watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Đức Tin - tác giả Lê Xuân Hoa Lê Xuân Hoa

Đức Tin

Tác giả: Lê Xuân Hoa

Mùa thi năm ấy tôi trượt đại học. Gánh hàng khô lỉnh khỉnh của mẹ nghiễm nhiên trở thành cứu cánh duy nhất cho những khoảng thời gian nhàn rỗi mà đôi lúc tưởng chừng như không hề có giới hạn. Nhà tôi ở trong khu tập thể của dân lao động với bốn phía là những dẫy nhà năm tầng thấp lè tè, kín mít. Bậc cầu thang tối om, sâu hun hút, đứng ở bên trong không biết đang là ngày hay đêm. Nghe nói khu tập thể này là niềm tự hào của thành phố vào những năm 60. Đã gần 40 năm trôi qua “niềm tự hào” chỉ còn lại dáng vẻ nham nhở của những lồng sắt ban công cơi nới thêm gỉ hoen gỉ hoét nhô ra thụt vào, với những ống thoát nước bám đọc thân tường rò gỉ tứ tung và cống thoát nước tấm tắc chỉ chờ mưa tới là duềnh lên cuốn đủ thứ rác rưởi vào tận gầm giường. Về hưu, tận dụng lợi thế ở tầng một bố trổ cửa bầy biện cho mẹ gian hàng nho nhỏ. Thoạt đầu ngồi giữa đống tỏi, hành khô, ớt khô, ớt bột, hạt tiêu… tôi chỉ thấy ngao ngán. Mẹ bầy cho tôi cách đong từ hai trăm dấm, năm trăm nước mắm, dăm trăm vừng… Nhìn vẻ mặt não nề vì phải nhớ cùng lúc cả đống mặt hàng với một lô giá cả tủn mủn khác nhau của tôi mẹ an ủi “Buôn thất nghiệp, lãi quan viên. Nó nuôi sống cả gia đình mình đấy cô ạ”.
Ngày ngày, tôi ngồi vắt vẻo trên chiếc ghế đẩu kết bạn với truyện chưởng, tâm lý xã hội Sài Gòn. Gian hàng khô của mẹ không phải lúc nào có khách. Thông thường các bà nội trợ chỉ chạy qua nhà tôi khi họ lỡ quên mua một thứ gì đó ngoài chợ như một giải pháp tạm bợ. Bù lại đây lại là nơi thu thập tin tức tuyệt vời. Mọi biến động dù nhỏ nhặt nhất trong khu tập thể đều được đem ra trao đổi, bình luận, khi thì âm thầm, bí mật lúc lại công khai. Dạo này “trạm thu phát thông tin” xôn xao bởi người hàng xóm mới. Nghe đâu ông là giáo viên của trường đại học Mỹ Thuật, đã ngoài 60 nhưng lại sống độc thân. Ông dọn đến căn phòng nhỏ trên tầng ba do chú Minh nhượng lại. Có lẽ căn phòng đã quá tải với sức chứa hai vợ chồng và hai thằng con nghịch như quỷ sứ. Sự xuất hiện của một ông họa sĩ già trong khu dân cư lao động nghèo nàn đương nhiên là một hiện tượng lạ. Ông ít khi bước chân xuống đường nhưng lại rất đông khách. Đến thăm ông thôi thì đủ mọi thành phần già có, trẻ có, sang trọng có, tuềnh toàng cũng có nhưng nhiều nhất là sinh viên. Rất nhanh chóng ông trở thành khách hàng thường xuyên của mẹ và lần nào cũng như lần nào luôn là chục trứng vịt và thùng mì tôm, Cái thực đơn ấy làm tôi nổi hứng tò mò, không hiểu sao người ta có thể sống nổi trong thế giới của vịt và mì ăn liền? Cuối tuần tôi thường gặp ông tay cầm bó cúc tìm ngồi lặng yên ngắm nhìn lũ trẻ tinh nghịch chạy nhảy trong sân chơi. Lúc ấy trông ông thật cô độc và lạc lõng.
“Cộc… cộc… cộc”.
- Xin mời vào.
Tôi đưa tay đẩy cửa rụt rè:
- Thưa bác, mẹ cháu bảo cầm cái này lên cho bác…
- Lam đấy à? Thì cứ vào đây chơi đã cháu.
- Ông họa sĩ già đứng quay lưng về phía tôi. Bút vẽ, bảng pha màu vứt ngổn ngang dưới đất. Sách báo, giấy tờ có lẽ cứ tiện đâu là quẳng đấy. Ngược lại những bức tranh được treo rất cẩn thận trên tường. Tĩnh vật, cỏ cây, hoa lá, con người… đủ cả, cảm giác hệt như mình đang lạc vào thế giới của màu sắc. Tôi đứng lại trước giá vẽ. Gam màu của một buổi chiều vàng yên ắng, thiếu nữ tựa cửa, đôi mắt dõi nhìn xa xăm, nét mặt nhạt nhòa sương khói như chờ đợi.
- Cháu cũng thích hội họa?
- Cháu có biết gì đâu nhưng nó nhắc cháu nhớ đến hai câu thơ.
“Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì?”
Thoáng qua một cái nhíu mày, ông cúi người lục tung đám giấy tờ vương vãi nhặt cho tôi tờ giấy nham nhở xé vội từ sổ tay “Lại đây Lam”. Dăm ba nét phát thảo bằng chì đen chỉ là sự mênh mông, kỳ bí của đại dương và chìm lấp giữa sóng biển thấp thoáng cánh chim hải âu.
- Dạ… cháu thấy…
- Cháu cứ nói đi – ánh mắt ông nhìn tôi hiền từ khích lệ, ánh mắt của một người cha dành cho đứa con bé bỏng. Tôi buột miệng:
- Cháu thấy sự hoang mang và hữu hạn giữa cái vô cùng.
Tôi hý hửng bưng chồng sách cao chất ngất ông họa sĩ già cho mượn về nhà. Không còn tình cảm ướt át, không còn anh hùng kiếm hiệp đệ nhất thiên hạ. Gian hàng khô của mẹ trở nên quá đỗi tầm thường. Những trang sách mở ra trước mắt tôi chân trời mới lạ. Tôi không thể cứ quẩn giữa đống mộc nhĩ, nấm hương… có biết bao điều đang chờ tôi khám phá. Ông họa sĩ già giảng giải cho tôi về âm nhạc, hội họa, thơ ca. Tôi thích thế giới của màu sắc nhưng trở thành vô ích. Tôi xem tranh chỉ vì muốn tìm ra điểm giao lưu giữa hội họa và văn chương. Trong văn học tôi tìm thấy lòng nhân ái và những điều cao cả của thế giới loài người. Tôi tập làm thơ. Mẹ lo lắng mỗi lần thấy tôi tư lự, xấp giấy trắng trải dài trên bàn học “Con ơi, sinh ra làm phận đàn bà đã là một sự thiệt thòi rồi, dính vào văn chương là khốn khổ đấy con. Rồi thơ thẩn làm mày mụ người đi mất thôi”.
Mùa thi tiếp theo tôi nhận được giấy báo trúng tuyển của ba trường: Luật, Báo Chí và Tổng Hợp Văn. Đứng giữa ngã ba đường tôi đã chọn văn học. Ông họa sĩ già trầm ngâm “Nghĩ kỹ đi cháu. Theo đuổi nghệ thuật không chỉ có sự tinh tế, sâu sắc là đủ. Cháu phải kiên trì và đam mê thực sự nếu không tất cả sẽ là bi kịch. Người nghệ sĩ phải luôn tìm thấy trong cuộc sống những điều mà người khác không thấy được…”. Tôi lặng im. Tôi còn quá non nớt để có thể hiểu những gì ông nói nhưng trên mỗi trang viết tôi cảm thấy mình được sẻ chia những thứ cảm giác mà không thể thổ lộ. Tôi lờ mờ nhận ra sự lạc lõng và cô độc trong từng bức tranh của ông. “Có phải vì thế mà bác sống một mình?”. “không hẳn là vậy. Thế cháu đã có bạn trai chưa?". Tôi lúng túng lắc đầu. 19 tuổi, tình yêu đối với tôi xa xôi và mơ hồ quá, hệt chuyện hoang đường. Lũ bạn của tôi đến với tình yêu có vẻ đơn giản và dễ dàng hơn. Nhanh chóng yêu nhau và cũng vội vàng chia tay sau vài lần giận hờn với những lý do hết sức vớ vẩn. Mỗi khi ngẫm đến mình tôi lúng túng tự hỏi không biết mình sẽ ứng phó với tình yêu ra sao? Có nên đuổi nhau trong lớp để tranh ăn một cái kem hay cãi nhau ỏm tỏi xem hôm nay đưá nào phải quét lớp như hồi cấp III? "Thế bác đã yêu bao giờ chưa?". "Có chứ, chỉ một lần nhưng đáng để con người ta suy ngẫm cả cuộc đời".
40 năm trước ông họa sĩ già là chàng sinh viên trường Mỹ Thuật trẻ trung và nhiệt huyết. Trong đợt đi thực tập sáng tác tại Huế, giữa cố đô của miếu mạo, đền chùa và giữa cơn mưa Huế bất chợt nhòa trời, ông vô tình quen cô nữ sinh áo tím trường Đồng Khánh. Suốt thời gian thực tập ông không vẽ nổi một mái chùa cong nhưng tập phác thảo thì cứ đầy lên bởi đôi mắt đen, mái tóc xõa ngang lưng - nét đẹp mảnh mai, dịu dàng hệt một bông hoa cúc tím. Trước ngày ra Hà Nội cô dắt ông đi thăm Đại Nội. Đứng trước cổng chùa Thiên Mụ, bên dòng Hương Giang xanh thẳm, nước mắt cô rơi trên vai áo của ông và cô đã hứa chờ ông quay lại. Bài báo cáo "Thiếu nữ Huế" đã giúp ông giành điểm xuất sắc. Bức tranh ấy trải qua bao thăng trầm giờ đã xỉn màu nhưng vẫn được treo tại nơi trang trọng nhất trong phòng khách như một minh chứng hùng hồn nhất cho sự vĩnh hằng của tình yêu. Đấy cũng là bức tranh duy nhất ông vẽ về cô. Mỗi lần đứng trước giá vẽ ông lại thấy mình bất lực khi muốn tái hiện khuôn mặt cô trên toan trắng. Hai tháng sau ông trở lại Huế tìm cô thì nhận được tin cô đã mất trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên thành phố "Hát cho đồng bào tôi nghe". Ông bỏ dở chương trình học, xa rời bảng màu xung phong nhập ngũ. Đất nước cần có những người con đứng lên bảo vệ quê hương. Chiến tranh đã đưa ông đi qua khắp mọi miền của tổ quốc và đi qua cả tuổi trẻ của mình. Hòa bình lập lại ông về trường hoàn thành nốt năm cuối đại học và được giữ lại làm giảng viên. Bàn tay chai sạn quen cầm súng, lựu đạn nay lại mềm mại cầm lên bút vẽ. Duy chỉ có tình yêu không trở về với ông. Trong ông cô mãi là nữ sinh Đồng Khánh 17 tuổi lung linh và huyền ảo. "Sao bác không tìm cho mình một chỗ dựa tuổi già?". "Cũng có lần bác định thế nhưng rồi lại thôi. Bác sợ làm khổ người ta". Tôi cắn môi "Cháu hiểu. Đối với bác chiến tranh thực sự chưa bao giờ đi qua".

23 tuổi sinh viên năm cuối, tình yêu đến với tôi bằng hai hồi chuông phá vỡ giấc ngủ trưa không làm tôi bất ngờ nhưng đủ để làm tôi bối rối. Tình yêu là học trò của ông họa sĩ già, có tài nhưng lông bong và ham vui. Con một, bố là kiến trúc sư, mẹ là nghệ sĩ violon, ngay từ nhỏ Quân đã được bố mẹ chăm sóc chu đáo và định hướng phát triển khả năng. Tôi yêu Quân từ những bức tranh mà anh vẽ. Tôi hạnh phúc khi phân tích cho anh nghe một vần thơ hay, một ý thơ lạ hay ê ẩm cả người ngồi mẫu hàng tiếng đồng hồ. Mẹ lo lắng "Trèo cao thì ngã đau. Gia đình Quân danh giá đời nào chịu làm sui với nhà mình". Tôi cười trấn an mẹ "Bây giờ sắp sang thế kỷ 21, người ta nghe nhạc tây, uống rượu ngoại, đi nhẩy đầm. Quan niệm môn đăng hộ đối xa lắc rồi mẹ ơi!". Để mặc mọi lời khuyên của mẹ, tôi bay bổng với tình yêu của mình. Tôi tin tình yêu là điều thiêng liêng và cao cả nhất mà cuộc sống ban tặng con người.

Tối thứ bảy tình yêu đến "Lam ạ, mình sẽ không thể có kết quả tốt đẹp. Gia đình muốn anh học tiếp mà năm nay tốt nghiệp rồi, không thể cứ chờ anh mãi được. Hơn nữa nghề của anh em cũng biết rồi đấy, khó có thể đảm bảo cho em một tương lai tốt đẹp..." Tai tôi ù đi, sao mà Quân cạn nghĩ thế? Tôi yêu Quân vì chính con người anh với một vài đức tính tốt và đầy rẫy thói xấu chứ tôi không yêu một tương lai an nhàn của đầy đủ tiện nghi vật chất. Người ta thường ví đàn ông mạnh mẽ như mặt trời còn đàn bà dịu ngọt như mặt trăng. Mặt trăng chỉ có thể tỏa sáng khi hấp thụ hào quang chói lọi của mặt trời. Sự nghiệp của Quân mà không là sự nghiệp của tôi ư?...

"Vả lại mẹ bảo hoàn cảnh gia đình của chúng mình khác biệt quá, e rằng khó có thể hòa hợp...". Tôi thắt lòng, ngã quỵ trong nỗi đau. Tôi cần một người cùng tôi chia sẻ thất bại và cùng chinh phục những đỉnh cao mới chứ không cần một người thấy khó khăn là buông xuôi. Bất ngờ với chính bản thân, tôi thản nhiên đề nghị "Nếu vậy chúng ta nên chấm dứt ở đây." Tôi không thể cứ níu kéo thứ mà người ta đã muốn vứt bỏ. Tình yêu bảo "Lam là người cứng rắn, rồi mọi chuyện sẽ qua cả thôi". Tình yêu nhầm to. Tôi không phải là chiếc máy computer, chỉ cần bôi đen một vùng ký ức, nhấn lệnh delete là xong. Tôi là một con người. Trái tim của tôi biết yêu, biết ghét với những lý lẽ của riêng nó. Tôi không có lỗi khi được sinh ra trong một gia đình công nhân nghèo. Bằng gánh hàng khô mẹ đã lo lắng cho tôi được ăn học. Tôi đã vươn lên bằng những đồng bạc vụn và tôi tự hào vì điều ấy. Quân cũng không có lỗi, anh chỉ không đủ nghị lực để vượt qua những quan niệm cổ lỗ. Duy chỉ có nước mắt cứ lén trào dâng, khắc khoải trong từng đêm dài.

- Tình yêu không có thật, những điều tốt đẹp đều không có thật phải không bác?

- Con phải dám chấp nhận đau khổ vì có đau khổ con mới biết thế nào là hạnh phúc. Bác đã đi qua khỏi thời đạn bom máu lửa, đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình trong cánh rừng Trường Sơn chính là vì bà ấy, vì lý tưởng và con đường mà bà ấy đã lựa chọn.

- Khác rồi bác ơi. Tình yêu của bác chỉ còn trong chuyện cổ tích thôi. Bây giờ người ta yêu nhau không bằng sự chân thật mà bằng cái đầu tỉnh táo. Thời buổi kinh tế thị trường mà, mọi thứ đều được đem ra tính toán và mặc cả.

- Khóc đi con, đừng tự kìm nén mình. Bác sẽ gửi con lên SaPa cho gia đình người bạn thân. Thiên nhiên sẽ giúp con bình tâm và tự tin trở lại nhưng chỉ một tháng thôi đấy, hãy nhớ luận văn tốt nghiệp đang chờ con.

Không ngờ đấy là lần cuối cùng tôi gặp ông họa sĩ già. Ngày về nhà với một túi quà SaPa nặng trĩu trên tay mẹ đón tôi ở cửa, òa khóc "Con về muộn quá. Ông ấy đi rồi". Tôi bàng hoàng bước vào căn phòng tầng ba quen thuộc. Căn phòng đã được quét lớp vôi mới. Không còn một dấu ấn nào chứng tỏ ông đã từng ở đây. Mẹ bảo ông mất đột ngột sau lần bị tăng huyết áp, rằng đám ma của ông rất đông. Người ta không mang vòng hoa đến viếng mà chỉ đem tặng ông hoa cúc tím, một biển cúc tím đã đón ông yên nghỉ... Mẹ đưa cho tôi hộp giấy nhỏ bên ngoài đề dòng chữ "Gửi Thảo Lam". "Hôm trước học trò của ông ấy lên dọn nhà tìm thấy cái này, chắc là gửi cho con". Tôi run run xé lớp giấy bọc ngoài. Bức tranh "Thiếu nữ Huế", kỷ vật duy nhất về tình yêu mà ông có được. Tôi lật mặt sau của bức tranh "Con gái, con sẽ đứng vững trước những thử thách khắc nghiệt nhất của cuộc sống khi trong trái tim con thắp sáng một niềm tin".

Tôi gục mặt vào tường, nước mắt trào qua mi mặn ấm. Ngân nga đâu đây bài hát của Trịnh Công Sơn "Tôi ơi đừng tuyệt vọng". Và tôi biết, mình sẽ vượt qua.

Các tác phẩm khác của Lê Xuân Hoa

Viết Trong Ngày Sinh Nhật

Truyền Thuyết Về Loài Chim Đại Bàng

Trái Tim Hoa Phượng

Sinh Viên Năm Thứ Nhất

Sau Một Giấc Ngủ Dài

Phía Trước

Những Vì Sao Cô Độc

Những Sai Lầm

Mùa Vàng Hoa Cải

Một Thời Để Nhớ

Mối tình đầu

Màu Trắng Thời Gian

Mảnh Vỡ Ký Ức

Linh Hồn Tình Bạn

Kết Thúc Một Tình Yêu

Hôm Nay Không Phải Là Hôm Qua

Hoàng Hôn

Họ Là Con Gái

Cây Bàng Tuổi Thơ

Bà Nội