bị một tai nạn thương tâm chấn động vào cột sống, bây giờ ảnh phải ngồi xe lăn mà một nửa thân mình không nghe theo mình nữa. Rằng Tết này ảnh cũng sẽ cưới vợ và cô dâu sánh vai trong ngày cưới của ảnh, không ai xa lạ, người đó chính là Lệ.

Các tác phẩm khác của Lê Vũ Hương Duyên

Tình yêu

Mưa hiền

Khuyết tật

Còng lưng bệ vịn

Chìm trong bão biển