Phần 6
Tác giả: Lỗ Tấn
Tối hôm mười bốn rạng ngày rằm tháng Chín niên hiệu Tuyên thống năm thứ ba, tức là hôm AQ bán cái ruột tượng cho chú Triệu Bạch Nhẫn, vào hồi canh ba, lúc bốn giờ, một chiếc thuyền ván, mui đen, khá to ghé vào bến trước nhà họ Triệu giữa lúc đêm khuya trời tối mò mò, dân làng đang ngủ say, không ai hay biết gì hết. Và chưa mờ sáng thì chiếc thuyền đã rời khỏi bến, chỉ có mấy người trông thấy mà thôi. Sau lúc đã dò la, thầm thì thầm thụt cùng nhau khá lâu, người ta mới biết rằng: chính là thuyền nhà cụ Cử.
Thuyền nhà cụ Cử đã đưa đến cho làng Mùi một nỗi lo âu hết sức lớn. Chưa đúng ngọ, cả làng đã nhốn nháo hẳn lên. Chiếc thuyền này về đây để làm gì thì nhà cụ Triệu hết sức giữ bí mật. Nhưng trong các quán rượu và các hàng nước, đâu đâu người ta cũng đồn dậy lên rằng: bọn Cách mạng sắp vào huyện nên cụ Cử chạy về làng lánh nạn. Chỉ có thím Bảy là bảo không phải. Thím ấy nói: chỉ có mấy hòm quần áo cũ trên cụ Cử gửi xuống nhờ giữ hộ, nhưng cụ Triệu không nhận và giả lại ngay. Chả là cậu Tú Triệu và cụ Cử xưa nay không tương đắc gì, cho nên trong lúc hoạn nạn, hai nhà nhất định không có thể san sẻ nỗi lo nỗi buồn cùng nhau. Vả lại thím Bảy ở ngay bên cạnh nhà cụ Triệu, thấy tận mắt, nghe tận tai, cho nên chắc hẳn là không sai.
Mặc dù như thế, tiếng đồn vẫn lan rộng ra. Người ta bảo nhau: hình như cụ Cử không về, nhưng cụ có viết một bức thư rất dài để làm thân với Cụ Cố. Cụ Cố làng ta cũng đã nghĩ lại, và cụ cho rằng: cũng chả có hại gì nên đã cho gửi cái hòm lại. Cái hòm ấy hiện giờ nhét dưới gầm giường cụ bà nằm. Còn như tin tức về bọn Cách mạng thì có kẻ nói chính tối hôm qua chúng nó đã vào huyện rồi, chú nào chú ấy áo giáp bạch, mũ bạch, ăn bận trắng toát một loạt để tang cho vua Sùng Chính.
Xua kia, AQ đã mấy lần nghe người ta nói đến cách mạng. Năm nay, y lại đã thấy chém bọn Cách mạng độ vừa rồi. Nhưng trong óc y đã có sẵn một ý kiến chẳng biết nguồn gốc từ đâu cho rằng: làm cách mạng tức là làm giặc; làm giặc tức là báo hại y. Vì vậy nên xưa nay, y vẫn ghét cay ghét đắng bọn Cách mạng. Ngờ đâu chính bọn đó đã làm cho cụ Cử danh giá khắp vùng như thế kia mà cũng phải sợ, thì y cũng đã hơi lấy làm "lác mắt". Huống nữa là y lại thấy lũ đàn ông đàn bà khốn nạn ở làng Mùi cuống quít lên như vậy, thì y càng khoái chí. Y nghĩ bụng: "Cách mạng cũng hay! Cách mẹ cái mạng lũ chúng nó đi! Ghét quá đi mất! Giận quá đi mất! ... Tớ, tớ cũng sẽ đi đầu hàng cách mạng."
Gần đây, AQ túng thiếu, thành thử y cũng có ý bất bình. Phần thì trưa hôm ấy, bụng đói, uống hai bát rượu, cho nên y càng choáng váng say. Y vừa nghĩ ngợi vừa rảo bước, tâm hồn lại nghe nhẹ nhàng hớn hở lên. Rồi chả biết thế quái nào mà bỗng y đã tưởng tượng ngay rằng y là người cách mạng, và cả bọn dân làng Mùi đã thành "tù binh" của y cả rồi! Trong lúc đắc ý, bất giác y hét to lên mấy tiếng:
- Làm giặc nào! làm giặc nào!
Dân làng Mùi bấy giờ đều nhìn AQ bằng cặp mắt sợ hãi vô cùng. Điều đáng thương hại đó xưa nay y chưa từng thấy. Thành ra y thích chí vô hạn, chẳng khác gì nắng tháng sáu mà được uống nước đá vậy! Y càng hớn hở rảo bước và nói to:
- Hay lắm! Tớ muốn gì sẽ được nấy! Tớ ưa ai là người ấy được nhờ!
Cắc, cắc, tùng, tùng! Ăn năn đà quá muộn! Chỉ vì quá chén mà Trịnh hiền đệ bị giết oan ... a ... a ... Tùng tùng, tùng tùng, cắc ... Cắc cắc, tùng tùng ... Thủ cấp (i i i) cương (i i) liên (i-a) tương nỉ đả.
Trước nhà Cụ Cố họ Triệu, hai bố con và hai người bà con chính tông của cụ đang đứng xúm ở cổng bàn về cách mạng. AQ không trông thấy, cứ ngang nhiên rảo bước và vẫn hát:
- Tùng ! tùng ...
- Này bác Q ơi!
Cụ Cố gọi khe khẽ và có vẻ sợ sệt.
Xưa nay, đã bao giờ AQ nghĩ người ta lại có thể kết liền chữ "bác" với tên mình để gọi. Vậy nên y cho rằng người ta còn nói chuyện gì đâu đâu ấy, chứ chẳng liên can gì đến mình. Y cứ hát:
- Cắc, cắc, cắc, ... Tùng ... tùng ... tùng.
- Bác Q này!
- Ăn năn đà quá muộn, à ...!
Cậu Tú đành phải gọi thẳng:
- AQ à!
Lúc đó AQ mới dừng chân, nghếch đầu lại hỏi:
- Cái gì thế?
- Bác Q này ... Độ này ...
Cụ Cố bỗng không biết nói gì nữa
- Độ này! ... phát tài chứ?
- Vâng ạ! Phát tài hẳn chứ lỵ! Muốn gì là được nấy!
- À, à bác Q này! Bọn mình là bạn nghèo với nhau cả, thì chắc chẳng lẽ gì ...
Triệu Bạch Nhẫn rụt rè nói, cố ý dò xem ý tứ nhà cách mạng như thế nào.
- Bạn nghèo à? Anh lại không phong lưu bằng mấy tôi ấy à?
Vừa nói xong, AQ đã bước đi.
Mấy người nhà họ Triệu nghe mà phát khiếp, đứng lặng đi một hồi. Chiều hôm ấy, hai bố con nhà họ Triệu bàn bạc cùng nhau, cho mãi đến lúc đỏ đèn mới thôi. Còn chú Triệu Bạch Nhẫn vừa về đến nhà là cởi ngay cái ruột tượng, bảo chị vợ giấu kín vào dưới đáy hòm.
AQ hớn hở nhẹ bước trên con đường làng một hồi khá lâu. Về đến đền Thổ Cốc thì y đã tỉnh rượu hẳn. Chiều hôm ấy, lão từ đối với y cũng tỏ y nhã nhặn khác thường, mời y uống chén nước trà. Y nài lão thết y luôn hai khẩu bánh nữa. Ăn xong, y còn lấy một đoạn nến bốn lạng thắp dở và cả cái cọc nến mang về buồng nhỏ của y, đỏ đèn lên, một mình nằm nghỉ. Giờ này, bao nhiêu ý nghĩ tốt đẹp, bao nhiêu niềm vui mà y không tài nào tả nên lời, đang nhảy múa trong đầu óc y giống như ngọn đèn đêm nguyên đán vậy:
"Làm giặc! Cũng vui đấy chứ! Một bọn làm cách mạng tuyền là mũ bạch, áo giáp bạch, ai nấy tay cầm dao bản, roi sắt, lựu đạn, súng trường, nạng ba chia, câu liêm chạy cả đến đền Thổ Cốc gọi: "AQ! Chúng ta cùng đi, đi!" Thế là cùng nhau đi ...
Lúc đó tụi dân làng Mùi khốn nạn trông mới buồn cười! Chúng nó sẽ quì ràn rạt xuống van xin:"AQ tha chết cho tôi đi!" Nhưng ai mà nghe chúng nó! Thằng cu D. đáng tội chết trước. Rồi Cụ Cố họ Triệu, cả lão Tú nữa, cả thằng Tây giả nữa ... Có nên tha thằng nào không nhỉ? Kể ra lão Vương Râu thì tha ra cũng chẳng hề gì, nhưng bất tất!
"Đồ đạc, thì cứ vào thẳng nhà Cụ Cố phá ngay cái rương ra xem ... Tiền đồng ... vàng bạc ... áo sa ... Mà trước hết phải khuân ngay cái giường Hông-kông của mợ Tú về đền Thổ Cốc cái đã ... Ngoài ra, còn bộ bàn ghế nhà họ Tiền cũng chuyển về nốt. Hay là ta dùng ngay bộ của nhà họ Triệu vậy? Lẽ cố nhiên mình bất tất phải bỏ tay ra khuân vác. Bảo thằng cu D. khiêng đi, mau lên! Chậm là tát vào mặt ...
" Lão Triệu Tư Thần có con em, nhưng xấu quá! Còn con gái thím Bảy Trâu, vài năm nữa hẵng nói chuyện ... Vợ lão Tây giả ... con này đã chung chạ với một thằng đàn ông không có đuôi sam ... Chao! Tởm ... Thứ đàn bà ấy chả ra trò! Mụ Tú Triệu phải một cái là trên mi mắt có một cái sẹo! Mà ... con mụ vú Ngò lâu nay đi đâu nhỉ? Bực một nỗi là cái bàn chân chị ta to quá! ..."
Giữa lúc đầu óc còn rối beng với bấy nhiêu ý nghĩ thì AQ đã ngáy khò khò. Cây nến bốn lạng vừa cháy mất độ dăm phân, ngọn lửa lập lòe chiếu vào cái miệng hoác rộng của y.
"Ha! Ha!" AQ bỗng giật mình dậy, kêu to một tiếng rồi nghếch đầu lên, hoảng hốt nhìn quanh nhìn quất. Nhìn thấy đoạn nến bốn lạng vẫn còn, y lại ngả người ra ngủ.
Ngày hôm sau, AQ thức dậy rất muộn. Y chạy ra nhìn trên con đường làng, thì đâu vào đấy, chả có gì thay đổi. Mà cái bụng của y nghe vẫn đói! Y ngẫm nghĩ hồi lâu cũng chả nghĩ ra cái gì cả. Nhưng bỗng hình như y đã có một quyết định gì, rồi cũng chẳng biết là vô tình hay hữu ý, y lại nhẹ bước lần đến chùa Tĩnh tu.
Sau bức tường có trổ hai cánh cửa sơn đen, cảnh chùa vẫn vắng lặng như mùa xuân độ nọ. AQ ngẫm nghĩ một chốc, rồi bước tới gõ cửa. Một con chó sủa từ trong chùa sủa ra. AQ vội vàng nhặt lấy mảnh gạch vỡ bước tới gõ mạnh vào cánh cửa. Gõ mãi đến lúc cánh cửa đầy những vết gạch đó mới nghe có tiếng người ra mở.
AQ vội nắm chặt lấy mấy mảnh gạch trong tay, đứng theo thế mã bộ, sẵn sàng cầm cự với con Mực. Nhưng cửa chùa chỉ hé ra một tí, con Mực cũng chẳng thấy xông ta. Nhìn vào, chỉ thấy sư bà hôm nọ.
- Bác lại tới đây làm gì nữa kia?
Sư bà hỏi, giọng hớt hơ hớt hải.
- Cách mạng rồi! Bà biết không?
AQ trả lời vu vơ.
- Cách mạng, cách mạng ! Đã cách một lần rồi! Các bác còn muốn cách chúng tôi đến như thế nào nữa kia!
Hai con mắt sư bà đỏ bừng hẳn lên.
- Thế nào?
AQ rất lấy làm ngạc nhiên hỏi.
- Bác không biết hay sao? Chúng nó đã đến đây"cách" hết rồi! Nhà bác không biết đó thôi.
AQ càng lấy làm ngạc nhiên.
- Ai kia ?
- Lão Tú với lão Tây giả ấy mà! ...
Thật là một điều bất ngờ cho AQ, làm cho y hết sức ngơ ngác. Sư bà thấy y mất hẳn nhuệ khí, tức thì đóng cửa lại. AQ lại đẩy cửa nhưng không tài nào xô cho ra được nữa. Y gọi một thôi nữa, chả một ai trả lời.
Đó là chuyện xảy ra buổi sáng. Cậu Tú bắt tin rất nhạy, vừa biết được rằng bọn Cách mạng đã vào huyện đêm hôm trước, cậu liền đem đuôi sam quấn vòng quanh trên đầu, vừa sáng thì tức tốc qua họ Tiền thăm lão Tây giả, là người xưa nay cậu chả ưa tí nào, nhưng ngày nay trong vận hội mới, trong thời kỳ "cùng nhau mưu cuộc duy tân" này, hai ông trò chuyện bỗng dưng thành ra thân mật, rất tâm đầu ý hợp như hai đồng chí. Hai ông hẹn hò cùng nhau đi làm cách mạng. Hai nhà cách mạng bàn bạc hồi lâu mới sực nhớ ra rằng: trong chùa Tĩnh tu còn có một cái bài vị thờ vua với mấy chữ "Hoàng đế vạn tuế, vạn vạn tuế ..." phải "cách" ngay mới được. Thế là hai ông cùng nhau tới chùa Tĩnh tu làm một cuộc cách mạng. Sư bà ra cản trở, nói mấy câu; hai ông cho là sư bà ủng hộ chính phủ Mãn Thanh, nhè vào đầu bà ta bổ ba-toong xuống. Cô tiểu thì mãi lúc hai ông đi đã xa mới hoàn hồn. Kiểm điểm đồ nhà chùa lại, thì thấy cái bài vị cố nhiên bị đập nát ra giữa chùa mà cái lư hương Tuyên Đức xưa nay vẫn để thờ trước tượng Đức Quan Âm đã biến đâu mất rồi!
Câu chuyện trên đây mãi về sau AQ mới biết. Y lấy làm hối hận vì ngủ quá giấc mà lỡ dịp, nhưng cũng giận tụi chúng nó không tới gọi y cùng đi. Y nghĩ lại: "Lẽ nào chúng nó lại chưa biết là mình đã đầu hàng cách mạng rồi hay sao?"
Tối hôm mười bốn rạng ngày rằm tháng Chín niên hiệu Tuyên thống năm thứ ba, tức là hôm AQ bán cái ruột tượng cho chú Triệu Bạch Nhẫn, vào hồi canh ba, lúc bốn giờ, một chiếc thuyền ván, mui đen, khá to ghé vào bến trước nhà họ Triệu giữa lúc đêm khuya trời tối mò mò, dân làng đang ngủ say, không ai hay biết gì hết. Và chưa mờ sáng thì chiếc thuyền đã rời khỏi bến, chỉ có mấy người trông thấy mà thôi. Sau lúc đã dò la, thầm thì thầm thụt cùng nhau khá lâu, người ta mới biết rằng: chính là thuyền nhà cụ Cử.
Thuyền nhà cụ Cử đã đưa đến cho làng Mùi một nỗi lo âu hết sức lớn. Chưa đúng ngọ, cả làng đã nhốn nháo hẳn lên. Chiếc thuyền này về đây để làm gì thì nhà cụ Triệu hết sức giữ bí mật. Nhưng trong các quán rượu và các hàng nước, đâu đâu người ta cũng đồn dậy lên rằng: bọn Cách mạng sắp vào huyện nên cụ Cử chạy về làng lánh nạn. Chỉ có thím Bảy là bảo không phải. Thím ấy nói: chỉ có mấy hòm quần áo cũ trên cụ Cử gửi xuống nhờ giữ hộ, nhưng cụ Triệu không nhận và giả lại ngay. Chả là cậu Tú Triệu và cụ Cử xưa nay không tương đắc gì, cho nên trong lúc hoạn nạn, hai nhà nhất định không có thể san sẻ nỗi lo nỗi buồn cùng nhau. Vả lại thím Bảy ở ngay bên cạnh nhà cụ Triệu, thấy tận mắt, nghe tận tai, cho nên chắc hẳn là không sai.
Mặc dù như thế, tiếng đồn vẫn lan rộng ra. Người ta bảo nhau: hình như cụ Cử không về, nhưng cụ có viết một bức thư rất dài để làm thân với Cụ Cố. Cụ Cố làng ta cũng đã nghĩ lại, và cụ cho rằng: cũng chả có hại gì nên đã cho gửi cái hòm lại. Cái hòm ấy hiện giờ nhét dưới gầm giường cụ bà nằm. Còn như tin tức về bọn Cách mạng thì có kẻ nói chính tối hôm qua chúng nó đã vào huyện rồi, chú nào chú ấy áo giáp bạch, mũ bạch, ăn bận trắng toát một loạt để tang cho vua Sùng Chính.
Xua kia, AQ đã mấy lần nghe người ta nói đến cách mạng. Năm nay, y lại đã thấy chém bọn Cách mạng độ vừa rồi. Nhưng trong óc y đã có sẵn một ý kiến chẳng biết nguồn gốc từ đâu cho rằng: làm cách mạng tức là làm giặc; làm giặc tức là báo hại y. Vì vậy nên xưa nay, y vẫn ghét cay ghét đắng bọn Cách mạng. Ngờ đâu chính bọn đó đã làm cho cụ Cử danh giá khắp vùng như thế kia mà cũng phải sợ, thì y cũng đã hơi lấy làm "lác mắt". Huống nữa là y lại thấy lũ đàn ông đàn bà khốn nạn ở làng Mùi cuống quít lên như vậy, thì y càng khoái chí. Y nghĩ bụng: "Cách mạng cũng hay! Cách mẹ cái mạng lũ chúng nó đi! Ghét quá đi mất! Giận quá đi mất! ... Tớ, tớ cũng sẽ đi đầu hàng cách mạng."
Gần đây, AQ túng thiếu, thành thử y cũng có ý bất bình. Phần thì trưa hôm ấy, bụng đói, uống hai bát rượu, cho nên y càng choáng váng say. Y vừa nghĩ ngợi vừa rảo bước, tâm hồn lại nghe nhẹ nhàng hớn hở lên. Rồi chả biết thế quái nào mà bỗng y đã tưởng tượng ngay rằng y là người cách mạng, và cả bọn dân làng Mùi đã thành "tù binh" của y cả rồi! Trong lúc đắc ý, bất giác y hét to lên mấy tiếng:
- Làm giặc nào! làm giặc nào!
Dân làng Mùi bấy giờ đều nhìn AQ bằng cặp mắt sợ hãi vô cùng. Điều đáng thương hại đó xưa nay y chưa từng thấy. Thành ra y thích chí vô hạn, chẳng khác gì nắng tháng sáu mà được uống nước đá vậy! Y càng hớn hở rảo bước và nói to:
- Hay lắm! Tớ muốn gì sẽ được nấy! Tớ ưa ai là người ấy được nhờ!
Cắc, cắc, tùng, tùng! Ăn năn đà quá muộn! Chỉ vì quá chén mà Trịnh hiền đệ bị giết oan ... a ... a ... Tùng tùng, tùng tùng, cắc ... Cắc cắc, tùng tùng ... Thủ cấp (i i i) cương (i i) liên (i-a) tương nỉ đả.
Trước nhà Cụ Cố họ Triệu, hai bố con và hai người bà con chính tông của cụ đang đứng xúm ở cổng bàn về cách mạng. AQ không trông thấy, cứ ngang nhiên rảo bước và vẫn hát:
- Tùng ! tùng ...
- Này bác Q ơi!
Cụ Cố gọi khe khẽ và có vẻ sợ sệt.
Xưa nay, đã bao giờ AQ nghĩ người ta lại có thể kết liền chữ "bác" với tên mình để gọi. Vậy nên y cho rằng người ta còn nói chuyện gì đâu đâu ấy, chứ chẳng liên can gì đến mình. Y cứ hát:
- Cắc, cắc, cắc, ... Tùng ... tùng ... tùng.
- Bác Q này!
- Ăn năn đà quá muộn, à ...!
Cậu Tú đành phải gọi thẳng:
- AQ à!
Lúc đó AQ mới dừng chân, nghếch đầu lại hỏi:
- Cái gì thế?
- Bác Q này ... Độ này ...
Cụ Cố bỗng không biết nói gì nữa
- Độ này! ... phát tài chứ?
- Vâng ạ! Phát tài hẳn chứ lỵ! Muốn gì là được nấy!
- À, à bác Q này! Bọn mình là bạn nghèo với nhau cả, thì chắc chẳng lẽ gì ...
Triệu Bạch Nhẫn rụt rè nói, cố ý dò xem ý tứ nhà cách mạng như thế nào.
- Bạn nghèo à? Anh lại không phong lưu bằng mấy tôi ấy à?
Vừa nói xong, AQ đã bước đi.
Mấy người nhà họ Triệu nghe mà phát khiếp, đứng lặng đi một hồi. Chiều hôm ấy, hai bố con nhà họ Triệu bàn bạc cùng nhau, cho mãi đến lúc đỏ đèn mới thôi. Còn chú Triệu Bạch Nhẫn vừa về đến nhà là cởi ngay cái ruột tượng, bảo chị vợ giấu kín vào dưới đáy hòm.
AQ hớn hở nhẹ bước trên con đường làng một hồi khá lâu. Về đến đền Thổ Cốc thì y đã tỉnh rượu hẳn. Chiều hôm ấy, lão từ đối với y cũng tỏ y nhã nhặn khác thường, mời y uống chén nước trà. Y nài lão thết y luôn hai khẩu bánh nữa. Ăn xong, y còn lấy một đoạn nến bốn lạng thắp dở và cả cái cọc nến mang về buồng nhỏ của y, đỏ đèn lên, một mình nằm nghỉ. Giờ này, bao nhiêu ý nghĩ tốt đẹp, bao nhiêu niềm vui mà y không tài nào tả nên lời, đang nhảy múa trong đầu óc y giống như ngọn đèn đêm nguyên đán vậy:
"Làm giặc! Cũng vui đấy chứ! Một bọn làm cách mạng tuyền là mũ bạch, áo giáp bạch, ai nấy tay cầm dao bản, roi sắt, lựu đạn, súng trường, nạng ba chia, câu liêm chạy cả đến đền Thổ Cốc gọi: "AQ! Chúng ta cùng đi, đi!" Thế là cùng nhau đi ...
Lúc đó tụi dân làng Mùi khốn nạn trông mới buồn cười! Chúng nó sẽ quì ràn rạt xuống van xin:"AQ tha chết cho tôi đi!" Nhưng ai mà nghe chúng nó! Thằng cu D. đáng tội chết trước. Rồi Cụ Cố họ Triệu, cả lão Tú nữa, cả thằng Tây giả nữa ... Có nên tha thằng nào không nhỉ? Kể ra lão Vương Râu thì tha ra cũng chẳng hề gì, nhưng bất tất!
"Đồ đạc, thì cứ vào thẳng nhà Cụ Cố phá ngay cái rương ra xem ... Tiền đồng ... vàng bạc ... áo sa ... Mà trước hết phải khuân ngay cái giường Hông-kông của mợ Tú về đền Thổ Cốc cái đã ... Ngoài ra, còn bộ bàn ghế nhà họ Tiền cũng chuyển về nốt. Hay là ta dùng ngay bộ của nhà họ Triệu vậy? Lẽ cố nhiên mình bất tất phải bỏ tay ra khuân vác. Bảo thằng cu D. khiêng đi, mau lên! Chậm là tát vào mặt ...
" Lão Triệu Tư Thần có con em, nhưng xấu quá! Còn con gái thím Bảy Trâu, vài năm nữa hẵng nói chuyện ... Vợ lão Tây giả ... con này đã chung chạ với một thằng đàn ông không có đuôi sam ... Chao! Tởm ... Thứ đàn bà ấy chả ra trò! Mụ Tú Triệu phải một cái là trên mi mắt có một cái sẹo! Mà ... con mụ vú Ngò lâu nay đi đâu nhỉ? Bực một nỗi là cái bàn chân chị ta to quá! ..."
Giữa lúc đầu óc còn rối beng với bấy nhiêu ý nghĩ thì AQ đã ngáy khò khò. Cây nến bốn lạng vừa cháy mất độ dăm phân, ngọn lửa lập lòe chiếu vào cái miệng hoác rộng của y.
"Ha! Ha!" AQ bỗng giật mình dậy, kêu to một tiếng rồi nghếch đầu lên, hoảng hốt nhìn quanh nhìn quất. Nhìn thấy đoạn nến bốn lạng vẫn còn, y lại ngả người ra ngủ.
Ngày hôm sau, AQ thức dậy rất muộn. Y chạy ra nhìn trên con đường làng, thì đâu vào đấy, chả có gì thay đổi. Mà cái bụng của y nghe vẫn đói! Y ngẫm nghĩ hồi lâu cũng chả nghĩ ra cái gì cả. Nhưng bỗng hình như y đã có một quyết định gì, rồi cũng chẳng biết là vô tình hay hữu ý, y lại nhẹ bước lần đến chùa Tĩnh tu.
Sau bức tường có trổ hai cánh cửa sơn đen, cảnh chùa vẫn vắng lặng như mùa xuân độ nọ. AQ ngẫm nghĩ một chốc, rồi bước tới gõ cửa. Một con chó sủa từ trong chùa sủa ra. AQ vội vàng nhặt lấy mảnh gạch vỡ bước tới gõ mạnh vào cánh cửa. Gõ mãi đến lúc cánh cửa đầy những vết gạch đó mới nghe có tiếng người ra mở.
AQ vội nắm chặt lấy mấy mảnh gạch trong tay, đứng theo thế mã bộ, sẵn sàng cầm cự với con Mực. Nhưng cửa chùa chỉ hé ra một tí, con Mực cũng chẳng thấy xông ta. Nhìn vào, chỉ thấy sư bà hôm nọ.
- Bác lại tới đây làm gì nữa kia?
Sư bà hỏi, giọng hớt hơ hớt hải.
- Cách mạng rồi! Bà biết không?
AQ trả lời vu vơ.
- Cách mạng, cách mạng ! Đã cách một lần rồi! Các bác còn muốn cách chúng tôi đến như thế nào nữa kia!
Hai con mắt sư bà đỏ bừng hẳn lên.
- Thế nào?
AQ rất lấy làm ngạc nhiên hỏi.
- Bác không biết hay sao? Chúng nó đã đến đây"cách" hết rồi! Nhà bác không biết đó thôi.
AQ càng lấy làm ngạc nhiên.
- Ai kia ?
- Lão Tú với lão Tây giả ấy mà! ...
Thật là một điều bất ngờ cho AQ, làm cho y hết sức ngơ ngác. Sư bà thấy y mất hẳn nhuệ khí, tức thì đóng cửa lại. AQ lại đẩy cửa nhưng không tài nào xô cho ra được nữa. Y gọi một thôi nữa, chả một ai trả lời.
Đó là chuyện xảy ra buổi sáng. Cậu Tú bắt tin rất nhạy, vừa biết được rằng bọn Cách mạng đã vào huyện đêm hôm trước, cậu liền đem đuôi sam quấn vòng quanh trên đầu, vừa sáng thì tức tốc qua họ Tiền thăm lão Tây giả, là người xưa nay cậu chả ưa tí nào, nhưng ngày nay trong vận hội mới, trong thời kỳ "cùng nhau mưu cuộc duy tân" này, hai ông trò chuyện bỗng dưng thành ra thân mật, rất tâm đầu ý hợp như hai đồng chí. Hai ông hẹn hò cùng nhau đi làm cách mạng. Hai nhà cách mạng bàn bạc hồi lâu mới sực nhớ ra rằng: trong chùa Tĩnh tu còn có một cái bài vị thờ vua với mấy chữ "Hoàng đế vạn tuế, vạn vạn tuế ..." phải "cách" ngay mới được. Thế là hai ông cùng nhau tới chùa Tĩnh tu làm một cuộc cách mạng. Sư bà ra cản trở, nói mấy câu; hai ông cho là sư bà ủng hộ chính phủ Mãn Thanh, nhè vào đầu bà ta bổ ba-toong xuống. Cô tiểu thì mãi lúc hai ông đi đã xa mới hoàn hồn. Kiểm điểm đồ nhà chùa lại, thì thấy cái bài vị cố nhiên bị đập nát ra giữa chùa mà cái lư hương Tuyên Đức xưa nay vẫn để thờ trước tượng Đức Quan Âm đã biến đâu mất rồi!
Câu chuyện trên đây mãi về sau AQ mới biết. Y lấy làm hối hận vì ngủ quá giấc mà lỡ dịp, nhưng cũng giận tụi chúng nó không tới gọi y cùng đi. Y nghĩ lại: "Lẽ nào chúng nó lại chưa biết là mình đã đầu hàng cách mạng rồi hay sao?"