watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Con dế không biết rung-Phần 1 - tác giả Lưu Thị Lương Lưu Thị Lương

Lưu Thị Lương

Phần 1

Tác giả: Lưu Thị Lương

Nếu đời anh chỉ là viên ngọc quí anh sẽ đập ra làm trăm mảnh xâu thành chuỗi quàng vào cổ em.
Câu thơ dài lê thê lếch thếch, không có một dấu phẩy ngừng nghỉ, nên Kiết Bình phải ráng sức nín thở, cố đọc cho xong. Vừa dứt tiếng “em”, nó tranh thủ hít vô một hơi dài, ém đầy một bụng, rồi cắm cúi đọc tiếp.
Nếu đời anh chỉ là...
Vừa méo miệng đọc diễn cảm tới đó, Kiết Bình bỗng nghe quá chừng rung động ở ngay trên... cái đùi bên trái của mình.
Con nhỏ Thu Thanh đang lén lén nằm ngoẹo đầu trên bàn, cũng thấy hiện tượng xúc động không đúng chỗ ấy.
Nó nhanh nhẩu dùng mũi giày thể dục, nhấn nhấn lên mu bàn chân trần trụi không giày không vớ của Kiết Bình mà thì thào báo động.
- Ê. Có đứa nào gọi mày kìa! Nghe không ?
Kiết Bình ngừng đọc ngay lập tức, nhưng cũng không trả lời Thu Thanh. Nó lật đật cầm cuốn sách bằng một tay. Tay kia thò vô túi quần mò mẫm, cố tìm cái nút tắt đi nỗi rung động không hợp lúc ấy. Nhưng cái túi quần thể dục vừa sâu vừa hẹp, còn cái điện thoại thì trơn thùi lùi và mỏng dẹp, nhỏ xíu như miếng chả trứng trên đĩa cơm tấm bán ở căn tin.
Cứ thử tưởng tượng mà coi, phải lao động trong hoàn cảnh không có sự tiếp cận giữa vật ngắm và thị giác như vậy đó. Thật là khó khăn khỏi kể lể.
Cô giáo tưởng nó đọc nhiều chữ quá, bị hụt hơi, nên dịu dàng nhắc.
- ...bông hoa... Tiếp đi nào.
Kiết Bình vẫn cầm cuốn sách bằng một tay, lắp bắp.
- Dạ... bông hoa nhỏ... bé tròn xinh... Trời ơi. Đồ quỉ.
Ha ha. Hô hô. Hí hí.
Những tràng cười tự nhiên và cố ý, bùng ra và rộ lên khắp cả lớp.
Cười to nhất và nhiều nhất là những đứa ngồi chung quanh Kiết Bình, vì Thu Thanh đã kịp thời báo cho tụi nó biết lí do nào khiến Kiết Bình dám sửa thơ của thiên tài Ấn Độ Tagore.
Cô giáo mặc dù đang lướt thướt quần ống rộng với vạt áo dài chấm gót và giày cao lêu nghêu, mặc dù đang đứng uy nghi trên bục giảng, nhưng chỉ trong chớp mắt đã thấy cô đáp xuống ngay lối đi giữa lớp.
Và những bước chân đột ngột ấy cứ thế mà tiệm tiến tới tới.
Chiếc điện thoại đang trốn tránh giấu diếm thì vẫn cứ rung theo kiểu chuyển động đều. Nhưng rất khí thế.
Giọng cô tất nhiên là không hài lòng. Những câu hỏi tung ra dồn dập.
- Cái gì thế ? Em đọc ở đâu ra vậy chứ ? Sách của em bị in sai hay sao ?
Và tất nhiên là có những kẻ đùa giỡn phụ họa theo kiểu đổ thêm dầu vào lửa.
- Sách giả! Sách lậu!
May mà Kiết Bình ngồi ở bàn áp chót.
Trong tình cảnh dầu sôi sùng sục, sắp bị phỏng lửa tới nơi thì cái túi quần của Kiết Bình, đột ngột, hết rung bần bật.
Nên lúc cô văn vừa đến trước mặt nó, thì Kiết Bình đã đứng ngay ngắn trở lại, rất đúng tư thế nghiêm khi đối diện thầy cô giáo. Nó bắt đầu rối rít sửa chữa sai lầm, bằng cách đọc trơn tru, không lấp vấp một câu thơ dài còn hơn câu trước.
- Dạ. Em xin đọc tiếp. Nhưng em ơi, trái tim anh là tình yêu, niềm vui sướng và nỗi khổ đau của nó là mênh mông, những gì tình yêu thiếu thốn và giàu có là bất tận.
Bất chấp những nguyên tắc giữ gìn vệ sinh và văn hóa nơi công cộng, một lần nữa, Thu Thanh lại nhấn cái đế giày của nó (vừa mới đi bèn bẹt trên sàn toa lét trong giờ chơi lớn) lên làn da chân màu bánh nướng của Kiết Bình.
Và con nhỏ này la lên. Xong rồi mới nhớ bịt miệng lại.
- Chết mày! Đọc lộn rồi.
Còn cả lớp thì tiếp tục cười ồ, xì xồ.
Trong khi đó, cô giáo gay gắt hỏi tiếp.
- Xong chưa?
Thiệt ra, Kiết Bình đã thấy mình sai khi vừa đọc tới chữ “tình yêu” thứ nhất nhưng nó không kềm thắng lại kịp, cũng chẳng thấy ai phản đối. Chắc là tại ai cũng đang mắc bận vểnh tai lên, nghe nghiền ngẫm nghĩ về câu thơ quá chừng lâm li tình tứ ấy.
Mặc dù rất giận nhưng cô giáo vẫn nói véo von, văn vẻ với hàng loạt biện pháp tu từ.
- Em đã bứt rời, bẻ gãy và làm vụn nát mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ. Em coi bài thơ tình nổi tiếng thế giới như cái quai guốc, muốn đóng vô chiếc guốc nào cũng được, cao thấp đắt rẻ không thành vấn đề. Coi tay của em kìa. Nếu cuốn sách biết nói, thì nãy giờ cả lớp đã nghe đầy tai những tiếng kêu đau đớn vì nó bị em xoắn lưng, vặn mình không chút nương tay.
Kiết Bình lắp bắp như người bị dầm mưa lạnh run cầm cập, nói không ra lời.
- Dạ em xin lỗi. Em nhìn lộn. Dạ để em đọc lại.
Cô giáo lạnh lùng phẩy tay ra dấu chấm dứt.
- Thôi. Ngồi xuống.
Kiết Bình không nghe theo lời cô giáo. Không phải vì nó bướng bỉnh cứng đầu chống đối, cũng không phải ngoan cố kiên trì xin được lập công chuộc tội, mà vì nó sợ cô buồn.
Tới giờ văn, cô thường gọi nó đứng lên đọc diễn cảm cho cả lớp dò theo trong sách giáo khoa. Vừa dò vừa học tập, vì giọng Kiết Bình to, rõ ràng, và cô thường khoan khoái bảo “Đọc tốt”.
Tự nhiên có một đứa mất dạy nào không biết (Xin lỗi vì đã dùng từ thô bạo. Nhưng như thế mới thực sự đúng là dùng từ có chọn lọc, đạt hiệu quả nghệ thuật cao vì phù hợp với đối tượng được nói tới, phù hợp hoàn cảnh phát ngôn v.v...) lại lên cơn ghiền nói chuyện bằng điện thoại như vậy chứ. Nó có còn trí nhớ là nhà trường cấm tuyệt học sinh đem điện thoại di động vào lớp hay không chứ ? Mà nếu đem thì phải kín đáo sử dụng chứ.
Cô giáo nhìn bộ mặt ngay đơ của Kiết Bình, thêm một lần nữa, bằng ánh mắt răn đe. Nên nó đành phải rón rén ngồi xuống như sợ làm đau cái ghế, như sợ rằng nếu nó ngồi thoải mái quá thì sẽ không thể tỏ ra mình là một kẻ có lỗi, đang ở trong thời kì được tạm thời tha thứ, thử thách.
Cô quay mặt sang dãy bên kia, dịu dàng gọi.
- Kinh Lâm. Đọc lại từ đầu.
Kinh Lâm đứng bật dậy. Giọng con trai của nó trầm trầm nặng nặng và ấm áp, nếu so với giọng trong veo, nhẹ tênh của Kiết Bình.
- Đôi mắt em băn khoăn u buồn, đôi mắt em muốn dò hỏi ý nghĩa lời anh nói, như mặt trăng muốn soi vào đáy biển.
- Đọc rất tốt.
Rõ ràng giọng khen ấy của cô hướng về Kiết Bình, với ý phê phán khiển trách nó.
Nhưng cú rung rinh của miếng chả kim loại trong túi quần lúc nãy, chiếm sự quan tâm của nó nhiều hơn.
Kiết Bình lén lén cho tay vào túi, lôi cái cái điện thoại máy nhỏ xíu đó ra, giấu trong hộc bàn, hé một con mắt xuống đọc.
Tin nhắn có số máy của Hải Âu.
Con quỉ ! Ngồi ngay đằng sau lưng mà cũng kiếm chuyện nhắn nhe. Thôi thông cảm cho nó. Mới có “con dế” thải ra từ chị hai của nó mà. Tuy là loại điện thoại di động “cũ người mới ta” nhưng lúc nào Hải Âu cũng nhá nhá, gọi tứ lung tung. Đang đứng rửa tay ở vòi nước toa lét cũng móc máy ra, gọi về nhà hỏi “Con mèo ngủ dậy chưa má ?”
Tin nhắn như sau “Sinh nhật mi có mời Kinh Lâm không ? Không mời nó ta không đi đâu”.
Kiết Bình kêu ủa ủa thầm trong đầu. Bữa nay tới con nhỏ nhà không giàu, không đẹp gái, lại có tật xấu là khoái châm chích thiên hạ này, cũng để ý thằng Lâm nữa. Đó là chàng trai nhà giàu, đẹp trai, hát hay, đá banh giỏi... Cái gì cũng được xếp vào hạng nhất lớp.
Nhớ hồi tổ chức hội trại 26/3, tụi con gái cứ thay phiên nhau, nhào vô chụp hình chung với Kinh Lâm. Hải Âu đã nhận xét “Thì cũng giống như con ngựa trên Đà Lạt, khách du lịch trả tiền để leo lên lưng nó chụp hình, để khoe mình biết cưỡi ngựa ấy mà”.
Tuy rằng chàng trai sáng giá nhất lớp không để bụng câu “nói nặng” ấy, nhưng Hải Âu hoàn toàn không có đủ điều kiện để tranh đua với mấy con nhỏ kia, trong cuộc chinh phục đỉnh cao Kinh Lâm đâu. Nếu nói tiếng lóng đơn giản dễ hiểu là Hải Âu “Không có cửa”.
Nghĩ như vậy, nhưng mắt Kiết Bình vẫn canh chừng cô giáo, còn tay thì bấm lia lịa” “Cứ đi. Có!”
Trả lời xong, Kiết Bình quay xuống bàn chót, nháy mắt với Hải Âu, thì thấy con nhỏ này đang xoay mặt nhìn vách tường ngay sau lưng.
Rầm !
Đó là tiếng nắm đấm tay đập rất mạnh lên mặt bàn bằng sắt ở lớp bên cạnh.
Tiếp theo là một tràng âm thanh phẫn nộ đạt tới cường độ hết biết, có thể là nhiều trăm đề xi ben.
- Chuông điện thoại của người nào vừa reng?
Con dế không biết rung
Phần 1
Phần 2