Ngựa Ô
Tác giả: Lý Lan
Ở quê mẹ tôi hàng năm người ta giẫy mả vào ngày hăm lăm tháng chạp. Ba tôi lại theo một tục lệ khác tảo mộ vào ngày Thanh Minh. Ở thế giới vĩnh hằng có lẽ mẹ tôi không câu nệ gì ngày tháng nữa. Nhưng giữa tiết Thanh Minh và tháng Chạp là một mùa mưa dài dằng dặc, mà cây cỏ vùng nhiệt đới lại sinh sôi không kế hoạch gì. Tết đến, trên gò mả, mộ ai cũng tươm tất, riêng mộ mẹ tôi um tùm cây cỏ, trông cũng ngậm ngùi.
Nên, Chạp này tôi về quê.
Mấy năm gần đây quê tôi phát triển nghề gốm. Quanh vùng, lò chén, lò lu mọc lên lô nhô. Đất bị đào lấy nguyên liệu, để lại từng hốc từng hố to nhỏ đủ hình dạng. Đường đi lên gò mả thành ra nhiêu khê, vòng vèo men các miệng hố, lách theo mấy rặng tre cũ. Làng quê vốn thân quen nay cũng hơi lạ mắt. Tôi còng đang ngỡ ngàng tìm lối mòn xưa thì giật thót mình vì một tiếng ngựa hí dài bất thần vang lên trong không gian tĩnh lặng của nghĩa địa ban trưa. Tiếng hí dài, ngân vọng qua vòm trời bao la lóa nắng, nhưng không rõ xuất phát từ đâu. Tôi đứng nhìn chung quanh vắng vẻ. Những người đi giẫy mả đã về rồi, chỉ còn lại loáng thoáng làn khói hương hư ảo vương trên các bia mộ và những đốm lửa nhỏ ẩn khuất đâu đó của những nén nhang nửa chừng. Chờ một lúc, không nghe tiếng người, cũng không thấy bóng ngựa, tôi lại rảo bước đi. Tiết tháng Chạp gió se se lạnh, nắng ban trưa tuy vẫn chói chang mà không nóng lắm.
Không ngờ có ai đó đã giẫy cỏ dùm phần mộ mẹ tôi. Trước bia hãy còn cháy ba cây nhang. Tôi lại nhìn quanh quất. Chỉ có mấy con chim sẻ nhảy nhót trong lùm gai và những làn khói hương mong manh càng làm tăng vẻ hiu quạnh. Bỗng lúc đó tôi nhìn thấy con ngựa ô, như thể mới hiện hình, đứng im lìm sau rặng tre. Chùm đuôi dài đen nhánh như tóc người con gái trẻ. Thân hình cao lớn nhưng trông vẫn thon thả. Đầu nó cúi xuống mà bờm có vẻ dựng đứng lên. Con ngựa ô thật đẹp. Chỉ riêng cái mầu lông đen tuyền cũng đã là một mầu đen đẹp.
Hồi lên năm tuổi, tôi đã từng ngồi trên lưng một con ngựa không yên cương, tay nắm chặt bờm nó, mắt nhắm nghiền trong khi con ngựa sãi vó phi nước đại băng qua rừng cao-su. Cậu tôi chỉ đặt tôi lên lưng để dọa đùa, không ngờ nó vụt phóng đi. Nghe kể lại rằng khi con ngựa bị bắt lại được, tôi vẫn ngồi vững vàng trên lưng nó, tay níu chặt bờm, mắt vẫn còn nhắm nghiền. Tôi không khóc nhưng ngơ ngác đến ba bốn ngày. Cho đến tận bây giờ tôi không hề leo lên lưng ngựa lần nào nữa. Nhưng tận cùng trong thâm tâm, tôi vẫn khao khát được phi như bay trên lưng ngựa, được cuốn đi trong một cơn lốc hãi hùng. Mặc dù cứ thấy con ngựa thật, tôi lại cảm thấy một nỗi sợ hãi mơ hồ. Hình như cái sợ tột đỉnh cũng là một thứ khoái cảm có sức hấp dẫn lạ lùng. Dù vậy, nói chung tôi thích những con ngựa. Chúng có thể hình đẹp, nhất là ngựa ô.
Con ngựa ô đứng kia dù có vẻ mệt mỏi già nua vẫn tạo được một nét đẹp vừa đơn giản vừa phi thường. Nghe người ta kể rằng thời chiến tranh, quê tôi rất loạn lạc. Mỗi lần tản cư, trâu bò heo gà lại thất tán. Có lần, con ngựa cái của ông Hai Xu nghe súng nổ rát quá bứt dây cương chạy mất. Ông Hai Xu mất ngựa không làm nghề đánh xe thổ mộ nữa, đi cày thuê. Thưở đó, ở quê tôi không chỉ có cái cảnh con người lẽo đẽo theo sau cái cày, mà vì trâu bò thiếu, xăng dầu hiếm nên không ít cảnh con người uốn cong mình hình lưỡi câu kéo đằng trước cái cày. Một hôm ông Hai đang kéo cày, chợt nghe tiếng vó câu dồn dập từ mé trên xa lộ về. Và rồi bóng một con ngựa phi vút trên con đường vào làng. Ông Hai đứng sững giữa ruộng, huýt sáo một tiếng. Con ngựa đang bay lướt trên mặt đường bỗng đứng khựng trên hai chân sau, hí vang một hồi dài, quay ngoắt lại, hướng về ông Hai phóng tới. Ông Hai ôm chầm lấy con ngựa đang chảy mồ hôi ròng ròng, khóc ngất như trẻ lên ba. Con ngựa trở về chẳng những đem lại chén cơm cho gia đình mà ít lâu sau còn đẻ ra một con ngựa con đen nhánh.
Ở vùng tôi, ngựa có đủ mầu: nâu, hung, vàng, trắng, đốm... nhưng ngựa ô chỉ tồn tại trong câu hát về một mộng mơ xa vời: "Ngựa ô anh thắng kiệu vàng... " Nên khi con ngựa ô ra đời, nó nổi tiếng ngay. Người quanh vùng, dù xa năm mươi cây số cũng cỡi Honda đến để xem tận mắt.
Hồi đó tôi còn nhỏ, còn ở quê nhà. Rất lấy làm hãnh diện là bạn của Triệu, con gái ông Hai Xu, chủ con ngựa ô nổi tiếng. Chúng tôi bốn đứa: Triệu, Tấn, tôi và con ngựa, vẫn thường chạy đua trên đường làng, đùa giỡn trên gò, đồi, rong chơi trên cánh đồng trong mùa khô.
Mỗi lần uống rượu vào, ông Hai lại khoái chí ngắm con ngựa ô và đứa con gái. Vì một lý do bí mật, gần năm mươi tuổi ông hai mới cưới vợ và có đứa con gái gọi tên là Triệu. Ông thường than rằng tên ông là Hai Xu nên cả đời người không có cái gì đáng giá tới ba xu. Xét theo vai vế trong họ, tôi phải gọi Triệu là dì, dù chỉ xê xích nhau vài tuổi. Dì Hai Triệu cũng có họ xa bên ngoại với anh Tấn. Nhưng hồi đó, chúng tôi xưng hô mày tao với nhau. Đến khi lớn lên, anh Tấn có vợ con rồi, cũng vẫn còn nghe hai người "mầy tao". Họ chỉ đổi cách xưng hô với tôi. Tấn gọi tôi là "cô Hai" còn dì Triệu chỉ gọi "Hai". Triệu đang ôm một giỏ củi trèo lên dốc, nhìn thấy tôi, mừng rỡ kêu:
- Hai mới về!
Con ngựa ô thấy chủ, phe phẩy chùm đuôi, gõ gõ móng xuống mặt đất đầy lá khô. Tôi tiến lại gần, nói:
- Hồi nãy nghe tiếng hí, mình biết là nó. Nó cũng còn nhận ra mình.
- Ngựa ô có nghĩa lắm...
Câu nói bình thường mà giọng nói Triệu nghe lạ, hình như hơi nghẹn ở chữ "nghĩa". Hay tôi nghe nhầm? Tôi định nhìn vào mắt Triệu, nhưng dì bỏ lửng câu, cúi mặt xuống giỏ cỏ, xốc xốc chúng lên. Tôi nói sang chuyện khác:
- Không biết ai giẫy cỏ mộ má mình.
Dì Triệu đứng thẳng lên nhìn ra xa, gương mặt bình thản:
- Thấy trưa rồi mà Hai chưa về, không biết có về không... Tui đi cắt cỏ cho ngựa mà...
- Cám ơn dì Triệu.
Triệu cười ngượng nghịu. Tôi thường ngạc nhiên, không hiểu được nụ cười này. Sao mà nghe tôi cám ơn, Triệu cười như thể Triệu có lỗi vậy? Triệu lại xốc giỏ cỏ lên nói:
- Cỏ bây giờ cũng khó kiếm. Hai ở chơi vài bữa hôn?
- Chắc mai mình đi sớm, công chuyện còn lu bu lắm.
- Tối qua chơi nghen!
- Dì Triệu có nấu chè trôi nước đãi mình không?
Triệu lại cười, nhưng cả nụ cười sau khi pha trò này cũng không vui. Chắc tại câu đùa nhạt. Hoặc đùa không phải chỗ. Nhà Triệu trên gò, quanh nhà trồng khoai mì làm hàng rào, chè trôi nước khoai mì có thể không phải là món ăn chơi trong ngôi nhà nhỏ cũ kỹ xiêu vẹo. Triệu nhấc giỏ cỏ đeo lên vai. Tôi định hỏi sao không để con ngựa thồ, may mà không kịp. Triệu dặn tôi lần nữa, tối nhớ qua chơi, rồi dắt ngựa đi. Con ngựa không co chân bước đi như bình thường. Hai chân này nhấc lên, hai chân kia chực khuỵu xuống, cả thân hình chuyển động hình sóng ngang, con ngựa đi trên đất bằng mà tưởng như mỗi bước đi lại sụp hố, toàn thân vặn vẹo tạo cảm tưởng về một nỗi đau đớn quá sức chịu đựng. Những bước đi trồi sụt trên đất bằng. Cứ mỗi bước đi lại đe dọa một sự ngã quỵ. Tôi há hốc miệng nhìn dì Triệu cùng con ngựa đi lần xuống dốc. Đó là con ngựa ô, con ngựa ô nổi tiếng, từng làm hãnh diện lây cho tôi.
Đêm tháng chạp xuống nhanh và trời lại ẩm lạnh. Ông Hai Xu thấy tôi rùng mình, bảo tôi ra hè ngồi cho ấm. Ông đốt một đống lửa lớn. Như vậy tiện nhiều bề. Trong nhà không cần thắp đèn, bếp không cần nhóm. Lại sẵn lá khô. Tôi không biết gọi chính xác là gì. Đó là những tàu cau khô, dì Triệu tước phần lá mềm. Chừa lại sống lá, gân lá, rồi bó lại thành cây chổi vác xuống chợ bán. Phần lá mềm để vun đống, cháy như giấy mà lại có một mùi thơm kỳ lạ. Ngọn lửa cao, sáng và ấm. Ông Hai lắc bầu rượu rồi tu một hơi, nói:
- Mà đám này là đám thứ ba rồi. Nó cứ lấy cớ cha già. Hừ! Tao già thì tao chết. Nó già rồi nó lấy ai nuôi? Còn son rỗi gì nữa? Còn con ngựa ô... Ngựa ô có nghĩa, nhưng mà...
Giọng ông Hai Xu cũng nghẹn lại. Tôi tưởng như nhìn thấy giọt nước mắt long lanh nơi khóe mắt già nua. Nhưng ông già tằng hắng ho một tràng khạc nhổ vô đống lửa, rồi vơ lấy chai rượu, đứng dậy bỏ vô nhà.
Tôi nghe bước chân trong vườn lạo xạo. Dì Triệu đang lôi mấy tàu cau mới rụng về. Dì nhìn theo cha, ngồi xuống đối diện tôi bên kia đống lửa.
- Trông Hai về hết sức.
Triệu vừa bỏ thêm lá vào lửa vừa nói. Câu nói của Triệu ít khi có nhân xưng thứ nhứt. Tôi cố lấy giọng thân mật để xóa đi ranh giới vô hình.
- Nay không về thì Tết mình cũng phải về.
- Sợ Tết lại không gặp.
- Tết Triệu đi lấy chồng xa sao mà không gặp?
Triệu lại cười. Đúng là tôi vô duyên. Nụ cười này mới héo hon làm sao! Triệu kéo một tàu cau vào lòng, bắt đầu tước lá.
Im lặng rất lâu. Tôi không biết còn đề tài nào là không kỵ nữa. Con ngựa ô. Triệu đi lấy chồng. À! Tôi vui mừng hỏi.
- Anh Tấn nay ra sao rồi? Con cái chắc cũng lớn lắm. Được mấy đứa? Hồi chiều tới giờ mình ở nhà cậu, cũng chưa qua thăm ảnh. Nay ảnh làm ăn khá không?
- Qua ngày.
Triệu lại lặng lẽ tước lá. Không lẽ đề tài này cũng kiêng nói? Tôi bắt đầu thấy buồn ngủ, ngáp tới hai cái mà Triệu vẫn không ngẩng đầu lên.
- Biết Hai về, chắc ảnh qua chơi mà.
Tôi bắt đầu mong Tấn. Đêm nay có thể rất dài. Nhớ những đêm giáp Tết của tuổi thơ, sao nó ngắn lạ lùng. Người lớn đuổi chúng tôi đi ngủ để khỏi quẩn chân họ. Nhưng chúng tôi như những con lươn trườn ra khỏi giường, luồn tới nơi mổ heo lại chạy về nơi đang gói bánh. Chỉ chạy qua chạy lại như vậy mà trời sáng hửng lúc nào không hay. Nhưng hồi đó Tấn cũng là một đứa trẻ nổi tiếng. Gần Tết những trẻ khác vo viên đất sét để đi bắn chim, còn Tấn thì cần cù từ sáng đến tối, nhồi đất sét để nặn ra kỳ lân, rồng, sư tử. Có một ông khách nọ bỏ tiền mua hết mấy con đất sét đó và hỏi Tấn có muốn làm con nuôi ổng, ổng sẽ cho đi học điêu khắc. Cha mẹ Tấn không cho, nhưng Tấn nói với chúng tôi Tấn sẽ trốn nhà đi "điêu khắc". Lũ trẻ chúng tôi đều cho "điêu khắc" là ghê gớm lắm. Tôi cũng từng mơ một điều ghê gớm bằng thế: làm thơ. Chỉ có Triệu không hề nói mình mơ cái gì cả. Bỗng dưng Triệu hỏi:
- Hai đi Đà Lạt bao giờ chưa?
- Chưa.
Tôi trả lời thành thật, bỗng hối ngay, nói tiếp:
- Nhưng nghe nói Đà Lạt đẹp lắm, mình có xem hình nghe kể... Đà Lạt có đồi thông.
- Có đồng cỏ quanh năm xanh ngút mắt, phải không?
- Ờ... chắc cao nguyên thì cỏ xanh lắm...
Tôi thấy Triệu ngẩng nhìn tôi, nhưng đôi mắt xa xôi vô cùng. Lại nghe tiếng chân bước trên lá khô lạo xạo. Tấn đến, cầm một con heo đất to mầu đỏ, thứ heo bỏ ống. Tấn đưa con heo cho tôi nói:
- Cô Hai đem về Sài gòn chơi.
Ban đầu tưởng nó là con heo bỏ ống bình thường, nhưng nhìn kỹ lại thấy có cái đó trong hình thù, đường nét nó không bình thường. Tấn nói:
- Lúc này lò chén nung heo đất với ông thần tài nhiều lắm. Nhưng con heo đất này tôi làm riêng cho cô Hai.
Tôi để con heo đất qua một bên định về nhà sẽ nghiên cứu kỹ. Tấn quây qua nói với Triệu:
- Triệu tính kỹ lại đi. Người ta nói là một chuyện, chứ miếng ăn có đâu mà kiếm dễ dàng như vậy? Với lại con ngựa ô...
Tôi hơi rùng mình. Con ngựa ô... sao anh cũng ngập ngừng, không nói trọn câu? tôi quyết phá vỡ cái mụn bọc này!
- Con ngựa ô nó bị sao vậy?
- Cô Hai không biết à? Năm ngoái Triệu thắng nó vô xe thồ lu từ làng ra bến sông để xuống nghe. Nó già mà khỏe dai. Bận đó nhà khá lắm. Ai thấy nó kéo xe thồ tám cái lu da lươn trên bờ sông dốc đứng trơn trợt cũng lắc đầu. Bữa nó ngã là tại cái bánh xe long chứ không phải tại nó. Nhưng mà bị nguyên cỗ xe lôi tuột xuống dốc, bị mấy cái lu lăn cán qua, xương cốt nó rệu rã rồi, sống được là may. Triệu để cho nó xong cuộc đời nó đi. Ngay cả tụi mình rồi cũng đến ngày như nó.
Triệu vẫn cúi gầm trước những tàu cau, hồi lâu mới nói chậm rãi:
- Nhưng nó đã hết xài đâu? Nó không đi đứng như xưa chứ... Ngó nó vẫn đẹp. Nghe nói ở Đà Lạt, du khách chỉ đứng vịn con ngựa chụp hình là trả năm trăm. Mà trên đó cỏ thiếu gì.
Tôi chưa kịp hiểu ra, Tấn lại nói:
- Nhưng sao lại đến nỗi tha phương cầu thực? Vinh quang gì cái chuyện để người khác vịn vô chụp hình kiếm tiền?
Triệu bỗng cắt ngang, nhưng là nói với tôi:
- Trước Tết, tôi dắt con ngựa ô đi Đà Lạt, chỉ đứng cho người ta chụp hình thì nhọc nhằn gì. Miễn kiếm được miếng ăn thì thôi. Chứ Hai biết ở đây nó sẽ như thế nào không? Người ta sẽ xẻo thịt nó thành từng lát mỏng, cán ra, ướp tiêu, hành ớt, tỏi, đem phơi khô, giả khô nai bán cho người ta nhậu...
- Bộ Triệu tưởng rằng đi tới Đà Lạt nó không chết à.
- Thì nó sẽ chết giữa cao nguyên cỏ ngàn xanh bao la mà nó từng mơ ước.
Tấn nhìn tôi. Nhưng tôi không biết nói gì. Ngày xưa tôi đọc câu này, chỉ thấy hay hay chứ không thực hiểu: "Bi kịch lớn nhất ở đời là không đạt được tới ước mơ". Bây giờ tôi không chắc có hiểu hơn chăng, nhưng tôi tin vế thứ hai này cũng đúng: "Đạt tới ước mơ rồi người ta rơi vào một bi kịch còn lớn hơn". Trong ba người ngồi đây. Tấn rốt cuộc là một người thợ nặn heo đất, ông địa cho lò chén, tôi được gọi là thành đạt vì cũng được một số người gọi là "nhà thơ". Cả hai chúng tôi đã không nói gì đến "ước mơ" từ lâu. Giờ đây Triệu nói: "Cỏ ngàn xanh bao la mà nó từng mơ ước... ". Lửa vẫn cháy giữa chúng tôi, nhưng sương đêm dày đặc càng lúc càng mạnh. Rồi Tấn nói, giọng chùng xuống, âm u:
- Nếu vì chuyện dượng Hai ép gả mà Triệu phải đi thì...
Nhưng Triệu gạt ngang:
- Không phải... Tui hiểu ba tui. Với lại, đời tui không lấy được người mình thương, thì dẫu lấy ai cũng vậy, kén với chọn làm gì.
Tôi tưởng như nghe sương rơi xuống vai rồi thấm dần vào xương sống. Lửa dần dần tắt mà không ai khều lại nhóm lên. Tôi chỉ còn nhìn thấy lờ mờ hình bóng của hai người bạn thưở ấu thơ. Mỗi người ngồi thu lu trong cái lạnh giá triền miên không có lửa nào xua tan được. Đêm dài làm sao. Nhớ hồi nhỏ, đêm giáp Tết sao mà qua mau, ngày cũng thật ngắn, cứ như bóng ngựa phi qua cửa sổ.