Chiều hoang
Tác giả: Mai Sơn
Ngày đầu tiên của chuỗi ngày tự do không có chồng chờ cơm ở nhà trôi qua thật chậm. Nàng bước ra khỏi phòng làm việc, chợt thấy một khoảng trống mênh mông ùa vào ngực khiến nàng nghẹn ngào. Hôm nay nàng về muộn hơn hơn mọi lần mặc dù không bận rộn gì bất thường. Nàng đã mất rất nhiều thời gian nghĩ về H bên trong căn phòng khóa kín cửa, rồi mất thêm nhiều thời gian lục lọi khắp nơi tìm số điện thoại của H, nhưng vô ích.
Ta không thuộc về ai cả sao? Ta cần phải thuộc về ai đó chứ? - Nàng như muốn thốt lên thành lời mô tả sự cô đơn của mình.
Đấy là một người đàn bà trên dưới 35 tuổi, đẹp, thon thả, vai xinh, ngực tròn đầy kiêu hãnh. Đấy là người đàn bà không được yêu nhiều. Đấy là người đàn bà kín đáo quyến rũ. Và chừng nào nàng chưa được yêu, nàng còn quyến rũ, nàng còn đẹp một cách não nùng như vậy. Nhưng mặt khác, hẳn nàng sẽ đẹp một cách nào đó khi được yêu, khi được buông thả mình trong tay người đàn ông mà nàng mến yêu.
Sao ta lại nghĩ dồn dập về H lúc này? Phải chăng ta vừa được cởi trói? Mới có mấy tiếng đồng hồ vắng chồng ta đã vội phản bội chồng ta rồi sao?
Bất chợt, nàng thấy mình ghé vào một quán cà phê, chọn chỗ ngồi khuất sâu bên trong.
- Cho tôi ly chanh rum!
Nàng đã buột miệng gọi thứ thức uống ưa thích của H. Có lẽ từ trong vô thức, hương vị chanh rum nàng đã quen thuộc đậm lên thành một mệnh lệnh. Trong những lần ngồi bên H, thỉnh thoảng nàng hay cầm cái muỗng cà phê hớt nhẹ một ít nước trong ly chanh rum của anh, đưa lên môi nhấp. Cái nhấp môi đầu tiên: đắng, khó chịu và nghe thấy bừng nóng nhè nhẹ trên mặt. Rồi từ từ nàng ghiền cái hương vị đậm gắt đó, nhưng cũng chỉ nhấp đến muỗng thứ hai…
Nàng uống một ngụm. Lập tức cả thân thể nàng run lên, vì nóng, vì cô đơn, vì chờ đợi được ôm ấp vuốt ve, vì muốn buông thả, nằm xuống.
Nàng tập trung nghĩ cách liên lạc với H. Không lúc nào nàng thấy chiếc điện thoại di động trở thành một vật vô dụng như lúc này, chỉ vì trong bộ nhớ của nó không có hàng số biểu tượng cho H. Nhà anh ở rất gần đây, nhưng không thể đến đấy được. Quán anh thường nhậu cũng gần đâu đây, nếu nàng nhớ không lầm. Có thể gọi đến đó được! Nhưng cái quán nhậu ấy tên gì - Cây Tre hay Cây Trúc? Hay Trúc Xinh? Hay Vườn Tre? Nàng không nhớ rõ. Nó nằm trên đường T hay Q? Hay X? Hay L? Không biết được, vì nàng chưa tới đó lần nào. Chỉ biết rằng anh thường gọi điện thoại cho nàng từ đó, mỗi lần hơi sần sần, và “nhớ em quá!”. Trăm lần như một! Nếu anh ấy đọc kỹ báo S ra sáng nay, anh ấy sẽ biết chồng mình đi công tác nước ngoài chứ! Và anh ấy sẽ gọi cho mình! Có thể mai anh ấy gọi chăng? Nhưng mình nóng lòng muốn được có anh đêm nay.
Ta yêu anh hơn tất cả mọi thứ trên đời này. Và ta cũng không phản bội ai hết. Một trật tự đời sống đã thiết định vây quanh ta, ta tôn trọng. Ta tôn trọng chồng, con, dư luận xã hội, đồng nghiệp, bạn bè… và hạnh phúc vì luôn luôn được sống với những mối quan hệ đó. Nhưng còn mối quan hệ với chính ta thì hình như ta thường bỏ quên. Ta thường không để ý đến sự buồn chán của ta trong căn nhà đầy đủ tiện nghi - ta tự phủ dụ ta rằng đó chỉ là trạng thái đến từ sự mỏi mệt sau một ngày, một tuần bận bịu công việc. Ta thường không háo hức chờ đợi chồng trên giường mỗi đêm, để chủ động quyến rũ anh bằng chiếc áo ngủ mỏng tang và mùi nước hoa lạ. Ta thường thông cảm với sự rã rời của anh sau vài phút ham hố, đổ vật ra cạnh ta như một con thú bị trúng đạn. Ta thường không đánh thức anh dậy khi anh từ một trận nhậu ngoài kia về nhà, ngủ sớm - ta lo cho anh ngủ ngon, sạch sẽ và giải quyết nhẹ nhàng “hậu sự” của một kẻ say xỉn.
Không, ta không phản bội ai cả! Ta chỉ phản bội ta thôi!
Nàng nhớ tới những giấc mơ hoan lạc giữa ban ngày, trong buồng tắm bị cắt đứt bởi chính nàng.
Nàng đã cất đi những tập thơ, những đĩa nhạc… có thể tố cáo sự đi hoang tư tưởng của nàng.
Nàng đã cố ý quên hay xóa bỏ những số điện thoại liên quan tới H, để bây giờ cần liên lạc với anh thì vô phương.
Đột nhiên nàng thấy mình cô độc. Quán không có người khách nào khác, ngoài nàng. Nhạc đã tắt hồi nào? Hay nhạc chưa từng mở từ khi nàng vào? Nàng quay đầu nhìn về phía quầy, không để làm gì cả. Người đàn ông, có lẽ là chủ quán, đang ngồi sau quầy đọc sách. Nhạy bén với một động tịnh lạ trong quán, anh ngước lên thấy khuôn mặt vừa quay đi của nàng, liền đứng dậy, bước ra khỏi quầy, đến gần chỗ nàng ngồi.
- Thưa, chị cần gì?
Một ý nghĩ lướt nhanh trong đầu nàng: “Tôi chỉ cần H”. Và nàng vội nói để át đi ý nghĩ ấy, không cho nó rục rịch đòi thoát ra thành lời.
- Sao quán lại vắng thế này, hả anh?
Người đàn ông tỏ vẻ ngạc nhiên. Ngay lúc ấy nàng hiểu mình đã không trả lời câu hỏi của anh, lại còn hỏi ngược lại một câu “khá tiểu thuyết” như muốn bắt chuyện với anh. Mặt nàng bừng lên.
- Quán vẫn thường vắng vào giờ này, chị ạ. Có lẽ chị đang chờ ai?
Nàng nghĩ ngay: “Anh ta thăm dò mình chăng?”. Nàng liếc thấy cái miếng nhựa màu đen trên ngực áo người đàn ông : anh ta có tang - vậy là một con người buồn sầu đang đứng kề bên mình. Nhưng mình phải trả lời anh chứ.
- Không, tôi không chờ ai.
Nói xong, nàng chợt nhận ra mình đã vừa giấu vừa để lộ trong câu nói ấy một sự thực: Ta không có ai để chờ đợi cả! Không phải chỉ chiều nay, trong quán này mà còn nhiều buổi chiều khác, ở những nơi chốn khác, ta cũng sẽ không làm nên một cuộc hẹn hò, chờ đợi với ai.
Người đàn ông kéo ghế ngồi xuống chếch một bên bàn nàng, vừa nhìn được nàng, vừa nhìn được ra ngoài, vừa nhìn được vào trong nhà. Anh ngồi xuống bất ngờ, không đúng với trình tự thường có trong các tiểu thuyết tâm lý xã hội; nghĩa là lẽ ra anh ta phải nói một vài câu săn đón và xin phép người đàn bà… Nhưng nàng không để ý đến điều đó, chỉ vì đột nhiên nàng cảm thấy khát nước. Ly chanh rum trước mặt nàng cạn hết từ lúc nào không hay.
- Sao không có nhạc hả anh?
- Tôi không muốn mở nhạc vì không rõ chị thích nghe loại nhạc gì?
- Có Bach không?
- Sao lại Bach? Ngay cả trong các thánh lễ, âm hưởng của Bach cũng không còn nữa là trong quán cà phê.
- Những lúc như thế này tôi muốn nghe nhạc Bach. Hồi nhỏ khoảng mười hai, mười ba tuổi gì đó, trong những đêm ngồi bên sòng bài phục vụ thuốc nước cho ba tôi và bạn bè của ông, tôi thường ôm chiếc radio nhỏ bằng cuốn sách, áp vào tai, mở, âm thanh vừa đủ cho một mình, nghe các chương trình nhạc cổ điển phương Tây của Đài phát thanh Sài Gòn. Và tôi đã có lần ngây ngất với một fuga của Bach do ban tứ cầm Đan Mạch chơi. Những giòng nhạc ấy còn lẩn khuất sâu trong ký ức tôi, nhưng tôi không thể đánh thức chúng dậy được, trừ khi có một nguồn cảm ứng đặc biệt. Ôi, sao tôi lại nói nhiều về tôi quá vậy?!
- Tôi có nửa chai rượu chát, chị uống với tôi nhé?
- Còn Bach thì sao?
- Tôi cũng nghe được Bach, nhưng tôi đáng bị Bach trừng phạt không cho nghe ông nữa, vì tôi đã lỡ để lạc mất những đĩa nhạc của ông.
- Sao anh lại mời tôi uống rượu?
Nàng nói, nhưng không nhìn vào mặt anh. Vì sợ. Vì nàng vừa nhận ra đó là một khuôn mặt không tầm thường như nhiều người đàn ông khác, không tham lam như nhiều người đàn ông khác, không vô duyên như nhiều người đàn ông khác, mà đó là khuôn mặt ta có thể đặt lên đó những nụ hôn.
- Ly nước của chị đã hết. Vả lại đây là loại rượu nhẹ dành cho phụ nữ. Và nếu tôi đoán không lầm, chị đang cần escape.
Nàng thu hết can đảm nhìn người đàn ông. Nhìn thật sâu, thật mãnh liệt vào mắt anh rồi như không tự chủ được, nàng gật đầu.
Trong khi người đàn ông vào bên trong, nàng mở túi xách, lấy chiếc điện thoại di động ra, khóa máy - để không ai quấy rầy. Giờ này chồng nàng sắp đến nơi, sắp sửa check-in vào khách sạn, sắp gọi cho nàng… Giờ này thằng con trai háu ăn của nàng cũng có thể bất thần gọi cho nàng vì thấy mẹ không dọn cơm như thường lệ… Nhưng còn anh, H, sao ta lại “phong tỏa” cánh cửa hẹp duy nhất để anh có thể liên lạc với ta đêm nay?
Người đàn ông trở lại. Màu đỏ rượu chát hút lấy cái nhìn của nàng.
Nàng nhìn đồng hồ - ba mươi phút trong quán vắng đã trôi qua. Không khí chợt trở nên dễ chịu hơn đối với nàng; sự lãng mạn của nàng đã có bờ bến, là ông ta. Chưa bao giờ nàng đòi nghe nhạc Bach, ngay cả khi ngồi bên H. (Bach là một chuyện rất riêng đến mức khó hiểu đối với chính nàng). Chưa bao giờ có chuyện nàng gật đầu đồng ý đem rượu ra uống với một người đàn ông không phải là H trong quán vắng.
* * *
- Khi nhìn thấy chị bước chân vào quán, tôi chợt nghĩ một điều kỳ lạ: đây là người phụ nữ không còn là một Eve quyến rũ, trữ tình nữa; chị ta đã bị chức phận hóa - thành vợ, thành mẹ… Một thực thể nữ tính độc đáo và tự do đã bị giảm thiểu thành một con người lệ thuộc và khô cứng. Nhưng hôm nay, giờ đây, phút này, chị ta đang cố tìm lại những gì đã mất của mình.
- Chắc là vì anh thấy tôi không được đoan trang như vợ anh?
- Vợ tôi đã mất trước khi cái tiếng gọi nóng bỏng đòi phục sinh kịp đến với cô ấy. Hay là do tình yêu của tôi không đủ mạnh để giữ cô ấy?
- Không người vợ nào sống nổi với những ông chồng luôn căng ra những cái bẫy ngôn ngữ triết lý rối rắm như anh đâu…
- Không phải! Tôi thường cố gắng nói ra một điều gì đó không dễ hiểu.
- Vậy anh có thể nói rõ thêm cái ý tưởng vừa rồi của anh về tôi chứ?
- Tôi nghĩ rằng có hai dạng phụ nữ: thứ nhất là những người được trời sinh ra như một khiếm khuyết căn bản, một bán thể và vì vậy họ cần được lấp đầy bằng tình yêu của đàn ông. Ít hơn rất nhiều so với dạng thứ nhất là những người phụ nữ được sinh ra chỉ để yêu. Họ là biểu tượng của sự kiếm tìm tình yêu khôn nguôi, không ai lấp đầy được họ… Thế rồi họ chợt thấy mình bị ném vào những hạn định của một xã hội nào đó, và tại đây họ không còn dám lưu giữ khối tình say mê của họ nữa, vì cảm thấy đó sẽ là bằng chứng tố cáo họ là kẻ xa lạ, kẻ thù địch, kẻ phá hoại trật tự xã hội. Họ chôn sâu khối tình ấy trong tiềm thức với lời tiễn biệt: “Thời thơ ấu của mình đã qua, mình cần phải làm người lớn…”. Ý nghĩ cần làm người lớn an ủi cho sự mất mát ghê gớm của họ, nhưng ý nghĩ cần làm người lớn cũng là ý nghĩ nói lên sự giản lược kích thước hiện hữu của họ…
Anh ngừng nói, đứng dậy ra đón một người khách.
Mình có phải là người đàn bà lạ thường như anh mô tả không? Nàng tự hỏi. Hay mình chỉ là người đàn bà yếu đuối?
Người đàn ông đi ngang qua nàng, dừng lại nói:
- Như một thiên thần bị sa đọa xuống trần gian luôn nhớ về thiên đường đã mất của mình, chị không sống nổi với một xã hội không hiểu được tình yêu đích thực, thuần túy mà chỉ chăm lo cho những ràng buộc.
- Hình như tôi đang nghe đọc những trang sách của Platon! – Nàng bất giác thốt lên.
Người đàn ông giật mình, đứng hẳn lại:
- A, đúng rồi ! Mà lạ thật, cứ mỗi lần cố suy tư sâu sắc một chút, đào sâu hiện tượng đến chỗ siêu hình thì lại gặp Platon và thế giới ý niệm - le monde des idées - của ông ta…
Quán chợt có một tốp đông khách nam nữ ùa vào. Người đàn ông chủ quán bị cuốn hút, chìm ngập, áp đảo vào thế giới bận bịu. Không còn là thế giới ý niệm của anh. Nàng không còn thấy anh đâu.
Nàng cũng không nghĩ tới H được nữa.
Nàng bỗng thấy thiếu thốn và nhớ nhung một điều gì không rõ ràng.