Lời tựa
Tác giả: Lỗ Tấn
Tôi có ý viết cho chú AQ một pho chính truyện đã mấy năm trời nay rồi, nhưng một đằng tính viết, một đằng lại ngần ngại. Điều đó đủ chứng tỏ rằng tôi chẳng có tư cách một nhà "lập ngôn" tí nào. Chả là xưa nay những ngòi bút bất hủ phải dành để viết về những nhân vật bất hủ. Thế rồi, nhân vật nhờ văn chương mà trường thọ, văn chương cũng nhờ nhân vật mà được lưu truyền. Rút cục, văn chương nhờ nhân vật hay nhân vật nhờ văn chương mà được lưu truyền, cũng khó nói cho minh bạch. Ấy thế mà chung qui tôi lại vẫn cứ nghĩ đến viết truyện cho A Q. Thì ra tâm trí tôi như có ma quỷ ám ảnh.
Nhưng vừa cầm bút định viết thiên văn chương "tốchủ" này, tôi đã cảm thấy nhiều điều khó khăn.
Một là cái nhan đề cuốn truyện. Đức Thánh nói rằng: "Danh bất chính tắc ngôn bất thuận" (Tên không đúng thì lời nói không xuôi). Ấy là một điều mình phải đặc biệt chú ý. Truyện có nhiều loại: liệt truyện, tự truyện, nội truyện, ngoại truyện, biệt truyện, gia truyện, tiểu truyện, ..., phiền một nỗi không có một tên nào hợp cả. Gọi là "liệt truyện" ư? Thì đây nào có phải là một nhân vật có tên tuổi bằng vai bằng lứa với những nhân vật tai to mặt lớn trong "chính sử" ! Gọi là "tự truyện" ư? Thì tôi nào có phải là A Q? Còn nói là "nội truyện", thì A Q quyết không phải là thần tiên. Hay là dùng chữ "biệt truyện" vậy? Khốn nỗi ông Đại Tổng thống, ngài chưa hề hạ dụ cho quốc sử quán chép "bản truyện" của A Q bao giờ. Vẫn biết rằng mặc dù trong bộ chính sử nước Anh không hề chép liệt truyện các người đánh bạc, mà nhà đại văn hào Dickens cũng đã viết ra bộ Liệt truyện những người đánh bạc. Nhưng một nhà văn hào có thể như thế, chứ bọn mình thì quyết không xong. Sau nữa, còn hai chữ "gia truyện". Nhưng tôi không rõ tôi với A Q có phải là bà con không, mà con cháu y cũng chưa nhờ tôi viết hộ bao giờ ! Hay gọi là "tiểu truyện"? Thì A Q cũng chưa hề có một bộ "đại truyện" nào cả. Nói tóm lại, truyện này cũng có thể cho là một bộ "bản truyện", nhưng xét ra, văn chương của tôi nôm na mách qué lắm, toàn dùng những lời của "anh kéo xe, chị bán tương", lẽ nào lại dám lạm dụng như thế ! Cực chẳng đã, đành phải mượn hai chữ "chính truyện" trong câu đưa đẩy mà mấy nhà viết tiểu thuyết "không chính quy" vẫn dùng: "Nhàn thoại hưu đề ngôn quy chính truyện" (Hãy gác những chuyện rườm rà để kể lại chuyện chính) mà đặt cho bộ sách cái tên "chính truyện", mặc dù hai chữ này có thể lẫn lộn với hai chữ "chính truyền" trong tên bộ sách có tiếng của cổ nhân là bộ Thư pháp chính truyền thì cũng mặc !
Hai là, lệ thường phàm viết truyện, người ta vẫn hay mào đầu bằng mấy chữ "Ông Mỗ, tự là Mỗ, người xứ nọ, xứ kia ..." thế nhưng tôi lại không biết A Q họ gì hết ? Có một lần, tưởng như A Q là họ Triệu ; nhưng đến ngày hôm sau thì lại không lấy gì làm chắc nữa. Ấy là hôm cậu con Cụ Cố nhà họ Triệu vừa thi đỗ tú tài. Hôm ấy, tiếng phèng la bèng ! bèng ! báo tin cho làng nước biết. A Q uống luôn hai bát rượu tăm rồi khoa chân múa tay nói rằng: tin ấy cũng làm cho y rất vẻ vang, bởi vì y vốn là bà con với cụ Triệu ; nếu tính theo đúng thế thứ trong gia phả thì y còn đứng ngang hàng với ông nội cậu tú kia đấy ! Lúc đó, những người đứng xung quanh nghe cũng có vẻ kính nể y. Nào ngờ, hôm sau bác khán làng đã gọi A Q đến nhà Cụ Cố họ Triệu. Vừa thấy A Q, cụ mặt bừng bừng mắng ngay:
- A Q ! Mày là một thằng khốn nạn mà mày lại dám nhận là họ hàng với tao kia à !
A Q đứng câm miệng.
Cụ càng nhìn, càng giận, sấn tới mấy bước nữa, nói:
- Mày dám nói láo như thế à ? Làm sao tao lại họ hàng với thứ mày được ? Mày là người họ Triệu à ?
A Q vẫn đứng im thin thít, muốn liệu thế chuồn, nhưng Cụ Cố đã nhảy tới, tát cho một tát vào mặt.
- Mày là người họ Triệu thế nào được kia chứ ? Mày mà họ Triệu vào cái ngữ nào?
A Q không hề biện bác gì về chỗ y chính là họ Triệu hay không cả, chỉ đưa tay sờ vào má bên trái rồi cùng bác khán đi ra. Ra khỏi cửa, bác khán còn mắng cho một mẻ nữa, đành phải kỉnh cho bác hai quan tiền rượu. Những người biết chyyện đều cho A Q đến là vớ vẩn, khi không, chuốc lấy trận đòn oan, chứ nào đã chắc gì mình là người họ Triệu ; mà dẫu có quả là người họ Triệu đi nữa thì trước mặt Cụ Cố, cũng không nên nói dại như vậy. Thế là từ đấy về sau, không ai nhắc đến chuyện A Q họ gì nữa. Vì vậy mà tôi không biết được thực tình A Q họ gì cả.
Ba là, tôi cũng không biết chữ tên A Q viết như thế nào. Lúc y còn sống, người ta gọi y là A Quây, đến khi chết rồi thì chả hề ai nhắc đến tên ấy nữa, còn nói gì đến việc chép vào sử sách ! Mà nếu như có việc chép vào sử sách, thì đây là lần đầu tiên đây, cho nên sự khó khăn này tôi vấp trước ai hết. Tôi từng có lúc nghĩ kỹ rằng : A Quây chính là A Quế hoặc là A Quí đây ! Nếu như A Q có cái biệt hiệu là Nguyệt đình, hoặc giả y đã ăn sinh nhật vào khoảng tháng tám, thì nhất định là A Quế đứt đi rồi. Nhưng y lại chưa hề có biệt hiệu - mà có nữa cũng không ai biết - , lại cũng chưa hề gửi thiếp cho ai vào ngày sinh nhật để người ta gửi đến cho những bài thơ chúc tụng, thành ra viết A Quế là võ đoán. Lại nếu như y có một ông anh hoặc ông em tên là A Phú chẳng hạn, thì nhất định y là A Quí ; nhưng y chỉ trơ trọi có một mình. Vậy viết A Quí cũng chẳng có bằng chứng gì. Còn những chữ lạ khác cùng âm quây thì tìm không ra. Trước đây, tôi cũng có hỏi qua cậu Tú con cụ Triệu ; nào ngờ một người uyên bác như cậu ấymà cũng mù tịt. Cậu ta lại kết luận rằng đó là tại ông Trần Độc Tú đấy ! Ông ta ra tờ Tân thanh niên rồi đề xướng việc đem chữ Trung quốc mà viết theo lối chữ Tây, thành ra quốc túy trầm luân, không biết tra khảo vào đâu nữa. Cuối cùng, tôi đành phải nhớ một người làng lục hộ hồ sơ án A Q xem sao. Ròng rã tám tháng trời, người ta mới trả lời cho tôi rằng : Trong bản án không hề thấy tên nào đọc na ná là A Quây cả. Không biết có chắc hay không, hoặc giả người ta không tra khảo gì cả cũng nên, nhưng tôi không còn có cách nào khác nữa. Sợ lối "chú âm phù hiệu" chưa được thông dụng, tôi đành dùng lối chữ Tây, theo cách phiên âm của người Anh mà viết thành A Quây, và viết tắt là A Q vậy. Như thế, tôi đã nhắm mắt làm theo bọn Tân thanh niên, trong lòng cũng hết sức áy náy, nhưng cậu Tú còn bí nữa là tôi đây, biết làm thế nào?
Bốn là quê quán A Q. Nếu như y là người họ Triệu thì theo thói quen hay xưng quận vọng, có thể chiếu theo chỗ chú giải trong cuốn Quận danh bách gia tính mà nói rằng : y là người "Thiên thủy, miền lũng tây". Nhưng đáng tiếc, A Q họ gì chưa rõ lắm, thì quê quán y ở đâu cũng chưa có thể định được. Tiếng rằng A Q sinh bình vẫn trú ngụ ở làng Mùi, nhưng y lại cứ luôn luôn đi ngủ trọ đâu đâu ấy. Thành thử không thể nói y là người làng Mùi được. Nếu nói là người làng Mùi thì trái với phép viết sử.
Một điều an ủi cho tôi là chữ A thì đúng hết sức, quyết không mắc vào khuyết điểm vơ quàng vơ xiên, có thể đưa ra tuyên bố cùng các nhà thông thái được. Còn như những việc khác, chỉ mong các đồ đệ của ông Hồ Thích Chi là những người "sính lịch sử, sính khảo cứu" sau này có tìm ra manh mối gì khác chăng? Nhưng lúc đó, e cuốn A Q chính truyện của tôi đã mất tích từ bao giờ rồi ...
Trên đây cũng cho đi là một bài tựa.
Tôi có ý viết cho chú AQ một pho chính truyện đã mấy năm trời nay rồi, nhưng một đằng tính viết, một đằng lại ngần ngại. Điều đó đủ chứng tỏ rằng tôi chẳng có tư cách một nhà "lập ngôn" tí nào. Chả là xưa nay những ngòi bút bất hủ phải dành để viết về những nhân vật bất hủ. Thế rồi, nhân vật nhờ văn chương mà trường thọ, văn chương cũng nhờ nhân vật mà được lưu truyền. Rút cục, văn chương nhờ nhân vật hay nhân vật nhờ văn chương mà được lưu truyền, cũng khó nói cho minh bạch. Ấy thế mà chung qui tôi lại vẫn cứ nghĩ đến viết truyện cho A Q. Thì ra tâm trí tôi như có ma quỷ ám ảnh.
Nhưng vừa cầm bút định viết thiên văn chương "tốchủ" này, tôi đã cảm thấy nhiều điều khó khăn.
Một là cái nhan đề cuốn truyện. Đức Thánh nói rằng: "Danh bất chính tắc ngôn bất thuận" (Tên không đúng thì lời nói không xuôi). Ấy là một điều mình phải đặc biệt chú ý. Truyện có nhiều loại: liệt truyện, tự truyện, nội truyện, ngoại truyện, biệt truyện, gia truyện, tiểu truyện, ..., phiền một nỗi không có một tên nào hợp cả. Gọi là "liệt truyện" ư? Thì đây nào có phải là một nhân vật có tên tuổi bằng vai bằng lứa với những nhân vật tai to mặt lớn trong "chính sử" ! Gọi là "tự truyện" ư? Thì tôi nào có phải là A Q? Còn nói là "nội truyện", thì A Q quyết không phải là thần tiên. Hay là dùng chữ "biệt truyện" vậy? Khốn nỗi ông Đại Tổng thống, ngài chưa hề hạ dụ cho quốc sử quán chép "bản truyện" của A Q bao giờ. Vẫn biết rằng mặc dù trong bộ chính sử nước Anh không hề chép liệt truyện các người đánh bạc, mà nhà đại văn hào Dickens cũng đã viết ra bộ Liệt truyện những người đánh bạc. Nhưng một nhà văn hào có thể như thế, chứ bọn mình thì quyết không xong. Sau nữa, còn hai chữ "gia truyện". Nhưng tôi không rõ tôi với A Q có phải là bà con không, mà con cháu y cũng chưa nhờ tôi viết hộ bao giờ ! Hay gọi là "tiểu truyện"? Thì A Q cũng chưa hề có một bộ "đại truyện" nào cả. Nói tóm lại, truyện này cũng có thể cho là một bộ "bản truyện", nhưng xét ra, văn chương của tôi nôm na mách qué lắm, toàn dùng những lời của "anh kéo xe, chị bán tương", lẽ nào lại dám lạm dụng như thế ! Cực chẳng đã, đành phải mượn hai chữ "chính truyện" trong câu đưa đẩy mà mấy nhà viết tiểu thuyết "không chính quy" vẫn dùng: "Nhàn thoại hưu đề ngôn quy chính truyện" (Hãy gác những chuyện rườm rà để kể lại chuyện chính) mà đặt cho bộ sách cái tên "chính truyện", mặc dù hai chữ này có thể lẫn lộn với hai chữ "chính truyền" trong tên bộ sách có tiếng của cổ nhân là bộ Thư pháp chính truyền thì cũng mặc !
Hai là, lệ thường phàm viết truyện, người ta vẫn hay mào đầu bằng mấy chữ "Ông Mỗ, tự là Mỗ, người xứ nọ, xứ kia ..." thế nhưng tôi lại không biết A Q họ gì hết ? Có một lần, tưởng như A Q là họ Triệu ; nhưng đến ngày hôm sau thì lại không lấy gì làm chắc nữa. Ấy là hôm cậu con Cụ Cố nhà họ Triệu vừa thi đỗ tú tài. Hôm ấy, tiếng phèng la bèng ! bèng ! báo tin cho làng nước biết. A Q uống luôn hai bát rượu tăm rồi khoa chân múa tay nói rằng: tin ấy cũng làm cho y rất vẻ vang, bởi vì y vốn là bà con với cụ Triệu ; nếu tính theo đúng thế thứ trong gia phả thì y còn đứng ngang hàng với ông nội cậu tú kia đấy ! Lúc đó, những người đứng xung quanh nghe cũng có vẻ kính nể y. Nào ngờ, hôm sau bác khán làng đã gọi A Q đến nhà Cụ Cố họ Triệu. Vừa thấy A Q, cụ mặt bừng bừng mắng ngay:
- A Q ! Mày là một thằng khốn nạn mà mày lại dám nhận là họ hàng với tao kia à !
A Q đứng câm miệng.
Cụ càng nhìn, càng giận, sấn tới mấy bước nữa, nói:
- Mày dám nói láo như thế à ? Làm sao tao lại họ hàng với thứ mày được ? Mày là người họ Triệu à ?
A Q vẫn đứng im thin thít, muốn liệu thế chuồn, nhưng Cụ Cố đã nhảy tới, tát cho một tát vào mặt.
- Mày là người họ Triệu thế nào được kia chứ ? Mày mà họ Triệu vào cái ngữ nào?
A Q không hề biện bác gì về chỗ y chính là họ Triệu hay không cả, chỉ đưa tay sờ vào má bên trái rồi cùng bác khán đi ra. Ra khỏi cửa, bác khán còn mắng cho một mẻ nữa, đành phải kỉnh cho bác hai quan tiền rượu. Những người biết chyyện đều cho A Q đến là vớ vẩn, khi không, chuốc lấy trận đòn oan, chứ nào đã chắc gì mình là người họ Triệu ; mà dẫu có quả là người họ Triệu đi nữa thì trước mặt Cụ Cố, cũng không nên nói dại như vậy. Thế là từ đấy về sau, không ai nhắc đến chuyện A Q họ gì nữa. Vì vậy mà tôi không biết được thực tình A Q họ gì cả.
Ba là, tôi cũng không biết chữ tên A Q viết như thế nào. Lúc y còn sống, người ta gọi y là A Quây, đến khi chết rồi thì chả hề ai nhắc đến tên ấy nữa, còn nói gì đến việc chép vào sử sách ! Mà nếu như có việc chép vào sử sách, thì đây là lần đầu tiên đây, cho nên sự khó khăn này tôi vấp trước ai hết. Tôi từng có lúc nghĩ kỹ rằng : A Quây chính là A Quế hoặc là A Quí đây ! Nếu như A Q có cái biệt hiệu là Nguyệt đình, hoặc giả y đã ăn sinh nhật vào khoảng tháng tám, thì nhất định là A Quế đứt đi rồi. Nhưng y lại chưa hề có biệt hiệu - mà có nữa cũng không ai biết - , lại cũng chưa hề gửi thiếp cho ai vào ngày sinh nhật để người ta gửi đến cho những bài thơ chúc tụng, thành ra viết A Quế là võ đoán. Lại nếu như y có một ông anh hoặc ông em tên là A Phú chẳng hạn, thì nhất định y là A Quí ; nhưng y chỉ trơ trọi có một mình. Vậy viết A Quí cũng chẳng có bằng chứng gì. Còn những chữ lạ khác cùng âm quây thì tìm không ra. Trước đây, tôi cũng có hỏi qua cậu Tú con cụ Triệu ; nào ngờ một người uyên bác như cậu ấymà cũng mù tịt. Cậu ta lại kết luận rằng đó là tại ông Trần Độc Tú đấy ! Ông ta ra tờ Tân thanh niên rồi đề xướng việc đem chữ Trung quốc mà viết theo lối chữ Tây, thành ra quốc túy trầm luân, không biết tra khảo vào đâu nữa. Cuối cùng, tôi đành phải nhớ một người làng lục hộ hồ sơ án A Q xem sao. Ròng rã tám tháng trời, người ta mới trả lời cho tôi rằng : Trong bản án không hề thấy tên nào đọc na ná là A Quây cả. Không biết có chắc hay không, hoặc giả người ta không tra khảo gì cả cũng nên, nhưng tôi không còn có cách nào khác nữa. Sợ lối "chú âm phù hiệu" chưa được thông dụng, tôi đành dùng lối chữ Tây, theo cách phiên âm của người Anh mà viết thành A Quây, và viết tắt là A Q vậy. Như thế, tôi đã nhắm mắt làm theo bọn Tân thanh niên, trong lòng cũng hết sức áy náy, nhưng cậu Tú còn bí nữa là tôi đây, biết làm thế nào?
Bốn là quê quán A Q. Nếu như y là người họ Triệu thì theo thói quen hay xưng quận vọng, có thể chiếu theo chỗ chú giải trong cuốn Quận danh bách gia tính mà nói rằng : y là người "Thiên thủy, miền lũng tây". Nhưng đáng tiếc, A Q họ gì chưa rõ lắm, thì quê quán y ở đâu cũng chưa có thể định được. Tiếng rằng A Q sinh bình vẫn trú ngụ ở làng Mùi, nhưng y lại cứ luôn luôn đi ngủ trọ đâu đâu ấy. Thành thử không thể nói y là người làng Mùi được. Nếu nói là người làng Mùi thì trái với phép viết sử.
Một điều an ủi cho tôi là chữ A thì đúng hết sức, quyết không mắc vào khuyết điểm vơ quàng vơ xiên, có thể đưa ra tuyên bố cùng các nhà thông thái được. Còn như những việc khác, chỉ mong các đồ đệ của ông Hồ Thích Chi là những người "sính lịch sử, sính khảo cứu" sau này có tìm ra manh mối gì khác chăng? Nhưng lúc đó, e cuốn A Q chính truyện của tôi đã mất tích từ bao giờ rồi ...
Trên đây cũng cho đi là một bài tựa.