Biển Như Tôi Nhớ
Tác giả: Lý Lan
Vào thời câu chuyện này ra đời, nó được xếp loại truyện khoa học giả tưởng hay viễn tưởng, với nghĩa là truyện tưởng tượng về một trăm năm, một ngàn năm, hay một triệu năm sau, dựa trên những yếu tố hoang đường mà tác giả cho là khoa học. Biển, như tôi nhớ thời đó, được miêu tả bằng những tính từ mênh mông, bao la, vô bờ bến. Biển, thời mà tôi còn nhớ đó, thuộc về hai người, một đàn ông một đàn bà.
Người đàn ông khi ở trong biển chỉ cần một cái quần đùi, thực ra cũng chẳng cần bất cứ thể loại y phục gì; nhưng khi bước lên bờ y cần sơ-mi, quần tây, dây thắt lưng, giầy vớ, ca-vát, áo vét, sĩ diện. Cho nên y cần địa vị, tiền bạc, tiếng tăm. Y cũng cần những người đàn bà ngưỡng mộ các thứ phụ tùng trên người y như kính gọng vàng, đồng hồ vàng, dây chuyền vàng, nhẫn vàng. Vào thời đó, vàng còn có giá vì người ta chưa múc nước biển chiết ra vàng như sau này.
Biển bây giờ không còn mấy tính từ để miêu tả. Không còn đàn ông, chỉ có những người đàn bà. Họ nằm dài trên bãi cát phơi nắng như đàn hải cẩu thời xa xưa, thuở còn tồn sinh một loài động vật tên gọi là hải cẩu. Vì sao hải cẩu tuyệt chủng không phải là điều đáng bận tâm, vả chăng nào phải đó là chủng loại duy nhất đã biến mất khỏi hành tinh xanh, đàn ông còn mất giống nữa là.
Chỉ còn phụ nữ, vì từ đầu thiên niên kỷ thứ ba theo lịch Thiên chúa loài người đã có khả năng duy trì nòi giống bằng phương pháp sinh sản vô tính. Người đàn ông trở nên vô dụng. Và họ lần hồi biến mất trong vòng ba trăm năm đầu thiên niên kỷ ấy.
Vào thời còn đàn ông, biển như tôi còn nhớ có khi màu xanh lam có khi màu xanh lục, tuỳ lúc người đàn bà đang yêu người đàn ông hay đang căm giận hắn. Biển bây giờ trong veo, cái thứ gì trong biển mà người ta lấy ra được thì đã được lấy ra hết rồi: vàng cùng những kim loại khác, cá và các hải sản khác, muối và những thứ mặn khác như nước mắt, nỗi buồn. Biển thời mà tôi nhớ thường bị ô nhiễm bởi những vết dầu loang, nhưng tất cả các mỏ dầu đã cạn vào năm 2051; cũng không còn rác vì không còn dầu để chế ra những sản phẩm cao cấp sẽ trở thành rác sau khi sử dụng hoặc không qua sử dụng. Như tôi nhớ thì biển thời đó thường nổi lên bão tố vì những con thuyền không bao giờ rõ ràng chuyện đi đâu về đâu. Bây giờ không ai có khái niệm về thuyền nữa.
Ngày còn biển mà tôi nhớ xảy ra câu chuyện người ta gọi là tình yêu. Tất nhiên phải định nghĩa cho người bây giờ biết tình yêu là gì, như phải vẽ ra con hải cẩu để minh hoạ khi nhắc đến nó. Tình yêu là quan hệ giữa một người đàn ông và một người đàn bà, tất nhiên là chỉ xảy ra vào thuở còn đủ đàn bà và đàn ông. Quan niệm đó thông thường đặt trên cơ sở sự nhầm lẫn mà cả hai bên gọi là gặp được nửa cái tôi mình suốt đời tìm kiếm. Họ cố ráp hai cái nửa ấy lại với nỗ lực không tưởng nhằm tạo ra sự hoàn hảo gọi là hạnh phúc. Từ khi không còn đàn ông nữa, đàn bà chỉ đơn giản sao chép chính mình thành nhiều bản với những lý lịch khác nhau, và hạnh phúc là nằm dài trên bãi biển phơi nắng, ngắm những bản sao của mình đi lại, như loài hải cẩu của thời xa xưa.
Câu chuyện tình này xảy ra vào thời xa xưa đó, bao lâu rồi nhỉ? Một ngàn năm, mười ngàn năm, hay một triệu năm? Đại khái vào thời biển còn như tôi nhớ, màu xanh lam và màu xanh lục. Mây cũng còn thì phải. Một đám mây bồng bềnh trôi qua chỗ một trái núi nhỏ ngồi thu lu nơi góc biển. Mây hỏi núi sao trông mày côi cút buồn hiu vậy? Núi thò chân xuống biển vọc sóng không nói gì. Ở đâu đó trên lưng núi có một người đàn ông và một người đàn bà nằm bên cạnh nhau. Nằm tuốt trên cao đó mà họ nói là họ cùng lắng nghe tiếng sóng vỗ. Nhưng khi yêu nhau người ta bắt đầu nói dối, một nhà thơ thời ấy đã phát hiện như vậy và được tin như vậy trong khoảng bảy tám chục năm.
Bây giờ nói bảy tám chục năm nghe như một khoảng thời gian vô nghĩa, nhưng đó là tuổi thọ mong đợi của loài người thời biển như tôi còn nhớ. Thời ấy được kể là sống dai bất cứ người nào chết sau bảy tám chục năm. Còn nếu căn cứ vào những lời cầu chúc bải buôi được lưu lại trong viện bảo tàng chữ nghĩa thì thời gian sống lý tưởng của đàn ông lẫn đàn bà là trăm năm, chính xác là trăm năm hạnh phúc + tuổi kết hôn. À, lại phải bị chú về từ cổ kết hôn. Đó là một quyết định của con người, mà họ đổ thừa cho Chúa, Định Mệnh, Nguyệt Lão, hay Duyên Số, nhằm kết hợp một người đàn ông và một người đàn bà với nhau. Nếu sự kết hợp không thành, hoặc thành không như ý một hoặc cả hai người, thì văn chương sẽ nảy sinh. Ngày nay vẫn còn có thể tìm thấy trong viện bảo tàng chữ nghĩa một tỷ tỷ sách có chung đề tài đó, và những tác giả đã lao mình vào văn chương với niềm tin tình yêu là đề tài bất diệt của loài người, hiểu là có đủ đàn ông và đàn bà, hoá ra có lý. Họ thậm chí không ngờ rằng khi thế giới chỉ còn đàn bà, chữ nghĩa vẫn được bảo tồn chỉ vì trong đó có những lời tỏ tình.
Để quay lại thời biển như tôi còn nhớ, thời đàn ông và đàn bà tưởng mình yêu nhau. Người đàn ông nằm trên núi nghe được tiếng sóng biển ấy nói với người đàn bà là giá mình được chết đi lúc này, bên nhau. Người đàn bà biết là lời nói dối nhưng lại coi đó như bằng chứng của tình yêu nên chỉ mở to đôi mắt nhìn mây bay trên cao và lắng nghe tiếng gió thổi qua núi. Mây bay ngàn năm, gió qua miền vĩnh cửu, mà không có ý thức gì về sinh thái và môi trường. Biển bây giờ trong veo như bầu trời bây giờ trong suốt, mây đã thôi bay từ lâu và gió không còn lồng lộng thổi.
Biển như tôi còn nhớ cũng giống như đàn bà thời có đàn ông, chấp nhận bị lừa dối để thí nghiệm tình yêu. Từ xưa đến lúc ấy, những tuyên ngôn bảo vệ chân lý hay truy tìm sự thật đều là sáng tác của đàn ông. Người đàn bà trong truyện này khi lên núi chưa biết sáng tác lớn nhất của đàn ông là câu chuyện vu khống Eva để đổ vấy tất cả những chuyện đau khổ nhảm nhí của loài người, của đàn ông và đàn bà, lên đàn bà mà thôi. Nhưng bản chất đàn bà thời đó là nhân nhượng. Như biển thời đó, cứ nhận tất cả vào lòng mình, từ những dòng sông đen ngòm hoá chất đến cánh hoa đào trôi.
Thực ra biển là biển mà đàn bà là đàn bà. Thời biển còn như tôi nhớ, đàn bà đi biển một mình. Bây giờ họ cũng một mình đi biển, nhưng với sự hỗ trợ của kỹ thuật cao cấp chuyện đó sau này quy lại chỉ là một thao tác đơn giản điều chỉnh AND sao cho có được sự đa dạng của một tiêu bản, sự phong phú của một hình hài. Từ cuối thiên niên kỷ thứ hai, ước muốn thâm căn hoàn thiện thể hình của đàn bà bắt đầu được khoa học kỹ thuật hỗ trợ. Ban đầu họ điều chỉnh ngoại hình, sửa chữa những đường nét họ cho là khuyết tật hay chỉ là khiếm khuyết thông thường vô hại. Rồi họ sửa sang tâm hồn, gạn lọc dần những gien mình không thích nữa, như gien buồn phiền, gien thất vọng, gien tức giận. Bởi vì đàn bà hay thay đổi, hoặc chính là thay đổi, nên đến một lúc họ không còn biết mình là ai và muốn cái gì.
Đến thời đó họ nằm dài trên bãi cát, tơ lơ mơ, và biển nằm bên họ trong veo, chẳng giống chút nào biển như tôi còn nhớ.