Nhật ký người điên
Tác giả: Lỗ Tấn
Hai anh em nhà nọ, nay tạm giấu tên, đều là bạn thân của tôi ngày trước ở trường trung học. Xa cách lâu ngày dần dần vắng tin nhau. Gần đây, tình cờ được tin một trong hai người ốm nặng; nhân về quê chơi, có ghé thăm, nhưng lại chỉ gặp người anh. Ông ta cho biết người ốm chính là người em.
- Cám ơn anh không ngại đường xa đến thăm, nhưng chú nó nay đã lành rồi, hiện đang đến tỉnh X, chờ được bổ đi làm việc.
Rồi cười phá lên, lấy ra hai tập nhật ký, bảo có thể xem đấy biết được bệnh trạng lúc bấy giờ thế nào; chỗ bạn cũ với nhau, chẳng có gì ngại. Cầm về, đọc qua một lượt, biết anh ta mắc bệnh "bách hại cuồng"(2) . Tập nhật ký đó viết rất lộn xộn, không có thứ tự, lại lắm câu hết sức hoang đường. Cũng chẳng ghi ngày tháng, duy màu mực và nét chữ có khác nhau, biết không phải viết một mạch. Cũng có những đoạn khá mạch lạc, xin trích ra đây hiến các nhà y học làm tài liệu nghiên cứu. Những chữ viết sai cũng cứ để vậy, không thay đổi. Chỉ có tên người, tuy là người ở chốn thôn quê, không ai biết, không quan hệ đến đại thể, nhưng cũng đổi hết. Còn như tên tập nhật ký thì chính người viết, sau khi khỏi bệnh, đề như vậy, cứ để nguyên.
Ngày 2 tháng 4 năm Dân Quốc thứ 7
I
Đêm nay, trăng đẹp quá.
Hơn ba mươi năm nay, không thấy; hôm nay thấy tinh thần sảng khoái lạ thường. Mới biết hơn ba mươi năm nay, mình toàn sống trong tăm tối. Nhưng phải hết sức cẩn thận. Nếu không, tại sao con chó nhà họ Triệu lại lườm mình như thế?
Mình sợ là phải lắm.
II
Hôm nay không trăng. Biết là không ổn rồi. Lúc sáng bước chân ra cửa, đã hết sức cẩn thận, thế mà ông Triệu lại nhìn mình bằng một con mắt quái gở: hình như sợ mình mà cũng hình như muốn hại mình. Còn có bảy tám người nữa chụm đầu thì thầm với nhau về mình, lại sợ mình thấy. Những người gặp trên đường cũng đều như thế cả. Có một người dữ tợn nhất, há hốc miệng, nhìn mình, cười một cái, làm mình lạnh toát từ đầu đến chân. Cho biết họ đã sắp đặt đâu vào đó cả rồi!
Nhưng mình không sợ, cứ đường mình mình đi. Phía trước, một bầy trẻ cũng đang bàn tán gì về mình. Ánh mắt cũng y hệt ánh mắt ông Triệu, mặt cũng tái mét. Nghĩ bụng không hiểu chúng nó thù gì mình mà cũng lại như thế? Mình không nhịn được, nói to: "Cái gì nào? Nói đi?", thì chúng nó bỏ chạy.
Mình nghĩ không rõ mình với ông Triệu, cả với những người gặp trên đường, có thù oán gì. Chỉ hai mươi năm trước đây, mình có giẫm lên cuốn sổ ghi nợ mấy mươi đời của cụ Cố Cữu(3). Cụ ta rất không bằng lòng. Ông Triệu tuy không quen biết gì cụ Cố Cữu, nhưng nhất định có nghe phong thanh, rồi bất bình thay, rủ cả với những người gặp trên đường kia oán mình, chống lại mình. Nhưng mấy đứa trẻ kia? Hồi đó, chúng nó chưa đẻ, tại sao bây giờ cũng trợn mắt kỳ dị như thế, hình như sợ mình mà hình như cũng muốn hại mình? Thật là làm cho mình kinh hãi, làm cho mình vừa ngạc nhiên vừa đau xót.
Hiểu ra rồi! Đó là bố mẹ chúng nó bày vẽ cho!
III
Suốt đêm không sao ngủ được. Việc gì cũng phải suy nghĩ mới vỡ nhẽ.
Bọn họ, trước có kẻ bị ông huyện cùm kẹp, có kẻ bị thân hào vả miệng, có kẻ bị nha lại cướp vợ cướp con, có kẻ cha mẹ bị chủ nợ bức quá phải tự sát, nhưng bấy giờ, họ đâu có đáng sợ và hung ác như hôm qua!
Lạ nhất là người đàn bà hôm qua ngoài phố, vừa đánh con vừa nói: "Đồ ranh con! Tao có ăn được thịt mày một miếng mới hả giận!" Con mắt bà ta lại cứ nhìn mình chòng chọc. Mình thất kinh hồn vía, không làm sao che giấu được nỗi sợ hãi. Thế rồi cả đám người đứng đấy, mặt tái mét, răng nhọn hoắt, phá lên cười. Lão Năm Trần chạy lại lôi bừa mình về.
Lôi bừa mình về nhà, người trong nhà đều giả vờ không biết mình. Ánh mắt cũng y như những người kia. Mình vừa bước chân vào phòng sách thì họ liền khóa trái cửa, nhốt lại, y như nhốt gà nhốt vịt. Việc này càng khiến cho mình không hiểu họ định làm cái gì.
Mấy hôm trước, người tá điền bên thôn Lang Sói sang báo mất mùa, kể chuyện với ông anh mình rằng bên ấy, có một tên đại ác vừa bị người ta đánh chết. Có kẻ đến moi tim moi gan đem về rán mỡ ăn cho được can đảm. Mình nói xen vào mấy câu thì ông anh và người tá điền trố mắt nhìn. Hôm nay, mới biết là ánh mắt họ cũng giống hệt ánh mắt những người gặp ngoài đường kia!
Nghĩ lại mà lạnh từ đầu đến chân.
Họ đã ăn được thịt người thì vị tất lại không ăn được thịt mình!
Rõ ràng câu nói "Ăn thịt mày một miếng..." của người đàn bà nọ, tiếng cười của những người mặt tái mét, răng nhọn hoắt kia, và mẩu chuyện của người tá điền hôm trước, đều là những ám hiệu cả. Mình thấy rõ trong lời nói của họ có thuốc độc, trong giọng cười họ có dao găm. Răng thì nhăn ra trắng hếu. Toàn là bọn ăn thịt người!
Theo mình nghĩ, tuy mình không phải là một người ác, nhưng từ ngày mình giẫm lên cuốn sổ ghi nợ của cụ Cố Cữu, thì không còn thể nói chắc được nữa. Hình như họ có ý định gì, không thể nào đoán ra được. Huống hồ, họ giở mặt một cái là có thể đổ riệt cho người ta là người ác. Còn nhớ hồi ông anh bầy cho mình làm luận. Mặc dù nhân vật đem ra bàn tốt đến đâu, hễ tìm được cách chê vài câu là ông ta khuyên cho mấy khuyên. Và đối với những nhân vật xấu, hễ lựa lời bào chữa, là ông ta phê ngay bên cạnh "Phiên thiên diệu thủ, dữ chúng bất đồng " (Có tài biện luận! Độc đáo!). Như vậy thì mình làm sao đoán biết được tâm địa họ thế nào? Huống hồ khi họ đã muốn ăn thịt mình!
Việc gì cũng phải suy nghĩ mới vỡ nhẽ. Cổ lai, việc ăn thịt người thường lắm, mình cũng còn nhớ, nhưng không được thật rõ. Liền giở lịch sử ra tra cứu thử. Lịch sử không đề niên đại, có điều trang nào cũng có mấy chữ "nhân, nghĩa, đạo đức" viết lung tung tí mẹt. Trằn trọc không sao ngủ được, đành cầm đọc thật kỹ, mãi đến khuya mới thấy từ đầu chí cuối, ở giữa các hàng, ba chữ: "Ăn thịt người".
Những chữ đó trên trang sách và những lời nói của người tá điền cũng lại cười khì khì và trợn mắt nhìn mình một cách quái gở.
Mình cũng là người, họ định ăn thịt mình thật!
IV
Sáng nay, ngồi yên tĩnh được một lúc. Lão Năm Trần bưng cơm vào. Một đĩa rau, một đĩa cá hấp. Mắt cá trắng dã và cứng đơ, miệng há hốc ra, trông y như bọn ăn thịt người kia. Ăn mấy miếng, thấy nhờn nhờn, không biết thịt cá hay thịt người đây. Thế là mửa nhào ra hết!
Mình nói: "Ông Năm à! Nói giùm với anh tôi rằng ở đây buồn lắm, tôi muốn ra vườn dạo quanh một lúc".
Lão Năm không trả lời, đi thẳng, đứng lại một lát, rồi đến mở cửa.
Mình cứ ngồi im để xem họ xử trí với mình ra làm sao. Biết chắc họ nhất định không chịu buông tha mình đâu. Quả nhiên, ông anh dẫn một lão già nào vào, bước rất thư thả. Lão ta có cặp mắt rất dữ, sợ mình trông thấy, nên cứ cúi gầm mặt xuống đất, chỉ nhìn trộm mình qua đôi kính trắng. Ông anh nói:
- Hôm nay hình như chú có đỡ hơn thì phải?
Mình nói:
- Vâng.
Ông anh nói:
- Hôm nay mời cụ Hà đến xem mạch cho chú.
Mình nói:
- Được.
Kỳ thực, há mình lại không biết lão già này chỉ là một tay giết người trá hình hay sao? Rõ ràng lấy cớ đến bắt mạch để dò xem béo hay gầy. Với cái công đó, lão ta sẽ được chia một phần mà ăn. Mình cũng chẳng sợ. Tuy không hề ăn thịt người, nhưng mình còn can đảm hơn họ nhiều. Cứ đưa tay ra, xem lão ta giở trò gì. Lão ta ngồi xuống, nhắm mắt lại, sờ sờ mó mó một lúc, lại ngồi thừ ra một lúc, rồi giương tròn đôi mắt quỉ sứ, nói:
- Không nên nghĩ vơ vẩn. Tĩnh dưỡng mấy ngày là khỏi.
"Không nên nghĩ vơ vẩn. Tĩnh dưỡng...". Tĩnh dưỡng cho béo, tự nhiên họ sẽ được nhiều thịt mà ăn! Mình thì được cái gì? Làm thế nào "khỏi" được? Bọn họ muốn ăn thịt người, nhưng lại cứ lấm la lấm lét, muốn che giấu đi, không dám đường hoàng ra tay, làm mình chết cười đi được. Không nhịn nổi, mình cười phá lên, thích thú quá. Riêng mình, mình biết tiếng cười của mình là một tiếng cười dũng cảm, nghĩa khí. Lão già và ông anh mặt cứ tái đi, bị cái dũng cảm, cái nghĩa khí của mình áp đảo.
Nhưng mình dũng cảm thì họ lại càng muốn ăn thịt mình, hòng chia sẻ chút dũng cảm đó. Lão già ra khỏi cửa, bước được mấy bước, đã ghé tai nói thầm với ông anh:
- Cho ăn ngay (4).
Ông anh gật đầu. Té ra có cả anh nữa hay sao! Điều vừa phát hiện, tuy giống như bất ngờ, nhưng thật ra thì cũng đã biết rồi. Ông anh mình cũng cùng một bọn với những người ăn thịt mình! ông anh mình là một kẻ ăn thịt người! Mình là em một kẻ ăn thịt người! Chính mình bị ăn thịt nhưng lại vẫn là em một kẻ ăn thịt người!
V
Mấy hôm nay nghĩ lại: giả thử lão già kia không phải là tay giết người trá hình mà quả là thầy thuốc thật thì lão ta cũng vẫn là một kẻ ăn thịt người. Tổ sư các ông ấy là Lý Thời Trân đã viết rõ ràng trong cuốn Bản thảo gì gì ấy (5) rằng: thịt người có thể rán ăn được. Lão ta còn có thể nói lão ta không ăn thịt người nữa ư?
Còn như ông anh mình, cũng chẳng phải là ai đổ oan cho đâu! Hồi ông ta giảng sách cho mình, chính miệng ông ta nói có thể "đổi con mà ăn" ("Dịch tử nhi thực "). Lại một lần, ngẫu nhiên bàn luận đến một người không tốt nào đó, ông ta liền nói không những phải giết đi, lại còn phải "xẻo thịt mà ăn, lấy da mà làm nệm" ("Thực nhục tẩm bì ")(6). Hồi ấy mình còn nhỏ, nghe nói, tim cứ đập mãi. Hôm trước người tá điền thôn Lang Sói sang nói chuyện ăn gan người, ông ta chẳng lấy làm lạ chút nào cả, cứ gật đầu lia lịa. Đủ rõ tâm địa ông ta vẫn ác như trước. Đã có thể "đổi con mà ăn" thì cái gì mà chẳng đổi được, người nào mà chẳng ăn được. Trước kia mình chỉ nghe ông ta giảng, cũng hồ đồ cho qua đi. Bây giờ mới biết rằng ngay khi ông ta giảng, không những mép ông ta còn nhậy mỡ người mà bụng ông ta thì đang tơ tưởng đến chuyện ăn thịt người!
VI
Tối om om. Không biết ngày hay đêm nữa. Con chó nhà họ Triệu lại sủa lên rồi!
Hung ác như sư tử, khiếp nhược như thỏ, giảo quyệt như hồ ly...
VII
Mình biết mưu của họ rồi. Ra mặt giết thì không muốn và cũng không dám, sợ tai vạ, nên họ thông đồng với nhau, bủa lưới bức mình phải tự sát. Cứ nhìn bộ điệu của bọn đàn ông đàn bà ngoài phố hôm nọ và hành vi ông anh mấy hôm nay, có thể rõ được tám chín phần. Tốt nhất là mình cởi thắt lưng ra, cột lên xà nhà, rồi treo cổ cho chết đi. Họ không mang tội giết người mà vẫn được như ý muốn. Tất nhiên họ sẽ sung sướng mà reo cười lên. Bằng không thì mình phải khiếp sợ, buồn rầu mà chết. Dù có gầy đi ít nhiều, họ cũng vui lòng.
Họ chỉ ăn được thịt chết! Nhớ trong sách nào có nói đến một con vật tên là hyène (7), mắt rất dễ sợ và hình thù rất xấu xí, thường ăn thịt chết, xương to mấy cũng nhai nát ra rồi nuốt tất. Nghĩ mà rùng mình! Con hyène là bà con với lang sói, lang sói là họ hàng với chó. Hôm trước con chó nhà họ Triệu cứ lườm mình, đủ biết nó cũng đồng mưu với những người kia và đã ăn ý với nhau từ trước. Lão già nọ dù có cúi gầm mặt xuống đất, há có thể lừa nổi mình!
Đáng thương hại nhất là ông anh mình. Ông ta cũng là người, sao ông ta không sợ mà lại mưu với bọn kia ăn thịt mình nhỉ? Hay là vốn đã quen đi như thế từ lâu rồi, không cho là chuyện trái nữa chăng? Hay là táng tận lương tâm rồi, biết mà cứ làm chăng?
Mình nguyền rủa những kẻ ăn thịt người, và phải bắt đầu nguyền rủa ông ta trước. Muốn khuyên can những kẻ ăn thịt người, cũng phải bắt đầu khuyên can ông ta trước.
VIII
Thật ra, điều đó nhẽ ra họ phải biết từ lâu rồi!...
Bỗng có một người nào đi vào, trạc trên dưới hai mươi tuổi, nhìn không rõ tướng mạo, mặt tươi cười hớn hở, gật đầu chào mình. Cái cười của anh ta không ra vẻ chân tình. Mình liền hỏi:
- Ăn thịt người, có nên không?
Anh ta vẫn cười mà nói:
- Không phải là năm đói kém thì sao lại ăn thịt người?
Mình hiểu ngay anh ta cũng một phường thích ăn thịt người. Mình càng can đảm lên, cứ hỏi:
- Có nên không?
- Chuyện đó hỏi làm gì? Ông đến là hay... nói đùa... Hôm nay trời đẹp lắm.
- Phải, trời đẹp lắm, trăng sáng lắm, nhưng mà tôi hỏi anh "có nên không?"
Anh ta ngỏ ý không thích mình hỏi như thế, trả lời vu vơ:
- Không...
- Không nên à? Thế sao họ cứ ăn?
- Đâu có chuyện ấy!
- Đâu có chuyện ấy à? Bên thôn Lang Sói, người ta vừa mới ăn đấy! Lại trong sách cũng chép như thế, bằng chữ đỏ mực còn tươi rói.
Mặt anh ta tái xanh. Anh ta tròn mắt, nói:
- Có lẽ có. Xưa nay vẫn thế...
- Xưa nay vẫn thế thì nên à?
- Tôi không muốn nói với ông về chuyện đó nữa. Và ông cũng không nên nói nữa. Ông càng nói càng sai.
Mình nhảy chồm lên, giương to mắt. Anh ta liền biến mất. Mồ hôi ướt đẫm cả người. Anh ta còn ít tuổi hơn ông anh mình nhiều, nhưng cũng một phường. Nhất định là bố mẹ anh ta bày vẽ cho anh ta. Sợ anh ta đã bày vẽ cho con anh ta rồi cũng nên! Chả trách ngay cả bọn trẻ con cũng nhìn mình một cách dữ tợn.
IX
Muốn ăn thịt người khác, nhưng lại sợ người khác ăn thịt nên họ giữ miếng nhau, nhìn nhau ngờ vực...
Bỏ được tâm địa ấy đi mà yên trí làm việc, đi đứng ăn ngủ, khoan khoái biết chừng nào! Chỉ cần qua được bước khó khăn đó, vượt qua được cửa ải đó. Nhưng bọn họ, cha con, anh em, vợ chồng, bè bạn, thầy trò, thù địch, và cả những người không hề quen biết nhau nữa đều cùng một bè với nhau, khuyến khích nhau, lôi kéo nhau, dù chết cũng không chịu bước qua bước đó.
X
Sáng sớm, đi tìm ông anh. ông ta đang đứng ngoài cửa nhìn trời. Mình đi đến sau lưng, đứng ở khung cửa rồi nói rất bình tĩnh, rất hòa nhã.
- Anh à! Có điều này muốn nói với anh.
Ông ta vội vã quay lại, gật đầu:
- Nói gì cứ nói đi.
- Chỉ có điều này thôi, nhưng khó nói quá. Anh này, có lẽ xưa kia, khi con người còn man rợ, họ đã từng ăn thịt người. Nhưng rồi về sau, tâm tư thay đổi, có kẻ không ăn nữa, muốn trở nên tốt, nên họ đã trở thành người, trở thành những người chân chính. Có kẻ vẫn ăn... Cũng như sâu bọ, có thứ biến thành chim, cá, khỉ, và cuối cùng biến thành người. Có kẻ không muốn trở nên tốt, đến nay vẫn là sâu bọ. Kẻ ăn thịt người so với kẻ không ăn thịt người, xấu hổ biết mấy! Sợ còn xấu hổ hơn sâu bọ so với khỉ nhiều nhiều lắm.
Dịch Nha(8) nấu thịt con cho Kiệt, Trụ ăn. Đó là chuyện ngày trước. Ai biết được từ khi Bàn Cổ khai thiên lập địa, người vẫn ăn thịt người, cho đến con Dịch Nha, và từ con Dịch Nha cho đến ông Từ Tích Lâm(9) rồi từ ông Từ Tích Lâm cho đến cái anh gì bên thôn Lang Sói! Năm ngoái, trên tỉnh có mấy tên phạm nhân bị chém, còn có người mắc bệnh lao lấy bánh bao chấm máu liếm(10).
Họ định ăn thịt em, một mình anh cố nhiên không làm gì được, nhưng hà tất anh phải vào hùa với họ! Kẻ ăn được thịt người thì cái gì mà không làm được. Họ đã ăn được thịt em thì cũng có thể ăn được thịt anh. Cùng một bọn, họ cũng có thể ăn được thịt nhau. Chỉ cần bước một bước thôi, chỉ cần bỏ ngay cái thói ấy đi thì ai nấy đều được yên ổn, thái bình. Đành rằng xưa nay vẫn thế, nhưng bây giờ chúng ta có thể tốt với nhau hơn. Không được ư? Anh ơi! Em tin rằng anh sẽ nói có thể được. Nhưng hôm nọ, khi người tá điền đến xin giảm tô, anh lại nói là không thể được.
Lúc đầu, ông ta chỉ cười nhạt, nhưng rồi cặp mắt trở nên hung dữ. Đến khi mình nói toạc những ý nghĩ bí mật của họ thì mặt ông ta xanh đi. Một đám đông xúm trước cổng, trong đó có ông Triệu và con chó nhà ông ta. Họ chen chúc nhau thò đầu vào xem. Có kẻ mình không nhìn rõ mặt, hình như họ lấy vải trùm đầu lại, có kẻ mặt vẫn xanh lè, răng vẫn nhọn hoắt, miệng mỉm cười. Mình biết là họ cùng một phường, cùng là những kẻ ăn thịt người cả. Nhưng cũng biết tâm tư họ không giống nhau. Có kẻ thì cho cứ nên ăn, vì xưa nay vẫn thế; có kẻ thì cho không nên ăn, nhưng vẫn cứ muốn ăn, lại sợ người khác nói toạc ra, nên khi nghe mình nói, họ giận lắm, tuy họ vẫn mỉm miệng cười nhạt.
Lúc đó, ông anh mình bỗng trở nên hung dữ quát to:
- Đi đi! Người điên chứ có gì mà xem!
Lúc đó, mình lại hiểu ngay mánh khóe của họ. Không những họ không chịu thay đổi, mà họ đã sắp đặt sẵn để vu cho mình là điên! Sau này, ăn thịt mình, không những họ sẽ được thái bình vô sự, mà có lẽ có người còn cám ơn họ là đằng khác. Người tá điền nói người bị đưa ra ăn thịt là một người ác. Cũng là mánh khóe ấy. Cũng là giọng lưỡi ấy!
Lão Năm Trần bước vào, mặt cũng hầm hầm. Làm sao bịt được miệng mình! Mình cứ nhất định nói cho họ rõ:
- Các người có thể thay đổi được. Hãy thực tâm mà thay đổi đi! Nên biết rằng sau này không ai dung thứ cho kẻ ăn thịt người sống trên thế gian này nữa đâu!
Các người không thay đổi thì các người cũng sẽ bị ăn thịt cả. Dù có con đàn cháu lũ, cũng sẽ bị những người chân chính tiêu diệt, chẳng khác gì người đi săn tiêu diệt lang sói!
- Cũng giống như sâu bọ mà thôi!
Đám người trước cổng bị lão Năm Trần xua đuổi đi hết. Không rõ ông anh mình cũng đi đâu mất. Lão Năm Trần khuyên mình nên vào trong nhà. Trong nhà tối om om. Trên đầu, kèo, xà nhà rung chuyển lên. Rung chuyển một hồi rồi to dần, chất đống trên người mình.
Nặng quá thể, không nhúc nhích được. ý hẳn là sẽ đè mình chết mất thôi! Biết là không phải nặng thật, mình cố giãy giụa, mồ hôi đổ ra như tắm. Nhưng vẫn cứ nói:
- Các người thay đổi ngay đi, thành tâm mà thay đổi đi. Các người nên biết rằng tương lai, người ta không dung thứ cho những kẻ ăn thịt người đâu!...
XI
Không thấy mặt trời nữa. Cửa cũng đóng kín. Ngày ngày hai bữa cơm.
Cầm đũa lại nghĩ đến ông anh. Hiểu ra rồi, tại sao mà đứa em gái mình lại chết. Cũng là vì ông ta cả. Hồi đó, nó mới lên năm, dễ thương quá! Tưởng như là còn trông thấy nó trước mắt. Mẹ khóc mãi. ông ta khuyên đừng khóc nữa. Chắc là ông ta đã ăn thịt đi rồi, bây giờ nghe khóc, ông ta cầm lòng không đậu. Nếu như còn cầm lòng không đậu, thì...
Đứa em gái mình bị ông anh ăn thịt, mẹ có biết thế hay không, mình làm sao hiểu được!
Nghĩ có lẽ mẹ cũng biết. Chẳng qua khi khóc, mẹ không nói ra đó thôi. Chắc cũng cho là phải. Còn nhớ hồi lên bốn lên năm, mình đang ngồi hóng mát trước nhà, nghe ông anh nói rằng: Cha mẹ ốm đau, con phải cắt một miếng thịt, nấu chín, dâng cho cha mẹ, mới là có hiếu. Mẹ cũng không cãi lại. Ăn được một miếng thì tất nhiên có thể ăn cả con người. Nhưng bây giờ nhớ lại thì hôm ấy, nghe mẹ khóc, thương tâm quá đi mất! Thật là một chuyện lạ lùng!
XII
Không thể nghĩ được nữa.
Bây giờ mới biết mình đã sống bao nhiêu năm ở một nơi mà người ta ăn thịt lẫn nhau từ bốn nghìn năm nay. Đứa em gái mình chết đúng vào lúc ông anh lên cai quản trong nhà. Vị tất ông ta đã không đem thịt nó trà trộn với các thức ăn rồi giấu giếm đi, đưa cho mọi người ăn!
Vị tất vô ý mình đã chẳng ăn một vài miếng thịt của đứa em! Và bây giờ đây đến lượt mình...
Mình là một kẻ có truyền thống ăn thịt người trên bốn nghìn năm; lúc đầu không biết nhưng bây giờ biết rồi thì khó lòng mà nhìn mặt những người chân chính.
XIII
Chắc cũng còn những đứa trẻ chưa từng ăn thịt người chứ?
Hãy cứu lấy các em!(11)
Chú thích
(1) Truyện này trước đăng ở Tân thanh niên, số tháng 5 năm 1918. Trong lịch sử văn học Trung Quốc đó là tác phẩm đầu tiên đả kích chế độ phong kiến một cách sâu sắc.
(2) Một thứ bệnh điên, người bệnh lúc nào cũng thấy người ta bức hại mình.
(3)Cố Cữu: lâu đời. Cụ Cố Cữu là một tên tượng trưng chỉ những nhân vật bảo thủ. Cuốn sổ ghi nợ nói ở đây ám chỉ lịch sử thống trị tràng kỳ của giai cấp phong kiến. Giẫm lên cuốn sổ ghi nợ ấy tức là có hành vi chống lại chế độ phong kiến.
(4) Nguyên văn: cản khẩn ngật bãi: ý ông thầy thuốc muốn nói: Cho uống ngay. Chữ ngật có nghĩa là ăn và cũng có nghĩa là uống (như ngật trà, ngật dược: uống chè, uống thuốc). Đây là một cách chơi chữ rất tài, không dịch được.
(5) Chỉ cuốn Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân (1518-1593) đời Minh. Đó là bộ sách kinh điển nghiên cứu dược tính của Trung Quốc. Gồm 52 quyển.
(6) "Dịch tử nhi thực", "Thực nhục tẩm bì" là chữ trong Tả truyện. Dịch tử nhi thực nguyên là chỉ cảnh tượng thê thảm khi thành bị bao vây. "Người nước Sở vây nước Tống, người nước Tống đổi con mà ăn, chặt xương mà nhen lửa. Thực nhục tẩm bì là lấy trong câu Tấn Châu Xước nói với Tề Trang công: "Nhưng hai người đó cũng là loài cầm thú, tôi sẽ xẻo thịt mà ăn, lấy da mà làm nệm". Hai người đó chỉ Thực Xước và Quách Tối, người nước Tề bị Châu Xước bắt được.
(7) Con hyène (i-e-nơ) thường đi theo sư tử, hổ và ăn những miếng thịt thừa của những con vật kia để lại.
(8) Dịch Nha người nước Tề, đời Xuân thu, có tài nấu nướng. Truyền rằng Tề Hoàn công than thở chưa hề được biết mùi vị thịt trẻ con ra sao. Dịch Nha bèn nấu thịt con mình dâng lên Tề Hoàn công.
(9) Từ Tích Lâm ám chỉ Từ Tích Lân, một nhà cách mạng cuối đời Thanh. Năm 1907, ông đâm chết tên tuần vũ tỉnh An Huy, tên là Ân Minh, bị bắt rồi bị hại. Bọn tay chân Ân Minh moi gan nấu ăn. Đây là một chữ viết sai (Lân thành ra Lâm) như nói trong lời nói đầu, mà tác giả không sửa chữa, cứ để nguyên.
(10) Xem truyện Thuốc
(11) Tháng 1 năm 1918, khi đã giác ngộ về giai cấp, không tin vào tiến hóa luận nữa, Lỗ Tấn có viết:
"... Bây giờ nếu lại đăng một bài nghị luận rất mực ôn hòa như "hãy cứu lấy các em" thì, ngay tôi, nghe cũng thấy rỗng tuếch" (Trả lời ông Hữu Hằng, Tạp văn, tập II, tr.68).
Trương Chính dịch