watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Sáng tác Hát nói, Phú, Văn tế.-Hát nói - tác giả Long Nguyễn Long Nguyễn

Long Nguyễn

Hát nói

Tác giả: Long Nguyễn

Đây là các thể thơ văn hầu như thất truyền. Trong tinh thần bảo tồn văn học nước nhà, Meta xin biên khảo một loạt bài về Hát nói, Phú, Văn tế để làm thế nào, từ chỗ chưa biết gì, tự các bạn có thể sáng tác được. Mỗi một thể loại, Meta đều có sáng tác 1 bài mẫu để bạn đọc tiện tham cứu. Riêng phú và văn tế, vì tính chất chặt chẽ của nó, mỗi một cặp câu đều đối với nhau, xin dùng dấu chấm phẩy (;) để phân chia 2 câu đi từng cặp. Ví dụ:
Hơn ba mươi tỉnh hội đồng; Dư sáu chục năm huệ dưỡng.
Hoặc:
Tiếng kêu oan, oan này bởi nước, hồn nhân dân biết dựa vào đâu; Thân liều thác, thác cũng vì vua, xương nghĩa sĩ chất đà nên đống.
Bắt đầu bằng Hát Nói trước nhé!

Thưa các bạn
Nhận thấy trong văn học Việt Nam , bộ môn Hát nói càng ngày càng chìm vào quên lãng. Trước nguy cơ ấy tôi không ngại bỏ thì giờ sưu tầm, tham khảo để cùng các bạn ôn lại thể thơ Hát nói . Gọi là bộ môn thay vì gọi là thể thơ, tôi cũng có dụng ý. Ngày xưa bậc tao nhân mặc khách sáng tác những bài thơ Hát Nói lưu truyền cho tới ngày nay không chỉ để sáng tác vì nghệ thuật mà còn là thú tiêu khiển của kẻ thích chơi trống bỏi.
Kẻ hay chữ thời xưa thường luống tuổi, người hiển đạt cũng như kẻ sách đèn đều đã hoặc đang nhờ cậy vào sự đảm đang tần tảo của hiền nội. Dĩ nhiên dù 1 thời có sắc nước hương trời, thời gian và sự làm lụng vất vả cũng làm cho nhan sắc phai tàn, các cụ đành đi tìm của lạ. Bộ môn Hát nói ra đời từ hồi nào ta không biết chính xác, nhưng bắt nguồn từ duyên do đó.
Ta có thể ví Hát nói như Karaoke ôm bên VN. Cái này thì tôi rành lắm Bạn có thể đi cùng 1 hay 2 người bạn, người được gọi là quản lý sẽ dẫn bạn đến 1 phòng được thiết trí để nghe nhạc, nghĩa là kín và ấm cúng. Cũng vẫn người quản lý dẫn "các em "vô, số em tuỳ theo số khách. Lúc này bạn có thể yêu cầu quản lý cho đổi "em" khác nếu không vừa ý . Sau đó là tới màn uống bia. Bạn không biết uống bia ư? No problem ! Ly của bạn luôn đầy tràn, bạn không uống thì các em, lấy lý do thay đá mới cho lạnh hoặc đá làm loãng bia, đổ ly của bạn vào cái chậu dưới gầm bàn. Chai bia mới cứ khui soành soạch . Chẳng mấy chốc bạn cũng "cạn" 20 lon bia như chơi. Dĩ nhiên các em cũng uống cầm chừng chiều khách. Trong lúc ca hát bạn trả giá cho 1 đêm "chiến đấu". Thoả thuận , bạn có thể chấm dứt ca hát bất cứ lúc nào. Trả tiền bia, tiền tips cho các em lẫn quản lý ($5.00 1 người, kể cả tiền bia tổng cộng khoảng $100.00) rồi chia tay bạn bè, mỗi ông 1 em về khách sạn để "mở mang trí tuệ".
Các cụ xưa cũng thế. Chủ chứa khi có khách lo bắt gà làm thịt, có khi đích thân tiếp khách, có khi phải đi gọi nếu có vị khách khó tính đòi cho được "em" quen. Ăn nhậu, hút thuốc phiện, sáng tác tại chỗ hay đã sáng tác từ trước, đưa cho cô đầu hát. Phải có đàn đáy và trống bỏi. Trống bỏi là cái trống con nhỏ như trống lắc của thợ nhuộm, gõ kêu "tom tom" để giữ nhịp hay tỏ ý tán thưởng. Có câu : Già mà còn ham trống bỏi , chế diễu người già mà dê dẩm. Buồn ngủ thì mỗi cụ 1 em chui vào cái mùng giăng sẵn, tha hồ mà "tom chát". Văn học Việt Nam đã có nhiều áng thơ Hát nói được lưu truyền đến ngày nay, đều phát xuất từ những cuộc ăn chơi như thế. Xin xem phần đọc thêm để thưởng thức các bài Hát nói nức danh thời đó.
Cần giải thích thêm về luật bằng trắc nếu có bạn thắc mắc sao lại có luật lệ nhiêu khê đến thế. Các bạn hẳn rõ, thi ca từ Đường thi, cho đến Hát nói được sáng tác không phải để đọc mà là để ca ngâm. Thi luôn đi đôi với ca. Tiếng sáo sẽ lạc lõng lắm nếu 1 bài Đường thi lỏng lẻo niêm luật. Cũng như vậy, tiếng nhị sẽ ngang phè nếu bài Hát nói sai luật bằng trắc, nhịp trống sẽ ra sao nếu 2 câu thơ không đủ 7 chữ hay câu keo không là 6 chữ? Để dễ hiểu, tôi xin dẫn giải bằng tân nhạc. Tân nhạc khác cổ nhạc ở chỗ 1 bản nhạc phải được sáng tạo cả nhịp điệu, cung âm và cả lời nhạc nữa. Cổ nhạc thì nhịp điệu đã có sẵn, ta chỉ sáng tác lời thôi, ví dụ điệu cò lả, quan họ, trấn thủ lưu đồn, xàng xê, lưu thuỷ hành vân.Thử đọc câu :" Đời tôi cô đơn bao năm qua vẫn cô đơn". Nếu câu này được 1 nghệ sĩ cổ nhạc sáng tác, ông ta chỉ thay lời rồi chú thích : Hát theo điệu Người cô đơn là đủ. Tuy nhiên ông ta phải tôn trọng luật bằng trắc, nếu không đàn cũng sai và người ca cũng chẳng biết ca thế nào nữa. Ví dụ : "Đời tôi cô đơn bao năm qua vẫn đau khổ" thì ca thế nào, đờn làm sao? Cho nên luật bằng trắc và đủ mọi lề luật khác ra đời làm cho những kẻ ngang ngược như tôi phải lận đận lao đao vì nó. Tóm lại, luật là để giữ tấu tức âm điệu . Số chữ hạn chế trong câu là để giữ tiết tức là nhịp. Bây giờ bắt đầu phần đào sâu vào luật nhé.

I /- SỰ XUẤT HIỆN CỦA THỂ HÁT NÓI :
Hát nói xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ thứ 18 nhưng phải đợi đến đầu thế kỷ thứ 19 mới có những tác phẩm lưu truyền đến nay như các tác phẩm của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát ... Nguồn gốc của thể Hát nói trong văn chương Việt Nam được giải thích bằng những nguyên nhân và các sự việc sau đây :
1- Hát nói là sự phàm tục hoá những thể thánh ca. Trước khi có Hát nói, nói rộng ra là trước khi có những bài hát ả đào hay ca trù, ở nước ta đã có những bài hát cửa đền, cửa chùa, những bài thét nhạc (bài hát có âm nhạc phụ hoạ). Những thể ca trong các dịp tế lễ đó chuyển dần công dụng và được các tao nhân, mặc khách tổ chức ngay trong những cuộc giải trí riêng của họ . Các bài hát ả đào bắt đầu từ đó.
2- Hát nói là sự cụ thể hoá ảnh hưởng của học thuyết Lão - Trang. Xưa kia văn chương Việt Nam về nội dung phải gò bó trong những tư tưởng Khổng Mạnh, về hình thức phải đem theo những qui luật khắt khe, những lối diễn tả nhất định. Cuối thế kỷ thứ 18, do hoàn cảnh rối ren trong xã hội, học thuyết Lão - Trang có cơ hội bành trướng và Hát nói chính là sáng tạo của các nhà nho phóng khoáng, thích tự do, ở đấy họ có thể gửi gấm những tư tưởng, cảm xúc vượt ra ngoài khuôn phép với cách diễn đạt cởi mở, rộng rãi hơn.

3- Hát nói là biến thể của song thất lục bát. Các nhà viết sách thời xưa cho rằng Hát nói là một hình thức biến đổi cu/a thể ngâm Song thất lục bát: Trong hát nói có Mưỡu là những câu thơ lục bát, nhiều câu 7 chữ có vần bằng, vần trắc, có cước vận, yêu vận . Nhưng khi đã phát triển, Hát nói là một thể tài hỗn hợp gồm: thơ, phú, lục bát, song thất, tứ tự, nói lối ...
Trong lối Hát ả đào có nhiều loại như: Dâng hương, Giáo trống, Gủi thư, Thét nhạc thì Hát nói là lối thông dụng và có tính văn chương lý thú nhất.

II /- QUY TẮC CỦA MỘT BÀI HÁT NÓI :
a) Số câu. Hát nói có các loại :
- Đủ khổ gồm 3 khổ , mỗi khổ gồm 4 câu, riêng khổ cuối gồm 3 câu. Đây là thể chính thức của Hát nói. ( Xem thí dụ bài Vịnh Thuý Kiều ở sau).
- Bài Hát nói thiếu khổ dưới 11 câu, thường là chỉ có 7 câu .
-Bài Hát nói dôi khổ thì có khổ dôi ra thường chen vào giữa, số câu nhiều hơn 11 .
Trong bài Hát nói đủ khổ 11 câu được đặt tên như sau :
- Khổ đầu: Câu 1, 2 gọi là Lá đầu; câu 3,4 - Xuyên thưa .
- Khổ giữa: Câu 5, 6 gọi là Thơ; câu 7,8 - Xuyên mau .
- Khổ cuối: Câu 9 là Dồn, câu 10 là Xếp, câu 11 là Keo .

b) Số chữ trong một câu :
- Số chữ trong các câu của bài Hát nói là không nhất định , thường một câu có 7, 8 chữ, câu ngắn có 4, 5 chữ, câu dài 12 tới 18 chữ. Ví dụ:
Quân bất kiến Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi.
Làm chi cho mệt cuộc đời.
Nhưng 2 câu 5, 6 gọi là Thơ thì phải theo thể ngũ ngôn hoặc thất ngôn.

c) Vần:
Trong bài Hát nói dùng cả 2 vần, vần bằng và vần trắc. Nếu một câu Hát nói đổi từ vần bằng sang vần trắc hoặc ngược lại thì có yêu vận và cước vận, những câu mang yêu vận là những câu chẵn, trừ câu thứ sáu chỉ có cước vận mà thôi.
Theo luật thì trong mỗi khổ, cước vận của câu đầu và câu cuối phải dùng tiếng trắc, cước vận 2 câu giữa phải dùng tiếng bằng. Yêu vận câu thứ nhì dùng tiếng trắc, yêu vận câu thứ tư thì dùng tiếng bằng . Yêu vận gieo vào chữ cuối đoạn thứ nhì.

d) Luật bằng trắc :
Theo luật hiệp vận , cước vận của câu đầu trong mỗi khổ hợp với yêu vận của câu thứ hai, yêu vận của câu thứ hai hợp với yêu vận của câu thứ ba, cước vận của câu thứ ba hợp với yêu vận của câu thứ tư . Hợp đây xin được hiểu là cùng tiếng bằng hay trắc chứ không phải hợp là cùng vần . Những chữ thứ nhất, ba, năm trong mỗi câu Hát nói không cần theo đúng luật bằng trắc ( gọi là nhất tam ngũ bất luận). Ta có:
- Câu 1. t T b B t T
- Câu 2. b B t T b B
- Câu 3. b B t T b B
- Câu 4. t T b B t T
Trong đó không kể những chữ gác ra ngoài luật vì số chữ trong mỗi câu hát là không nhất định . Câu 6 chữ phải theo đúng luật kể trên. Còn những câu dài hơn 6 chữ thì muốn ứng dụng luật này phải chia làm 3 đoạn con, trong mỗi đoạn con, chữ cuối phải theo đúng luật bằng trắc. Những chữ gác ra ngoài không kể, được tuỳ ý sử dụng. Những câu ít hơn 6 chữ thì chia làm 2 đoạn mà đoạn thiếu là đoạn đầu không kể còn 2 đoạn sau thì phải theo đúng luật.

Thí dụ 1 . (Chia câu làm 3 đoạn con bằng dấu / )
Đài tước / mở toang / cơn tạo hoá ----------------------- t T b B 0 t T
Phím loan xe / trải mối / cương thường ---------------------0 b B t T b B
Ngán cho Kiều / khi lỡ bước / Sâm Thương ----------0 b B 0 t T b B
Cung đàn nguyệt / dây loan / còn mắc mãi ----------------0 t T b B 0 t T

Thí dụ 2 .
Tài tình / chi với -------------------------------------------------------- b B t T
Đau đớn thay / chút phận / hồng nhan ------------------- 0 b B t T b B
Mười lăm năm / đầy đoạ / cõi trần hoàn ----------- 0 b B t T 0 b B
Khôn trọn vẹn / chũ tình / chữ hiếu ----------------------- 0 t T b B t T

Thí dụ 3 .
Ta xét thêm bài Hát nói Vịnh Thuý Kiều ( tác giả khuyết danh thế kỷ 19 ) sau đây là bài đủ khổ với 11 câu :
VỊNH THUÝ KIỀU
Khổ đầu :
1- Cơ Trời dâu bể ------------------------------------------------ Lá đầu .
2- Khách hồng nhan xiết kể nỗi gian truân ------------ B
3- Mang tấm son đeo đuổi khách hồng quần ------- B - Xuyên thưa .
4- Lời vàng đá dám lỗi cùng non nước --------------- T
Khổ giữa :
5- Ngọc diện khởi ưng mai thuý quốc -------------------- T - Thơ .
6- Băng tâm tự khả đối Kim lang --------------------------- B
7- Mười lăm năm thương xót kẻ đôi phương --- B - Xuyên mau .
8- Ruột tằm bực đã đành nơi chín suối ----------- T
Khổ xếp :
9- Duyên tái ngộ bởi Trời đâu đem lại ------------- T - Câu dồn .
10- Lứa ba thu một mối rõ ràng ---------------------------- B - Câu xếp .
11- Mới hay con Tạo khôn lường ------------------------- B - Câu keo .
Ta thấy câu đầu không tính vần, các câu sau cứ 2 vần bằng lọt vào giữa khổ ( mỗi khổ 4 câu, khổ cuối 3 câu ), lại 2 câu trắc bắc cầu từ khổ này qua khổ kia và bài Hát nói tận cùng là 1 câu 6 chữ vần bằng . Toàn bài Hát nói trên đều dùng cước vận .
YÊU VẬN: Còn yêu vận thì không bó buộc ( NHẮC LẠI, KHÔNG BÓ BUỘC), có thể là bằng hoặc trắc, đặt ở vị trí không nhất định trong câu .

Thí dụ 4 .
CÔ ĐẦU TỰ THÁN
Mưỡu (ddầu, kép) :
1- Cùng chung một tiếng tơ đồng
2- Nào ai tích lục tham hồng là ai ?
3- Nghĩ đời mà ngán cho đời
4- Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa ?
Nói :
1- Yêu đào một đoá ----------------------------------------------- Lá đầu .
2- Bấy lâu nay nấn ná chốn Bình Khang -------------------- B .
3- Nghĩ tài tình nên trọng cũng nên thương ------------ B - Xuyên thưa .
4- Ngờ chi nữa mà khách qua đường hờ hững -- T .
5- Lầu bậc ngũ âm êm tưởng những ----------------- T - Thơ .
6- Chọn người tri kỷ khách hay chăng ------------------------ B .
7- Ấy những ai hẹn ngọc thề vàng -------------------------- B - Xuyên mau .
8- Duyên đằm thắm hoá bẽ bàng sao thế nhỉ ? -------- T .
9- Hàng thưa mối phải chăng xấu vía ? ---------------------- T - Dồn .
10- Ngụ tính tình ta kể một đôi câu ------------------------ B - Xếp .
11- Người buồn cảnh có vui đâu ! ------------------------- B - Keo .
Khuyết Danh .
Bài này có thêm 4 câu Mưỡu đầu (kép) . Hai câu lá đầu yêu vận ( vần lưng là trắc : đoá, ná ), 2 câu xuyên thưa yêu vận ( vần lưng là bằng : thương, đường. Các khổ sau cũng lập lại như thế). Ngoài ra, các câu khác vần có cước vận 2 câu bằng lại 2 câu trắc xen kẽ.

III /- THƠ VÀ MƯỠU TRONG BÀI HÁT NÓI :
a) THƠ:
Trong bài Hát nói bao giờ cũng có 2 câu thơ hoặc bằng chữ Hán mượn của người xưa hoặc do chính tác giả làm ra viết theo thể ngũ ngôn hoặc thất ngôn. Trong bài Vịnh Thuý Kiều ở trên, 2 câu Thơ chữ Hán lấy ở bài Đề Từ của Phạm Quý Thích. Bài Cô đầu tự thán, 2 câu Thơ 5, 6 do tác giả (khuyết danh) tự làm ra. Vị trí thông thường của 2 câu Thơ là câu 5 và 6, tuy nhiên khi phá cách 2 câu Thơ này có thể đưa lên đầu bài hay đến 1 vị trí khác như trong bài Thuý Kiều lưu lạc ( xin xem PHẦN ĐỌC THÊM) thì 2 câu thơ ở vị trí câu 9 và 10 :
Đoạn tràng mông lý căn duyên liễu
Bạc mệnh cầm chung oán hận trường
( Xin xem toàn bài Thuý Kiều lưu lạc ở cuối bài ).
b) MƯỠU :
Mưỡu (hay mão có nghĩa dạo đầu, introduction) là những câu thơ lục bát mượn trong ca dao hay thơ của người xưa hoặc do chính tác giả làm ra đặt ở đầu bài (gọi là Mưỡu đầu) hay cuối bài nhưng trước câu keo (gọi là Mưỡu hậu). Mưỡu có thể gồm 2 câu ( Mưỡu đơn) hay 4 câu (Mưỡu kép). Bài Vịnh Kiều của Nguyễn Công Trứ dưới đây dôi khổ (dài hơn 11 câu) và có Mưỡu hậu đơn :
VỊNH KIỀU
1- Đài tước mở toang cơn Tạo hoá
2- Phím loan xe trái mối cương thường
3- Ngán cho Kiều khi lỡ bước Sâm Thương
4- Cung đàn nguyệt dây loan còn mắc mãi
(4 câu dôi khổ):
Đêm thanh vắng gọi Vân ngồi dậy
Bức khăn là phong mở nguồn cơn
Đem lời thệ hải minh sơn
Non nước ấy cậy em gánh vác
5-Thơ rằng : Vì hiếu để tình nên chếch mác
6- Chưa duyên mà nợ khéo đa mang
7- Mảnh gương thề soi với khách văn chương
8- Mùi hương ngát cũng nhờ em rơi đến chị
9- Này con tạo ghét ghen chi lắm bấy ?
10- Cái hồng nhan gẫm lại cũng buồn cười (câu xếp)
(2 câu Mưỡu hậu đơn):
Ấy ai trâm quạt thề bồi
Thấu tình hay chẳng hỡi người Liêu Tây ?
11- Trăng già khéo quấy chi ai ? (câu keo)
Nguyễn Công Trứ
CHÚ Ý : Những câu Mưỡu có thể làm sai lạc qui tắc về cước vận đã trình bày ở trên , tuy nhiên, có điều bắt buộc phải theo là : Mưỡu hậu phải tiếp tục vần của câu xếp để chuyển vần sang câu keo ( cười, bồi, người, Tây, ai ở cuối bài) .
Như vậy, về hình thức, phần thi pháp cho biết những qui tắc rất rộng rãi của Hát nói: số câu, số chữ không hạn định ... Thí dụ bài Kỷ niệm cụ Tiên Điền của Nguyễn Đôn Phục ở PHẦN ĐỌC THÊM gồm 59 câu .

IV/- PHẦN ĐỌC THÊM :
Thí dụ bài hát nói dôi khổ (59 câu)
BÀI HÁT KỶ NIỆM CỤ TIÊN ĐIỀN
Hát mưỡu :
Mấy hàng cẩm tú văn chương
Yêu hoa dở khúc đoạn trường ngâm hoa
Chúng ta nay nguyện với trăng già
Còn non còn nước quốc hoa còn dài
Hát nói:
Bắc phương nhất đại giai nhân lục
Nam hải thiên thu quốc sĩ văn
Đau đớn thay là cuộc phong trần
Mà bạch diện với hồng nhan sao khéo khéo
Ngẫm kim cổ trong vòng thế đạo
Trai thờ vua chi khác gái thờ chồng
Tiếc cho ai nền băng tuyết chất phỉ phong
Cơn gia biến lạ lùng trêu cợt
Chàng với thiếp để mối tình thưa thớt
Mười lăm năm khôn xiết nỗi ba đào
Gớm thay cái số hoa đào
Nghề mụ Tú học sao cho được
Chùa chị Hoạn ngỡ phúc duyên chăng tội ác
Kiệu anh Từ thôi phú quí cũng phù vân
Thôi thôi đừng ngậm ngụi mãi cho thân
Đành chữ hiếu muôn phần trọn vẹn
Cuộc nhân thế vì bể dâu nên chuyện
Ai ơi xem lịch sử cụ Tiên Điền
Phấn vua Lê trang điểm đó là duyên
Tay chúa Trịnh cầm quyền thì cũng nợ
Quân Bắc viện , Đông đô khi vỡ lỡ
Lửa Tây Sơn, Nam luỹ lúc kinh hoàng
Mây Tràng thành xa cách mặt quân vương
Nghìn dặm những đoái thương chiều tuyệt tái
Chém kẻ gian tà gươm thụt lưỡi
Đền ơn quân phụ khối mang tình
Chốn lâm toàn lạc lối kẻ thư sinh
Âu cũng lấy đôi chữ trung trinh làm bổn phận
Khi trong nguyệt cung cầm ngơ ngẩn
Khi dưới hoa vơ vẩn nước cờ
Cảnh hoàng hôn khi thỏ ác lần lừa
Hồn cố quốc khi đỗ quyên thúc giục
Dở đến tập phong tình cổ lục
Khóc cho ai mà lại khóc cho ai
Thương ôi sắc nước hương trời
Thân trinh bạch cũng mai mà cũng tuyết
Cũng một lối tài tình oan nghiệt
Bút tài hoa nên điểm xuyết chuyện trăng hoa
Thác ra lời bạc mệnh xót xa
Mắng những thói buồn đơi xỏ lá
Nhắm mắt đánh nhau cùng tạo hoá
Nặng lời trao lại với non sông
Cuộc bể dâu trông thấy đã đau lòng
Tài thế nhỉ mà tai là thế nhỉ
Cho mới biết chữ hiếu, chữ trung là chữ quý
Kiếp phù sinh chi kể giấc chiêm bao
Ta khen người thục nữ chí cao
Mà tâm sự đấng văn hào ta phải nhớ
Điểm giọt máu chuốt nên vần quốc ngữ
Lúc canh khuya nghe gõ tiếng chuông vàng
So oán ân trong kiếp đoạn tràng
Bảo cho biết thiện căn là lạc quốc
Âm cực dương hồi, cơ duyên sau trước
Đem văn chương mà cảnh giác cho ta
Niệm nam mô ông Phật chùa nhà !
Nguyễn Đôn Phục
Một thí dụ về sự vô hạn định số chữ trong câu thơ Hát nói :(Câu 7, gọi là xuyên mau dài 24 chữ).
Giả Cách Điếc

Trong thiên hạ có người giả điếc,
Khéo ngơ ngơ ngác ngác ngỡ là ngây,
Chẳng ai ngờ sáng tai họ, điếc tai cày, (1)
Rở lối điếc, để sau này em út học
Toạ trung đàm tiếu nhan như mộc,
Dạ bán phan viên thủ tự hậu (2)
Khi vườn sau, khi ao trước, khi điếu thuốc, khi miếng trầu, khi chè chuyên năm bảy chén, khi Kiều lẩy một đôi câu;(3)
Tỉnh một lúc, lâu lâu rồi lại điệc
Điếc như thế, ai không muốn điếc ?
Điếc như anh dễ bắt chước ru mà !
Hỏi anh, anh cứ ậm à.

o0o
(1) Con trâu hễ người đi cày bảo "họ" thì nó đứng lại ngay (ddược nghỉ), trong khi bảo "cày" thì nó lại cứ ỳ ra làm như chẳng nghe thấy gị
(2) Ngồi giữa đám nói cười thì mặt ngây như gỗ; Nửa đêm thì tay lần mò như con khị
(3)Đây là 1 tiêu biểu cho sự vô hạn định số chữ trong câu thơ hát nọi câu thứ 7 (xuyên mau)dài 24 chữ , chỉ cần chữ cuối theo vần câu thứ 6(thơ).


Một bài hát nói trào lộng.
Diễu thầy đồ Cổ Nhuế

Thầy đồ Cổ là người tài bộ
Quẩy cầm thư đi giáo thụ phủ Vĩnh Tường
Trước nha môn thiết một học đường
Dạy dăm đứa chi hồ dã giả
Nhân lúc đồ ngồi nhàn hạ
Ra hồ sen xem ả hái hoa
Ả hớ hênh ả để đồ ra
Đồ trông thấy đồ ngâm ngay tức khắc
Phong tiền lạn mạn hoa sinh sắc ! ( trước gió phất phơ hoa nẩy sắc )
Thuỷ diện vi mang bạng thổ thần ( một dòng thấp thoáng hến thè môi )
Đồ ngâm rồi đồ đứng tần ngần
Đồ nọ tưởng đồ kia thêm thắc mắc
Suốt năm canh , đồ nằm biếng nhắp ,
Những mơ màng đồ nọ tưởng đồ kia
Đồ đâu gặp gỡ làm chi ! ...
Ứng dụng:
Cuối cùng là phần lý thú nhất của bài biên khảo. Nắm vững quy luật Hát nói rồi, chúng ta hãy ứng dụng vào trong thơ hiện đại. Đây là bài thơ của Tử Ngôn :

Trăng Giữa Tháng
Mảnh trăng nhỏ nằm nghiêng bên mành trúc
Giống giận hờn, như khúc nhạc thở than
Ngồi bên nhau cùng tơ tưởng mơ màng
Anh em đó, nửa vầng trăng giữa tháng .
Mảnh tình hờ em gác nặng vai anh
Kề môi hôn cho ấm đượm ân tình
Để nhung nhớ giết dần trăng giữa tháng
Và cô độc làm úa cánh môi xinh .
Chiều bên em nắng đang liếc mắt nhìn
Hoa hồng nở chẳng ai thèm, muốn hái
Chỉ có anh một vì sao xa mãi
Muốn ươm đầy nhuỵ ngọt của hoa em ...
Sau đây tôi xin hoán chuyển sang Hát nói :
Trăng Giữa Tháng
Mảnh trăng nhỏ nằm nghiêng bên mành trúc
Giống giận hờn, như khúc nhạc thở than
Ngồi bên nhau cùng tơ tưởng mơ màng
Anh em đó, nửa vầng trăng giữa tháng .
Vân lâu bán khai bích tà bạch (1)
Ngọc luân trát lộ thấp đoàn quang
Mảnh tình hờ em gác nặng vai chàng
Để nhung nhớ giết dần trăng giữa tháng .
Và cô độc làm cánh môi xinh khô hạn
Xót đời hoa chờ tay hái chẳng ai thèm
Chỉ tình anh ngọt nhuỵ em
Chú Thích :
(1) Tường bạc hững hờ cung mây hé
Vành ngọc ngộp sương bóng ướt đầm - Hai câu này không đòi hỏi phải là Hán Văn, Việt văn cũng được nhưng phải là thơ 7 chữ .
Anh Phạm Doanh, một nhà thơ và cũng là 1 nhà khảo cứu về văn học Việt Nam đã làm bài Tương tư theo thể Hát nói để đóng góp vào trong bài viết này :
Tương tư .
Hát Mưỡu :
Tương tư từng sợi đan dài
Giọt buồn đọng lại bờ vai muộn phiền
Về đi, về cố tìm quên
Chuyện tình mờ mịt trong miền cát bay
Hát Nói :
Mười năm đã chia tay ngày ấy
Mà bây giờ còn tấy vết thương
Ta và em mỗi đứa một con đường
Kỷ niệm cũ vấn vương hoài tâm tưởng
Ta lưu lạc đời vô định hướng
Em về đâu ? sung sướng, khổ đau ?
Có những đêm sau cơn rượu nát nhàu
Ta tuyệt vọng, ta ôm đầu, ta khóc
Rồi năm tháng chuyển màu trên mái tóc
Vùng rong rêu bám chặt cả tâm hồn
Ngoài kia trời lại mưa tuôn .

Phạm Doanh

Và đây là một bài thơ lục bát của một bạn gốc Nha Trang được tôi chuyển sang thể Hát Nói :
NHA TRANG
Quê em cát trắng thuỳ dương
Dòng sông trôi nhẹ vấn vương chữ tình
Luỹ tre , xanh ngát bên dình
Thông reo với gió xinh xinh bầu trời
Biển xanh trao nhẹ lời mời
Hiền lành hiếu khách , lòng người miền Trung
Người di ,kẻ ở thuỷ chung
Lòng người xa xứ nhớ mong quê nhà .
Chuyển sang Hát Nói :
NHA TRANG
Biển xanh cát trắng
Đây quê em miền nắng thuận mưa hoà
Có dòng sông, dừa rũ bóng la đà
Khi gió thổi là ngàn thông vi vút tiếng
Ngang tàng Cầu Đá đâm toạc biển
Sừng sững Tháp Bà chọc thủng trời
Dừng chân đây nhé viễn khách ơi
Trong tiếng sóng thiết tha lời mời gọi
Dù vui chân đường sông hồ vạn lối
Thân tha phương nhưng tâm tại cố hương
Nha Trang quê cũ mến thương .
Meta

Bạn thấy chưa ? Bình cũ đựng rượu mới dù không thêm hương vị nhưng cũng mặn môi đặm lưỡi . Ý hiện đại lồng trong thể thơ cũ cũng mang lại ít nhiều mới lạ .
Ngày xuân muôn hoa khoe sắc màu, gió xuân hây hây, tình xuân phơi phới, ý xuân bàng bạc nơi nơi . Nắm vững quy luật về thể thơ Hát nói, ngần ngại gì bạn cùng tôi không lấy giấy bút, chẳng giấy hồng tiên, mực tàu lỉnh kỉnh, giấy trắng bút Bic cũng được, thảo vài câu Hát Nói gọi là đầu xuân khai bút . Không trà thì rượu, chẳng câu đối cũng vài bài Hát Nói mừng xuân .
Đời người xuân đến được bao lẩn
Không câu đối tết tủi lòng xuân
Khai bút dăm ba câu Hát nói
Nhớ người thiên cổ hỡi thế nhân

Metamorph.

Nếu các bạn chưa chán, vài ngày nữa Meta xin nói về Phú và Văn Tế. Dĩ nhiên Meta cũng sáng tác vài bài mẫu.
Sáng tác Hát nói, Phú, Văn tế.
Hát nói
Phú