Hai người trong thế giới này
Tác giả: Mai Sơn
1.
Anh nghĩ về nàng không ngừng. Tâm trí anh, thân thể anh, hơi thở, sự tuần hoàn trong anh đầy ắp nàng. Chỉ là nàng thôi, chứ không gì khác. Không ai khác. Và chỉ là nàng thôi, một thể hồn, chứ không phải là khuôn mặt nàng với những chi tiết thanh tú, không phải hai bầu ngực tròn đầy với cái núm vú hồng hồng quanh đó lơ thơ vài sợi lông, và cũng không phải là đôi chân dài khởi đi từ cặp mông chắc chắn và cong vòng rõ rệt.
Anh thường cảm thấy mình bị thể hồn nàng gọi thức dậy mỗi sáng, đẩy nhẹ anh lơ mơ vào buồng tắm, sau đó lơ mơ mặc chiếc quần short, chiếc áo pull, lơ mơ mang vớ, xỏ chân vào giày. Thể hồn nàng nhắc nhở: anh đóng cửa nhẹ nhàng. Rồi anh thấy mình bước đi xuống gần một trăm bậc thang. Không, không phải anh đi: nàng đi trong mỗi bước chân anh. Bất giác anh tưởng như người ta sẽ phát hiện ra nàng trên gương mặt anh, đặc biệt là trong đôi mắt chứa đầy hình ảnh nàng. Thể hồn nàng nóng lên trong anh, lưu thông trong anh, im lặng trong anh, nghĩ ngợi trong anh, nghĩa là xâm chiếm anh hoàn toàn.
Anh như trôi đi trong công viên. Buổi sáng trong lành, thoáng đãng. Cảm giác nhẹ nhàng tinh khôi dâng lên nhè nhẹ trong hồn anh: một ngày mới bắt đầu, anh sẽ nhìn những cây cổ thụ trên đường đi bộ, ước gì có thể áp chặt nàng vào đó và hôn lên khuôn cổ nhỏ của nàng; những bãi cỏ còn ướt sương - ước gì có thể cùng nàng trầm trồ ngợi ca vẻ êm xanh của nó; một giòng chữ sau một lưng áo đẫm mồ hôi thỉnh thoảng mấy lần lướt qua anh: “Khi chết tôi sẽ được lên thiên đàng, vì đời sống vắng em đã là một địa ngục.” A, câu này bắt chước! Nguyên văn của nó anh đã đọc được bằng tiếng Anh trên lưng áo jacket của một người lính Mỹ trước năm 1975: “Khi chết tôi sẽ được lên thiên đàng, vì Việt Nam là một địa ngục.” Ước gì có nàng ở đây để anh nói với nàng về sự di chuyển, biến thái, mô phỏng của tư tưởng. Tức là nói về Aristotle và sự phê phán của ông đối với một chủ đề căn bản trong triết học của Plato - thầy mình; ý tưởng về “hai thế giới” - một thế giới như chúng ta thấy trước mắt và một thế giới của những Mô Thức Lý Tưởng. Với Aristotle, chỉ có một “thế giới này”. Aristotle không giấu được sự kiêu ngạo trong câu nói “Thân thiết với Plato, nhưng thân thiết hơn với chân lý.” Anh thích Plato và thế giới những ý niệm (le monde des idées) của ông hơn, đặc biệt là trong hoàn cảnh “thế giới này” không chấp nhận tình yêu của anh và nàng. Không chấp nhận nên không có một bãi biển, một lưng đồi, một thung lũng cho hai người: tất cả thiên nhiên đẹp đẽ còn đó, ngoài kia, nhưng kể từ khi anh và nàng yêu nhau, thiên nhiên đã biến mất trong mơ tưởng của hai người. Những quán cà phê nhạc dành cho những cặp tình nhân là của “thế giới này”, chúng không cho hai người bước vào, dù nếu được vào họ sẽ không cần biết đến chung quanh. “Thế giới này” là dòng người kia, nếu anh và nàng hòa vào đó, dòng người kia sẽ biến thành những cái cây biết di chuyển; chỉ có anh và nàng là sinh động, đầy nhân tính vì luôn nhìn nhau âu yếm, thỉnh thoảng anh dứt khoát hôn lên gáy nàng, dứt khoát đặt tay dưới hông dìu nàng đi; nhưng “thế giới này” đe dọa chết người không cho anh và nàng đồng hành. “Thế giới này” là công viên xinh đẹp này, nhưng nàng chẳng bao giờ được đặt chân vào để thở cùng anh buổi sáng trong lành. “Thế giới này” là quán ăn nhỏ trên đường X gần hồ Con Rùa, nhưng anh không dám bén mảng tới để cùng dùng điểm tâm với nàng. Muốn có được “thế giới này”, họ phải tách rời nhau ra. Muốn nhập vào nhau, họ chờ bóng tối phủ xuống “thế giới này” rồi len lén đặt chân bước vào đó. Nhưng không phải để thưởng thức nó, “thế giới này” chẳng có món gì ngon hơn trái cấm tình yêu mà họ đang có giữa hai đôi môi: họ cần một rẻo nhỏ của thế giới này thôi để được ở bên nhau suốt đêm. Nhưng dù có được như vậy đi nữa thì khi nhập vào nhau họ buộc phải đánh mất “thế giới này”. Đánh mất “thế giới này”? Có trầm trọng lắm không? Có và không. Trầm trọng - vì hai người đã ở cái tuổi có tất cả những kinh nghiệm thiết thân gắn liền với “thế giới này”; một cuộc dứt đoạn lớn lao như vậy chứa đựng nhiều hiểm họa, nhiều hệ lụy. Nhưng mặt khác, có gì trầm trọng đâu nếu hai người được như Adam và Eva vì ăn trái cấm mà bị Thượng Đế đuổi khỏi vườn địa đàng!
2.
Anh nhớ nàng khôn nguôi. Nỗi nhớ như một lớp da thứ hai bao bọc thân xác anh, truyền khắp người anh một dòng máu biếng lười khiến anh luôn thèm một chỗ ngả lưng nằm, hoặc một chỗ ngồi duỗi dài chân, hoặc những bước đi chầm chậm quanh quẩn trong phòng. Nỗi nhớ len lỏi vào đầu anh và như con sâu nó đục khoét mọi dự phóng của anh: một cuốn sách hay phải đọc hiện nằm chình ình đó như chế giễu anh; một công trình dịch thuật phải hoàn thành cứ dở dang không biết đến bao giờ; những quan hệ xã hội phải thắt chặt, phải vun đắp giờ đây lỏng lẻo và mơ hồ làm sao. Đôi khi anh tự hỏi phải chăng đây là dấu chứng đích thực của tình yêu? Đây là bộ mặt đáng kính của tình yêu? Đây là sự tỏ rõ quyền thượng của tình yêu trên tất cả những lĩnh vực tinh thần khác?
Anh vùng dậy, cương quyết ngồi vào bàn, bên trái là cuốn sách nguyên tác tiếng Anh cần phải mỏng dần, bên phải là những trang giấy trắng cần phải lấp đầy, xếp lên nhau. Nhưng chẳng bao lâu, anh bắt gặp mình dán mắt vào cuốn tự điển và không rời được nữa; chẳng phải anh tìm thấy điều gì thú vị hay ho trong đó mà là anh đã mất tập trung, tâm trí anh đã đầy ắp thể hồn nàng.
3.
Tình yêu đã giam cầm anh. Nhưng anh đã suy nghĩ về điều này rất sâu: bên ngoài ngục tù của tình yêu hiện tại, anh không thấy có gì đáng gọi là tự do, dù đó là buổi sáng anh lang thang trong các cửa hàng sách cũ và mừng rơn khi bắt gặp một cuốn sách quí; dù đó là những buổi bàn luận vui vẻ về văn chương triết học và về đàn bà với bạn bè; dù đó là chính anh, chỉ là anh thôi, không mang theo hình bóng ai, tâm hồn ai, đang bước đi trong công viên với bao ý nghĩ sáng suốt trong đầu... Không phải là những giờ phút tự do cô đơn lãng mạn, phải nói rằng đó là những lúc anh bị cuộc sống này bỏ rơi. Và suy cho cùng, đó không phải là hiện hữu đích thực, trọn vẹn, không phải là một hiện hữu làm người. Anh những lúc ấy là một hiện hữu khiếm khuyết.
À, anh nhớ mình đã từng hiện hữu làm người đích thực như thế nào. Anh đã từng ghen tuông dữ dội chỉ vì đã tưởng tượng quá nhiều về chuyện tình đầu tiên của vợ với một tay chơi guitar bass. Đó là kinh nghiệm sống động đầu tiên của anh khi yêu: anh chợt phát hiện mình có khả năng ghen tuông hư vô hóa, nghĩa là ghen tuông chỉ để phủ định tất cả - dĩ vãng của nàng, tình yêu của nàng dành cho anh và tình yêu của anh dành cho nàng. Và một kinh nghiệm khác, kỳ lạ hơn, là anh thấy mình có thêm một cái tôi khác mơ màng hơn, nhẹ nhàng thoát tục hơn.
Giờ đây, một lần nữa, anh cảm nhận hiện hữu của mình đầy ắp, căng phồng, lạ lẫm. Nhưng không phải với những kinh nghiệm xa xưa mà chỉ với một kinh nghiệm duy nhất, hoàn toàn khác: nỗi buồn đang cháy trong tâm trí anh thành những vệt sáng tỏ. Nỗi buồn làm tổ cho những suy tưởng nảy nở.
4.
Khi anh ngồi với nàng trong một quán ăn sắp đóng cửa bên ngoài phòng chờ sân bay Tân Sơn Nhất chờ chuyến bay đêm đưa nàng về Hà Nội, anh bóp nhẹ bàn tay nàng rồi bất giác thốt lên:
- Tình yêu của chúng mình không sinh thành nên cái gì khác ngoài nỗi buồn, và nỗi buồn sẽ ngày càng lớn hơn.
Trong mắt nàng ánh lên những tia tinh anh:
- Sao anh không nói hai chúng ta đã không sinh thành nên cái gì khác ngoài tình yêu. Và tình yêu sẽ ngày càng lớn lên.
Anh nhìn nàng ngạc nhiên:
- Em muốn nói anh bi quan? Vâng, tự nhiên đêm nay, lần đầu tiên anh thấy em đẹp một cách tuyệt vọng.
- Sao anh ngốc vậy? Và sao anh tự đày đọa mình bằng những từ ngữ to tát ấy làm gì?
- Anh không rõ. Anh đang ngập trong buồn rầu đây.
Nàng nhìn đồng hồ:
- Giản dị lắm: đây là cuộc chia tay lần đầu giữa hai đứa mình, và chưa biết bao giờ gặp lại.
- Chúng ta sẽ liên lạc nhau thế nào?
- Em sẽ gọi cho anh trước.
Nàng đang nhìn thẳng vào khoảng tối ngoài đường băng sân bay. Giọng nàng ráo hoảnh. Anh đặt tay dưới cằm nàng và xoay mặt nàng lại để tìm hiểu từ đâu có sự bình tĩnh đó. Nhưng cái anh bắt gặp là hai hàng nước mắt. Và lúc ấy anh nghe một giọng nói khác:
- Từ ngày mai, em sẽ trang điểm nhiều hơn, soi gương nhiều hơn. Và em có thể sờ thấy sự tuyệt vọng anh nói bất cứ khi nào em đưa tay lên mặt mà không thấy có hơi thở của anh.
Không khí buồn phiền dày lên choàng phủ hai người, anh tưởng có thể rạch xé được nó để chui ra ngoài. Cuối cùng chỉ có mình nàng dứt khoát phá vỡ bầu không khí đó, đứng lên, đưa tay cho anh nắm. Anh kéo nàng sát lại, úp mặt vào vùng dưới ngực nàng, hít nhẹ.
- Vol de nuit bình yên! – anh thì thầm.
Ngập ngừng một chút, nàng nửa cười nửa mếu nhìn anh:
-Không như Saint Exupéry, anh sẽ sớm tìm thấy em.
Nàng đi nhanh ra khỏi quán. Anh không được đi theo để giúp đỡ nàng vài việc vặt. Giữa đám đông người chộn rộn đi lại, anh thấy đôi vai nàng hơi nhô lên, lộ rõ vẻ sẵn sàng gánh vác không chỉ một tình yêu bất khả mà còn một niềm tin cậy lớn lao anh gửi gắm.
5.
Anh lướt mặt trên khắp thân thể nàng, vội vã như một người mù đánh rơi vật gì, đang tìm kiếm. Anh không muốn dừng hẳn ở một chỗ nào. Úp mặt vào trong tóc gáy nàng, anh lim dim muốn ngủ. Vùi đầu dưới bụng nàng, nàng kẹp anh bằng hai đùi, anh gần như ngộp thở nhưng không muốn dãy dụa thoát ra. Anh nhổm dậy, tự hỏi vào những lúc như thế này người ta cần nói gì, có cần nói không, và nếu không nói thì vì sao. Rồi trong khi chưa tìm ra câu trả lời thì nửa thân trên của nàng với hai bầu vú căng đầy ưỡn lên, nàng chỉ cần đưa nhẹ cánh tay là đã kéo được khuôn mặt trầm tư không đúng lúc của anh xuống một cách gọn gàng.
- Anh nghĩ gì vậy? – nàng nói như thở nhẹ vào tai anh.
Thì ra những lúc như thế này người ta không tự hiểu và cũng không hiểu được kẻ kia đang nghĩ gì. Chỉ có những nghi vấn trước một cái gì trộn lẫn rất nhiều cảm giác và cảm xúc, một cảm thức nhất xuyến vừa hiển nhiên vừa mơ hồ, một trạng thái chợt trong suốt nhẹ tênh chợt tối tăm nặng nề – ta vừa dâng hiến hết tất cả bản thể, ta cũng vừa chiếm đoạt không còn gì bản thể của kẻ kia.
Anh đã có sẵn câu trả lời dễ dãi nhất:
- Mấy chữ cám dỗ ngọt ngào động đậy trong đầu anh.
Nàng cười rúc rích:
- Anh hãy để cho Thánh Augustine yên vui trên thiên đàng, đừng lôi kéo ông ta vào vụ này.
Anh lăn một vòng chuồi khỏi đôi tay nàng, ngạc nhiên:
- Sao em biết anh đang nghĩ về Thánh Augustine?
Nàng nhìn anh, vừa như rưng rưng vừa như tinh quái:
- Đã lâm vào tình cảnh này em cũng phải tìm hiểu chứ.
- Em hiểu điều gì?
- Đứa trẻ ăn cắp trái táo không phải vì mùi thơm của trái táo mà vì mùi thơm của tội lỗi. Thánh Augustine nói câu này qua miệng anh những ngày đầu anh mới quen em qua điện thoại, anh không nhớ sao?
- Anh nhớ rồi.
- Và sở dĩ em cám dỗ anh, em ngọt ngào quyến rũ không phải vì em là đối tượng của tình yêu mà vì em là đối tượng của sự phạm tội.
- Khi yêu, ai cũng phạm tội cướp đoạt sự bình yên và tự do của người mình yêu; và ngược lại, ai cũng là kẻ bị xâm hại.
Nàng khóc. Anh nâng khuôn mặt nàng lên, lau hết những giọt nước mắt có vẻ như không dứt tuôn ra trên má nàng. Tình yêu tội lỗi. Những chữ này từng được anh nghĩ tới như sự tưởng tượng ướt át của nghệ thuật, như những quan hệ tình ái đam mê mù quáng, thì từ đây chúng mang một ý nghĩa khác. Một lần, khi viết mấy chữ đó trên lòng bàn tay, anh không hay mình đã viết thêm hai chữ lầm lẫn.
Anh leo lên người nàng lần nữa. Không để ý đến tâm trạng của nàng, anh đi thật sâu và dứt khoát vào nàng, ý thức rõ cường độ của sự dồn dập anh đang tạo ra trên thân thể nàng. Anh thấy nàng nhắm mắt, như ngủ. Nhưng khi anh rên lên thì nàng mở to mắt. Và khi anh gầm gừ “Em nâng ngực lên! Đẩy anh lên!” thì nàng lại nhắm nghiền mắt, rồi không biết vì đê mê hay để sớm kết thúc một đợt cao trào từ anh, nàng đột ngột dâng cao người lên thật mạnh mẽ như con cọp đang ngủ bị đánh thức. Anh đổ nhẹ xuống nàng, với cơn ngất lả. Nàng khe khẽ cất lên những âm thanh quen thuộc rồi vụt im lặng, mắt mở lớn.
- Mưa hả em?
- Không, cái máy lạnh second-hand kêu đó. Anh ngủ đi.
- Nhưng biết đâu bên ngoài đang mưa thật?
- Cũng có thể. Nhưng mưa hay không mưa thì có gì khác nhau không hả anh?
- Có chứ. Mưa thật hoặc ý nghĩ ngoài kia đang mưa sẽ xoa dịu chúng ta; ngoài ra, anh cho rằng với mưa người ta sẽ lãng mạn hơn, chìm đắm hơn vào cõi riêng của mình, do đó họ không còn thì giờ đâu mà xoi mói chúng ta.
Anh luôn bị tha nhân ám ảnh. Tha nhân là địa ngục, như Sartre nói. Họ không chỉ là hai người bị anh và nàng bội phản, lừa dối; và nếu được, họ sẵn sàng cho rằng họ cũng bị bội phản, lừa dối như vợ anh và chồng nàng vậy, mặc dù trước khi hai người sa ngã vào nhau thế này họ hoàn toàn không biết anh là ai, nàng là ai. Dường như lúc nào bàn tay của họ cũng đang đặt nhẹ lên vai hai người, bảo dừng lại đi khi chưa muộn. Không hề có thần ái tình che chở cho hai người; chỉ có bóng ma của tha nhân ngày đêm đe dọa họ.
6.
Anh gặp nàng lần đầu tại một cuộc hội thảo về sách văn học. Nàng là một trong vài người đầu tiên được mời lên đọc tham luận. Anh lắng nghe người ta giới thiệu về nàng: từng đi bộ đội, từng có mặt ở chiến trường miền Nam; là nhà văn với ba tập truyện ngắn; hiện là chuyên viên của một nhà xuất bản. Chính là người mới hồi nãy, lúc còn ở hành lang, đã khiến anh chú ý vì vẻ khả ái và cặp chân dài với những bước di chuyển nhẹ nhàng. Cái dáng cao cao thanh thoát của nàng nổi bật lên giữa những người phụ nữ khác. Và khi trong đầu anh rung lên hai từ “quyến rũ” anh chợt thấy mình đã nhìn nàng không chớp mắt từ bao giờ.
“Sắp sửa bị tra tấn rồi đây!” Anh nghĩ. “Nhưng đây sẽ không phải là sự tra tấn mà anh đã quen – sự tra tấn của những lời nói sáo rỗng, công thức, những khẩu hiệu, luận điệu rẻ tiền, những lạc lõng không sao hiểu nổi…Mình sắp chịu đựng sự thất vọng ê chề do những thiện cảm mơ hồ mình mới dành cho nàng bị chính nàng từ chối. Ước gì những người đàn bà xinh đẹp quyến rũ đừng nói điều gì nghiêm túc cả! Anh chợt thấy mình hồi hộp kỳ lạ. Thật buồn cười, mình có thể bỏ ra ngoài được mà. Nhưng ánh mắt nàng đột ngột nhìn về phía anh, cột chặt anh vào ghế ngồi. Phải vậy không hay anh tưởng tượng ra? Hay chính những lời nói đầu tiên của nàng ám áp truyền trong không gian đã thuyết phục được anh.
“Chúng tôi muốn có những tác phẩm vừa có nhiều tư tưởng vừa thực sự là văn chương. Về tiểu thuyết, chúng tôi muốn được đọc không phải những câu chuyện dài dòng kể lể với những tình tiết được bố cục khéo léo để thu hút độc giả, mà những nhân vật có nội tâm sâu sắc, mang trong thân phận mình ý nghĩa của cuộc đời này. Về thơ, chúng tôi cần những sự thật lớn lao trong thơ, cần sự mặc khải của thơ về cuộc sống; chúng tôi không cần nữa những thứ thơ ví von du dương, ầu ơ ví dầu kể lể; chúng tôi muốn trong thơ chỉ có thơ và không có gì khác. Chúng tôi đang cố gắng hướng tới một lớp độc giả có trình độ thưởng thức cao như các dàn nhạc giao hưởng có thính giả của mình.”
Nàng vừa dừng lời để xoay xoay chiếc đèn soi đặt ở bục nói chuyện, hội trường lập tức rộ lên những tiếng bàn tán. Anh để ý thấy nàng bình thản chờ đợi tiếng ồn lắng xuống. Vẻ tự tin và duyên dáng của nàng giây phút đó như một lớp sóng làm bồi hồi lòng anh. Ngay lúc đó, nàng nhìn anh, vẻ như muốn nói rằng cần phải trình bày cho được ý tưởng của mình khi đứng trước một cử tọa chọn lọc thế này, dù không được ai đồng ý, và thậm chí có thể có người ác cảm với mình. Chiều theo một cảm xúc dễ chịu chợt dậy lên mà rõ ràng là do nàng, anh ngồi im (không còn ý định bỏ ra ngoài nữa) nhìn nàng táo bạo và khích lệ. Bài phát biểu của nàng nhẹ nhàng hơn, không, không phải nhẹ nhàng mà là hóm hỉnh.
“Tôi tưởng như tôi đang như một đứa trẻ đầy tham lam và ảo tưởng.” Anh nghĩ: “Một cái bẫy ngôn từ!”
Khi cuộc hội thảo kết thúc, anh nấn ná không muốn ra về ngay (khác với lệ thường), nghĩ trong đầu rằng làm như vậy là thiếu tế nhị với nàng. Và một chút nấn ná đó đã làm nên cuộc trò chuyện đầu tiên của hai người. Hay đúng hơn, sự nấn ná của anh cộng với sự chủ động cả quyết của nàng đã khởi sự tất cả. Không biết từ hướng nào nàng đột ngột đứng trước mặt anh.
- Sao anh không phát biểu gì? – Nàng hỏi, mắt nhìn thẳng vào mắt anh.
- Cô đã nói hết rồi mà! – Anh vui vẻ đáp trước nụ cười dường như sẽ không bao giờ tắt trên môi nàng.
- Dù sao thì cũng gây được một chút xôn xao mất trật tự trong hội trường phải không anh? – Nụ cười đã bắt đầu lém lỉnh.
Vai của hai người chạm nhẹ vào nhau ở cánh cửa chật đông người tuôn ra. Anh nói:
- Nhiều xôn xao hơn cô tưởng đấy! – Anh lập tức thấy mình lỡ lời và hồi hộp lạ thường. Nhưng sau phút im lặng đột ngột, nàng lại nhìn anh, lên tiếng:
- Sao anh không lên nói đôi lời ủng hộ tôi?
- Cô nghĩ là tôi đồng tình với cô à?
- Chứ anh không đồng tình với tôi sao?
- Phụ nữ Bắc Kỳ ăn nói thẳng thắn quá.
Khi không còn thấy ai bên cạnh, nàng nói một hơi:
- Thú thật sau khi rời khỏi bục nói chuyện tôi thấy mình lẻ loi dễ sợ, và tự nhiên cần sự an ủi. Suốt thời gian tôi nói, chỉ có anh nhìn tôi, nên tôi bám vào cái nhìn của anh, anh biết không, để giữ bình tĩnh, vì tôi cũng không quen nói chuyện trước đám đông.
- Bây giờ thì ổn rồi, phải không?
- Sao lại ổn?
- Cô đói bụng? – Nói xong anh chợt thấy mình, sau rất nhiều năm, đã tỏ ra vui vẻ với một người phụ nữ mới gặp lần đầu. Kinh nghiệm cho anh biết anh bắt đầu thích nàng.
Nàng gật đầu, không nói.
Anh đưa nàng đến một quán ăn ở hồ Con Rùa. Ăn xong, hai người không muốn rời nhau sớm, và một quán cà phê lịch sự gần đó đã mời gọi và giữ chân họ đến khuya. Anh hôn lên hai bàn tay nàng thật lâu. Và cái đập cánh nhẹ nhàng của con bướm đã gây nên bão tố sau này.
7.
Mỗi lần ở bên anh nàng thường phát hiện những điều bất ngờ. Ngoài cái máy lạnh sè sè, nàng còn phát hiện thấy không có tấu khúc cho hai violon của Paganini, không có Chiếc cầu ở quận Madison (nàng nói phim này cũng bình dân thôi, nhưng sao nàng cứ nhớ mãi, và thỉnh thoảng muốn xem lại), không có ông Arafat quấn khăn rằn mỗi trưa trên tivi, không có hồ Balaton ở Hungary vì không có bể tắm, không có Beckham (nàng mê chàng cầu thủ này; nàng không nói ra, nhưng anh đoán, do cô vợ của anh ta có vẻ ngoài giống nàng)... Nhưng may quá, nàng nói, không có những tên đàn ông bịt mặt cầm gậy gộc, những kẻ được xưng tụng là cảm tử quân. Nàng khẳng định, nếu như các phương tiện thông tin, nhất là truyền hình, đừng phát đi rộng rãi khắp thế giới những hình ảnh này thì các vụ đánh bom tự sát sẽ giảm hẳn. Trên người chỉ vắt hờ hững chiếc khăn lông, nàng đột ngột chồm lên, “Sao không phát hình buổi điểm tâm của Sharon Stone và nhà thơ Hy Lạp đoạt giải Nobel (ông ta tên gì em quên rồi)? Chính Stone mời nhà thơ, và khác với suy đoán của nhiều người rằng thần thánh (những người lên đến đỉnh cao nghệ thuật chẳng được ví với thần Apollon là gì?) không thể ăn chung với con đĩ (phụ nữ Mỹ sau khi xem phim Basic Instinct đã thoá mạ Stone như thế khi chứng kiến những pha làm tình nóng bỏng của cô ta với Michael Douglas và nhất là khi cô cố ý mở hai đùi ra khoe chỗ kín không quần lót cho mấy vị cảnh sát đang ngồi thẩm vấn trước mặt cô), nhà thơ đã vui vẻ nhận lời.”
Anh phụ họa theo, “Sự bình yên không còn “ăn khách” nữa sau những cuộc chiến tranh rung chuyển cả trái đất. Nhưng lẽ ra người ta phải nâng niu sự bình yên, nhẹ tay khơi dậy đốm lửa bình yên đang dần tắt hẳn chứ? Một hình ảnh cứ trở đi trở lại trong đầu anh là hình ảnh hai bánh sắt xe tăng chồm ngược lên màn ảnh tivi như muốn phá sập tất cả, nuốt gọn những khoảng cách yên lặng còn lại. Nó cho thấy bản chất hiếu chiến của con người. Thay vì đứng từ xa, chỗ đứng an toàn, để quay chiếc xe tăng bò chậm chạp như con rùa (nhìn con rùa bò, không ai nghĩ đó là một công cụ chiến tranh), người phóng viên bị buộc phải chọn góc quay táo bạo nhất, nguy hiểm nhất để có được hình ảnh chiếc xe tăng lao nhanh chóng mặt như vậy. Người xem cảm thấy đó mới là chiếc xe tăng thực chất chứ không phải chiếc xe tăng-con rùa khổng lồ trong cuộc diễu binh. Và chiến tranh là không thể tránh được.”
Dường như anh đã đi quá xa. Lẽ ra anh phải tập trung vào chủ đề Sharon Stone và nhà thơ Hy Lạp mới phải, vì anh đoán (vâng, anh thường đoán những ẩn ý của nàng) khi kể câu chuyện này nàng muốn nói rằng “phẩm chất nữ tính được đẩy tới cao độ nơi Sharon Stone và nơi nàng có gì đó giống nhau: cả hai cùng bị người đời cho là đáng khinh. Nhưng điều khác nhau là: Sharon Stone được thanh tẩy cứu vớt bởi một người cao quý, còn nàng thì không.”
Nhưng anh có thể nói được gì về chuyện này?
Tình yêu của anh sẽ cứu vớt nàng chăng?
8.
Lần đầu tiên anh biết đến những ngón chân của nàng, những ngón chân của người phụ nữ. Trong lúc làm tình, một lần nào đó, anh đột ngột cầm lấy một trong hai bàn chân nàng như thể đó là nơi anh đã vô tình bỏ qua từ lâu nay. Vừa hôn hít từng ngón chân nàng anh vừa nghĩ, như sự thừa nhận thất bại, mình đã mê say nàng rồi; đây là phần thân thể không gợi dục chút nào, nó thô tháp và là một cái gì không liên quan đến thân thể mềm mại của nàng, nhưng anh bị lôi cuốn tìm đến nó như bị bùa mê. Nhưng lần khác, khi cầm bàn chân nàng lên, anh lại nghĩ một cách đắc thắng rằng đây mới chính là rẻo đất thầm kín nhất, bí ẩn nhất của nàng chưa từng bị người đàn ông nào xâm chiếm. Đây là tình yêu mang dấu vết của riêng anh - những ngón chân của nàng lần đầu tiên được anh hôn, và những ngón chân nàng lần đầu trở thành một điểm nhạy cảm không thể thiếu đối với anh. Anh cắn nhẹ vào ngón út, đẩy nó ra xa, chăm chú nhìn nó, chợt thấy nó đẹp lạ lùng, kích thích lạ lùng. Anh xoay xở đi sâu vào nàng trong lúc úp mặt vào bàn chân nàng.
Từ đó, mỗi lần làm tình, anh tự động tìm đến những ngón chân nàng như con chim sẻ tìm tới những hạt thóc.
Nàng nói: “Gần như hàng ngày em chăm chút những ngón chân của mình, nhưng em chưa bao giờ tưởng tượng có người sẽ hôn lên đó một cách say mê và tha thiết như anh. Em thật ngu.”
Anh nói: “Không phải, theo anh, yêu đến độ nào đó thì tình yêu sẽ mặc khải cho người ta thấy những điều mới lạ.”
Và đúng như vậy, thời gian sau, anh phát hiện thấy một cái nốt ruồi nhỏ trên gáy nàng, như thể nó vừa mới mọc lên. Anh đâm mê mẩn nó.
Khúc dạo đầu trên thân thể nàng trước khi đi vào nhau, vì thế, ngày càng kéo dài ra với những vụ “khai phá” mới. Chẳng hạn, mái tóc nàng, trước đây anh vuốt ve đã thấy khoái cảm, giờ đây đó là nơi để anh vùi dụi mặt mình vào không dứt. Anh bị lôi cuốn bởi sự rối bời do mặt mũi mình gây ra trên tóc nàng. Không có cực điểm. Không biết mệt.
Một lần, khi đang mải mê hôn những ngón chân nàng anh chợt cảm thấy mình đang ở rất gần với một bí mật lớn nhất của con người. Ngay lập tức anh rời mấy ngón chân, lần tìm gót chân nàng, gót chân Achilles! Thần thoại Hy Lạp nói rằng khi Achilles mới chào đời, để thân thể hoàn toàn không bị tổn thương, người mẹ đã nhúng cả người chàng vào nước sông Styx, chỉ trừ hai gót chân, vì đó là chỗ để người mẹ nắm giữ chàng và quên không cho chúng thấm nước, vì vậy hai gót chân trở nên chỗ yếu chí tử của Achilles. Anh hôn gót Achilles của nàng và buồn cười với ý nghĩ đây chắc chắn không phải là chỗ yếu nhất của người phụ nữ, trái lại là khác.
Người đàn ông dù có hôn vào chỗ ấy suốt đêm chắc cũng không lay động được người phụ nữ. Anh nói ra điều suy nghĩ của mình. Thật không ngờ, nàng nói: “Anh lầm rồi. Khi người đàn ông cúi xuống chỗ thấp nhất trong cơ thể người phụ nữ và âu yếm nó, anh ta đã chiếm được chỗ cao nhất trong tâm hồn người phụ nữ. Em vừa mới cảm nhận được điều đó.”
9.
Họ không muốn rời nhau khi đến lúc phải rời nhau. Nàng thu xếp mọi thứ thật chậm rãi. Tiếng sột soạt của quần áo lót, những chiếc khăn, sách báo trên tay nàng trước khi được xếp vào vali nghe như tiếng than thở. Không nói gì, nàng dường như đang tập trung vào từng chi tiết của việc mình làm. Dường như đang chuẩn bị hành lý cho một cuộc đi xa, đi mãi. Và đây là lần cuối còn gần nhau, nên lần lữa. Lần lữa mà vẫn lạnh băng trên mặt. Nhưng đó là tảng băng mỏng manh nhất.
- Anh chải tóc cho em đi.
Trong im lặng anh chải tóc cho nàng. Khác hẳn với lúc vùi mặt vào tóc nàng, tóc càng rối anh càng muốn vùi dụi cho rối thêm lên, bây giờ bàn tay anh với chiếc lược nhỏ chợt như mảnh kim loại bé bỏng bị thu hút vào vùng nam châm tóc xanh của nàng. Tóc càng mượt bàn tay anh càng lướt đi lên xuống mãi trên đó đồng thời cái nhìn anh dán chặt vào đó. Và điều gì đến phải đến đối với người thám hiểm: anh thích thú tém những lọn tóc qua khỏi hai vành tai nàng, để lộ ra cặp chi tiết xinh xắn hạng nhất tỏa sáng khắp khuôn mặt. “Em có đôi tai rất đẹp.”
Lần đầu nghe anh nói điều đó nàng hoàn toàn ngạc nhiên, tưởng anh đùa. Anh giải thích bằng câu hỏi:
- Tại sao cặp chi tiết có vị trí thật quan trọng trong tổng thể khuôn mặt ấy, đặc biệt là của người nữ, lại không được quan tâm đánh giá xấu hay đẹp từ xưa nay? Em không biết đôi tai của em đẹp thật sao?
Nàng nhìn anh, buồn bã:
- Em không quan tâm đôi tai em đẹp hay xấu, nhưng em biết em được anh khám phá tất cả, từ trong ra ngoài. Thì làm sao em chịu được khi anh mở toang em ra rồi bỏ em một mình?
Anh biết nàng đang nghĩ gì, và cái gì đang xâm chiếm nàng lúc này, vì chính anh cũng đang chìm trong tình trạng đó: chỉ khi có nàng, những cảm thức về cái đẹp và sự hòa điệu mới máy động dâng lên và làm anh hưng phấn; không có nàng, anh đúng là cái xác vô hồn như người ta thường nói. Nhưng anh phải giữ cho bầu không khí bớt u ám. Anh nói vào tóc nàng:
- Anh sẽ tìm cách ra Hà Nội để gặp em.
Nàng hơi giật mình:
- Làm sao gặp nhau được ngoài ấy hả anh? Hà Nội nhỏ lắm.
- Dĩ nhiên là không như thế này được. Một chỗ nào đó bên nhau cho đỡ nhớ thôi.
- Đừng anh, như vậy tốn kém quá.
- Anh còn có thể tốn kém cho điều gì khác nữa.
- Em hiểu rồi. Nhưng không được đâu. Em biết em sẽ run rẩy thất thần suốt thời gian anh ở Hà Nội. Mọi việc sẽ rối tung lên. Và em sẽ không giấu được cảm xúc của em đâu.
- Thôi vậy. Anh nộp mình cho em đó.
- Em sẽ cố gắng vào lại sớm.
Câu nói này nhằm chặn đứng những ý nghĩ hoặc lời nói rầu rĩ của anh, chứ tuyệt nhiên nàng không hề tin mình có thể chủ động thực hiện điều mình vừa nói.
Nàng trần truồng trong suốt thời gian thu xếp tư trang. Và trong suốt thời gian đó anh như đưa trẻ nhỏ không ngớt gây rối nàng bằng cơn mưa hôn hít, vuốt ve. Đến khi không còn gì để làm nữa, khi chiếc va li đã kéo khóa, nàng mới đáp lại anh. Lần này nàng là đứa trẻ nhỏ, còn anh chìm ngập trong cơn mưa hôn hít, vuốt ve. Và hai người làm tình trong chất ngất khổ đau và hạnh phúc trộn lẫn. Một cuộc làm tình chống lại sự chia xa – anh và nàng dường như cùng cảm nhận được điều đó, và sức mạnh không biết từ đâu khi đã mê mệt mấy ngày qua chợt dậy lên đầy ắp khiến nàng nhiều lần đạt tới cực điểm mà vẫn không buông xuôi, còn anh thì say sưa với sự thức nhận bất ngờ, rằng thân thể mình đang như những đợt sóng tràn bờ không dứt.
Anh bỗng nhổm dậy:
- Lần tới em vào chúng ta đi Đà Lạt nhé?
- Dạ.
Khuôn mặt nàng chợt bừng sáng lên rồi chợt tối lại. Và anh chuồi khỏi người nàng.
10.
Nàng từ Hà Nội trở lại Sài Gòn mấy tháng sau đó. Anh đến sân bay, không cho nàng biết. Anh không nghe lời nàng dặn đừng làm việc đó. Nhưng anh không ngăn được mình muốn nhìn thấy nàng ngay khi nàng vừa đặt chân xuống Sài Gòn. Anh ngồi ở dãy cuối hàng ghế phòng chờ, giấu mặt sau một cuốn sách. Khi nàng lấy xong hành lý, đi ra, anh suýt kêu lên. Nàng gầy đi thấy rõ. Nàng mặc chiếc áo pull màu xám tro dài tay, quần đen, đeo kính màu trà, tóc xõa sau vai, những tính toán để nàng có thể lẫn giữa đám đông. Nhưng rõ ràng nàng không lường được rằng vẻ cô đơn của nàng lại làm nàng nổi bật lên giữa khung cảnh rộn rịp, ồn ã. Khi nàng đã ngồi vào taxi anh mới đứng dậy, ra bãi gửi xe gắn máy lấy xe.
Hai người đồng ý chọn một khách sạn khá hơn ở gần trung tâm thành phố. Một phòng tít trên tầng 8.
Khi cánh cửa phòng vừa khép lại, với quần áo còn nguyên trên người họ quấn lấy nhau, không nói lời nào. Anh đỡ nàng lên giường.
Anh mang đồ đạc của hai người bỏ vào cái tủ đứng. Một con gián từ trong tủ bò nhanh ra, rồi bò lên vách, đến gần ổ điện thì dừng lại như ngửi thấy sự nguy hiểm. Anh vơ lấy cái móc áo tìm cách giết nó, nhưng nó thoát khỏi sự truy đuổi của anh một cách dễ dàng, và cuối cùng nó biến mất. Vậy là nó còn đâu đó trong phòng này. Bất giác anh liên tưởng đến sự đe dọa ẩn nấp. Không hẹn nhưng hai người cùng hếch mũi lên như để ngửi mùi gì lạ trong phòng. Một mùi lạ dễ chịu. Và họ sớm nhận ra đó là mùi của thân thể nhau.
Nàng không kềm được những giọt nước mắt:
- Anh thấy em gầy không? Em ngủ không ngon từ ngày xa anh. Em thường thức giấc lúc nửa đêm.
Anh nhìn nàng, gật đầu. Anh định nói anh thậm chí thấy nàng héo hắt từ trong phòng chờ ở sân bay.
- Em không kịp mua quà gì cho anh cả. Đúng ra có một lần em vào hiệu sách ngoại văn, thấy tập thơ của Paul Celan, em mừng quá, em mua nhưng không dám mang về nhà, em để trong tủ ở cơ quan suốt mấy tháng liền không dám lấy ra đọc. Rồi quên bẵng luôn. Em hư quá phải không anh?
- Em mang cả Hà Nội vào đây rồi còn gì. Nhưng anh thì có quà cho em.
Nàng mở to mắt lên nhìn anh:
- Chứ anh không phải là cả Sài Gòn với em sao?
- Anh cứ nhốt em thế này thì sao dám nhận mình là Sài Gòn?
Anh lấy ra một gói nhỏ, ấn vào tay nàng. Nàng mở ra: những chiếc quần lót áo ngực áo ngủ màu trắng, màu đen, màu tím nhạt, màu trứng sáo. Nàng mở to mắt nhìn anh, chứa đựng cả ngàn thắc mắc trong đó. Anh yêu thế này đây hả? Đây là những tông màu ưa thích của anh? Sao anh không mua quần áo mặc ngoài cho em? Hay là hai chữ “thầm kín” đã ăn sâu vào đầu anh, thành vô thức thúc đẩy hành vi anh? Anh nói năng làm sao với mấy cô bán hàng để có thể mua được từng ấy thứ? Và mới thoáng thấy thôi em đã thích rồi, anh biết không?
Nàng ôm tất cả đi vào buồng tắm. Một lát sau nàng trở ra với hai mảnh đen bên trong chiếc áo ngủ màu trứng sáo. Anh đang ngồi ở xa lông, đọc sách, chợt ngước lên nhìn nàng chăm chăm và cảm thấy vui sướng như mình mới sáng tạo ra nàng. Dường như trong lớp áo này nàng mới thực sự là của riêng anh. Nàng đến ngồi vào lòng anh. Trong mắt anh nàng biết mình đẹp, và nàng còn đọc thấy cả ảo tưởng của anh nữa.
- Tội nghiệp hai chúng ta với cuộc trình diễn này. – Nàng nói nhỏ vào tai anh.
Chuông điện thoại reo lên làm cả hai giật mình, rời nhau ra. Mặt nàng tái xanh. Chuông reo thêm lần nữa anh mới kịp nhận ra cái điện thoại nằm ở góc nhà gần cửa vào buồng tắm, trên chiếc ghế đẩu gỗ. Anh bước nhanh tới như để ngăn chặn cái âm thanh khủng khiếp đó chứ không phải để giao tiếp với ai cả.
“Anh chị có gọi gì ăn tối không?”
Anh nhận ra giọng cô gái tiếp tân trong ống nghe. Giọng lịch sự một cách máy móc.
“ Không. À mà có, chờ tôi chút.” – anh đáp, quay lại nhìn nàng.
- Em ăn gì không?
- Em không thấy đói.
- Em ăn chút gì đi.
- Vậy anh kêu món gì có nước cho em.
Khi anh gác máy trở lại với nàng, anh ngạc nhiên thấy khuôn mặt nàng toát ra vẻ rắn rỏi, căng thẳng. Và chất chứa trong đôi mắt là một quyết tâm lạnh lùng. Anh có cảm tưởng nàng vừa thay đổi diện mạo để đóng một vai khác, trái ngược hoàn toàn với vai vừa đóng.
- Em tự hỏi, nàng nói, chúng mình sẽ chịu đựng sự hèn nhát này đến bao giờ? Chúng ta sợ đến con gián, tiếng mưa, tiếng reo điện thoại, sợ cả sự im lặng…
- Em nói đi. – Anh biết sự nhạy cảm đàn bà đang xâm chiếm nàng, nhưng hơi bất ngờ vì ngôn ngữ lạ lẫm. Thực sự anh không hiểu nàng định nói gì.
- … Em mơ hồ cảm thấy là chúng mình phải đi tới một quyết định gì đó để chấm dứt tình trạng sợ hãi thường trực này.
Anh kéo khuôn mặt nàng đến gần, luồn tay sau gáy, vạch mớ tóc lòa xòa trên cái trán dô của nàng và hôn nhẹ lên đó. Đó không phải là cái hôn đúng nghĩa, mà là một cử chỉ yêu quí lần đầu tiên anh bày tỏ với nàng. Có lẽ bản năng thúc đẩy anh làm điều đó, và nó mách bảo cho anh biết rằng nàng không chỉ là người tình mà còn là một người bạn. Một người bạn can đảm, thông minh.
- Không phải là điều gì đau lòng chứ? – Anh hỏi.
- Không. Nghe em nói này, anh và em phải sẵn sàng sống trong sự săn đuổi. Chúng ta chỉ có một mối đe dọa thôi, là sự vỡ lở. Mà điều đó không dễ dàng gì. Vậy thì chúng ta không nên lo sợ vu vơ nữa.
Anh giật mình, nhận ra tình yêu lớn lao trong nàng. Rồi anh ngậm ngùi nghĩ rằng sự chịu đựng, sự căng thẳng đã khiến tâm trí nàng trở thành tổ ấm để những ý tưởng sáng suốt được ấp ủ, lớn lên. Dẫu sao tình trạng cực đoan của hai người cuối cùng đã được nhận diện bằng một tia sáng sắc bén từ trí tuệ nàng. Đây là triết lý bi thảm hay đây thực sự là vũ khí tự vệ của hai người?
Anh bất giác gật đầu, gần như muốn thốt lên “Cái gì cũng hay cả.”
Và bỗng dưng anh thấy phấn chấn lạ lùng.
- Anh đồng ý với em. Lẽ ra anh phải nhận thấy điều đó trước. Anh cứ nghĩ rằng sự lo âu là gia vị của chúng ta, và ý nghĩ đó càng được củng cố thêm vì mỗi lần chúng ta đến với nhau thì sự lo âu tan biến dần cho đến khi niềm hoan lạc chinh phục hoàn toàn.
- Để đánh dấu sự thay đổi này, sáng sớm mai anh đưa em đến cái quán cà phê lần đầu mình cứ nấn ná khiến cô chủ quán ngáp lên ngáp xuống đó, anh nhé?
Đó là điều anh thầm ước từ lâu. Và anh thường vẽ ra trong đầu cảnh tượng hai người ngồi trong một quán cà phê nhạc lạ lẫm, không giống như bất cứ quán cà phê nào ở Sài Gòn, hình như đó là quán cà phê thuở còn là học sinh lớp mười một, khi bắt đầu mê triết học, anh thường ghé vào, ngồi ở bàn trong cùng, xin nghe ban tứ cầm Đan Mạch chơi nhạc Bach, trên tay là những trang sách sâu thẳm. Không có ai bên cạnh. Nhưng trong sâu xa dường như anh tha thiết mong cô gái dễ thương thông minh kiêu kỳ học giỏi nhất trường nữ trung học bước vào, ngồi xuống chiếc ghế còn trống. Nhưng lời đề nghị bất ngờ của nàng làm anh băn khoăn quá. Phải chăng ngọn lửa lãng mạn trong nàng đang bốc cháy lên cao có thể đốt cháy mọi thứ lo sợ hão huyền và đồng thời thiêu rụi luôn chỗ trú ẩn của hai người?
- Sao em nôn nóng vậy?
- Em đâu có nôn nóng. Em thích vậy.
- Anh cũng thích. Nhưng anh nghĩ em phải thấy một số giới hạn của chúng mình.
- Anh đừng có lý thuyết nữa, được không?
- Đó là thực tế mà em?
- Anh đã nghe kỹ chưa? Em nói mình đi vào lúc sáng sớm mà; em thấy giới hạn đó chứ.
- À, em nói sáng sớm. Em đã nghe câu nói “Nhìn vào sáng sớm để biết cả ngày tiếp sau đó diễn ra thế nào.”
- Em không hiểu.
- Sáng sớm là khởi nguồn cho mọi biến cố trong ngày.
- Anh nghĩ lẩn thẩn gì trong đầu đó?
- Thôi, mai anh sẽ đưa em đi.
- Nhưng anh phải vui thì em mới đi.
- Dĩ nhiên.
Đêm đó họ không làm tình.
11.
Sương khuya còn giăng đầy trên đường phố đèn vàng. Chiếc xích lô chở hai người đi vào một con đường cấm – đường ngược chiều. Không một bóng người. Anh chợt thấy cơn lạnh chạy dọc sống lưng. Anh từng có ý nghĩ đi vào đường cấm là đi vào chỗ chết. Một vài lần trong lúc đãng trí anh chạy xe vào đường ngược chiều - vừa kịp nhận ra mình là thằng điên thì phía trước cả đoàn xe cộ gào rú xông tới như muốn nuốt chửng lấy anh. Kinh nghiệm giáp mặt tử thần với anh là thế. Rồi mỗi khi thấy người khác vô ý chạy xe vào đường ngược chiều anh thường khựng lại và kêu ú ớ. Xe xích lô dừng lại trước quán cà phê X, quán chưa mở cửa. Anh thực sự không biết làm gì. Và nàng lại gỡ rối cho anh.
- Mình đi vài vòng quanh cái hồ này đi!
“Như là một khách du lịch.” Anh nghĩ và miễn cưỡng bước theo nàng. “Em không nhớ rằng tình yêu của hai đứa không có lấy một mảnh thiên nhiên nào làm chứng sao?” Những ý nghĩ cay đắng. Và anh giật mình khi chợt nhận ra mình muốn đứng lại, để nàng đi một mình, vì giận nàng không chia sẻ cùng anh cảm giác lo sợ bị phát giác. Họ đâu có quyền đi đứng như thế này.
- Anh nghĩ là em điên phải không? – Nàng hỏi, vòng tay ôm ngang lưng anh.
- Gần như vậy.
- Em đang điên thật đó. Anh biết vì sao không?
Anh lo lắng nhìn nàng:
- Không.
Nàng kéo anh dừng lại, nói:
- Em có cảm giác em sẽ không còn gặp anh được nữa. Chồng em đã tỏ ý nghi ngờ. Mỗi lần nhớ anh em thường vùi mặt vào chiếc gối và một lần em đang như thế thì anh ấy bước vào. Vừa kịp thấy mặt em nhòa nước mắt, anh ấy quay bước ra.
Anh lặng đi. Hai bàn chân như bị đóng đinh xuống mặt đường. Lúc ấy một người đàn ông trung niên áo pull quần short hiện ra ở đầu đường X dẫn đến hồ, anh bất giác rút tay khỏi tay nàng.
Khoảnh khắc đó nàng cũng thấy người đàn ông tập thể dục buổi sáng và liền lập tức có cảm giác cánh tay mình hụt hẫng, nó rơi thõng xuống và dường như không còn gắn với cơ thể nàng nữa. Nàng bàng hoàng cảm thấy mình bị bỏ rơi thực sự. Rồi nàng nhớ câu nói tối qua của anh: “Nhìn vào sáng sớm để biết cả ngày tiếp sau đó diễn ra thế nào.”
Dường như những ý nghĩ riêng buồn phiền thất vọng dẫn mỗi người đi mỗi nẻo dù vẫn sóng đôi. Chợt nhìn thấy cánh cửa quán cà phê mở ra, hai người vội bước về phía đó như bị nó thu hút, như đó là lối thoát cho tình trạng bối rối của cả hai.
Cô chủ quán không nhận ra hai người khách cũ đêm nào. Anh và nàng ngồi đối diện nhau. Ngẫu nhiên cả hai đều đưa tay sờ vào cái gạt tàn thuốc và hai bàn tay họ khẽ chạm nhau. Nàng bất giác nhìn anh, thấy anh tối sầm mặt, vẻ như anh không thích cái khẽ chạm đó. Họ không biết bám víu vào cái gì. Nỗi sợ hãi tha nhân tràn ngập lòng anh. Còn nàng, sự hụt hẫng đã khiến cho dường như mọi sinh lực vừa thức dậy chuẩn bị cho một ngày mới của nàng bị đầu độc.
Quán không có nhạc Bach. Nhưng anh không chú ý đến điều đó. Anh cũng không chú ý sự khác lạ đang hiện lên trên mặt nàng. Anh chỉ biết trong anh một ý muốn thoát ra khỏi nơi đây càng sớm càng tốt. Nhưng đồng thời anh ngạc nhiên sao mình lại có ý muốn đó. Một cái gì vừa đột ngột tắt lịm trong lòng anh. Ngay cả sự lo sợ lúc nãy cũng không còn. Chỉ còn sự nguội lạnh, dửng dưng.
- Anh uống gì? – Nàng hỏi, thẳng thắn nhìn anh như xoi mói, như muốn hỏi “Anh muốn gì ở em?”
- Cà phê đen. – Anh trả lời. Đó không phải là thức uống ưa thích của anh. Nàng cũng biết điều đó. Nhưng anh chỉ liếc thấy trên mặt nàng sự tỉnh bơ. – Nửa gói Dunhill xanh! – Có vẻ như nàng hơi nhíu mày khi nghe anh gọi với theo người bồi bàn. Nàng cũng biết anh đã bỏ thuốc từ ngày quen nàng vì nàng không chịu được mùi thuốc lá.
Nhưng nàng không chịu để cho anh chi phối buổi sáng nàng đã chọn lựa. Nàng lên tiếng trước:
- Một điều gì đó không liên quan đến em nhưng rất hệ trọng đối với anh, anh có thể thổ lộ với em được không?
- Tại sao lại sáng nay trong quán cà phê này, khi chúng ta vừa đi mấy vòng quanh hồ và chợt gặp một người đàn ông? Đó là bối cảnh cho điều hệ trọng của anh mà em muốn nghe?
- Không, cho điều hệ trọng của anh mà anh muốn em phải biết.
Anh có điều gì hệ trọng không? Và anh có thực muốn nói với nàng điều gì không? Anh tự hỏi. Nhưng có lẽ nàng đã nhạy bén đoán thấy sau cái vẻ mặt nặng nề của anh – chính anh cũng cảm thấy thế, chắc huyết áp anh lúc này là 16/10 – một mối đe dọa làm hỏng bét buổi sáng này và những buổi tối khác của nàng. Hay nàng cố tình chọn quán cà phê này để cuộc chia tay thật đáng nhớ và ấn tượng? Phụ nữ thường vẫn làm vậy mà.
- Anh nói đi.
- Sao em nôn nóng vậy? Nhưng anh đâu có gì để nói với em.
- Anh đừng giấu em.
- Anh có nhiều điều hệ trọng nhưng đó không phải là cái cớ biện minh cho hành vi nào hết. Chẳng hạn anh chán đời, em biết chuyện đó hệ trọng chứ, nhưng anh không thể tự tử được. Anh không tìm ra được một cái cớ đủ hệ trọng để anh tự tử. Anh thường lo sợ, và anh yếu đuối, chuyện đó cũng thật sự là vấn đề đối với một người đàn ông, nhưng đó đâu phải là cái cớ để chúng ta nắm lấy. Anh không viện cớ đó để từ chối tình yêu của em. Thì em cũng đừng viện cớ đó…
- Anh nói thực đi, anh có thực sự muốn giết một ai đó không khi anh không dám tự giết anh?
Anh trợn mắt nhìn nàng:
- Có mạch lạc không vậy em?
- Có, rất mạch lạc.
Dường như nàng đã quên chuyện hệ trọng của chính nàng và của hai người – chuyện nàng vùi đầu vào gối khóc và bị chồng bắt gặp.
- Hễ có người khách nào vào chúng ta đứng dậy em nhé? – Anh vừa nói vừa khuấy ly cà phê sữa nóng cho nàng.
- Không, anh về trước, em về sau.
Anh bỗng thấy mình muốn chết. Anh vừa tìm ra một cái cớ để có thể tự tử. Cuộc đời đẹp quá. Em tuyệt vời của anh mà anh không có.
Lê Dung cất tiếng hát Mắt Biếc của Cung Tiến :“Sớm mai vừa thức ôi vừa nhớ nhung. Nắng ôm choàng gối, ôm bờ vai nghiêng… Gió ơi đừng lắng, nắng ơi đừng lắng. Ái ân đừng xa vắng trần gian.”
Sài Gòn, những tháng mưa 2003